Thực trạng phát triển doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Kết luận Với những tiềm năng phong phú sẵn có, trong bối cảnh hội nhập trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với chính sách khuyến khích phát triển của địa phương, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển. Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp. Sự tăng nhanh về số lượng, quy mô vốn đầu tư, các doanh nghiệp công nghiệp đã tạo ra hiệu quả về kinh tế khi góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó là hiệu quả về mặt xã hội khi giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư hạn chế, khả năng cạnh tranh chưa cao, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những vấn đề này đặt ra trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả để nâng cao hiệu quả phát triển doanh nghiệp, tiếp tục phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế tồn tại nhằm cải thiện chất lượng của các doanh nghiệp.

pdf8 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 18/01/2022 | Lượt xem: 159 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng phát triển doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ISSN: 1859-2171 e-ISSN: 2615-9562 TNU Journal of Science and Technology 225(07): 229 - 236 Email: jst@tnu.edu.vn 229 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN Nghiêm Văn Long1*, Nguyễn Xuân Trường2 1Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, 2Đại học Thái Nguyên TÓM TẮT Trong những năm gần đây, doanh nghiệp là một hình thức tổ chức sản xuất có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên nói chung. Nội dung nghiên cứu của bài báo hướng tới mục tiêu phân tích thực trạng phát triển doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đánh giá các nhân tố ảnh hưởng và chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp; từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp. Bằng việc sử dụng những phương pháp nghiên cứu đặc trưng: phương pháp thu thập, xử lý tài liệu; phân tích, so sánh; thống kê; khảo sát thực tế; quan sát thực địa, bài báo đã phân tích rõ thực trạng phát triển các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo các tiêu chí; đánh giá được những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình phát triển; chỉ ra những vấn đề còn tồn tại đối với doanh nghiệp và đề xuất một số giải pháp phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới. Đó là việc cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về nguồn nguyên liệu, lao động, vốn, cơ sở hạ tầng, thị trường và chính sách phát triển. Từ khóa: Doanh nghiệp; công nghiệp; đầu tư; kinh tế - xã hội; Thái Nguyên. Ngày nhận bài: 25/3/2020; Ngày hoàn thiện: 26/5/2020; Ngày đăng: 28/5/2020 THE DEVELOPMENT STATUS OF INDUSTRIAL ENTERPRISE IN THAI NGUYEN PROVINCE Nghiem Van Long 1* , Nguyen Xuan Truong 2 1TNU - University of Education, 2Thai Nguyen University ABSTRACT In recent years, enterprises are a form of production organization that plays an important role in the development of industry in particular and the socio-economic of Thai Nguyen province in general. The research content of the article aims to analyze the development status of industrial enterprise in Thai Nguyen province; assessing influencing factors and pointing out outstanding issues in the development process of industrial enterprises; From there, propose some solutions to improve production and business efficiency of enterprises. By using specific research methods: methods of collecting, processing documents; analysis, comparison; statistical; field survey; observing the field, the article clearly analyzed the developing status of industrial enterprises in Thai Nguyen province according to the criteria; assess the advantages and disadvantages in the development process; point out the outstanding issues for the enterprises and propose some solutions for enterprises development in the future. That is the need to synchronously implement solution group on raw materials, labor, capital, infrastructure, markets and development policies. Keywords: Enterprise; industry; investment; socio-economic; Thai Nguyen. Received: 25/3/2020; Revised: 26/5/2020; Published: 28/5/2020 * Corresponding author. Email: nghiemvanlong@dhsptn.edu.vn Nghiêm Văn Long và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ĐHTN 225(07): 229 - 236 Email: jst@tnu.edu.vn 230 1. Đặt vấn đề Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Do tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liền