Nghiên cứu của Arima và cộng sự (2015)
cho thấy ở bệnh nhân mang alen CYP2C19 quy
định enzym mất hoạt tính có hoạt động tiểu cầu
và tỉ lệ các biến cố tim mạch cao hơn so với
những người không mang alen này (p<0,05)
[20]. Koichi Kaikita và cộng sự (2014) nghiên
cứu trên 104 bệnh nhân được can thiệp động
mạch vành qua da cũng cho thấy những người
mang alen CYP2C19 quy định enzym giảm hoạt
tính có chỉ số phản ứng tiểu cầu và NTTC cao
hơn so với những người không mang alen này
(p<0,05) [21]. Nghiên cứu tương tự của Yang J
và cộng sự (2013) cũng chỉ ra rằng ở những
người mang 1 alen đột biến (*1/*2, *1/*3) và 2
alen đột biến (*2/*3, *2/*2, *3/*3) có độ NTTC
tối đa với ADP cao hơn so với những người
mang kiểu dại (*1/*1) với p lần lượt là 0,002 và
0,0039 [22]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Zabalza
và các cộng sự (2012) lại thấy rằng những cá
thể mang alen quy định enzym mất hoạt tính
không làm tăng các nguy cơ tim mạch, ngoại
trừ các biến cố trong huyết khối đặt stent [23].
Ngoài việc đánh giá tác động của yếu tố di
truyền lên độ NTTC, chúng tôi cũng tiến hành
đánh giá các yếu tố phi di truyền bao gồm các
yếu tố nguy cơ và một số chỉ số cận lâm sàng
lên độ NTTC. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy
có mối liên quan rõ ràng giữa các yếu tố phi di
truyền với độ NTTC (p>0,05).
8 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 08/02/2022 | Lượt xem: 72 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mối liên quan giữa độ ngưng tập tiểu cầu với kiểu gen CYP2C19*2, CYP2C19*3 và một số yếu tố khác trên 54 bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định tại viện Tim mạch Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Y Dược, Tập 34, Số 1 (2018) 74-81
74
Mối liên quan giữa độ ngưng tập tiểu cầu với kiểu gen
CYP2C19*2, CYP2C19*3 và một số yếu tố khác
trên 54 bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định
tại Viện Tim mạch Việt Nam
Vũ Thị Thơm1,*, Vũ Phương Thảo1, Vũ Ngọc Trung2, Nguyễn Thị Thúy Mậu1
1Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
2Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội, số 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam
Nhận ngày 02 tháng 4 năm 2018
Chỉnh sửa ngày 01 tháng 5 năm 2018; Chấp nhận đăng ngày 12 tháng 6 năm 2018
Tóm tắt: Đa hình di truyền (ĐHDT) gen CYP2C19 liên quan đến chuyển hóa thuốc clopidogrel
thông qua đo độ ngưng tập tiểu cầu (NTTC) ở bệnh nhân đau thắt ngực không ổn định. Nghiên
cứu nhằm xác định tần số phân bố đa hình gen CYP2C19 và ảnh hưởng của chúng cùng một số
yếu tố khác lên độ NTTC. Nghiên cứu tiến hành trên 54 bệnh nhân theo phương pháp mô tả cắt
ngang. Kết quả tần số kiểu gen CYP2C19*1/*1, *1/*2, *1/*3, *2/*2 và *2/*3 lần lượt là 44,4%,
33,3%, 7,4%, 11,1% và 3,8%. Tỷ lệ tác dụng gen chuyển hóa thuốc bình thường, giảm và kém
lần lượt là 44,4%, 40,7% và 14,9%. ĐHDT gen CYP2C19 có ảnh hưởng lên độ NTTC. Với alen
CYP2C19*2, độ NTTC của kiểu gen GA cao hơn kiểu gen GG (p=0,016). Độ NTTC có sự khác
biệt giữa nhóm tác dụng chuyển hóa bình thường và (giảm+kém) (p=0,027). Trong nghiên cứu
này, tần số alen CYP2C19*2 khá cao trong khi tần số alen CYP2C19*3 tương đối thấp. Hơn nữa,
alen *2 có tác động rõ rệt đến độ NTTC. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa thấy sự ảnh hưởng của yếu
tố phi di truyền lên độ NTTC.
Từ khóa: Đa hình di truyền CYP2C19, đau thắt ngực không ổn định, clopidogrel, độ ngưng
tập tiểu cầu.
1. Đặt vấn đề
Đau thắt ngực không ổn định (ĐTNKÔĐ)
có cơ chế bệnh sinh hết sức phức tạp, trong đó
nguyên nhân chính là do sự nứt vỡ của các
mảng xơ vữa gây ra huyết khối làm tắc mạch
_______
Tác giả liên hệ. ĐT.: 84-1677968818.
