Luận văn Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

MS:LVVH-LLVH007 SỐ TRANG: 179 TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM:2009 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 1. Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng đặc sắc và nổi bật trong nền văn học Việt Nam thời kỳ văn học đổi mới giai đoạn cuối thế kỷ XX. Ngay từ những sáng tác đầu tay của mình như Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm Tiết phong cách nghệ thuật của nhà văn đã trở thành đề tài bàn luận, tranh luận của nhiều nhà phê bình, nghiên cứu. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 1987 đến 1989 đã có khoảng 70 bài in trên các báo, tạp chí, sách nhận định về Nguyễn Huy Thiệp. Nhà sưu tầm Phạm Xuân Nguyên trong Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định: “Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là người đầu tiên trong văn học Việt Nam lập kỷ lục có được nhiều bài viết nhất về sáng tác của mình, chỉ trong một thời gian ngắn, và không có độ lùi thời gian. Phê bình tức thời theo sáng tác, liên tục, lâu dài. Không chỉ trong nước, cả ngoài nước; không chỉ người Việt, cả người ngoại quốc” [64, tr.7]. Xung quanh các sáng tác của nhà văn xuất hiện nhiều ý kiến khen chê khác nhau, nhưng sức hấp dẫn của những trang văn này đối với độc giả đã được nhiều nhà phê bình thừa nhận. Bùi Việt Thắng nhận xét: “Mỗi truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đều như một “khối thuốc nổ” làm tan vỡ mọi nếp nghĩ bình thường của độc giả”[18, tr.351]. Nguyễn Đăng Mạnh thì cho rằng: “Những truyện của Nguyễn Huy Thiệp có một sức hấp dẫn khó cưỡng lại được. Anh có nhiều ngón nghề lôi cuốn người đọc cũng “bợm” lắm” [57, tr.347]. Còn các tác giả của công trình Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung phát biểu: “Lịch sử văn học còn ghi: Vào giữa những năm tám mươi của thế kỷ XX, khi “ hiện tượng Nguyễn Minh Châu” bùng lên và sau đó tạm lắng thì phát lộ “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp”” [19, tr.767]. Và cho đến thời điểm hiện tại, Nguyễn Huy Thiệp cùng với các tác phẩm của ông vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà phê bình nghiên cứu khi tìm hiểu về nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới từ sau năm 1975 nói chung, cũng như khi khảo sát phong cách nghệ thuật của nhà văn nói riêng. Có thể nói, khi nhắc đến những hiện tượng văn học tiêu biểu sau chiến tranh, bất cứ một tác giả nào cũng phải đề cập ít nhiều đến Nguyễn Huy Thiệp như một biểu hiện xuất sắc và độc đáo của dòng văn học đương thời. 2. Nguyễn Huy Thiệp viết cả kịch bản văn học, phê bình văn học, tiểu thuyết, nhưng mảng sáng tác nổi bật và thu được nhiều thành tựu hơn cả là truyện ngắn. Các truyện ngắn của nhà văn từ lâu đã trở thành trung tâm của những bàn thảo, tranh luận sôi nổi mỗi khi hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp được mang ra phân tích, tìm hiểu. Còn những mảng sáng tác khác thì ít thu hút được sự quan tâm của công chúng cũng như giới phê bình hơn. Đã có rất nhiều ý kiến nhận xét về nội dung cũng như nghệ thuật của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng nhìn chung, đa số các ý kiến đều khẳng định sự sâu sắc, táo bạo và mới lạ trong nội dung của các tác phẩm này, bên cạnh nghệ thuật tự sự sắc sảo, linh hoạt với một bút pháp biến ảo, một thứ ngôn ngữ trần thuật sắc bén, hàm súc và một giọng điệu kể chuyện đa dạng. Việc khảo sát, nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp không những giúp chúng ta có thể nhìn nhận được những đặc điểm tiểu biểu trong văn phong và tư tưởng nghệ thuật của tác giả, mà còn cung cấp những dữ liệu quan trọng cho việc tìm hiểu sự vận động của văn xuôi thời kỳ đổi mới sau kháng chiến chống Mỹ với những nét thay đổi tiêu biểu cho nghệ thuật tự sự trong văn học giai đoạn này. 3. Đối với tác phẩm tự sự, người kể chuyện là một nhân tố vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức cấu trúc trần thuật của tác phẩm. Cùng một câu chuyện, nếu được kể bởi những hình tượng người kể chuyện khác nhau, rất có thể hiệu quả nghệ thuật mang lại sẽ khác nhau. Cách thức trần thuật của người kể không chỉ đơn thuần là cách kể chuyện sao cho câu chuyện trở nên đậm đà, ý vị, đó còn là cách thức để nhà văn lý giải sự vật hiện tượng một cách sâu sắc, hiệu quả và thuyết phục. Diện mạo và phong cách trần thuật của người kể chuyện được tạo nên từ sự kết hợp của các yếu tố như ngôi kể, điểm nhìn nghệ thuật, ngôn ngữ kể chuyện và giọng điệu trần thuật. Chính vì vậy, khi khảo sát một hình tượng người kể chuyện, chúng ta phải đi vào phân tích từng yếu tố này để rút ra một cách nhìn nhận xác đáng và trọn vẹn về hình tượng. Xét riêng trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thì sự đặc sắc của mỗi loại hình tượng người kể chuyện đều gắn liền với những đặc trưng nhất định trong nghệ thuật sử dụng các phương tiện trần thuật, ngôn từ, giọng điệu kể chuyện cũng như sự luân phiên thay đổi ngôi kể và các điểm nhìn trần thuật. Cái hay của nhà văn là ở chỗ, ông đã thể hiện được tài năng biến hóa linh hoạt trong việc vận dụng và kết hợp các yếu tố tự sự để kiến tạo nên nhiều dạng người kể chuyện khác nhau, qua đó xây dựng nên những cấu tứ tự sự độc đáo, mang tính biểu hiện cao. 4. Nhận xét về phong cách truyện ngắn mới lạ và đặc sắc của Nguyễn Huy Thiệp, các nhà phê bình, nghiên cứu từ trước tới nay thường tập trung nhiều vào việc xem xét những yếu tố khác nhau của nghệ thuật tự sự như: giọng điệu trần thuật, ngôn ngữ, cách kể chuyện, vị trí của người kể, bút pháp, nghệ thuật xây dựng nhân vật cùng những đặc điểm nội dung, tư tưởng nổi bật như: sự ưu trội của “thiên tính nữ” trong nghệ thuật xây dựng các nhân vật nữ, tính triết lý và chất thơ đặc trưng trong nội dung truyện kể, Những yếu tố trên đây đều ít nhiều liên quan đến hình tượng người kể chuyện trong các tác phẩm. Tuy nhiên hầu như chưa có công trình nào đi sâu vào khảo sát đặc điểm cũng như nghệ thuật xây dựng loại hình tượng này trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Những sự đề cập nếu có đều mang tính nhắc gợi nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu một vấn đề nghệ thuật khác trong sáng tác của nhà văn. Vì vậy, trong luận văn này, chúng tôi sẽ vận dụng một số kiến thức về Lý luận văn học (đặc biệt là Tự sự học) và những hiểu biết về văn học thời kỳ đổi mới mà bản thân lĩnh hội được trong quá trình tìm hiểu để sắp xếp, hệ thống các vấn đề có liên quan đến người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp với mong muốn chỉ ra được một số nét tiểu biểu trong nghệ thuật xây dựng hình tượng người kể chuyện của nhà văn, cũng như ảnh hưởng của hình tượng này đối với cấu tứ tự sự của truyện kể, góp phần vào việc nghiên cứu tác phẩm của ông một cách sâu sắc và toàn diện hơn. Hy vọng rằng, luận văn có thể góp một phần nhỏ trong quá trình nghiên cứu chung về Nguyễn Huy Thiệp để thấy được đóng góp của nhà văn đối với văn học dân tộc trong quá trình đổi mới truyện ngắn cũng như góp phần nhìn nhận vị trí của nhà văn trong nền văn học đương đại. 2. Giới hạn đề tài Để tiến hành khảo sát và phân tích các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi căn cứ vào các tác phẩm được in trong tổng tập Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp xuất bản năm 2005, do tác giả Đỗ Hồng Hạnh sưu tầm và tuyển chọn [27]. Công trình này bao gồm 42 tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp từ ngày đầu sáng tác đến nay. Đây cũng là tổng tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mới nhất được xuất bản trong thời gian gần đây và đã được sự đồng ý, chỉnh duyệt của chính nhà văn. Trong luận văn này, chúng tôi chọn đi sâu vào khảo sát những hình thức thể hiện tiêu biểu của hình tượng người kể chuyện được khắc họa trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. 3. Lịch sử vấn đề Cách đây hơn hai mươi năm, sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp đã gây một chấn động lớn trong giới văn chương và người đọc, và càng ngày nhà văn càng chinh phục trái tim mọi người. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khuấy động trái tim độc giả về nhiều phương diện, đời sống, suy tư, văn học nghệ thuật, triết lý, thân phận con người. Từ một thế giới văn chương ổn định, mang nhiều tính chất hồn nhiên, lạc quan, chúng ta bước vào một thế giới bất ổn của đời sống thật, hằng ngày, đau khổ và của những day dứt bất tận. Nguyễn Huy Thiệp cũng đã có lần trần tình về quan niệm lựa chọn đề tài của mình: “Không khí dung tục suy đồi “đương thời” cũng chính là không khí sống, không khí sáng tác – mặc nhiên là thế - bởi vậy nếu từ chối đối thoại nghĩa là anh tự làm cho mình khó thở, tự giam cầm mình” [75, tr.246] và “Thực tế ngày càng trở nên khắc nghiệt. Đừng tưởng rằng ở đấy không có trả giá, không có đau đớn, không có gì để viết. Nó là cả một bi hài kịch cuộc đời, có khi là cả một bi hài kịch một thời” [75, tr.247]. Tuy viết nhiều về những sự thật trái ngang, tàn khốc của hiện thực, nhưng những trang viết của nhà văn vẫn thấm đẫm chất nhân văn và lòng yêu thương con người. “Nhịp mạnh trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là tình yêu. Tình yêu con người, tình yêu loài người là tinh thần bao trùm các tác phẩm của anh” (Đỗ Đức Hiểu) [64, tr.479]. Cho đến nay, “gia tài” truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chỉ khoảng hơn 40 truyện, nhưng chỉ cần đọc bấy nhiêu truyện ngắn của ông, người đọc cũng đã rất ngạc nhiên trước sự phong phú của vốn sống, sự lịch lãm của bản lĩnh, sự sắc sảo của óc quan sát, sự sâu sắc của trí tuệ, sự đằm thắm của tình người, sự đa dạng trong bút pháp của nhà văn. Chỉ bấy nhiêu truyện ngắn, anh đã mang đến cho văn học đương thời một diện mạo mới: từ cách chọn đề tài, cách xây dựng nhân vật, cách dựng truyện, lối hành văn đều mới, để cuối cùng diễn đạt được những chủ đề mới của cuộc sống hôm nay. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp gắn liền với quá trình đổi mới truyện ngắn của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, nó đem đến cho người đọc những ấn tượng mới mẻ về một phong cách nghệ thuật riêng biệt của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tùy vào cảm hứng tiếp cận, mục đích và phạm vi khai thác vấn đề, các nhà nghiên cứu đã đề cập tới một số khía cạnh nổi bật về nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn của ông với mức độ đậm nhạt, nhiều ít khác nhau. Một trong những nét nổi trội trong lối tự sự của Nguyễn Huy Thiệp được các nhà nghiên cứu quan tâm, đề cập tới là lối hành văn mới lạ, sắc sảo, hàm súc của ông và sự cách tân, tìm tòi cái mới trong cách thức trần thuật. Trong từng tác phẩm khác nhau, ở nhiều góc độ khác nhau, các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau rằng Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn luôn có sự đổi mới trong nghệ thuật tự sự, luôn biết cách làm mới tác phẩm của mình. Nhà văn không bao giờ bằng lòng đi vào những khuôn khổ sói mòn của văn chương, như chính ông đã khẳng định: “Yếu tố mới lạ của ngôn ngữ được đưa vào tác phẩm hiện đại theo tôi phải là số một cho việc định giá một tác phẩm văn học giá trị” [75, tr.252]. Ở mỗi truyện ngắn của nhà văn, người đọc đều nhận ra những phương diện mới lạ, đặc sắc trong văn phong và cách nhìn nhận hiện thực, nhân sinh của ông. Đánh giá về những nét mới lạ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, các nhà nghiên cứu đã chú ý đến nhiều phương diện khác nhau của nghệ thuật tự sự, từ phương diện đề tài đến cách tổ chức tác phẩm, sử dụng ngôn ngữ, khai thác giọng điệu , trong đó, họ đã ít nhiều đề cập đến những đặc điểm tiêu biểu về người kể chuyện trong các tác phẩm này. Nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào khi nhận xét về người kể chuyện trong truyện ngắn Tướng về hưu đã viết: “Cái nhìn dân chủ hóa của người kể chuyện, ở đây chính là chỗ: tin rằng mình không phải mách nước cho ai, lên lớp cho ai, thậm chí, ở nhiều chỗ, đứng thấp hơn nhân vật và bạn đọc” [14, tr.87]. Như vậy, có thể thấy, ngay từ tác phẩm đầu tay của mình, Nguyễn Huy Thiệp đã có ý thức xây dựng một hình tượng người kể chuyện bình đẳng với các nhân vật khác trong tác phẩm và cả với người đọc. Còn tác giả Đào Duy Hiệp khi đọc tác phẩm Một thoáng Xuân Hương đã rút ra một số đặc điểm về điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện trong chùm truyện ngắn này. Ở truyện thứ nhất, “người kể chuyện tuy ở ngôi thứ ba, nhưng do từ vựng của nhân vật nên tuy xưng “tôi” mà người đọc như lại thấy chính Tổng Cóc đang kể ra những suy nghĩ, những độc thoại, cách ứng xử của ông ta. Người kể chuyện do đó mất đi vai trò của “ông biết tuốt”. Lời người kể chuyện đã ít (chủ yếu là tả các hành động của Tổng Cóc đứng lên, ngồi xuống, quát hỏi Lý Cờ ), lại rất khó tách bạch cho ra giọng riêng” [64, tr.77]. Ở truyện thứ hai, “điểm nhìn chủ yếu trong truyện này là từ Ấm Huy. Vẫn là người thuật truyện ở ngôi thứ ba, nhưng thường xuyên di chuyển sang Ấm Huy” [64, tr.81]. Còn ở truyện thứ ba, người kể chuyện ngôi thứ ba thường xuyên dựa vào điểm nhìn của nhân vật thi sĩ đóng vai Chiêu Hổ để trần thuật. Theo Đào Duy Hiệp, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng các cách thức kể chuyện như trên để lột tả chân dung của Hồ Xuân Hương một cách đặc sắc: “Xuyên suốt cả ba truyện là những hình tượng phụ nữ - những Hồ Xuân Hương cứ bước dần ra với cuộc đời, rõ nét thêm theo hướng vị tha, bao dung cũng tượng trưng cho người Phụ nữ muôn đời, cái mà Hoàng Ngọc Hiến gọi là “tính nữ” trong văn chương của Thiệp. Ngược lại vị trí, tính cách của những người đàn ông trong truyện lại bị đảo ngược theo chiều hướng yếu dần đi” [64, tr.84]. Trong khi khảo sát bộ ba truyện ngắn lịch sử giả Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Vương Anh Tuấn cho rằng một trong những phương diện làm nên cái hay, cái độc đáo cho những thiên truyện này là cách xây dựng hình tượng người kể chuyện của nhà văn. Theo tác giả, người kể chuyện trong các tác phẩm này “là một chủ thể khách quan, trung tính, quan sát, kể chuyện với con mắt lạnh lùng, thiếu những đoạn trữ tình ngoại đề, lời bàn luận, đánh giá xen giữa các sự kiện. Nội dung anh ta kể là những điều phi chính sử, với những mặt khác biệt hoặc có khi trái ngược. Đây là cách cấu tạo tác phẩm mang tính chất mâu thuẫn nhằm tạo nên hiệu quả thẩm mỹ ở người đọc ( ) Chủ thể ở các truyện không xuất hiện rõ ràng nhưng đọc truyện, người đọc lại hướng chú ý về phía anh ta” [64, tr.335- 336]. Tìm hiểu về chùm truyện giả cổ tích Con gái thủy thần, nhà nghiên cứu Đặng Anh Đào đã chỉ ra điểm khác biệt của kiểu người kể chuyện ở đây so với người kể chuyện trong các truyện cổ tích chính thống. “Nhân vật chính còn khác với truyện cổ tích ở một điểm nữa là anh ta xưng “tôi”. Nhân vật cổ tích được nhìn từ ngoài vào, ta chỉ thấy hành động của anh ta, và đó là điểm gần gụi của truyện Nguyễn Huy Thiệp với cổ tích và một số truyện phổ cập ở dân gian (như tiểu thuyết kiểu Tam quốc chí chẳng hạn). Song ở Chương có một nghịch lý phản cổ tích. Anh đầy ắp những huyền thoại mê tín và định kiến, anh sống theo nhịp của mùa màng hội hè lễ tiết và nghi thức cổ xưa, bên những con người cổ sơ với bàn chân giao chỉ, với thế đứng “né chân chèo”, với bao dáng vẻ và lối nói đã tồn tại ngàn đời; song ở Chương quả đã xuất hiện một cái “tôi” không đơn giản do lối xưng hô của câu chuyện, nó chính là một loại “khe hở” khác, tràn ra từ những giấc mơ của anh” [14, tr.91]. Nhưng nhận xét vừa nêu của các nhà nghiên cứu xuất hiện trong giai đoạn đầu, khi Nguyễn Huy Thiệp vừa cho “trình làng” những truyện ngắn đầu tiên của mình trên văn đàn. Những ý kiến trên tuy xuất hiện rời rạc và chỉ nhằm phân tích những hình tượng người kể chuyện nhất định trong một số truyện tiêu biểu của nhà văn, song chúng cũng đã bước đầu cung cấp cho chúng ta một cách nhìn khái quát về một số đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Càng về sau, các nhà nghiên cứu lại càng cố gắng đi vào những nét khái quát của loại hình tượng này theo cách nhìn hệ thống thông qua việc khảo sát hàng loạt các truyện ngắn của nhà văn. Tác giả Châu Minh Hùng trong bài viết Cuộc tìm kiếm hình thức đa thanh mới của văn xuôi hiện đại qua cấu trúc truyện của Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn nhận: “Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, người đọc phải lao vào một cuộc chơi mà ở đó tất cả đều ở trong quan hệ bình đẳng, dân chủ”, trong đó, “Nguyễn Huy Thiệp với tư cách là một nhà văn đã hoàn toàn mất thực quyền trong tác phẩm. Ông ta chỉ có quyền tổ chức tác phẩm mà không có quyền lấy phát ngôn của mình định giá cho các phát ngôn khác. Thiệp không trân trọng, cũng không nhại, không mỉa mai ai. Lời kể bao giờ cũng nghiêm túc, nghiêm túc đến dửng dưng. Lời kể trong văn ông lược bỏ mọi thứ trang hoàng của giọng điệu, giảm thiểu đến mức tối đa các trạng từ, tính từ tô điểm cho đối tượng. Câu văn dồn nén sự kiện để phơi bày sự thật” [50, tr.278]. Bên cạnh đó, “lối kể chuyện của của Nguyễn Huy Thiệp luôn luôn biến hình, ông không trú ở một góc khuất nào đó như Nam Cao, cầm đèn soi rọi vào trái tìm người như Đốt, con người của ông ẩn trốn từ người này đột nhiên chạy sang người khác, xóa hẳn tiếng nói của riêng mình” [50, tr.280]. Chính sự bình đẳng của nhà văn đối với thế giới hình tượng trong tác phẩm là cơ sở cho việc xây dựng người kể chuyện, quy định diện mạo cũng như cách thức xây dựng loại hình tượng này trong từng truyện. Nhà nghiên cứu La Khắc Hòa đưa ra một cách nhìn nhận khác về đặc điểm người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, trong khi tìm hiểu những dấu hiệu của chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Ông phát biểu: “Khó tìm thấy nhân vật chính diện trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài. Đọc truyện ngắn, truyện dài của Phạm Thị Hoài và Nguyễn Huy Thiệp ta thường nghe thấy một giọng điệu kể chuyện lạnh lùng, khinh bạc, thậm chí tàn nhẫn. Trong sáng tác của họ, nhân vật người kể chuyện nhiều khi xuất hiện ở ngôi thứ nhất số ít, tự xưng “tôi”, và có vẻ như không tiếc lời tự xỉ vả bản thân. Cấu trúc ấy, giọng điệu ấy xem ra rất phù hợp với câu chuyện mà họ mang đến cho người đọc. Nói đến sáng tác của Phạm Thị Hoài hoặc Nguyễn Huy Thiệp, bao giờ tôi cũng nghĩ tới câu chuyện về một thế giới vô nghĩa, vô hồn. “Thế giới vô hồn” là câu chuyện xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Phạm Thị Hoài. “Cuộc đời vô nghĩa” là tứ truyện chi phối mạch vận động của câu chữ, hình ảnh trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp” [36]. Còn Cao Kim Lan, tác giả của