This article explores the issue of awareness of plagiarism among students and young
lecturers at School of Hospitality and Tourism – Hue University. The study aims to investigate
their understanding of the concept of plagiarism as well as their view of the reasons for this
problem through an online survey. The findings indicated that most students and young
lecturers in the survey clearly recognized several forms of plagiarism. However, they confessed
that they committed at least one form of plagiarism. This is due to the internal causes (e.g. lack
of skill in research or lack of awareness for acknowledgement of others’ studies) and external
causes (e.g. pressure, Internet availability, lack of the recommendation from their institutions or
plagiarism becomes popular).
14 trang |
Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 561 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhận thức về đạo văn của sinh viên và giảng viên khoa du lịch–đại học Huế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển; ISSN 2588–1205
Tập 126, Số 5D, 2017, Tr. 15–28; DOI: 10.26459/hueuni-jed.v126i5D.4500
* Liên hệ: huonghuong386@gmail.com
Nhận bài: 18–09–2017; Hoàn thành phản biện: 22–09–2017; Ngày nhận đăng: 30–10–2017
NHẬN THỨC VỀ ĐẠO VĂN CỦA SINH VIÊN VÀ
GIẢNG VIÊN KHOA DU LỊCH – ĐẠI HỌC HUẾ
Phan Thị Diễm Hương*, Nguyễn Thị Minh Nghĩa
Khoa Du lịch, Đại học Huế, 22 Lâm Hoằng, Huế, Việt Nam
Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu nhận thức về hành vi đạo văn của sinh viên và giảng viên trẻ Khoa Du
lịch, Đại học Huế. Mục đích của bài viết là tìm hiểu cách nhận thức về khái niệm đạo văn cũng như quan
điểm của họ về lý do dẫn đến hành vi đạo văn – vốn đang được cảnh báo nghiêm trọng trong xã hội Việt
Nam. Nghiên cứu đã được thực hiện bằng bảng hỏi online khảo sát sinh viên từ năm thứ nhất đến năm
thứ tư và giảng viên trẻ (có dưới 10 năm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu) của Khoa Du lịch. Kết quả
nghiên cứu chỉ ra rằng, đa số sinh viên và giảng viên Khoa Du lịch có nhận thức rất rõ về các hình thức
đạo văn. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận đã từng thực hiện một trong các hình thức đạo văn. Nguyên nhân
dẫn đến hành vi đạo văn của họ được chia thành hai nhóm bao gồm nguyên nhân bên trong (do thiếu và
yếu về kỹ năng nghiên cứu khoa học/ thiếu nhận thức về việc trích dẫn công trình/ công việc của người
khác) và nguyên nhân bên ngoài (áp lực, phương tiện Internet, thiếu khuyến cáo từ môi trường/ tổ chức
làm việc hay nhà trường). Từ đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu hành vi đạo văn
trong nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng học thuật tại KDL – ĐHH.
Từ khóa: đạo văn, sinh viên, giảng viên, Khoa Du lịch, nguyên nhân đạo văn
1 Đặt vấn đề
Gần đây Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ
với nhiều tiêu chí mới, trong đó đáng chú ý nhất là tiêu chí nghiên cứu sinh phải có ít nhất một
bài đăng kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus
(Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, 08/2017/TT-BGDĐT). Hay
sau nhiều năm yêu cầu công bố quốc tế đối với các đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên
(KHTN), nay Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) cũng yêu cầu công bố
quốc tế đối với các đề tài thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội (KHXH). Đây là định hướng phản ánh
tầm nhìn chiến lược của nhà nước Việt Nam trong việc nỗ lực phát triển nền khoa học trong
nước nhằm hội nhập với thế giới.
Hiện nay, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực KHXHNV còn rất ít.
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm liên ngành thuộc Trường Đại học Thành
Tây thì chỉ có khoảng 500 nhà nghiên cứu KHXHNV Việt Nam đã có bài đăng trong ấn phẩm
khoa học thuộc danh mục Scopus trên tổng số 24.000 tiến sĩ (theo thống kê của Bộ Khoa học và
Công nghệ năm 2015) (Nghiêm Huê, 2017). Theo Nguyễn Thị Hiền (2016), sau khi quỹ Nafosted
Phạm Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Minh Nghĩa Tập 126, Số 5D, 2017
16
đề ra điều kiện các chủ nhiệm đề tài nộp hồ sơ xin tài trợ phải có công bố trên các tạp chí quốc
tế và quốc gia có uy tín mà hầu như tạp chí quốc tế phải đạt chuẩn ISI và Scopus, số lượng hồ
sơ tham gia xét duyệt giảm đáng kể. Hội đồng liên ngành Văn hóa học, Nghiên cứu nghệ thuật,
Thông tin đại chúng và Truyền thông (Nafosted) không nhận được một hồ sơ nào. Nguyên
nhân chủ yếu của vấn đề này là do các nhà khoa học trong lĩnh vực này không có công trình
được xuất bản trong các tạp chí ISI (Nguyễn Thị Hiền, 2016). Công bố quốc tế đang trở thành
một nhiệm vụ cấp bách của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học nhằm
khẳng định vị thế của họ.
Về vấn đề đạo văn, nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, đạo văn liên quan đến yếu tố
văn hóa và giáo dục (Sowden, 2005; Leask, 2006). Họ cho rằng văn hóa và phương pháp giáo
dục các nước châu Á là nguyên nhân dẫn đến hành vi đạo văn. Điều đó có nghĩa là vấn đề đạo
văn không được nhận thức một cách nghiêm túc và đầy đủ trong xã hội các nước châu Á. Tuy
nhiên, đa số các tạp chí quốc tế đều xuất phát từ nền văn hóa các nước phương Tây – vốn rất coi
trọng vấn đề bản quyền; họ chống lại hành vi đạo văn. Đảm bảo sự trung thực và chất lượng
tạp chí là nhiệm vụ cơ bản của công tác biên tập. Việc xuất bản các bài báo có hành vi đạo văn
sẽ mang lại sự tai tiếng cho tạp chí nên nhiệm vụ của các nhà biên tập là đảm bảo không có hiện
tượng đạo văn trong các ấn phẩm của tạp chí (Zhang, 2016, Tr. 8).
