Luận văn Quan hệ Trung - Mỹ từ năm 2001 - 2005

MS:LVLS-LSTG003 SỐ TRANG:99 TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NGÀNH: LỊCH SƯ CHUYÊN NGÀNH: LỊCH SƯ THẾ GIỚI NĂM: 2007 MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU Thời kì chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Cả thế giới bước vào những năm đầu của thế kỷ XXI với xu thế hòa bình, hợp tác. Tuy nhiên, kỷ nguyên hòa bình thực sự cho toàn thể nhân loại trên hành tinh có lẽ còn khá lâu mới có thể đạt đến. Những mâu thuẫn và xung đột sắc tộc, tôn giáo, nạn khủng bố quốc tế, rồi nội chiến, chiến tranh cục bộ vẫn diễn ra gay gắt ở nhiều nơi. Quan hệ giữa các nước lớn từ sau chiến tranh lạnh đến nay vẫn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp khó lường, cục diện thế giới vừa mâu thuẫn, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh sẽ tồn tại trong một thời gian dài. Có nhiều nhân tố chủ quan và khách quan thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các nước lớn những năm đầu thế kỷ XXI, nhưng trong sâu xa quan hệ giữa họ vẫn chứa đầy mâu thuẫn, xung đột và có ảnh hưởng hết sức to lớn đến đời sống chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng của thế giới. Trong đó, quan hệ Mỹ – Trung Quốc là một trong những mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở tầm khu vực mà còn có ý nghĩa trên toàn cầu. Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, Mỹ vẫn duy trì được ưu thế vượt trội và là cường quốc duy nhất có ảnh hưởng chi phối ở cấp độ toàn cầu. Với tư cách là siêu cường thế giới duy nhất, trước mặt Mỹ không gặp phải thách thức quân sự –an ninh từ bất cứ nước lớn nào. Tuy nhiên, Mỹ lại đang đứng trước những đe dọa an ninh mới. Đó là việc không ngăn chặn được sự phổ biến vũ khí giết người hàng loạt; sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức Đặc biệt, sự kiện 11/9/2001 đã cho thấy các nguy cơ, thách thức đối với an ninh Mỹ trở nên hết sức phức tạp và khó lường. Từ thực tế đó, chiến lược của Mỹ dưới thời Goerge W.Buse đã có những điều chỉnh lớn, “chống khủng bố trở thành ưu tiên chiến lược, an ninh quân sự trở thành trụ cột hàng đầu, châu Á – Thái Bình Dương trở thành trọng điểm số 1”.[26, tr.297]. Với việc chuyển trọng điểm của Mỹ từ châu Âu sang châu Á – Thái Bình Dương, đối sách của Mỹ với Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc vừa là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân, vừa là đối tác cạnh tranh đáng gờm của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có thể cả trên thế giới. Về phía Trung Quốc, đây là quốc gia có tiềm năng to lớn về nhiều mặt (cả về diện tích, dân số, sức mạnh kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng ). Sau nhiều năm cải cách mở cửa thành công, Trung Quốc bước vào thời kì sau Chiến tranh lạnh với thế và lực ngày càng gia tăng. Mục tiêu đối ngoại được đặt ra là : “sớm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc khu vực và thế giới trong một thế giới đa cực, đa trung tâm; phải đóng vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới trong tương lai không xa. Để đạt được mục tiêu chiến lược trên, Trung Quốc phải tập trung thực hiện hai mục tiêu cơ bản: Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc gia tổng hợp cũng như từng mặt kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa. Thứ hai, tăng vị thế quốc tế và mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc muốn xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, không để điểm nóng trở thành xung đột vũ trang, đồng thời tăng cường ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc ở khu vực, trước hết ở Đông Á và sớm đưa Đài Loan thống nhất đại lục”. [26, tr.310- 311]. Và trong chính sách đối ngoại của mình, Trung Quốc coi quan hệ ổn định với Mỹ có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Như vậy, với sự sụp đổ của Liên Xô tạo ra thực tế Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới, đồng thời tạo ra cho Trung Quốc cơ hội để vươn lên trở thành một cường quốc toàn diện. Trong khi Nga còn gặp nhiều khó khăn ở trong nước, Nhật Bản chưa trở thành một cường quốc chính trị trong một tương lai gần, rõ ràng Mỹ và Trung Quốc sẽ là các nước đóng vai trò chủ yếu đối với các vấn đề của thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Như Đặng Tiểu Bình nhận định:”Quan hệ Trung – Mỹ tốt hay xấu, phát triển hay thoái trào không những có ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ kinh tế, thương mại, và cả các lĩnh vực khác giữa hai nước, mà còn tác động đến sự ổn định và hòa bình của khu vực và thế giới”.[25, tr.125]. Xuất phát từ mục đích tìm hiểu về hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, hai nước lớn trong một trật tự thế giới đa cực đang hình thành, đặc biệt là tìm hiểu về mối quan hệ Trung – Mỹ trong bối cảnh thế giới mới, tôi đã chọn đề tài “Quan hệ Trung – Mỹ từ năm 2001 đến 2005” để thực hiện luận văn cao học. Đây là những năm đầu tiên của thế kỷ mới, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những đối sách quan trọng để thích ứng với tình hình thế giới trong xu thế mới. Việc nghiên cứu đề tài không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn mang ý nghĩa thực tiễn. Đây là thời điểm Việt Nam mở rộng cửa với thế giới bên ngoài, việc nghiên cứu hai cường quốc lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ giúp chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết trong quan hệ quốc tế, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Đề tài cũng sẽ góp phần bổ sung những tư liệu cần thiết cho tôi để phục vụ cho việc giảng dạy Lịch sử ở Trường phổ thông trong phần Quan hệ quốc tế. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI Để đảm bảo tính hệ thống và lôgic của vấn đề, trong chương 1, luận văn sẽ trình bày khái quát những thăng trầm trong quan hệ Trung – Mỹ từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 cho đến năm 2000. Nội dung chương 2 trình bày vấn đề nghiên cứu chính của luận văn, đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ trên các lĩnh vực kinh tế- thương mại, chính trị- an ninh từ năm 2001 đến 2005. Quan hệ kinh tế – thương mại là một phần trong bài toán quan hệ Trung – Mỹ, nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ngày 11 tháng 12 năm 2001 Trung Quốc chính thức gia nhập WTO. Việc giúp Trung Quốc gia nhập WTO là định hướng chính sách kinh tế có tầm quan trọng hàng đầu đối với Mỹ. Mục tiêu của Mỹ là đưa Trung Quốc vào sân chơi chung của thương mại toàn cầu và chiếm lĩnh được nhiều hơn thị trường Trung Quốc. Đối với Trung Quốc thì đây là cơ hội để tăng cường vị thế chính trị của mình cũng như tăng cường lợi ích kinh tế. Luận văn sẽ tìm hiểu Mỹ và Trung Quốc sẽ phát huy những lợi ích đạt được của mình như thế nào. Vấn đề thứ hai trong quan hệ kinh tế – thương mại Trung – Mỹ mà luận văn đề cập đó là sự thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc ngày càng tăng (từ 29,51 tỷ USD năm 1994 lên 83,83 tỷ USD năm 2000; 103,6 tỷ năm 2002 và 114,09 tỷ năm2003; 200 tỷ năm 2005). Việc giải quyết bài toán thâm hụt thương mại được dự báo sẽ là vấn đề nan giải nhất trong quan hệ Trung – Mỹ năm 2006. Quan hệ chính trị –an ninh : Cả Trung Quốc và Mỹ bước vào những năm đầu thế kỷ XXI đều có những thay đổi về chiến lược đối ngoại, đặc biệt trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Cả hai đều nhận thức được tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ ổn định giữa hai nước. Đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương khi mà chưa có được một cơ chế an ninh toàn diện và hiệu quả, khi mà các nước lớn khác như Nga, Nhật Bản, An Độ đều đang muốn tăng cường ảnh hưởng thì hợp tác Mỹ – Trung được cả hai nhận thức là một tiền đề quan trọng để đảm bảo lợi ích chiến lược của cả hai bên. Bên cạnh đó, trong việc giải quyết một số vấn đề toàn cầu (khủng bố quốc tế, khủng hoảng hạt nhân ) cả hai bên đều cần đến sự phối hợp, hợp tác của nhau. Luận văn sẽ lần lượt trình bày chiến lược đối ngoại của từng nước trong những năm 2001-2005 nêu bật sự hợp tác cũng như phân tích những điểm khác biệt gây nên những mâu thuẫn trong quan hệ Trung –Mỹ. Và trong chương 3, luận văn đề cập đến những dự báo về chiều hướng phát triển quan hệ Trung – Mỹ ra sao trong tương lai, đặc biệt là tác động của nó đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 3. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ Quan hệ Trung – Mỹ là vấn đề được các nhà nghiên cứu rất quan tâm, sau đây là một số công trình nghiên cứu trong những năm gần đây: Năm 2001, trong bản thảo “Lịch sử quan hệ quốc tế từ sau 1945 đến nay “của tác giả Lê Vinh Quốc ( chủ biên) – Lê Phụng Hoàng, đã trình bày khái quát lịch sử quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ với những bước thăng trầm trong 3 giai đoạn: 1949-1971, 1971- 1975 và từ 1976 trở về sau. Đặc biệt là vấn đề Đài Loan được xem là trung tâm cho mối quan hệ Trung – Mỹ. Kết thúc Chiến tranh lạnh, Mỹ vẫn giữ vai trò số 1 thế giới, Trung Quốc nổi lên với vai trò nước lớn, trở thành đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Rất nhiều những bài nghiên cứu về chiến lược đối ngoại của cả Mỹ và Trung Quốc. Năm 2003, cuốn sách “Quan hệ quốc tế “của Học viện Chính trị quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá những nhân tố chi phối chính sách đối ngoại của các nước lớn thời kì sau Chiến tranh lạnh. Đối với Mỹ, dù ở vị thế siêu cường thế giới duy nhất, trước mắt Mỹ không gặp phải thách thức quân sự từ bất kỳ nước lớn nào, nhưng Mỹ lại đang đứng trước những đe dọa an ninh mới. Quyển sách đã cung cấp những điều chỉnh trong chiến lược đối ngoại qua 3 đời Tổng thống sau Chiến tranh lạnh để đối phó với những đe dọa mới. Đối với Trung Quốc, các tác giả trình bày những nội dung chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu cụ thể là: sớm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc khu vực và thế giới trong một thế giới đa cực, đa trung tâm; phải đóng vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới trong tương lai không xa. Trong cuốn sách “Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ: Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI’ của Bruce W. Jentleson, ấn hành năm 2000 đã đi sâu phân tích một số nội dung cơ bản của quá trình hoạch định chính sách mới, cũng như những lựa chọn và thách thức đang đặt ra cho chính sách đối ngoại Mỹ trong thế kỷ XXI; qua đó làm rõ mục tiêu và động cơ lưạ chọn, những thay đổi và điều chỉnh trong chính sách đối ngoại Mỹ trước diễn biến mới của tình hình. Trong đó quan hệ với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực được đặt ra, cân nhắc với những lựa chọn quyền lực, hòa bình, thịnh vượng hay các nguyên tắc nhằm đạt được lợi ích quốc gia của Mỹ. Năm 2003, với tiêu đề :”Quan hệ Mỹ – Trung: đối tác chiến lược hay đối thủ chiến lược? “, nghiên cứu của thạc sĩ Phạm Cao Phong đã đề cập đến việc xác định thực chất của quan hệ Trung – Mỹ qua việc tìm hiểu vị trí của Trung Quốc và Mỹ trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Hai nước xác dịnh nhau là bạn hay là thù, từ đó sẽ xác định những nhân tố thuận và không thuận chi phối quan hệ Trung – Mỹ: lợi ích chi phối quan hệ Trung – Mỹ, trong các lợi ích đó, lợi ích nào là lâu dài, lợi ích nào là ngắn hạn; đặc điểm quan hệ hai nước là gì, quan hệ hai nước có thể có những hợp tác về chiến lược như trong thập kỷ 1970 và 1980 hay không, nếu không thì hai nước có thể hợp tác với nhau đến mức độ nào, nếu hai nước cạnh tranh nhau thì mức độ nghiêm trọng sẽ đến đâu. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập nước CHND Trung Hoa, kỷ yếu hội thảo “Cộng hòa nhân dân Trung Hoa- 55 năm xây dựng và phát triển” đã tập hợp rất nhiều bài viết về những thành tựu trong công cuộc cải cách, mở cửa, hiện đại hóa, về quá trình vận động đầy khó khăn nhiều thăng trầm của Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Đây sẽ là những bài học kinh nghiệm lịch sử và gợi mở những dự báo về tương lai cho chính chúng ta. Một trong những vấn đề trong quan hệ Trung –Mỹ được các nhà nghiên cứu quan tâm đó chính là cả hai quốc gia cùng bắt tay tham gia giải quyết các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2004, bài viết “Chu kì hòa dịu mới trong quan hệ Mỹ – Trung sau sự kiện 11-9: cơ sở và triển vọng” của Thạc sĩ Lê Linh Lan đăng trong tạp chí Nghiên cứu quốc tế số 55 đã bàn về sự điều chỉnh sách lược từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc sau sự kiện 11- 9. Điều đặt ra là quan hệ Trung – Mỹ: cải thiện lâu dài hay nhất thời? Theo tác giả, xét từ góc độ cạnh tranh chiến lược, khi cuộc đấu tranh chống khủng bố lắng xuống thì Trung Quốc vẫn là đối thủ chủ yếu của Mỹ ở khu vực. Sự thỏa hiệp chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là một viễn cảnh xa vời. Hiện nay, trong khi Mỹ đang bận rộn với chiến dịch chống khủng bố, Trung Quốc đang tập trung sức lực cho phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân đội thì quan hệ hai nước tạm thời ở trong một tình trạng ổn định tương đối. Cũng đồng quan điểm, trong bài “Những nét chính trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc sau đại hội 16” tác giả Nguyễn Trung Hiếu – nghiên cứu viên Ban Đông Bắc Á, Học viện Quan hệ quốc tế cũng đã nêu về sự thay đổi các ưu tiên chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. Một trong những ưu tiên đó là tranh thủ sự hợp tác với bên ngoài. Song song với thu hút đầu vào, Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh “đưa vốn ra bên ngoài, trong đó ưu tiên hợp tác với các nước phát triển, đặc biệt là với Mỹ”. Phương châm trong việc xử lý quan hệ với Mỹ sẽ vẫn là “đối đầu nhưng không đối kháng”, “đấu trí nhưng không đấu khẩu” nhằm tránh đẩy quan hệ Trung – Mỹ đi đến chỗ đổ vỡ hoặc ở mức quá xấu, bất lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế. Vấn đề Đài Loan và việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân ở Bắc Triều Tiên là những tiêu đề được quan tâm nghiên cứu và giới thiệu trên các website báo điện tử, đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ, đặc biệt trong các bài viết: “Chiến lược Đông Bắc Á của Trung Quốc” của tác giả Tăng Phẩm Nguyên đăng trên http://www.54479.com Hay “Nhìn lại quá trình thương lượng Mỹ – Bắc Triều Tiên về tên lửa và vũ khí hạt nhân “ của Đỗ Trọng Quang đăng trên tạp chí châu Mỹ ngày nay, số 8-2005. Đài Loan có vĩnh viễn trở thành nỗi đau trong lòng nhân dân Trung Quốc hay không? Đó là câu hỏi được tác giả Lưu Kim Hâm đặt ra trong quyển “Trung Quốc – Những thách thức nghiêm trọng của thế kỷ XXI” viết về quan hệ Trung- Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan. Năm 2006, cuốn sách “Các vấn đề chính trị quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương”, tác giả Michael Yahuda được tái bản lần hai. Trong đó tác giả không chỉ đánh giá về những bất ổn thách thức tình hình an ninh khu vực mà còn nghiên cứu về thời kỳ gần đây nhất đối với các vấn đề đang phát triển lớn như là “chiến tranh chống khủng bố “ của Mỹ, mối quan hệ với Trung Quốc – hợp tác và đối đầu trong khu vực, đặc biệt là giải quyết hai điểm nóng ở khu vực: cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Điểm lại để chúng ta thấy được một số vấn đề quan trọng trong quan hệ Trung – Mỹ được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu trên những quan điểm, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chắc chắn “Quan hệ Trung – Mỹ” vẫn tiếp tục là đề tài được các nhà nghiên cứu quan tâm. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã vận dụng phương pháp lịch sử để tái hiện bức tranh sinh động về mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ trong những năm đầu tiên của thế kỷ mới (2001-2005). Vì đây là đề tài nghiên cứu trong giai đoạn đương đại nên chúng tôi đã kết hợp sử dụng các phương pháp liên ngành, đặc biệt là phân tích, tổng hợp các tư liệu từ Internet. 5. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN Luận văn được trình bày trong 140 trang bao gồm phần mở đầu, 3 chương nội dung và phần kết luận: Chương 1: Những thăng trầm trong quan hệ Trung – Mỹ từ 1949 đến 2000 Chương 2: Quan hệ Trung – Mỹ từ 2001 đến 2005 1. Quan hệ kinh tế – thương mại 2. Quan hệ chính trị – ngoại giao - an ninh. Chương 3: Những dự báo quan hệ Trung – Mỹ

pdf99 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2357 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Quan hệ Trung - Mỹ từ năm 2001 - 2005, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
