Trước tình hình đó, các giáo sĩ đã chấp nhận địa phương hóa Công
giáo cho tương hợp với văn hóa các dân tộc địa phương. Cho nên, họ
không chỉ phá thần, mà còn tạo thần dưới nhiều hình thức, chẳng hạn sử
dụng tên gọi các vị thần truyền thống nhưng thêm nội hàm mới, hoặc tạo
ra những tên gọi mới. Những vị thần mới được các giáo sĩ giải thích đã
tồn tại từ rất lâu đời mà cư dân lâu nay vẫn thờ cúng. Nói cách khác, giáo
sĩ tạo thần bằng cách khoác cho các vị thần truyền thống của đồng bào
dân tộc thiểu số tên gọi mới hoặc nội hàm Công giáo, tạo tình cảm gần
gũi và tương hợp trong nhận thức của tín đồ./.
12 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 592 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Cộng đồng tôn giáo - Dân tộc tại kon tum, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 – 2014 93
ĐẶNG LUẬN*
CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO - DÂN TỘC TẠI KON TUM
(Nghiên cứu trường hợp Công giáo)
Tóm tắt: Bài viết đề cập hai vấn đề liên quan đến cộng đồng tôn
giáo/Công giáo - dân tộc ở Kon Tum. Một là, sự truyền bá và phát
triển Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và việc hình
thành cộng đồng Công giáo - dân tộc ở Tây Nguyên nói chung,
Kon Tum nói riêng từ năm 1848 đến nay. Hai là, tác động của
cộng đồng Công giáo - dân tộc đến một số lĩnh vực tiêu biểu của
đời sống giáo dân ở Kon Tum như: kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn
giáo, v.v...
Từ khóa: Kon Tum, Tây Nguyên, cộng đồng dân tộc - tôn giáo,
Công giáo, dân tộc thiểu số.
1. Dẫn nhập
Truyền bá và phát triển Công giáo trong vùng dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên là một chủ trương lớn và có ý nghĩa sống còn của Giáo hội Công
giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Người trực tiếp thực hiện sứ mệnh
này là Giám mục Stéphane Cuénot. Việc truyền giáo lên Tây Nguyên trở
thành quyết tâm cao của Giáo hội Công giáo Việt Nam và được chuẩn bị
kỹ lưỡng ngay từ đầu.
Năm 1848, Giám mục Stéphane Cuénot giao nhiệm vụ cho Nguyễn
Do (thường gọi là thầy Sáu Do) tìm đường truyền giáo vào vùng Tây
Nguyên. Đầu năm 1848, Linh mục Combes và thầy Sáu Do dẫn đường
cùng với bốn thầy giảng và một số chủng sinh khởi hành từ Gò Thị đến
Trạm Gò, nhưng bị voi đuổi phải bỏ chạy về. Cuối năm 1850, một đoàn
truyền giáo gồm 15 người, có hai linh mục Dourisboure và Desgouts, do
thầy Thám (em thầy Sáu Do) dẫn đường đi từ Gò Thị đến Bến - Trạm Gò
- làng Bơ Ham - làng Bơ Lu - làng Kon Phar - làng Kơ Lang của người
Ba Na. Năm 1851, sau một thời gian tìm đường xâm nhập, Giám mục
*
TS., Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum.
94 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
Stéphane Cuénot đã phân vùng truyền giáo Tây Nguyên thành bốn trung
tâm: Kon Kơ Xâm (người Ba Na), Plei Rơ Hai (người Ba Na ngành Rơ
Ngao), Kon Trang (người Xơ Đăng) và Plei Chư (người Gia Rai)1.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu truyền giáo vào Tây Nguyên, các giáo
sĩ Công giáo gặp rất nhiều khó khăn như: sự cấm đạo của triều Nguyễn,
địa hình cách trở và chia cắt, các loại bệnh xứ nhiệt đới, sự bất đồng về
ngôn ngữ và chủng tộc, v.v... Nhưng khó khăn lớn nhất là sự khác biệt
giữa Công giáo với các hình thức thờ cúng truyền thống của các dân tộc
thiểu số địa phương. Một số cộng đồng tuy đã theo Công giáo lâu đời,
nhưng vẫn không dứt bỏ được các hình thức thờ cúng truyền thống.
Trong khi đó, Công giáo không chấp nhận việc làm này của đồng bào.
Cho nên, nhiều người đã từ bỏ Công giáo để quay lại với tập tục thờ cúng
cũ. Do vậy, việc theo Công giáo của một bộ phận dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên nói chung, ở Kon Tum nói riêng chỉ mới là bước đầu, việc duy
trì đời sống đạo nơi họ mới là việc khó khăn hơn nhiều.
