Thiệt hại thực tế là những thiệt hại có thể tính toán được một cách tương đối hợp lý mà bên bị vi phạm phải chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm.Ví dụ hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại Thiệt hại đó có thể là thiệt hại trực tiếp hoặc thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại xảy ra trong thực tế có thể tính toán một cách dễ dàng và chính xác như tài sản bị mất, giá trị hàng hóa bị giảm sút, chi phí bảo quản hàng hóa Thiệt hại gián tiếp là những thiệt hại phải dựa trên sự suy đoán hợp lý, logic và khoa học mới có thể tính toán được như thu nhập bị giảm sút
18 trang |
Chia sẻ: thanhnguyen | Lượt xem: 2251 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa - 9 điểm
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
I. Khái quát chung về pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa……………….1
II. Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa………………………2
2.1. Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa……………………………………2
2.2. Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa………………………………...2
2.3. Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa…………………………………2
2.4. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa………………………………….2
2.5. Giao kết hợp đồng của mua bán hàng hóa…………………………………..3
2.6. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng…………………………………………..5
2.7. Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa………………………………………6
2.8. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa……………………11
III. Một số ý kiến về việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hợp đồng
mua bán hàng hóa ……………………………………………………………….14
3.1. Một số nhận xét về pháp luật điều chỉnh hợp đồng
mua bán hàng hóa…………………………………………………………………..14
3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hợp đồng
mua bán hàng hóa…………………………………………………………………...15
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
LỜI MỞ ĐẦU
Trong bối cảnh toàn cấu hóa dần mở rộng nhiều quan hệ mua bán hàng hóa, việc mua bán hàng hóa không chỉ diễn ra trong lãnh thổ một nước với nhau mà còn thực hiện các quan hệ trao đổi mua bán hàng hóa quốc tế. Nhất là trong quan hệ mua bán hàng hóa hiện nay, thì việc mua bán hay cung ứng dịch vụ thường được thể hiện dưới nhiều cách thức và nội dung khác nhau nên các hành vi mua bán hàng hóa trong thương mại được thể hiện bằng một hình thức nhất định đó là hợp đồng mua bán hàng hóa. Khi xuất hiện một hình thức giao kết bằng hình thức hợp đồng đã giúp cho việc trao đổi hàng hóa giữa các thương nhân hay các chủ thể với nhau được tiến hành dễ dàng và có cơ sở pháp lí thống nhất. Luật thương mại và Bộ luật dân sự đã đưa ra những quy định nhất định để điều chỉnh các quan hệ trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
NỘI DUNG
I. Khái quát chung về hợp đồng mua bán hàng hóa.
Quan hệ mua bán hàng hóa đươc xác lập và thực hiện trên cơ sở thuận, tức là trên cơ sở thống nhất ý chí của các bên. Sự thống nhất ý chí hay còn gọi là sự thỏa thuận đó được thể hiện dưới hình thức nhất định gọi là hợp đồng mua bán hàng hóa. Hợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất của hợp đồng mua bán nói chung. Đó là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập,thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán. Dù là mua bán tài sản trong dân sự hay mua bán hàng hóa trong thương mại thì bản chất của nó cũng không có gì đổi khác mà vẫn có nội dung là: người bán phải giao đối tượng được bán và quyền sở hữu đối tượng đó cho người mua và nhận tiền, còn người mua thì nhận đối tượng được mua và trả tiền. Luật thương mại (LTM) năm 2005 không đưa ra định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa, nhưng chúng ta có thể xác định hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại dựa vào quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 về hợp đồng mua bán tài sản. Từ đó cho thấy hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản. Một hợp đồng mua bán có thể là thỏa thuận về việc mua bán hàng hóa ở hiện tại hoặc mua bán hàng hóa sẽ có ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Bất cứ khi nào một người mua hàng hóa bằng tiền hoặc phương thức thanh toán khác và nhận quyền sở hữu hàng hóa thì khi đó hình thành nên quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa.
II. Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa.
2.1. Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa.
Hợp đồng mua bán hàng hóa được thiết lập giữa các chủ thể chủ yếu là thương nhân hoặc một trong hai bên phải là thương nhân. Theo quy định của LTM năm 2005, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh. Tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp nhằm mục đích hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng kí kinh doanh sẽ được coi là thương nhân. Thương nhân là chủ thể hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài. Ngoài chủ thể là thương nhân, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa. Khác với bên là thương nhân, bên không phải là thương nhân có thể là mọi chủ thể có đủ năng lực hành vi để tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa theo quy định của pháp luật.
