Luận văn Văn hóa ứng xử trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du

MS: LVVH-VHVN061 SỐ TRANG: 115 NGÀNH: VĂN HỌC CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM NĂM: 2010 CẤU TRÚC LUẬN VĂN MỤC LỤC LỜI CẢM ƠN A. MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài 2. Lịch sử vấn đề 3. Mục đích nghiên cứu 4. Đối tượng phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu 6. Kết cấu của luận văn B. NỘI DUNG Chương 1 : VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU - NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1. Các khái niệm 1.1.1. Khái niệm văn hóa 1.1.2. Khái niệm ứng xử 1.1.3. Khái niệm văn hóa ứng xử 1.2. Văn hóa ứng xử tiếp hợp nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai 1.2.1. Tiếp hợp Nho giáo 1.2.2. Tiếp hợp Phật giáo 1.2.3. Tiếp hợp Đạo giáo Chương 2: NGUYỄN DU VÀ THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU 2.1. Nguyễn Du 2.1.1. Thời đại Nguyễn Du 2.1.2. Gia thế và cuộc đời Nguyễn Du 2.2. Thơ chữ Hán Nguyễn Du Chương 3: NHỮNG BIỂU HIỆN CỦA VĂN HÓA ỨNG XỬ TRONG THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU 3.1. Ứng xử đối với bản thân 3.2. Ứng xử với môi trường tự nhiên 3.2.1. Thiên nhiên tươi đẹp để hưởng thụ ngâm vịnh 3.2.2. Thiên nhiên kỳ quái khiến con người phải khiếp sợ 3.3. Ứng xử với môi trường xã hội 3.3.1. Vua chúa 3.3.2. Quan lại 3.3.3. Những người nghèo khổ 3.3.4. Người hiền, người tài 3.3.5. Phụ nữ 3.4. Ứng xử trong gia đình C. KẾT LUẬN D.TÀI LIỆU THAM KHẢO

pdf115 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2200 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Văn hóa ứng xử trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ốn quan trường” [106, tr 107]. Từ cổ chí kim, có thi nhân nào có cuộc sống bấp bênh, đói rách, ăn nhờ ở đậu như Đỗ Phủ, đến lúc qua đời cũng chẳng có chỗ yên thân, phải nằm lại trong một chiếc thuyền nát thả trên sông Tương giữa lúc đang khó khăn đói rách… Nguyễn Du cũng đã từng hết “ăn nhờ ở bến sông rồi ăn nhờ nơi bãi biển”, “bệnh đã ba năm, nghèo không thuốc”, “cuộc phù sinh ba mươi năm có mối lo vì có thân” (Cảm hứng lan man I); “hết phía nam sông đến phía bắc sông với một chiếc túi rỗng”, “tấm thân sáu thước sống nổi trôi giữa vòng trời đất” (Cảm hứng lan man II). Nguyễn Du chẳng bao giờ quên những ngày tháng túng quẩn vụn vặt của gia đình Đỗ Phủ, đàn con thơ kêu đói, kêu rét, khi mái nhà bằng tranh gió thổi tốc lên tận trời... Cách nhau hàng mấy chục thế kỷ, Nguyễn Du vẫn tìm thấy ở Đỗ Phủ một tâm hồn đồng điệu với mình. Đỗ Phủ vì sinh lỗi thời mà không thể đem tài trí của mình ra giúp đời, giúp nước nên đành bất lực trước thời cuộc, trước nhân tình thế thái, trước cảnh đất nước lâm nguy. Ông muốn dấn thân mình vào cơn nguy biến của đất nước, mong được cống hiến sức mình nhưng trong một “xã hội đảo điên, lòng người ly tán, người trung có ít, kẻ nịnh quá nhiều. Giàu sang phú quý xưa, nay vẫn là miếng mồi cho sự tranh đoạt… thì những kẻ sống trung thực, giàu lòng thương người, luôn trăn trở suy tư cho kiếp người chắc chắn sẽ bị ném ra bên lề của cuộc sống” [106, tr 108 - 109]. Vì có sự đồng cảm, khi đi qua mộ Đỗ Phủ ông ứa nước mắt và khóc: Dị đại tương liên không sái lệ (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ I) (Sống khác thời đại thương nhau chỉ biết rơi nước mắt) Nguyễn Du với Đỗ Phủ là hai người “đồng cảnh, đồng bệnh”, cả hai cùng mang một nỗi đau, một niềm trắc ẩn khi nhìn vào kiếp người. Nỗi đau ấy có lẽ xuất phát từ Đỗ Phủ mà thấm vào Nguyễn Du. Cũng giống như xưa kia Đỗ Phủ yêu quý con người hơn yêu quý bản thân mình mà giờ đây Nguyễn Du cũng thấy đó là nỗi đau vô bờ trước sự khốn khổ của một kiếp người. Đã có lúc Nguyễn Du xem Đỗ Phủ như người bạn tri âm tri kỷ để chia sẽ niềm vui nỗi buồn. Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị, Địa hạ vô linh quỉ bối xi. (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ I) (Chứng lắc đầu cũ đã chữa khỏi được chưa? Dưới đất đừng để cho lũ ma quỉ cười mình.) Tóm lại, xã hội phong kiến dưới mắt Nguyễn Du là một xã hội đầy những bọn “nhai thịt người ngọt xớt như đường”, đầy khốn khổ cho những kẻ bị áp bức, hèn yếu. Thái độ Nguyễn Du là đồng tình và thông cảm sâu sắc với những người hiền, người tài, còn đối với những kẻ thống trị thì thái độ của ông mới đến chỗ khinh bỉ, oán ghét, nhiều nhất là bi phẫn chứ chưa căm thù phẫn nộ. Với người hiền, người tài Nguyễn Du không chỉ thương cảm cho số phận của họ mà ông còn khâm phục tài năng của họ. Nguyễn Du nhiều lần rỏ nước mắt khóc cho số phận cuộc đời của người hiền, người tài. Dẫu không cùng thời đại, không cùng dân tộc chỉ cần cùng hội cùng thuyền với họ nhưng đó chính là tình người. Trong cuộc sống xã hội, con người đều hành động đối xử với nhau trên cơ sở đạo lý là trọng tình trọng nghĩa. Có thể thấy cách ứng xử của Nguyễn Du chính là trọng tình nghĩa và đạo lý. Đây là nét đẹp ứng xử văn hóa của Nguyễn Du. 3.3.5. Phụ nữ Phần thương mến sâu sắc nhất của mình, Nguyễn Du dành cho phụ nữ bằng những lời trìu mến nhất, thương cảm nhất. Thái độ thương mến trân trọng ấy, ông cũng đã nêu lên nỗi thống khổ của phụ nữ trong xã hội. Chính vì phụ nữ là hạng người xấu số bị vùi dập nhiều nhất. Cho nên, Nguyễn Du xót thương trước số phận người phụ nữ. Hai lần ông cất tiếng than đứt ruột, như một tiếng nấc “Đau đớn thay phận đàn bà”. Khảo sát thế giới nhân vật trong ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du với 250 bài chúng tôi nhận thấy Nguyễn Du viết nhiều về những người phụ nữ trong lịch sử Trung Hoa như các bà vợ của vua Thuấn, chị em Tiểu Kiều, Đại Kiều thời Tam Quốc, Dương Quý Phi, Ngu Cơ, Ba người đàn bà ở núi Tam Liệt… Nhưng Nguyễn Du đặc biệt rỏ nước mắt cho hai đối tượng phụ nữ, thứ nhất là phụ nữ danh tiếng, thứ hai là phụ nữ tài hoa nhưng bất hạnh cuối cùng đều phải chết yểu hay có kết cục vô cùng bi thảm. Nguyễn Du đã từng nói “Ngựa hay không chết già, liệt nữ không chết bệnh, người có khí phách khác thường thì trời đất không có chỗ dung” [106 , tr 99]. Quả đúng như vậy. Đối với phụ nữ danh tiếng, Nguyễn Du có cách nhìn xót xa, thông cảm và đồng cảm sâu nặng đối với họ. Nguyễn Du nhìn thấy nỗi thống khổ của những người phụ nữ danh tiếng. Vì chính họ cũng phải gánh chịu nhiều mất mát, đau khổ trong đời. Đặc biệt dưới mắt của Nguyễn Du phụ nữ danh tiếng như Dương Quý Phi, Nga Hoàng và Nữ Anh vợ vua Nghiêu – Thuấn... luôn là đối tượng được ông quan tâm. Nguyễn Du thật sự ngưỡng mộ hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh vợ vua Nghiêu – Thuấn đi tìm chồng ngồi khóc bên dòng sông Tương những giọt nước mắt nhỏ vào những cây trúc trở thành những vết lốm đốm. Ngu Đế nam tuần cánh bất hoàn, Nhị phi sái lệ trúc thành ban. (Thương Ngô tức sự) (Vua Ngu Thuấn đi tuần ở phương nam, không trở về nữa, Hai bà phi khóc, nước mắt rưới vào khóm trúc thành vết lốm đốm.) Hành động của hai bà làm cho nhà thơ thật xúc động. Trước hành động và cử chỉ cao đẹp đó, ông dành cho hai bà bốn bài thơ trong tập thơ chữ Hán của ông (Thương Ngô tức sự, Thương Ngô mộ vũ, Thương Ngô trúc chi ca III, VIII). Đến sông Tương, Nguyễn Du không quên viếng hai bà bằng chén rượu và trầm ngâm tưởng tượng ra tiếng đàn của hai bà. Bôi tửu bằng lan điếu thị nhi (Thương Ngô mộ vũ) (Tựa lan can rót rượu viếng hai bà) Thủy diện huyền thanh tự nhị phi (Thương Ngô Trúc Chi ca III) (Tiếng đàn trên sông nước nghe như tiếng đàn của hai bà phi) Tục thờ cúng, tế lễ có thể xem là một đặc trưng của các dân tộc có nền văn minh lúa nước. Sự cúng bái trân trọng, kính cẩn nghiêng mình trước những vong linh mình tôn kính. Cho nên tín ngưỡng tôn giáo trở thành đặc điểm quan trọng trong tâm thức dân tộc Việt, đây là dấu vết ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, từ Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Nhưng người Việt không chấp nhận những gì xa lạ với đặc điểm vốn có của mình. Ông thương tiếc kính trọng cho ba phụ nữ tiết liệt như Trương Thị, Quách Thị và Lưu Thị đời Minh, kiên quyết chống lại bọn hung bạo và hy sinh để giữ mình được trong sạch. Tấm gương sáng đó nghìn đời vẫn còn sáng mãi. Thiên thu bi kiệt hiển tam liệt, Vạn cổ cương thường thuộc nhất môn. (Tam liệt miếu) (Bia kệ ngàn năm làm rạng danh ba người đàn bà tiết liệt, Cương thường một thưở thuộc về một nhà.) Dương Quý Phi, một quý phi được vua Đường Minh Hoàng vô cùng sủng ái, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng lại bị đỗ tội oan chỉ vì vua quan bất tài không đuổi được giặc, cuối cùng nàng phải thắt cổ tự tử ở đèo Mã Ngôi. Người đời mắng chửi và nguyền rủa Quý Phi, xem nàng là tội nhân của đất nước. Trong khi đó cả triều đình đều “phỗng đứng” nhưng chỉ có Nguyễn Du là người lên tiếng minh oan cho người con gái họ Dương và những mỹ nhân ngày xưa mắc tội làm “khuynh thành vong quốc”. Tự thị cử triều không lập trượng, Uổng giao thiên cổ tội khuynh thành. (Dương Phi cố lý) (Từ đấy cả triều đều là người đứng như phỗng, Mà nghìn năm còn đổ tội oan cho người đẹp khuynh thành.) Ở đây ta bắt gặp tư tưởng của Nguyễn Du tương tự như ý tưởng của Hoa Nhị phu nhân. Quân vương thành thượng thụ hàng kỳ, Thiếp tại thâm cung na đắc tri. Tứ thập vạn nhân tề giải giáp, Ninh vô nhất cá thị nam nhi? (Thuật vong quốc thi)[55, tr 1098] (Cờ hàng vua cắm khắp thành trì, Thiếp ở trong cung nào biết chi. Bốn chục vạn người cùng giải giáp, Lẽ nào không một đấng nam nhi?) Tình cảm của Nguyễn Du không chỉ dừng lại ở chỗ thông cảm mà còn đi đến chỗ đồng cảm với những người phụ nữ phải gánh chịu nhiều mất mát, đau khổ trong đời. Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều đau khổ và thất chí và hiểu những nỗi bất hạnh của cuộc đời gây ra cho mình cũng như những người phụ nữ khác, Nguyễn Du đã viết về họ bằng những vần thơ chân thành. Quả thật, Nguyễn Du có con mắt “tinh tế”, tấm lòng “nghĩ suốt nghìn đời” và tâm hồn nhạy cảm phong phú với mọi tầng lớp con người trong xã hội. Đối với phụ nữ tài hoa nhưng bất hạnh, Nguyễn Du còn nhỏ nước mắt thương cảm cho những số phận con người như kỉ nữ, ả đào. Tất cả họ đều là người có tài, có sắc, danh tiếng một thời. Đó là người ca nữ đất La Thành, người hầu cũ của em, cô Cầm ở đất Long Thành… Cô Cầm trong bài (Long Thành cầm giả ca) là một cô gái có tài đàn nổi tiếng và dễ thương. Hồng trang yểm ái đào hao diện, Đà nhan hám thái tối nghi nhân. Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến, Hoãn như sơ phong độ tùng lâm. Thanh như song hạc minh tại âm, Liệt như Tiến phúc bi đầu toái tích lịch. Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm, Thính giả mĩ mĩ bất tri quyện. (Long Thành cầm giả ca) (Áo hồng cũng bị mờ nhạt đi trước vẻ mặt hoa đào, Má hồng men rượu, dáng thơ ngây, rất đáng yêu. Năm cung réo rắc theo ngón tay đàn mà đổi điệu, Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông. Tiếng trong như đôi chim hạc kêu lúc đêm khuya, Tiếng mạnh như tiếng sét đánh tan bia Tiến Phúc. Tiếng buồn như Trang Tích ngâm tiếng Việt lúc ốm đau, Người nghe mê mệt không biết mỏi. Quả thật tiếng đàn của cô Cầm là tinh hoa thuộc về trời đất. Tiếng đàn ấy đã gợi cho Nguyễn Du biết bao nỗi niềm tâm sự. Vẫn là tiếng đàn tài hoa ngày xưa, nay ông gặp lại trong buổi tiệc đón tiếp Nguyễn Du do quan Tuyên Phủ thiết yến. Giả như những người làm quan hiển đạt khác, ắt sẽ không chú ý đến một người phụ nữ tóc đã hoa râm, nét mặt võ vàng khô khan thần sắc, đôi mày tàn tạ phạc phờ giữa đám cô đào thẩy đều rất trẻ đẹp kia. Chỉ có Nguyễn Du mới có cái nhìn sắc sảo đầy lòng yêu thương, mới có tiếng thở dài não ruột âm thầm kia “Thùy tri tựu thị đương thời thành trung đệ nhất diệu” (Ai biết rằng đó chính là người tài danh bậc nhất của kinh thành ngày xưa) (Long Thành cầm giả ca) và chỉ có Nguyễn Du mới nghe được tiếng đàn của một người đau khổ. Nghe khúc đàn xưa đàn lên từng tiếng mà nước mắt thi nhân thầm rơi, tai lắng nghe mà lòng đau xót. Cựu khúc thanh thanh ám lệ thùy, Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi. (Long Thành cầm giả ca) (Khúc xưa giọng mới lệ thầm rơi, Tôi lắng nghe, lòng đau xót) Cô Cầm ngày xưa dễ thương mà giờ đây tàn tạ dung nhan, Nguyễn Du thông cảm được sự tàn phá của thời gian, càng thương cho kiếp người nhỏ nhoi trong vũ trụ rộng lớn, trong cuộc đời dâu bể. Hình ảnh ấy gây một mối thương tâm lớn lao trong Nguyễn Du. Trước sự thay đổi lạnh lùng và nghiệt ngã ấy, nỗi đau trong ông hiện lên rất đời và rất thực. Thành quách suy di nhân sự cải, Kỷ xứ tang điền biến thương hải. Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vong, Ca vũ không di nhất nhân tại. (Long Thành cầm giả ca) (Thành quách đổi dời, việc người đã khác, Biết bao nơi ruộng dâu đã biến thành biển xanh. Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan hết cả rồi, Chỉ còn sót lại một người ca múa!) Nàng ca nữ ở đất La Thành đẹp như một cành hồng thắm từ cõi tiên sa xuống, sắc đẹp làm rung động cả sáu khu trong thành nhưng cuộc đời lại bạc mệnh. Nàng chết trẻ, lúc sống đã không rửa được nghiệp chướng phấn son chết đi còn để lại tiếng gió trăng. Nguyễn Du xót thương cho nàng. Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh, Trủng trung ưng tự hối phù sinh. Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng, Phong nguyệt không lưu tử hậu danh. (Điếu La Thành ca giả) (Thiên hạ ai thương người bạc mệnh ? Dưới mồ chắc hẳn cũng tự mình hối hận cho kiếp phù sinh. Lúc sống đã không rửa được nghiệp chướng phấn son, Sau khi chết chỉ để lại cái tiếng gió trăng.) Người hầu cũ của em “ngày xưa xinh đẹp, giọng ca có một không hai, bây giờ đã lấy chồng, có ba con”. Nàng giờ đây xơ xác, tiều tụy, khô héo “mà đáng thương thay nàng vẫn còn mặc chiếc áo cũ từ ngày ra đi”[106, tr 99]. Đứng trước nỗi đau khổ ngổn ngang ấy Nguyễn Du viết lên những câu thơ: Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển, Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly. Phúc bồn dĩ hỉ nan thu thủy Đoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti! Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử, Khả liên do trước khứ thời y. (Ngô gia đệ cựu ca cơ) (Đã từng nghe giọng ca uyển chuyển khi nàng mặc áo hồng, Đầu bạc gặp nhau, khóc nỗi lưu ly. Thôi rồi, chậu nước đã đổ, khó mà thu lại được, Thương ôi, ngó sen tuy gãy, nhưng tơ vẫn chưa dứt. Nghe nói nàng lấy người khác đã có ba con, Đáng ái ngại là vẫn còn mặc chiếc áo ngày ra đi.) Sợi tơ sen vấn vương hay cõi lòng ông đang luyến lưu không muốn rời đứt với những kỷ niệm xưa đang ùa về. Ông khóc cho nàng, cho chiếc áo cũ, cho tiếng đàn xưa. Nàng bây giờ nhan sắc đã tàn phai, tiều tụy, xơ xác… Tóm lại, ở Nguyễn Du nổi bật nhất là nét lo đời, lo cho tất cả… vừa lo cho toàn thể cộng đồng, vừa lo cho số phận cá nhân cụ thể. Tình cảm của ông vừa bao quát vừa riêng biệt, vừa chung cho cuộc đời, vừa riêng cho con người. Ở đó tập trung nhiều trạng thái cảm xúc yêu thương con người cùng khổ, sống trong xã hội phong kiến. Đây cũng là một đạo lý nhân nghĩa mang đậm truyền thống Việt. Đạo lý nhân nghĩa nổi lên ở đây là đạo lý mang tầm vóc văn hóa dân tộc đạo lý thương người như thể thương thân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ... Nguyễn Du cũng có một tâm hồn nhân nghĩa nhạy cảm phong phú với mọi tầng lớp con người trong xã hội. Nguyễn Du như truyền vào tâm hồn chúng ta cái xót thương vô hạn đối với những con người cùng khổ. Đó cũng là bài học mà Nguyễn Du đã kế thừa truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc biết trọng nhân nghĩa để sống có nghĩa có nhân. Trong quan hệ xã hội, tình nghĩa chính là điều phải, điều nhân, giúp đỡ lẫn nhau. Đạo lý Việt Nam hết sức coi trọng con người, tất cả đều được nhìn nhận từ giá trị của con người đề cao con người và cuộc sống nên khả năng đồng cảm trước nỗi đau nhân tình của người Việt rất nhạy bén. Chính vì vậy trong quan hệ xã hội, người Việt luôn lấy tấm lòng ra đối đãi với nhau thiên về tình hơn thiên về lý Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình, Hợp tình hợp lý... Chính vì trọng tình trọng nghĩa mà người Việt không hề có tư tưởng trả thù mà họ vẫn khoan dung, tha thứ cho nhau để giữ được cái tình, cái nghĩa, để tích phúc, tích đức cho con cháu về sau. Họ không hề có ý nghĩa trả thù những kẻ đã gây nên bao điều ác độc cho mình. Đây cũng chính là nét nhân hậu, khoan dung trong ứng xử xã hội của người Việt. Trên đây là một trong những nét ứng xử của người Việt có thể nhận thấy trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Những nét ứng xử trên xứng đáng được xem là nét đẹp của văn hóa dân tộc hòa chung với nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. 3.4. Ứng xử trong gia đình Gia đình là cái gốc của con người, nơi con người sinh ra và bắt đầu cuộc sống. Trong suốt cuộc đời gia đình là điểm tựa, là cội nguồn tình cảm, là yếu tố vô cùng cần thiết cho cuộc sống cá nhân và xã hội. Gia đình là một phạm trù mang tính lịch sử. Cho đến nay có khá nhiều khái niệm khác nhau về gia đình tùy theo góc độ nghiên cứu của mỗi ngành khoa học. Gia đình trong buổi bình minh của loài người “quan hệ gia đình là duy nhất”, Liên Hiệp Quốc đã khẳng định [70]. Quan hệ này cho thấy gia đình thuở ban đầu chiếm vị trí độc tôn trong tác nhân xã hội hóa. Ngoài gia đình, lúc ấy nhân loại chưa biết đến một tổ chức xã hội nào khác. Khi điều kiện kinh tế ngày càng phát triển dân số càng tăng thì quan hệ về gia đình có nhiều thay đổi. Gia đình từ chỗ “quan hệ duy nhất” trở thành quan hệ phụ thuộc với tư cách là một bộ phận trong tổng thể. Liên Hiệp Quốc cũng đã khẳng định “Gia đình là một thể chế có tính toàn cầu”[70]. Tuy nhiên thể chế này lại mang hình thức và chức năng không giống nhau ở mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, quan niệm gia đình lại mang đặc trưng riêng của mỗi nước. Ở Việt Nam, gia đình là người có cùng quan hệ huyết thống gắn bó mật thiết với nhau. Mối quan hệ này gắn bó chặt chẽ với nhau trong tổ chức cộng đồng huyết thống và đời sống tinh thần cho nên gia đình gắn kết với gia tộc. Loại hình gia đình có thể gồm ông bà, cha mẹ và con cái cùng chung sống (gia đình nhiều thế hệ). Quan niệm về gia đình không chỉ đóng khung trong quan hệ về huyết thống mà gia đình là một phạm trù rộng lớn trên cơ sở những người cùng có tinh thần dân tộc, tình yêu thương. Như vậy, gia đình là một nhóm xã hội nhỏ, một tổ chức xã hội và một thiết chế xã hội đặc thù. Các thành viên trong gia đình ràng buộc nhau bởi quan hệ huyết thống, quan hệ pháp luật, bởi tính cộng đồng và quan hệ đạo đức. Có thể nói gia đình là một xã hội thu nhỏ với tất cả các quan hệ xã hội ràng buộc với nhau. Vì vậy, người viết chỉ đi vào tìm hiểu cách ứng xử của các thành viên trong gia đình đó là quan hệ ứng xử đối với cha mẹ, với anh em, với vợ, với con cái. Đối với cha mẹ, Nguyễn Du là một người con, ông rất hiểu nghĩa vụ của mình và đó là những nguồn gốc ông sinh ra. Nhắc đến ứng xử tình nghĩa trong gia đình là phải nhắc đến hầu hết tác phẩm văn học Việt Nam, thơ ca cũng như văn xuôi chứ không riêng gì thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Nhưng tình nghĩa trong thơ chữ Hán có lẽ làm cho bạn đọc phải thấm thía bởi sự quan tâm, sự kính yêu, nhớ thương của từng thành viên trong gia đình. Văn hóa ứng xử truyền thống trong thơ chữ Hán, phù hợp với truyền thống của người Việt, coi trọng tình nghĩa là trên hết. Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ta thấy nhà thơ hay buồn, hay khóc, những giọt nước mắt ông nhớ về người thân, nhớ về gia đình cũng thật cảm động. Tiêu điều lữ muộn đối thời ca. (Tạp ngâm) (Nghe khúc ca đương thời khiến cho nỗi buồn lữ khách càng thêm tiêu điều) Đoàn thành thành hạ nhất triêm cân. (Xuân tiêu lữ thứ) (Dưới Đoàn thành, nước mắt thấm khăn) Nguyễn Du là người rất giàu tình cảm, là một tâm hồn nhạy bén trước những âm thanh, màu sắc của cuộc đời và rất hay xúc động. Dọc đường đi sứ, nhà thơ lúc nào cũng nghĩ về quê hương và những người thân, lòng như thắt lại. Biệt hậu quan sơn tư đệ muội, Vọng trung nham tụ kiến nhi tôn. Nhật tà mạc hướng Hoa Sơn quá, Phạ hữu thanh thanh trường đoạn vôn (viên). (Minh giang chu phát) (Sau khi chia tay trên bước đường quan san nhớ đến em trai em gái, Nhìn giữa đá núi, tưởng như trông thấy đàn con cháu. Mặt trời đã xế chớ có vượt qua Hoa Sơn, Sợ nghe tiếng vượn kêu buồn đứt ruột.) Đặc biệt, tình cảm của Nguyễn Du dành cho người cha thân yêu được ông gợi lại trong bài Giang Đình hữu cảm về hình ảnh lẫy lừng của phụ thân được tiếp rước trọng thể ở bến Giang Đình. Phiêu phiêu bồ tứ thử giang mi Tiên chu kích thủy thần long đấu Bảo cái phù không thụy lạc phi (Giang Đình hữu cảm) (Ở bến sông này phơi phới xe bồ ngựa tứ Thuyền tiên cuộn nước như rồng thần đấu nhau Chiếc lộng quý phấp phới trên không như chim hạc lành bay.) Đứng trước bến Giang Đình những hình ảnh đó, Nguyễn Du nhớ lại người cha đã từng đi xe, đi thuyền, đi ngựa cùng với chiếc lộng quý phấp phới tưng bừng tại bến sông này. Lòng hiếu thảo của Nguyễn Du thể hiện bằng lòng thương nhớ về cha mẹ. Đó là bài học về cách sống, về đạo lý làm người của ông đối với các bậc sinh thành. Nếu như đối với cha mẹ Nguyễn Du là người con có hiếu thì đối với anh em, ông là người quan tâm, lo lắng. Từ xa xưa, trong các câu ca dao, tục ngữ của người bình dân mối quan hệ anh em, chị em trong gia đình đã được đề cập đến Chị ngã em nâng, Anh em như chân với tay, Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau… Mối quan hệ giữa anh em, chị em trong gia đình người Việt vẫn không đi ra ngoài quỹ đạo của ứng xử theo triết lý nghĩa tình. Đó là tình cảm yêu thương thắm thiết giữa anh em… Đối với anh em, Nguyễn Du dành tình cảm chân thành thể hiện rất rõ trong thơ chữ Hán. Cuộc sống của Nguyễn Du phiêu bạt nay đây mai đó. Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán. (Quỳnh Hải nguyên tiêu) (Chốn non Hồng không còn nhà, anh em tan tác) Không nhà cửa, không người thân, anh em xiêu lạc mỗi người một ngã ông cảm thấy buồn vì đã lâu lắm rồi ông không có tin tức gì về Tiên Điền. Không biết từ ngày Tây Sơn lên cầm quyền có gì thay đổi? Nguyễn Du chưa bao giờ sống lâu ở Tiên Điền nhưng hình ảnh nơi quê cha đất tổ cứ gợi dậy trong lòng ông những khoắc khoải. Điều đặc biệt trong thơ ông thường hay nhắc về họ, lúc nào cũng lo lắng, quan tâm. Không biết mọi người bây giờ ra sao? Đang làm gì? “Trong số các anh em của mình, Nguyễn Du nghe nói, sau một thời gian về quê mẹ, Nguyễn Đề được nhà Tây Sơn gọi ra làm quan trở lại. Ông được cử làm Hàn lâm viện thị thư, rồi được cử làm phó sứ trong phái bộ của Phan Huy Ích sang dự lễ bát tuần đại khánh của vua Thanh. Nguyễn Ức thì vẫn ở Thuận Thành”[57, tr 80]. Số anh em trong quê hoàn toàn không tin tức. Cố hương đệ muội âm hao tuyệt, Bất kiến bình an nhất chỉ thư. (Sơn cư mạn hứng) (Em trai em gái nơi quê nhà bặt hẳn tin tức, Chẳng thấy một bức thư báo bình an.) Em trai em gái ở quê nhà lâu nay không có một tin tức gì, cũng không có một lá thư nào cho biết có bình an hay không? Nguyễn Du thường sống xa nhà cách Trường An nghìn dặm, cuộc sống xa quê hương xa người thân, không ai thân thích. Ban ngày yên tĩnh mây núi che kín cổng tre, nỗi lòng nhớ quê khi tiếng nhạn đầu mùa khơi thêm tiếng lòng biệt ly từ bao năm nay. Nguyễn Du có người anh Nguyễn Đề lúc này đã làm quan với Tây Sơn. Ở nơi đó, đường đi khó khăn núi non lởm chởm muốn qua phải vượt đèo Hải Vân, khí trời đầy khí độc, tiết trời tháng hai lạnh lẽo, xa quê hương chắc anh nhớ nhà da diết? Lục Tháp thành nam hệ nhất quan, Hải Vân dạ độ thạch toàn ngoan. Cùng xu lam chướng tam niên thú, Cố quốc yên hoa nhị nguyệt hàn. Nhất biệt bất tri hà xứ trú? (Ức gia huynh) (Một chức quan buộc anh ở phía nam thành Lục Tháp, Ban đêm vượt qua đèo Hải Vân đá lởm chởm. Nơi cùng tịch đầy lam chướng anh đồn thú ba năm, Chốn cố quốc tôi nhìn hoa khói của tiết tháng hai lạnh lẽo. Một lần từ biệt nay không biết ở nơi nào.) Biển trời mênh mông, đường xa vạn dặm, anh em gặp chỉ có trong giấc mộng cũng rất khó khăn. Hải thiên mang diểu thiên dư lý, Thần phách tương cầu mộng diệc nan. (Ức gia huynh) (Trời biển mênh mang đường xa nghìn dặm, Hồn phách tìm nhau trong mộng cũng khó.) Nhớ anh có lần Nguyễn Du lên kinh đô thăm anh, hai anh em gặp nhau vui mừng khôn xiết, Nguyễn Đề mỗi lần nhớ em, lại thương em lưu lạc không biết em giờ đang ở nơi nào, tình thương ấy Nguyễn Đề thể hiện qua thơ. Tố Như hà xứ trú, Linh lạc tối kham ai. Tự hữu lăng vân chí, Hoàn vô thế thiệp tài… (Tố Như ở nơi nào? Lưu lạc thật đáng thương. Người vốn có chí cưỡi mây, nhưng lại không có tài giao thiệp với đời… Hoài Tố như đệ). Với anh em, Nguyễn Du thể hiện tình thương mến chân thành. Tình cảm đó đáng được trân trọng, đáng được đề cao. Như vậy, ứng xử của Nguyễn Du đều dựa nguyên tắc anh em phải biết yêu thương, lo lắng, quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Đây cũng là bài học ứng xử mà Nguyễn Du muốn gởi đến người đọc. Nguyễn Du cũng dành một phần thơ chữ Hán và tình thương đối với vợ. Vợ ông để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Do đó tình cảm của ông đối với vợ cũng là tình cảm sâu đậm nhất, sắc son nhất. Từ xưa đến nay người Việt Nam cho rằng chữ thủy chung là yếu tố hàng đầu trong tình nghĩa vợ chồng. Ca dao dân gian có rất nhiều câu, ca ngợi tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắt. -Thương nhau bất luận giàu nghèo, Dù cho lên ải, xuống đèo cũng cam. -Ở cho chung thủy vẹn toàn, Lên non lên dõi, xuống thuyền xuống theo. -Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. Nổi bật nhất trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du là tình nghĩa vợ chồng minh chứng rất rõ ràng cho văn hóa ứng xử tình nghĩa của người Việt. Từ vai trò làm nền tảng gốc rễ cho thế ứng xử nói chung của người Việt, tình nghĩa đã đơm bông tươi thắm, tỏa ngát hương thơm và vẻ đẹp giản dị nhưng hết sức tinh khiết của mình trong tình cảm vợ chồng. Điển hình cho tấm lòng của Nguyễn Du đối với người vợ thể hiện trong thơ chữ Hán của ông. Đối với vợ, Nguyễn Du dành nhiều tình thương vì vợ ông để lại cho ông nhiều ấn tượng sâu sắc. Do đó tình cảm của ông đối với vợ cũng là tình cảm sâu đậm