Sở dĩ nhóm Canh Tân Đặc Sủng bị giáo quyền phê phán vì nó không
những tách khỏi sự kiểm soát của Giáo hội Công giáo, mà còn có những
hành vi chống lại giáo quyền. Việc nhóm Canh Tân Đặc Sủng lập ra tổ
chức riêng cho thấy tính chất ly khai, phân rẽ của Giáo hội Công giáo ở
Tây Nguyên. Mặt khác, việc công khai lên án Giáo hội Công giáo, công
kích giới chủ chăn, phủ nhận thánh lễ và các phép bí tích, rõ ràng những
người theo hiện tượng này mong muốn một sự đổi mới trong hoạt động
mục vụ, một đời sống sinh hoạt tôn giáo đơn giản hơn. Điều ấy cho thấy,
trong cơ chế quản lý điều hành, trong hoạt động mục vụ, kể cả trong giáo
lý truyền thống của Công giáo đang có một số vấn đề cần phải thay đổi.
11 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 769 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Thách thức đối với công giáo qua các hiện tượng “canh tân đặc sủng” và “hà mòn” ở khu vực tây nguyên hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
82 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
NGUYỄN PHÚ LỢI*
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÔNG GIÁO
QUA CÁC HIỆN TƯỢNG “CANH TÂN ĐẶC SỦNG” VÀ
“HÀ MÒN” Ở KHU VỰC TÂY NGUYÊN HIỆN NAY
Tóm tắt: Toàn cầu hóa cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa
học công nghệ thông tin và làn sóng di dân đã đưa tới xu hướng đa
dạng hóa tôn giáo, nhất là sự xuất hiện của rất nhiều hiện tượng
tôn giáo mới đã và đang đặt ra cho các tôn giáo thể chế thách thức
mới, trong đó Công giáo không phải là một ngoại lệ. Công giáo ở
khu vực Tây Nguyên hiện nay cũng đang phải đối mặt với các hiện
tượng Canh Tân Đặc Sủng và đạo Hà Mòn.
Từ khóa: Canh Tân Đặc Sủng, Hà Mòn, hiện tượng tôn giáo mới,
Công giáo, Tây Nguyên.
1. Thực trạng nhóm Canh Tân Đặc Sủng và đạo Hà Mòn ở khu
vực Tây Nguyên hiện nay
1.1. Từ phong trào Canh Tân Đặc Sủng đến nhóm Canh Tân Đặc
Sủng ở Tây Nguyên
Phong trào Canh Tân Đặc Sủng trong Giáo hội Công giáo là một
phong trào đề cao vai trò của Chúa Thánh thần (Thánh linh) trong việc
thể nghiệm đời sống đức tin Kitô giáo thông qua các hoạt động cầu
nguyện, đọc kinh, nói tiếng lạ, chữa bệnh một cách linh nghiệm. Nguồn
gốc của phong trào này xuất hiện ngay trong lòng các cộng đồng Kitô
giáo sơ kỳ được đề cập tới trong sách Công vụ tông đồ. Từ giữa thế kỷ
XIX, phong trào đặc sủng Chúa Thánh thần xuất hiện với sự ra đời của
Hệ phái Tin Lành Ngũ Tuần ở Mỹ1.
Đối với Công giáo, việc đề cao vai trò của Chúa Thánh thần trong đời
sống đức tin tôn giáo bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, khi Giáo
hoàng Leo XIII làm lễ dâng hiến thế kỷ XX cho Chúa Thánh thần (ngày
1/1/1900). Năm 1905, tại Mỹ xuất hiện nhiều nhóm thức tỉnh tâm linh, đề
cao vai trò của Chúa Thánh thần khi cầu nguyện, sinh hoạt tôn giáo. Tuy
*
PGS.TS., Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nguyễn Phú Lợi. Thách thức đối với Công giáo 83
nhiên, phải từ sau Công đồng Vatican II, Canh Tân Đặc Sủng mới chính
thức trở thành một phong trào trong Giáo hội Công giáo. Ngày
25/12/1961, Giáo hoàng Gioan XXIII kêu gọi cầu nguyện Chúa Thánh
thần cho sự thành công của Công đồng Vatican II. Công đồng này thừa
nhận ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh thần trong đời sống đức tin Kitô
giáo. Hiến chế về Hội Thánh (Ánh sáng muôn dân) xác quyết: “Chúa
Thánh thần không những chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa
bằng các bí tích, các thừa tác vụ và trang bị họ bằng các nhân đức, mà
còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mỗi cấp bậc tín hữu, phân chia ân
huệ cho mỗi người theo ý Ngài”2. Đồng thời khẳng định: “Phải lãnh nhận
những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà
nhiều người lãnh nhận, với lòng tri ân và an ủi, vì các ơn đó mang ích lợi
và phù hợp với nhu cầu Giáo hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài
những ơn đặc biệt và cũng đừng vì nó mà tự đắc rằng việc tông đồ sinh
hiệu quả”3.
