Thuyết nhất thần cho rằng, thân thể của con người là do cha mẹ sinh
ra, tương tự vạn vật ắt cũng phải do một vị Thượng Đế sinh ra. Nhưng
cha mẹ là hai người chứ không phải là một người, thêm nữa cha mẹ lại
phải gặp đủ các điều kiện mới sinh được con cái. Nếu Thượng Đế muốn
sinh ra vạn vật thì cần phải có kẻ khác và cũng phải có những điều kiện
như cha mẹ. Nghĩa là, trước khi Thượng Đế sinh ra đã phải có nhiều vật
khác rồi. Nếu đã có nhiều vật khác rồi, thì không thể coi Thượng Đế sinh
ra vạn vật. Bên cạnh đó, cha mẹ phải có ngày tạ thế theo quy luật những
vật gì có tính cách sinh ra vật khác về sau đều phải tịch diệt. Theo quy
luật này, Thượng Đế cũng không thể tồn tại mãi mãi được. Như vậy,
Thượng Đế do tưởng tượng ra chứ không phải là thực có9.
14 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 739 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Ý kiến phụ nữ đối với phật học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
92 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
LÊ TÂM ĐẮC*
“Ý KIẾN PHỤ NỮ ĐỐI VỚI PHẬT HỌC”
Tóm tắt: “Ý kiến phụ nữ đối với Phật học” là tên một chuyên đề
của Tạp chí Viên Âm, cơ quan ngôn luận của Hội Phật học An
Nam, đăng tải những bài viết về Phật học của nữ giới Phật giáo
trên khắp cả nước, trong đó chủ yếu là ở Huế, trung tâm của phong
trào chấn hưng Phật giáo ở Miền Trung giai đoạn nửa đầu thế kỷ
XX. Nhiều vấn đề được đề cập đến trong chuyên đề này từ năm
1935, tiêu biểu như đề cao phương pháp tu tập Tịnh Độ, phân biệt
chính tín và mê tín, định rõ giới luật và phẩm cách của giới tăng sĩ
cũng như giới cư sĩ, làm rõ tác động tích cực của Phật giáo trong
đời sống gia đình, v.v... còn nguyên giá trị cả về phương diện lý
luận lẫn phương diện thực tiễn đối với sự phát triển của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Chấn hưng, Hội Phật học An Nam, nữ giới, Phật giáo,
Viên Âm.
1. Dẫn nhập
Từ năm 1935, trên tờ Viên Âm, cơ quan ngôn luận của Hội Phật học
An Nam, bên cạnh các chuyên mục tương đối ổn định như “Quyển đầu
ngữ”, “Nghị luận”, “Diễn đàn”, “Kinh học”, “Luận học”, “Bình nghị”/
“Thảo luận”/ “Ngôn luận”, “Thi lâm”, “Tiêu tức”, đã mở thêm chuyên
mục “Ý kiến phụ nữ đối với Phật học” để đăng tải những bài viết về Phật
học của nữ giới Phật giáo. Chuyên mục thu hút được khá nhiều chuyên
luận sắc sảo của nữ giới Phật giáo khắp cả nước, trong đó chủ yếu là ở
Huế, trung tâm của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Miền Trung nửa
đầu thế kỷ XX.
2. Các chủ đề chính của chuyên mục “Ý kiến phụ nữ đối với Phật học”
2.1. Khuyến khích nữ giới tu học Phật pháp
Để thuyết phục nữ giới tu học Phật pháp, nữ sĩ Diệu Không trước hết
phân tích về những hạn chế của Nho giáo và phong trào Âu hóa đối với
*
TS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Lê Tâm Đắc. “Ý kiến của phụ nữ đối với Phật học”. 93
93
phụ nữ Việt Nam đương thời. Theo đó, từ khi Nho học xâm nhập vào
Việt Nam, phụ nữ nước ta phải khép vào trong khuôn thước Tam tòng,
Tứ đức, nên chức nghiệp của họ chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình.
Thuyết Khổng - Mạnh tuy có phần hay nhưng không còn hợp với trình độ
phụ nữ Việt Nam hiện thời, vì chị em đã biết đảm đương công việc xã
hội. Còn về sự ảnh hưởng của phong trào Âu hóa với phụ nữ Việt Nam,
cái lợi thì ít mà cái hại thì nhiều. Phong trào này làm giảm giá trị của phụ
nữ Việt Nam. Họ gần như không giữ được địa vị người vợ hiền khuyên
bảo chồng trong cơn lầm lạc, không giữ được địa vị của người mẹ lành
dạy dỗ con cái về mặt đạo đức. Trong hoàn cảnh như vậy, nếu phụ nữ
muốn chiếm được địa vị trọng yếu trong gia đình và ngoài xã hội thì họ
cần phải học theo giáo pháp của nhà Phật để tự làm chủ bản thân, đem cái
trí sáng suốt khuyên chồng, dạy con, mang lại hạnh phúc cho bản thân và
mọi người1.
Nếu quyết chí học Phật thì chị em phải học những nội dung gì và cách
thức thực hành ra sao? Theo nữ sĩ Diệu Không, Phật pháp tuy cao siêu và
thâm diệu, nhưng rút gọn lại chỉ ở câu “nhất thế duy tâm tạo”, nghĩa là
mọi sự vật, hiện tượng đều do tâm tạo. Phật pháp chỉ dạy phương pháp
soi xét tâm mình. Khi đã biết tự tâm thì tâm mới tại, dù gặp cảnh buồn
vui đều biết tự chủ, không bị trôi lăn theo hoàn cảnh; thậm chí không
những không bị hoàn cảnh sai khiến, mà còn có thể thay đổi hoàn cảnh,
biến kẻ hung dữ thành người hiền lành, biến cảnh giới khổ sở thành cõi
Tịnh Độ. Tóm lại, học Phật cốt cho biết rõ tự tâm, để làm việc hữu ích
cho đời, sống ở giữa trần gian mà tự tại giải thoát, ở giữa phồn hoa mà
yên lành trong sạch, chứ không phải tìm những cõi u tịch mà ẩn núp2.
