Ngũ Hành Sơn vốn là một trung tâm tôn giáo của người Chăm. Sau
khi thuộc về Đại Việt, nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo quan
trọng. Ngay từ đầu thế kỷ XVII, Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn đã ảnh hưởng
lớn trong xã hội và mang tính quốc tế. Người Việt, người Nhật, người
Hoa đã “chung bỏ của nhà” để đến đây cúng dường Tam bảo. Đến cuối
thế kỷ XVII, nơi đây đón nhận sự truyền nhập của cả hai thiền phái Tào
Động và Lâm Tế. Các thiền sư đến đây dựng chùa, hành đạo, khiến Phật
giáo nhanh chóng phát triển, ảnh hưởng lớn không chỉ trong dân chúng,
mà còn cả với các chúa Nguyễn. Có thể nói, trong thế kỷ XVII, Ngũ
Hành Sơn là nơi tạo được không khí sinh hoạt Phật giáo hưng thịnh bậc
nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Như vậy, trong lịch sử Phật giáo Quảng
Nam - Đà Nẵng, ngay từ đầu Ngũ Hành Sơn là mảnh đất đặc biệt, giữ vai
trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, tạo nên sự đa dạng của Phật giáo
trên vùng đất phía nam đèo Hải Vân này
12 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 655 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Ngũ hành sơn một trung tâm phật giáo của Quảng Nam - Đà nẵng thế kỷ XVII, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
66 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014
LÊ XUÂN THÔNG*
NGŨ HÀNH SƠN
MỘT TRUNG TÂM PHẬT GIÁO CỦA
QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG THẾ KỶ XVII
Tóm tắt: Ngũ Hành Sơn là mảnh đất cổ, vốn là một trung tâm tôn
giáo của người Chăm. Sau khi thuộc về Đại Việt, Ngũ Hành Sơn
trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng trên vùng đất Quảng
Nam - Đà Nẵng. Trên mảnh đất này, Phật giáo nhanh chóng cắm
rễ sâu và lan rộng trong xã hội, nhận được sự tín mộ của không chỉ
đông đảo người Việt, mà còn cả người Nhật, người Hoa. Trong
lịch sử Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn ngay từ
đầu giữ vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo
trên vùng đất phía nam đèo Hải Vân này.
Từ khóa: Ngũ Hành Sơn, Phật giáo, Quảng Nam - Đà Nẵng.
1. Vài nét về Ngũ Hành Sơn
Ngũ Hành Sơn (hiện thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn,
thành phố Đà Nẵng) là một không gian đặc trưng của vùng văn hóa xứ
Quảng. Ở đây có những ngọn núi đá vôi là danh thắng nổi tiếng cả nước.
Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Giữa động cát nổi lên sáu ngọn núi
đá, sông cái lượn phía Tây, biển cả bao phía Đông Bắc, hình núi nhọn
đẹp, trời tạnh nhìn ở xa, sắc như mây gấm, thật là đáng yêu”1. Ngũ
Hành Sơn xưa kia vốn là những hòn đảo. Vào kỷ Đệ tứ, sau khi nước
biển rút, những hòn đảo này được nối với đất liền do vận động nâng lên
của Trường Sơn Nam cùng với sự bồi tụ của phù sa sông và phù sa biển.
Bởi vậy mới có câu: “Phù nhất thiên niên tiền Ngũ Hành nhất đảo, nhất
thiên niên hậu vị Ngũ Hành” (Một ngàn năm trước Ngũ Hành là một hòn
đảo, một ngàn năm sau là núi Ngũ Hành)2.
Núi Ngũ Hành gồm có sáu ngọn, đặt tên dựa trên sự tương ứng về
phương vị theo thuyết Ngũ Hành. Thủy Sơn ở phía Bắc, Mộc Sơn ở phía
Đông, Kim Sơn ở phía Tây, Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn ở phía Nam
*
Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa thành phố Đà Nẵng
Lê Xuân Thông. Ngũ Hành Sơn - Một trung tâm 67
67
và Thổ Sơn ở trung tâm. Trong các ngọn núi có nhiều hang động kỳ thú,
như như động Huyền Không, động Vân Thông, động Tàng Chân, động
Linh Nham, động Hóa Nghiêm, cốc Vân Nguyệt, hang Giám Trai, hang
Lồng Đèn, hang Âm Phủ (ở Thủy Sơn), động Quan Âm (ở Kim Sơn),
hang Bà Trung (ở Mộc Sơn); động Phổ Đà Sơn, động Huyền Vi (ở
Dương Hỏa Sơn) và động Chư Tiên Khách Hội (ở Âm Hỏa Sơn).
Ngũ Hành Sơn là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hóa. Ở đây có hai
di tích khảo cổ học Vườn đình Khuê Bắc và Nam Thổ Sơn lần đầu tiên
xác nhận ở Đà Nẵng có dấu tích con người sinh sống vào thời tiền sử và
phát triển liên tục từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Champa.
