KẾT LUẬN
Với lợi thế là vùng đất châu thổ của
dòng Mekong, Tây Nam Bộ được
thiên nhiên ưu đãi bởi những lợi thế
về tài nguyên du lịch tự nhiên sông
nước - miệt vườn - biển đảo mà ít nơi
nào có được. Hàng trăm năm qua, cư
dân Tây Nam Bộ đã hình thành nên
một vùng văn hóa đa sắc và đặc trưng
của vùng. Quá trình thích nghi với
điều kiện tự nhiên tạo ra nét sinh hoạt
theo con nước của cư dân, của vùng
cây trái miệt vườn và hoạt động đánh
bắt của ngư dân. Nét sinh hoạt của cư
dân tại mỗi vùng đã tạo nên một bức
tranh đa dạng và đặc sắc thu hút du
khách đến khám phá, chiêm ngưỡng.
Việc kết hợp, xây dựng và phát triển
sản phẩm du lịch đặc thù sông nước -
miệt vườn - biển đảo là thật sự cần
thiết, phát huy được lợi thế cả về tự
nhiên lẫn văn hóa của cư dân, nhằm
đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đồng
thời tạo lợi thế cạnh tranh trong bối
cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và
trên thế giới ra sức giới thiệu, quảng
bá những sản phẩm đặc trưng của đất
nước. Sự liên kết vùng và khu vực sẽ
phát huy được thế mạnh tổng hợp của
khu vực Tây Nam Bộ, tạo nên điểm
nhấn đặc trưng của Việt Nam trong
các quốc gia có dòng Mekong chảy
qua. Việc không ngừng đa dạng hóa
sản phẩm du lịch theo mô hình này ở
Tây Nam Bộ góp phần đưa ngành du
lịch của Việt Nam trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn của vùng.
15 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 538 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù sông nước - miệt vườn - biển đảo ở miền Tây Nam Bộ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
9
CHUYÊN MỤC
KINH TẾ HỌC - XÃ HỘI HỌC
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ
SÔNG NƯỚC - MIỆT VƯỜN - BIỂN ĐẢO
Ở MIỀN TÂY NAM BỘ
NGUYỄN HỮU NGHỊ*
Sông Mekong đã bồi đắp nên một vùng châu thổ hạ lưu tiếp giáp với biển tạo
nên cảnh quan biển đảo, rừng ngập mặn và đồng bằng trù phú ở Tây Nam Bộ
Việt Nam. Cư dân ở đây gồm người Việt, Khmer, Hoa và Chăm trong quá trình
tụ cư đã thích nghi với điều kiện tự nhiên và sáng tạo nên những nét độc đáo
trong văn hóa của mỗi tộc người, tích hợp nên vùng văn hóa Tây Nam Bộ. Hoạt
động mưu sinh của cư dân tại từng vùng sinh thái của Tây Nam Bộ đã tạo nên
văn hóa sông nước, văn hóa miệt vườn và văn hóa biển đảo trên vùng đất này.
Đó là lợi thế để Tây Nam Bộ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.
Từ khóa: sản phẩm du lịch, Tây Nam Bộ, sông nước, miệt vườn, biển đảo
Nhận bài ngày: 8/1/2019; đưa vào biên tập: 18/1/2019; phản biện: 3/4/2019; duyệt
đăng: 10/7/2019
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Với lợi thế đặc thù của vùng đất được
bao bọc bởi Biển Đông và biển Tây
Nam kết nối với hạ nguồn sông
Mekong, Tây Nam Bộ sở hữu một
chuỗi giá trị tài nguyên du lịch đa dạng
và phong phú rất đặc trưng, từ văn
hóa sông nước, miệt vườn đến văn
hóa biển đảo, và là nơi hội tụ của các
dân tộc Việt, Khmer, Hoa và Chăm.
Để khai thác hiệu quả tài nguyên du
lịch nơi đây, bên cạnh việc khai thác
các thế mạnh riêng lẻ, sự kết hợp cả
ba yếu tố sông nước - miệt vườn -
biển đảo vào một sản phẩm du lịch
đặc thù sẽ phát huy được những lợi
thế vốn có nhằm phát triển và đa dạng
hóa sản phẩm du lịch cho vùng Tây
Nam Bộ.
2. NHỮNG LÝ LUẬN CHUNG VỀ
SẢN PHẨM DU LỊCH VÀ SẢN PHẨM
DU LỊCH ĐẶC THÙ
“Sản phẩm, hiểu một cách chung nhất,
chính là cái do lao động của con
*
Trường Đại học Lạc Hồng.
NGUYỄN HỮU NGHỊ – PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH
10
người tạo ra” (Viện Ngôn ngữ học
2006: 845). Trong lĩnh vực kinh tế và
văn hóa thì sản phẩm là kết quả của
một quá trình lao động, sáng tạo
nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng và
ngày càng được nâng cao của con
người. Trong du lịch, sản phẩm có
những đặc thù riêng nên đến nay có
nhiều cách hiểu khác nhau. Theo
Stephen L.J. Smith, sản phẩm du lịch
được hình thành trên năm yếu tố là
“Cơ sở vật chất, tài nguyên du lịch;
dịch vụ; lòng hiếu khách, sự tiếp đón;
sự tự do lựa chọn; và những dịch vụ
liên quan khác” (Stephen L.J. Smith,
1994: 587). Có tác giả nhấn mạnh đến
tính hệ thống và hoàn chỉnh của các
yếu tố tạo nên sản phẩm du lịch: “Sản
phẩm du lịch là một tổng thể phức tạp
bao gồm nhiều thành phần không
đồng nhất cấu tạo thành, đó là tài
nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn,
cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng
dịch vụ du lịch và đội ngũ cán bộ nhân
viên du lịch” (Trần Văn Thông, 2003:
43). Tương tự nhận định trên, nhưng
xem sản phẩm du lịch được tạo ra
nhằm mục đích “kiếm lời”, là sản
phẩm hàng hóa; Trần Nhoãn nhấn
mạnh tính phức hợp của sản phẩm
du lịch: “Sản phẩm hàng hóa du lịch
có thể chia làm năm nhóm, bao gồm:
nhóm chương trình du lịch; nhóm
hàng lưu trú; nhóm hàng ăn, uống;
nhóm hàng lưu niệm; và nhóm các
loại hàng hóa thông dụng được đưa
vào kinh doanh du lịch” (Trần Nhoãn,
2005: 118). Thu Trang Công Thị
Nghĩa thì chú trọng đến giá trị sử
dụng của sản phẩm du lịch đối với du
khách, cho rằng: “sản phẩm du lịch là
một loại sản phẩm tiêu dùng đáp ứng
cho nhu cầu của du khách, nó bao
gồm di chuyển, ăn ở và giải trí” (dẫn
theo Trần Văn Thông, 2003: 44). Một
cách khái quát nhất, theo Luật Du lịch
Việt Nam (2017) thì “Sản phẩm du
lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở
khai thác giá trị tài nguyên du lịch để
thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch”
(Khoản 5, Điều 3).