Vì vậy, với định hướng phát trên một nền khoa học mang tầm quốc tế của Nhà nước,
chúng tôi tin rằng việc tìm hiểu nhận thức của học sinh/ sinh viên, giảng viên và các nhà nghiên
cứu là điều cần thiết. Có thể nói rằng, đạo văn trong học thuật cũng tương tự như gian lận
trong thể thao hay tham nhũng trong phát triển kinh tế. Để đạt được một nền học thuật chân
chính, tiên tiến thì điều tất yếu là cần các chính sách chống đạo văn (Zhang, 2016, Tr. 10).
Trên thế giới, vấn đề đạo văn đang trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên
cứu trong những năm gần đây. Khoảng sau năm 2000, lý thuyết nghiên cứu đạo văn được mở
rộng trên nhiều khía cạnh khác nhau bao gồm: sự hiểu biết của sinh viên và giáo viên về đạo
văn, thái độ và động cơ của hành vi đạo văn, hay sự tác động của hành vi đào văn đến nền học
thuật (Carroll, 2006). Đạo văn ngày càng trở nên phổ biến và là vấn đề nghiêm trọng trong
phát triển khoa học toàn cầu (Park, 2003). McCabe (2017) đã thực hiện khảo sát 63.700 sinh viên
đại học và 9.250 học viên cao học ở Mỹ trong 3 năm (2002–2005) cho ra kết quả là 36 % sinh viên
và 24 % học viên cao học thừa nhận đã sao chép từ Internet cho bài báo cáo của mình mà không
trích nguồn; 38 % sinh viên và 25 % học viên cao học thừa nhận sao chép từ sách/ bài báo cho
bài báo cáo của mình mà không trích dẫn nguồn; 14 % sinh viên và 7 % học viên thừa nhận đã
bịa đặt nguồn tài liệu tham khảo Một số nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố văn hóa có tác động
lớn đến hành vi đạo văn. Sowden (2005, Tr. 226) cho rằng với cách thức giáo dục ở các nước có
truyền thống văn hóa Khổng giáo, sinh viên không có thói quen trích dẫn nguồn các ý kiến họ
sử dụng trong bài tiểu luận của mình bởi họ cho rằng ý kiến của tác giả hiển nhiên đúng và việc
Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017
17
đề cập tên tác giả là điều không cần thiết. Việt Nam là một trong những nước thuộc khu vực
Hán hóa và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa giáo dục Khổng giáo. Gần đây, báo chí thường
xuyên nhắc đến tình trạng đạo văn ở Việt Nam và xem đó là một tình trạng đáng báo động
Minh Giảng (2016) đã khảo sát về “tình trạng đạo văn” của trường Đại học Duy Tân năm 2015
và nhận thấy trên 80 % sinh viên đã vi phạm một trong các lỗi về đạo văn và có 36 % sinh viên
cho rằng lý do đạo văn là không biết cách trích dẫn. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát số lượng
công bố quốc tế giai đoạn 2011–2015 dựa trên dữ liệu Scopus của nhóm nghiên cứu Đại học
Quốc Gia Hà Nội thì Đại học Huế đứng thứ 10 trong top 15 trường đại học có công bố quốc tế
nhiều nhất ở Việt Nam (Hiền Huỳnh và cs., 2015). Tuy nhiên, số lượng công bố quốc tế chỉ tập
trung vào lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật còn công bố trong các lĩnh vực thuộc
KHXHNV còn rất ít. Theo kết khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu xã
hội liên ngành, Trường Đại học Thành Tây thì trong giai đoạn (2008 – 7.2017), Việt Nam chỉ có
412 nhà khoa học xã hội nhân văn có bài đăng trên các ấn phẩm Scopus. Đây là con số quá nhỏ
so với tổng số ước tính khoảng trên chục ngàn tiến sỹ của khối ngành này hiện nay (Ho TM và
cs., 2017). Đối với Đại học Huế, các công bố quốc tế thuộc lĩnh vực KHXHNV cũng còn rất hạn
chế. Trong giai đoạn từ 2012 đến 2017, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế có 118 bài báo
quốc tế nhưng chỉ có 2 bài thuộc lĩnh vực KHXH (Tóm tắt xuất bản quốc tế của Trường đại học
Khoa học – Đại học Huế, 3/2017). Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn công bố
quốc tế của các trường Đại học ở Việt Nam nói chung và Đại học Huế nói riêng là điều cần
thiết. đặc biệt, đối với Khoa Du lịch – Đại học Huế vốn là một đơn vị non trẻ, mới được thành
lập năm 2008, đội ngũ nghiên cứu có rất ít kinh nghiệm xuất bản thì việc tìm hiểu và đảm bảo
các tiêu chuẩn công bố quốc tế sẽ là bước đầu nâng cao năng lực nghiên cứu của cơ sở.
Vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là tìm hiểu nhận thức và thái độ của sinh viên và
giảng viên đối với hành vi đạo văn bao gồm cả các hình thức và nguyên nhân của việc đạo văn.
Từ đó đề xuất các giải pháp nhằm ngăn chặn và tránh đạo văn góp phần nâng cao chất lượng
nghiên cứu khoa học ở Khoa Du lịch, Đại học Huế.