Tại các hang động trong quần thể núi Ngũ Hành cũng tìm thấy nhiều
dấu tích văn hóa Champa, tập trung nhất là động Tàng Chân, sau chùa
Linh Ứng trên Thủy Sơn. Động Tàng Chân có nhiều hang động nhỏ, nơi
phát hiện ra nhiều gạch Chăm dùng lát nền. Đặc biệt, tại hang Chiêm
Thành (ở giữa) có hai bộ tượng đá chạm thần Hộ pháp của người Chăm. Ở
đây, các vị sư chùa Linh Ứng đã tìm thấy một bộ thờ chạm hình Indra cưỡi
voi, xung quanh có các Apsara múa hát5; tượng Thiên Y Ana được thờ
trong miếu nhỏ. Ngoài Thủy Sơn, ở Thổ Sơn và Hỏa Sơn cũng tìm thấy
nhiều dấu tích tôn giáo của người Chăm.
Với đặc điểm địa lý, lịch sử và văn hóa đó, khi chúa Nguyễn mở đất
về phía Nam, Ngũ Hành Sơn nhanh chóng trở thành nơi cắm rễ sâu của
Phật giáo.
2. Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn thế kỷ XVII
Ngay từ đầu thế kỷ XVII, Phật giáo đã phát triển ở Ngũ Hành Sơn, thu
hút không chỉ người Việt, mà còn cả người Nhật, người Hoa. Căn cứ cho
luận điểm trên là hai văn bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc (từ
đây gọi tắt là bia Ngũ Uẩn) và Phổ Đà Sơn linh trung Phật (từ đây gọi tắt
là bia Phổ Đà). Cả hai đều thuộc loại bia ma nhai, một được khắc ở động
Vân Thông và một được khắc ở động Hoa Nghiêm của Thủy Sơn. Chữ
của bia Phổ Đà vẫn còn rõ nét, còn bia Ngũ Uẩn thì đã bị mất chữ. May
mắn là nội dung văn bia này được lưu lại trong một tiểu luận viết về Ngũ
Hành Sơn của bác sĩ người Pháp Albert Sallet cách đây gần một thế kỷ3
và thác bản do Viện Viễn Đông Bác Cổ in rập trước 1945, hiện lưu tại
Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm4.
68 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014
68
Nội dung hai văn bia nói về việc nhà sư Huệ Đạo Minh cùng Phật tử
khu vực Ngũ Hành Sơn dựng chùa chiền, tạc tượng Phật, độ chúng sinh.
Văn bia Ngũ Uẩn viết: “Tỳ kheo Huệ Đạo Minh, xã Du Xuyên, huyện Lễ
Dương, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt trú trì, khai sáng,
trùng tu, đốt hương chúc thánh, hồi hướng Tam bảo để lưu truyền vạn
đời. Phổ nguyện phụ mẫu, chúng sinh pháp giới, một lòng quy mệnh ở
thế giới cực lạc A Di Đà Phật”5. Văn bia này còn khắc tên bà Trần Thị
Thay, hiệu Diệu Lễ, người xã Cẩm Phô cúng dường 30 quan tiền để làm
tượng Phật. Còn văn bia Phổ Đà viết: “Hoàng đế hiện nay muôn năm!
Phạm Văn Nhân, tự thiền sư Huệ Đạo Minh, xã Du Xuyên, huyện Ngọc
Sơn, phủ Tĩnh Gia, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt6. Nghĩ thấy di tích
Phật đổ nát [nên] khuyên mời những người trí thức cùng chung bỏ của
nhà, tận tâm lo việc thiện: sửa chữa và dựng mới, trên là núi Phổ Đà mới
xây, dưới là chùa Bình An, hai cảnh hoàn thành tốt đẹp. Việc xong xuôi
nhanh chóng, [thiền sư] chủ trì đốt hương cúng Phật, hướng về Tam bảo,
trên thì báo Tứ ân, dưới thì tế Tam đồ, nguyện cùng sinh vào nước Cực
lạc. Di tích Phật mãi lưu truyền”. Tiếp theo, văn bia này ghi danh tính
của 81 Phật tử công đức vào chùa.
Dựa trên thông tin ghi trên bia Ngũ Uẩn: “Tuế thứ Tân Mùi niên thập
nguyệt lương nhật thời trùng tu” (Ngày tốt tháng 10 năm Tân Mùi trùng
tu) và bia Phổ Đà: “Tuế thứ Canh Thìn niên trọng đông tiết cát nhật, tự
Huệ Đạo Minh thiền sư lập bi ký truyền” (Ngày tốt tháng 11 năm Canh
Thìn, Thiền sư Huệ Đạo Minh lập bia ghi truyền), Albert Sallet cho rằng,
bia Ngũ Uẩn lập năm 1691, còn bia Phổ Đà lập năm 17007. Nhiều nhà
nghiên cứu Việt Nam không đồng ý với niên đại lập bia Ngũ Uẩn và bia
Phổ Đà của Albert Sallet.