2. Sự hình thành cộng đồng tôn giáo - dân tộc ở Tây Nguyên
Cộng đồng tôn giáo - dân tộc được hiểu là cộng đồng tộc người theo
một tôn giáo nào đó, trong đó yếu tố tôn giáo chiếm ưu thế, chi phối yếu
tố tộc người. Với cách hiểu như vậy, có thể chia các cộng đồng Công
giáo - tộc người ở Tây Nguyên theo thời gian như sau:
2.1. Sự hình thành cộng đồng tôn giáo - dân tộc trong thời kỳ đầu
truyền bá Công giáo vào Tây Nguyên
Sau một thời gian truyền giáo trong vùng dân tộc thiểu số, các giáo sĩ
Công giáo nhận thấy, nếu tiếp tục để tín đồ tân tòng sinh sống cùng làng
với người ngoại giáo sẽ dẫn đến nguy cơ khó giữ được đạo. Bởi vì, đa số
dân chúng trong làng xem họ là những kẻ phản bội truyền thống và họ bị
đối xử với thái độ rất xa lạ. Thời kỳ các giáo sĩ Công giáo làm nhà sống
chung với dân làng chỉ phát huy tác dụng ban đầu. Về sau, phương thức
này tỏ ra trở ngại, cần phải thay đổi môi trường sống, thiết lập nơi cư trú
riêng với những luật lệ riêng nhằm giữ đạo tốt hơn. Phương cách này
được ghi nhận trong báo cáo thường niên của Giám mục Giáo phận Kon
Tum như sau: Ở khắp mọi nơi, họ tìm cách chuyển đổi từng cá nhân
riêng rẽ. Tuy nhiên, cái khối đã luôn hiện diện ở đó và họ đã không làm
gì được. Phương pháp hay nhất chỉ được tìm thấy sau đó: phải tìm cách
chuyển đổi toàn bộ ngôi làng, thậm chí một nhóm làng. Ngay chính điều
Đặng Luận. Cộng đồng tôn giáo – dân tộc 95
này được hiểu ra thì công cuộc loan báo Tin Mừng bắt đầu có tiến bộ
trong các khu vực này2.
Ý định này được Linh mục P. Dourisboure đem ra áp dụng. Từ năm
1851, vùng truyền giáo Kon Tum xuất hiện nhiều làng mới và các nông
trại theo ý tưởng này. Các làng mới trong kế hoạch xây dựng phải theo
mô hình tổ chức sản xuất và đời sống khác với những làng truyền thống.
Vị trí được chọn để xây dựng mô hình trên thường là những nơi đất đai
màu mỡ, gần sông suối, ruộng nước; án ngữ những con đường giao thông
(đường rừng) trong vùng; gần những trung tâm truyền giáo đã xây dựng
trước đó nhằm hỗ trợ nhau lúc cần thiết; không quá xa, tách biệt với các
làng ngoại giáo3.
Cư dân đến khai thác vùng đất mới ban đầu là những tín hữu tân tòng
sốt sắng. Họ tự nguyện đi khai phá nơi ở mới dưới sự chỉ huy của một
linh mục, đôi khi là những tín hữu người Kinh từ đồng bằng lên. Sau đó,
khi đời sống đã ổn định và phát triển, các làng thu hút thêm nhiều cư dân
khác đến cư trú với điều kiện là theo Công giáo4.
Lực lượng bổ sung đáng kể cho dân số các làng mới là những nô lệ, tù
binh chiến tranh được các giáo sĩ Công giáo bỏ tiền chuộc về và đưa đến
những nơi mới khai phá. Một thành phần quan trọng khác trong các làng
mới là người Kinh từ đồng bằng đi theo các linh mục lên phục vụ cho
miền truyền giáo Kon Tum. Họ trực tiếp hướng dẫn, tư vấn cho người
dân tộc thiểu số các làng mới tiếp cận với cách thức sản xuất mới, nhất là
kỹ thuật canh tác lúa nước. Qua thời gian, mô hình này đã thành công
trên nhiều mặt, sản xuất phát triển nhờ áp dụng phương thức sản xuất
mới, năng suất lao động tăng cao, không còn nạn mất mùa, đói kém đe
dọa. Sống trong những làng như thế, người dân an tâm về mặt an ninh,
tránh được những cuộc xung đột giữa các làng.
Tại những làng Công giáo đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên, giáo sĩ
đứng ra tổ chức điều hành thay cho bộ máy tự quản truyền thống, lối
sống đạo đã đẩy lùi các tập tục bị coi là mê tín. Với thành công đó, nơi
đây thật sự là điểm thu hút người ngoại đạo và là địa bàn để mở rộng
việc truyền giáo ra các làng khác.