Email: thomtbk5@gmail.com
https://doi.org/10.25073/2588-1132/vnumps.4108
máu dẫn đến các biến cố tim mạch [1]. Do đó, tỉ
lệ người mắc bệnh và tử vong ngày càng gia
tăng, trở thành gánh nặng thực sự cho ngành y
tế. Vì vậy, để giảm các biến cố tim mạch cho
bệnh nhân ĐTNKÔĐ thì một trong những điều
trị cốt lõi là chống hình thành huyết khối thông
qua ức chế hoạt động tiểu cầu [2]. Hiện nay,
liệu pháp kháng tiểu cầu kép bao gồm
clopidogrel và aspirin vẫn là lựa chọn đầu tay
trong điều trị ức chế ngưng tập tiểu cầu
V.T. Thơm và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Y Dược, Tập 34, Số 1 (2018) 74-81 75
(NTTC), tuy nhiên hiệu quả điều trị của các
bệnh nhân không giống nhau [3]. Nhiều nghiên
cứu đã chỉ ra rằng, khoảng 30% bệnh nhân có
đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với
clopidogrel dẫn đến tác dụng ức chế NTTC
không như mong muốn [4-5]. Nguyên nhân chủ
yếu là do đa hình di truyền. Ngoài ra, các yếu tố
khác như tiền sử bệnh mạch vành, tuổi, tương
tác thuốc, tăng huyết áp (THA), rối loạn chuyển
hóa lipid (RLCH lipid), hút thuốc lá, đái tháo
đường (ĐTĐ)cũng ảnh hưởng đến đáp ứng
điều trị với clopidogrel [6].
Clopidogrel là một tiền chất không có hoạt
tính. Để trở thành chất có hoạt tính chống
NTTC, chúng phải được chuyển hóa tại gan
thông qua hệ thống cytochrome P450 (chủ yếu
là CYP2C19). CYP2C19 là enzyme có tính đa
hình cao với khoảng 25 alen đã được xác định,
trong đó CYP2C19*2, CYP2C19*3 là hai alen
quan trọng nhất, quy định enzym giảm hoặc
mất hoạt tính chuyển hóa thuốc [7]. Tuy nhiên,
tần số của các alen này lại có sự khác nhau giữa
các quốc gia và chủng tộc [8].
Ở Việt Nam, các nghiên cứu trước đây chủ
yếu tập trung vào hiệu quả điều trị, ít chú ý tới
ảnh hưởng của đa hình di truyền CYP2C19 lên
khả năng đáp ứng với clopidogrel. Vì vậy,
chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với hai mục
tiêu: 1. Xác định tần số phân bố kiểu gen
CYP2C19*2, CYP2C19*3 trên bệnh nhân
ĐTNKÔĐ. 2. Mối liên quan giữa độ ngưng tập
tiểu cầu với kiểu gen CYP2C19*2, CYP2C19*3
và một số yếu tố khác trên bệnh nhân đau thắt
ngực không ổn định. Kết quả nghiên cứu sẽ
cung cấp những thông tin cơ bản về kiểu gen
CYP2C19*2, *3 và định hướng cho các nghiên
cứu tiếp theo nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù
hợp cho bệnh nhân ĐTNKÔĐ tại Việt Nam.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp
mô tả cắt ngang, sử dụng phương pháp chọn
mẫu thuận tiện. 54 bệnh nhân được chẩn đoán
ĐTNKÔĐ, có điều trị kháng tiểu cầu kép vào
ngày thứ 3 sau khi nhập viện với liều duy trì
clopidogrel 75 mg/ngày kết hợp aspirin 100
mg/ngày và đồng ý tham gia nghiên cứu.
Nghiên cứu thực hiện tại: Viện Tim mạch Việt
Nam. Thời gian nghiên cứu: từ tháng 1/2017
đến tháng 1/2018. Nghiên cứu tuân thủ theo
quy định và được thông qua tại Hội đồng đạo
đức Khoa Y Dược, ĐHQG Hà Nội.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
2.2.1. Phương pháp phân tích độ ngưng tập
tiểu cầu
4ml máu tĩnh mạch của bệnh nhân lấy vào
ngày thứ 4 được cho vào ống chứa chất chống
đông citrat natri 3,8%. Mẫu máu được ly tâm
nhẹ với tốc độ 500 vòng/phút trong 10 phút để
có huyết tương giàu tiểu cầu (số lượng tiểu cầu
từ 200- 400 G/L), sau đó chúng tôi thu huyết
tương nghèo tiểu cầu bằng cách tiếp tục ly tâm
mạnh với tốc độ 3000 vòng/phút trong 10 phút.
