Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật thanh niên và Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố, điều này giúp tạo được cơ sở pháp lý cho công tác thanh niên, quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Đồng thời cũng là tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành một cách tốt nhất. Điều này cũng góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội, những lối sống thiếu đạo đức đang lan tràn trong giới trẻ hiện nay. Nhìn nhận thực trạng về biểu hiện của lối sống của thanh niên từ quá trình nhận thức vừa nhằm đánh giá về lối sống của chính họ, cũng là tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề, nhằm xây dựng mục tiêu phát triển mới của thanh niên.
13 trang |
Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 7885 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Lối sống trong giới trẻ nước ta hiện nay, nhìn từ biểu hiện và quá trình nhận thức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu
Xã hội nước ta đang ngày càng phát triển, công nghiệp hoá, hiện đại hoá từ thành thị cho tới nông thôn. Cuộc sống vì vậy cũng thay đổi theo một cách nhanh chóng và mãnh liệt. Cùng với sự tiến bộ của nền khoa học kỹ thuật, con người cũng biết tự điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống để theo kịp nền văn minh hiện đại. Tuy nhiên không phải ai cũng vậy. Điều này được thể hiện rất rõ qua tầng lớp thanh niên hiện nay. Một bộ phận trong số họ năng động, sáng tạo, cần cù…, một số khác lại lười nhác, đua đòi, thụ động.... Những hành vi đạo đức, lối sống ấy không chỉ xuất phát từ quá trình giáo dục mà còn do quá trình nhận thức của con người.
Vì vậy em đã chọn đề tài: “Lối sống trong giới trẻ nước ta hiện nay, nhìn từ biểu hiện và quá trình nhận thức” dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Mỹ Nhung.
Do vốn hiểu biết của em còn hạn hẹp, bài viết của em còn nhiều thiếu sót, em rất mong nhận được sự thông cảm và giúp đỡ của các thầy cô.
Em xin chân thành cảm ơn!
Phần nội dung
Lối sống trong giới trẻ nước ta hiện nay
1. Những biểu hiện tích cực
Giới trẻ thanh niên Việt Nam hiện nay đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Họ là những người sẽ kế cận và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Nhìn nhận lại chặng đường phát triển của đất nước trong những năm vừa qua thì giới trẻ đã có rất nhiều những đóng góp tích cực, biểu hiện qua lối sống của chính họ.
Theo ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch Invest Consult Group thì “Lối sống là tiêu chí đầu tiên, tiêu chí tổng hợp nhất, thể hiện văn hoá và trí tuệ của một con người. Lối sống không chỉ là hành vi như cách đi lại, ăn nói, nó là hành vi hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tư duy, làm việc và phương cách xử lý các mối quan hệ” (“Lối sống” _ báo thanhnien.com ngày 18/12/2005). Hành vi ở đây không phải là cái gì đó quá to lớn và phức tạp. Đơn giản đó có thể là việc đưa một cụ già qua đường hay việc giúp đỡ một em bé đi lạc về nhà. Có thể dễ dàng nhận thấy những biểu hiện tích cực ngay trong cách giao tiếp, cư xử, và cả thái độ về học tập trong thanh niên. Một cô tiếp viên hàng không nhẹ nhàng, lịch sự khi trả lời khách, một lời cảm ơn của người thanh niên khi nhận được sự giúp đỡ của người khách, đó cũng là những biểu hiện tích cực trong lối sống của giới trẻ.
Chiến dịch “Mùa hè xanh” hay “Tiếp sức mùa thi”… của Đoàn Thanh niên hẳn đã không còn xa lạ với mỗi người, đặc biệt là trong sinh viên. Mùa thi đến, các tình nguyện viên lại bận rộn hơn trong vai trò của mình. Khắp các bến xe, trường thi thấp thoáng bóng áo xanh. Họ cũng tham gia phục vụ cho công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh như: hướng dẫn các thí sinh là thủ tục dự thi, đến trường thi. Một số khác tham gia vào việc điều khiển giao thông cùng các chiến sỹ công an bởi mật độ giao thông trong những ngày này là rất đông. Việc làm của họ đã phần nào giảm bớt nỗi lo cho các thí sinh, phụ huynh và cả những người dân địa phương. Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cũng là một tronng những hoạt động của thanh niên và đang có những chuyển biến tích cực. Hoạt động của Đoàn hiện đang có những bước đi gần gũi hơn, cụ thể hơn, thiết thực hơn với đời sống thanh niên. Các phong trào mang tính chất giáo dục tư tưởng chính trị như “Tiếp lửa truyền thống_mãi mãi tuổi hai mươi”, diễn đàn “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”….được thanh niên hưởng ứng nhiệt tình cũng là những biểu hiện về quá trình nhận thức của giới trẻ hiện nay.
