Việc đối phó với sự xâm nhập ngày càng lan rộng của các hiện tượng
tôn giáo mới và Tin Lành ở vùng miền núi phía Bắc hiện nay đã khiến
hoạt động phục hồi tôn giáo truyền thống không có chiến lược, mà bị lẫn
vào các hoạt động văn hóa, lệ thuộc vào các dự án ngân sách hằng năm
của địa phương. Vì thế, giá trị của tôn giáo truyền thống không phát huy
được vai trò rào cản với các tôn giáo khác trong việc bảo vệ văn hóa cộng
đồng cũng như lưu giữ và trao truyền tri thức bản địa.
Mặc dù các hình thức thờ cúng ma bản, ma rừng, mẹ lúa có bị gián
đoạn, thay đổi hoặc lùi vào quá khứ, nhưng niềm tin vào linh hồn và hình
thức thờ cúng linh hồn người chết tồn tại khá vững bền ở hầu hết các tộc
người thiểu số vùng miền núi phía Bắc. Đây là yếu tố mang tính xuyên
suốt và làm nên sự đồng nhất giữa 54 tộc người trên dải đất Việt Nam,
cũng là yếu tố cần lưu ý trong việc quản lý tôn giáo và tăng cường khối
đoàn kết cộng đồng khác nhau về niềm tin tôn giáo. Tôn giáo truyền
thống của các tộc người còn là các hoạt động văn hóa, xã hội, là chất xúc
tác để cố kết cộng đồng, vì thế khi niềm tin tôn giáo bị phân rẽ thì đồng
thời các cộng đồng dân cư cũng bị chia nhỏ. Quá trình phân rẽ và tách
khỏi tôn giáo bản địa để gia nhập Tin Lành của người Hmông vùng miền
núi phía Bắc và thái độ giữ gìn sắc thái văn hóa gốc của người Thái cho
thấy ý thức tự giác tộc người có vai trò hết sức quan trọng trong việc chủ
động hay thụ động hội nhập và biến đổi tôn giáo.
12 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 801 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Biến đổi tôn giáo truyền thống ở các tộc người thiểu số miền núi phía bắc Việt Nam hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
114 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
NGUYỄN NGỌC MAI *
BIẾN ĐỔI TÔN GIÁO TRUYỀN THỐNG
Ở CÁC TỘC NGƯỜI THIỂU SỐ MIỀN NÚI PHÍA BẮC
VIỆT NAM HIỆN NAY
Tóm tắt: Biến đổi tôn giáo truyền thống ở các tộc người thiểu số
miền núi phía Bắc hiện nay đang là vấn đề đáng lưu tâm đối với
công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và văn hóa. Bài viết tập
trung phản ánh thay đổi trong niềm tin tôn giáo, thực hành nghi lễ
tôn giáo cũng như một số bất cập của công tác quản lý đối với
những vấn đề này nhằm nhìn nhận sự biến đổi tôn giáo truyền
thống một cách khách quan hơn và cụ thể hơn.
Từ khóa: Biến đổi tôn giáo, tôn giáo truyền thống, tộc người thiểu
số, miền núi phía Bắc, quản lý văn hóa, quản lý tôn giáo.
1. Khái niệm biến đổi và biến đổi tôn giáo
Biến đổi là cặp từ Hán - Việt đồng nghĩa. Trong đó, “biến” có nghĩa là
thay đổi. Vì thế, biến đổi được hiểu là sự thay đổi sang một dạng thức
mới khác so với dạng thức tồn tại ban đầu của sự vật hoặc hiện tượng. Từ
nghĩa này, biến đổi được hiểu là “thay đổi thành khác trước”1. Đây là
khái niệm thường được dùng trong y học, toán học hay vật lý, chỉ sự thay
đổi của một nguyên tố, phương trình từ dạng này sang dạng khác. Gần
đây, khái niệm biến đổi được sử dụng trong khoa học xã hội hàm ý chỉ
một sự thay đổi trong cấu trúc của một loại hình/ thiết chế/ tồn tại xã hội
nào đó: biến đổi xã hội, biến đổi lối sống. Biến đổi tôn giáo là theo nghĩa
này, ám chỉ sự thay đổi về cấu trúc, hình thức, thậm chí cả nội hàm niềm
tin và thực hành nghi lễ của các loại hình tôn giáo.
Biến đổi tôn giáo là một hiện tượng tất yếu. Là một thiết chế xã hội
đặc biệt với những yếu tố cốt lõi là niềm tin tôn giáo, thực hành nghi lễ
tôn giáo và tồn tại nhờ cố kết cộng đồng của những người cùng tin theo
khiến tôn giáo trở thành một dạng thiết chế khá bền vững và bảo thủ. Tuy
nhiên, bản thân thiết chế tôn giáo cũng nằm trong thiết chế xã hội lớn
*
TS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Mai. Biến đổi tôn giáo truyền thống 115
115
hơn. Vì vậy, từ khi ra đời đến nay, cùng với sự biến đổi của lịch sử và xã
hội, các tôn giáo cũng biến đổi theo.
