Thực trạng du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình

KẾT LUẬN VQG PNKB có hệ thống hang động đẹp và huyền bí, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng DLST về tài nguyên thiên nhiên và hệ động - thực vật phong phú. Kết quả cũng xác định được các điểm du lịch điển hình trong đó có 5 điểm du lịch tham quan và 7 tuyến du lịch khám phá đã và đang được khai thác trong nhiều năm gần đây. Số lượng du khách đến VQG PNKB trong ba năm từ 2015 - 2017 dao động từ 482.930 - 509.421, khách quốc tế chiếm 10,42% - 11,60% tổng lượng khách. Độ tuổi của du khách chủ yếu là 25 - 45 tuổi, tỷ lệ nam giới chiếm 57,14%. Doanh thu từ hoạt động du lịch tại vườn đạt từ 110 - 145 tỷ đồng. Tuy vậy, việc mở rộng các dịch vụ và sản phẩm du lịch, thu hút vốn đầu tư, hay công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở những khó khăn đó nghiên cứu cũng đưa ra sáu nhóm giải pháp nhằm góp phần phát triển DLST tại PNKB trong những năm tiếp theo.

pdf9 trang | Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 494 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng du lịch sinh thái tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 79 THỰC TRẠNG DU LỊCH SINH THÁI TẠI VƯỜN QUỐC GIA PHONG NHA - KẺ BÀNG, TỈNH QUẢNG BÌNH Phùng Thị Tuyến1, Nguyễn Thị Ngọc Ánh2 1,2Trường Đại học Lâm nghiệp TÓM TẮT Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PNKB) tỉnh Quảng Bình nổi tiếng bởi hệ thống hang động với vẻ đẹp huyền bí và có giá trị hàng đầu thế giới. Hệ sinh thái rừng kín cây lá rộng thường xanh ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi, tài nguyên động, thực vật phong phú, đa dạng với nhiều loài quý hiếm là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái (DLST) tại khu vực này. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra 15 điểm du lịch hấp dẫn với các hình thức du lịch chính bao gồm du lịch mạo hiểm và khám phá các hang động, tham quan thác, suối, leo núi. Hình thức du lịch cộng đồng đã mở ra cơ hội cho du khách được tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương cũng đang được đầu tư và đưa vào khai thác. Hệ động vật với 7,355 loài thuộc lớp thú, chim, bò sát, lưỡng thể và cá nước ngọt; hệ thực vật với 2,651 loài thuộc các ngành khuyết lá thông, thạch tùng, cỏ tháp bút, dương xỉ, thông và ngọc lan là nguồn tài nguyên tiềm năng để phát triển DLST tại khu vực. Hằng năm, VQG PNKB đã thu hút được số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm (từ 2015 đến 2017), VQG PNKB đón 500.095 du khách với tỷ lệ khách quốc tế chiếm 10,42 - 11,60%. Doanh thu từ hoạt động du lịch mang lại 110 - 145 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, việc phát triển DLST tại khu vực vẫn còn một số khó khăn trong việc mở rộng các sản phẩm du lịch, thu hút vốn đầu tư, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Trên cơ sở những khó khăn còn tồn tại, nghiên cứu này đã đưa ra được sáu nhóm giải pháp nhằm góp phần phát triển DLST tại VQG PNKB trong những năm tiếp theo. Từ khóa: Hang động, núi đá vôi, Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình, tiềm năng du lịch sinh thái. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PNKB) trực thuộc địa giới hành chính của hai huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình với tổng diện tích là 123.326 ha theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 100.296 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 19.619 ha và phân khu hành chính dịch vụ là 3.411 ha. Vườn là một trong hai khu vực đá vôi lớn nhất thế giới. Đây được coi là khu vực sinh thái quan trọng có giá trị toàn cầu nổi bật cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. VQG PNKB đã được được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất với tiêu chí địa chất, địa mạo vào năm 2003 (Trần Tiến Dũng, 2007) và lần thứ hai với tiêu chí hệ sinh thái và đa dạng sinh học vào năm 2015. Đây được coi là khu du lịch trọng điểm có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, cung cấp các dịch vụ du lịch thương mại nhằm góp phần vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình (Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017). Nơi đây cũng hội tụ nhiều sắc tộc với các nền văn hóa đặc sắc và đa dạng của dân cư sống trong vùng đệm. Trong tương lai, vườn sẽ trở thành nơi bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, và là vùng DLST hấp dẫn bậc nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017). Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đưa ra được một cái nhìn tổng quan về tiềm năng, thực trạng hoạt động du lịch sinh thái (DLST) cũng như những vấn đề còn bất cập trong công tác phát triển du lịch và đề xuất một số giải pháp cho phát triển DLST của VQG PNKB. Thông tin và số liệu được thu thập trong thời gian từ 2015 - 2017 và số liệu điều tra từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2018. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Nội dung nghiên cứu Xác định tiềm năng DLST tại VQG PNKB; Đánh giá được thực trạng hoạt động DLST của VQG PNKB; Xác định một số tồn tại trong phát triển DLST của VQG PNKB; Đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển DLST. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Thu thập số liệu thứ cấp Các thông tin về tiềm năng DLST, số liệu Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường 80 TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 về số lượng khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2015 - 2017, dự báo số lượng khách đến vườn được tổng hợp từ nguồn văn bản, tài liệu, báo cáo hàng năm của Ban Quản lý VQG PNKB, Tổng cục Du lịch, các tư liệu được đăng tải trên sách, báo, tạp chí, các công trình nghiên cứu đã được công bố. Phương pháp khảo sát thực địa Thiết lập 15 tuyến điều tra để đánh giá về hiện trạng tài nguyên du lịch, thống kê các điểm du lịch, tuyến du lịch tại khu vực nghiên cứu. Thời gian khảo sát từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2018. Phương pháp điều tra xã hội học Phỏng vấn cán bộ quản lý VQG (10 người), cán bộ kiểm lâm (10 người) để thu thập thông tin về tiềm năng du lịch, các điểm, tuyến du lịch tại VQG PNKB. Tìm hiểu thông tin về đặc điểm khách du lịch, mức độ hài lòng của du khách về chất lượng của các dịch vụ DLST hiện nay đối với VQG PNKB, 98 khách du lịch VQG PNKB đã được phỏng vấn bao gồm 70 người phát phiếu phỏng vấn và 28 người phỏng vấn trực tiếp. Thời gian thực hiện từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2018. Những tồn tại, khó khăn của hoạt động DLST tại VQG PNKB cũng được tham vấn ý kiến của các cán bộ quản lý phụ trách tại PNKB. Dựa trên những tồn tại, khó khăn của hoạt động DLST và căn cứ vào Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017 của thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia PNKB, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 đề xuất giải pháp phát triển DLST và bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực nghiên cứu. Phương pháp phân tích thông tin và xử lý số liệu Số liệu được tổng hợp từ kết quả điều tra tuyến, phỏng vấn 98 khách du lịch và tổng hợp thông tin từ các tài liệu thứ cấp. Kết quả tính toán về số lượng khách du lịch và doanh thu được thực hiện trên phần mềm excel. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Tiềm năng DLST tại VQG PNKB 3.1.1. Tài nguyên về hang động VQG PNKB là di sản thế giới có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch bởi hệ thống hang động huyền bí và hấp dẫn. Tổng chiều dài hang động tại VQG PNKB đã được ghi nhận là trên 130 km với gần 50 hang động và được chia thành ba hệ thống hang Vòm, hang Phong Nha và hang Rục Mòn. Hệ thống hang Vòm được bắt nguồn từ hang Rục Kà Roòng nằm ở độ cao khoảng 360 m so với mực nước biển. Tổng chiều dài hệ thống hang Vòm là 31.277 m (Trần Ngọc Hùng và cộng sự, 2003). Theo báo cáo của Ban quản lý VQG PNKB 2009, 2015 - 2017) đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đã tiến hành khảo sát, phát hiện thêm 20 hang động tại VQG PNKB, trong đó có hang Sơn Đòong bước đầu đã khảo sát được chiều dài của hang là 6.500 m, cao 150 m, rộng 140 m, các nhà thám hiểm nhận định rằng đây có thể là hang động lớn và rộng nhất thế giới tại thời điểm hiện nay. Sông ngầm hang Vòm chảy về phía hạ lưu lúc thì ẩn mình trong các hang, lúc lại xuất hiện trên những đoạn thung lũng hẹp, sâu và cuối cùng đổ về sông Chày ở cửa hang Vòm. Hệ thống hang Phong Nha bắt nguồn từ phía Nam của khối núi đá vôi Kẻ Bàng. Cửa chính của hệ thống hang này là hang Khe Ry và hang Én nằm ở độ cao trên mực nước biển khoảng 300 m. Tổng chiều dài hệ thống hang Phong Nha là 44.391 m. Hệ thống hang Rục Mòn nằm trên địa phận huyện Minh Hoá và có quy mô nhỏ hơn so với hai hệ thống hang trên, bao gồm 14 hang động. Một số hang động có quy mô như hang Rục Mòn có chiều dài 2.863 m, độ sâu 49 m; hang Tiên với chiều dài 2.500 m, độ sâu 51 m và còn có rất nhiều hang chưa được khảo sát (Trần Ngọc Hùng, 2003). 