Giới trẻ cũng góp phần tích cực vào những hoạt động quan trọng của đất nước như Seagames, ASEM, APEC… Trong hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam tháng 11 năm 2006, các tình nguyện viên đã rất năng động, nhiệt tình, sáng tạo, thể hiện lối sống của thanh niên thời hiện đại khi nhận nhiệm vụ chuẩn bị cho hội nghị. Một SV của trường đại học Hà Nội cho biết: “ Trở thành tình nguyện viên phục vụ cho APEC, mình đã rất cố gắng để làm tốt mọi việc như đi đón đoàn, giới thiệu cho họ những nét văn hoá của Việt Nam” (Lê Thu Trà_ sinh viên năm thứ 3 khoa Tiếng Anh). Có rất nhiều những nhiệm vụ trong công tác chuẩn bị, công tác hậu cần như làm lễ tân, phiên dịch…đều do hầu hết các tình nguyện viên đảm nhiệm, và họ đã hoàn thành, đã làm tốt góp phần cho sự thành công của hội nghị.
Câu khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đã rất quen thuộc, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Nhiều thanh niên đã không ngại điều kiện khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn nơi miền núi, hải đảo, họ cống hiến tuổi trẻ của mình cho công cuộc xây dựng đất nước. “Các dự án đang được triển khai và hoàn thành như dự án xây dựng “Làng thanh niên lập nghiệp bảo vệ biên giới”, ở xã Thuận Hạnh_Đăk Song; Dự án “Đưa công nghệ thông tin đến với đồng bào miền núi” đều do các bạn trẻ thanh niên khởi xướng” ( Chuyên mục Thế giới trẻ, báo Tiền phong số 217 ra ngày 1/11/2005). Điều đó cho thấy một bộ phận giới trẻ hiện nay đang phát huy hết sức nội lực thiện nguyện nhằm phục vụ cộng đồng một cách không vụ lợi.
Biểu hiện tích cực trong lối sống của thanh niên không chỉ thể hiện trong những việc làm tình nguyện mà còn thông qua chính những nỗ lực của bản thân họ. Đã có rất nhiều những tấm gương tự vươn lên trong học tập, rèn luyện, đóng góp công sức của mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đấy nước, biểu hiện qua những thành tích cá nhân mà họ đạt được.Ví dụ những thanh niên ưu tú như Lê Vũ Hoàng (Giải nhất chung kết “Đường lên đỉnh Olympia”), Nguyễn Quân, Lê Châu, Phạm Công Định_những lập trình viên trẻ tuổi đã đưa tiếng việt vào Java1.5, những vận động viên thể thao nhiều lần mang lại vinh quang cho tổ quốc như Nhữ Thị Khoa, Đàm Thanh Xuân… Đó là những người thuộc giới trẻ mà họ đã và đang tự khẳng định bản thân, cố gắng hết mình vì ngày mai của đất nước.
2. Những biểu hiện tiêu cực
Khi đề cập đến lối sống hay hành vi đạo đức thì không thể không nhắc tới những biểu hiện tiêu cực. Đây cũng là quy luật mâu thuẫn cơ bản của xã hội, xã hội luôn có hai mặt đối lập nhau.
Có thể nói rằng, khoa học và công nghệ càng đạt được nhiều thành tựu thì lại càng có khả năng tạo ra nhiều điều kiện để thoả mãn đời sống, đồng thời cũng tạo ra nhiều phương tiện để chà đạp lên phẩm chất của mỗi con người. “Sự hạ cấp ấy đang thể hiện thật lộ liễu trong những trang web khiêu dâm nhan nhản trên mạng với ảnh khoả thân người mẫu và những cơn thác loạn kích động thú tính. Chỉ một cái “nhấp chuột” theo những gợi ý kỹ thuật truyền tai nhau, giới trẻ “sành điệu” có thể tha hồ thoả mãn những nhu cầu hạ cấp”. (“Để chống lại sự hạ cấp và phàm tục trong đời sống văn hoá_thanhnien.com). Có thể giới trẻ chỉ vì tò mò rồi xem, nhưng có lẽ từ chỗ tò mò rồi dần dần sẽ dẫn tới những thói quen hạ cấp ấy.
Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã từng bước được thiết lập và phát triển. Quá trình hột nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cái mới nhưng đồng thời cũng mang lại những khuynh hướng cực đoan. “Một số người tỏ thái độ sùng bái, “tâm phục, khẩu phục” mọi “giá trị” của phương Tây mà không có sự suy ngẫm, đánh giá sáng suốt. Điều nguy hiểm là, với lối tư duy siêu hình và quan niệm thực dụng, không ít người ấp ủ, mơ tưởng có một “lối sống mới” hoàn toàn theo kiểu Tây, tách khỏi các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc” ( Theo Võ Văn Thắng_tạp chí Triết học) . Biểu hiện rõ nét nhất của hành vi này là việc một số thanh niên hiện nay ăn mặc thiếu văn hoá khi đi lễ chùa hay đến những nơi trang trọng. Họ không ngần ngại khi mặc quần sooc, áo hai dây, hay cả những chiếc áo mỏng tang ở những nơi khói hương nghi ngút như chùa chiền, những nơi trang nghiêm, mang khung cảnh sư phạm như trường học.
Lối sống tiêu cực được thể hiện rất rõ trong những bản án về tội phạm ma tuý, mại dâm, đua xe trái phép… Nhiều thanh niên ăn chơi, tiêu xài phung phí, trong đó có rất nhiều là sinh viên. “N.V.Th từ Tiền Giang lên TP. HCM học đại học ngành báo chí. Chỉ sau năm học thứ nhất, Th bắt đầu vắng học nhiều để lao vào làm thêm. Nhưng mục đích kiếm tiền không phải là để đóng học phí mà là trang trải cho các khoản vui chơi không lành mạnh. Th chọn làm tiếp viên cho quán bia ôm để có đủ tiền tiêu xài” (“Học đòi sành điệu”_báo dantri.com). Vì nghe lời bạn bè rủ rê, lôi kéo, nhiều em bỏ học, lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng nơi vũ trường, quán rượu. Và để có tiền tiêu, nhiều em đã tình nguyện tham gia vào các hoạt động mại dâm, buôn bán ma tuý. Có nhiều đối tượng lắc ở độ tuổi vị thành niên. Vừa rồi trong các đối tượng bị bắt khi dùng thuốc lắc còn có cả em gái sinh năm 1990.
Một đặc điểm chung dễ nhận thấy nhất trong giới trẻ hiện nay là ngôn từ của họ rất giống nhau, con gái cũng như con trai đều nói bậy, dùng những từ ngữ hết sức thô thiển một cách tự nhiên, sử dụng tiếng “lóng” thành thạo, thậm chí cả những hành động đi ngược lại với những chuẩn mực về đạo đức của xã hội. “Một cô gái mặt non choẹt dù đã được trang điểm kỹ càng, mặc váy ngắn, áo yếm, nhìn trước nhìn sau đều thấy hở, tóc uốn lọn khá bắt mắt và bắt đầu uốn éo bên bàn… bia-a….máy điện thoại di động đời mới tha hồ phát huy tác dụng, thậm chí có “chú choai” còn dí sát điện thoại vào các vùng nhạy cảm của cô gái để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ” (9X đi bar, báo thanhniem.com ngày 30/11/2006). Quả là một biểu hiện đáng buồn, một sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trong giới trẻ hiện nay.