bài viết Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hệ hình thi pháp Hậu hiện đại, thì nhận xét: “Có một thao tác dễ nhận diện trong truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp là các biến cố trong cuộc đời của nhân vật thường được tác giả kể bằng một giả thuyết thiếu chắc chắn nhất ( ) Như vậy, tác giả đã không cho người đọc có cơ hội chìm đắm vào những diễn biến xảy ra trong truyện. Cảm giác bất khả tín buộc độc giả phải tiếp cận với văn bản một cách tỉnh táo bằng tri thức tích cực thay vì cảm xúc thụ động” [45]. Thực chất, ở đây, Cao Kim Lan đã ít nhiều đề cập tới kiểu người kể chuyện không đáng tin cậy trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, một kiểu hình tượng được xem là sáng tạo đặc sắc của nhà văn trong thời kì đổi mới văn học. Với cố gắng đúc rút những đặc điểm cơ bản nhất của nghệ thuật kể chuyện ở Nguyễn Huy Thiệp, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đã cho rằng: “Thật ra nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp gần với lối viết sử (ngắn gọn, chính xác, nhiều thông tin có tính liệt kê) và đặc biệt sử dụng sáng tạo lối văn truyền kỳ (phối hợp cà văn xuôi - biền văn – thơ tỉ lệ thơ trong truyện Nguyễn Huy Thiệp là rất đậm đặc) ( ) Nguyễn Huy Thiệp thích kể từ ngôi thứ nhất và đa số truyện hay đều được kể từ ngôi này” [19, tr.777]. Và “nhân vật Tôi – người kể chuyện khá đa dạng: là một công chức có cuộc sống trưởng giả no đủ (Chảy đi sông ơi), một kĩ sư an phận, có phần nhu nhược (Tướng về hưu), hoặc là người tự do, không nghề nghiệp (Con gái thủy thần), là nhà văn (Tội ác và trừng phạt), một học sinh tốt nghiệp phổ thông (Những người thợ xẻ) Do người kể chuyện ở ngôi thứ nhất khác nhau về nghề nghiệp, lứa tuổi, địa vị xã hội và văn hóa nên “điểm nhìn” rất rộng, bao quát được các phạm vi của đời sống từ đỉnh cho đến đáy”[19, tr.778-779]. Có thể nhận thấy, các ý kiến về hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp trên đây đã đi vào khảo sát hình tượng người kể chuyện có phần sâu sắc, khái quát, hệ thống và dựa trên nhiều quan điểm nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên chúng chỉ đóng vai trò là một phần nhỏ trong mỗi bài viết của các tác giả và khá ngắn gọn, khái lược. Nhìn chung, những nhận xét này cũng chỉ phần nào bổ sung thêm những cho những quan điểm trước đó về người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp chứ chưa thực sự mang lại một cách nhìn toàn vẹn, đầy đủ. Từ những ý kiến nghiên cứu về người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã gợi ý cho chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này. Trên cơ sở tiếp thu những bài viết có liên quan đến sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và phát triển ý tưởng đó thành một luận văn nghiên cứu khoa học. 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1 Phương pháp hệ thống Đây là một trong những phương pháp cơ bản của thi pháp học. Trong phạm vi luận văn, chúng tôi áp dụng phương pháp này vào việc tìm hiểu những yếu tố nghệ thuật làm nên diện mạo chung của người kể chuyện trong truyện kể và phân tích mối liên hệ giữa chúng với nhau. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng phương pháp này trong việc nhìn nhận cách thức xây dựng người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong tương quan với nghệ thuật xây dựng hình tượng này của thời kì văn học đổi mới sau kháng chiến chống Mỹ nói chung và trên tiến trình phát triển của thể loại văn xuôi tự sự trong nền văn học dân tộc. 4.2 Phương pháp phân tích Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi sử dụng một số dẫn chứng trích ra từ các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp để minh họa cho những nhận xét, lập luận của mình. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện, chúng tôi luôn vận dụng phương pháp phân tích để làm rõ các vấn đề được nêu ra ở các chương. 4.3 Phương pháp thống kê Khi khảo sát các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi áp dụng phương pháp thống kê để phân loại các hình thức ngôi kể và điểm nhìn làm cơ sở cho việc phân tích các đặc điểm của người kể chuyện ở các tác phẩm. 5. Đóng góp của luận văn Người kể chuyện là một phương diện nghệ thuật quan trọng, không thể bỏ qua khi tìm hiểu tác phẩm văn xuôi. Hơn nữa, việc khám phá những đặc điểm của người kể chuyện sẽ giúp chúng ta nhận diện được nhiều phương diện liên quan khác trong nghệ thuật tự sự của truyện kể. Khi thực hiện luận văn này, chúng tôi không có tham vọng chỉ ra được tất cả những đặc điểm của người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, mà chỉ hy vọng mang đến một cái nhìn toàn vẹn, chi tiết hơn về loại hình tượng này trong các truyện kể của nhà văn. Qua đó, thấy được vai trò quan trọng của nhân tố này trong việc định hướng cách thức tổ chức trần thuật trong tác phẩm cũng như những nét đặc sắc tiêu biểu ở từng loại hình người kể chuyện. Bên cạnh đó có thể góp phần khẳng định sự thành công nhất định của nhà văn trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật miệt mài, nhìn nhận được diện mạo riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong tiến trình sáng tác nói chung và trong quá trình đổi mới nói riêng của văn học Việt Nam. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần dẫn nhập và phần kết luận, luận văn gồm ba chương: - Chương 1: Những vấn đề chung về người kể chuyện trong tác phẩm tự sự. - Chương 2: Người kể chuyện trong các truyện ngắn kể theo ngôi thứ ba của Nguyễn Huy Thiệp. - Chương 3: Người kể chuyện trong các truyện ngắn kể theo ngôi thứ nhất của Nguyễn Huy Thiệp

pdf179 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 4237 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
on người nông thôn. Hiên là một cô gái tuổi đôi mươi, tuy đã có gia đình nhưng trong cô vẫn tồn tại những mơ ước tuổi trẻ, cô nhìn mọi việc bằng đôi mắt cảm tính, hồn hậu, không phán xét, không suy nghiệm. Còn suy nghĩ của bà Lâm lại chất chứa những suy tư, trăn trở của cả đời người. Những người già vẫn thường cả nghĩ và tìm nhiều cách để nhìn nhận, lý giải những điều đã qua trong cuộc đời mình và xem xét hiện tại. Còn anh giáo Triệu là một trí thức có học vấn và suy nghĩ sâu sắc nên phát ngôn của anh mang đậm màu sắc triết lý, nó thiên về sách vở hơn là kinh nghiệm thực tế như cách những người nông dân thực thụ chiêm nghiệm. Người kể chuyện xưng “tôi” đứng ngoài những câu chuyện ấy, làm một người nghe thụ động và gom nhặt những điều nghe được vào thiên truyện của mình. Anh ta thuật lại những câu chuyện một cách khách quan và chi tiết. Những tiếng nói khác nhau ấy đều có một nội dung là hướng về nông thôn, mỗi người một quan niệm, mỗi người một cách nghĩ nhưng lại mở ra trước mắt người đọc những tầng hiện thực khác nhau của đời sống nông thôn. Những tiếng nói ấy tạo nên giọng điệu đa thanh cho tác phẩm. Những câu chuyện được sắp xếp ngang bằng nhau, bình đẳng trước cái nhìn khách quan vừa tạo ra sự đối thoại giữa các ý thức trong nội hàm truyện ngắn, vừa tạo ra khả năng đối thoại với độc giả. Người đọc sẽ phải chủ động nhiều hơn để tìm kiếm cho mình những kết luận cuối cùng từ những gợi ý trong truyện. Người kể chuyện xưng “tôi” không chỉ hướng ra bên ngoài để trần thuật, “tôi” còn thường xuyên hướng vào nội tâm của mình để chiêm nghiệm và suy tư. Giọng kể chuyển từ trạng thái khách quan sang trạng thái chủ quan giàu cảm xúc. Lời kể chủ yếu là lời nửa trực tiếp, có khi là lời độc thoại nội tâm. Điểm nhìn hướng vào trong của người kể chuyện làm thêm chất trữ tình cho truyện ngắn, đồng thời thể hiện rõ sự mâu thuẫn trong ý thức của nhân vật “tôi”. Sự mâu thuẫn đó xuất phát từ chính quá trình quan sát và trải nghiệm của người kể trước những vấn đề hiện thực xung quanh. Những bài học nông thôn là một câu chuyện giàu chất triết lý và giàu chất trữ tình. Hầu như các nhân vật trong truyện đều triết lý. Dù là phát ngôn của người nông dân hay người trí thức, trong đó đều ít nhiều chứa đựng những nghiềm ngẫm về hiện thực, về nhân sinh. Có những triết lý mang tính trào lộng như của bà Lâm (“Ăn đi con ạ. Đàn ông nó chẳng thương mình đâu. Rượu thì nó ngồi mâm trên. Ngủ thì nó đè lên mình”); có những trăn trở về số phận như của chị Hiên (“Sao đàn bà cứ phải lấy chồng? Như tôi đây, chồng đi xa, lấy chồng cũng như không. Hiếu bảo lấy chồng mà bỏ chồng thì có tốt không?”); có những đúc kết sâu sắc từ kinh nghiệm sống đời người như của ông Miêu (“Người ta triết lý để chết thì cũng phải bỏ qua thôi. Ở nước mình, nhiều cái chết ngẫu nhiên đáng sợ lắm. Mọi người đều phải vội vàng cả. Vội vàng như chẳng kịp… Đấy là thân phận anh Triệu”); có thứ triết lý hòa quyện giữa tri thức và quan sát thực tế như của anh giáo Triệu… Những phát ngôn triết lý ấy có thể bắt gặp trong suốt mạch truyện, chúng hiện ra xen kẽ nhau, đối thoại với nhau. Những lời triết lý trở thành một phần quan trọng trong lời kể của truyện ngắn, trong kết cấu trần thuật của người kể chuyện xưng “tôi”. Chất triết lý làm tăng tính chất trữ tình và sức biểu hiện của tác phẩm. Cũng chính chất triết lý đậm đà ấy đã mang lại cho câu chuyện về người nông dân của Nguyễn Huy Thiệp một dáng vẻ mới. Trong văn học giai đoạn trước đó, hình ảnh người nông dân thường được thể hiện qua đời sống sinh hoạt, sản xuất, người kể chuyện ít khi miêu tả đời sống tinh