Nghiên cứu tôn giáo - Các yếu tố tác động đến đời sống nữ tu sĩ phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng từ năm 1990 đến nay

Các nhân tố đã phân tích giúp cho nữ tu sĩ Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay, tuy số lượng ít hơn rất nhiều so với tăng sĩ, nhưng ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới. Những đóng góp đáng kể của họ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta ghi nhận. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để ni giới ngày càng phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam hôm nay

pdf12 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 637 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Các yếu tố tác động đến đời sống nữ tu sĩ phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng từ năm 1990 đến nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
64 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 LÊ THU HUYỀN* CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN ĐỜI SỐNG NỮ TU SĨ PHẬT GIÁO TẠI QUẢNG NAM, ĐÀ NẴNG TỪ NĂM 1990 ĐẾN NAY Tóm tắt: Phật giáo ảnh hưởng đậm nét trong suốt chiều dài hơn năm thế kỷ du nhập và phát triển tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Từ năm 1990 đến nay, Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng nói chung, đời sống của nữ tu sĩ Phật giáo ở địa bàn này nói riêng đã có những thay đổi lớn cùng với sự thay đổi của dân tộc. Bài viết phân tích các nhân tố tác động đến đời sống nữ tu sĩ Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng từ năm 1990 đến nay. Từ khóa: Nữ tu sĩ Phật giáo, Quảng Nam, Đà Nẵng. 1. Khái lược về Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng Mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng từng được các vua Champa chọn là thủ phủ đầu tiên với sự ra đời của kinh đô Sinhapura các thế kỷ VI - VII (Trà Kiệu -Duy Xuyên - Quảng Nam), kinh đô Indrapura thế kỷ IX (Đồng Dương - Thăng Bình - Quảng Nam). Bên cạnh dấu ấn Ấn Độ giáo để lại qua các di tích và di vật, vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng còn được biết đến với dấu ấn Phật giáo đậm nét, nổi tiếng với Phật viện Đồng Dương. Ngay từ thời mở đất về phía Nam, khi đến vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng, các chúa Nguyễn đều là người mộ Phật giáo: “Các chúa Nguyễn ngoài việc bảo vệ và mở mang bờ cõi Đàng Trong thì hầu hết đều là Phật tử mộ đạo, hộ trì Phật giáo phát triển ở Đàng Trong, chăm lo xây dựng, trùng tu chùa chiền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho chư tăng tu học yên ổn”1. “Ngôi chùa đầu tiên do chính quyền phong kiến xây dựng trên đất Quảng Nam theo lệnh của Nguyễn Hoàng trong chuyến đi kinh lý vùng này vào năm 1602 là chùa Long Hưng ở phía đông dinh trấn thuộc xã Cần Húc”2. Quảng Nam, Đà Nẵng cũng là nơi hình thành hai dòng Thiền Minh Hải - Liễu Quán. Phật giáo nơi đây hội tụ đủ ba hệ phái chính của Phật * ThS., Cơ sở Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại Miền Trung, tỉnh Quảng Nam. Lê Thu Huyền. Các yếu tố tác động 65 giáo Việt Nam là Hệ phái Bắc Tông, Hệ phái Nam Tông và Hệ phái Khất Sĩ. Bởi vậy, tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu vào nếp sống, giữ vai trò quan trọng trong sinh hoạt tôn giáo, văn hóa xã hội cộng đồng cư dân xứ Quảng3. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, nhiều vị nữ tu sĩ Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn để góp phần giữ gìn mạng mạch đạo pháp, tiêu biểu là sự kiện Sư cô Thích Nữ Diệu Định (1940 - 1966) tự thiêu để phản đối chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật giáo4. Sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981), Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng có nhiều thay đổi theo sự phát triển chung của Phật giáo toàn quốc. Đặc biệt, từ năm 1990 (năm ban hành Nghị quyết 24 đánh dấu sự đổi mới nhận thức của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo) đến nay, đời sống Phật giáo Việt Nam có nhiều biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Trong đó, sự đóng góp của ni giới đối với Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng là rất đáng kể. 2. Các yếu tố cơ bản tác động đến đời sống nữ tu sĩ Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay 2.1. Chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam Nhận thức được vai trò quan trọng của tôn giáo, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề tôn giáo. Chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo là bình đẳng. Tuy nhiên, mỗi tôn giáo có những đặc điểm riêng, nên Nhà nước có những ứng xử phù hợp đối với từng tổ chức tôn giáo. Nhà xã hội học nổi tiếng M. Weber chỉ ra một nguyên tắc xây dựng chính sách tôn giáo và tính hiện đại nên “bắt đầu từ việc quan tâm tới các trải nghiệm của con người, những trải nghiệm khiến cho con người đến với tôn giáo, hơn là bằng việc bắt đầu với tính chân lý của các niềm tin mà các thể chế hay quyền lực tôn giáo đưa ra”5. Đảng và Nhà nước Việt Nam rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phù hợp với Phật giáo xét trên đặc điểm của tôn giáo này cũng như những tâm thức của Phật tử trong thực hành tôn giáo. Những đặc điểm của Phật giáo so với các tôn giáo khác ở Việt Nam là: Xét về mặt lịch sử, Phật giáo du nhập, tồn tại và phát triển ở nước ta lâu đời nhất so với các tôn giáo khác, nên có sự ảnh hưởng sâu đậm đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Hơn nữa, trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Số tín đồ Phật giáo luôn 66 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 chiếm số lượng đông nhất6. Phật giáo luôn gắn với đời sống của quần chúng nhân dân, đem đạo vào đời. Trong thời hiện đại, Phật giáo có nhiều đóng góp với sự nghiệp cách mạng do Đảng và Nhà nước lãnh đạo. Xét về mặt giáo lý, Phật giáo du nhập vào Việt Nam theo con đường hòa bình. Những nội dung cơ bản trong giáo lý Phật giáo như bình đẳng, khoan dung, từ bi, cứu khổ,... rất gần gũi với đời sống tâm linh của con người Việt Nam. Đặc biệt, giáo lý Phật giáo có nhiều yếu tố triết học, khoa học, đạo đức tích cực, góp phần phát triển văn hóa dân tộc. Xét về mặt tổ chức, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn toàn mang tính quốc gia, dân tộc do Nhà nước giúp đỡ thành lập và công nhận tư cách pháp nhân. Đặc biệt, trên thế giới chỉ có Phật giáo Việt Nam tập hợp và đoàn kết cả Hệ phái Bắc Tông, Hệ phái Nam Tông và Hệ phái Khất Sĩ trong một tổ chức thống nhất. Xét về pháp tu, Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp của cả ba thành tố cơ bản của Phật giáo là Thiền, Tịnh, Mật. Pháp tu đó gần gũi với tâm thức và văn hóa người Việt nên được đông đảo Phật tử thực hành. Từ những đặc điểm nêu trên, Đảng và Nhà nước chú trọng công tác hướng dẫn, giáo dục tăng ni, Phật tử tinh thần yêu nước, đoàn kết và tôn trọng pháp luật; giúp đỡ Phật giáo thống