Nhìn nhận thực trạng từ quá trình nhận thức
1. Từ phía gia đình và xã hội
Giáo dục đạo đức nhằm hình thành ở con người những chuẩn mực hành vi đạo đức thể hiện ở thái độ, lối sống tích cực. Chính vì vậy gia đình cũng như xã hội vẫn luôn coi trọng vấn đề giáo dục đạo đức, đặc biệt là đối với giới trẻ bởi khi giới trẻ, thanh niên vẫn chưa xác định được cho mình lối sống và các hành vi đạo đức đúng đắn thì rất dễ bị lung lay bởi những điều kiện bên ngoài. Việc giáo dục đạo đức không chỉ được đặt trong một môn học riêng như giáo dục công dân mà còn được tiến hành trong tất cả các môn học, trong quá trình học tập và rèn luyện của thanh niên. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, gia đình ngoài việc tự giáo dục giới trẻ còn cần có sự kết hợp với nhà trường và ngoài xã hội. Nguyễn Anh Quân, 26 tuổi, là giám đốc công ty AQ, được bố cho đi du học ở Singapore nhưng ông tuyên bố: “Cho vay chứ không cho luôn học phí”. Không phải vì ông tiếc tiền mà ông chỉ muốn con trai mình có được bài học biết giá trị của cải do chính bố mẹ làm ra. Chính bởi cách nhận thức của bố như vậy mà anh đã hiểu và cố công học cho mình chứ không phải cho ai khác. Điều này cho thấy tầm quan trọng của giáo dục gia đình trong thanh niên, nó ảnh hướng rất lớn tới quá trình nhận thức của bản thân họ. Rất nhiều người đã đánh giá sai về bản thân giới trẻ khi biết một số người trong số đó là con nhà giàu, thường mang định kiến để gán cho họ. Vật chất đầy đủ là phương tiện để họ học tập cao hơn, sớm thành đạt chứ không biến hị trở nên hư hỏng. Giá trị của mỗi con người là ở sự nỗ lực khẳng định bản thân của họ.
Đánh giá về tình trạng lối sống của giới trẻ hiện nay, Đảng và nhà nước đã nhận thấy rõ sự nguy hiểm của lối sống cá nhân vị kỷ, tôn sùng nước ngoài. “Đây thực sự là một vấn đề bức xúc trong xã hội ta và cần được khắc phục sớm. Bởi vì các thế lực thù địch luôn rình rập và chờ đợi những cơ hội như vậy để thực hiện cuộc xâm thực văn hoá” (Võ Văn Thắng _ tạp chí Triết học). Chúng ta luôn chủ trương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, làm thế nào để nâng tầm các giá trị văn hoá truyền thống lên một tầng cao mới phù hợp với sự phát triển của đất nước vẫn đang là thách thức. Dư luận xã hội vẫn luôn luôn lên án mọi hành vi đi ngược lại với văn hoá truyền thống trong mọi lĩnh vực như âm nhạc, thời trang… Thế nhưng điều quan trọng là “con người phải tự tìm hiểu chuẩn mực chung về đạo đức của xã hội để tự điều chỉnh hành vi của mình” (Vai trò đạo đức và pháp luật trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá _ thanhnien.com)
Thời gian gần đây, tệ nạn ma tuý, mại dâm lan tràn đang gây nhức nhối cho xã hội bởi rất nhiều trong số đó là những thanh, thiếu niên có lối sống đua đòi, ăn chơi hay bị lôi kéo. Chính phủ và các cấp chính quyền đã nhận thức rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác phòng chống ma tuý, mại dâm nên đã có nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác này trong đó có việc kết hợp với gia đình. Bên cạnh đó, xã hội luôn chú trọng giáo dục nhận thức về sự nguy hiểm của tệ nạn ma tuý, mại dâm; tấn công, truy quét tội phạm; nâng cao phẩm chất đạo đức, có chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm công tác này, bám sát phương châm “lấy phòng ngừa là chính, tuyên truyền nâng cao nhận thức là cơ bản, lấy nhân dân làm gốc, gia đình là tế bào quan trọng” (“Ngăn chặn tệ nạn ma tuý – nỗ lực từ nhiều phía”_dantri.com)
2. Từ chính bản thân giới trẻ