Tiếp cận ở nhiều mục đích và góc độ khác nhau, đến nay nhiều nhà
nghiên cứu Việt Nam thống nhất xác định năm lập bia Phổ Đà là năm
1640. Đỗ Bang có lẽ là người đầu tiên khẳng định mốc niên đại này trong
một nghiên cứu của ông vào năm 19858. Chúng tôi tán thành với ý kiến
này. Vậy còn năm Tân Mùi, tức năm lập bia Ngũ Uẩn là năm nào? Năm
1571 rõ ràng không được chấp nhận, vì lúc bấy giờ địa danh hành chính
huyện Lễ Dương chưa ra đời. Còn năm 1691 cũng không hợp lí, bởi vì:
1/ Nó không thể hiện được tính logic trong quá trình tu tập và truyền bá
Phật giáo của nhà sư Huệ Đạo Minh. Ông hẳn phải đến Ngũ Hành Sơn tu
tập, hoằng pháp trong một thời gian nhất định mới tạo được sự ảnh
Lê Xuân Thông. Ngũ Hành Sơn - Một trung tâm 69
69
hưởng rộng rãi trong xã hội, nên nhiều “trí thức chung bỏ của nhà” cùng
ông “sửa chữa và dựng mới” động Phổ Đà, chùa Bình An vào năm 1640.
Trong khi lần trùng tu năm Tân Mùi chỉ có bà Trần Thị Thay cúng 30
quan tiền để tạo tượng Phật. Tất cả điều đó cho thấy, sự kiện năm Tân
Mùi diễn ra trước sự kiện năm Canh Thìn (1640) trong Phật sự của nhà
sư Huệ Đạo Minh. Nhưng quan trọng hơn, trong văn bia Ngũ Uẩn khắc
lời thệ nguyện và mong ước của nhà sư Huệ Đạo Minh với một tinh thần
rất sốt sắng, rằng sẽ thực hành chính niệm, xưng tên Như Lai, theo đạo
Bồ Đề, cầu sinh vào thế giới cực lạc A Di Đà Phật (sẽ dẫn nguyên văn ở
phần dưới của bài viết). Dường như đó không phải là biểu hiện của một
lão tăng, mà ngược lại. Trong hành trình đó, có lẽ vị tu sĩ ấy vừa mới xuất
phát. 2/ Nếu cho rằng năm Tân Mùi là 1691 thì rất khó giải thích việc
Quốc sư Hưng Liên đến đây lập chùa Tam Thai tu trì trong khoảng thời
gian này (sẽ nói rõ ở phần dưới của bài viết); cũng không hề thấy một
dòng ghi chép nào trong Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán,
khi ông đến thăm chùa Tam Thai năm 1695. Đến đây, có thể kết luận,
Tân Mùi là năm 1631.
Như vậy, muộn nhất là năm 1631, Ngũ Hành Sơn đã đón nhận một
nhà sư đến tu sửa Phật tích, xây dựng đạo tràng và truyền bá Phật pháp.
Đó là một nhà sư người Việt từ phía Bắc vào, mà không phải từ Trung
Hoa sang như thường thấy lúc bấy giờ. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng
là nhà sư Huệ Đạo Minh xuất thân từ tổ đình nào, thuộc tông phái nào.
Theo nội dung các văn bia kể trên, nhiều khả năng nhà sư này tu hành
theo pháp môn Tịnh Độ, một đặc điểm nổi trội của Phật giáo Đại Việt từ
sau thời Lê Sơ. Cụ thể, trong văn bia Ngũ Uẩn, nhà sư Huệ Đạo Minh đã
“nguyện lấy tịnh quang chiếu sáng bản thân, tự thề với chính con, nay
con chánh niệm, xưng tên Như Lai, theo đạo Bồ Đề, cầu sinh Tịnh Độ
(). Nếu được vào chốn Như Lai thì một lời đại thệ giữa biển khơi, thừa
Phật lực từ bi, chúng tội tiêu diệt, thiện căn thêm nhiều, nếu đến lúc phải
chết thì tự biết rằng thời khắc đã đến rồi, thân vô bệnh khổ, tâm bất tham
luyến, ý bất điên đảo. Nếu được nhập thiền định, Phật cùng thánh chúng
nắm tay bước lên kim đài. Phật đến và dẫn dắt con. Con một lòng cầu
niệm, sinh vào nước Cực Lạc, hoa khai kiến Phật, tức văn Phật thừa, đốn
khai Phật tuệ, quảng độ chúng sinh, mãn nguyện Bồ Đề”.
Sau khi truyền nhập vào Ngũ Hành Sơn, Phật giáo nơi đây nhanh
chóng phát triển, ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, trở thành một trung
70 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014
70
tâm Phật giáo không chỉ của người Việt, mà còn của người Nhật và người
Hoa. Danh sách 81 người cùng với số tiền của mà họ cúng dường để
phụng sự Phật pháp được khắc ghi ở bia Phổ Đà năm 1640 nói lên điều
đó. Tổng số tài sản mà họ công đức gồm 1.915 quan tiền đồng, 65 lạng
bạc nén và 570 cân đồng. Cần biết rằng, ở Đàng Trong, giữa thế kỷ XVII,
100 quan tiền mua được 2 mẫu ruộng9, 6 quan tiền mua được một tạ
gạo10. Xem thế đủ thấy trị giá tài sản cúng dường nêu trên là rất lớn. Song
vấn đề chưa phải là giá trị tài sản, cũng như số lượng thập phương tín
cúng, mà là ở gốc tích của họ. Trước hết, trong số người Việt tín cúng,
nhiều người quê quán ở những làng xã khá xa so với Ngũ Hành Sơn,
thuộc các huyện Hòa Vang, Điện Bàn và thành phố Hội An ngày nay.
