Nghiên cứu tôn giáo - Bước đầu tìm hiểu về tin lành ở người La hủ huyện Mường tè, tỉnh Lai Châu

Theo chúng tôi, để giải quyết hiện tượng một bộ phận người La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu theo Tin Lành/ Xè A hiện nay, cần chú ý đến một số giải pháp chủ yếu sau: Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyền truyền chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tôn giáo đối với người La Hủ. Bên cạnh đó, công tác tôn giáo đối với đồng bào còn chú trọng tuyên truyền bản chất việc truyền bá Tin Lành/ Xè A, nâng cao cảnh giác trước việc lợi dụng tôn giáo để thực hiện âm mưu chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đó là những cơ sở để đồng bào nhận thức và có sự lựa chọn đúng đắn cho các hoạt động tâm linh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo mà không bị kẻ xấu lợi dụng. Hai là, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã trong công tác tham mưu, hướng dẫn để hoạt động của chính quyền địa phương đi vào nền nếp; rà soát cán bộ xã là người La Hủ chưa qua đào tạo để cử đi nâng cao trình độ, xóa dần tư tưởng mặc cảm và tâm lý địa phương dân tộc; lựa chọn một số học sinh cấp II người La Hủ thông minh, khỏe mạnh học lên cấp III, cử tuyển vào các trường cao đẳng và dạy nghề của tỉnh bằng nguồn kinh phí địa phương

pdf10 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 547 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Bước đầu tìm hiểu về tin lành ở người La hủ huyện Mường tè, tỉnh Lai Châu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014 97 PHÙNG THỊ DỰ* BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ TIN LÀNH Ở NGƯỜI LA HỦ HUYỆN MƯỜNG TÈ, TỈNH LAI CHÂU Tóm tắt: Trước năm 1987, đồng bào các tộc người thiểu số ở Lai Châu theo các hình thức thờ cúng truyền thống. Hai mươi năm trở lại đây, Tin Lành đã xâm nhập và phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trước hết là người Mông, người Dao, người Thái và một số tộc người thiểu số khác. Trong bối cảnh đó, một bộ phận người La Hủ ở các xã biên giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cũng theo Tin Lành (theo cách gọi của đồng bào là Xè A). Tuy quá trình truyền bá Tin Lành không liên tục, số người theo đạo chưa nhiều, nhưng tôn giáo này đã có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống người La Hủ. Dựa trên tư liệu khảo sát thực tế, bài viết bước đầu tìm hiểu về quá trình truyền bá Tin Lành trên địa bàn người La Hủ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và một số khuyến nghị giải pháp cho vấn đề nêu trên. Từ khóa: Tin Lành, Xè A, người La Hủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. 1. Vài nét về người La Hủ Người La Hủ ở Việt Nam có nguồn gốc từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc di cư đến từ khoảng bốn đến năm đời1. Theo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, người La Hủ có dân số 9.651, đứng thứ 39 trong tổng số 54 tộc người ở nước ta2. Theo số liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu, tính đến tháng 11/2013, người La Hủ có 2.004 hộ, 10.141 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,62% dân số toàn địa phương này3. Người La Hủ hiện có ba nhóm địa phương là La Hủ Trắng, La Hủ Vàng và La Hủ Đen. Tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, đồng bào sinh sống trên các triền núi cao, phân bố tại 42 bản, thuộc 7/19 xã, thị trấn là: Bum Tở, Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Nậm Khao và xã Mường Tè, trong đó bốn xã vùng biên giới với tổng số 7.026 người (xã Pa Ủ có 2.976 người, xã Ka Lăng có 1.726 người, xã Pa Vệ Sử có 2.213 người, xã Thu Lũm có 111 người4. * ThS., Học viện Biên phòng, Hà Nội. 98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014 