Về cách thức tu tập theo giáo pháp nhà Phật, nữ sĩ Diệu Không nhấn
mạnh đến thường trụ chân tâm. Theo đó, con người vốn quen thói chấp
trước, nhận lầm cái thân là mình, cái ý thức nơi thân là tâm mình, nên
mới có luân hồi, sinh tử và khổ não. Muốn nhận được thường trụ chân
tâm thì mọi người phải tu tập để diệt trừ mê lầm. Diệt trừ được bao nhiêu
mê lầm thì giác ngộ được từng đó. Diệt trừ được hết mê lầm thì nhận
được bản thể của tự tâm yên lặng sáng suốt rộng lớn thường còn, không
mắc vào hạn lượng của thời gian và không gian, tự tại hiện ra thân thể và
hoàn cảnh, không vì hoàn cảnh mà lay động, không vì thân thể mà sống
chết. Khi đó, mọi người sẽ không khổ não, sống chết và riêng tư.
94 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
94
Cốt yếu của sự tu tập theo Phật giáo thể hiện ở trừ bỏ mê lầm, trí tuệ
sáng suốt, mở rộng lòng từ, cứu độ chúng sinh. Điều này đem lại lợi ích
không chỉ cho bản thân, mà còn cho người khác. Do vậy, nữ sĩ Diệu
Không động viên những người ưu thời mẫn thế, bác học đa văn nên gắng
tu học theo Phật pháp3.
2.2. Biện luận về giới tăng sĩ và giới cư sĩ
Trước thực tế nhiều tăng sĩ xuất gia tu hành mà vẫn có vợ con làm cho
Phật tử và thiện tín nghi hoặc, nữ sĩ Diệu Không cho rằng, cần phải biện
luận rõ ràng về sự khác nhau giữa hai loại đồ chúng Phật giáo này.
Giới xuất gia của Phật giáo gồm: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma
Na, Sa Di và Sa Di Ni. Trong đó, vị Tỳ Kheo không những phải thụ trì đầy
đủ giới luật (cụ túc giới), mà còn phải “Phá ác”, “Bố ma” và “Khất sĩ”.
“Phá ác” là phá trừ điều dữ của bản thân và người khác, làm cho mình
và mọi người chuyển đổi tính tình từ hung ác sang hiền lành, dần tiến hóa
đến bậc đại từ đại bi.
“Bố ma” là làm cho ma sợ. Ma có hai loại là Nội ma và Ngoại ma.
Nội ma là phiền não chướng và sở tri chướng, tức là những mê lầm có thể
ngăn ngại cho việc tu tập. Ngoại ma là những nghịch cảnh, thiên ma,
ngoại đạo nhũng nhiễu người tu hành chân chính.
“Khất sĩ” là trên cầu Phật pháp vô thượng, dưới thì khất thực nuôi
thân để chúng sinh kết duyên với Phật pháp. Việc khất thực của tăng sĩ
rất ích lợi vì nó không chỉ giúp cho việc hoằng pháp, mà còn giúp cho
người tu hành dẹp được lòng ngã mạn và ngã chấp.
Tóm lại, tăng sĩ là người phát tâm bỏ nghiệp chúng sinh, phát nguyện
ra khỏi gia đình, ra khỏi nhà lửa tam giới, chuyên tâm tu học Phật pháp.
Họ phải giác ngộ cho bản thân và giác ngộ cho mọi người; phải giữ giới
tướng ở bề ngoài và hiểu rõ đạo lý, tiêu diệt phiền não, phá trừ vô minh
và tu chứng Phật đạo ở bề trong. Có như vậy, họ mới xứng đáng làm
Tăng bảo của Phật giáo.
Giới tại gia của Phật giáo gồm Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di phải giữ ngũ
giới, không làm việc thất đức, không vi phạm đạo lý. Cư sĩ khi đã phát
Đại thừa tâm thì có thể gánh vác công việc Phật pháp như tăng sĩ.
Cư sĩ có vai trò quan trọng trong việc độ sinh, thể hiện ở ba phương
diện: Thứ nhất, họ thường ngày ở trong cảnh ô nhiễm, luôn gặp tam độc
Lê Tâm Đắc. “Ý kiến của phụ nữ đối với Phật học”. 95
95
(tham, sân, si). Trong hoàn cảnh ấy mà họ tu tập thành công, thì sau này
việc độ sinh cũng rất rành rẽ. Thứ hai, cư sĩ còn hữu dụng hơn tăng sĩ
trong việc khuyến hóa người ác độc ở xã hội thế tục phần vì cùng cảnh
ngộ, phần vì hạng người này mải lo làm ăn nên không chịu lên chùa gặp
tăng sĩ. Thứ ba, do hiểu rõ tâm tính người đời, nên sự nghiệp hoằng
chúng độ sinh của cư sĩ được lợi lạc nhiều, vì y Tục đế mà bày Chân đế,
chỉ Phật pháp cho người khác điều mình đã trải qua.
Nếu người xuất gia mà chỉ xuất gia bề ngoài thì thân tuy xuất gia mà
tâm vẫn tại gia. Nếu họ còn tham luyến cảnh trần gian, thì dù gắng gượng
ở chốn sơn môn, nhưng tinh thần vẫn luân hồi trong ba cõi. Khi người
xuất gia mà đạt được thể tính hoàn toàn, hạnh giải tương ưng, thì tuy thân
còn trong cõi Ta Bà mà tâm vẫn đã vui miền Tịnh Độ. Những người ấy
mới đúng là chân Phật tử, gánh vác ngôi Tam bảo, quảng độ chúng sinh,
công đức vô biên. Với người tại gia, nếu ai căn cơ kém đã phát tâm theo
Phật thì nên giữ trọn ngũ giới, gây nhân lành sau sẽ hưởng quả ngọt hoặc
gặp được người thiện tri thức chỉ bày lối tu hành thoát khổ. Những người
đã phát Đại thừa tâm, thì tuy thân còn tại gia, nhưng tâm tính phải học
theo bậc xuất gia: gây nhân vô lậu, dứt sạch phiền não, vượt khỏi luân
hồi, rồi trở lại chốn ô nhiễm để cứu độ chúng sinh, làm cho Phật pháp
xương minh4.