2. Những biểu hiện của biến đổi tôn giáo ở Việt Nam
2.1. Cấu trúc lại tôn giáo
Cấu trúc lại tôn giáo là sự cấu trúc lại về nội hàm niềm tin tôn giáo và
biểu tượng thiêng. Ở dạng này, về mặt hình thức, các tôn giáo vẫn giữ
như ban đầu (hình thức, ngẫu tượng, niềm tin tôn giáo, thực hành nghi lễ
tôn giáo, sự cố kết cộng đồng), nhưng nội dung bên trong đã thay đổi,
mang một ý nghĩa và chức năng hoàn toàn khác với nguyên gốc. Các tôn
giáo bản địa Đông Nam Á là những ví dụ cụ thể và tiêu biểu: quan niệm
về sự đầu thai và sự gặp gỡ với thuyết luân hồi của Phật giáo Ấn Độ,
hoặc ưu thế phụ nữ của tôn giáo bản địa Việt Nam và sự cấu trúc lại ngôi
vị Phật Quán Thế Âm để rồi làm thành những mô thức mới như: Quan
Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay, Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Bồ Tát, Phật
Mẫu Man Nương, Tứ Pháp, v.v
Bằng cách “đánh tráo” này, yếu tố nam tính/ phụ hệ trong Phật giáo
Ấn Độ và một phần trong Phật giáo Trung Quốc khi đến Việt Nam với
một nền văn hóa nông nghiệp thiên về nữ giới, nơi mà yếu tố âm/ nữ
được tôn thờ và làm chủ thế giới siêu nhiên, nữ giới được tôn trọng thì
Phật giáo đã mang nội hàm niềm tin thuộc về bản sắc Việt Nam.
2.2. Mở rộng đối tượng thờ cúng
Tình trạng này thể hiện rõ trong điện thờ Phật giáo Bắc tông ở Việt
Nam. Khác với nguyên gốc ban đầu, Phật giáo Bắc tông vào Việt Nam
không chỉ phát huy tối đa tính giác tha, mà còn cố tình dụng tâm đưa
thêm nhiều sắc thái bản địa để làm thành điện thờ đa thần/ Phật với đủ
sắc thái: Phật, Thần, Mẫu, Đây là một dạng biến đổi tôn giáo rất phổ
biến ở Miền Bắc Việt Nam với căn tính không quan tâm nhiều đến giáo
lý cao siêu, mà chỉ chú ý đến ngôi vị, vai trò và chức năng của đối
tượng thờ cúng có phù hợp và đáp ứng mọi nhu cầu của chủ thể thờ
cúng hay không. Đây là tiêu chí để người Việt Nam lựa chọn đối tượng
thiêng cho mình.
2.3. Thay đổi niềm tin tôn giáo và thực hành nghi lễ tôn giáo
Điều này đang diễn ra một cách khá sôi động trong cộng đồng các tộc
người thiểu số ở Tây Nguyên và vùng miền núi phía Bắc nước ta. Sự biến
đổi này diễn ra quyết liệt hơn và dứt điểm hơn. Nhiều người gọi đó là
116 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
116
hiện tượng cải đạo/ chuyển đổi tôn giáo. Đây là sự thay đổi gần như hoàn
toàn về niềm tin tôn giáo và thực hành nghi lễ tôn giáo, thậm chí các cá
nhân chấp nhận tách ra khỏi cộng đồng cũ để gia nhập một cộng đồng
mới; đoạn tuyệt gần như hoàn toàn với các biểu tượng thiêng và thực
hành nghi lễ tôn giáo cũ để tạo thành một cộng đồng mới tách biệt với
cộng đồng cũ2. Từ bỏ niềm tin vào các yang chiêng, thần sông, thần núi,
chủ thể của văn hóa Tây Nguyên để tìm đến với Chúa Trời, cầu mong sự
cứu rỗi của Chúa, đặt niềm tin vào Chúa và những người thay mặt Chúa
coi sóc thế gian. Đoạn tuyệt với nghi lễ đâm trâu lấy máu tế thần, nhiều
người Ê đê, người Mnông ở Tây Nguyên giờ đây không còn nhớ hoặc
không muốn nhớ về các vị thần khởi nguyên của cộng đồng nữa. Họ đến
nhà thờ Công giáo, nhà thờ Tin Lành để làm dấu thánh, hát thánh ca, chịu
các phép bí tích, v.v
2.4. Khuynh hướng nhập thế mạnh mẽ
Thể hiện rõ nhất của dạng thức biến đổi này là tính hướng ngoại của
các tôn giáo, đặc biệt ở Phật giáo Việt Nam trong khoảng một chục năm
trở lại đây thông qua các phương diện đào tạo Tăng tài, hoằng dương
Phật pháp, thực hành giới luật. Những thay đổi này thể hiện cụ thể ở việc
chuyển đổi sinh hoạt (giảm dần và chấm dứt khất thực của Hệ phái Phật
giáo Nam Tông, Hệ phái Phật giáo Khất sỹ), chuyển cư và thay đổi nếp
sống của tu sĩ, thay đổi phương thức học tập (tăng ni sinh đi du học nước
ngoài ngày một nhiều)3. Trong hoằng pháp thể hiện ở việc thu nhận thêm
kiến thức ngoài đời/ thế học; hoằng pháp qua các phương tiện thông tin
đại chúng hiện đại như truyền thanh, truyền hình và internet vào các vùng
sâu, vùng xa, thậm chí tới tận trại giam; chuyển đổi trong các hoạt động
từ thiện xã hội (mở rộng hoạt động từ thiện xã hội ra nước ngoài, ví dụ
như sự kiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam hỗ trợ nạn nhân sóng thần ở
Đông Nam Á và Nhật Bản); lập cô nhi viện nuôi dạy trẻ tật nguyền và
mồ côi. Tất cả thay đổi này đánh dấu sự biến đổi của Phật giáo Việt Nam
theo “xu hướng hiện đại hóa và nhập thế”4.