nhất trong một tổ chức chung, hướng dẫn xây dựng đường hướng hành đạo và xây dựng bộ máy hành chính đạo7. Tháng 11 năm 1981, bằng những “hoạt động trợ duyên của Nhà nước Việt Nam qua việc ủng hộ nguyện vọng của chư tôn giáo phẩm tăng ni, Phật tử các tổ chức Giáo hội, hệ phái thống nhất Phật giáo thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; quan tâm, tạo điều kiện, từng bước giải quyết những yêu cầu chính đáng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập”8. Từ năm 1981 đến nay, Phật giáo Việt Nam có những thay đổi tích cực, ngày càng tạo được sức ảnh hưởng lớn trong đời sống dân tộc Chính sách về tôn giáo nói chung, về Phật giáo nói riêng của Đảng và Nhà nước đã tác động rất nhiều đến đời sống Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Đời sống nữ tu sĩ Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng do vậy cũng có những chuyển biến tích cực. Hầu hết nữ tu sĩ Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng mà chúng tôi tiếp xúc đều đánh giá cao chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước hiện nay. Chính sách tôn giáo giúp họ thuận Lê Thu Huyền. Các yếu tố tác động 67 lợi trong tu tập, tham gia vào tổ chức đoàn thể, công tác xã hội, xây dựng chùa cảnh, thu nhận đệ tử, tổ chức nghi lễ,v.v Đó là những điều khác biệt khá rõ so với thời điểm trước năm 1990. Ni sư Thích Nữ Nhật Tân đánh giá: “Đất nước thời bao cấp có một số hạn chế về hoạt động tôn giáo, nên có nhiều ý kiến, mong mỏi đối với Nhà nước để hoạt động của tôn giáo, trong đó có Phật giáo có thể dễ dàng hơn. Ví dụ, muốn đi tu phải đăng ký tạm trú, Nhà nước không đăng ký nên nhiều người phải trốn. Tuy nhiên, từ khi đất nước Đổi mới, hoạt động Phật giáo có nhiều điểm thuận lợi hơn. Ví dụ, khi đủ điều kiện hợp pháp, tôi muốn xây chùa, Nhà nước ký giấy cho; muốn nhận điệu chúng, Nhà nước cho nhận điệu chúng; muốn cho đệ tử đi học, Nhà nước ký giấy cho đệ tử đi học”9. 2.2. Vị trí của nữ giới trong Phật giáo Sinh ra và lớn lên trong xã hội Ấn Độ đầy bất bình đẳng, nhưng Đức Phật không coi rẻ phẩm giá mà chỉ ghi nhận bản chất yếu đuối của nữ giới. Ngài nhìn nhận thiện tính trong cả hai giới nam và nữ. Trong giáo huấn, Ngài đặt mỗi giới vào đúng vị trí. Nam giới hay nữ giới không phải là một trở ngại cho việc thanh lọc thân tâm hay độ tha. Lúc đầu, Đức Phật không chấp nhận nữ giới vào Giáo hội. Nhưng về sau, do lời thỉnh cầu tha thiết của đại đệ tử Ananda và kế mẫu Maha Pajapati, Đức Phật cho phép thành lập Giáo hội Tỳ kheo ni. Như vậy, Đức Phật là người đầu tiên sáng lập một đoàn thể Phật giáo phụ nữ có giới luật và kỷ cương đầy đủ. Đức Phật luôn đề cao phẩm hạnh của phụ nữ, giải phóng họ khỏi những tư tưởng áp bức cố hữu, nâng cao quy chế và dắt dẫn họ thực hiện địa vị quan trọng của mình trong xã hội. Ngài cho rằng, phụ nữ tiềm ẩn nhiều đức tính tốt như thông minh, nhẫn nhục, ôn hòa, bao dung, độ lượng. Nên khi thấy vua Pasenadi nước Kosala buồn phiền vì nghe tin báo hoàng hậu Mallika vừa hạ sinh công chúa, Đức Phật liền khuyên: "Này nhân chủ ở đời, Có một số thiếu nữ, Có thể tốt đẹp hơn, So sánh với con trai, Có trí tuệ, giới đức, Khiến nhạc mẫu thán phục. Rồi sinh được con trai, 68 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 Là anh hùng, quốc chủ, Người con trai như vậy, Của người vợ hiền đức, Thật xứng đáng đạo sư, Giáo giới cho toàn quốc"10. Những lời thuyết giáo của Đức Phật đã ghi sâu vào tâm trí của dân chúng thời