2.3. Kêu gọi thống nhất các tổ chức Phật giáo trong cả nước
Theo Ni sư Huệ Tâm, các Hội Phật học/ Hội Phật giáo được thành lập
trong cả nước, trên tinh thần Lục hòa, nên hợp nhất để cùng nhau giải
quyết bốn vấn đề trọng yếu của công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Việt
Nam đương thời là: phân biệt Phật pháp và ngoại đạo, định rõ giới luật và
phẩm cách của bậc xuất gia, định rõ giới luật và bổn phận của bậc tại gia
và kiểm soát những cơ quan tuyên truyền Phật giáo.
Về việc phân biệt Phật pháp và ngoại đạo. Do đa phần giới Phật giáo
thất học, nên một số hành vi và nghi lễ mê tín đã dần lẫn vào trong sinh
hoạt Phật giáo. Bởi vậy, các tổ chức Phật giáo trong cả nước sau khi hợp
nhất phải định rõ Phật pháp và ngoại đạo để cho toàn thể giới Phật giáo
biết chỗ phải mà theo, chỗ trái mà tránh. Sự phân biệt Phật pháp và ngoại
đạo tập trung vào sáu nội dung: vũ trụ quan, nhân sinh quan, giáo pháp
quan, chân lý quan, diệu hạnh quan và thánh quả quan. Sau khi tham cứu
kinh điển, thảo luận kỹ càng, những nội dung này được tập hợp lại thành
96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
96
Nội quy và đem phổ biến rộng rãi cho Phật tử. Nếu ai không theo Nội
quy ấy thì không được thừa nhận là tín đồ Phật giáo.
Về việc định rõ giới luật và phẩm cách của bậc xuất gia. Để giải quyết
vấn đề nhiều người không tin Phật pháp, không biết Phật pháp nhưng vẫn
xuất gia làm điều phi pháp, không giữ giới luật, kiếm chùa riêng và
không liên lạc với Tăng đoàn, thì một trong những nội dung trọng tâm
của công cuộc chấn hưng Phật giáo là phải định rõ giới luật và phẩm cách
của bậc xuất gia.
Khi định giới luật nên tính đến các yếu tố phong tục tập quán và bối
cảnh xã hội mà gia giảm, lập thành biên bản bằng Hán ngữ và Quốc ngữ
để mọi tăng sĩ đều biết mà tuân theo. Khi tăng sĩ phạm giới, sơn môn
phải y luật mà trừng trị, phạm tội nặng thì phải tẫn xuất. Nếu vị nào bị tẫn
xuất mà còn mượn áo nhà Phật để làm việc phi pháp thì các tổ chức Phật
giáo và sơn môn phải truy tố họ về tội giả mạo. Các cuộc sát hạch phải
được tổ chức thường xuyên để tuyển lựa và công nhận chức Pháp sư. Một
vị Pháp sư phải kiết đủ 10 hạ mới được làm Yết ma, Hòa thượng. Còn
chức Đại sư thì chỉ nên dành cho các bậc Tam tạng Pháp sư, giới hạnh
nghiêm tịnh.
Việc định giới luật chỉ là một phương cách quá độ để chỉnh đốn Tăng
già. Về lâu dài, giới Phật giáo phải lập các trường Phật học đào tạo tăng
sĩ theo một chương trình nhất định. Những người muốn làm tăng sĩ phải
vào trường tu học, thi đậu Sa Di mới được thọ giới Sa Di, thi đậu Tỳ
Kheo mới được thọ giới Tỳ Kheo, cũng phải thi mới được làm Pháp sư
về Kinh tạng, Luật tạng hay Luận tạng. Người nào thi đậu Pháp sư cả ba
tạng thì được phong chức Tam tạng Pháp sư. Các vị Tam tạng Pháp sư và
Luật sư kiết đủ 10 hạ mới được làm Tam sư Thất chứng trong các giới
đàn. Tóm lại, nếu không chỉnh đốn Tăng già để có người duy trì Phật
pháp thì dù phong trào chấn hưng Phật giáo có khuếch trương thế nào đi
nữa cũng chỉ hưng thịnh nhất thời chứ không thể phát triển ổn định lâu
dài được.
Về việc định rõ giới luật và bổn phận của giới cư sĩ. Do nhiều tăng sĩ
không có học thức, nên một hệ quả tất yếu là nhiều cư sĩ không biết Tam
bảo, không giữ giới, thậm chí không biết sự tích Đức Phật Thích Ca.
Thực trạng này cần phải khắc phục nhanh chóng, mà một trong những
biện pháp trước hết là phải cải cách lối truyền Tam quy, Ngũ giới. Nghĩa
là, một người muốn trở thành cư sĩ phải biết Tam bảo, giữ tối thiểu hai
Lê Tâm Đắc. “Ý kiến của phụ nữ đối với Phật học”. 97
97
hoặc ba giới trong ngũ giới; muốn thụ Bồ tát giới phải thông hiểu kinh
điển Phật giáo và phát Bồ Đề tâm. Khi đã quy y Tam bảo, họ phải thề
không quy y với thánh thần ngoại đạo, không quy y với những tà thuyết
dị đoan, không quy y với tu sĩ ngoại đạo và tăng đồ giả dối. Tùy theo địa
vị và căn trí, họ phải tham học giáo lý, trau dồi đức hạnh, hộ trì chính
pháp, cúng dường Tam bảo, ngoại hộ tăng đồ.