Mặc dù chưa có sự thống nhất về định
nghĩa “sản phẩm du lịch” giữa các tác
giả, nhưng về tổng thể, có thể hiểu
sản phẩm du lịch theo hai nghĩa,
nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa
rộng, sản phẩm du lịch là tổng thể các
yếu tố vật chất và tinh thần do con
người tạo ra nhằm phục vụ du khách
một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Theo nghĩa hẹp, sản phẩm du lịch là
những thành phần cụ thể, yếu tố riêng
lẻ trong các hoạt động dịch vụ du lịch,
tài nguyên du lịch, cơ sở vật chất kỹ
thuật du lịch, quà lưu niệm Nói cách
khác, sản phẩm du lịch có thể được
phân chia thành sản phẩm du lịch
tổng hợp và sản phẩm du lịch riêng lẻ.
Sản phẩm du lịch tổng hợp là sự tích
hợp nhiều yếu tố nhằm thỏa mãn nhu
cầu vật chất và tinh thần của du khách
trong suốt quá trình họ tham gia vào
hoạt động du lịch Sản phẩm du lịch
riêng lẻ là từng yếu tố riêng biệt, như:
điểm tham quan, phương tiện vận
chuyển, cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi
giải trí, quà lưu niệm và các dịch vụ đi
kèm khác mà từ đó có thể cấu thành
sản phẩm du lịch tổng hợp.
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019
11
Tựu trung lại, ba yếu tố cơ bản của
một sản phẩm du lịch là: điểm tham
quan, phương tiện tiếp cận điểm tham
quan đó, và cơ sở lưu trú dành cho du
khách. Trong ba yếu tố cấu thành sản
phẩm du lịch thì điểm tham quan là
yếu tố quyết định, là cơ sở chính để
du khách chọn lựa và tìm đến điểm du
lịch. Không có điểm tham quan thì
không có hoạt động du lịch. Điểm
tham quan là yếu tố thu hút khách. Đó
có thể là những địa điểm chứa đựng
các giá trị về văn hóa, lịch sử, những
sự kiện văn hóa xã hội đặc thù, các
cảnh quan thiên nhiên đặc trưng vùng
miền... Khả năng tiếp cận các điểm
tham quan có vai trò quan trọng, vì
nếu những điểm tham quan có hấp
dẫn đến mức nào nhưng du khách
không thể đến được thì cũng không
có nhiều ý nghĩa trong phát triển du
lịch. Do đó, cơ sở hạ tầng giao thông
và phương tiện đi lại phải đạt được
một số chuẩn mực nhất định và cần
được nâng cao. Cơ sở lưu trú là yếu
tố cơ bản không thể thiếu nhằm phục
vụ không chỉ nhu cầu thiết yếu của du
khách ở những điểm đến mà còn là
điều kiện để giữ chân du khách, phát
huy được vai trò của du lịch trong việc
phát triển kinh tế của địa phương. Tất
nhiên, khi đưa sản phẩm du lịch vào
vận hành thì nhiều yếu tố khác cũng
cần được chú trọng như yếu tố an
toàn, cơ sở, trang thiết bị, kỹ thuật
phục vụ, chất lượng dịch vụ và lòng
hiếu khách.
Sản phẩm du lịch nói chung rất đa
dạng. Theo chúng tôi có thể phân loại
sản phẩm du lịch dựa vào một số tiêu
chí như sau: 1) dựa vào nguồn gốc,
chúng ta có sản phẩm du lịch tự nhiên
và sản phẩm du lịch do con người tạo
ra; 2) dựa vào tính hữu hình thì có sản
phẩm du lịch hữu hình (các yếu tố vật
chất như cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu
vui chơi giải trí) và sản phẩm du lịch
vô hình (văn hóa ứng xử, thái độ, chất
lượng phục vụ); 3) dựa vào tính
biến đổi thì có sản phẩm du lịch dễ
biến đổi (cơ sở vật chất, trang thiết bị,
dịch vụ) và sản phẩm du lịch khó
biến đổi (tài nguyên tự nhiên); 4) dựa
vào vòng đời phát triển thì có sản
phẩm du lịch trường tồn (tài nguyên tự
nhiên) và sản phẩm du lịch ngắn hạn
(cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị,
phương tiện vận chuyển); 5) dựa
vào thời gian tiêu thụ thì có sản phẩm
du lịch trước chuyến đi (văn hóa bán
hàng), trong chuyến đi (các yếu tố
phục vụ du khách trong quá trình tham
quan) và sau chuyến đi (văn hóa hậu
mãi).
Riêng đối với sản phẩm du lịch đặc
thù, trước hết đó là sản phẩm du lịch
và thứ hai, sản phẩm này phải mang
tính độc đáo, khác biệt với những sản
phẩm du lịch khác. “Sản phẩm du lịch
đặc thù là những sản phẩm được xây
dựng dựa trên giá trị đặc sắc, độc
đáo/duy nhất, nguyên bản và đại diện
của tài nguyên du lịch (tự nhiên và
nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến
du lịch với những dịch vụ không chỉ
làm thỏa mãn nhu cầu/mong đợi của
du khách mà còn tạo được ấn tượng
bởi tính độc đáo và sáng tạo” (Tổng
cục Du lịch Việt Nam, 2015: 3).
NGUYỄN HỮU NGHỊ – PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH
12
Sản phẩm du lịch cũng như sản phẩm
du lịch đặc thù có vị trí quan trọng
trong hoạt động du lịch với các vai trò
cụ thể như: cá biệt hóa du lịch của
điểm đến, của địa phương; tạo ra tính
hấp dẫn cao, thu hút thị trường khách
đặc biệt hoặc đại trà; gây dựng hình
ảnh du lịch của điểm đến; gây dựng
thương hiệu du lịch của địa phương;
tạo ra sức cạnh tranh cho điểm đến,
cho địa phương; là những điểm nhấn
của hệ thống sản phẩm du lịch ở điểm
đến; có khả năng tạo ra động lực cho
các sản phẩm du lịch khác cùng phát
triển (Tổng cục Du lịch Việt Nam,
2017: 4).
3. THỰC TRẠNG TÀI NGUYÊN DU
LỊCH SÔNG NƯỚC, MIỆT VƯỜN,
BIỂN ĐẢO Ở TÂY NAM BỘ
Theo Điều 3 Luật Du lịch Việt Nam
(2017) thì “Tài nguyên du lịch là cảnh
quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và
các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình
thành sản phẩm du lịch, khu du lịch,
điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu
du lịch”. Tài nguyên du lịch bao gồm
tài nguyên du lịch tự nhiên và tài
nguyên du lịch văn hóa. Yếu tố tự
nhiên gồm “cảnh quan thiên nhiên,
các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo,
khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các
yếu tố tự nhiên khác” (Khoản 1, Điều
15) có thể được sử dụng cho mục
đích du lịch; “Tài nguyên du lịch văn
hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa,
di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc;
giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội,
văn nghệ dân gian và các giá trị văn
hóa khác, công trình lao động sáng
tạo của con người” (Khoản 2, Điều 15)
có thể được sử dụng cho mục đích du
lịch. Tài nguyên du lịch và sản phẩm
du lịch rất gần nhau. Một cảnh quan
thiên nhiên, một công trình kiến trúc
nếu không đưa vào khai thác du lịch
thì chỉ dừng lại ở giá trị tài nguyên du
lịch, còn nếu đưa vào khai thác du lịch,
cho du khách tiếp cận thì chính nó trở
thành sản phẩm du lịch.
