Mối quan hệ giữa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích lũy xã hội chủ nghĩa và chống tham ô, quan liêu, lãng phí trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Kết luận Ngay từ khi Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đã mang ý nguyện cứu dân, giúp nước, thoát khỏi cảnh lầm than, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ lên làm chủ xã hội, chủ đất nước. Sau khi giành chính quyền, Hồ Chí Minh chỉ đạo trực tiếp công cuộc kháng chiến, kiến quốc, cốt làm sao để dân có cái ăn, cái mặc, được học hành và ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Muốn khắc phục giặc đói, sự tàn phá của chiến tranh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải tích cực tăng gia sản xuất. Tăng gia sản xuất tạo điều kiện giúp chúng ta thoát khỏi giặc đói, kết hợp với thực hành tiết kiệm gây cơ sở cho việc tích lũy xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, mục tiêu chỉ đạt được khi đồng bộ các nhiệm vụ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm với chống tệ tham ô, nạn quan liêu, lãng phí. Đó là hệ thống các quan điểm toàn diện, hệ thống và logic của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế. Đó cũng là những chỉ dẫn quan trọng của Hồ Chí Minh đối với Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

pdf9 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 21/01/2022 | Lượt xem: 227 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Mối quan hệ giữa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích lũy xã hội chủ nghĩa và chống tham ô, quan liêu, lãng phí trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 48 MỐI QUAN HỆ GIỮA TĂNG GIA SẢN XUẤT, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, TÍCH LŨY XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ CHỐNG THAM Ô, QUAN LIÊU, LÃNG PHÍ TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH THE RELATIONSHIP BETWEEN PRODUCTION PROMOTION, THRIFT PRACTICE, SOCIALIST ACCUMULATION AND ANTI-EMBEZZLEMENT, BUREAUCRACY AND WASTE IN HO CHI MINH’S THOUGHT Ngày nhận bài: 22/06/2020 Ngày chấp nhận đăng: 24/08/2020 Trịnh Quang Dũng TÓM TẮT Trong quá trình xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt để giải quyết những khó khăn sau khi cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi, Hồ Chí Minh đã coi nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong đó, Người nhấn mạnh đến vai trò của tăng gia sản xuất, kết hợp với thực hành tiết kiệm và tích lũy xã hội chủ nghĩa, đồng thời song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ chống tham ô, quan liêu, lãng phí cản trở sự phát triển của kinh tế. Giữa các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết, gắn bó khăng khít với nhau. Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, quan liêu, lãng phí. ABSTRACT In the process of developing country in the period of transition to socialism, especially in order to handle difficulties after Vietnamese revolution won, Ho Chi Minh considered economic development mission as the most important one. Of which, the Uncle emphasized the role of production promotion in combination with thrift practice and socialist accumulation, and simultaneously continuous maintenance of economic development task as anti-embezzlement, bureaucracy and waste causing obstacles for economic development. Among these factors, there is an intimate and close relationship with each other. Keywords: Ho Chi Minh’s thought, production promotion, economic development, thrift practice, anti-embezzlement, bureaucracy and waste. 1. Giới thiệu Ngay sau khi giành được chính quyền, trong Những nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiệm vụ tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tiếp đến những năm tháng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh luôn chú trọng vấn đề tăng gia sản xuất, đồng thời Người cũng đặc biệt quan tâm đến việc thực hành tiết kiệm, tích lũy xã hội chủ nghĩa, bởi theo Người tăng gia sản xuất phải đi cùng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường tích lũy xã hội chủ nghĩa. Đó là một cuộc cách mạng trong kinh tế, để xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội và thống nhất đất nước, một cuộc cách mạng lâu dài và rất khó khăn, đối diện với nhiều loại kẻ thù. Chúng ta xây dựng kinh tế mới trên nền tảng của nền kinh tế thực dân, phong kiến nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá bởi chiến tranh, luôn bị các thế lực thù địch chống phá, đồng thời, Hồ Chí Minh Trịnh Quang Dũng, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng TẠP CHÍ KHOA HỌC KINH TẾ - SỐ 8(03) - 2020 49 cũng nhận thấy kẻ thù nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm, đó là những “thứ giặc trong lòng”, “giặc nội xâm”, luôn tiềm ẩn và tìm cách phá hoại mỗi khi chúng có cơ hội. Đó là những căn bệnh, những biểu hiện tiêu cực, thái hóa biến chất, là tệ nạn tham ô, quan liêu, lãng phí. Cho nên, quá trình xây dựng nền kinh tế mới phải gắn liền với quá trình thực hành tiết kiệm, đi đôi với việc chống tham ô, quan liêu, lãng phí. Tư tưởng ấy của Hồ Chí Minh đã giúp Đảng và nhân dân gặt hái được nhiều thành công trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vẫn còn nguyên những giá trị trong giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế xã hội thời kỳ quá độ hiện nay. 2. Nội dung 2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tăng gia sản xuất Theo Hồ Chí Minh, nhân dân chỉ biết đến tự do khi nhân dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Cho nên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là Đảng và Nhà nước luôn phải quan tâm đến việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thông qua các hoạt động tăng gia sản xuất, đồng thời thực hành tiết kiệm, xây dựng cơ sở cho tích lũy xã hội chủ nghĩa. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân từ thân phận nô lệ thành thành phân làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống, dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do. Tuy nhiên, chính quyền non trẻ gặp rất nhiều khó khăn, từ giặc ngoại xâm đến giặc đói, giặc dốt, chính vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu phải giải quyết các thứ giặc này, trước hết là giặc đói. “Hơn hai triệu đồng bào ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo. Điều đó càng làm cho tình trạng trầm trọng hơn. Những người thoát chết đói nay cũng bị đói. Chúng ta phải làm thế nào cho họ sống” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, 2011, tr.7). Vì vậy, Người yêu cầu với Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, cứu đói cho nhân dân. Với chiến dịch này, năm 1946, nạn đói cơ bản được giải quyết. Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, theo Hồ Chí Minh “là hai việc then chốt để khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa để cải thiện đời sống của nhân dân, để củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam, để tăng cường lực lượng đấu tranh thống nhất nước nhà. Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10,2011, tr.545) Tăng gia sản xuất được phát động trên toàn quốc, trong mọi ngành của đời sống kinh tế, xã hội. Theo Hồ Chí Minh, việc phát triển kinh tế cần phải xuất phát từ thực tiễn, nhu cầu và hoàn cảnh, điều kiện của Việt Nam để xác định các ngành kinh tế nòng cốt. Theo Người, Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải phát triển kinh tế với 3 ngành chính nông nghiệp - công nghiệp và thương nghiệp. Ba mặt này có mối quan hệ mật thiết với nhau, tuy nhiên trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Người ví hai ngành này như hai chân của một con người. Người viết “công nghiệp và nông nghiệp như là hai chân của nền kinh tế nước nhà. Chân phải thật vững thật khỏe, thì kinh tế mới tiến bộ thuận lợi và nhanh chóng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, 2011, tr.91) Tăng gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp: Xuất phát từ một nước nông nghiệp lúa nước, Hồ Chí Minh đã xác định “nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ chỉ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, 2011, tr.246). Trong các ngành kinh tế, ngành nào theo Hồ Chí Minh cũng quan trọng, nhưng trong TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 50 thời kỳ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, “quan trọng nhất là nông nghiệp, vì có thực mới vực được