Nghiên cứu tôn giáo - Ứng xử của một số nhà nước trên thế giới đối với hiện tượng tôn giáo mới

Nhóm Toàn năng Thần giáo của Dương Hướng Bân cũng là mục tiêu truy quét của chính quyền Trung Quốc nhiều năm qua. Sự kiện một thường dân bị đánh chết tại Sơn Đông khi từ chối tham gia giáo phái này, như đã đề cập, càng khiến công việc truy quét của cơ quan chức năng được đẩy mạnh. Về giáo thuyết, Toàn năng Thần giáo thể hiện rõ mục tiêu tối hậu là “diệt con rồng đỏ”, được cho là ám chỉ về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Truy quét “tà giáo” này đối với chính quyền Trung Quốc do đó là một cách dẹp đi nguy cơ tiềm ẩn về cạnh tranh tư tưởng và chính trị.

pdf21 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 560 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Ứng xử của một số nhà nước trên thế giới đối với hiện tượng tôn giáo mới, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
được lập ra để chống giáo phái, các phương tiện truyền thông đại chúng vốn chú ý nhiều vào việc đưa tin giật gân, các chính trị gia, mà còn từ chính phủ các quốc gia với công cụ luật pháp trong tay. Trải qua một thời gian khá dài, cho tới nay, phản ứng của các quốc gia về hiện tượng tôn giáo mới thu hút nhiều công trình nghiên cứu. Ba vấn đề cần làm rõ ở đây là thách thức mà hiện tượng tôn giáo mới trong quá trình phát sinh và phát triển đặt ra buộc các nước phải có cách thức ứng xử? Cách thức các nước giải quyết thách thức từ hiện tượng tôn giáo mới? Tương lai mối quan hệ giữa nhà nước với hiện tượng tôn giáo mới? * ThS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 40 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 Để góp phần làm rõ ba vấn đề nêu trên, bài viết tập trung khai thác các công trình nghiên cứu về ứng xử các nước trên thế giới đối với hiện tượng tôn giáo mới. Do hạn chế về dung lượng, bài viết chỉ chọn lựa và phân tích ứng xử đối với hiện tượng tôn giáo mới của một số nước như Nga, Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Trung Quốc. Việc làm rõ ba nội dung nêu trên có thể đóng góp cho việc tham khảo và xây dựng nguyên tắc ứng xử đối với hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay. 2. Thách thức từ hiện tượng tôn giáo mới Xuất hiện với nhiều đặc tính mới lạ, dị biệt, ngoại lai và đôi khi có những hành động cực đoan, các hiện tượng tôn giáo mới mang lại nhiều thách thức đối với xã hội và không gian tôn giáo nói chung, chính phủ hầu hết các nước trên thế giới nói riêng. Mặc dù ở các nước phát triển, xã hội hay các tổ chức tôn giáo đạt đến trình độ tự quản cao, nhưng thách thức mà hiện tượng tôn giáo mới mang lại vẫn buộc phải có sự can thiệp hay hiện diện của cơ quan công quyền một cách chủ động. Vậy đâu là thách thức buộc chính phủ các nước phải lên tiếng và hành động đối với hiện tượng tôn giáo mới? Nhiều nghiên cứu, sẽ được đề cập ở phần dưới đây, đã chỉ ra rằng, đó là nhóm thách thức về mặt pháp lý và nhóm thách thức về hài hòa tôn giáo, an ninh xã hội. Thách thức về mặt pháp lý Bên cạnh các vấn đề đặt ra liên quan đến đạo đức, lối sống, một số hiện tượng tôn giáo mới còn mang lại các thách thức không dễ giải quyết về mặt pháp lý, như vấn đề ảnh hưởng được cho là tiêu cực đến tín đồ, vấn đề tư cách pháp nhân, vấn đề thuế và nghĩa vụ đối với nhà nước. Về phía tín đồ, đã có một thời các hiện tượng tôn giáo mới bị vướng vào nhiều cáo buộc liên quan đến hành vi tẩy não như thường thấy ở Mỹ và Anh giai đoạn 1980 - 19901 hoặc “mê hoặc tâm lý” như ở Pháp2. Tổng kết của các nhà nghiên cứu cho thấy, ở các nước Phương Tây, phần lớn người theo các hiện tượng tôn giáo mới là thanh niên trẻ và người có học thức3. Cáo buộc về “tẩy não” hay “mê hoặc tâm lý” hoặc “niềm tin có tính bệnh lý” (pathological belief) thường xuất phát từ phụ huynh quan ngại về chuyện con em mình bị lôi cuốn vào các loại hình tôn giáo chưa rõ nguồn gốc, bỏ bê học hành, lệch lạc về tâm lý, đánh mất cơ hội về Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 41 41 công việc và sự nghiệp. Nhiều thanh niên trở thành các nhà gây quỹ đường phố hoặc sống quần tụ trong những không gian chật hẹp cùng nhiều người chưa kết hôn khác. Một số phụ huynh đã kiện các hiện tượng tôn giáo mới ra tòa theo các cáo buộc này. Ở Mỹ, từ những năm 1970, theo James T. Richardson, nhà nước rất khó can thiệp trực tiếp vào các hiện tượng tôn giáo mới do hiến pháp nước này quy định về tự do tôn giáo và vị trí của nhà nước. Sự can thiệp gián tiếp của nhà nước chỉ có thể thấy qua hệ thống tòa án. Việc dùng hệ thống tòa án để chống lại các hiện tượng tôn giáo mới ở Mỹ đầu tiên xuất hiện khi các bậc phụ huynh có con em theo các hiện tượng này tìm cách đạt được quyền bảo hộ tạm thời. Việc này tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh có quyền hợp pháp để kiểm soát con em của mình và sự hỗ trợ về thực thi luật pháp nhằm đưa chúng trở lại cuộc sống bình thường4. Theo luật chung ở Mỹ, từ 18 tuổi, thanh niên có thể sống hoàn toàn tự lập. Quyền bảo hộ tạm thời chỉ có thể được trao cho phụ huynh theo quyết định của tòa án trong trường hợp con em của họ được cho là cần phải có sự giám sát, bảo trợ dù đã qua 18 tuổi. Các hiện tượng tôn giáo mới còn có những vấn đề pháp lý liên quan đến trẻ em như ảnh hưởng về tôn giáo, giáo dục hay bị lạm dụng5. Người ta quan ngại về việc cha mẹ li dị và để con em của mình cho một hiện tượng tôn giáo mới nuôi nấng. Trong trường hợp như thế, đứa trẻ có thể được lựa chọn về tôn giáo trước khi có đầy đủ nhận thức. Tiếp đến, việc sống với một hiện tượng tôn giáo mới có thể hạn chế đứa bé tiếp cận hệ thống giáo dục công lập. Ngoài ra, đôi khi một hiện tượng tôn giáo mới cũng bị buộc tội về lạm dụng trẻ em, dù chứng cứ chưa rõ ràng. Một vấn đề pháp lý nữa là việc một số hiện tượng tôn giáo mới chủ trương chữa bệnh không dùng thuốc hay can thiệp y tế. Nhóm Christian Scientists chống đối các tiêu chuẩn chăm sóc y tế vì tự cho là có kỹ thuật “chữa bệnh tâm linh”. Trong khi đó, nhóm Nhân chứng Jehovah kiên quyết phản đối việc cho và truyền máu. Việc này gây ra trở ngại lớn khi một tín đồ bị bệnh và cần phải truyền máu, hoặc dùng thuốc nếu không tính mạng