Cách nhìn nhận theo chức năng tâm lý của B. Malinowski giải thích
cho những quan niệm về tôn giáo trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày
nay. Đối với những người tham gia thực hành nghi lễ tại các Miếu Bà
Chúa Xứ, họ nhấn mạnh đến giá trị hay chức năng của tôn giáo trong
cuộc sống của họ. “Theo tôi, thờ Bà không phải là mê tín. Tôi cúng Bà để
cho tinh thần tôi thoải mái chứ không phải là phải có kết quả cụ thể.
Chẳng hạn, mọi người thường nói “học tài thi phận”, vì thế điều đầu tiên
tôi phải làm trước khi xin Bà thành công là tôi phải nỗ lực. Bà sẽ không
phù hộ cho ai xin những điều phi lý như xin thi đậu nhưng không chịu
học hành hay xin giàu có mà không chịu làm, Bói toán, xem nhân
tướng là một loại mê tín, vì người ta thường sử dụng những cái này để có
cớ lười biếng và lừa tiền người khác (phỏng vấn nữ, sinh viên, 22 tuổi tại
Miếu Bà Chúa Xứ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).
10 trang |
Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 938 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Ý nghĩa của tôn giáo trong bối cảnh xã hội nam bộ hiện nay (nghiên cứu trường hợp thờ cúng bà chúa xứ), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014 45
NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN*
HOÀNG NGỌC AN**
Ý NGHĨA CỦA TÔN GIÁO TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI
NAM BỘ HIỆN NAY
(Nghiên cứu trường hợp thờ cúng Bà Chúa Xứ)
Tóm tắt: Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa để đến năm 2020, cơ bản trở thành nước công
nghiệp. Đi cùng với quá trình phát triển này ở Việt Nam là sự trỗi
dậy của các sinh hoạt tôn giáo. Thờ cúng Bà Chúa Xứ là một trong
số đó. Bài viết tìm hiểu ý nghĩa của tôn giáo qua thực hành thờ
cúng Bà Chúa Xứ. Khi khoa học chưa phải là giải pháp duy nhất
cho những vấn đề của cuộc sống đương đại, thì con người dựa vào
tôn giáo, thứ đem lại cho họ niềm tin. Thực tế này là nguyên nhân
cho sự tồn tại và phát triển của tôn giáo ở các bối cảnh xã hội.
Từ khóa: An ninh tinh thần, Bà Chúa Xứ, Nam Bộ, thờ cúng, tôn giáo.
1. Đặt vấn đề
Từ khi thực hiện chính sách Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển
sang một giai đoạn mới, từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. K ể từ đây, Việt Nam hội
nhập ngày càng sâu rộng với thế giới như một phần của quá trình toàn
cầu hóa. Khi Việt Nam trở thành một phần của quá trình toàn cầu hóa, kỹ
thuật công nghệ trở thành yếu tố quan trọng chi phối cuộc sống và cách
suy nghĩ của người dân, lẽ ra hướng họ đế n một cái nhìn mang nhiều tính
thực chứng và khoa họ c trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Thế nhưng,
cùng với sự tăng trư ởng kinh tế này, nhiều nghiên cứu lại cho thấy sự trỗi
dậy và tăng cường các nghi lễ cũng như lòng mộ đạo của người dân Việt
Nam1. Trong vài thập niên vừa qua, cùng với thành tựu của công cuộc
Đổi mới, chúng ta cũng thấy sự hoạt động sôi nổi của nhiều hiện tượng
tôn giáo, đặc biệt là các hiện tượng trước đây bị hạn chế như thờ Mẫu và
thờ Nữ thần với các hiện thân như Bà Chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu,
*
TS., Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố
Hồ Chí Minh.
** Sinh viên Trường Đại học Utica, Hoa Kỳ.
46 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014
Liễu Hạnh, Hiện tượng này được lý giải theo hai hướng: Một là, đời
sống kinh tế phát triển tạo điều kiện cho người dân có mức sống dôi dư
để tham gia và tổ chức nghi lễ cùng với việc Nhà nước “nới lỏng kiểm
soát các hoạt động nghi lễ”2. Hai là, trong bối cảnh phát triển của Việt
Nam hiện nay, người dân tham gia tích cực hơn vào các hoạt động
thương mại có tính rủi ro, nên họ cần một sự đảm bảo an ninh tinh thần
để đương đầu với các rủi ro đó 3.