đạo” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, 2011, tr.212). Nước ta có truyền thống làm lúa nước, nhiều kinh nghiệm quý báu trong tăng gia sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nông dân chiếm đa số trong xã hội, phát triển nông nghiệp có nhiều cơ hội. Cho nên, Người kêu gọi, “nâng cao nông nghiệp là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn Chính phủ và toàn dân” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, 2011, tr.182). Muốn phát triển nông nghiệp, đưa người nông dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh, nông nghiệp và nông thôn cần phải kinh qua hai cuộc cách mạng. Đó là “cải cách ruộng đất là một cuộc, cuộc thứ hai là từ chỗ thực hiện tổ đổi công, hợp tác xã, nông trường tập thể đến chỗ xã hội hóa nông nghiệp”( Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, 2011, tr.181) Đối với nhiệm vụ thứ nhất, ngay sau khi giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã quyết định chia lại ruộng đất cho nhân dân, tiến hành cải cách ruộng đất. Bởi theo Người, “muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, 2011, tr.31). Cách mạng ruộng đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giải quyết được nhiều vấn đề về quân sự, kinh tế - tài chính, chính trị và văn hóa. Nông dân có đất sẽ càng hăng hái tham gia bộ đội để giữ làng, giữ nước, giữ ruộng đất của mình, nông dân có đủ ăn, đủ mặc tăng gia sản xuất được nhiều thì sẽ thúc đẩy các ngành khác, nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính nhà nước cũng được dồi dào. Khi nông dân đã có ruộng cày, đầy cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nhân dân sẽ phát triển rất nhanh. Chính vì vậy, cải cách ruộng đất giúp đồng bào ta càng hăng hái trong tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, từ đó đời sống của bà con nông dân được cải thiện và nâng cao. Đối với nhiệm vụ thứ hai, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp, đưa nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ vào nền sản xuất hợp tác xã. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của việc tổ chức hợp tác xã “là để cải thiện đời sống nhân dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khỏe, được học tập, làm cho dân giàu nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đó là mục đích riêng và mục đích chung của việc xây dựng hợp tác xã” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.226). Nông dân muốn giàu có, nông nghiệp muốn thịnh vượng thì không thể không có hợp tác xã. Hợp tác xã “là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, 2011, tr.246). Nhưng muốn đưa người nông dân vào hợp tác xã cần phải có những bước đi, phương pháp thích hợp. Nông dân xuất thân từ trong xã hội cũ, ít nhiều còn mang dấu vết của người nông dân cá thể, chỉ một thời gian ngắn sản xuất theo lối tập trung chưa thể xóa bỏ ngay được tập quán sinh hoạt, canh tác, ý thức tư hữu có từ hàng nghìn năm, cho nên khi mỗi bước đi cần phải cẩn trọng, phải cho thấy giá trị của công tác đổi công và hợp tác xã, đưa người nông dân từ sản xuất cá thể, sang tổ đổi công. Người viết: “Đường lối cải tạo xã hội chủ nghĩa của Đảng đối với nông nghiệp là đưa nông dân làm ăn riêng lẻ đi dần từ tổ đổi công (có mầm mống xã hội chủ nghĩa), tiến lên hợp tác xã cấp thấp (nửa xã hội chủ nghĩa), rồi tiến lên hợp tác xã cấp cao (xã hội chủ nghĩa) (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.413). Các tổ đổi công phải bình đẳng với nhau, làm ăn có hiệu quả, trên cơ sở tự nguyện tham gia, để nông dân thấy hiệu quả của nó, trên cơ sở đó mở rộng tổ đổi công thành hợp tác xã loại nhỏ. Tránh việc làm nhanh, làm ẩu, không hiệu quả các hợp tác xã loại nhỏ, xây dựng hợp tác xã phải thực sự thiết thực trong TẠP CHÍ KHOA HỌC KINH TẾ - SỐ 8(03) - 2020 51 sản xuất, nông dân chỉ tham gia các hợp tác xã nhỏ này khi mắt thấy, tai nghe những giá trị của nó. Khi người nông dân đã quen với lối canh tác tập trung mới phát triển các hợp tác loại nhỏ thành các hợp tác xã cấp cao, đưa nông dân dần dần tiến vào con đường hợp tác xã, cao hơn nữa là xây dựng các nông trường quốc doanh quy mô lớn, tạo cơ sở nền tảng để tích lũy, cải thiện đời sống nông dân. Tăng gia sản xuất trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Công