Về việc kiểm soát những cơ quan tuyên truyền Phật giáo. Đây là một
công việc cấp thiết nhằm tránh quan điểm của những kẻ vô nghì đăng trên
báo chí Phật giáo làm cho Phật tử khó phân biệt chính pháp. Vì vậy, sau
khi hợp nhất các tổ chức Phật giáo trong cả nước, cần sớm thành lập một
hội đồng để kiểm soát những cơ quan truyên truyền Phật giáo. Hội đồng
này phải mời chủ bút hoặc chủ nhiệm các tờ Phật học đến hạch hỏi về Phật
pháp. Nếu vị nào thông hiểu giáo lý Phật Đà thì được Hội đồng giới thiệu
tờ Phật học của họ cho Phật giáo đồ cả nước. Nếu một tờ Phật học không
có đại biểu đến dự sát hạch, hoặc có đại biểu đến dự mà không vượt qua
được, thì Hội đồng phải khuyên họ đình bản và tuyên bố cho đại chúng là
tờ ấy không đúng Phật pháp. Hội đồng còn có thể quy định phạm vi hoằng
pháp cho từng tờ Phật học. Để thể hiện sự công minh, Hội đồng thường
xuyên đăng tải trên báo chương những lời luận bàn, những biên bản liên
quan đến các tờ Phật học để Phật giáo đồ cả nước được biết. Trên tinh thần
“quý hồ tinh bất quý hồ đa”, Ni sư Huệ Tâm đề nghị, tốt nhất chỉ nên tổ
chức một tờ Phật học cho toàn thể tín đồ Phật giáo Việt Nam5.
2.4. Đề cao phương pháp tu tập Tịnh Độ
Ủng hộ một trong những nội dung cải cách quan trọng nhất của Hội
Phật học An Nam, trong bài giảng thuyết tại Lễ Khánh thành chùa Chi
hội Phật học An Nam tại Đà Nẵng (sau đăng lại trên Viên Âm, số 23), Ni
sư Diệu Viên đề cao phương pháp Niệm Phật và động viên giới Phật giáo
tu tập theo pháp môn này6. Theo đó, phương pháp Niệm Phật có ba điều
cốt yếu là Tín, Hạnh và Nguyện.
Tín là lòng tin, thể hiện ở bốn nội dung:
Thứ nhất, Phật tử phải tin chắc rằng, tâm tính của mình đồng với tâm
tính của Đức Phật, có thể tiến hóa đến nơi tâm tính của Đức Phật. Các vị
Phật trước đây đều nhờ tu tập mới được thành Phật. Cho nên, Phật tử
ngày nay gắng theo các phương pháp của Phật dạy mà tu trì tất sẽ đạt
được chính quả.
98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
98
Thứ hai, Phật tử phải tin chắc rằng, chỉ có các vị Phật mới được tự tại
giải thoát, trí tuệ vô biên, công đức viên mãn. Lối sống của Phật tử vốn là
một lối sống khổ cần phải cải cách. Muốn cải cách lối sống khổ ấy, Phật
tử cần phải sửa đổi tâm tính từ lo buồn hèn yếu thành an vui mạnh mẽ, từ
sống nay chết mai thành thường còn không mất, từ nhắm mắt làm càn
thành tự tại sáng suốt, từ phiền não mê lầm thành toàn chân toàn thiện.
Hằng ngày, Phật tử phải luôn sửa đổi tâm tính như vậy, đến khi công
hạnh viên mãn thì đắc đạo thành Phật.
Thứ ba, Phật tử phải tin chắc vào bốn đức tính của các vị Phật là
thương yêu, thương xót, hoan hỉ và xả phóng. Những đức tính này đều có
ở Phật tử nhưng mang tính hẹp hòi, có hạn lượng. Còn ở các vị Phật,
những đức tính này mang tính to lớn, rộng khắp, vô lượng, vô biên.
Thứ tư, Phật tử phải tin chắc vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà,
rằng những ai chuyên chăm niệm danh hiệu của Ngài, nguyện sinh về thế
giới Tịnh Độ đều được vãng sinh.
Hạnh là thực hành niệm Phật. Niệm Phật không phải chỉ niệm nơi đầu
môi, mà còn cần phải tham cứu rõ đức tính của Phật mới có hiệu quả.
Tham cứu rõ đức tính của Phật mới gọi là chính tín, không tham cứu rõ
đức tính của Phật là mê tín, mà mê tín thì khó bề hiệu quả. Về cách thức,
có hai loại niệm Phật là trì danh niệm Phật và quán tưởng niệm Phật.
Trì danh niệm Phật là niệm trì danh hiệu Đức Phật A Di Đà (niệm Di
Đà lục tự: Nam Mô A Di Đà Phật) để giác tỉnh cái tâm mê vọng. Khi
Phật tử nóng nảy thì phải niệm đức “Từ” của Phật mà tiêu trừ; khi đau
khổ thì phải niệm đức “Bi” của Phật mà cứu vớt; khi buồn bực thì phải
niệm đức “Hỷ” của Phật mà tiêu trừ; khi lầm lạc thì phải niệm đức “Xả”
của Phật mà diệt độ. Nếu hằng ngày trì danh niệm Phật, thì chính nơi
hiện tại, Phật tử đã thành một người hiền lành, sáng suốt, siêng năng,
ngay thẳng và được hưởng niềm vui của bậc giải thoát.
