Khoan dung thuật ngữ và sự vận động của nó trong lịch sử triết học phương tây

Bài viết đề cập đến vấn đề khoan dung trên hai khía cạnh: thuật ngữ và sự vận động của tư tưởng khoan dung trong lịch sử triết học phương Tây. Sự vận động này chịu sự quy định của các điều kiện xã hội - lịch sử. Xem xét lịch sử vận động, phát triển của tư tưởng khoan dung trong triết học phương Tây, tác giả chỉ ra những nội dung cơ bản và phạm vi thể hiện nổi trội của tư tưởng này cũng như những hạn chế trong cách hiểu về khoan dung trong lịch sử; đồng thời, khẳng định giá trị trong quan niệm về khoan dung qua Tuyên ngôn những nguyên lý về khoan dung của UNESCO. Nhân loại đang ra sức phấn đấu để có cuộc sống sung túc về kinh tế, lành mạnh về văn hoá và tinh thần cũng như có một nền hoà bình bền vững trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có không ít những sự đe dọa ước vọng cao đẹp và chính đáng ấy của con người. Đó có thể là những mâu thuẫn, xung đột về văn hoá, về chủng tộc, về dân tộc, về xã hội, về tôn giáo và về kinh tế đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, tự cho mình là nước có nền văn minh tiên tiến hơn, các nước có sức mạnh về kinh tế đang muốn áp đặt lối sống và văn hoá của họ lên các cộng đồng và các dân tộc khác. Ngược lại với xu hướng đó, xu hướng chống lại sự áp đặt văn hoá cũng đang diễn ra quyết liệt nhằm bảo vệ bản sắc văn hoá riêng của nhiều cộng đồng và dân tộc. Tổ chức UNESCO đã đề ra thập niên văn hoá hoà bình (2001 – 2010) như hình thức chung sống văn minh nhất của thời đại ngày nay, văn hoá của hiện tại và tương lai, trong đó, khoan dung là điều kiện tiên quyết và đã phát động Năm quốc tế về khoan dung (The United Nations Years for Tolerance) từ năm 1995 mở đầu cho tiến trình hướng đến mục đích trên. Sự khoan dung không chỉ là việc nắm lấy những nguyên tắc sống cơ bản, mà còn là điều kiện cho hoà bình, cho phát triển kinh tế và sự tiến bộ của xã hội. Mục đích của Lời kêu gọi khoan dung do Tổng Giám đốc UNESCO, ông Federico Mayor, nêu ra trước hết là làm cho sự khoan dung ăn sâu không những trong tâm trí của mọi người như một thái độ ứng xử, mà cả trong những cách bố trí của sự vận hành xã hội và chính trị chi phối và tạo dựng những mối quan hệ giữa con người với con người.

pdf12 trang | Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 1803 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khoan dung thuật ngữ và sự vận động của nó trong lịch sử triết học phương tây, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KHOAN DUNG THUẬT NGỮ VÀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA NÓ TRONG LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI (*) Bài viết đề cập đến vấn đề khoan dung trên hai khía cạnh: thuật ngữ và sự vận động của tư tưởng khoan dung trong lịch sử triết học phương Tây. Sự vận động này chịu sự quy định của các điều kiện xã hội - lịch sử. Xem xét lịch sử vận động, phát triển của tư tưởng khoan dung trong triết học phương Tây, tác giả chỉ ra những nội dung cơ bản và phạm vi thể hiện nổi trội của tư tưởng này cũng như những hạn chế trong cách hiểu về khoan dung trong lịch sử; đồng thời, khẳng định giá trị trong quan niệm về khoan dung qua Tuyên ngôn những nguyên lý về khoan dung của UNESCO. Nhân loại đang ra sức phấn đấu để có cuộc sống sung túc về kinh tế, lành mạnh về văn hoá và tinh thần