Từ những khuyến cáo trên, người Công giáo bắt đầu tìm hiểu về ân
sủng đặc biệt của Chúa Thánh thần. Họ đọc lại Kinh Thánh, nhất là sách
Công vụ tông đồ và thực hành đức tin như những cộng đoàn Kitô hữu
tiên khởi. Từ đó, dần dần hình thành phong trào Canh Tân Đặc Sủng
trong Giáo hội Công giáo. Phong trào này được đánh dấu bằng sự kiện
tháng 2/1967, một số giáo viên và sinh viên Công giáo thuộc Trường Đại
học Duquesnes ở Pittsburg, bang Pennsylvania, nước Mỹ, tham dự một
cuộc tĩnh tâm với chủ đề suy tư về “tám mối phúc thật”, nhưng bằng trải
nghiệm mới. Họ cầu nguyện, hát thánh ca trong một cảm xúc mạnh với
những động tác như giơ tay, giậm chân, la hét, khóc than, vỗ tay, ngã
nhào, đặc biệt là nói tiếng lạ, nói lời tiên tri, chữa bệnh như được diễn tả
trong sách Công vụ tông đồ về Lễ Ngũ tuần4. Các thể nghiệm này đã đem
lại một sức sống mới lạ trong đời sống đức tin Kitô giáo, cuốn hút đông
đảo tín đồ Công giáo, nhất là giới trẻ tham gia. Từ đó, phong trào lan
rộng ra khắp nước Mỹ và tràn sang Châu Âu, nhất là tại Pháp. Từ giới
trẻ, phong trào đã lan rộng đến mọi thành phần trong Giáo hội, từ giáo sĩ
đến tín đồ, từ người già đến người trẻ, từ người trí thức đến người lao
động, từ người da trắng đến người da đen, từ người bảo thủ đến người
cấp tiến, nói chung là trở thành một hiện tượng đặc biệt trong đời sống
đức tin Công giáo.
Giai đoạn 1967-1975 là thời kỳ phong trào Canh Tân Đặc Sủng phát
triển mạnh mẽ với sự xuất hiện hàng nghìn nhóm cầu nguyện địa phương
84 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
dưới sự hướng dẫn của giáo quyền. Tại Pháp và các nước Châu Âu, xuất
hiện nhiều nhóm đặc sủng hỗn hợp mới với sự tham gia của cả người
Công giáo, người Tin Lành lẫn người Chính Thống giáo.
Từ năm 1976 đến năm 1988, phong trào Canh Tân Đặc Sủng phát
triển mạnh mẽ ở Pháp và Châu Âu với 1.800 nhóm cầu nguyện (trung
bình 15 người/ nhóm) dưới tên gọi các Huynh đoàn Hiện xuống (các
nhóm phối hợp vùng) do các giáo sĩ tổ chức dưới sự điều khiển của Hội
đồng Giám mục. Vào dịp Lễ Hiện xuống năm 1988, đã có 20.000 người
tham dự đại hội của phong trào Canh Tân Đặc Sủng tại Bourget. Không
dừng lại ở việc cầu nguyện, các nhóm bắt đầu tham gia vào hoạt động
mục vụ (phụng vụ, tuyên úy), việc nhân đạo (liên đới với thế giới thứ ba,
đón tiếp người nghèo, bệnh nhân SIDA), đào tạo (các trường loan báo
Tin Mừng), các phương tiện truyền thông (đài phát thanh, nhà xuất bản,
Internet), biểu diễn nghệ thuật và chữa bệnh. Đề cao mối tương quan mật
thiết giữa cá nhân với Chúa Kitô, phong trào Canh Tân Đặc Sủng nhấn
mạnh đến sự phù hợp giữa lý trí và tâm hồn, sự tìm kiếm việc nên thánh
và đời sống huynh đệ; đồng thời tham gia vào việc hòa giải, đại kết giữa
Công giáo, Tin Lành và Chính Thống giáo. Vì vậy, Giáo hoàng Phaolô
VI xem đó là sự vui mừng và là một vận may mới cho Giáo hội.
Đầu những năm 1990, phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở Châu Âu rơi
vào khủng hoảng, số thành viên trong các nhóm cầu nguyện giảm dần.