Ở thời kỳ này, các giáo sĩ xây dựng các làng Công giáo toàn tòng,
nhằm tách các tân tòng ra khỏi cộng đồng truyền thống, tránh cho tín đồ
khỏi chịu ảnh hưởng từ các mối quan hệ của làng cũ và giữ đạo được tốt
96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
hơn. Về sau, khi được xây dựng kiên cố, các làng mới trở thành nơi thu
hút người ngoại đạo, lan tỏa Công giáo ra các vùng xung quanh với sự
hấp dẫn và tính ưu việt hơn ở một số phương diện so với làng truyền
thống. Những làng kiểu này do giáo sĩ trực tiếp xây dựng, nên họ cũng
trực tiếp điều hành, tổ chức cuộc sống tại đây. Vai trò nổi bật của giáo sĩ
phần nào làm lu mờ vai trò của người có uy tín trong thiết chế truyền
thống.
2.2. Sự hình thành cộng đồng tôn giáo - dân tộc trong thời kỳ Công
giáo có chỗ đứng trong vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Từ thành công ở các điểm truyền giáo như đề cập, sang giai đoạn
1885 - 1954, các cộng đồng tôn giáo kiểu như vậy tiếp tục được nhân
rộng, nhưng với một phương thức khác. Nếu như giai đoạn 1850 - 1885,
địa bàn truyền giáo phát triển chủ yếu trong vùng người Ba Na với việc
nhân rộng ảnh hưởng của các làng Công giáo kiểu mẫu, thì sang giai
đoạn 1885 - 1954, địa bàn truyền giáo được mở rộng ra vùng người Xơ
Đăng. Nhiều làng xin tòng giáo tập thể và trở lại đạo, nhất là từ năm 1885
đến năm 1940. Hiện tượng này được các sử gia Công giáo gọi là “lúa
chín đầy đồng” nhưng “thiếu thợ gặt”. Nói cách khác, việc người dân tộc
thiểu số từ bỏ thờ cúng truyền thống để theo Công giáo diễn ra không chỉ
đối với từng cá nhân, mà còn là một cộng đồng làng. Hiện tượng này
đánh dấu sự thay đổi tâm thức tôn giáo rất lớn trong người dân tộc thiểu
số. Đồng thời, hiện tượng này cũng cho thấy, việc tạo ra những cộng
đồng như vậy thể hiện một cách thức truyền bá Công giáo rất đặc thù cho
từng tộc người.
Từ những thập niên cuối thế kỷ XIX đến thập niên 30 thế kỷ XX,
vùng người Xơ Đăng là nơi truyền giáo sôi động và đạt kết quả nhiều
nhất. Từ năm 1885 đến năm 1908, kết quả truyền giáo đạt được chủ yếu
trên địa bàn người Ba Na. Trong 94 làng tòng giáo ở giai đoạn này chỉ có
bốn làng người Gia Rai, ba làng người Xơ Đăng. Nhưng từ năm 1908
đến năm 1955 có 61 làng tòng giáo, vùng người Xơ Đăng chiếm hơn một
nửa (33 làng; vùng Rơ Ngao 13 làng; vùng Gia Rai: 9 làng; vùng Ba Na:
5 làng)5.
Do số lượng làng tòng giáo tăng lên nhanh chóng, trong khi nhân lực
truyền giáo có hạn, không thể bao quát tất cả làng mới theo đạo, vì vậy,
Giáo hội đã thành lập Hội Giáo phu trên vùng đất Tây Nguyên, tạo ra đội
Đặng Luận. Cộng đồng tôn giáo – dân tộc 97
ngũ Thầy giảng ở vùng dân tộc thiểu số. Công việc này bắt đầu từ năm
1908 với việc mở trường đào tạo giáo phu. Đến năm 1915, Luật Các chú
Giáo phu (sau đây gọi tắt là Luật Giáo phu) được giáo quyền phê chuẩn.
Sau đó một năm (1916), Hội Các chú Giáo phu (sau đây gọi tắt là Hội
Giáo phu) được thiết lập nhằm tập hợp các giáo phu trong một tổ chức,
hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của luật đã có.
Các giáo sĩ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, còn giáo phu trực tiếp thực hiện
công việc đạo do Luật Giáo phu quy định như: dạy giáo lý cho trẻ nhỏ và
tân tòng, kể cả giáo lý hôn phối; được thực hiện một số bí tích như Rửa tội
cho trẻ con, khi trẻ 6 - 7 tuổi, lo cho chúng học kinh bổn để được xưng tội,
chịu lễ lần đầu. Khi trẻ 13 - 14 tuổi, giáo phu đưa chúng nhận bí tích Thêm
sức. Ngoài ra, giáo phu có thể được giao làm chứng cho đôi hôn phối; tống
táng người qua đời; đưa Mình Thánh cho người hấp hối. Giáo phu lo việc
đèn nến ở nhà thờ, nhà nguyện, xướng kinh, cắt đặt người trông coi cơ sở
thờ tự, đôn đốc tín đồ tham gia thánh lễ Chủ nhật, nhất là những Lễ Trọng
trong năm như Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh, v.v...