Như vậy, biến đổi tôn giáo thể hiện ở nhiều dạng thức và mức độ khác
nhau. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi tập trung khảo sát và
phân tích sự thay đổi tôn giáo truyền thống của các tộc người thiểu số
vùng miền núi phía Bắc nước ta hiện nay trên ba phương diện: niềm tin
tôn giáo, thực hành nghi lễ và cố kết cộng đồng.
Nguyễn Ngọc Mai. Biến đổi tôn giáo truyền thống 117
117
3. Biến đổi tôn giáo truyền thống ở các tộc người thiểu số vùng
miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay
Vùng miền núi phía Bắc nước ta hiện nay gồm 14 tỉnh: Thái Nguyên,
Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Hòa Bình, Điện Biên, Bắc Kạn, Bắc Giang,
Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, là nơi
quần tụ và cộng cư của khoảng hơn 20 tộc người thiểu số thuộc các nhóm
ngôn ngữ sau đây:
Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái: gồm các tộc người Tày, Nùng, Thái, Cao
Lan, Giáy, Lào, Lự. Nhóm này phân bố chủ yếu ở khu vực thung lũng
Việt Bắc và khu vực tả ngạn Sông Hồng. Ngoài ra, thuộc nhóm này còn
có một số tộc thiểu số khác như Thu Lao, Pa Dí, Tu Dí, Bố Y, Pu Péo, La
Ha cư trú rải rác khu vực Bắc Hà (Lào Cai), Thuận Châu và Mường La
(Sơn La), Than Uyên (Lai Châu), v.v
Nhóm ngôn ngữ Hán: gồm các tộc người Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Lô
Lô, Hà Nhì, Phù Lá, La Hủ, La Chí. Các tộc người này chủ yếu cư trú ở
khu vực rẻo giữa của các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà
Giang, Lào Cai.
Nhóm ngôn ngữ Hmông - Dao: gồm người Hmông sống tập trung ở
các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Ngoài ra,
thuộc nhóm ngôn ngữ này còn có người Dao, người Pà Thẻn, phân bố ở
vùng rẻo cao như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng.
Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường: sống tập trung ở các vùng trũng thấp
như Hòa Bình và vùng đồng bằng.
Với bốn nhóm ngôn ngữ và khoảng 20 tộc người, các cư dân ở đây
lưu giữ khá nhiều hình thức tôn giáo bản địa với đặc trưng nổi bật là hồn
linh giáo, tồn tại dưới dạng thờ cúng sau đây:
- Thờ cúng Trời: vị thần tối thượng có quyền năng cao nhất trong thế
giới thần linh. Vị thần này có cách gọi khác nhau giữa các tộc người:
người Hmông gọi là Vua Trời, người Thái gọi là Phi Đẳm, người Tày gọi
Phi Then, người Nùng gọi là Phi Pạ, v.v
- Thờ cúng linh hồn tổ tiên (ma nhà).
- Thờ cúng ma bản (một dạng Thành hoàng làng).
- Thờ cúng thần nước (vị thần cai quản nguồn nước).
- Thờ cúng ma rừng (linh hồn của đá, cây, chó, hổ, voi,).
118 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
118
- Ma ngoài sàn (phi hang chán). Hình thức thờ cúng này có nhiều dạng
khác nhau. Người Tày và người Nùng cho đó là Nùng Trí Cao, một thủ
lĩnh của người Nùng thế kỷ XI5. Tuy nhiên, ở người Thái (Nghĩa Lộ, Yên
Bái), việc thờ cúng ma ngoài sàn là thờ cúng linh hồn cha mẹ vợ. Theo
phong tục của người Thái nơi đây, khi bố mẹ vợ chết, con rể và con gái
phải có trách nhiệm thờ cúng. Nếu bố vợ qua đời, gian thờ ngoài sàn chỉ
có một bát hương. Nhưng nếu cả bố mẹ vợ đều qua đời thì làm hai bát
hương. Việc thờ cúng này kéo dài cho tới khi người vợ của chủ nhà (con
gái người qua đời) mất đi thì hai bát hương cha mẹ được đem theo ra mộ
để đốt, từ đó gia đình người con rể không phải thờ bố mẹ vợ nữa6.