Ngược lại, tại Bắc Mỹ, phong trào vẫn được duy trì và xuất hiện làn sóng
thứ ba với những thể nghiệm mới. Tháng 1/1994, một nhóm Canh Tân
Đặc Sủng gồm những người Tin Lành và Công giáo tại Toronto, Canada,
tổ chức buổi sinh hoạt tôn giáo với những thể nghiệm mới. Họ cầu
nguyện, hát thánh ca không chỉ bằng các ngôn ngữ và nước mắt, mà còn
bằng những động tác gây tiếng cười kéo dài, rung lắc, những động tác
giật từng đợt, run rẩy lập bập không thành câu cho đến khi hôn mê.
Nhiều người còn thực hiện chữa bệnh bằng nói tiếng lạ, cầu nguyện hay
đặt tay với sự xác tín tuyệt đối vào ân sủng của Chúa Thánh thần. Những
người thuộc làn sóng thứ ba này cho rằng, vì phong trào Canh Tân Đặc
Sủng đã quá tách rời các thực tại thiêng liêng và trần thế, nên cần có một
cách thể nghiệm mới hiện thực hơn. Từ đó, xuất hiện những chiến dịch
cầu nguyện cho Paris (chiến dịch Marche pour Jésus) và cho nước Pháp
(chiến dịch Alléluia France). Những người thuộc làn sóng thứ ba chủ
trương, đời sống đức tin phải mạnh mẽ, do đó phải được biểu lộ bằng
những dấu chỉ và những kỳ công, đặng đưa đến một nền thần học về sự
Nguyễn Phú Lợi. Thách thức đối với Công giáo 85
thịnh vuợng, vì lợi ích chung với một cái nhìn vui sướng về thế giới.
Dưới ảnh hưởng của làn sóng thứ ba, các nhóm Canh Tân Đặc Sủng mới
được hình thành, lôi cuốn hàng trăm người trẻ tuổi tham gia ở Mỹ, Brazil,
Pháp, Áo, Thụy Sĩ.
Hiện nay, phong trào Canh Tân Đặc Sủng đã phát triển ở hơn 130 quốc
gia, thu hút hơn 100 triệu tín đồ Công giáo, trong đó có hàng chục ngàn
giáo sĩ (hồng y, giám mục, linh mục) và tu sĩ nam nữ khắp thế giới. Việc
đề cao vai trò của Chúa Thánh thần trong thể nghiệm đời sống đức tin Kitô
giáo, Canh Tân Đặc Sủng trở thành một phong trào rộng lớn qua việc đem
Lời Chúa vào giữa lòng xã hội bằng một cảm nghiệm sống động.
Phong trào Canh Tân Đặc Sủng chú tâm đặc biệt đến vai trò của Chúa
Thánh thần, Ngôi ba Thiên Chúa. Bởi vì theo họ, với tư cách là Ngôi ba
Thiên Chúa, có chức năng thánh hóa, nên Chúa Thánh thần được coi là
mạch nguồn của đời sống đức tin. Do đó, họ thường dùng các danh xưng
như Thần Chân lý, Đấng Phù trợ, Đấng An ủi, Ngôi ba Thiên Chúa và
Chúa Thánh linh để chỉ Chúa Thánh thần. Họ cầu xin Chúa Thánh thần
thánh hóa, thay đổi và ban ơn cần thiết để sống đạo và sống xứng đáng là
người con Thiên Chúa.
Một trong những đặc điểm nổi bật của phong trào Canh Tân Đặc Sủng
là người tham gia cầu nguyện, hát thánh ca phải thể hiện cảm xúc và
động tác mạnh để đào sâu đời sống đức tin như đã đề cập ở phần trên. Họ
cho rằng, những hành động đó là do ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh
thần ban tặng cho con người. Bởi vì, theo họ, trong con người luôn có
những vùng sâu thẳm chưa bao giờ chạm tới, có khi con người làm cho
Chúa Thánh thần buồn bởi những thái độ không thích hợp với Tin mừng.
Vì vậy, con người cần phải được Chúa Thánh thần ban cho ân sủng đặc
biệt mới có thể sống một đời sống đức tin đích thực. Chỉ có như vậy mới
thấu hiểu sâu sắc hơn về đời sống đức tin Kitô giáo.
Tại Việt Nam, phong trào Canh Tân Đặc Sủng xuất hiện vào thập niên
90 của thế kỷ XX, nhất là ở các tỉnh thành phía Nam, như Giáo phận Cần
Thơ, Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các phong trào này
đều do giáo quyền địa phương tổ chức và điều khiển.
