Luận văn Tìm hiểu các biện pháp tu từ được sử dụng trong việc xây dựng câu đố dân gian của người Việt

MỤC LỤC A/ MỞ ĐẦU 1 1. Lí do chọn đề tài 1 2. Lịch sử vấn đề 2 3. Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu 4 3.1. Đối tượng nghiên cứu: 4 3.2. Phạm vi nghiên cứu: 4 4. Mục đích nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu 4 4.1. Mục đích nghiên cứu 4 4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu 4 5. Phương pháp nghiên cứu 4 6. Đóng góp mới của luận văn 5 7. Cấu trúc của luận văn 5 CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN 6 1.1. Khái quát về biện pháp tu từ 6 1.1.1Các quan niệm chung 6 1.1.2. Phân loại biện pháp tu từ từ vựng 9 1.2. Khái quát về câu đố dân gian 12 1.2.1.Khái niệm câu đố 12 1.2.2. Phân loại câu đố 13 1.2.3.Thế giới vật đố và thế giới liên tưởng từ vật đố 15 1.3. Chiếu vật và các phương thức chiếu vật 17 1.3.1.Khái niệm về hành động chiếu vật 17 1.3.2.Phương thức chiếu vật 17 1.4. Câu đố và các biện pháp tu từ 19 CHƯƠNG 2: CÁCH THỨC CHUYỂN TRƯỜNG TRONG CÂU ĐỐ 23 2.1. Kết quả thống kê 23 2.2. Miêu tả các cách chuyển trường trong câu đố 23 2.2.1. Nhân hoá 23 2.2.2. Động vật hoá 34 2.2.3. Thực vật hoá 39 2.2.4. Tự nhiên hoá 40 2.2.5. So sánh 41 2.2.6. Sự kết hợp các cách chuyển trường 47 2.3. Vai trò của cách chuyển trường trong câu đố. 50 2.4. Kết luận chương 1 53 CHƯƠNG 3: CHƠI CHỮ TRONG CÂU ĐỐ 54 3.1. Kết quả thống kê 56 3.2. Miêu tả các thủ pháp chơi chữ trong câu đố 56 3.2.1. Chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm và chữ viết 56 3.2.1.1. Chơi chữ theo cách đồng âm 56 3.2.1.2. Nói lái 61 3.2.1.3. Cách đố chữ Hán (Theo cách chiết tự) 63 3.2.1.4. Cách đố chữ Quốc ngữ 68 3.2.2. Chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa 75 3.2.2.1. Đồng nghĩa 75 3.2.2.2. Trái nghĩa 81 3.2.2.3. Tạo nước đôi về nghĩa 83 3.2.2.4. Tách nhập trường nghĩa. 86 3.2.3. Câu đố dùng cách tá ý (câu đố được lẩy ra từ tác phẩm văn học dân gian, văn học viết) 87 3.2.3.1. Câu đố tá ý vào các tác phẩm thuộc văn học dân gian 88 3.2.3.2. Câu đố tá ý vào các tác phẩm văn học viết 92 3.3. Kết luận chương 3 97 B/ KẾT LUẬN 98 TÀI LIỆU THAM KHẢO 101

doc107 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 8024 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tìm hiểu các biện pháp tu từ được sử dụng trong việc xây dựng câu đố dân gian của người Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
quốc ngữ. (146) Quê hương tôi ở trên ngàn, Có huyền thì sẽ đầy tràn bờ ao. Cầm tay mà véo, nặng vào Bờ đi, ca lại, em nào cũng ưa? Chữ beo, bèo, bẹo, kẹo [14 – IX] - Thay thanh không bằng thanh huyền (\) ta được chữ bèo, beo ≠ bèo. Beo là một loài thú dữ gần với báo nhưng nhỏ hơn, có bộ lông màu đỏ như lửa. Bèo là cây sống nổi trên mặt nước, rễ bung thành chùm, có nhiều loại khác nhau, thường dùng làm thức ăn cho lợn hoặc làm phân xanh. - Thay thanh huyền (\) bằng thanh nặng (.) ta được chữ bẹo. Bẹo là kẹp vật mềm giữa hai đầu ngón tay rồi vừa xoắn vừa giật. - Bỏ phụ âm b đi, thay phụ âm k vào, bẹo chuyển thành kẹo. Kẹo là thức ăn chủ yếu làm bằng đường hoặc mật trộn với bột, cô lại thành viên, thành miếng, thành thỏi.  e, Chuyển đổi phụ âm đầu và âm cuối Có 22 câu đố về sự chuyển đổi phụ âm đầu và âm cuối, chiếm 11,4 % trong tổng số 193 câu đố về chữ quốc ngữ. (147) Em là màu áo của trời Không nờ, chả hắt, ai mời ngại đi Nếu em không có ích xì Là ai ấy nhỉ, người gì trên em? Chữ xanh, xa, anh [5 – IX] - Chữ xanh khi bỏ âm cuối nh còn chữ xa, khi bỏ âm đầu x còn chữ anh. Xa là danh từ chỉ khoảng cách lớn trong không gian. Anh là danh từ chỉ người con trai do mẹ mình đẻ trước mình. g, Chuyển đổi thanh điệu và âm chính Trong tổng số 193 câu đố về chữ quốc ngữ, có 14 câu đố về sự chuyển đổi thanh điệu và âm chính, chiếm 7,25 %. (148) Tôi đi du lịch trên trời Mũ đâu văng mất thì người gặp hên, Cũng là loại cỏ mang tên, Sắc đâu đi tới nổ lên ầm ầm. Chữ mây, may, máy [101 – IX] Từ mây và may khác nhau ở âm chính: nguyên âm â ≠ o. - Mây: Đám hạt nước hoặc hạt băng nhỏ li ti do hơi nước trong khí quyển ngưng lại, lơ lửng trên bầu trời. - May: Điều tốt lành, xảy ra có lợi cho mình Thay thanh không ở may bằng thanh sắc (/) ta có máy. - Máy: Hệ thống dùng để chuyền hoặc biến đổi năng lượng nhằm thực hiện một số công việc thay sức người. h, Chuyển đổi thanh điệu và âm cuối Có 18 câu đố về sự chuyển đổi thanh điệu và âm cuối, chiếm 9,33 % trong tổng số 193 câu đố về chữ quốc ngữ. (149) Không huyền, vị của hạt tiêu, Có huyền, công việc sớm chiều nhà nông; Mất đuôi ăn có ngon không, Dầm tương, dân chúng ruộng đồng dùng quen. Chữ cay, cày, cà [35 – IX] Thay thanh không ở cay bằng thanh huyền (\), ta có chữ cày. - Cay: Có vị nồng, làm cho tê đầu lưỡi - Cày:  Làm những việc chủ yếu trong nông nghiệp Bỏ âm cuối y ở cày, ta có chữ cà. - Cà: là một loại quả chứa nhiều hạt, phần lớn ăn được, thường dùng để muối, có vị chua. * Miêu tả hình dáng, đường nét, vị trí của chữ Tiếng Việt sử dụng hệ thống chữ La tinh, căn cứ vào hình dạng chữ viết cùng với liên tưởng phong phú của mình thông qua thế giới đồ vật, nghệ sĩ dân gian đã tạo nên những câu đố độc đào và mang hơi hướng văn hóa Việt. Có 8 câu đố theo dạng này (câu 2 IX, 3 IX, 85 IX, 91 IX, 128 IX, 148 IX, 151 IX, 193 IX) chiếm 4,15 % tổng số câu đố về chữ quốc ngữ. Khi đố về chữ A: hình dáng chữ A in hoa có một đỉnh nhọn được tạo thành bởi hai nét gạch chéo nên câu đố về chữ A được ví như một vật có cái “đầu nhọn” với “hai chân dạng mãi ra”. (150) Đầu nhọn chân dạng mãi ra Không bao giờ khác, anh ta đầu vần Chữ A [2 – IX] Có khi chữ A lại được nhìn như hai người đang đứng bắt tay nhau: (151) Hai người đứng bắt tay nhau Chạm chán, chạm đầu mà chẳng chạm chân. Chữ A [3 – IX] Đố về chữ H: chữ H có dáng như chiếc thang một nấc: (152) Bắc thang xem hát phường chèo Hỏi thang một nấc mà leo nỗi gì. Chữ H [85 – IX] Đố về chữ T: chữ T lại gồm hai nét ngang ngắn và sổ dài kết hợp lại tạo thế đứng vững trãi, cân đối: (153) Một ngang ngắn, một sổ dài Cứng mình chết đứng, đố ngài đoán ra. Chữ T [151 – IX] Đố về chữ Y: chữ Y có dáng giống như một chiếc ly (154) Cái ly để ở giữa bàn tròn Để lâu coi lại vẫn còn như xưa. Chữ Y [193 – IX] Đố về chữ I: Chữ i lại được ví như một cái cây không có cành, dấu chấm bên trên thì như “trái cam sành” lơ lửng: (155) Có cây mà chẳng có cành Có trái cam sành lơ lửng trên không. Chữ i [91 – IX] Tự dạng của chữ số không (0) được miêu tả dựa trên hình dạng của những con số khác. (156) Sáu chặt đầu, chín chặt đuôi Tám chặt đôi, mười chặt một. Chữ số không [148 – IX] Số 0 = số 6 bỏ đầu đi (bỏ móc phẩy bên trên số 6) = số 9 bỏ đuôi đi (bỏ móc phẩy bên dưới số 9) = số 8 chặt đôi (bằng một nửa số 8) = 10 chặt 1 (số 10 bỏ số 1 = 0) Để xây dựng và giải đáp câu đố dạng này người đố và người giải phải có sự hiểu biết về hình dạng chữ cái hoặc các đường nét tạo nên chữ cái, đồng thời cũng phải có những hiểu biết về đồ vật trong cuộc sống như: cái thang, cái ly, trái cam... 3.2.2. Chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa Ngữ nghĩa là toàn bộ nội dung, thông tin được ngôn ngữ truyền đạt hoặc được đơn vị nào đó của ngôn ngữ thể hiện (như từ, hình thái ngữ pháp của từ, cụm từ, câu). 