Thiên nhiên Tây Nam Bộ với các loại
địa hình đồng bằng nhiều sông rạch,
kênh đào, cồn, biển đảo, núi đồi (An
Giang, Kiên Giang) hình thành cảnh
quan đồng bằng ven biển hạ lưu sông
Mekong kết hợp với các yếu tố sông
nước, lúa gạo, trái cây, thủy hải sản
tạo nên tiềm năng du lịch nổi bật của
vùng này. Thích nghi với điều kiện
thiên nhiên sông nước, cư dân Tây
Nam Bộ (Kinh, Khmer, Hoa, Chăm)
còn đào thêm một hệ thống kênh
mương dày đặc, tạo nên hệ thống
giao thông thủy thuận lợi, hình thành
lối sống theo nhịp điệu con nước(1) với
những giá trị văn hóa đặc sắc, khác
biệt so với các vùng miền khác. Trong
những năm qua, hoạt động du lịch
miền Tây Nam Bộ không ngừng phát
triển và tạo cho mình các sản phẩm
đặc thù du lịch sông nước, miệt vườn,
biển đảo.
Sản phẩm du lịch sông nước
Du lịch được hình thành từ hai yếu tố
tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn
hóa.
Về tài nguyên tự nhiên. Sông nước là
yếu tố quan trọng tạo nên diện mạo
Đồng bằng sông Cửu Long - Tây Nam
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019
13
Bộ. Trước nhất là hệ thống sông ngòi.
Xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng,
khi đến Phnôm Pênh, dòng Mekong
chia ra làm ba nhánh, một nhánh chảy
vào Biển Hồ (Campuchia), hai nhánh
chảy vào Nam Bộ Việt Nam được gọi
là sông Tiền và sông Hậu rồi đổ ra
Biển Đông qua nhiều cửa tạo nên
sông Cửu Long hiện nay. Các chi lưu
của sông Cửu Long cùng với hệ
thống sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông
và Vàm Cỏ Tây), Gành Hào, Cái Lớn,
Cái Bé, Ông Đốc tạo cho đồng
bằng Tây Nam Bộ một hệ thống sông
rạch chằng chịt dài trên 5.000km với
dòng chảy hiền hòa mà những nước
có dòng Mekong chảy qua không nơi
nào có được. Tây Nam Bộ là vùng
đồng bằng thấp, có những nơi trũng
tạo nên sinh cảnh “vùng nước nổi” rất
đặc trưng như vùng Đồng Tháp Mười,
Tứ giác Long Xuyên. Riêng vùng
Đồng Tháp Mười (các tỉnh Đồng
Tháp, Long An và Tiền Giang) cũng
là “hệ sinh thái động thực vật hết
sức đa dạng gồm hệ sinh thái đồng
cỏ ngập nước theo mùa, hệ sinh thái
đầm lầy, hệ sinh thái rừng tràm, hệ
sinh thái lúa mùa và lúa nổi” (Châu
Hồng Thắng, 2018: 162), góp phần
tạo nên sản phẩm du lịch sông nước
đặc trưng của nơi đây. Các hệ sinh
thái tự nhiên kể trên “còn thấy ở các
vườn quốc gia, khu bảo tồn, hoặc
trong các khu du lịch trong vùng như:
Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Bảo
tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu Du
lịch làng nổi Tân Lập, Khu Du lịch
Gáo Giồng” (Châu Hồng Thắng,
2018: 162).
Về tài nguyên văn hóa. Cư dân Tây
Nam Bộ gắn bó với sông nước, như
Trịnh Hoài Đức vào đầu thập niên 20
của thế kỷ XIX đã viết: “Đất Gia Định
nhiều sông, kênh, cù lao, bãi cát;
trong mười người đã có chín người
biết nghề bơi lội, chèo thuyền, lại ưa
ăn mắm, ngày ăn 3 bữa cơm mà ít khi
ăn cháo” (Trịnh Hoài Đức 1972: 12).
Hay “ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe
thuyền, hoặc dùng thuyền làm nhà ở,
hoặc để đi chơi, đi thăm người thân
thích, chở gạo củi buôn bán rất tiện
lợi” (Trịnh Hoài Đức, 1972: 15). Đồng
bằng sông Cửu Long được nhiều
người biết đến với yếu tố văn hóa
sông nước. “Tính sông nước” có thể
được xem là một trong những đặc
trưng hàng đầu về tính cách văn hóa
của cư dân vùng đất này. “Tính sông
nước”(2) (hay nói đầy đủ hơn là “tính
hòa hợp cao với thiên nhiên sông
nước”) chi phối toàn bộ cuộc sống vật
chất và tinh thần của con người nơi
đây. Du khách đến đây có thể trải
nghiệm văn hóa ăn, mặc, ở, đi lại
cũng như nếp sinh hoạt của cư dân
theo nhịp điệu của con nước. Cụ thể:
(i) Về văn hóa ẩm thực, Tây Nam Bộ
có nhiều món ăn được làm từ cá và
rất nhiều đặc sản có nguồn gốc sông
nước, ruộng đồng như ếch, rùa, rắn,
lươn, các loại rau trong thiên nhiên
(bông súng, rau đắng, bông điên
điển) được chế biến nhiều cách
khác nhau; (ii) Về văn hóa cư trú,
người Kinh thường tổ chức nhà ở
trong các ngôi làng dọc theo sông
rạch và kênh đào, nhà mở cửa nhìn ra
sông, lấy sông làm mặt tiền; người
NGUYỄN HỮU NGHỊ – PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH
14
Khmer tập trung thành phum sóc trên
đất giồng, là dấu vết của các giồng
duyên hải. Nhà ở thì “loại vật liệu sông
nước điển hình nhất là lá dừa nước
dùng để lợp mái nhà, làm vách nhà;
cây tràm làm cột, làm cừ, càng ngâm
nước càng bền. Kiểu nhà được lợp,
dựng bằng lá dừa nước là kiểu nhà
đặc trưng phổ biến của riêng Tây Nam
Bộ, không có ở bất kỳ vùng nào khác”
(Trần Ngọc Thêm, 2014: 653). Về văn
hóa đi lại hay văn hóa giao thông thì
nơi đây là xứ sở giao thông đường
thủy: sông, kênh, rạch được xem là
đường, nhà nào cũng có ghe, xuồng
và ghe xuồng là phương tiện di
chuyển, vận tải chính. Từ điều kiện tự
nhiên, Tây Nam Bộ đã hình thành
nhiều chợ nổi như chợ nổi Cái Răng
(Cần Thơ), Cái Bè (Tiền Giang),
Phụng Hiệp (Hậu Giang), Long Xuyên
(An Giang) Chợ nổi là sản phẩm
văn hóa kinh doanh độc đáo, một nét
văn hóa riêng ở Tây Nam Bộ và thật
sự thu hút nhiều du khách trong và
ngoài nước.