sẽ bị đe dọa. Cần nói thêm rằng, tham gia vào đòi hỏi về pháp lý chống lại hiện tượng tôn giáo mới còn có các tổ chức xã hội, các chính trị gia hay các tôn giáo truyền thống. Đây là lực lượng am hiểu luật pháp và có khả năng gây ảnh hưởng đối với chính phủ và xã hội. 42 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 Trong vấn đề pháp lý, ở nhiều nước, việc trao tư cách pháp nhân cho một hiện tượng tôn giáo mới không hề đơn giản. Vấn đề tư cách pháp nhân luôn rất quan trọng đối với một tổ chức tôn giáo. Bởi vì, đó là sự thừa nhận và bảo vệ trên phương diện luật pháp đối với một tổ chức tôn giáo nhằm tránh phân biệt đối xử và giải quyết vấn đề sở hữu tài sản cũng như vấn đề thuế đối với tổ chức tôn giáo này. Theo nhiều nhà nghiên cứu luật pháp tôn giáo, tiêu biểu như Cole Durham (Hoa Kỳ) hay Đỗ Quang Hưng (Việt Nam), lộ trình thường thấy của việc chính phủ cấp tư cách pháp nhân cho một tổ chức tôn giáo, nghĩa là cho phép tổ chức tôn giáo được bảo hộ về mặt luật pháp công bằng như các tổ chức tôn giáo được công nhận trước đó, phải trải qua ba bước. Trước tiên, một tổ chức tôn giáo mới cần phải đăng ký hoạt động với chính quyền. Sau khi đáp ứng thời gian hoạt động đủ dài sau khi đăng ký mà không vi phạm pháp luật, nó sẽ được xem xét để công nhận. Chỉ khi chính thức được nhà nước công nhận thì một tổ chức tôn giáo như thế mới có được tư cách pháp nhân đầy đủ6. Có hai vấn đề chính trong việc xem xét tư cách pháp nhân cho một hiện tượng tôn giáo mới: có nên thừa nhận một hiện tượng tôn giáo mới, nếu có thì thừa nhận nó như một dạng đoàn thể xã hội (như các loại đoàn thể thế tục khác) hay như một đoàn thể tôn giáo. Thực tế có những giai đoạn, một số nước từ chối xem xét tư cách pháp nhân cho các hiện tượng tôn giáo mới cụ thể. Vấn đề gây tranh cãi là liệu có thể coi đó là các tổ chức tôn giáo thực sự hay không. Chẳng hạn, ở Úc, theo James T. Richardson, các hiện tượng tôn giáo như Nhân chứng Jehovah, Những đứa con Thần thánh, Giáo hội Thống nhất và Khoa học luận khi mới xuất hiện ở quốc gia này đều bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ và hạn chế hoạt động. Trong những năm 1990, nhóm Khoa học luận bị cấm gián tiếp ở một số tiểu bang của Úc như New Southwales hay Victoria. Các tiểu bang này tuyên bố, đây là các dạng thức thực hành tâm lý. Do đó, lãnh đạo hay tín đồ của nhóm Khoa học luận đều phạm pháp vì không đăng ký thực hành tâm lý với chính quyền. Do bị xếp vào dạng thức thực hành tâm lý, hiện tượng tôn giáo mới này không thể đăng ký pháp nhân, rao giảng giáo lý hay cung cấp dịch vụ cho tín đồ7. Ở nước Anh, nhóm Khoa học luận cũng khó khăn khi đăng ký tư cách pháp lý như một tổ chức từ thiện tôn giáo theo luật pháp của quốc gia này. Theo Anthony Bradney, điều đó do hai nguyên nhân cơ bản: thứ nhất, hiện tượng tôn giáo này Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 43 43 thiếu ý niệm về tôn sùng một vị thần thánh cụ thể; thứ hai, nếu lời rao giảng của hiện tượng tôn giáo này có tính “nổi loạn về mặt đạo đức”, nó không thể được trao cho tư cách một tổ chức từ thiện8. Ở Pháp, theo Francis Messner, trong luật pháp quốc gia này không có khái niệm “thiểu số”. Chính phủ Pháp thường xuyên từ chối công nhận các “nhóm thiểu số” cả về tộc người, ngôn ngữ hay tôn giáo9. Luật pháp của Pháp chỉ công nhận tự do cá nhân, và chính phủ không cho rằng, tự do cá nhân được đảm bảo khi người dân tham gia các hội nhóm10. Trong thảo luận về luật pháp chung cho Châu Âu, Hội đồng Hiến pháp của Pháp khẳng định, Pháp là một quốc gia cộng hòa thế tục trung tính, cấm “bất cứ ai lợi dụng tôn giáo của mình vào mục đích tránh tuân thủ các quy định chung chi phối mối quan hệ giữa các cơ quan công quyền và các cá nhân” (Quyết định số 99-412 DC, ngày 15/6/1999)11. Đây là cơ sở pháp lý mà chính phủ Pháp thường dựa vào để từ chối công nhận tư cách pháp nhân cho các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các nhóm tôn giáo không có nguồn gốc Pháp. Ở Singapore, theo Tan Kheng Boon, Điều luật về tổ chức xã hội của quốc gia này quy định: “Một tổ chức xã hội đại diện, thúc đẩy hoặc thảo luận về những vấn đề tôn giáo là một ‘tổ chức chuyên biệt’ và phải được đăng ký theo quy định pháp luật”. Tại quốc gia này, một tổ chức xã hội như thế nếu không đăng ký sẽ được coi là một tổ chức ngoài vòng pháp luật và bị giải tán. “Việc yêu cầu đăng ký mang lại một cơ chế mạnh để nhà nước có thể quản lý các nhóm tôn giáo thuộc diện “có thể ảnh hưởng hòa bình, lợi ích và trật tự công cộng ở Singapore”12. Nói chung, trăn trở và tranh luận về việc công nhận các hiện tượng tôn giáo mới vẫn còn tiếp diễn ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. Ở Châu Âu, theo khái quát của Rik Torfs, nguyên tắc chung của vấn đề này là tinh thần khoan dung. Tuy nhiên, vì mỗi quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu có khác nhau về hệ thống pháp lý, nên họ vẫn đang phải tìm giải pháp hữu hiệu cho vấn đề các hiện tượng tôn giáo mới có thể tự do thu giữ tài sản, có cần đến tư cách pháp nhân để đạt được mục đích đó, có được phép hoạt động theo cơ chế một tổ chức phi lợi nhuận? Những đặc quyền dành cho các tổ chức tôn giáo truyền thống có nên dành cho các hiện tượng tôn giáo mới, hay những đặc quyền xưa cũ có dần biến mất và thay vào đó là một sự công nhận quyền tự do tôn giáo về 44 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 mặt pháp lý chung cho tất cả loại hình tôn giáo, không có bất kỳ đặc quyền nào?13 Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia là một quốc gia có cách tiếp cận cởi mở với vấn đề đăng ký tư cách pháp nhân cho tổ chức tôn giáo. Chính phủ Malaysia cho rằng, tổ chức tôn giáo không nên bị quản lý. Luật pháp của nước này không đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải đăng ký hay giải thích bất cứ điều gì với nhà nước. Nhà nước không can thiệp vào tổ chức tôn giáo mà để các cộng đồng tôn giáo tự quản theo giáo lý và giáo luật của mình. Người dân có thể thành lập một tổ chức tôn giáo theo hình thức một công ty hay một đoàn thể. Đây là con đường để họ có thể đầy đủ tư cách pháp nhân cho tổ chức tôn giáo của mình. Việc chính quyền