3.5. Bảng thống kê số lượng câu đố sử dụng biện pháp chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa Chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa Số câu Tỉ lệ % so với tổng số 242 câu đố Đồng nghĩa 126 52,06 % Trái nghĩa 5 2,07 % Tạo nước đôi về nghĩa 78 32,23 % Tách nhập trường nghĩa 33 13,64 % Tổng số 242 100 % 3.2.2.1. Đồng nghĩa Hiện tượng đồng nghĩa là những hiện tượng biểu đạt có hình thức biểu đạt khác nhau, mang nội dung biểu đạt đại đồng tiểu dị (giống nhau trên đại thể, khác nhau về chi tiết) [51, 30]. Trong câu đố đồng nghĩa (câu đố sử dụng hiện tượng đồng nghĩa), hiện tượng đồng nghĩa là một trong những phương thức chủ đạo mà người sáng tác câu đố sử dụng có tác dụng gợi mở, định hướng cho người giải trong quá trình suy luận để giải đố. Thủ pháp chơi chữ này đứng thứ nhất về mức độ được ưa chuộng sử dụng. Có 126 câu sử dụng thủ pháp đồng nghĩa, chiếm 52,06 % tổng số câu đố chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa. Hiện tượng đồng nghĩa trong câu đố Việt được sử dụng rất phong phú và đa dạng, có thể là đồng nghĩa cố định (những hiện tượng đồng nghĩa có sẵn trong ngôn ngữ) và đồng nghĩa lâm thời. Số lượng hai dạng đồng nghĩa này là tương đương nhau. Hiện tượng đồng nghĩa lâm thời là hiện tượng đồng nghĩa biểu vật giữa từ với một tổ hợp từ hoặc giữa từ với cả văn bản. Toàn bộ các câu đố đều có hiện tượng đồng nghĩa lâm thời giữa toàn bộ văn bản phần đố với từ, ngữ hoặc câu nêu đáp án. Cả hai phần này đều cùng chỉ một sự vật, nghĩa biểu vật chung được trình bày lấp lửng, không đầy đủ, còn ở phần giải sự vật được gọi thẳng tên bằng từ hoặc tổ hợp từ định danh. Chẳng hạn như câu đố: (157) Trái gì có mắt, có gai Màu vàng, vị ngọt hương bay ngát lừng? Trái (quả) dứa [210 – III] Cả văn bản của câu đố trên đều diễn đạt những đặc điểm của trái dứa: có mắt, có gai, màu vàng, có vị ngọt, có hương thơm ngát. Trong các loại quả thì có duy nhất quả dứa là có những đặc điểm như vậy. Câu đố này được xem là một đồng nghĩa lâm thời ở cấp độ văn bản với từ, trong đó cả văn bản miêu tả những đặc điểm chỉ riêng có ở sự vật được định danh ở đáp án. Vì lẽ đồng nghĩa lâm thời giữa từ, ngữ, câu nêu đáp án ở phần giải với văn bản phần đố chiếm 100% số lượng câu đố nên chúng tôi chỉ khảo sát những câu đố xuất hiện dạng đồng nghĩa lâm thời giữa từ nêu đáp án với tổ hợp từ cùng nghĩa biểu vật trong phần lời đố. Có hai kiểu đống nghĩa trong câu đố là đồng nghĩa cùng câp độ và đồng nghĩa khác cấp độ: Đồng nghĩa cùng cấp độ Đồng nghĩa khác cấp độ (giữa từ với tổ hợp từ) 70 56 - Đồng nghĩa cùng cấp độ thuộc dạng đồng nghĩa từ vựng, là đồng nghĩa giữa các từ với nhau. Loại này xuất hiện trong trường hợp ở phần đố có từ đồng nghĩa với tên của sự vật trong phần giải, nhưng được gọi khác đi. Sự khác biệt này dựa trên cơ sở đồng sở chỉ giữa từ thuần Việt với từ Hán Việt, giữa từ thuần Việt với từ thuần Việt, giữa từ địa phương với từ toàn dân. 3.6. Bảng thống kê số lượng các câu đố sử dụng từ đồng nghĩa cùng cấp độ Kiểu đồng nghĩa Số câu Tỉ lệ % so với 126 câu đố có biện pháp đồng nghĩa Từ thuần Việt với từ Hán Việt 38 30,16 % Từ thuần Việt với từ thuần Việt 29 23,01 % Từ địa phương với từ toàn dân 3 2,38% Tổng số 70 55,55% a, Đồng nghĩa giữa từ thuần Việt với từ Hán Việt Có 38 câu đố có hiện tượng đồng nghĩa giữa từ thuần Việt và từ Hán Việt, chiếm 30,16% so với tổng số 126 câu đố có sử dụng biện pháp tu từ đồng nghĩa, và chiếm 54,29 % câu đố có hiện tượng đồng nghĩa cùng cấp độ. (158) Danh bất thiện, tính bất lương Làm giặc tứ phương, ắt phường tiểu tốt. Chim Ác [1- IV] Trong câu đố trên, có hai từ Hán Việt “bất thiện”, “ bất lương” đều đồng nghĩa với ác => Chim ác (159) Hoa gì muôn dặm đường dài? Hoa thiên lý [561 III] (160) Đầu làng trống đánh ra rả Cuối làng có mã bông lau, Chạy cho mau, lên rồi sẽ xuống. Con ngựa [196 – IV] (161) Bánh gì nên nghĩa sớm trưa vợ chồng Bánh phu thê [758 – V] (162) Một cái đập Ngăn nước ba con sông. Đập Tam Giang [15 – VII] (163) Thôi thôi bớt giận đừng ghen Số anh ba vợ làm nên cửa nhà. Núi Ba Thê [38 – VII] - Từ thuần Việt Đường dài đồng nghĩa với từ Hán Việt Thiên lý => đáp án: Hoa thiên lý - Từ Hán Việt mã đồng nghĩa với từ thuần Việt ngựa=> đáp án: Con ngựa. - Từ thuần Việt ba con sông đồng nghĩa với từ Hán Việt Tam Giang (ba = tam, sông = giang) => đáp án: Đập Tam Giang. - Từ thuần Việt vợ chồng đồng nghĩa với từ Hán Việt phu thê (chồng = phu , vợ = thê) => đáp án: Bánh phu thê. - Từ thuần Việt ba vợ đồng nghĩa với từ Hán Việt là Ba Thê (ba = ba, vợ = thê) => đáp án: Núi Ba Thê. b, Đồng nghĩa giữa từ thuần Việt với từ thuần Việt Có 29 câu đố thuộc loại này, chiếm 23,01 % tổng số câu đố sử dụng biện pháp đồng nghĩa và chiếm 41,43 % câu đố có hiện tượng đồng nghĩa cùng cấp độ. Hiện tượng đồng nghĩa giữa từ thuần Việt và từ thuần Việt dựa trên sự đồng nghĩa tương đối của các từ. (164) Hoa gì e thẹn bên đường? Hoa xấu hổ [362 – III] E thẹn: ngại ngùng, nhút nhát. Xấu hổ:1.  Hổ thẹn do nhận ra lỗi hoặc thấy kém hơn người khác:  trót quay cóp nên xấu hổ cảm thấy xấu hổ với bạn bè 2. Ngượng ngùng: hơi tí là xấu hổ đỏ mặt =>Xấu hổ đồng nghĩa với e thẹn ở nét nghĩa thứ 2 (ngượng ngùng) => có cây xấu hổ. (165) Cây chi không vò má nát? Cây nhàu [471 – III] Nát: 1 đgt. Doạ, làm cho sợ: nát trẻ con. 2 tt. 1. Không còn giữ được nguyên hình thù như cũ, bị vụn, rời ra hoặc mềm nhão: gạo nát, bị nhàu nát. 2. Không giữ được ở trạng thái tốt, bị hư hỏng đến tồi tệ: còn lại toàn đồ nát. Nhàu: tt. Nhăn nhúm, không phẳng: Quần áo nhàu như bị vò. =>Nát đồng nghĩa với nhàu ở nét nghĩa thứ hai (không giữ nguyên được hình thù cũ) => có cây nhàu (166) Con gì đến ba cái tên Lỡ bưng, lỡ gánh, lỡ khiêng lạ lùng. Con mang hay gọi là con xách, con quảy [188 – IV] Bưng: Cầm bằng tay đưa ngang tầm ngực hoặc bụng (thường là bằng cả hai tay). Gánh: Vận chuyển bằng quang và đòn gánh. Khiêng: Nâng vật nặng đi nơi khác bằng sức mạnh đôi bàn tay hay hợp sức của nhiều người. Mang: Giữ cho lúc nào cũng cùng theo với mình mà di chuyển. Xách: Cầm nhấc lên hay mang đi bằng một tay để buông thẳng xuống. Quảy: Chở bằng quang gánh =>Bưng, gánh, khiêng, mang, xách, quảy