Độ NTTC được đánh giá dựa vào độ ngưng tập
tối đa MA% (Maximum aggregation) sử dụng
chất kích tập ADP 5 µM.
2.2.2. Phương pháp phân tích gen
4ml máu tĩnh mạch của bệnh nhân cho vào
ống chứa chất chống đông EDTA.
E.Z.N.A.®Blood DNA Mini Kit (Omega Bio-
Tek, Mỹ) được sử dụng để tách DNA tổng số.
Kiểm tra chất lượng DNA bằng phương pháp
điện di trên gel agarose và đo quang tại hai
bước sóng 260 và 280 nm. DNA thỏa mãn yêu
cầu (chỉ số OD260/OD280 từ 1,6-2) được dùng
làm khuôn cho phản ứng PCR nhằm khuếch đại
đoạn gen chứa CYP2C19*2, *3. Kiểu gen
CYP2C19*2, *3 được xác định bằng kỹ thuật đa
hình độ dài đoạn cắt giới hạn và giải trình tự
trực tiếp.
2.2.3. Phương pháp xử lý và phân tích số liệu
Số liệu được xử lý, phân tích bằng phần
mềm SPSS 20.0. Phân tích có ý nghĩa thống kê
khi giá trị p<0,05.
V.T. Thơm và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Y Dược, Tập 34, Số 1 (2018) 74-81
76
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Kết quả đa hình gen CYP2C19
Bảng 1. Kết quả kiểu gen và tần số alen CYP2C19*2 và CYP2C19*3
Alen Số lượng kiểu gen trên từng alen (%) Tần số alen
GG GA AA G A p-value
CYP2C19*2 28 (51,9%) 20 (37%) 6 (11,1%) 0,70 0,30 0,41
CYP2C19*3 48 (88,9%) 6 (11,1%) 0 (0%) 0,94 0,06 0,67
Bảng 1 thể hiện kiểu gen và tần số alen
CYP2C19*2 và *3. Với CYP2C19*2: Kiểu gen
GG chiếm tỉ lệ cao nhất là 51,9%, kiểu gen GA
chiếm 37%, trong khi kiểu gen AA chỉ chiếm
11,1%. Với alen CYP2C19*3, phần lớn các
bệnh nhân có kiểu gen GG (chiếm 88,9%), còn
lại là 11,1% kiểu gen GA và không thấy có sự
xuất hiện của kiểu gen AA. Kiểm định Chi-square
với mẫu nghiên cứu cho thấy các alen
CYP2C19*2, *3 tuân theo định luật Hardy-
Weinberg, mẫu nghiên cứu có tính đại diện cho
quần thể bệnh nhân ĐTNKÔĐ ở ngườiViệt Nam,
với tần số alen đa hình của CYP2C19*2 chiếm tỉ
lệ cao hơn tần số alen đa hình của CYP2C19*3.
Bảng 2. Tần số phân bố các kiểu gen CYP2C19 của nhóm nghiên cứu
Kiểu gen
CYP2C19
Tổng (N=54) Nam (N=45) Nữ (N=9)
N % N1 % N2 %
*1/*1 24 44,4 19 42,2 5 55,6
*1/*2 18 33,3 16 35,6 2 22,2
*1/*3 4 7,4 4 8,9 0 0,0
*2/*2 6 11,1 4 8,9 2 22,2
*2/*3 2 3,8 2 4,4 0 0,0
p 0,541
Bảng 2 cho thấy sự phân bố kiểu gen
CYP2C19 trong đó: kiểu gen *1/*1 (kiểu dại)
chiếm tỉ lệ cao nhất (44,4%). Các kiểu gen
*1/*2, *2/*2 và *1/*3 chiếm tỉ lệ giảm dần với
33,3%; 11,1% và 7,4%. Kiểu gen *2*3 chiếm tỉ
lệ rất nhỏ với 3,8%. Ngoài ra không thấy sự
khác biệt về tỉ lệ kiểu gen ở hai giới (p>0,05).
Bảng 3. Tần số alen của gen CYP2C19
Alen Số lượng Tỷ lệ (%)
*1 (kiểu dại) 70 65
*2 (c.681G>A) 32 29
*3 (c.636G>A) 6 6
Kết quả cho thấy alen *1 chiếm tỉ lệ cao nhất
với 65%, theo sau là *2, *3 với 29% và 6%.