bấy giờ, khiến họ tôn trọng nữ giới. Ngài dạy người nam nên xem người nữ như chị em gái và hết lòng bảo vệ họ; đối xử hiền hòa, dịu dàng với vợ, xem vợ ngang hàng với mình; cho con gái cơ hội thăng tiến như con trai. Còn về nguyên nhân Đức Phật chế ra Bát kính pháp buộc ni giới phải thực hành nghiêm túc, điều mà hiện nay nhiều người dựa vào để phủ nhận tính bình đẳng của Phật giáo. Lý giải điều này, Ni sư Thích Nữ Huệ Hướng cho rằng: “Vấn đề ở đây là Đức Phật đã đặt giai cấp của ni thấp hơn hẳn giai cấp của tăng. Từ đó hình thành quan niệm cho rằng người nữ nặng nghiệp hơn người nam. Thực ra, nếu đặt vào bối cảnh lúc bấy giờ chúng ta sẽ hiểu đúng hơn ý nghĩa lời yêu cầu của Đức Phật. Bối cảnh lúc đó là người ni đầu tiên lại là dì của Đức Phật. Nếu để một cách bình thường, tăng ni bình đẳng thì những Tỳ kheo khác sẽ sợ bà. Họ sợ cũng là điều hợp lý, vì bà là dì Đức Thế Tôn, người đã từng nâng niu, bú mớm cho Đức Phật từ khi còn nhỏ. Công của bà rất lớn. Hơn nữa, bà thuộc dòng dõi hoàng tộc, lại xuất gia khi đã lớn tuổi. Những Tỳ kheo nhỏ tuổi, những người thuộc giai cấp khác gặp bà, chỉ dám gọi là Lệnh Bà. Như vậy, đối với những Tỳ kheo ni khác xuất gia theo bà, các Tỳ kheo phải đối xử như thế nào? Họ cũng phải một mực kính trọng. Từ đó sẽ nảy sinh tình trạng các Tỳ kheo ni coi thường các Tỳ kheo, làm mất tôn ti trật tự, không còn bình đẳng nữa. Như vậy, thực tế lúc đó, nếu Đức Phật để mọi người bình đẳng thì sẽ sinh ra mất bình đẳng. Nghĩa là từ chỗ sợ dì Đức Phật, người tăng sẽ có truyền thống cung kính với người ni. Phật sợ tình trạng đó xảy ra nên đã đặt ngược vấn đề, dù lớn tuổi hạ, Tỳ kheo ni vẫn phải tôn kính Tỳ kheo. Nhờ vậy, sau này những người ni xuất gia không dám dựa thế Kiều Đàm di mẫu mà coi thường quý tăng. Nếu không triệt cái ngã của họ, chẳng những họ không tu được mà trong đạo Phật còn xuất hiện truyền thống người tăng gặp người ni phải sợ hãi, cung kính. Dần dần sẽ gây nên sự bất bình đẳng giữa tăng và ni”11. Lê Thu Huyền. Các yếu tố tác động 69 Ngoài ra, vào thời ấy, xã hội Ấn Độ quy định, người tu hành phải rời bỏ gia đình, sống trong rừng rú. Nam tu sĩ có thể chống bọn cướp, thú dữ..., nhưng nữ tu sĩ không thể tự bảo vệ, nên Đức Phật quy định, Tỳ kheo ni không thể an cư tại chỗ không có Tỳ kheo. Một lý do sâu xa khác của việc chế Bát kính pháp là Đức Phật muốn có sự cách biệt giữa tăng bộ và ni bộ. Nữ giới thường hay quá đà, quá thân thì mất cung kính, quá sơ thì dễ tự phụ cho rằng có thể tự lập không cần ai dắt dẫn. Do đó, một trong tám pháp cung kính bắt buộc Tỳ Kheo ni phải thỉnh thoảng đến Tỳ kheo xin chỉ giáo để luôn nhớ đến địa vị của mình là phải tầm cầu chính pháp. Hòa thượng Thích Chơn Thiện khẳng định: “Nghi ngờ Bát kính pháp chỉ là sự rối loạn của tư duy sẽ dẫn đến sự rối loạn của thái độ sống. Ðiều này hẳn sẽ không đem lại an lạc, hạnh phúc cho số đông”12. Hầu hết nữ tu sĩ Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay đều cho rằng, tôn trọng Bát kính pháp là tôn trọng Phật pháp. Nhưng những quy định mà Đức Phật đã chế ra có thể thực hiện linh hoạt để phù hợp hơn với điều kiện sống thay đổi hiện nay. Theo Ni sư Thích Nữ Nhật Tân: “Cuộc sống khi sướng, khi khổ, nhưng giới luật thì luôn phải thực hiện nghiêm túc, không được thay đổi. Bởi vì, giới luật do Đức Phật chế ra. Hiện nay, tôi không đồng ý với xu hướng nhiều ni đấu tranh đòi nam nữ bình quyền giống như bên tăng. Vì tôi nghĩ không ai chặn ép