Không phủ nhận quan điểm cho rằng, kinh tế là yếu tố quan trọng cho
sự phát triển của tôn giáo, dựa trên tài liệu hiện có, bài viết này là một nỗ
lực minh họa thêm cho chức năng tâm lý của tôn giáo trong đời sống của
người dân Việt Nam trong xã hội hiện đại. Theo chúng tôi, bối cảnh xã
hội Việt Nam hiện nay làm xuất hiện n hu cầu tôn giáo. Theo đó, việc
tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế có nhiều rủi ro và thực trạng
đời sống sức khỏe của người dân ở một quốc gia đông dân và đang phát
triển là các yếu tố khiến cho người dân nảy sinh nhu cầu tâm linh để tìm
một giải pháp an ninh tinh thần.
Dữ liệu của bài viết dựa trên cuộc khảo sát của c húng tôi tại Miếu Bà
Chúa Xứ ở quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được xem là “V ăn
phòng 2” của Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, và Miếu Bà Chúa Xứ ở ấp
Hòa Quới, xã Tân Chánh, huyện Cần Đ ước, tỉnh Long An vào các năm
2012 và 2013. Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn sâu những người tham
dự thực hành thờ cúng tại hai ngôi miếu này. Bên cạnh đó, chúng tôi
cũng có những quan sát tham dự hành vi thực hành nghi lễ của những
người tham gia thờ cúng tại đây.
2. Việt Nam: quốc gia đang phát triển với nhiều thách thức
Chính sách đổi mới kinh tế với việc công nhận nền kinh tế nhiều thành
phần, giao quyền sử dụng ruộng đất cho người sản xuất cùng với chính
sách tự do hóa thương mại , nhất là sau khi Hiệp định Thương mại Việt
Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực vào năm 2001 đã làm cho kinh tế Việt Nam
đạt được những cải thiện đáng kể. Việt Nam phát huy lợi thế trong xuất
khẩu nông nghiệp, thủy sản, dầu thô và các sản phẩm thâm dụng lao động
như dệt may và da giày. Các doanh nghiệp , nhất là khu vực kinh tế tư
nhân, tích cực sản xuất kinh doanh tạo ra của cải và dịch vụ cho xã hội.
Kết quả là, kinh tế của Việt Nam luôn giữ vững tốc độ tăng trưởng
trong nhiều năm kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới và hội nhập quốc
tế. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010,
Ngô Thị Phương Lan, Hoàng Ngọc An. Ý nghĩa của tôn giáo... 47
47
mặc dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính - tiền tệ trong khu vực
vào năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu từ
năm 2008 đến nay, nhưng hằng năm, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh
tế tương đối khá, khoảng 7%4. Từ năm 1990 đến nay, thu nhập bình quân
đầu người tại Việt Nam tăng mạnh. Việt Nam trở thành nước có thu nhập
trung bình vào năm 2010. Năm 2012, GDP bình quân đầu người của Việt
Nam đạt 1.749 USD, thu nhập bình quân đầu người là 1.150 USD và thu
nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người là 2.805 USD 5. Bên cạnh
thành tựu về kinh tế, Việt Nam còn đạt được nhiều th ành tựu quan trọng
về giáo dục, y tế và xóa đói giảm nghèo.
Giáo dục là một trong những mục t iêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đạt
được những thành tựu nhất định. Theo báo cáo của Liên Hợ p Quốc, năm
2009, tỷ lệ nhập học tiểu học của Việt Nam là 95,5%% và 88,2% trẻ em
đi học đã hoàn thành 5 năm tiểu học. Trong số này, hơn 90% tiếp tục học
trung học cơ sở và không có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông
thôn. Tỷ lệ về giới cũng khá đồng đều, với gần một nửa học sinh là trẻ
em gái ở cả cấp tiểu học lẫn trung học. Tỷ lệ người dân từ 15 - 24 tuổi
biết đọc và biết viết là 97,1%6.
Ngày nay, người Việt Nam cũng khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn so
với những năm 1990. Tuổi thọ của người Việt Nam không ngừng được
nâng cao. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, nếu như tuổi thọ t rung bình
của người Việt Nam năm 1955 là 40,4 tuổi thì năm 2011 là 75,2 tuổi7.
