Tiểu luận Khác biệt cơ bản giữa phóng sự văn học và phóng sự báo chí

Giới thiệu Phóng sự là một thể loại tiêu biểu trong loại hình tác phẩm ký tự sự. Vào những điều kiện lịch sử xã hội thuận lợi, phóng sự được sử dụng rộng rãi ở cả làng văn lẫn làng báo. Chính tính chất “lưỡng sinh” đặc biệt này đã khiến cho phóng sự được cắt nghĩa và lý giải bằng nhiều quan niệm khác nhau. Có thể nói, phóng sự là một thể loại phức tạp, không dễ nhận diện các đặc trưng thể loại đích thực như một số thể loại khác cùng loại hình ký. Dẫu vậy, nhìn chung, các kiến giải về bản chất thể loại phóng sự của giới nghiên cứu văn học và báo chí hiện nay (ở trong nước cũng như ngoài nước) đều thống nhất ở một điểm, coi phóng sự là thể loại nằm giữa văn học và báo chí. Điều này có thể được xem như một tiền đề về lý luận để từ đó nhìn nhận, nghiên cứu hiện trạng phát triển của phóng sự theo tinh thần “phân môn biệt loại” tương đối với các thể loại văn học khác.

doc14 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2076 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Khác biệt cơ bản giữa phóng sự văn học và phóng sự báo chí, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KHÁC BIỆT CƠ BẢN GIỮA PHÓNG SỰ VĂN HỌC VÀ PHÓNG SỰ BÁO CHÍ   Phóng sự là một thể loại tiêu biểu trong loại hình tác phẩm ký tự sự. Vào những điều kiện lịch sử xã hội thuận lợi, phóng sự được sử dụng rộng rãi ở cả làng văn lẫn làng báo. Chính tính chất “lưỡng sinh” đặc biệt này đã khiến cho phóng sự được cắt nghĩa và lý giải bằng nhiều quan niệm khác nhau. Có thể nói, phóng sự là một thể loại phức tạp, không dễ nhận diện các đặc trưng thể loại đích thực như một số thể loại khác cùng loại hình ký. Dẫu vậy, nhìn chung, các kiến giải về bản chất thể loại phóng sự của giới nghiên cứu văn học và báo chí hiện nay (ở trong nước cũng như ngoài nước) đều thống nhất ở một điểm, coi phóng sự là thể loại nằm giữa văn học và báo chí. Điều này có thể được xem như một tiền đề về lý luận để từ đó nhìn nhận, nghiên cứu hiện trạng phát triển của phóng sự theo tinh thần “phân môn biệt loại” tương đối với các thể loại văn học khác. Tuy nhiên, thực tế lại có phần phức tạp hơn nhiều, bởi lẽ có những tác phẩm phóng sự chỉ thuần túy là những trang ghi chép, tả thực, thông tin về sự kiện khách quan. Bên cạnh đó, có những tác phẩm phóng sự dù vẫn viết về những “sự thực ở đời” nhưng lại nghệ thuật không kém những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Nếu soi chiếu ở những chiều kích sâu hơn ta sẽ thấy bản thân tác phẩm phóng sự luôn chịu sự qui định của nhiều tác nhân để có thể kết tinh thành những sắc diện thẩm mỹ phần nào mang giá trị văn chương hay chỉ là những đường ray thông dẫn sự kiện khách quan đơn thuần. Vì vậy rất cần có sự phân biệt để định vị phẩm chất đích thực cho các tác phẩm được gọi là phóng sự nói chung. Lâu nay, các nhà nghiên cứu lý luận văn học và lý luận báo chí đã bàn nhiều về sự khác biệt giữa ký văn học và ký báo chí nhưng lại chưa mấy chú tâm phân biệt PSBC (PSBC) với PSVH (PSVH). Nếu có chăng chỉ là những phác thảo sơ lược, thiếu hệ thống toàn diện. Sự so sánh nếu chỉ dừng lại ở cấp độ loại hình cơ bản nhiều khi chưa soi tỏ các tiểu tiết phức tạp nảy sinh ở cấp độ thể loại. Hơn thế, từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước trở lại đây, sự bùng nổ trở lại của thể loại phóng sự còn kéo theo xu hướng tách bạch khá rõ ràng, trong lối thể hiện, PSBC và PSVH. Cùng xuất hiện trên mặt báo, cùng mang danh phóng sự, nhưng con đường vươn tới đích của sự thật ở hai loại phóng sự này có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy việc thiết lập một “giải phân cách” mềm mại, tương đối nhằm khu biệt chúng không chỉ có ý nghĩa đối với người nghiên cứu mà còn hết sức cần thiết cho người sáng tạo cũng như người tiếp nhận. 1. Tính chất thông tin trong tác phẩm Nhìn chung, các thể loại ký đều ghi chép, phản ánh các sự kiện có thật trong hiện thực khách quan. Riêng với phóng sự thì ngoài tính khách quan, chân xác, còn đòi hỏi cả tính thời sự, cập nhật và khả năng lý giải, phân tích, điều trần về sự thật nữa. Do vậy, ngay ở điểm này giữa PSVH và PSBC đã bắt đầu bộc lộ ranh giới. Trong khi đối với PSBC tính xác thực của thông tin được đặt ra một cách nghiêm ngặt thì PSVH vẫn được phép có những khoảng “phi phỏng” (không xác định) lượng thông tin. Lối nói phiếm chỉ trong định danh hoặc việc dùng từ, ngữ vô định thường không mấy khi được chấp nhận ở PSBC thì PSVH lại coi đó như là một thủ pháp nghệ thuật nhằm mềm hóa thông tin, tránh cho người đọc những cú sốc bất lợi về thực tại. Những đoạn mô tả cảnh sắc thiên nhiên, trạng huống tâm lý, hành tung nhân vật... được tỉnh lược tối đa hoặc chỉ dựng lên như cái nền của PSBC thì PSVH đôi khi lại khai thác chúng như một phương tiện hữu hiệu góp phần biểu đạt tư tưởng thẩm mỹ. Mặt khác, sự kiện trong PSBC càng mới mẻ, cập nhật, vấn đề đặt ra càng nóng bỏng, bức xúc thì tính hấp dẫn càng cao, khả năng tác động đối với đời sống xã hội càng lớn. Còn trong PSVH, sự kiện có ý nghĩa “châm ngòi nổ” nhiều khi không nhất thiết phải theo sát dòng thời sự. Thậm chí có một độ lùi thích hợp về không gian, thời gian càng giúp cho người viết có thể tái hiện một cách sinh động, đầy đủ và soi sáng sự kiện từ nhiều chiều. Trong PSBC, sự thật cho dù có được “tạo dáng” đôi chút song nó vẫn phải mang đầy đủ, nguyên dạng tầm vóc và cốt lõi của sự kiện bản thể.Tính thẩm mỹ của thông tin nếu có được chủ yếu là do tự thân hiện thực mang lại chứ không phải do dụng công tôn tạo của người viết. Trái lại, ở PSVH tuy vẫn lấy việc phản ánh người thực, việc thực làm chủ đích nhưng ngoài chức năng đáp ứng nhu cầu nhận thức cho công chúng, tác phẩm còn phải vươn tới yêu cầu giao tiếp thẩm mỹ, định hướng thông tin. Vì vậy, không chỉ phương châm viết cho đúng, cho trúng mà cả yêu cầu viết cho hay ở PSVH cũng không giống như PSBC. Bản lĩnh của nhà báo là lựa chọn tư thế, góc nhìn, thời điểm “phát hỏa” sao cho “mũi tên sự kiện” trúng đích một cách nhanh nhất. Mọi vấn đề được mô tả, tái hiện, lý giải, điều trần sao cho trực tiếp, khách quan và nổi bật nhất để có thể tác động thẳng tới tri giác người