Ngoài ra, giáo phu còn tham gia bộ máy tự quản của làng, điều hành
cả việc thế tục. Thiết chế này đến nay vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở
những làng Công giáo ở Kon Tum. Như vậy, cơ chế vận hành ở các làng
Công giáo lúc này không còn khép kín như ở giai đoạn đầu (các làng
Công giáo kiểu mẫu). Ở đây có sự kết hợp giữa tôn giáo/ Công giáo với
truyền thống trong việc vận hành đạo và đời. Trong đó, yếu tố tôn giáo
chi phối nhiều hơn.
2.3. Sự hình thành cộng đồng tôn giáo - dân tộc trong điều kiện
Công giáo phát triển và hội nhập văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây
Nguyên
Giai đoạn 1954 - 1975, vùng đất Tây Nguyên chứng kiến nhiều biến
cố: chiến tranh lan rộng, chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân mới,
sự gia tăng nhanh chóng số lượng người Kinh. Tất cả sự kiện đó làm
thay đổi rất nhiều diện mạo Tây Nguyên. Thực tế lịch sử vừa đặt ra
thách thức, vừa mang lại cơ hội cho Công giáo. Trong bối cảnh ấy, Tòa
Giám mục Kon Tum đã biết tận dụng cơ hội do thời cuộc mang lại để
tiếp tục phát triển đạo trong vùng dân tộc thiểu số. Một mặt, Giáo hội
địa phương đẩy mạnh việc phát triển đạo trong số người Kinh mới di cư
đến, tạo ra lực lượng giáo dân người Kinh đông đảo, cư trú ở những vị
98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
trí chiến lược, lấy đó làm bàn đạp để đến với vùng dân tộc thiểu số. Mặt
khác, Giáo hội địa phương vừa củng cố địa bàn truyền thống chưa có
chiến sự nổ ra, vừa tập trung hướng ưu tiên truyền giáo vào vùng dân
tộc Gia Rai, nơi mà các giai đoạn trước mức độ xâm nhập của Công
giáo còn hạn chế. Có thể nói, sự có mặt của Linh mục Jacque Dournes
trên vùng đất Cheo Reo từ năm 1954, cùng với sự hỗ trợ đắc lực từ phía
các giáo sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đến Giáo phận Kon Tum từ
cuối thập niên 60 thế kỷ XX, đã tạo nên thành công bước đầu nơi người
Gia Rai, một tộc người có số dân đông nhất Tây Nguyên, nhưng đến với
Chúa muộn màng hơn các tộc người khác. Từ năm 1960 đến năm 1975,
Giáo phận Kon Tum đã xây dựng ba trung tâm truyền giáo trải rộng gần
như toàn bộ vùng đất của người Gia Rai sinh sống: Trung tâm truyền
giáo Bon Ma Djơng năm 1969 (thị xã Ayun Pa) phía đông; Trung tâm
truyền giáo Plei Chuet năm 1973 (thành phố Plei Ku) phía tây bắc và
Trung tâm truyền giáo Plei Kly 1969 (huyện Chư Sê) phía nam giáp với
huyện EhLeo (Đắk Lắk)6.
Giáo hội tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: xây dựng
trường học các cấp từ phạm vi giáo xứ đến phạm vi giáo phận; mở các
trạm khám và phát thuốc tại địa sở, xây dựng bệnh viện tại Kon Tum;
mở các cơ sở từ thiện ở nhiều nơi phù hợp cho từng loại đối tượng;
thành lập một số trung tâm dành riêng cho thanh nữ người dân tộc thiểu
số, Kết hợp truyền giáo với các hoạt động xã hội là đặc điểm truyền
giáo ở giai đoạn này.