Như vậy, trong đối tượng thiêng truyền thống của các tộc người thiểu số
vùng miền núi phía Bắc, Trời là vị thần đứng đầu, sau đó đến thần nước và
các loại ma (nhà, bản, rừng,...). Trong quá khứ, các đối tượng thiêng này
được tuyệt đại đa số người dân tin theo và tuân thủ những lễ thức và cấm
kị mà những hình thức tôn giáo này quy định. Việc tin và sợ ma thuật kéo
theo niềm tin vào những người có khả năng điều khiển hay đuổi âm binh là
thầy cúng. Các tài liệu nghiên cứu của giới dân tộc học Việt Nam từ những
năm 1960 đến nay về người Hmông, người Tày, người Nùng, người
Thái,... cho thấy toàn bộ hoạt động thờ cúng các đối tượng thiêng này được
tuân thủ một cách nghiêm ngặt với những lễ thức cầu kỳ, tốn kém và thời
gian tiến hành khá dài (1 - 3 ngày với các lễ cúng ma bản; 3 ngày với nghi
lễ cấp sắc; 10 ngày với các nghi lễ tang ma,). Việc thực hành thờ cúng
trong quá khứ cũng phân ra thành các cấp độ khác nhau: có nghi lễ do chủ
gia đình đảm nhiệm, có nghi lễ do người có uy tín và thâm niên trong cộng
đồng thực hành. Đó là những người được cho là có quyền năng làm trung
gian giữa thần linh và con người. Họ thường tách riêng thành một lực
lượng chuyên thực hành các nghi lễ tôn giáo: thầy mo (Mường, Hmông,
Thái), chúa đất hoặc thầy tào/ then, pựt (Tày, Nùng).
Ngày nay, niềm tin vào các đối tượng thiêng có khả năng gây hại đã
nhạt dần, kéo theo việc giảm bớt thực hành hoạt động thờ cúng phi/ ma.
Tuy nhiên, thành kiến với người có ma vẫn tồn tại. Qua các cuộc vận
động xây dựng đời sống văn hóa mới, trình độ dân trí được nâng lên,
những lễ cúng ma đã giảm đi rất nhiều. Tùy từng tộc người mà hình thức
cúng bái các vị phúc thần phù hộ cho con người, hay thờ cúng linh hồn tổ
tiên còn tồn tại trong cuộc sống, nhưng mức độ phân bố không đều và độ
đậm nhạt khác nhau.
Nguyễn Ngọc Mai. Biến đổi tôn giáo truyền thống 119
119
Nhóm Hmông - Dao, về cơ bản đã thay đổi rất nhiều. Từ 1990 đến
nay, nếu lấy niềm tin tôn giáo làm căn cứ phân loại, thì người Hmông đã
phân rẽ thành hai nhóm: nhóm theo Tin Lành (đa số) và nhóm còn giữ
tôn giáo truyền thống (thiểu số). Với nhóm theo Hệ phái Tin Lành Việt
Nam (Miền Bắc) thì từ bỏ hầu hết các hình thức tôn giáo truyền thống để
thực hành các tín lễ Tin Lành. Nhóm này, theo giáo lý và sự chỉ dẫn của
mục sư, tất cả hình thức thờ cúng phi/ ma đều coi là hủ tục, là nguyên
nhân đói nghèo, mất vệ sinh cần phải loại bỏ. Thậm chí ngay cả việc thờ
cúng tổ tiên cũng không còn nữa. Cách thức tiến hành tang ma cho người
quá cố đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Người Hmông theo
Tin Lành không còn làm ma khô, không kéo dài nghi thức phúng viếng,
không giết mổ nhiều trâu bò để ăn uống nữa, không còn tin vào thần
rừng, thần núi, thần mùa màng như trước kia. Vì thế, việc thực hành nghi
lễ gắn liền với các đối tượng thiêng truyền thống cũng chấm dứt. Thay
vào đó, họ tập trung sinh hoạt tôn giáo tại các điểm nhóm.
Ở nhóm Hmông truyền thống vẫn giữ niềm tin vào một số đối tượng
thiêng lâu đời. Họ vẫn cúng tổ tiên, vẫn xác lập bàn thờ7 (biểu tượng là
tấm vải đỏ có cắm lông gà), nhưng nhiều nghi lễ cũng dần mai một. Khi
được hỏi về nghi lễ tôn giáo truyền thống, một thanh niên người Hmông
ở Hà Giang nói: “Vẫn biết do hồi bé được xem, nhưng bây giờ thì không
nhớ gì cả do không còn thực hành trong đời sống hằng ngày nữa”8.
Người thanh niên Hmông này cho biết thêm: “Ngày nay, chúng tôi vẫn
thờ cúng tổ tiên, nhưng chỉ cúng trong vài ngày tết. Khi cúng thì có con
gà. Tang ma không theo lệ cũ nữa, giảm thời gian còn 2 - 3 ngày. Thầy
cúng còn hoạt động trong bản, nhưng không gọi đến làm tang ma. Chúng
tôi không còn tin vào ma nữa. Ốm đau thì đến trạm xá xin thuốc, trẻ con
sinh ra không làm gì cả. Các lễ cúng vào mùa hay khi làm nhà cũng
không còn thực hành”9. Cán bộ địa phương vùng người Hmông ở Hà
Giang cho biết: "Nhà nào có tang thì cả bản vẫn đến góp công, thầy cúng
vẫn là trưởng họ. Nhưng nếu trưởng họ không làm thầy cúng thì anh em
trong họ thay nhau cúng. Lễ cúng đã giản tiện và tiến bộ hơn. Ví dụ, màn
chào hỏi trong tang ma không cần đủ mọi người trong nhà, mà chỉ cần
một người chào đại diện. Tục mặc bộ áo váy truyền thống để linh hồn tổ
tiên nhận ra vẫn được duy trì trong tang ma và hôn lễ"10. Chi tiết này cho
thấy, mặc dù được vận động giản tiện trong tang ma, nhưng niềm tin
không về được với tổ tiên nếu không mặc trang phục truyền thống vẫn
120 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
120
vững bền trong tâm thức của người Hmông, dù bản thân họ không còn
hiểu về nghi thức này.