2 Tổng quan lý luận về đạo văn
2.1 Đạo văn và các hình thức của đạo văn
Đạo văn là khái niệm xuất phát từ thuật ngữ tiếng Anh là plagiarism (Nguyễn Văn Tuấn,
2013, Tr. 167). Từ điển tiếng anh Oxford định nghĩa plagiarism (đạo văn) là “The practice of
taking someone else’s work or ideas and passing them off as one’s own.” – là hành vi sử dụng tác phẩm
hay ý tưởng của người khác mà không trích dẫn nguồn và công bố nó như là ý tưởng và từ ngữ
của mình”. Ngoài ra, từ điển này cũng cho biết từ đạo văn (plagiarism) xuất hiện vào khoảng
thế kỷ XVII, có nguồn gốc từ chữ Latinh plagiarius có nghĩa là kẻ bắt cóc (Oxford English
Dictionary, 2012). Theo Pennycook (1996), khái niệm đạo văn xuất phát từ sự phát triển về quan
niệm sở hữu văn bản. Trước thế kỷ thứ 17, khả năng sáng tạo được xem xét dưới tư cách là một
Phạm Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Minh Nghĩa Tập 126, Số 5D, 2017
18
hành động tái tạo hơn là hành động tạo tác. Trong khoảng thế kỷ 17–18, cùng với sự phát triển
của vai trò cá nhân, quan niệm về bản quyền – đạo văn bắt đầu được quan tâm như một hình
thức để công nhận quyền tác giả trong sáng tác văn chương. Từ đây, các nước phương Tây thiết
lập nên luật sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ tác giả nguyên bản, người thực sự sáng tạo ra văn bản
(Pennycook, trích dẫn theo Chou, 2010, Tr. 37). Chính sự đề cao vai trò cá nhân đã tạo nên sự
tôn trọng và bảo vệ giá trị nguyên bản trong văn hóa các nước phương Tây. Vì vậy, đạo văn là
một hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng ở các nước thuộc nền văn hóa phương Tây.
Hiện nay, đạo văn là một khái niệm rộng và phức hợp bao gồm nhiều yếu tố. Liddell
(2003) đã nghiên cứu tính phức hợp, chồng chéo của định nghĩa đạo văn và đề xuất định nghĩa
mới mang tính bao quát các khía cạnh của đạo văn như sau:
“Đạo văn là việc sử dụng ngôn ngữ, ý tưởng, cách thức tổ chức, tranh ảnh, số liệu, các sáng tạo,
sáng chế hay các dạng sản phẩm của người khác dưới tên của mình; nó bao gồm cả sở hữu trí tuệ cá
nhân và sở hữu tư liệu cộng đồng; nó bao gồm các hình thức mua bài báo, cắt dán từ nguồn Internet,
không dùng dấu ngoặc kép khi trích dẫn trực tiếp, viết lại ý tưởng của người khác mà không trích dẫn
nguồn, thuê người khác viết bài hoặc một phần bài/ công việc và công bố nó dưới tên của mình”
(Liddell, 2003, Tr. 49).
Định nghĩa nêu trên khái quát đạo văn là hành động biến kết quả công việc của người
khác thành của mình. Đạo văn được một số người xem là hành động của “kẻ cắp”. Các định
nghĩa về đạo văn có thể không thống nhất và phức tạp, nhưng tất cả các định nghĩa đều đi đến
kết luận rằng đó là một hành động gian lận. Hành động gian lận luôn xuất phát từ chủ đích của
người gian lận, nhưng một số trường hợp người thực hiện đạo văn thực hiện nó một cách vô
thức vì họ không biết nó là gì?
Vì vậy, vấn đề đạo văn không đơn thuần liên quan đến sự tham vọng mà nó cần được
xem xét trong mối quan hệ phức hợp giữa các yếu tố văn bản, cách thức ghi nhớ và cách thức
giáo dục ở những nền văn hóa khác nhau. Ví dụ, trong văn hóa Trung Hoa, người viết hoàn
toàn có thể trình bày lại những gì người khác đã nói/ trình bày. Sinh viên Trung Quốc có thói
quen bắt chước cách viết, cách tổ chức từ những tài liệu được xem là chuẩn mực. Đạo văn
trong trường hợp này gọi là đạo văn cắt dán, là việc người mới học cách viết thường sử dụng
cách viết của người khác để trình bày quan điểm của mình (Chou, 2010, Tr. 37). Tương tự,
Scollon (1995) cho rằng khái niệm đạo văn không thể tách rời mạng lưới văn hóa, xã hội và
chính trị. Hay nói cách khác, để tiếp cận ý nghĩa của khái niệm đạo văn cần phải xét đến các yếu
tố hoàn cảnh tác động đến nó (Leask, 2006).
Một khảo sát của Maurer và cs. (2006) đã tổng hợp và trình bày về các cách thức đạo văn
phổ biến như sau:
Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017
19
Đạo văn cắt – dán là sao chép nguyên văn từng chữ trong nội dung văn bản. Đạo dịch là
dịch bài báo, sách, câu/đoạn văn từ ngôn ngữ khác nhưng không ghi rõ nguồn. Đạo ý tưởng là
sử dụng khái niệm hoặc ý kiến của người khác mà không trích dẫn nguồn. Viết lại văn bản là
viết lại ý tưởng, nội dung văn bản của người khác mà không trích nguồn. Đạo tác phẩm nghệ
thuật là thể hiện ý tưởng của người khác bằng các công cụ truyền thông khác nhau như văn
bản, hình ảnh, âm thanh, video Trích dẫn nguồn cụ thể nhưng không đính kèm đường dẫn
dẫn đến nguồn tài liệu. Trích dẫn trực tiếp nhưng không để dấu ngoặc kép. Trích dẫn sai nguồn
tài liệu hay nội dung không có trong tài liệu gốc (Hermann Maurer, 2006).
2.2 Nguyên nhân của đạo văn
Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng đạo văn trong môi trường nghiên cứu và
học thuật. Nhiều nghiên cứu tập trung nghiên cứu vào khía cạnh này nhằm tìm hiểu các
nguyên nhân dẫn đến đạo văn từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng này
trong môi trường học thuật.