Từ năm 1975 đến nay, các giáo sĩ, nữ tu Công giáo người nước ngoài
rời khỏi Việt Nam. Từ đây, Giáo hội Công giáo Việt Nam do người Việt
Nam cai quản. Tình hình của Giáo phận Kon Tum cũng vậy. Trước năm
1986, Tòa Giám mục Kon Tum chủ trương nghe ngóng tình hình và chờ
cơ hội. Sau năm 1986, hoạt động của các tôn giáo ở Việt Nam có phần
khởi sắc, Công giáo ở Kon Tum cũng nằm trong xu hướng đó. Tòa Giám
mục Kon Tum chú trọng kiện toàn lại hệ thống tổ chức, sắp xếp lại nhân
sự, tích cực đào tạo thế hệ giáo sĩ trẻ, nhất là củng cố Giáo hội cơ sở từ
giáo dân đến đội ngũ chức việc như giáo phu, câu, biện; củng cố các hội
đoàn đã có từ trước; tăng cường bám sát cơ sở để truyền đạo và củng cố
đức tin, Tất cả động thái trên đều nhằm thúc đẩy việc truyền giáo và
phát triển đạo. Thực tế những năm gần đây cho thấy, số lượng tín đồ
Công giáo trong vùng dân tộc thiểu số ở Kon Tum không ngừng tăng lên
Đặng Luận. Cộng đồng tôn giáo – dân tộc 99
so với thời điểm trước năm 1975. Cá biệt, vùng người Gia Rai, số làng và
người theo Công giáo tăng rất nhanh. Riêng trung tâm truyền giáo Cheo
Reo vùng người Gia Rai, nếu từ năm 1956 đến năm 1987, chỉ có bảy làng
theo đạo với 501 tín đồ, 1.279 dự tòng, thì mười năm sau, số lượng tín đồ
tăng lên 1.361 tín đồ, 3.923 dự tòng, với 79 làng theo đạo. Đến năm
2005, có 6.217 giáo dân, 5.148 dự tòng7.
Ở thời kỳ 1954 - 1975, do tác động của chiến tranh, các cộng đồng
Công giáo - dân tộc có những biến động lớn. Nhiều làng Công giáo buộc
phải di cư liên tục, một số giáo dân di thực ra khỏi địa bàn cư trú truyền
thống, bị gom vào ấp chiến lược hoặc di tản đi các tỉnh khác mà không có
ngày trở lại. Điều này làm xáo trộn về địa bàn cư trú của các dân tộc. Họ
bị dồn về một nơi, ở gần trung tâm đô thị có điều kiện sống xa lạ với làng
cũ. Các thiết chế vận hành cũ bị xáo trộn theo. Chính quyền thực dân
dựng lên thiết chế quản lý mới đóng vai trò thay thế thiết chế cũ điều
hành cuộc sống dân làng. Thế giới dường như mở rộng hơn đối với họ và
họ ngỡ ngàng trước sự thay đổi quá nhanh đó. Bây giờ, họ không thể
quay trở lại như xưa nữa.
Sau năm 1975, đặc biệt từ năm 1986 đến nay, những thành tựu kinh tế
- xã hội to lớn mà đất nước đạt được là nền tảng và động lực quan trọng
để các tôn giáo ngày càng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Đối với Công
giáo, trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980, lần
đầu tiên, vấn đề hội nhập văn hóa, đồng hành cùng dân tộc được đặt ra.
Đó là “xây dựng trong Hội Thánh một lối sống và một lối diễn tả đức tin
phù hợp với truyền thống dân tộc”.
3. Cộng đồng Công giáo - dân tộc với các lĩnh vực của đời sống
giáo dân ở Kon Tum
3.1. Trên lĩnh vực xã hội
Do sự khác biệt về văn hóa, cũng như việc cứng nhắc trong hội nhập
văn hóa, cho nên trong thời kỳ đầu, các giáo sĩ Công giáo khó tiếp xúc
với người dân tộc thiểu số. Khi một số làng chấp nhận các giáo sĩ vào
sinh sống và truyền giáo là lúc xung đột văn hóa nảy sinh. Đa số dân làng
quay lưng lại với những tín đồ tân tòng. Điều này gây ra nhiều bất lợi cho
các nhà truyền giáo và các tín hữu. Bởi vì, những chung đụng và ràng
buộc của truyền thống sẽ ảnh hưởng đến đời sống đạo của tín đồ. Thực tế
cho thấy, nhiều người do không chịu nổi sức ép của dư luận đã bỏ đạo.
100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
Trước tình hình này, các giáo sĩ đã đưa giáo dân ra sống riêng để tránh
những phiền toái và để giữ đạo tốt hơn. Họ lập ra những làng Công giáo
toàn tòng. Ở những làng Công giáo này, bộ máy tự quản trong thiết chế
làng truyền thống như chủ làng, hội đồng già làng, thủ lĩnh quân sự, chủ
nhà rông, thầy cúng, chủ đất,... được thay thế bằng bộ máy quản lý mới.