thần bên trong họ. Hình ảnh người nông dân được thể hiện trong mối quan hệ với đám đông, với tập thể, chứ không được chú ý nhiều về phương diện đời sống cá nhân. Người kể chuyện đóng vai trò người kể chuyện toàn tri với điểm nhìn zero (phi tiêu điểm). Sau 1975, nhà văn Nguyễn Minh Châu là người đã đi tiên phong trong việc khám phá những tầng sâu trong đời sống tình cảm, cảm xúc mang tính cá nhân và phức tạp bên trong người nông dân qua truyện ngắn Phiên chợ Giát, mang lại vẻ đẹp mới giàu chất nhân bản và sâu sắc cho hình tượng người nông dân cho truyện ngắn giai đoạn này. Cách thể hiện hình tượng người nông dân trong truyện Nguyễn Huy Thiệp thực chất là sự tiếp nối những khám phá sáng tạo của người đi trước, song ở đây, nhà văn nhấn mạnh hơn đến chất triết lý trong suy nghĩ của người nông dân như một cách nâng tầm khái quát vẻ đẹp của hình tượng này lên một bước mới. Chất triết lý suy nghiệm làm tăng tính cá thể hóa của các hình tượng, đồng thời giúp khai phá thêm những nét đẹp phong phú trong tâm hồn họ. Đời sống của người nông dân đâu chỉ có những nhọc nhằn, khổ sở, nó còn ẩn chứa nhiều tư tưởng sâu sắc, đáng quý giàu chất nhân văn và dân gian truyền thống. Chúng làm giàu cho vốn sống của con người và mang cả sức mạnh thanh lọc tâm hồn. Hình ảnh nông thôn có một vị trí quan trọng trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp. Những hình ảnh về nông thôn xuất hiện nhiều trên những trang truyện của nhà văn: có khi đó là một làng quê ở vùng đồng bắng Bắc bộ, lúc là những đồi núi chập chùng và cuộc sống hoang dã vùng Tây bắc (Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Chuyện tình kể trong đêm mưa…). Ở đó có những con người sống, lao động, ước mơ, oán giận, yêu thương… Nói chung là sống với nhiều phương diện của đời sống nhân sinh. Chúng được miêu tả sống động trong truyện ngắn của tác giả với những cung bậc phong phú. Nhà văn cũng dành cho những con người quê mùa và nông thôn những tình cảm yêu mến chân thành. Anh giáo Triệu trong Những bài học nông thôn cứ lặp đi lặp lại một điều “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn…” như một lời tâm niệm tha thiết và nhiều yêu thương. Những nhân vật khác xuất thân từ làng quê trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp cũng tỏ bày sự gắn bó ân tình với nơi chốn ấy, như Nhâm trong Thương nhớ đồng quê: “Tôi qua cửa soát vé về làng. Nhìn phía trước chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng, xa mờ là vòng cung Đông Sơn. Ở đấy tôi có rất nhiều thương nhớ” [27, tr.199] … Trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp nông thôn và người nông dân là những biểu hiện của lối sống tự nhiên, nơi lưu giữ những cội nguồn tốt đẹp của tâm hồn và tính cách dân tộc. Ở đấy có những con người sống hồn hậu, lam lũ, chất phác, thuận theo tự nhiên. Họ vẫn ngỡ ngàng trước những đổi thay mà đời sống đô thị truyền về, nhưng về bản chất họ vẫn là những con người của ruộng đồng, của làng xóm như ngàn đời nay. 3.3.2.2 Chú Hoạt tôi, Thổ cẩm Trong mỗi truyện ngắn đều xuất hiện hai người kể chuyện xưng “tôi”. Người kể chuyện xưng “tôi” thứ nhất giữ vai trò là người kể chuyện trong phần chính của truyện ngắn, còn người kể chuyện xưng “tôi” thứ hai xuất hiện ở vị trí người lắng nghe câu chuyện của “tôi” trên kia và tường thuật lại. Người kể chuyện thứ nhất đồng thời cũng là một nhân vật trong truyện, anh ta là người kể chuyện duy nhất trong toàn bộ phần chính của câu chuyện. Mọi sự việc, diễn biến trong đó đều được quan sát và kể lại từ điểm nhìn chủ quan của anh ta. Còn người kể chuyện thứ hai hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện được kể lại, anh ta chỉ tường thuật những gì được nghe kể mà thôi. Thực chất, anh ta là người dẫn chuyện nhưng vì xuất hiện ở cuối tác phẩm nên vai trò dẫn dắt của anh ta không thể hiện rõ ràng, anh ta giống như một thính giả thụ động hơn. Một người đang đối thoại với người kể chuyện chính. Hình thức này mang lại cho người đọc cảm giác rằng những nhân vật và câu chuyện trên kia là có thực, mang tính khách quan cao. Chú Hoạt tôi là chuyện đời của người đàn ông tật nguyền tên Hoạt, được kể từ điểm nhìn của Vương (đồng thời là người kể chuyện xưng “tôi”), người cháu ruột của ông. Qua lời kể của Vương, những sự kiện quan trọng trong một quãng đời dài của nhân vật đã được tái hiện lại. Đó là một cuộc đời nhiều đau buồn và tủi nhục của một con người tật nguyền chịu nhiều uất ức nhưng luôn khát khao tự mình làm được một điều gì đó tốt đẹp, có ích. Nhưng cuộc đời luôn từ chối Hoạt, bắt đầu là từ gia đình, sau đó là xã hội. Càng về cuối thiên truyện, hành tung và số phận của nhân vật càng mờ nhạt, được tái hiện chủ yếu trong cách hình dung của các nhân vật khác (Vương, bố Vương, mẹ Vương, những người ở tòa báo, những người sống quanh hồ Hoàn Kiếm). Một sự mờ nhạt mang màu sắc lãng quên. Tuy là nhân vật được nói đến nhiều nhất và là nhân vật trung tâm liên kết các nhân vật khác trong truyện, nhưng tính cách và số phận lại được kể từ một điếm nhìn bên ngoài, từ người kể chuyện xưng “tôi”. Những chi tiết về hành trạng, tính cách của nhân vật được thuật tả cũng khá chi tiết, trải dài trên nhiều không gian khác nhau (không gian gia đình, không gian phố huyện, không gian thành thị…) với khoảng thời gian dài mở ra một tầm quan sát rộng về số phận và cuộc đời của nhân vật. Điểm nhìn khách quan và cách kể chi tiết đó đã mang lại một sự khái quát sâu sắc về số phận của nhân vật. Nếu để cho nhân vật tự kể, những điều được nói ra có thể chỉ là những lời chua chát cho thân phận của mình, điều đó làm giảm đi ý nghĩa tích cực của hình tượng và khó gây được thái độ thẩm mỹ tốt ở người đọc. Nhưng khi được kể bằng một giọng khách quan, không thành kiến, sức tác động của hình tượng được miêu tả sẽ trở nên mạnh mẽ và thuyết phục hơn. Trong truyện ngắn, người kể chuyện cũng thường xuyên tạo ra hình thức đối thoại với người kể chuyện thứ hai, ở đây đang đóng vai trò là người nghe chuyện. Song lời trần thuật của người kể trong trường hợp này lại mang tính tự thoại nhiều hơn. Nó thể hiện những mâu thuẫn trong ý thức nội tại của “tôi” – người kể chuyện: “Ông cảm động à? Thưa ông, cảm động cái con mẹ gì khi người ta nghèo. Cách nghĩ của ông là cách nghĩ của người no nê nhìn xuống dưới đáy xã hội (…) Ông đã bao giờ nghe thấy tiếng thở dài của cả vạn người cùng một lúc chưa? Chưa à? Ồ, hay tuyệt vời, thật đấy! Tôi không biết tả thế nào mà chỉ thấy rằng nó hay một cách rùng rợn mà thôi!” [27, tr.539-540]. “Ông bảo đẹp ư? Sao ông chỉ chú ý đến những cái đẹp vớ vẩn, cảnh giả như thế? Ông là một người ở đẳng cấp trên, ăn sung mặc sướng quen rồi nên mới có những thứ tình cảm kiểu này. Với người nghèo, cái đẹp phải là cái gì tựa như sự phồn thực, trăng phải tròn, cây đầy trái, túi đầy tiền, nghĩa là cái gì cũng phải đầy đặn như cốc bia này, một trăm phần trăm ông ạ…” [27, tr.542]. …. Những phát ngôn này cũng mang đậm chất triết lý, thể hiện nỗi trăn trở, suy tư về những vấn đề nhân sinh, thế sự. Tiếng nói của nhân vật cũng đã nói thay tác giả những quan niệm, tư tưởng về hiện thực đời sống. Thổ cẩm lại là một chuyện đời tự kể. Nhân vật chính trong câu chuyện đồng thời cũng là người kể chuyện chính trong truyện. Nhân vật chính là một quan chức cao cấp trong ngành y tế, ông tường thuật lại quãng đời tuổi trẻ của mình, trong đó xen lẫn những ảo tưởng, đam mê, dục vọng với những ước mơ, sự lãng mạn và niềm yêu đời. Một sai lầm trong phút nông nổi của tuổi trẻ đã cho ông có một đứa con ngoài giá thú, một đứa trẻ dị dạng bẩm sinh, sớm mất mẹ và sau này trở thành một tên tội phạm. Người đàn ông đã giải quyết nỗi ân hận của mình theo lối “dĩ hòa vi quý”, không nhận con mà đứng ra bảo lãnh và cấp vốn cho hắn làm ăn. Đọng lại cuối câu chuyện là triết lý sâu sắc về hạnh phúc của con người trong cõi sống thị phi mang đậm màu sắc Phật giáo: “Hạnh phúc là gì nhỉ? Thế hạnh phúc là gì nếu không phải là “sự tịnh tâm”? Chúng ta sống trên đời, vô tình hay hữu ý, chúng ta đều đã phạm phải rất nhiều điều ác, thậm chí chúng ta còn từng là những kẻ sát nhân nữa mà không hay biết gì cả. Có thể những thằng bé đánh giày kia, những ả “ca – ve”, những người nghèo khó hay những tên lưu manh trộm cướp đã từng là những đứa con cái vô thừa nhận của chúng ta (mà biết đâu chúng ta lại chẳng là con cái của chúng nữa!). Thôi thì xú xí, “chín bỏ làm mười”, chúng ta hãy yêu thương nhau, tha thứ cho nhau. Cầu mong ai cũng có được sự tịnh tâm để sống trọn đời trong cuộc đời tươi đẹp!” [27, tr.508-509]. Trong suốt câu chuyện, người kể chuyện cũng thường xuyên hướng vào nội tâm của mình. Lời kể chuyện luôn có sự xen kẽ giữa lời kể khách quan có tính quan phương với lời nội tâm mang đậm chất tự sự, triết lý. Sự đan xen những hình thức lời kể mang lại cho câu chuyện khả năng khái quát hiện thực cũng như khả năng biểu hiện rộng lớn, sâu sắc. Khi người trong cuộc đứng ra tự kể, anh ta đồng thời vừa là người chủ thể trần thuật, vừa là chủ thể tự ý thức, mổ xẻ thế giới tinh thần của bản thân mình. Khả năng tự bộc lộ của nhân vật mang lại cho tác phẩm chất trữ tình sâu lắng và tính cá thể cao. Hơn nữa, chính vai trò kép của người kể chuyện cũng góp phần tạo ấn tượng vế tính chân thật cho tác phẩm, không chỉ ở phương diện miêu tả hiện thực mà cả phương diện biểu hiện thế giới tinh thần con người. Hai