kề với thủ đô Hà Nội, nền kinh tế có những sự phát triển “đột biến” trong những năm vừa qua, vì vậy Chính phủ đã đưa tỉnh Thái Nguyên vào Quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Thái Nguyên đang có cơ hội phát triển nhanh và mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào thời gian tới. Để đạt được mục tiêu đó, công nghiệp là ngành kinh tế giữ vai trò rất quan trọng. Trong những năm qua, nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực cho sự phát triển của địa phương, nắm bắt những cơ hội do bối cảnh hội nhập mang lại, chính quyền địa phương đã có nhiều cải cách, chính sách tích cực trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế khác nhau vào các ngành và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp đang phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp nói riêng, nền kinh tế của tỉnh nói chung. Trong giai đoạn tới, vấn đề đặt ra là cần có hướng đi, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai, hướng tới mục tiêu chung trong phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên. 2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu 2.1. Dữ liệu nghiên cứu Dữ liệu được sử dụng trong bài báo được thu thập, tổng hợp và xử lý từ những nguồn tài liệu thứ cấp bao gồm: niên giám thống kê, báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp, tổng điều tra kinh tế... của các cơ quan, sở ban ngành có liên quan của tỉnh Thái Nguyên như: Cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; từ công trình nghiên cứu của một số tác giả về vấn đề được đề cập trong bài báo, cụ thể là bài báo: Hiện trạng phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Thái Nguyên của nhóm tác giả Vũ Bạch Diệp, Ngô Thị Hồng Hạnh trên tạp chí tài chính; thông tin thu thập từ khảo sát thực tế địa bàn nghiên cứu. Trên cơ sở nguồn dữ liệu đó, tác giả đã sử dụng nhiều phương pháp để xử lý dữ liệu, khái quát phục vụ nội dung nghiên cứu. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Tác giả vận dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, đó là phương pháp thu thập, xử lý tài liệu; phương pháp phân tích, so sánh; phương pháp thống kê; phương pháp khảo sát thực tế; phương pháp quan sát thực địa. Từ những phương pháp nghiên cứu này, tác giả đã thu thập những tài liệu có liên quan tới thực trạng phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp nói riêng ở tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua, tổng hợp và phân tích những số liệu đặc trưng nhất, để có những nhận xét, đánh giá khách quan, khoa học về thực trạng phát triển doanh nghiệp công nghiệp. 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận 3.1. Thành tựu phát triển các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên Với chủ trương đa dạng hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào các ngành kinh tế nhằm tranh thủ và phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển của đất nước; thúc đẩy tinh thần "quốc gia khởi nghiệp" trong bối cảnh hội nhập có nhiều thời cơ, thuận lợi cho sự phát triển; trong những năm qua, Chính phủ và chính quyền các địa phương đã có nhiều chính sách, thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện khung pháp lý, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển của các doanh nghiệp đã tạo ra một luồng gió mới cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội cả nước nói chung và các địa phương nói riêng. Sự phát triển, chất lượng và hiệu quả của doanh nghiệp, vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được đánh giá qua các tiêu chí, cụ thể: - Số lượng doanh nghiệp. - Số lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Nghiêm Văn Long và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ĐHTN 225(07): 229 - 236 Email: jst@tnu.edu.vn 231 - Vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. - Doanh thu thuần sản xuất kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. - Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu. - Tổng thu nhập và thu nhập bình quân một tháng của người lao động. Trong những năm qua, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghiệp nói riêng đã khẳng định được vai trò của mình trong quá trình phát triển của tỉnh Thái Nguyên, điều này được phản ánh rõ nét qua tiêu chí phát triển. Các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Năm 2010, toàn tỉnh có 1.771 doanh nghiệp, năm 2015 tăng lên 2.052 doanh nghiệp và có 3.448 doanh nghiệp vào năm 2018. Trong đó, có 768 