Có thể nói pháp luật trách nhiệm sản phẩm
của Việt Nam vẫn còn khá sơ sài, thiếu vắng
nhiều quy định, mặc khác còn có sự chồng
chéo, không thống nhất giữa các văn bản luật.
Do đó, pháp luật cần tiếp tục được bổ sung,
hoàn thiện trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm
lập pháp và án lệ của các nước trên thế giới:
Một là, bỏ các quy định về bồi thường thiệt
hại do hàng hóa không bảo đảm chất lượng
trong Mục 2 Chương 5 Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa.
Hai là, đảm bảo sự thống nhất, hài hòa
trong quy định về trách nhiệm sản phẩm của Bộ
luật dân sự năm 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng năm 2010 theo một trong hai
phương án:
Phương án 1: bỏ Điều 608 Bộ luật dân sự
năm 2015 và quy định chi tiết về trách nhiệm
sản phẩm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng.
Phương án 2: giữ nguyên Điều 608 Bộ luật
dân sự năm 2015 nhưng thống nhất sử dụng
khái niệm “hàng hóa có khuyết tật” (là khái
niệm đã được thừa nhận chung trong pháp luật
về trách nhiệm sản phẩm trên thế giới) và đưa
các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong
Luật Bảo vệ người tiêu dùng vào Bộ luật dân sự
với tư cách là một trường hợp bồi thường thiệt
hại cụ thể để tòa án dễ dàng trong việc áp dụng.
Ba là, dù được xây dựng theo phương án
nào nêu trên thì các quy định pháp luật Việt
Nam cũng cần làm rõ định nghĩa về các dạng
hàng hóa có khuyết tật, các yếu tố mà nguyên
đơn (người tiêu dùng) cần chứng minh, những
loại thiệt hại nào được chấp nhận bồi thường,
quy định bổ sung các trường hợp miễn trách
nhiệm, nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích giữa
người tiêu dùng và các chủ thể sản xuất, kinh
doanh.
16 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 24/01/2022 | Lượt xem: 260 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm: Từ lí thuyết đến thực tiễn ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ba học thuyết cơ bản
để áp dụng trách nhiệm sản phẩm là học thuyết
về sự bất cẩn (negligence), học thuyết về vi
phạm nghĩa vụ bảo đảm của nhà sản xuất
(breach of warranty) và học thuyết về “trách
nhiệm nghiêm ngặt” (strict liability). Sự phát
triển của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm
cho thấy với nhu cầu bảo vệ người tiêu dùng
ngày càng gia tăng trong xã hội công nghiệp
hiện đại, pháp luật trách nhiệm sản phẩm đã
từng bước được hoàn thiện, phạm vi áp dụng
trách nhiệm được mở rộng hơn, cung cấp
cho người tiêu dùng các công cụ pháp lý hữu
hiệu hơn để đòi lại công bằng cho họ trong
trường hợp bị thiệt hại do sản phẩm có
khuyết tật gây ra.
Hiện nay, pháp luật các nước trên thế giới
vẫn có những điểm khác biệt nhất định về phạm
vi trách nhiệm sản phẩm, về căn cứ xác định
trách nhiệm. Giới doanh nghiệp và các công ty
bảo hiểm cũng vận động hành lang một cách
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
41
quyết liệt để quy định thêm các giới hạn của
trách nhiệm sản phẩm. Điều đó cho thấy bản
chất của pháp luật trách nhiệm sản phẩm chính
là phải thiết lập sự cân bằng giữa lợi ích của
doanh nghiệp, yêu cầu phát triển kinh tế với lợi
ích của công chúng, lợi ích của người tiêu dùng.
Dù có những khác biệt hay tranh luận về trách
nhiệm sản phẩm, các nước hiện nay thừa nhận
rằng trách nhiệm sản phẩm là một công cụ pháp
lý không thể thiếu để bảo vệ lợi ích người tiêu
dùng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự
phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, khi
nền sản xuất được tự động hóa một cách cao độ.
2. Khái niệm và đặc điểm của trách nhiệm
sản phẩm
Trách nhiệm sản phẩm (product liability) là
trách nhiệm của người sản xuất hoặc người bán
hàng trong việc bồi thường các thiệt hại gây ra
bởi khuyết tật của hàng hóa mà họ đã cung cấp
cho người tiêu dùng trong quá trình kinh doanh.
Như vậy, trách nhiệm sản phẩm có những đặc
điểm sau:
Thứ nhất, trách nhiệm sản phẩm là một loại
trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đó là là trách
nhiệm pháp lý của người sản xuất, người cung
ứng sản phẩm hàng hoá đối với an toàn về sức
khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng. Về bản
chất, trách nhiệm sản phẩm là một dạng trách
nhiệm dân sự, theo đó khi có thiệt hại xảy ra,
pháp luật quy định buộc các chủ thể nhất định
(chủ thể trực tiếp gây thiệt hại hoặc có liên quan
đến việc gây ra thiệt hại) phải bù đắp những
thiệt hại đã gây ra cho người khác dựa trên căn
cứ pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng hoặc do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng.
Như đã phân tích ở trên, theo pháp luật trách
nhiệm sản phẩm hiện đại, việc xác định trách
nhiệm sản phẩm không nhất thiết chỉ dựa vào
quan hệ hợp đồng giữa người bị thiệt hại và nhà
sản xuất, cung ứng sản phẩm. Mối liên hệ giữa
người phải chịu trách nhiệm và người bị thiệt
hại được xác định thông qua một sản phẩm,
theo đó, người phải chịu trách nhiệm là người
sản xuất hoặc cung ứng sản phẩm và người
được bồi thường thiệt hại là người tiêu dùng sản
phẩm đó, giữa họ có thể có quan hệ hợp đồng
trực tiếp hoặc không có quan hệ hợp đồng
Thứ hai, chủ thể gánh chịu trách nhiệm sản
phẩm là người sản xuất hoặc người bán hàng,
tức là một chủ thể tham gia vào quy trình đưa
một sản phẩm đến người tiêu dùng, có mối liên
hệ trực tiếp đối với sản phẩm [4]. Chủ thể đó có
thể là: (i) người sản xuất ra sản phẩm (bao gồm
cả người sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh hoặc
là người sản xuất ra một phần, một bộ phận
trong sản phẩm hoàn chỉnh đó); (ii) người thực
hiện vai trò phân phối trung gian đối với sản
phẩm (các nhà bán buôn, nhà phân phối) hoặc
(iii) người cung cấp sản phẩm đến tận tay của
người tiêu dùng (ví dụ: các cửa hàng bán lẻ).
Thứ ba, cơ sở để xác định trách nhiệm sản
phẩm là việc sản phẩm có khuyết tật và khuyết
tật đó gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng.
Khuyết tật của sản phẩm tồn tại dưới ba dạng:
khuyết tật trong quá trình sản xuất, khuyết tật
trong thiết kế sản phẩm, khuyết tật trong việc
tiếp thị, quảng cáo sản phẩm (không cảnh báo
nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng).
3. Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là nước tiên phong trong việc hình
thành pháp luật về trách nhiệm sản phẩm. Đến
nay, pháp luật Hoa Kỳ thừa nhận cả ba học
thuyết về trách nhiệm sản phẩm: sự bất cẩn,
trách nhiệm nghiêm ngặt và vi phạm nghĩa vụ
bảo đảm. Hai lĩnh vực pháp luật được áp dụng
phổ biến để quy trách nhiệm sản phẩm là pháp
luật về bồi thường thiệt hại (torts law) và pháp
luật về hợp đồng (đặc biệt là Điều 2-313 và 2-
314 Bộ luật thương mại thống nhất UCC quy
định về các bảo đảm công khai và bảo đảm
ngầm định của bên bán).
3.1. Trách nhiệm sản phẩm dựa trên sự bất cẩn
Trong trường hợp người tiêu dùng yêu cầu
bồi thường đối với sản phẩm khuyết tật do sự
bất cẩn, họ phải chứng minh được bốn yếu tố:
(1) nhà sản xuất có nghĩa vụ cẩn trọng hợp lý
(reasonable care) trong việc sản xuất sản phẩm
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
42
an toàn, (2) nhà sản xuất đã vi phạm nghĩa vụ
đó bằng việc không loại trừ các nguy cơ mất an
toàn có thể dự liệu trước, (3) có thiệt hại xảy ra
và (4) có mối quan hệ nhân quả giữa sự vi
phạm nghĩa vụ của nhà sản xuất và thiệt hại xảy
ra. Trong đó, yếu tố thứ hai (nhà sản xuất đã vi
phạm nghĩa vụ cẩn trọng – tức là có lỗi bất cẩn)
là yếu tố khó chứng minh nhất.
Các trường hợp bất cẩn có thể là: bất cẩn
trong khâu sản xuất (lắp ráp bất cẩn, sử dụng
nguyên vật liệu, bao bì không phù hợp), bất cẩn
trong việc kiểm tra sản phẩm, bất cẩn trong việc
không cảnh báo đầy đủ về nguy hiểm hoặc
khuyết tật, bất cẩn trong việc thiết kế.
3.2. Trách nhiệm nghiêm ngặt
Trách nhiệm nghiêm ngặt là cơ sở thuận lợi
nhất cho yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do
khuyết tật của sản phẩm. Trách nhiệm nghiêm
ngặt được hiểu là người sản xuất phải chịu trách
nhiệm nếu như sản phẩm có khuyết tật và việc
sử dụng sản phẩm có khuyết tật này trong điều
kiện bình thường gây ra những thiệt hại cho
người sử dụng, người khởi kiện không cần
chứng minh có hay không có sự bất cẩn của nhà
sản xuất, có hay không có nghĩa vụ đảm bảo.
Năm 1965, Bộ diễn giải Luật bồi thường
thiệt hại (phiên bản lần thứ hai) (Restatement
(Second) of Torts) do Viện luật Hoa Kỳ soạn
thảo – được coi như một nguồn luật có tính chất
tham khảo về bồi thường thiệt hại được các tòa
án áp dụng phổ biến – đã chính thức ghi nhận
nguyên tắc “trách nhiệm nghiêm ngặt” (Điều
402A). Sau đó, từng bước, các tòa án mở rộng
phạm vi áp dụng không chỉ đối với sản phẩm có
khuyết tật trong khâu sản xuất, mà cả với sản
pthẩm có khuyết tật do thiết kế và khiếm khuyết
trong quảng cáo, tiếp thị (không cảnh báo cho
người tiêu dùng về nguy cơ của sản phẩm).
Năm 1998, Bộ diễn giải Luật bồi thường thiệt
hại (phiên bản lần thứ ba) (Restatement (Third)
of Torts) tiếp tục hoàn thiện các quy định về
trách nhiệm sản phẩm theo học thuyết trách
nhiệm nghiêm ngặt và Bộ diễn giải này được
hầu hết tòa án của các bang áp dụng.
Nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt ban
đầu được ghi nhận tại Điều 420A Bộ diễn giải
Luật bồi thường thiệt hại (phiên bản lần thứ 2)
như sau:
1. Người nào bán sản phẩm trong tình trạng
có khuyết tật gây nguy hiểm một cách phi lý
cho người sử dụng hoặc người tiêu dùng hoặc
cho tài sản của họ thì phải chịu trách nhiệm đối
với thiệt hại về thân thể gây ra bởi khuyết tật đó
cho người sử dụng cuối hoặc người tiêu dùng,
hoặc cho tài sản của người đó, nếu:
i) người bán là thương nhân kinh doanh sản
phẩm đó, và
ii) sản phẩm được kỳ vọng và thực tế được
đưa đến người sử dụng và người tiêu dùng mà
không có thay đổi đáng kể về tình trạng sản
phẩm so với khi nó được bán.
2. Quy định ở khoản 1 vẫn áp dụng kể cả khi:
i) người bán đã thực hiện mọi sự cẩn trọng
có thể trong việc sản xuất và bán sản phẩm, và
ii) người sử dụng hay người tiêu dùng
không mua sản phẩm từ người bán hoặc không
có bất kỳ quan hệ hợp đồng nào với người bán.
Như vậy, để áp dụng trách nhiệm nghiêm
ngặt theo quy định trên phải thỏa mãn bốn yếu tố:
Một là, người bán là thương nhân kinh
doanh sản phẩm đó, có thể là nhà sản xuất,
người bán buôn hoặc người bán lẻ.
Hai là, sản phẩm phải được bán ra trong
tình trạng có khuyết tật và nguy hiểm một cách
phi lý cho người dùng do tình trạng khuyết tật
đó. Tiêu chí để xác định tình trạng khuyết tật
của sản phẩm là sản phẩm có đáp ứng vọng hợp
lý của một người tiêu dùng bình thường hay
không (consumer reasonable expectation). Sản
phẩm nguy hiểm một cách phi lý là sản phẩm
nguy hiểm tới mức một người tiêu dùng bình
thường không thể dự liệu được nguy cơ đó một
cách hợp lý.
Ba là, tình trạng nguy hiểm phi lý đó gây ra
thiệt hại cho người tiêu dùng
Bốn là, sản phẩm không được biến đổi một
cách đáng kể sau khi bán. Trong trường hợp sản
phẩm đã được biến đổi bởi nguyên đơn hoặc
người khác sau khi bán và sự biến đổi đó góp
phần gây ra thiệt hại thì bị đơn không phải chịu
trách nhiệm.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Điều
420A nói trên đã nảy sinh nhiều vướng mắc,
trong đó có vướng mắc trong việc xác định như
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
43
thế nào là “tình trạng nguy hiểm phi lý” và
vướng mắc trong việc áp dụng quy định này đối
với khuyết tật do thiết kế. Bộ diễn giải Luật bồi
thường thiệt hại (phiên bản lần thứ ba) đã khắc
phục những vướng mắc này. Điều 2 Bộ diễn
giải lần thứ ba này đưa ra định nghĩa rõ ràng
mang tính phân biệt về ba loại khuyết tật sản
phẩm. Theo đó:
Một sản phẩm có khuyết tật khi, tại thời
điểm bán hoặc phân phối, nó chứa đựng khuyết
tật trong sản xuất, có khuyết tật trong thiết kế,
hoặc có khuyết tật do sự chỉ dẫn hoặc cảnh báo
không đầy đủ. Một sản phẩm:
i) Chứa đựng khuyết tật trong sản xuất khi
sản phẩm đó khác so với thiết kế mặc dù đã
thực hiện mọi sự cẩn trọng có thể trong việc
sản xuất và tiếp thị sản phẩm đó;
ii) Có khuyết tật trong thiết kế khi rủi ro
gây thiệt hại có thể lường trước của sản phẩm
đã có thể giảm thiểu hoặc tránh được bằng việc
sử dụng một thiết kế thay thế hợp lý bởi người
bán hoặc người phân phối khác, hoặc một chủ
thể đứng trước trong chuỗi phân phối thương
mại, và việc bỏ sót thiết kế thay thế này khiến
cho sản phẩm không an toàn một cách hợp lý;
iii) Có khuyết tật do sự chỉ dẫn hoặc cảnh
báo không đầy đủ khi khi rủi ro gây thiệt hại có
thể lường trước của sản phẩm đã có thể giảm
thiểu hoặc tránh được bằng việc cung cấp chỉ
dẫn hoặc cảnh báo hợp lý bởi người bán hoặc
người phân phối khác, hoặc một chủ thể đứng
trước trong chuỗi phân phối thương mại, và
việc bỏ sót chỉ dẫn hoặc cảnh báo này khiến
cho sản phẩm không an toàn một cách hợp lý;
Đối với khuyết tật trong sản xuất, pháp luật
Hoa Kỳ sử dụng tiêu chí “sự kỳ vọng của người
tiêu dùng” để xác định bởi khuyết tật về sản
xuất làm thất vọng sự mong đợi hợp lý của
người tiêu dùng [5; 898]. Tiêu chí cụ thể để xác
định khuyết tật sản xuất là liệu trong quá trình
sản xuất, sản phẩm có bị sai khác so với thiết kế
của nó hay không. Điều này sẽ chỉ xảy ra đối
với một hoặc một số sản phẩm.