đều là động từ chỉ hành động đưa một vật lên khỏi mặt đất bằng tay hoặc bằng vai, nên ở một nét nào đó chúng đồng nghĩa với nhau => có đáp án con mang, con xách, con quảy c, Đồng nghĩa giữa từ địa phương với từ toàn dân Câu đố có hiện tượng đồng nghĩa giữa từ địa phương và từ toàn dân chiếm số lượng ít nhất, chỉ có 3 câu , chiếm 2,38 % trong tổng số 126 câu đố, và chiếm 4,29 % trong tổng số 70 câu đố có hiện tượng đồng nghĩa cùng cấp độ. (167) Một lần mà tởn tới già Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân. Con kinh [130 – I] Tởn là một động từ thuộc phương ngữ Nam bộ, có nghĩa là sợ, ngấy. Trong khi kinh cũng có nghĩa là sợ => tởn và kinh đồng nghĩa với nhau => có đáp án con kinh. Và kinh cũng là một danh từ thuộc phương ngữ Nam bộ, nó có nghĩa là kênh. Vì thế con kinh con kênh. (168) Cây gì không leo mà té? Cây nhào [470 – III] Té là động từ thuộc phương ngữ nam bộ, tương đương với từ ngã. Còn nhào theo từ điển là ngã lộn xuống. Như vậy té và nhào đồng nghĩa với nhau. Từ đó có đáp an cây nhào. Đồng nghĩa khác cấp độ cũng thuộc loại đồng nghĩa lâm thời, biểu vật. Hiện tượng đồng nghĩa này có thể diễn ra giữa từ với tổ hợp từ và văn bản với từ (trường hợp này không xét). Câu đố có hiện tượng đồng nghĩa diễn ra giữa từ ở phần giải với tổ hợp từ ở lời đố chiếm số lượng lớn nhất, 56 câu đố, chiếm 44,45 % tổng số câu đố có sử dụng biện pháp đồng nghĩa. (169) Cũng dây cũng lá khác gì đâu Chẳng phải dưa, cũng chẳng bầu Hỏi đến ngập ngừng không nói được Đánh cờ nước ấy chịu buồn rầu. Quả bí [19 – III] Lời giải đố quả bí được suy ra từ hai tổ hợp từ: tổ hợp hỏi đến ngập ngừng không nói được, có nghĩa là cảm thấy bế tắc; và tổ hợp đánh cờ nước ấy chịu buồn rầu, nước ấy chính là bị rơi vào thế cờ khó khăn, không có lối gỡ. Bế tắc, khó khăn, không có lối gỡ đồng nghĩa với bí => có lời đố: quá bí. (170) Quả gì không thiếu, chẳng thừa Ai mà ngã nước thì chừa nó ra. Quả đu đủ [243 – III] Từ tổ hợp không thiếu, chẳng thừa nghĩa là đủ, mà có lời giải là quả đu đủ (171) Cành vàng đậu nhánh cành xanh Hôm nay đậu lại nối thành hôm sau. Cây mai [343 – III] Chìa khóa đề giải đố trong câu đố này chính là từ hôm sau, hôm sau là ngày tiếp theo của một ngày nào đó, ngày tiếp theo của một ngày còn gọi là ngày mai. Chìa khóa được mở, lời giải chính là cây mai. (172) Cây gì ham uống? Cây sặc [508 – III] Ham uống đồng nghĩa là dễ bị sặc => có lời giải: cây sặc (173) Bánh gì cả tháng vẫn kêu chưa vừa? Bánh ít [737 – V] Người đố đoán định được tổ hợp chưa vừa chính là chìa khóa. Trường nghĩa số lượng được dựng lên, tìm kiếm sự tương đương về nghĩa của chưa vừa với vật đố là một loại bánh, ta sẽ định danh chính xác tên gọi của loại bánh chưa vừa ấy là bánh ít Trong câu đố có sử dụng hiện tượng đồng nghĩa, người giải sau khi bắt được chỗ cộm về ngôn từ của lời đố, khép được chỗ có vấn đề ấy vào thủ pháp đồng nghĩa, sau đó cần dựng lên những trường nghĩa có liên quan để tìm ra đáp án. Mỗi từ đồng nghĩa là một bức tranh thu nhỏ của vật đố trong câu đố mà nhờ đó người giải tìm được tri thức ẩn giấu đằng sau từ đồng nghĩa. Tìm hiểu hiện tượng đồng nghĩa nói chung và đồng nghĩa trong câu đố tiếng Việt nói riêng là góp phần khám phá và khẳng định sự giàu đẹp của tiếng Việt, vì hiện tượng đồng nghĩa là một bằng chứng thuyết phục về cái giàu, cái đẹp và cái trong sáng trong ngôn ngữ Việt. 3.2.2.2. Trái nghĩa “Từ trái nghĩa là những từ đối lập, trái ngược nhau về nghĩa” [9 – 214]. Các từ trái nghĩa phải là những từ có chung một ý nghĩa nào đó và phải trái nghĩa nhau trên một tiêu chí nào đó. Đỗ Hữu Châu trong cuốn Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt đã chỉ ra rằng: “nét nghĩa rộng đó là tiêu chí chung làm cơ sở cho sự đồng nhất của từ trái nghĩa. Khi nó bị phân hóa một cách cực đoan thành hai cực thì chúng ta có các từ trái nghĩa.” [9 – 215]. Người đố khi sáng tác câu đố đã lợi dụng sự phân cực của nét nghĩa chung giữa từ nêu tên vật đố và từ miêu tả vật đố được đem ra thay thế để khoác lên vật đố một ý nghĩa hoàn toàn mới mà người giải tinh ý cũng phải lần trở lại con đường gá nghĩa ấy của người đố. Theo kết quả khảo sát, có 5 trường hợp câu đố có hiện tượng trái nghĩa, chiếm 2,07 % trong tổng số 242 câu đố chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa . Thường gặp là đặt cặp trái nghĩa theo dạng phủ định A – B, vào cấu trúc đối lập A mà (nhưng mà) B, trái nghĩa với “từ trái nghĩa đích thực” là vật đố (được suy ra theo cách cùng âm). (174) Ngay mình chịu tiếng bất trung Phố phường không làm bạn, bạn cùng nước non. Đòn xóc [129 – V] Ngay mà (tiếng) bất trung (A mà (nhưng mà) B) – bất trung là không ngay, không trung thực => xóc. Không phải lúc nào không ngay, không trung thực cũng xóc, mà xóc chỉ là một khả năng có xác suất xảy ra cao của nó. Vả lại, dân gian thường nói “xóc nhọn hai đầu” để hình tượng hóa cái “không ngay” và “đòn xóc” trở thành vật biểu trưng. Đó là cơ sở cho việc giải đố. (175) Thân tròn mà thân không tròn Làm cho thiên hạ, mà mòn cái thân. Cái dẹp đặt cá [165 – V] Người đố đã gợi ý cho người giải về đáp án bằng kết cấu có ý nghĩa trái ngược: tròn mà (tiếng) không tròn (A mà (nhưng mà) B). Từ cần tìm phải thỏa mãn hai điều kiện: Thứ nhất: là từ gọi tên một vật dụng. Thứ hai: là từ có nghĩa trái ngược với tròn: không tròn. Lúc này lập tức trong suy luận của người giải sẽ hiện lên những từ có nét nghĩa chung về hình khối nhưng lại trái nghĩa với tròn là: méo, dẹt. Nhưng để thỏa mãn cả hai điều kiện nên người giải phải làm phép loại trừ giữa méo và dẹt để chọn lựa đáp án chính xác nhất. Theo từ điển, méo biểu thị nghĩa “không có hình dáng tròn hoặc cân đối như bình thường phải có” [40 – 627] . Méo trái nghĩa với tròn bởi sự phân cực của nét nghĩa có hình dạng tròn. Hình dạng tròn Tròn Không tròn Tròn méo Méo thỏa mãn điều kiện thứ hai, nhưng trong thực tế không có vật dụng nào được đặt tên như vậy. Dẹt biểu thị “hình khối tròn nhưng không phồng cao, trông như bị ép xuống” [40 – 253]. Dẹt đối lập nghĩa với tròn dựa trên sự phân cực của nét nghĩa chung có hình khối tròn phồng. Có hình khối tròn phồng Phồng cao không phồng cao Tròn Dẹt Dẹt thỏa mãn điều kiện thứ nhất: chỉ tên gọi của một vật dụng, với điều kiện dẹt đọc chệch đi thành dẹp. Vật dụng đó là cái dẹp cá. Quá trình suy luận để tìm ra đáp án của người giải đố trong câu đố có sử dụng hiện tượng trái nghĩa không chỉ đơn thuần là vận dụng những hiểu biết về từ trái nghĩa (có được là do sự phân cực một nét nghĩa chung của hai từ cùng trong một trường nghĩa) mà còn phải kết hợp nhiều thao tác khác (phân tích, loại suy...). Bởi nếu người đố làm lộ quá rõ sự trái nghĩa thì người giải sẽ dễ dàng