nghiệp là một chân quan trọng của nền kinh tế, một lĩnh vực không thể thiếu trong con đường xây dựng lực lượng sản xuất của xã hội chủ nghĩa. Theo Hồ Chí Minh, đặc điểm quan trọng của nước ta trong thời kỳ quá độ là “từ một nước nông nghiệp tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12,2011, tr.411). Muốn làm được điều đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta, theo Hồ Chí Minh “là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.411), không còn cách nào khác phải tiến hành cách mạng công nghiệp. Bắt nguồn từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân và thợ thủ công vẫn là những người đang cung cấp lớn thức ăn, vật dụng chính cho nhân dân, tuy nhiên họ vẫn dùng những công cụ rất thô sơ để sản xuất, như vậy không thể làm cho đời sống nhân dân thật dồi dào, nâng cao được. Theo Hồ Chí Minh, “đời sống nhân dân chỉ thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.445). Chúng ta dùng máy móc trong cả công nghiệp và trong nông nghiệp, máy móc sẽ giúp con người tăng năng suất lao động, làm được những điều con người không làm được. Do đó, phải có nhiều máy móc, muốn có nhiều máy móc thì cần phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy móc, làm ra gang thép, than dầu Nghĩa là, phải công nghiệp hóa. Người viết: “Đó là con đường phải đi cho chúng ta: Con đường công nghiệp hóa nước nhà” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, , tr.445) Công nghiệp hóa là một việc làm rất lớn, nhằm cung cấp máy móc, khoa học kỹ thuật cho nền kinh tế, trong đó công nghiệp nặng là nòng cốt. Theo Hồ Chí Minh, “Các ngành công nghiệp làm ra máy móc, gang thép, than, dầu, hóa chất gọi chung là công nghiệp nặng. Công nghiệp nặng là đầu mối để mở mang các ngành công nghiệp khác và cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Cho nên, chưa có công nghiệp nặng thì chưa thể gọi là công nghiệp hóa. Chưa có công nghiệp nặng, thì chưa thể có một nền kinh tế tự chủ và giàu mạnh được” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12,2011, tr.450) Để tiến hành công nghiệp hóa thành công, phương châm được Hồ Chí Minh đưa ra đó là sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Sản xuất phải nhiều, “vì có làm ra nhiều của cải mới có thể vừa tăng tích lũy vừa mở rộng sản xuất, vừa nâng cao mức tiêu dùng của nhân dân lao động” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.500). Muốn sản xuất nhiều theo Người phải có hai điều kiện. Một là phải có nhiều người sản xuất và hai là, mỗi người phải sản xuất được nhiều. Chúng ta phải cố gắng sắp xếp để có thật nhiều người trực tiếp sản xuất, đồng thời phải luôn luôn cố gắng cải tiến kỹ thuật và giữ vững kỷ luật lao động đển sản xuất được nhiều. Sản xuất nhanh, theo Hồ Chí Minh, không phải là chỉ cố gắng từng lúc, từng đợt. Nhanh là phải “tiến bước không ngừng và bước sau bao giờ cũng phải dài hơn, vững hơn bước trước. Đó là tư tưởng cách mạng không ngừng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.501). Muốn tiến nhanh, theo Người cũng phải có hai điều kiện: “một là không ngừng cải tiến công tác; hai là, lúc nào cũng TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 52 phải làm bước trước chuẩn bị cho bước sau, làm hôm nay chuẩn bị cho ngày mai. Không làm như vậy thì chỉ tiến lên được từng bước ngắn, rồi ngừng lại. Bởi vậy, những người lao động xã hội chủ nghĩa, không thể chỉ biết làm việc cần cù, mà còn phải có tinh thần cải tiến công tác không ngừng và chủ động tính trước, lo xa mọi việc. Như vậy mới thật đúng là người làm chủ nước nhà” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.502) Sản xuất tốt, là phải chú trọng đến chất lượng. Bởi theo Người, “chúng ta thi đua làm nhiều, làm nhanh là cốt tăng nhanh mức sống của nhân dân lao động và tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế. Cho nên, nhiều, nhanh phải đi đôi với tốt, rẻ. Nếu chỉ vì nhiều, nhanh mà không nghĩ đến tốt, rẻ thì kết quả cuối cùng vẫn là không nhiều, không nhanh” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.543) Sản xuất phải rẻ, theo Người, nếu làm nhiều, làm nhanh, làm tốt nhưng lại không rẻ thì rốt cuộc vẫn không đạt được mục đích tăng nhanh mức sống của nhân dân và tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế, hàng hóa mà đắt, nhân dân cũng không có tiền để mua được. Do đó, phải sản xuất ra hàng hóa rẻ mà chất lượng. Khi sản xuất, theo Người phải ra câu hỏi “Có thể dùng ít nguyên liệu, vật liệu mà hàng vẫn tốt không? Có thể dùng những nguyên liệu tương đối, rẻ thay thế những nguyên liệu tương đối đắt, hoặc dùng những thứ sẵn có ở gần để thay thế những thứ phải chở từ xa tới không? Có thể sửa đổi quy cách một số hàng để tiết kiệm nguyên liệu hơn nữa hay không?” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12,2011, tr.515). Muốn làm được hàng rẻ, theo Người có hai cách: tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, hay là tiết kiệm vốn. Và, cách thứ hai là làm cho vốn quay vòng nhanh. Người lý giải, khi bỏ vốn vào sản xuất - làm ra hàng hóa - bán hàng hóa, thu vốn về - lại bỏ vốn vào sản xuất là quy trình quay vòng của vốn. Biết làm cho vốn quay vòng nhanh thì có ít vốn mà dùng được nhiều lần, nên sản xuất được nhiều, và rẻ. Trong lĩnh vực thương nghiệp: Theo Hồ Chí Minh, thương nghiệp “là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Thương nghiệp đưa hàng hóa đến nông thôn phục vụ nông dân, thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Nếu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp và công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, 2011, tr.336). Chính vì lý do đó, muốn phát triển kinh tế, trước hết phải phát triển các ngành kinh tế trọng điểm: nông nghiệp - công nghiệp - thương nghiệp. 2.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, tích lũy xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế nói chung, tăng gia sản xuất nói riêng, Hồ Chí Minh cho rằng đó là một việc rất lớn, phải có nhiều vốn. Nhưng, vốn lấy ở đâu? Hồ Chí Minh nghiên cứu kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa, nhận thấy, “muốn có vốn thì các nước tư bản dùng 3 cách: vay mượn nước ngoài, ăn cướp của các thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân. Nhưng cách đó chúng ta đều không thể làm được. Chúng ta chỉ có cách là một mặt tăng gia sản xuất, một mặt là phải tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, 2011, tr.352). Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đưa ra tư tưởng về thực hành tiết kiệm và tích lũy xã hội chủ nghĩa. Về thực hành tiết kiệm, được Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong nhiều bài nói, bài viết, đây là tư tưởng đặc biệt quan trọng song hành cùng tăng gia sản xuất. Kiệm là một trong bốn đức tính cần có của con người “cần - kiệm - liêm chính - chí công vô tư” như một trong bốn mùa của trời, bốn phương của đất. Muốn phát triển kinh tế không chỉ cần cù, TẠP CHÍ KHOA HỌC KINH TẾ - SỐ 8(03) - 2020 53 chịu khó làm việc, còn cần phải tiết kiệm. Có tiết kiệm thì mới có vốn để sản xuất. Theo Hồ Chí Minh, “Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, 2011, tr.123). Tiết kiệm có các loại: tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của. Tiết kiệm sức lao động là việc gì trước kia phải dùng 10 người nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ cần dùng 5 người cũng làm được. Tiết kiệm thời gian là việc gì trước phải làm 2 ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm trong 1 giờ. Theo Người, thời gian cũng phải tiết kiệm như tiết kiệm của cải. Bởi “của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời gian đã qua rồi, thì không bao giờ kéo nó trở lại được” và “muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi, không nên “nay lần mai nữa” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, 2011, tr.123). Tiết kiệm tiền của là việc gì trước phải dùng nhiều người, nhiều thời gian, phải tốn nhiều tiền của, thì nhờ tiết kiệm có thể sẽ dùng ít tiền của hơn. Nói tóm lại, “Chúng ta phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để một người có thể làm việc như hai người, một ngày có thể làm việc của hai ngày, một đồng có thể dùng bằng hai đồng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, 2011, tr.353) Về tích lũy xã hội chủ nghĩa: Hồ Chí Minh khẳng định chúng ta không thể đi theo con đường như các nước tư bản đã tiến hành trong việc tạo vốn cho phát triển kinh tế xã hội. Theo