3.1.2. Tài nguyên động thực vật VQG PNKB đặc trưng với kiểu rừng kín cây lá rộng thường xanh ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi. Theo số liệu thống kê của Ban quản lý VQG PNKB năm 2010, hệ thực vật tại VQG PNKB phong phú và đa dạng với sự có mặt của 193 họ thực vật, 906 chi và 2.651 loài thực vật thuộc các ngành khuyết lá thông, thạch Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 81 tùng, cỏ tháp bút, dương xỉ, thông và ngọc lan. Một số các loài cây gỗ quý kích thước lớn như Bách xanh, Hoàng đàn giả, Pơmu, Chò đãi, Chò nước, Lát hoa, Lim xanh, Trầm hương, Sến mật, Nghiến, Song mật, và một số loài cây quý hiếm khác (Ban quản lý VQG PNKB, 2010). Hệ động vật với 42 bộ, 142 họ và 7.355 loài thuộc lớp thú, chim, bò sát, lưỡng thê và cá nước ngọt. Số loài động vật đặc hữu ở khu vực có tổng số 41 loài với 40 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn và 30 loài là đặc hữu của Việt Nam. Tổng số loài động vật quý hiếm là 127 loài, trong đó có 81 loài có tên trong Nghị định 32-2006/NĐ-CP, 91 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007. Một số loài thú quý hiếm phải kể đến như Chồn dơi, Cu li lớn, Cu li nhỏ, Khỉ mặt đỏ, Khỉ mốc, Khỉ đuôi lợn, Voọc ngũ sắc, Voọc hà tĩnh, Vượn đen, Vượn đen má trắng, Beo lửa, Báo gấm, Cheo leo nam dương, Bò tót, Gấu chó, Sóc bay lớn và đặc biệt phải kể đến dấu hiện của sự xuất hiện hai loài Sao la và Mang lớn; các khu hệ bò sát - lưỡng cư, cá, chim có nhiều loài quý hiếm rất có giá trị như Rắn, Tắc kè, Công, Trĩ sao, Gà lôi, Hồng hoàng (Ban quản lý VQG PNKB, 2010). 3.1.3. Các điểm du lịch điển hình tại khu vực nghiên cứu 1. Động Phong Nha: Nằm trong khu vực Hành chính - Dịch vụ, Sông Son với phong cảnh hai bên dòng sông là núi non hùng vĩ dẫn lối đi lên động Phong Nha. Động Phong Nha là một biểu tượng của khu vực và được tôn vinh là “Kỳ quan đệ nhất động”. Thời gian tham quan thuận lợi là vào mùa mùa khô tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. 2. Động Tiên Sơn: Nằm trong khu vực Hành chính - Dịch vụ, khoảng cách từ động Tiên Sơn đến động Phong Nha là 30 phút đi bộ. Về phong cảnh, từ cửa động đi vào chừng 400 m sẽ gặp một vực sâu chừng 10 m và tiếp đến là một động đá ngầm dài gần 500 m. Những nơi này khá nguy hiểm nên khách chỉ có thể tham quan chừng 400 m bên ngoài tính từ cửa động. Du khách có thể tham quan động này vào các mùa trong năm. 3. Động Thiên Đường: Động Thiên Đường nằm trong phân khu rừng phục hồi sinh thái, thuộc vùng lõi núi đá vôi của VQG PNKB. Mất khoảng 45 phút để đi từ các đường đi bộ vào trong động. Nếu đi lại trong toàn bộ hang thì mất khoảng 2 - 3 giờ với các thiết bị phụ trợ đặc biệt. Thời gian tham quan vào các mùa trong năm. 4. Đỉnh U Bò: Đỉnh U Bò nằm cuối phía Nam VQG PNKB, thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là đỉnh núi cao nhất trong địa phận tỉnh Quảng Bình, khách du lịch sẽ có những trải nghiệm lý thú trên đường lên đỉnh núi. Du khách có thể đến tham quan quanh năm. 5. Hang Tối: Hang Tối nằm hướng thẳng ra Sông Chảy gần cổng vào phía bắc của VQG PNKB, trong khu vực hành chính và dịch vụ. Với cửa hang lớn, du khách sẽ di chuyển vào bên trong hang Tối bằng thuyền, sau đó đi bộ và tham quan hang Tối. Thời gian hoạt động thuận lợi từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. 6. Hang Sơn Đoòng: Hang Sơn Đoòng nằm ở vị trí trung tâm của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phía nam VQG PNKB. Hang vừa mới được khám phá đầy đủ và được khẳng định là hang rộng nhất thế giới. Lối vào hang rất ngoạn mục, nhưng rất khó đi vào bên trong, hang có một con sông chảy xiết, có thể nghe tiếng nước chảy khi mới đặt chân vào cửa hang. Thời gian tham quan hang động vào mùa khô từ tháng 4 đến tháng đến tháng 8 hằng năm. 7. Hang E: Hang E nằm phía đông của khu Hành chính - dịch vụ VQG PNKB. Hang E là hang nước, có sông chảy bên trong. Hệ thống sông ở hang E nối với hệ thống sông ở hang Tối và sông Chảy. Thung lũng Tre nằm ngay trước mặt hang. Cách duy nhất để đi vào bên trong hang là bơi vào. Thời gian tham quan thuận lợi vào mùa khô tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. 8. Hang Vòm: Hang Vòm cách lối mòn từ đường Hồ Chí Minh khoảng từ 4 đến 5 giờ đi bộ, có thể đến thông qua động Thiên Đường. Đây một hang lớn dọc theo sông Chảy, phong cảnh rất đẹp. Thời gian tham quan thuận lợi quanh năm. Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường 82 TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 9. Hang Én: Hang Én tọa lạc ở vị trí trung tâm của phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phía nam VQG PNKB. Hang Én là hang có lòng rộng nhất được phát hiện ở Việt Nam, nhiều chỗ vòm hang cao 100 m và rộng tới trên 170 m. Đây là hang lớn thứ ba trên thế giới sau hang Sơn Đoòng và Hang Deer thuộc Vườn quốc gia Gunung Mulu - Malaysia. Cửa hang Én cao tới 78,6 m và có chiều rộng hơn 70 m. Hang là nơi đổ vào của suối Rào Thương. Cửa hang rộng, thoáng và có bãi cuội và cát rộng. Trên các vách núi ở khu vực cửa hang và trên vòm hang là nơi sinh sống của hàng vạn con chim én. Du khách có thể đến tham quan vào tất cả các mùa trong năm. 10. Hang Tám Cô: Hang Tám Cô nằm ở Km 16+500 trên đường 20 - Quyết Thắng, Quảng Bình. Hang là nơi ghi dấu những ngày tháng chiến tranh khốc liệt, sự hi sinh của các thanh niên xung phong. Thời gian tham quan hang vào các mùa trong năm. 11. Suối Nước Moọc: Suối Nước Moọc với nguồn nước từ lòng đất, phong cảnh đẹp và có xuất hiện một số loài động vật hoang dã. Đường vào suối dễ dàng tiếp cận từ đường Hồ Chí Minh. Mất khoảng 10 phút đi ô tô từ đường vào phía Bắc khu Hành chính - Dịch vụ của VQG PNKB. Tuyến du lịch này dài khoảng 1 km và được chia thành nhiều phần dọc theo Sông Chảy, nằm trong khu phục hồi sinh thái VQG PNKB. Thời gian tham quan suối là quanh năm. 12. Thác Gió: Thác Gió cách thị trấn Phong Nha khoảng 15 phút chạy xe, nằm ở km 8 trên tỉnh lộ 20, ngay cạnh dốc Động Tiên. Ở khu vực xung quanh, có một số cây lớn phía dưới chân thác, cây Gừa có chu vi thân cây trên 10 người ôm, cây Nhội, Lim xanh. Khu vực này du khách có thể tham quan các loài động vật như khỉ, rắn, nhím, sóc. Thời gian tham quan cho du khách là các mùa trong năm. 13. Trung tâm cứu hộ linh trưởng: Trung tâm cứu hộ linh trưởng là một khu vực có rào chắn bán khép kín, dùng để dần đưa các loài linh trưởng trở lại môi trường hoang dã. Trung tâm này cách trung tâm du lịch chính 2 km, trên đường đến vườn thực vật và hang Tám Cô. Tham quan địa điểm này là một cơ hội tốt để ngắm các loài linh trưởng. Du khách có thể tham quan khu vực các mùa trong năm 14. Vườn thực vật: Vườn thực vật cách thị trấn Phong Nha khoảng 25 phút đi ô tô. Du khách sẽ được tham quan các loài thực vật được bảo tồn ở đây. Du khách có thể đến tham quan vào bất cứ thời gian nào trong năm. 15. Thôn Chày Lập: Thôn Chày Lập cũng gần lối vào VQG PNKB từ phía bắc của khu vực hành chính và dịch vụ. Thôn nằm ở vị trí gần những khu vực có phong cảnh thiên nhiên đẹp như các hang động và những khu rừng nguyên sinh. Hiện tại ở thôn cũng có dịch vụ lưu trú tại nhà dân. Các hoạt động sau đây đang được phát triển: đi bộ, đi xuồng, đi xe đạp, các hoạt động cung cấp lưu trú tại nhà dân cũng như các hoạt động tình nguyện. Du khách có thể đến tham quan vào các mùa trong năm và trải nghiệm du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng. 3.1.4. Tài nguyên du lịch nhân văn Tài nguyên du lịch nhân văn bao gồm của cải vật chất và tinh thần do con người tạo ra từ xưa đến nay có thể thu hút khách du lịch đến thưởng thức. Tại khu vực nghiên cứu, Đền Tiên Sư Tự Cốc đã thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan. Đây là ngôi đền nằm ở cửa động Phong Nha gắn với lễ hội xin nước tiên của dân cư sống quần tụ quanh lưu vực sông Son. Ngoài ra, giá trị văn hóa làng xã người Việt ở PNKB như các kiến trúc nhà cổ, các đền chùa am miếu và các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng, các hình thức trang phục cổ truyền hay di sản văn hóa tộc người cũng là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đã và đang được đưa vào khai thác thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tộc người Chứt và Bru-Vân Kiều tại PNKB với những giá trị văn hóa đặc trưng như các hình thức ca múa nhạc với nhiều loại nhạc cụ đàn ống, sáo, tù và, chiêng, ché của người Chứt và các lễ hội đập trống, lễ hội mừng cơm mới của tộc người Bru-Vân Kiều cũng đang được mở rộng cho phát triển du lịch sinh thái. Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 83 3.2. Đánh giá thực trạng hoạt động DLST tại VQG PNKB 3.2.1. Các tuyến, điểm du lịch đã được khai thác tại VQG PNKB Kết quả điều tra, phỏng vấn cán bộ vườn và dựa trên các thông tin thu thập tại PNKB cho thấy du lịch tại VQG PNKB gồm có 5 điểm du lịch tham quan và 7 tuyến du lịch khám phá. Điểm du lịch tham quan gồm có Phong Nha (Kỳ quan đệ nhất động), sông Chày - hang Tối, suối Nước Moọc, động Tiên Sơn (Chốn bồng lai tiên cảnh) và hang Tám Cô. Tuyến du lịch khám phá gồm có tuyến Hang Đại Ả, Hang Over, Hang Pygmy, tuyến Xuyên Sơn Hồ và Chinh phục 4,5 km sông ngầm động Phong Nha, tuyến Hamada - Hang Trạ Ang, tuyến du lịch khám phá thiên nhiên - chinh phục đỉnh núi U Bò, tuyến Thung lũng Sinh Tồn - Hang Thủy Cung, tuyến Rào Thương - Hang Én và tuyến hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất Thế giới. Đây là các tuyến điểm du lịch được đưa vào khai thác trong nhiều năm gần đây thu hút du khách trong và ngoài nước. Các hình thức du lịch tại khu vực này gồm có DLST, du lịch mạo hiểm và du lịch nhân văn. 3.2.2. Cơ sở hạ tầng - nguồn nhân lực Khu vực nghiên cứu có trên 300 thuyền du lịch, hơn 30 kiốt bán hàng lưu niệm, giải khát; có 18 nhà hàng, hơn 20 nhà nghỉ, khách sạn, hơn 14 homestay và farmstay. Năm 2017, tổng số cán bộ, nhân viên phục vụ tại vườn là 1.399 người, trong đó biên chế của Trung tâm Du