Giáo dục Phật giáo có tác dụng nhất định đối với phát triển bền vững
của xã hội. Cụ thể là, giáo dục Phật giáo có tác dụng nhất định đối với
con người, chủ thể của phát triển bền vững. Để đáp ứng vai trò đặt ra cho
giáo dục Phật giáo, tự bản thân tổ chức tôn giáo này cũng có sự chuyển
biến để tiến tới sự phát triển bền vững.
Hệ thống giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có nhiều
nét tương đồng với hệ thống giáo dục quốc dân nói chung. Nền giáo dục
của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có: sơ cấp, trung cấp, đại học
và sau đại học. Cho đến năm 2011, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có bốn
học viện Phật giáo (ba học viện của Phật giáo Bắc tông, một học viện của
Phật giáo Nam tông), 4.826 tăng ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học, tám
lớp Cao đẳng Phật học đào tạo được 1.056 tăng ni sinh7
10 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 711 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Giáo dục phật giáo với phát triển bền vững, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
70 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014
ĐOÀN MINH HUẤN*
NGUYỄN QUỲNH TRÂM**
GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tóm tắt: Giáo dục Phật giáo có những đóng góp tích cực đối với
xã hội trên nền tảng nguồn lực con người . Thế giới hiện đang đứng
trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Trong bối cảnh đó, giáo
dục Phật giáo đã và đang góp phần giải quyết khá thấu đáo một số
vấn đề đặt ra cho sự phát triển bền vững. Một mặt, triết lý giáo dục
Phật giáo có ý nghĩa nhất định trong phát triển bền vững xã hội.
Mặt khác, tự bản thân giáo dục Phật giáo cũng có những yếu tố
của bền vững và có sự điều chỉnh hướng tới phát triển bền vững
đáp ứng vai trò của mình đối với yêu cầu xã hội đang đặt ra.
Từ khóa: Bền vững, giáo dục, kinh tế, phát triển, Phật giáo, xã hội,
môi trường.
1. Đặt vấn đề
Thuật ngữ “phát triển bền vững” xuất hiện lần đầu vào năm 1980
trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn thế giới với nội dung khá đơn giản:
“Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế,
mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác đ ộng
đến môi trường sinh thái”1.
Khái niệm này phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ báo cáo của Ủy
ban Brundtland. Báo cáo ghi rõ, phát triển bền vững là sự phát triển có
thể đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không tổn hại đến những khả
năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai 2. Nói cách khác, phát triển
bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công
bằng và môi trường được bảo vệ. Để đạt được điều này, các nhà cầm
quyền, các tổ chức xã hội,... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm dung hòa
ba lĩnh vực chính là kinh tế, xã hội và môi trường.
* PGS,TS., Học viện Chính trị Khu vực I, Hà Nội.
** ThS., Học viện Chính trị Khu vực I, Hà Nội.
Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Quỳnh Trâm. Giáo dục Phật giáo... 71
Các tôn giáo luôn muốn truyền bá sâu rộng giáo lý của mình. Việc
truyền giáo có thể được coi như một cách giáo dục mà nội dung là tư
tưởng của tôn giáo đó. Truyền giáo để mọi người tin theo, trở thành tín
đồ; khi là tín đồ thì tiếp tục giáo dục để thấm nhuần sâu sắc hơn triết lý
của tôn giáo mình. Các tôn giáo có những hình thức truyền giáo/ giáo
dục riêng.
Khác với cách giáo dục mang tính áp đặt và bắt buộc của hầu hết các
tôn giáo độc thần, Phật giáo lấy việc giảng giải điều hay, lẽ phải để tín đồ
tự lựa chọn và biến thành hành động sao cho hợp tình, hợp lý. Hình thức
giáo dục đó đặt trọng tâm vào quá trình tự tu tâm, dưỡng tính. Đó là nền
giáo dục thiên về thể nghiệm thực tiễn, chuyển nội dung giáo lý thành
hành động cụ thể và hiện thực. Giáo dục Phật giáo giúp con người hoàn
thiện nhân cách, làm chủ bản thân , tự thấu triệt hạnh phúc và khổ đau.