Tại khu vực Tây Nguyên, vào năm 2004 cũng xuất hiện một nhóm
Canh Tân Đặc Sủng hay Phong trào Thánh linh tại huyện Đắc Mil, tỉnh
Đắk Nông, nhưng không phải do giáo quyền tổ chức, mà do một tín đồ
Công giáo có tên là Võ Quốc Khánh lập ra. Võ Quốc Khánh sinh năm
86 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
1953, quê huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, theo gia đình di cư vào Nam
năm 1954. Trước năm 1975, Võ Quốc Khánh từng tham gia quân đội Sài
Gòn, giữ chức Trung đội trưởng địa phương quân với quân hàm thiếu úy,
đóng quân ở An Giang. Sau giải phóng Miền Nam, Võ Quốc Khánh
chuyển về sinh sống ở xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; năm
1991, cùng vợ con về Thành phố Hồ Chí Minh làm nghề môi giới nhà đất
nhưng không thành công. Có lẽ trong thời gian này, Võ Quốc Khánh gia
nhập hoặc hiểu biết đôi chút về phong trào Canh Tân Đặc Sủng. Bởi vậy,
năm 2004, nhân vật này lại quay về huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông và
lập nên cái gọi là Canh Tân Đặc Sủng.
Võ Quốc Khánh tuyên truyền rằng, để nhận được ân sủng của Thiên
Chúa, không cần đi lễ nhà thờ, không cần lĩnh nhận phép bí tích, mà chỉ
cần thể hiện cầu nguyện Chúa Thánh thần một cách đúng đắn (giơ tay,
nói tiếng lạ). Đặc biệt, để lôi kéo người tin theo, Võ Quốc Khánh tuyên
truyền rằng, Canh Tân Đặc Sủng có cách chữa bệnh đặc biệt là không cần
dùng thuốc, không phải đến bệnh viện để chữa trị, mà chỉ cầu cầu
nguyện, làm phép thì bệnh gì cũng khỏi. Cách làm phép của Võ Quốc
Khánh là xoa lên đầu hoặc cho uống vài giọt dầu “thánh” và tập trung cầu
nguyện cho người bị bệnh.
Trong một thời gian ngắn, nhóm Canh Tân Đặc Sủng đã thu hút được
khoảng 300 người tin theo, chủ yếu là người Công giáo, hình thành nên
tổ chức tách khỏi Giáo hội Công giáo. Tổ chức này được chia thành
nhóm lớn và nhóm nhỏ. Nhóm lớn có nhóm trưởng, nhóm phó, thư ký,
thủ quỹ, ban bảo vệ, sinh hoạt từ 19 đến 21 giờ thứ Bảy hằng tuần tại nhà
Võ Quốc Khánh. Nhóm nhỏ có nhóm trưởng, nhóm phó, tổ chức sinh
hoạt tùy ý không trùng với thời gian sinh hoạt của nhóm lớn.
Võ Quốc Khánh còn tự mở các lớp “biến đổi” cho những người tham
gia học, với 18 bài trong cuốn sách Chuẩn bị đón nhận Chúa Giêsu (chưa
rõ nguồn gốc xuất xứ), tài liệu được bán với giá từ 15.000 đồng đến
20.000 đồng5. Những người tham gia tổ chức này vào tối thứ Bảy hằng
tuần còn phải quyên góp tiền cho Võ Quốc Khánh, gọi là quyên góp tiền
“túi kín”. Nghi thức cầu nguyện là giơ cao hai tay lên, rồi ngã vật ra bất
tỉnh, ú ớ nói tiếng lạ; chữa bệnh bằng phương pháp cầu nguyện và dùng
dầu ăn Trường An để xức và uống.
Để nâng cao uy thế của mình, những người theo nhóm Canh Tân Đặc
Sủng còn lên án Giáo hội Công giáo không coi trọng Lời Chúa. Họ tự
Nguyễn Phú Lợi. Thách thức đối với Công giáo 87
giải thích Lời Chúa, bài bác Giáo hội Công giáo, công kích các đấng bản
quyền; chủ trương không đi lễ nhà thờ, không lĩnh nhận các bí tích,
không cho con cái học giáo lý Công giáo.
2.2. Đạo Hà Mòn
Đạo Hà Mòn do bà Y Gyin, người Ba Na, cư trú tại thôn Kơ Tu, xã
Hà Mòn, huyện Đắk Hà, lập ra vào cuối năm 1999. Bà Y Gyin sinh năm
1942, không biết chữ, vốn là tín đồ Công giáo, rất tôn sùng Đức Mẹ.