2.2. Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa.
Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Hàng hóa là những sản phẩm lao động của con người, được tạo ra nhằm mục đích trao đổi để thỏa mãn nhu cầu của con người. Hàng hóa có thể là vật, là sức lao động của con người, là các quyền tài sản. Dưới góc độ kinh tế, hàng hóa được phân thành tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Dưới góc độ pháp luật, hàng hóa được phân thành động sản và bất động sản.
2.3. Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa.
Về hình thức, hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thiết lập theo cách thức mà hai bên thể hiện được sự thỏa thuận mua bán hàng hóa giữa các bên. Hợp đồng mua bán có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong những trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phả thiết lập hợp đồng mua bán hàng hóa bằng hình thức văn bản (Điều 24 LTM 2005). Các hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa đó đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho các bên tham gia quan hệ mua bán hàng hóa có thể lựa chọn hình thức phù hợp nhất đảm bảo quyền lợi của mình.
2.4. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa.
Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập quyền và nghĩa vụ của họ trong việc mua bán. Do đó, nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa trước hết là những điều khoản do các bên thỏa thuận. Các bên có quyền quyết định nội dung của hợp đồng. Bởi vì quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng phát sinh chủ yếu từ những điều khoản mà các bên thỏa thuận đó. Do đó, các bên thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng càng rõ ràng bao nhiêu thì càng thuận lợi trong việc thực hiện hợp đồng bấy nhiêu.
Xuất phát từ nguyên tắc tự do hợp đồng, pháp luật không giới hạn các điều khoản mà các bên thỏa thuận với nhau. Nội dung của hợp đồng trước hết là những điều khoản mà các bên phải thỏa thuận được với nhau. Trên cơ sở các quy định của BLDS và LTM, xuất phát từ tính chất của quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại, có thể thấy những điều khoản quan trọng của hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm: đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm giao nhận hàng.
Mặc dù nội dung của hợp đồng do các bên thỏa thuận, nhưng trong mọi quan hệ hợp đồng nói chung và trong quan hệ mua bán hàng hóa nói riêng, các bên không chỉ chịu sự ràng buộc bởi các điều khoản mà các bên thỏa thuận mà còn chịu sự ràng buộc bởi những quy định của pháp luật. Như vậy, nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa không chỉ là các điều khoản do các bên thỏa thuận mà còn có thể bao gồm cả những điều khỏan do các bên không thỏa thuận nhưng theo quy định của pháp luật các bên có nghĩa vụ phải thực hiện.
2.5. Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa.
2.5.1. Đề nghị giao kết hợp đồng.
Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, đề nghị giao kết hợp đồng chính là chào hàng. Chào hàng là một quy định được thừa nhận trong các thông lệ quốc tế về mua bán hàng hóa. Theo điều 390 BLDS: “đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã xác định được cụ thể”.
Đề nghị giao kết hợp đồng là hành vi pháp lý đơn phương có thể do bến bán hoặc bên mua đưa ra. BLDS cũng như LTM 2005 không quy định về hình thức của đề nghị hợp đồng mua bán hàng hóa, song có thể dựa vào quy định về hình thức của hợp đồng mua bán theo Điều 24 LTM để xác định hình thức của đề nghị hợp đồng theo đó đề nghị hợp đồng có thể dược thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc kết hợp giữa các hình thức này.
Đề nghị hợp đồng được gửi đến cho một hay nhiều chủ thể đã xác định. Đề nghị đó phải được gửi đích danh và nội dung của đề nghị đó phải rõ ràng, có ý định đặt quan hệ mua bán hàng hóa thực sự. Hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng mua bán thông thường được bên đề nghị ấn định. Trường hợp bên đề nghị không ấn định thời điểm có hiệu lực của đề nghị hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. Trong thời hạn đề nghị hợp đồng có hiệu lực, nếu bên được đề nghị thông báo chấp nhận vô điều kiện đề nghị hợp đồng thì hợp đồng mua bán hàng hóa được hình thành và có giá trị ràng buộc các bên. Nếu các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng thì phải chịu các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng.
Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp: bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng thời điểm nhận được đề nghị; điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên dề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh. Nếu bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới (Điều 392 BLDS).
Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau: bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận; hết thời hạn trả lời chấp nhận; thông báo về việc rút lại đề nghị có hiệu lực; thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực; theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.
2.5.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa.
Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị chuyển cho bên đề nghị việc chấp thuận toàn bộ nội dung đã nêu trong đề nghị giao kết hợp đồng. Như vậy chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng chỉ có giá trị khi đó là hành động mang tính tích cực của đối tác trong giao dịch mua bán hàng hóa. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được xác định tùy từng trường hợp. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận thì chỉ hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được sự chấp nhận đề nghị khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kêt hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị. Khi các bên trực tiếp tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận về thời hạn trả lời.
Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.
2.5.3. Thời điểm giao kết hợp đồng.
Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định sự tồn tại của hợp đồng, là cơ sở để xác định phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Về nguyên tắc chung, hợp đồng mua bán được giao kết vào thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận. Việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng mua bán theo Điều 404 BLDS.
Hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (điều 405 BLDS).
2.6. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.
Luật thương mại không quy định cụ thể các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa. Căn cứ vào các quy định của từ Điều 122 đến Điều 135 BLDS, hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực khi đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, các chủ thể tham gia hợp đồng mua bán phải có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Trong thực tiễn, các chủ thể tham gia hợp đồng mua bán chủ yếu là thương nhân. Khi tham gia hợp đồng mua bán với mục đích lợi nhuận, các thương nhân phải đáp ứng điều kiện có đăng kí kinh doanh hợp pháp đối với hàng hóa được mua bán. Còn trong trường hợp mua bán hàng hóa có điều kiện thì các thương nhân phải đáp ứng theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, người giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa phải là người đại diện hợp pháp của các bên. Đại diện hợp pháp của chủ thể hợp đồng có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Khi xác định thẩm quyền giao kết hợp đồng mua bán theo Điều 145 BLDS, người không có quyền đại diện giao kết, thực hiện sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với bên hợp đồng được đại diện, trừ trường hợp được người đại diện hợp pháp của bên được đại diện chấp thuận.
Thứ ba, mục đích và nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán phải là hàng hóa được kinh doanh hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết không trái với các nguyên tắc ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật. Theo quy định của BLDS, việc giao kết hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán phải tuân theo các nguyên tắc: tự do giao kết nhưng không trái pháp luật và đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng (Điều 389 BLDS).
Thứ năm, hình thức hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Để hợp đồng mua bán có hiệu lực, hợp đồng mua bán hàng hóa phải được xác lập theo những hình thức được pháp luật thừa nhận. Theo Điều 24 LTM 2005, hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2.7. Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.
2.7.1. Nguyên tắc thực hiện.
Theo quy định của BLDS, việc thực hiện hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây: Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức giao nhận hàng, thanh toán và các thỏa thuận khác; thực hiện hợp đồng một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau; không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ich hợp pháp của người khác.
2.7.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
2.7.2.1. Nghĩa vụ của bên bán.
a, Bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua theo thỏa thuận.
Dù trong hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên có thỏa thuận như thế nào thì giao hàng vẫn là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Thỏa thuận về điều kiện giao nhận hàng hóa nhằm mục đích xác định trách nhiệm và chi phí giao hàng của các bên như đối với vận tải, bảo hiểm hàng hóa, thủ tục hải quan, thuế xuất nhập khẩu, gánh chịu rủi ro. Theo quy định của LTM 2005, bên bán phải giao hàng, chứng từ theo thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và chứng từ liên quan theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, hàng hóa phải được giao đúng đối tượng và chất lượng. Đối tượng và chất lượng hàng hóa là những nội dung cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên bán phải thực hiện giao hàng đúng đối tượng và chất lượng theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.
Thứ hai, hàng hóa phải giao đúng số lượng. Bên bán phải giao hàng hóa đúng số lượng như đã thỏa thuận. Nếu giao hàng thiếu, bên bán đã vi phạm hợp đồng, bên bán phải giao đủ số lượng và phải chịu trách nhiệm về việc giao thiếu đó. Nếu trường hợp bên bán giao thừa hàng thì bên mua có quyền từ chối hoặc chấp nhận số hàng thừa đó. Nếu người mua từ chối nhận phần hàng hóa giao thừa, người bán phải nhận lại số hàng thừa và chịu mọi chi phí liên quan. Trường hợp bên mua chấp nhận số hàng thừa thì phải thanh toán số hàng này theo giá do các bên thỏa thuận.