Việt Nam là một điểm sáng của thế giới trong việc thực hiện mục tiêu
thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo; được Tổ chức Nông Lương Liên
Hợp Quốc (FAO) công nhận là một trong 38 quốc gia trên thế giới có
thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói giảm nghèo. Kể từ năm 1986,
Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập
bình quân đầu người dưới 100 USD đã trở thành quốc gia có thu nhập
trung bình thấp như hiện nay. Tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam giảm một cách
tích cực: tỷ lệ nghèo từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,5% năm 2008; tỷ
lệ thiếu đói từ 24,9% năm 1993 xuống còn 6,9% năm 20088. Theo báo
cáo của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 20 năm (1990 - 2010), tỷ lệ
nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20,7% với khoảng hơn
30 triệu người thoát nghèo9.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2012, có
500 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, 542 triệu lượt người
48 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014
được hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Điều kiện sống của người nghèo ở Việt
Nam được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo và các huyện nghèo giảm nhanh,
hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 14,2% (năm 2010) xuống
còn 9,6% (năm 2012). Thông qua thực hiện Chương trình 135 giai đoạn
II, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47%
(năm 2006) xuống còn 28,8% (năm 2010), thu nhập bình quân đầu
người là 4,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ các xã có đường giao thông
cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến thôn bản lên tới 80,7%. 2,2 triệu hộ
được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng được 6.834 mô hình
phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Sau gần 4 năm thực
hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30A đã giảm từ
58,33% (năm 2010) xuống còn 43,89% (năm 2012), bình quân giảm
trên 7%/năm. Các địa phương đã hỗ trợ 1.340 lao động ở các huyện
nghèo đi xuất khẩu lao động, nâng tổng số lao động xuất khẩu lao động
qua gần 4 năm lên gần 8.500 người. Các địa phương còn tổ chức đào
tạo nghề cho hơn 10.000 lao động nghèo để tạo việc làm tại chỗ, ngoài
địa bàn hoặc tham gia xuất khẩu lao động. 225.000 hộ được vay vốn với
tổng số tiền 1.122 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để chăn nuôi gia cầm, gia
súc, phát triển ngành nghề10.
Bên cạnh thành tựu đáng kể về kinh tế và xã hội nêu trên, sự phát triển
của Việt Nam vẫn cần hướng tới sự bền vững. Cuộc chuyển mình của
nền kinh tế Việt Nam từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với các cuộc suy thoái kinh
tế trong khu vực và trên thế giới đã có tác động đến đời sống kinh tế của
người dân Việt Nam.
Sau cải cách kinh tế, Việt Nam đang trên đà phát triển và hội nhập thì
chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ vào năm 1997
khiến cho tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát tăng và vốn đầu tư trực tiếp
của nước ngoài giảm. Khi kinh tế Việt Nam phục hồi và gia nhập WTO
lại chịu tác động của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới,
bùng phát vào năm 2008, khiến cho tăng trưởng bị thụt lùi, lạm phát tăng,
vốn đầu tư xã hội và sản xuất công nghiệp giảm, hàng tồn kho lớn, sức
tiêu thụ kém, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm11. Nền kinh tế Việt Nam
chịu tác động nặng nề nhất là trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ thất
nghiệp ngày càng cao, số doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều và hệ
thống ngân hàng chịu nhiều tác động tiêu cực.
Ngô Thị Phương Lan, Hoàng Ngọc An. Ý nghĩa của tôn giáo... 49
49
Đi cùng với sự tăng trưởng kinh tế và sự tăng dân số thì vấn đề môi
trường và vấn đề sức khỏe của người dân Việt Nam như là hệ lụy của quá
trình phát triển trở thành mối quan tâm hàng đầu. Chất lượng môi trường
của Việt Nam đang ở mức báo động. Theo báo cáo của Trung tâm
Nghiên cứu Môi trường của Trường Đại học Yale và Trường Đại học
Columbia (Mỹ) năm 2012, chỉ số môi trường chung (General
Environmental Index) của Việt Nam xếp hạng 79/132 quốc gia được
nghiên cứu. Ô nhiễm thực phẩm hiện cũng là một mối quan ngại cho sức
khỏe của người dân Việt Nam.
Tuy Việt Nam đã cải thiện tuổi thọ, nhưng số lượng người lớn tuổi
mạnh khỏe lại không cao. Hiện tượng quá tải ở bệnh viện hiện nay cho
thấy tỷ lệ bệnh của người dân Việt Nam ngày càng cao.
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam như vậy, khi các biện pháp của Nhà
nước chưa có kết quả cụ thể, người dân đã tự tìm giải pháp cho mình, mà
một trong những giải pháp đó là dựa vào tôn giáo.