đòi hỏi tôn giáo phải đăng ký thậm chí có thể gây kết quả tiêu cực. Ví dụ, việc này gây ra những chi phí không cần thiết cho thủ tục hành chính cũng như việc chính phủ phải trả lương cho bộ phận làm công tác quản lý hoạt động của tổ chức tôn giáo. Bên cạnh đó, việc đòi hỏi đăng ký có tác dụng ngược. Nếu một tổ chức tôn giáo không thực hiện đăng ký, họ đương nhiên bị coi là phạm pháp. Điều này cản trở những đóng góp hữu ích của họ với xã hội. Hơn nữa, việc đòi hỏi đăng ký khơi rộng thêm khoảng cách giữa chính phủ và người dân, do đó thúc đẩy xung đột hơn là củng cố đồng thuận14. Các hiện tượng tôn giáo mới cũng đặt ra thách thức về vấn đề thuế và nghĩa vụ đối với nhà nước. Ở nhiều nước, chẳng hạn như Mỹ, Úc và Anh, nếu đăng ký như một tổ chức tôn giáo và có các chương trình thiện nguyện, các hiện tượng tôn giáo mới được miễn thuế. Nhưng một số hiện tượng tôn giáo mới, chẳng hạn như Khoa học luận, đã vướng vào những vụ kiện liên quan đến việc thu phí từ các dịch vụ tôn giáo hoặc bán vật phẩm tôn giáo. Nếu không thành công trong việc thuyết phục chính quyền rằng mình đáp ứng đủ các tiêu chí của một tổ chức tôn giáo như những quy định trong văn bản pháp lý, các hiện tượng tôn giáo mới không được quyền miễn thuế. Vấn đề nghĩa vụ với nhà nước của các hiện tượng tôn giáo mới nổi bật là nghĩa vụ quân sự và nghi lễ chào quốc kỳ. Với bất cứ quốc gia nào, làm nghĩa vụ quân sự và chào quốc kỳ là sự thể hiện lòng trung thành với đất nước và ý thức đóng góp cho lợi ích chung. Nhưng tín đồ của nhóm Nhân chứng Jehovah kiên quyết từ chối thực hiện hai điều này. Đây là mấu chốt cho những vấn đề mà hiện tượng tôn giáo này gặp phải ở Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 45 45 Singapore và nhiều quốc gia khác. Ở Singapore, nhóm Nhân chứng Jehovah bị chính quyền quốc gia này cấm và giới hạn tự do tôn giáo. Việc cấm chủ yếu liên quan đến vấn đề liệu các công dân thuộc diện phải gia nhập lực lượng vũ trang nhưng vì lý do tôn giáo có thể được miễn nghĩa vụ quân sự. Tòa án Singapore đã phải đưa ra phán quyết về vụ việc này. Theo đó, nghĩa vụ quân sự là vấn đề thế tục, nên không thể chấp nhận việc từ chối nhập ngũ vì lý do tôn giáo. Bởi vì, điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống nghĩa vụ quân sự của Singapore15. Thách thức về hài hòa tôn giáo và an ninh xã hội Bảo vệ hài hòa tôn giáo và an ninh xã hội là lý do quan trọng trong việc các quốc gia phải chủ động ứng xử với hiện tượng tôn giáo mới. Việc các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện là không thể tránh khỏi, bởi nếu chúng không phải là nội sinh do sáng tạo cá nhân hay tiếp thu ý tưởng từ nước ngoài, thì là ngoại sinh do đi theo các dòng người nhập cư hợp pháp. Ở đây cần chú ý rằng, đôi khi một tôn giáo là cũ ở một bối cảnh văn hóa này lại là mới trong bối cảnh văn hóa khác. Thế giới ngày nay được định tính bởi quá trình toàn cầu hóa trên nhiều phương diện. Nếu một hiện tượng tôn giáo mới nảy sinh và phát triển nhanh rộng ở một khu vực địa lý nào đó, thì sớm hay muộn, người ta cũng sẽ thấy nó xuất hiện ở khu vực khác. Khi các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện, câu hỏi đáng quan tâm nhất, đâu là thách thức đối với việc đảm bảo hài hòa tôn giáo và an ninh xã hội của chính phủ? Thứ nhất, xuất hiện với tính cách là một nhân tố chưa từng biết, các hiện tượng tôn giáo mới ảnh hưởng đến tính cân bằng và ổn định của bối cảnh tôn giáo sẵn có. Không phải quốc gia nào cũng như nước Mỹ trong việc gần như tuyệt đối ủng hộ tự do tôn giáo. Con số hơn 2.000 hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện ở Mỹ là một sự thực không thấy lặp lại ở bất cứ nơi nào khác. Tính nguyên trạng của bối cảnh tôn giáo bị ảnh hưởng không nhỏ khi các hiện tượng tôn giáo mới nảy sinh hay được du nhập từ nước ngoài. Điều này tất nhiên gây ra những xáo trộn trong đời sống tôn giáo nói chung. Xem xét cách phản ứng của nhà nước, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Nga và một số quốc gia vùng Baltic đều không thích điều này. Hơn nữa, trong bối cảnh một quốc gia cụ thể, bất kể thay đổi về chính trị, các tổ chức tôn giáo tồn tại lâu đời đạt được ưu thế, đặc quyền và có được ảnh hưởng với tín đồ, xã hội và thậm chí là chính trị. Nay ưu thế của họ bị thách thức và cạnh tranh trước sự phát triển và lan 46 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 rộng của các hiện tượng tôn giáo mới. Dù các tổ chức tôn giáo truyền thống phản ứng theo cách nào, chính quyền không thể làm ngơ bởi nguy cơ tiềm ẩn về xung đột tôn giáo sẽ hình thành. Nhưng ứng xử của chính quyền không khéo léo và công bằng thậm chí sẽ khơi sâu thêm mâu thuẫn và xung đột. Thứ hai, sự kiện khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại ở Mỹ ngày 11/9/2001 có tác động ghê gớm đến thái độ của các nước đối với hiện tượng tôn giáo mới. Sau những sự kiện khủng bố được cho là của Islam giáo cực đoan hoặc các hiện tượng tôn giáo mới hình thành dựa trên niềm tin Islam giáo, nhiều nước buộc phải chuẩn bị biện pháp chủ động và cứng rắn để tránh những sự kiện tương tự sẽ xảy ra. Đây cũng là thách thức đáng kể bởi rất khó xác định đâu là các hiện tượng tôn giáo mới dễ có hành động cực đoan và đâu là những giáo phái mới nhưng thực hành tôn giáo một cách lành mạnh, không đe dọa về an ninh xã hội. Sự liên kết giữa yếu tố tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề lớn của thế giới ngày nay. Nhân danh chống khủng bố, nhiều nước đã phải đối mặt với sức ép của công luận về hành động theo hướng hi sinh phần nào tự do tôn giáo để đổi lấy an ninh xã hội và an toàn con người. Thứ ba, đã có tiền lệ xấu trong việc một số hiện tượng tôn giáo mới có những hành động bạo lực hướng vào bên trong và hướng ra bên ngoài. Bạo lực hướng vào bên trong là những vụ việc dẫn đến thương tổn về nhân mạng của chính thủ lĩnh và thành viên của hiện tượng tôn giáo mới. Những vụ tự sát tập thể hay hành vi lạm dụng tình dục của giáo chủ đối với tín đồ là những ví dụ hay được nêu ra về mặt trái của hiện tượng tôn giáo mới: Ngôi đền Nhân dân với sự kiện hơn 900 người, trong đó có hơn 300 trẻ em, ở Jonestown, Mỹ đã tự sát bằng chất độc