Năm 1999, bà tuyên truyền rằng, vào lúc 12 giờ đêm ngày 20/12/1999, bà
trông thấy Đức Mẹ hiện ra chói lọi trên nóc nhà (còn gọi là Đức Mẹ
Pluk). Đức Mẹ đã lựa chọn bà làm sứ giả để phán truyền sứ điệp cho loài
người rằng, Trái Đất sẽ có ngày tận thế, ai tin và tâm niệm Đức Mẹ thì
linh hồn sẽ được lên Thiên Đường, còn nếu không sẽ bị xuống Địa Ngục
với muôn vàn đau đớn vì sẽ bị quỷ quái hành hạ. Những người tin theo
Đức Mẹ hãy đọc kinh Kính Đức Mẹ, thường xuyên làm lễ dâng hoa và
đóng góp tiền của để trang trí nơi thờ tự phục vụ cho các nghi lễ và hoạt
động của đạo.
Để tuyên truyền cho đạo Hà Mòn, Gyin và những người cầm đầu hiện
tượng tôn giáo này thu thập và biên soạn các tài liệu, kinh sách như Sứ
điệp Đức Mẹ Maria, Thông điệp Đức Mẹ hiện hình, lựa chọn Kinh
Thánh, sử dụng băng đĩa của Công giáo, trích biên dịch thành tài liệu về
Đức Mẹ hiện hình, đồng thời còn biên soạn thêm lời giáo huấn của Đức
Mẹ để tuyên truyền lôi kéo người tin theo. Do không biết chữ, nên Gyin
đã nhờ một số người như Y Klách, A Níp ghi lại bằng chữ Ba Na và chữ
quốc ngữ để lôi kéo “tín đồ”. Họ tuyên truyền rằng, ai theo Đức Mẹ sẽ
được xóa hết nợ nần, không phải lao động sản xuất vất vả, có cuộc sống
sung sướng, tự do, bệnh tật sẽ khỏi. Nếu tín đồ có tội, đọc kinh sám hối
càng nhiều và đóng góp tiền càng nhiều sẽ được xóa tội. Khi hiện hình,
Đức Mẹ sẽ ban nước thánh cho tín đồ, uống vào người bị mù sẽ sáng lại,
người bị liệt sẽ đi lại bình thường, người bị câm sẽ nói được, người theo
đạo thì không được bỏ đạo, trong gia đình chồng hoặc vợ theo đạo mà
người kia không theo đạo thì bỏ nhau6.
Nhìn chung, Hà Mòn là một hiện tượng tôn giáo mới ra đời từ Công
giáo, dựa trên cơ sở sùng kính Đức Mẹ, nhất là Đức Mẹ hiện hình, một
cách cực đoan của một bộ phận tín đồ Công giáo. Mặt dù giáo thuyết của
hiện tượng này mang nặng tính mê tín, bịa đặt, song trong một thời gian
ngắn, nó phát triển khá nhanh trong một bộ phận tín đồ Công giáo người
88 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
dân tộc thiểu số ở Kon Tum và một số tỉnh Tây Nguyên khác. Nhất là từ
năm 2003, Nhà nước tiến hành triển khai xây dựng đập thủy lợi, thủy
điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, làng Kơ Tu, xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà
nằm trong khu vực quy hoạch lòng hồ phải di dời, tái định cư. Một số
người không muốn di dời đã tung tin Đức Mẹ hiện hình để cứu với mọi
người đến với Chúa Giêsu, kích động giáo dân bám trụ giữ đất.
Vào thời điểm tháng 7/2008, số người tin theo đạo Hà Mòn lên tới
1.421 người ở thành phố Kon Tum, huyện Đắk Tô và huyện Kon Rẫy.
Qua công tác vận động của chính quyền địa phương, số người tin theo
hiện tượng này giảm xuống còn 1.248 người vào năm 20097. Đến tháng
11/2010, toàn tỉnh Kon Tum có 6/9 huyện, thành phố, 10/97 xã, phường,
thị trấn, 18/831 thôn, làng, tổ dân phố với 2.072 người tin theo đạo Hà
Mòn, tập trung chủ yếu ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy; xã Sa Loong và
thị trấn Plây Cần, huyện Ngọc Hồi; xã Đắk Tờ Re và xã Đắk Ruồng,
huyện Kon Rẫy; xã Ngọc Vang, huyện Đắk Hà; xã Diên Bình, huyện Đắk
Tô và thành phố Kon Tum. Đạo Hà Mòn còn lôi kéo được một số cán bộ
thôn, chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội đồng nhân
dân xã8.