3.2. Tỉ lệ phân loại theo mức tác dụng dược lý do kiểu gen quy định
Bảng 4. Tỉ lệ phân loại theo mức tác dụng dược lý do kiểu gen quy định
Kiểu gen CYP2C19 Tổng (N= 54) Nam (N= 45) Nữ (N= 9)
N % N % N %
Tác dụng bình thường 24 44,4 19 42,2 5 55,6
Tác dụng giảm 22 40,7 20 44,4 2 22,2
Tác dụng kém 8 14,9 6 13,4 2 22,2
p 0,447
Bảng 4 cho thấy sự phân bố của các nhóm
gen theo tác dụng dược lý với tác dụng bình
thường (*1/*1), tác dụng giảm (*1/*2, *1/*3)
và tác dụng kém (*2/*2, *2/*3). Chiếm tỉ lệ cao
V.T. Thơm và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Y Dược, Tập 34, Số 1 (2018) 74-81 77
nhất là nhóm tác dụng bình thường với 44,4%,
theo sau là nhóm tác dụng giảm với 40,7%.
Chiếm tỉ lệ thấp nhất trong tổng số bệnh nhân
nghiên cứu là nhóm tác dụng kém với 14,9%.
Ngoài ra, không có sự khác biệt mang ý nghĩa
thống kê giữa tác dụng gen do kiểu gen quy
định trong hai giới (p>0,05).
3.3. Mối liên quan giữa độ NTTC với kiểu gen và kiểu tác dụng dược lý do kiểu gen quy định
Bảng 5. Độ NTTC giữa các kiểu gen trong mỗi alen CYPCC19*2, *3
CYP2C19*2 (681G>A) GG (N=28) GA (N=20) AA (N=6) p
Độ NTTC (%) ( SD) 27,29±10,59 35,55±12,16 35,83±9,30 0,029
CYP2C19*3 (636G>A) GG (N=48) GA (N=6) AA (N=0) p
Độ NTTC (%) ( SD) 30,73±11,06 35,83±16,21 - 0,317
Hình 1. Độ NTTC giữa các kiểu gen trong
CYP2C19*2.
Kết quả bảng 5 và hình 1 cho thấy, với alen
*2, có sự khác biệt giữa độ NTTC với các kiểu
gen (p=0,029). Cụ thể là, kiểu gen dị hợp đa
hình GA có độ NTTC cao hơn so với kiểu dại
đồng hợp GG (p=0,016). Tuy nhiên, với alen
*3 độ NTTC chưa có sự khác biệt giữa các
kiểu gen.
Bảng 6. Độ NTTC giữa các kiểu tác dụng dược lý do
kiểu gen quy định
Tác dụng dược lý N
Độ NTTC (%)
( SD)
Tác dụng bình
thường
24 27,42±11,11
Tác dụng giảm 22 32,18±10,40
Tác dụng kém 8 40,50±12,19
Tổng số 54 31,30±11,66
p 0,018
Kết quả bảng 6 cho thấy, có mối liên quan
giữa độ NTTC với tác dụng dược lý do kiểu gen
quy định (p=0,018). Với nhóm tác dụng dược lý
(giảm+kém), độ NTTC cao hơn so với nhóm tác
dụng dược lý bình thường (p=0,027). Tuy nhiên,
không có sự khác biệt giữa nhóm tác dụng giảm
và kém (p=0,074). Vì vậy, chúng tôi gộp nhóm
tác dụng dược lý giảm và kém thành 1 nhóm và
nhóm tác dụng bình thường là 1 nhóm khi phân
tích các yếu tố khác ảnh hưởng lên độ NTTC.
3.4. Mối liên quan giữa độ NTTC với một số yếu tố khác
Bảng 7. Mối liên quan giữa độ NTTC với một số yếu tố nguy cơ
Yếu tố
Tác dụng bình thường (N=24) Tác dụng (giảm+kém) (N=30)
N Độ NTTC (%) ( SD) p N Độ NTTC (%) ( SD) p
Có hút thuốc 16 25,38 9,0
0,21
21 33,57±11,89
0,550
Không hút thuốc 8 31,50±14,25 9 36,33±10,24
Có RLCH lipid 9 27,89±11,01 0,876
6 41,83±15,77
0,071
Không RLCH lipid 15 27,13±11,54 24 32,54±9,46
Có ĐTĐ 5 31,00±6,75
0,43
7 33,29±6,90
0,772
Không ĐTĐ 19 26,47±11,96 23 34,74±12,47
Có THA 17 27,53±11,56
0,94
20 36,00±12,06
0,281
Không THA 7 27,14±10,81 10 31,20±9,41
V.T. Thơm và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Y Dược, Tập 34, Số 1 (2018) 74-81
78
Bảng 8. Mối liên quan giữa độ NTTC với một số yếu tố cận lâm sàng
Yếu tố
Tổng số (N=54)
( SD)
Tác dụng bình thường (N=24) Tác dụng (giảm+kém) (N=30)
r p r p
RBC (T/L) 4,63±0,54 -0,206 0,334 -0,034 0,863
WBC (G/L) 8,13±2,6 -0,089 0,678 -0,106 0,592
PLT (G/L) 255,87±66,56 0,098 0,649 -0,019 0,925
MPV (fL) 9,17±1,16 0,02 0,926 -0,09 0,649
RBC- Số lượng hồng cầu, WBC- Số lượng bạch cầu, PLT- Số lượng tiểu cầu, MPV- Thể tích trung bình tiểu
Kết quả bảng 7 cho thấy, với cỡ mẫu trong
nghiên cứu này, chúng tôi chưa thấy có mối liên
quan giữa độ NTTC với các yếu tố nguy cơ: hút
thuốc lá, THA, RLCH lipid và ĐTĐ.