tìm ra câu trả lời, sẽ làm cho quá trình đố giải mất thú vị, câu đố sẽ mất đi sức cuốn hút với tư duy lập luận logic của người giải. 3.2.2.3. Tạo nước đôi về nghĩa Trong bài viết về “Chất thơ dân gian trong phong cách thơ Hồ Xuân Hương” [39, 420], tác giả Triều Nguyên đã đề cập đến biện pháp tạo nước đôi về nghĩa. Tạo nước đôi về nghĩa là cùng một hình biểu đạt (gọi là cái biểu đạt (CBĐ)), tạo nên hai lượng thông tin hay lượng ngữ nghĩa (gọi là cái được biểu đạt (CĐBĐ)) khác nhau cùng song song tồn tại. Và hai CĐBĐ này được nên bởi sự tổng hợp các thành tố ngữ nghĩa với sự giúp sức của quá trình liên tưởng, tưởng tượng. Hiện tương hình ảnh nước đôi luôn chỉ ra hai đối tượng khác nhau, tức có hai sở chỉ. Cơ chế của chúng được biểu thị như sau: HÌNH ẢNH NƯỚC ĐÔI {a1, b1, c1... } CĐBĐ1 CBĐ 2 sở chỉ {a2, b2, c2... } CĐBĐ2 (liên tưởng) Như vậy, với cách tạo hình ảnh nước đôi thì bản thân mỗi hình ảnh qua liên tưởng mà được tách chẻ ra, mỗi CĐBĐ là một sự vật, hiện tượng riêng rẽ, cú khi khác biệt hẳn. Quá trình này diễn ra một cách đều đặn, liên tục cho đến khi đạt được một lượng nhất định, đủ để hình thành nên diện mạo CĐBĐ. Và hai cái được biểu đạt không phải bao giờ cũng có sự cân xứng, sự tương ứng nhau, mà có thể so le. Trong dân gian, cách tạo nước đôi về nghĩa được dùng để đố, đó là dạng câu đố “đố tục giảng thanh”. Nghĩa là thông qua cái tục để đánh lạc hướng khả năng liên tưởng của tư duy, không phát hiện ra cái thanh (vật đố). Theo thống kê, có 78 câu đố sử dụng biện pháp tạo nước đôi về nghĩa, chiếm 32,23 % câu đố chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa, chiếm 2,26 % tổng số 3455 câu đố. Câu đố tạo nước đôi về nghĩa được phân tích theo hai hướng nghĩa như sau: (176) Sinh ra con đứng đàng đứng chợ (1) Đem con về làm vợ làm chồng (2) Đêm đêm trong chốn phòng trung Tắt đèn ta lại nhau cùng hợp loan (3) Chiếc chiếu [906 – V] a1 Chiếu bán ở chợ, ở đường cái. CĐBĐ1 = a1 + b1 + b2 (1) b1 Chiếu được mua về trải nằm = chiếc chiếu (2) c1 Hằng đêm người nằm ngủ trên chiếu a2 Em thuở bơ vơ CĐBĐ2 = a2 + b2+ c2 (3) b2 Em được cưới về làm vợ. = người vợ và c2 Em được chồng ân ái hằng đêm. chuyện phòng the (177) Hai chân song song, hai bụng ấp nhau (4) Nhảu nhàu nhau dí một cái. (5) Cái kéo [227 – V] d1 Hai lưỡi kéo song song với nhau, CĐBĐ1 = d1 + e 1 (4) Hai tay cầm của kéo khi cắt chạm vào nhau = Cái kéo e1 Động tác cắt (vải, giấy...) (5) d2 Tư thế khi nam nữ ân ái CĐBĐ2 = d2 + e2 e2 Động tác ân ái = Quan hệ nam nữ (178) Thân em vừa trắng vừa tròn (6) Sao anh lại nỡ lột quần em ra (7) Lột quần anh lại chẳng tha (8) Anh lấy miếng thịt, anh tra ngay vào. Bánh dày giò [717 – V] (6) g1 bánh dày có màu trắng, hình tròn CĐBĐ1 = g1 + h1 + i1 h1 bóc là chuối gói bên ngoài bánh = bánh dày giò (7) i1 cho miếng giò vào giữa bánh dày g2 người phụ nữ có thân hình trắng trẻo đầy đặn (8) CĐBĐ2 = g2 + h2 + i2 h2 người đàn ông cởi quần áo của người phụ = chuyện giao hợp i2 người đàn ông đưa dương vật vào người phụ nữ Như vây, trong câu đố tạo nước đôi về nghĩa, thì một trong hai CĐBĐ thuộc về cái tục (bộ phận sinh dục, chuyện giao hợp) còn CĐBĐ thứ hai dùng để chỉ vật đố (sự vật, hiện tượng...). Câu đố sử dụng biện pháp tạo nước đôi về nghĩa chiếm một số lượng không nhỏ trong kho tàng câu đố của người Việt, và nó là một phần tạo nên sự phong phú, độc đáo, hấp dẫn của loại hình dân gian này. 3.2.2.4. Tách nhập trường nghĩa. Tách nhập trường nghĩa là đưa ra một trường nghĩa, rồi khẳng định một vài yếu tố, những yếu tố còn lại bị phủ định để người giải đố dựa vào đó mà tìm lời giải đố (các từ trong trường có thể hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa bóng). Trong 242 câu đố chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa, có 33 câu đố sử dụng biện pháp tách nhập trường nghĩa, chiếm 13,64% (179) Có chân mà chẳng có tay Không xương mà vẫn đủ nay cả sườn Quả gì sao đến lạ thường Không cây nào có không vườn nào ương. Quả núi [77 – I] Núi có các bộ phận: chân núi (phần dưới cùng của quả núi), sườn núi (cạnh của núi), chứ không có bộ phận gọi là tay núi, hay xương núi. Từ cách tách nhập trường nghĩa này cộng với dữ kiện được nêu ở hai câu cuối: một vật được gọi là quả, nhưng không phải là quả trên cây, trong vườn. Tổng hợp các dữ kiện ta có đáp án là quả núi (180) Có sống mà chẳng có lưng Có lưỡi, có mũi mà không có mồm. Con dao [313 – V] Dao có các bộ phận: sống dao (cạnh dày của con dao), lưỡi dao (phần mỏng, sắc nhất của con dao), mũi dao (phần đầu nhọn của con dao), chứ không ai nói lưng dao hay mồm dao. Người giải căn cứ vào cách tách nhập trường nghĩa này để tìm ra vật đố là cái dao. (181) Có tay không có chân Có cổ, có thân không có đầu Dầu cho ở đâu đâu Nhà nhà người người, ai cũng có. Cái áo [343 – V] Để tìm ra đáp án là cái áo, người giải đố căn cứ vào cách tách nhập trường nghĩa liên quan. Lời đố về vật mà có tay, có cổ, có thân, không có chân, có đầu mà con người dù ở đâu cũng dùng chỉ có thể là cái áo vì áo có các bộ phận: tay áo, cổ áo, thân áo nhưng không có chân áo, đầu áo. Dựa vào cách tách nhập trường nghĩa để đưa ra lời đố là một cách đố rất thú vị, hấp dẫn. Cách đố này buộc người giải đố phải huy động hiểu biết về trường nghĩa liên quan đến vật đố. Đây là thách thức nhưng cũng chính là gợi mở của người ra đố, nếu người giải đố tinh ý thì sẽ rất dễ tìm ra con đường để đến với đáp án chính xác. 3.2.3. Câu đố dùng cách tá ý (câu đố được lẩy ra từ tác phẩm văn học dân gian, văn học viết) Theo cách hiểu của dân gian, thì tá là bám, bao chiếm cái vốn không phải của mình, nhằm thể hiện điều thuộc về mình trong một bối cảnh nhất định, thường dùng với sự vật hiện tượng siêu hình, trừu tượng (ví dụ như: hồn ma chị Bẩy tá vào cô Ba; câu đố tá ý vào lời ca dao). Câu đố tá ý là loại câu đố có lời đố là một sáng tác (hay một bộ phận độc lập được tách ra từ một sáng tác) tức một chỉnh thể nghệ thuật (có hình thức và nội dung nhất định); ở đó, có thể rút ra, hoặc một nét nghĩa trội cùng âm với vật đố, hoặc một nét nghĩa tương ứng với vật đố mà lời đố cần biểu đạt. Câu đố dùng cách tá ý là một hình thức chơi chữ. Nó có đặc điểm: - Lời đố của loại câu đố tá ý tồn tại độc lập hoặc có khả năng tồn tại độc lập với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, còn khi tham gia làm lời đố, nó đã bị bao chiếm, bị vay mượn để chỉ ra vật đố như các lời đố khác mà thể loại qui định - Do sự bao chiếm khó có thể thực hiện hoàn toàn, nên lời đố tá ý, xét trong quan hệ với vật đố, thường có một số hình ảnh, từ ngữ “dôi dư”, tức hình ảnh, từ ngữ không biểu thị vật đố. Câu đố tá ý vào tác phẩm thuộc văn học dân gian chủ yếu là ca dao, số ít là tục ngữ và truyện thơ. Câu đố tá ý vào tác phẩm văn học viết, chủ yếu là Truyện Kiều, số ít là Lục Vân Tiên, Chinh phụ ngâm khúc và một vài sáng tác khác. Ca dao, tục ngữ, thơ trữ tình có dụng đích tình cảm, thẩm mỹ riêng, nay dùng với tư cách câu đố, tức sắm vai hỏi, là cơ sở để tìm vật đố; người giải chỉ dựa vào các yếu tố tu từ, chơi chữ... để nhận ra đáp án, mà không quan tâm tới những tâm tình, hình ảnh, hình tượng vốn có của chúng. Do vậy mà ở đây đã hình thành cùng lúc hai lượng thông tin – ngữ nghĩa, một của câu đố, một từ ngữ liệu được tách (đáp ứng yêu cầu chơi chữ). Trong cách chơi chữ này, có hai loại: tá ý theo phương thức cùng âm và tá ý theo phương thức tổ hợp các nét nghĩa. 