Phần lớn người theo đạo Hà Mòn là phụ nữ và thanh niên trình độ
nhận thức còn thấp, không tham gia các phong trào, hoạt động của thôn
làng tổ chức, cũng không tham gia sinh hoạt tôn giáo do Giáo hội Công
giáo tổ chức, mà tập trung quá nhiều thời gian cho việc đọc kinh, dâng
hoa, cầu nguyện, hành hương. Họ thường nhóm họp tập trung từ 4 đến 7
giờ sáng, từ 18 đến 20 giờ tối các ngày 10, 20, 30 hằng tháng, cá biệt có
nơi tổ chức sinh hoạt cả buổi tối và buổi sáng mỗi ngày. Vào đêm 19,
rạng ngày 20 hằng tháng, nhiều người theo đạo Hà Mòn ra bờ sông Pô
Kô, hướng về làng cũ ở hai thôn Đắk Wớt và Hà Tu (xã Hà Mòn) để cầu
nguyện. Họ còn thành lập tổ chức, có nhóm trưởng, thư ký, thủ quỹ,
trong đó nhóm trưởng được làm Bí tích Hôn phối cho tín đồ của nhóm
mình, sử dụng nhà nguyện của Công giáo làm nơi sinh hoạt9.
Từ Kon Tum, đạo Hà Mòn phát triển vào vùng người Xơ Đăng, người
Ba Na, người Gia Rai theo Công giáo ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk
Nông. Cụ thể, từ năm 2005, đạo Hà Mòn truyền vào vùng người Xơ
Đăng theo Công giáo ở các thôn Kon Ma Har và Kon Nak, xã Hà Đông,
huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Từ năm 2009, đạo Hà Mòn tiếp tục phát
triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Công giáo ở các huyện
Nguyễn Phú Lợi. Thách thức đối với Công giáo 89
Chư Pah, Mang Yang, Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai10. Tháng 5/2006, nhóm cầm
đầu đạo Hà Mòn đã lôi kéo được Akin, một giáo lý viên của Công giáo
thuộc Giáo xứ Quảng Nhiên, cư trú tại buôn Hring, xã Ea Hđing, huyện
Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk theo đạo. Từ đây, đạo Hà Mòn phát triển vào một
số địa bàn người Xơ Đăng theo Công giáo ở tỉnh Đắc Lắc như thị huyện
Cư Mgar, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Pách.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tính đến tháng 5/2012,
trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có 679 hộ/2.159 người theo đạo Hà
Mòn, chủ yếu ở 30 thôn của 18 xã phường, 11 huyện thị thuộc các tỉnh
Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Đến đầu năm 2013 đã có hơn 3.300 người
của 935 hộ các dân tộc Ba Na, Gia Rai và Xơ Đăng, ở 34 làng, 17 xã, 11
huyện trên địa bàn ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk đã bị lôi kéo
theo đạo Hà Mòn.
Từ năm 2008, tổ chức FULRO lưu vong ở Mỹ, do Ksor Kơk cầm đầu,
đã lợi dụng triệt để đạo Hà Mòn để lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc
thiểu số ở các buôn làng khu vực Tây Nguyên, lợi dụng vấn đề tôn giáo
và dân tộc để lôi kéo người dân, tập hợp lực lượng, chuẩn bị thành lập
nhà nước riêng, dự tính gồm bốn tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và
Lâm Đồng, thủ đô đặt tại Plei Ku. Vì vậy, ngày 28/5/2013, Tòa án Nhân
dân tỉnh Gia Lai đã tiến hành phiên tòa xét xử tám bị cáo theo đạo Hà
Mòn về tội phá hoại chính sách đoàn kết theo Điều 87 của Bộ luật Hình
sự, tuyên phạt tổng cộng 63 năm tù.
2. Sự thách thức đối với Giáo hội Công giáo ở Tây Nguyên
Sự xuất hiện của nhóm Canh Tân Đặc Sủng và đạo Hà Mòn với những
hoạt động mê tín, gây mất đoàn kết trong nội bộ cộng đồng cư dân, bị các
thế lực thù địch lợi dụng, cũng như có những hành vi đi ngược lại với
truyền thống của các tôn giáo chủ lưu không chỉ là vấn đề đặt ra với chính
quyền, mà còn là một thách thức với Giáo hội Công giáo ở Tây Nguyên.