cũng như có một nền hoà bình bền vững trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có không ít những sự đe dọa ước vọng cao đẹp và chính đáng ấy của con người. Đó có thể là những mâu thuẫn, xung đột về văn hoá, về chủng tộc, về dân tộc, về xã hội, về tôn giáo và về kinh tế đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, tự cho mình là nước có nền văn minh tiên tiến hơn, các nước có sức mạnh về kinh tế đang muốn áp đặt lối sống và văn hoá của họ lên các cộng đồng và các dân tộc khác. Ngược lại với xu hướng đó, xu hướng chống lại sự áp đặt văn hoá cũng đang diễn ra quyết liệt nhằm bảo vệ bản sắc văn hoá riêng của nhiều cộng đồng và dân tộc. Tổ chức UNESCO đã đề ra thập niên văn hoá hoà bình (2001 – 2010) như hình thức chung sống văn minh nhất của thời đại ngày nay, văn hoá của hiện tại và tương lai, trong đó, khoan dung là điều kiện tiên quyết và đã phát động Năm quốc tế về khoan dung (The United Nations Years for Tolerance) từ năm 1995 mở đầu cho tiến trình hướng đến mục đích trên. Sự khoan dung không chỉ là việc nắm lấy những nguyên tắc sống cơ bản, mà còn là điều kiện cho hoà bình, cho phát triển kinh tế và sự tiến bộ của xã hội. Mục đích của Lời kêu gọi khoan dung do Tổng Giám đốc UNESCO, ông Federico Mayor, nêu ra trước hết là làm cho sự khoan dung ăn sâu không những trong tâm trí của mọi người như một thái độ ứng xử, mà cả trong những cách bố trí của sự vận hành xã hội và chính trị chi phối và tạo dựng những mối quan hệ giữa con người với con người. Phương châm Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong xu hướng chung của thời đại. Để thực hiện được phương châm này, Việt Nam không những biết lắng nghe, chấp nhận sự khác biệt với mình để hoà nhập, mà còn nhận thức rõ đó là cách tốt nhất để bảo vệ nền văn hoá của chính mình. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta chủ trương thực hiện một “chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực”(1). Điều này thể hiện rõ sự kế thừa tinh thần khoan dung trong văn hoá Việt Nam. Một thời, khoan dung được hiểu là thái độ, cách ứng xử có liên quan đến các tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, nó được mở rộng ra cả lĩnh vực triết học, chính trị, v.v.. Về mặt triết học, thuật ngữ khoan dung được sử dụng trực tiếp và khá rõ ràng vào các thế kỷ XVI và XVII. Ngày nay, khái niệm khoan dung được hiểu rộng hơn nhiều so với các thế kỷ trước và giữ vị trí nổi bật trong văn hoá nhân loại. Một trong những khác biệt trong cách hiểu về khoan dung là ở chỗ, ngày nay, khoan dung bao hàm ý nghĩa là một sự đối thoại ngay cả với những người có tín ngưỡng, có niềm tin trái ngược nhau. Có thể nói rằng, nội dung cơ bản của khái niệm khoan dung là biết đánh giá, tiếp nhận những giá trị nhân bản của các nền văn hoá khác để làm giàu cho bản sắc văn hoá của mình. Nhưng, để hiểu rõ nội hàm của khoan dung, cần phải nghiên cứu nó từ nhiều góc độ khác nhau. Khoan dung là một thuật ngữ có trong nhiều ngôn ngữ và có sự khác nhau nhất định khi sử dụng. Trong tiếng Việt, khái niệm này đã có từ lâu, nhưng chỉ mới được sử dụng một cách phổ biến từ những năm 90 của thế kỷ trước. Do đó, việc sử dụng một thuật ngữ với nội hàm chưa được xác định thống nhất trong điều kiện mới đã gây ra những khó khăn nhất định. Khoan dung, trong tiếng Anh, là tolerance, tolerant, tolerate và toleration; trong