Ashworth và cs. (1997) đã tìm ra rằng chính việc không hiểu rõ về “đạo văn” dẫn đến
tình trạng này. Thái độ của sinh viên và giảng viên cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình
trạng đạo văn ở nhiều nghiên cứu (Evans và Youmans, 2000; Ponemon và Glazer, 1990; St
Pierre Nelson và Gabbin, 1990). Sierles và Hendrickx (1980) cũng cho rằng các sinh viên chịu áp
lực của việc đạt được bằng cấp thường có ý định đạo văn và nguyên nhân dẫn đến đạo văn của
các nhà nghiên cứu thường do áp lực của việc xuất bản nhằm đạt được thành công trong lĩnh
vực nghiên cứu. Hai tác giả này trong nghiên cứu của mình đã đưa ra kết quả rằng nếu không
có các khuyến cáo về hành vi đạo văn và không có chế tài xử lý cũng là nguyên nhân dẫn đến
tình trạng đạo văn ở sinh viên.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là có sự khác nhau trong cách nhận thức khác nhau về đạo văn
giữa giảng viên và sinh viên. Các yêu cầu của giáo dục bậc cao như bản quyền, nỗ lực cá nhân
hay yêu cầu chuyên môn ở trường đại học có thể ảnh hưởng đến hành vi đạo văn của giảng
viên (Flint và cs., 2006). Trong khi đó, một vài nhân tố ảnh hưởng đến thái độ và hành vi đạo
văn của sinh viên là do thiếu hiểu biết, thiếu đầu tư cá nhân trong việc học, thiếu các nội quy,
và thiếu tính phù hợp đối với các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau (Auer và Krupar, 2001). Theo
Dordoy (2002), các nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến đạo văn bao gồm sự thăng tiến, lười
nhác hoặc quản lý thời gian không tốt, không biết các quy tắc và nội quy và đạo văn không có
chủ ý. Một vài nhân tố dẫn đến đạo văn khác là tính cam kết thấp trong quá trình học tập và chỉ
tập trung vào các bằng cấp học thuật, phong cách của sinh viên, áp lực gia đình khiến sinh
viên cố gắng đạt được kết quả tốt nhất với ít nỗ lực nhất và ít thời gian nhất (Macdonald, 2000).
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến đạo văn rất đa dạng bao gồm cả nguyên nhân bên trong
(thiếu nhận thức, thái độ của cá nhân, thiếu năng lực nghiên cứu) và nguyên nhân bên ngoài
(áp lực, phương tiện Internet, thiếu khuyến cáo từ môi trường/ tổ chức làm việc) (Smith, 2007).
Phạm Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Minh Nghĩa Tập 126, Số 5D, 2017
20
Dựa trên kết quả nghiên cứu của các công trình kể trên, chúng tôi phân loại các nguyên
nhân dẫn đến đạo văn thành những hai nhóm:
(1) Nhóm nguyên nhân bên trong:
Thiếu kiến thức và sự hiểu biết về đạo văn,
Kỹ năng viết yếu,
Thiếu kỹ năng đánh giá và tổ chức nguồn tài liệu nghiên cứu,
Thiếu kỹ năng quản lý thời gian nghiên cứu,
Công việc/ bài tập/ nghiên cứu quá khó so với khả năng,
Thiếu kỹ năng trích dẫn từ các nguồn tài liệu.
(2) Nhóm nguyên nhân bên ngoài:
Dễ dàng truy cập và tải các tài liệu miễn phí từ các nguồn trên Internet,
Áp lực của việc xuất bản/ hoàn thành công việc/ bài tập để đạt được thành công,
Không có các khuyến cáo từ giảng viên/nhà trường/ nhà xuất bản về hành vi đạo
văn,
Hành vi đạo văn trở nên phổ biến.
3 Phương pháp nghiên cứu
Đạo văn là một thách thức trong môi trường nghiên cứu và học thuật, đặc biệt là các
trường đại học, một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng giữa sinh viên và giảng viên trong
trường đại học có nhận thức khác nhau về đạo văn (Flint và cs., 2006; Auer và Krupar, 2001). Do
đó, nghiên cứu đã tiến hành khảo sát cả hai đối tượng bao gồm sinh viên từ năm 1 đến năm 4
và giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu dưới 10 năm của Khoa Du lịch – Đại học
Huế.
Cỡ mẫu được xác định theo công thức tính quy mô mẫu của Linus Yamane (1967–1986):
( )
trong đó n là quy mô mẫu và N là kích thước tổng thể được xác định bằng tổng số sinh viên của
Khoa Du lịch bao gồm 1948 sinh viên của các khóa học và 71 giảng viên. Với độ tin cậy là 95 % và
sai số cho phép giữa tỷ lệ mẫu và tổng thể là e = 10 %, vậy quy mô mẫu nghiên là 95 mẫu.
Bảng hỏi là công cụ chính của nghiên cứu được thiết kế dựa trên kết quả của các công
trình nghiên cứu trước đây (Dordoy, 2002; Smith, 2007) liên quan bao gồm 3 phần chính. Phần 1
bao gồm những câu hỏi liên quan đến thực trạng đạo văn của giảng viên và sinh viên. Phần 2
liên quan đến nhận thức về đạo văn bao gồm những hình thức khác nhau của đạo văn được đo
lường với các mức độ 1 - Đồng ý, 2 - Không đồng ý, 3 - Không biết, và 4 - Không có ý kiến. Bên cạnh
đó, phần này cũng tìm hiểu sự khác nhau về nhận thức mức độ nghiêm trọng của vấn đề đạo
Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017
21
văn giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu là sinh viên và giảng viên. Phần 3 của bảng hỏi được
thiết kế dựa trên mô hình đề xuất các nguyên nhân về đạo văn của Smith (2007) nhằm khám
phá nhận thức về các nguyên nhân của đạo văn của sinh viên và giảng viên trong nghiên cứu.
