Kết quả bước đầu điều trị ung thư bàng quang tiến triển bằng phương pháp cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột tại bệnh viện quân y 175

KẾT LUẬN Trong thời gian từ 8/2013 đến 2/2015 chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột trên 9 bệnh nhân ung thư bàng quang tiến triển tại khoa Ngoại Tiết niệu – Bệnh viện Quân y 175 với kết quả: Các bệnh nhân nghiên cứu là nam giới tuổi trung bình 57, 63 ± 13, 25 có ung thư bàng quang giai đoạn từ T2a – T3b, độ ác tính mô học grad 2 (6/9 trường hợp) và grad 3 (3/9 trường hợp). Thời gian phẫu thuật trung bình: 6 giờ 25 phút ± 1 giờ 35 phút (5 giờ 55’ – 8 g); Thời gian rút hết dẫn lưu hố chậu trung bình: 5,24 ± 3,46 ngày (4 - 14); Ngày điều trị hậu phẫu trung bình: 23,54 ± 2,34 ngày (21 - 26). Bàng quang tân tạo hoạt động tốt trên các mặt: chứa đựng, tống xuất và bảo vệ đường tiểu trên. Bệnh nhân rất hài lòng về kết quả phẫu thuật. Tỷ lệ tai biến – biến chứng chung: 2/9 trường hợp, trong đó 1 trường hợp rò nước tiểu qua dẫn lưu kéo dài sau đó tự hết, 1 trường hợp chảy máu nhiều trong mổ (khoảng 2000 ml) do u mặt trước dạng nhiễm cứng và đã xâm lấn ra ngoài bàng quang (T3b). Kết quả chung của phẫu thuật: tốt (7/9 trường hợp), khá (2/9 trường hợp), không có kết quả xấu.

pdf7 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 09/02/2022 | Lượt xem: 40 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kết quả bước đầu điều trị ung thư bàng quang tiến triển bằng phương pháp cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột tại bệnh viện quân y 175, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 19 * Số 4 * 2015 186 KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BÀNG QUANG TIẾN TRIỂN BẰNG PHƯƠNG PHÁP CẮT BÀNG QUANG TẬN CĂN, TẠO HÌNH BÀNG QUANG BẰNG RUỘT TẠI BỆNH VIỆN QUÂN Y 175 Nguyễn Việt Cường*, Nguyễn Thành Đức*, Trương Văn Thuận*, Nguyễn Thị Hồng Oanh*, Hoàng Mạnh Hải*, Đỗ Trung Nam*, Nguyễn Văn Khẩn*, Hoàng Trọng Nghĩa* TÓM TẮT Mục tiêu: Đánh giá kết quả bước đầu phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột điều trị ung thư bàng quang tiến triển. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Tiến cứu, mô tả cắt ngang các bệnh nhân ung thư bàng quang tiến triển được phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang trực vị bằng hồi tràng tại khoa Ngoại Tiết niệu – Bệnh viện Quân y 175 từ 8/2013 – 2/2015. Kết quả: 9 bệnh nhân nam tuổi trung bình 57,63 ± 13,65 (45 – 73) ung thư bàng quang tiến triển giai đoạn T2a – T3b, độ ác tính mô học Grade 2 (6/9) và Grade 3 (3/9). Thời gian phẫu thuật trung bình: 6g25 phút ± 1g35 phút (5g55 phút – 8 giờ); thời gian rút dẫn lưu trung bình: 5,24 ± 3,46 ngày (4 – 14); ngày điều trị hậu phẫu trung bình: 23,54 ± 2,34 ngày (21 – 26). Cả 9 trường hợp bàng quang mới đều hoạt động tốt và bệnh nhân rất hài lòng về kết quả phẫu thuật. Tai biến, biến chứng: 2/9 trường hợp có tai biến, biến chứng nhẹ không phải can thiệp lại (Chảy máu nhiều: 1/9 trường hợp; Rò nước tiểu qua dẫn lưu: 1/9 trường hợp). Đánh giá kết quả chung: tốt (7/9); khá (2/9); kém (0/9). Kết luận: Phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang trực vị bằng hồi tràng điều trị ung thư bàng quang tiến triển tại Bệnh viện Quân y 175 bước đầu cho kết quả tốt. Bàng quang mới hoạt động tốt cả về chức năng chứa đựng, tống xuất và bảo vệ đường tiểu trên. Từ khóa: tạo hình bàng quang bằng ruột ABSTRACT INITIAL OUTCOME IN TREATING ADVANCED BLADDER CANCER BY RADICAL CYSTECTOMY AND ILEAL NEOBLADDER RECONSTRUCTION AT MILITARY HOSPITAL 175 Nguyen Viet Cuong, Nguyen Thanh Duc, Truong Van Thuan, Nguyen Thi Hong Oanh, Hoang Manh Hai, Do Trung Nam, Nguyen Van Khan, Hoang Trong Nghia. * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 19 - No 4 - 2015: 186 - 192 Objectives: Evaluate the initial results of radical cystectomy and ileal neobladder reconstruction in treating advanced bladder cancer. Materials and methods: Prospective, cross – sectional descriptive studying patients having advanced bladder cancer, who underwent radical cystectomy and ileal neobladder reconstruction at Military Hospital 175 from 8/2013 to 2/2015. Results: 9 male patients, mean age: 57.63 ± 13.65 (45 – 73), suffering from advanced bladder cancer (T2a – T3b), grade 2 (6/9) and grade 3 (3/9). Mean operation time: 6h25’ ± 1h35’ (5h55’ – 8g); Mean time of withdrawal drains: 5.24 ± 3.46 days (4 – 14); Mean postoperative hospital stay: 23.54 ± 2.34 days (21-26). All patients have good function of neobladder and satisfied with the outcomes of the operation. Accidents – Complications: severe hemorrhage (1/9 case); refractory extravasation through drainage (1/9 case). Overall result: excellent (7/9); * Bệnh viện 175 Tác giả liên lạc: TS.BS. Nguyễn Việt Cường ĐT: 0903704056 Email: cuongnguyen175@yahoo.com.vn Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 19 * Số 4 * 2015 Nghiên cứu Y học 187 mediate (2/9); bad (0/9). Conclusions: the initial results of radical cystectomy and ileal neobladder reconstruction in treating advanced bladder cancer at Military Hospital 175 is good. All neobladder have good function about capacity, expulsion, and upper urinary tract protection. Key words: ileal neobladder reconstruction ĐẶT VẤN ĐỀ Ung thư bàng quang (UTBQ) là một bệnh thường gặp, đứng hàng thứ 2 trong các bệnh lý ung thư đường niệu sau ung thư tuyến tiền liệt, nam gặp nhiều hơn nữ với tỉ lệ 3,8:1(5). Phẫu thuật cắt bàng quang tận căn (tận gốc) bao gồm bàng quang, tuyến tiền liệt và túi tinh ở nam hoặc tử cung và phần phụ ở nữ được coi là phương pháp điều trị chuẩn cho những trường hợp UTBQ tế bào chuyển tiếp đã xâm lấn lớp cơ (UTBQ tiến triển) hoặc có nguy cơ tiến triển cao(8). Phẫu thuật để chuyển lưu nước tiểu là một bước kế tiếp bắt buộc sau cắt bàng quang tận căn. Các phương pháp chuyển lưu nước tiểu có thể là chuyển lưu không kiểm soát (đưa 2 niệu quản ra da, chuyến lưu nước tiểu ra da qua đoạn hồi tràng), có kiểm soát một phần (nối 2 niệu quản vào đại tràng sigma hoặc trực tràng) và chuyển lưu nước tiểu có kiểm soát bằng cách tạo hình bàng quang tân tạo đúng vị trí (bàng quang trực vị). Việc lựa chọn phương pháp chuyển lưu phụ thuộc nhiều yếu tố: giai đoạn bệnh, vị trí