3.2.3.1. Câu đố tá ý vào các tác phẩm thuộc văn học dân gian 3.7. Bảng thống kê câu đố sử dụng tá ý vào tác phẩm văn học dân gian Câu đố tá ý vào TP VHDG Số lượt Tỉ lệ % so với tổng số câu đố tá ý Câu đố tá ý vào ca dao 24 38,09 % Câu đố tá ý vào tục ngữ, truyện thơ dân gian 5 7,94 % Tổng số 29 46,03 % a, Câu đố tá ý vào ca dao Theo thống kê của chúng tôi, có 24 bài ca dao được sử dụng làm câu đố tá ý, chiếm 82,76 % tổng số câu đố tá ý vào tác phẩm thuộc văn học dân gian và chiếm 38,09 % số lượng câu đố tá ý; trong đó, có 15 câu đố tá ý theo phương thức cùng âm, còn 9 câu đố tá ý theo phương thức tổ hợp các nét nghĩa. - Loại tá ý theo phương thức cùng âm: tá ý theo phương thức cùng âm, với lời đố là ca dao, thường là bộ phận chỉ giống, loại của vật đố cùng âm với nét nghĩa trội được rút ra từ lời đố. (182) Nhớ em lệ chảy ngùi ngùi Khăn lau không ráo, áo chùi không khô. Bánh ướt [756 – V] “Nhớ em” đến mức lệ tuôn trào, khăn áo lau không kịp, thì tình cảm của người anh với “em” quả là mạnh mẽ, ướt át hết chỗ nói. “Bánh ướt” đã tá vào ý này. (183) Nước non thiếp gởi lại chàng Thiếp xin cái khố ra đàng che thân Cây bần [4 – III] Câu ca dao cho thấy được hoàn cảnh của “thiếp” và “chàng” là rất nghèo khó, bần hàn. “Cây bần” đã tá vào ý này. (184) Ví dầu cầu ván đóng đinh Cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi. Bánh bò [705 – V] Vì “cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh” nên rất khó đi lại, muốn đi qua cầu thì phải bò một cách từ từ. “Bánh bò” đã tá vào ý này. (185) Ro re nước chẩy dưới đèo Bà già vội vã mua heo cưới chồng Cưới về chồng bỏ chồng dông Bà già tiếc mấy chục đồng mua heo. Chim chàng nghịch [11 – IV] Bà già đã làm một việc ngược (nghịch) đời là già rồi mà vẫn “vội vã mua heo cưới chồng”. Chim chàng nghịch đã tá vào ý này. (186) Thương chồng mang gói thẳng dông Mẹ kêu mặc mẹ thương chồng em theo. Chim bạc má [4 – IV] Nét nghĩa trội được rút ra từ lời đố là kẻ thương chồng kia đã bỏ mặc má mình, đối xử bạc với má, gọi tắt là “bạc má”. Chim bạc má đã dựa vào ý này. + Trường hợp tên gọi vật đố cùng âm hoàn toàn với nét nghĩa: (187) Núi kia ai đắp mà cao Sông kia ai vét ai đào mà sâu? Bánh hỏi [728 – V] Câu ca dao như một câu hỏi tu từ với từ để hỏi là “ai”, “bánh hỏi” đã tá ý vào đây. (188) Thương nhau cới áo cho nhau Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay. Con dấu [1233 – V] Thương yêu nhau, nhưng lại giấu mẹ chuyện cho áo – nói tắt là “con giấu (mẹ)”. “Con dấu” đã tá vào ý này. - Tá ý theo phương thức tổng hợp các nét nghĩa: chiếm số lượng ít, chỉ có 9 câu. (189) Thôi thôi đưa gói anh mang Đưa con anh ẵm cho nàng rảnh tay Khung cửi [206 – V] Ở đây khung cửi đã được tá vào tổ hợp các nét nghĩa: mang gói (cuộn sợi), ẵm con (tấm vải dệt) (190) Thương em chẳng biết để đâu Để trong tay áo, lâu lâu lại dòm . Đồng hồ [992 – V] Đồng hồ được tá vào tổ hợp các nét nghĩa: “để trong tay áo”; “lâu lâu lại dòm” (191) Tới đây hỏi hết anh hùng Chim chi một cánh bay cùng nước non. Cánh buồm [88 – IV] Cánh buồm được tá vào tổ hợp các nét nghĩa: “một cánh”; “bay cùng nước non”. b, Câu đố tá ý vào tục ngữ, truyện thơ dân gian Có 5 câu tục ngữ được dùng làm câu đố, chiếm 17,24 % tổng số câu đố tá ý vào tác phẩm văn học dân gian, và chiếm 7,94 % tổng số lượng câu đố tá ý. Tục ngữ bao giờ cũng rút ra từ hình ảnh ẩn dụ một ý nghĩa trừu tượng, với mục đích khái quát những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động và đấu tranh xã hội, trong khi câu đố xây dựng hình tượng phản ánh dấu hiệu đặc trưng và chức năng của những sự vật và sự việc cụ thể với mục đích kiểm tra, truyền đạt tri thức về thế giới khách quan. Do chỗ đôi khi cũng giống nhau, mà một câu tục ngữ có thể chuyển thành câu đố, chẳng hạn: (192) Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài . Nước [97 – I] Lời đố là câu tục ngữ thường với nghĩa khái quát: môi trường, hoàn cảnh tác động đến vóc dáng của mọi sự vật, hiện tượng; với con người, môi trường sống quyết định quan niệm sống, nhân cách. Khi dùng làm lời đố, nước được tá vào tổ hợp các nét nghĩa : tròn khi ở bầu, dài khi ở ống. (193) Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Bếp ba ông táo [861 – V] Câu tục ngữ nói lên sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Đứng trước một khó khăn nào đó, nếu chỉ có một mình thì sẽ rất khó hoặc không thực hiện được, cũng như một cây không thể làm nên rừng (non). Khi có nhiều người góp sức, mọi khó khăn sẽ trở nên dễ dàng hơn, giống như nhiều cây sẽ tạo thành rừng. Lời giải đố Bếp ba ông táo được tá vào nét nghĩa “ba cây chụm lại”. Câu đố có lời đố thuộc truyện thơ Phạm Tải Ngọc Hoa: (194) Xưa còn đông liễu, tây đào Nay mừng tiên đã tìm vào bồng lai Con gà trống thiến [65 – IV] Lời đố là lời đầu tiên Trang vương nói với Ngọc Hoa khi ép Ngọc Hoa lấy mình, ý là: trước còn chưa biết nhau, nay nàng đã là người của trẫm, cùng trẫm vui vầy hạnh phúc chốn vàng son. Dùng làm lời đố, con gà trống thiến được tá vào tổ hợp các nét nghĩa: trước đây còn nhăng nhít chuyện trăng hoa, nay được giải thoát, không vấn vương đường tình ái nữa. 3.2.3.2. Câu đố tá ý vào các tác phẩm văn học viết 3.8. Bảng thống kê câu đố sử dụng tá ý vào tác phẩm văn học viết Cách tá ý Số lượt Tỉ lệ % so với tổng số câu đố dùng tá ý Câu đố tá ý vào Truyện Kiều 18 28,57 % Câu đố tá ý vào Lục Vân Tiên và TP khác 16 25,40 % Tổng số 34 53,97 % a, Câu đố tá ý vào một số trích đoạn Truyện Kiều Trong tổng số 34 câu đố tá ý vào tác phẩm văn học viết, có 18 câu đố được lẩy từ Truyện Kiều, chiếm 52,94 %, và chiếm 28,57 % so với tổng số lượng câu đố tá ý. Trong đó, có 10 câu tá ý theo phương thức tổ hợp các nét nghĩa, còn 8 câu tá ý theo phương thức cùng âm. - Loại tá ý theo phương thức tổ hợp các nét nghĩa: (195) Nỗi lòng kín chẳng ai hay Rõ ràng mặt ấy mặt này chớ ai. Cái trống [653 – V] Lời đố tập hai dòng: dòng 1553, kể về tính cách của Hoạn Thư; và dòng 1184, là lời Kiều vạch mặt Sở Khanh. Cái trống được tá vào tổ hợp các nét nghĩa: lòng kín, hai mặt (mặt ấy mặt này) (196) Cánh hồng bay bổng tuyệt vời Đinh ninh hai miệng một lời song song. Cái diều [459 – V] Lời đố được lẩy từ hai dòng: dòng 2247 nói lên tấm lòng vừa mong nhớ, vừa trông đợi, vừa cảm phục của Thuý Kiều khi nghĩ về Từ Hải; và dòng 450, nói về lời thề thốt dưới ánh trăng khuya trong đêm thanh vắng của Thúy Kiều và Kim Trọng. Cái diều được tá vào nét nghĩa: cánh hồng, bay bổng. (197) Cũng liều nhắm mắt đưa chân Mà xem con tạo xoay vần đến đâu. Cái kệ hoặc thây kệ [1043 – V] Lời đố này được lẩy từ hai dòng 1115 – 1116, khi Kiều một mình ở trong lầu Ngưng Bích, kiều gặp một người tên Sở Khanh, hắn hẹn sẽ đến đón nàng trốn đi. Không còn đường nào thoát thân khỏi chốn ăn chơi truỵ lạc bằng cách bỏ trốn, Kiều đành "Cũng liều nhắm mắt đưa chân, Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu”. Cái kệ (thây kệ) tá vào tổ hợp các nét nghĩa: liều nhắm mắt đưa chân, xoay vần đến đâu. (198) Vâng lời khuyên giải thấp cao Chữ tình chữ hiếu bên nào nặng hơn. Cái cân [895 – V] Lời đố tập hai dòng: dòng 237 (dòng lục của lời đố) kể việc Thúy Kiều nghe lời mẹ khuyên bảo đừng buồn vì chuyện mộng triệu nữa; dòng 602 (dòng bát của lời đố), là suy nghĩ của Thúy Kiều trước cảnh cha và em trai bị bắt giam, nhà cửa bị vơ vét sạch. Lời này có các nét nghĩa: “thấp cao”, “bên..., bên...”, “nặng (nhẹ)” (các hình ảnh dùng để diễn đạt mối tương quan giữa tình và hiếu). Cái cân đã tá vào các nét nghĩa trên. - Loại tá ý theo phương thức cùng âm. (199) Trót vì tay đã nhúng chàm Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời. Thợ nhuộm [194 – VI] Lời đố được trích từ hai câu: câu 1397 và câu 140. Nhuộm trong áo nhuộm đồng âm với nhuộm trong thợ nhuộm. Thợ nhuộm được lẩy từ ý này (200) Chàng Vương quen mặt ra chào Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. Cây mắc cỡ [360 – III] Lời đố về cây mắc cỡ là hai dòng 145 – 146 đoạn Kiều gặp gỡ Kim Trọng nhân cuộc dạo chơi ngày tết Thanh minh, có ý hai Kiều đang e thẹn khi Kim Trọng ra chào hỏi hai nàng. Cây mắc cỡ được tá vào ý này. (201) Vui là vui ngượng kẻo là Ai tri âm đó mặn mà với ai. Quả sầu riêng [520 – III] Lời đố được lẩy từ hai dòng: 1247 – 1248. Câu thơ nói về nỗi sầu riêng của Thúy Kiều khi ở lầu xanh, bị ép phải tiếp khách với “biết bao bướm lả ong lơi”, sau mỗi lần “lá gió cành chim / Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”, Kiều trở về với nỗi buồn (sầu) riêng của mình. Trái sầu riêng được tá theo cách cùng âm này. (202) Giọt rồng canh đã điểm ba Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm Cái đồng hồ [989 – V] Câu đố được lẩy từ hai dòng 1865 – 1866, khi Thúc Sinh về thăm quê, Hoạn Thư đem Kiều ra hành hạ trước mặt Thúc Sinh để cho thỏa cơn ghen tức. "Giọt rồng canh đã điểm ba" tức là thời giờ trôi qua, tiệc kéo dài đến nửa đêm (tức canh ba). Thời xưa đồng hồ là một cái hồ bằng đồng, trong đựng nước. Dưới có lỗ nhỏ để nước rỏ từng giọt ra ngoài. Mỗi khắc đồng hồ qua thì nước trong hồ vơi đi một ít. Muốn cho có vẻ mỹ thuật, người ta chạm hình đồng hồ này thành một con rồng, hoặc chạm chỗ vòi rỏ nước xuống. Do đó mới gọi là "giọt rồng" hay "giọt đồng" vì cái hồ bằng đồng. Lời giải đố cái đồng hồ được lẩy ra từ ý này. Hay lời đố về quả đu đủ: (203) Này chồng, này mẹ, này cha Này là em ruột, này là chị dâu. Cây đu đủ [242 – III] Lời đố này là hai dòng 2981 – 2982. Hai câu thơ kể lại việc gia đình Thúy Kiều tưởng nàng đã chết nên thiết đàn cúng. Lúc này gia đình có tất cả mọi người gồm mẹ, cha, chồng, em ruột, em dâu, tức đủ cả. Cây đu đủ được dựa vào ý vừa mới suy ra mà tá vào. Cũng là lẩy từ Truyện Kiều, nhưng có trường hợp tác giả dân gian đã sắp xếp lại câu chữ trong câu thơ gốc. Chẳng hạn như lời đố về Sao Hôm, Sao Mai: (204) Cố nhân há lẽ phụ lòng Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng tại ai? Sao Hôm, Sao Mai [103 – I] Lời đố là sự sắp xếp lại 2 câu trong Truyện Kiều. Nguyên là “Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng/ Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân”. Hai dòng 2329 – 2330 là lời của Thúy Kiều nói với Thúc Sinh khi đền ơn chàng. Sâm Thương chỉ hai chòm sao. Theo nhận thức của người xưa, thì sao Sâm ở phương tây, sao Thương ở phương đông, sao này lặn sao kia mới mọc. Hai sao này không bao giờ gặp nhau. Chi tiết này dùng để ví cảnh hai người dù có tình ý nhưng không gặp được nhau. Sự xuất hiện của hai chòm sao này cũng vậy. Chúng không bao giờ gặp nhau. (205) Chênh chênh bóng nguyệt xế mành Tựa ngồi bên án một mình thiu thiu. Rau ngủ [465 – III] Lời đố được lẩy từ hai dòng 185 – 186, tả cảnh Thúy Kiều thiếp đi lúc đang suy nghĩ ngổn ngang vào buổi tối, sau cuộc dạo chơi tiết thanh minh về, mở đầu cho việc hồn ma Đạm Tiên xuất hiện, Thúy Kiều ngủ (thiu thiu). Cây rau ngủ được tá theo cách cùng âm này. b, Câu đố tá ý vào một số trích đoạn Lục Vân Tiên và các tác phẩm khác. - Loại tá ý theo phương thức cùng âm Có 4 câu đố được lẩy từ tác phẩm Lục Vân Tiên, 6 câu đố lẩy từ các tác phẩm khác đều được tá ý theo phương thức cùng âm. (206) Than rằng lưu thủy cao sơn Ngày nào nghe đặng tiếng đờn tri ân. Bánh hỏi [730 – V] Lời đố được lẩy từ hai dòng 276 – 277, là tâm trạng của Kiều Nguyệt Nga, nàng tự hỏi cái tâm tình lưu thủy cao sơn của mình bao giờ được người tri âm (Lục Vân Tiên) biết đến, bao giờ được gặp lại nhau và hiểu nỗi lòng nhau. Bánh hỏi dựa trên ý này. (207) Gối rơm theo phận gối rơm Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao. Cá leo [244 – IV] Lời đố được lẩy từ hai dòng 525 – 526, là lời của Trịnh Hâm nói với ông Quán, có ý là phận nào theo nghiệp ấy, thấp thì chịu thấp, không thể leo cao. Con cá leo tá theo cách cùng âm này. (208) Nước trong rửa ruột sạch thơm Một câu danh lợi chi sờn lòng ta. Trái thanh yên [555 – III] Lời đố về trái thanh yên được trích từ hai dòng 965 – 966 là lời của ông Ngư nói với Vân Tiên sau khi cứu sống chàng, thể hiện sự trong sạch, không màng danh lợi, tức là giữ được sự thanh thản, yên ổn trong lòng (nói tắt là “thanh” và “yên”) của nhân vật. Quả thanh yên được tá theo cách cùng âm với ý này. (209) Trông chồng mà chẳng thấy chồng Đã đành một chữ má hồng vô duyên. Quả cam [59 – III] Lời đố được lẩy từ hai dòng 1453 – 1454, là lời của Nguyệt Nga nói với Lục ông trước khi sang Ô Qua làm cống lễ, nói lên sự lỡ làng nhưng đành cam chịu. Cây cam được tá theo cách cùng âm này. (210) Nỗi lòng biết ngỏ cùng ai Thiếp trong cánh cửa, chàng ngoài chân mây. Cây cách [47 – III] Lời đố được lẩy từ hai dòng 111 – 112 thuộc Chinh phụ ngâm khúc, bản dịch của Đoàn Thị Điểm, nói lên sự chia lìa, cách trở. Cây cách được tá theo cách cùng âm với ý này. (211) Lấy ai chắp nối xích