Đối với khuyết tật trong thiết kế, pháp luật
Hoa Kỳ sử dụng phương pháp cân bằng giữa rủi
ro và lợi ích để xác định, tức là tòa án sẽ phải
đánh giá, phân tích nhiều yếu tố như: tính hữu
ích của sản phẩm, các khía cạnh an toàn của sản
phẩm, khả năng có mẫu thiết kế thay thế hợp lý,
và liệu mẫu thiết kế thay thế hợp lý có làm phát
sinh các mối nguy hiểm khác cho sản phẩm hay
không [5; 900].
Đối với khuyết tật trong cảnh báo, nguyên
đơn phải chứng minh rằng nhà sản xuất không
cung cấp chỉ dẫn hoặc cảnh báo đầy đủ về sản
phẩm. Để xác định như thế nào là một cảnh báo
có khiếm khuyết, các tòa án xem xét nội dung
và sự toàn diện, tính chất mạnh mẽ trong cách
thể hiện, và đặc điểm của nhóm người sử dụng
sản phẩm kỳ vọng. Nhà sản xuất cũng phải
cảnh báo về các rủi ro không mang tính hiển
nhiên và không được biết đến thông thường để
người tiêu dùng có thể đưa ra một quyết định
với đầy đủ thông tin về việc có hay không tiếp
tục sử dụng sản phẩm đó. Tuy nhiên, nhà sản
xuất thường không phải chịu trách nhiệm do
không cảnh báo người tiêu dùng về rủi ro mang
tính hiển nhiên và được biết đến thông thường
[5; 906-907].
Về các trường hợp miễn trách nhiệm, Bộ
diễn giải Luật bồi thường thiệt hại lần thứ 3 quy
định nhà sản xuất không phải chịu trách nhiệm
nếu nguyên đơn không thể chứng minh được
rằng khuyết tật tồn tại vào thời điểm sản phẩm
rời khỏi tay nhà sản xuất. Ngoài ra còn có các
trường hợp miễn trách nhiệm hoặc giảm mức
bồi thường như sử dụng sản phẩm không đúng,
biến đổi hoặc thay đổi sản phẩm. “Tính phù hợp
với tình trạng kỹ thuật” (state of the art) cũng là
một căn cứ thường được các nhà sản xuất viện
dẫn để được miễn trách nhiệm đối với khuyết
tật sản phẩm do thiết kế. Tình trạng kỹ thuật
được hiểu là thiết kế sản phẩm phù hợp với
thông lệ của ngành, phản ánh công nghệ an toàn
nhất và tiên tiến nhất đã được phát triển và đang
được sử dụng trong thương mại, hoặc nó phản
ánh công nghệ tiến bộ nhất với tri thức khoa
học hiện có [5; 905].
3.3. Vi phạm nghĩa vụ bảo đảm (warranty)
Nghĩa vụ bảo đảm sản phẩm cũng là một
trong các cơ sở quan trọng để áp đặt trách
nhiệm sản phẩm. Trách nhiệm của người sản
xuất và cung ứng là phải bảo đảm chất lượng
sản phẩm của mình. Nghĩa vụ bảo đảm được
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
44
quy định trong Bộ luật thương mại thống nhất
(UCC). Có ba nghĩa vụ bảo đảm là: bảo đảm
công khai (express warranty) được quy định tại
Điều 2-313 UCC; bảo đảm ngầm định về tính
thương mại của sản phẩm (implied warranty of
merchantability) và bảo đảm ngầm định về tính
phù hợp với công dụng của sản phẩm (implied
warranty of fitness for intended purpose) được
quy định tại Điều 2-314 UCC. Bảo đảm công
khai được hình thành bởi sự khẳng định hay
cam kết của người bán liên quan đến hàng bán
về việc hàng bán sẽ phù hợp với khẳng định
hay cam kết đó. Bảo đảm ngầm định về tính
thương mại luôn xuất hiện trong hợp đồng mua
bán hàng hóa nếu như người bán là thương
nhân kinh doanh mặt hàng đó và trong hợp
đồng không đưa ra sự thay đổi hoặc loại trừ nào
đối với tính thương mại của sản phẩm; khi đó,
hàng hóa được coi là mang tính thương mại
theo những tiêu chuẩn chung đối với sản phẩm
cùng loại. Bảo đảm về công dụng, về tính thích
hợp với một công dụng cụ thể chỉ xuất hiện khi
người bán hay người cung ứng có cơ sở tin rằng
người mua mua sản phẩm để nhằm một mục
đích cụ thể nhất định và người mua dựa vào kỹ
năng, kinh nghiệm và đánh giá của người bán
hay người cung ứng khi chọn sản phẩm đó.
4. Pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của
Liên minh châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) đã xây dựng một
khung pháp lý khá toàn diện về trách nhiệm sản
phẩm nhằm nỗ lực hài hòa hóa pháp luật về
trách nhiệm sản phẩm của các quốc gia thành
viên. Các nguyên lý cơ bản về trách nhiệm sản
phẩm được thể hiện khá rõ trong Chỉ thị
85/374/EEC của Liên minh Châu Âu ngày 25/
7/1985 về trách nhiệm sản phẩm, trong đó nổi
bật là nguyên lý trách nhiệm nghiêm ngặt. Chỉ
thị này đã được sửa đổi bởi Chỉ thị số
1999/34/EC do Nghị viện và Hội đồng Liên
minh Châu Âu ban hành ngày 25 tháng 5 năm
1999. Theo các Chỉ thị nói trên, nhà sản xuất
phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do sản
phẩm bị khiếm khuyết gây ra (Điều 1). Theo
Điều 3 Chỉ thị, “nhà sản xuất” được định nghĩa
rộng, bao gồm nhà sản xuất sản phẩm hoàn
chỉnh, nhà sản xuất nguyên vật liệu thô, hoặc
nhà sản xuất một bộ phận của sản phẩm, và bất
kỳ người nào, bằng việc gắn tên, nhãn hiệu
hoặc dấu hiệu phân biệt khác lên sản phẩm, thể
hiện rằng mình là người sản xuất. Ngoài ra, nhà
sản xuất còn bao gồm bất kỳ người nào nhập
khẩu vào EU một sản phẩm để bán, cho thuê
hoặc bất kỳ hình thức phân phối nào trong hoạt
động kinh doanh của mình. Trong trường hợp
không thể xác định được nhà sản xuất sản phẩm
thì nhà cung cấp được coi là nhà sản xuất, trừ
trường hợp nhà cung cấp thông báo danh tính
của nhà sản xuất cho người tiêu dùng.