nhất. Mỗi lần nói tới vợ, ông đều nói với một giọng nói rất trìu mến, chân thành điều đó được thể hiện trong bài Kí mộng. Lâu năm xa cách vợ, khiến ông nhớ thương về người vợ hiền chắc chắn đang “chờ đợi héo hon. Ông đã hình dung ra điều ấy. Gặp lại vợ trong giấc mơ, bao nhiêu nỗi niềm trong tưởng tượng được dịp tuôn chảy dạt dào”[106, tr 101]. Dẫu chỉ gặp vợ trong mơ nhưng lời thơ đầy hình ảnh và cảm xúc chân thành. Mộng trung phân minh kiến, Tầm ngã giang chi mi. Nhan sắc thị trù tích, Y sức đa sâm mi, Thỉ ngôn khổ bệnh hoạn, Kế ngôn cửu biệt ly. (Ký mộng) (Trong mộng thấy rõ ràng, Tìm ta ở bến sông. Nhan sắc vẫn như xưa. Áo quần thì lếch thếch, Thoạt đầu nói khổ vì bệnh hoạn, Kế đó nói xa nhau lâu) Vì nhớ chồng, người vợ bất chấp tất cả những khó khăn: Điệp Sơn đa hổ trĩ, Lam thủy đa giao ly. Đạo lộ hiểm thả ác, Nhược chất tương hà y ? (Ký mộng) (Núi Tam Điệp nhiều hổ báo Sông Lam nhiều thuồng luồng Đường đi hiểm và dữ, Thân yếu đuối dựa vào đâu? ) Lần đầu tiên người vợ đến núi Tam Điệp một thân một mình đường xa cách trở, không biết đường xá mà núi Tam Điệp nhiều hổ báo, sông Lam lắm thuồng luồng đường đi hiểm trở. Huống chi thân đàn bà, con gái biết nhờ cậy ai?. Nguyễn Du vẽ ra bao nhiêu chuyện đi tìm chồng cực kỳ khó khăn nhưng vì nhớ nhau người vợ đành phải liều. Tình cảm ấy thật đẹp! Người vợ Nguyễn Du vượt qua tất cả chỉ để nói lên tiếng nói tình yêu. Và người chồng càng tuyệt vời hơn tưởng tượng ra tất cả những điều ấy trong giấc mộng. Nhớ thương vợ, Nguyễn Du càng không thể quên được tình nghĩa thủy chung. Đó là lý do mà ông thường nói đến sự chung thủy. Phải yêu thương vợ biết bao thì Nguyễn Du mới có những dòng chân thành, xúc động đến như vậy! Đối với vợ, Nguyễn Du là một người chồng thủy chung, nhân hậu. Vợ chồng sống với nhau phải nặng tình trọng nghĩa. Ông luôn coi vợ là điểm tựa tinh thần cho mình (điều mà ít Nhà nho cùng thời với ông có được). Đây cũng là tấm lòng đáng trân trọng như những lời tri ân, tri kỷ đối với vợ. Đó là ứng xử văn hóa của Nguyễn Du gởi đến cho chúng ta. Đối với con, Nguyễn Du là một người cha rất mực thương con và luôn nghĩ đến trách nhiệm. Do đó tình cảm của ông đối với con cũng là tình cảm nhân ái, độ lượng. Có thể thấy rằng cái cốt lõi của mối quan hệ trong gia đình, với họ hàng, hàng xóm láng giềng... của người Việt đều xây dựng trên nền tảng lấy tình yêu thương làm cơ sở cho cách xử thế. Chúng ta vẫn nói tình cha con, tình mẹ con, tình vợ chồng, tình anh em, tình bà con thân thuộc, tình làng xóm láng giềng... Tất cả đều bắt đầu bằng chữ tình. Từ tình đưa đến nghĩa, tình trước nghĩa sau, tình sâu mà nghĩa thì nặng. Tình luôn luôn gắn với nghĩa cho nên gộp lại mà gọi là tình nghĩa. Trong mối quan hệ cha mẹ đối với con cái của người Việt thì thương yêu là một tình cảm tự nhiên. Đó là một thứ tình cảm yêu thương đầm ấm. Người cha, người mẹ với hình ảnh hiền từ, độ lượng, rất mực thương con. Điều này được thấy rất rõ trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Thơ chữ Hán, ta thấy Nguyễn Du không những có khẩu khí của một ông quan, có những chuyện “tu, tề, trị, bình”… mà còn thấy trong đó những nỗi niềm, những day dứt lo âu về no, đói, về nhân tình thế thái, về những sự được mất của cuộc đời… Ngoài ra ông còn quan tâm đến cuộc sống của gia đình với những đứa con thơ. Con người vất vả quanh năm không biết xuân là gì. Nguyễn Du ý thức, lo lắng về cái nghèo. Cái nghèo của chính thân mình, ông nói một cách cay đắng: Văn tự hà tằng vi ngã dụng ? Cơ hàn bất giác thụ nhân liên. (Khuất thực) (Văn chương chữ nghĩa nào đã từng ích gì cho ta ? Không dè đói rét phải nhận lòng thương hại của người.) Văn chương quang diệm thành hà dụng Nam nữ thân ngâm bất khả văn. (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ II ) (Văn chương ngời sáng dùng được việc gì ? Trai gái rên khóc chẳng đành lòng nghe.) Văn chương chữ nghĩa cũng trở thành vô ích trước cái đói, cái nghèo. Khi những đứa con thơ của mình miệng rên rỉ kêu đói, kêu rét. Con người trong thơ đã quặn lòng khi bất lực nhìn cảnh đói rét của các con mình. Ông đã xót xa viết: Thập khẩu đề cơ Hoành lĩnh bắc, Nhất thân ngọa bệnh đế thành đông (Ngẫu đề ) (Mười miệng kêu đói ở cửa bắc Hoành Sơn, Một thân nằm bệnh ở phía đông Hoàng thành) Và ở một bài khác: Cố hương cang hạn cửu phương nông Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng (Ngẫu hứng IV ) (Quê hương nắng hạn lâu làm hại việc nông Mười miệng trẻ đói mặt cùng xanh như rau) Tình cảnh của Nguyễn Du thật không khác tình cảnh của Đỗ Phủ đời Đường. Cùng chung cảnh nghèo. Đỗ Phủ thì “trai rên gái khóc” trong tuyết giá, phải vác mai đi đào củ mài cho đỡ đói. Còn Nguyễn Du “mười miệng kêu đói ở cửa bắc Hoành Sơn” “mười mặt con thơ như lá úa”. Thật là đau xót. Trong văn hóa ứng xử của Nguyễn Du, tình sâu nghĩa nặng, trọn tình vẹn nghĩa đã trở thành một trong những phẩm giá nhân văn cao quý nhất. Tình và nghĩa làm thành một hệ thống hai đầu mối, thường xuyên đi với nhau, quan hệ mật thiết với nhau. Đó là sự kết hợp hài hòa tình cảm thương yêu với tinh thần trách nhiệm. Sự bền vững của gia đình được duy trì bằng sự hài hòa tình nghĩa. Cái tình làm cho lễ giáo phong kiến gia đình luôn hướng vào sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các thành viên. Tình nghĩa lại càng được trân trọng qua sự hiếu thảo hết mực của con cái với cha mẹ, qua tấm lòng thương yêu của cha mẹ dành cho con, qua sự yêu thương đùm bọc, kính trên nhường dưới của anh em, qua tình yêu chân thành và sự thủy chung son sắc của vợ chồng, qua sự yêu thương của người cha hiền từ, nhân ái, độ lượng đối với con… Nguyễn Du sống và cư xử đều thống nhất theo triết lý tình nghĩa. Trong tâm thức của Nguyễn Du, ý thức làm người vô cùng quan trọng nỗi lo lớn nhất là không thành người, không nên người. Chính vì thế trong cuộc sống, Nguyễn Du luôn phải sống sao cho có đạo đức, có nhân cách, có nghĩa, có hiếu, có tình, phải biết tha thứ khoan dung... Đó là quan niệm ứng xử của Nguyễn Du trong cuộc sống. Ứng xử trên bình diện đối với bản thân, với tự nhiên, với xã hội, với gia đình trong thơ chữ Hán Nguyễn Du có ý nghĩa sâu sắc về việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nguyễn Du chính là tấm gương sáng trong việc bảo vệ giữ gìn đạo đức, phong tục của nước Việt. C. KẾT LUẬN Trong bối cảnh của một thế giới mở cửa và đầy biến động như hiện tại, văn hóa là một lĩnh vực luôn được hầu hết, quốc gia, dân tộc trên thế giới dành cho sự quan tâm đặc biệt, tầm quan trọng của văn hóa được nâng