Kết quả bảng 8 cho thấy, các chỉ số cận lâm
sàng nêu trên đều có mối liên quan yếu với độ
NTTC ở cả 2 nhóm tác dụng bình thường và tác
dụng (giảm+ kém).
4. Bàn luận
Tần số kiểu gen trong từng alen của gen
CYP2C19 ở nghiên cứu của chúng tôi có sự
khác biệt khá lớn so với nghiên cứu của J.F.
Marchini (2017) trên bệnh nhân can thiệp mạch
vành qua da ở Brazil. Với alen CYP2C19*2,
theo J.F. Marchini cho tỉ lệ GG (74%), GA
(23,7%), AA (2,4%) so với nghiên cứu của
chúng tôi là GG (51,9%), GA (37%), AA
(11,1%). Với alen CYP2C19*3, theo J.F.
Marchini cho tỉ lệ GG (100%), không thấy có
sự xuất hiện của GA và AA, trong khi nghiên
cứu của chúng tôi cho tỉ lệ GG (88,9%) và GA
(11,1%). Từ đây ta có thể thấy được ảnh hưởng
của chủng tộc lên sự phân bố alen trên từng
kiểu gen CYP2C19*2 và CYP2C19*3 [9].
Trong nghiên cứu của chúng tôi, alen kiểu
dại *1 chiếm tỉ lệ cao nhất với 65%, các alen
còn lại *2, *3 chiếm tỉ lệ thấp hơn lần lượt là
29% và 6%. Các alen này đều phân bố theo
định luật Hardy-Weinberg, do đó nhóm mẫu
nghiên cứu đại diện cho quần thể ĐTNKÔĐ ở
Việt Nam. Trong đa hình alen CYP2C19 ở
người châu Á thì alen CYP2C19*2 là đa hình
phổ biến nhất [10]. Nghiên cứu của chúng tôi
cũng cho kết quả tương tự. Khi so sánh sâu
thêm, chúng tôi thấy rằng, ở các nước Việt
Nam, Malaysia, Myanma (khu vực Đông Nam
Á) không thấy có sự khác biệt về tần số phân bố
3 alen của gen CYP2C19 giữa các nước này
[11-12]. Tuy nhiên, ở khu vực Bắc Á, tỉ lệ alen
*3 ở Hàn Quốc và Nhật Bản có xu hướng cao
hơn so với các nước khu vực Đông Nam Á
[13], trong khi ở Đông Âu và Mỹ gốc Phi lại
thấy có tỉ lệ rất nhỏ hay không có của alen *3
[14]. Từ việc so sánh trên, chúng tôi nhận thấy
tần số phân bố alen trong nghiên cứu của chúng
tôi khá tương đồng với các nước Đông Nam Á
nhưng có sự khác biệt với các nước thuộc khu
vực khác cũng như chủng tộc khác. Việc đưa ra
kết quả này không chỉ giúp ích được các bác sĩ
lâm sàng biết được tỉ lệ đa hình gen CYP2C19
của quần thể Việt Nam mà còn giúp xác định
được nguyên nhân kháng thuốc, từ đó giúp cá
thể hóa điều trị.
Với mục đích thực hiện các thử nghiệm
dược di truyền, dựa vào kiểu gen của các alen
trên, chúng tôi tiến hành phân loại thành các
hoạt tính chuyển hóa thuốc của enzym
CYP2C19 hay tác dụng dược lý của enzym
CYP2C19 bao gồm: tác dụng dược lý bình
thường (*1/*1) với 44,4%, tác dụng dược lý
giảm (*1/*2, *1/*3) với 40,7% và tác dụng
dược lý kém (*2/*2, *2/*3) với 14,9%. Tỉ lệ
phân bố hoạt tính enzym CYP2C19 chuyển hóa
thuốc kém có sự khác nhau giữa các khu vực
với tỉ lệ ở quần thể người da trắng là 2- 5%, ở
châu Phi là 4- 8% và ở châu Á là 11- 23% [15].