Đặc biệt hơn, trong số 81 người cúng dường kể trên, có 10 người Nhật
Bản (trong đó có ba người là thương nhân đến buôn bán và bảy người
sinh sống tại dinh Nhật Bản ở Hội An) và ba người Trung Hoa. Theo Lê
Mạnh Thát: “Điều này chứng tỏ, Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ
XVII đã hội nhập và mang tính quốc tế cao, thu hút sự quan tâm và sùng
bái của không chỉ dân tộc mình mà của cả dân tộc khác. Thêm vào đó, sự
xuất hiện của các người ngoại quốc ở vùng núi Ngũ Hành Sơn chứng tỏ
vùng đất này từ rất lâu đã trở thành một trung tâm văn hóa của cảng Hội
An và là một bộ phận của thành phố thương mại này. Sự kiện này giúp ta
hiểu đến cuối thế kỷ XVII, khi Thiền sư Đại Sán Thạch Liêm trên đường
hoằng hóa ở nước ta, đã qua lại vùng Ngũ Hành Sơn này một thời gian.
Vậy, Ngũ Hành Sơn hôm nay là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước
thì bốn trăm năm trước, Ngũ Hành Sơn đã là như thế”11.
3. Hai thiền phái Tào Động và Lâm Tế ở Ngũ Hành Sơn
Thiền phái Tào Động vào Đàng Trong gắn với tên tuổi của hai vị
danh tăng Trung Hoa là Thạch Liêm và Hưng Liên. Tuy nhiên, tài liệu
ghi chép, nghiên cứu về hai nhân vật Phật giáo này đối với việc truyền bá
Tào Động ở Đàng Trong chưa thống nhất12. Về phía mình, chúng tôi
khẳng định, Thiền sư Hưng Liên là người đầu tiên mang Tào Động vào
Đàng Trong. Do vậy, ông đương nhiên là sơ tổ của Thiền phái Tào Động
ở nơi đây13. Ngũ Hành Sơn là nơi đầu tiên không chỉ ở Quảng Nam -
Đà Nẵng, mà còn cả xứ Đàng Trong đón nhận sự truyền nhập của
thiền phái này từ Trung Hoa.
Thiền sư Hưng Liên là đệ tử của Thiền sư Thạch Liêm, thuộc đời thứ
30 Thiền phái Tào Động. Ông chắc chắn đã qua Đại Việt trước thầy mình
Lê Xuân Thông. Ngũ Hành Sơn - Một trung tâm 71
71
là Thạch Liêm, nhưng năm nào thì chưa thể trả lời chính xác. Nguyễn
Lang nói dè dặt là “khoảng đời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691)”14.
Nguyễn Hiền Đức cũng cách nói trên, song thêm chi tiết có thể Hưng
Liên sang Đàng Trong trong phái đoàn do Thiền sư Nguyên Thiều vâng
lệnh chúa Nguyễn về Trung Hoa thỉnh mời15.
Sau khi sang Đàng Trong, Thiền sư Hưng Liên đã đến Ngũ Hành Sơn
trụ trì chùa Tam Thai, hoằng truyền Phật pháp. Một số tài liệu nói, chùa
Tam Thai do Hưng Liên khai sơn. Song chúng tôi không nghĩ thế, mà
cho rằng, chùa Tam Thai là chùa Bình An trước đó của nhà sư Huệ Đạo
Minh tôn dựng năm 1640, nay Hưng Liên chỉ tu tạo thêm mà thôi.
Cảnh chùa Tam Thai của Quốc sư Hưng Liên được Thích Đại Sán mô
tả trong dịp ghé thăm năm 1695 như sau: “Bỗng chốc đã thấy núi Tam
Thai trước mắt (). Chúng tôi đi cách núi còn chừng nửa dặm, thấy một
thầy sãi đứng nhìn chăm chỉ, rồi chạy vội chui vào kẽ đá sau núi đi mất.
Trước núi có một cái gò, trước gò trèo lên chừng trăm bước có một ngôi
chùa cổ. Sãi trông chùa đánh chuông trống, mặc áo tràng ra rước vào lễ
Phật. Mời ngồi, thết trà, cung đốn tươm tất. Nghĩ sao nhanh chóng thế!