đọc. Nhưng với nhà văn lại không chỉ như thế. Mũi tên có thể trúng đích song những gì còn lại, những gì thay đổi, những gì sẽ tái sinh cho một cuộc sống tốt đẹp sau đó mới là điều người cầm bút cần đặt ra và hướng tới. Sự thật dẫu có được trình bày, diễn giải đầy đủ, kỹ lưỡng đến mấy mà tính khái quát của vấn đề nêu ra chưa thực sự gắn với những nỗi niềm nhân sinh thế sự, chưa thể coi nhà văn đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nếu ở PSBC, thông tin sự kiện được xem là sự sống còn của tác phẩm thì ở PSVH tính thẩm mỹ của thông tin mới là tiêu chí cuối cùng để đánh giá. Người làm PSVH không chỉ đi đến tận cùng sự thật mà còn đòi hỏi phải làm sao cho những sự thật ấy vừa gây “nhức nhối trí tuệ” vừa có khả năng rung động tâm hồn, thức tỉnh lương tri thời đại. Như vậy, đủ thấy rằng sự khác nhau về tính chất thông tin giữa PSVH và PSBC là một thực tế bắt nguồn từ mục tiêu phản ánh, tái tạo hiện thực. Đây cũng chính là điểm mấu chốt dẫn đến sự phân biệt chúng trên một số bình diện khác. 2. Nhân vật người trần thuật Ở cả PSVH và PSBC, người trần thuật (kể chuyện, dẫn dắt, bình bàn...) đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức sự kiện, sắp xếp nhân chứng, thẩm định sự thật... Đó có thể là chính chủ thể “cái tôi” tác giả hoặc một nhân vật được tác giả lựa chọn đóng vai người trần thuật. Tùy theo tính chất của sự kiện, vấn đề cũng như kiểu loại phóng sự mà tác giả - người trần thuật chọn cho mình một vị thế thích hợp để can dự vào cấu trúc trần thuật. Tuy nhiên, ở điểm này, giữa PSVH và PSBC cũng xuất hiện những sự phân biệt đáng kể. Trước hết, trong PSBC người trần thuật vừa đóng vai trò là chủ thể sáng tạo, trực tiếp xử lý, định đoạt mọi mối quan hệ trong tác phẩm, vừa có thêm vai trò nhân chứng để tạo niềm tin cho độc giả. Họ xuất hiện hầu hết ở ngôi thứ nhất trong tư cách “cái tôi” vừa nhập cuộc vừa tỉnh táo, khách quan trước mọi vấn đề của hiện thực. Trong khi đó ở PSVH, chủ thể trần thuật được hiện diện bằng nhiều tư thế khác nhau. Có khi trực tiếp như người trong cuộc, có khi gián tiếp trong vai trò người nghe kể lại, cũng có lúc “cái tôi tác giả” tự nguyện ẩn mình đi để trao toàn quyền trình bày, dẫn dắt, thẩm định, phán xét... cho một nhân vật khác. Sự đa dạng về vai trò của người trần thuật như vậy cho phép PSVH không chỉ linh hoạt, mềm dẻo trong cấu trúc trần thuật mà tầm kích của sự kiện cũng được bao quát một cách đầy đủ và toàn diện hơn. Thông thường ở PSBC, điểm nhìn từ chủ thể đến các khách thể cần trần thuật là cận kề và trực diện trong không gian và thời gian thực tại. Nhà báo chỉ trần thuật về những điều trực tiếp liên quan đến diễn biến của sự kiện, nghĩa là chỉ chú tâm vào một mối quan hệ đơn nhất của các biến cố trong tư thế người chứng kiến. Còn ở PSVH điểm nhìn trần thuật của chủ thể phản ánh vừa có thể trực tiếp (đối đáp trực diện), vừa có thể gián tiếp (qua hình dung, suy tưởng trong thời gian và không gian gián cách). Nhà văn trong khi bám sát sự kiện khách quan, vẫn có thể hình dung về đối tượng cần tái tạo ở quá khứ hoặc tương lai. Nói cách khác, người trần thuật trong PSVH có thể đặt mình trong mối tương quan đa chiều, điểm nhìn trần thuật vì thế luôn được vận động, hoạt biến theo quỹ đạo của sự kiện. Và đương nhiên trong việc chuyển dịch điểm nhìn như vậy không thể không có sự chi phối ít nhiều của cảm quan nghệ thuật cá nhân. Điều này cũng chính là lý do khiến PSVH thường đa thanh phức điệu và mang đậm dấu ấn phong cách tác giả hơn PSBC. Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng việc tuân thủ tối đa lôgíc của sự kiện trong PSBC đã tạo nên chân dung “cái tôi” tác giả - người trần thuật luôn lạnh lùng, nghiêm cẩn, kín kẽ. Cho dù có đồng hành với sự kiện, “cái tôi” cũng luôn giữ một khoảng cách cần thiết, chỉ cốt đủ để minh chứng cho sự thật. Bởi lẽ một khi đã đứng trên lập trường trách nhiệm công dân, nhà báo càng tránh bộc lộ chân dung tinh thần của mình bao nhiêu thì chủ kiến nêu ra càng khách quan, giàu sức thuyết phục bấy nhiêu. Đối với nhà văn trong PSVH thì không nhất thiết phải thế. Tôn trọng sự thật khách quan nhưng nhà văn không bắt buộc đứng tách biệt ra ngoài sự thật. “Cái tôi” mang tính quan niệm được quyền khắc họa như một nhân vật bình đẳng với các nhân vật khác trong quá trình tái hiện quy mô của sự kiện. Đương nhiên, công việc này chính là một thách thức không dễ vượt qua đối với người làm PSVH. Trước những vấn đề nhạy cảm của đời sống xã hội, chính kiến nêu ra sao cho chủ quan nhưng không áp đặt, xác đáng mà không lộ liễu, thẳng thắn mà tránh được cực đoan... đòi hỏi ở “cái tôi”- nhà văn một năng lực đặc biệt. Ấy là sự tiết chế cảm xúc cá nhân, sự “cài đặt”, chuyển hóa tư tưởng chủ thể thành ý thức khách quan trong quan hệ giao tiếp với các yếu tố của sự kiện. Càng hiện diện đậm nét, người trần thuật trong PSVH càng cần khéo léo, tinh tế trong quá trình tự bộc lộ. Có thể nói chân dung người trần thuật được khắc họa sinh động về cá tính, độc đáo trong giọng điệu mà không làm loãng thông tin, mờ nhòa cốt lõi của sự kiện chính là một trong những điều kiện quan trọng đem đến sự thành công cho bài viết. Và điều này được xem như sự khu biệt cơ bản không chỉ giữa PSVH với PSBC nói riêng mà còn là tiêu chí góp phần định vị chúng trong mỗi hệ thống thể loại văn học hay báo chí nói chung. 3. Kết cấu Nếu chỉ quan sát trên bề mặt, có thể thấy kết cấu của tác phẩm phóng sự không mấy đa dạng về hình thức và chừng như cũng ít dụng công về nghệ thuật. Kì thực đây chính là một phương diện được người viết đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, không hẳn giống với văn chương thẩm mỹ, phóng sự dù có là PSVH đi nữa, tác giả cũng không được phép nhào nặn, gọt giũa cho sự thật trở nên giống như thật hoặc thật hơn cả sự thật. Do vậy, để tạo tính hấp dẫn cho những sự thật nguyên dạng được phản ánh trong phóng sự, người ta cần tổ chức một cấu trúc trần thuật sao cho linh hoạt, cơ động, thông tin vừa được dồn nén, vừa có cơ bùng nổ tối đa. Cố nhiên ở mặt này, so với PSBC, PSVH có điều kiện phát huy được nhiều ưu thế hơn. Cũng không phải người viết PSBC xem nhẹ hoặc ít chú tâm đến vai trò của kết cấu mà