2. Mối liên hệ giữa giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững
2.1. Giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững trên lĩnh vực kinh tế
Kinh tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát tr iển của thế giới hiện
đại. Hiện nay, nhiều nhà kinh tế lấy tiêu chuẩn tăng trưởng kinh tế
ngắn hạn để đánh giá sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc
gia, mà quên hệ lụy từ việc tăng trưởng kinh tế không g ắn với phát
triển bền vững.
Giáo dục Phật giáo đã tái tạo một nền kinh tế bền vững ở hai phương
diện: ứng xử với nguồn lực tự nhiên và ứng xử với nguồn lực con người.
Nền kinh tế ở đây với chủ thể là con người hoạt động trong lĩnh vực kinh
tế. Giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững kinh tế chính là giáo dục
Phật giáo với những con người làm kinh tế.
Theo triết lý của nhà Phật, các hoạt động kinh doanh phải luôn chú
trọng bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.
Người làm kinh tế nếu thấm nhuần tư tưởng này sẽ hòa hợp giữa phát
triển kinh tế với việc bảo vệ nguồn lực tự nhiên cho các thế hệ tương lai,
tức là tiến dần đến sự phát triển bền vững.
Lòng từ bi của Phật giáo được vận dụng trong kinh doanh là một động
lực để phát triển kinh tế. Người chủ doanh nghiệp luôn có ý thức chăm lo
đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân viên, tạo điều kiện cho
họ phát triển toàn diện bản thân, xử sự thân tình với họ xuất phát từ tình
thương yêu như Đức Phật từng chỉ dạy sẽ tạo cơ sở cho doanh nghiệp nói
72 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
72
riêng, nền kinh tế nói chung tiến đến sự ổn định và phát triển bền vững.
Thuyết nhân quả Phật giáo có tác động tích cực đến ý thức và hành động
của con người, góp phần hạn chế những toan tính và hành vi vô nhân đạo
rất dễ nảy sinh trong cơ chế thị trường trên lĩnh vực kinh tế.
Giáo dục Phật giáo cũng góp phần hình thành đạo đức kinh doanh,
được hiểu là doanh nghiệp không kiếm lời bằng sự lừa dối khách hàng,
bằng sự hủy hoại môi trường, hay bằng sự bóc lột lao động . Việc hội tụ
tinh hoa truyền thống văn hóa Việt Nam với những điểm đặc sắc trong
nội dung giáo dục Phật giáo giúp cho nhà kinh doanh biết mình cần phải
có thái độ hành xử như thế nào cho hợp với quy luật phát triển mà vẫn có
sự gìn giữ cho tư ơng lai. Thái độ hành xử ấy là động lực góp phần phát
triển bền vững.
Có thể nói, vấn đề phát triển kinh tế bằng mọi giá là một trong những
nguyên nhân làm suy thoái môi trường sống hiện nay. Trong khi đó, Phật
giáo luôn chủ trương giáo dục một nếp sống giản đơn, tiết kiệm, gắn với
môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Chủ trương này của Phật giáo góp phần
tiết chế dục vọng của xã hội tiêu dùng đẩy con người chìm đắm trong
hưởng thụ vật chất có nguy cơ xa rời các giá trị. Bên cạnh đó, tư tưởng
Phật giáo cũng góp phần giúp người dân tiết kiệm trong tiêu dùng, hạn
chế những mặt hàng xa xỉ, tăng cường nguồn lực trong nước.
2.2. Giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững trên lĩnh vực xã hội
Tư tưởng Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với các giá trị xã hội
Việt Nam. Trong các giá trị xã hội Việt Nam, việc ưu tiên giá trị cộng
đồng hay đề cao giá trị đạo đức xã hội là một đặc điểm nổi bật trong đời
sống dân tộc ta. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để các giá trị đạo đức
Phật giáo thực sự bén rễ và phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam.
Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam đã đề cập đến những chuẩn mực
đạo đức xã hội như hiếu thảo, trung thực, nhân ái, hướng thiện, tránh
ác Toàn bộ những giá trị này được thể hiện tập trung trong nội dung
giáo lý Phật giáo và được giáo dục thông qua trình độ tâm lý và trình độ
tư tưởng. Người Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc những chuẩn mực đạo
đức Phật giáo phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội.