Sản phẩm du lịch miệt vườn
Về tài nguyên tự nhiên. Miệt vườn
được tạo nên bởi vùng đất “phù sa
ngọt”(3) nằm ở trung tâm của khu vực
Đồng bằng sông Cửu Long. Theo
quan niệm phân vùng dân gian, về cơ
bản vùng phù sa ngọt tương ứng với
“miệt vườn” và “miệt cù lao” (Trần
Ngọc Thêm, 2014: 110). Vùng phù sa
ngọt chạy dài từ thị xã Tân An (Long
An) đến Long Mỹ (Hậu Giang), phía
bắc giáp vùng trũng Đồng Tháp Mười,
phía tây là vùng trũng Hà Tiên. Đây là
vùng đất tương đối bằng phẳng được
bồi đắp bởi sông Cửu Long và các chi
lưu, thế đất thường cao ráo, trù phú,
nước ngọt quanh năm (Nguyễn Hữu
Hiếu, 2010: 61). Cư dân ở đây đã tận
dụng được lợi thế về địa hình, khí hậu,
đặc biệt là nước ngọt quanh năm, để
tạo cho vùng đất này một “miệt vườn”
trù phú với nhiều loại cây trái. Nhà văn
Sơn Nam cho rằng: “Miệt vườn, gọi
tổng quát những vùng cao ráo, có
vườn cam vườn quít ở ven sông Tiền,
sông Hậu” (Sơn Nam, 2005: 242). Từ
vùng đất “phù sa ngọt” nơi đây đã
hình thành các khu du lịch miệt vườn
hấp dẫn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh
có các điểm/khu du lịch như: “điểm
sinh thái Mai Vàng, nằm bên bờ sông
Cổ Chiên, với hệ sinh thái nông
nghiệp vườn cây ăn trái bốn mùa và
những vườn hoa kiểng. Khu sinh thái
trang trại Vinh Sang nằm ở đầu Cù lao
An Bình Cảnh quan nơi này giống
như một khu vườn tự nhiên rộng lớn,
có hệ thống kênh rạch liên thông nhau,
cùng vườn trái cây với nhiều loại cây
ăn trái, khu vực nuôi cá sấu, đà điểu
tạo nên không gian kỳ thú, hấp dẫn.
Điểm sinh thái Sáu Giáo thuộc ấp
Bình Thuận, xã Hòa Ninh, huyện Long
Hồ là một trong những điểm sinh thái
tiêu biểu, có sức hấp dẫn cao từ các
vườn cây cảnh với hàng trăm loại như
mai vàng, mai chiếu thủy, lài, hoa
lan; lại được bao quanh bởi những
vườn cây ăn trái như nhãn, bưởi,
chôm chôm và các khu nuôi, bảo tồn
động vật quý hiếm: trăn, rắn, rùa”
(Phạm Xuân Hậu, 2018: 14).
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019
15
Về tài nguyên văn hóa. Văn minh miệt
vườn thể hiện qua “nếp sống vật chất
như ăn, mặc, ở, cách thức sanh nhai”
(Sơn Nam, 2005: 233) tạo cho vùng
này những nét văn hóa đặc sắc. Cư
dân nơi đây cũng như người dân Tây
Nam Bộ nói chung, thân thiện, cởi mở,
chan hòa, dễ thích nghi và đặc biệt
hiếu khách đã tạo nên nét văn hóa
riêng hấp dẫn đối với du khách. Từ
đầu thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Đức đã viết
về lòng hiếu khách của cư dân Nam
Bộ như sau: “Ở Gia Định có người
khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng
trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh tiếp
đãi trọng hậu, không kể người thân sơ
quen lạ tông tích ở đâu, ắt đều thâu
nạp khoản đãi; cho nên người đi chơi
không cần đem tiền gạo theo” (Trịnh
Hoài Đức, 1972: 11). Về tính cách thì
“Người Tây Nam Bộ hiếu khách một
cách tự nhiên, bình dị; hiếu khách như
một bản chất, một nhu cầu. Họ tiếp
khách rất thân tình, coi khách như
người nhà, không hề khách sáo làm
màu... Những ai đã một lần được làm
khách ở một gia đình Tây Nam Bộ
thường khó quên được cảm giác nồng
hậu, chân tình và hiếu khách của
người dân vùng này” (Trần Ngọc
Thêm, 2014: 697). Đồng thời, miệt
vườn cũng chính là nơi còn lưu giữ
được những giá trị văn hóa đặc trưng
của miền Tây Nam Bộ từ tín ngưỡng,
tôn giáo đến sinh hoạt văn nghệ dân
gian mà nổi bật là nghệ thuật đờn ca
tài tử. Có thể nói “Miệt vườn tiêu biểu
cho hình thức sanh hoạt vật chất và
tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông
Cửu Long” (Sơn Nam, 2005: 242).
Hiện nay, phát triển yếu tố văn minh
miệt vườn được thể hiện rõ nét nhất ở
các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh
Long, Cần Thơ Đặc biệt là ở tỉnh
Vĩnh Long - tỉnh tiêu biểu cho văn
minh miệt vườn, ngành du lịch đã phát
huy thế mạnh kể trên để tạo nên các
loại hình du lịch nhân văn, du lịch
cộng đồng, du lịch homestay, Chính
con người “miệt vườn” đã tạo ra “Các
hệ sinh thái, cảnh quan nhân tạo gắn
với truyền thống của cộng đồng dân
tộc trong tỉnh tạo nên những điểm du
lịch hấp dẫn” (Phạm Xuân Hậu, 2018:
12). Những năm gần đây, hàng năm
các tỉnh Tây Nam Bộ đều phối hợp với
TPHCM để tổ chức “Lễ hội trái cây
Nam Bộ”. Lễ hội quảng bá về sự
phong phú của các loại trái cây Việt
Nam và xúc tiến du lịch nói chung
cũng như du lịch miệt vườn nói
riêng
(4)
.
Sản phẩm du lịch biển đảo
Về tài nguyên tự nhiên. Vùng biển đảo
Tây Nam Bộ nằm trên địa bàn 12 tỉnh
và 1 thành phố trực thuộc Trung ương,
gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh,
Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên
Giang với tổng chiều dài 744km,
chiếm 22,82% đường bờ biển Việt
Nam
(5)
. Nơi đây có khí hậu, nhiệt độ
và thủy văn khá ổn định, thích hợp
cho phát triển hoạt động du lịch biển
đảo. Tài nguyên tự nhiên ở vùng
duyên hải Tây Nam Bộ rất phong phú,
đa dạng và có giá trị trong việc bảo
tồn sự đa dạng sinh học đồng thời là
lợi thế để phát triển du lịch biển đảo.
Thể hiện rõ nét nhất là hệ thống các
khu dự trữ sinh quyển. Tính đến nay,
NGUYỄN HỮU NGHỊ – PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH
16
toàn vùng Tây Nam Bộ được
UNESCO công nhận 2 khu dự trữ sinh
quyển thế giới thì cả 2 đều nằm ở
vùng ven biển, đó là Khu Dự trữ sinh
quyển ven biển và biển đảo Kiên
Giang (2006) và Khu Dự trữ sinh
quyển Mũi Cà Mau (2009). Bên cạnh
các khu dự trữ sinh quyển, Tây Nam
Bộ còn có 5 vườn quốc gia, trong đó
có đến 2 vườn quốc gia gần biển là
Vườn Quốc gia U Minh Hạ và Vườn
Quốc gia U Minh Thượng, 1 vườn
quốc gia ven biển là Vườn Quốc gia
Mũi Cà Mau, và 1 vườn quốc gia trên
hải đảo là Vườn Quốc gia Phú Quốc.
Ngoài ra, miền duyên hải Tây Nam Bộ
còn có nhiều cảnh quan đẹp, đa dạng.