tiếng Pháp là tolérance, tolérant, tolérer và bắt nguồn từ tiếng Latinh là tolerare và tolerantia. Theo các từ điển dịch sang tiếng Việt, những từ đó đều được dịch là khoan dung, mặc dù ở những loại từ khác nhau. Riêng trong tiếng Nga, khoan dung có hai từ đều được sử dụng giống nhau. ềồðùốỡợủũỹ có nghĩa là khoan dung và là từ thuần Nga, từ thứ hai có gốc xuất phát từ tiếng Latinh là ềợởồðàớũớợủũỹ cũng được giải nghĩa là khoan dung. Qua đó, có thể thấy rằng, dịch từ nguyên bản tiếng Latinh, tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Nga sang tiếng Việt, tolerance, khi xem xét về mặt thuật ngữ, được dịch là khoan dung. Tuy nhiên, trong Hán ngữ, hai từ gần nghĩa và được sử dụng giống như tolerance là khoan dung và bao dung. Chính vì vậy, khi thuật ngữ này được dịch sang tiếng Việt thông qua Hán ngữ, tolerance được biểu đạt bằng nhiều từ khác nhau, như bao dung, độ lượng, khoan dung. Có người cho rằng, những cách biểu đạt khác nhau đó thể hiện những mức độ khác nhau; rằng, bao dung và khoan dung là hai dạng quan hệ gần nhau, không giống nhau nhưng đều chỉ tình thương yêu giữa con người với nhau. Bao dung mang ý nghĩa bao quát nhất, bao hàm trong nó cả khoan dung, độ lượng. Cũng có người cho rằng, chỉ có sự khác nhau trong thuật ngữ sử dụng, còn ý nghĩa của chúng đều như nhau. Khái niệm này thuộc về phạm trù đạo đức, là một giá trị và là một đức tính của con người. Trong Hán Việt từ điển giản yếu(2), học giả Đào Duy Anh giải thích bao dung là người có đại độ, tức là độ lượng rộng lớn; khoan dung là sự rộng rãi dung được nhiều, độ lượng rộng, khoan dung là lòng rộng bao dung. Như vậy, ở đây, hai thuật ngữ này chỉ đối tượng khác nhau. Theo Phan Văn Các trong Từ điển Hán Việt(3), bao dung không phải là một danh từ, mà là tính từ với nghĩa có độ lượng lớn, rộng lượng, cũng tức là bao bọc, rộng rãi. Trong khi đó, khoan dung là một động từ được giải thích là rộng rãi bao dung, rộng lòng tha thứ. Ví dụ như khoan dung cho kẻ biết hối lỗi. Khoan là một trong những đức tính của người quân tử (khoan, tín, mẫn, huệ) mà đạo Khổng quy định, do đó, khoan dung được sử dụng như đức tính của người quân tử, của kẻ mạnh. Từ đó có thể hiểu rằng, bao dung có nghĩa rộng hơn khoan dung và cũng không chỉ đối với kẻ yếu. Học giả Bửu Kế trong Từ điển Hán Việt từ nguyên(4) lại có cách giải thích khác. Ông đã tách từ và giải nghĩa từng từ một. Trong đó, bao tức là trùm lên còn dung nghĩa là tha thứ. Như vậy, bao dung có nghĩa là đại độ, có lòng tha thứ, bao bọc kẻ khác. Còn khoan là rộng rãi, dung lại là rộng lượng. Khoan dung ở đây được giải thích là che chở, đùm bọc, bao dung kẻ khác. Trong Từ điển tiếng Việt(5), nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Hoàng Phê cho rằng, bao dung thuộc loại tính từ với nghĩa là có độ lượng, rộng lượng với mọi người, còn động từ khoan dung lại có nghĩa là rộng lượng tha thứ cho người có lỗi lầm. Gần đây nhất, trong Từ điển bách khoa Việt Nam(6), thuật ngữ khoan dung cũng được giải nghĩa là thái độ ứng xử rộng lượng của người trên đối với kẻ dưới quyền. Mặc dù vậy, với nghiên cứu về lịch sử của thuật ngữ này, trong Từ điển bách khoa Việt Nam không thực sự khớp với nội dung được giải thích. Những từ gần đồng nghĩa với khoan dung là khoan hoà, khoan nhân, khoan hồng, độ lượng. Trong đó, thuật ngữ bao dung không được đề cập và không