Ở đó, các giáo sĩ là người thay thế chủ làng và bộ máy tự quản quán
xuyến tất cả công việc, từ đối nội đến đối ngoại, từ kinh tế đến chính trị,
an ninh Các giáo sĩ ra sức xây dựng những làng này trở thành nơi kinh
tế phát triển nhờ áp dụng phương pháp canh tác mới, đảm bảo về mặt an
ninh, hiện tượng chiến tranh hoặc mối đe dọa từ các làng ngoại đạo ít xảy
ra hơn trước. Họ xem đây là những làng Công giáo kiểu mẫu, những
thành lũy kiên cố với mục đích phát triển tín đồ, vừa giữ đạo đối với tân
tòng, vừa thu hút người ngoại đạo, vì thấy lợi ích của làng Công giáo
mang lại với điều kiện là theo đạo.
Ở những làng có Công giáo, cuộc sống được tổ chức lại. Theo đó, các
giáo sĩ đóng vai trò như chủ làng tổ chức, điều hành mọi việc. Những
làng Công giáo mới thành lập, vai trò của giáo sĩ càng quan trọng. Ở nơi
này, họ mới có điều kiện hiện thực hóa những dự định mà ở những làng
truyền thống dường như không thể.
Sự hiện diện của Công giáo trong vùng dân tộc thiểu số đã làm thay
đổi diện mạo của tổ chức và thiết chế buôn làng truyền thống. Việc hình
thành các xứ đạo, họ đạo ít nhiều phá vỡ tính tự trị, khép kín của buôn
làng. Một họ đạo có thể từ hai đến ba làng; một xứ đạo gồm nhiều làng,
bao trùm lên cả một vùng rộng lớn. Điều này làm cho tổ chức làng truyền
thống được mở hơn, đồng thời cũng lỏng lẻo hơn. Thay đổi lớn nhất là
thiết chế truyền thống gần như bị thiết chế Công giáo thay thế hoặc làm
cho tê liệt. Bộ máy tự quản buôn làng có từ lâu đời nay nhường chỗ cho
giáo phu, linh mục,... Điều này tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa vùng có
Công giáo và không có Công giáo.
3.2. Trên lĩnh vực kinh tế
Việc dời làng, sống du canh, du cư của đồng bào dân tộc thiểu số thật
sự là một trở ngại lớn đối với việc truyền giáo và phát triển Công giáo.
Hoàn cảnh đặt ra đối với các giáo sĩ là làm sao thay đổi được thói quen
này. Cuộc sống định canh, định cư đã tạo ra những điều kiện thuận lợi
hơn đối với đời sống của đồng bào, thay đổi tập quán từ lâu đời không có
Đặng Luận. Cộng đồng tôn giáo – dân tộc 101
lợi cho sản xuất và đời sống; tạo ra một thói quen mới giúp cho người
dân ổn định đời sống lâu dài, có điều kiện để phát triển sản xuất, bảo vệ
tài nguyên môi trường.
Trên thực tế, tập quán sản xuất ở những làng Công giáo đã thay đổi có
lợi hơn cho sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, năng suất lao động cao
hơn so với các làng truyền thống, chẳng hạn như biết dùng trâu bò để cày
bừa. Sử dụng trâu bò làm công cụ sản xuất là bước tiến lớn thay đổi về
nhận thức và hành động đột phá dũng cảm trong phương thức sản xuất.
Bởi vì, trước đó, trâu bò, nhất là con trâu, được xem như con vật thiêng
chỉ dùng để tế thần.
3.3. Trên lĩnh vực văn hóa
Kinh nghiệm truyền giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon
Tum và Tây Nguyên trên 160 năm cho thấy, Công giáo không có bất kỳ
công thức chung nào để “gieo hạt giống Phúc Âm” vào khu vực này. Các
giáo sĩ từ thực tế đã có những cách thức riêng để hội nhập vào các cộng
đồng cư dân. Quá trình đó cần có thời gian dài để tiếp xúc, thay đổi nhận
thức và tạo nên mối quan hệ hai chiều. Trong đó, dấu ấn văn hóa của
các tộc người được giữ lại, tiếp biến qua lăng kính của Công giáo. Nói
cách khác, văn hóa các dân tộc thiểu số đã có ảnh hưởng trở lại đối với
Công giáo.
Trước hết, đó là sự chủ động của giáo sĩ trong việc tìm hiểu và vận
dụng văn hóa dân tộc để truyền giáo, chẳng hạn như tục kết nghĩa, cùng
ăn ở và sinh hoạt với đồng bào, học ngôn ngữ, tìm hiểu phong tục tập
quán, tạo ra chữ viết, lập các làng, họ đạo Công giáo, hội nhập lễ nghi
Công giáo với văn hóa dân tộc thiểu số, v.v... Vận dụng văn hóa, tập tục
của các dân tộc thiểu số để thành lập các tổ chức phù hợp với người địa
phương như trường đào tạo giáo phu, Dòng Ảnh phép lạ, hệ thống trường
dành cho học sinh dân tộc thiểu số, các cơ sở từ thiện, v.v...