Việc tồn tại niềm tin về với tổ tiên của người Lô Lô (Hà Giang), người
Nùng Phàn Slình (Lạng Sơn), người Khơ Mú (Lai Châu),... khiến các
nghi thức trong tang lễ được tổ chức khá cẩn trọng. Ngoài việc thay đổi
về thời gian làm tang ma rút ngắn lại trong 2 - 3 ngày, làm ma tươi (chôn
cất) sau đó làm ma khô (đưa tiễn linh hồn về với tổ tiên) ngay ngày hôm
sau, vai trò của thầy cúng vẫn hiện diện trong hầu hết nghi lễ tang ma của
những tộc người này11.
Người Pu Péo căn bản chưa theo Tin Lành, nên vẫn duy trì tục thờ
cúng tổ tiên, khi làm tang ma vẫn có vai trò của thầy cúng trong việc
chọn đất để chôn. Tục cúng cơm gà, làm bánh ngô cúng và ném nhau ở
tộc người này vẫn còn duy trì. Việc thực hành nghi lễ thờ thần rừng ở
người Pu Péo vẫn được tổ chức trong cộng đồng. Các lễ thức khác có liên
quan mật thiết đến sự bình an và phát triển con người tiếp tục được một
số cá nhân, gia đình duy trì về mặt hình thức (cúng ma chữa bệnh). Nếu
chỉ căn cứ vào động thái đa số người dân đến các cơ sở y tế khám bệnh,
xin thuốc chữa bệnh hay sinh đẻ để khẳng định sự mai một về niềm tin
vào các thầy mo và nghi lễ cúng chữa bệnh thì không hẳn. Trên thực tế,
có những gia đình không còn cúng ma chữa bệnh nữa, nhưng ở nhiều gia
đình khi đi bệnh viện về lại tổ chức cúng bái12. Mặt khác, khi khôi phục
lại các lễ hội truyền thống, ngành văn hóa các địa phương cũng có nhiều
động thái trưng cầu ý kiến, thậm chí có nơi mời các mo tư vấn hoặc tham
gia trực tiếp vào các lễ thức xên bản13, nên ít nhiều vai trò của họ vẫn
được duy trì trong cộng đồng. Người dân cho biết, một số bệnh khi được
trả về, đồng bào đi tìm thầy cúng và khỏi bệnh khiến cho lòng tin vào
phép mầu được duy trì và củng cố14. Như vậy, ở khía cạnh này, vai trò
của thầy cúng vẫn được sử dụng trong cộng đồng, việc không phổ biến
các lễ cúng ma chữa bệnh chỉ phản ảnh sự suy giảm niềm tin vào một số
thế lực hắc ám.
Công giáo và Phật giáo ở vùng miền núi phía Bắc chủ yếu phổ biến ở
người Việt, song cũng bắt đầu lan sang các tộc người thiểu số15. Nhóm
người dân tin theo Phật giáo ít có sự xáo trộn đối với các nghi lễ bản địa,
nhưng nhóm theo Công giáo thì có những phân rẽ trong kết cấu cộng
đồng, ít nhiều giảm thiểu thực hành các nghi lễ truyền thống. Đây là hệ
quả tất yếu của quá trình chuyển hóa từ đa thần đến nhất thần.
Nguyễn Ngọc Mai. Biến đổi tôn giáo truyền thống 121
121
Hiện tượng thờ Mẫu và tổ chức nghi lễ lên đồng đã thấy xác lập trong
một số hạt nhân ở Hà Giang, nhưng chỉ tập trung ở khu vực thành phố và
trong cộng đồng người Việt16. Mặt khác, giáo lý của Công giáo và Phật
giáo cũng như sự xa xỉ của nghi lễ lên đồng đối với kinh tế, xã hội, nhận
thức của các tộc người thiểu số ở đây còn là khoảng cách khá xa.