tính chất chế định thông tin cùng với yêu cầu hạn định về dung lượng tác phẩm đã tạo nên lối thể hiện khác với PSVH. Ở hầu hết các PSBC, trình tự phát triển của sự kiện được tổ chức theo lối tuyến tính ( trật tự trước sau, theo một trục thẳng từ điểm khởi đầu đến khi kết thúc). Dòng trần thuật đôi khi cũng có điểm nhấn, điểm lướt, điểm khép, điểm mở để tạo kịch tính song thường không có khoảng lùi dành cho những suy tư, hoài niệm; không có nhánh rẽ để liên hệ tạt ngang. Thời gian, không gian trong tác phẩm cơ bản là thời gian, không gian thuộc về sự kiện. Người viết tuyệt nhiên không thể tùy tiện rời bỏ mạch biến cố để hướng tới các miền cảm xúc riêng tư, những hoài niệm xa xăm, quá vãng. Có chăng chỉ ở một vài tác phẩm PSBC, kết cấu được triển khai theo lối văn chương thì biên lộ của dòng trần thuật mới có thể mở rộng thêm đôi chút để bao quát toàn diện hơn tầm kích của sự kiện, vấn đề mà thôi. PSVH lại khác, sự co dãn linh hoạt về dung lượng chữ nghĩa cũng như tính đa dạng, lưỡng hợp về thông tin đã cho phép người viết vượt ra khỏi những trói buộc của lôgíc sự kiện. Mạch kể thường ít bị câu thúc, thậm chí có những khi dòng trần thuật còn được phát triển theo nhiều nhánh phụ, hướng tới các chiều không gian và thời gian khác nhau. Đang mô tả sự kiện trong thực tại, nhà văn có thể dẫn người đọc lần theo mối liên tưởng của nhân vật mà trở về với quá khứ hay sống với những dự cảm tương lai. Thậm chí đôi khi người ta còn gặp trong PSVH những “sự kiện ảo” được dựng nên từ niềm khát khao hay những cơn mộng mị của nhân vật. Chẳng hạn giấc mơ được gặp bà Chúa Kho của tác giả phóng sự Đừng bắt bà Chúa Kho tham nhũng (1). Nếu người đọc không xâu chuỗi các biến cố của sự kiện trung tâm lại sẽ khó chấp nhận chi tiết mang màu sắc hư cấu gần như phi lý này. Tuy nhiên ở đây tính lôgíc đã không hề bị phá vỡ bởi dòng trần thuật vẫn luôn theo sát vấn đề cốt lõi với một thông điệp ngầm rằng:Bà Chúa nếu trở lại được nhân gian cũng chẳng thể dang tay cho những ai vì quá ngây thơ hay quá khôn ngoan mà mê muội cuồng tín. Và như vậy chứng tỏ lối biến hóa linh hoạt trong kết cấu đã đem lại cho tác phẩm PSVH một hiệu quả thẩm mĩ đáng kể. Ngoài ra, thực tế còn cho thấy khả năng tổ chức sự kiện theo biên lộ mở đã khiến PSVH thường mang đậm màu sắc tự sự nghệ thuật. Không ít tác phẩm hiện diện trong cốt cách một truyện ngắn hay một cuốn tiểu thuyết thu nhỏ. Bởi lẽ khi đã bứt ra khỏi trật tự tuyến tính của mạch tự sự, người trần thuật có thể cơ động hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ, bút pháp cũng như các thao tác cá tính hóa nhân vật. Cố nhiên sự cơ động ở đây không có nghĩa là vượt ra ngoài những nguyên tắc thể loại. Dẫu là PSVH thì người viết vẫn phải hướng về hiện thực khách quan với mục đích tái hiện chứ không phải để tái tạo như một số thể loại văn học khác. Cho nên nói như Nôen Đuytơ: “Tất cả các công việc của sáng tác tiểu thuyết hay truyện ngắn đều được sử dụng trong văn học phóng sự”(2) chẳng qua cũng chỉ là cách nhấn mạnh khả năng khai thác một cách hợp lý, đúng liều lượng các thủ pháp