La Hủ cùng với Mảng, Cống, Cờ Lao là những tộc người có cuộc sống khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu hiện nay. Đời sống tâm linh của người La Hủ chủ yếu là Hồn linh giáo và thờ cúng đa thần. “Khác với cộng đồng người La Hủ đang sinh sống tại Trung Quốc, người La Hủ ở nước ta chưa chịu ảnh hưởng của các tôn giáo lớn. Trước ngày Miền Bắc được giải phóng, các hình thái tín ngưỡng, tôn giáo của họ thể hiện rõ tính chất sơ khai nhưng cũng khá phức tạp”5. Các hình thức thờ cúng truyền thống này hiện vẫn được đa số người La Hủ thực hiện, trừ bộ phận mới cải đạo theo Tin Lành. Theo cách gọi của người La Hủ, linh hồn (la) chỉ tồn tại ở những vật có khả năng sinh trưởng như cây cối, gia súc, con người. Riêng con người có 12 hồn, trong đó có một hồn chính quyết định sự sống, còn lại là hồn phụ. Do vậy, người La Hủ luôn có ý thức bảo vệ các linh hồn, đặc biệt là cho trẻ nhỏ. Đồng bào quan niệm, khi con người ốm đau tức là linh hồn bỏ đi chơi, gia đình phải tổ chức cúng để gọi hồn về. “Nếu như linh hồn chỉ tồn tại ở con người, gia súc, thú rừng và một số cây trồng nhất định, thì quan niệm về ma của người La Hủ lại tồn tại phổ biến. Ma nói chung theo tiếng La Hủ là xơ pẹ, hay nê được phân thành hai loại: ma lành và ma dữ”6. Người La Hủ cho rằng, tất cả bệnh tật của con người đều liên quan đến ma tà. Vì vậy, khi có người ốm đau, ngoài việc chạy chữa bằng các bài thuốc dân gian, họ cũng tin vào cúng bói. Những việc mà thầy cúng La Hủ thường làm là xem bói, cúng đuổi tà ma, cúng gọi hồn chữa bệnh, cúng cầu an cho dân bản và gia đình, Ngoài ra, người La Hủ quan niệm có Bụt (kha xi củ mừ), Tiên (gừ gia mi) và ngày tốt xấu. Đi liền với quan niệm nêu trên là các nghi lễ thờ cúng tổ tiên (dế mà khừ), lễ ăn lúa mới (ổ xớ cha) được tổ chức trong phạm vi gia đình, còn lễ cúng bản (gạ ma te) là lễ cúng của cả bản ít được tổ chức. Nhìn chung, tôn giáo truyền thống của người La Hủ còn sơ khai với niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, dẫn đến việc bói toán, chữa bệnh bằng nghi lễ shaman và nhiều lễ thức khác liên quan đến đời sống. Đây là môi trường thuận lợi để các tôn giáo bên ngoài xâm nhập và phát triển. 2. Quá trình truyền bá Tin Lành vào địa bàn người La Hủ Theo một số cán bộ địa phương như ông Tống Thanh Bình - Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, Đại tá Vũ Quang Mạo - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Xè A là cách người La Hủ Phùng Thị Dự. Bước đầu tìm hiểu 99 99 dùng từ địa phương để gọi Tin Lành, tôn giáo mà một bộ phận người dân đang tin theo. Điều này giống như cách gọi Tin Lành của một số tộc người thiểu số khác ở miền núi phía Bắc như Vàng Chứ của người Mông, Thìn Hùng của người Dao,... Nguyễn Khắc Đức khi nghiên cứu đặc điểm của Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta hiện nay đã kết luận: “Trong vòng ¼ thế kỷ, kể từ những năm 1986, 1987 đến nay đã có khoảng 130.000 đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo này (Tin Lành), gồm các dân tộc Mông, Dao, Thái, Pà Thẻn, Cờ Lao, Tày, La Hủ”7. Căn cứ vào thực tế sinh hoạt tôn giáo của người La Hủ như treo Thánh giá, cầu nguyện tập trung, thực hiện giới luật, chúng tôi đồng tình với quan điểm cho rằng, Xè A là Tin Lành. Theo Đại úy Nguyễn Quang Tiến, Đồn phó Đồn Biên phòng Ka Lăng, tỉnh Lai Châu, Xè A do một số người La Hủ ở xã Gia Mễ, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đưa sang. Nghiên cứu nguồn gốc và xuất xứ của hiện tượng tôn giáo này, Đỗ Quang Hưng cho rằng: “Từ năm 1998 đến nay, ở các địa phương đã phát hiện 27 người Trung Quốc thuộc tỉnh Vân Nam nhập cảnh trái pháp luật có hoạt động tuyên truyền phát triển Tin Lành trong dân tộc Mông, Dao, La Hủ, Cao Lan ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang. Họ đã tổ chức các cuộc tụ họp tuyên truyền đạo ở địa bàn biên giới và lôi kéo hơn 20 người các dân tộc Mông, La Hủ sang Trung Quốc học giáo lý, nhận tài liệu truyền đạo (kinh sách, băng casset) để về Việt Nam hoạt động”8. Có thể khái quát quá trình du nhập và phát triển của Tin Lành/ Xè A ở người La Hủ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thành hai giai đoạn: - Từ năm 1997 đến năm 2006: Năm 1997, lợi dụng quan hệ đồng tộc, thân tộc lâu đời, một số người La Hủ ở Trung Quốc lén lút vượt biên sang truyền đạo đầu tiên ở các bản giáp biên của xã Tá Bạ. Họ lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp để tuyên truyền nên một bộ phận người La Hủ đã theo đạo. Chẳng hạn, nếu theo đạo sẽ không phải đi nương, không làm cũng có ăn vì có đấng siêu nhiên giúp đỡ. Hằng ngày, người theo đạo phải cầu nguyện và tự giác thực hiện một số điều cấm như không hút thuốc phiện, không uống rượu, không ăn tiết canh, không ăn thức ăn sống, v.v... Để bảo đảm bí mật, người truyền đạo thường lợi dụng thời vụ gieo trồng và thu hoạch của người La Hủ ở dài ngày trên lán nương để lôi kéo người theo đạo. Người La Hủ hầu hết không biết chữ, 100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014 nên đạo được truyền dưới hình thức hết sức đơn giản: tuyên truyền bằng miệng, nghe giảng đạo và học Kinh Thánh qua băng đĩa, đài radio và điện thoại thẻ. Tính đến cuối năm 2004, xã Ka Lăng cũ (năm 2011 chia tách thành hai xã Ka Lăng và Tá Bạ) có 18 hộ với 75 khẩu theo Tin Lành/ Xè A tập trung ở các bản Nhóm Pố, Vạ Pù, Tá Bạ, Là Si9. Từ đó, tôn giáo này dần lan truyền sang các bản Ứ Ma, Nhú Ma, Cờ Lò 1, Cờ Lò 2 xã Pa Ủ. Trước tình hình trên, cán bộ địa phương và Bộ đội Biên phòng rất nỗ lực tuyên truyền vận động người dân lựa chọn tự do tôn giáo. Đầu năm 2004, Đồn Biên phòng Ka Lăng phối hợp với Phòng Tôn giáo của huyện Mường Tè và chính quyền xã Ka Lăng thực hiện Kế hoạch số 184/ KH- UBND về việc tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đúng quy định của pháp luật. Riêng Đồn Biên phòng Ka Lăng còn đặt một tổ công tác cắm bản, tích cực vận động đồng bào thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tự do tôn giáo nhưng không nghe theo lời kẻ xấu dụ dỗ đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc, v.v... Sau một thời gian tuyên truyền vận động, chỉ còn bản Là Si, xã Ka Lăng do ở cách xa và biệt lập nên vẫn còn 9 hộ, 25 khẩu tin theo và thực hành tôn giáo trên các lán nương. - Từ năm 2011 đến nay: Đây là thời kỳ Tin Lành/ Xè A tiếp tục truyền đạo và lan rộng hơn trước. Đầu năm 2011, việc tái truyền đạo diễn ra ở hai xã Tá Bạ và Pa Ủ. Nhiều gia đình La Hủ treo Thánh giá trên các lán nương. Vào ngày thứ Bảy hằng tuần, đồng bào tự cầu nguyện và học Kinh Thánh. Năm 2012, có 23 hộ/45 khẩu ở Tá Bạ theo đạo10. Năm 2013, có 34 hộ/193 khẩu ở xã Pa Ủ theo đạo11. Đồng bào theo đạo thời kỳ này chủ yếu nam trung niên chứ không phải phụ nữ hay người già như nhiều tộc người thiểu số khác. Bởi vì, phụ nữ La Hủ rất rụt rè, ít giao tiếp xã hội và sống phụ thuộc vào chồng. Người già không có sức khỏe, nên không thể đi rừng hay sang bên kia biên giới. Chỉ có người đàn ông La Hủ thường xuyên đi làm nương, qua lại biên giới thăm thân và trao đổi hàng hóa, nên tiếp nhận đạo, sau đó lôi kéo cả gia đình tin theo. Đáng lưu ý là, bên cạnh sinh hoạt tôn giáo thông thường như trước đây, hoạt động truyền đạo trên địa bàn người La Hủ ở các bản giáp biên thời kỳ này có dấu hiệu liên quan đến chính trị. Người truyền đạo kết hợp giữa nội dung giáo lý Tin Lành với việc tuyên truyền về lịch sử và văn Phùng Thị Dự. Bước đầu tìm hiểu 101 101 hóa của người La Hủ như có chung nguồn gốc, có lịch sử phát triển lâu đời, cái nôi của