xyanua vào năm 1987. Phong trào Phục hồi 10 điều răn của Chúa (Movement for the Restoration of the Ten Commandments of God) ở Uganda được quy trách nhiệm dẫn đến vụ cháy năm 2000 làm chết 530 người có mặt tại một địa điểm sinh hoạt tôn giáo. Người ta còn đặt nghi vấn về việc tự sát của lãnh đạo và thành viên của hiện tượng tôn giáo mới này bởi có sự hiện diện của chất nổ và chất độc axit sunfuric. Một số hiện tượng tôn giáo mới khác có thể kể tên theo phân loại này như là Cổng Thiên Đường (Heaven’s Gate) hay The Family. Bạo lực hướng ra bên ngoài là các hiện tượng tôn giáo mới có hành động cực đoan nhắm vào người ngoài tổ chức của họ. Tiêu biểu cho loại Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 47 47 hình này là nhóm Branch Davidans ở Texas, Mỹ, với hành động bắn chết nhân viên chính phủ năm 1993 khi họ tới yêu cầu tiếp cận và điều tra việc tàng trữ vũ khí. Ở Nhật Bản, trường hợp nhóm Aum Shinrikyo xả hơi độc sarin làm chết thường dân ở ga tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 là một trường hợp tiêu biểu. Mới đây, ở Trung Quốc, một phụ nữ bị ba thành viên của một hiện tượng tôn giáo mới được cho là cực đoan nhất nước này có tên là Toàn năng Thần giáo, còn gọi là Tia chớp Phương Đông, đánh chết ngay tại một cửa hàng McDonald ở tỉnh Sơn Đông. Hiện tượng tôn giáo mới này do Dương Hướng Bân, một cựu nữ giáo viên vật lý, tự nhận mình là Chúa Jesus tái sinh lập ra. Hiện tại, Dương Hướng Bân đang sống ở Mỹ nhưng vẫn phát triển tín đồ ở Trung Hoa đại lục16. Sự kiện nói trên là sự quá đà trong cách thức bắt ép người dân cải đạo theo hiện tượng tôn giáo mới này. Dư luận được thổi bùng bởi giới báo chí vốn có xu hướng đưa tin giật gân về hiện tượng tôn giáo mới17 tạo sức ép rất lớn lên chính phủ trong các sự kiện bạo lực hướng vào trong hay hướng ra ngoài của các vụ việc nói trên. Thách thức đáng kể ở đây là nếu không quản lý các hiện tượng tôn giáo mới bằng biện pháp bắt đăng ký và minh bạch hóa hoạt động cũng như thông tin về thành viên thì chính phủ sẽ luôn đến muộn khi các sự kiện tồi tệ bùng phát sau một thời gian dài âm ỉ. Nhưng nếu bắt đăng ký và kiểm soát chặt chẽ, một số chính phủ sẽ vướng phải chính cam kết về tôn trọng tự do tôn giáo và tự do cá nhân về mặt tinh thần vốn được ghi trong hiến pháp lập quốc. 3. Ứng xử của một số quốc gia đối với hiện tượng tôn giáo mới Các nước trên thế giới ứng xử rất khác nhau đối với sự phát sinh, phát triển và thách thức của hiện tượng tôn giáo mới. Tựu trung lại, có thể chia các cách ứng xử đó thành hai hướng chính: ứng xử ôn hòa và ứng xử cứng rắn. Trong hai hướng ứng xử này, có cái chỉ đòi hỏi chính quyền lên tiếng và bày tỏ lập trường, có cái buộc chính quyền phải thận trọng xem xét và xây dựng luật pháp quản lý hiện tượng tôn giáo mới. Ứng xử ôn hòa Nhiều quốc gia ứng xử tương đối ôn hòa đối với các hiện tượng tôn giáo mới. Nước Anh là một ví dụ. Ở quốc gia này, “về phương diện pháp lý, cả hai chính phủ thuộc Đảng Bảo thủ hay Đảng Lao động đều nêu rõ rằng, mặc dầu không thích có nhiều tôn giáo mới, nhưng họ không có ý 48 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 định đưa ra bất cứ luật đặc biệt nào nhằm vào các tôn giáo đó. Miễn là các phong trào đó tuân thủ luật của khối thịnh vượng chung và luật hình sự, chúng được tự do trong việc tin và làm điều mình muốn”18. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, ở nước Anh, không hẳn là không có sự phân biệt đối xử nào nhắm vào các hiện tượng tôn giáo mới. Năm 1968, các điều khoản hạn chế được áp dụng đối với người nước ngoài tới Anh với mục đích nghiên cứu hay làm việc cho nhóm Khoa học luận. Năm 1995, chính phủ Anh từ chối cấp visa cho Sun Myung Moon, giáo chủ của Giáo hội Thống nhất, vào nước Anh với lý do là sự hiện diện của nhân vật này có thể không có lợi cho công chúng trên phương diện trật tự công cộng. Một vài trường hợp thành viên của các hiện tượng tôn giáo mới như Unification Church hay ISKON bị phân biệt đối xử tại tòa án19. Trước yêu cầu của dư luận, cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, tổ chức INFORM được thành lập. Tổ chức này được chính phủ, các tổ chức tôn giáo truyền thống và lực lượng cảnh sát nước Anh tài trợ về kinh phí hoạt động với mục đích duy nhất là theo dõi và cung cấp mọi thông tin khách quan về các hiện tượng tôn giáo mới. Nước Đức không có luật đặc biệt nào dành cho hiện tượng tôn giáo mới. Chính phủ quốc gia này chủ yếu xuất bản sách cung cấp thông tin về các hiện tượng tôn giáo mới. Năm 1996, một ủy ban được thành lập nhằm mục đích cung cấp thông tin cho Nghị viện Đức. Ủy ban này kết luận, các hiện tượng tôn giáo mới hiện tại chưa thể hiện nguy hại gì tới nhà nước hay xã hội. Năm 1997, hội thảo của các bộ trưởng chính phủ Đức quyết định đưa nhóm Khoa học luận vào chế độ giám sát. Tuy nhiên, hành động của chính phủ Đức chưa bao giờ vượt quá việc thu thập thông tin20. Ở Châu Á, Singapore và Malaysia cơ bản chọn hướng ứng xử ôn hòa đối với tôn giáo nói chung, các hiện tượng tôn giáo mới nói riêng. Ở Singapore, một quan điểm được thống nhất là chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước là mục tiêu tối cao của hiến pháp, bao gồm cả niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo. Đây là quan điểm của Tòa án Singapore khi phán quyết về nhóm Nhân chứng Jehovah. Quyền tự do tôn giáo phải được cân bằng với lợi ích của cộng đồng và nhà nước giữ vai trò trung tâm trong việc hạn chế những biểu hiện thiếu kiềm chế về quyền tự do tôn giáo21 là hai nguyên tắc trong ứng xử của Singapore với vấn đề hài hòa tôn giáo và an ninh xã hội. Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 49 49 Malaysia thậm chí còn cởi mở hơn với sự hiện diện của các hiện tượng tôn giáo mới. Chính quyền nước này không bắt buộc các tổ chức tôn giáo đăng ký hoạt động: “Thực tế, hầu hết các tôn giáo đều dạy tín đồ phải trở thành công dân gương mẫu và ủng hộ chính phủ và nhà nước. Nếu các tôn giáo được phép phát triển mà không buộc phải đăng ký, kết quả là chúng sẽ có một sự hợp tác lành mạnh với nhà nước và toàn thể công dân. Đòi hỏi đăng ký bắt buộc, nhà nước tuyên bố các nhóm tôn giáo không đăng ký là chống chính phủ, và các nhóm không đăng ký như thế là một nỗi lo sợ của chính phủ”22. Như thế, việc gián tiếp tạo ra và duy trì căng thẳng giữa chính phủ và công dân là một trong những nguyên nhân của bất an xã hội. Theo logic này, ngược lại, nếu chính phủ tránh được việc tạo ra căng thẳng với bất kỳ nhóm xã hội dựa trên niềm tin tôn giáo nào, bao gồm cả các hiện tượng tôn giáo mới, cũng có nghĩa là chính phủ bớt thêm đi một nỗi lo về đảm bảo an ninh xã hội. Nói chung, có thể thấy rõ, các quốc gia ứng xử ôn hòa với hiện tượng tôn giáo mới thường là các nước có hệ thống pháp luật mạnh cùng năng lực hệ thống tòa án tốt. Việc ứng xử ôn hòa với hiện tượng tôn giáo mới ít thấy ở các quốc gia có nền tảng pháp lý yếu, hoặc có tiền lệ về xung đột tôn giáo. Ứng xử cứng rắn Một số quốc gia áp dụng biện pháp cứng rắn trong ứng xử và quản lý hiện tượng tôn giáo mới. Điều này một mặt do hiến pháp và những luận giải hiến pháp về tự do tôn giáo cho phép, mặt khác là do sức ép công luận ở các quốc gia ấy. Tiêu biểu nhất trong cách ứng xử cứng rắn đối với hiện tượng tôn giáo mới có lẽ là trường hợp Trung Quốc ứng xử với nhóm Pháp luân công. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy rõ cách ứng xử này qua quan điểm cương quyết của Pháp và Nga với các hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc nước ngoài. Pháp Luân công là một trường hợp tiêu biểu nhất thể hiện mối quan hệ căng thẳng giữa nhà nước và các hiện tượng tôn giáo mới không được công nhận ở Trung Quốc. Scott Lowe chỉ ra rằng, Trung Quốc có bề dày lịch sử tàn sát các loại tà giáo và hội kín, tiêu biểu là Bạch Liên và Hội Tam hoàng: “Đối với Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông, các tôn giáo là nguồn cội các tư tưởng cạnh tranh (với tư tưởng chính thống), cung cấp những cơ sở có tính thay thế quyền lực và sự gắn kết. Vì thế, chúng cần phải bị loại trừ. Nhiều thành viên của Pháp Luân 50 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 công, Zhong Gong, nhóm Tin Lành Shouters và nhiều nhóm tôn giáo mới khác phải bị đi cải tạo, vào tù, tra tấn và chết”23. Hiện tại, hệ thống luật pháp của Trung Quốc đóng vai trò thiết yếu trong các nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế biểu đạt tôn giáo: “Nói chung, các tổ chức đã đăng ký với chính quyền được hoạt động tự do, miễn là tuân thủ các quy định chặt chẽ của chính phủ và chỉ tham gia vào các hoạt động được phê chuẩn. Chính phủ đối xử rất mạnh tay với các nhóm không đăng ký, bắt giữ lãnh đạo và đột nhập vào các tụ điểm hội họp. Từ tháng 9/1999, việc cấm Pháp Luân công của chính phủ mở rộng sang mọi nhóm khí công có tổ chức, không tính đến các yếu tố niềm tin hay lãnh đạo. Chính phủ cương quyết rằng, họ không tấn công vào các tôn giáo hợp pháp mà chỉ bảo vệ công chúng khỏi các tà giáo”24. Nhóm Toàn năng Thần giáo của Dương Hướng Bân cũng là mục tiêu truy quét của chính quyền Trung Quốc nhiều năm qua. Sự kiện một thường dân bị đánh chết tại Sơn Đông khi từ chối tham gia giáo phái này, như đã đề cập, càng khiến công việc truy quét của cơ quan chức năng được đẩy mạnh. Về giáo thuyết, Toàn năng Thần giáo thể hiện rõ mục tiêu tối hậu là “diệt con rồng đỏ”, được cho là ám chỉ về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Truy quét “tà giáo” này đối với chính quyền Trung Quốc do đó là một cách dẹp đi nguy cơ tiềm ẩn về cạnh tranh tư tưởng và chính trị. Ở Nga, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, chính quyền Nga được cho là có truyền thống không ủng hộ đa dạng tôn giáo. Theo Marat Shterin, phản ứng với các hiện tượng tôn giáo mới ở Nga đi từ chào đón, nghi ngờ, e sợ tới thù địch. Phản ứng đáng kể đầu tiên của Nga là với nhóm Great White Brotherhood. Nga xem xét các hiện tượng tôn giáo mới là vấn đề sinh tồn quốc gia liên quan đến tính bất an của giai đoạn chuyển đổi sang mô hình chính trị và kinh tế kiểu tư bản chủ nghĩa. Chính phủ quốc gia này cho rằng, việc truyền đạo từ nước ngoài có thể làm mất cân bằng dân tộc hoặc ảnh hưởng việc duy trì bản sắc văn hóa Nga. Việc nhấn mạnh vào sự cần thiết trong xây dựng nước Nga dựa trên căn tính lịch sử dẫn đến chia sẻ giữa Giáo hội Chính Thống giáo Nga và các cơ quan nhà nước, đặc biệt trong quan ngại đến vấn đề an ninh quốc gia sau các sự kiện với người Chenchen cũng như nỗi lo về việc cho phép các nhóm Islam giáo quá khích nhập cư 25. Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 51 51 Từ năm 2000, Nga thảo luận Luật chủ nghĩa cực đoan và thông qua luật này năm 2002. Tuy nhiên, theo Marat Shterin, chính sách của Nga về vấn đề này không phải là luôn nhất quán. Tòa án Hiến pháp Nga đã dẫn các nghị quyết trong việc lý giải quyền của nhà nước trong việc “cấm hợp pháp hóa các giáo phái vi phạm quyền cá nhân và thực hiện các hoạt động phi pháp hay có tính tội phạm, cũng như cấm các hoạt động truyền giáo (bao gồm vấn đề cải đạo), nếu nó đi cùng áp lực tâm lý hay đe dọa dùng bạo lực”26. Anatoli Sokolov đã tổng hợp lại năm định hướng xây dựng chính sách ứng phó với các hiện tượng tôn giáo mới của Nga, đó là: 1. Thành lập một trung tâm thông tin thế tục để nghiên cứu các hiện tượng tôn giáo mới ở nước Nga hiện nay. Thành lập ngân hàng dữ liệu thường xuyên cập nhật tất cả hiện tượng tôn giáo mới ở nước Nga, với biểu hiện, cấu trúc và sự phát triển. 