của văn chương nghệ thuật ở PSVH mà thôi. 4. Hệ thống nhân vật Ngoài “cái tôi” tác giả hay nhân vật người trần thuật, trong tác phẩm PSVH cũng như PSBC còn có một hệ thống nhân vật được sử dụng như một phương tiện để chuyển tải hoặc khái quát những thông tin về hiện thực khách quan. Tuy nhiên do sự chi phối của tính chất thông tin và qui trình triển khai sự kiện nên việc khắc họa nhân vật ở hai loại phóng sự này có nhiều điểm khác nhau. Nhân vật trong PSBC thường đòi hỏi phải được xác định rõ ràng từ danh tính, nghề nghiệp, địa bàn cư trú... cho đến cử chỉ, hành vi. Họ tham gia vào sự kiện chủ yếu với tư cách như những mắt xích của thông tin. Số lượng các “mắt xích” này do người viết hạn định, sao cho vừa đủ để tái hiện và soi sáng sự kiện. Rất ít khi PSBC xuất hiện loại nhân vật làm nền, làm bối cảnh - tức là nhân vật được gián tiếp nhắc đến như một sự ngẫu nhiên bổ sung dáng vẻ, nhịp độ mới cho mạch trần thuật. Mặt khác, nhà báo cũng không nhất thiết phải khắc họa đầy đủ, vẹn toàn cho nhân vật trong phóng sự của mình như một tính cách hay một diện mạo tinh thần. Bởi lẽ mỗi nhân vật xuất hiện chỉ cần đủ làm nên một dữ liệu để kết dính hay soi rọi sự kiện từ góc độ nào đó, họ chỉ đóng vai trò như một lát cắt, một mảnh nhỏ chứ không phải là toàn bộ nòng cốt của sự kiện (ngay cả với loại phóng sự nhân vật của báo chí cũng vậy). Hơn nữa, người đọc PSBC giao tiếp với nhân vật chủ yếu qua những thông tin về sự kiện cho nên ngay cả khi tác giả có để nhân vật bộc lộ một vài phẩm chất nào đó của tính cách thì những phẩm chất ấy cũng dễ bị lược qui thành những yếu tố mang tính xã hội hóa đơn chiều. Khó có thể tìm thấy trong PSBC một nhân vật được khắc họa trọn vẹn cả hình hài số phận với những thuận biến hay nghịch biến của thế giới nội tâm. Tất nhiên điều này một phần là do sự câu thúc của thời gian, không gian sự kiện, phần khác do tuân thủ tính thời sự, cập nhật của thông tin mà nhà báo không nhất thiết phải đặt ra nhiệm vụ hướng nội. Trong khi đó ở PSVH, hệ thống nhân vật luôn được xem như một yếu tố làm nên cốt lõi sự kiện. Thậm chí có những lúc nhân vật còn chính là sự kiện (trường hợp phóng sự nhân vật hoặc phóng sự chân dung). Người viết có thể khắc họa chân dung họ sinh động, đầy đủ hơn trong tương quan đa chiều với thực tại, đảm bảo độ trung thực cần thiết nhưng từ lai lịch, hành tung đến địa vị, tính cách... của nhân vật bao giờ cũng chứa đựng những chi tiết nghệ thuật vừa giàu giá trị biểu đạt vừa mang tính biểu cảm cao. Khi cần, tác giả cũng có thể vận dụng các thủ pháp khai thác tâm lý nhân vật để tái hiện và mô tả sự kiện một cách tinh tế, sắc nét hơn. Vì vậy so với nhân vật trong tiểu thuyết hay truyện ngắn thì nhân vật trong PSVH chưa thực sự đa dạng về tính cách, điển hình về số phận song nhờ mối liên kết chặt chẽ với tiến trình của sự kiện, nhờ những chi tiết có sự chọn lựa kỹ lưỡng, chân dung của họ vẫn chuyển tải được những thông tin thẩm mỹ giàu sức ám ảnh. Chẳng hạn nhân vật bà Khang trong phóng sự Người đàn bà quì của Lê Văn Ba, nhân vật chị Gái trong phóng sự Chị Dậu cuối thế