Quán tưởng niệm Phật là chuyên chú quán ra Đức Phật A Di Đà hay
quán ra cõi Tịnh Độ. Phật tử phải chuyên chú quán Đức Phật A Di Đà
cho đến khi thấy Ngài rõ ràng như một Đức Phật hiện tại ngay trước mặt
mình. Hằng ngày luôn quán Đức Phật hiện tiền, mọi việc đều y theo đức
tính của Đức Phật mà làm, thì Phật tử có thể đạt đến “Phật tức tâm, tâm
tức Phật”. Còn phép quán Tịnh Độ là Phật tử phải quán cả thế giới này
hóa thành cõi Tịnh Độ với cây cối đều thành bảo thọ, chúng sinh đều là
Lê Tâm Đắc. “Ý kiến của phụ nữ đối với Phật học”. 99
99
Bồ tát, tiếng chim kêu và tiếng gió thổi đều là tiếng thuyết pháp, v.v
Trong quán tưởng niệm Phật, thì phép quán Đức Phật A Di Đà dễ dàng
hơn, còn phép quán Tịnh Độ có phần cao thâm hơn.
Nguyện là chí nguyện. Muốn vãng sinh về cõi Tịnh Độ, Phật tử phải
phát nguyện. Phật tử phải tham học kinh điển để hiểu rõ về cõi Tịnh Độ
trước khi chí nguyện sinh về cõi ấy. Muốn cho chí nguyện bền vững,
người niệm Phật cần phải suy nghĩ và hành động như một người ở cõi
Tịnh Độ: thường xuyên cúng dường chư Phật, hằng ngày văn kinh thính
pháp, không được ngã chấp, v.v
Ni sư Diệu Viên khẳng định: Niệm Phật là một phép tu hành rất giản
dị, rất thiết thực và mang lại hiệu quả cao. Một người niệm Phật là một
người nhân đức; một nhà niệm Phật là một nhà lương thiện; một nước
niệm Phật là một nước đại hùng, đại lực, đại từ, đại bi; một thế giới niệm
Phật là một cõi Tịnh Độ. Các Phật tử nên thực hành niệm Phật hằng ngày
và khuyên nhủ thân bằng quyến thuộc niệm Phật để một ngày kia, thế
giới Ta Bà sẽ thành thế giới Cực Lạc7.
2.5. Nêu bật lợi ích của Phật giáo trong cuộc sống gia đình
Trong bài giảng thuyết tại Lễ Phật đản ở Quy Nhơn, sau đăng lại trên
tờ Viên Âm, số 25, tháng 1/1937, Ni sư Tân Nguyệt nhấn mạnh ảnh
hưởng tích cực của Phật giáo trong cuộc sống gia đình, một vấn đề quan
hệ mật thiết với nữ Phật tử tại gia. Theo đó, sự lợi ích của Phật giáo trong
cuộc sống gia đình thể hiện ở năm mối quan hệ cơ bản sau đây:
Một là, lợi ích về việc cung phụng bố mẹ. Người phụ nữ khi chưa quy
y Phật thường chấp những điều nặng nhẹ, so đo lời lẽ thiệt hơn. Bởi vậy,
khi gặp phải bố mẹ khó tính thường không nhẫn nhịn được, từ đó dẫn đến
bất hòa giữa cha mẹ với con cái, giữa mẹ chồng với nàng dâu, khiến cho
gia đình tan nát. Nguyên nhân của sự việc này là do cả cha mẹ lẫn con cái
chưa biết nhẫn nhịn nhau. Sau khi theo Phật, chị em muốn tu tỉnh thì phải
giữ chữ Hiếu làm đầu. Theo gương của Đức Phật xưa kia, phụ nữ ngày
nay phải gắng tu tập để tâm tính được ôn hòa, nhờ đó gia đình được yên
ổn. Người phụ nữ không những phải biết nhẫn nhịn cha mẹ lúc tại thế,
mà còn phải biết giúp linh hồn của cha mẹ sau khi qua đời. Nghĩa là, họ
phải biết cầu Phật cho vong linh của cha mẹ được siêu thăng về thế giới
Cực Lạc.
100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
100
Hai là, lợi ích đối với bà con họ hàng. Khi người phụ nữ theo Phật
giáo thì lòng thương của họ cũng mở rộng thêm nhiều. Họ không những
thương cha mẹ chồng, thương chồng con, mà còn thương cả anh em họ
hàng bên chồng, vì tất cả đều là máu mủ với chồng mình. Đối với những
người họ hàng nghèo khó, chị em nên cứu giúp. Còn đối với những người
họ hàng giàu có, chị em không nên đố kị. Nói chung, đối với họ hàng bên
chồng, chị em không được làm những việc máu mủ chia lìa, mà phải mở
lòng thương yêu cứu giúp, phải thương người rồi người sẽ thương ta theo
luật nhân quả của nhà Phật.
Ba là, lợi ích đối với chồng. Người vợ đã quy y Phật sẽ luôn biết nhẫn
nhịn với chồng. Với những chị em gặp được người chồng tốt thì phải biết
rằng, vì thiện duyên phúc báo đời trước đã nhiều, nên ngày nay được may
mắn thụ hưởng. Tuy nhiên, trong lúc thụ hưởng, người vợ cũng phải biết
cách giữ gìn. Người xưa có câu: “Hưởng phúc bất khả hưởng tận”. Nếu
chị em hưởng nhiều thì phúc mau hết, phúc hết thì họa sẽ đến. Do vậy,
trong lúc hưởng phúc, người vợ chớ nên ích kỷ, mà cần phải tìm cách trả
ơn cho đúng và xứng với sự yêu quý của người chồng; cư xử sao cho gia
đình chồng biết được rằng, chồng yêu quý vợ vì tư cách đáng phục của
chị em.
Còn với những chị em không may gặp phải người chồng tệ bạc thì
cũng phải biết quả báo đời trước nên phải chịu khổ đời nay. Cho nên,
người vợ phải nhẹ nhàng khuyên nhủ lời hay lẽ phải, tạo điều kiện cho
chồng gần gũi những người có đạo đức tốt để có thể thay tâm đổi tính.