2. Đào tạo chuyên gia ở cấp độ nhà nước về tôn giáo có khả năng nghiên cứu toàn diện và khách quan, đưa ra nhận xét và đánh giá cụ thể về các hiện tượng tôn giáo mới. 3. Soạn thảo và ấn hành những cuốn sách phục vụ tra cứu, thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên môn về hiện tượng tôn giáo mới, trên cơ sở đó vạch ra khuyến nghị cụ thể cho chính phủ. 4. Thường xuyên quan sát và giám sát, trong khuôn khổ pháp luật, hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới để đảm bảo chúng phù hợp với pháp luật hiện hành của Nga. Chuẩn bị đề phòng sự xuất hiện hoạt động có tính tiêu cực và vi phạm pháp luật của các hiện tượng tôn giáo mới phải trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính phủ. 5. Quan tâm đặc biệt đến công tác đề phòng những hoạt động phi pháp liên quan đến lạm dụng tài chính27. Như vậy, Nga là một quốc gia chủ động trong việc tìm đường hướng và chiến lược ứng phó và quản lý các hiện tượng tôn giáo mới. Luật tự do lương tâm và đoàn thể tôn giáo năm 1997 của Nga khẳng định sự ưu tiên “các niềm tin có tính lịch sử của người Nga”, nhất là Giáo hội Chính thống Nga. Nhóm tôn giáo thứ hai, được coi là các tổ chức đã đăng ký, phải hiện diện ở Nga ít nhất 15 năm. Các tôn giáo khác, gồm các hiện 52 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 tượng tôn giáo xuất hiện gần đây bị hạn chế quyền lợi và chỉ hoạt động với tư cách nhóm28. Pháp cũng là một trường hợp tiêu biểu trong hướng khác của cách ứng xử cứng rắn với hiện tượng tôn giáo mới. Daniele Hervieu Leger đã gọi cách ứng xử của nước Pháp đối với hiện tượng tôn giáo mới là “nỗi ám ảnh về sự đe dọa của giáo phái”. Pháp từng có một cuộc chiến chống hiện tượng tôn giáo mới, khởi động từ những năm 1980 và rầm rộ từ tháng 8/2000. Hai hiện tượng tôn giáo mới được đề nghị xem xét cấm do “đặc biệt nguy hiểm” là Khoa học luận và Đền Mặt Trời (Order of the Solar Temple). Người ta đã đưa ra một danh sách 173 hiện tượng tôn giáo mới cần quan tâm đặc biệt. Quốc hội Pháp từng bỏ phiếu cho việc huy động phương tiện pháp luật để chống hiện tượng tôn giáo mới. Trong dự luật, khái niệm trung tâm là “psychological manipulation” (kích động tâm lý). Khái niệm này được coi như tội phạm và cần đưa vào Luật hình sự. Daniele Hervieu Leger nhận xét: “Ở Pháp có một sự đồng thuận rộng lớn (được duy trì bởi phương tiện truyền thông) rằng cuộc chiến chống hiện tượng tôn giáo mới cần phải là một phương diện cần thiết của việc bảo vệ tự do cá nhân và rằng cuộc chiến này cần phải chiếm thế thượng phong, trong phân tích sau cùng, trước việc bảo vệ quyền mỗi người đối với tự do tôn giáo”29. Theo Daniele Hervieu Leger, người Pháp quan ngại về hiện tượng tôn giáo mới chủ yếu là sự xuất hiện và phát triển của các niềm tin khó xác định rõ rệt mà bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn đến hành xử phi chính thống, gây hại đến cố kết xã hội, đe dọa trật tự công cộng và các quan hệ xã hội truyền thống. Cảm tính tôn giáo, khi vượt ra ngoài các tôn giáo truyền thống, về mặt bản chất, có thể biến thể thành một dạng thức “niềm tin có tính bệnh lý” (pathological belief) vốn hoàn toàn đối ngược với tự do tư tưởng và tự quản cá nhân. Theo cách tiếp cận này, mọi hiện tượng tôn giáo mới đều có tiềm năng đáng kể trong việc dẫn đến sự lầm lạc, do đó xã hội phải tự bảo vệ mình trước. Để đánh tan bệnh lý hiện tượng tôn giáo mới này (được gọi là sectarism) theo báo cáo của Liên Bộ chống Giáo phái (MILS) năm 2000, nước Pháp đặt các hiện tượng tôn giáo mới dưới sự giám sát chặt chẽ30. Sau một thời gian thảo luận, Luật tháng 5/2001 được thông qua ở Pháp. Mục đích của việc xây dựng luật này là dùng công cụ pháp luật để “ngăn chặn các hoạt động tội phạm của các hiện tượng tôn giáo mới Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 53 53 có khả năng đe dọa nghiêm trọng đến quan hệ nhất quán giữa nhà nước và công dân”31. Do việc thông qua luật này, nên năm 2001, Pháp được xếp vào nhóm quốc gia hạn chế tự do tôn giáo thông qua các biện pháp pháp lý (cùng với Trung Quốc, Indonesia, Sudan, Nigeria và Turkmenistan)32. Daniele Herview Leger và Susan Palmer cho rằng, luật có tính đàn áp tôn giáo nêu trên liên quan nhiều đến chủ nghĩa quốc gia của Pháp và lịch sử quyền lãnh đạo của Giáo hội Công giáo La Mã đối với thực hành tôn giáo. Thức tỉnh bởi cuộc chiến Mỹ với Iraq, lòng thù địch với mọi thứ liên quan đến Mỹ được dự báo là sẽ tăng lên ở Pháp. Các đoàn truyền giáo cũng như các hiện tượng tôn giáo mới có nguồn gốc nước ngoài sẽ bị nhìn nhận như những điệp viên của đế quốc Mỹ và sẽ kích thích sự phê chuẩn của công chúng với những biện pháp kiềm chế sức ảnh hưởng33. Trong quá trình xây dựng luật nói trên, Pháp phải trở lại xem xét hiến pháp và các bộ luật quan trọng có những điều khoản về tự do tôn giáo, tự do lập đoàn thể, hay đăng ký tổ chức tôn giáo. Francis Messner chỉ ra rằng, nước Pháp phải trở lại xem xét và luận giải Luật 1905, thường gọi là Luật Phân ly (nói về sự chia tách Nhà nước và Giáo hội). Luật 1905 trao tự do công cộng cho các nhóm phái tôn giáo, bằng cách tạo cho chúng một cấu trúc đoàn thể thích ứng với mục đích hoạt động. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, nhất là sự quan ngại trước các hiện tượng tôn giáo mới, luật này được coi là một công thức lạc hậu. Đó là lý do chính mà luật mới về tôn giáo của Pháp phải được nghiên cứu và ban hành34. Ở Nhật Bản, chính phủ nước này đã bị gây sức ép về việc sự kiện giáo phái Aum là cái giá phải trả cho việc không giám sát kỹ các hiện tượng tôn giáo mới. Khi sự kiện đánh hơi gas độc ở khu vực tàu điện ngầm diễn ra, chính phủ Nhật Bản mới thảo luận xem luật nào có thể áp dụng để cấm hiện tượng tôn giáo mới này. Theo Ian Reader, có ít nhất hai bộ luật được xem xét áp dụng cho trường hợp giáo phái Aum, đó là Luật hợp tác tôn giáo (Religious Corporations Laws) và Luật chống lật đổ (Anti- subversive Laws). Đến năm 1999, Nhật Bản thông qua một luật mới rất hà khắc dành riêng cho giáo phái Aum dù vẫn cho hiện tượng tôn giáo này hoạt động. Luật yêu cầu hiện tượng tôn giáo mới này phải thông tin thường xuyên về mọi hoạt động của mình cũng như hồ sơ của mỗi thành viên35. Trên phương diện rộng hơn, Nhật Bản đã sửa đổi và thông qua 54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 Luật pháp nhân tôn giáo 1995. Tiêu điểm của luật sửa đổi là “tăng sự giám sát của nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo và yêu cầu các tổ chức tôn giáo công khai tình hình tài chính”36, tất cả nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Nói ngắn gọn, các quốc gia đều nhạy cảm với các vấn đề gây chia rẽ tôn giáo mà về mặt lịch sử đã dẫn đến chiến tranh, đàn áp, bạo lực và phân rẽ xã hội. Theo sự tổng kết của Coles Durham, có hai chiến lược đối phó với vấn đề này: Một là, nhà nước cố triệt tiêu sự khác biệt bằng cách đàn áp những niềm tin tôn giáo có tính chất gây chia rẽ. Hai là, nhà nước quyết tâm thực hiện nguyên lý khoan dung, cho phép tồn tại một phổ rộng khác biệt tôn giáo đến mức các niềm tin tôn giáo dù có khác biệt thế nào vẫn có thể hòa đồng với nhau trong một xã hội ổn định. Kinh nghiệm của các nước phát triển ổn định cho thấy, tôn trọng các niềm tin dị biệt, gồm cả tôn giáo, sẽ mang lại hiệu quả cho chiến lược xây dựng ổn định xã hội nhiều hơn là thẳng tay đàn áp chúng37. 