Người, “con đường chung của chúng ta, con đường chung của các nước xã hội chủ nghĩa, là lấy sự dành dụm của mình làm nguồn vốn để xây dựng công nghiệp” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.452). Dành dụm là tiết kiệm, nhưng tiết kiệm không phải chỉ là một, hai người, hay một vài tổ chức, mà là tiết kiệm toàn xã hội, sự dành dụm to lớn ấy là quá trình tích lũy xã hội chủ nghĩa. Tích lũy xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh “là sự dành dụm chung của cả nước” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.452). Nó là hoạt động có thể thực hiện được, bắt nguồn từ thói quen tiết kiệm của nhân dân ta. Theo Hồ Chí Minh, từ bao đời nhân dân ta vẫn mong sao cho có cái “của ăn, của để”, cho nên mỗi người, mỗi gia đình nhận thấy cần thiết phải tiết kiệm, để làm cho đời sống được ổn định. Tuy nhiên, nếu chỉ dành dụm riêng rẽ đó, thì đời sống nhân dân lao động cũng chỉ “giẫm chân một chỗ”, không thể nào tiến bộ và vươn lên được. Nhân dân cần phải có một sự dành dụm to lớn hơn nữa, tiết kiệm trên quy mô rộng hơn nữa, đó là tiết kiệm toàn quốc, hay là sự tích lũy xã hội chủ nghĩa. Tích lũy xã hội chủ nghĩa nhưng đồng thời phải biết chi tiêu cho đúng. Theo Hồ Chí Minh, chi tiêu có hai hướng chi tiêu. Một bên là chi tiêu trực tiếp cho sản xuất, như xây dựng nhà máy, hầm mỏ, nông trường, thủy lợi một bên là chi tiêu cho những hoạt động không sản xuất trực tiếp như nhà trường, y tế, nhà ở. Giữa hai bên này, theo Người, “những việc không sản xuất cũng cần thiết, cũng cần được chú ý đúng mức. Nhưng chúng ta phải luôn luôn đặt việc chi tiêu cho sản xuất lên trên hết. Vì vốn dùng vào sản xuất thì sinh sôi nảy nở, mang lại nguồn no ấm ngày càng dồi dào cho nhân dân lao động. Còn vốn dùng vào những việc không sản xuất thì không trực tiếp có tác dụng như thế” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.464) 2.3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, quan liêu, lãng phí trong tăng gia sản xuất, tích lũy xã hội chủ nghĩa Tăng gia sản xuất, tích lũy xã hội chủ nghĩa phải đi đôi với việc chống những tệ nạn tiêu cực, tham ô, quan liêu, lãng phí. Hồ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 54 Chí Minh gọi những tệ nạn này là “giặc nội xâm”, những thứ giặc trong lòng. Theo Hồ Chí Minh, những tệ nạn này không khác giặc ngoại xâm, nó chỉ chờ đợi cơ hội để sinh sôi nảy nở, làm hại đến công việc của ta. Người viết: “muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi. Muốn thành công trong tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu. Nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, 2011, tr.355) Tham ô, là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét nhân dân, ăn bớt của bộ đội. Đó là bệnh tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho bản thân. Người nói: “Ai cũng biết tham ô là xấu. Tham ô là gì? Là ăn cắp của công, của riêng của người ta, hay của nhân dân. Ăn cắp thì ai cũng biết là xấu. Không ai khoe là đã ăn cắp vì biết nó xấu. Trong xã hội đế quốc, tư bản, phong kiến, người không ăn cắp, tham ô rất ít. Không nhiều thì ít đều có cả” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, 2011, tr.5) Lãng phí là lãng phí của dân, dân đã làm đổ mồ hôi, rơi nước mắt mới nộp cho chính phủ. Do đó, lãng phí là có tội với nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, lãng phí có nhiều cách: lãng phí sức lao động, lãng phí tiền của, lãng phí thời gian. Giữa tham ô và lãng phí, theo Người, “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi hại hơn cả tham ô” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, 2011, tr.357) Nguyên nhân của tham ô, lãng phí là bởi có tệ nạn quan liêu. Theo Hồ Chí Minh, “nguyên nhân của bệnh này là vì xa quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ quần chúng phê bình” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, 2011, tr.433). Những người này không theo sát công việc thực tế, không theo dõi, giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét mọi mặt, không vào sâu vấn đề, không kiểm tra đến nơi, đến chốn. Biểu hiện của bệnh quan liêu được thể hiện qua nhiều vẻ khác nhau, với nhiều đối tượng khác nhau. Đối với người khác, người mắc bệnh quan