u, tổng trạng chung của bệnh nhân, năng lực của cơ sở y tế Trong điều kiện cho phép, tạo hình bàng quang trực vị là phương pháp điều trị mang lại chất lượng sống tốt nhất cho người bệnh(2). Tại khoa Ngoại Tiết niệu – Bệnh viện Quân y 175, chúng tôi đã triển khai kỹ thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột từ tháng 8/2013. Để góp phần phát triển và triển khai kỹ thuật một cách thường qui, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài trên với mục tiêu: Đánh giá kết quả bước đầu phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột điều trị ung thư bàng quang tiến triển. ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Đối tượng Gồm các bệnh nhân (BN) UTBQ được phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang trực vị tại khoa tiết niệu bệnh viện 175- bộ Quốc phòng từ tháng 8 năm 2013 đến tháng 2 năm 2015. Các bệnh nhân được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm thường qui đánh giá tổng trạng chung, siêu âm, chụp CT. Scan hệ niệu, nội soi sinh thiết u chẩn đoán xác định UTBQ và đánh giá giai đoạn bệnh trước phẫu thuật. Chỉ định - UTBQ xâm lấn lớp cơ nhưng chưa có biểu hiện xâm lấn ra ngoài bàng quang (T2a đến T3b). - UTBQ chưa xâm lấn đến lớp cơ nhưng có nguy cơ tiến triển cao: mô học độ ác tính cao (grad 3), nhiều vị trí, tái phát nhiều lần, ung thư bàng quang dạng nhiễm cứng (in situ), thất bại với điều trị hỗ trợ chống tái phát (hóa liệu pháp và/ hoặc miễn dịch liệu pháp). Chống chỉ định - UTBQ giai đoạn muộn đã xâm lấn ra ngoài bàng quang (T4a, T4b), có di căn hạch và/ hoặc di căn xa (N1, M1). - UTBQ mà khối u nằm ở vùng cổ bàng quang hoặc niệu đạo tiền liệt tuyến. - BN già yếu, nhiều bệnh kết hợp, tổng trạng không cho phép tiến hành phẫu thuật. Phương pháp nghiên cứu Thiết kế nghiên cứu Tiến cứu có can thiệp, mô tả cắt ngang hàng loạt ca. Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 19 * Số 4 * 2015 188 Các chỉ tiêu nghiên cứu * Đặc điểm BN: Tuổi, giới, một số triệu chứng lâm sàng, tiền sử phẫu thuật và điều trị hỗ trợ chống tái phát, bệnh kết hợp. * Đặc điểm u: Vị trí, số lượng, kích thước, giai đoạn và độ ác tính mô học. * Đặc điểm hệ niệu phía trên u: Mức độ ứ nước của thận và niệu quản, chức năng thận. * Kết quả phẫu thuật: - Thời gian phẫu thuật, những khó khăn khi tiến hành phẫu thuật, tai biến gặp phải, nguyên nhân và cách khắc phục. - Thống kê ngày điều trị hậu phẫu, thời gian rút các dẫn lưu, các biến chứng sớm sau phẫu thuật. - Kết quả theo dõi sau phẫu thuật: tình trạng tái phát u tại chỗ hoặc di căn, nước tiểu tồn lưu, các biến chứng xa, mức độ hài lòng của người bệnh. Kết quả chung của phẫu thuật được đánh giá theo 3 mức Tốt: phẫu thuật tiến hành thuận lợi, hậu phẫu diễn biến ổn định, không có tai biến – biến chứng, bàng quang tân tạo hoạt động tốt, người bệnh hài lòng. Khá: phẫu thuật có tai biến – biến chứng nhưng không lớn, không phải can thiệp lại, bàng quang tân tạo hoạt động tốt, người bệnh hài lòng. Kém: phẫu thuật có tai biến – biến chứng nặng phải can thiệp lại, bàng quang tân tạo không hoạt động phải chuyển lưu nước tiểu ra da, người