câu chuyện khắc họa những hình ảnh rất thực tế của đời sống hôm nay, ở đó có những mê chấp, đố kỵ, dục vọng, đớn đau và cả những sai lầm. Trong đó, thân phận của những con người bé nhỏ, yếu ớt là nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ hơn cả. Sự thật phơi bày trong tác phẩm trần trụi và đầy bi kịch, nhưng chất suy nghiệm, triết lý trong ý thức của nhân vật “tôi” – người kể chuyện đã làm phát lộ những điểm sáng về tình yêu thương, sự cảm thông chân thành đối với những số phận bất hạnh. Những câu chuyện vì thế không rơi vào bi lụy, chúng mang giá trị thức tỉnh nhiều hơn đối với người đọc. Một khi trên mặt đất còn tình yêu thương thì những đau khổ của con người vẫn còn có cơ được hóa giải. 3.3.2.3 Vàng lửa, Mưa Cả hai truyện ngắn này đều có kết cấu truyện lồng truyện. Trong truyện ngắn Vàng lửa là sự đan xen giữa ba câu chuyện được kể bởi ba người kể khác nhau, còn trong Mưa, hai câu chuyện của hai người kể riêng biệt cũng khéo léo hòa quyện vào nhau suốt mạch truyện. Người kể chuyện xưng “tôi” đóng vai trò người kể chuyện ngang hàng với những người kể còn lại. Trong Vàng lửa, người kể xưng “tôi” không đồng thời là nhân vật trong truyện, anh ta kể một câu chuyện lớn và câu chuyện này được thêu dệt nên bởi hai câu chuyện nhỏ khác đan cài bên trong. Các nhân vật kể chuyện đều là những chủ thể độc lập và toàn quyền với câu chuyện của mình, “tôi” – người kể chuyện hoàn toàn đứng ngoài. Nhưng dù là hai câu chuyện nhỏ riêng biệt song chúng vẫn nằm trong mạch tư tưởng chủ đề chung của tác phẩm, cùng phục vụ cho một định hướng nghệ thuật thống nhất của người kể chuyện xưng “tôi”. Ở Mưa, bên cạnh câu chuyện giữa hai nhân vật “anh” và em” là câu chuyện của cô gái tên M. kể cho người bạn tên N. của mình nghe. Câu chuyện thứ hai được lồng vào trong mạch kể của câu chuyện thứ nhất theo dòng tự sự của người kể chuyện chính là nhân vật xưng “anh”. Xét về mặt kết cấu thì đây cũng là hai câu chuyện độc lập được sắp xếp xen kẽ nhau theo dụng ý nghệ thuật của người kể chuyện, nhưng cũng như Vàng lửa, chúng cùng hướng đến một nội dung tư tưởng theo quan điểm của người kể chuyện chính. Vàng lửa là một trong ba truyện ngắn thuộc bộ ba truyện lịch sử của Nguyễn Huy thiệp (bên cạnh Kiếm sắc và Phẩm tiết), nhưng khác với Vàng lửa, Kiếm sắc và Phẩm tiết được kể dưới hình thức tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến. Xung quanh truyện ngắn này cũng đã từng xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận trái chiều nhau về cách hiểu đây là một tác phẩm hay hư cấu văn học hay một truyện ký lịch sử. Như phần trước đã trình bày thì cả ba truyện ngắn trong bộ ba truyện lịch sử này thực chất là những sáng tác hư cấu văn học, ngay cả những nhân vật được xem như chứng nhân lịch sử như ông Quách Ngọc Minh và người kể chuyện xưng “tôi” cũng đều là hình tượng hư cấu nhằm tạo ra ấn tượng chân thật cho những điều được kể trong tác phẩm. Vàng lửa không phải viết ra nhằm mục đích bóp méo lịch sử dân tộc, nó là sản phẩm được sáng tạo nên thông qua quá trình nghiền ngẫm của nhà văn về những vấn đề thực tại. Chính cái nhìn trực giác xuyên thấu những cơ cấu bình thường của thực tại, chứ không phải những hiện tượng tiêu cực được trình bày trên bề mặt văn bản, là căn cứ cho nhu cầu thức tỉnh ý thức bên trong của nhận thức, nhu cầu phải lay động quá khứ như là cái đáy sâu mang tính bản chất của đời sống mà về phía nó trong một khoảnh khắc đặc biệt của tinh thần hiện lên như một hệ quả khốc liệt của những dữ kiện lịch sử tưởng chừng đã mờ nhạt. Sự chiêm nghiệm đến giới hạn tột cùng này của thực tại là cơ sở cho cách đặt vấn đề mang ý nghĩa triết học lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật. Nó khác hẳn với nhu cầu tư biện muốn đề cao một điều gì hệ trọng trong lịch sử, nó cũng ngược với thói quen tiếp nhận lịch sử theo con mắt đạo đức thiên kiến. Nó là cái rốt cục sẽ tạo nên những huyền thoại lịch sử mang tinh thần thời đại, thể hiện một sự nhận thức lại những vấn đề quá khứ theo cảm hứng hiện đại. Kết cấu của truyện ngắn Vàng lửa trên đại thể gồm bốn phần: Phần một có thể gọi là phần dẫn chuyện, thuật lại việc người kể chuyện ở ngôi thứ nhất đã có được các tư liệu cổ ra sao. Phần hai là phần chiếm một dung lượng khá lớn trong tác phẩm, bao gồm các trích đoạn bút ký của Phăng, một người hầu cận bên cạnh vua Gia Long. Phần ba thuật lại một phần trong bút ký của người Bồ Đào Nha trong đoàn tìm vàng với Phăng, phải đến phần này thì chủ đề Vàng lửa của truyện mới được triển khai. Phần bốn là phần kết thúc với ba đoạn kết giả định của người kể chuyện xưng “tôi”, mở nút cho toàn bộ hành động truyện được triển khai trước đó. Hành động truyện được triển khai chủ yếu dựa vào lời kể của hai nhân vật Phăng và người Bồ Đào Nha. Trong đó tính cách của các nhân vật lịch sử (Nguyễn Ánh, Nguyễn Du) được nhìn nhận thông qua cái nhìn của Phăng, đến lượt tính cách của nhân vật này cũng được soi chiếu trở lại qua những điều tường thuật của người Bồ Đào Nha trong bút ký. Trong câu chuyện của Phăng, ông ta hiện ra với tư cách của một người Pháp đến “khai hóa” dân tộc Việt Nam. Ông ta tỏ ra trọng thị đối với vua Gia Long, nhưng lại coi thường Nguyễn Du dù trong thâm tâm ông ta phải thừa nhận những điểm tốt đẹp ở con người này. Nhưng dù kể về nhân vật nào, Phăng cũng dùng một giọng điệu kẻ cả, trịch thượng của một tên xâm lược ngạo mạn. Song bản chất của Phăng lại bị lột trần trong phần bút ký của người Bồ Đào Nha. Thông qua lời kể của anh ta, Phăng hiện lên là một kẻ tiểu nhân tàn ác và hám lợi. Hình tượng cao ngạo của Phăng thể hiện trong câu chuyện trước đó bị đánh đổ hoàn toàn qua sự tường thuật chi tiết của người Bồ Đào Nha. Nếu lấy chức năng kể chuyện để định danh cho nhân vật thì ở đây cả Phăng và người Bồ Đào Nha đều được xây dựng là loại “người kể không đáng tin cậy” (W.Booth). Những đoạn bút ký của Phăng và người Bồ Đào Nha có thể coi là những lời độc thoại độc đáo. Tác giả cho loại nhân vật này được quyền kể chuyện, nhưng lại có thái độ phê phán, thái độ sàm bang đối với họ. Người đọc có thể nương theo lời kể của họ để hình dung sự việc, cân nhắc tính khách quan và sự thật ít nhiều trong lời lẽ và chuyện kể của họ, nhưng không nên tin tưởng hoàn toàn. Bởi vì dù sao thì dưới mắt tác giả, họ cũng không thật đáng tin, không thật đáng trọng về nhân cách. Tóm lại, Phăng là một góc nhìn, người Bồ Đào Nha là một góc nhìn khác (và “tôi” cũng là một góc nhìn khác). Mỗi góc nhìn này khó thoát khỏi phiến diện, chủ quan. Đặt giữa những góc nhìn riêng không đáng tin cậy như vậy, thiên truyện sẽ làm nảy sinh một thứ lực thẩm mỹ đặc biệt: đó là sự xác tín hoàn toàn có ý thức của người đọc, nó sẽ khắc phục những sự tự biện hộ hoặc những định kiến lầm lạc của những nhân vật kể chuyện. Tác phẩm kết thúc bằng ba đoạn kết mang tính giả định của người kể chuyện xưng “tôi”. Mỗi đoạn kết mang một ý nghĩa riêng. Đoạn kết thứ nhất là đoạn cuối của tập bút ký của Phăng tuy mang màu sắc bi kịch nhưng lại cho thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của nhân vật. Đó là sự đoạn tuyệt các thiên kiến, khả năng hướng thiện bộc lộ qua câu hỏi đầy đau đớn mang tính nhân bản “đến bao giờ? Hỏi đến bao giờ trên mặt đất này xuất hiện tiến bộ?”. Câu hỏi thể hiện một sự “sám hối từ tầm vóc của con người” ở nhân vật. Đoạn kết thứ hai là đoạn kết “có hậu” nhất, nhưng đồng thời cũng “tầm thường” nhất trong ba đoạn trích. Không hề có một sự thức tỉnh nào xảy ra. Phăng vẫn là một nhân vật mang đầy những định kiến về “xứ An nam xa xôi” gắn liền với những ảo giác về thời oanh liệt của mình. Còn đoạn kết thứ ba lại thể hiện một sự thức tỉnh mang đậm tính bi kịch, nhưng đây không còn là cái nhìn từ bên ngoài như ở hai đoạn kết trước, mà là cái nhìn từ bên trong, cái nhìn của người phương Đông về lịch sử của chính mình. Thông qua cái nhìn đó, những bí mật của cả một nền đế chế “trọn vẹn và điển hình” ở phương Đông được phát lộ. Người kể chuyện xưng “tôi” đã mang vào đoạn kết này của mình một nụ cười châm biếm khi viết rằng “Triều Nguyễn của vua Gia long lập ra là một triều đại tệ hại. Chỉ xin lưu ý bạn đọc đây là triều đại để lại nhiều lăng” [27, tr.171]. Thế nhưng đằng sau nụ cười phát hiện tấn bi hài kịch của lịch sử ấy là sự ý thức về một thời đại đen tối, nó hiện diện ở tầng nghĩa bên trong của văn bản, mang lại cho người đọc những liên tưởng sâu sắc vượt xa ngoài chủ định kể chuyện của “tôi”. Khi xây dựng ba đoạn kết khác nhau như vậy, người kể chuyện xưng “tôi” đã tạo ra sự đối thoại về bản chất của lịch sử, cái bản chất mà người đọc phải tự phát hiện lấy, với tư cách là người đồng hành với tác giả trên con đường đi tìm chân lý. Vàng lửa là câu chuyện lịch sử nhiều ẩn ý, còn Mưa lại là một thiên truyện về tình yêu tinh tế và cảm động. Trên nền của câu chuyện giữa “anh” và “em” còn có một câu chuyện tình yêu khác đan cài bên trong giữa hai cô gái. Tất cả đều là những tâm sự đầy day dứt và thiết tha về tình yêu của mình. Câu chuyện lớn giữa “anh” và “em” được xây dựng trên nền của một cuộc độc thoại nội tâm dài. Kết cấu của truyện là những đoạn đối thoại liên tục, hầu như không có những đoạn “tạm nghỉ” kể chuyện, miêu tả hay dẫn dắt của người kể chuyện. Nhưng những đối thoại này lại diễn ra trong ý thức của người kể chuyện chính xưng “anh” (“Anh” cũng chính là “tôi”, nhưng trong hoàn cảnh xưng hô với người yêu của mình theo hình thức đối thoại, đại từ “anh” mang tính gần gũi, thân mật hơn). Chính vì vậy, hình thức đối thoại ở đây thật ra là sự đối thoại trong ý thức của một nhân vật, là một quá trình tự thoại, tự vấn của người kể chuyện xưng “anh”. Nó thể hiện rõ những mâu thuẫn nội tâm đầy dằn vặt trong nội tâm nhân vật. Câu chuyện được kể ở thì hiện tại nhưng suy nghĩ của nhân vật lại ngược vể quá khứ, anh ta đối thoại với người “em” trong trí tưởng tượng của mình bằng cách tự kể lại những việc đã qua. Kí ức của anh ta cũng là những dòng đối thoại, ở đó có những kỷ niệm giữa hai nhân vật, đồng thời đó là sự đối thoại giữa những ý thức để tìm cho mình một định nghĩa chung về tình yêu. Trong quá trình hồi cố ấy xuất hiện câu chuyện giữa hai cô gái N và M. Câu chuyện này được xây dựng từ góc nhìn của hai nhân vật “anh” và “em”, nhưng lại là một câu chuyện độc lập, do “anh” và “em” chỉ giữ vai trò quan sát và kể lại. Nhưng chính câu chuyện này lại gợi hứng quan trọng cho những đối thoại ý thức giữa “anh” và “em” về tình yêu. Người đọc nắm bắt được câu chuyện giữa N và M hoàn toàn thông qua quá trình đối thoại trực tiếp giữa hai nhân vật. Hình thức kết cấu này buộc độc giả phải tập trung cao độ vào những gì đang đọc và vận dụng khả năng tự phán xét của mình để phân định các ý thức đang trò chuyện cùng nhau. Chính điều này lại tạo nên sức hút lớn cho tác phẩm. Câu chuyện giữa M và N xoay quanh một nhân vật giấu mặt là “hắn”, một người mà cả hai cô gái cùng đem lòng yêu thương. Nhưng N lại tìm cách ngăn cản M bằng cách kể lại chuyện tình đã qua với “hắn” của mình. Cuộc trò chuyện chấm dứt bằng nước mắt và sự ra đi của hai nhân vật, song những vấn đề gợi lên thông qua đoạn hội thoại dài ấy lại bỏ ngỏ như chính sự bế tắc của các nhân vật trên hành trình lý giải về tình cảm của mình. Truyện ngắn thực chất là một quá trình đối thoại liên tục liên tục giữa bốn ý thức riêng biệt về cùng một vấn đề: Tình yêu. Mỗi ý thức là một góc nhìn, là một quan điểm, là một cách cảm nhận khác nhau về tình yêu. Không có câu trả lời cho những nghi vấn của các nhân vật. Chỉ có thông qua đối thoại, tự biểu hiện, suy nghĩ của họ mới bộc lộ rõ ràng. Bốn tiếng nói vang lên làm thành một thiên truyện tình đa thanh, đa giọng điệu. Mỗi giọng điệu mang theo một cung bậc cảm xúc. Độc giả sẽ phải tự mình soi chiếu lại những câu chữ trong tác phẩm để rút ra một cách hiểu cho mình. Và biết đâu đấy cũng là một ý thức đối thoại khác. Trong các truyện ngắn kể theo ngôi thứ nhất với điểm nhìn đa tuyến, người kể chuyện xưng “tôi” luôn đồng hành cùng các nhân vật khác trong quá trình kiến tạo nên một câu chuyện trọn vẹn. Anh ta không chỉ kể chuyện từ điểm nhìn của mình mà còn trao quyền trần thuật lại cho những cái “tôi” khác. Có khi người kể chuyện đóng vai trò là người kể chính, câu chuyện được kể từ điểm nhìn bao quát mang tính chủ quan của anh ta, nhưng xen giữa mạch truyện là những câu chuyện do các nhân vật khác tự kể lại (Những bài học nông thôn). Trong truyện kể có lúc xuất hiện đồng thời hai người kể xưng “tôi”, trong đó một người đồng thời là nhân vật chính, còn người kia đóng vai trò người tường thuật (Chú Hoạt tôi, Thổ cẩm). Và có trường hợp “tôi” – người kể chuyện còn đứng ngang hàng với các nhân vật khác để kể những câu chuyện khác nhau (Vàng lửa, Mưa). Sự tham gia của những cái “tôi” khác nhau trong cùng một truyện kể đã tạo ra sự đối thoại liên tục giữa các ý thức riêng biệt trước những vấn đề của hiện thực, nhân sinh. Sự đối thoại ấy mang lại cho truyện ngắn những giọng điệu trần thuật phong phú, đồng thời đa dạng hóa những khả năng tiếp cận đối với thế giới hình tượng trong tác phẩm. Từ đó, mở rộng tầm quan sát và liên tưởng cho người đọc. Nếu như truyện ngắn kể theo ngôi thứ nhất với điểm nhìn đơn tuyến chịu sự chi phối của một cái “tôi” trần thuật chủ đạo thì hình thức tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến lại mang đến cho truyện ngắn sự va chạm cùng lúc của nhiều cái “tôi” người kể chuyện. Những cái “tôi” này giữ các vai trò chính phụ khác nhau trong truyện kể song chúng đều là những ý thức độc lập mang những khả năng chi phối đặc thù đối với kết cấu truyện kể, tùy theo vai trò nhất định của chúng. Sự đan xen của nhiều cái “tôi” trong mạch truyện khiến cho thế giới tinh thần, tâm lý của các hình tượng thêm sâu sắc và rộng mở. Người đọc chỉ có thể rút ra cho mình một cách hiểu thông qua quá trình đi sâu vào phân tách đặc điểm của từng cái “tôi” trong tác phẩm. Song điều đó lại giúp gia tăng chất trữ tình, chất triết lý suy nghiệm vốn là đặc trưng ở các truyện ngắn kể theo ngôi thứ nhất của Nguyễn Huy Thiệp. * Tiểu kết: Các truyện ngắn được kể theo ngôi thứ nhất bao quát các đề tài khá rộng lớn, từ những câu chuyện lấy cảm hứng từ lịch sử dân tộc đến những tác phẩm viết về những vấn đề của đời sống hiện đại, trong đó hiện lên bộ mặt tinh thần phong phú của con người hôm nay. Hình thức tự sự ngôi thứ nhất ở các truyện ngắn này khá đa dạng. Có khi trong truyện chỉ xuất hiện một người kể chuyện xưng “tôi”, có khi xuất hiện từ hai cái “tôi” kể chuyện trở nên. Trong nhiều trường hợp, người kể chuyện còn trao điểm nhìn trần thuật lại cho nhân vật và kể chuyện từ góc nhìn của nhân vật này. Hơn nữa, các điểm nhìn ở “tôi” – người kể chuyện không cố định mà luôn có sự di động. Sự kết hợp nhiều hình thức tự sự đa dạng đã đem lại cho tác phẩm cái nhìn đa chiều hấp dẫn, đồng thời mở rộng tầm khái quát hiện thực của truyện ngắn. Tự sự ngôi thứ nhất giúp người kể chuyện thể hiện được tính cá thể cao trong lời kể và các kể chuyện của mình. Cái “tôi” của người kể chuyện có khả năng bộc lộ chiều sâu trong nhận thức và thể hiện sâu sắc quá trình tự vấn của bản thân. Sự tương tác, đối thoại giữa những ý thức chủ thể độc lập góp phần tạo nên tiếng nói đa thanh, đa giọng điệu trong tác phẩm. Thông qua những truyện ngắn này, nhà văn đã thể hiện những quan niệm sâu sắc của mình về bản chất của lịch sử và bản chất của đời sống xã hội hiện tại. Hầu hết các tác phẩm đều chứa đựng những vấn đề triết lý sâu sắc có khả năng lay động suy nghĩ và cảm xúc của người đọc. Tuy vẫn chú ý khai thác những mặt trái trong đời sống là chủ yếu, nhưng ở đây, tiếng nói nhân bản, nhân văn vẫn giữ vai trò chủ đạo trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp. KẾT LUẬN 1. Các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện được những vấn đề đa dạng của cuộc sống hôm nay, nhất là những mặt trái trong đời sống xã hội và nhân tính con người. Đó là những sự thật có sức lay động và cảnh tỉnh to lớn đối với con người thời đại. Ngay trong những tác phẩm lấy đề tài lịch sử, cảm quan hiện đại cũng thể hiện rất rõ trong cách nhìn nhận lại các nhân vật, các vấn đề của quá khứ. Nhà văn không ngần ngại đưa ra một cách nhìn mới đối với những gì đã được ý thức cộng đồng thừa nhận để nêu bật lên những vấn đề muôn thưở của nhân sinh, thế sự, khơi gợi sự suy nghĩ và chiêm nghiệm nơi người đọc. Thế nhưng nhịp mạnh trong các tác phẩm của ông vẫn là nhịp yêu thương, sự cảm thông và thấu hiểu sâu sắc với con người. Để thể hiện tư tưởng của mình, khi dựng truyện, nhà văn không chủ trương chồng chất các biến cố, sự kiện. Ông thường lấy các trạng thái tâm lý, những diễn biến trong ý thức của nhân vật làm đối tượng miêu tả. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đa số không có cốt truyện phức tạp, không chứa đựng những mâu thuẫn đầy kịch tính, những tình tiết ly kỳ, gay cấn. Nói cách khác, nhiều truyện chỉ đơn giản là những truyện không có chuyện. Thế nhưng, viết về những đề tài quen thuộc trong cuộc sống nhưng các thiên truyện của Nguyễn Huy Thiệp vẫn không đơn điệu mà chứa nhiều sức gợi cảm và suy nghĩ sâu xa. Khi đọc các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, độc giả lại tìm thấy thêm nhiều điều mới mẻ, thấy tâm hồn vang vọng không dứt những dư âm. Đó là những câu chuyện “nói” được nhiều hơn bản thân nó. Có thể chỉ là những mẩu chuyện nhỏ thể hiện những phương diện rất đỗi bình thường trong đời sống song chúng chuyển tải được biết bao ý nghĩa lớn lao về mối quan hệ giữa con người với con người, về vấn đề lương tâm xã hội, sự tha hóa của nhân cách sống… Để kể những truyện không có chuyện đầy sức thuyết phục, Nguyễn Huy Thiệp đã vận dụng hết sức linh hoạt các hình thức tự sự để xây dựng nên những hình tượng người kể chuyện đa dạng. Việc tìm hiểu người kể chuyện trong tổ chức truyện ngắn của nhà văn giúp chúng ta xác định sâu sắc hơn vai trò của cấu trúc trần thuật trong việc làm nổi bật giá trị tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm đặc sắc này. Nghiên cứu người kể chuyện thực chất là tìm hiểu một phương diện quan trọng của thi pháp xây dựng truyện ngắn. Vấn đề này ít được các nhà nghiên cứu chú ý khi phân tích, tìm hiểu truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Chính vì vậy, luận văn đã xoáy sâu vào việc tìm hiểu những nét đặc sắc về hình thức cũng như ý nghĩa của loại hình tượng này để cung cấp một cái nhìn toàn diện và hệ thống hơn về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên bình diện mới, góp phần khắc phục những cái nhìn chưa đầy đủ trong nghiên cứu về Nguyễn Huy Thiệp từ trước tới nay. 2. Tự sự học là hệ thống lý thuyết có nội hàm nghiên cứu sâu rộng, bao gồm nhều thành phần