Những giá trị đạo đức của Phật giáo giúp cho con người ý thức về vai
trò hành động của mình trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, từ đó hành
động sao cho phù hợp với quy luật, tạo cơ sở đảm bảo cho sự tiếp tục
Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Quỳnh Trâm. Giáo dục Phật giáo... 73
phát triển ở tương lai. Phật giáo dạy mọi người yêu thương nhau, tôn
trọng lẫn nhau, hướng con người đến với lý tưởng sống cao đ ẹp, diệt trừ
điều ác, tham sân si và phiền não của đời thư ờng để đạt đến cuộc sống
hạnh phúc cho mình và cho mọi người3.
Cùng với quá trình du nhập và phát triển, những chuẩn mực đạo đức
Phật giáo có tác động nhất định đến nền đạo đức của dân tộc Việt Nam,
góp phần bổ khuyết những giá trị đạo đức mới, cũng như làm phong phú
và sâu sắc thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Từ giữa thế kỷ XX đến nay, giáo dục Phật giáo càng khẳng định hiệu
quả với tổ chức Gia đình Phật tử . Đó là sự kết hợp hài hòa giữa đạo với
đời, giúp giáo dục thanh thiếu niên Phật tử chủ động xây dựng cho mình
cuộc sống đầy tình ngườ i, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội 4, tiến
dần đến sự bền vững con người, bền vững xã hội. Đoàn thể Phật giáo này
còn đóng góp rất lớn vào việc bảo vệ sự vững chắc các giá trị đạo đức
của dân tộc.
Giáo lý Phật giáo nhấn mạnh đến sự công bằng, giáo dục con người
sống lành mạnh, làm nhiều việc tốt lành , tránh xa những việc phi nhân
nghĩa để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp nơi trần thế . Những giá trị đạo
đức đó làm cho Phật giáo ngày càng có vị trí vững chắc trong tâm thức
người dân Việt Nam, khẳng định sức sống lâu bền của tôn giáo này đối
với dân tộc Việt Nam. Xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam bền
vững không thể thiếu cái thiêng của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói
riêng. Nói cách khác, sự thiêng hóa các giá trị văn hóa phàm trần là yêu
cầu cơ bản đảm bảo cho phát triển bền vững về văn hóa. Xây dựng con
người bền vững về thể chất và tinh thần không thể không cần tới các
niềm tin tôn giáo lành mạnh, trong đó minh triết Phật giáo là một trong
những tư tưởng cần được coi trọng .
2.3. Giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững trên lĩnh vực môi trường
Trong lịch sử phát triển, loài người luôn phải đối mặt với những thách
thức của thiên nhiên như bão lụt, động đất, núi lửa, sóng thần Những
hiện tượng này đang ngày càng gia tăng với mức độ thảm khốc hơn với
sự tiếp tay của con người cùng những phản chức năng của khoa học công
nghệ. Thảm họa về sinh thái và môi trường đang diễn ra khắp nơi trên thế
giới. Dễ dàng nhận ra điều này , nhưng vì nhu cầu cuộc sống, vì phát triển
kinh tế, con người vẫn bóc lột tự nhiên bất chấp sự phản ứng của tự
74 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
74
nhiên. Đây là hệ quả tất yếu của việc vắt kiệt thiên nhiên mà không chú ý
đến tính bền vững.
Giáo lý Phật giáo có những nội dung coi trọng môi trường , giáo dục
con người sống hòa hợp thiên nhiên và bảo vệ tự nhiên. Dù con người có
tác động vào tự nhiên thì cũng phải đặt trong mối quan hệ biện chứng,
xác định được giới hạn của tự nhiên. Điều này thể hiện khá rõ ràng trong
thuyết duyên khởi của Phật giáo. Theo đó, vạn vật trên thế giới này có sự
liên hệ mật thiết với nhau, lệ thuộc vào nhau. Con người có mặt thì giới
tự nhiên có mặt, hoặc giới tự nhiên không có mặt thì con người không có
mặt. Cho nên, việc tác động vào giớ i tự nhiên một cách tiêu cực, con
người không sớm thì muộn cũng phải chịu chung số phận 5.