bệnh không hài lòng. Kỹ thuật mổ và phương pháp vô cảm Chuẩn bị trước mổ và vô cảm - Bệnh nhân được làm các xét nghiệm tiền phẫu và chẩn đoán xác định, đánh giá giai đoạn bệnh: chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ vùng bụng – chậu, nội soi sinh thiết - Chuẩn bị ruột trước mổ: uống kháng sinh đường ruột trước mổ 5 ngày, sử dụng thuốc làm sạch ruột (Fortrans, Fleet Phosphosoda) trước mổ 3 ngày. - Tư vấn kỹ về những ưu điểm và các tai biến, biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật. - Vô cảm trong mổ bằng gây mê nội khí quản. Kỹ thuật - BN nằm ngửa, sát trùng rộng vùng mổ và đặt thông tiểu trong mổ. Rạch da đường trắng giữa dưới rốn tới sát xương mu, bộc lộ mặt trước bàng quang và đáng giá sơ bộ mức độ xâm lấn của u thông qua mức độ di động của bàng quang. - Tiến hành bóc tách và cắt bàng quang tận căn theo kiểu ngược dòng hoặc xuôi dòng. Kiểm tra cầm máu kỹ vùng hố chậu, khâu các mối chỉ Vicryl 3/0 chờ quanh mỏm cắt niệu đạo tại các vị trí 11h, 1h, 3h, 5h, 7h và 9h. - Nạo vét hạch chậu 2 bên. - Cô lập một đoạn hồi tràng khoảng 60 cm có cuống mạch nuôi, nối ruột tận – tận. Sử dụng đoạn hồi tràng mới cô lập tạo hình bàng quang mới kiểu Hautmann – Studer. - Cắm 2 niệu quản vào bàng quang mới kiểu trực tiếp trên nòng dây hút đờm 8F, đưa 2 đầu qua bầng quang mới ra ngoài. Nối bàng quang tân tạo với mỏm niệu đạo, mở bàng quang tân tạo ra da và đặt thông tiểu lưu. - Đặt dẫn lưu hố chậu 2 bên, đóng bụng 2 lớp. Chăm sóc hậu phẫu - BN được nuôi dưỡng tốt bằng đường tĩnh mạch và đường ăn khi đã trung tiện. - Theo dõi sát tình trạng chảy máu, nhiễm khuẩn, lưu thông ruột và xì rò nước tiểu. - Theo dõi và chăm sóc các ống dẫn lưu: 72 giờ sau mổ bơm rửa bàng quang mới mỗi ngày, rút các ống dẫn lưu hố chậu sau khi hết dịch 24 giờ, rút nòng niệu quản 10 – 12 ngày sau mổ, rút thông tiểu lưu sau mổ 2 tuần và rút dẫn lưu bàng quang trên xương mu sau mổ 3 tuần. Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 19 * Số 4 * 2015 Nghiên cứu Y học 189 Hình 1. Kỹ thuật mổ. Nguồn: trích theo Đào Quang Oánh(1) - BN được tái khám theo hẹn sau 1 tháng, hóa trị bằng phác đồ kết hợp Gemcitabine và Cisplatin, sau đó hẹn tái khám mỗi 3 tháng: khám lâm sàng, siêu âm, chụp CT. Scan hoặc PET/CT. Scan theo dõi tình trạng tái phát u. Xử lí số liệu Các số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0. KẾT QUẢ Đặc điểm bệnh nhân - Tuổi trung bình: 57, 63 ± 13, 25 (nhỏ nhất: 45; lớn nhất: 73). - Giới: 9/9 BN là nam. - Lý do nhập viện do tiểu máu: 9/9 BN. - Tiền sử can thiệp phẫu thuật: mổ mở cắt u: 1/9 BN; nội soi cắt u nhiều lần và hóa trị: 1/9 BN. Bảng 1: Giai đoạn phát triển của u Giai đoạn u Số BN Tỉ lệ (%) T2a 1 11,1 T2b 2 22,2 T3a 3 33,3 T3b 3 33,3 Cộng 9 100 Nhận xét: Đa số BN đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn T3a, T3b (66,6%). - Độ mô học: grad 2: 6/9 BN; grad 3: 3/9 BN. - Di căn hạch chậu: 1/9 BN phát hiện có hạch chậu trong mổ và kết quả giải phẫu bệnh xác nhận ung thư di căn. - Chức năng thận và mức độ ứ nước: 9/9 BN chức năng thận tốt trên UIV; 2/9 BN thận ứ nước 1 bên. Kết quả phẫu thuật * Thời gian phẫu thuật trung bình: 6 giờ 25 phút ± 1 giờ 35 phút; dài nhất: 8 giờ; ngắn nhất: 5 giờ 55 phút. * Thời gian rút hết dẫn lưu hố chậu trung bình: 5,24 ± 3,46 ngày; ngắn nhất: 4 ngày; dài nhất: 14 ngày. * Ngày điều trị hậu phẫu trung bình: 23,54 ± 2,34 ngày; ngắn nhất: 21 ngày; dài nhất: 26 ngày. * Tai biến, biến chứng: - Chảy máu nhiều trong mổ: 1/9 trường hợp. - Xì rò nước tiểu qua dẫn lưu kéo dài: 1/9 trường hợp. * Chức năng bàng quang tân tạo: thời gian theo dõi dài nhất 18 tháng, ngắn nhất 3 tháng kết quả chưa có BN nào tái phát ung thư, chức năng bàng quang tân tạo trên các mặt như sau: - Dung tích bàng quang tân tạo sau 3 tháng: 9/9 BN có dung tích bàng quang tân tạo trên 300 ml. - Nước tiểu tồn lưu < 50 ml: 8/9 TH; 50 – 100 ml: 1/9 TH. - Thời gian giữa 2 lần đi tiểu > 2 giờ: 9/9 TH. - Khả năng kiểm soát nước tiểu: 9/9 BN đều có khả năng kiểm soát tốt cả ngày và đêm sau 3 Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 19 * Số 4 * 2015 190 tháng phẫu thuật. - Khả năng bảo vệ đường tiểu trên: 9/9 BN đều có chức năng thận tốt trên UIV hoặc CT. Scan, không có hiện tường trào ngược bàng quang – niệu quản. 2/9 BN ứ nước thận một bên trước mổ hết ứ nước sau 3 tháng. - Sự hài lòng của người bệnh: 9/9 BN đề rất hài lòng về hoạt động của bàng quang tân tạo. * Kết quả chung của phẫu thuật: Bảng 2: Kết quả chung của phẫu thuật Kết quả chung Số BN Tỉ lệ (%) Tốt 7 77,8 Khá 2 22,2 Kém 0 0 Cộng 9 100 Nhận xét: 9/9 BN đều có kết quả phẫu thuật tốt hoặc khá tốt. BÀN LUẬN Đặc điểm bệnh nhân Các BN trong nghiên cứu của chúng tôi có tuổi trung bình 57, 63 ± 13, 25 (nhỏ nhất: 45; lớn nhất: 73), toàn bộ là nam giới và đến nhập viện với lý do tiểu máu. Phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột không được khuyến khích tiến hành trên những bệnh nhân già yếu (> 70 tuổi), nhiều bệnh kết hợp vì đây là phẫu thuật rất phức tạp, thời gian mổ và điều trị hậu phẫu kéo dài, nhiều tai biến – biến chứng. Tuy nhiên, một số tác giả như Lee (2004), Soulie (2002) vẫn chủ trương cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột trên những bệnh nhân khó: tuổi trên 70, đã xạ trị, tiền sử cắt bàng quang bán phần(4,6). Trong nghiên cứu của chúng tôi có 1 BN 73 tuổi nhưng tổng trạng còn tốt, các bệnh kết hợp trong tầm kiểm soát nên chúng tôi vẫn tiến hành phẫu thuật. Trong nghiên cứu của Đào Quang Oánh (2008), tuổi trung bình 57,43 ± 12,98 (22 – 79) (1). Đa số các bệnh nhân (8/9 trường hợp) đến nhập viện trong giai đoạn bệnh đã tiến triển và được chỉ định cắt bàng quang tận căn ngay trong lần đầu nhập viện sau khi có kết quả nội soi cắt u sinh thiết. Trường hợp còn lại nhập viện khi UTBQ chưa xâm lấn lớp cơ, cắt u nội soi 3 lần, hóa trị liệu bằng bơm Mitomycin C vào bàng quang nhưng ung thư vẫn tiến triển xâm lấn lớp cơ nên phải chỉ định cắt bàng quang tận căn. Các BN trong nghiên cứu của chúng tôi đều có độ ác tính mô học grad 2 (6/9 BN) hoặc grad 3 (3/9 BN). Bệnh nhân UTBQ ở Việt Nam thường đến viện trong giai đoạn trễ của bệnh do không có điều kiện khám sức khỏa định kỳ, ý thức về việc cần phát hiện bệnh sớm chưa cao. Chúng