Mới biết, vừa rồi thầy tăng đứng trông chừng rồi chạy lui, cốt để thông
báo cho nhà chùa chuẩn bị trước vậy. Nhà chùa muốn dọn chay, ta bảo
hãy chờ sau khi lên núi về sẽ hay (). Quanh co chuyển qua tay phải,
nơi an trí của tăng ni; lối quanh co u tịch, phơi phới hoa rơi, chỉ có bầy
ong núi vù vù đua nhau cướp nhụy. Am chủ mời ngồi, uống một chung
trà, lại đi (). Xuống đến Viện, ăn chay xong, liền thấy võng Quốc sư, đi
theo đường bộ mới đến”16.
Khi đến Đàng Trong, Thiền sư Hưng Liên được chúa Nguyễn mộ tín
phong làm Quốc sư. Chắc hẳn, ông phải là một danh tăng uyên áo, giới
hạnh thanh tịnh và có sự ảnh hưởng lớn trong hàng tăng chúng. Chúng ta
không có nhiều cứ liệu về hoạt động hoằng pháp của thiền sư. Nhưng ghi
chép của Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự phần nào cho thấy, trong
suốt thời gian sư phụ Thạch Liêm hoằng pháp tại Đàng Trong, Hưng
Liên luôn tham gia cùng với thầy mình, đặc biệt là khai đàn truyền giới
tại chùa Thiền Lâm ở Kinh thành Phú Xuân và tại chùa Di Đà ở Hội An,
tạo sức ảnh hưởng và lan tỏa lớn trong xã hội. Giới đàn Thiền Lâm quy
mô lớn, tổ chức từ ngày mồng 1 đến ngày 12 tháng 4 năm Ất Hợi (1695)
với các lễ truyền giới Sa di, Tỳ kheo và Bồ tát cho hơn 3.000 giới tử ở
Đàng Trong, trong đó có cả chúa Nguyễn, hoàng gia và quan lại.
72 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014
72
Cần nói thêm, trong Hải ngoại kỷ sự, Thạch Liêm có lần đánh giá thiếu
tích cực về Hưng Liên. Câu chuyện bắt đầu từ mâu thuẫn giữa hai thầy trò
liên quan đến việc Hưng Liên nhờ Thạch Liêm tiến cử Lưu Thanh, là
người quen của Hưng Liên, với chúa Nguyễn. Nhưng Lưu Thanh là kẻ
gian tâm làm điều xằng bậy. Trong khi đó, Hưng Liên vẫn bênh vực Lưu
Thanh. Thạch Liêm tức giận nói về Hưng Liên như sau: “Chỉ tiếc Quốc sư
đã làm một vị Tỳ kheo bạc đầu, nghĩ chẳng còn sống bao nhiêu ngày, mà
gấp lo mưu tính lợi riêng, cam tâm cùng với bọn gian hiểm tiểu nhân, suốt
sáng thâu đêm dùng hết tâm thuật, mưu kế, chỉ mong Quốc vương chẳng
nghe lời ta; ấy là muốn cho đạo ta chẳng được lưu hành. Tấm lòng đệ tử trả
ơn cho thầy, há nên như thế chăng? (). Càng mong Quốc sư trong việc
ấy hồi tâm tự xét, chớ để trọn đời mê muội, để bọn tiểu nhân nhẫn tâm bịt
mặt bưng tai vậy”17.
Đồng thời với Thiền phái Tào Động của Quốc sư Hưng Liên, Ngũ
Hành Sơn còn đón nhận một thiền sư khác thuộc Thiền phái Lâm Tế đến
hoằng pháp. Văn bia chùa Thái Bình cho chúng ta biết những chi tiết
quan trọng liên quan đến sự kiện nêu trên18. Bia do một giới tử có tên
Nguyễn Phúc An, pháp danh Như Minh tạo dựng ngày 11 tháng 7 năm
Tân Sửu (Vĩnh Thịnh thứ 17), tức năm 172119, nhằm lưu truyền công
hạnh của bổn sư và công đức của thập phương tín cúng Tam bảo. Theo
văn bia, trước đây có vị đại sư Lưu Chân Dĩnh, người tỉnh Phúc Kiến
(Trung Quốc) thuộc dòng Lâm Tế chính tông thứ chín đến đây dựng chùa
hành đạo, kéo dài 24 năm. Trong quá trình đó, sư không ngừng chăm lo
phát triển bổn tự, xiển dương Phật pháp, mua nhiều kinh luật, pháp khí,
ruộng đất cho chùa, đặc biệt là “giáo hóa được 3.000 giới tử”. Ngài là
người “tuổi cao đức trọng, đạo thông Tây Vực”, được tôn xưng là “Nam
Lão hòa thượng”. Vì thế, nhiều địa phương trong vùng cúng ruộng đất
vào chùa với số lượng rất lớn, gồm: xã Mông Lãnh 5 mẫu 6 sào, xã
Dưỡng Mông 7 mẫu 2 sào, bãi Ổ Tây 3 mẫu 2 sào, xã Quán Khái 5 sào,
xã Tân An 1 mẫu, xã Vân Quật 5 sào, xã Hóa Khuê Đông 1 mẫu 7 sào và
Hội Thống 7 sào ở xứ Bà Đa. Đặc biệt hơn, “Đức Hiền vương chuẩn tô
thuế 11 mẫu ruộng. Đức Nghĩa vương chuẩn tô thuế 12 mẫu ruộng.