Có được lối sống tích cực là cả quá trình giáo dục lâu dài và lặp lại nhiều lần của cả gia đình, xã hội cho đến lúc con người ý thức được hành vi của mình. Giới trẻ hiện nay đang “sống vội”_đây là nhận định của toàn xã hội, bao gồm cả chính bản thân họ. Yêu hết mình, chơi hết sức đang được xem là cách sống thời thượng của một bộ phận giới trẻ. Nhiều em gái, em trai lao vào con đường ăn chơi từ độ tuổi 13 mà không lường trước những hậu quả nghiêm trọng. Có những bạn trẻ đến phòng khám nạo hút thai với khuôn mặt không chút sợ hãi “Bây giờ lớp 6, lớp 7 đã biết yêu, đã biết đi nhà nghỉ và cũng đã biết cả…nạo hút thai. Bọn em bây giờ mới biết là lạc hậu lắm rồi” (“Sống vội”_thanhnien.com)
Sự nhìn nhận về lối sống một cách lệch lạc như vậy trong giới trẻ hiện nay đã lên tới mức báo động. Họ ra sứ thể hiện mình nhưng lại không nhận thức được thế nào là đúng đắn, là đáng được người khác tôn trọng. Một số em gái cho rằng ăn nói lớn tiếng, cười đùa một cách tự nhiên nơi đông người là thể hiện được sự năng động, hoạt bát của mình mà quên đi những đức tính dịu dàng của một người con gái, quên mất rằng dịu dàng mà vẫn có thể là người năng động. Một số bạn trẻ thường lui tới quan bar, vũ trường chỉ để chứng tỏ mình là người sành điệu, hiểu biết về lối sống thời thượng. Giải thích về thói đua đòi, ăn chơi này nhiều người đổ lỗi cho quá trình giáo dục mà không nhận thức được rằng chính cách bạn trẻ cũng phải biết tự giáo dục chính bản thân, tự nhận thức trong quá trình giáo dục. Có những bạn trẻ tuy nhận thức được đúng, sai, nhận thức được bản chất của cái xấu, cái đẹp nhưng vẫn lao vào con đường ăn chơi, nghiện ngập chỉ vì tự cảm thấy mình cô đơn, thích nổi loạn, thích gây chú ý. Và có lễ đi bar hay vũ trường là cách gây sự chú ý nhanh nhất.
Ngoài ra, nhiều bạn trẻ còn thích thể hiện mình, thích tỏ ra nổi trội hơn mọi người bằng những kiểu ăn mặc khác thường, không phù hợp với hoàn cảnh. Một sinh viên trẻ sẵn sàng đến lớp cùng bộ trang phục… phù hợp với các cuộc picnic hay bãi biển, bỏ qua mọi với lý do “Chỉ cần mình thấy thoải mái là được”. Sự tự tin thái quá của cô gái này là biểu hiện của quá trình nhận thức chưa đầy đủ. Thể hiện bản lĩnh, phong cách của mình cần phải tuỳ hoàn cảnh, phải đúng nơi, đúng chỗ. Nhiều bạn cho biết: “Đúng là đẹp thì có đẹp thật nhưng mà nó không phù hợp với môi trường xung quanh. Ăn cho mình mặc cho người chính là ở chỗ đấy”.
Theo điều tra của báo Thanh niên số tháng 4 năm 2006 thì giới trẻ hiện nay tự tin vào bản thân hơn trước rất nhiều theo cả 3 chiều khía cạnh: 23% tự tin vào hình thức, 49% tự tin vào kiến thức, 47% tự tin vào các kỹ năng cá nhân. “Sự tự tin tăng vượt trội ở khía cạnh kỹ năng cá nhân, sự khác biệt làm nên sự tự tin. Các kỹ năng cá nhân khá đa dạng, bao gồm khả năng: hài hước, nghệ thuật giao tiếp, làm việc nhóm…” (“Giới trẻ đang định giá thế nào về bản thân”). Tự tin vào bản thân mình một cách thái quá sẽ dẫn tới sự kiêu căng, ngạo mạn, bởi vậy mà giới trẻ hiện nay cần có sự tự tin một cách đúng đắn, không ỷ lại hay dựa dẫm vào các mối quan hệ. Có thể những năm trước đây, nhiều thanh niên có lòng tự tôn cao thường phủ nhận bản thân khi được coi là “con ông cháu cha”. Trước đây, khi nhắc đến cụm từ này con người thường nghĩ tới những cậu ấm, cô chiêu giàu có, ỷ lại. Nhiều người gán cho con nhà giàu một loạt tính từ như: ăn chơi, phá hoại, học hành chẳng đến nơi đến chốn. Nhưng ngày nay, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sự tự tin của giới trẻ đang tăng dần lên thì điều này đã không còn phù hợp. Nhiều bạn trẻ mang danh con ông cháu cha nhưng vẫn rất thành đạt bằng chính khả năng của mình. Nguyễn Ngọc Pha Lê, sinh viên năm thứ ba đại học Truyền thông Brunel (Anh) là con gái của đạo diễn nổi tiếng Lê Hoàng. Không ỷ lại vào danh tiếng của bố, cô khi được đi du học vẫn luôn nỗ lực học tập và làm thêm để trau dồi vốn ngoại ngữ của mình và để có tiền ăn món Shushi ưa thích. Cô đã nói: “Bố mẹ chỉ nuôi cơm, không nuôi ăn đồ Nhật. Muốn ăn thêm một chút, mình phải đổ mồ hôi”