Về nghĩa vụ chứng minh, Điều 4 Chỉ thị
quy định người tiêu dùng bị thiệt hại phải
chứng minh ba yếu tố: (1) có thiệt hại xảy ra
cho người tiêu dùng, (2) sản phẩm có khuyết
tật, và (3) có mối quan hệ nhân quả giữa khuyết
tật của sản phẩm và thiệt hại xảy ra.
Theo Điều 6 của Chỉ thị, sản phẩm có
khuyết tật khi nó không đảm bảo sự an toàn cho
một người có quyền kỳ vọng sự an toàn đó, có
xem xét tất cả các yếu tố có liên quan, bao gồm:
(a) việc trình bày sản phẩm; (b) công dụng của
sản phẩm mà có thể được kỳ vọng một cách
hợp lý, (c) thời gian mà sản phẩm được đưa vào
lưu thông. Sản phẩm không thể bị coi là có
khuyết tật chỉ vì lý do là sau đó có một sản
phẩm tốt hơn được đưa vào lưu thông. Như vậy,
Chỉ thị của Liên minh châu Âu dựa vào tiêu chí
“sự kỳ vọng hợp lý của người tiêu dùng”
(consumer expectation test) để đánh giá khuyết
tật sản phẩm hơn là dựa vào tiêu chí về cân
bằng giữa rủi ro và lợi ích (risk/utility balancing
test). Tiêu chí rủi ro-lợi ích xác định liệu một
thiết kế thay thế hợp lý sẽ có thể giảm được
thiệt hại gây ra bởi sản phẩm khuyết tật hay
không và liệu thiết kế đó sẽ có thể làm phát sinh
rủi ro ở các bộ phận khác của sản phẩm hay
không. Trong khi đó, tiêu chí “sự kỳ vọng của
người tiêu dùng” xác định liệu sản phẩm có
nguy hiểm một cách phi lý đối với người tiêu
dùng và liệu sản phẩm không thể đáp ứng kỳ
vọng hợp lý của người tiêu dùng hay không [5;
900]. Khác với pháp luật của Hoa Kỳ, Chỉ thị
không đặt ra các định nghĩa cụ thể về khuyết tật
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
45
trong sản xuất, khuyết tật trong thiết kế và
khuyết tật trong cảnh báo.
Về các trường hợp miễn trách nhiệm, Điều
7 Chỉ thị quy định: nhà sản xuất sẽ không phải
chịu trách nhiệm nếu chứng minh được:
i) Nhà sản xuất không đưa sản phẩm vào
lưu thông; hoặc
ii) Có nhiều khả năng là khuyết tật gây ra
thiệt hại đã không tồn tại vào thời điểm sản
phẩm được đưa vào lưu thông bởi nhà sản
xuất hoặc khuyết tật phát sinh sau thời điểm
đó; hoặc
iii) Sản phẩm không được nhà sản xuất sản
xuất ra để bán hoặc để phân phối dưới bất kỳ
hình thức nào nhằm mục đích kinh tế và cũng
không được sản xuất hoặc phân phối trong hoạt
động kinh doanh của người đó; hoặc
iv) Khuyết tật xảy ra là do sản phẩm phải
tuân thủ các quy định bắt buộc do cơ quan công
quyền ban hành; hoặc
v) Tình trạng hiểu biết về khoa học và kỹ
thuật tại thời điểm nhà sản xuất đưa sản phẩm
vào lưu thông không thể phát hiện được sự tồn
tại của khuyết tật; hoặc
vi) Trong trường hợp nhà sản xuất một bộ
phận của sản phẩm, khuyết tật là do thiết kế
tổng thể của sản phẩm mà bộ phận đó phải phù
hợp hoặc là do chỉ dẫn của nhà sản xuất sản
phẩm hoàn chỉnh đưa ra.
5. Các quy định pháp luật Việt Nam về trách
nhiệm sản phẩm
5.1. Giai đoạn trước năm 2010
Trước năm 2010, chế định trách nhiệm sản
phẩm chưa hình thành chính thức ở Việt Nam.
Văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất
ở Việt Nam về bảo vệ người tiêu dùng là Pháp
lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999, bên
dưới là các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp
lệnh này, tuy nhiên Pháp lệnh chưa quy định
khái niệm trách nhiệm sản phẩm, khái niệm sản
phẩm khuyết tật, nguyên tắc áp dụng trách
nhiệm sản phẩm, vấn đề thu hồi sản phẩm có
khuyết tật Do đó, trên thực tế, tình trạng sản
phẩm kém chất lượng gây thiệt hại cho người
tiêu dùng xảy ra phổ biến nhưng không có đủ
cơ sở pháp lý để xử lý, buộc các doanh nghiệp
phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong khi đó,
quyền lợi người tiêu dùng ngày càng bị xâm
phạm tràn lan ở mọi lĩnh vực, mọi phương diện
của nền kinh tế và đời sống xã hội, đặc biệt là
các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, quần áo,
mỹ phẩm,
Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2005 (Bồi
thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của
người tiêu dùng) quy định: Cá nhân, pháp nhân,
chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo
đảm chất lượng hàng hóa mà gây thiệt hại cho
người tiêu dùng thì phải bồi thường. Năm 2007,
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được ban
hành, trong đó quy định các nghĩa vụ của tổ
chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh như tuân
thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với
sản phẩm trước khi đưa ra thị trường và chịu
trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình
sản xuất; cảnh báo về khả năng gây mất an toàn
của sản phẩm và cách phòng ngừa cho người
bán hàng và người tiêu dùng; sửa chữa, hoàn lại
hoặc đổi hàng mới, nhận lại hàng có khuyết tật
bị người bán hàng, người tiêu dùng trả lại; thu
hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm
chất lượng; bồi thường thiệt hại (Điều 10-
Nghĩa vụ của người sản xuất, Điều 12- Nghĩa
vụ của người nhập khẩu, Điều 16 – Nghĩa vụ
của người bán hàng). Đáng chú ý là Luật này
dành riêng Mục 2, Chương V quy định trách
nhiệm bồi thường thiệt hại về chất lượng sản
phẩm, hàng hóa. Theo đó, nguyên tắc chung là
thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản
phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ
và kịp thời (Điều 59). Các thiệt hại phải bồi
thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng
bao gồm: thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị
hư hỏng hoặc bị hủy hoại; thiệt hại về tính
mạng, sức khỏe con người; thiệt hại về lợi ích
gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa,
tài sản; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và
khắc phục thiệt hại (Điều 60). Chủ thể chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi
thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người
tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của
người sản xuất, người nhập khẩu không bảo
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
46
đảm chất lượng hàng hóa; người bán hàng phải
bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu
dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi
của người bán hàng không bảo đảm chất lượng
hàng hóa. (Điều 61). Điều 62 của Luật quy định
các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại
cho người tiêu dùng như sau: người tiêu dùng
sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng; đã hết
thời hiệu khiếu nại, khởi kiện; đã thông báo
hàng hóa có khuyết tật đến người tiêu dùng
nhưng người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng hóa
đó; sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân
thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền; trình độ khoa học, công nghệ của
thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất
an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng
hóa gây thiệt hại; thiệt hại phát sinh do lỗi của
người mua, người tiêu dùng.