kỷ của Mạnh Việt hay nhân vật tôi (tức Phạm Văn Chẩn) trong phóng sự Lời khai của bị can của Trần Huy Quang... là những nguyên mẫu được hình tượng hóa như thế. Họ hiện diện trong trang viết không còn đơn thuần là những con người được xác chỉ đầy đủ về tính danh, địa vị, lời nói, việc làm... mà họ thực sự trở thành những chân dung được chạm khắc một cách khéo léo. Rõ ràng người viết không hề hướng tới nội tâm, tính cách nhân vật như một đối tượng trọng tâm đặc tả song thấp thoáng đâu đó vẻ đẹp của chiều sâu tâm hồn con người vẫn ngời lên như một thứ ánh sáng thuộc về chân lý. Ngoài ra, giữa PSVH và PSBC còn một điểm khác nhau nữa, đó là rất hiếm khi trong PSVH xuất hiện kiểu nhân vật chỉ đơn thuần mang tính phụ họa, bổ khuyết hay xác tín thông tin. Nhân vật trong PSVH luôn tham gia vào cấu trúc trần thuật, thậm chí đôi khi còn bình đẳng với người dẫn truyện trong việc thúc đẩy tiến trình phát triển của sự kiện. Nghĩa là mỗi nhân vật có thể được gắn vào một tình huống, một đơn vị truyện để tự sự hóa sự kiện theo qui mô và tầm vóc mà nó vốn có. Nhờ vậy mối quan hệ giữa các nhân vật thường được thiết lập chặt chẽ và tương tác với nhau hơn. Nhân vật này có thể soi sáng, bổ sung, tô đậm cho nhân vật kia về một khía cạnh nào đó của tính cách hay một căn nguyên nào đó của hiện thực. Trên cơ sở đó người đọc có thể nhập cuộc, đồng hành với người viết để khám phá các “tầng vỉa” thông tin, phơi bày, làm sáng tỏ những điều còn khuất lấp. Tuy nhiên muốn phát huy được thế mạnh này, người viết phải có những năng lực đặc biệt trong việc bao quát cũng như xử lý thông tin. Đồng thời với việc định hình một cấu trúc trần thuật là sự sắp xếp, tổ chức hệ thống nhân vật sao cho hài hòa, tương khớp giữa hiện thực khách quan và ý tưởng sáng tạo của chủ thể thẩm mỹ. So với PSBC, công đoạn này ở PSVH khó khăn, phức tạp hơn nhiều, vì thế hoàn toàn có thể coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ thành công của tác giả và tác phẩm. 5. Ngôn ngữ Trước hết, có thể thấy PSVH và PSBC khác nhau ở mức độ sử dụng sắc thái biểu cảm của ngôn từ. Trong khi PSBC chú trọng nhiều hơn đến việc sử dụng các hình thức ngôn ngữ mang màu sắc trung tính về biểu cảm thì PSVH có thể sử dụng đa dạng các lớp từ cũng như các phong cách chức năng ngôn ngữ. Đặc biệt, các phương thức tu từ và các biện pháp chuyển nghĩa từ thường được sử dụng rộng rãi trong PSVH. Nếu thực hiện một phép so sánh sẽ thấy tần số xuất hiện các biện pháp này trong một văn bản PSVH thường gấp từ 2 đến 5 lần so với văn bản PSBC. Đấy là chưa kể các thao tác khác cũng thuộc về mỹ quan chủ thể trong việc gọt rũa hay sáng tạo ngôn từ. PSVH bao giờ cũng dành những khoảng mở để người viết bộc lộ những lối biểu đạt tài hoa. Vì vậy nếu ở PSBC người ta có thể “mải theo dõi cái tin mà bỏ quên mất vẻ đẹp của câu chữ”(3) thì đến với PSVH người ta lại cảm nhận tính hấp dẫn của tác phẩm trước hết ở ngôn từ và cách biểu đạt độc đáo. Đây cũng chính là lý do dẫn đến sự khác biệt về tính chất, màu sắc thông tin giữa hai loại văn bản (PSBC là loại văn bản đơn nghĩa còn PSVH là