thằng Biết mà đứt chỉ, thà đừng vương tơ. Quả mai [350 – III] Lời đố trích trong Nhị Độ Mai (khuyết danh). Xích thằng (sợi chỉ hồng buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa). Chắp nối xích thằng => Người mai mối => Quả mai (hiện tượng đồng âm). - Loại tá ý theo phương thức tổ hợp nét nghĩa Có 8 câu đố tá ý theo phương thức tổ hợp các nét nghĩa: (212) Cát đâu ai bốc tung trời Sóng sông ai vỗ, cây đồi ai rung. Gió [27 – I] Câu đố về gió thuộc lời mưỡu đầu của bài hát Hỏi gió của Tản Đà. Lời giải gió được tá vào tổ hợp các nét nghĩa: bốc tung trời, sóng ... vỗ, cây ... rung. (213) Dốc lòng trả nợ nước nhà Người mà không biết trời đà biết cho. Cái máng [37 – V] Tương truyền đây là lời thanh minh của Nguyễn Công Trứ trước vua Tự Đức vì có người tố cáo ông làm phản. Cái máng tá vào tổ hợp các nét nghĩa: việc “nước”, việc “nhà”, “ngay lòng” với trời (nên trời biết rõ). Nhận xét chung: Tá ý, nhất là tá ý theo cách tổ hợp các nét nghĩa có sự vênh, lệch nhau nhất định giữa nội dung lời đố và vật đố. Nếu không có sự vênh lệch này thì không gọi là tá ý. Ca dao sử dụng loại tá ý theo phương thức cùng âm nhiều hơn, trong khi các bài lẩy hay tập Kiều thì ngược lại, loại tá ý theo cách tổ hợp các nét nghĩa được chú ý hơn. 3.3. Kết luận chương 3 Chơi chữ có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng câu đố. Các biện pháp chơi chữ được sử dụng rất đa dạng: chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm và chữ viết (đồng âm, nói lái, câu đố chữ quốc ngữ, câu đố chữ Hán), chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa (đồng nghĩa, trái nghĩa, tạo nước đôi về nghĩa, tách nhập trường nghĩa),câu đố sử dụng ngữ liệu ngoài văn bản (câu đố dùng cách tá ý). Trong nhóm các biện pháp chơi chữ, thì chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm và chữ viết chiếm số lượng nhiều nhất, sau đó đến chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa. Đi vào các biện pháp cụ thể , đồng âm và đồng nghĩa là hai biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất. B/ KẾT LUẬN Qua việc tìm hiểu các biện pháp tu từ trong câu đố dân gian của người Việt, chúng tôi tổng kết lại những vấn đề sau: 1. Câu đố là một loại hình văn học dân gian phản ánh sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan theo lối nói chệch, nói một đằng hiểu một nẻo. Phương pháp này xuất phát từ những nét giống nhau giữa vật đố và vật được miêu tả trong lời đố. 2. Trong câu đố có hai đối tượng được đề cập: vật đố và hình ảnh ẩn dụ của nó. Tập hợp những vật đố hợp thành thế giới vật đố. Tập hợp những hình ảnh ẩn dụ của vật đố tạo nên thế giới liên tưởng từ vật đố. Thế giới vật đố gồm đồ dùng lao động và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, những công việc và thao tác lao động, sinh hoạt, những sự vật và hiện tượng quen thuộc khác. Thế giới những vật thay thế cho vật đố là thế giới được “sáng tác” ra từ nguyên mẫu vật đố chủ yếu dựa vào liên tưởng, tưởng tượng. Đây là một thế giới vừa có vẻ ngoài kỳ dị, vừa thân quen, sống động và có hồn. Thế giới thứ nhất là phản ánh trực tiếp của hiện thực khách quan. Thế giới thứ hai là phản ánh của thế giới thứ nhất qua lăng kính liên tưởng, tưởng tượng của những người chơi trò đố - giảng. 3. Nguồn khoái cảm nghệ thuật chủ yếu tìm thấy trong câu đố là ở chỗ khéo vận dụng trí thông minh và những hiểu biết về thế giới khách quan mà khám phá ra cho được những sự vật, hiện tượng trình bày một cách nửa kín nửa hở. Những điều này có được là do người đố đã biết vận dụng một cách triệt để hầu hết những biện pháp tu từ có trong ngôn ngữ để tạo ra những câu đố với những hình ảnh được là hóa để đánh đố người giải. Các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu đố rất phong phú, đa dạng và linh hoạt. Các biện pháp tu từ này được chia làm hai nhóm: nhóm các cách chuyển trường trong câu đố (nhân hóa, động vật hóa, tự nhiên hóa và so sánh); nhóm các biện pháp chơi chữ (chơi chữ bằng các phương tiện ngữ âm và chữ viết, chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa, câu đố dùng cách tá ý). Tất cả các biện pháp nằm trong hai nhóm này đều được các nhà nghiên cứu câu đố gọi là những ẩn dụ đặc biệt - ẩn dụ không có qui ước và giới hạn hay phương pháp chuyển hoá tự do của câu. Trong nhóm các cách thức chuyển trường, có thể thấy biện pháp nhân hóa và so sánh được sử dụng với tần số lớn nhất, điều này cho thấy các tác giả dân gian khi sáng tác câu đố thường có sự liên tưởng đến chính bản thân con người, làm cho sự vật, hiện tượng đội lốt con người. So sánh cũng được sử dụng nhiều thể hiện sự linh hoạt, nhạy bén của người đố trong việc nhìn nhận, đối chiếu sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng kia. Trong nhóm các biện pháp chơi chữ, thì chơi chữ bằng phương tiện ngữ âm và chữ viết chiếm số lượng nhiều nhất, sau đó đến chơi chữ bằng phương tiện ngữ nghĩa. Đi vào các biện pháp cụ thể, chúng tôi nhận thấy, đồng âm và đồng nghĩa là hai biện pháp tu từ được sử dụng nhiều hơn cả. Qua việc khảo sát, tìm hiểu các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu đố, có thể thấy việc sử dụng các biện pháp tu trong câu đố ngoài việc tạo hiệu quả nghệ thuật còn có chức năng thực tế là đánh lạc hướng suy nghĩ của người giải đố bằng sự vi phạm qui tắc chiếu vật đã khẳng định tính hấp dẫn, lôi cuốn của câu đố. Câu đố đưa người đọc, người nghe vào một mê cung, phải khó khăn lắm mới tìm ra lối ra. Và càng đi vào mê cung này thì người đọc càng cảm thấy thú vị. Sự đánh lừa có chủ ý của người đố là kết quả của quá trình sáng tạo câu đố. Nhưng ở đây người mắc lừa không hề tỏ ra tức giận mà ngược lại, họ cảm thấy hả hê sung sướng sau khi tìm ra lời giải đáp. Đây chính là nghịch lý mà chỉ trong câu đố mới có. Xét cho cùng nghệ thuật đố chính là nguyên tắc mã hóa, là cách giấu tên đối tượng đố. Câu đố sử dụng các biện pháp tu từ để đánh lạc hướng người ta bằng cách chuyển từ sự vật này sang sự vật kia, làm cho sự vật so sánh vừa “giống” đối tượng được đố lại không quá “lộ”. Cái hay của câu đố chính là ranh giới giữa hai điều này. Chính vì thế, câu đố đòi hỏi một sự suy luận khách quan có căn cứ nên người giải phải biện minh cho căn cứ của mình. Quá trình tìm ra vật đố là quá trình vận động của tư duy lôgic kết hợp với tư duy hình tượng. 