Trong việc giáo dục về môi trường thiên nhiên , quan điểm của Phật
giáo là “bất nhị”. Con người với môi trường thiên nhiên (rừng núi, sông
biển, khí trời, các loại động thực vật) không tách rời nhau, mà đan xen
trong một vòng quay nhân quả phổ quát . Thuyết luân hồi và nghiệp báo
của Phật giáo không dừng lại ở việc giải thích sự có mặt của con người,
sự không đồng nhất giữa các cá nhân, mà khía cạnh đạo đức của nó được
đẩy mạnh hơn bao giờ hết để con người có trách nhiệm đối với môi
trường sống của chính mình.
Tinh thần tôn trọng sự sống, yêu mến thiên nhiên, đề cao sự bình đẳng
giữa các loài là những giá trị của Phật giáo được đón nhận trong vấn đề
bảo vệ môi trường hiện nay. Phật giáo do vậy được xem là một tôn giáo
có thái độ thân thiện đối với môi trường.
Hòa thượng Thích Chơn Thiện đã có những định hướng nâng cao hiệu
quả giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững trên lĩnh vực bảo vệ môi
trường như sau: Một là, giáo dục con người nhận thức mối liên hệ mật
thiết giữa con người và thiên nhiên qua giáo lý duyên khởi và ngũ uẩn để
con người có thể tự nguyện bảo vệ môi sinh. Hai là, giải thích các hiểm
họa do ô nhiễm môi sinh gây ra. Ba là, chỉ rõ ham muốn của con người
về lợi lộc và uy quyền có thể gây ra khổ đau cho con người. Bốn là, gợi ý
những gì con người phải làm cho môi sinh6.
Tư tưởng thoát khổ của Phật giáo cũng ít nhiều liên quan đến việc bảo
vệ môi trường. Theo Phật giáo , con người được nhìn nhận không chỉ từ
góc độ tốt xấu dựa trên hành vi, mà còn phải được phân tích qua trạng
thái tâm lý. Điều này không chỉ là giải pháp cho việc ngăn chặn hành vi
Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Quỳnh Trâm. Giáo dục Phật giáo... 75
bên ngoài, mà còn là sự chuyển đổi tâm thức bên trong để con người có
thái độ thân thiện hơn đối với môi trường thiên nhiên.
Bảo vệ môi trường là vấn đề thực tiễn đặt ra trong giai đoạn hiện nay,
chứ không phải được đặt ra từ thời Đức Phật còn tại thế. Do vậy, không
nhiều lời Đức Phật dạy liên hệ trực tiếp đến vấn đề này. Nhưng chúng ta
có thể xem xét hàm ý của giáo dục Phật giáo đối với bảo vệ môi trường
thiên nhiên. Những tư tưởng đó rõ ràng mang tính giáo dục con người và
còn nguyên giá trị trong bối cảnh thế giới hiện nay.
3. Vai trò của giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững
Giáo dục Phật giáo có tác dụng nhất định đối với phát triển bền vững
của xã hội. Cụ thể là, giáo dục Phật giáo có tác dụng nhất định đối với
con người, chủ thể của phát triển bền vững. Để đáp ứng vai trò đặt ra cho
giáo dục Phật giáo, tự bản thân tổ chức tôn giáo này cũng có sự chuyển
biến để tiến tới sự phát triển bền vững.
Hệ thống giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có nhiều
nét tương đồng với hệ thống giáo dục quốc dân nói chung. Nền giáo dục
của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay có: sơ cấp, trung cấp, đại học
và sau đại học. Cho đến năm 2011, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có bốn
học viện Phật giáo (ba học viện của Phật giáo Bắc tông, một học viện của
Phật giáo Nam tông), 4.826 tăng ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học, tám
lớp Cao đẳng Phật học đào tạo được 1.056 tăng ni sinh7.