gì mà phải đòi hỏi như vậy. Những gì Đức Phật quy định cho người nữ xuất gia thì cứ thế thực hiện. Đức Phật muốn dẹp ngã mạn của người phụ nữ nên mới chế ra Bát kính pháp. Tu hành rồi thì không còn chấp ngã nữa, phải quy kính Đức Phật. Cuộc sống hiện nay có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến việc hành trì giới luật, tuy nhiên phải giữ đúng những giới trọng, còn những gì không ảnh hưởng lớn tới giới luật có thể linh hoạt. Tôi thấy không phải thay đổi giới luật; cứ cung kính quý thầy, được quý thầy che chở thì yên tâm tu tập hơn”13. Như vậy, có thể khẳng định, trong Phật giáo không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Mọi người cùng sống thanh tịnh trong giáo pháp của Phật giáo, có thể chứng ngộ ở mức độ cao nhất, miễn là theo đúng con đường mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chế định ra. 2.3. Liên minh quốc tế nữ tu sĩ Phật giáo Ngày nay, toàn cầu hóa làm cho thế giới như nhỏ bé lại, biên giới giữa các quốc gia không còn là bức tường tạo ra sự cách biệt với thế giới bên ngoài. Bối cảnh đó làm cho Phật giáo phát triển từ quốc gia này đến quốc 70 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 khác ngày càng trở nên dễ dàng. Sự bùng nổ của hệ thống truyền thông là cầu nối gắn chặt Phật giáo các nước trong một tổ chức nhằm giữ gìn và phát triển hệ thống Phật giáo toàn cầu. Đó là bối cảnh giúp nữ tu sĩ Phật giáo trên thế giới hội tụ trong Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita (Sakyadhita: International Association of Buddhist Women), còn được gọi là Hiệp hội Những người con gái của Đức Phật (Sakyadhita: Daughters of the Buddha), một tổ chức của ni giới và nữ Phật tử trên thế giới đến từ nhiều truyền thống Phật giáo14. Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita được thành lập vào năm 1987, với công lao của Ni sư Karma Lekshe Tsomo. Toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế về Ni giới lần I (The First International Conference on Buddhist Nuns) tổ chức tại Bodhgaya, Ấn Độ đã tập trung thảo luận các vấn đề mà nữ giới Phật giáo quan tâm và nhất trí thành lập Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, một tổ chức của nữ giới Phật giáo thế giới được thành lập. Từ khi ra đời cho đến nay, Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế đã hoạt động không biết mệt mỏi để thực hiện các sứ mệnh cao cả mà tổ chức Phật giáo này mong muốn là: - Thúc đẩy nền hòa bình thế giới thông qua giáo lý của Đức Phật. - Phát triển một mạng lưới quốc tế về truyền thông, thông tin liên lạc trong nữ giới Phật giáo. - Thúc đẩy hạnh phúc tinh thần và thể xác của nữ giới Phật giáo. - Khuyến khích các dự án giáo dục và tu tập dành cho nữ giới Phật giáo. - Thúc đẩy việc giáo dục của nữ giới Phật giáo trong tư cách là pháp sư, giảng sư. - Hướng dẫn và hỗ trợ cho nữ giới Phật giáo quan tâm tu thiền định và thụ giới Tỳ kheo ni. - Nghiên cứu và ấn hành các tác phẩm về lịch sử của nữ giới Phật giáo và các chủ đề liên quan đến nữ giới Phật giáo. - Thiết lập một liên minh nữ giới Phật giáo thế giới nhằm tiến tới thành lập Giáo đoàn Ni giới Quốc tế. - Khuyến khích phát triển văn hóa và giáo dục Phật giáo. Lê Thu Huyền. Các yếu tố tác động 71 - Thúc đẩy sự hòa hợp trong các truyền thống Phật giáo và đối thoại liên tôn giáo. - Ủng hộ việc bảo tồn các di tích thiêng linh của Phật giáo. - Khuyến khích các hoạt động từ thiện xã hội vì phúc lợi của nhân loại. Đến