lịch là 135 người, đội thuyền du lịch 584 người, bán hàng lưu niệm 70 người; Dịch vụ nhiếp ảnh 410 người, khu du lịch động Thiên Đường gần 200 người (bao gồm nhân viên, thợ ảnh và dịch vụ) và các dịch vụ bổ trợ khác. Nguồn nhân lực làm việc trong các điểm du lịch cơ bản được đào tạo, có chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm. Họ chủ yếu là lao động trẻ và phần lớn là người địa phương. Sự kết hợp giữa cán bộ quản lý của vườn và người dân địa phương trong quản lý, phục vụ và hướng dẫn du lịch cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng về nhà nghỉ, khách sạn, homestay và farmstay đã phần nào đảm bảo phục vụ khách du lịch. Tuy vậy, các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng và khu vui chơi còn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. 3.2.3. Biến động lượng khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch 2015 - 2017 Bảng 1. Lượng du khách đến VQG PN - KB và doanh thu năm 2015, 2016, 2017 Năm 2015 2016 2017 Tổng lượt khách (người)* 507.934 482.930 509.421 Khách nội địa (người) 449.383 432.576 450.345 Khách quốc tế (người) 58.551 50.354 59.076 Tổng doanh thu (tỷ đồng)** 133 110 145 (Nguồn: Số liệu thống kê của *Trung tâm phát triển du lịch, VQG PNKB 2017 và **Tổng cục du lịch 2017) Lượng du khách đến VQG trong 3 năm 2015, 2016 và 2017 được thống kê trong bảng 3.1 với số lượng khách dao động từ 482.930 - 509.421 người. Trung bình mỗi năm có 500.095 khách du lịch, tới thăm PNKB, trong đó khách quốc tế chiếm 10,42 - 11,60% tổng lượng khách. Kết quả phỏng vấn 98 khách du lịch tới VQG PNKB từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2018 cho thấy, khách du lịch tập trung ở độ tuổi 25 - 45 tuổi với tỷ lệ nam giới chiếm 57,14%. Loại hình du lịch khách yêu thích nhất là DLST với 59,18% tổng lượng khách được phỏng vấn, tiếp đến là loại hình du lịch kết hợp nghiên cứu và du lịch mạo hiểm khám phá với lần lượt là 19,38% và 9,20%, khách du lịch kết hợp nhiều loài hình du lịch chiếm 12,24%. Theo nghiên cứu mới đây của tác giả Nguyễn Văn Thuật (2016) khẳng định, mọi hoạt động phát triển du lịch nói chung và DLST nói riêng thực chất là khai thác giá trị từ tự nhiên - nhân tạo hoặc nhân tạo - tự nhiên, văn hóa, lịch sử kết hợp với xây dựng cở sở hạ tầng và dịch vụ. Do vậy, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái rừng, hệ động - thực vật, và bản sắc văn hóa của người dân địa phương chính là tiềm năng cho việc phát triển du lịch sinh thái. Việc đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường chính là mục tiêu của hoạt động DLST (Phạm Trung Lương, 2005; Nguyễn Văn Thuật, 2016). Khi Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường 84 TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 người dân được hưởng lợi ích từ DLST thì sức ép của họ tới môi trường và tài nguyên đa dạng sinh học sẽ giảm đi. Chính những người dân sẽ làm chủ và bảo vệ các giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa nơi diễn ra hoạt động DLST. Kết quả về doanh thu từ DLST năm 2015 - 2017 cũng được thể hiện trong bảng 1. Kết quả cho thấy, doanh thu từ du lịch năm 2017 đã tăng lên so với năm 2015 là 12 tỷ đồng và tăng so với năm 2016 là 35 tỷ đồng. Năm 2016, do sự cố ô nhiễm môi trường Formosa nên lượng du khách giảm dẫn tới doanh thu giảm 17,29% so với 2015. Năm 2017, VQG PNKB với việc mở rộng du lịch cộng đồng và kết hợp với một số điểm du lịch mới, thực hiện tốt quảng bá du lịch trên nhiều kênh thông tin nên doanh thu của vườn đã tăng lên 31,82% so với năm trước đó. Thu nhập của PNKB năm 2017 gấp hơn 60 lần so với thu nhập của VQG Cát Bà năm 2014 (2,4 tỷ đồng) (Phùng Thị Tuyến và cộng sự, 2018). Điều này đã đóng góp phần lớn cho phát triển kinh tế xã hội cho người dân thuộc 13 xã vùng đệm, giải quyết công ăn việc làm của người dân và góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình. Căn cứ vào số lượng khách du lịch đến PNKB trong nhiều năm, Trung tâm du lịch của vườn đã dự báo số lượng du khách từ năm 2018 - 2020 theo xu hướng tăng dần từ 3 - 10% cho các loại phân khúc thị trường (Bảng 2). Đối với thị trường quốc tế, khách du lịch tự do đi lẻ là mảng khách hàng đầu tiên chiếm số lượng nhiều nhất. Khách du lịch ba lô, khách Tây Âu du lịch theo đoàn và khách trong khu vực du lịch theo đoàn được coi là mảng khách thứ hai. Phân khúc thị trường đang phát triển nhanh là khách chuyên gia, khách du lịch Caravan trong khu vực và khách du lịch khác. Đối với thị trường trong nước, khách du lịch nghỉ dưỡng đi theo đoàn là phân khúc thị trường đầu tiên. Khách du lịch nghỉ dưỡng riêng lẻ phân đoạn khách thứ hai. Tiếp đến là khách đi theo mục đích đào tạo/nghiên cứu khoa học, thăm bạn bè và người thân và