Theo báo cáo của ngành văn hóa tỉnh Hà Giang và tỉnh Yên Bái17,
trong khoảng hơn mười năm vừa qua, hai địa phương này đã đầu tư nhiều
thời gian, kinh phí vào việc khôi phục các tôn giáo truyền thống. Nhiều lễ
thức được phục hồi như xên bản, xên mường, cầu mùa, xíp xí của người
Thái (Mường Lò); lễ cầu mưa, lễ rước mẹ lúa, lễ mừng măng mọc, tết cổ
truyền của người Khơ Mú; lễ xuống đồng, lễ cơm mới, diễn xướng khảm
hải trong lễ cúng Pựt của người Tày; lễ cúng họ (zù su) của người
Hmông ở Púng Luông (Mù Cang Chải); lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao
(Văn Yên), v.v... Điều đáng lưu ý là, cho dù được phục hồi, nhưng do
nằm trong cấu trúc của lễ hội, nên các nghi lễ này bị rút ngắn về thời gian
tổ chức, nhưng lại mở rộng về không gian và quy mô. Ví dụ như Lễ hội
Lồng tồng của người Tày (Trấn Yên) đã thu hút cả người Dao và người
Hmông cùng tham gia phần lễ và phần hội. Chủ thể tổ chức nghi lễ cũng
có sự thay đổi. Nếu như trước kia, chủ thể các nghi lễ là trí thức tôn giáo
và người dân, thì nay chuyển sang chính quyền địa phương. Mục đích
chính của việc tổ chức các nghi lễ không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh,
mà còn để tạo ra sân chơi giải trí. Thực trạng này cho thấy, những nghi lễ
này khó đảm bảo được nguyên gốc. Niềm tin tôn giáo của người dân
trong nghi lễ khó được được củng cố. Giữa việc thực hành nghi lễ với tổ
chức hội hè không được phân định bởi các tiêu chí rõ ràng, thì việc bảo
tồn, quản lý hay tổ chức các lễ nghi tôn giáo truyền thống vẫn chỉ là
những hoạt động mang tính phong trào nặng về hình thức mà ít phát huy
được giá trị của nó trong việc củng cố niềm tin tôn giáo bền vững.
Trên thực tế, những nghi lễ này cũng từng gián đoạn trong một thời
gian khá dài. Sau nghị quyết TW 5 của Trung ương Đảng với chủ trương
phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều nghi lễ của đồng bào các
tộc người thiểu số vùng miền núi phía Bắc được khôi phục và thuộc đối
tượng của ngành quản lý văn hóa. Do có sự đứt gãy, cộng với sự hỗn
dung văn hóa giữa các tộc người trong quá trình cộng cư, ví dụ trường
hợp người Khơ Mú, người Giáy bị ảnh hưởng bởi văn hóa Thái; người
Tày, người Thái, người Hmông, người Dao bị ảnh hưởng bởi văn hóa
122 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
122
người Việt; các tiêu chí lễ nghi tôn giáo và lễ hội văn hóa không được
làm rõ, lại thiếu thông tin do không còn các thầy cúng thạo nghề, nên
nhiều nghi lễ tôn giáo truyền thống của đồng bào không đảm bảo nguyên
trạng. Nhiều thực hành tôn giáo rơi vào tình trạng lúng túng, không biết
tổ chức như thế nào cho hợp với cũ - mới và chính sách của nhà nước, vì
thế khi tiến hành thì pha trộn, cải biên, cách tân làm lấy lệ mang nặng
màu sắc sân khấu thương mại, mất đi tính tôn nghiêm và vô tình đã giải
thiêng tôn giáo. Cụ thể như các lễ hội tăm khẩu mẩu ở người Tày (Đồng
Khê); xên bản, xên mường, hạn khuống ở người Thái (Mường Lò); hạ gọ
ở người Khơ Mú (Nghĩa Sơn); gầu tào của người Hmông vùng cao18.
Tính pha tạp ở đây bộc lộ rõ nhất là thực hành nghi lễ theo kịch bản lễ
hội do ngành văn hóa xây dựng. Người chủ lễ nhiều khi là cán bộ người
Kinh chứ không phải các thầy mo, thực hiện nghi lễ theo quy mô ngân
sách Nhà nước cấp chứ không phải do dân làng tổ chức và tham gia đóng
góp. Nhiều nghi lễ mang yếu tố bản sắc tộc người vẫn chưa được nghiên
cứu, phục hồi như: nghi lễ chu kỳ đời người của nhóm Tày - Thái, nhóm
Hmông - Dao; lễ cúng ma bản của người Tày và người Nùng; lễ chay của
người Cao Lan và người Dao, v.v...
4. Một số vấn đề đặt ra
Biến đổi tôn giáo diễn ra không đồng đều và không giống nhau giữa các
tộc người thiểu số vùng miền núi phía Bắc hiện nay. Điều này phụ thuộc
vào tính chủ động và ý thức tự giác của các tộc người trong quá trình hội
nhập. Nhóm Tày - Thái với đặc trưng cư trú khu vực thấp, hình thái kinh tế
ruộng bậc thang và chịu nhiều ảnh hưởng các tôn giáo của người Kinh, nên
khi có chủ trương phục hồi lại các nghi lễ tôn giáo truyền thống thì thường
có phản ứng nhanh hơn, và vì thế, các nghi lễ cũng được phục hồi nhiều
hơn. Bên cạnh đó, với sự hiện diện của văn tự và sự tâm huyết của nhóm
trí thức người Thái (bao gồm cả thầy mo), nên các hình thức tôn giáo
truyền thống của nhóm tộc người này về cơ bản tiếp tục được duy trì, sự
thay đổi nếu có chỉ là rút ngắn về thời gian và nghi lễ.