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp, chiếm 22,3% tổng số doanh nghiệp, tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010. Phân theo nhóm ngành, công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất với 669 doanh nghiệp vào năm 2018, chiếm 87,1% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp và có xu hướng tăng tỷ trọng, bởi đây là nhóm có cơ cấu ngành rất đa dạng, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp; đứng thứ hai là nhóm ngành khai thác với 50 doanh nghiệp, chiếm 6,5%; còn lại nhóm ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước chỉ có 49 doanh nghiệp, chiếm 6,4%. Số doanh nghiệp trong các nhóm ngành này đều có xu hướng giảm tỷ trọng. Điều đáng chú ý là so với giai đoạn trước năm 2010, có sự xuất hiện các ngành nghề kinh doanh mới ở các doanh nghiệp, nhất là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo như: sản xuất than cốc; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic; sửa chữa và bảo dưỡng, lắp đặt máy; sản xuất thiết bị điện; đặc biệt là ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (bảng 1). Đây là điều kiện quan trọng, để đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh [1], [2]. Sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo ra sức hút đối với người lao động, dẫn đến lực lượng lao động trong các doanh nghiệp cũng có xu hướng ngày càng tăng lên. Năm 2010, có 67.180 lao động hoạt động trong các doanh nghiệp, đến năm 2018 đã tăng lên 217.200 người, gấp 3,2 lần so với 2010, trung bình mỗi năm có thêm 18.000 lao động mới trong các doanh nghiệp. Trong các ngành kinh tế, công nghiệp là ngành có số lượng lao động nhiều nhất liên quan đến cơ cấu ngành, tính chất công việc và thu nhập trong lĩnh vực này với 162.068 lao động vào năm 2018, chiếm tới 74,6% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Trong ngành công nghiệp, với số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành thu hút nhiều lao động nhất với 155.413 lao động, chiếm tới 95,9% lao động trong doanh nghiệp công nghiệp và 71,6% lao động trong tổng số các doanh nghiệp và ngày càng có xu hướng tăng lên về tỉ trọng [1], [2]. Bảng 1. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp phân theo nhóm ngành công nghiệp giai đoạn 2010 - 2018 (Đơn vị: doanh nghiệp) STT Tiêu chí 2010 2015 2018 1 Tổng số doanh nghiệp các ngành kinh tế 1.771 2.052 3.448 2 Trong đó, số doanh nghiệp công nghiệp 474 479 768 2.1 Công nghiệp khai thác 46 38 50 2.2 Công nghiệp chế biến, chế tạo 349 399 669 2.3 Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 72 29 27 2.4 Cung cấp nước, hoạt động quản lí và xử lí rác thải, nước thải 7 13 22 3 Tỷ lệ % doanh nghiệp công nghiệp so với tổng số doanh nghiệp 26,8 23,3 22,3 (Nguồn: Xử lý số liệu từ [1]) Nghiêm Văn Long và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ĐHTN 225(07): 229 - 236 Email: jst@tnu.edu.vn 232 Trong bối cảnh hội nhập, dòng vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào các ngành kinh tế với nhiều dự án, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp đã tạo ra bước phát triển mới cho tỉnh Thái Nguyên, làm tăng nhanh số lượng doanh nghiệp trong khu vực này. Năm 2018, toàn tỉnh có 108 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng hơn 10 lần so với năm 2010. Nhiều doanh nghiệp trong thành phần kinh tế này có xu hướng tăng lên rất nhanh chóng từ chỗ hầu như rất ít hoặc không có doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này trong giai đoạn từ 2010 trở về trước như doanh nghiệp sản xuất hóa chất, sản xuất hàng tiêu dùng và nhất là công nghiệp điện tử - tin học liên quan đến dự án đầu tư lớn của Tập đoàn Samsung với Tổ hợp công nghệ cao Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình. Hiện nay, có 47 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử tin học có vốn đầu tư cả trong và ngoài nước chủ yếu sản xuất linh kiện điện tử, phụ kiện điện thoại, máy tính bảng... Không chỉ có vậy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng ngày càng thu hút số lượng lớn lao động trong các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế này. Nếu như năm 2010, số lao động trong doanh nghiệp FDI là 2003 người, chiếm 3,0% số lao động trong doanh nghiệp, thì đến năm 2018, chứng kiến sự thay đổi rất lớn với các con số tương ứng là 114.569 người, chiếm 52,8%. Như vậy, có thể thấy rõ rằng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có tác động mạnh tới cơ cấu ngành nghề kinh doanh, cơ cấu lao động của các doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên [1], [3]. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, các doanh nghiệp còn cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao, tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh với tốc độ cao. Năm 2018, tổng vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đạt 398.630,5 tỉ đồng, tăng gấp 14,7 lần so với năm 2010 (27.084,0 tỉ đồng), trung bình mỗi năm tăng thêm 46.443,3 tỉ đồng. Tốc độ tăng vốn sản xuất kinh doanh tăng nhanh hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp nên quy mô doanh nghiệp trung bình đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số vốn sản xuất kinh doanh. Năm 2018, khu vực này chiếm 66,6% tổng số vốn tương ứng với 265.396,1 tỷ đồng, và ngày càng có xu hướng tăng nhanh về tỷ trọng khi năm 2010, khu vực này chỉ chiếm gần 3,0%. Đứng thứ hai là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước với 110.377,7 tỷ đồng, chiếm 27,7%; và thấp nhất là các doanh nghiệp Nhà nước tương ứng là 22.856,7 tỷ đồng chiếm 5,7%. Nguồn vốn bình quân 1 doanh nghiệp năm 2018 là 115,6 tỷ đồng tăng 7,6 lần so với năm 2010 (15,3 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn sản xuất kinh doanh bình quân của khu vực doanh nghiệp Nhà nước là 788,2 tỷ đồng/doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 33,3 tỷ đồng/doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2457,4 tỷ đồng/doanh nghiệp [1], [4]. Công nghiệp là ngành kinh tế có vốn sản xuất kinh doanh lớn nhất, tập trung chủ yếu là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Năm 2018, vốn sản xuất của ngành công nghiệp đạt 341.329,3 tỷ đồng, chiếm 85,6% tổng vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo là 323.234,6 tỷ đồng, chiếm 81,1% tổng số vốn của doanh nghiệp là chiếm tới 94,7% tổng số vốn của doanh nghiệp công nghiệp. Vốn sản xuất kinh doanh của nhóm ngành này có sự đóng góp rất lớn của ngành công nghiệp điện tử tin học với 251.160,2 tỷ đồng từ chỗ chỉ đạt 3,6 tỷ đồng vào năm 2010 liên quan tới các dự án lớn của nước ngoài đầu tư vào sản xuất mà trực tiếp là tập đoàn Samsung [1]. Hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp được phản ánh qua doanh thu và lợi nhuận kinh doanh. Là một ngành giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên, thu hút phần lớn lao động trong các doanh nghiệp của các ngành kinh tế và cũng là ngành có vốn sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ lớn nhất, ngành công luôn chứng minh được vai trò và hiệu quả kinh doanh sản xuất của mình trong khối doanh nghiệp đối với sự phát triển của địa phương. Doanh thu thuần kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng có xu hướng tăng nhanh từ 23.439,2 tỷ đồng năm 2010, tăng mạnh lên 438.974,2 tỷ đồng năm 2015 và đạt 688.034,5 tỷ đồng vào năm 2018, trung bình mỗi năm doanh thu tăng thêm 83.074,4 tỷ đồng. Số liệu chi tiết được thể hiện ở bảng 2. Nghiêm Văn Long và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ĐHTN 225(07): 229 - 236 Email: jst@tnu.edu.vn 233 Bảng 2. Doanh thu thuần sản xuất kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động phân theo nhóm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Đơn vị: tỷ đồng) TT Tiêu chí 2010 2018 Doanh thu Lợi nhuận Doanh thu Lợi nhuận 1 Tổng số doanh nghiệp 63.076,2 898,3 774.850,4 65.947,0 2 Doanh nghiệp công nghiệp 23.439,2 680,7 688.034,5 65.446,2 2.1 Công nghiệp khai thác 840,2 56,5 3.171,7 -105,0 2.2 Công nghiệp chế biến, chế tạo 20.680,4 610,3 674.020,7 65.272 2.3 Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 1.759,6 -2,6 9.602,2 96,9 2.4 Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lí rác thải, nước thải 159,0 16,5 1.239,9 182,3 3 Tỷ lệ % doanh nghiệp công nghiệp so với tổng số doanh nghiệp 37,2 75,8 88,8 99,2 (Nguồn: Xử lý, tính toán từ [1]) Sự hình thành và phát triển của Tổ hợp công nghệ cao Samsung trong sản xuất các linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính bảng liên quan đến công nghiệp điện tử tin học là một bước ngoặt lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong sự phát triển công nghiệp của Thái Nguyên. Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên bắt đầu đi vào hoạt động ổn định và cho sản phẩm từ năm 2014 đã làm tăng đột biến doanh thu và giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Có thể nhận thấy rằng, dự án Samsung có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp của tỉnh, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu ngành, cơ cấu lao động, cơ cấu giá trị sản xuất, hiệu quả sản xuất của ngành nói riêng và nền kinh tế Thái Nguyên nói chung trong thời gian vừa qua [1]. Cùng với doanh thu, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp công nghiệp cũng không ngừng tăng lên, một lần nữa khẳng định sự phát triển của các doanh nghiệp. Năm 2018, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đạt 65.446,2 tỷ đồng, chiếm tới 99,2% lợi nhuận của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo một lần nữa khẳng định được ưu thế tuyệt đối của mình với 65.272 tỷ đồng, chiếm 99,7% lợi nhuận của ngành công nghiệp. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 9,7%, trong khi nhóm ngành công nghiệp khai thác -3,3%, nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí, nước chỉ đạt 2,6% [1]. Bên cạnh những hiệu quả về kinh tế, sự phát triển các doanh nghiệp còn tạo ra hiệu quả về mặt xã hội khi tạo ra khối lượng việc làm cho người lao động với nguồn thu nhập tương đối ổn định giúp người lao động có thể cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong các giai đoạn trước của sự phát triển, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước với sự phong phú về nguồn lực và loại hình sản xuất chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập, năm 2010, tổng thu nhập của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 1.545,2 tỷ đồng, chiếm 55,1% thu nhập của doanh nghiệp, thu nhập bình quân đầu người trên 2,7 triệu đồng/người/tháng. Lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước có đặc điểm tương đối ổn định, thu nhập bình quân trong khu vực này đạt 5,6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài trong những năm gần đây, mức thu nhập đã có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các thành phần kinh tế. Năm 2017, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tổng thu nhập 13.343,6 tỷ đồng, chiếm 61,8% tổng thu nhập của doanh nghiệp, thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng; các doanh nghiệp ngoài Nhà nước các con số tương ứng là 6.373,4 tỷ đồng, 6,4 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp Nhà nước là 1.865,4 tỷ đồng, 9,7 triệu đồng/người/tháng. Ngành công nghiệp với vai trò rất quan trọng của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo Nghiêm Văn Long và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ĐHTN 225(07): 229 - 236 Email: jst@tnu.edu.vn 234 vẫn chứng minh được hiệu quả và sức hút lớn với người lao động khi có thu nhập tương đối cao. Năm 2018, tổng thu nhập của các doanh nghiệp công nghiệp là 17.708,2 tỷ đồng, chiếm 82,0% thu nhập của doanh nghiệp, thu nhập bình quân gần 8,2 triệu đồng/người/tháng. Trong đó nhóm ngành chế biến chế tạo tổng thu nhập là 17.028,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân 9,6 triệu đồng/người/tháng, cao hơn trung bình toàn ngành [1], [4]. 3.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp Cũng giống như các hình thức tổ chức sản xuất công nghiệp khác, sự phát triển và phân bố các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng của vị trí địa lí, nhóm nhân tố tự nhiên và nhóm nhân tố kinh tế xã hội trong mối quan hệ tác động qua lại giữa các nhân tố đó. Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp công nghiệp. Vị trí địa lí thuận lợi, khả năng kết nối với các địa phương trong vùng, với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và đặc biệt là thủ đô Hà Nội dễ dàng. Tài nguyên thiên nhiên khá phong phú, đảm bảo các yếu tố đầu vào cung cấp cho các ngành công nghiệp phát triển đặc biệt là khoáng sản; quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp có khả năng mở rộng, giá thuê đất là một lợi thế cạnh tranh so với nhiều địa phương có thế mạnh khác. Về điều kiện kinh tế - xã hội, Thái Nguyên là địa phương có nguồn lao động dồi dào, chất lượng lao động ngày càng được nâng cao với ưu thế là một trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của vùng; cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông và khả năng cung cấp điện, nước phục vụ sản xuất; tỉnh đã và đang thực hiện những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp. Tuy nhiên, sự phát triển các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn nhất định. Nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác ở mức độ cao, có thể dẫn tới nguy cơ cạn kiệt trong tương lai, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nguyên nhiên liệu cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Thiếu nhiều lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chất lượng cao và có sự phân hóa giữa các địa phương. Mạng lưới cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh về vốn, lao động, thị trường của những địa phương có thế mạnh trong phát triển công nghiệp, đặc biệt là các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng [5]. 