Đương kim quốc vương cúng 39 tiền 12 quan 5 mạch”.
Như vậy, chùa Thái Bình còn nhận được sự quan tâm của ba đời chúa
Nguyễn kế tiếp là chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), chúa
Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1692) và Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu
Lê Xuân Thông. Ngũ Hành Sơn - Một trung tâm 73
73
(1691 - 1725). Đây có thể coi là một biệt lệ mà các chúa Nguyễn dành
cho ngôi chùa của Hòa thượng Nam Lão.
Văn bia chùa Thái Bình không thông tin chi tiết về thời gian Hòa
thượng Nam Lão sang Ngũ Hành Sơn xiển dương Phật pháp và dựng
chùa. Nhưng qua văn bia, chúng ta cũng có thể biết được điều này. Bởi
vì, việc lập bia của Như Minh cốt để nêu bật đạo hạnh và công lao của
thầy mình, Hòa thượng Nam Lão. Những tài sản của ngôi chùa này do
mua sắm hay do Phật tử cúng dường vốn có từ trước khi Hòa thượng
Nam Lão viên tịch. Đến nay, Như Minh lập bia và khắc ghi lại nhằm lưu
truyền về sau. Cho nên, căn cứ vào sự xuất hiện của ba vị chúa Nguyễn
trong văn bia, có thể khẳng định, thời gian Hòa thượng Nam Lão tu tập
tại chùa Thái Bình vắt ngang qua cả ba đời chúa Nguyễn, từ chúa Hiền
Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) đến Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691
- 1725). Kết hợp với chi tiết hòa thượng có 24 năm hành đạo tại đây rồi
viên tịch, cho phép chúng ta kết luận, Hòa thượng Nam Lão đến Ngũ
Hành Sơn muộn nhất là trước tháng 3 năm Đinh Mão (1687), lúc chúa
Hiền băng hà, sớm nhất khoảng năm 1668, vì nếu sớm hơn thì thiền sư
thị tịch mà Quốc chúa thì chưa nối nghiệp.
Văn bia chùa Thái Bình cho thấy, khi đến Ngũ Hành Sơn, Phật pháp
do Thiền sư Lưu Chân Dĩnh hoằng truyền nhanh chóng cắm rễ và lan tỏa
rộng trong xã hội, nhận được sự tín mộ của cả chúa Nguyễn. Chùa Thái
Bình thực sự là một đạo tràng lớn của Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng
cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII.
Về tông phong của Hòa thượng Nam Lão. Mặc dù văn bia cho biết, ông
thuộc Thiền phái Lâm Tế, nhưng ghi thế thứ thuộc đời thứ chín là điều lạ.
Bởi vì, các thiền sư thuộc đời này không thể sống vào thế kỷ XVII được,
mà phải trước đó hàng mấy thế kỷ. Tổ thứ chín của Thiền phái Lâm Tế là
Bạch Vân - Thủ Đoan sống vào thế kỷ XI. Ông sinh năm 1025 và tịch năm
1072. Rõ ràng đây là cách ghi thế thứ của một dòng nào đó trong Thiền
phái Lâm Tế. Dưới chân Thủy Sơn của núi Ngũ Hành có ngôi bảo tháp của
Hòa thượng Nam Lão, ở đó có tấm bia do Thiền sư Phước Thông trụ trì
chùa Tam Thai lập năm Kỷ Hợi (1899), có ghi: “Phụng vì khai sơn viện
chủ đệ nhất đại thượng Đương hạ Cơ húy Chân Dĩnh hòa thượng chi đàn
vị”. Như vậy, Chân Dĩnh là pháp danh, còn Đương Cơ là pháp hiệu của vị
hòa thượng này. Đệ tử của ngài có pháp danh là Như Minh. Hai chữ
“Chân”, “Như” đi liền nhau, xét trong các bài kệ thuộc Thiền phái Lâm Tế
74 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014
74
xuất phát từ Trung Hoa, chỉ thấy xuất hiện trong bài kệ thuộc dòng Đột
Không - Trí Bản là: “Trí tuệ thanh tịnh/ Đạo đức viên minh/ Chân như tính
hải/ Tịch chiếu phổ thông”. Theo bài kệ này, chữ “Chân” đứng ở vị trí thứ
chín, kế tiếp là chữ “Như”. Do vậy, có thể kết luận, Hòa thượng Nam Lão
nối pháp đời thứ chín dòng Lâm Tế Đột Không - Trí Bản. Như thế, ông
thuộc đời thứ 33 Thiền phái Lâm Tế20.
Tóm lại, vào cuối thế kỷ XVII, Ngũ Hành Sơn đã đón nhận đồng thời
hai thiền phái Tào Động và Lâm Tế với các thiền sư rất danh tiếng. Đây
là một trường hợp đặc biệt trên vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong
bối cảnh Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ, Ngũ Hành Sơn
một lần nữa trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng của vùng đất này.