Thứ ba, hàng hóa phải được giao cùng với chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định tại Điều 42 LTM 2005. Nếu chỉ giao hàng mà không giao các chứng từ liên quan, làm cho người mua chưa sử dụng hoặc định đoạt được hàng hóa đó thì có thể coi như bên bán chưa giao hàng.
Thứ tư, hàng hóa phải giao đúng thời hạn theo quy định tại Điều 37 LTM 2005. Khi bên bán thông báo thời điểm giao hàng cho bên mua thì thời điểm đó trở thành thời điểm giao hàng cố định và bên bán phải thưc hiện việc giao hàng tại thời điểm đó như đã thông báo.
Thứ năm, hàng hóa phải giao đúng địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng (khoản 1 Điều 35 LTM). Trường hợp không có thoả thuận về địa điểm giao hàng thì địa điểm giao hàng được xác định như theo khoản 2 Điều 35.
b, Bên bán có nghĩa vụ đảm bảo điều kiện để bên mua kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng.
Kiểm tra hàng hóa trước khi giao là rất cần thiết đối với việc mua bán hàng hóa trong thương mại. Theo Điều 44 LTM, trường hợp có thỏa thuận về quyền kiểm tra hàng hóa của bên mua, thì bên bán phải bảo đảm cho bên mua có điều kiện tiến hành việc kiểm tra. Nếu bên mua không thực hiện việc kiểm tra hàng hóa theo thỏa thuận, thì bên bán có quyền giao hàng theo hợp đồng. Sau khi kiểm tra hàng, nếu phát hiện hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, bên mua phải thông báo cho bên bán một thời hạn hợp lý. Nếu bên mua không thực hiện việc thông báo này, bên bán sẽ không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hóa, trừ trường hợp các khiếm khuyết của hàng hóa không thể phát hiện được trong quá trình kiểm tra bằng biện pháp thông thường và bên bán đã biết hoặc phải biết về các khiếm khuyết đó nhưng không thông báo cho bên mua.
c, Bên bán có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa cho bên mua.
Để có thể chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa cho bên mua, tạo điều kiện cho bên mua có thể tự do định đoạt đối với hàng hóa được mua theo hợp đồng, bên bán phải đảm bảo hàng hóa không có bất cứ “khuyết tật pháp lý” nào theo quy định tại Điều 45, Điều 46 LTM.
Theo Điều 62 LTM năm 2005, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, quyền sở hữu hàng hóa cũng có thể được chuyển giao từ bên bán sang bên mua ở những thời điểm khác nhau, tùy theo tính chất của hàng hóa và phương thức mua bán.
Đối với hàng hóa mua bán là động sản, thì quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao từ bên bán sang bên mua khi bên bán giao hàng cho bên mua. Đối với hàng hóa mua bán là bất động sản, việc giao nhận hàng hóa được thực hiện thông qua việc giao nhận chứng từ về hàng hóa, thì quyền sở hữu hàng hóa được chuyển giao cho bên mua khi bên bán hoàn tất việc chuyển giao các chứng từ về hàng hóa đó cho bên mua. Đối với hàng hóa mua bán mà pháp luật quy định phải đăng kí quyền sở hữu thì sở hữu hàng hóa được chuyển giao cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục chuyển đăng kí quyền sở hữu đối với hàng hóa từ người bán sang người mua hay đăng kí quyền sở hữu đối với hàng hoá cho bên mua.
Trường hợp hàng hóa không dịch chuyển khi giao nhận và cũng không có chứng từ về hàng hóa, quyền sở hữu hàng hóa được coi như là đã chuyển giao tại địa điểm và thời gian hợp đồng có hiệu lực.
Trường hợp mua bán hàng hóa theo phương thức mua sau khi sử dụng thử, thì trong thời hạn dùng thử, hàng hóa vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Tuy nhiên, trong thời hạn dùng thử, quyền sở hữu hàng hóa của bên bán bị hạn chế, bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, rao đổi, thế chấp, cầm cố hàng hóa khi bên mua chưa trả lại.
Trường hợp hàng hóa được mua bán theo phương thức trả chậm, trả dần, thì bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với hàng hóa đã giao cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (Điều 461 BLDS).
d, Rủi ro đối với hàng hóa.