Như đã trình bày, phong trào Canh Tân Đặc Sủng trong Giáo hội
Công giáo xuất hiện sau Công đồng Vatican II và được giáo quyền thừa
nhận, thậm chí là khuyến khích nhưng phải đặt giới sự quản lý của giáo
quyền. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhóm Canh Tân Đặc Sủng ở Tây
Nguyên do Võ Quốc Khánh cầm đầu lại bị giáo quyền phản ứng rất mạnh
mẽ. Các linh mục ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cũng như tín đồ Công
giáo chân chính trên địa bàn đều không đồng tình với kiểu tổ chức sinh
hoạt gọi là “Canh Tân Đặc Sủng” của Võ Quốc Khánh và yêu cầu chấm
90 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
dứt hoạt động của tổ chức này. Hội đồng Giáo xứ Vinh An, Hội đồng
Giáo xứ Thổ Hoàng cho rằng, hoạt động của Võ Quốc Khánh trái với
đường hướng hoạt động của Giáo hội Công giáo, gây mất đoàn kết, chia
rẽ trong nội bộ giáo dân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở
địa phương.
Trước tình hình đó, ngày 24/6/2006, Tòa Giám mục Giáo phận Buôn
Ma Thuột đã có Thông cáo số 09/06, gửi linh mục trong giáo phận nêu
rõ: “Hiện nay, tại một vài giáo xứ trong Ðịa phận nhà, có một số người
Công giáo tham gia vào những sinh hoạt của các nhóm mệnh danh là
“Canh Tân Đặc Sủng”, “Tôn thờ Chúa Cha”, “Phong trào Thánh linh”.
Những người này có những sinh hoạt tâm linh, tôn giáo khác thường, xa
lạ với truyền thống của Giáo hội. Họ thường họp nhau đâu đó để đọc Lời
Chúa, truyền miệng nhau rằng Giáo hội Công giáo không coi trọng Lời
Chúa. Họ tự cắt nghĩa, giải thích Lời Chúa, bài bác Giáo hội, công kích
các đấng bản quyền. Họ chủ trương không đi lễ, không đi nhà thờ, không
lãnh nhận các bí tích, không cho con cái đi học giáo lý, thậm chí không
cho con cái đi học văn hóa, gây lục đục bất hòa trong gia đình, gây chia
rẽ trong giáo xứ. Họ thường họp nhau cầu nguyện gọi là “cầu nguyện
chữa bệnh”, bảo rằng họ cầu nguyện thì bất cứ bệnh gì, dù nan y, cũng
đều khỏi cả, không cần đi bác sĩ, không cần đi bệnh viện, không cần
thuốc men gì hết. Khi cầu nguyện, họ tạo ra cảnh có người ú ớ như được
đặc sủng, được ơn nói tiếng lạ, v.v... Có người cũng đặt tay, cũng xức
dầu (dầu thương mại) để chữa bệnh. Được biết họ là những người hiểu
biết rất ít về giáo lý”11.
Sở dĩ nhóm Canh Tân Đặc Sủng bị giáo quyền phê phán vì nó không
những tách khỏi sự kiểm soát của Giáo hội Công giáo, mà còn có những
hành vi chống lại giáo quyền. Việc nhóm Canh Tân Đặc Sủng lập ra tổ
chức riêng cho thấy tính chất ly khai, phân rẽ của Giáo hội Công giáo ở
Tây Nguyên. Mặt khác, việc công khai lên án Giáo hội Công giáo, công
kích giới chủ chăn, phủ nhận thánh lễ và các phép bí tích, rõ ràng những
người theo hiện tượng này mong muốn một sự đổi mới trong hoạt động
mục vụ, một đời sống sinh hoạt tôn giáo đơn giản hơn. Điều ấy cho thấy,
trong cơ chế quản lý điều hành, trong hoạt động mục vụ, kể cả trong giáo
lý truyền thống của Công giáo đang có một số vấn đề cần phải thay đổi.
Nếu như nhóm Canh Tân Đặc Sủng đụng chạm trực tiếp với giáo
quyền, thì đạo Hà Mòn lại mang một sắc thái khác, chủ yếu gắn với vấn
Nguyễn Phú Lợi. Thách thức đối với Công giáo 91
đề đời sống đức tin của đồng bào dân tộc thiểu số theo Công giáo. Sau
hơn 10 năm xuất hiện, hiện tượng này đã lôi kéo được một số lượng đáng
kể tín đồ Công giáo người dân tộc thiểu số. Ra đời từ Công giáo, nhưng
đạo Hà Mòn lại biến tướng thành một hiện tượng mang màu sắc mê tín:
người sáng lập, điều hành và người tin theo chủ yếu là tín đồ Công giáo;
nội dung tuyên truyền được lấy từ Kinh Thánh, giáo lý, giáo luật và tín
điều Công giáo (phần nói về Đức Mẹ) nhưng biên soạn lại với những
điều lừa mị; không cần nhà thờ, linh mục làm lễ. Điều đó cho thấy, người
dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang hướng tới việc đơn giản hóa hoạt
động Công giáo cho phù hợp với hoàn cảnh riêng.