Phương pháp giáo dục Phật giáo chú trọng thuyết phục con người
thay đổi cách sống, chấp nhận giá trị mới và tìm kiếm mục đích mới
bằng những lời thuyết pháp hùng hồn và sinh động. Giáo dục Phật
giáo thường sử dụng một số phương pháp học thuật làm cho cuộc đàm
thoại trở nên sinh động. Đó là làm cho người tranh luận trình bày rõ
quan điểm của mình và chấp nhận một lập trường tư tưởng nào đó, sau
đó đặt câu hỏi. Những câu hỏi này luôn là những câu hỏi thăm dò,
được sắp xếp cẩn thận nhằm chinh phục đối phương nhận ra lý lẽ ngụy
biện của mình. Nét độc đáo nhất của giáo dục Phật giáo là khéo sắp
xếp lại tiến t rình suy nghĩ của người tranh luận bằng cách đặt câu hỏi
nhanh và liên tục. Phép so sánh và loại suy được sử dụng trong việc
làm rõ thêm chi tiết và giả i thích những câu hỏi này. Trong một vài
trường hợp, giáo dục Phật giáo mới phơi bày hết quan điểm ban đầu
của người tranh luận là có sai lầm nghiê m trọng, khi người tranh luận
76 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
76
chịu từ bỏ lý lẽ của mình và sẵn sàng đồng ý với tư tưởng Phật giáo.
Đến lúc đó, người thầy mới bắt đầu giảng giải ý tưởng riêng về vấn đề
đang tranh luận. Bất cứ đề tài bàn thảo nào, giáo dục Phật giáo cũng
tuần tự hướng dẫn người tranh luận đi đến một sự phân tích tỉ mỉ về
con đường giải thoát.
Giáo dục Phật giáo không đánh giá cao về kiến thức lĩnh hội được ra
sao, mà quan tâm đến việc kiến thức có giá trị ứng dụng trong đời sống
thực tế như thế nào. Một kiến thức ít ỏi nhưng nếu áp dụng đúng lúc sẽ
được đánh giá cao hơn kho kiến thức rộng lớn mà không có sự nỗ lực
thực hiện những gì đã học .
Lối truyền đạt tư tưởng tốt là lối truyền đạt sáng rõ và cụ thể cho dù
nội dung truyền đạt trừu tượng. Trong giáo dục Phật giáo, người thầy sử
dụng phương pháp giảng dạy cụ thể, dễ hiểu, thu hút sự chú ý của người
khác, đánh mạnh vào tâm thức của người nghe. Kèm t heo với phương
pháp này, người thầy còn giảng những đề tài có duyên sự và bối cảnh
sống động của nó.
Giáo dục Phật giáo không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận tư tưởng đã có
của Phật giáo, mà còn khuyến khích quá trình tự nghiên cứu , tìm tòi khía
cạnh mới trong những vấn đề tưởng như đã cũ, tìm ra những giá trị mới
trong bối cảnh ngày nay. Đây là ý tưởng để có một nền giáo dục Phật
giáo bền vững đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa.
Mối liên hệ giữa thầy và trò trong giáo dục Phật giáo là mối liên hệ
tương hỗ. Bổn phận của trò đối với thầy và nhiệm vụ của thầy đối với trò
được trình bày chi tiết và rõ ràng trong kinh sách của tôn giáo này. Theo
đó, mối quan hệ này giống như mối quan hệ giữa cha và con, rất mật thiết
và đầy tình thương. Đây là điểm căn bản và then chốt tạo nên một nền
giáo dục Phật giáo bền vững.
Theo truyền thống giáo dục tự viện, thầy là người chịu trách nhiệm
đối với việc phát triển thể chất, đạo đức và tâm linh của trò. Thầy thương
yêu và giúp đỡ trò trong mỗi vấn đề. Thầy cũng quan tâm khi trò bệnh tật
hoặc gặp rắc rối, chịu trách nhiệm ăn ở và nhu cầu sống khác của trò,
theo dõi sát sao sự tu học của trò , đặc biệt là việc tuân giữ giới luật.
Ngược lại, trò phải luôn tôn kính thầy, nhiệt tâm phụ giúp thầy công việc
thường ngày, hầu hạ lúc thầy bệnh tật, gánh vác và chia sẻ công việc khó
nhọc của thầy.
Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Quỳnh Trâm. Giáo dục Phật giáo... 77
Quan hệ thầy trò trong Phật giáo không chỉ là mối quan hệ trực tiếp
giữa hai thế hệ kế tiếp, mà còn là một chuỗi tiếp nối kéo dài qua nhiều thế
hệ. Trong tự viện, vai trò của người thầy là vô cùng quan trọng trong việc
đào tạo đệ tử trở thành người có đủ tài đức. Trong quan hệ hỗ tương, đệ tử
cũng có thể góp phần đem lại sự thành công cho người thầy trong việc xiển
dương Phật pháp. Một người dù tài năng đến đâu, nếu không có sự giúp
sức của người khác thì vẫn gặp nhiều hạn chế trong công việc của mình .
Bên cạnh đó, trong giáo dục Phật giáo hiện nay cần lưu tâm đến môi
trường giáo dục, mạng lưới giảng viên, gạt bỏ chủ nghĩa hình thức, tăng
cường chia sẻ sáng kiến, kích thích sáng tạo, chú trọng giáo dục đạo đức.
Đây là những vấn đề quan trọng trong việc tạo nên một nền giáo dục Phật
giáo bền vững.
4. Kết luận
Sự vận động và phát triển của ngoại giới và sinh giới hiệ n nay tạo ra
cả mặt chức năng lẫn mặt phản chức năng đối với sự phát triển . Vì vậy,
con người cần suy nghĩ nghiêm túc về phát triển bền vững. Toàn cầu hóa
làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, nhưng lại có nguy cơ đẩy tới đơn
nhất hóa văn hóa trên mặt địa cầu, làm phai mờ văn hóa địa phương và
văn hóa tộc người, mà cái lõi tạo nên bản sắc văn hóa ấy là cái thiêng của
các tôn giáo truyền thống. Kinh tế thị trường tạo động lực để tạo ra khối
lượng của cải chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nhưng lại đẩy tới việc
khai thác đến tột cùng tài nguyên thiên nhiên, gồm cả tài nguyên trên mặt
đất, tài nguyên dưới lòng đất và tài nguyên trong vũ trụ. Kinh tế thị
trường tìm được động lực phát triển từ kích thích nhu cầu (kích cầu) của
con người, nhưng lại đẩy con người tới dục vọng tiêu dùng thái quá, trở
thành xã hội tiêu dùng và động vật tiêu thụ bị điều khiển bởi các nhà sản
xuất với lòng tham không đáy. Khủng hoảng nợ công của chính phủ
nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay cũng xuất phát từ xã hội tiêu thụ
thái quá. Cách mạng khoa học công nghệ đem lại nhiều sáng chế mới,
nhưng nhiều thành tựu lại được sử dụng cho lòng tham không đáy của
các nhà tư bản, các tập đoàn chính trị, khiến cho việc bóc lột tự nhiên
ngày càng gia tăng. Tri thức nhân loại ngày càng tăng trưởng theo cấp số
nhân, nhưng sự tăng trưởng của tri thức lại xa lánh minh triết, khiến một
số người gọi đó là triết lý vô minh. Triết lý này dẫn không ít người tới
tình trạng vô cảm trước thực tại. Con người trước nhu cầu của thị trường,
trước tác động của triết lý vô minh, trước xã hội thiêu thụ, đã suy giảm
78 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
78
và làm mất đi cái thiêng liêng trong nếp nghĩ, cách làm, sâu xa hơn là văn
hóa và đạo đức. Điều đó nói lên tính cấp bác h hiện nay trong việc cứu vớt
trái đất và loài người, còn gọi là vấn đề phát triển bền vững.