Thế hệ trẻ, thanh niên, sinh viên luôn là lực lượng xung kích trong các hoạt động đoàn thể bởi sức trẻ, bởi sự năng nổ hoạt bát, điều này có thể ai cũng biết. Nhiều thanh niên nhận thức được tầm quan trọng của tuổi trẻ đã và đang tích cực tham gia xây dựng bằng các hoạt động cụ thể của mình: Cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, xây dựng nếp sống mới, nghiên cứu, học tập và rèn luyện bản thân… Tuổi trẻ có thể có những vấp váp, sai lầm nhưng hơn hết là họ biết vươn lên, biết cống hiến tuổi trẻ của một một cách có ích: “Hãy tạo cơ hội cho chúng tôi được chứng min sức trẻ của mình bằng những thành công hiện hữu. Những người trẻ vẫn còn cần lắm một ánh nhìn thông cảm. Một bàn tay giơ ra, một lời thách thức đúng lúc có thể thổi vào đấy một luồng sinh khí mới để chúng tôi biết rằng mình được yêu thương để mà cống hiến” (“Hãy đặt niềm tin vào chúng tôi”_báo Tiền phong số 217)
Kết luận
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước như hiện nay đang trông chờ rất nhiều vào thế hệ trẻ. Không thể phủ nhận những giá trị văn hoá, tinh thần do nhiều thanh niên mang lại nhưng cũng không thể phủ nhận một thực trạng đang bức xúc trong xã hội, đó sự xuống cấp một cách nghiêm trọng về lối sống trong thanh niên. Đời sống luôn cần những thanh niên ưu tú, có sự sáng tạo và sẵn sàng cống hiến sức trẻ, bởi vậy mà gia đình cũng như xã hội cần có những định hướng đúng đắn cho thanh niên, cần tạo môi trường và điều kiện để họ phát huy sức trẻ. Tuy nhiên, giới trẻ, thanh niên hiện nay cũng cần không ngừng nâng cao phẩm chất và tự rèn luyện bản thân mình, kiên định với lập trường sống, không nên để hoàn cảnh tác động tới quá trình nhận thức của bản thân.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật thanh niên và Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố, điều này giúp tạo được cơ sở pháp lý cho công tác thanh niên, quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Đồng thời cũng là tạo môi trường cho thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành một cách tốt nhất. Điều này cũng góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội, những lối sống thiếu đạo đức đang lan tràn trong giới trẻ hiện nay. Nhìn nhận thực trạng về biểu hiện của lối sống của thanh niên từ quá trình nhận thức vừa nhằm đánh giá về lối sống của chính họ, cũng là tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề, nhằm xây dựng mục tiêu phát triển mới của thanh niên.
Tài liệu tham khảo
Giáo trình triết học Mac-Lenin, trường đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội
Báo Tiền phong số 217 ra ngày 1/11/2005 (chuyên mục “Thế giới trẻ”)
Báo Sinh viên số tết Bính Tuất 2006 (chuyên mục “Mùa xuân tuổi trẻ”)
Báo Thông tin văn hoá ra ngày 12/01/2006 (chuyên mục “Không phải con nhà giàu là hư”)
Tạp chí Triết học trên báo điện tử thanhnien.com
Địa chỉ website
Mục lục
Tên các đề mục
Lời mở đầu
Phần nội dung
I. Lối sống trong giới trẻ nước ta hiện nay
1. Những biểu hiện tích cực
2. Những biểu hiện tiêu cực
II. Nhìn nhận thực trạng từ quá trình nhận thức
1. Từ phía gia đình_xã hội
2. Từ chính bản thân giới trẻ
Kết luận
Trang
1
2
2
2
4
6
6
8
11
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 35753.doc