4. Kết luận
Ngũ Hành Sơn vốn là một trung tâm tôn giáo của người Chăm. Sau
khi thuộc về Đại Việt, nơi đây trở thành một trung tâm Phật giáo quan
trọng. Ngay từ đầu thế kỷ XVII, Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn đã ảnh hưởng
lớn trong xã hội và mang tính quốc tế. Người Việt, người Nhật, người
Hoa đã “chung bỏ của nhà” để đến đây cúng dường Tam bảo. Đến cuối
thế kỷ XVII, nơi đây đón nhận sự truyền nhập của cả hai thiền phái Tào
Động và Lâm Tế. Các thiền sư đến đây dựng chùa, hành đạo, khiến Phật
giáo nhanh chóng phát triển, ảnh hưởng lớn không chỉ trong dân chúng,
mà còn cả với các chúa Nguyễn. Có thể nói, trong thế kỷ XVII, Ngũ
Hành Sơn là nơi tạo được không khí sinh hoạt Phật giáo hưng thịnh bậc
nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Như vậy, trong lịch sử Phật giáo Quảng
Nam - Đà Nẵng, ngay từ đầu Ngũ Hành Sơn là mảnh đất đặc biệt, giữ vai
trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển, tạo nên sự đa dạng của Phật giáo
trên vùng đất phía nam đèo Hải Vân này./.
CHÚ THÍCH:
1 Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb. Thuận
Hóa, Huế: 399.
2 Một ngàn năm được hiểu là con số mang tính ước lệ, chỉ sự xa xưa.
3 A. Sallet (2002), “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)”, trong Những người bạn
cố đô Huế (BAVH), tập XI, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 144-145.
4 Ký hiệu
12622. Chúng tôi khai thác nội dung văn bia từ thác bản này.
5 Các trích dẫn về tư liệu Hán Nôm trong bài viết này đều do Đinh Thị Toan phiên
dịch.
Lê Xuân Thông. Ngũ Hành Sơn - Một trung tâm 75
75
6 Thông tin về quê quán của nhà sư Huệ Đạo Minh không thống nhất và khó hiểu,
một mặt nêu địa chỉ là xã Du Xuyên, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, xứ
Quảng Nam; mặt khác lại ghi xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, xứ
Quảng Nam. Tài liệu địa lý học lịch sử cho biết huyện Lễ Dương, phủ Thăng
Hoa là vùng đất tương ứng với huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam ngày nay;
còn xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia lại tương ứng với xã Hải
Thanh, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Trước tình trạng này, có lẽ
cách hiểu của các tác giả sách Cơ sở ngữ văn Hán Nôm là hợp lý. Sách này khi
giới thiệu văn bia Phổ Đà cho rằng, xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh
Gia là quê gốc của Huệ Đạo Minh, còn xứ Quảng Nam là nơi ông đến trú trì.
Xem: Lê Trí Viễn (chủ biên, 1987), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập IV, Nxb. Giáo
dục, Hà Nội: 31.
7 A. Sallet (2002), “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)”, trong Những người bạn
cố đô Huế (BAVH), sđd: 49.
8 Tác giả dựa vào hai lẽ: 1/ Nhiều người Nhật ở dinh Nhật Bản, Hội An phụng
cúng. Nhưng trước thế kỷ XVII, người Nhật chưa lập phố buôn bán ở Hội An.
Còn cuối thế kỷ XVII, người Nhật không đặt thương điếm ở Hội An nữa. 2/
Trong văn bia khắc tên một Phật tử là Nguyễn Phúc Trăn. Đây là húy danh của
chúa Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế (1687 - 1691). Như vậy, bia phải được lập
trước năm 1687, là lúc chúa Nguyễn Phúc Trăn nối nghiệp, do việc kỵ húy.
Xem: Đỗ Bang (2008), “Phố cảng Hội An: thời gian và không gian lịch sử”,
trong Kỷ yếu hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An (2/7/1985), Trung tâm
Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, Quảng Nam: 69.
9 Thông tin này thể hiện trong văn bia chùa Linh Sơn, xã Cẩm Lệ, huyện Hòa
Vang, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam, lập năm 1654. Ngày nay, bia không còn,
nhưng nội dung được in rập và lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký
hiệu 20937.
10 Lục Đức Thuận, Võ Quốc Ky (2009), Tiền cổ Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 76.
11 Lê Mạnh Thát (2011), “Mấy cảm nghĩ về Ngũ Hành Sơn: vùng lịch sử, văn hóa
tâm linh”, trong Ngũ Hành Sơn: vùng lịch sử, văn hóa tâm linh, Nxb. Văn học,
Hà Nội: 19-20.
12 Xem: Lê Xuân Thông (2013), “Bàn về quá trình truyền nhập và phát triển các
phái thiền Tào Động và Lâm Tế ở Đà Nẵng thế kỷ XVII, XVIII”, Phát triển
Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, số 44: 44 - 51.
13 Lê Xuân Thông (2013), “Bàn về quá trình truyền nhập và phát triển các phái
thiền Tào Động và Lâm Tế ở Đà Nẵng thế kỷ XVII, XVIII”, bđd.