Trong bối cảnh như vậy, yêu cầu một sự phát triển mang tính bền
vững là cấp thiết. Đây là thời điểm mà giáo dục Phật giáo phát huy được
vị trí và vai trò của mình . Chúng ta ngày càng thấy rõ hơn chức năng của
giáo dục Phật giáo quan trọng như thế nào đối với xã hội . Để thực hiện
tốt nhiệm vụ và mục tiêu trước yêu cầu mới, giáo dục Phật giáo đã có
những điều chỉnh hướng phát triển . Nền giáo dục Phật giáo thông qua
Giới, Định, Tuệ là một nếp sống đạo đức, một nhân tố quyết định giúp
con người khai mở nguồn sáng tạo trong việc xây dựng văn hóa trí tuệ,
hướng tới một nền văn hóa bền vững. Mahatma Gandhi từng nói, đời
sống đạo đức mà không liên hệ đến tôn giáo giống như xây nhà trên cát;
cuộc sống mà không có tôn giáo thì bất hoàn; giáo dục và tôn giáo có mối
liên kết tự nhiên 8. Phật giáo với nền giáo dục đặc sắc đã và đang đóng
góp cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang tạo ra những biến chuyển quan
trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trước bối cảnh đó, Phật
giáo Việt Nam đã có những thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thời
đại, trong đó chức năng giáo dục đạo đức xã hội của tôn giáo này cũng có
những nét mới, tiếp tục đóng góp đáng kể trong phát triển bền vững đất
nước và nhân loại./.
CHÚ THÍCH:
1 Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế, viết tắt là IUCN.
2 Báo cáo Our Common Future của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới, viết
tắt là WCED, nay là Ủy ban Brundtland.
3 Nguyễn Tài Thư (1996), Phật giáo Việt Nam những vấn đề đặt ra hiện nay, tài
liệu lưu trữ tại Trung tâm Thông tin Tư liệu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí
Minh, Hà Nội .
4 Nguyễn Tài Thư (1996), Phật giáo Việt Nam những vấn đề đặt ra hiện nay, tlđd.
5 Thích Khế Chơn (2012), “Giáo dục Phật giáo với bảo vệ môi trường”, trong Kỷ yếu
Hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo: Định hướng và phát triển”, Hà Nội: 296.
6 Thích Chơn Thiện (1999), Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali,
7 Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2011), Giáo hội
Phật giáo Việt Nam 30 năm thành lập, phát triển và đồng hành cùng dân tộc,
báo cáo tại Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
8 J. C. Aggarwal (2008), Theory & Principles of Education, Vikas Publishing
House, New Delhi.
Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Quỳnh Trâm. Giáo dục Phật giáo... 79
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. J. C. Aggarwal (2008), Theory & Principles of Education, Vikas Publishing
House, New Delhi.
2. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật: Nhà giáo dục vĩ đại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thích Khế Chơn (2012), “Giáo dục Phật giáo với bảo vệ môi trường”, trong Kỷ
yếu Hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo: Định hướng và phát triển”, Hà Nội.
4. Thích Nhuận Đạt (2012), Đạo Phật và môi trường, Nxb. Tổng hợp Thành phố
Hồ Chí Minh.
5. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật con đường thực nghiệm tâm linh,
6. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm
30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2011), Nxb. Tôn giáo.
7. Sugata Priya (Thích Giác Hiệp dịch), Phật giáo đóng góp về công bằng xã hội và
dân chủ , tham luận tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2008, Hà Nội.
8. Thích Chơn Thiện (1999), Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali,
9. Nguyễn Tài Thư (1996), Phật giáo Việt Nam những vấn đề đặt ra hiện nay , tài
liệu lưu trữ tại Trung tâm Thông tin Tư liệu, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí
Minh, Hà Nội .
10. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2001), Giáo dục Phật giáo trong thời hiện
đại , Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
Abstract
EDUCATION OF BUDDHISM
WITH SUSTAINABLE DEVELOPMENT
Education of Buddhism has had a positive contribution to society in
the aspect of human resource. There is a risk of unsustainable
development in the world at present. In this context, education of
Buddhism has helped to solve some issues for sustainable development.
On the one hand, philosophy of Buddhist education has a significance in
sustainable development of society. On the other hand, Buddhist
education has its own sustainable elements and regulation towards
sustainable development in order to meet social demands.
Keywords: Education of Buddhism, sustainable development,
Buddhism with economy, Buddhism with society, Buddhism with
environment.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 26680_89662_1_pb_3193.pdf