người La Hủ ở tỉnh Vân Nam, có chữ viết riêng, bản sắc văn hóa riêng hiện nay đã bị mất,...; khơi dậy niềm tự hào về nguồn gốc tộc người, xây dựng ý thức về cộng đồng riêng với không gian sinh tồn riêng của người La Hủ, không phụ thuộc vào sự ngăn cách biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước những diễn biến mới của việc truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo nói trên, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đã triển khai các biện pháp xử lý kiên quyết và kịp thời. Cùng với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các đồn biên phòng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động về chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; làm rõ mục đích lôi kéo người dân theo đạo; đẩy mạnh phong trào tự quản an ninh trật tự biên giới; phát huy vai trò của người uy tín trong công tác quản lý dân cư, v.v... Kết quả là, nhiều người dân hiểu rõ hơn về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, nhận thức được bản chất của việc truyền đạo, nên có chiều hướng nhạt đạo hoặc tự nguyện bỏ đạo và trở lại các hình thức thờ cúng truyền thống. Riêng xã Tá Bạ, người dân đã tự nguyện ký cam kết bằng văn bản không theo đạo nữa. Tính đến đầu năm 2014, hoạt động của Tin Lành/ Xè A cơ bản chấm dứt ở xã Tá Bạ. Riêng xã Pa Ủ, số người theo đạo vẫn gia tăng và tiềm ẩn nguy cơ tái truyền đạo. Trên địa bàn xã này hiện vẫn còn 74 hộ, 223 khẩu người La Hủ theo đạo, chủ yếu ở ba bản là Ứ Ma, Nhú Ma và Hà Xi - Hà Nê12. Như vậy, quá trình truyền bá Tin Lành/ Xè A trên địa bàn người La Hủ ở khu vực biên giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho thấy, hiện tượng này diễn ra trong nhiều năm ở một số bản giáp biên của hai xã Pa Ủ và Tá Bạ. So với địa bàn người Mông và người Dao, hoạt động truyền đạo và theo đạo ở đây không thành phong trào rầm rộ mà diễn ra lặng lẽ. Ban đầu, việc theo đạo mang tính tự phát, sau đó một số người đồng tộc bên kia biên giới sang tuyên truyền, lôi kéo làm cho số gia đình tin theo ngày càng tăng, mặc dù nhiều người không biết đang theo tôn giáo nào. Biểu hiện theo đạo của đồng bào không rõ ràng, thực hành tôn giáo không chặt chẽ và không có tổ chức như Tin Lành của người Mông. Từ năm 2011, việc truyền đạo không phải do người La Hủ ở Trung Quốc trực tiếp sang tuyên truyền, mà do một số người La Hủ ở nước ta sang Trung Quốc học giáo lý, nhận băng đĩa và tài liệu về lôi kéo đồng bào mình đi theo. Sự hiểu biết về đạo cũng như thực hành tôn giáo của đồng bào càng ngày càng rõ nét hơn: bỏ bàn thờ tổ tiên, chỉ thờ Thiên Chúa, 102 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014 không cúng cha mẹ đã mất, treo Thánh giá trên lán nương, v.v... Người dân tự học Kinh Thánh bằng tiếng La Hủ qua đài radio, điện thoại thẻ và truyền miệng. Bên cạnh đó, việc truyền đạo có biểu hiện liên quan đến mục tiêu chính trị. Tuy nhiên, nhìn chung, Tin Lành/ Xè A ở người La Hủ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu hiện nay vẫn trong giai đoạn nhen nhóm, chưa hoạt động mạnh và chưa gây ra phức tạp trên địa bàn như người Mông và người Dao. 3. Nguyên nhân người La Hủ theo Tin Lành Theo chúng tôi, có bốn nguyên nhân chính dẫn đến việc một bộ phận người La Hủ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu theo Tin Lành/ Xè A: - Một là, địa bàn sinh sống của người La Hủ gần như biệt lập với các tộc người khác; các bản cách xa nhau và cách xa trung tâm xã khoảng 20 - 50 km, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại hết sức khó khăn; quan hệ tộc người hầu như chỉ bó hẹp trong nội bộ cộng đồng, việc giao lưu với người khác tộc rất hạn chế, chủ yếu với người Hà Nhì trong vùng cư trú. Đồng bào chủ yếu duy trì mối giao lưu kinh tế, văn hóa