nay, Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế đã tổ chức thành công 12 hội nghị15. Ngoài ra, những tham luận xuất sắc trong các Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế được hiệp hội xuất bản thành kỷ yếu hội nghị theo từng chủ đề. Nhiều tác phẩm và dự án nghiên cứu từ hoạt động của hiệp hội tạo nên một nền văn học mới của nữ giới Phật giáo được xuất bản. Ngoài ra, hiệp hội còn sản xuất các băng đĩa CD, VCD, DVD liên quan đến các hội nghị, hội thảo và các buổi thuyết pháp, thuyết trình của nữ giới Phật giáo trên khắp thế giới. Đây là nguồn tài liệu quan trọng để ni giới khắp thế giới tham khảo cũng như phục vụ nghiên cứu về vai trò của ni giới hiện nay. Cuối năm 2009, đầu năm 2010, Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tổ chức thành công hội nghị này là thắng lợi đầu tiên mà Phân ban Đặc trách Ni giới Việt Nam vừa mới ra đời. Những tham luận trong hội nghị đều hướng tới chủ đề “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc”. Như vậy, với tinh thần kết nối nữ tu sĩ Phật giáo thế giới lại gần nhau để cùng nhau đóng góp cho xã hội, những hội nghị mà Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế tổ chức là cơ hội để ni giới khẳng định vai trò đối với Phật giáo và xã hội. Ni giới Việt Nam, trong đó có ni giới Quảng Nam, Đà Nẵng ngày càng khẳng định được vị thế của mình, đem trí tuệ và tài năng phụng sự dân tộc, đem lại lợi ích cho xã hội. 2.4. Đặc điểm cá nhân của nữ tu sĩ Phật giáo Phật giáo du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 20 thế kỷ, dung hòa với văn hóa bản địa để làm nên những nét đặc trưng, trong đó yếu tố nữ trong Phật giáo Việt Nam ngay từ buổi đầu du nhập được đề cao. “Phật giáo vào Việt Nam kết hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu bản địa đã tạo nên một hiện tượng thờ cúng các Phật Bà khá nổi trội trong hệ thống đối tượng thờ Khi du nhập vào Việt Nam, hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm chuyển hẳn thành hình tượng nữ giới”16. Từ truyền thống trọng nữ ấy, ni giới Phật giáo Việt Nam khẳng định được vị thế của mình trong lòng dân 72 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 tộc. Tác động của sự thay đổi trong một môi trường sống ngày càng hiện đại, sự hòa nhập của cá nhân là điều quan trọng đóng góp cho sự phát triển của ni giới Phật giáo Việt Nam. Sự tăng trưởng và phát triển của một xã hội tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng kinh tế, cơ cấu văn hóa xã hội, chính sách kinh tế xã hội. Tuy nhiên, quan điểm về phụ nữ của các tôn giáo ảnh hưởng quan trọng lên vị thế của họ trong xã hội, từ đó tác động tới sự phát triển17. Cái nhìn này tác động đến nhiều khía cạnh và dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi của mỗi người. Đối với ni giới Phật giáo Việt Nam, những thay đổi này thể hiện qua đức tin và đạo hạnh. Nhìn chung, niềm tin tôn giáo và đạo hạnh của tăng ni có thể phân chia thành những nhóm sau: số đông là người có lý tưởng Phật giáo, ngưỡng mộ Tam bảo mà xuất gia tu hành, thực sự tâm huyết với Phật giáo; một số do hoàn cảnh khó khăn nên xuất gia nương nhờ cửa Phật; một số trắc trở về đời sống riêng tư mà đi tu; một số khác bỏ sự phức tạp, ồn ào của xã hội tìm đến chùa chiền thanh tịnh tu tập trong những năm cuối đời (người bán thế xuất gia), v.v...18. Có thể thấy, quyết định đến sự tinh tấn trong tu tập thể hiện ở sự nhận thức từ cá nhân là rất lớn. Mỗi nữ tu sĩ sẽ có nhận