được giải thích. Với những cách giải thích khác nhau như đã nêu, có thể nhận định rằng, bao dung, khoan dung được dùng phổ biến với nghĩa chỉ sự tha thứ của người “trên” đối với người “dưới”, đồng thời có thể thay thế cho nhau trong sử dụng với nghĩa là sự gia ân, sự tha thứ đối với những người mắc lỗi lầm. Song, không nên hiểu khoan dung như vậy. Theo nghĩa rộng nhất, khoan dung chỉ thái độ chấp nhận khác biệt có phê phán trong mức độ đối thoại để cùng phát triển, không phân biệt cao - thấp, sang - hèn, văn minh hay không văn minh. Chẳng hạn, về mặt văn hoá, chúng ta thừa nhận với nhau rằng, không có nền văn hoá cao hay thấp, nhưng việc sử dụng cụm từ “khoan dung trong văn hoá” lại khá phổ biến. Khi đó, không nên hiểu khoan dung theo nghĩa là sự tha thứ. Theo chúng tôi, thuật ngữ tolerance nên được dịch là khoan dung. Vì như vậy sẽ tránh được việc hiểu khoan dung là tha thứ, tránh được sự phân biệt cao thấp, đồng thời thể hiện được tinh thần cầu tiến trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, việc xác định nội hàm của một khái niệm, như chúng ta thấy, thường không đơn giản. Ngay chính UNESCO cũng thừa nhận rằng, bản thân thuật ngữ tolerance không chứa đựng hết nội hàm của khái niệm này. Do vậy, để sử dụng đúng với tinh thần mà nó chứa đựng, cần tìm hiểu đầy đủ nội dung khoa học của khái niệm này như được nêu trong Tuyên ngôn những nguyên lý về khoan dung. Một số giải nghĩa trong bản Tuyên ngôn đó coi “khoan dung là sự tôn trọng, sự chấp nhận và sự thưởng thức của sự đa dạng, phong phú trong nền văn hoá thế giới, trong các hình thức của sự diễn đạt và cách thức của tồn tại người”, “khoan dung không phải là sự nhượng bộ, sự hạ mình hay nhận đặc ân”, “khoan dung là trách nhiệm. Đó là sự duy trì quyền con người, chủ nghĩa đa dạng (kể cả đa dạng văn hoá), chế độ dân chủ và luật lệ”, “việc thực hiện vấn đề khoan dung không có nghĩa là khoan dung của sự bất công xã hội, sự từ bỏ hay sự suy nhược trong nhận thức của một người nào đó. Nó có nghĩa là mỗi người đều được tự do trong việc giữ vững nhận thức của chính mình và thừa nhận quyền đó của người khác”(7), v.v.. Qua đó, ta có thể nhận thấy rằng, khoan dung thể hiện việc cần phải có đối thoại, đồng thời là điều kiện để đối thoại. Nó đòi hỏi sự hiểu biết trong đối thoại với người khác, thừa nhận hoặc kính trọng của mình đối với sự khác biệt quan điểm của người khác(8). Bên cạnh đó, cũng không nên đẩy khoan dung đến cực đoan, coi thực hiện khoan dung sẽ mất đi sự phê phán. Khi khoan dung được thực hiện thì chỉ cần có người nghe và mặc kệ nó, không quan tâm nếu như không ảnh hưởng đến mình. Theo cách đó, ta có thể gọi đó là sự khoan dung tiêu cực. Sự khoan dung tiêu cực dựa vào việc chấp nhận những khác nhau theo nghĩa là người ta bằng lòng một cách đơn giản trong chừng mực những sự khác nhau đó không gây phiền hà hoặc không liên quan trực tiếp đến chúng ta. Sự khoan dung như vậy đôi khi khiến người ta có thể tự bằng lòng với cái không thể chấp nhận được. Đối với mỗi thuật ngữ, nội hàm của nó không phải được diễn đạt chính xác ngay từ đầu, thậm chí cả tên thuật ngữ cũng có khi còn được điều chỉnh. Thực chất, những biểu hiện về thuật ngữ đã có từ trước, tức là những tiền đề để xuất hiện một thuật ngữ đã có, và đến một giai đoạn nhất định, thuật ngữ đó mới có nội hàm và tên gọi chính xác. Trong giai đoạn