3.3. Một số tồn tại, hạn chế Trong quá trình hình thành và phát triển, các doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập: - Khung pháp lý về quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập chưa được hoàn thiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; ý thức tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp tham gia vào thị trường còn kém. Cùng với sự tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp qua từng năm thì các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng tăng lên, cả về số lượng và mức độ vi phạm. Điều này khiến cho việc phối hợp và xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn. - Mặc dù số lượng doanh nghiệp có xu hướng tăng nhanh nhưng phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp được quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/6/2009, toàn tỉnh chỉ có 107 doanh nghiệp lớn, chiếm 3,1%, 3341 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm 96,9% (trong đó doanh nghiệp vừa chiếm 2,3%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 36%, còn lại là doanh nghiệp rất nhỏ chiếm 58,6%). Theo quy mô lao động, có tới 57,3% doanh nghiệp có quy mô dưới 10 người tương ứng với 1975 doanh nghiệp và chỉ có 2,0% số doanh nghiệp có quy mô trên 300 người. Theo quy mô Nghiêm Văn Long và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ĐHTN 225(07): 229 - 236 Email: jst@tnu.edu.vn 235 nguồn vốn, có 50,1% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng và chỉ có 9,5% doanh nghiệp có quy mô trên 50 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên có quy mô rất nhỏ bé, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước nên sức cạnh tranh tương đối yếu, việc huy động vốn kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên thiếu vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. - Nguồn vốn đầu tư có sự phân hóa lớn dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực doanh nghiệp và các ngành kinh tế. Các doanh nghiệp nước ngoài với những dự án đầu tư quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao, có nhiều ưu thế so với doanh nghiệp trong nước, điều này dẫn tới sự phụ thuộc của ngành công nghiệp địa phương vào khu vực này, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả, hợp lý nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên, tạo sự phát triển bền vững. 3.4. Giải pháp phát triển các doanh nghiệp công nghiệp Để phát huy được tối đa các nguồn lực cho sự phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, khẳng định được vị trí và vai trò của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp trong thời gian tới. - Khai thác tốt lợi thế về vị trí địa lí của địa phương để tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp ở những vùng kinh tế phát triển, tạo cơ hội mở rộng thị trường, hợp tác kinh doanh sản xuất và hỗ trợ phát triển từ nhiều nguồn lực khác nhau. - Tăng cường sự liên kết hợp tác phát triển của các doanh nghiệp, hình thành các nhóm doanh nghiệp cùng kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức liên doanh nhằm tăng cường các nguồn lực cho sự phát triển, đồng thời phát huy được vai trò và thế mạnh của mình. - Chủ động và liên kết chặt chẽ với nguồn nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ cho các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. - Đẩy mạnh liên kết với các cơ sở đào tạo với nhiều loại hình khác nhau để đào tạo và nâng cao trình độ cho nguồn lao động trong các doanh nghiệp. Có chế độ thu hút và đãi ngộ hợp lí với người lao động có chất lượng cao. - Tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, trong đó tập trung nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý trong hoạt động kinh doanh, sản xuất. - Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp. Tăng cường khả năng kết nối với cơ sở hạ tầng chung của địa phương. - Tận dụng tối đa những nguồn lực, phát huy tốt những tiềm năng về vốn, nhân lực, thị trường... để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tăng cường thu hút đầu tư sản xuất từ nhiều thành phần khác nhau. - Chủ động hội nhập kinh tế trong và ngoài