Như vậy, Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 đã
bước đầu quy định về trách nhiệm bồi thường
thiệt hại của nhà sản xuất, người bán hàng đối
với hàng hóa không bảo đảm chất lượng, tuy
nhiên Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sử
dụng không thống nhất các thuật ngữ, có lúc sử
dụng thuật ngữ “hàng hóa không bảo đảm chất
lượng”, có lúc sử dụng thuật ngữ “hàng hóa có
khuyết tật”, có lúc lại sử dụng thuật ngữ “sản
phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn”
(Điều 3 khoản 4) và không có định nghĩa về
hàng hóa có khuyết tật hay hàng hóa không bảo
đảm chất lượng. Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa quy định trách nhiệm bồi thường thiệt
hại phát sinh phải dựa trên cơ sở lỗi của người
sản xuất, người bán hàng, nhưng quy định
nhiều trường hợp loại trừ trách nhiệm này.
Trong giai đoạn trước năm 2010 cũng không
ghi nhận được trường hợp nào tòa án xét xử
tranh chấp về bồi thường thiệt hại do nhà sản
xuất, người bán hàng cung cấp hàng hóa không
bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng.
5.2. Giai đoạn từ năm 2010 đến nay
Năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng được ban hành đã có những quy định
cụ thể hơn về trách nhiệm sản phẩm. Luật đã
đưa ra khái niệm hàng hóa có khuyết tật, đó là
hàng hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu
dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng,
sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả
trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo
đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện
hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại
thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người
tiêu dùng, bao gồm: (i) Hàng hóa sản xuất hàng
loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;
(ii) Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ
quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu
giữ; (iii) Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an
toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có
hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu
dùng. Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng chỉ quy định trách nhiệm sản phẩm
đối với hàng hóa, không áp dụng đối với
dịch vụ.
Về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết
tật, Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng quy định: Khi phát hiện hàng hóa có
khuyết tật, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu
hàng hóa có trách nhiệm kịp thời tiến hành mọi
biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp
hàng hóa có khuyết tật trên thị trường; thông
báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc
thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên
báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát
thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa
đó được lưu thông (với các nội dung: mô tả
hàng hóa phải thu hồi; lý do thu hồi hàng hóa
và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của
hàng hóa gây ra; thời gian, địa điểm, phương
thức thu hồi hàng hóa; thời gian, phương thức
khắc phục khuyết tật của hàng hóa; các biện
pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa); thực
hiện việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đúng
nội dung đã thông báo công khai và chịu các
chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi; báo
cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp tỉnh nơi
thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi
hoàn thành việc thu hồi và nếu trường hợp việc
thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành
trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết
quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng ở trung ương.
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
47
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng
hóa có khuyết tật gây ra, Điều 23 của Luật quy
định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có
trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường
hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp
gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản
của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân
đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát
sinh khuyết tật, trừ trường hợp miễn trách
nhiệm được quy định tại Điều 24 của Luật. Tổ
chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa được hiểu
bao gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa;
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức,
cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc
sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho
phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất,
nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức, cá nhân trực tiếp
cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu
dùng. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện
theo quy định của pháp luật về dân sự.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa
nói trên được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt
hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng
hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa
học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân
kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu
dùng. Như vậy, Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp
được miễn trách nhiệm bồi thường liên quan
đến hàng hóa có khuyết tật và trách nhiệm
chứng minh này do tổ chức, cá nhân kinh doanh
thực hiện.
Có thể thấy, các quy định về trách nhiệm
sản phẩm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng đã có một số điểm tiến bộ, trong
chừng mực nhất định có sự phù hợp với pháp
luật trách nhiệm sản phẩm của các nước phát
triển. Ví dụ, Luật đã ghi nhận đầy đủ ba dạng
hàng hóa khuyết tật gồm khuyết tật trong thiết
kế, khuyết tật trong sản xuất, khuyết tật trong
cảnh báo và cụ thể hóa phạm vi các chủ thể có
trách nhiệm bồi thường. Đặc biệt, Luật thừa
nhận nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt (buộc
tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách
nhiệm bồi thường thiệt hại kể cả khi họ không
biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh
khuyết tật). So với nhiều nước trong khu vực và
thế giới, việc thừa nhận nguyên tắc này được
xem là một bước tiến tích cực trong nhận thức
về bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam thời gian
qua.
Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng được ban hành, nhưng các quy định về bồi
thường thiệt hại trong Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa vẫn được giữ nguyên và còn
hiệu lực, tạo nên sự chồng chéo, mâu thuẫn
trong quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt
hại của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh
đối với hàng hóa có khuyết tật. Mâu thuẫn được
thể hiện rõ qua các quy định về lỗi, về chủ thể
chịu trách nhiệm, về thiệt hại được bồi thường,
và các trường hợp miễn trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Điều 608 Bộ luật dân sự năm
2015 (Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền
lợi của người tiêu dùng), trên cơ sở kế thừa
Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
“Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng
hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng
hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu
dùng thì phải bồi thường”. Như vậy, Bộ luật
dân sự năm 2015 lại tạo nên sự không thống
nhất với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
khi mở rộng trách nhiệm bồi thường thiệt hại
đối với cả “dịch vụ” và sử dụng thuật ngữ
“hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng”
thay vì thuật ngữ “hàng hóa có khuyết tật”.
Như vậy, hiện nay có 3 văn bản luật tồn tại
đồng thời đều quy định về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại của nhà sản xuất, kinh doanh
cho người tiêu dùng đối với sản phẩm có
khuyết tật, với quy định không thống nhất với
nhau, dẫn đến sự lúng túng, vướng mắc của tòa
án trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết
tranh chấp, được minh họa qua các vụ việc thực
tiễn được trình bày dưới đây.
6. Thực tiễn xét xử một số vụ án yêu cầu bồi
thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của
người tiêu dùng ở Việt Nam trong những
năm gần đây và đề xuất hoàn thiện pháp luật
6.1. Thực tiễn xét xử
Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng đã có hiệu lực trên 8 năm, nhưng tình
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
48
trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ở
Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng
phức tạp. Trong khi đó, có rất ít vụ việc được
người tiêu dùng khởi kiện ra tòa án theo các
quy định pháp luật dân sự về bồi thường thiệt
hại do vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, một
phần do tâm lý tránh phiền phức, ngại đòi hỏi
của đa số người tiêu dùng, phần vì các quy định
pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của tòa
án còn nhiều bất cập, chưa bảo vệ hiệu quả
quyền lợi của người tiêu dùng. Trong khoảng 5-
6 năm trở lại đây, chỉ có một vài vụ án dân sự
trong đó người tiêu dùng khởi kiện nhà sản xuất
yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm không
bảo đảm chất lượng.