Bãi biển được xem là một trong
những thành tố quan trọng bậc nhất
cấu thành hệ thống sản phẩm du lịch
tự nhiên vùng biển đảo nơi đây. Các
bãi tắm đẹp ở Tây Nam Bộ được khai
thác phát triển du lịch chủ yếu tập
trung ở tỉnh Kiên Giang như: Bãi Nam
Du, Bãi Bình An, Bãi Mũi Nai, Bãi mũi
Gành Dầu, Bãi Dài, Bãi Ông Lang, Bãi
Trường, Bãi Khem, Bãi Sao, Bãi
Thơm Tài nguyên trong lòng biển
vùng Tây Nam Bộ cũng rất phong phú,
phù hợp để đưa vào phục vụ khách
tham quan, như: nhóm động vật biển,
bao gồm những động vật quý hiếm
cần được bảo vệ, chẳng hạn như bò
biển (dugong), rùa biển hay các giống
loài thủy sản có giá trị kinh tế; nhóm
thực vật biển, chủ yếu là hệ sinh thái
ở các thảm cỏ biển, hệ san hô, rừng
ngập mặn
Về tài nguyên văn hóa thể hiện qua
các giá trị văn hóa về tín ngưỡng; các
loại hình nghệ thuật; tri thức dân gian;
ngư cụ, cách sử dụng ngư cụ và
phương pháp đánh bắt; các làng nghề
thủ công như nghề đóng tàu thuyền,
làm thuyền thúng, nghề làm nước
mắm; văn hóa ẩm thực vùng biển; các
di tích lịch sử văn hóa Về mặt tín
ngưỡng ở vùng biển Tây Nam Bộ thể
hiện dòng chảy văn hóa biển từ miền
Trung và sự giao lưu, tiếp biến văn
hóa của cộng đồng người Việt - Chăm
- Hoa - Khmer. Gần đây có tác giả đã
đưa ra nhận định: “Có lẽ chưa có nơi
nào lại có một hệ thống nữ thần biển
phong phú và đầy phức tạp như vùng
biển Nam Bộ” (Phan Thị Yến Tuyết
2014: 375). Các nữ thần được thờ
phổ biến ở vùng biển này trong tín
ngưỡng thờ Bà-Cậu, thờ Phật Bà
Nam Hải, thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu,
thờ Tứ Vị Thánh Nương Đại Càn Quốc
Gia Nam Hải hay Đại Càn Nương
Vương. Ở Tây Nam Bộ, tín ngưỡng
thần biển thể hiện mối quan hệ văn
hóa Việt - Chăm, Việt - Hoa; qua Lễ
hội Cầu an và Cúng phước biển phản
ánh mối quan hệ văn hóa Việt - Khmer.
Nhìn chung việc thờ tự, tín ngưỡng
các vị thần biển của người dân Tây
Nam Bộ là hình ảnh hội tụ phẩm chất
tốt đẹp của những người tiên phong
khai hoang mở đất với ý thức tri ân,
uống nước nhớ nguồn và niềm tin cầu
an gắn với nghề nghiệp và địa bàn
sinh sống, đặc biệt là cư dân nghề
biển. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cá
Voi hay cá Ông
(6)
có thể được xem là
một trong những tín ngưỡng độc đáo
thể hiện dòng chảy văn hóa biển từ
Trung Bộ vào Nam Bộ Các loại hình
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019
17
nghệ thuật như nghệ thuật ngôn từ,
nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo
hình cũng mang nhiều hình ảnh và
tâm thức biển đảo thể hiện trong các
thể loại ca dao, hò vè, câu đố, truyền
thuyết, dân ca, hát đối, cải lương,
Tri thức dân gian của ngư dân vùng
biển nơi đây cũng rất đa dạng và
phong phú, được tích lũy qua quá
trình bám biển và khai thác biển.
Chẳng hạn như kinh nghiệm nhìn trời,
nhìn chớp, nhìn mây, nhìn trăng, nhìn
gió, nhìn nước biển, nhìn sóng biển,
nhìn cá biển, nhìn chim để đoán
thời tiết hay kinh nghiệm chữa bệnh ở
vùng biển đảo đều mang những nét
văn hóa rất độc đáo.
Ngoài ra, không thể không lưu ý đến
nhóm cổ vật có giá trị văn hóa - lịch
sử, được phát hiện trong lòng biển
qua công tác khảo cổ hay do ngư dân
phát hiện tình cờ ở vùng biển Tây
Nam Bộ.
4. KẾT NỐI VÀ XÂY DỰNG SẢN
PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ SÔNG
NƯỚC - MIỆT VƯỜN - BIỂN ĐẢO
4.1. Những lợi thế và bất cập
Quyết định phê duyệt “Chiến lược
phát triển du lịch Việt Nam đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030” của
Thủ tướng Chính phủ xác định: “Phát
triển sản phẩm du lịch dựa trên thế
mạnh nổi trội và hấp dẫn về tài
nguyên du lịch của vùng” và “phát huy
thế mạnh, tăng cường liên kết giữa
các vùng, miền, địa phương hướng tới
hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng
theo các vùng du lịch”(7). Quyết định
cũng nêu rõ Tây Nam Bộ cần phát huy
các thế mạnh của vùng để phát triển
du lịch, trong đó có thế mạnh về tài
nguyên du lịch sông nước, miệt vườn
và biển đảo. Thực hiện chủ trương
của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch thể hiện rõ mục tiêu phát
triển du lịch qua Quyết định phê duyệt
“Đề án phát triển du lịch Đồng bằng
sông Cửu Long đến năm 2020”. Đó là
“Phát triển du lịch dựa trên thế mạnh
của từng khu vực, từng địa bàn trong
vùng, tạo sản phẩm đặc thù, độc đáo,
tạo điểm đến đặc trưng khu vực, mở
ra khả năng kết nối sản phẩm nội
vùng, liên vùng và liên quốc gia”(8).
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch trên
cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch
đặc thù vùng Tây Nam Bộ cho đến
gần đây vẫn còn nhiều hạn chế. Tổng
cục Du lịch Việt Nam đã nhận định:
“Thực tế phát triển sản phẩm du lịch
tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long
đang có nhiều bất cập bởi sự trùng
lặp trong các tour, tuyến du lịch; tình
trạng kém hấp dẫn và không rõ tính
đặc thù của các sản phẩm du lịch của
vùng, các địa phương khai thác các
giá trị tương đồng mà chưa nhìn nhận
được các giá trị đặc thù, khác biệt của
từng địa phương, giá trị và tính hấp
dẫn trong sự tương quan trong vùng
và trong cả nước” (Tổng cục Du lịch
Việt Nam 2015: 1). Thực tế này cho
thấy vùng Tây Nam Bộ đang rất cần
xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
cho vùng. Chính vì vậy, việc kết nối
sản phẩm du lịch sông nước - miệt
vườn - biển đảo sẽ tạo nên tính đặc
thù và phát huy hiệu quả lợi thế về tài
nguyên du lịch của Tây Nam Bộ.
NGUYỄN HỮU NGHỊ – PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH
18
Hiện nay, ngành du lịch cũng đã khai
thác phần nào thế mạnh tài nguyên
du lịch sông nước, miệt vườn, biển
đảo một cách riêng biệt hoặc kết hợp
phát triển cả hai yếu tố sông nước -
miệt vườn. Tuy nhiên, để tạo một sản
phẩm du lịch đặc trưng mà ở đó có
sự kết hợp giữa ba yếu tố theo mô
hình sông nước - miệt vườn - biển
đảo vẫn chưa được thể hiện rõ nét.