thức khác nhau trên con đường đến với chân lý Phật giáo. Ni cô Thích Nữ Liên Tuệ tự nhận đến với Phật giáo là một cái duyên: “Từ nhỏ, tôi thường xuyên đi chùa nghe giảng kinh Phật. Đặc biệt, do nhà gần Tịnh xá Ngọc Giáng nên hằng ngày, tôi thích nhìn tăng sĩ cầm bát khất thực. Bởi vậy, khởi duyên tôi tìm đến Ni sư Chúng Liên xin quy y Tam Bảo và xuống tóc. Ban đầu, bố mẹ tôi không đồng ý, vì gia đình chỉ có hai chị em. Cuối cùng, họ cũng không thể ngăn cản được tôi. Bây giờ, họ rất tự hào vì có con gái là con Phật”19. Do một số đặc điểm tâm sinh lý, nên khi còn tại thế, Đức Phật đã chế quy định cho nữ tu sĩ nhiều hơn nam tu sĩ. Bởi thế, sự thử thách đối với ni giới sẽ nhiều hơn tăng sĩ. Nhưng những giới luật khắt khe sẽ càng giúp cho nữ tu sĩ Phật giáo có nhiều nỗ lực hơn trên con đường tu tập trở thành đệ tử chân chính của Đức Phật. Ngày nay, xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ mọi mặt đời sống. Đó là nhân tố tác động nhiều đến nhận thức của nữ tu sĩ Phật giáo. Nữ tu sĩ Phật giáo hiện nay có điều kiện sống tốt hơn rất nhiều so với trước thời Lê Thu Huyền. Các yếu tố tác động 73 Đổi mới (1986). Nhiều gia đình ở Quảng Nam, Đà Nẵng có điều kiện, muốn con vào chùa và chu cấp cho đủ phương tiện để tu học tốt. Nhiều ni sư ở Quảng Nam, Đà Nẵng cho biết, dù cấm sử dụng, nhưng một số nữ tu sĩ vẫn lén sử dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại, bắt phạt nhiều cũng không nghe, nên đành kệ họ sử dụng. Tuy nhiên, các chùa luôn chú trọng hành trì giới luật. Có như vậy, tu sĩ Phật giáo mới thông suốt giáo lý Đức Phật truyền giảng và đem giáo lý ấy cứu giúp chúng sinh. Làm được như vậy, ni giới mới xứng đáng với sứ mạng là cầu nối của Đức Phật với Phật tử. 3. Kết luận Các nhân tố đã phân tích giúp cho nữ tu sĩ Phật giáo tại Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay, tuy số lượng ít hơn rất nhiều so với tăng sĩ, nhưng ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới. Những đóng góp đáng kể của họ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta ghi nhận. Đó là một trong những điều kiện thuận lợi để ni giới ngày càng phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam hôm nay./. CHÚ THÍCH: 1 Thích Nữ Chúc Kim (2005), Ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống văn hóa vùng Quảng Nam, Luận văn tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, 2 Thạch Phương, Nguyễn Đình An chủ biên (2010), Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 911. 3 Nguyễn Xuân Hương (2009), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng: hình thái, đặc trưng và giá trị, Nxb. Từ điển Bách khoa & Viện Văn hóa, Hà Nội: 41. 4 Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 345. 5 Keyes, F. Charles (2006), “Về tôn giáo và tính hiện đại ở Việt Nam”, Xưa & Nay, số 259, tháng 5: 22. 6 Theo thống kê dân số năm 2009, số tín đồ Phật giáo là 6.802.318 người. Còn theo số liệu thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cả nước có gần 45 triệu tín đồ đã quy y Tam bảo, 44.498 tăng ni; 14.775 tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường trong cả nước. 7 Nguyễn Tất Đạt (2011), Mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 112. 74 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 8 Nguyễn Hồng Dương (2011), “Vai trò trợ duyên của Nhà nước trong việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11: 13. 