lên hàng đầu. Bởi văn hóa là thuộc tính cơ bản của con người và xã hội loại người. Văn hóa là một hình thái ý thức xã hội, biểu hiện các năng lực bản chất của con người trong xã hội ấy. Cũng như bất kỳ lĩnh vực văn hóa nào, văn hóa ứng xử hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Tiếp cận văn hóa ứng xử truyền thống là tìm về cội nguồn của mỗi lĩnh vực, văn hóa từ đó chọn lọc, kế thừa để xây dựng lối ứng xử hiện đại, phù hợp với nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc của dân tộc. Văn hóa ứng xử của người Việt có sự giao lưu và tiếp biến với văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa. Du nhập vào Việt Nam từ đầu công nguyên chỉ qua một thời gian ngắn Phật giáo đã thâm nhập vào đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Trong suốt một ngàn năm Bắc thuộc thái độ của người dân tiếp nhận Phật giáo với tinh thần bao dung luôn rộng mở, Phật giáo làm nền linh hồn của thời đại Lý – Trần. Thời kỳ Lý – Trần đã chứng minh cho sự hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo du nhập vào Việt Nam trong sự phát triển đồng hành, tác động qua lại cùng với Nho giáo và Đạo giáo, tất cả tạo thành quan niệm Tam giáo đồng nguyên (ba tôn giáo cùng phát nguyên từ một gốc) và Tam giáo đồng quy (ba tôn giáo cùng quy về một đích). Văn hóa ứng xử truyền thống Việt Nam có nguồn gốc từ lao động là một nước có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nền nông nghiệp truyền thống là trồng lúa nước, nên cộng đồng người Việt có mối liên hệ chặt chẽ tạo nên văn hóa ứng xử truyền thống tốt đẹp của người Việt. Văn hóa ứng xử với những giá trị tiêu biểu và bao quát là khoan dung nên có khả năng hấp thụ các giá trị phù hợp, tích cực, có lợi cho sự tồn tại và phát triển của con người Việt Nam. Văn hóa ứng xử Việt Nam mang đậm nét nhân ái “Thương người như thể thương thân” không phân biệt chủng tộc dân tộc, sự khái biệt thân phận cá nhân... người với người là đồng chủng loại, cho nên dù là khác giới, khác nòi thì người Việt Nam vẫn khuyên nhau “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Văn hóa ứng xử coi trọng giá trị cuộc sống đặc biệt là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, người Việt Nam không bao giờ quên ơn cha mẹ, tổ tiên, người có công với dân tộc, với đất nước. Đồng thời văn hóa ứng xử của Việt Nam còn coi trọng sự hiếu hòa trong gia đình. Văn hóa ứng xử Việt Nam đồng thời là kết quả của sự giao lưu, tiếp biến những tinh hoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới tạo nên những giá trị văn hóa có những đặc trưng chung của văn hóa ứng xử Việt Nam đó là “lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý… sự tinh tế trong ứng xử…”[27, tr 56] đây chính là “những giá trị trường tồn của dân tộc, những nét chủ yếu, những nét nổi bật nhất”[27, tr 23]. Qua việc tìm hiểu thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng tôi nhận thấy văn hóa của Nguyễn Du thể hiện theo bốn mối quan hệ chính: ứng xử của bản thân, ứng xử với môi trường tự nhiên, ứng xử với môi trường xã hội và ứng xử với gia đình. Tìm hiểu thơ chữ Hán, ta thấy cách ứng xử của bản thân Nguyễn Du là “khởi động những suy cảm cá nhân”[75, tr 11] tức là những con người biết hành động, suy nghĩ... cho chính bản thân mình trước hết là ý thức giá trị của bản thân, đề cao phẩm giá cá nhân mình. Khi con người có ý thức về mình thì ý thức ấy lớn hơn và luôn suy nghĩ về mình sống cần phải cống hiến và nghĩ về thời cuộc.. Theo triết lý Nho gia đó là gốc của phép xử thế. Văn hóa ứng xử được bắt nguồn từ bản thân con người có nhận thức. Con người có nhận thức, có hiểu biết sâu rộng thì khả năng tồn tại càng lớn và cách ứng xử của nó có tính nhân văn cao. Chính bản thân Nguyễn Du có ý thức đã tạo nên phong cách văn hóa ứng xử mẫu mực được thể hiện trong thơ chữ Hán của ông. Nguyễn Du đã dành cho thiên nhiên một vị trí đặt biệt, ông không chỉ nhìn thiên nhiên như nó vốn có, không chỉ dùng thiên nhiên để bày tỏ tình cảm mà ông luôn nhắc nhở bản thân mình lúc nào cũng phải nhớ về quê hương. Quê hương, ông có cái nhìn trìu mến đặc biệt như một ánh trăng, một đám mây trôi, một làn gió, hươu nai... tất cả đều rất thân thiện và gần gũi với con người. Có khi một tiếng trống, tiếng sáo... cũng làm cho thi sĩ chợt nhớ quê hương. Thiên nhiên trong thơ ông như người bạn luôn luôn thấu hiểu, chia sẻ trong mọi giai đoạn và cuộc đời để thi sĩ bộc lộ tâm trạng, thân phận và thế ứng xử của mình. Đó chính là nét đẹp trong ứng xử văn hóa với thiên nhiên của Nguyễn Du. Nhưng cũng có khi thiên nhiên hiện ra như một lực lượng huyền bí, siêu phàm điều kiển cuộc sống của con người, trước sự hung bạo của thiên nhiên có thể dìm chết con người. Con người với số phận mong manh như con ong, cái kiến, như cọng rơm nhánh cỏ... Ranh giới của con người khi đứng trước sự sống và cái chết thì không ai không quan tâm, đặc biệt là bản sắc của cả đồng đồng dân tộc không vì thế mà biến đổi. Nguyễn Du cũng bộc lộ những tính chất chung là nhân ái, thương người... Dù đi bất cứ nơi đâu, ông cũng cúng bái trân trọng, kính cẩn nghiêng mình trước trời Phật, Thánh thần... là lực lượng có quyền pháp và có lòng nhân từ độ lượng có thể hóa giải mọi kiếp nạn. Và như vậy, thiên nhiên không còn là một lực lượng thần bí, siêu phàm để điều kiển cuộc sống của con người mà hầu hết để hội nhập, liên hệ làm bật lên thế ứng xử của con người. Tình nghĩa là truyền thống ứng xử của Nguyễn Du kết tinh thành một giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc – văn hóa tình nghĩa. Đây là sự kết hợp hài hòa tình cảm thương yêu và tinh thần trách nhiệm của truyền thống gia đình. Trong quan hệ hàng xóm láng giềng Nguyễn Du luôn giữ cách ứng xử tốt đẹp như tình ruột thịt. Trong quan hệ xã hội, tình nghĩa chính là cách sống trong sạch, làm điều phải, điều nhân, giúp đỡ lẫn nhau. Đạo lý của Nguyễn Du hết sức coi trọng con người, tất cả đều được nhìn nhận từ giá trị của con người đề cao con người và cuộc sống nên khả năng đồng cảm trước nỗi đau nhân tình thế thái. Chính vì trọng tình trọng nghĩa mà Nguyễn Du có thái độ rõ ràng căm ghét cái xấu xa luôn hướng về điều thiện điều nhân, không hề có thái độ trả thù mà vẫn khoan dung, tha thứ cho nhau vì ông quan niệm làm điều tốt để tích phúc, tích đức cho con cháu sau này. Đây cũng chính là nét nhân hậu, khoan dung trong ứng xử xã hội của con người ông. Trong văn hóa ứng xử của dân tộc ta, tình nghĩa đã trở thành một trong những phẩm giá nhân văn cao quý nhất. Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh. Gia đình được duy trì bằng sự hài hòa tình nghĩa đó là luôn hướng vào sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Tình nghĩa lại càng được tôn kính và yêu thương qua sự hiếu thảo hết mực của con cái với ông bà, cha mẹ, qua tấm lòng thương yêu của cha mẹ dành cho con, qua sự yêu thương đùm bọc, kính trên nhường dưới của anh em, qua tình yêu chân thành và sự thủy chung son sắc của vợ chồng... đạo lý tốt đẹp của mỗi thành viên trong gia đình cần phải biết sống vì nhau, loại bỏ những mẫu thuẫn không đáng có trong mối quan hệ cha con, vợ chồng, anh em, dòng tộc… xây dựng gia đình trên dưới thuận hòa, giàu lòng nhân ái, yêu thương. Đó là quan niệm ứng xử của Nguyễn Du trong cuộc sống gia đình. Ứng xử trên bình diện bản thân, với tự nhiên, với xã hội, với gia đình trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du là một trong những nét ứng xử của người Việt. Những nét ứng xử trên xứng đáng được xem là nét đẹp của văn hóa dân tộc hòa chung với nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là việc con người phát triển toàn diện về thể lực, trí tuệ, tình cảm, có đạo đức và tài năng. Vì vậy phát huy giá trị tư tưởng lớn trong văn hóa ứng xử trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du vào việc giáo dục các công dân hiện nay, đặc biệt là thế hệ trẻ là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Những giải pháp mà luận văn nêu ra là những giải pháp có tính khả thi góp phần khẳng định giá trị lớn lao của những giá trị này trong việc bồi dưỡng và xây dựng đạo đức, phẩm chất và nhân cách cho thế hệ công dân. Đây cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của các thế hệ công dân Việt Nam hiện nay nhằm kế tục và phát huy tư tưởng vĩ đại của Nguyễn Du vào xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển đất nước ta trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Nguyễn Du xứng đáng là một nhà văn hóa lớn của UNESCO đã từng tôn vinh. Văn hóa ứng xử trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du là một bài học lớn về nhân cách tài năng. Việc nghiên cứu và phổ biến rộng rãi văn hóa ứng xử trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du có ý nghĩa giáo dục to lớn, góp phần vào việc hình thành nhân cách cho thế hệ mai sau. D.TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đào Duy Anh (1951), Việt Nam Văn hóa sử cương, Nxb Bốn Phương. 2. Trần Thúy Anh (2000), Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt Châu Thổ Bắc Bộ qua một số ca dao tục ngữ, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội. 3. Lê Bảo (1996), Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường phổ thông Nguyễn Du, Nxb Giáo dục. 4. Nguyễn Chí Bền (2002), “Một thế kỷ nghiên cứu văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật Bộ Văn hóa Thông tin thực hiện. 5. Lê Thị Bừng (2000), Tâm lí học ứng xử, Nxb Giáo Dục Hà Nội. 6. Nguyễn Văn Cẩn (2007), Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo Dục. 7. Đỗ Hữu Châu (2000), “Tìm hiểu văn hóa qua ngôn ngữ”, Tạp chí ngôn ngữ số 10. 8. Dương Châu (1965), “Một vì sao chói lọi trên nền văn học Việt Nam Nguyễn Du”, Tạp chí Phổ Thông số 157. 9. Nguyễn Huệ Chi (1965), “Tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Tạp chí Văn học số 11. 10. Trương Chính (1997), Văn học Việt Nam trung đại, Tuyển tập Trương Chính (Tập 1), Nxb Văn bản Hà Nội. 11. Ngô Vĩnh Chính (chủ biên) (1994), Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc, nhóm Lương Duy Thứ dịch, Nxb Văn hóa Thông Tin. 12. Đoàn Văn Chúc (1997), Xã hội học Văn Hóa, Nxb Bộ Văn Hóa Thông Tin Hà Nội. 13. Nguyễn Viết Chức (2002), Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội. 14. Nguyễn Văn Dân (2006), Văn hóa và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 15. Đỗ Đức Dục (1982), “Văn thơ ký sự thời đại Nguyễn Du”, Tạp chí Tổ Quốc số 7. 16. Đỗ Đức Dục (1984), “Tuyên ngôn sáng tác của Nguyễn Du”, Tạp chí Văn học số 2. 17. Đỗ Đức Dục (1987), Từ Truyện Kiều đến thơ chữ Hán Nguyễn Du, Tạp chí Văn học tháng 6. 18. Đỗ Đức Dục (1989), Về chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du, Nxb Văn học. 19. Nguyễn Đăng Duy (2004), Văn hóa Việt Nam đỉnh cao Đại Việt, Nxb Hà Nội. 20. Phạm Vũ Dũng (1996), Văn hóa giao tiếp, Nxb Văn hóa Thông Tin Hà Nội. 21. Triệu Thùy Dương (2007), Văn hóa ứng xử người Việt Nam trong thơ Nôm, Luận văn do PGS. TS Lê Thu Yến hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 22. Chu Xuân Diên (2002), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. 23. Ngô Viết Dinh (chủ biên) (2000), Đến với thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh Niên. 24. E.B.Tylor (2002), Văn hóa nguyên thủy, Nxb Văn hóa Thông Tin. 25. Phạm Văn Đồng (1991), Hồ Chí Minh – quá khứ - hiện tại và tương lai, Nxb ST, Hà Nội. 26. Trịnh Bá Đĩnh (1998), Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo Dục. 27. Đảng Cộng Sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 28. Nguyễn Thạch Giang, Trương Chính (2001), “Nguyễn Du, cuộc đời và tác phẩm”, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội. 29. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội. 30. Lê Như Hoa (2002), “Văn hóa ứng xử các dân tộc Việt Nam”, Văn hóa nghệ thuật số 2 (212). 31. Nguyễn Văn Hoàn (1964), “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc”, Tạp chí Văn học số 4. 32. Vi Hoàng (2008), Nét đẹp phong tục các dân tộc thiểu số: trong văn hóa ứng xử, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc. 33. Kiều Thu Hoạch (1981), “Giai thoại đi sứ - âm vang của tiếng chuông văn hiến Đại Việt”, Tạp chí Văn học số 1. 34. Phạm Đình Hổ (1989) Bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến – Nguyễn Quảng Tuân khảo chính và chú giải, Vũ trung tùy bút, Nxb Trẻ, Hội nghiên cứu Giảng dạy văn học. 35. Đoàn Hương (2004), Văn luận, Nxb Văn học. 36. Trần Đình Hượu (1995), Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 37. Đỗ Văn Hỷ (1966), “Mấy ý kiến về bản dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du”, Tạp chí Văn học số 12. 38. Rô Den Jan (1986), Từ điển Triết học, Nxb sự thật, Hà Nội. 39. Nguyễn Xuân Kính (2003), Con Người, Môi trường, Văn hóa, NXb Khoa học Xã hội. 40. Lê Đình Kỵ (1970), Nguyễn Du qua thơ chữ Hán trích Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du, Nxb Khoa học Xã hội. 41. Lê Đình Kỵ (1990), “Nguyễn Du qua thơ chữ Hán”, Kiến thức Ngày nay số 28. 42. Lê Định Kỵ (1994), “Quan niệm về con người và nghệ thuật của Nguyễn Du”, Kiến thức Ngày nay số 153. 