khách đi công tác/kinh doanh. Đây được xem là những thị trường có tiềm năng phát triển trong tương lai. Về xu hướng tăng số lượng khách từ năm 2018 - 2020, đối với khách quốc tế khách đoàn khu vực dự đoán sẽ tăng cao nhất 5 - 10% mỗi năm. Đối với khách nội địa, khách nghỉ dưỡng đi lẻ được dự đoán sẽ tăng 10 - 12% mỗi năm; khách giáo dục/khoa học, thăm người thân và công tác/kinh doanh dự đoán sẽ tăng ít hơn là 2% mỗi loại. Bảng 2. Dự báo lượng du khách hàng năm từ 2018 - 2020 Thị trường khách Phân khúc thị trường khách 2018 2019 2020 Quốc tế Khách lẻ 9.429 9.901 10.396 Khách ba lô 2.855 2.940 3.029 Khách đoàn Tây Âu 4.782 5.117 5.475 Khách đoàn khu vực 2.652 2.917 3.063 Khách chuyên gia 649 681 715 Khách Caravan khu vực 622 666 699 Khách khác 1.298 1.363 1.431 Tổng khách quốc tế 22.288 23.586 24.808 Nội địa Khách nghỉ dưỡng theo đoàn 305.151 320.408 336.429 Khách nghỉ dưỡng đi lẻ 163.614 183.247 201.572 Khách giáo dục/khoa học 3.005 3.066 3.127 Khách thăm người thân 3.410 3.478 3.547 Khách công tác/kinh doanh 1.807 1.843 1.880 Tổng khách nội địa 476.987 512.042 546.555 Tổng lượng khách 499.274 535.628 571.364 (Nguồn: Trung tâm du lịch VQG PNKB, 2017) Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 85 3.3. Một số tồn tại trong việc phát triển DLST tại VQG PNKB Các loại hình du lịch phát triển song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng dịch vụ. Một số công trình công cộng, công trình kiến trúc được xây dựng nhưng chưa tuân theo sự hướng dẫn quản lý của VQG nên phần nào làm mất đi vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Bên cạnh đó, tại VQG PNKB, sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều nguồn tài nguyên vẫn chưa được khai thác đầy đủ trong đó có du lịch sinh thái nhân văn. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, các khu vui chơi giải trí, các mặt hàng lưu niệm đã được chú trọng đầu tư nhưng chưa thực sự phong phú. Điều này dẫn tới mức chi tiêu của khách du lịch đặc biệt là khách du lịch quốc tế còn thấp. Môi trường đầu tư khuyến khích phát triển du lịch bền vững tuy đã có những biến đổi theo hướng thông thoáng nhưng chưa có giải pháp đồng bộ, nên chưa đẩy mạnh được đầu tư từ nhiều phía. Hoạt động du lịch phát triển đồng nghĩa với việc gia tăng số lượng du khách tại các điểm du lịch, làm cho áp lực của du lịch với môi trường tăng cao, gây ra hiện tượng ô nhiễm cục bộ suy thoái các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của VQG PNKB cũng bị ảnh hưởng. Các tour du lịch kết hợp giữa du lịch hang động PNKB với hệ sinh thái nhân văn của các cộng đồng dân cư nơi đây còn khá khiêm tốn. Nhìn chung trong quá trình phát triển du lịch bền vững VQG PNKB đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song nó cũng nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi người làm du lịch phải có những hướng phát triển hợp lý nhằm đem lại hiệu quả cao trong khai thác, bảo tồn tài nguyên du lịch. 3.4. Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển DLST tại khu vực nghiên cứu trong những năm tiếp theo Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia PNKB, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, đã nêu rõ định hướng phát triển du lịch và các giải pháp thực hiện quy hoạch. Trong nghiên cứu này, dựa vào một số những khó khăn, tồn tại của hoạt động du lịch, nghiên cứu cũng đưa ra một số những giải pháp sau: 3.4.1. Nâng cao nhận thức xã hội về DLST Tổ chức một số chuyến tham quan đến các khu DLST, đặc biệt các khu du lịch ở các VQG, khu BTTN trong nước và khu vực có hoạt động DLST phát triển để nhận biết lợi ích từ hoạt động DLST và trao đổi kinh nghiệm về phát triển DLST. Tổ chức một số hình thức vui chơi giải trí tìm hiểu về du lịch cho những du khách tới tham quan để thu hút sự quan tâm và khuyến khích sự tự tìm hiểu, nâng cao nhận thức của cộng đồng về DLST. Công khai hoá các dự án phát triển du lịch trong cộng đồng và khuyến khích sự đóng góp ý kiến của cộng đồng đối với các phương án phát triển du lịch dưới mọi hình thức. Tăng cường phổ biến, giải thích các quy định hiện hành về bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống đến cộng đồng. Kinh phí dành cho những hoạt động này có thể xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc kinh phí thu nhập từ hoạt đồng của lịch du lịch của vườn. 3.4.2. Bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học Để DLST phát triển thì cần phải tạo ra sự cân bằng giữa tài nguyên và môi trường. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ bảo vệ rừng đối với đời sống, kinh tế xã hội, môi trường sinh thái. Đối với các hành vi cố tình vi phạm các quy định như chặt phá rừng, đốt rừng, săn bắn động vật trái phép thì cần có các biện pháp như phạt tiền mạnh gấp ba lần trở lên đối với giá trị của từng loại. Hướng dẫn du khách các quy định về khoảng cách an toàn xem ngắm các động vật hoang dã, sử dụng máy quay phim, chụp ảnh đối với các tiêu cự xa. Các biển báo trên các đường mòn thiên nhiên để hướng dẫn du khách bỏ rác đúng quy định, giữ gìn cảnh quan, môi trường phải được thiết kế dễ quan sát, dễ hiểu, và thu hút khách du lịch để truyền tải được thông tin tới du khách. Thu thập ý kiến phản hồi của khách thông qua sổ ghi cảm tưởng và ghi hình những du khách tiêu biểu. Từ đó, bản thân du khách sẽ có ý thức, có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, đồng thời du lịch tại VQG được cải thiện nhờ góp ý của du khách. Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường 86 TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 Đào tạo hướng dẫn viên là người địa phương. Những lợi thế về các kỹ năng và kiến thức hiểu biết thông qua kinh nghiệm thực tiễn của người địa phương sẽ hấp dẫn du khách tham quan. Nên mở lớp đào tạo ngắn hạn để người dân địa phương trở thành những tuyên truyền viên giáo dục môi trường tích cực trong cộng đồng. Đây cũng chính là hình thức bảo tồn có sự tham gia của người dân địa phương. 3.4.3. Phát triển du lịch gắn với cộng đồng Tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên cộng đồng tham gia vào phát triển các loại hình du lịch, thông qua chính quyền địa phương để lắng nghe các đề xuất của cộng đồng dân cư về nguyện vọng tham gia các hoạt động du lịch, tạo điều kiện và ưu tiên con em địa phương vào tham gia, làm việc tại các tổ chức, công ty kinh doanh khai thác tổ chức DLST tại VQG PNKB. Xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng như đưa khách về nghỉ tại nhà dân, ăn một số món ăn địa phương. Định hướng cho các doanh nghiệp mô hình: “Làng du lịch cộng đồng” tại thôn Chày Lập - xã Phúc Trạch, quy hoạch và triển khai một số dự án “Làng DLST”. 3.4.4. Quảng bá, tiếp thị truyền thông Tiến hành nghiên cứu đặc điểm thị trường du lịch trọng điểm của du lịch PNKB để có được phương thức xúc tiến quảng bá du lịch PNKB cụ thể và phù hợp (xây dựng website du lịch; tờ rơi, tập gấp về du lịch PNKB; xây dựng phim quảng bá; tham gia hội chợ, các sự kiện...) đạt hiệu quả cao nhất. Đưa khách du lịch trở thành kênh quảng cáo hữu hiệu. Những thông tin truyền miệng phản hồi từ phía du khách đã đến VQG PNKB là một hình thức quảng cáo rất hiệu quả và mang lại lợi nhuận. Vì vậy cần phải xây dựng hình ảnh tốt đẹp về chất lượng hoạt động, về khu du lịch. 3.4.5. Giải pháp về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng Để đáp ứng với nhu cầu về số lượng khách được dự báo ngày càng tăng lên, cần ưu tiên cho các dự án đầu tư du lịch vào các khu vực vùng đệm và phân khu hành chính của vườn về thuế, nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch tại vườn. Thực hiện xã hội hóa đầu tư, ưu tiên đầu tư vào việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, các khu vui chơi giải trí, khu mua sắm. Bên cạnh đó, kiên quyết thu hồi các dự án du lịch chậm tiến độ, quản lý và xử lý nghiêm các dự án du lịch vi phạm đề án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung nguồn vốn nhiều hơn cho việc đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, để vừa nâng cao đời sống, trình độ văn hóa cho nhân dân địa phương các xã vùng đệm, vừa đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách lưu trú vào ban đêm tại PNKB. 3.4.6. Giải pháp về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và nghiên cứu khoa học Trích một phần thu từ hoạt động du lịch để đầu tư cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, trạm quan trắc và các trang thiết bị chuyên dụng cho Trung tâm nghiên cứu khoa học và cứu hộ (Đơn vị trực thuộc VQG PNKB) tiến hành kiểm kê, lập ô định vị, đánh giá tính đa dạng sinh học, thành phần loài, phân bố trữ lượng, quan hệ và môi trường phát triển của động thực vật. Tranh thủ thêm nguồn vốn của các dự án trong và ngoài nước để nghiên cứu phát hiện thêm các loài mới, giám sát diễn biến các quần thể hệ sinh thái, nghiên cứu nguồn gen động thực vật quý hiếm, thám hiểm hệ thống hang động, nghiên cứu địa mạo, địa chất từ đó đưa ra các giải pháp và kế hoạch quản lý hiệu quả hơn. Tiến hành triển khai các đề tài nghiên cứu và chuyển gia khoa học kỹ thuật gieo trồng một số loài cây bản địa quý hiếm, vừa thực hiện mục tiêu bảo tồn, du lịch, vừa có giá trị kinh tế cho cộng đồng dân cư vùng đệm. 4. KẾT LUẬN VQG PNKB có hệ thống hang động đẹp và huyền bí, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Kết quả nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng DLST về tài nguyên thiên nhiên và hệ động - thực vật phong phú. Kết