Vụ án thứ nhất: Năm 2012, bà Q khởi kiện
Công ty trách nhiệm hữu hạn liên doanh
STADA – Việt Nam yêu cầu bồi thường thiệt
hại vì bà đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp do
Công ty này sản xuất nhưng vẫn có thai và phải
bỏ thai bởi lo ngại sẽ có biến chứng xấu. Tòa án
cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Q
do nguyên đơn không chứng minh được các yếu
tố cấu thành trách nhiệm bồi thường. Bà Q
kháng cáo, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm giữ
nguyên bản án sơ thẩm. Theo Tòa án cấp phúc
thẩm, bà Q đã không chứng minh được bà có sử
dụng viên thuốc tránh thai khẩn cấp hay không;
bà Q cũng không chứng minh được mình đã sử
dụng thuốc theo đúng nội dung hướng dẫn sử
dụng thuốc. Ngoài ra, Tòa án lập luận rằng giả
sử bà Q. thực sự có sử dụng thuốc tránh thai
theo đúng hướng dẫn nhưng vẫn có thai thì bị
đơn cũng không có lỗi vì khuyến cáo trên sản
phẩm đã ghi rõ “phương pháp tránh thai khẩn
cấp không thể đạt hiệu quả trong mọi trường
hợp” [6].
Bình luận: Trong vụ án này, Tòa án không
đề cập đến quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng hay Luật chất lượng sản phẩm,
hàng hóa và không xác định đây có phải là
trường hợp bồi thường thiệt hại do vi phạm
quyền lợi người tiêu dùng hay không, mà chỉ áp
dụng Bộ luật dân sự để giải quyết như một vụ
án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
thông thường, trong đó nguyên đơn phải chứng
minh bốn yếu tố truyền thống cấu thành trách
nhiệm là: có hành vi gây thiệt hại, có thiệt hại
xảy ra, có lỗi của bị đơn, có mối quan hệ nhân
quả. Trong khi đó, về bản chất, đây chính là
một vụ án về trách nhiệm sản phẩm và tòa án
cần lập luận chi tiết, chặt chẽ hơn về nghĩa vụ
chứng minh của nguyên đơn cũng như các
trường hợp miễn trách nhiệm.
Vụ án thứ hai: Bà Nguyễn Thị Bình Minh
khởi kiện bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu
hạn Coca-Cola về việc bà mua một chai nước
cam ép Splash với giá 10.000 đồng, bên trong
chai nước có chứa vật thể lạ là hai ống thủy tinh
vỡ và một mảnh giấy nhỏ màu trắng đục. Bà
Minh yêu cầu Công ty bồi thường cho bà số
tiền mua một chai nước cam ép; có văn bản giải
thích rõ với người tiêu dùng vì sao lại có vật thể
lạ trong sản phẩm và công khai xin lỗi bà Minh
và người tiêu dùng nói chung trên 05 số báo
liên tiếp. Tòa án đã áp dụng Điều 630 Bộ luật
dân sự năm 2005 quy định tổ chức sản xuất
kinh doanh “hàng hóa không đảm bảo chất
lượng” thì phải bồi thường cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi nhận định trong bản án thì Tòa
án lại dùng thuật ngữ “hàng hóa có khuyết tật”
là khái niệm được sử dụng trong Luật Bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Cụ thể
Tòa án cho rằng “Vì hàng hóa (vật chứng mà
nguyên đơn khởi kiện) không phải do Coca-
Cola Việt Nam hoàn thiện (dập nắp) nên không
có căn cứ xác định Coca Cola Việt Nam có lỗi
đối với hàng hóa có khuyết tật mà nguyên đơn
khởi kiện”, “Do đó, không có căn cứ chấp nhận
yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn số tiền mua
một chai nước cam ép Splash của Coca – Cola
Việt Nam, yêu cầu giải thích với người tiêu
dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện tạp
chất, ống thủy tinh trong sản phẩm nước cam ép
Splash và công khai xin lỗi về việc để sản phẩm
khuyết tật lưu hành trên thị trường” [7].
Bình luận: Trong vụ án này, Tòa án đã đồng
nhất giữa hai khái niệm “hàng hóa không đảm
bảo chất lượng” và “hàng hóa có khuyết tật”,
nhận định giản đơn về lỗi của chủ thể chịu trách
nhiệm (hàng hóa không phải do bị đơn dập nắp
nên bị đơn không có lỗi). Điểm mấu chốt trong
vụ việc này mà tòa án chưa phân tích là chưa có
thiệt hại xảy ra cho người tiêu dùng – một yếu
tố cần phải có trong vụ việc về trách nhiệm sản
phẩm. Ở đây, người tiêu dùng mới chỉ có thiệt
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
49
hại (không đáng kể) về kinh tế (mất tiền mua
chai nước nhưng không sử dụng được). Tòa án
chỉ áp dụng Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2005
mà không đề cập quy định của Luật Bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng hay Luật Chất lượng
sản phẩm, hàng hóa.
Vụ án thứ ba: Năm 2018, vợ chồng bà T
khởi kiện Công ty G yêu cầu bồi thường thiệt
hại 190 triệu đồng do năm 2016, vợ chồng bà T
mua 2.000 kg phân bón NPK do Công ty G sản
xuất về bón cho cây cà phê, tiêu và cây ăn quả
trong vườn nhưng sau khi bón phân được 10
ngày thì cây bị vàng lá và chết hàng loạt. Sau
đó ông bà có báo sự việc trên với đại lý phân
bón; các bên lập 01 biên bản làm việc, cam kết
thời hạn bồi thường là hết ngày 31-12-2016
nhưng Công ty không bồi thường như đã cam
kết. Sau đó bà T làm đơn tố cáo gửi đến công
an huyện K yêu cầu giải quyết. Cơ quan cảnh
sát điều tra công an huyện K thông báo cho bà
T rằng không có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình
sự đối với hành vi “buôn bán phân bón giả”.
Bản án sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện do
nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ
chứng minh, cụ thể, mẫu phân bón mà ông bà
cho là phân bón kém chất lượng được chính bà
T lấy mẫu không đúng theo trình tự, thủ tục.
Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ
thẩm và đồng tình với nhận định của cấp sơ
thẩm [8].
Bình luận: Tòa án không viện dẫn quy định
nào của Bộ luật dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu
dùng hay Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa,
không chỉ ra các yếu tố mà nguyên đơn cần
chứng minh, chỉ hoàn toàn dựa vào quy định
của Bộ luật tố tụng dân sự để khẳng định
nguyên đơn chưa hoàn thành nghĩa vụ chứng
minh, từ đó bác yêu cầu của nguyên đơn, do
vậy lập luận trong bản án thiếu chặt chẽ, thuyết
phục.