14 Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội: 595.
15 Nguyễn Hiền Đức (1993), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, (trọn bộ 2 tập), Nxb.
Thành phố Hồ Chí Minh: 207.
16 Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Bản dịch của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu
Việt Nam, Viện Đại học Huế, Huế: 147 - 149.
17 Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, sđd: 213.
76 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014
76
18 Chùa Thái Bình trước đây tọa lạc sát tuyến đường Đà Nẵng - Hội An, gần Thủy
Sơn và Thổ Sơn. Đầu thế kỷ XX, A. Sallet đến khảo cứu Ngũ Hành Sơn đã ghi
chép về chùa này, đồng thời ghi lại toàn văn bài ký văn bia nói trên. Năm 2012,
do quy hoạch đô thị của thành phố Đà Nẵng, chùa đã thay đổi địa điểm, nằm
dịch chuyển về phía Nam cách vị trí cũ khoảng 500m. Vì thế, kiến trúc chùa cũ
hoàn toàn biến mất. Tấm bia đá của chùa cũng hư hoại từ lâu, may sao ngoài nội
dung được lưu lại trong tiểu luận “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)” của A.
Sallet, văn bia còn được Viện Viễn Đông Bác Cổ in rập thác bản, nay lưu tại Thư
viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 12621.
19 Có lẽ do cách biệt về địa - chính trị, nên tác giả nhầm lẫn về niên hiệu. Sự thật,
niên hiệu Vĩnh Thịnh của vua Lê Dụ Tông (1705 - 1729) chỉ tồn tại 16 năm, tức
đến năm 1720 mà thôi. Năm 1721 là năm Bảo Thái thứ nhất.
20 Vì Đột Không - Trí Bản thuộc đời thứ 24 Thiền phái Lâm Tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo tàng Đà Nẵng (2000), Báo cáo khai quật di chỉ khảo cổ học Nam Thổ Sơn,
Đà Nẵng.
2. Bảo tàng Đà Nẵng (2001), Báo cáo khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn đình Khuê
Bắc, Đà Nẵng.
3. Đỗ Bang (2008), “Phố cảng Hội An: thời gian và không gian lịch sử”, trong Kỷ
yếu hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An (2/7/1985), Trung tâm Quản lý Bảo
tồn Di tích Hội An, Quảng Nam: 69-81.
4. Nguyễn Hiền Đức (1993), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, (trọn bộ 2 tập), Nxb.
Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb. Thuận
Hoá, Huế.
7. A. Sallet (2002), “Núi đá hoa cương (Ngũ Hành Sơn)”, trong Những người bạn
cố đô Huế (BAVH), tập 11, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 5 - 209.
8. Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Bản dịch của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu
Việt Nam, Viện Đại học Huế.
9. Hà Văn Tấn (2005), Đến với lịch sử văn hoá Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
10. Lê Mạnh Thát (2011), “Mấy cảm nghĩ về “Ngũ Hành Sơn: vùng lịch sử, văn hóa
tâm linh”, trong Ngũ Hành Sơn: vùng lịch sử, văn hóa tâm linh, Nxb. Văn học,
Hà Nội: 18 - 21.
11. Lê Xuân Thông (2013), “Bàn về quá trình truyền nhập và phát triển các phái
thiền Tào Động và Lâm Tế ở Đà Nẵng thế kỷ XVII, XVIII”, Phát triển Kinh tế -
Xã hội Đà Nẵng, số 44: 44 - 50.
12. Hồ Xuân Tịnh (1998), “Ngũ Hành Sơn”, Xưa & Nay, số 54B: 30 - 32.
13. Văn bia chùa Linh Sơn (1654), thác bản lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán
Nôm, ký hiệu 20937.
14. Văn bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc, thác bản lưu tại Thư viện Viện
Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu 12622.
Lê Xuân Thông. Ngũ Hành Sơn - Một trung tâm 77
77
15. Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn,
thành phố Đà Nẵng.
16. Văn bia Thái Bình tự thạch bi (1721), thác bản lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu
Hán Nôm, ký hiệu 12621b.
17. Lê Trí Viễn (chủ biên, 1987), Cơ sở ngữ văn Hán Nôm, tập 4, Nxb. Giáo dục, Hà
Nội.
18. Viện Triết học (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà
Nội.
Abstract
NGŨ HÀNH SƠN - A CENTRE OF BUDDHISM IN
QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG IN THE 17TH CENTURY
Ngũ Hành Sơn (the mountains of the five basic elements according to
Eastern philosophy) was an ancient land and used to be a religious centre
of Cham people. After belonging to Đại Việt nation, Ngũ Hành Sơn
became an important Buddhist centre in Quảng Nam - Đà Nẵng. There,
the Buddhism rooted and spread out fast; getting the truth by not only the
mass of Vietnamese but also Japanese and Chinese. According to the
Buddhist history of Quảng Nam - Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn firstly kept an
important role in promoting the development of Buddhism in the south
part of Hải Vân mountain pass.
Key words: Buddhism, Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 25309_84825_1_pb_0404.pdf