3. Ý nghĩa của việc thờ cúng Bà Chúa Xứ đối với người dân Nam
Bộ hiện nay
3.1. Tìm kiếm an ninh tinh thần
Philip Taylor cho rằng, sự hồi sinh và phát triển của tôn giáo ở Miền
Nam Việt Nam là do tính khó dự đoán và tính bất ổn của kinh tế thị
trường. Vào những năm 1990, đa số các quốc gia Châu Á, trong đó có
Việt Nam, đã phải vật lộn với sự suy thoái về kinh tế. Mọi người nhận ra
nền kinh tế hàng hóa đầy rủi ro và bất ổn. Giá cả lên xuống thất thường,
kinh doanh có thể bị phá sản bất cứ lúc nào, các nhà máy có thể bị đóng
cửa, công nhân sẽ bị thất nghiệp12. Liên quan đến tôn giáo, tác giả này
cho rằng, việc tăng cường các mối quan hệ thị trường trong khu vực từ
giữa những năm 1980 đã làm gia tăng nhu cầu tôn giáo liên quan đến
việc đánh giá năng lực chủ thể cá nhân, việc tìm kiếm để dự đoán, và
quản lý sự lo lắng. Tiếp xúc với kinh tế thị trường đã làm thay đ ổi cuộc
sống của họ, tạo ra sự mất vị thế, cảm giác bất lực, bị kiểm soát bởi các
thế lực quyền năng, xa xôi và vô hình13.
Cảm giác bất an khiến con người tìm kiếm một sự an ninh tinh thần để
bù đắp cho sự mất an ninh trong kinh tế thị trường. Đó là lý do giải thích
tại sao Bà Chúa Xứ phục vụ không chỉ cho tính sinh sôi trong nông
nghiệp, mà còn cho mục đích kinh tế và tâm linh rộng lớn hơn.
50 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014
Theo Oscar Salemink, có bốn loại lo âu cần đến sự cứu chữa về tinh
thần, đó là “các vấn đề thể chất và tinh thần, bất an kinh tế và rủi ro thị
trường, các bất ổn hiện sinh liên quan đến cái chết, các rủi ro có chủ ý
đang thực hiện và việc quản lý chúng”14. Những gì chúng tôi thu thập
được từ những người tham gia nghi lễ tại Miếu Bà Chúa Xứ góp phần
chứng minh cho nhận định trên. Khi đến các Miếu Thờ Bà, những người
thờ cúng thường dâng các lễ vật bao gồm hoa quả, các loại bánh, thịt heo
quay và nhang đèn. Mục đích thờ cúng rất đa dạng: mua bán may mắn,
khỏi bệnh, tai qua nạn khỏi, thi đậu, tình duyên, v.v
Ví dụ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến đây. Tôi cúng để Bà phù hộ không bị
nguy hiểm khi đi biển. Trước đây, chỉ có tôi và vợ tôi, nghèo và có chuyện
gì cũng không sao, chứ bây giờ có con gái rồi thì phải lo. Xã hội giờ phức
tạp lắm, trộm cướp khắp nơi, vậy nên tôi hy vọng Bà có thể bảo vệ cho gia
đình, bớt đi lo lắng và lo âu” (phỏng vấn nam, ngư dân, 23 tuổi, Bà Rịa -
Vũng Tàu tại Miếu Bà Chúa Xứ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh). Hoặc:
“Tôi làm nghề đi ghe, cả năm về nhà mấy lần, nhưng mỗi lần cúng Miếu
Bà là tôi về. Mỗi người trong xóm hùn một chút, đa số người đi ghe có
điều kiện đóng góp nhiều chút. Rồi mình mời người này người kia cũng đủ
tiền làm, khoảng 8-10 mâm. Mình trong Ban Quý tế thì cầu cho xóm làng
bình yên, còn bản thân thì cầu cho làm ăn suôn sẻ” (phỏng vấn nam, 55
tuổi, đi ghe chuyên chở phân bón, tại Miếu Bà Chúa Xứ/ Miếu Bà Cây
Cui, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An).