Trong quần thể người châu Á, tỉ lệmang enzym
hoạt tính chuyển hóa kém này ở Nhật Bản là
18- 23%, ở Trung Quốc là 15- 17%, ở Hàn
Quốc là 12- 16% [16] và ở nghiên cứu của
chúng tôi là 14,9%. Kết quả của chúng tôi khá
tương đồng với các nước châu Á nhưng có sự
khác biệt với quần thể người da trắng và châu
V.T. Thơm và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Y Dược, Tập 34, Số 1 (2018) 74-81 79
Phi. Từ đây, ta có thể thấy ảnh hưởng rõ rệt của
vị trí địa lý lên sự phân bố tần số các alen.
Phụ thuộc vào sự kết hợp của các alen
CYP2C19 khác nhau mà làm tăng hay giảm
hoạt tính chuyển hóa thuốc của enzym này [17].
Bệnh nhân có kiểu gen chứa *2 (c.681G>A),
*3 (c.636G>A) sẽ làm giảm hay mất hoạt tính
chuyển hóa của enzym, dẫn đến làm giảm khả
năng chuyển clopidogrel thành dạng có hoạt
tính, do đó giảm hiệu quả kháng tiểu cầu so với
quần thể mang kiểu gen dại (*1) [18]. Điều này
càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong nhóm
bệnh nhân ĐTNKÔĐ, vì đáp ứng giảm hiệu
quảkháng tiểu cầu có thể gây ra các biến chứng
huyết khối động mạch bao gồm: nhồi máu cơ
tim, huyết khối stent, huyết khối động mạch
ngoại biên và đột quỵ [19]. Do đó, trong nghiên
cứu này, chúng tôi tìm hiểu mối liên quan giữa
độ NTTC với kiểu gen CYP2C19 nhằm đánh
giá hiệu quả điều trị, đồng thời tiên lượng các
biến cố tim mạch có thể xảy ra với các bệnh
nhân mang alen gâygiảm hoặc mất hoạt tính
enzym. Kết quả cho thấy: trong alen *2, trung
bình độ NTTC với kiểu gen dị hợp GA
(35,55±12,16%) cao hơn so với kiểu dại GG
(27,29±10,59%) (p=0,016). Trong khi đó, chúng
tôi chưa thấy sự khác biệt về trung bình độ NTTC
giữa các kiểu gen trong alen *3. Có thể giải thích
điều này là do cỡ mẫu trong nghiên cứu của
chúng tôi còn hạn chế, trong khi tần số xuất hiện
của alen đột biến trong kiểu gen *3 không cao.
Điều này, một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng
của alen *2 trong ĐTNKÔĐ ở quần thể nghiên
cứu này.
Nghiên cứu của Arima và cộng sự (2015)
cho thấy ở bệnh nhân mang alen CYP2C19 quy
định enzym mất hoạt tính có hoạt động tiểu cầu
và tỉ lệ các biến cố tim mạch cao hơn so với
những người không mang alen này (p<0,05)
[20]. Koichi Kaikita và cộng sự (2014) nghiên
cứu trên 104 bệnh nhân được can thiệp động
mạch vành qua da cũng cho thấy những người
mang alen CYP2C19 quy định enzym giảm hoạt
tính có chỉ số phản ứng tiểu cầu và NTTC cao
hơn so với những người không mang alen này
(p<0,05) [21]. Nghiên cứu tương tự của Yang J
và cộng sự (2013) cũng chỉ ra rằng ở những
người mang 1 alen đột biến (*1/*2, *1/*3) và 2
alen đột biến (*2/*3, *2/*2, *3/*3) có độ NTTC
tối đa với ADP cao hơn so với những người
mang kiểu dại (*1/*1) với p lần lượt là 0,002 và
0,0039 [22]. Tuy nhiên, nghiên cứu của Zabalza
và các cộng sự (2012) lại thấy rằng những cá
thể mang alen quy định enzym mất hoạt tính
không làm tăng các nguy cơ tim mạch, ngoại
trừ các biến cố trong huyết khối đặt stent [23].
Ngoài việc đánh giá tác động của yếu tố di
truyền lên độ NTTC, chúng tôi cũng tiến hành
đánh giá các yếu tố phi di truyền bao gồm các
yếu tố nguy cơ và một số chỉ số cận lâm sàng
lên độ NTTC. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy
có mối liên quan rõ ràng giữa các yếu tố phi di
truyền với độ NTTC (p>0,05).