Sau khi thảo luận với nhóm chuyên gia là những giảng viên và các chuyên viên liên quan
đến quản lý khoa học công nghệ và thư viện của Khoa Du lịch, các tác giả tiến hành điều tra thử
20 mẫu và điều chỉnh bảng hỏi cho phù hợp với thực tế. Sau đó, quá trình điều tra mở rộng
được thực hiện bằng bảng hỏi trực tuyến. Bảng hỏi được xây dựng bằng Google Form và phân
phối qua email và mạng xã hội Facebook cho sinh viên và giảng viên trong tháng 7 và tháng 8
năm 2017. Kết quả thu về 110 phiếu, trong đó có 29 phiếu trả lời của giảng viên và 81 phiếu trả
lời của sinh viên, , trong đó có 108 phiếu trả lời hợp lệ (đạt tỷ lệ 98,18 %). Như vậy, 110 bảng hỏi
được xử lý bằng phần mềm SPSS 21.0 và thực hiện các phân tích bao gồm: (1) Phân tích thống
kê mô tả nhằm tìm hiểu về nhận thức của sinh viên và giảng viên Khoa Du lịch về vấn đề đạo
văn; (2) Phân tích nhân tố khám phá (EFA) nhằm nhận diện và khám phá các nguyên nhân
chính dẫn đến đạo văn theo đánh giá của giảng viên và sinh viên.
4 Kết quả và thảo luận
4.1 Thông tin về mẫu điều tra
Trong 81 phiếu trả lời của sinh viên thu về có 79 phiếu hợp lệ (đạt tỷ lệ 97,5 %). Thống kê
về mẫu điều tra được trình bày trong Bảng 1. Các sinh viên tham gia khảo sát đến từ các ngành
học khác nhau, trong đó tỷ lệ cao nhất đến từ sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Bên
cạnh đó, nghiên cứu cũng tìm hiểu nhận thức của các giảng viên trẻ đang công tác tại Khoa Du
lịch về vấn đề đạo văn. Trong tổng số 29 phản hồi thu về từ các giảng viên có 21 giảng viên có
kinh nghiệm làm việc trên 5 năm và 8 giảng viên có kinh nghiệm làm việc từ 1 đến 5 năm. Các
giảng viên tham gia khảo sát có các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau như Văn hóa du lịch, Lữ
hành và Hướng dẫn viên, Nhà hàng – Khách sạn, Quản trị kinh doanh, Kinh tế du lịch.
Bảng 1. Thống kê mẫu điều tra
Tiêu chí Số lượng %
Sinh viên Năm 1 6 7,6
Năm 2 9 11,4
Năm 3 27 34,2
Năm 4 37 46,8
Giảng viên Kinh nghiệm từ 1 đến 5 năm 8 27,6
Kinh nghiệm trên 5 năm 21 72,4
Nguồn: số liệu điều tra năm 2017
Phạm Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Minh Nghĩa Tập 126, Số 5D, 2017
22
4.2 Nhận thức về đạo văn
Nhận thức về vấn đề đạo văn
Trong số sinh viên và giảng viên tham gia khảo sát, 91,7 % cho rằng đã từng nghe đến
thuật ngữ “đạo văn”, 66,1 % thừa nhận đã từng chép một câu/đoạn văn ngắn từ Internet vào
bài thi/tiểu luận/luận văn của mình nhiều hơn 2 lần; 40,4 % chép một đoạn hay câu trong bài
thi/tiểu luận/khóa luận/bài viết của người khác vào bài của mình. Hình thức làm hộ người khác
cũng được xem là đạo văn, trong đó làm hộ bài tập chiếm tỷ lệ cao nhất 40,4 %; làm hộ bài trình
bày powerpoint chiếm 22,9 % và 11,0 % làm hộ một đoạn trong bài tiểu luận; tuy nhiên, tỷ lệ
những người tham gia khảo sát chưa từng làm hộ bài tập/bài trình bày/tiểu luận cho người khác
cũng chiếm tỷ lệ cao (25,7 %).
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng 91,7 % sinh viên và giảng viên tham gia khảo sát đã từng nghe
đến thuật ngữ “đạo văn”. Vì vậy, để xác nhận lại vấn đề này, nghiên cứu đưa ra các 10 câu hỏi
nhằm đánh giá mức độ nhận thức của sinh viên và giảng viên về đạo văn.
Kết quả Bảng 2 cho thấy, nhận thức về vấn đề đạo văn của sinh viên và giảng viên Khoa
Du lịch khá cao trong đó, “Chép nguyên văn một phần/đoạn văn trong sách/ bài báo mà không trích
dẫn nguồn”; “Trích dẫn nguyên văn một phần/ một đoạn trong sách/ bài báo mà không sử dụng dấu
ngoặc kép”; “Sao chép từ Internet mà không trích dẫn nguồn”; “Dịch một câu/đoạn văn từ tiếng nước
ngoài ra tiếng Việt mà không trích dẫn nguồn” được xem là đạo văn với mức độ đồng ý đều trên
50 %.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến “Trình bày/ công bố kết quả công việc/ công trình nghiên
cứu của cá nhân dưới danh nghĩa của một nhóm”; “Bịa đặt tài liệu tham khảo”; “Bịa đặt và thay đổi số
liệu trong nghiên cứu”; “Sao chép bài tập/ khóa luận/ bài báo đã công bố của chính mình/ nhóm mình”có
mức độ không đồng ý cao hơn đồng ý. Bên cạnh đó, một tỷ lệ khá cao trả lời không biết (lớn
hơn 10 %) về những vấn đề này, chứng tỏ sinh viên và giảng viên Khoa Du lịch vẫn chưa có
nhận thức đúng về các vấn đề trên khi cho rằng đó không phải là đạo văn. Và điều này có thể
dẫn đến việc đạo văn một cách vô ý thức trong tương lai.
Bảng 2. Đánh giá mức độ nhận thức về đạo văn
Đạo văn là
Đồng ý Không đồng ý Không biết
Không có ý
kiến
SL % SL % SL % SL %
1. Chép nguyên văn một phần/đoạn
văn trong sách/ bài báo mà không
trích dẫn nguồn.
65 59,1 37 33,6 6 5,5 2 1,8
2. Trích dẫn nguyên văn một phần/
một đoạn trong sách/ bài báo mà
không sử dụng dấu ngoặc kép.
61 55,5 43 39,1 4 3,6 2 1,8
3. Tóm tắt/ viết lại nội dung từ sách/
bài báo mà không trích dẫn nguồn.