Vụ án thứ tư: Ngày 02/10/2014 ông Kh mua
01 chiếc ti vi mới tại cửa hàng đại lý của công
ty S để sử dụng cho gia đình, thời gian bảo
hành 24 tháng kể từ ngày mua. Gia đình ông sử
dụng tivi được hơn 9 tháng thì ti vi bị hỏng,
nhân viên bảo hành của công ty đã đến sửa
chữa tại nhà. Ông tiếp tục sử dụng ti vi bình
thường được 2 tháng thì ti vi lại hỏng, nhân
viên của trung tâm bảo hành có đến nhà ông
xem xét và chụp ảnh chiếc ti vi có sự chứng
kiến của ông. Sau đó trung tâm gọi điện thoại từ
chối bảo hành và đưa ra lý do người tiêu dùng
đã để nước vào ti vi và trời nồm ẩm gia đình
không biết bảo quản. Ông đã nhiều lần gọi điện
và trực tiếp đến tận trung tâm bảo hành của
công ty để yêu cầu bảo hành nhưng không được
giải quyết. Ông cho rằng ti vi bị hỏng là do sản
phẩm này không đảm bảo chất lượng và nguyên
nhân từ chối bảo hành không đúng. Ông Kh đã
khiếu nại đến công ty S và đã nhận được thư
giải quyết khiếu nại ghi “chấp thuận hỗ trợ đặc
biệt là miễn phí toàn bộ sửa chữa”, nhưng gia
đình ông không chấp nhận, từ đó Công ty S
không đến bảo hành và không có động thái nào
khác. Ông Kh khởi kiện yêu cầu công ty S phải
bồi thường cho gia đình tổng số tiền
802.300.000đ do bán sản phẩm không đảm bảo
chất lượng và không bảo hành sản phẩm theo
quy định, vi phạm quyền lợi gia đình ông. Tòa
án cấp sơ thẩm xử bác toàn bộ yêu cầu khởi
kiện của ông Kh. Ông Kh. kháng cáo cho rằng
tòa án cấp sơ thẩm xác định sai nghĩa vụ chứng
minh, vấn đề cần chứng minh và sai lầm trong
đánh giá chứng cứ vì ông là người tiêu dùng
không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của nhà sản
xuất. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định rằng bị
đơn đã cung cấp các chứng cứ chứng minh toàn
bộ số hàng hóa là tivi sản xuất cùng thời điểm ti
vi đã bán cho gia đình ông Kh không có sản
phẩm nào bị lỗi như ti vi của ông Kh. Nhân
viên của công ty cũng đến kiểm tra lập biên bản
hiện trạng và Tòa án cũng tiến hành xem xét
thẩm định tại chỗ nhưng gia đình ông Kh không
hợp tác, không cho xem xét thẩm định đối với
chiếc tivi S. Công ty S đã thiện chí sửa chữa
miễn phí nhưng ông Kh không chấp nhận. Kết
luận giám định của Bộ Công an cho thấy ti vi bị
sọc đứng do mạch điều khiển bị hỏng, không
xác định được nguyên nhân hỏng do bị tác động
hay do tự nhiên. Chính sách bảo hành đã ghi rõ
công ty S không bảo hành các trường hợp vì
chất lỏng bị đổ vào sản phẩm. Do vậy sản phẩm
ti vi S của gia đình ông Kh mua của đại lý công
ty S bị hư hỏng không phải lỗi của nhà sản xuất
và công ty S không bảo hành sản phẩm là đúng
sự thỏa thuận mua bán giữa khách hàng và phía
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
50
công ty. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm kết luận
rằng chiếc ti vi bị hỏng không xem được không
phải là do lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất và
không phải là hàng hóa khuyết tật, và theo quy
định tại khoản 1 Điều 42 của Luật bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng là ông
Kh cũng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và
chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Ông Kh đề
nghị bồi thường nhưng xét thấy không có mối
quan hệ nhân quả giữa lỗi và hậu quả nên
không phát sinh nghĩa vụ bồi thường giữa các
bên. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định cấp sơ
thẩm đã áp dụng đầy đủ quy định tại Điều 42
của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các điều
luật về chứng cứ, chứng minh theo quy định
của Bộ luật tố tụng dân sự để áp dụng trong
việc giải quyết vụ án [9].
Bình luận: Có thể nói đây là bản án có lập
luận chi tiết nhất trong số 4 vụ án nêu trên về
trách nhiệm bồi thường do vi phạm quyền lợi
người tiêu dùng, nhưng lập luận của Tòa án vẫn
còn một số điểm chưa thuyết phục. Tòa án viện
dẫn cả Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2005 và
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng
thời mặc nhiên khẳng định chiếc ti vi hỏng
không phải là “hàng hóa có khuyết tật” mà
không giải thích. Các yếu tố cần chứng minh
tuy đã được đề cập phần nào (như lỗi, mối quan
hệ nhân quả) nhưng chưa được phân tích một
cách thấu đáo.
6.2. Nhận xét, đánh giá các quy định pháp luật
hiện hành từ thực tiễn xét xử và đề xuất hoàn
thiện pháp luật
Qua 4 vụ án nêu trên, có thể rút ra những
điểm chung và những bất cập sau đây trong
thực tiễn xét xử tranh chấp về bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng của Tòa án:
Thứ nhất, trong cả 4 vụ án, Tòa án đều bác
yêu cầu khởi kiện của người tiêu dùng vì họ
không thực hiện được nghĩa vụ cung cấp chứng
cứ và chứng minh, tuy nhiên, chỉ có duy nhất
vụ án thứ 4 là Tòa án có lập luận tương đối chi
tiết về nghĩa vụ chứng minh này theo quy định
của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong các bản án còn lại, lập luận của Tòa án
khá sơ sài, hời hợt, chưa chỉ rõ dựa những yếu
tố nào cần chứng minh để cấu thành trách
nhiệm bồi thường, nguyên đơn đã chứng minh
được những yếu tố nào, những yếu tố nào chưa
chứng minh được. Như vậy, trên thực tế, rất
khó để người tiêu dùng có thể thắng kiện khi
yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình.
Thứ hai, các tòa án dường như đang có sự
đồng nhất, lẫn lộn giữa khái niệm “hàng hóa
không bảo đảm chất lượng” trong Bộ luật dân
sự và “hàng hóa có khuyết tật” trong Luật Bảo
vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khái niệm “hàng
hóa không bảo đảm chất lượng” có nội hàm
rộng hơn khái niệm “hàng hóa có khuyết tật”
bởi lẽ “hàng hóa có khuyết tật” phải là “hàng
hóa không bảo đảm an toàn cho người tiêu
dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng,
sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng” (Khoản
3 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng). Khái niệm “sản phẩm có khuyết tật”
trong pháp luật về trách nhiệm sản phẩm của
Hoa Kỳ, EU và nhiều nước khác cũng đều chứa
đựng yếu tố “nguy hiểm”, “gây mất an toàn”
cho người tiêu dùng, trong đó chủ yếu là an
toàn về tính mạng, sức khỏe. Nếu chỉ đơn thuần
là hàng hóa bị hỏng, không sử dụng được theo
đúng công dụng hoặc mới gây thiệt hại về kinh
tế cho người tiêu dùng thì cũng chưa được coi
là “hàng hóa có khuyết tật”. Như vậy, trong cả
4 vụ án trên đây, có lẽ chỉ vụ án thứ nhất và thứ
hai liên quan đến hàng hóa khuyết tật, và chỉ vụ
án thứ nhất có thể coi là có khả năng phát sinh
trách nhiệm sản phẩm vì có thiệt hại thực tế về
sức khỏe xảy ra cho người tiêu dùng.