Sử dụng hình thức sinh hoạt cộng đồng phục vụ cho các nghi lễ tôn
giáo, như cồng chiêng, điệu múa, dân ca. Cồng chiêng được sử dụng hầu
hết trong lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, từ lễ hội
chung của cộng đồng đến từng gia đình và cá nhân, chuyện vui hay
chuyện buồn đều có cồng chiêng chia sẻ. Trong lễ nghi Công giáo, cồng
chiêng được sử dụng trong các đám rước, trong và ngoài thánh lễ, khi
chôn cất người chết tại nghĩa địa. Khi giám mục kinh lý hoặc thực hiện
102 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
thánh lễ ở giáo xứ, giáo họ, đội cồng chiêng cùng với giáo dân đánh cồng
chiêng tiếp đón long trọng. Đi liền với cồng chiêng là các điệu múa được
cách điệu và sử dụng cho dâng lễ, dâng hoa. Các giáo sĩ sử dụng một số
làn điệu dân ca Ba Na như hát xoi, hát Thri vào thánh lễ. Những bài
thánh ca mang âm hưởng dân ca Ba Na dễ hát, dễ thuộc, phù hợp với tâm
thức tộc người này.
Trong các công trình kiến trúc tôn giáo có sự địa phương hóa như Nhà
thờ Chính tòa Kon Tum, Chủng viện Kon Tum, vừa kết hợp kiểu kiến
trúc Châu Âu, vừa mô phỏng kiến trúc nhà rông, nhà dài của các dân tộc
Ba Na, Xơ Đăng8. Các nhà thờ, nhà nguyện xây dựng những năm gần
đây cũng mô phỏng theo mô típ kiến trúc nhà rông như Nhà thờ xứ Đắk
Mốt (xã Đắk Mốt, huyện Ngọc Hồi), Nhà thờ xứ Kon Xăm Lũ (xã Đắk
Tờ Re, huyện Kon Rẫy), v.v... Cung thánh một số nhà thờ được trang trí
theo phong cách dân tộc, nhà tạm là mô hình nhà rông thu nhỏ; tượng nhà
mồ được cách điệu trang trí trong và ngoài nhà thờ làm bớt đi những nét
Phương Tây, đậm nét bản địa, khiến nó trở thành ngôi nhà chung thân
thương của cộng đồng9.
Tuy nhiên, ở chiều cạnh khác, một số nét văn hóa truyền thống của
các dân tộc thiểu số dần dà bị Công giáo hóa. Công giáo làm thay đổi,
biến dạng nhiều lễ hội, tập tục truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu
số địa phương. Trong vùng đồng bào theo Công giáo, lễ hội truyền thống
không còn được tổ chức theo tập tục từ xưa, mà có sự pha chế giữa yếu tố
cũ và yếu tố mới, hoặc được thay thế bằng các lễ nghi Công giáo.
Đây là hiện tượng giao thoa giữa văn hóa Công giáo với văn hóa các
dân tộc thiểu số. Trong quá trình này, Công giáo là chủ thể tác động đến
văn hóa các dân tộc thiểu số nhiều hơn.
3.4. Trên lĩnh vực tôn giáo
Một trong những vấn đề khó nhất khi Công giáo truyền bá vào vùng
dân tộc thiểu số ở Kon Tum là tín ngưỡng thờ Yang (thần) của đồng bào.
Sự đụng độ này thường diễn ra từ khi Công giáo lên Tây Nguyên cho đến
hiện nay.
Là một tôn giáo độc thần, khi truyền vào cư dân bản địa ở Tây
Nguyên, các giáo sĩ Công giáo phải chủ động phá thần. Sự lựa chọn giữa
Thiên Chúa với các vị thần truyền thống đối với tân tòng là quá khó
Đặng Luận. Cộng đồng tôn giáo – dân tộc 103
khăn. Nhiều người có cảm giác như kẻ phản bội truyền thống, nên đã bỏ
đạo do không chịu nổi sức ép tâm lý, sự ghẻ lạnh của cộng đồng.
Trước tình hình đó, các giáo sĩ đã chấp nhận địa phương hóa Công
giáo cho tương hợp với văn hóa các dân tộc địa phương. Cho nên, họ
không chỉ phá thần, mà còn tạo thần dưới nhiều hình thức, chẳng hạn sử
dụng tên gọi các vị thần truyền thống nhưng thêm nội hàm mới, hoặc tạo
ra những tên gọi mới. Những vị thần mới được các giáo sĩ giải thích đã
tồn tại từ rất lâu đời mà cư dân lâu nay vẫn thờ cúng. Nói cách khác, giáo
sĩ tạo thần bằng cách khoác cho các vị thần truyền thống của đồng bào
dân tộc thiểu số tên gọi mới hoặc nội hàm Công giáo, tạo tình cảm gần
gũi và tương hợp trong nhận thức của tín đồ./.