Dựa vào hệ thống tài nguyên, đặc
điểm không gian du lịch ở miền Tây
Nam Bộ, chúng ta có thể phát triển
sản phẩm du lịch đặc thù theo hai
hướng: du lịch sông nước - miệt vườn
- biển ven bờ (miền duyên hải, cửa
sông, bãi biển) và du lịch sông nước -
miệt vườn - biển xa bờ (đảo). Tùy
thuộc vào từng địa phương với lợi thế
về tài nguyên du lịch của mình và trên
cơ sở tìm hiểu nhu cầu, sở thích của
du khách mà chọn hướng phát triển
phù hợp. Tất nhiên, để phát triển mô
hình du lịch đặc thù sông nước - miệt
vườn - biển đảo một cách khả thi, thì
ngoài các lợi thế về tài nguyên du lịch,
chủ trương, chính sách, còn cần phải
đầu tư về cơ sở hạ tầng, hệ thống
giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật
(nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi
giải trí) theo hướng đa dạng hóa và
nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ
du khách.
4.2. Kết nối, xây dựng chương trình
tour, tuyến khai thác sản phẩm du
lịch sông nước - miệt vườn - biển
đảo
Những chương trình tour, tuyến du
lịch đang khai thác sản phẩm du
Bảng 1. Các tuyến du lịch đang khai thác sản phẩm du lịch sông nước - miệt vườn -
biển đảo
Hà Nội - Cần Thơ -
Côn Đảo/Phú Quốc
(4 ngày 3 đêm)
Cần Thơ - Sóc
Trăng - Côn Đảo
(3 ngày 2 đêm)
TPHCM - quần đảo
Bà Lụa - rừng tràm
Trà Sư
(2 ngày 1 đêm)
TPHCM - Cần Thơ -
Rạch Giá - Hà Tiên
- Phú Quốc
(5 ngày 4 đêm)
Tại Cần Thơ: tham quan chợ
nổi Cái Răng vào sáng sớm,
dùng các món ăn Nam Bộ
trên Bến Ninh Kiều.
Tại Phú Quốc: tắm biển tại
Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi
Trường; tham quan đình
thần Nguyễn Trung Trực,
Nhà tù Phú Quốc, Bảo tàng
Cội Nguồn, vườn tiêu, cơ sở
chế biến nước mắm, rượu
sim, trại nuôi chó Phú Quốc,
làng chài Hàm Ninh, cơ sở
nuôi cấy ngọc trai
(kết hợp đường
hàng không và
đường thủy)
Tham quan các
ngôi chùa Khmer
ở Sóc Trăng.
Tại Côn Đảo: tham
quan bảo tàng,
nhà tù Côn Đảo,
miếu Bà Phi Yến,
nghĩa trang Hàng
Dương.
(hoặc TPHCM - quần
đảo Nam Du - Châu
Đốc hoặc TPHCM -
Hà Tiên - Châu Đốc)
Tại Châu Đốc: tham
quan miếu Bà Chúa
Xứ, lăng Thoại Ngọc
Hầu, chùa Tây An.
Tại rừng tràm Trà
Sư, chiêm ngưỡng
cảnh quan vùng nước
nổi với các thực vật
đặc thù.
(đường bộ: TPHCM
- Cần Thơ - Rạch
Giá, đường thủy:
Hà Tiên đi Phú
Quốc, và đường
hàng không: Phú
Quốc về TPHCM)
Tại Hà Tiên: tham
quan Thạch Động,
Mũi Nai, khu lăng
thờ dòng họ Mạc
Cửu, chùa Phù
Dung.
Nguồn: Tác giả tổng hợp thông tin từ các công ty du lịch.
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019
19
lịch sông nước - miệt vườn - biển đảo
Cho đến nay, trong điều kiện hệ thống
giao thông thủy, bộ, hàng không đã và
đang được cải thiện, nhiều công ty du
lịch được thành lập, sản phẩm du lịch
sông nước - miệt vườn - biển đảo
cũng từng bước được đưa vào khai
thác. Các đô thị lớn như Hà Nội,
TPHCM vốn là các trung tâm du lịch
lớn của cả nước, trở thành điểm xuất
phát hoặc trạm trung chuyển cho các
tour du lịch sông nước - miệt vườn -
biển đảo vùng Tây Nam Bộ. Đơn cử
một số tour du lịch như (Bảng 1):
Tour Hà Nội - Cần Thơ/TPHCM - Côn
Đảo hoặc Hà Nội - Cần Thơ/ TPHCM -
Phú Quốc (Công ty Saigontourist,
Công ty Du lịch Đất Việt, Công ty
Treviettours).
Tour Cần Thơ - Sóc Trăng - Côn Đảo
(Công ty Du lịch Vietravel), di chuyển
bằng tàu cao tốc hoặc tour Hà Nội -
Cần Thơ - Côn Đảo (Công ty Du lịch
Hanotours) kết hợp đường hàng
không và đường thủy có qua Sóc
Trăng
Tour TPHCM - quần đảo Bà Lụa -
rừng tràm Trà Sư (Công ty Du lịch Dế
Mèn, Công ty Du lịch Chợ Lớn) hoặc
TPHCM - quần đảo Nam Du - Châu
Đốc hoặc TPHCM - Hà Tiên - Châu
Đốc...
Tour TPHCM - Cần Thơ - Rạch Giá -
Hà Tiên - Phú Quốc kết hợp đường
bộ (TPHCM - Cần Thơ - Rạch Giá),
đường thủy (từ Hà Tiên đi Phú Quốc)
và đường hàng không (chuyến về từ
Phú Quốc về TPHCM) (Công ty Du
lịch Chợ Lớn)
Hiện các công ty du lịch ở TPHCM và
các tỉnh Kiên Giang, An Giang, thành
phố Cần Thơ đang có các tour qua
các điểm Hà Tiên - Phnôm Pênh -
Siêm Riệp - Bangkok - Pattaya -
Sihanouk Ville - Hà Tiên hoặc tour
TPHCM - Châu Đốc - Siêm Riệp -
Phnôm Pênh - TPHCM hoặc tour
TPHCM - Phnôm Pênh - Siêm Riệp -
Bangkok - Pattaya - TPHCM...
Các công ty du lịch lữ hành đã có thể
hoàn toàn chủ động thiết kế nhiều tour
liên kết sông nước - miệt vườn - biển
đảo với nhiều điểm tham quan khác
nhau theo yêu cầu của du khách trong
bối cảnh điều kiện giao thông đã được
cải thiện và hệ thống điện nước sinh
hoạt được đưa đến nhiều vùng nông
thôn và biển đảo(9) như hiện nay. Ví dụ
tour Tiền Giang - Rạch Giá - quần đảo
Nam Du (Công ty Du lịch Văn hóa
Việt), tại Tiền Giang du khách đi
thuyền trên sông Tiền thăm các Cù
lao Long, Lân (cù lao Thới Sơn - điểm
tham quan chính là vườn cây, cơ sở
nuôi ong, lò làm kẹo dừa), Cù lao Qui,
Phụng (tham quan cơ sở kiến trúc
Đạo Dừa); tại Rạch Giá du khách tự
khám phá khu lấn biển, đình thần
Nguyễn Trung Trực, tàu Espérance
(mô hình, trên sông trước cổng đình);
tại quần đảo Nam Du, du khách sẽ
tham quan 3 đảo lớn nhất là Hòn Lớn,
Hòn Mấu và Hòn Dầu (trong 21 đảo
của quần đảo Nam Du). Hoặc tour
Tiền Giang - biển/Cù lao Thạnh Phú
(Cồn Bửng - Bến Tre), tại Cù lao
Thạnh Phú, du khách có thể tham
quan lăng Ông Nam Hải, Khu Di tích
NGUYỄN HỮU NGHỊ – PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH
20
lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển,
rừng ngập mặn Thạnh Phú, tham
quan nhà cổ Huỳnh Phủ ở xã Đại Điền,
thăm làng nghề truyền thống (nghề
chầm nón ở xã Mỹ Hưng, nghề bó
chổi bằng cọng dừa ở Mỹ An, nghề
làm lu ở Hòa Lợi), Hoặc du học sinh
nước ngoài học ngành Việt Nam học
thường xây dựng tour du lịch
homestay TPHCM - Tiền Giang - Vĩnh
Long, trọng tâm là trải nghiệm và tìm
hiểu nếp sinh hoạt của cư dân sông
nước và cư dân miệt vườn (thăm chợ
nổi Cái Bè, tát mương bắt cá, thăm
làng nghề làm bánh tráng, làm kẹo
dừa). Khoảng 10 năm gần đây,
ngoài các tour du lịch đến Phú Quốc
đã sớm phát triển, các tour du lịch đến
huyện đảo Kiên Hải(10), quần đảo Bà
Lụa (huyện Kiên Lương) ngày càng
thu hút du khách do cảnh quan còn
hoang sơ. Sự phát triển của du lịch
biển đảo đồng thời là cơ sở để phát
triển mạnh mẽ hơn nữa sản phẩm du
lịch đặc thù sông nước - miệt vườn -
biển đảo của Tây Nam Bộ.