với đồng tộc ở bên kia biên giới. Bên cạnh đó, đời sống vật chất của người La Hủ hiện còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, tôn giáo truyền thống đơn giản gắn với niềm tin vào các lực lượng siêu nhiên, Trong bối cảnh đó, một số người La Hủ ở Trung Quốc đã lợi dụng mối quan hệ tộc người, thân tộc lâu đời để lôi kéo người La Hủ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu theo Tin Lành/ Xè A. - Hai là, một số nội dung của Tin Lành/ Xè A tỏ ra phù hợp với đặc điểm văn hóa tộc người, nên đã lôi kéo được một bộ phận đồng bào La Hủ tin theo: phương thức truyền đạo linh hoạt, hiện đại, ít tốn kém, chủ yếu dùng điện thoại thẻ, băng đĩa để tuyên truyền bằng tiếng La Hủ. Sinh hoạt tôn giáo và lễ nghi tôn giáo đơn giản, phù hợp với hoàn cảnh sống của người La Hủ hiện còn khó khăn, thiếu thốn nên được đồng bào chấp nhận. Tôn giáo này còn đáp ứng tâm lý, nguyện vọng của đồng bào muốn có một cuộc sống mới thoát khỏi cảnh đói nghèo hiện nay. Vì vậy, đến với đạo, đồng bào như tìm thấy một chỗ dựa tinh thần, lấp đi khoảng trống về mặt tâm linh. Mặt khác, giáo luật của tôn giáo mới có một số điểm tích cực như không uống rượu, không hút thuốc phiện đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo phụ nữ và người thân gia đình có người nghiện. Ngoài ra, người truyền đạo còn tuyên truyền đi theo đạo để tìm Phùng Thị Dự. Bước đầu tìm hiểu 103 103 lại văn hóa và lịch sử của ông cha nên đã lôi kéo được một bộ phận đồng bào tin theo. - Ba là, hệ thống chính trị cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ của hai xã Pa Ủ và Tá Bạ có trình độ học vấn khá thấp, kiến thức chuyên môn hạn chế, tâm lý tộc người nặng nề, nhất là mặc cảm về sự phát triển thấp kém của người La Hủ so với các tộc người khác. Họ hầu hết chưa được đào tạo, trong đó cán bộ là người La Hủ rất ít, chủ yếu là người Hà Nhì. Số cán bộ người La Hủ hiện nay tuy ít nhiều đã qua đào tạo, được tiếp xúc với bên ngoài, nhưng khi trở về vẫn chưa phát huy được năng lực của mình. Do chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở như vậy, nên việc triển khai kế hoạch công tác còn chậm, hiệu quả thấp, nhất là công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong việc xử lý các hiện tượng theo đạo. Có thể nói, trọng trách trên địa bàn chủ yếu đặt lên vai cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ của hai đồn biên phòng Pa Ủ và Ka Lăng. Trong khi đó, biên chế cán bộ vận động quần chúng lại ít, các tổ công tác cắm bản chỉ duy trì một thời gian nhất định nên khó theo dõi, quản lý được các hộ dân thường xuyên ở lán nương sâu trong rừng. - Bốn là, biện pháp xử lý hiện tượng theo Tin Lành/ Xè A của Bộ đội Biên phòng và cán bộ địa phương kịp thời nhưng thiếu triệt để. Họ đã sâu sát nắm tình hình địa bàn, phát hiện kịp thời việc tôn giáo lạ xâm nhập, nắm chắc diễn biến tình hình phát triển đạo. Trong khả năng và quyền hạn của mình, họ đã thực thi các biện pháp có thể. Những nỗ lực đó bước đầu làm chuyển biến tình hình, vận động đồng bào nhạt đạo, bỏ đạo quay lại các hình thức thờ cúng truyền thống. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt nhằm ổn định hình hình địa bàn. Với địa bàn rộng lớn, cư trú phân tán, đồng bào thường xuyên ở lán nương trong rừng và giữ mối quan hệ mật thiết với đồng tộc ở bên kia biên giới thì nguy cơ tái truyền đạo là rất cao. 4. Một số khuyến nghị về giải pháp đối với hiện tượng người La Hủ theo Tin Lành hiện nay Việc một bộ phận đồng bào La Hủ chuyển đổi từ tôn giáo truyền thống sang theo Tin Lành/ Xè A là không mới trong các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc hiện nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh chính trị vùng biên giới, đòi hỏi công tác giải quyết phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt dựa trên kinh 104 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014 nghiệm thực tiễn. Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 4/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ là kim chỉ nam cho hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong công tác tôn giáo đối với Tin Lành. Áp dụng vào tình hình thực tiễn trên địa bàn người La Hủ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo cần thống nhất nhận thức chung Xè A là Tin Lành được cải biên cho phù hợp với người La Hủ. Do vậy, tôn giáo này chưa đăng ký và chưa được phép hoạt động, nên có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn. Do vậy, cần chú ý phân biệt rõ nhu cầu tôn giáo thuần túy chính đáng của đồng bào với âm mưu lợi dụng tôn giáo. Công việc cần thiết hiện nay là thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí nhằm giải quyết các nguyên nhân căn bản dẫn đến sự phát triển đạo trong cộng đồng người La Hủ. Đồng thời, có thái độ tôn trọng, tạo điều kiện để đồng bào được thực hiện quyền tự do tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật, kết hợp tuyên truyền vận động đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Theo chúng tôi, để giải quyết hiện tượng một bộ phận người La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu theo Tin Lành/ Xè A hiện nay, cần chú ý đến một số giải pháp chủ yếu sau: Một là, nâng cao hiệu quả công tác tuyền truyền chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tôn giáo đối với người La Hủ. Bên cạnh đó, công tác tôn giáo đối với đồng bào còn chú trọng tuyên truyền bản chất việc truyền bá Tin Lành/ Xè A, nâng cao cảnh giác trước việc lợi dụng tôn giáo để thực hiện âm mưu chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Đó là những cơ sở để đồng bào nhận thức và có sự lựa chọn đúng đắn cho các hoạt động tâm linh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo mà không bị kẻ xấu lợi dụng. Hai là, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò của cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã trong công tác tham mưu, hướng dẫn để hoạt động của chính quyền địa phương đi vào nền nếp; rà soát cán bộ xã là người La Hủ chưa qua đào tạo để cử đi nâng cao trình độ, xóa dần tư tưởng mặc cảm và tâm lý địa phương dân tộc; lựa chọn một số học sinh cấp II người La Hủ thông minh, khỏe mạnh học lên cấp III, cử tuyển vào các trường cao đẳng và dạy nghề của tỉnh bằng nguồn kinh phí địa phương. Phùng Thị Dự. Bước đầu tìm hiểu 105 105 Ba là, tập trung mở đường, phủ sóng điện thoại đến các bản người La Hủ vùng giáp biên, tạo điều kiện để đồng bào giao lưu kinh tế; thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trọng tâm là các bản giáp biên như nhân rộng mô hình trồng lúa nước hai vụ, trồng thảo quả, chăn nuôi gia súc tập trung, tiếp tục chính sách giao khoán bảo vệ rừng, để đồng bào có thu nhập ổn định, từng bước cải thiện đời sống. Xây dựng các điển hình tiên tiến trong xóa đói giảm nghèo, tăng cường cơ hội giao lưu văn hóa và xen cư giữa người La Hủ với người Hà Nhì và các tộc người khác; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn người La Hủ để tạo dựng niềm tin vững chắc của người dân đối với chính quyền và các đoàn thể địa phương. Bốn là, làm tốt công tác nắm tình hình nội biên và ngoại biên để quản lý chặt chẽ hiện tượng truyền đạo và theo đạo. Cán bộ địa phương và Bộ đội Biên phòng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ thực hiện “bốn cùng” để gần dân, nắm dân, ngăn chặn triệt để tình trạng vượt biên trái phép, theo dõi sát sao hoạt động truyền đạo của một số người La Hủ ở Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt quan tâm theo dõi thủ đoạn lợi dụng tôn giáo thực hiện các hoạt động chống đối để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả./. CHÚ THÍCH: 1 Nguyễn Sơn Trà (1999),“Tìm hiểu xã hội truyền thống của người La Hủ”, Văn nghệ Dân tộc và Miền núi, số 9: 19. 