CHÚ THÍCH:
1 P. Dourisboure (2008), Dân làng Hồ, Nxb. Đà Nẵng: 11, 138.
2 Báo cáo số 1017 (năm 1936), tài liệu lưu trữ tại văn khố Hội Thừa sai Paris
(MEP), Paris, Cộng hòa Pháp.
3 P. Dourisboure (2008), sđd: 218 - 221.
4 Nguyễn Hồng Dương (2006), “Hoạt động truyền đạo Công giáo trong vùng dân
tộc thiểu số ở Giáo phận Kon Tum: một số biểu hiện đặc thù”, Nghiên cứu Tôn
giáo, số 5 (41): 44.
5 Tòa Giám mục Kon Tum (1970), Lịch sử truyền giáo Giáo phận Kon Tum, tài
liệu lưu trữ tại Tòa Giám mục Kon Tum: 22.
6 Lm. Nguyễn Hoàng Sơn (2005), Sơ lược tiểu sử Trung tâm truyền giáo Cheoreo,
(giai đoạn II),
7 Nguyễn Hoàng Sơn (2008), Kỷ niệm đệ nhất bách chu niên (1908 - 2008)
Trường đào tạo Giáo phu Thánh Cuénot Thể, Báo điện tử của Hội đồng Giám
mục Việt Nam.
8 Nguyễn Hoàng Sơn (2008), Bôl Giáo Phu: Một sáng kiến độc đáo - ứng dụng
thần kỳ tổ chức thầy giảng cho vùng truyền giáo, Báo điện tử của Hội đồng
Giám mục Việt Nam.
9 Nguyễn Hồng Dương (2006), “Hoạt động truyền đạo Công giáo trong vùng dân
tộc thiểu số ở Giáo phận Kon Tum: một số biểu hiện đặc thù”, Nghiên cứu Tôn
giáo, số 5 (41): 51.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo số 1017 (năm 1936), tài liệu lưu trữ tại văn khố Hội Thừa sai Paris
(MEP), Paris, Cộng hòa Pháp.
2. Nguyễn Văn Chinh, Mathieu Guérin (2004), “Sự truyền bá của Kitô giáo đối với
cư dân Tây Nguyên: tác động của chế độ thuộc địa và chiến tranh”, Nghiên cứu
Tôn giáo, số 2 (26).
104 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
3. P. Dourisboure (2008), Dân làng Hồ, Nxb. Đà Nẵng.
4. Nguyễn Hồng Dương (2006), “Hoạt động truyền đạo Công giáo trong vùng dân
tộc thiểu số ở Giáo phận Kon Tum: một số biểu hiện đặc thù”, Nghiên cứu Tôn
giáo, số 5 (41).
5. Lm. Nguyễn Hoàng Sơn (2005), Sơ lược tiểu sử Trung tâm truyền giáo Cheoreo,
(giai đoạn II),
6. Nguyễn Hoàng Sơn (2008), Kỷ niệm đệ nhất bách chu niên (1908 - 2008) Trường
đào tạo Giáo phu Thánh Cuénot Thể, Báo điện tử của Hội đồng Giám mục Việt
Nam.
7. Nguyễn Hoàng Sơn (2008), Bôl Giáo Phu: Một sáng kiến độc đáo - ứng dụng
thần kỳ tổ chức thầy giảng cho vùng truyền giáo, Báo điện tử của Hội đồng Giám
mục Việt Nam.
8. Tòa Giám mục Kon Tum (1970), Lịch sử truyền giáo Giáo phận Kon Tum, tài
liệu lưu trữ tại Tòa Giám mục Kon Tum.
Abstract
RELIGIO - ETHNIC COMMUNITY IN KON TUM, VIETNAM
(A Case Study of Catholicism)
The paper addressed two issues related to religious communities /
Catholicism - Ethnic in Kon Tum. The first was the spread and
development of Catholicism in ethnic minority communities and the
forming of Catholicism - Ethnic community in the Central Highlands in
general, Kon Tum in particular from 1848 up to now. The second was the
impact of Catholicism - Ethnic community in such typical fields of the
believer’s life in Kon Tum as: economy, culture, society, religion, etc.
Keywords: Kon Tum, the Central Highlands, religio - ethnic
community, Catholicism, ethnic minority.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 24325_81368_1_pb_4064.pdf