Tóm lại, sự xuất hiện của hiện tượng Canh Tân Đặc Sủng, đạo Hà
Mòn, cũng như một số hiện tượng khác như đạo Amí Sara ở các tỉnh Đắk
Lắk, Gia Lai đã và đang đặt ra thách thức mới cho Giáo hội Công giáo
thể chế ở khu vực này trong việc nâng cao vị thế, vai trò của tín đồ, sự
đơn giản hóa luật lệ, lễ nghi cho phù hợp với xã hội hiện đại./.
CHÚ THÍCH:
1 Nguyễn Thanh Xuân (2002), Bước đầu tìm hiểu đạo Tin Lành trên thế giới và ở
Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 229-231.
2 Thánh Công đồng chung Vaticano II: Hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn và sứ điệp,
Phân khoa Thần học Giáo hoàng học viện Thánh Piô X, Đà Lạt, 1972: 164.
3 Thánh Công đồng chung Vaticano II: Hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn và sứ điệp,
sđd: 164-165.
4 Sách Công vụ tông đồ viết: “Khi đến ngày lễ Ngũ tuần, mọi người đang tề tựu ở
một nơi, bỗng từ trên trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy
cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như
lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh
thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau, tùy theo khả năng Thánh thần ban
cho” (Cv 2.1-5).
5 Ban Dân vận Trung ương (2007), Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta
hiện nay, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 57.
6 Nguyễn Thị Thùy Liên (2010), “Vạch mặt bản chất lừa bịp của tà đạo Hà Mòn”,
Công tác Tôn giáo, số 10: 27-28.
7 Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, Báo cáo tình hình, công tác quản lý nhà nước về tôn
giáo năm 2009, phương hướng, nhiệm vụ công tác tôn giáo năm 2010, số
1456/BC-SNV, ngày 29/12/2009.
8 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kon Tum, Một số tình hình hoạt động tôn giáo và
công tác vận động, đấu tranh xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn” trên địa bàn tỉnh, ngày
30/11/2010.
92 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 4 - 2014
9 Nguyễn Thị Thùy Liên (2010), Vạch mặt bản chất lừa bịp của “tà đạo Hà
Mòn”, bđd: 28-29.
10 Nguyễn Thị Thùy Liên (2010), Vạch mặt bản chất lừa bịp của “tà đạo Hà
Mòn”, bđd: 29.
11 Thông cáo của Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột về việc các nhóm mệnh danh..., số
09/06, Buôn Ma Thuột, ngày 24/6/2006.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Dân vận Trung ương (2007), Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện
nay, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Thùy Liên (2010), “Vạch mặt bản chất lừa bịp của tà đạo Hà Mòn”,
Công tác Tôn giáo, số 10.
3. Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, Báo cáo tình hình, công tác quản lý nhà nước về tôn
giáo năm 2009, phương hướng, nhiệm vụ công tác tôn giáo năm 2010, số
1456/BC-SNV, ngày 29/12/2009.
4. Thánh Công đồng chung Vaticano II: Hiến chế, sắc lệnh, tuyên ngôn và sứ điệp,
Phân khoa Thần học Giáo hoàng học viện Thánh Piô X, Đà Lạt, 1972.
5. Thông cáo của Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột về việc các nhóm mệnh danh..., số
09/06, Buôn Ma Thuột, ngày 24/6/2006.
6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kon Tum, Một số tình hình hoạt động tôn giáo và
công tác vận động, đấu tranh xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn” trên địa bàn tỉnh, ngày
30/11/2010.
7. Nguyễn Thanh Xuân (2002), Bước đầu tìm hiểu đạo Tin Lành trên thế giới và ở
Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
Abstract
CHALLENGES TOWARD CATHOLICISM
THROUGH THE PHENOMENON OF “CANH TÂN ĐẶC
SỦNG” AND HÀ MÒN RELIGION IN THE CENTRAL
HIGHLANDS TODAY
Globalization along with strong development of the informative
technology and the wave of migration has led to the trend of religious
diversity, especially many new religious phenomena emerged, and posed
new challenge institutions for religions, and Catholicism is not an
exception. Catholicism in the Central Highlands is now facing with the
phenomenon of “Canh Tân Đặc Sủng” and Hà Mòn religion.
Keywords: “Canh Tân Đặc Sủng”, Hà Mòn religion, new religious
phenomenon, Catholicism, the Central Highlands.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 24324_81364_1_pb_7294.pdf