Người phụ nữ theo Phật giáo dù gặp cảnh khổ do chồng mang lại đều cần
phải bình tâm lo liệu, không làm xấu hổ chồng, hoặc hành hoại thân thể
làm cho gia đình tan nát.
Bốn là, lợi ích về dạy dỗ con cái. Người mẹ đã quy y Phật phải gánh
trách nhiệm dạy dỗ con cái. Điều quan trọng nhất trong việc dạy dỗ con
cái là phải biết tâm tính con trẻ. Các bà mẹ, theo đức tính của Phật, đem
tình thương chân chính và những lời hay lẽ phải mà dạy dỗ con cái. Cần
chú ý rằng, con trẻ hay bắt chước hình thức hơn lời lẽ, nên bà mẹ trước
hết phải tự nghiêm mình làm gương cho con cái noi theo. Cổ nhân từng
nói: “Con nhờ đức mẹ”. Nếu bà mẹ mà thất đức thì con cái biết nhờ cậy
ai? Do vậy, học theo lòng từ bi của Đức Phật, các bà mẹ phải cố gắng
dạy dỗ con cái cho dù chúng có hư đốn đến đâu. Đức Phật trước đây lập
ra hàng nghìn phương tiện độ chúng sinh, ngày nay các bà mẹ cũng phải
Lê Tâm Đắc. “Ý kiến của phụ nữ đối với Phật học”. 101
101
tìm nhiều phương cách tùy theo tính tình con trẻ mà dạy dỗ chúng cho
phù hợp.
Năm là, lợi ích đối với tôi tớ. Theo giáo lý nhà Phật, loài người khác
với các loài động vật không phải ở địa vị sang hèn mà là tâm tính. Một bà
chủ khôn ngoan trí thức có trách nhiệm dạy bảo tôi tớ. Phật giáo quan
niệm, người cực khổ ở kiếp này là vì kiếp trước tạo ác nghiệp. Một bà
chủ tin thuyết nhân quả, thông hiểu đạo lý của Phật giáo thì không những
không được đối đãi bất nhân, mà còn phải cố gắng dạy bảo tôi tớ.
Với lợi ích đó, Ni sư Tân Nguyệt động viên nữ Phật tử nên thực hành
ngay trong gia đình tinh thần Phật giáo đã nêu, còn những phụ nữ chưa
phải là Phật tử thì nên quy y Phật mà cầu hạnh phúc trong gia đình8.
2.6. Phân biệt chính tín và mê tín
Trên tờ Viên Âm, số 27, tháng 8/1937, nữ sĩ Diệu Không đề cập đến
vấn đề mê tín và chính tín ở nhiều loại hình tôn giáo khác nhau với mong
muốn giúp nữ giới Phật tử tin tưởng và thực hành chính lý của Phật giáo.
Trước khi đề cập những nội dung cụ thể, nữ sĩ bắt đầu bằng việc giải
thích khái niệm “Tín”. Theo đó, “Tín” là tin một sự vật, hiện tượng, lý
thuyết nào đó mà mình cho là đúng, là phải. “Tín” được chia thành chính
tín và mê tín. Mê tín là tin những sự vật, lý thuyết mơ hồ mà không suy
xét chiêm nghiệm. Ngược lại, chính tín là tin những sự vật, lý thuyết xác
thực sau khi suy xét kinh nghiệm.
Tôn giáo biểu hiện đa dạng nhưng có thể chia thành hai loại hình: đa
thần giáo và nhất thần giáo. Đa thần giáo tin rằng, mọi sự vật đều có một
vị thần sai khiến, như gió thì có thần gió, lửa thì có thần lửa, cây thì có
thần cây, v.v Cho nên, khi làm việc gì con người phải cúng bái vị thần
của việc ấy. Chẳng hạn, người làm ruộng thì cúng thần Lúa. Người đi
buôn thì cúng thần Tài, v.v Lối tin đa thần phát khởi khi con người lo
sợ, muốn mưu cầu điều gì đó, hoặc trước những việc khó khăn. Người
Việt Nam còn sùng bái những vĩ nhân trong lịch sử như Trần Hưng Đạo,
Quan Công. Tuy nhiên, việc sùng bái vĩ nhân là sùng bái lòng trung
nghĩa, chí anh hùng của họ, chứ không nên đặt ra những việc đánh quỷ
trừ ma, biến họ trở thành tay sai của thầy phù thủy.
Còn nhất thần giáo thì tin có một vị Thượng Đế tạo ra thế giới, vạn
vật, làm chủ việc thưởng phạt phúc tội. So với đa thần giáo, thì nhất thần
giáo có nhiều điểm tiến bộ hơn. Khi các học thuyết của loài người chưa
102 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
102
mở mang, do không biết nguyên nhân của phúc họa, nên con người sợ bất
cứ cái gì mình gặp. Về sau, khi chế độ quân chủ được thành lập, các tù
trưởng đều dưới quyền của quốc vương, khi ấy nhất thần giáo ra đời với
việc người ta đặt ra một vị thần tối cao được gọi bằng Chúa Trời, Ngọc
Hoàng, Thượng Đế, v.v... Các nhất thần giáo đều đặt một vị Thượng Đế
xem xét quốc vương, công hầu của thế quyền để họ khỏi lạm dụng quyền
thế làm điều bất công tổn đức. Nhưng vì Thượng Đế là trừu tượng, chưa
trực tiếp thiết thực với nhân sinh, nên các nhất thần giáo phải đặt ra giới
tăng lữ, trong đó có một người đứng đầu làm đại biểu cho Thượng Đế.
Để giữ uy quyền cho mình, giới tăng lữ thường dạy nhân gian phải đặt sự
trung thành với Thượng Đế lên vị trí cao nhất. Khi niềm tin nhất thần
giáo đã lan khắp dân gian, thế lực trong quốc gia thế tục đều thuộc về
người đại biểu của Thượng Đế. Các quốc vương, công hầu đều phải theo
mệnh lệnh của vị ấy. Điều này dẫn đến sự xung đột về quyền lợi giữa thế
quyền và thần quyền diễn ra khá phổ biến trong lịch sử thời Trung cổ.