nước, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nắm bắt những dự báo của tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong nước và nước ngoài, dựa vào tiềm năng của doanh nghiệp để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp trong việc lựa chọn phân khúc thị trường, sản phẩm kinh doanh. - Tranh thủ khai thác có hiệu quả những nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển như: các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương về vốn, tài chính, khoa học công nghệ, quản trị, kinh doanh. - Các doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động kinh doanh sản xuất của mình và báo cáo tài chính theo đúng quy định [2], [6]. - Đối với chính quyền địa phương: cần thực hiện các nhóm giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, cụ thể: + Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia kinh doanh sản xuất, tham gia vào thị trường trong và ngoài nước. Hoàn thiện khung pháp lý và phạm vi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Nghiêm Văn Long và Đtg Tạp chí KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ ĐHTN 225(07): 229 - 236 Email: jst@tnu.edu.vn 236 + Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng. Tăng cường điều tra, khảo sát, nắm bắt thông tin, phân tích đưa ra dự báo tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương nhằm phục vụ cho công tác lập kế hoạch vốn và phục vụ đầu tư tín dụng phát triển doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động nhằm thông tin, tuyên truyền, phổ biến tới doanh nghiệp các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng. Các tổ chức tín dụng tiếp tục cải tiến phương thức cho vay theo hướng đơn giản hóa các thủ tục phù hợp quy định của pháp luật, điều kiện và khả năng tiếp cận của doanh nghiệp. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp. + Hỗ trợ khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Huy động các nguồn vốn để triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Tiếp cận và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất, đăng ký và bảo hộ, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lí chất lượng, xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Thành lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ. + Cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế [2], [6]. 4. Kết luận Với những tiềm năng phong phú sẵn có, trong bối cảnh hội nhập trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với chính sách khuyến khích phát triển của địa phương, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội để phát triển. Trong những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp. Sự tăng nhanh về số lượng, quy mô vốn đầu tư, các doanh nghiệp công nghiệp đã tạo ra hiệu quả về kinh tế khi góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó là hiệu quả về mặt xã hội khi giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn đầu tư hạn chế, khả năng cạnh tranh chưa cao, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những vấn đề này đặt ra trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả để nâng cao hiệu quả phát triển doanh nghiệp, tiếp tục phát huy thế mạnh và khắc phục những hạn chế tồn tại nhằm cải thiện chất lượng của các doanh nghiệp. TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES [1]. Thai Nguyen Statistical Office, Statistical Yearbook of Thai Nguyên Province 2016, 2018, Statistical Publishing House, Thái Nguyên, 2017, 2019. [2]. Department of Planning and Investment of Thai Nguyen Province, Development Report of small and medium enterprise in Thai Nguyen province to December 31, 2018, Thai Nguyen, 2019. [3]. T. H. Nguyen, “Foreign direct investment and impacts on the economy of Thai Nguyen province,” Finance Magazine, vol. 2, no. 715, pp. 100-104, October 2019. [4]. B. D. Vu, and T. H. H. Ngo, "Development status of small and medium enterprise in the Thai Nguyen city," post on August 4, 2019. [Online]. Available: nghien-cuu-trao-doi/hien-trang-phat-trien-cua- doanh-nghiep-nho-va-vua-tren-dia-ban-tp-thai- nguyen-310823.html. [Accessed March 1, 2020]. [5]. T. D. Lam, "Foreign direct invesment in Viet Nam: New thinking and some recommendation," Finance Magazine, vol. 1, no. 698, pp. 43-45, February 2019. [6]. Thai Nguyen People's Committee, Results of Economic Census in 2017 of Thai Nguyen Province, Thai Nguyen, 2018.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfthuc_trang_phat_trien_doanh_nghiep_cong_nghiep_tren_dia_ban.pdf
Tài liệu liên quan