Một số gợi ý về việc kết nối xây
dựng chương trình tour, tuyến khai
thác sản phẩm du lịch đặc thù sông
nước-miệt vườn - biển đảo và liên
kết vùng
Để phát triển du lịch vùng Tây Nam
Bộ, mô hình liên kết cảnh quan sông
nước - miệt vườn - biển đảo có thể
làm phong phú và đa dạng hóa sản
phẩm du lịch khai thác tốt nguồn tài
nguyên thiên nhiên và nguồn tài
nguyên văn hóa của vùng.
(1) Các tour du lịch liên kết sản phẩm
du lịch đặc thù sông nước - miệt
vườn - biển đảo cũng đồng thời là liên
kết các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, cơ bản
tập trung vào tam giác Cần Thơ - An
Giang - Kiên Giang. Hoạt động du lịch
vùng Tây Nam Bộ cũng như nhiều
nơi khác ở Việt Nam thường tập
trung vào dịp hè và tết Nguyên đán.
Vào các thời điểm này, các công ty
du lịch có thể mở ra các tuyến du lịch
mới, phong phú có tính liên kết vùng
ở các cụm du lịch như: thành phố
Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang -
Hậu Giang; cụm du lịch bán đảo Cà
Mau, gồm Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc
Trăng; cụm duyên hải phía Đông gồm
các tỉnh Tiền Giang - Bến Tre - Vĩnh
Long - Trà Vinh và cụm Đồng Tháp
Mười gồm Long An - Tiền Giang -
Đồng Tháp.
(2) Trong hướng liên kết khu vực,
mang tính chất liên kết sông nước -
miệt vườn - biển đảo, các tỉnh Tây
Nam Bộ nên đẩy mạnh thực hiện các
tour du lịch qua các nước Campuchia
và Thái Lan
(11)
. Hiện nay, số tour du
lịch liên vùng, liên quốc gia đã có
nhưng còn ít và chủ yếu bằng đường
bộ, các công ty du lịch và ngành du
lịch các tỉnh Tây Nam Bộ có thể nghĩ
đến việc tăng cường liên kết với nhiều
công ty du lịch của các nước trong
khu vực Đông Nam Á và mở rộng các
tour bằng đường thủy và đường hàng
không.
(3) Sự kết nối sản phẩm du lịch đặc
thù sông nước - miệt vườn - biển đảo
giúp cho du khách có cơ hội chiêm
ngưỡng những cảnh quan thiên nhiên
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019
21
khác nhau của vùng hạ lưu sông Cửu
Long và trải nghiệm quá trình thích
nghi của cư dân Việt, Khmer, Hoa,
Chăm trên vùng đất này. Có những
khác biệt phong phú trong không gian
các làng của người Việt nằm trên các
bờ sông, bờ kênh; các phum sóc của
người Khmer trên các giồng đất cát;
các đô thị ven sông với nhiều cửa
hàng buôn bán của người Hoa; và các
làng Chăm ven sông từ Tân Châu đến
Châu Đốc (An Giang). Mỗi tộc người
có nét sinh hoạt văn hóa tinh thần
riêng. Nếu như lễ hội Nghinh Ông là lễ
hội đặc trưng của người Kinh (các nơi
tổ chức vào những thời điểm khác
nhau) thì lễ hội đua bò vùng Bảy núi
(huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An
Giang) hay đua ghe ngo ở Sóc Trăng,
Cần Thơ, Kiên Giang là những lễ
hội đặc trưng của người Khmer thu
hút đông đảo người dân trong vùng.
Ngoài ra, còn nhiều lễ hội khác của cư
dân Tây Nam Bộ như vía Bà chúa Xứ
(Châu Đốc) tổ chức vào các ngày 23 -
27/4 âm lịch, lễ hội truyền thống anh
hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
(Rạch Giá, Kiên Giang) tổ chức vào
các ngày 26 - 28/8 âm lịch(12). Nhìn từ
góc độ này, các công ty du lịch và
ngành du lịch có thể khai thác tốt các
lễ hội không chỉ góp phần quảng bá
sản phẩm du lịch vùng Tây Nam Bộ
mà còn là cơ hội để giới thiệu nét văn
hóa của cư dân nơi đây. Song song
với lễ hội, các công ty du lịch có thể
tăng cường khai thác và phát huy giá
trị các di tích lịch sử - kiến trúc - văn
hóa - nghệ thuật (cấp tỉnh, cấp quốc
gia) của cư dân trong vùng thông qua
các di tích tiêu biểu: Chùa Tây An
(phường Núi Sam, Châu Đốc) được
Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích Kiến
trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm
1980; chùa Xà Tón (Svayton) của
người Khmer, tại thị trấn Tri Tôn, tỉnh
An Giang, Di tích Kiến trúc nghệ thuật
cấp quốc gia năm 1986; thánh đường
Hồi giáo Mubarak của người Chăm,
tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu,
Châu Đốc, được công nhận là Di tích
Lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm
1989; di tích thắng cảnh Chùa Hang
(huyện Kiên Lương, Kiên Giang),
được công nhận là Di tích thắng cảnh
cấp quốc gia năm 1989; ngoài ra còn
có các thắng cảnh như Mũi Cà Mau;
Mũi Nai (Hà Tiên, Kiên Giang), quần
đảo Bà Lụa (Kiên Lương, Kiên Giang);
cảnh quan của vùng nước nổi Tứ giác
Long Xuyên, như: rừng tràm Trà Sư,
khu nhà bè trên sông Châu Đốc
Các tour du lịch kết nối này có thể
giúp du khách tham quan được nhiều
hơn các di tích lịch sử - văn hóa ở Tây
Nam Bộ.
5. KẾT LUẬN
Với lợi thế là vùng đất châu thổ của
dòng Mekong, Tây Nam Bộ được
thiên nhiên ưu đãi bởi những lợi thế
về tài nguyên du lịch tự nhiên sông
nước - miệt vườn - biển đảo mà ít nơi
nào có được. Hàng trăm năm qua, cư
dân Tây Nam Bộ đã hình thành nên
một vùng văn hóa đa sắc và đặc trưng
của vùng. Quá trình thích nghi với
điều kiện tự nhiên tạo ra nét sinh hoạt
theo con nước của cư dân, của vùng
cây trái miệt vườn và hoạt động đánh
NGUYỄN HỮU NGHỊ – PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH
22
bắt của ngư dân. Nét sinh hoạt của cư
dân tại mỗi vùng đã tạo nên một bức
tranh đa dạng và đặc sắc thu hút du
khách đến khám phá, chiêm ngưỡng.