Thuyết nhất thần cho rằng, thân thể của con người là do cha mẹ sinh
ra, tương tự vạn vật ắt cũng phải do một vị Thượng Đế sinh ra. Nhưng
cha mẹ là hai người chứ không phải là một người, thêm nữa cha mẹ lại
phải gặp đủ các điều kiện mới sinh được con cái. Nếu Thượng Đế muốn
sinh ra vạn vật thì cần phải có kẻ khác và cũng phải có những điều kiện
như cha mẹ. Nghĩa là, trước khi Thượng Đế sinh ra đã phải có nhiều vật
khác rồi. Nếu đã có nhiều vật khác rồi, thì không thể coi Thượng Đế sinh
ra vạn vật. Bên cạnh đó, cha mẹ phải có ngày tạ thế theo quy luật những
vật gì có tính cách sinh ra vật khác về sau đều phải tịch diệt. Theo quy
luật này, Thượng Đế cũng không thể tồn tại mãi mãi được. Như vậy,
Thượng Đế do tưởng tượng ra chứ không phải là thực có9.
Nhiều người không tin thuyết nhất thần mà tin thuyết nhất nhân, như
số luận sư tin mọi sự vật mình tính tạo thành, Nho giáo tin muôn sự vật
đều do Thái cực sinh ra. Những thuyết nhất nhân ấy cũng không thể đứng
vững vì chưa hề thấy một cái nhân nào bỗng nhiên sinh ra quả bao giờ.
Lắm người lại tin vào bói toán, sao hạn. Nguyên nhân của niềm tin
này là do người ta thấy sự may rủi hiện tiền như có người ít học mà làm
quan to, có người vụng về mà trở nên giàu có. Tin vào bói toán là tin vào
ngày sinh tháng đẻ, sinh vào giờ tốt thì được giàu sang trường thọ. Lối tin
như vậy là không thuyết phục, bởi vì bản thân các thầy bói cũng thường
nói “số bất cập đức”. Đã cho rằng “số bất cập đức” thì số mệnh không
Lê Tâm Đắc. “Ý kiến của phụ nữ đối với Phật học”. 103
103
phải nhất định. Số mệnh đã không nhất định thì mọi người nên tu nhân
tích đức, làm lành lánh dữ, thì rủi có thể hóa ra may, dữ có thể hóa ra
lành. Còn những người tin vào sao hạn cho rằng, sự may rủi đều do sao
hạn tốt xấu. Điều này cũng không đúng vì có người không tin sao hạn mà
vẫn gặp điều may mắn, trong khi có người tin sao hạn mà vẫn gặp chuyện
rủi ro. Nhiều khi, cùng một sao hạn, một ngày giờ, mà có người thì gặp
may, có người lại gặp rủi.
Nữ sĩ Diệu Không khẳng định, các loại hình tôn giáo vừa nêu đều có
một phần mê tín và một phần chính tín. Chẳng hạn, với đa thần giáo, nếu
sùng bái những bậc chính nhân quân tử để làm gương cho nhân loại làm
những việc công bằng chính trực, dần đưa con người đến chỗ hạnh phúc
hoàn toàn, gọi là chính tín. Còn các thuyết nhất nhân cho rằng, sự chuyển
biến là lẽ tự nhiên, không có nhân quả, làm cho mọi người không chịu tu
tập, sau phải chịu nhiều khổ sở, trái với sự hạnh phúc hoàn toàn của con
người, gọi là mê tín.
Với nhất thần giáo, nếu làm cho loài người khiếp sợ thần quyền, thêm
lòng ỷ lại hoặc gây nên các cuộc chiến tranh, trái với sự hoàn toàn hạnh
phúc của con người, gọi là mê tín. Trái lại, việc coi thân mình như thân
loài không sát hại sinh linh, làm các việc lương thiện, gọi là chính tín.
Với thuyết số mệnh, việc chỉ biết tìm thầy bói xem số mệnh tốt xấu,
làm tăng lòng kiêu mãn khi được ngày giờ tốt, làm tăng lòng e sợ khi
gặp vận hạn xấu, gọi là mê tín. Ngược lại, nếu tin số mệnh của mình an
phận tri túc, làm những việc lành để hưởng quả phúc về sau, gọi là
chính tín. Việc tin vào sao hạn từ đó chỉ lo cầu cúng mà không lo tu
nhân tích đức, gọi là mê tín. Trái lại, nếu biết việc may rủi trong cuộc
sống là vô thường, từ đó quyết chí tu tập cho đến chỗ thường trú an vui,
gọi là chính tín.
Tóm lại, đạo lý chân chính làm cho tâm trí loài người tiến dần đến chỗ
hạnh phúc hoàn toàn, nghĩa là chỉ có an vui chứ không có buồn đau, chỉ
có tự tại chứ không có ràng buộc, chỉ có thanh tịnh chứ không có mê lầm,
đều gọi là chính tín. Mà trên thế gian này chỉ có các Đức Phật mới được
hoàn toàn hạnh phúc, hoàn toàn giải thoát, hoàn toàn an vui. Cho nên,
Phật tử và nhân dân muốn được hoàn toàn giải thoát như Phật, cần phải
tham học Phật pháp, tu hành theo những phương pháp mà Phật dạy, nhất
là pháp môn Niệm Phật dễ học, dễ tu10.