4. Câu đố là một trò chơi trí tuệ bằng ngôn từ, nó cung cấp cho con người vốn tri thức phong phú, đa dạng về thế giới khách quan. Có thể nói, câu đố gần như một bộ từ điển bách khoa về thế giới hữu hình (thế giới vật thể). Thế giới sự vật, hiện tượng trong câu đố là thế giới động, thế giới có hồn. Câu đố như một lăng kính mà khi đã đi qua lăng kính này, sự vật hiện tượng này đều mang màu sắc mới, sinh động nhưng cũng rất chân thực. Điều này cũng chứng tỏ chính trên cơ sở kinh nghiệm sống, kinh nghiệm quan sát thế giới khách quan mà trí thông minh, óc tưởng tượng của con người được nảy nở, phát triển mạnh mẽ. Học câu đố cũng chính là một các học tiếng Việt, đặc biệt là với trẻ em. Khám phá thế giới qua câu đố là cách học dễ nắm bắt nhất. Câu đố giúp các em học cách quan sát, nâng cao nhận thức, phát triển tư duy. Không những vậy, câu đố còn giúp ích trong viêc học tiếng Việt của người nước ngoài. Câu đố giúp họ hiểu thêm về cách nhìn, cách nghĩ, cách tư duy của người Việt. Có thể khẳng định, câu đố là một phương tiện nhận thức vừa thỏa mãn được nhu cầu nhận thức, vừa thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân lao động. TÀI LIỆU THAM KHẢO Lâm Hồng Anh (tuyển chọn), Câu đố Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, H, 2005. Lại Nguyên Ân, Từ điển thuật ngữ Văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003. Nguyễn Trọng Báu, Đố tục giảng thanh và giai thoại ngữ nghĩa, Nxb Lao động, H, 1994. Phan Văn Các, Từ điển Hán – Việt, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2001. Đỗ Hữu Châu, Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, H, 1986. Đỗ Hữu Châu, Cơ sở ngữ dụng học, Nxb Đại học Sư phạm, H, 2003. Đỗ Hữu Châu, Đại cương ngôn ngữ học, tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, H, 2001. Đỗ Hữu Châu, Giáo trình ngữ dụng học, Nxb Đại học Sư phạm, H, 2003. Đỗ Hữu Châu, Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, H, 1994. Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên, Nxb Đồng Nai, 1998. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H, 2001. Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, H, 1984. Tô Thị Phương Dung, Tiền giả định trong câu đố của người Việt, Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đỗ Thành Dương, Đồng âm trong câu đố Việt, Tạp chí ngôn ngữ và đời sống, số 1 + 2, H, 2006. Đỗ Thành Dương, Đồng nghĩa trong câu đố Việt, Tạp chí ngôn ngữ và đời sống, số 4, H, 2006. Đỗ Thành Dương, Nói lái trong câu đố Việt, Ngữ học trẻ, H, 2004. Phạm Văn Đang, Câu đố và văn chương bình dân, Nghiên cứu văn học, Sài Gòn, số 16, 1972. Hữu Đạt, Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003. Dương Kỳ Đức (chủ biên), Vũ Quang Hào, Từ điển trái nghĩa – đồng nghĩa tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001. Ninh Viết Giao, Câu đố Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H, 1996. Nguyễn Thiện Giáp, Dụng học Việt ngữ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. Nguyễn Văn Hanh, Nói lái – một hiện tượng độc đáo trong tiếng Việt, Tạp chí ngôn ngữ và đời sống, số 10, H, 2003. Nguyễn Bích Hà, giáo trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, H, 2010. Nguyễn Thái Hoà, Dẫn luận phong cách học, Nxb Giáo dục, H, 1998. Nguyễn Thái Hoà, Phân tích phong cách học, Đại học Sư phạm Hà Nội, 1983. Hồ Quốc Hùng, Câu đố và tư duy nghệ thuật, Kỷ yếu văn học và ngôn ngữ, Khoa ngữ văn, Trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh xb, 1993. Bùi Thị Thu Huyền, Câu đố dân gian của người Việt nhìn từ góc độ ngôn ngữ học, Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2009. Hoài Hương, Truyện Kiều và những lời bình, Nxb Văn hóa thông tin, H, 2000. Đinh Gia Khánh (chủ biên), Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, H, 1998. Đinh Trọng Lạc, 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H, 2008. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa, Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H, 2010. Đinh Trọng Lạc, vấn đề xác định, phân loại và miêu tả các phương tiện tu từ và các biện pháp tu từ, Tạp chí ngôn ngữ số 4, 1992. Trần Thị Lan, Một số vấn đề về bản chất thể loại câu đố Việt Nam với trẻ em, Luận văn thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 1996. Mã Giang Lân, Lê Chí Quế, Tục ngữ, câu đố, ca dao, dân ca Việt Nam, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1997. Nguyễn Thế Lịch, Cấu trúc so sánh trong tiếng Việt, Tạp chí ngôn ngữ, số 7 + 9, H, 2001. Triều Nguyên, “Các hình thức chơi chữ trong câu đố”, Thông báo văn hóa dân gian 2002, Nxb Khoa học Xã hội, H, 2003. Triều Nguyên, Câu đố người Việt về tự nhiên, Nxb Thuận Hóa, 2007. Triều Nguyên, Câu đố người Việt về văn hóa, Nxb Thuận Hóa, 2007. Triều Nguyên, Chất thơ dân gian trong phong cách Hồ Xuân Hương, Thông báo văn hóa dân gian 2001, Viện nghiên cứu văn hóa dân gian, H, 2002. Vũ Ngọc Phan, Tạ Phong Châu, Phạm Ngọc Hy, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 1, Nxb Văn học, H, 1977. Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008. Đỗ Quyên, Thử tìm hiểu tiền giả định bách khoa trong câu đố Việt, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 7, H, 2005. Đặng Thị Quỳnh, Tìm hiểu về câu đố trong chương trình tiếng Việt tiểu học, Đề tài nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2004. Hoài Quỳnh (sưu tầm), Câu đố dân gian Việt Nam, Nxb Đà Nẵng, 2004. Hồ Anh Thái (sưu tầm), Câu đố Việt Nam, Nxb Hải Phòng, 2004. Nguyễn Đình Thông (sưu tầm), Câu đố dân gian Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000. Trần Mạnh Thường, Tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, H, 1996. Huỳnh Công Tín (sưu tầm, biên soạn), Từ điển phương ngữ Nam bộ, Nxb Khoa học Xã hội, H, 2007. Nguyễn Đức Tồn, Bản chất của ẩn dụ,Tạp chí ngôn ngữ số 10 – 11, H, 2007. Đỗ Bình Trị, “Những đặc điểm thi pháp của câu đố”, giáo trình Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian, Nxb giáo dục, H, 1999. Nguyễn Văn Trung, Câu đố Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2005. Nguyễn Nguyên Trứ, Bài giảng phong cách học, Nxb Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, 2004 . Nguyễn Văn Tu, Từ điển từ đồng nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H, 2001. Hoàng Tiến Tựu, Văn học dân gian, tập 1, Nxb Giáo dục, H, 1990. Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H, 2001. Yule G, Dụng học; Nhóm dịch: Hồng Nhâm, Trúc Thanh, Ái Nguyên (dịch từ bản in 1997), Nxb Đại học Quốc gia, H, 2003. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đặng Ngọc Lệ, Phan Xuân Thành, Từ điển đối chiếu từ địa phương, Nxb Giáo dục, H, 2001. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Hà Quang Năng, Đỗ Việt Hùng, Đặng Ngọc Lệ, Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H, 1996. Nguyễn Xuân Kính, Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 3, câu đố, Nxb Khoa học Xã hội, H, 2005. Đông Vân, Kho tàng báu truyền câu đố dân gian, Nxb Văn hóa Dân tộc, H, 2005. MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLuan van le van.doc
Tài liệu liên quan