Biến đổi tôn giáo chịu ảnh hưởng rất mạnh từ các chính sách phát
triển văn hóa truyền thống của Nhà nước và sự tham gia vào đời sống xã
hội hiện đại của các tộc người. Vì thế, việc ra chính sách cần phải thay
đổi quy trình từ dưới lên, chứ không phải từ trên xuống như hiện nay.
Mặt khác, muốn bảo lưu văn hóa truyền thống, tôn giáo truyền thống và
phát huy được vai trò của chúng như một rào cản, thanh lọc đối với các
Nguyễn Ngọc Mai. Biến đổi tôn giáo truyền thống 123
123
hình thức văn hóa, tôn giáo ngoại nhập, thì vấn đề tham gia của người
dân, chủ thể của các nền văn hóa, phải được tăng cường trong quá trình
xây dựng và hoạch định chính sách.
Việc đối phó với sự xâm nhập ngày càng lan rộng của các hiện tượng
tôn giáo mới và Tin Lành ở vùng miền núi phía Bắc hiện nay đã khiến
hoạt động phục hồi tôn giáo truyền thống không có chiến lược, mà bị lẫn
vào các hoạt động văn hóa, lệ thuộc vào các dự án ngân sách hằng năm
của địa phương. Vì thế, giá trị của tôn giáo truyền thống không phát huy
được vai trò rào cản với các tôn giáo khác trong việc bảo vệ văn hóa cộng
đồng cũng như lưu giữ và trao truyền tri thức bản địa.
Mặc dù các hình thức thờ cúng ma bản, ma rừng, mẹ lúa có bị gián
đoạn, thay đổi hoặc lùi vào quá khứ, nhưng niềm tin vào linh hồn và hình
thức thờ cúng linh hồn người chết tồn tại khá vững bền ở hầu hết các tộc
người thiểu số vùng miền núi phía Bắc. Đây là yếu tố mang tính xuyên
suốt và làm nên sự đồng nhất giữa 54 tộc người trên dải đất Việt Nam,
cũng là yếu tố cần lưu ý trong việc quản lý tôn giáo và tăng cường khối
đoàn kết cộng đồng khác nhau về niềm tin tôn giáo. Tôn giáo truyền
thống của các tộc người còn là các hoạt động văn hóa, xã hội, là chất xúc
tác để cố kết cộng đồng, vì thế khi niềm tin tôn giáo bị phân rẽ thì đồng
thời các cộng đồng dân cư cũng bị chia nhỏ. Quá trình phân rẽ và tách
khỏi tôn giáo bản địa để gia nhập Tin Lành của người Hmông vùng miền
núi phía Bắc và thái độ giữ gìn sắc thái văn hóa gốc của người Thái cho
thấy ý thức tự giác tộc người có vai trò hết sức quan trọng trong việc chủ
động hay thụ động hội nhập và biến đổi tôn giáo.
Xuất phát từ hình thái kinh tế và ý thức xã hội của các tộc người thiểu
số vùng miền núi phía Bắc, các thầy cúng vẫn là trí thức dân gian có vai
trò quan trọng trong việc duy trì và bảo lưu văn hóa và tôn giáo truyền
thống, cũng như có đủ điều kiện và ưu thế để có thể làm thay đổi theo
chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Vì vậy, trong công tác quản lý tôn
giáo và văn hóa cần hết sức chú ý đến lực lượng này. Biến đổi tôn giáo
truyền thống với những biểu hiện của sự lệch lạc và không phát huy được
giá trị của nó còn là hệ lụy của sự phân vùng quản lý không rõ ràng và
không đúng chức năng giữa quản lý tôn giáo và quản lý văn hóa. Đã đến
lúc cần làm rõ ranh giới khu vực quản lý này. Mặt khác, cần điều chỉnh
và thay đổi quan niệm quản lý là can thiệp và làm thay chuyển sang định
hướng, hỗ trợ, tăng cường vai trò chủ thể của cộng đồng./.
124 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
124
CHÚ THÍCH:
1 Bửu Kê (2009), Hán Việt Từ Nguyên, Nxb. Thuận Hóa; Như Ý chủ biên (1998),
Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin.
2 Không ngoại trừ họ sẵn sàng xung đột với cộng đồng cũ để bảo vệ niềm tin tôn
giáo mới. Vụ việc xảy ra vào đầu năm 2013 tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông,
tỉnh Kon Tum là một ví dụ.
3 Theo Trần Hồng Liên, trong khoảng 20 năm sau Đổi mới (1986), có gần 200
tăng ni sinh du học nước ngoài và tới 40 người nhận bằng tiến sĩ và thạc sĩ.
4 Trần Hồng Liên (2008), “Chuyển đổi sinh hoạt tu sĩ Phật giáo Nam Bộ Việt Nam
thời hội nhập”, trong Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm tuyển chọn, Sự
biến đổi tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Thế giới.
5 Viện Dân tộc học (1992), Các dân tộc Tày Nùng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã
hội: 229.
6 Gian thờ này được làm bằng tre nứa dựng tạm với thể tích từ 50 cm3 đến 1m3. Tư
liệu phỏng vấn mo Phong, nghệ nhân Lò Văn Mên và một số gia đình người Thái
ở huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, vào tháng 4/2014.