liêu “chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích tuyên truyền, không biết làm cho dân chúng tự giác và tự động”, đối với việc, người mắc bệnh này thường chỉ biết khai hội, viết nghị quyết, ra chỉ thị chứ không biết điều tra thực tiễn, nghiên cứu, giúp đỡ, khuyến khích kiểm tra công việc. Đặc biệt đối với bản thân, họ thường “làm việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi, làm cho qua chuyện. Nói một đằng làm một nẻo, chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí, trước mặt dân lại lên mặt “quan cách mạng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6,2011, tr.434) Biện pháp để giải quyết được bệnh quan liêu: Theo Hồ Chí Minh “mỗi khi làm việc gì cần đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết, phải gần gũi nhân dân, hiểu biết dân, học hỏi dân, thực thà phê bình và tự phê bình, phải gương mẫu thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, 2011, tr.434) 2.4. Mối quan hệ giữa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, và chống tham ô, quan liêu, lãng phí Trong quá trình lãnh đạo đất nước xây dựng thời kỳ quá độ, Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối quan hệ giữa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, và chống tham ô, quan liêu, lãng phí. Thứ nhất, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tăng gia sản xuất đòi hỏi phải cần cù, chịu TẠP CHÍ KHOA HỌC KINH TẾ - SỐ 8(03) - 2020 55 khó, làm ra hàng hóa cho mau, cho tốt, cho nhiều, nhưng phải thi đua tiết kiệm, không lãng phí, phải quý trọng của công. Theo Người, “Nếu chỉ kiệm thì sản xuất được ít, không đủ dùng. Nếu Cần mà không Kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy, kết quả là không lại hoàn không. Cho nên Cần và Kiệm là như tay phải và tay trái. Hai tay không thể thiếu một” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, 2011, tr.333). Nếu khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời gian, thì chúng ta có thể “tăng gia sản xuất gấp bội, mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội. Đó là một sự thực chắc chắn, chứ không phải lý luận cao xa” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, 2011, tr.355) Thứ hai, tăng gia sản xuất đặt trong mối quan hệ với thực hành tiết kiệm và tích lũy xã hội chủ nghĩa. Theo Hồ Chí Minh, “nguồn tích lũy xã hội chủ nghĩa là sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân, và những món lợi do các ngành kinh tế quốc dân đem lại. Cho nên, công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân khác càng cố gắng thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thì tích lũy xã hội chủ nghĩa tăng lên. Tích lũy xã hội chủ nghĩa tăng nhanh thì sự nghiệp công hóa nước nhà sẽ tiến nhanh, và đời sống của mọi người sẽ chóng được no ấm, đầy đủ” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, 2011, tr.452). Mục đích của tích lũy xã hội chủ nghĩa không có gì khác là để mở mang kinh tế, xây dựng công nghiệp, xây dựng đời sống ngày càng ấm no cho nhân dân lao động. Thứ ba, không chỉ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích lũy xã hội chủ nghĩa mà đồng thời phải chống lại các thứ giặc “nội xâm” tham ô, quan liêu, lãng phí. Ba căn bệnh “nội xâm” này là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Theo Hồ Chí Minh, đây là kẻ thù nguy hiểm, bởi vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm ở trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta. Dù cố ý hay không “nó cũng là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, 2011, tr.358). Bởi nó làm chậm công việc của ta, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta, nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta. Tội lỗi này, theo Hồ Chí Minh, cũng giống như tội lỗi Việt gian, mật thám. Vì lẽ đó, trong quá trình phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất phải đặc biệt chú ý đến chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, xem đây là một công việc cần kíp như đánh giặc. Đây được xem là mặt trận tư tưởng và chính trị. Muốn tiêu diệt được 3 căn bệnh này phải có sự chuẩn bị, có kế hoạch, tổ chức và phải có lãnh đạo và sự trung kiên. Theo Hồ Chí Minh, trước tiên, phải đả thông tư tưởng. Lãnh đạo các tổ chức, đơn