Về nguyên tắc chung, việc xác định trách nhiệm chịu rủi ro đối với hàng hóa trước hết cần căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì áp dụng quy định của pháp luật từ Điều 57 đến Điều 61 LTM 2005. Ngoài ra, trong các trường hợp khác, rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng. Bên mua không chịu rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa, nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng kí hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kì cách thức nào.
e, Bảo hành.
Bên bán có nghĩa vụ bảo hành hàng hóa theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật. Bảo hành hàng hóa là việc bên bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa sau khi đã giao hàng hóa cho bên mua, trong một thời hạn nhất định. Việc bảo hành được thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Theo Điều 49 LTM 2005, trường hợp hàng hoá mua bán có bảo hành thì bên bán phải chịu trách nhiệm bảo hành hàng hoá đó theo nội dung và thời hạn đã thỏa thuận. Bên bán phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành trong thời gian ngắn nhất mà hoàn cảnh thực tế cho phép. Bên bán phải chịu các chi phí về việc bảo hành, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2.7.2.2. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của bên mua.
a, Bên mua hàng có nghĩa vụ nhận hàng.
Nhận hàng là nghĩa vụ cơ bản của bên mua (Điều 56 LTM 2005). Nhận hàng là việc bên mua công nhận nghĩa vụ giao hàng của bên bán, tức là bên mua đã nhận hàng về mặt pháp lý. Bên mua hàng có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận. Khi nhận hàng, bên mua phải thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng. Cần lưu ý, việc nhận hàng tại thời điểm giao hàng không đồng nghĩa với việc nguời mua đã chấp nhận hàng hóa được giao mà mới chỉ là tiếp nhận hàng về mặt thực tế. Khi bên bán đã sẵn sàng giao hàng đúng hợp đồng, mà bên mua không tiếp nhận thì bên mua vi phạm hợp đồng và phải chịu các biện pháp chế tài theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
b, Bên mua có nghĩa vụ thanh toán.
Thanh toán là nghĩa vụ quan trọng nhất của bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng theo thỏa thuận và các bên có thỏa thuận về phương thức, thời hạn và thời điểm thanh toán. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về những nội dung cụ thể liên quan đến việc thanh toán, thì áp dụng quy định của pháp luật về địa điểm thanh toán theo Điều 54 LTM, thời hạn thanh toán theo Điều 55 LTM. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng, trong trường hợp hàng hóa mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra. Khi người mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì người bán cũng có thể căn cứ vào Điều 308, Điều 310 và Điều 312 LTM để tạm ngừng giao hàng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng.
Theo Điều 52 LTM, trường hợp không có thoả thuận về giá hàng hoá, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hoá được xác định theo giá của loại hàng hoá đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua bán hàng hoá, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá.
Trường hợp bên mua chậm thanh toán tiền hàng và các chi phí hợp lý khác thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoạc pháp luật có quy định khác (Điều 306 LTM).
Nếu không có thỏa thuận khác, bên mua có quyền ngừng thanh toán tiền mua hàng trong những trường hợp sau đây: Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối; bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp; bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng; trường hợp tạm ngừng thanh toán vì hàng hóa là đối tượng của tranh chấp hoặc hàng hóa giao không phù hợp với hợp đồng mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực, gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của pháp luật.
2.8. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa.
2.8.1. Căn cú áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
2.8.1.1. Có hành vi vi phạm hợp đồng.
Khi các bên đã kí kết hợp đồng và khi hợp đồng đã có hiêu lực thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng. Nếu các bên không thực hiện hoặc thực hiên không đúng các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng là vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Các bên trong quan hệ hợp đồng không chỉ phải thực hiện đúng các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mà còn phải thực hiện đúng các nghĩa vụ phát sinh từ những quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng đó. Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng.