7 Nhóm Hmông giữ tôn giáo truyền thống bao giờ trước cửa nhà cũng treo một
tấm vải đỏ. Gian chính giữa nhà luôn có một miếng vải đỏ nhỏ hoặc giấy đỏ cỡ
20 cm x 20 cm cắm lông gà. Tư liệu quan sát và phỏng vấn ở xã Sủng Cháng,
huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào tháng 4/2014.
8 Tư liệu phỏng vấn một nam thanh niên người Hmông, xã Sủng Cháng, huyện
Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, vào tháng 4/2014.
9 Tư liệu phỏng vấn một nam thanh niên người Hmông, xã Sủng Cháng, huyện
Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, vào tháng 4/2014.
10 Tư liệu phỏng vấn một cán bộ người Hmông, xã Sủng Cháng, huyện Mèo Vạc,
tỉnh Hà Giang, vào tháng 4/2014.
11 Xem thêm: Phan Dương (2007), “Đôi nét về tang ma của người Lô Lô đen ở xã
Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang”, Thông báo Dân tộc học; Bùi Minh Thuận
(2007), “Mo và Tào trong đời sống người Nùng Phàn Slình ở Bình Gia, Lạng
Sơn hiện nay”, Thông báo Dân tộc học.
12 Tư liệu phỏng vấn một cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái là
người Thái, huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, vào tháng 4/2014.
13 Tư liệu thực tế tại xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, vào tháng
4/2014.
14 Trần Hồng Hạnh (2008), Những biến đổi về văn hóa phi vật thể của người Tày ở
huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), Đề tài cấp cơ sở, tài liệu lưu trữ tại Viện Dân tộc
học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: 83.
15 Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Yên Bái, số lượng tín đồ Công giáo người
dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh này là 8.158 người, chiếm tỷ lệ 15,01%; tín đồ
Phật giáo là người dân tộc thiểu số là 4.263 người, chiếm 21,3%, tập trung chủ
yếu ở người Hmông, người Thái và người Dao.
16 Trong chuyến khảo sát thực tế vào tháng 4/2014, chúng tôi trực tiếp dự một canh
hầu đồng tại chùa/ đền Hai Cô ở thành phố Hà Giang. Quy mô vấn hầu khá lớn
gồm nhiều nhạc cụ, với khoảng 100 người tham dự, lộc phát bằng tiền mệnh giá
nhỏ, từ 500 đồng đến 50.000đ, nhưng cuộc lễ sôi nổi và cuốn hút hơn rất nhiều
so với ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
17 Hà Giang và Yên Bái là hai tỉnh mà chúng tôi khảo sát thực tế vào tháng 4/2014.
Nguyễn Ngọc Mai. Biến đổi tôn giáo truyền thống 125
125
18 Thông tin do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cung cấp tháng
4/2014.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Khổng Diễn (2007), Dân tộc Khơ Mú ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc.
2. Phan Dương (2007), “Đôi nét về tang ma của người Lô Lô đen ở xã Lũng Cú,
Đồng Văn, Hà Giang”, Thông báo Dân tộc học.
3. Trần Hồng Hạnh (2008), Những biến đổi về văn hóa phi vật thể của người Tày
Lạng Sơn, Đề tài cấp cơ sở, tài liệu lưu trữ tại Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam.
4. Phạm Đăng Hiến, Nguyễn Văn Minh (2008), Văn hóa tinh thần của người Lô lô,
Đề tài cấp cơ sở, tài liệu lưu trữ tại Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam.
5. Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm tuyển chọn (2008), Sự biến đổi tôn giáo
tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Thế giới.
6. Nguyễn Văn Minh (2007), Biến đổi tín ngưỡng tôn giáo và những tác động, Đề
tài cấp cơ sở, tài liệu lưu trữ tại Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã
hội Việt Nam.
7. Bùi Minh Thuận (2007), “Mo và Tào trong đời sống người Nùng Phàn Slình ở
Bình Gia, Lạng Sơn hiện nay”, Thông báo Dân tộc học.
8. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc, Nxb. Khoa học xã hội.
9. Vũ Diệu Trung (2009), Người Lô Lô đen ở Hà Giang, Nxb. Văn hóa dân tộc.
10. Tư liệu khảo sát thực tế tại hai tỉnh Hà Giang và Yên Bái tháng 4/2014.
11. Cư Hòa Vần (1994), Dân tộc Mông ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc.
12. Viện Dân tộc học (1992), Các dân tộc Tày Nùng ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã
hội.
Abstract
TRANSFORMATION OF TRADITIONAL RELIGIONS
OF ETHNIC MINORITIES IN THE NORTHERN
MOUNTAINOUS REGION OF VIETNAM AT PRESENT
The transformation in the traditional religions of ethnic minorities in
the mountainous area in the North is a concerned issue of the
administrative affairs of the State of religion and culture. This article
focused on the mutation of faith, the practice of religious rites and the
administrative affairs issues in order to perceive objectively the
transformation of traditional religions.
Keywords: Administrative, ethnic, culture, minorities, mountain,
northern, religion, tradition, transformation, Vietnam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 26595_89329_1_pb_8964.pdf