2 Tổng cục Thống kê (2010), Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 3 Tham luận của Ủy ban nhân dân huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ. 4 Số liệu thống kê của bốn đồn biên phòng tỉnh Lai Châu năm 2013. 5 Khổng Diễn chủ biên (2000), Dân tộc La Hủ ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội: 127. 6 Khổng Diễn chủ biên (2000), Dân tộc La Hủ ở Việt Nam, sđd: 131. 7 Nguyễn Khắc Đức (2013), “Về một số đặc điểm của Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta hiện nay”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 8: 53. 8 Đỗ Quang Hưng, Tôn giáo, tín ngưỡng trong các dân tộc thiểu số dọc biên giới phía Bắc, 9 Đồn Biên phòng Ka Lăng (2004), Báo cáo tình hình và kết quả công tác Biên phòng năm 2004, Mường Tè. 10 Đồn Biên phòng Ka Lăng (2012), Báo cáo tình hình và kết quả công tác Biên phòng năm 2012, Mường Tè. 11 Đồn Biên phòng Pa Ủ (2013), Báo cáo tình hình và kết quả công tác Biên phòng năm 2013, Mường Tè. 106 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 5 - 2014 12 Số liệu do Trung tá Lò Văn Hiêng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Ủ cung cấp vào tháng 3/2014. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Khổng Diễn chủ biên (2000), Dân tộc La Hủ ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. 2. Hoàng Minh Đô (2003), “Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển Tin Lành vùng dân tộc thiểu số phía Bắc”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 9. 3. Nguyễn Khắc Đức (2013), “Về một số đặc điểm của Tin Lành trong vùng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nước ta hiện nay”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 8. 4. Đồn Biên phòng Ka Lăng (2004), Báo cáo tình hình và kết quả công tác Biên phòng năm 2004, Mường Tè. 5. Đồn Biên phòng Ka Lăng (2012), Báo cáo tình hình và kết quả công tác Biên phòng năm 2012, Mường Tè. 6. Đồn Biên phòng Pa Ủ (2013), Báo cáo tình hình và kết quả công tác Biên phòng năm 2013, Mường Tè. 7. Đỗ Quang Hưng, Tôn giáo, tín ngưỡng trong các dân tộc thiểu số dọc biên giới phía Bắc, 8. Nguyễn Văn Minh, Hồ Ly Giang (2011), “Một số vấn đề thực tiễn về đạo Tin Lành ở các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hiện nay”, Dân tộc học, số 5. 9. Tổng cục Thống kê (2010), Kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, Nxb. Thống kê, Hà Nội. 10. Nguyễn Sơn Trà (1999),“Tìm hiểu xã hội truyền thống của người La Hủ”, Văn nghệ Dân tộc và Miền núi, số 9. Abstract THE FIRST STEP TO LEARN ABOUT PROTESTANTISM IN THE LA HỦ PEOPLE IN MƯỜNG TÈ DISTRICT, LAI CHÂU PROVINCE, VIETNAM Before 1987, ethnic minorities in Lai Châu practised forms of traditional worship. In the past twenty years, the Protestantism has fairly strong development in Lai Châu. In that context, a part of the La Hủ people in border villages in Mường Tè district, Lai Châu province also believed in the Protestantism (compatriot called it as Xè A). Though the process of spreading was interrupted and the number of believers was not crowded, this religion has had the impact on the lives of the La Hủ people. Based on actual survey data, the article initially learnt about the process of spreading the Protestantism into the La Hủ people in Mường Tè district, Lai Châu province and suggested some solutions to the issues that were mentioned above. Key words: Protestantism, the La Hủ people, Xè A, Mường Tè, Lai Châu, Vietnam.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf25221_84472_1_pb_0728.pdf