104 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014
104
3. Lời kết
Đứng vững trên quan điểm Phật học, nội dung các bài viết trong
chuyên mục “Ý kiến phụ nữ đối với Phật học” ủng hộ mạnh mẽ và làm
rõ hơn những chương trình cải cách cơ bản của các tổ chức Phật giáo
trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
nói chung, của Hội Phật học An Nam nói riêng. Đối tượng mà chuyên
mục đặc biệt lưu tâm hướng đến là nữ giới, một thành phần luôn chiếm
tỉ lệ đông đảo trong Phật giáo đồ Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Do
theo sát các chương trình chấn hưng với mục đích là chỉnh đốn Tăng
già, hoằng dương chính pháp, làm cho Phật giáo Việt Nam phát triển
một cách lành mạnh và đóng góp nhiều hơn cho xã hội thế tục, nên
nhiều nội dung của chuyên mục thực sự thiết thực đối với nữ giới Phật
giáo đương thời cũng như những giai đoạn sau này, tiêu biểu như đề cao
phương pháp tu tập Tịnh Độ, phân biệt chính tín và mê tín, định rõ giới
luật và phẩm cách của giới tăng sĩ cũng như giới cư sĩ, làm rõ tác động
tích cực của Phật giáo trong đời sống gia đình, v.v... Những nội dung
Phật học này vẫn còn nguyên giá trị cả về phương diện lý luận lẫn
phương diện thực tiễn đối với sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam trong giai đoạn hiện nay./.
CHÚ THÍCH:
1 Nữ sĩ Diệu Không (1935), “Chị em thanh niên có nên học Phật không?”, Viên
Âm, số 15, tháng 5 + 6: 38 - 41.
2 Diệu Không (1935), “Thế nào là học Phật?”, Viên Âm, số 16, tháng 7 + 8: 37 -
40.
3 Diệu Không nữ sĩ (1935), “Tu để làm gì?”, Viên Âm, số 17, tháng 9 + 10: 16 -
20.
4 Diệu Không (1935), “Xuất gia và tại gia”, Viên Âm, số 17, tháng 9 + 10: 12 - 16.
5 Tỳ kheo ni Huệ Tâm (1935), “Các hội Phật học nên hiệp nhất”, Viên Âm, số 17,
tháng 9 + 10: 4 - 11.
6 Về sự đề cao phương pháp tu tập Tịnh Độ của các tổ chức Phật giáo trong phong
trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, xin xem các bài “Pháp
môn Niệm Phật”, “Pháp môn Tịnh Độ”, “Tịnh Độ quyết nghi”, “Phép tu
Niệm”, của tăng sĩ và cư sĩ Hội Phật học An Nam như Thích Mật Khế, Thích
Mật Nguyện, Lê Đình Thám đăng trên tờ Viên Âm năm 1934; các bài “Tôi tu
Tịnh Độ”, “Ba món tư lương sang Tịnh Độ”,... của Hòa thượng Phúc Chỉnh, cư
sĩ Thiều Chửu ở Hội Phật giáo Bắc Kỳ đăng trên tờ Đuốc Tuệ từ năm 1935 đến
năm 1942.
7 “Bài giảng của bà Thích Diệu Viên trong Lễ Khánh thành chùa Chi hội An Nam
Phật học ở Đà Nẵng: Phật học của phái phụ nữ”, Viên Âm, số 23, tháng 9 +
10/1936.
Lê Tâm Đắc. “Ý kiến của phụ nữ đối với Phật học”. 105
105
8 “Ảnh hưởng Phật giáo trong gia đình: Bài giảng của Ni cô Tân Nguyệt nói hôm
Lễ Khánh đản tại Quy Nhơn”, Viên Âm, số 25, tháng 1/1937: 44 - 49.
9 D.K. (1937), “Mê tín và chánh tín”, Viên Âm, số 27, tháng 8: 16 - 21.
10 D.K. (1937), “Mê tín và chính tín”, Viên Âm, số 28, tháng 9: 19 - 24.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Ảnh hưởng Phật giáo trong gia đình: Bài giảng của Ni cô Tân Nguyệt nói hôm
Lễ Khánh đản tại Quy Nhơn”, Viên Âm, số 25, tháng 1/1937.
2. “Bài giảng của bà Thích Diệu Viên trong Lễ Khánh thành chùa Chi hội An Nam
Phật học ở Đà Nẵng: Phật học của phái phụ nữ”, Viên Âm, số 23, tháng 9 +
10/1936.
3. Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Miền Bắc Việt Nam
(1924 - 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. D.K. (1937), “Mê tín và chánh tín”, Viên Âm, số 27, tháng 8.
5. D.K. (1937), “Mê tín và chính tín”, Viên Âm, số 28, tháng 9.
6. Nữ sĩ Diệu Không (1935), “Chị em thanh niên có nên học Phật không?”, Viên
Âm, số 15, tháng 5 + 6.
7. Diệu Không (1935), “Thế nào là học Phật?”, Viên Âm, số 16, tháng 7 + 8.
8. Diệu Không nữ sĩ (1935), “Tu để làm gì?”, Viên Âm, số 17, tháng 9 + 10.
9. Diệu Không (1935), “Xuất gia và tại gia”, Viên Âm, số 17, tháng 9 + 10.
10. Tỳ kheo ni Huệ Tâm (1935), “Các hội Phật học nên hiệp nhất”, Viên Âm, số 17,
tháng 9 + 10.
Abstract
“WOMEN’S OPINION OF THE BUDDHILOGY”
“Women’s opinion of the Buddhilogy” was the name of a section in
Viên Âm Review- an official organ of the Annam Buddhist Association.
It posted women’s articles on the Buddhilogy from all over the country,
almost of them from Hue where was the center of the movement to revive
Buddhism in the Center at the first half period of the XX century. From
1935, this section mentioned many issues such as promotion the method
of self-cultivation of Pure Land, the difference between superstitious
beliefs and truthful beliefs, determination commandments, dignity of
bonze and layman, positive effects of Buddhism in family life etcThese
articles have their own theoretical, pratical values in the development of
the Vietnam Buddhist Sangha at present.
Keywords: Annam Buddhist Association, Viên Âm, Buddhist
women, revive Buddhism.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 26593_89321_1_pb_6861.pdf