9 Phỏng vấn Ni sư Thích Nữ Nhật Tân, trụ trì chùa Diệu Quang, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tháng 2/2012. 10 Narada Thera (Phạm Kim Khánh dịch, 1991), Đức Phật và Phật pháp, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành: 278 - 283. 11 Thích Nữ Huệ Hướng (2003), Địa vị người phụ nữ trong giáo lý Đức Phật, 12 Thích Chơn Thiện (1998), Ni giới và những lời Phật dạy, 13 Phỏng vấn Ni sư Thích Nữ Nhật Tân, trụ trì chùa Diệu Quang, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tháng 2/2012. 14 Thích Nữ Như Nguyệt, Sakyadhita: biên thùy nới rộng của nữ giới Phật giáo và sự kết nối toàn cầu, tư liệu Hội nghị Sakyadhita Thế giới lần thứ 12 tại Thái Lan, năm 2011, 15 1/ Bodh Gaya, Ấn Độ năm 1987; 2/ Bangkok, Thái Lan năm 1991; 3/ Colombo, Sri Lanka năm 1993; 4/ Leh, Ấn Độ năm 1995; 5/ Phnom Penh, Campuchia năm 1997 - 1998; 6/ Lumbini, Nepal năm 2000; 7/Đài Bắc, Đài Loan năm 2002; 8/ Seoul, Hàn Quốc năm 2004; 9/ Kuala Lumpur, Malaysia năm 2006; 10/ Ulanbator, Mông Cổ năm 2008; 11/ Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam năm 2009 - 2010; 12/ Bangkok, Thái Lan năm 2011. 16 Nguyễn Ngọc Quỳnh (2011), “Vị trí người phụ nữ trong Phật giáo Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 2: 36 - 37. 17 Nguyễn Xuân Nghĩa (2006), “Phụ nữ, tôn giáo và vấn đề phát triển”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1: 12. 18 Ngô Hữu Thảo (2012), “Chức sắc Phật giáo Việt Nam hiện nay: tình hình và kiến nghị”, Công tác Tôn giáo, số 1+2: 32. 19 Phỏng vấn Ni cô Thích Nữ Liên Tuệ, Tịnh xá Ngọc Kỳ, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, tháng 2/2012. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Hồng Dương (2011), “Vai trò trợ duyên của Nhà nước trong việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 11. 2. Nguyễn Tất Đạt (2011), Mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 3. Keyes, F. Charles (2006), “Về tôn giáo và tính hiện đại ở Việt Nam”, Xưa & Nay, số 259, tháng 5. 4. Thích Nữ Chúc Kim (2005), Ảnh hưởng của Phật giáo đến đời sống văn hóa vùng Quảng Nam, Luận văn tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, 5. Nguyễn Xuân Hương (2009), Tín ngưỡng cư dân ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng: hình thái, đặc trưng và giá trị, Nxb. Từ điển Bách khoa & Viện Văn hóa, Hà Nội. Lê Thu Huyền. Các yếu tố tác động 75 6. Thích Nữ Huệ Hướng (2003), Địa vị người phụ nữ trong giáo lý Đức Phật, 7. Nguyễn Xuân Nghĩa (2006), “Phụ nữ, tôn giáo và vấn đề phát triển”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 1. 8. Thích Nữ Như Nguyệt, Sakyadhita: biên thùy nới rộng của nữ giới Phật giáo và sự kết nối toàn cầu, tư liệu Hội nghị Sakyadhita Thế giới lần thứ 12 tại Thái Lan, năm 2011, 9. Thạch Phương, Nguyễn Đình An chủ biên (2010), Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 10. Nguyễn Ngọc Quỳnh (2011), “Vị trí người phụ nữ trong Phật giáo Việt Nam”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 2. 11. Ngô Hữu Thảo (2012), “Chức sắc Phật giáo Việt Nam hiện nay: tình hình và kiến nghị”, Công tác Tôn giáo, số 1+2. 12. Narada Thera (Phạm Kim Khánh dịch, 1991), Đức Phật và Phật pháp, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. 13. Thích Chơn Thiện (1998), Ni giới và những lời Phật dạy, 14. Thích Như Tịnh (2008), Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. Abstract

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf26502_89120_1_pb_919.pdf
Tài liệu liên quan