2.8.1.2. Có thiệt hại thực tế xảy ra.
Thiệt hại thực tế là những thiệt hại có thể tính toán được một cách tương đối hợp lý mà bên bị vi phạm phải chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm.Ví dụ hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại… Thiệt hại đó có thể là thiệt hại trực tiếp hoặc thiệt hại gián tiếp. Thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại xảy ra trong thực tế có thể tính toán một cách dễ dàng và chính xác như tài sản bị mất, giá trị hàng hóa bị giảm sút, chi phí bảo quản hàng hóa… Thiệt hại gián tiếp là những thiệt hại phải dựa trên sự suy đoán hợp lý, logic và khoa học mới có thể tính toán được như thu nhập bị giảm sút…
2.8.1.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại thực tế.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế là mối quan hệ giữa nguyên nhân là hành vi vi phạm hợp đồng đã trực tiếp gây ra hậu quả là thiệt hại thực tế. Đó là quan hệ nội tại, tất yếu, nếu không có hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm thì không thể có thiệt hại thực tế xảy ra cho bên bị vi phạm. Hành vi vi phạm phải có trước thiệt hại và trực tiếp gây ra thiệt hại. Bên có hành vi vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại thực tế là hậu quả tất yếu do chính hành vi vi phạm của mình gây ra. Trong thực tế có thể có trường hợp hợp đồng bị vi phạm nhưng không trực tiếp gây ra thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm không phải bồi thường.
2.8.1.4. Có lỗi của bên vi phạm.
Lỗi của bên vi phạm hợp đồng là căn cứ bắt buộc phải có để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Khi xác định lỗi của chủ thể là tổ chức vi phạm hợp đồng phải căn cứ vào lỗi của người đại diện cho tổ chức đã giao kết và thực hiện hợp đồng. Trách nhiệm hợp đồng được áp dụng theo nguyên tắc lỗi suy đoán, theo đó mọi hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hợp đồng đều bị suy đoán là có lỗi trừ trường hợp bên vi phạm chứng minh được là mình không có lỗi.
2.8.2. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
2.8.2.1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
Theo điều 297 LTM, buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. Bản chất của hình thức chế tài này là bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên bị vi phạm.
Căn cứ để áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng là có hành vi vi phạm hợp đồng và có lỗi của bên vi phạm. Trường hợp bên bị vi phạm và bên vi phạm thỏa thuận thay thế nghĩa vụ này bằng nghĩa vụ khác, không được coi là áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng.
2.8.2.2. Phạt hợp đồng.
Phạt hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền do vi phạm trả hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các truờng hợp bên vi phạm được miễn trách nhiệm. Như vậy, phạt hợp đồng là một hình thức chế tài bằng tiền do vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận.
Theo Điều 300 LTM 2005, chế tài phạt được áp dụng khi có đủ hai căn cứ sau đây: có sự thỏa thuận của các bên về việc áp dụng chế tài phạt hợp đồng và có hành vi vi phạm hợp đồng.
2.8.2.3. Bồi thừờng thiệt hại.
Khác với phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên vi phạm trong quan hệ hợp đồng mua bán. Bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm gây ra thiệt hại thực tế và hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại (Điều 303 LTM 2005). Về nguyên tắc, bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên, những khoản thiệt hại đòi bồi thường phải nằm trong phạm vi được pháp luật ghi nhận. Khi xảy ra vi phạm hợp đồng, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp để hạn chế thiệt hại, để thiệt hại xẩy ra lớn, thì bên vi phạm cũng phải gánh chịu một phần (Điều 305 LTM 2005).
2.8.2.4. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.
Là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mua bán. Căn cứ để một bên có quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng là xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng hoặc một bên vi phạm hợp đồng. Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng (khoản 13 Điều 3 LTM).
Khi hợp đồng mua bán bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Bên bị vi phạm có quyền đòi bồi thường thiệt hại theo quy định. Khi tạm ngừng thực hiện hợp đồng phải thông báo cho bên vi phạm biết. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2.8.2.5. Đình chỉ việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.
Đình chỉ thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mua bán, khi xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. (Điều 310 LTM). Có thể nói đình chỉ hợp đồng là hành vi đơn phương chấm dứt quan hệ hợp đồng của một bên khi bên kia vi phạm hợp đồng. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2.8.2.6. Hủy bỏ hợp đồng.
Hủy bỏ hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc chấm dứt thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ hợp đồng. Các bên có quyền kí kết hợp đồng thì các bên cũng có quyền hủy bỏ hợp đồng. Theo Điều 388 BLDS 2005 thì hủy bỏ hợp đồng cũng là hợp đồng đó là sự thỏa thuận của các bên về việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ.