Việc kết hợp, xây dựng và phát triển
sản phẩm du lịch đặc thù sông nước -
miệt vườn - biển đảo là thật sự cần
thiết, phát huy được lợi thế cả về tự
nhiên lẫn văn hóa của cư dân, nhằm
đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đồng
thời tạo lợi thế cạnh tranh trong bối
cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và
trên thế giới ra sức giới thiệu, quảng
bá những sản phẩm đặc trưng của đất
nước. Sự liên kết vùng và khu vực sẽ
phát huy được thế mạnh tổng hợp của
khu vực Tây Nam Bộ, tạo nên điểm
nhấn đặc trưng của Việt Nam trong
các quốc gia có dòng Mekong chảy
qua. Việc không ngừng đa dạng hóa
sản phẩm du lịch theo mô hình này ở
Tây Nam Bộ góp phần đưa ngành du
lịch của Việt Nam trở thành ngành
kinh tế mũi nhọn của vùng.
CHÚ THÍCH
(1)
Ở Nam Bộ, chế độ thủy triều là bán nhật triều, mỗi ngày có hai lần nước lớn (nước từ
biển chảy vào đất liền) và hai lần nước ròng (nước từ đất liền chảy ra biển).
(2)
“Tính sông nước Tây Nam Bộ bắt nguồn từ hai hằng số tự nhiên là “nơi gặp gỡ của
những điều kiện tự nhiên thuận tiện” và “nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông sông biển
quốc tế, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng từ hai đặc trưng của tính cách văn hóa Việt Nam là
“thiên về âm tính” và “tính ưu hài hòa” (Trần Ngọc Thêm, 2014: 649).
(3)
Trần Ngọc Thêm đã chia Tây Nam Bộ làm năm tiểu vùng văn hóa, đó là: tiểu vùng phù sa
ngọt, giồng duyên hải, ngập hở, ngập kín, ngập mặn. Trong đó tiểu vùng phù sa ngọt được
xem là trung tâm, giữ vị trí quan trọng nhất, chiếm diện tich lớn nhất (Trần Ngọc Thêm, 2014:
106).
(4)
Lần đầu tiên tổ chức “Festival trái cây Việt Nam” vào năm 2010 tại Tiền Giang. Năm 2018,
Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 14 được tổ chức tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, TPHCM.
(5)
Số liệu được tổng hợp từ công trình của Lê Thông. 2006. Địa lí các tỉnh và thành phố ở
Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
(6)
Các lễ Nghinh Ông tiêu biểu của ngư dân Tây Nam Bộ như lễ Nghinh Ông ở Thạnh Hải
(huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, tổ chức vào ngày 15-16 tháng 1 âm lịch hàng năm), ở xã
đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, tổ chức vào ngày 15-16 tháng 10 âm lịch
hàng năm)
(7)
Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tr. 2.
(8)
Quyết định số 803/QĐ-BVHTTDL, ngày 9/3/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phê duyệt “Đề án phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”, tr. 1.
(9)
Trường hợp xã Lại Sơn (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) có điện lưới quốc gia vào năm
2017, cũng là năm phát triển du lịch của xã. Năm 2016 chỉ có 17.568 du khách. Năm 2017,
xã có 31 nhà nghỉ, đón 61.070 du khách (tăng 3,5 lần). Năm 2018 xã có 35 nhà nghỉ với 330
phòng, đón 73.211 du khách (phỏng vấn Phó Chủ tịch xã Lại Sơn, ngày 21/01/2019).
(10)
Huyện đảo Kiên Hải có các tuyến du lịch đi từ Rạch Giá đến xã Hòn Tre (huyện lỵ), xã
Lại Sơn (hòn Sơn Rái), đến Hòn Lớn xã An Sơn (gồm 11 hòn) và đến Hòn Mấu, Hòn Dầu xã
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 5 (249) 2019
23
Nam Du (gồm 10 hòn); huyện đảo Kiên Lương có tuyến từ xã Bình An (huyện Kiên Lương)
đi quần đảo Bà Lụa (tập trung tại 3 đảo lớn gần nhau có thể lội qua lại được, đó là các hòn
Đầm Giếng, Đầm Dương và Đầm Đước – gọi tắt là Ba Hòn Đầm),
(11)
Du khách Việt Nam được miễn Visa đến quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á là Thái
Lan, Singapore, Lào, Campuchia, Philipines, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Brunei.
(12)
Năm 1988, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận mộ và đền thờ Nguyễn Trung Trực tại
thành phố Rạch Giá là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và lễ cúng anh hùng dân tộc
Nguyễn Trung Trực được tổ chức ở nhiều tỉnh, riêng tỉnh Kiên Giang lễ cúng được tổ chức
tại hầu hết những nơi có đền thờ Nguyễn Trung Trực, nên có thể xem đây là lễ hội có tính
khu vực của Tây Nam Bộ.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Châu Hồng Thắng. 2018. “Tiềm năng và giải pháp định hướng phát triển du lịch sinh
thái Đồng Tháp Mười”. Tạp chí Khoa học – Khoa học xã hội và nhân văn (Trường Đại
học Sư phạm TPHCM), số 5 (2018), tr. 160-171.
2. Lê Thông. 2006. Địa lí các tỉnh và thành phố ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
3. Luật Du lịch Việt Nam 2017, ban hành ngày 19/6/2017.
4. Nguyễn Hữu Hiếu. 2010. Diễn trình văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: Nxb.
Thời Đại.
5. Phan Thị Yến Tuyết. 2014. Đời sống xã hội - kinh tế - văn hóa của ngư dân và cư dân
vùng biển Nam Bộ. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia.
6. Phạm Xuân Hậu. 2018. “Đánh giá các điểm tài nguyên du lịch tỉnh Vĩnh Long và
những định hướng khai thác”. Tạp chí Khoa học – Khoa học xã hội và nhân văn
(Trường Đại học Sư phạm TPHCM), số 5 (2018), tr. 12-23.
7. Smith, Stephen L.J. 1994. “The Tourism product”. Annals of Tourism Research, vol.
21, No. 3, pp. 582-595.
8. Sơn Nam. 2005. Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt
vườn. TPHCM: Nxb. Trẻ.
9. Tổng cục Du lịch Việt Nam. 2015. Đề án phát triển du lịch đặc thù vùng Đồng bằng
sông Cửu Long.
10. Trần Ngọc Thêm (chủ biên). 2014. Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ. TPHCM:
Nxb. Văn hóa - Văn nghệ.
11. Trần Nhoãn. 2005. Tổng quan du lịch. Hà Nội: Nxb. Văn hóa.
12. Trần Văn Thông. 2003. Tổng quan du lịch. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
13. Trịnh Hoài Đức. Gia Định thành thông chí, Tập hạ, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo.
Sài Gòn: Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản 1972.
14. Viện Ngôn ngữ. 2006. Từ điển tiếng Việt. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- phat_trien_san_pham_du_lich_dac_thu_song_nuoc_miet_vuon_bien.pdf