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, việc thờ Bà Chúa Xứ là một
truyền thống của người dân Việt Nam. Từ nhỏ, họ chịu ảnh hưởng của
các thành viên trong gia đình. Một mối dây nối kết giữa những người mộ
đạo với các vị thần khiến cho họ đi lễ vào những ngày nhất định trong
năm: “Vợ chồng tôi làm ở công ty nhà nước, không buôn bán gì. Đây là
truyền thống của gia đình. Vào ngày 23 âm lịch hằng tháng, tôi và vợ
thường đến đây. Chúng tôi không cầu xin giàu có hay mua may bán đắt,
mà chỉ muốn cho tâm hồn thanh thản” (phỏng vấn nam, công chức, 42
tuổi và nữ 36 tuổi). Như vậy, mặc dù lý do người dân đến cúng lễ Bà
Chúa Xứ theo truyền thống gia đình, nhưng sâu xa vẫn là tìm một sự bình
an trong tinh thần.
3.2. Tôn giáo và mê tín
Trong bài luận Ma thuật, khoa học và tôn giáo, Bronislaw Malinowski
thảo luận mối quan hệ giữa ma thuật và tôn giáo dựa trên nghiên cứu của
Ngô Thị Phương Lan, Hoàng Ngọc An. Ý nghĩa của tôn giáo... 51
51
James Frazer. Theo B. Malinowski, ma thuật dựa trên sự tự tin của con
người cho rằng có thể thống lĩnh tự nhiên một cách trực tiếp chỉ khi con
người biết quy luật chi phối nó một cách ma thuật. Theo nghĩa này, ma
thuật giống với khoa học. Tôn giáo, sự thú nhận khả năng của con người
trong một số vấn đề nào đó, đưa con người lên trên mức độ ma thuật và
sau đó duy trì sự độc lập của nó bên cạnh khoa học15. Theo quan điểm
này, ma thuật sinh ra trong xã hội nguyên thủy do tham vọng chi phối và
thống lĩnh tự nhiên; biến thời tiết, động vật và mùa màng phục vụ cho
con người. Con người thể hiện những mong ước này thông qua nghi lễ và
bùa chú. Sau đó, khi nhận ra giới hạn của ma thuật, trong nỗi sợ hãi và hy
vọng, họ quay sang những thực thể tinh thần và vô hình lớn hơn chẳng
hạn như ma quỷ, tổ tiên hay thánh thần. James Frazer là người tiên phong
nhận ra sự khác biệt giữa kiểm soát trực tiếp và chi phối gián tiếp bằng
cách sử dụng sức mạnh siêu nhiên, nói cách khác là ma thuật và tôn giáo.
Vì mê tín là niềm tin vào ma thuật, nên nó có giới hạn về sức mạnh và vì
thế không đáp ứng nhu cầu của con người.
Theo các nhà tiến hóa luận, chẳng hạn như James Frazer, ba khái niệm
ma thuật, tôn giáo và khoa học đại diện cho con đường tiến hóa của tư
duy con người. Ma thuật đại diện cho giai đoạn đầu, trong khi tôn giáo
thể hiện mức phát triển cao nhất16. Vì lý do này, Nhà nước Việt Nam ở
giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa đã nỗ lực hạn chế các thực
hành tôn giáo để phát triển một xã hội hiện đại dựa trên nền tảng khoa
học. B. Malinowski mặc dù dựa trên lý thuyết phân biệt giữa ma thuật và
tôn giáo trong nghiên cứu của James Frazer, nhưng có một sự phân biệt
khác về ba khái niệm này. Theo B. Malinowski, các nghi lễ ma thuật dù
được xem là đỉnh cao của sự ngu dốt và phi lý, nhưng có thể hiểu được
và có tính hiệu quả. Chẳng hạn như, khi cư dân quần đảo Trobriands đi
đánh bắt ở các đầm phá, đó là một vấn đề dễ hiểu. Nhưng khi họ ra khỏi
những rặng đá, ra khơi xa với những thay đổi thất thường và mối nguy
hiểm, những ngọn sóng dữ, những cơn bão bất chợt, những mẻ lưới
không đoán được và những khó khăn khác, họ thường dựa vào nghi lễ ma
thuật để làm dịu bớt nỗi sợ và tiếp tục công việc. Đối với B. Malinowski,
vấn đề không phải là các nghi lễ như thế không có cơ sở khoa học (thực
sự không làm giảm sóng dữ để đánh bắt cá), mà các nghi lễ đó tăng
quyền cho người dân đảo để họ có thể làm những gì cần làm trong một
tình huống mà những sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Vì thế,
52 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014
chúng duy trì tình trạng tâm lý của các thành viên và cho phép họ tham
dự tốt hơn vào các chức năng kinh tế xã hội của cộng đồng17.