đầu của lịch sử, do những hạn chế về việc trao đổi thông tin, việc phổ biến một thuật ngữ không đơn giản, chính vì vậy, không nhất thiết là phân chia theo thời gian xác định trong từng giai đoạn vận động nội hàm của thuật ngữ. Không những vậy, việc có sự thay đổi trong nội hàm hoàn toàn có thể xảy ra. Khoan dung là một thuật ngữ như vậy, và xét một cách tương đối, sự biến đổi nội hàm của nó có thể phân làm bốn giai đoạn như sau: Giai đoạn thứ nhất. Khoan dung trong tiếng Latinh là tolerantia và có nghĩa gốc là sự nhẫn nhục, sự chịu đựng, biểu hiện sự nhẫn nhục một cách thụ động đối với những nỗi đau của mình và điều ác của kẻ khác. Ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại, quan điểm về khoan dung của các nhà triết học chịu ảnh hưởng từ phoretos với nghĩa là có thể chịu đựng được, có thể khoan dung được hay từ anektikos cũng với ý nghĩa tương tự. Khoảng từ thế kỷ V đến thế kỷ XV, lịch sử nhân loại chứng kiến sự thống trị của Kitô giáo về mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vì vậy, triết học cũng như các khoa học khác không thể tìm cho mình một con đường độc lập để phát triển. Nhưng truyền thống tôn giáo cũng đã cung cấp những kiến thức lịch sử về tư tưởng khoan dung. Khoan dung ở Thiên chúa giáo có sự kết nối các giá trị, như lòng nhân hậu và đức hy sinh quên mình. “Hãy xét xử thật công minh, hãy lấy lòng thương xót mà xử sự với nhau. Đừng có áp bức người goá bụa và trẻ mồ côi, người ngoại kiều và kẻ nghèo hèn, chớ để lòng mưu điều ác hại nhau”(9). Dù vậy, tinh thần khoan dung vẫn được biểu hiện như sự tha thứ. Khoảng thế kỷ XVI, khoan dung được bổ sung thêm một số nghĩa mới, như là sự kiềm chế hay sự cho phép. Nó được giải thích như một sự nhượng bộ trong vấn đề tự do tôn giáo, tức là giải quyết mối quan hệ từ phía nhà nước và các tổ chức tôn giáo chính thống. Vì trong suốt khoảng thời gian gần một nghìn năm, nhà thờ đã thống trị toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội. Như vậy, trong giai đoạn đầu, khoan dung được hiểu là sự chịu đựng, sự kiềm chế, sự tha thứ để tự an ủi mình khỏi những bất công xã hội. Giai đoạn thứ hai. Giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến nội hàm quan trọng nhất của khoan dung là giai đoạn Cận đại. Có thể nói như vậy vì, từ đó, khoan dung không chỉ có ý nghĩa trong đạo đức, mà còn có ý nghĩa xã hội. Với những chuyển biến mang tính chất bước ngoặt trong chính trị, trong thể chế xã hội, giải quyết vấn đề khoan dung là giải quyết được những vấn đề mà xã hội đặt ra. Đặc biệt là vấn đề: những nguyên tắc nào cho sự cùng tồn tại của hai khuynh hướng tôn giáo đối lập, cạnh tranh với nhau. Việc xuất hiện và tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau phản ánh sự khác nhau trong niềm tin của mỗi dân tộc. Song, không thể đưa ra một kết luận vội vàng về nguyên nhân của các cuộc chiến tranh tôn giáo. “Tôi thú nhận là lịch sử đầy rẫy chiến tranh tôn giáo. Nhưng hãy dè chừng: không phải vì có nhiều tôn giáo mà đã sản sinh ra những cuộc chiến tranh đó, chính tư tưởng thiếu khoan dung đã tiêm nhiễm những kẻ tự coi là thống trị, chính cái tư tưởng bè đảng đó (…) cuối cùng là cái đầu óc cám dỗ đó, mà những tiến bộ đã bị coi như là một sự che khuất của lương tri nhân loại”(10). Cuộc chiến tranh giữa các tín đồ Kitô giáo, Tin lành, Hồi giáo và Do thái giáo đã làm cho mọi người