51 46,4 45 40,9 7 6,4 7 6,4
4. Trình bày/ công bố kết quả công
việc/ công trình nghiên cứu của một
nhóm dưới danh nghĩa của cá nhân.
50 45,5 45 40,9 10 9,1 5 4,5
5. Trình bày/ công bố kết quả công
việc/ công trình nghiên cứu của cá
37 33,6 47 42,7 15 13,6 11 10,0
Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017
23
Đạo văn là
Đồng ý Không đồng ý Không biết
Không có ý
kiến
SL % SL % SL % SL %
nhân dưới danh nghĩa của một
nhóm.
6. Sao chép từ Internet mà không
trích dẫn nguồn
61 55,5 30 27,3 10 9,1 9 8,2
7. Bịa đặt tài liệu tham khảo 38 34,5 48 43,6 16 14,5 8 7,3
8. Bịa đặt và thay đổi số liệu trong
nghiên cứu.
38 34,5 42 38,2 22 20,0 8 7,3
9. Dịch một câu/đoạn văn từ tiếng
nước ngoài ra tiếng Việt mà không
trích dẫn nguồn
57 51,8 33 30,0 10 9,1 10 9,1
10. Sao chép bài tập/ khóa luận/ bài
báo đã công bố của chính mình/
nhóm mình.
41 37,3 43 39,1 17 15,5 9 8,2
Nguồn: số liệu điều tra năm 2017
Nhận thức về mức độ nghiêm trọng của đạo văn
Ngoài việc tìm hiểu về nhận thức của sinh viên và giảng viên về thuật ngữ cũng như
những hiểu biết về hình thức đạo văn hiện nay trong môi trường học thuật, nghiên cứu cũng
tìm hiểu nhận biết của 2 đối tượng này đối với tính nghiêm trọng của việc đạo văn.
Bảng 3. Đánh giá về mức độ nghiêm trọng của việc đạo văn
Các tiêu chí
Mức độ nghiêm trọng*
Sinh viên Giảng viên
Mức ý
nghĩa** (Sig.)
Đạo văn là vi phạm đạo đức học thuật 4,00 4,59 0,000
Đạo văn là vi phạm luật sở hữu trí tuệ 4,02 4,52 0,004
Đạo văn làm cản trở sự phát triển của khoa học 3,94 4,52 0,001
Nguồn: Số liệu điều tra năm 2017
Ghi chú: * Thang đo: Từ 1 – Hoàn toàn không nghiêm trọng đến 5 – Rất nghiêm trọng, ** Phân tích
ANOVA
Mức ý nghĩa (sig.) trong phân tích ANOVA < 0,05 cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống
kê về đánh giá mức độ nghiêm trọng của đạo văn giữa giảng viên và sinh viên. Cụ thể, mặc dù
giảng viên đánh giá các vấn đề về đạo văn nghiêm trọng hơn so với các sinh viên, nhưng tất cả
các vấn đề trên điều được cả giảng viên và sinh viên đồng ý với tính nghiêm trọng của vấn đề.
Trong đó, các giảng viên đều đánh giá ở mức độ rất nghiêm trọng đối với việc đạo văn là vi
phạm học thuật (4,59), đạo văn là vi phạm luật sở hữu trí tuệ (4,52), đạo văn làm cản trở sự phát
triển của khoa học (4,52). Sinh viên cũng đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng của các vấn
đề đạo văn, nhưng các đánh giá của họ đối với các chỉ tiêu chỉ ngang mức độ nghiêm trọng
(Bảng 3).
Phạm Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Minh Nghĩa Tập 126, Số 5D, 2017
24
4.3 Nguyên nhân đạo văn
Để tìm hiểu và đánh giá các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo văn hiện nay, nghiên
cứu phát triển các câu hỏi dựa trên các nghiên cứu trước đây và được đo lường bằng 10 biến
quan sát. Phương pháp phân tích nhân tố được thực hiện nhằm xác định các yếu tố dẫn đến
tình trạng đạo văn. Sau khi kiểm tra độ tin cậy Cronbach’s Alpha thì biến “Nguyên nhân đạo văn
là do thiếu kiến thức về vấn đề đạo văn” loại khỏi thang đo (vì có hệ số tương quan biến tổng 0,279
< 0,3) tất cả các biến có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3 được đưa vào phân tích nhân tố
khám phá để đánh giá lại mức độ hội tụ của các biến quan sát theo các thành phần. KMO =
0,758 thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1, do đó phân tích nhân tố khám phá là thích hợp cho dữ
liệu điều tra. Kiểm định Barlett có Sig. < 0,05, cho thấy các biến quan sát có tương quan tuyến
tính với nhân tố đại diện. Trị số phương sai trích là 54,902 %, điều này có nghĩa là 54,902 % thay
đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát. Kết quả phân tích nhân tố cho thấy có
2 yếu tố mới được thành lập và được đặt tên lại bao gồm: (1) Nguyên nhân bên trong và (2)
Nguyên nhân bên ngoài (Bảng 4).
Bảng 4. Kết quả phân tích nhân tố EFA
Nhân tố
Hệ số tải nhân tố
1 2
Yếu tố 1: Nguyên nhân bên trong
Nguyên nhân đạo văn là do công việc/ bài tập/ nghiên cứu quá khó so với khả năng 0,793
Nguyên nhân đạo văn là do kỹ năng viết yếu 0,791
Nguyên nhân đạo văn là do thiếu kỹ năng đánh giá và tổ chức nguồn tài liệu nghiên cứu 0,783
Nguyên nhân đạo văn là do áp lực của việc xuất bản/ hoàn thành công việc/ bài tập để đạt được
thành công
0,633
Nguyên nhân đạo văn là do thiếu kỹ năng trích dẫn từ các nguồn tài liệu 0,556
Nguyên nhân đạo văn là do thiếu kỹ năng quản lý thời gian nghiên cứu 0,411
Yếu tố 2: Nguyên nhân bên ngoài
Nguyên nhân đạo văn là do không có các khuyến cáo từ giảng viên/ nhà trường/ nhà xuất bản
về hành vi đạo văn
0,802
Nguyên nhân đạo văn là do hành vi đạo văn trở nên phổ biến 0,751
Nguyên nhân đạo văn là do dễ dàng truy cập và tải các tài liệu miễn phí từ các nguồn trên
Internet
0,699
Nguồn: số liệu điều tra năm 2017
Như vậy, 2 nhóm nguyên nhân cơ bản dẫn đến đạo văn đã được các giảng viên và sinh
viên Khoa Du lịch nhận thấy bao gồm nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài. Các
nguyên nhân bên trong đó là thiếu các kỹ năng và năng lực nghiên cứu cũng, các nguyên nhân
bên ngoài bao gồm thiếu khuyến cáo từ trường học, các công cụ Internet phát triển và đạo văn
là hành vi phổ biến.
Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017
25
5 Kết luận và một số kiến nghị
Nghiên cứu đã khám phá được rằng thuật ngữ đạo văn không phải là một thuật ngữ mới
đối với sinh viên và giảng viên Khoa Du lịch, Đại học Huế (91,7 % đã từng nghe đến thuật ngữ
này). Đa số họ đều nhận thức rất rõ các hình thức đạo văn với tỷ lệ trên 50 % nhận biết được các
cách thức đạo văn thông thông thường nhưng cũng trên 50 % thừa nhận họ đã thực hiện một
trong các hình thức đạo văn đó. Bên cạnh đó, đối với các hình thức đạo văn khác“Trình bày/
công bố kết quả công việc/ công trình nghiên cứu của cá nhân dưới danh nghĩa của một nhóm”; “Bịa đặt
tài liệu tham khảo”; “Bịa đặt và thay đổi số liệu trong nghiên cứu”; “Sao chép bài tập/ khóa luận/ bài báo
của đã công bố của chính mình/ nhóm mình” tỷ lệ không đồng ý cao hơn đồng ý chứng tỏ vẫn còn
một số sinh viên và giảng viên không có hiểu biết một cách toàn diện về các hình thức đạo văn.
Ngoài ra, vẫn còn một tỷ lệ lớn những người tham gia khảo sát không biết về các vấn đề trên,
và khoảng 10 % không đưa ra ý kiến cho các vấn đề khảo sát.
Dựa vào phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA, nghiên cứu cũng tìm ra rằng 2
nguyên nhân chính dẫn đến đạo văn đó là các nguyên nhân bên trong bao gồm thiếu các khả
năng nghiên cứu, thiếu khả năng quản lý thời gian, thiếu các kỹ năng trong nghiên cứu và viết
học thuật. Nguyên nhân chính thứ hai dẫn đến đạo văn đó là các nguyên nhân từ bên ngoài
như do không có các khuyến cáo từ giảng viên/nhà trường/nhà xuất bản về hành vi đạo văn, do
hành vi đạo văn trở nên phổ biến và cách thức giáo dục, do dễ dàng truy cập và tải các tài liệu
miễn phí từ các nguồn trên Internet.
Như vậy, qua nghiên cứu trên chúng ta có thể nhận thấy rằng đạo văn không đơn thuần
là một hành động “ăn cắp” hay sự lười biếng mà nó còn xuất phát từ các yếu tố văn hóa, giáo
dục nên họ ít có ý niệm về nó. Tuy nhiên, để tham gia vào mạng lưới học thuật quốc tế, các
trường đại học ở Việt Nam nói chung và KDL–ĐHH nói riêng cần nhận thức rõ sự nghiêm
trọng của vấn đề đạo văn và có các giải pháp ngăn chặn hành vi này. Dựa trên kết quả nghiên
cứu trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao nhận thức về đạo văn của giảng
viên trẻ và sinh viên khoa Du lịch như sau:
(1) Tổ chức các khóa học nâng cao hiểu biết về đạo văn và các kỹ năng nghiên cứu khoa học. Đối
với nhóm giải pháp này, chúng tôi cho rằng Tổ khoa học công nghệ và Thư viện của Khoa nên
thường xuyên tổ chức các khóa học về kỹ năng nghiên cứu khoa học, cách thức trích dẫn nguồn
tài liệu, hay kỹ năng xuất bản các công trình nghiên cứu.
(2) Khoa cần đề nghị Đại học Huế sử dụng các công cụ điện tử giúp phát hiện đạo văn. Đối với
giải pháp này, chúng tôi đề xuất Khoa công nghệ thông tin của Đại học Huế hay bộn môn ICT,
Khoa Du lịch có thể dựa trên các công cụ phát hiện đạo văn hiện có trên thế giới để xây dựng
công cụ điện tử phát hiện đạo văn chuyên biệt đối với tiếng Việt.
(3) Khoa cần ban hành các chế tài xử lý khi phát hiện hành vi đạo văn. Ngoài các giải pháp
mang tính chính sách nêu trên, chúng tôi cũng cho rằng việc khuyến khích và hỗ trợ các giảng
Phạm Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Minh Nghĩa Tập 126, Số 5D, 2017
26
viên và sinh viên xuất bản các công trình nghiên cứu của mình sẽ có tác động tích cực đến việc
tránh đạo văn và nâng cao chất lượng học thuật của Khoa Du lịch – Đại học Huế
Tài liệu tham khảo
1. Ashworth P., Bannister P., Thorne P. (1997), Guilty in whose eyes? University students
perceptions of cheating and plagiarism in academic work and assessment, Studies in Higher
Education, 22(2), 187–203.
2. Auer N. J., Krupar E. M. (2001), Mouse click plagiarism: The role of technology in
plagiarism and the librarian›s role in combating it, Library Trends, 49(3), 415–32.
3. Carroll Jude & Ranald MacDonald (2006), Plagiarism—a complex issue requiring a holistic
institutional approach. Assessment & Evaluation in Higher, 31, 233–234.
4. Chou, I.-C. (2010), Is Plagiarism a Culture Product: The Voice of a Chinese-Speaking ELL.
The International Journal - Language Society and Culture, 31, 37–41.