Cách nhìn nhận theo chức năng tâm lý của B. Malinowski giải thích
cho những quan niệm về tôn giáo trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày
nay. Đối với những người tham gia thực hành nghi lễ tại các Miếu Bà
Chúa Xứ, họ nhấn mạnh đến giá trị hay chức năng của tôn giáo trong
cuộc sống của họ. “Theo tôi, thờ Bà không phải là mê tín. Tôi cúng Bà để
cho tinh thần tôi thoải mái chứ không phải là phải có kết quả cụ thể.
Chẳng hạn, mọi người thường nói “học tài thi phận”, vì thế điều đầu tiên
tôi phải làm trước khi xin Bà thành công là tôi phải nỗ lực. Bà sẽ không
phù hộ cho ai xin những điều phi lý như xin thi đậu nhưng không chịu
học hành hay xin giàu có mà không chịu làm, Bói toán, xem nhân
tướng là một loại mê tín, vì người ta thường sử dụng những cái này để có
cớ lười biếng và lừa tiền người khác (phỏng vấn nữ, sinh viên, 22 tuổi tại
Miếu Bà Chúa Xứ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).
Bên cạnh đó, người dân Nam Bộ xem sự tồn tại của yếu tố tôn giáo là
một tất yếu bên cạnh khoa học trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay.
Do vậy, mục đích chính họ đến cúng Bà Chúa Xứ là để có sự ủng hộ về
mặt xúc cảm và an ninh tinh thần, những điều mà khoa học không đáp
ứng được cho họ: “Trong thế giới khoa học và công nghệ đang phát triển
hiện nay, tôi vẫn tin vào tôn giáo, vì có những điều và những việc khoa
học chưa giải thích được (phỏng vấn nam, doanh nhân, 42 tuổi tại Miếu
Bà Chúa Xứ, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).
Như vậy, ý nghĩa tôn giáo thể hiện qua lòng mộ đạo của người dân
Nam Bộ hiện nay khi thực hành thờ cúng Bà Chúa Xứ thể hiện tính giá
trị của tôn giáo. Đó là chức năng tâm lý trong một bối cảnh xã hội phát
triển nhanh mạnh, cùng với đó là những hệ quả xã hội phức tạp khiến con
người chông chênh về niềm tin, còn nhiều bất an và những điều chưa
chinh phục được. Chính giá trị này của tôn giáo khiến cho thực hành tôn
giáo không phải là mê tín. Nó giúp cho con người thêm mạnh mẽ, biến
niềm tin tôn giáo trở thành sức mạnh vật chất để có thể thực hiện những
vai trò khác nhau của con người trong cuộc sống. Trong xã hội hiện đại,
với sự gia tăng nhanh chóng về mức sống, công nghệ thông tin, nhưng
vẫn còn tồn tại những vấn đề xã hội, thì tôn giáo có thể đồng hành cùng
con người vượt qua những thách thức của cuộc sống. Việc thực thành tôn
giáo không nên nhìn theo thuyết tiến hóa, mà nên xem xét ở chức năng và
Ngô Thị Phương Lan, Hoàng Ngọc An. Ý nghĩa của tôn giáo... 53
53
giá trị của nó. Mâu thuẫn giữa sự phát triển của đất nước và sự phát triển
của lòng sùng kính cho thấy những giới hạn mà con người phải dựa vào
tôn giáo để vượt qua./.
CHÚ THÍCH:
1 Xem: Philip Taylor (2004), Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular
Religion in Vietnam, University of Hawaii, Honolulu; Lương Văn Hy (1991),
“Cải cách kinh tế và tăng cường lễ nghi tại hai làng ở Miền Bắc Việt Nam (1980-
1990)”, trong Borje Ljunggren (ed. 3), The Challenge of Reform in Indochina
(Những thách thức cải cách ở Đông Dương), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2 Lương Văn Hy (1991), “Cải cách kinh tế và tăng cường lễ nghi tại hai làng ở
Miền Bắc Việt Nam (1980 -1990)”, bđd: 481.