5. Kết luận
Chúng tôi đã mô tả thành công kiểu gen
CYP2C19*2 và CYP2C19*3 trên bệnh nhân
ĐTNKÔĐ tại Việt Nam, trong đó tần số alen
CYP2C19*2 chiếm tỉ lệ cao. Điều này sẽ giúp
các bác sĩ lâm sàng xác định được những bệnh
nhân mang alen CYP2C19 giảm hoạt tính để từ
đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm cải
thiện hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Hơn nữa,
đa hình gen CYP2C19*2 có mối liên quan chặt
chẽ nhất với độ NTTC. Do đó, trong nghiên cứu
của chúng tôi, yếu tố di truyền là yếu tố quyết
định sự khác nhau giữa các cá thể trong ngưng
tập tiểu cầu, chứ không phải là các yếu tố phi
di truyền.
Lời cảm ơn
Chúng tôi trân trọng cảm ơn đề tài khoa học
công nghệ cấp ĐHQG mã số QG.15.32 đã cung
cấp kinh phí cho chúng tôi thực hiện nghiên
cứu này. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn
Viện Tim mạch Việt Nam đã cung cấp các mẫu
bệnh phẩm phục vụ cho nghiên cứu.
V.T. Thơm và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Y Dược, Tập 34, Số 1 (2018) 74-81
80
Tài liệu tham khảo
[1] E. Falk, P. K. Shah el al (1995), Coronary plaque
disruption, Circulation, 92(3), 657–671.
[2] H. Jneid, J.L. Anderson, R.S. Wright, C.D. Adams et
al (2012), ACCF/AHA focused update of the
guideline for the management of patients with
unstable angina/Non-ST-elevation myocardial
infarction (updating the 2007 guideline and replacing
the 2011 focused update): a report of the American
College of Cardiology Foundation/American Heart
Association Task Force on practice guidelines,
Circulation, 126(7), 875–910.
[3] T.A. Nguyen, J.G. Diodatiand, C. Pharand (2005),
Resistance to clopidogrel: A review of the
evidence, J Am Coll Cardiol, 45, 1157–1164.
[4] D.J. Angiolillo, A. Fernandez-Ortiz, E. Bernardo
et al (2005), Identification of low responders to a
300-mg clopidogrel loading dose in patients
undergoing coronary stenting, Thromb Res,
115(1–2), 101–108.
[5] M. Haji Aghajani, F. Kobarfard et al (2013),
Resistance to Clopidogrel among Iranian Patients
Undergoing Angioplasty Intervention, Iran J
Pharm Res, 12, 169–174.
[6] D.J. Angiolillo, F. Alfonso (2007), Platelet
function testing and cardiovascular out comes:
steps forward in identifying the best predictive
measure, Thromb Haemost, 98, 707–709.
[7] S.A Scott, K. Sangkuhl, et al (2013), Clinical
Pharmacogenetics Implemntation Consortium
Guidelines for CYP2C19 Genotype and Clopidogrel
Therapy: 2013 Update, Clin Pharmacol Ther, 94(3),
317–323.
[8] I. Fricke-Galindo, C. Céspedes-Garro, F. Rodrigues-
Soares (2016), Interethnic variation of CYP2C19
alleles, “predicted” phenotypes and “measured”
metabolic phenotypes across world populations,
Pharmacogenomics J, 16(2), 113-23.
[9] J.F. Marchini et al (2017). Decreased platelet
responsiveness to clopidogrel correlates with
CYP2C19 and PON1 polymorphisms in
atherosclerotic patients. Braz J Med Biol Res,
50(1): e56
[10] S.M. de Morais, G.R. Wilkinson et al (1994), The
major genetic defect responsible for the
polymorphism of S-mephenytoin metabolism in
humans, J Biol Chem, 269, 15419–15422.
[11] W. Tassaneeyakul, W.Mahatthanatrakul,
K.Niwatananun, K.Na-Bangchang (2006).
CYP2C19 genetic polymorphism in Thai,
Burmese and Karen populations. Drug Metab
Pharmacokinet, 21, 286–290.
[12] Y.S. Yang, L.P Wong, T.C. Lee., A.M. Mustafa.,
Z. Mohamed and C.C. Lang (2004). Genetic
polymorphism of cytochrome P450 2C19 in
healthy Malaysian subjects. Br J Clin Pharmacol.
[13] K.A Kim, W.K. Song, K.R. Kim (2010). Assessment
of CYP2C19 genetic polymorphisms in a Korean
population using a simultaneous multiplex
pyrosequencing method to simultaneously detect the
CYP2C19*2, CYP2C19*3, and CYP2C19*17 alleles.
J Clin Pharm Ther.