5. Dictionary, O.E. (2012), Oxford English Dictionary Online. [Online], Available at:
https://en.oxforddictionaries.com/definition/plagiarism, [Accessed 30 7 2017].
6. Dordoy A., editor (2002), Cheating and plagiarism: student and staff perceptions at
Northumbria, The Northumbria Conference – Educating for the Future, Junly 2002.
7. Evans, F. B. & Youmans, M. (2000), ESL writers discuss plagiarism: the social construction
of ideologies, Journal of Education, 182(3), 49–65.
8. Flint A., Clegg S., Macdonald R. (2006), Exploring staff perceptions of student plagiarism,
Journal of further and higher education, 30(02), 145–56.
9. Hermann Maurer; Frank Kappe & Bilal Zaka. (2006), Plagiarism: A survey, Journal of
Universal Computer Science, 12(8), 1050–1084.
10. Ho TM, Nguyen HV, Vuong TT et al. (2007), Exploring Vietnamese co-authorship patterns
in social sciences with basic network measures of 2008-2017 Scopus data [version 1;
referees: 3 approved], F1000Research 2017, 6:1559 (doi: 10.12688/f1000research.12404.1)
11. Huỳnh Hiền, Phạm Hiệp và Abraham Trần, (2015), Đại học Đà Nẵng. [Online]. Available
at: [Accessed 8 10 2017].
12. Leask, B. (2006), Plagiarism, cultural diversity and metaphor—implications for academic
staff development, Assessment & Evaluation in Higher Education, 31(2), 183–199.
13. Liddell, J. (2003), A Comprehensive Definition of Plagiarism, Community and Junior College,
11(3), 43–52.
14. Macdonald R., (2000), Why don’t we turn the tide of plagiarism to the learners’ advantage,
Times Higher Educational Supplement, 24.
Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 5D, 2017
27
15. McCabe, D., 2017. Plagiarism. [Online]. Available at:
[Accessed 19 7 2017].
16. Minh Giảng, n.d Tuổi trẻ online. [Online], Available at:
duc/20150530/dao-van-ngay-cang-dang-bao-dong/754254.html. [Accessed 19 7 2017].
17. Nguyễn Thị Hiền (2016), Tia Sáng. [Online], Available at:
khoa-hoc/Nghien-cuu-KHXHNV-Nguyen-nhan-kho-cong-bo-quoc-te-10034. [Accessed 19
7 2017].
18. Nguyễn Văn Tuấn (2013), Từ nghiên cứu đến công bố: kỷ năng mềm cho nhà khoa học, Nxb.
Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, T.P. Hồ Chí Minh.
19. Nghiêm Huê, (2017), Báo Mới. [Online]. Available at: https://www.baomoi.com/410-nha-
khxh-nv-viet-nam-co-cong-bo-tren-scopus/c/23489494.epi [Accessed 8 10 2017].
20. Park, C. (2003), In Other (People's) Words: Plagiarism by University students: literature
and lessons, Assessment & Evaluation in Higher, 25(5), 471.
21. Ponemon, L., & Glazer, A. (1990), Accounting education and ethical development: The
influence of liberal learning on students and alumni in accounting practice, Accounting
Education, 5(2), 195–208.
22. Quý Hiên (2017), Thanh Niên, [Online], Available at:
khoa-hoc-xa-hoi-nhan-van-moi-co-1-nguoi-co-kha-nang-dan-dat-883440.html [Accessed 8
10 2017].
23. Sowden, C. (2005), Plagiarism and the culture of multilingual students in higher education
abroad, ELT Journal, 3(59), 266–233.
24. Sierles, F., & Hendrickx, I. (1980), Cheating in medical school. Academic Medicine, 55(2),
124–5.
25. Smith, M., Ghazali, N., & Minhad, S. F. N. (2007), Attitudes towards plagiarism among
undergraduate accounting students: Malaysian evidence. Asian Review of Accounting, 15(2),
122–146.
26. St Pierre, K. E., Nelson, E., & Gabbin, A. (1990), A study of the ethical development of
accounting majors in relation to other business and nonbusiness disciplines, The Accounting
Educators' Journal, 3(1), 23–35.
27. Thông tư Ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ, [Online]. Available at:
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-08-2017-TT-BGDDT-Quy-che-
tuyen-sinh-dao-tao-trinh-do-tien-si-338487.aspx. [Accessed 19 7 2017].
28. Tóm tắt xuất bản quốc tế giai đoạn (2012 – 2017) (Summary international publication (2012
-2017), (2017), Kỷ niệm 60 năm thành lập Đại học Huế (1957 -2017), Huế: Đại học Khoa học
Huế.
29. Zhang, H. (2016), Against Plagiarism, Heidelberg New York Dordrecht London: Springer
International Publishing.
Phạm Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Minh Nghĩa Tập 126, Số 5D, 2017
28
AWARENESS OF STUDENTS AND TEACHERS ABOUT
PLAGIARISM AT SCHOOL OF HOSPITALITY AND TOURISM
– HUE UNIVERSITY
Phan Thi Diem Huong*, Nguyen Thi Minh Nghia
HU – School of Hospitality and Tourism, 22 Lam Hoang St., Hue, Vietnam
Abstract: This article explores the issue of awareness of plagiarism among students and young
lecturers at School of Hospitality and Tourism – Hue University. The study aims to investigate
their understanding of the concept of plagiarism as well as their view of the reasons for this
problem through an online survey. The findings indicated that most students and young
lecturers in the survey clearly recognized several forms of plagiarism. However, they confessed
that they committed at least one form of plagiarism. This is due to the internal causes (e.g. lack
of skill in research or lack of awareness for acknowledgement of others’ studies) and external
causes (e.g. pressure, Internet availability, lack of the recommendation from their institutions or
plagiarism becomes popular).
Keywords: plagiarism, students, lecturers, School of Hospitality and Tourism, causes
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nhan_thuc_ve_dao_van_cua_sinh_vien_va_giang_vien_khoa_du_lic.pdf