tôi có một BN chỉ được phát hiện đã di căn hạch chậu trong lúc mổ, các xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh trước mổ không phát hiện được. Bệnh nhân sau mổ được theo dõi sát, chỉ định hóa trị sớm và kết quả kiểm tra sau 3 tháng không thấy dấu hiệu tái phát và di căn ung thư. Kết quả phẫu thuật Phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột điều trị UTBQ tiến triển là một phẫu thuật lớn, thời gian phẫu thuật kéo dài, chăm sóc hậu phẫu phức tạp và nhiều nguy cơ xảy ra tai biến, biến chứng. Các tai biến, biến chứng có thể gặp bao gồm: chảy máu trong và sau mổ, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, áp xe tồn lưu, tắc ruột sớm hoặc muộn, xì rò nước tiểu (miệng nối không kín, bàng quang tân tạo bị hở, dinh dưỡng không đảm bảo hoặc tắc các ống dẫn lưu), hẹp miệng niệu quản, hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, tiểu không kiểm soát (5 - 10%), rối loạn cương dương (20 – 50%), trào ngược bàng quang – niệu quản Bảng 3: Tỷ lệ tai biến, biến chứng của một số tác giả(1) Tác giả Số BN Tử vong BC sớm BC muộn Mổ lại Ramon 93 1,1% 7,5% 17,2% 3,2% Studer 100 0% 15,7% Skinner 126 1,6% 11,1% 2,4% 3,9% Meyer 104 0% 23% 13,5% 9,6% Steven 166 0% 23,5% 37,4% 4,2% Campos- Fernandes 87 4,6% 30,1% 33,6% Sevin 124 5% 34% 20,6% 14% Đào Quang Oánh 113 0,88% 16,81% 11,5% 2,65% Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 19 * Số 4 * 2015 Nghiên cứu Y học 191 Trong nghiên cứu của chúng tôi thời gian phẫu thuật trung bình: 6 giờ 25 phút ± 1 giờ 35 phút (5 giờ 55 phút – 8 giờ); Thời gian rút hết dẫn lưu hố chậu trung bình: 5,24 ± 3,46 ngày (4 - 14); Ngày điều trị hậu phẫu trung bình: 23,54 ± 2,34 ngày (21 - 26). Bàng quang tân tạo hoạt động tốt trên các mặt: chứa đựng (9/9 trường hợp dung tích bàng quang > 300 ml; thời gian giữa 2 lần đi tiểu > 2 giờ), tống xuất (8/9 trường hợp nước tiểu tồn lưu < 50 ml; không có BN tiểu không kiểm soát), bảo vệ đường tiểu trên (thận hết ứ nước sau mổ và không có trào ngược bàng quang – niệu quản), bệnh nhân rất hài lòng về kết quả phẫu thuật. Chúng tôi chưa gặp các tai biến, biến chứng lớn cần phải can thiệp lại, 1 trường hợp rò nước tiểu qua dẫn lưu kéo dài 14 ngày nhưng sau đó tự hết, 1 trường hợp chảy máu nhiều trong mổ (khoảng 2000 ml) do u mặt trước dạng nhiễm cứng và đã xâm lấn ra ngoài bàng quang (T3b). Đánh giá chung kết quả phẫu thuật: 7/9 trường hợp kết quả tốt, 2/9 trường hợp kết quả khá. Đào Quang Oánh (2008) nghiên cứu cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang trực vị trên 84 BN tại bệnh viện Bình Dân với thời gian mổ trung bình 5 giờ 55 phút, ngày điều trị hậu phẫu trung bình 18,3 ngày cho kết quả: tử vong (1/84); tốt (72/83); tiểu không kiểm soát về đêm sau 3 tháng (24/83), sau 6 tháng (5/83); tiểu không kiểm soát cả ngày lẫn đêm (1/83)(1). Le Duc và Camey (1987) cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang trực vị 84 BN, kết quả: tử vong 4/84 trường hợp; tỷ lệ kiểm soát nước tiểu ban ngày khoảng 90%; lượng máu mất trung bình khoảng 2500 ml; thời gian mổ trung bình 9 giờ. Năm 1990, Hautmann và cộng sự nghiên cứu