thấy rằng, hãy để cho các tôn giáo khác nhau, các niềm tin khác nhau và các tổ chức giáo hội khác nhau cùng chung sống. Đó cũng chính là nguyên nhân để các tín đồ đối thoại, tìm hiểu nhau và cuối cùng, khoan dung với nhau. Sự nhận thức về vấn đề khoan dung như sự tự do có niềm tin là đặc trưng cho hoạt động của những nhà cải cách, như Luthơ và những người kế tục, cũng như đối với những nhà nhân đạo chủ nghĩa như Rốttétđamski, T.Morơ. Có thể coi đó là nguyên tắc để các tôn giáo khác nhau cùng tồn tại. Chính từ đây, khoan dung được gắn liền với tôn giáo. Đó là khoan dung tôn giáo. Song, không phải khoan dung chỉ gắn với tôn giáo, gắn với niềm tin của mỗi người. Nó còn có ảnh hưởng nhất định trong văn hoá, trong nhận thức và nói rộng hơn, có ảnh hưởng đến mọi vấn đề trong đời sống xã hội. Giai đoạn thứ ba. Khái niệm khoan dung được đề cập khá nhiều trong lĩnh vực chính trị, với ý nghĩa như là phương tiện để tránh điều ác. Điều này, chúng ta có thể thấy rất rõ trong tác phẩm Zađích, Những bức thư triết học hay Luận về khoan dung của Vônte. Trong các tác phẩm đó, ông bàn trực tiếp về khái niệm khoan dung. Đối với Vônte, “khoan dung, phản đề của cuồng tín và sự tôn trọng kẻ khác trong dị biệt”, không những vậy, “các giá trị - đức tính này còn có một yếu tố nhân từ và dịu hiền. Muốn sung sướng trong kiếp sống mai hậu thì phải chính trực. Muốn sung sướng trong kiếp sống hiện tại, trong chừng mực mà sự khốn cùng của bản thân cho phép, thì cần phải bao dung”(11). Còn trong Từ điển triết học, Vônte cho rằng, sự bất hoà khủng khiếp, điều đã xảy ra trong nhiều thế kỷ, là bài học rất đáng chú ý rằng chúng ta nên tha thứ cho lỗi lầm của người khác, sự bất hoà là mối lo ngại lớn nhất của loài người và khoan dung là phương pháp duy nhất(12). Hay trong Những bức thư về khoan dung, G.Lốccơ đã xác định điều kiện của sự khoan dung tôn giáo và của cả hoà bình dân sự: Nhà nước… là một xã hội của những con người được thể chế hoá nhằm mục đích duy nhất là thiết lập, bảo vệ và làm cho tiến triển những lợi ích công dân của họ. Cũng trong thời gian này, cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản đã có bước đột phá trong lĩnh vực tinh thần, văn hoá. Đó là việc phải coi “con người là trung tâm”, phải “tôn trọng con người”, con người tự mình và vì mình. Điểm hạn chế ở quan điểm này chính là chỗ con người mới chỉ là cá nhân tư hữu tự nó và vì nó mà thôi. Chính vì vậy, con người lợi dụng lẫn nhau, biến nhau thành phương tiện làm lợi cho cá nhân. Do đó, tư tưởng khoan dung trong giai đoạn chủ nghĩa nhân đạo tư sản không thể hiện đúng bản chất cần hướng đến; trái lại, nó được hiểu như là sự ban phát, gia ơn và vẻ “bề trên” của người này với người khác. Giai đoạn thứ tư. Theo chu trình của lịch sử, khi vấn đề bị đẩy đến cực điểm sẽ quay trở lại. Khoan dung cũng dường như không nằm ngoài quy luật đó. Vấn đề là phải làm sao để nó không bị suy nghĩ hay hành động cực đoan theo hướng khác. Những ủng hộ hiện đại đối với khoan dung nhìn thấy tiền đề cho tính hiệu quả của việc tranh luận khoa học với tính cách phương tiện để hiểu nhau giữa những người có ý kiến khác nhau. Một lần nữa cần nhấn mạnh rằng, sự khoan dung đối với ý kiến khác không có nghĩa là từ bỏ việc phê phán đối với ý kiến đó hay đối với niềm tin của bản thân mình. Sự tiếp nhận khoan dung không đồng nhất với việc quy về sự