quả cũng xác định được các điểm du lịch điển hình trong đó có 5 điểm du lịch tham quan và 7 tuyến du lịch khám phá đã và đang được khai thác trong nhiều năm gần đây. Số lượng du khách đến VQG PNKB trong ba năm từ 2015 - 2017 dao động từ 482.930 - 509.421, khách quốc tế chiếm 10,42% - 11,60% tổng lượng khách. Độ tuổi của du khách chủ yếu là 25 - 45 tuổi, tỷ lệ nam giới chiếm 57,14%. Doanh thu từ hoạt động du lịch Quản lý Tài nguyên rừng & Môi trường TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM NGHIỆP SỐ 1 - 2019 87 tại vườn đạt từ 110 - 145 tỷ đồng. Tuy vậy, việc mở rộng các dịch vụ và sản phẩm du lịch, thu hút vốn đầu tư, hay công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở những khó khăn đó nghiên cứu cũng đưa ra sáu nhóm giải pháp nhằm góp phần phát triển DLST tại PNKB trong những năm tiếp theo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013 về điều chỉnh ranh giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. 2. Trần Tiến Dũng (2007). Phát triển du lịch bền vững ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 2007. 3. Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017 về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. 4. Trần Ngọc Hùng, Nguyễn Khắc Thái, Trần Hùng (2003). Tư liệu tổng quan Phong Nha - Kẻ Bàng - 01.062, 01.063. 5. Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2009). Báo cáo tổng kết công tác năm, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. 6. Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2010). Báo cáo tổng kết công tác năm, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. 7. Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2015-2017). Báo cáo tổng kết công tác năm, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. 8. Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2007). Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới, tiêu chí đa dạng sinh học. 9. Nguyễn Văn Thuật (2016). Ý kiến mới về du lịch sinh thái. Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai, số 01 – 2016, ISSN 2354-1482 10. Phạm Trung Lương (2005). Phát triển DLST ở các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên với sự tham gia của cộng đồng. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch. 11. Phùng Thị Tuyến, Phạm Văn Phúc, Bùi Xuân Dũng, Lưu Quang Vinh, Nguyễn Đắc Mạnh, Nguyễn Hải Hà, Tạ Tuyết Nga, Trần Thị Hương, Nguyễn Thị Bích Hảo (2018). Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Bà. Tạp chí Rừng và Môi trường, 89, 48-53. STATUS OF ECOTOURISM IN PHONG NHA - KE BANG NATIONAL PARK QUANG BINH PROVINCE Phung Thi Tuyen1, Nguyen Thi Ngoc Anh2 1,2Vienam National University of Forestry SUMMARY Phong Nha - Ke Bang National Park (PNKB NP) is famous for karst systems with mysterous beauty and top value in the world. The ecosystem of evergreen tropical broad-leaved forest in limestone mountains, rich and diverse plants and animals with many rare species are the potential for developing ecotourism in this area. Results of this study indicated 15 attractive tourist sites in PNKB NP. The main kinds of tourism include adventure tourism and cave exploration, visting waterfall, and streams. Community tourism which opens chances for visistors to know about the cultures, beliefs and religions of local people, has been investigated in this area. Fauna and flora of PNKB consist of huge varieties with 7,355 species of mammals, birds, reptiles, asians and freshwater fish and 2,651 plant species of psilotophyta, lycopodiophyta, polypodiophyta, pinophyta, and magnoliophyta were recorded. These are great sources for creating ecotourism in this area. Annually, a large number of domestic and foreign tourists visist PNKB. During the period from 2015 to 2017, the average numbers of tourists visiting PNKB per year reached 500,095 visistors with the foreigner rates of 10.42 - 11.60% of total visitors. Revenue from tourism activities in the PNKB NP ranged 110 - 145 billion Vietnam dong per year. However, the development of ecotourism in PNKB has been suffered from several difficulties in expanding tourism services and products, attracting investment capital, raising community awareness of environment protection and biodiversity conservation. Based on those difficulties, six solutions have been proposed to ecotourism development in PNKB NP for the coming years. Keywords: Caves, ecotourism potential, limestone mountains, Phong Nha - Ke Bang national park, Quảng Bình. Ngày nhận bài : 20/8/2018 Ngày phản biện : 14/01/2019 Ngày quyết định đăng : 22/01/2019

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfthuc_trang_du_lich_sinh_thai_tai_vuon_quoc_gia_phong_nha_ke.pdf
Tài liệu liên quan