thực hiện kỹ thuật trên 113 BN, không có BN tử vong, tỷ lệ kiểm soát được nước tiểu 82,1%; 13/113 BN phải can thiệp lại chủ yếu do hẹp cổ bàng quang(2). KẾT LUẬN Trong thời gian từ 8/2013 đến 2/2015 chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật cắt bàng quang tận căn, tạo hình bàng quang bằng ruột trên 9 bệnh nhân ung thư bàng quang tiến triển tại khoa Ngoại Tiết niệu – Bệnh viện Quân y 175 với kết quả: Các bệnh nhân nghiên cứu là nam giới tuổi trung bình 57, 63 ± 13, 25 có ung thư bàng quang giai đoạn từ T2a – T3b, độ ác tính mô học grad 2 (6/9 trường hợp) và grad 3 (3/9 trường hợp). Thời gian phẫu thuật trung bình: 6 giờ 25 phút ± 1 giờ 35 phút (5 giờ 55’ – 8 g); Thời gian rút hết dẫn lưu hố chậu trung bình: 5,24 ± 3,46 ngày (4 - 14); Ngày điều trị hậu phẫu trung bình: 23,54 ± 2,34 ngày (21 - 26). Bàng quang tân tạo hoạt động tốt trên các mặt: chứa đựng, tống xuất và bảo vệ đường tiểu trên. Bệnh nhân rất hài lòng về kết quả phẫu thuật. Tỷ lệ tai biến – biến chứng chung: 2/9 trường hợp, trong đó 1 trường hợp rò nước tiểu qua dẫn lưu kéo dài sau đó tự hết, 1 trường hợp chảy máu nhiều trong mổ (khoảng 2000 ml) do u mặt trước dạng nhiễm cứng và đã xâm lấn ra ngoài bàng quang (T3b). Kết quả chung của phẫu thuật: tốt (7/9 trường hợp), khá (2/9 trường hợp), không có kết quả xấu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Quang Oánh (2008), Khảo sát kết quả phẫu thuật tạo hình bàng quang thay thế bằng ruột, Luận án tiến sĩ y học, Đại học Y – Dược TP. Hồ Chí Minh. 2. Hautmann RE. (2004), Ileal neobladder, Glenn’s Urologic Surgery, 6th edition, 82, pp. 638 – 647. 3. Hoàng Văn Tùng, Trần Ngọc Khánh và CS (2012), Điều trị ung thư sâu bàng quang bằng phẫu thuật cắt bàng quang để lại một phần tiền liệt tuyến và tạo hình bàng quang từ đoạn hồi tràng: kết quả sớm về mặt ung thư và chức năng bàng quang trên 55 trường hợp, Y học TP. Hồ Chí Minh, 16 (3), tr. 387 – 393. Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 19 * Số 4 * 2015 192 4. Lee CT., Hafez KS. (2004), Orthotopic bladder substitution in women: non traditional applications, J. Urol. (171), pp. 1585 – 1588. 5. Samir S. Taneja (2013), Diagnosis, evaluation, and treatment of non – muscle invasive bladder cancer, Urologic clinics of north america, Volume 40 (2), pp. 155 – 316. 6. Soulie M., Straub M. (2002), A multicenter study of the morbidity of radical cystectomy in select elderly patients with bladder cancer, J. Urol. (167), pp. 1325 – 1329. 7. Studer E. U. (2006), Twenty years experience with an ileal orthotopic low pressure bladder subtitute – lesson to be learned, The Journal of Urology, pp. 161 – 166. 8. Vũ Lê Chuyên, Nguyễn Tiến Đệ và CS (2013), Tạo hình bàng quang tân tạo trong nội soi ổ bụng cắt bàng quang tận gốc, Hội thảo chuyên đề phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột, tr. 28 – 43. Ngày nhận bài báo: 10/05/2015 Ngày phản biện nhận xét bài báo: 01/06/2015 Ngày bài báo được đăng: 05/08/2015

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfket_qua_buoc_dau_dieu_tri_ung_thu_bang_quang_tien_trien_bang.pdf
Tài liệu liên quan