hợp tác với Ai Cập, Iran và Pakistan để nghiên cứu chế tạo tên lửa tầm xa có thể giúp họ khắc phục các khó khăn về công nghệ, nhưng cũng gây ra một cuộc chạy đua vũ trang. Gần đây, quan hệ hợp tác giữa Bắc Triều Tiên và Pakistan để phát triển WND đã trở thành một yếu tố thúc đẩy sự cạnh tranh giữa Pakistan với An Độ, và việc Bắc Triều Tiên nghiên cứu chế tạo tên lửa đang gây tranh luận sôi nổi về phòng thủ. Tên lửa Taepodong được phóng qua các đảo Nhật Bản hồi tháng 8/1998 đã gây hoang mang trong dân chúng Nhật và Mỹ, báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cũng tiên đoán Bắc Triều Tiên có thể chế tạo một tên lửa vượt đại châu đe dọa nước Mỹ trong những năm 2000. 2.2.3.2. Quan hệ Nam – Bắc Triều Tiên và cuộc khủng hoảng hạt nhân Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sẽ khó phát triển chừng nào vấn đề vũ khí hạt nhân chưa được giải quyết giữa Washington và Bình Nhưỡng. Nhìn lại thời kì Tổng thống Kim Young-sam cầm quyền, ta thấy cuộc khủng hoảng tai hại như thế nào đối với quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Một số người cho rằng quan hệ giữa hai nước Triều Tiên cần được thúc đẩy, ít nhất để tình hình khỏi căng thẳng thêm trên bán đảo. Theo gương người tiền nhiệm, Tổng thống Roh Moo-hyun mong muốn cải thiện quan hệ với miền Bắc, đồng thời cố gắng thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Ngay sau khi lên cầm quyền ở Hàn Quốc, ông Roh Moo-hyun thông báo sẽ theo đuổi chính sách hòa bình và thịnh vượng, một chính sách nhằm “củng cố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở thành trung tâm kinh tế ở Đông Bắc Á”. Về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Tổng thống Roh Moo-hyun đề ra ba nguyên tắc để giải quyết cuộc khủng hoảng: phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của miền Bắc, giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân, và Nam Triều Tiên đóng vai trò chính trong việc giải quyết vấn đề. Tuy nhiên ba nguyên tắc này không thích hợp với cuộc khủng hoảng hạt nhân, vì cuộc khủng hoảng cần được giải quyết giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ, một vấn đề đòi hỏi cách tiếp cận rộng hơn, thậm chí cần xem xét việc bình thường hóa quan hệ Mỹ – Bắc Triều Tiên. Thương lượng giữa Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên có thể kéo dài, và khó đạt được thỏa thuận về việc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Người Bắc Triều Tiên không có sự lựa chọn nào khác ngoài vịêc tự trang bị bằng thứ vũ khí này trừ phi có bước đột phá trong việc bảo đảm an ninh và viện trợ kinh tế. Trong trường hợp sự đối đầu giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên gia tăng, và tình hình căng thẳng lại leo thang trên bán đảo Triều Tiên, thì cuộc xung đột khó có thể được giải quyết trong khuôn khổ hai nước. Vấn đề cần được thanh toán bằng một nỗ lực đa phương, và theo nguồn tin mới nhất, thì cách giải quyết bằng đàm phán sáu bên đã đem lại một ánh sáng le lói cuối đường hầm. 2.2.3.3.Vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên: Cuối tháng 1/2003, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Chương Khởi Nguyệt đã thông báo “Nếu đôi bên sẵn sàng trao đổi tại Bắc Kinh, chúng tôi sẽ tổ chức. Hy vọng Mỹ và CHDCND Triều Tiên nhanh chóng đàm thoại, bởi đó là cách tốt nhất để gỡ rối mọi chuyện”. Trong thời gian qua, Trung Quốc, “một người bạn thân” của Bắc Triều Tiên, đã tiếp cận cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên một cách tương đối cân bằng, luôn liên lạc với cả hai phía Bình Nhưỡng và Washington. Về phía Mỹ, ngoại trưởng Colin Powell đã đề nghị Bắc Kinh đóng vai trò chủ động hơn trong việc hối thúc CHDCND Triều Tiên từ bỏ hoạt động hạt nhân. Sở dĩ như thế vì Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể với Bình Nhưỡng, vì một nửa khối lượng viện trợ của Trung Quốc là dành cho CHDCND Triều Tiên. Ong cho rằng đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng cuối cùng cũng sẽ diễn ra, nhưng với sự tham dự của Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và một nước khác vì họ cũng liên quan. Trung Quốc với vai trò đồng minh truyền thống của Bình Nhưỡng, đã kêu gọi các bên tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, nước này cũng quan tâm đến khả năng sẽ có thêm nhiều người CHDCND Triều Tiên vượt biên sang đất Trung Quốc, nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép kinh tế với CHDCND Triều Tiên. Nhưng thẳng thắn đáp lời của Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc cho rằng không nên có một nhân tố thứ ba tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân, mà Washington và Bắc Triều Tiên phải trực tiếp thương thảo. Mỹ lại khẳng định, bất kỳ giải pháp lâu dài nào cho vấn đề hạt nhân cũng cần đến sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và các quốc gia khác. Mỹ cho rằng đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên vào thời điểm này là chưa chín muồi. Cuộc đối thoại đầu tiên giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ được tổ chức tại Bắc Kinh tháng 4/2003. Trung Quốc cam kết là một bên tham gia đầy đủ chứ không chỉ dừng lại ở việc tổ chức hội nghị. Thỏa thuận tham gia đàm phán với Trung Quốc và Mỹ là một nhượng bộ từ phía Bình Nhưỡng và là thắng lợi của Tổng thống Bush. Trung Quốc đã ngừng cung cấp dầu cho CHDCND Triều Tiên hồi tháng trước với lý do trục trặc kỹ thuật. Tuy nhiên, quan chức Mỹ lại coi đây là lời cảnh báo với Bình Nhưỡng về cái giá phải trả cho việc nước này không khoan nhượng. Ngày 21/7/2003, trong cuộc hội đàm với Thủ Tướng On Gia Bảo, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, Thủ tướng Anh Tony Blair đã phát biểu: “Sức ép từ Bắc Kinh có vai trò quan trọng thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân”. Cuộc hội đàm đầu tiên đã bắt đầu mở ra các cuộc đàm phán 6 bên : Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và hai miền Triều Tiên trải qua 4 vòng đàm phán: Vòng 1 từ 27 đến 29/8/2003 với các trưởng đoàn; Trợ lý ngoại trưởng Mỹ James Kelly, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Thứ trưởng ngoại giao Nga Alexander Syukov, Quan chức ngoại giao Nhật Mitoji Yabunaka và Thứ trưởng ngoại giao Hàn Quốc Lee Soo Hyuck. Kết thúc đàm phán, 6 bên đồng ý tiếp tục gặp gỡ ở vòng 2 đầu năm 2004. “Đã có tiến triển và có khác biệt, các bên đều thấy đối thoại mang lại hiệu quả. Cho dù đàm phán trong tương lai không dễ dàng, nhưng chùng nào tất cả 6 nước cùng nỗ lực, chúng ta có thể tìm được một giải pháp”, trưởng đoàn Trung Quốc Vương Nghị đã phát biểu tại buổi bế mạc. Đàm phán vòng 2 diễn ra ngày 25/2/2004. Trước ngày diễn ra hội nghị, Bắc Triều Tiên đã cho biết nước này đã nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc đối với đề xuất Bình Nhưỡng ngừng các chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy dầu và các nhượng bộ kinh tế khác từ Mỹ. Vòng 3 bắt đầu ngày 23/6/2003. Để chuẩn bị, Trung Quốc đã đề nghị tiến hành gặp tay đôi giữa các nước tham gia đàm phán ngay trong ngày đầu tiên cuộc hội đàm cấp cao. Đây là điều hoàn toàn khác với các vòng đàm phán trước (chỉ họp tay đôi sau phiên họp toàn thể). Giới quan sát cho rằng mục đích của Trung Quốc là tạo điều kiện đàm phán thuận lợi hơn, trước triển vọng khó có bước đột phá do những bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên. Tháng 9 năm 2005, vòng đàm phán thứ 4 diễn ra và kết thúc vào ngày 18/9/2005. Như vậy từ năm 2003, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ đã dàn xếp các cuộc đàm phán với CHDCND Triều Tiên nhằm thuyết phục nước này từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tiến trình này đã đi đến bước ngoặt vào tháng 9 khi Bắc Triều Tiên tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy các cam kết viện trợ và an ninh. Nhưng sau đó các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Được nhiều nhất qua các cuộc đàm phán chính là Trung Quốc. Nước này đã vượt hẳn lên trên trường quốc tế với tư cách là người đưa các đối thủ lại bàn đàm phán hầu tìm cách giải quyết một vấn đề nguy hiểm nhất thế giới. Tuy hội nghị không đạt được thỏa thuận cụ thể, nhưng đó là những bước đi đầu tiên trên đường tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân. Chương 3: NHỮNG DỰ BÁO QUAN HỆ TRUNG – MỸ 3.1. Dự báo chiến lược đối ngọai của Mỹ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI Việc đánh giá chiều hướng chiến lược đối ngọai của Mỹ trong hai thập niên tới phải được dựa trên những nhân tố chủ quan và khách quan như chính sách đối nội và thực lực nước Mỹ, tương quan lực lượng giữa Mỹ và các cường quốc khác, xu hướng phát triển của thế giới cũng như nhận thức của Mỹ về vai trò của mình trên trường quốc tế. Về tiềm lực kinh tế, quân sự và khoa học – kỹ thuật, Mỹ là cường quốc mạnh nhất trên thế giới hiện nay và ít nhất trong một, hai thập niên tới Mỹ hiện là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và sẽ tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất trên thế giới ít nhất trong vòng hai thập niên tới. GDP hiện nay đạt hơn 12 nghìn tỷ USD, chiếm 30% GDP của tòan thế giới. Nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế có sực cạnh tranh mạnh nhất trên thế giới. Mỹ cũng là nước đi đầu trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ. Sức mạnh quân sự của Mỹ đứng đầu trên thế giới. Quân đội Mỹ được trang bị hiện đại, vượt xa các nước khác. Mỹ có 270.000 lực lượng triển khai phía trước ở cả châu Au, châu Á và Trung Đông. Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ lớn nhất trên thế giới (Hiện nay Mỹ đang có 7000 đầu đạn hạt nhân). Ngân sách quân sự hàng năm gần 500 tỷ USD. Chính sách quốc phòng trong thế kỷ XXI của Mỹ nhằm đảm bảo ưu thế quân sự tuyệt đối, phục vụ mục tiêu lãnh đạo thế giới của Mỹ. Sức sáng tạo khoa học – kỹ thuật của Mỹ giữ vị trí hàng đầu. Đặc biệt công nghệ tin học của Mỹ và ứng dụng của nó đã góp phần tăng năng suất lao động đáng kể và làm cho kinh tế Mỹ duy trì được tăng trưởng ngay cả trong khi một lọat các nền kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương lâm vào khủng hỏang trầm trọng. Mỹ là nược có nền giáo dục đại học và trên đại học tiên tiến nhất trên thế giới. Xét về tổng thể, Mỹ tiếp tục là siêu cường duy nhất ít nhất trong vòng 10 năm đến 15 năm tới. Khả năng xuất hiện một siêu cường tòan diện có thể thách thức vị trí của Mỹ chỉ có thể xảy ra từ sau năm 2020. Tuy nhiên, dù tiềm lực của Mỹ có ưu thế áp đảo so với các nước khác, song Mỹ không ở vị thế có thể lãnh đạo thế giới hay thực hiện chính sách bá chủ thế giới, áp đặt ý chí của mình đối với các nước khác dễ dàng. So với thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã suy yếu tương đối. Những trung tâm kinh tế như EU, Nhật Bản đã nổi lên cạnh tranh gay gắt với Mỹ. Nước Mỹ hiện nay phải đương đầu với thách thức từ nhiều phía. Ngày nay, Mỹ không còn ưu thế hạt nhân như thời kỳ trước năm 1957. Hiện nay tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân của một số nước có thể bắn tới bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ. Kho vũ khí hạt nhân của Nga tuy đã giảm đang kể nhưng vẫn còn đủ sức tiêu diệt 10 lần nước Mỹ. Mỹ còn phải đương đầu với những thách thức không cân xứng. Hơn nữa, dù mạnh Mỹ cũng không thể đứn g ra một mình để giải quyết những vấn đề to lớn ở cấp độ tòan cầu. Vì vậy, nước Mỹ vẫn sẽ chỉ là một cực nổi trội trong một thế giới đang đi theo hướng đa cực hóa … Những tác động chủ yếu đến chiến lược đối ngọai của Mỹ Sự phát triển của khoa học công nghệ, các ngành công nghệ cao phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử tin học, truyền thông. Để giữ được vị trí hàng đầu trong cuộc chạy đua này, nước Mỹ sẽ buộc phải tập trung vào chạy đua kinh tế khoa học kỹ thuật bởi các trung tâm kinh tế Nhật Bản và Tây Au luôn có tiềm năng có thể đuổi kịp và thách thức vị trí của Mỹ. Tòan cầu hóa và khu vực hóa là một xu thế quan trọng và sẽ tiếp tục có tác động trực tiếp đến việc họach định chiến lược đối ngọai của tất cả các nước. Hệ quả trực tiếp của toàn cầu hóa và khu vực hóa là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế phát triển và phồn vinh của nước Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào sự phát triển của các nền kinh tế khác, Mặt khác, nước Mỹ ngày nay khó có thể lựa chọn cách phát triển biệt lập như đã từng làm trước đây. Xu thế đa cực hóa vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế hiện nay . Cần nhấn mạnh đa cực hóa là một quá trình phát triển tương đối dài. Trong giai đoạn quá độ hiện nay, cục diện nhất siêu đa cường tiếp tục tồn tại trong đó Mỹ giữ vai trò nổi trội. Tuy nhiên tham vọng bá quyền của Mỹ sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức lớn lao từ trong nước và ngòai nước. Những thách thức này là lực cản chủ yếu đối với những cố gắng thiết lập trật tự đơn cực của Mỹ Dự báo chiến lược đối ngọai của Mỹ trong hai thập niên tới: Trọng tâm chiến lược đối ngọai của Mỹ hiện nay và trong thời gian tới vẫn là củng cố thực lực nước Mỹ và vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ. Mục tiêu chiến lược dài hạn bao trùm của Mỹ vẫn là thiết lập bá quyền của Mỹ trên tòan thế giới, thiết lập một trật tự thế giới mới do Mỹ lãnh đạo mà ở đó giá trị của Mỹ được phổ biến, ngăn chặn không cho bất cứ nước nào nổi lên đe dọa vị trí của Mỹ. Mục tiêu chiến lược xuyên suốt này và trong bối cảnh quốc tế ngày nay sẽ là yếu tố bất biến chi phối đường hướng chính sách đối ngọai Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.Tuy nhiên, trong khỏang 5 năm tới, cuộc chiến chống khủng bố sẽ là trọng điểm chiến lược của Mỹ. Như vậy, cuộc chiến chống khủng bố là ưu tiên chiến lược trước mắt và mục tiêu bá chủ thế giới là chiến lược dài hạn cùng song song tồn tại, theo đuổi và thực hiện cùng một lúc, đặc biệt ở châu Á. Hơn thế nữa, chính sách nhằm thực hiện mục tiêu trước mắt cũng được tính đến nhằm phục vụ mục tiêu dài hạn hơn là ngăn chặn không cho bất cứ nước nào nổi lên đe dọa vị trí của Mỹ. Sự tăng cường hợp tác quân sự với Phillippines vì mục tiêu chống khủng bố sẽ phục vụ lợi ích lâu dài của Mỹ ở khu vực là tăng cường sự hiện diện quân sự, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Cũng tương tự như vậy, việc Mỹ thúc đẩy xu hướng tăng cường hợp tác quân sự với An Độ, một mặt nhằm phục vụ mục tiêu trước mắt là chống khủng bố, mặt khác, tăng cường quan hệ với An Độ cũng là một phần quan trọng trong ván bài cân bằng quyền lực của Mỹ đối với Trung Quốc. Châu Au tiếp tục là một hướng chiến lược quan trọng của Mỹ, bởi đây là khu vực Mỹ có những lợi ích sống còn. Có nhiều khả năng chính quyền G. Bush II sẽ tìm cách hàn gắn quan hệ với các đồng minh truyền thống ở Tây Au. Điều này sẽ trở thành hiện thực nếu tình hình quốc tế không có một tình huống khủng hỏang buộc Mỹ “phải hành động đơn phương”. Tranh thủ sự tham gia của các đồng minh Tây Au thông qua NATO ở Iraq nhằm giảm bớt gánh nặng cũng như xoa dịu các nước đồng minh về xu hướng hành động đơn phương. Mỹ cũng sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác mới tại Đông Au trong cánh chiến lược châu Au của Mỹ.Trong thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường can dự với châu Au, thúc đẩy quá trình NATO mở rộng, thúc đẩy cải cách kinh tế, chính trị ở Nga và các nước Đông Au và SNG, lôi kéo các nước này vào một cơ cấu chính trị mới, nhằm mục đích lâu dài là xây dựng một châu Au không bị chia cắt, hòa bình và dân chủ. Chính sách với đồng minh: Sau chiến tranh lạnh, Mỹ xác định quan hệ với các đồng minh chủ chốt vẫn có tính chất cấp thiết và ảnh hưởng lớn đến vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới cho dù mục tiêu “ngăn chặn cộng sản” không còn. Quan hệ giữa Mỹ và EU sẽ phát triển theo chiều hướng các nước Tây Au ngày càng có tiếng nói bình đẳng hơn về an ninh và chính trị. Mặt khác, việc các nước Tây Au tăng cường khả năng phòng thủ và đẩy mạnh xu hướng độc lập đối với Mỹ không khỏi làm Mỹ lo ngại. Những nỗ lực theo hướng tăng cường khả năng hành động độc lập của các nước Tây Au khó có thể thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ trong NATO. Trong tương lai ngắn và trung hạn, Mỹ vẫn đóng vai trò chủ đạo đối với an ninh ở châu Au. Tây Au vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ trong việc giải quyết các công việc của mình. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và sự chia sẻ những lợi ích chiến lược của các bên trong việc duy trì liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương sẽ tiếp tục ràng buộc Mỹ và Tây Au trong thời gian 10-15 năm đầu của thế kỷ XXI, NATO tiếp tục là công cụ hữu dụng trong chiến lược tòan cầu của Mỹ. Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Liên minh an ninh Mỹ-Nhật là trụ cột trong chính sách an ninh nhằm phục vụ mục tiêu lâu dài của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương là xác lập vai trò lãnh đạo của Mỹ, duy trì hòa bình, ổn định và ngăn chặn bất cứ một nước nào hay một nhóm nước nào nổi lên thách thức vai trò của Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà chiến lược Mỹ bắt đầu lo ngại về những biện pháp chính trị của Nhật Bản, cho rằng nếu Nhật Bản trở thành cường quốc quân sự thì sẽ dẫn tới nhiều đối kháng trong khu vực. Cùng với việc Nhật Bản tham gia ngày càng nhiều vào công việc quốc tế và xây dựng lực lượng hải quân mạnh, giữa Mỹ và Nhật Bản có thể nảy sinh xung đột về an ninh. Tuy nhiên, Tôkiô vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ và quan hệ giữa hai bên vẫn tốt đẹp. Những lợi ích chiến lược dài hạn trong việc duy trì liên minh an ninh Mỹ-Nhật (lợi ích chiến lược dài hạn trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, v.v.) là nhân tố quyết định chiều hướng chính sách của Mỹ đối với Nhật Bản trong những thập kỷ tới. Chính sách đối ngọai của Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung: Trước đây, trọng tâm chiến lược của Mỹ đặt vào lục địa châu Au. Ngày nay, trọng tâm chiến lược đó là lục địa Á – Au. Châu Á là một bộ phận hợp thành trong chiến lược tòan cầu của Mỹ. Báo cáo đánh giá quốc phòng tháng 4 năm 2001 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng châu Á không chỉ “tồn tại khả năng xuất hiện một đối thủ quân sự có tài nguyên phong phú”, mà “từ Trung Quốc đến Đông – Bắc Á đang hình thành một vòng cung lớn không ổn định”. Tuy đối thủ mà Mỹ ám chỉ là Trung Quốc, song có thể thấy, mục tiêu chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ còn có Nga, Nhật Bản, An Độ. Tuy nhiên, Mỹ phải tính đến mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh, giữa Mỹ với các đối thủ và các nước lớn trong tương quan lực lượng ở khu vực. Mỹ cũng xem các phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc, chống xâm lược, các phong trào đấu tranh vì công bằng xã hội, các phong trào cách mạng, các chế độ xã hội chủ nghĩa ở khu vực là những thách thức đối với lợi ích của Mỹ. Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động là mũi tên nhằm nhiều mục đích: vừa để kiềm chế các đối thủ, vừa để đàn áp các phong trào cách mạng và độc lập dân tộc, vừa để không chế nguồn tài nguyên chiến lược. Chiến lược đó của Mỹ mâu thuẫn gay gắt với lợi ích của đa số các quốc gia dân tộc trên thế giới, trong đó có các quốc gia thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. So với châu Au, tình hình khu vực châu Á còn nhiều yếu tố bất định. Các vấn đề an ninh khu vực có khả năng bùng nổ thành xung đột chưa có dấu hiệu được giải quyết. Trong khi đó, ở khu vực này vẫn chưa có một cơ chế hợp tác an ninh hữu hiệu. Đối với khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược từ khu vực châu Au sang Đông Á – Thái Bình Dương bị chững lại do việc Mỹ phải tập trung vào khu vực Trung Đông và cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên về lâu dài, xu hướng chuyển dần trọng tâm chiến lượng sang khu vực Đông Á – Thái Bình Dương sẽ khó có thể đảo ngược. Liên minh an ninh Mỹ – Nhật sẽ tiếp tục là trụ cột trong chiến lược an ninh khu vực. Đối với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ có thể giảm bớt lập trường cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên so với nhiệm kỳ I, Mỹ sẵn sàng dành cho CHDCND Triều Tiên những bảo đảm đa phương về an ninh nếu Triều Tiên nhất trí chấm dứt chương trình hạt nhân của mình. Mỹ sẽ giảm bớt quân đội ở Hàn Quốc trong khi tăng cường ở Oxtrâylia và Guam trong chiến lược củng cố vành đai an ninh ở khu vực. Dự báo trong hai thập niên tới, mục tiêu bá chủ thế giới, bá chủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ là không thay đổi. Mục tiêu đó có khả năng dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữ Mỹ đối với các quốc gia, đặc biệt các nước lớn, kể cả các nước đồng minh. Lợi ích của Mỹ đòi hỏi phải xem Trung Quốc như một đối tác quan trọng, đồng thời coi Trung Quốc như một đối thủ tiềm tàng. Mỹ quan tâm tới sự trỗi dậy của Trung Quốc và khả năng của Trung Quốc thách thức các lợi ích của Mỹ ở khu vực cũng như vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ trên thế giới. Chiến lược bá quyền của Mỹ cho là có khả năng đe dọa lợi ích của Mỹ, không cho phép cường quốc nào có thể vươn lên đến mức thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ phải tính đến lợi ích của mình và các đồng minh trong việc tham gia giải quyết các cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên, duy trì an ninh trật tự trong khu vực, mặt khác đảm bảo cho các quyền lợi kinh tế của Mỹ và không cho nước nào nổi lên đe dọa vị trí lãnh đạo của Mỹ. Chính sách đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ hai của chính quyền G.Bush, về cơ bản sẽ không có những thay đổi lớn. Mặc dù cứng rắn (nhất là vấn đề Đài Loan) nhưng không đến mức phá vỡ hiện trạng quan hệ Trung – Mỹ. Chính sách này không chỉ được quyết định bởi lợi ích quốc gia của Mỹ, lợi ích chung rất quan trọng của hai nước Trung Quốc và Mỹ, mà còn được quyết định bởi sự cạnh tranh giữa các nước lớn trên thế giới hiện nay. Hợp tác Mỹ – Trung trong các vấn đề an ninh tòan cầu và khu vực tiếp tục được thúc đẩy. Trung Quốc vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược tòan cầu chống khủng bố của Mỹ, Ngọai trưởng Mỹ, C.Raixơ, đã nhấn mạnh rằng, Mỹ không thể đối kháng với Trung Quốc. Mặc dù phản ứng sau khi Trung Quốc đưa ra “Luật chống ly khai”, Ngọai trưởng Mỹ vẫn thực hiện chuyến viếng thăm Bắc Kinh theo kế họach đã định. Ngày càng nhiều người Mỹ nhận thức rằng, một nước Trung Quốc phát triển và phồn vinh là phù hợp với lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc còn khả năng gia tăng trong những thập niên tới vì ba lý do: Một là, lợi dụng Mỹ bận rộn với vấn đề Iraq và cuộc chiến chống khủng bố, Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong thời gian tới, chính quyền G.Bush có khả năng sẽ điều chỉnh để kiềm chế ảnh hưởng và sự trỗi dậy của Trung Quốc; hai là, khả năng cọ xát về kinh tế Mỹ-Trung, đặc biệt trong lĩnh vực tỷ giá hối đóai sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước, đặc biệt là Trung Quốc ngày càng tăng; ba là, chính quyền Bush có khả năng sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề Đài Loan, tăng cường gây sức ép về vấn đề dân chủ, nhân quyền sau một thời kỳ tương đối mềm mỏng với Trung Quốc nhằm đổi lại sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. 3.2.Dự báo chính sách đối ngoại của Trung Quốc hai thập niên đầu thế kỷ XXI: Chính sách đối với Mỹ : Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định quan hệ với các nước lớn trong đó có Mỹ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Trong thời gian qua Trung Quốc đã chú trọng phát triển quan hệ với Mỹ, chủ động tìm cách nối lại quan hệ mỗi khi có căng thẳng. Trong nhiệm kỳ hai của chính quyền Bush II, Trung Quốc ý thức đựơc rằng, Mỹ sẽ thi hành chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng do yêu cầu về mặt chiến lược và do thực lực chưa cho phép, Trung Quốc sẽ lựa chọn những vấn đề thời điểm để đấu tranh với Mỹ trong khuôn khổ chung là duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Trung Quốc coi trọng quan hệ ổn định với Mỹ có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Trong 20 năm tới, Mỹ vẫn là đối tượng quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Trung Quốc vẫn tiếp tục thi hành chính sách mềm dẻo nhằm mục đích duy trì quan hệ Trung – Mỹ ở mức ổn định, đồng thời lợi dụng các liên minh hoặc các quan hệ tay ba khác để phân hóa, chia rẽ sức mạnh của Mỹ, Trung Quốc chống chủ nghĩa bá quyền Mỹ, nhưng không thách thức bá quyền của Mỹ bên ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc, trừ khi lợi ích thiết thân của Trung Quốc bị xâm hại. Về kinh tế để thực hiện thành công chính sách cải cách mở cửa, Trung Quốc cần phải mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, nhất là Mỹ, bởi Mỹ là một thị trường rộng lớn, nguồn cung cấp vốn đầu tư và kỹ thuật cao, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng, để thực hiện công cuộc bốn hiện đại hóa, mặt khác tạo ra đối trọng trong cục diện quan hệ kinh tế quốc tế. Thực tế, theo đánh giá của IMF, WB, Trung Quốc đã thực sự khẳng định vị trí cường quốc kinh tế, đầu tàu quan trọng của kinh tế thế giới bên cạnh Mỹ. Chính sách đối với Nga : Xét về ngắn hạn, và lâu dài Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển quan hệ với Nga vì Trung Quốc vẫn cần đến Nga nhưng ít có khả năng phát triển mạnh do yêu cầu của Trung Quốc đối với nước này chỉ ở mức thấp. Xét về địa – chiến lược, để duy trì cán cân quyền lực ở Đông Á, Trung Quốc tiếp tục tăng cường quan hệ với Nga, coi đó là một đối trọng với chủ nghĩa đơn cực của Mỹ và ảnh hưởng thỏa thuận nội dung mới về hợp tác an ninh, Mỹ với Nhật Bản. Đồng thời lợi ích thiết thực của Trung Quốc là đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh ở phía Bắc phục vụ cho phát triển kinh tế, duy trì ổn định và sự thống nhất của đất nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế ở phía Đông và tập trung sức lực để mở rộng ảnh hưởng xuống vùng Đông Nam Á. Về kinh tế, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nga, tiếp cận được với nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có ở vùng Xibêri, đáp ứng sự thiếu hụt về năng lượng và nhiên liệu của Trung Quốc. Về quốc phòng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác, mua vũ khí của Nga chủ yếu với hình thức mua bản quyền và sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga không chiếm vị thế quan trọng nhất trong tổng thể chính sách đối ngoại của Trung Quốc. So với quan hệ Trung – Mỹ, Nga có vị trí thấp hơn nhiều, phương cách mà Trung Quốc và Nga lựa chọn để chống lại bá quyền Mỹ là hợp tác với Mỹ chứa không phải lập một mặt trận chung chống Mỹ. Tuy nhiên, xét về dài hạn, Trung Quốc sẽ không bỏ qua tham số là Nga. Trên con đường đi tìm địa vị to lớn hơn, Trung Quốc chắc chắn vẫn cần đến Nga như một sự tập hợp lực lượng tại một số thời điểm nào đó để chống lại bá quyền Mỹ. Trong thời gian tới những nhân tố thúc đẩy hợp tác về kinh tế, về quân sự vẫn tồn tại nhưng không có động lực mạnh mẽ hoặc gặp phải những khó khăn để tạo ra những bước phát triển lớn. Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nga trong hệ thống quan hệ quốc tế vẫn tiếp tục tồn tại. Chính sách đối với Nhật Bản : Về chính trị, xuất phát từ chỗ Trung Quốc coi Nhật Bản là một nươc lớn (đặc biệt là về kinh tế), một cường quốc ở khu vực, và là một nước láng giềng, Trung Quốc cần phải tranh thủ và phát triển quan hệ với Nhật, mặt khác Trung Quốc lại cạnh tranh ảnh hưởng với Nhật Bản, không muốn Nhật Bản ngày càng đóng vai trò lớn trong đời sống chính trị thế giới và khu vực, hoặc không hài lòng với những hành động mang tính quốc tế của Nhật Bản như gửi đội quân hậu cần trợ giúp Mỹ trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và chiến tranh Iraq năm 2003. Dự báo trong hai mươi năm tới, Trung Quốc tiếp tục coi Nhật Bản vừa là một đối tác quan trọng cần tranh thủ để phát triển kinh tế vừa là một đối thủ ở khu vực Đông Á nên chính sách của Trung Quốc vừa là tranh thủ vừa kiềm chế, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Sự nghi kỵ và canh tranh lẫn nhau vẫn tiếp tục bao phủ lên mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, chiều hướng phát triển quan hệ Trung – Nhật sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Mặt khác Trung Quốc ít ủng hộ Nhật Bản trong nỗ lực trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tranh chấp lãnh thổ có thể có những lúc trở nên căng thẳng, nhưng không đưa đến xung đột hoặc bất hòa lớn ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hai nước. Tích cực tham gia giải quyết các vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tập hợp lực lượng gắn kết các nền kinh tế khu vực Đông Á với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, coi đây là đường hướng chính để xây dựng “cơ sở” vững mạnh cho Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc đối với Đông Á trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI sẽ vẫn là : duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển của Trung Quốc, đồng thời tăng cường ảnh hưởng tại khu vực để trở thành một cường quốc hùng mạnh trên thế giới. Đối với việc thiết lập cơ chế hợp tác an ninh ở khu vực Đông Á, trong thời gian tới thái độ của Trung Quốc có thể thể hiện dưới dạng tiêu cực, chủ động sang thái độ đóng góp tích cực vào việc thiết lập cơ chế an ninh chung tại khu vực. Để thực hiện mục tiêu đó, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp sau : Tiếp tục thi hành chính sách hòa bình hữu nghị, tăng cường quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực ở những mức độ khác nhau. Tiếp tục tham gia vào các công việc ở khu vực nhằm nâng cao vị thế, vai trò của Trung Quốc tại đây, đồng thời hạn chế việc mở rộng ảnh hưởng của Nhật Bản. Chính sách đối với CHDCND Triều Tiên Đối với việc giải quyết vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên : Một là, Trung Quốc mong muốn quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng như giữa Cộng hòa dân chủ nhân dân dân Triều Tiên với Nhật Bản và Mỹ có những tiến triển tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Hai là, Trung Quốc không muốn CHDCND Triều Tiên thoát khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc, không muốn CHDCND Triều Tiên có những bước đi mạnh mẽ trong việc bình thường hóa và phát triển quan hệ với Mỹ và Nhật Bản, có thể gây ra những tác hại đối với Trung Quốc. Thêm vào đó, Trung Quốc không muốn mất con bài Triều Tiên trong quan hệ với Mỹ. Trong hai vấn đề trên, vấn đề thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có tính chất ngắn hạn, vấn đề duy trì vai trò đối với tình hình bán đảo Triều Tiên có tính chất dài hạn, Trung Quốc sẽ có những bước đi yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải có những nhân nhượng đối với Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản nhằm làm dịu tình hình, không để CHDCND Triều Tiên biến thành một mục tiêu công kích của Mỹ, không để Mỹ và Nhật Bản có cớ Trung Quốc tăng cường họat động vũ trang hoặc nâng cao tiềm lực quốc phòng và không để Mỹ tận dụng vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên để hạn chế tầm hoạt động của Trung Quốc, gây ra những bất lợi về chiến lược và chiến thuật đối với Trung Quốc. Chính sách đối với Đài Loan : Trong phát biểu năm 2005, của chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là tiếp tục chủ trương thống nhất đất nước với mô hình tương tự như Hồng Kông “một đất nước, hai chế độ” bằng con đường hòa bình, tôn trọng quyền tự trị tại các vùng lãnh thổ mới sáp nhập về Trung Quốc. Từ thực tế của Trung Quốc, xét tương quan lực lượng hiện nay, có thể dự báo : Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực, dù dưới dạng tổng thể hay hạn chế đều có những mặt tiêu cực. Vấn đề Đài Loan hoặc được giải quyết với giá quá đắt hoặc không thể giải quyết được toàn diện. Lựa chọn sử dụng lực lượng quân sự dù dưới dạng hạn chế không có tính thực tiễn. Dự báo trong vài thập niên tới Trung Quốc sẽ tiến hành một số hành động nhằm ngăn chặn xu hướng độc lập của Đài Loan, trong đó không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ dùng biện pháp hai mặt : một mặt tỏ ra mềm mỏng, mặt khác Trung Quốc sẽ tăng cường sức ép tổng hợp về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự để ép Đảng Dân Tiến của Trần Thủy Biển phải từ bỏ chủ trương “Đài Loan độc lập” và ngồi vào bàn đàm phán. Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục là vấn đề phức tạp nhưng không xảy ra đột biến lớn phá hỏng khung quan hệ vừa đấu tranh vừa hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực như một công cụ gây sức ép với Đài Loan chứ không phải là một công cụ để giải quyết vấn đề Đài Loan. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy những nhân tố hợp tác giữa hai bờ, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, kể cả việc dùng những công cụ chính trị như cho phép các doanh nhân Đài Loan tham gia vào hội nghị chính trị hiệp thương, hướng hoạt động kinh tế đối ngoại của Đài Loan vào lục địa. Đây là con đường để Trung Quốc tiến hành thống nhất tổ quốc. Con đường này yêu cầu Trung Quốc phải nhẫn nại, dùng lợi ích để lôi kéo Đài Loan. Mặt khác, Trung Quốc dùng biện pháp chính trị và ngoại giao để hạn chế “không gian sinh tồn” của Đài Loan, theo dõi chặt chẽ và phản đối việc Mỹ, các nước Đông Nam Á tăng cường quan hệ với Đài Loan, Trung Quốc sẽ không chịu để Mỹ và Nhật Bản hợp tác với Đài Loan trong một liên minh về an ninh. Trung Quốc sẽ quan tâm hơn quan hệ với An Độ vì đây là nước láng giềng lớn nhất và có ảnh hưởng quan trọng ở Nam Á. Nếu Trung Quốc cải thiện quan hệ tốt với An Độ sẽ có lợi cho việc ổn định khu tự trị Tây Tạng và phát triển khu vực miền Tây. Mặt khác sự hợp tác Trung – An đựơc tăng cường không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, nhằm mở ra con đường phá thể bao vây đối với việc Mỹ, Nhật Bản, vấn đề Đài Loan đang gây áp lực rất lớn với Trung Quốc. Chính sách đối với khu vực Đông Nam Á : Chính sách của Trung Quốc đối với Đông Nam được thể hiện ở hai mặt : Một mặt, Trung Quốc thi hành chính sách hòa bình, hữu nghị, láng giềng thân thiện với các nước ASEAN để tạo môi trường hòa bình ổn định và phát triển ở khu vực, có lợi cho sự phát triển và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc, thông qua các biện pháp sau : Thi hành chính sách láng giềng thân thiện (xóa bỏ hoài nghi, tăng thêm tin cậy, mở rộng điểm đồng, tăng cường hợp tác; thúc đẩy đoàn kết, cùng nhau phát triển), góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển. Đối với những vấn đề hợp tác chung, Trung