43. Vũ Ngọc Khánh, Ngô Đức Thịnh (1994), Tứ bất tử, Nxb Văn hóa dân tộc. 44. Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Giáo dục. 45. Vũ Ngọc Khánh (2008), Văn hóa gia đình Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin. 46. Nguyễn Hùng Khu (2006), Văn hóa ứng xử của người Giẻ Triêng, Nxb Văn hóa Dân tộc. 47. Lương Quỳnh Khuê (1995), Văn hóa thẩm mỹ và nhân cách, Nxb Chính Trị quốc gia. 48. Vũ Khiêu (chủ biên) (2000), Văn hóa Việt Nam – xã hội con người, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 49. KXT & NP (1960), “Khai phá tâm tình Nguyễn Du”, Giáo dục Phổ Thông Tân Niên số 55. 50. Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học. 51. Thanh Lãng (1971), “Nguyễn Du như một huyền thoại”, Tạp chí Văn học số 4,5,6,7. 52. Phong Lê (2005), Đời đọc Nguyễn Du và Nguyễn Du cho đời đọc…, Tạp chí Văn học số 11. 53. Nguyễn Văn Lê (2001), Văn hóa ứng xử trong giáo dục gia đình, Nxb Tp. Hồ chí Minh. 54. Đỗ Long (2008), Tâm lý học với văn hóa ứng xử, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa. 55. Lý Trường Lộ (1993), Toàn Đường thi tuyển thích, Bắc kinh xuất bản xã. 56. Nguyễn Lộc (1978), Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, tập 2, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Hội. 57. Nguyễn Lộc (1986), Nguyễn Du, Nxb Đà Nẵng. 58. Nguyễn Lộc (1996), Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb Huế. 59. Nguyễn Lộc (2004), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX , Nxb Giáo Dục. 60. Vũ Đình Liên (1971), “Nguyễn Du một tâm hồn lạc loài trong xã hội phong kiến (Tìm hiểu Nguyễn Du qua thơ chữ Hán”), Tạp chí Văn học số 2. 61. Mai Quốc Liên (1979), “Thơ đi sứ khúc ca của lòng yêu nước và ý chí chiến đấu”, Tạp chí Văn học số 3. 62. Mai Quốc Liên (chủ biên) (1996), Nguyễn Du toàn tập (Tập 1), Nxb Văn học Trung tâm nghiên cứu Quốc học. 63. Mai Quốc Liên (1998), Phê bình và tranh luận văn học, Nxb Văn học. 64. Mai Quốc Liên (chủ biên) (2005), Văn học Việt Nam thế kỷ XX ( Thơ ca chữ Hán Việt Nam đầu thế kỷ XX) (Quyển 4, Tập 1), Nxb Văn học. 65. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập – tập 1, tập 3, tập 4, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 66. Nguyễn Thị Nương (2007), “Sự vận động trong tư tưởng nghệ thuật Nguyễn Du qua bài thơ Tự Thuật”, Nghiên cứu văn học số 5. 67. Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb Văn hóa Thông Tin. 68. Phan Ngọc (1998), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội. 69. Phan Hữu Nghệ (1980), “Thực tiễn Trung Hoa và tư tưởng Nguyễn Du”, Tạp chí Văn học số 6. 70. Nhiều tác giả (1994), Sự phát triển cấu trúc gia đình, Liên Hiệp Quốc phát hành năm Quốc tế gia đình 1994. 71. Nhiều tác giả (1996), Kỷ niệm 200 năm sinh của Nguyễn Du (1765 - 1965), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 72. Huỳnh Như Phương (2006), Lê Đình Kỵ tuyển tập, Nxb Giáo Dục. 73. Lê Văn Quán (2007), Văn hóa ứng xử truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa Thông tin. 74. Vũ Tiến Quỳnh (1997), Phê bình bình luận văn học Nguyễn Du, Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh. 75. Nguyễn Hữu Sơn (1993), “Vấn đề con người cá nhân trong văn học cổ nhìn từ góc độ lý thuyết”, Tạp chí văn học tháng 3. 76. Nguyễn Hữu Sơn (2006), Thi hào Nguyễn Du từ thơ chữ Hán đến kiệt tác Truyện Kiều, Nxb Trẻ Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh. 77. Đặng Đức Siêu (2002), Hành trình văn hóa Việt Nam (giản yếu), Nxb Lao Động, HN. 78. Bùi Hữu Sủng (1965), “Theo gót Nguyễn Du trên đường đi sứ”, Bách khoa Thời đại số 16. 79. Nguyễn Đức Tồn (2002), Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác ), Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 80. Phạm Minh Thảo (2008), Hỏi đáp về văn hóa ứng xử của người Việt, Nxb Quân đội Nhân dân. 81. Nguyễn Bá Thành (2006), Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 82. Hồ Bá Thâm (2003), Bản sắc văn hóa dân tộc, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội. 83. Nguyễn Đăng Thục (1971), Thế giới thi ca Nguyễn Du, Nxb Kinh Thi. 84. Đỗ Lai Thúy, Hoàng Vinh, Huyền Trang…, “Tìm về bản sắc dân tộc của văn hóa” Tạp chí văn học nghệ thuật, số 2. 2009. 85. Trần Ngọc Thêm (1997), Giáo trình cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục. 86. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục. 87. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục. 88. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn hóa Tiếng Việt, Nxb Tổng hợp TP. HCM. 89. Trần Nho Thìn (2007), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo Dục. 90. Ngô Đức Thịnh (2005), “Một cách tiếp cận về lịch sử văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Văn học Dân gian, số 2. 91. Bùi Thiết (2000), Cảm nhận về văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin. 92. Lê Ngọc Trà (2003), Văn hóa Việt Nam đặc trưng và cách tiếp cận, Nxb Giáo Dục. 93. Lê Quang Trang – Nguyễn Trọng Hoàn (2001), Những vấn đề văn hóa Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo Dục. 94. Trần Quốc Vượng (1981), Góp phần dựng lại nền văn minh Việt cổ - những vấn đề khoa học lịch sử ngày nay – Thông báo khoa học của ngành Sử của các Trường Đại học, Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp. 95. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1996), Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb KHXH Hà Nội. 96. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1996), Văn hóa - Khái niệm và thực tiễn, Nxb KHXH Hà Nội. 97. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (1996), Văn hóa mới Việt Nam - Sự thống nhất và đa dạng, Nxb KHXH Hà Nội. 98. Trần Quốc Vượng (chủ biên) (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục. 99. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội. 100. Trần Quốc Vượng (2005), Môi trường, con người và văn hóa, Nxb Văn hóa Thông Tin. 101. Hoàng Vinh (chủ biên) (1996), Một số vấn đề lý luận văn hóa thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 102. Hồ Sĩ Vịnh (1998), Văn hóa văn học một hướng tiếp cận, Nxb Văn học Văn hóa. 103. Lê Trí Viễn (chủ biên) (1978), Lịch sử văn học Việt Nam, (tập III), Sách Đại học Sư Phạm, Nxb Giáo Dục. 104. Lê Trí Viễn (2006), Một đời dạy văn viết văn (tập 2, 5), Nxb Giáo Dục. 105. Nguyễn Vỹ (1965), “Nguyễn Du đã sống hai trăm năm 1967 – 1965”, Tạp chí Phổ Thông số 157. 106. Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh Niên TP. Hồ Chí Minh.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLVVHVHVN061.pdf