vị phải giải thích rõ ràng, nói đi nói lại cho mọi người hiểu ba thứ giặc nội xâm ấy là gì, vì sao phải chống những nạn ấy, để loại bỏ những tư tưởng sai lầm và củng cố tư tưởng cho cán bộ, đảng viên. Thứ hai, phải tổ chức cho cán bộ học tập, nghiên cứu, thực thà tự phê bình, và phê bình người khác để xem bản thân và mọi người có tham ô, lãng phí, quan liêu hay không, phải thực sự thật thà, phải “đào tận gốc rễ những khuyết điểm, không nên thoa vẽ, không nên ít thít ra nhiều, cũng càng không nói việc nhỏ bỏ việc lớn, nói việc cũ quên việc mới” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, 2011, tr.360). Thứ ba, các đơn vị hay cơ quan tiến hành phê bình, đánh giá chung cho đơn vị mình, để giải thích các thắc mắc sửa chữa những khuyết điểm của mọi người, khen ngợi những người có tinh thần tích cực trong phong trào phòng chống tham ô, lãng phí, quan liêu, đặt chương trình chung cho từng đơn vị trong tương lai. Nhìn chung, trong phong trào tham ô, lãng phí, quan liêu, Hồ Chí Minh, cho rằng “giáo dục là chính, trừng phạt là phụ” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, 2011, tr.361) Chống lại ba thứ giặc này cũng là một cuộc cách mạng khó khăn, lâu dài. Mặc dù TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG 56 thực dân và phong kiến tuy đã bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó thì vẫn còn, điều ấy có nghĩa cách mạng chưa hoàn toàn thành công, vì “nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng đấu tranh của cách mạng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, 2011, tr.361). Được biểu hiện ở chỗ, có những người trong lúc đấu tranh cách mạng thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ khổ cực, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song khi có ít nhiều quyền lực trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu biến thành người có tội với cách mạng. Hoặc có những người bị vật chất cám dỗ mà phạm vào các thứ giặc này, cho nên theo Hồ Chí Minh, “chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7,2011, tr.361). Những căn bệnh này là những cái thứ xấu xa của xã hội cũ, nó do lòng tự tư tự lợi ích kỷ hại nhân mà ra, nó do chế độ người bóc lột người mà ra. Do đó, nếu “chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới tốt đẹp, bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính thì chúng ta phải tẩy chay sạch sẽ hết những thói xấu của xã hội cũ” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7,2011, tr.362). Cho nên, chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng là một cuộc cách mạng. 3. Kết luận Ngay từ khi Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đã mang ý nguyện cứu dân, giúp nước, thoát khỏi cảnh lầm than, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ lên làm chủ xã hội, chủ đất nước. Sau khi giành chính quyền, Hồ Chí Minh chỉ đạo trực tiếp công cuộc kháng chiến, kiến quốc, cốt làm sao để dân có cái ăn, cái mặc, được học hành và ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Muốn khắc phục giặc đói, sự tàn phá của chiến tranh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải tích cực tăng gia sản xuất. Tăng gia sản xuất tạo điều kiện giúp chúng ta thoát khỏi giặc đói, kết hợp với thực hành tiết kiệm gây cơ sở cho việc tích lũy xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, mục tiêu chỉ đạt được khi đồng bộ các nhiệm vụ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm với chống tệ tham ô, nạn quan liêu, lãng phí. Đó là hệ thống các quan điểm toàn diện, hệ thống và logic của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế. Đó cũng là những chỉ dẫn quan trọng của Hồ Chí Minh đối với Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Tập 3, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Tập 4, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Tập 6, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Tập 7, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Tập 8, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Tập 10, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Tập 12, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfmoi_quan_he_giua_tang_gia_san_xuat_thuc_hanh_tiet_kiem_tich.pdf
Tài liệu liên quan