Quốc sẽ xử sự với ASEAN như một thực thể thống nhất, không chấp nhận những ưu tiên cá biệt nhằm lợi dụng sự khác biệt giữa các nước ASEAN với nhau, để tự ASEAN phải giải quyết lấy những mâu thuẫn đó. Tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, giải quyết các điểm nóng trong khu vực. Thực hiện chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn tại khu vực. Mặt khác, Trung Quốc thi hành chính sách mở rộng ảnh hưởng, “lấp chỗ trống” ở khu vực, thông qua các biện pháp : Tăng cường sức mạnh và sự có mặt về quân sự tại khu vực; không để các nước ASEAN tập trung thống nhất ý kiến, hợp tác với nhau chống lại Trung Quốc. Tóm lại, mục tiêu chiến lược xuyên suốt và nhất quán của Trung Quốc là vươn lên thành một cực chi phối quan hệ quốc tế và chiến lược đối ngoại thời kỳ sau chiến tranh lạnh của Trung Quốc vừa mang tính kế thừa thời kỳ trước, đồng thời có những nét mới : chiến lược “hòa bình, độc lập tự chủ”, “ngoại giao toàn phương vị” của Đặng Tiểu Bình, lý luận “đa cực hóa” của Giang Trạch Dân. Một điểm mới khi bước sang thế kỷ XXI, Trung Quốc đã chú trọng nhiều hơn đến nhân tố thực lực (sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự). Nếu trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc tập hợp lực lượng theo hàng dọc với mẫu số chung là ý thức hệ tư tưởng thì thời kỳ sau chiến tranh lạnh, Trung Quốc tập hợp lực lượng cả hàng dọc lẫn hàng ngang, đa phương vị, đa tầng cấp, tiêu chí đặt lên hàng đầu là lợi ích chung về kinh tế, chính trị. Ý thức hệ tư tưởng bị đưa xuống hàng thứ yếu. Trong các hướng triển khai chiến lược ngoại giao. Trung Quốc dành nhiều quan tâm hơn cho việc tập hợp lực lượng với các nước láng giềng, khu vực, coi đây là ưu tiên thứ hai của chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ được tiến hành khôn khéo, chủ động, tích cực và uyển chuyển. Những đặc điểm nói trên sẽ tiếp tục chi phối chiến lược đối ngoại của Trung Quốc trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. KẾT LUẬN Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong các vấn đế an ninh, kinh tế… ở khu vực là yếu tố quyết định sự ưu tiên này. Trên thực tế, sự hợp tác của Trung Quốc là cần thiết để có thể đi đến một giải pháp giải quyết các vấn đề khu vực. Là một nước lớn có mức độ can thiệp cao đến các vấn đề an ninh, sự lựa chọn con đường phát triển của Trung Quốc có ý nghĩa quyết định đến hòa bình và ổn định ở khu vực. Trên bình diện quốc tế, với diện tích đất đai lớn thứ ba thế giới và dân số chiếm gần 1/6 dân số thế giới, có thể nói Trung Quốc là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến sự ổn định không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới. Đối với Mỹ, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ và đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Mỹ. Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc (tiếp sau là EU và Nhật Bản), Trung Quốc là nơi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Sự lớn mạnh của Trung Quốc và vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế khiến chính quyền G. Bush không thể làm ngơ vai trò chiến lược của Trung Quốc, không thể không tôn trọng vai trò nước lớn của Trung Quốc và duy trì lợi ích kinh tế của Mỹ ở đây trong cố gắng làm giảm bớt thâm thụt cán cân thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Song những động thái của chính quyền mới cũng cho thấy họ đang tìm cách giảm bớt tầm quan trọng của Trung Quốc. Mỹ vẫn sẽ tiếp tục chiến lược mở cửa đối với Trung Quốc (được áp dụng từ năm 1977) với việc hai bên thiết lập Hiệp định khung “Quan hệ đối tác chiến lược mang tính xây dựng hướng tới thế kỷ XXI”. Về kinh tế, Mỹ tăng cường phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, tán thành dành qui chế thương mại bình thường lâu dài (PNTR) cho Trung Quốc và ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Mở cửa thị trường Trung Quốc (tuy vẫn có hạn mức) đối với hàng nông phẩm và phân phối hàng tiêu dùng kèm theo giảm thuế quan (đặc biệt là ôtô) sẽ làm Trung Quốc mất đi rất nhiều việc làm ở cả nông thôn cũng như ở tại các xí nghiệp nhà nước. Đối với Mỹ, cái lợi lớn nhất của việc Trung Quốc gia nhập WTO chính là việc mở cửa thị trường đông dân nhất thế giới (hơn 1,2 tỷ dân) với sức mua chưa được thỏa mãn, giàu triển vọng về thương mại và đầu tư này.Tuy nhiên, song song với việc đẩy mạnh các quan hệ kinh tế, Mỹ cũng tăng cường truyền bá các tư tưởng tự do, dân chủ của Mỹ vào Trung Quốc. Đồng thời Mỹ cũng nhấn mạnh đến chính sách phòng ngừa, kiềm chế và có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.Vấn đề nhân quyền,Tây Tạng, Đài Loan sẽ được sử dụng như cái cớ để Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, chia rẽ mối quan hệ của Trung Quốc với các nước xung quanh, nhằm ngăn ngừa hay ít ra làm chậm sự vươn lên của Trung Quốc. Trong quan hệ kinh tế, hai nước Mỹ – Trung là thị trường lớn của nhau, tăng cường hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, cho nên Mỹ đã ủng hộ Trung Quốc gia nhập WTO. Còn Trung Quốc cũng dựa vào sự hợp tác đó để đẩy mạnh cảI cách, mở cửa, mở rộng thị trường thế giới. Tuy nhiên trong hệ thống kinh tế thế giới hiện nay, không cho phép bên nào dựng lên hàng rào bảo vệ mậu dịch đối với bên kia càng không thể sử dụng thủ đoạn kỳ thị mậu dịch để đối phó với nhau, mà hai bên sẽ vừa hợp tác, vừa đấu tranh trong một nền kinh tế thế giới thống nhất. Trong quan hệ Trung – Mỹ, để tránh sự xung đột, đối đầu như thời kỳ chiến tranh lạnh, điều cơ bản là phải thúc đẩy để lợi ích của hai bên xích lại gần nhau vì sự ổn định và phát triển là mục tiêu mà hai bên đều hướng tới, đồng thời đó cũng là yếu tố then chốt để hỗ trợ nhau, tránh xung đột. Để duy trì ổn định của hệ thống thế giới hiện nay. Mỹ rất cần đến sự hợp tác của các đối tác chủ yếu, trong đó Trung Quốc chiếm vị trí rất quan trọng. Trung Quốc là một nước lớn ở khu vực, cũng là nước có ảnh hưởng lớn trên thế giới, có vai trò nhất định trong việc bảo đảm ổn định đời sống chính trị thế giới. Mặt khác, Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh về kinh tế, là thị trường hết sức quan trọng đối với Mỹ. Hợp tác song phương phát triển sẽ tạo điều kiện có lợi cho cả hai bên. Hợp tác về an ninh luôn là lĩnh vực được hai nước quan tâm. Mỹ luôn khẳng địnhTrung Quốc là nhân tố thách thức Mỹ trong ý đồ thiết lập trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên Mỹ cũng không muốn gây đối đầu căng thẳng hoặc khả năng có thể xảy ra xung đột với Trung Quốc. Quan hệ Trung Quốc – Mỹ kể từ năm 2003 có nhiều khởi sắc nhưng cũng không ít các bất đồng trên các vấn đề còn tồn tại. Một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc là vấn đề Đài Loan- đây từng là nguồn gốc của những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước suốt 5 thập kỷ qua. Về Đài Loan, chính quyền G. Bush vẫn tiếp tục chính sách “3 không”, theo đó Đài Loan được coi là một bộ phận của Trung Quốc, Mỹ không ủng hộ Đài Loan gia nhập các tổ chức quốc tế dành cho các quốc gia có chủ quyền. Mỹ công nhận một nước Trung Hoa duy nhất và chống lại bất cứ tuyên bố độc lập nào của Đài Loan. Tuy nhiên, trên thực tế “Mỹ sẽ giúp Đài Loan chống lại bất cứ âm mưu nào của Trung Quốc muốn thôn tính Đài Loan bằng vũ lực”. Mỹ chỉ chấp nhận một sự thay đổi về quy chế chủ quyền của Đài Loan “nếu đó là kết quả đàm phán hòa bình giữa các bên có liên quan”. Tuy nhiên, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan luôn làm cho quan hệ Mỹ – Trung trở nên căng thẳng, đồng thời cho thấy thái độ cương quyết, cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Song, dù chính quyền Mỹ có tỏ ra tích cực, cứng rắn hơn trong việc bảo vệ Đài Loan thì chúng ta vẫn thấy rằng quan hệ Mỹ đối với Trung Quốc đại lục vẫn luôn luôn được ưu tiên. Cho đến nay, Mỹ chưa bao giờ vì Đài Loan mà hy sinh quan hệ với Đại lục, cho dù sự ổn định tại eo biển Đài Loan phù hợp với việc duy trì các quyền lợi của Mỹ tại khu vực Đông Á cũng như câu Á – Thái Bình Dương. Vấn đề Đài Loan vốn là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ song phương về cơ bản có thể khống chế được. Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh Mỹ sẽ kiên trì chính sách một nước Trung Quốc, phản đối Đài Loan tuyên bố độc lập. Chính quyền Mỹ tương đối thận trọng trong bày tỏ thái độ đối với vấn đề trưng cầu dân ý về việc độc lập của Đài Loan gần đây và có sự chế ước nhất định đối với nhà lãnh đạo Đài Loan Trần Thủy Biển. Quan hệ Trung – Mỹ phát triển ổn định gắn với việc hai nước cùng tôn trọng, chiếu cố tới mối quan tâm của nhau và cùng nỗ lực giải tỏa hoặc gác lại những bất đồng tranh chấp. Hai nước xử lý các bất đồng còn tồn tại theo tinh thần tôn trọng lẫn nhau . Phía Mỹ cho biết sự khác nhau lớn nhất trong quan hệ Mỹ – Trung so với trước là, hai bên còn có những bất đồng nhưng vẫn có thể trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn theo tinh thần hợp tác, trên cơ sở lợi ích chung và không chịu sự ràng buộc. Khuôn khổ chung cho quan hệ Trung Mỹ những thập niên đầu thế kỷ XXI vẫn là hợp tác và đấu tranh đan xen lẫn nhau, quá trình hợp tác và đấu tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ được chuyển đổi dựa trên những tính toán lợi ích của hai nước trên từng vấn đề cụ thể. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lưu Chấn Á (2000), Cơ hội lớn và thách thức lớn đối với Trung Quốc khi gia nhập WTO, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 8-2000. 2. Lý Thiết Anh (2000), Trung Quốc và thế giới trong đầu thế kỷ XXI, cơ hội và thách thức, Tạp chí Cộng sản, số 24/2000. 3. Dương Quốc Anh – Quang Phương (2003), G.W.Bush Người dẫn dắt nước Mỹ, Nxb Lao động, Hà Nội. 4. Dương Quốc Anh (2003), Tranh chấp Trung – Mỹ leo thang, 5. Phi Bằng (2001), Những sự kiện quan trọng trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc, Nxb Trẻ, TpHCM. 6. Văn Bình (2001), Quan hệ Trung – Mỹ: những dấu hiệu khủng hoảng, 7. Vương Dật Châu (2004), An ninh quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa, Nxb CTQG, Hà Nội. 8. Minh Châu (2001), Trung Quốc hoàn toàn chân thành trong hợp tác với Mỹ, theo 9. Giang Trạch Dân (1994), Tình hình Thế giới hiện nay và chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Đông Nam Á, Tài liệu tham khảo đặc biệt (TTXVN), Ngày 12/11/1994. 10. Giang Trạch Dân (2002), Diễn văn đọc tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 28 tháng 2 năm 2002, bản tin Trung Quốc số tháng 3/2002. 11. Lê Trung Dũng – Nguyễn Ngọc Mão (2001), Thế giới những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (1946-2000), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 12. Lâm Lợi Dân, Một số suy nghĩ về chiến lược đối ngoại Trung Quốc đầu thế kỷ XXI, 13. Kerry Dumbaugh (2003), Quan hệ Trung – Mỹ: Những vấn đề hiện tại cho Quốc hội khóa 108, 14. Thomas J. Donohue (2004), Quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ: sự thật đằng sau những lời tuyên bo, 15. Richard N. Haass (2002), Trung Quốc và tương lai quan hệ Trung – Mỹ, 16. Harry Harding (1998), Mỹ và Trung Quốc trong tứ giác châu Á, 17. Harry Harding (2001), Phương pháp tiếp cận châu Á của chính quyền Bush: trước và sau sự kiện 11-9, 18. Hải Hà (2002), Hội thảo “Trật tự toàn cầu về châu Á – Thái Bình Dương sau 11/9”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1/2002. 19. Dương Hà (2002), Quan hệ Trung – Mỹ: đối tác hay đối thủ?, 20. Nguyễn Minh Hằng (chủ biên) (1996), Quan hệ kinh tế đối ngoại Trung Quốc thời mở cửa, Nxb KHXH, Hà Nội. 21. Lê Thu Hằng (2005), Tổng quan chính sách thương mại Mỹ dưới chính quyền Bush (2001-2004), Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 08-2005. 22. Lưu Kim Hâm, Đại tá Minh Giang dịch (2004), Trung Quốc- những thách thức nghiêm trọng của thế kỷ XXI, Nxb Văn hóa Thông tin, Tp HCM. 23. Nguyễn Văn Hồng (chủ biên) (2003), Trung Quốc cải cách mở cửa những bài học kinh nghiệm, Nxb Thế giới, Hà Nội. 24. Trần Khiết Hoa (2001), Chiến lược ngoại giao Trung Quốc thế kỷ XXI, Nxb Thời sự, Hà Nội. 25. Vũ Dương Huân (chủ biên ) (2003), Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nxb CTQG, Hà Nội. 26. Học viện chính trị quốc gia (2004), Quan hệ quốc tế, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội. 27. Bruce W. Jentleson (2004), Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI, Nxb CTQG, Hà Nội. 28. Đỗ Tuyết Khanh (2005), Trung Quốc sau 4 năm gia nhập WTO, tạp chí Thời đại mới, tháng 7/2005. 29. Nguyễn Nam Khánh (2004), Đông Bắc Á: một kịch bản khác của cuộc chiến Iraq?, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 52-2004 30. James A. Kelly (2003), Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc, Harry Harding (1998), Mỹ và Trung Quốc trong tứ giác châu Á, 31. Trần Kiên (2005), Trung Quốc người khổng lồ của thế kỷ XXI, 32. Trần Kiên (2005), Trung Quốc tranh thủ quan hệ với Mỹ như thế nào?, 33. Lê Linh Lan (2004), Về chiến lược an ninh của Mỹ hiện nay, Nxb CTQG, Hà Nội. 34. Lê Linh Lan (2004), Quan hệ Mỹ – Trung dưới chính quyền Bush: sự khởi đầu khó khăn, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 40. 35. Lê Linh Lan (2004), Chu kỳ hòa dịu mới trong quan hệ Mỹ – Trung sau sự kiện 11-9: cơ sở và triển vọng, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 55-2004. 36. Dương Văn Lợi (2004), Chính sách “một nước hai chế độ” Thành tựu lớn của Trung Quốc trong 25 năm cải cách – mở cửa, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 1(53)-2004. 37. Mã Linh, Lý Minh (2003), Hồ Cẩm Đào – Từ thực tiễn vươn tới chính trường, Nxb Thông tấn, Hà Nội. 38. Evan S. Medeiros, M. Taylor Fravel (2004), Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc, Tạp chí Thời đại mới, số 2-tháng 7/2004 39. Nguyễn Anh Minh (2004), Xuất khẩu của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra đối với kinh tế thế giới, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 4(56)-2004. 40. Peter Nolan (2005), Trung Quốc trước ngả ba đường, Nxb CTQG, Hà Nội. 41. Tăng Phẩm Nguyên, Chiến lược Đông Bắc Á của Trung Quốc, tư liệu theo 42. William Overholt (2003), Trung Quốc không nên thay đổi chính sách tỷ giá, 43. Phạm Cao Phong (2003), Quan hệ của Mỹ với các nước lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Nxb CTQG, Hà Nội. 44. Đỗ Trọng Quang (2005), Nhìn lại quá trình thương lượng Mỹ – Bắc Triều Tiên về tên lửa và vũ khí hạt nhân, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 08-2005. 45. Nguyen Duy Quý (2002), Thế giới trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Nxb CTQG, Hà Nội. 46. Nguyễn Huy Quý (1999), Nước CHND Trung Hoa- Chặng đường lịch sử nửa thế kỷ (1949-1999), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 47. Nguyễn Huy Quý (2004), Lịch sử hiện đại Trung Quốc, Nxb CTQG, Hà Nội. 48. Nguyễn Huy Quý (2004), Chủ trương chính sách phát triển kinh tế – xã hội Trung Quốc năm 2004, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 2(54)- 2004. 49. Lê Vinh Quốc (chủ biên) – Lê Phụng Hoàng (2001), Lịch sử Quan hệ quốc tế từ 1945 đến nay (Bản thảo tập 1), Sách chưa xuất bản. 50. David Shambaugh (1999), Tương lai quan hệ đoi ngoại và tình hình an ninh của Trung Quốc 2000-2005, 51. Robert Sutter (2005), Châu Á trong thế cân bằng: Mỹ và ‘sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 03-2005. 52. Nguyễn Phú Thái (2004), Kinh tế Trung Quốc sau khi gia nhập WTO, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 1 (53)- 2004. 53. Nguyễn Văn Thành (2004), Trật tự thế giới mới thế kỷ XXI qua dự báo của một số nhà nghiên cứu, theo 54. Huyền Trang (2005), Trung Quốc không thể thiếu trong chiến lược phát triển của Mỹ, 55. Ngọc Thảo (2006), Hợp tác kinh tế Trung – Mỹ đối mặt nhiều thách thức lớn, 56. Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (2003), Những van đề lý luận của Đại hội XVI ĐCS Trung Quốc, Nxb KHXH, Hà Nội. 57. Tổng hợp: 10 sự kiện nổi bật của thế giới năm 2001, 58. Tổng hợp: 10 sự kiện nổi bật của thế giới năm 2002, 59. Tổng hợp: 10 sự kiện nổi bật của thế giới năm 2003, 60. Cẩm Tú (2004), Một năm đầy sóng gió với quan hệ thương mại Mỹ – Trung, 61. Hoàng Tuân (2003), Trung Quốc và Hoa Kỳ gia tăng tranh chấp thương mại, 62. Thông tấn xã VN, Quyền lực của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc và trật tự thế giới, TLTKĐB 12/9/2007 63. Thông tấn xã VN, Tin tổng hợp: chính sách Đài Loan của Mỹ và đối sách của Trung Quốc, TLTKCN 30/9/2007 64. Thông tấn xã VN, Quan hệ Trung – Mỹ, TLTKĐB 16/10/2007 65. Thông tấn xã VN, Tin tổng hợp: Trung Quốc đối thủ thương mại của Mỹ, TLTKĐB 29/10/2007 66. Viện KHXH Việt Nam – Viện nghiên cứu Trung Quốc (2005), Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 55 năm xây dựng và phát triển, Nxb KHXH, Hà Nội. 67. Michael Yahuda, Văn Khánh (biên dịch) (2006), Cac vấn đề chính trị quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, Nxb Văn học, Hà Nội. 68. Robert B. Zoellick (2004), Trung Quốc và Hoa Kỳ: quyền lực và trách nhiệm, 69. Harry Harding (1998), Mỹ và Trung Quốc trong tứ giác châu Á,

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVLSLSTG003.pdf