Thứ ba, trong cả 4 vụ án trên, Tòa án đều
không áp dụng hoặc thậm chí không biết đến
quy định về bồi thường thiệt hại trong Luật
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mà cho rằng
tranh chấp về bồi thường thiệt hại liên quan đến
quyền lợi của người tiêu dùng thì mặc nhiên áp
dụng Bộ luật dân sự và Luật Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng, bất kể vụ việc có thuộc trường
hợp “hàng hóa có khuyết tật” hay không. Như
vậy, quy định của Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa về bồi thường thiệt hại do hàng hóa
không bảo đảm chất lượng rõ ràng không phát
huy vai trò trên thực tế, nếu không muốn nói là
được đặt không đúng vị trí. Đáng lẽ, Luật Chất
lượng sản phẩm, hàng hoá phải là luật thiết lập
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
51
các cơ chế hành chính cho việc kiểm soát chất
lượng sản phẩm, hàng hoá khi đưa vào lưu
thông thay vì quy định về trách nhiệm dân sự
phát sinh trong trường hợp sản phẩm khuyết tật
[10; 29].
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lúng túng
và lập luận thiếu chặt chẽ của các tòa án khi áp
dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc bồi
thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi người
tiêu dùng là do các quy định hiện hành còn
chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đầy đủ, chưa hình
thành một chế định pháp luật độc lập về trách
nhiệm sản phẩm dựa trên các nguyên lý cơ bản
như nguyên lý trách nhiệm do bất cẩn, nguyên
lý trách nhiệm nghiêm ngặt và nguyên lý trách
nhiệm do vi phạm nghĩa vụ bảo đảm ngầm
định.
Chưa có sự thống nhất giữa quy định của
Bộ luật dân sự và Luật Bảo vệ người tiêu dùng
trong việc xác định các yếu tố cấu thành trách
nhiệm bồi thường. Bộ luật dân sự dường như
quy định rất rộng về trách nhiệm bồi thường
của nhà sản xuất, kinh doanh khi sử dụng khái
niệm “hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất
lượng” mà không làm rõ nội hàm của khái niệm
này, liệu “hàng hóa không bảo đảm chất lượng”
có đồng nghĩa với “hàng hóa có khuyết tật”
trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng hay không.
Các quy định liên quan đến trách nhiệm sản
phẩm hiện nay chưa làm rõ cơ sở xác định trách
nhiệm sản phẩm (các yếu tố cần chứng minh)
theo ba nguyên tắc: bất cẩn, vi phạm nghĩa vụ
bảo đảm và trách nhiệm nghiêm ngặt, chưa quy
định rõ cách thức, tiêu chí xác định hàng hóa có
khuyết tật theo ba dạng khác nhau, các trường
hợp miễn trách nhiệm bồi thường đối với hậu
quả do khuyết tật của hàng hóa gây ra còn chưa
đầy đủ (Luật Bảo vệ người tiêu dùng mới quy
định một trường hợp miễn trách nhiệm).
Có thể nói pháp luật trách nhiệm sản phẩm
của Việt Nam vẫn còn khá sơ sài, thiếu vắng
nhiều quy định, mặc khác còn có sự chồng
chéo, không thống nhất giữa các văn bản luật.
Do đó, pháp luật cần tiếp tục được bổ sung,
hoàn thiện trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm
lập pháp và án lệ của các nước trên thế giới:
Một là, bỏ các quy định về bồi thường thiệt
hại do hàng hóa không bảo đảm chất lượng
trong Mục 2 Chương 5 Luật Chất lượng sản
phẩm, hàng hóa.
Hai là, đảm bảo sự thống nhất, hài hòa
trong quy định về trách nhiệm sản phẩm của Bộ
luật dân sự năm 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng năm 2010 theo một trong hai
phương án:
Phương án 1: bỏ Điều 608 Bộ luật dân sự
năm 2015 và quy định chi tiết về trách nhiệm
sản phẩm trong Luật Bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng.
Phương án 2: giữ nguyên Điều 608 Bộ luật
dân sự năm 2015 nhưng thống nhất sử dụng
khái niệm “hàng hóa có khuyết tật” (là khái
niệm đã được thừa nhận chung trong pháp luật
về trách nhiệm sản phẩm trên thế giới) và đưa
các quy định về trách nhiệm sản phẩm trong
Luật Bảo vệ người tiêu dùng vào Bộ luật dân sự
với tư cách là một trường hợp bồi thường thiệt
hại cụ thể để tòa án dễ dàng trong việc áp dụng.
Ba là, dù được xây dựng theo phương án
nào nêu trên thì các quy định pháp luật Việt
Nam cũng cần làm rõ định nghĩa về các dạng
hàng hóa có khuyết tật, các yếu tố mà nguyên
đơn (người tiêu dùng) cần chứng minh, những
loại thiệt hại nào được chấp nhận bồi thường,
quy định bổ sung các trường hợp miễn trách
nhiệm, nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích giữa
người tiêu dùng và các chủ thể sản xuất, kinh
doanh.
Lời cảm ơn
Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề
tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số
QG.18.28 "Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực
tiễn, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt
Nam về sở hữu trí tuệ nhằm thực thi cam kết
trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs)"
do PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh chủ nhiệm.
Tài liệu tham khảo
[1] Victoria Sherrow, Product Liability, Chelsea
House Publishers, 2010.
N.T.Q. Anh, N.B. Thao / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 36, No. 3 (2020) 37-52
52
[2] Understanding Product Liability Law,
pdf (truy cập ngày 19/8/2019)
[3] Lê Hồng Hạnh, Trương Hồng Quang, Các
nguyên lý cơ bản của chế định trách nhiệm sản
phẩm tại Hoa Kỳ và một số quốc gia trên thế
giới, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 2/2010,
tr. 35-42.
[4] Trần Thị Quang Hồng, Trương Hồng Quang, Một
số vấn đề chung về chế định trách nhiệm sản
phẩm và vai trò của chế định này dưới góc độ bảo
vệ người tiêu dùng, Tạp chí Nhà nước và Pháp
luật số 12/2010, tr. 25-34.
[5] Lauren Sterrett, Product Liability: Advancements
in European Union Product Liability Law and a
Comparison Betweeen the EU and U.S. Regime,
Michigan State International Law Review, Vol.
23 (2015) 885.
[6] Kiện vì uống thuốc tránh thai mà vẫn có bầu,
https://dantri.com.vn/phap-luat/kien-vi-uong-
thuoc-tranh-thai-ma-van-co-bau-1362619850.htm
(truy cập ngày 19/8/2019).
[7] Nguyễn Thị Mai, Xác định hàng hóa không đảm
bảo chất lượng và hàng hóa có khuyết tật,
https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/xac-
dinh-hang-hoa-khong-dam-bao-chat-luong-va-
hang-hoa-co-khuyet-tat (truy cập ngày
19/8/2019).
[8] Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Nông, Bản án số
14/2019/DS-PT ngày 05/4/2019 về bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng, đăng trên trang web:
congbobanan.toaan.gov.vn.
[9] Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, Bản án số
19/2019/DS-PT ngày 13/5/2019 về tranh chấp
bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của
người tiêu dùng, đăng trên trang web:
congbobanan.toaan.gov.vn.
[10] Trương Hồng Quang, Hoàn thiện pháp luật về
trách nhiệm sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả
bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam, Tạp chí Luật
học số 12/2012.
K
p
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- phap_luat_ve_trach_nhiem_san_pham_tu_li_thuyet_den_thuc_tien.pdf