2.8.3. Miễn trách nhiệm hợp đồng.
Miễn trách nhiệm hợp đồng mua bán hàng hóa là việc bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không phải chịu các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Khi kí kết hợp đồng, các bên thỏa thuận về giới hạn trách nhiệm các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng. Nếu các bên không thỏa thuận, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm hợp đồng trong các trường hợp do pháp luật quy định. Theo khoản 1 Điều 294 LTM, bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán được miễn trách nhiệm trong những trường hợp sau đây: Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thảo thuận; xảy ra sự kiện bất khả kháng; hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; hành vi vi phạm của một bên là do bên này phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Bên vi phạm hợp đồng muốn được miễn trách nhiệm hợp đồng thì phải chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Khi xảy ra trường hợp được miễn trách nhiệm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
III. Một số ý kiến về việc hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa .
3.1. Một số nhận xét về pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa.
Hiện nay, có hai văn bản chính điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa trong thương mại đó là Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật thương mại năm 2005. Pháp luật điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa trong thương mại ghi nhân và bảo vệ quyền tự do giao kết hợp đồng của mọi chủ thể. Các chủ thể được toàn quyền thỏa thuận mọi vấn đề liên quan đến hợp đồng sao cho không vi phạm các quy định của pháp luật và trái đạo đức xã hội. Chính vì vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa đã trở thành một công cụ đắc lực phục vụ cho hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường.
Ngoài việc kế thừa pháp luật trước đây, pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa hiện nay còn chứa đựng những nội dung mới hoàn thiện hơn:
Thứ nhất, Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật thương mại năm 2005 đã chấm dứt tình trạng chồng chéo, bất hợp lý trong pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại.
Thứ hai, các quy định điều chỉnh hoạt động múa bán hàng hóa trong thương mại hiện nay được tiếp cận theo hướng mở rộng hơn so với trước đây,phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế thị trường.
Thứ ba, pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa đã mở rộng quyền tự định đoạt của các chủ thể trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.
Thứ tư, pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa hiện nay đã tương đối phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa.
Thứ nhất, về nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa, pháp luật nên quy định điều khoản đối tượng là điều khoản bắt buộc. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình thực hiện hợp đồng cũng như giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, việc quy định như vậy còn có thể hạn chế được các hành vi lừa dối trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.
Thứ hai, về hình thức của hợp đồng, để mở rộng hơn nữa quyền tự do trong giao kết hợp đồng của các chủ thể, có thể cho phép chủ thể được giao kết hợp đồng dưới mọi hình thức không chỉ giới hạn trong ba hình thức như quy định hiện nay. Các bên có thể sử dụng mọi cách thức hợp pháp để chứng minh sự tồn tại của hợp đồng.
Thứ ba, đối với việc xác định tính hợp pháp của hợp đồng, nên có quy định cụ thể về thẩm quyền ký kết hợp đồng, nhất là đối với trường hợp ký kết hợp đồng trên cơ sở được ủy quyền. Trong trường hợp ký kết hợp đồng trên cơ sở được ủy quyền, bên được ủy quyền cần có các bằng chứng cụ thể liên quan tới việc ủy quyền cũng như phạm vi ủy quyền.
Thứ tư, đối với việc đề nghị giao kết hợp đồng, cần có quy định về một thời hạn trả lời hợp lý. Việc trả lời đề nghị giao kết giao kết hợp đồng sẽ có giá trị trong thời hạn pháp luật quy định. Như vậy sẽ đảm bảo được quyền lợi của các bên trong việc giao kết hợp đồng.
KẾT LUẬN
Qua một số vấn đề pháp lý của hợp đồng mua bán hàng hóa chúng ta thấy pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa đã đưa ra những tiêu chí căn bản nhất để thể hiện cụ thể mối quan hệ mua bán giữa các bên, đồng thời cũng đưa ra các nghĩa vụ cơ bản mà các bên phải thực hiện. Qua đó đã giúp cho các thương nhân, các tổ chức và các cá nhân tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa có thể dễ dàng thực hiện, đưa ra những điều kiện cho hợp đồng được giao kết một cách hợp lý và có lợi nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật thương mại, Trường đại học Luật Hà Nội.
2. Luật thương mại năm 2005.
3. Bộ luật dân sự 2005.
4. Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại, Khóa luận tố nghiệp, Nguyễn Ngọc Minh.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 116857m7897t s7889 v7845n 2737873 phamp225p lamp253 v7873 h7907p 273amp7.doc