4. Thay lời kết luận: tương lai mối quan hệ giữa nhà nước với hiện tượng tôn giáo mới Vấn đề hiện tượng tôn giáo mới đã không còn mới đối với thế giới thời hậu hiện đại nữa. Trải qua một thời gian đáng kể, các xã hội đã quen dần với sự xuất hiện của hiện tượng tôn giáo mới và sự căng thẳng đã giảm đi. Thách thức của hiện tượng tôn giáo mới được tiếp nhận bình tĩnh hơn, với tinh thần khoan dung có thể quan sát thấy được. Chính phủ các nước đã có sự chuẩn bị tốt hơn trong ứng xử với những sự vụ do các hiện tượng tôn giáo mới gây ra. Điều này không có nghĩa là, các hiện tượng tôn giáo mới không bị quản lý chặt chẽ hoặc đàn áp. Tuy nhiên, dù có môi trường tôn giáo ổn định thế nào đi nữa, không nhà nước nào coi nhẹ vấn đề hiện tượng tôn giáo mới. Một số hiện tượng tôn giáo mới lựa chọn cách phê phán chế độ để giành lấy sự chú ý của người dân. Thách thức về uy quyền chính trị là một việc bất cứ chính phủ nào cũng phải xem xét một cách nghiêm túc. Trên phạm vi toàn cầu, theo J. Gordon Melton, hầu hết các quốc gia đều có đủ cơ chế luật pháp để điều tra và xử lý sai trái do các hiện tượng tôn giáo mới thực sự gây ra. Bắt buộc đăng ký hay hủy bỏ đăng ký hoạt động dù sao vẫn là một công cụ mạnh và tiếp tục được chính phủ nhiều nước áp dụng nhằm quản lý và kiểm soát các hiện tượng tôn giáo mới38. Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 55 55 Nếu sự đàn áp đối với hiện tượng tôn giáo mới tiếp tục được chính quyền áp dụng, thì nó thường rơi vào trường hợp mà Phillip Charles Lucas khái quát như sau: “Nhân số sau cùng đóng góp vào việc gia tăng đàn áp tôn giáo mới và tôn giáo thiểu số trên thế giới là sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia trong nhiều đất nước vốn đang phải vật lộn để xây dựng bản sắc dân tộc rõ nét đi theo những thay đổi thể chế cấp tiến. Các lực lượng dân tộc chủ nghĩa đôi lúc đứng về phía các tổ chức tôn giáo truyền thống để tìm kiếm lại sự đồng thuận văn hóa bằng cách xóa đi những tôn giáo được cho là phi truyền thống”39. Ở một chiều hướng khác, hầu hết các hiện tượng tôn giáo mới đã chín chắn hơn trong cách tìm chỗ đứng cho mình trong không gian tôn giáo, văn hóa ở các xã hội cụ thể. Họ cũng điều chỉnh các thách thức của mình và tìm kiếm sự tồn tại trong hòa hợp. Trong tình hình như thế, có thể phán đoán ra hai xu thế của mối quan hệ giữa nhà nước và hiện tượng tôn giáo mới, đó là xu hướng quản lý bằng luật pháp thông thường và xu hướng tiếp tục tìm cách thể chế hóa hoạt động của hiện tượng tôn giáo mới. Hiện tượng tôn giáo mới vẫn xuất hiện bởi nhiều lý do có thể thấy được. Trước hết, đó là sự tiếp tục của tính sống động tôn giáo vẫn chảy ngầm trong văn hóa của nhiều dân tộc, đặc biệt là các quốc gia ở Châu Á. Thứ hai, đó là sự phục hồi tôn giáo trên phương diện toàn cầu. Thứ ba, các hiện tượng tôn giáo mới ra đời để đáp ứng sự xuất hiện nhu cầu tôn giáo mà các tôn giáo truyền thống không có sẵn. Thứ tư, sáng tạo tôn giáo vì mục đích phi tôn giáo, như lợi ích kinh tế, đoạt lấy quyền uy, thỏa mãn tham vọng ảnh hưởng xã hội, mưu cầu động cơ chính trị, cổ xúy chủ nghĩa quốc gia, là một chiến lược mà con người trong thế giới hậu hiện đại vẫn thường dùng để tồn tại và vươn lên. Trong tình hình đó, chính phủ các nước vẫn luôn phải tìm cách ứng phó để vừa đảm bảo cam kết về tự do tôn giáo, vừa đảm bảo được uy quyền chính trị, an ninh xã hội và lợi ích công cộng. Tuy nhiên, khi cần thiết, tự do tôn giáo sẽ thường phải nhường sự ưu tiên cho an ninh quốc gia. Như thế, không có mô hình quan hệ ổn định nào về tương lai của quan hệ giữa nhà nước và hiện tượng tôn giáo mới./. 56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 CHÚ THÍCH: 1 James T. Richardson (2005), “Law and Religion: Law and New Religious Movements”, trong Lindsay Jones ed., Encyclopedia of Religion, Vol. 8, 2nd ed, Macmillan Reference, Detroit: 5375 - 5379. 2 Daniele Hervieu Leger (2004), “France's Obsession with the ‘Sectarian Threat’”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Routledge, New York. 3 Eileen Barker (2004), “General Overview of the ‘Cult Scene’ in Great Britain”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Sđd. 4 James T. Richardson (2005), “Law and Religion: Law and New Religious Movements”, trong Lindsay Jones ed., Encyclopedia of Religion, Vol. 8, 2nd ed., tlđd. 5 Anthony Bradney (2001), “New Religious Movements: The Legal Dimension”, trong Bryan Wilson and Jamie Cresswell eds., New Religious Movements: Challenge and Response, Routledge, New York; James T. Richardson (2005), “Law and Religion: Law and New Religious Movements”, trong Lindsay Jones ed., Encyclopedia of Religion, Vol. 8, 2nd ed., tlđd. 6 Cole Durham (2006), “Tiến trình và bối cảnh hiện tại của luật tôn giáo ở Đông Nam Á: một cách nhìn so sánh”, trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội; Đỗ Quang Hưng (2006), “Công nhận tổ chức tôn giáo: Một cách tiếp cận so sánh nhân trường hợp Việt Nam”, trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội. 7 James T. Richardson (2004), “New Religions in Australia: Public Menace or Societal Salvation?”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Sđd: 207. 8 Anthony Bradney (2001), “New Religious Movements: The Legal Dimension”, trong Bryan Wilson and Jamie Cresswell eds., New Religious Movements: Challenge and Response, Sđd: 90. 9 Francis Messner (2006), “Nhà nước và tôn giáo ở Pháp”, trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội. 10 Francis Messner (2006), “Nhà nước và tôn giáo ở Pháp”, bđd; Jean Paul Willaime (2006), “Các tôn giáo thiểu số và Tin Lành trong quan hệ với luật tôn giáo ở Pháp”, trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội. Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 57 57 11 Francis Messner (2006), “Nhà nước và tôn giáo ở Pháp”, bđd. 12 Tan Kheng Boon (2006), “Khuyến khích tiết chế tôn giáo giai đoạn hậu 11/9: Kinh nghiệm từ Singapore”, trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội. 13 Rik Torfs (2006), “Kinh nghiệm của các nền dân chủ Phương Tây trong việc giải quyết vai trò pháp lý của các tổ chức tôn giáo và cộng đồng tôn giáo”, trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội. 14 Lee Min Choon (2006), “Vị thế pháp lý của tổ chức tôn giáo: Kinh nghiệm của Malaysia”, trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội. 15 Tan Kheng Boon (2006), “Khuyến khích tiết chế tôn giáo giai đoạn hậu 11/9: Kinh nghiệm từ Singapore”, bđd. 16 Bên trong giáo phái cực đoan nhất Trung Quốc, gioi/tu-lieu/ben-trong-giao-phai-cuc-doan-nhat-trung-quoc-3034397.html 17 Chung Hoang (2012), “New Religious Movements in Vietnamese Media Discourse since 1986: A Critical Approach”, Australian Religion Studies Review, Vol. 25: 293 - 315. 18 Eileen Barker (2004), “General Overview of the ‘Cult Scene’ in Great Britain”, Sđd: 29. 19 Eileen Barker (2004), “General Overview of the ‘Cult Scene’ in Great Britain”, Sđd: 30. 20 Brigitte Schoen (2004), “The Publicity of the Public Square”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Routledge, New York. 21 Tan Kheng Boon (2006), “Khuyến khích tiết chế tôn giáo giai đoạn hậu 11/9: Kinh nghiệm từ Singapore”, bđd. 22 Lee Min Choon (2006), “Vị thế pháp lý của tổ chức tôn giáo: Kinh nghiệm của Malaysia”, bđd. 23 Scott Lowe (2004), “NRMs and the Limits of Chinese Freedom”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Sđd: 179 - 185. 24 Scott Lowe (2004), “NRMs and the Limits of Chinese Freedom”, Sđd: 187. 25 Marat Shterin (2004), “New Religions in the New Russia”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, sđd: 99-104. 26 Marat Shterin (2004), “New Religions in the New Russia”, Sđd: 108. 27 Anatoli Sokolov (2006), “New Religious Phenomena and the State Policies”, trong Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội. 58 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 28 Ian Reader (2004), “Japanese Paradigm Shift and Moral Panic in the Post-Aum Era”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Routledge, New York. 29 Daniele Hervieu Leger (2004), “France's Obsession with the ‘Sectarian Threat’”, Sđd: 50. 30 Daniele Hervieu Leger (2004), “France's Obsession with the ‘Sectarian Threat’”, Sđd: 51. 31 Daniele Hervieu Leger (2004), “France's Obsession with the ‘Sectarian Threat’”, Sđd: 56. 32 Susan J. Palmer (2002), “Fieldnote: France's Anti Sect Wars”, Nova Religio: The Journal of Alternative and Emergent Religions, Vol. 6: 174 - 182; Susan J. Palmer (2004), “The Secte Response to Religious Discrimination: Subversive, Martyrs or Freedom Fighters in the French Sect Wars?”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Sđd: 61. 33 Phillip Charles Lucas (2004), “Conclusion: The Future of New and Minority Religions in the Twenty First Century: Religious Freedom under Global Siege”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Sđd: 354. 34 Francis Messner (2006), “Nhà nước và tôn giáo ở Pháp”, bđd. 35 Ian Reader (2004), “Japanese Paradigm Shift and Moral Panic in the Post Aum Era”, Sđd: 194 - 195. 36 Nguyễn Ngọc Phương Trang (2012), Tôn giáo mới ở Nhật Bản từ sau Thế chiến Thứ II đến những năm 1990, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội: 77. 37 Cole Durham (2006), “Tiến trình và bối cảnh hiện tại của luật tôn giáo ở Đông Nam Á: một cách nhìn so sánh”, bđd. 38 J. Gordon Melton (2004), “The Fate of NRMs and Their Detractor in Twenty First Century America”, trong Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds., New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Routledge, New York. 39 Phillip Charles Lucas (2004), “Conclusion: The Future of New and Minority Religions in the Twenty First Century: Religious Freedom under Global Siege”, Sđd: 352. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bên trong giáo phái cực đoan nhất Trung Quốc, gioi/tu-lieu/ben-trong-giao-phai-cuc-doan-nhat-trung-quoc-3034397.html. 2. Chung Hoang (2012), “New Religious Movements in Vietnamese Media Discourse since 1986: A Critical Approach”, Australian Religion Studies Review, Vol. 25. Hoàng Văn Chung. Ứng xử của một số nhà nước 59 59 3. Phillip Charles Lucas and Thomas Robbins eds. (2004), New Religious Movements in the 21st Century: Legal, Political, and Social Challenges in Global Perspective, Routledge, New York. 4. Susan J. Palmer (2002), “Fieldnote: France's Anti Sect Wars”, Nova Religio: The Journal of Alternative and Emergent Religions, Vol. 6. 5. James T. Richardson (2005), “Law and Religion: Law and New Religious Movements”, trong Lindsay Jones ed., Encyclopedia of Religion, Vol. 8. 2nd ed., Macmillan Reference, Detroit. 6. Nguyễn Ngọc Phương Trang (2012), Tôn giáo mới ở Nhật Bản từ sau Thế chiến Thứ II đến những năm 1990, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. 7. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2006), Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Tôn giáo và pháp quyền trong bối cảnh Đông Nam Á: Bước đầu thảo luận”, Hà Nội. 8. Bryan Wilson and Jamie Cresswell eds. (2001), New Religious Movements: Challenge and Response, Routledge, New York. Abstract COMPORTMENT OF SOME STATES IN THE WORLD WITH THE NEW RELIGIOUS MOVEMENTS This article clarified contents related to the comportment of some nations to the New Religious Movements which appeared all over the world from the years 60s of the 20th century, such as States’ behavior towards the challenge of the arising and developing of New Religious Movements? States’ mode faces the challenges of the New Religious Movements? The relation amongst States and the New Religious Movement in the future? Clarifying these contents will help to establish the principle of comportment with the New Religious Movements that arose increasingly from the middle 1980s to present. Keywords: Behavior, challenge, law, new religion.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf26590_89309_1_pb_3027.pdf
Tài liệu liên quan