của nghệ thuật tự sự. Trong đó, người kể chuyện là một yếu tố trọng yếu có khả năng chi phối đến việc tổ chức cấu trúc tác phẩm. Trên cơ sở trình bày các lý thuyết về người kể chuyện và các khái niệm có liên quan (điểm nhìn trần thuật, ngôi kể, lời kể), luận văn đã vận dụng khảo sát, phân tích một số truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Huy Thiệp. Quá trình vận dụng các lý thuyết tự sự vào việc nghiên cứu tác phẩm cụ thể vừa có ý nghĩa làm sáng rõ, minh chứng cho cơ sở lý thuyết, vừa giúp chúng ta hiểu sâu hơn bản chất sáng tạo của nhà văn. Khi đi vào tìm hiểu hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, luận văn đã làm nổi bật ý nghĩa của vấn đề ngôi kể và cách thức tổ chức điểm nhìn trần thuật – những vấn đề mấu chốt làm nên diện mạo người kể chuyện và tạo nên phẩm chất nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu, luận văn đã kết hợp khảo sát đan xen nhiều thành phần khác nhau của nghệ thuật xây dựng hình tượng người kể chuyện như điểm nhìn, ngôi kể, lời kể, giọng điệu trần thuật chứ không tách nghiên cứu từng thành phần riêng rẽ. Chẳng hạn, nếu ở các truyện ngắn tự sự ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên ngoài, lời kể chủ yếu là lời người kể chuyện mang giọng điệu lạnh lùng, khách quan, bình thản, thì ở các truyện ngắn tự sự ngôi thứ ba theo điểm nhìn bên trong, lời người kể chuyện và lời nội tâm của nhan vật luôn có sự đan xen, hòa trộn, bổ sung cho nhau làm nên giọng điệu thâm trầm, sâu lắng. Với các tác phẩm tự sự ở ngôi thứ nhất, gắn với cái “tôi” kể chuyện đa dạng, giàu suy tư là chất giọng trữ tình giàu chất suy nghiệm, triết lý làm chủ đạo. 3. Qua việc tìm hiểu hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, luận văn đã khẳng định vai trò đóng góp tích cực của nhà văn trong quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc giai đoạn từ sau 1975 trở đi. Các hình thức tự sự trong các truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp rất đa dạng với sự tổ chức sinh động, linh hoạt các điểm nhìn nghệ thuật, sự đan xen các hình thức ngôi kể khác nhau cùng với giọng điệu trần thuật biến hóa, phong phú đã tạo nên sức rung động và khả năng tác động to lớn của các tác phẩm. Trong xu hướng cách tân chung của thời đại văn học sau một thời gian dài “tôn sùng” kiểu sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, các nhà văn cùng thời với Nguyễn Huy Thiệp như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ… đã cố gắng khai thác những hình thức nghệ thuật để khai thác hiện thực và đời sống tâm lý con người theo một hướng mới. Họ cố gắng đưa câu chuyện và các nhân vật của mình lại gần hơn với hiện thực cuộc sống đương đại sau chiến tranh, tuy không còn tiếng súng nhưng cũng lắm những xung đột, diễn biến phức tạp, lắm khi tàn khốc. Trong dòng xoáy của cuộc đời mới, con người phải trực diện đối mặt với những biến động khôn lường, phong phú của cuộc đời. Viết về những bề bộn của nhân sinh, thế sự như vậy, các nhà văn không thể sáng tác theo kiểu ngợi ca và ngưỡng vọng một thời. Ngòi bút của họ cần tỉnh táo, chân thực và khách quan hơn khi khai thác các vấn đề hôm nay. Chính vì vậy, việc đa dạng hóa các hình thức nghệ thuật trong sáng tác là một yêu cầu tất yếu của quá trình vận động văn học. Sự thay đổi ấy của văn học cũng đồng thời đáp ứng được những đòi hỏi của hiện thực mới đối với văn học. Sự đa dạng hóa các hình thức thể hiện của văn học được thể hiện ở nhiều phương diện: sự lựa chọn đề tài, cách thức tổ chức cốt truyện, miêu tả nhân vật…trong đó, việc xây dựng hình tượng người kể chuyện theo hướng mới cũng là một sự cách tân quan trọng. Người kể chuyện trong các truyện ngắn từ sau 1975 không còn là một người kể “biết tuốt”, có vai trò chi phối toàn năng đối với câu chuyện cũng như nhân vật của mình. Anh ta có thể hiện diện hoặc vắng bóng trong truyện kể, song sự tác động của anh ta đối với thế giới hình tượng trong tác phẩm có một giới hạn nhất định, các nhân vật trở nên độc lập hơn đối với người kể, mang tư cách là những ý thức riêng biệt có khả năng đối thoại với người kể chuyện. Nhờ đó, tính chân thật và sinh động của truyện kể được gia tăng đáng kể so với thời kỳ trước đó. Nằm trong dòng chảy chung của văn học thời đại, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một đại diện tiêu biểu cho những đổi thay và cách tân của văn học thời kỳ đổi mới. Trong đó, việc xây dựng được những loại hình tượng người kể chuyện đa dạng và sinh động là một nỗ lực đáng ghi nhận của nhà văn. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, người kể chuyện ngôi thứ hai không xuất hiện, còn các truyện ngắn kể theo ngôi thứ nhất và thứ ba có số lượng tương đương nhau. Đặc biệt, chiếm phần lớn là các truyện kể ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp và ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến. Sự ưu trội của các truyện kể ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp đã cho thấy sự phân hóa phức tạp của các ý thức kể chuyện trong cùng một tác phẩm, cũng như sự phát triển của trình độ phản ánh hiện thực sâu rộng và tinh tế của truyện ngắn. Còn các truyện kể ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đơn tuyến lại tập trung phát lộ những tầng sâu phức tạp, đầy mâu thuẫn trong đời sống tâm lý của các cái “tôi” cá nhân. Tự sự ngôi thứ nhất tạo điều kiện cho họ trần tình, độc thoại, bày tỏ tư tưởng và đối thoại về các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, sự di chuyển liên tục của các điểm nhìn nghệ thuật từ ngoài vào trong, từ người kể đến nhân vật, từ nhân vật này đến nhân vật khác ở mỗi tác phẩm cũng góp phần tạo ra sự biến hóa sinh động của các hình thức truyện kể. 4. Trong quá trình đi sâu phân tích hình tượng người kể chuyện trong các truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, luận văn đã cố gắng chỉ ra những hiệu quả nghệ thuật đặc sắc trong việc xây dựng loại hình tượng này ở từng tác phẩm. Tựu trung, có thể thấy, người kể chuyện trong truyện ngắn của nhà văn không chỉ là một người kể đơn thuần hay là một nhân vật, mà là một hình tượng nghệ thuật sống động. Anh ta khi xuất hiện ở ngôi này, khi xuất hiện ở ngôi kia và đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau: hoặc đứng ngoài câu chuyện, hoặc tham gia trực tiếp vào các tình tiết của truyện; hoặc đứng ngoài nhân vât, hoặc nhập vai vào nhân vật để kể… Người kể, trong quá trình trần thuật, không chỉ cho người đọc thấy những gì được kể, mà còn cho thấy cả bản thân người kể. Điểm nhìn trần thuật trong truyện không chỉ là điểm tựa, là vị trí đứng để kể, mà nó còn là điểm nhìn mang tính chất tâm lý thể hiện mức độ cảm xúc và chiều sâu tư tưởng. Sự kết hợp linh hoạt các hình thức tự sự, sự gia tăng hợp lý các điểm nhìn trần thuật giúp cho các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp gợi ra những cái nhìn nhiều chiều hấp dẫn. Chúng vừa có khả năng khơi sâu, nắm bắt thế giới tâm hồn con người, vừa có khả năng bao quát được những phạm vi hiện thực rộng lớn. Tính chất phức điệu, đối thoại, đa nghĩa của các tác phẩm đã được tạo nên bởi lối kể chuyện sinh động và biến hóa tài tình của nhà văn. Mặt khác, tùy thuộc vào đối tượng phản ánh, trong mỗi tác phẩm thường nổi lên một chất giọng chủ đạo, song các tính chất lạnh lùng, khách quan, suy tư, triết lý, trữ tình thường đan hòa vào nhau, gợi cho người đọc nhiều cảm xúc đan xen phức hợp và nhiều suy ngẫm, trăn trở khôn nguôi trước các vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Sự sâu sắc và sức hấp dẫn của truyện Nguyễn Huy Thiệp là ở chỗ đó. Với một phong cách táo bạo, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ vào nền văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XX. Nghiên cứu hình tượng người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, luận văn không cho rằng đã giải quyết thấu đáo và đầy đủ mọi vấn đề. Nhưng người viết hy vọng đề tài đã mở ra một hướng tiếp cận mới đối với một hiện tượng tiêu biểu của văn học đương đại Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (sưu tầm và biên soạn), (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết, Nxb. Hội nhà văn, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H. 2. Lại Nguyên Ân (2003), Sống với văn học cùng thời, Nxb. Thanh niên, TP.HCM. 3. Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, H. 4. M.Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và giới thiệu, Bộ văn hóa thông tin và thể thao, Trường viết văn Nguyễn Du, H. 5. M.Bakhtin (1993), Những vấn đề thi pháp Đôxtốiepxki, Nxb. Giáo dục, H. 6. Roland Barthes (2008), Những huyền thoại, Nxb. Tri thức, H. 7. Lê Huy Bắc (2007), Nghệ thuật Phran-dơ Káp-ka, Nxb. Giáo dục, H. 8. Gillian Brown, George Yule (2002), Phân tích diễn ngôn, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, H. 9. Nguyễn Thị Bình (2007), Văn xuôi Việt Nam 1975-1995 – Những đổi mới cơ bản, Nxb. Giáo dục, H. 10. Nguyễn Phan Cảnh (2006), Ngôn ngữ thơ, Nxb. Văn học, H. 11. Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb. Khoa học xã hội, H. 12. Hà Huy Dũng (2007), Người kể chuyện trong truyện và tiểu thuyết Nguyễn Khải (Luận văn thạc sĩ Ngữ văn) , trường Đại học Sư phạm TP.HCM. 13. Đinh Xuân Dũng (2003), Hiện thực chiến tranh và sáng tạo văn học, Nxb. Quân đội nhân dân, thành phố Hồ Chí Minh. 14. Đặng Anh Đào (2007), Việt Nam và phương Tây – Tiếp nhận và giao thoa trong văn học, Nxb. Giáo dục, H. 15. Trần Thiện Đạo (2008), Từ chủ nghĩa hiện sinh đến thuyết cấu trúc, Nxb. Tri thức, H. 16. Trần Thanh Đạm (1978), Giảng dạy tác phẩm văn học theo lọai thể, Nxb. Giáo dục, H. 17. Phan Cự Đệ (1978), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (tập 1+2), Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, H. 18. Phan Cự Đệ (chủ biên), (2005), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Giáo dục, H. 19. Phan Cự Đệ (chủ biên), (2007), Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, Nxb. Giáo dục, H. 20. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học, H. 21. Hà Minh Đức (chủ biên), (2008), Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, H. 22. Cynthia Freeland (2009), Thế mà là nghệ thuật ư?, Nxb. Tri thức, H. 23. Nguyễn Hải Hà (2006), Thi pháp tiểu thuyết L. Tônxtôi, Nxb. Giáo dục, H. 24. Kate Hamburger (2004), Logic học về các thể lọai văn học, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, H. 25. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Sinh (chủ biên), (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB.Giáo dục, H. 26. Nguyễn Văn Hạnh - Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học – Vấn đề và suy nghĩ, Nxb. Giáo dục, thành phố Hồ Chí Minh. 27. Đỗ Hồng Hạnh (tuyển chọn), (2005), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP.HCM. 28. Võ Thị Thu Hằng (2007), Triết lý văn chương trên trang viết Nguyễn Huy Thiệp, nguồn: binh/2007/09/3B9ADA3F/ 29. Hoàng Ngọc Hiến (1997), Tập bài giảng nghiên cứu văn học, Nxb. Giáo dục, H. 30. Hoàng Ngọc Hiến (2003), Nhập môn văn học và phân tích thể loại, Nxb. Đà nẵng, Đà Nẵng. 31. Hoàng Ngọc Hiến (2006), Những ngả đường vào văn học, Nxb. Giáo dục, H. 32. Hoàng Ngọc Hiến (2007), Văn hóa và văn minh, văn hóa chân lý và văn hóa dịch lý, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng. 33. Phùng Minh Hiến (2002), Tác phẩm văn chương như một sinh thể nghệ thuật, Nxb. Hội nhà văn, H. 34. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb. Giáo dục, H. 35. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb. Hội nhà văn, H. 36. La Khắc Hòa (2006), Những dấu hiệu của Chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, nguồn: 37. Nguyễn Thái Hòa (2006), Từ điển tu từ - Phong cách – Thi pháp học, Nxb. Giáo dục, H. 38. Nguyễn Trọng Hoàn (giới thiệu và tuyển chọn), (2004), Nguyễn Minh Châu - Về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H. 39. Nguyễn Công Hoan (2005), Đời viết văn của tôi – Thăm nhà người anh em chiến đấu, Nxb. Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh. 40. Hans Robert Jauss (2002), Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khao học văn chương (Trương Đăng Dung dịch), Tạp chí Văn học (số 1). 41. Nguyễn Văn Kha (2006), Đổi mới quan niệm về con người trong truyện Việt Nam 1975 – 2000, Nxb. Đại học quốc gia TP.HCM, thành phố Hồ Chí Minh. 42. N.Konrad (1997), Phương Đông và Phương Tây, Nxb. Giáo dục, H. 43. M.B.Khrapchenkô (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, H. 44. M.B.Khrapchenkô (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn văn và sự phát triển của văn học, Nxb. Tác phẩm mới, H. 45. Cao Kim Lan (2006), Lịch sử trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đại, nguồn: 46. Tôn Phương Lan (2002), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, Nxb. Khoa học xã hội, H. 47. Tôn Phương Lan (2002), Nguyễn Minh Châu – Trang giấy trước đèn, Nxb. Khoa học xã hội, H. 48. Ngô Tự Lập (2008), Văn chương như là quá trình dụng điển, Nxb. Tri thức, H. 49. Nguyễn Văn Long (2003), Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb. Giáo dục, H. 50. Nguyễn Văn Long - Lã Nhâm Thìn (chủ biên), (2007), Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb. Giáo dục, H. 51. Iu.M.Lotman (2007), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, H. 52. Chu Giang Nguyễn Văn Lưu (2004), Luận chiến văn chương, Nxb. Văn học, H. 53. Phương Lựu ( chủ biên), (2003), Lý luận văn học, Nxb. Giáo dục, H. 54. Phương Lựu (2004), Lý luận và phê bình văn học, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng. 55. Phương Lựu (2005), Lý luận văn học hiện đại phương Tây, Nxb. Giáo dục, H. 56. Jean-Francois Lyotard (2007), Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb. Tri thức, H. 57. Nguyễn Đăng Mạnh (2003), Nhà văn hiện đại – Chân dung và phong cách, Nxb. Văn học, H. 58. Nguyễn Đăng Mạnh (2006), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, H. 59. M.AR. Nauđốp (1978), Tâm lý học sáng tạo văn học, Nxb. Văn học, H. 60. Vương Trí Nhàn (2003), Ngoài trời lại có trời, Nxb. Hội nhà văn, thành phố Hồ Chí Minh. 61. Phùng Quý Nhâm (2003), Văn học và văn hóa từ một góc nhìn, Nxb. Văn học, Trung tâm nghiên cứu quốc học, thành phố Hồ Chí Minh. 62. Lê Thành Nghị (2003), Văn học – Sáng tạo và tiếp nhận, Nxb. Quân đội nhân dân, H. 63. Phan Ngọc (2000), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh 64. Phạm Xuân Nguyên (2001), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb. Văn hóa thông tin, H. 65. K.Pauxtốpxki (2004), Một mình với mùa thu, Nxb. Văn hóa thông tin, TP.HCM. 66. Phạm Phú Phong (2002), Giọng điệu văn chương Nguyễn Huy Thiệp, Tạp chí Sông Hương (số 155). 67. Pospelov (chủ biên), ((1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học (tập 2) (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Nghĩa Trọng dịch), Nxb. Giáo dục, H. 68. Trần Đình Sử (2003), Lý luận và phê bình văn học, Nxb. Giáo dục, H. 69. Trần Đình Sử (1993), Giáo trình thi pháp học, Giáo trình ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh. 70. Trần Đình Sử (chủ biên), (2003), Tự sự học – Một số vấn đề lý luận và lịch sử, Nxb. Đại học sư phạm, H. 71. L.I. Timofeev (1962), Nguyên lý lý luận văn học, Nxb Văn hoá, Viện Văn học, H. 72. Nguyễn Quang Thắng (sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu), Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê (tập IV: Văn học), Nxb. Văn học, thành phố Hồ Chí Minh. 73. Phùng Gia Thế (2007), Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học VN sau 1986, Báo Văn nghệ (số 8/12/2007). 74. Nguyễn Thành Thi (2006), Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam, Nxb. Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh. 75. Nguyễn Huy Thiệp (2006), Giăng lưới bắt chim, Nxb. Hội nhà văn, H. 76. Trần Viết Thiên (2007), Thơ trong văn Nguyễn Huy Thiệp – Chiều tương tác độc đáo, Tạp chí Sông Hương (số 216). 77. Nguyễn Văn Thuấn (2008), Nguyễn Huy Thiệp đưa nhân vật vào lập trường đối thọai, Tạp chí Sông Hương (số 233). 78. Lộc Phương Thủy (2003), Quan niệm văn chương Pháp thế kỷ XX, Nxb. Văn học, H. 79. Đỗ Lai Thúy (biên soạn), (2001), Nghệ thuật như là thủ pháp (Lý thuyết chủ nghĩa hình thức Nga), Nxb. Hội nhà văn, H. 80. Đỗ Lai Thúy (2006), Theo vết chân những người khổng lồ, Nxb. Văn hóa thông tin, H. 81. Lê Hương Thủy (2006), Truyện ngắn sau 1975 – Một số đổi mới về thi pháp, Tạp chí Nghiên cứu văn học (số 11). 82. Lộc Phương Thủy (chủ biên), (2007), Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX (tập 1+2), Nxb. Giáo dục, H. 83. Chu Quang Tiềm (2005), Tâm lý văn nghệ, Nxb. Thanh niên, Thành phố Hồ Chí Minh. 84. L.I. Timofeev (1962), Nguyên lý lý luận văn học, Nxb Văn hoá, Viện Văn học, H. 85. Tzvetan Todorov (2006), Di sản Bakhtin, La Khắc Hòa dịch, Tạp chí Nghiên cứu văn học (số 7). 86. Lê Ngọc Trà (2007), Văn chương, thẩm mỹ và văn hóa, NXb. Giáo dục, H. 87. Ngọc Trai (1987), Sự khám phá con người Việt Nam qua truyện ngắn, Tạp chí Văn nghệ quân đội (số 10). 88. Nguyễn Văn Trung (1965), Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Nxb. Sơn Nam, Sài Gòn. 89. Bùi Thanh Truyền (2006), Sự hồi sinh của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu văn học (số 11). 90. Nguyễn Văn Tùng (tuyển chọn), (2008), Tuyển tập các bài viết về tiểu thuyết ở Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Giáo dục, H. 91. Phùng Văn Tửu (2005), Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI, Nxb. Giáo dục, H. 92. Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại những tìm tòi đổi mới, Nxb. Khoa học xã hội, H. 93. Nhiều tác giả (1983), Số phận của tiểu thuyết (Lại Nguyên Ân, Nguyễn Minh, Phong Vũ biên dịch), Nxb. Tác phẩm mới, H. 94. Nhiều tác giả (1996), Một thời đại mới trong văn học, Nxb. Văn học, H. 95. Nhiều tác giả (2004), Thơ – nghiên cứu, lý luận, phê bình, Nxb. Đại học quốc gia TP.HCM, thành phố Hồ Chí Minh. 96. Nhiều tác giả (2004), Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nxb. Văn hóa thông tin, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, H. 97. Nhiều tác giả (2007), Huyền thoại và văn học, Nxb. Đại học quốc gia TP.HCM, thành phố Hồ Chí Minh. 98. Nhiều tác giả, (2008), Kỷ yếu Hội thảo Tự sự học (lần 2), Khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Hà Nội. 99. Hoàng Thị Văn (1995), Đặc trưng truyện ngắn Việt Nam 1975-1995 (Luận án tiến sĩ Ngữ văn), trường Đại học Sư phạm TP.HCM. 100. Tiền Trung Văn (2006), Những vấn đề lý thuyết của M.Bakhtin về tính phức điệu, tạp chí Nghiên cứu văn học (số 6). 101. Nguyễn Khắc Viện (2007), Truyện Kiều và nghiên cứu sáng tác văn học, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHLLVH007.pdf
Tài liệu liên quan