[14] J.H. Oestreich, L.G. Best, L.G and P.P. Dobesh
(2014). Prevalence of CYP2C19 variant alleles and
pharmacodynamic variability of aspirin and
clopidogrel in Native Americans. Am Heart J.
[15] J.A. Goldstein, Ishizaki, K. Chiba (1997).
Frequencies of the defective CYP2C19 alleles
responsible for the mephenytoin poor metabolizer
phenotype in various Oriental, Caucasian, Saudi
Arabian and American black populations.
Pharmacogenetics, 7(1), 59–64.
[16] K. Nakamura, F. Goto and W.A. Ray (1985).
Interethnic differences in genetic polymorphism of
debrisoquin and mephenytoin hydroxylation
between Japanese and Caucasian populations. Clin
Pharmacol Ther, 38(4), 402–408.
[17] A. Maeda, H. Ando, T. Asai (2011), Differential
impacts of CYP2C19 gene polymorphisms on the
antiplatelet effects of clopidogrel and ticlopidine,
Clin Pharmacol Ther, 89, 229–233.
[18] S. Chonlaphat, T. Ramaimon, C. Montri et al
(2013), CYP2C19 polymorphisms in the Thai
population and the clinical response to
clopidogrel in patients with atherothrombotic-risk
factors, Pharmacogenomics Pers Med, 6, 85–91.
[19] S. Matetzky, B. Shenkman, V. Guetta (2004),
Clopidogrel resistance is associated with increased
risk of recurrent atherothrombotic events in patients
with acute myocardial infarction. Circulation, 109,
3171–3175.
[20] Y. Arima, S. Hokimoto (2015), Comparison of the
effect of CYP2C19 polymorphism on clinical
outcome between acute coronary syndrome and
stable angina. J Cardiol, 65,494-500
[21] K. Kaikita, T. Ono, S. Iwashita, N. Nakayama
(2014), Impact of CYP2C19 polymorphism on
platelet function tests and coagulation and
inflammatory biomarkers in patients undergoing
percutaneous coronary intervention. J Atheroclerosis
Thromb, 21, 64–76.
[22] J. Yang, H.D. Zhao, J. Tan, Y.L. Ding, Z.Q. Gu,
J.J. Zou (2013), CYP2C19 polymorphism and
[23] antiplatelet effects of clopidogrel in Chinese
stroke patients. Pharm, 68, 183–186.
V.T. Thơm và nnk. / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Y Dược, Tập 34, Số 1 (2018) 74-81 81
[24] M. Zabalza, I. Subirana, J. Sala (2012), Meta-
analyses of the association between cytochrome
CYP2C19 loss- and gain-of-function
polymorphisms and cardiovascular outcomes in
patients with coronary artery disease treated with
clopidogrel. Heart, 98, 100–108.
The Relationship between Platelet Aggregation and
CYP2C19*2, CYP2C19*3 Genotypes with
Other Factors in Patients with Unstable Angina
Vu Thi Thom1, Vu Phuong Thao1, Nguyen Thi Thuy Mau1, Vu Ngoc Trung2
1VNU School of Medicine and Pharmacy, 144 Xuan Thuy, Cau Giay, Hanoi, Vietnam
2Vietnam National University Hospital, 182 Luong The Vinh, Thanh Xuan, Hanoi, Vietnam
Abstract: The genetic polymorphism of CYP2C19 is associated with clopidogrel metabolism
through the measurement of platelet aggregation in patients with unstable angina. This study was
aimed to determine the frequency of CYP2C19 polymorphism and the effect of CYP2C19 genotype as
well as other factors on platelet aggregation. The study was conducted on 54 patients by the cross-
sectional method. The genotypes proportion of CYP2C19*1/*1, *1/*2, *1/*3, *2/*2 and *2/*3 were
44.4%, 33.3%, 7.4%, 11.1% and 3.8%, respectively. The results with CYP2C19 phenotype were
44.4% of extensive metabolizers (EM), 40.7% of intermediate metabolizers (IM) and 14.9% of poor
metabolizers (PM). For CYP2C19*2, heterozygous genotype (GA) had higher platelet aggregation
than homozygous genotype (GG) with significant difference (p=0.016). Platelet aggregation showed a
significant difference between EM and (IM+PM) (p=0.027). The study results show that the
prevalence of CYP2C19*2 allele was quite high while the rate of CYP2C19*3 allele was relatively
low. Moreover, CYP2C19*2 had a clear effect on platelet aggregation.
Keywords: CYP2C19 polymorphism, unstable angina, clopidogrel, platelet aggregation.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- moi_lien_quan_giua_do_ngung_tap_tieu_cau_voi_kieu_gen_cyp2c1.pdf