đa nghĩa). Ngoài ra, để phân biệt ngôn ngữ trong tác phẩm PSBC với ngôn ngữ trong tác phẩm PSVH còn phải kể đến những cách thức đặc trưng khi tác giả phối hợp các thành phần ngôn ngữ. Với yêu cầu cô đọng, chân xác và cập nhật, PSBC coi ngôn ngữ sự kiện là thành phần cơ bản, chủ đạo trong việc chuyển tải thông tin. Các thành phần ngôn ngữ khác như ngôn ngữ tác giả, ngôn ngữ nhân vật...thường xuất hiện hạn chế hơn. Trong khi đó ở PSVH các thành phần ngôn ngữ này được sử dụng hết sức linh hoạt tùy theo tính chất của sự kiện và góc nhìn, trường nhìn của tác giả. Thậm chí trong nhiều tác phẩm PSVH, người ta còn chẳng thể tách bạch nổi đâu là ngôn ngữ tác giả, đâu là ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ sự kiện. Bởi lẽ khi đã nhập cuộc như một sự hóa thân thì mọi phát ngôn trong tác phẩm đều ít nhiều chịu sự chi phối của tư tưởng tác giả. Có khi lời của nhân vật nhưng vấn đề chuyển tải lại thuộc về ý thức của tác giả hoặc lời tác giả nhưng gắn với dòng nghĩ suy của nhân vật. Điều này chính là nguyên nhân khiến người ta thường gặp trong PSVH lối nói nửa trực tiếp hoặc lời độc thoại ngắn của chủ thể trần thuật - một kiểu ngôn ngữ đặc thù trong tác phẩm văn chương thẩm mỹ. Tuy nhiên để hòa quyện lời tác giả trong lời nhân vật theo một góc độ mềm dẻo nhất,vừa đảm bảo tính khách quan của sự kiện, vừa ngầm định hướng thông tin bằng nhạy cảm cá nhân là điều không đơn giản. Chỉ có những nhà văn giàu bản lĩnh và dạn dày kinh nghiệm viết phóng sự mới có thể tránh được sai sót trong các thao tác kiểu này. Một điều dễ dàng nhận thấy nữa là sự khác nhau trong cách sử dụng ngôn ngữ giữa PSVH và PSBC có căn nguyên từ sự khác nhau về bút pháp. Nếu như ở PSBC yếu tố thuật được coi là chủ đạo trong quá trình dẫn dắt và khâu nối các dữ liệu của sự kiện thì ở PSVH người ta lại có thể chú trọng thêm hai yếu tố kể và tả. Bên cạnh đó, yếu tố bình luận trong PSVH cũng được đan xen vào mạch dẫn với mật độ lớn hơn PSBC rất nhiều. Cho nên đối với PSVH, tác giả càng phối hợp một cách linh hoạt, hài hòa về bút pháp bao nhiêu, càng có điều kiện khai thác triệt để thế mạnh của các phong cách chức năng ngôn ngữ bấy nhiêu. Có thể nói sự mềm dẻo, phóng khoáng trong bút pháp đã mở ra cho PSVH những khả năng, những ưu thế biểu đạt mà nhiều thể loại ký văn học khác không có được. Mặc dù vậy, trong tương quan so sánh ở đây, việc chỉ ra những khác biệt, hoàn toàn không có ý đề cao hay xem nhẹ bất cứ thể loại nào, nhất là đối với PSBC - một thể loại vốn chỉ phân cách với PSVH bằng một lằn ranh vô cùng nhạy cảm. Như đã nói, việc đối chiếu những đặc trưng cơ bản của PSVH và PSBC trong bối cảnh hiện nay là một động thái tích cực, mang ý nghĩa thiết yếu cả về lý luận lẫn thực tiễn. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng đây là một công việc còn hết sức mới mẻ và phức tạp. Những phác thảo chúng tôi đưa ra ở trên chỉ hy vọng góp một phần ý tưởng nhỏ để từng bước hoàn thiện bức tranh nghiên cứu lý thuyết về phóng sự nói chung và PSVH nói riêng. MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTBC 12.doc