dung hoà bắt buộc với hiện tượng bị phê phán. Nhiều người nghĩ rằng, lòng khoan dung như là một sự chấp nhận không có xung đột, hay từ việc thực hiện sự khoan dung đó mà mọi sự phê phán đều bị xoá bỏ. Cái làm cho sự khoan dung trở thành một vấn đề khó khăn là ở chỗ, nó không đơn giản là một sự chấp nhận, mà còn bao hàm một biện chứng của sự chấp nhận và sự vứt bỏ sao cho chúng phù hợp với nhau. Tính khoan dung được chỉ đạo bởi lòng tôn trọng lẫn nhau, sự phản đối chính đáng giữa chúng ta chỉ được tiến hành trên vũ đài công khai. Chẳng hạn, nhà triết học Mêhicô, Leopoldo Zea, cho rằng, “khoan dung là ý thức tôn trọng sự khác biệt của kẻ khác, để kẻ khác tôn trọng những khác biệt của ta” và “điều quan trọng là có thể “khác nhau” một cách bình đẳng sao cho mọi người đều bình đẳng trong khi vẫn khác nhau”(13). Trong giai đoạn này, việc đưa ra nội dung khái quát của khoan dung là rất khó khăn. Hiện nay, nội dung chủ yếu của khoan dung được thừa nhận rộng rãi là những nội dung đã nêu trong bản Tuyên ngôn những nguyên lý về khoan dung của UNESCO. Khoan dung không chỉ thuộc về đạo đức của mỗi cá nhân, mà còn thể hiện tinh thần yêu hoà bình của mỗi dân tộc. Qua một số khảo cứu trên, chúng ta có thể thấy rằng, nội dung thuật ngữ khoan dung có lịch sử phát triển cùng với sự phát triển tư tưởng của xã hội loài người. Không nên hiểu khoan dung chỉ là sự dung thứ, tha thứ cho người khác. Khoan dung còn là biết đánh giá, tiếp nhận những giá trị nhân văn của các nền văn hoá khác để làm giàu cho bản sắc văn hoá của mình. Bên cạnh đó, nó cũng có giá trị nhân văn cụ thể, đó là việc hướng đến một cuộc sống tốt đẹp, con người phải được nâng cao cả về mặt thể lực lẫn về mặt trí lực, được phát triển tự do về mặt tư tưởng. Tuy nhiên, việc phân biệt một cách rõ ràng giữa khoan dung và không khoan dung là vấn đề rất khó. Vì “sự không khoan dung thuần tuý mang tính xã hội của chúng ta không giết chết một ai, không dứt bỏ được ý kiến nào, nhưng nó lại làm cho người ta phải ngụy trang các ý kiến hay tự kiềm chế không ráng tích cực truyền bá chúng”(14)./. (*)Nghiên cứu sinh Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. (1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.38. (2) Đào Duy Anh. Hán Việt từ điển giản yếu. Nxb Trường Thi, Sài Gòn, 1957. (3) Phan Văn Các. Từ điển từ Hán Việt. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2003. (4) Bửu Kế. Từ điển Hán Việt từ nguyên. Nxb Thuận Hoá, 1999. (5) Hoàng Phê (chủ biên). Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng, 2000. (6) Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam. Từ điển bách khoa Việt Nam. Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2002. (7) Xem: (8) Xem: Íợõàÿ ễốởợủợụủờàÿ íớửốờởợùồọốÿ õ 4 ũợỡàừ. ỡợcờõà, 2000. (9) Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 1272. (10) Môngtétxkiơ. Xem: Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Tạp chí Xưa và Nay, số 7, 1995, tr.8. (11) J.Lessay. Một người tiên phong tên là Voltaire, Tạp chí Người đưa tin UNESCO, tháng 6, 1992, tr.17. (12) Xem: Voltaire's Philosophical Dictionary, (13) Phỏng vấn Leopoldo Zea. Tạp chí Người đưa tin UNESCO, số 11, 1990, tr.9. (14) John Staurt Mill. Bàn về tự do. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2005, tr.81.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftriet_hoc_29__0772.pdf