3 Xem: Philip Taylor (2004), Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular
Religion in Vietnam, University of Hawaii, Honolulu; Lương Văn Hy (1991),
“Cải cách kinh tế và tăng cường lễ nghi tại hai làng ở Miền Bắc Việt Nam (1980-
1990)”, trong Borje Ljunggren (ed. 3), The Challenge of Reform in Indochina
(Những thách thức cải cách ở Đông Dương), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội;
Oscar Salemink (2010), “Seeking Spiritual Security in Contemporary Vietnam”,
trong Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiếp, Phan Thị Yến Tuyết (biên tập), Nguyễn
Tuấn Anh, Nguyễn Vũ Hoàng (d ịch), Tính hiện đại và động lực của truyền thống
Việt Nam, tập 2, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
4 Tổng cục Thống kê (2011), Tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 10 năm 2001-
2010, Nxb. Thống kê: 8-9.
5 Tổng cục Thống kê (2012), Niên giám thống kê năm 2012, Nxb. Thống kê: 141.
6 Liên Hợp Quốc tại Việt Nam,
7 Department of Economic and Social Affairs (2011), World Mortality Report
2009, United Nations, New York: 227; UNDP (2011), Human Development
Report 2011: 128.
8 UNDP tại Việt Nam,
9 Ngân hàng Thế giới (2012), Khởi đầu tốt nhưng chưa phải đã hoàn thành: thành
tựu ấn tượng của Việt Nam trong giảm nghèo và những thách thức mới, Báo cáo
đánh giá nghèo Việt Nam: 8-13.
10 Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
11 5 năm dư chấn khủng hoảng tài chính thế giới tại Việt Nam,
12 Philip Taylor (2004), Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular Religion in
Vietnam, ibid: 86-87.
13 Philip Taylor (2004), Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular Religion in
Vietnam, ibid: 87.
14 Oscar Salemink (2010), “Seeking Spiritual Security in Contemporary Vietnam”, ibid: 1.
15 Bronislaw Malinowski (2004), Magic, Science and Religion and Other Essays
1948, Comp. Robert Redfield, Kessinger: 3.
16 James George Frazer (2009), “Magic and Religion”, in The Golden Bough: A
Study in Magic and Religion, Cosimo Publication, New York: 48-82.
17 Bronislaw Malinowski (2004), Magic, Science and Religion and Other Essays
1948, ibid: 134-301.
54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 10 - 2014
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. James George Frazer (2009), “Magic and Religion”, in The Golden Bough: A
Study in Magic and Religion, Cosimo Publication, New York.
2. Lương Văn Hy (1991), “Cải cách kinh tế và tăng cường lễ nghi tại hai làng ở
Miền Bắc Việt Nam (1980-1990)”, trong Borje Ljunggren (ed. 3), The Challenge
of Reform in Indochina (Những thách thức cải cách ở Đông Dương), Nxb. Chính
trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Bronislaw Malinowski (2004), Magic, Science and Religion and Other Essays
1948, Comp. Robert Redfield, Kessinger.
4. Oscar Salemink (2010), “Seeking Spiritual Security in Contemporary Vietnam”,
Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiếp, Phan Thị Yến Tuyết (biên tập), Nguyễn Tuấn
Anh, Nguyễn Vũ Hoàng (d ịch), Tính hiện đại và động lực của truyền thống Việt
Nam, tập 2, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Philip Taylor (2004), Goddess on the Rise: Pilgrimage and Popular Religion in
Vietnam, University of Hawaii, Honolulu.
6. Trần Thị Thảo (2008), Tín ngưỡng thờ Mẫu và Nữ thần của người Việt ở Nam Bộ,
Luận văn thạc sĩ, Trư ờng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc
gia Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Edward B. Tylor (1871), Chapter XI. Primitive Culture: Researches into the
Development of Mythology, Philosophy, Religion, Art, and Custom, Vol. 1, J.
Murray, London.
Abstract
RELIGIOUS SIGNIFICANCE IN THE CONTEMPORARY
SOUTHERN SOCIETY OF VIETNAM
(A CASE STUDY OF THE CULT OF BÀ CHÚA XỨ)
Vietnam is in the process of industrialization and modernization. It
likely will be an industrial country in 2020. In the process of developing,
there is a rise of religious activities. The cult of Bà Chúa Xứ (the lady of
the Realm) is a case. This article pointed religious significance through
the practice in worshiping Bà Chúa Xứ. Sciences is not a unique solution
for contemporary life issues, so humankind bases on religions which
bring belief. This practicality is the cause that leads to the existence and
expansion of religions in social contexts.
Keywords: Bà Chúa Xứ, religion, southern Vietnam, spiritual
security.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 26678_89654_1_pb_336.pdf