Tiểu luận Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa

LỜI MỞ ĐẦU Điều kiện ra đời một nền sản xuất hàng hóa cũng chính là điều kiện ra đời của hợp đồng. Hoạt động mua bán hàng hóa được thực hiện thông qua hợp đồng gọi là hợp đồng mua bán hàng hóa. Cũng giống như các nước trên thế giới, hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật thương mại 2005 được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Với đề tài: “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa”. Chúng ta sẽ cùng phân tích và tìm hiểu vấn đề này. NỘI DUNG 1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa. 1.1. Khái niệm 1.2. Đặc điểm. 2. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa. 3. Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa 3.1. Đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. 3.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. 3.3. Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. 4. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa. 5. Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. 5.1. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. 5.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa. 5.2.1. Nghĩa vụ của bên bán. 5.2.2. Nghĩa vụ của bên mua. 6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. 6.1. Khái niệm. 6.2. Căn cứ áp dụng do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. 6.3. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa 6.4. Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. 7. Một số nhận xét và phương hướng hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại KẾT LUẬN. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

doc17 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 7433 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU 1 NỘI DUNG 1 1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa 1 1.1. Khái niệm 1 1.2. Đặc điểm 2 2. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa 5 3. Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa 5 3.1. Đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa 6 3.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa 7 3.3. Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa 7 4. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa 8 5. Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa 9 5.1. Nguyễn tắc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa 9 5.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa 9 5.2.1. Nghĩa vụ của bên bán 10 5.2.2. Nghĩa vụ của bên mua 11 6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa 12 6.1. Khái niệm 12 6.2. Căn cứ áp dụng do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa 12 6.3. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa 13 6.4. Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa 13 7. Một số nhận xét và phương hướng hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại 13 KẾT LUẬN 15 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 16 LỜI MỞ ĐẦU Điều kiện ra đời một nền sản xuất hàng hóa cũng chính là điều kiện ra đời của hợp đồng. Hoạt động mua bán hàng hóa được thực hiện thông qua hợp đồng gọi là hợp đồng mua bán hàng hóa. Cũng giống như các nước trên thế giới, hợp đồng mua bán hàng hóa theo Luật thương mại 2005 được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Với đề tài: “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa”. Chúng ta sẽ cùng phân tích và tìm hiểu vấn đề này. NỘI DUNG 1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng mua bán hàng hóa. 1.1. Khái niệm. Mua bán hàng hóa là một hoạt động thương mại, các bên tham gia vào hoạt động mua bán hàng hóa đều hướng tới mục đích sinh lợi, vì vậy hợp đông mua bán hàng hóa trong thương mại là một loại hợp đồng thương mại. Căn cứ vào khái niệm mua bán hàng hóa kết hợp với các quy định của bộ luật dân sự 2005 về hợp đồng dân sự và hợp đồng mua bán tài sản, có thể đưa ra khái niệm hợp đồng mua bán hàng hoa trong thương mại: Hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán cho bên bán. Hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại và hợp đồng mua bán tài sản là hai khái niệm có nhiều nét tương đồng. Tuy nhiên, khái niệm hợp đồng mua bán tài sản có phạm vi rộng hơn khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa. Quan hệ mua bán hàng hóa là một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng. Vì vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự. Xét về bản chất thì hàng hóa cũng là một loại tài sản. Như vậy, đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản có tình chất bao trùm so với đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại. Chủ thể của hợp đồng mua bán tài sản rộng hơn chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại. Hợp đồng mua bán hàng hóa phải có ít nhất một chủ thể là thương nhân còn với hợp đồng mua bán tài sản, chủ thể chỉ cần có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Tóm lại, có thể coi hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng mua bán tài sản mang bản chất thương mại, vì mục tiêu lợi nhuận. Căn cứ vào các yếu tố chủ thể, đối tượng, nơi xác lập và thực hiện hợp đồng, có thể chia hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại thành hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước và mua bán hàng hóa quốc tế. Trong thực tiễn thương mại quốc tế, một hợp đồng sẽ được coi là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nếu có một trong các yếu tố sau: Thứ nhất, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng đang tồn tại ở nước ngoài (kể cả trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng có cùng quốc tịch và hợp đồng được thực hiện ngay ở nước họ). Thứ hai, hợp đồng được giao kết ở nước ngoài (nươc mà bên giao kết hợp đồng không mang quốc tịch, không có nơi cư trú hoặc không có trụ sở). Thứ ba, hợp đồng được giao kết và thực hiện bởi các bên không cùng quốc tịch hoặc không cùng nơi cư trú hoặc không cùng nơi đóng trụ sở. Theo quy định của Luật thương mại 2005, mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức: xuất khấu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tam xuất tái nhập và chuyển khẩu. 1.2. Đặc điểm. Hợp đồng mua bán hàng hóa trước hết mang những đặc điểm của hợp đồng mua bán tài sản nói chung. Đó là: Thứ nhất, hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán hàng hóa. Thứ hai, hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng song vụ, bên mua và bên bán có quyền và nghĩa vụ. Quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua và có quyền yêu cầu bên mua trả tiền mua hàng hóa, ngược lại bên mua có quyền yêu cầu bên bán chuyển giao hàng hóa và có nghĩa vụ trả tiền mua hàng hóa, ngược lại bên mua có quyền yêu cầu bên bán chuyển giao hàng và có nghĩa vụ trả tiền mua hàng hóa cho bên bán. Thứ ba, hợp đồng mua bán hàng hóa là hợp đồng đề bù. Khoản tiền bên mua trả cho bên bán chính là khoản tiền đề bù đối với việc chuyển giao hàng hóa. Hợp đồng mua bán hàng hóa mang bản chất thương mại. Chính vì thể, hợp đồng mua bán hàng hóa còn có những đặc điểm riêng sau: Thứ nhất, Về chủ thể thì hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm: Bên mau và bên bán. Các bên có thể là cá nhân, pháp nhân, các tổ chức không phải là pháp nhân hay tổ hợp tác, hộ gia đình… Tuy nhiện, một trong hai bên phải là thương nhân. Như vậy, chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa gồm chủ thể là thương nhân và các chủ thể không phải là thương nhân. Đối với các chủ thể là không phải là thương nhân khi tham gia giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa chỉ cần đảm bảo điều kiện có năng lực hành vi dân sự và sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại nếu họ chọn áp dụng Luật thương mại (theo Khoản 3 Điều 1 Luật thương mại 2005). Thứ hai,về hình thức thì theo Điều 24 Luật thương mại 2005 thì hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được thiết lập theo cách thức nào mà hai bên thể hiện được sự thỏa thuận mua bán hàng hóa giữa các bên. Hợp đồng mua bán có thể được thể hiện dưới hình thức lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể của các bên giao kết. Trong những trường hợp nhất định, pháp luật bắt buộc các bên phải thiết lập hợp đồng mua bán bằng hình thức văn bản. Thứ ba, về đối tượng, hợp đồng mua bán hàng hóa có đối tượng là hàng hóa. Theo Khoản 2 Điều 3 Luật thương mại 2005 thì hàng hóa bao gồm tất cả các loại động sản kể cả động sản hình thành trong tương lai và những vật gắn liền với đất đai. Theo đó, tất cả tài sản là động sản được phép lưu thông đều có thể trở thành hàng hóa. Như vậy, hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là hàng hóa đang tồn tại hoặc hàng hóa sẽ có trong tương lai, hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa phải là tài sản có thể tham gia vào giao dịch mua bán hàng hóa. Nghĩa là hàng hóa phải xác định, có nguồn gốc hợp pháp, không do phạm tội mà có hoặc không thuộc danh mục bị cấm lưu thông hay cấm xuất khẩu. Đối với hàng hóa là động sản hình thành trong tương lai thì bên bán phải có căn cứ chứng minh hàng hóa đó chắc chắn sẽ được hình thành. Hợp đồng mua bán hàng hóa sẽ bị coi là vô hiệu nếu đối tượng là hàng hóa bất hợp pháp. Thứ tư, về nội dung, hợp đồng mua bán hàng hóa thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận tiền; còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hóa và trả tiền cho bên bán. Hành vi mua bán của các bên trong hợp đồng có tính chất hành vi thương mại. Mục đích thông thường của các bên mua bán là lợi nhuận. Ngoài ra hợp đồng mua bán hàng hóa còn bao gồm các quy định về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Các quy định này có tính chất hỗ trợ đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng diễn ra chính xác, nhanh chóng, hạn chế được việc vi phạm hợp đồng. Từ những đặc điểm đã nêu, có thể phân biệt hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại với một số loại hợp đồng khác: Với hợp đồng cung ứng dịch vụ liên quan đến hàng hóa, đối tượng của các hợp đồng này là dịch vụ được cung ứng từ bên cung cấp dịch vụ sang bên nhận dịch vụ, còn đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Với hợp đồng thuê tài sản, trong hợp đông thuê tài sản, quyền chiếm hữu và quyền sử dụng tài sản được chuyển giao cho bên thuê nhưng tài sản vẫn thuộc sở hữu của bên thuê. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, quyền sở hữu hàng hóa đươc chuyển giao từ bên bán sang bên mua. Với hợp đồng mua bán hàng hóa chọn áp dụng Luật thương mại, chủ thể của hợp đồng không bắt buộc phải là thương nhân còn hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại luôn chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại. Hợp đồng mua bán hàng hóa chọn áp dụng Luật thương mại chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại trong trường hợp các bên tham gia lựa chọn Luật thương mại để điều chỉnh hợp đồng. 2. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa. Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa là các điều kiện do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Việc pháp luật quy định nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa, có ý nghĩa hướng các bên tập trung vào thỏa thuận những nội dung quan trọng của hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng. Luật thương mại 2005 không quy định bắt buộc các bên phải thỏa thuận những nội dung cụ thể nào trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Trên cơ sở hơp các quy định của Bộ luật dân sự và Luật thương mại, xuất phát từ tính chất của quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại, có thể thấy những điều khoản quan trọng hợp đồng mua bán hàng hóa bao gồm: Đối tượng, chất lượng, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn và địa điểm giao nhận hàng. 3. Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa là quá trình xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa mà thời điểm giao kết là thời điểm các bên đã đạt được sự thỏa thuận. Ví dụ như : Ngày 8/10/2009,công ty A đã đề nghị mua 20 tấn thịt bò của ông B(là một chủ trang trại) (công ty A ấn định thời hạn trả lời đề nghị là 20 ngày).Ngày 9/10/2009,ông B nhận được văn bản của công ty A. Ngày 20/10/2009,ông B gửi thông báo chấp thuận và không có điều kiện nào kèm theo. Ngày 21/10/2009,công ty A nhận được thông báo. Ngày 22/10/2009, hai bên ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Như vậy,trong quá trình xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa, các vấn đề pháp lí cần được làm rõ là: Đề nghị giao kết hợp đồng ; chấp nhận đề nghị hợp đồng ; thời điểm giao kết và hiệu lực của hợp đồng. Những vấn đề này không được Luật thương mại 2005 quy định cụ thể, vì vậy các quy định của Bộ luật dân sự sẽ được áp dụng đối với việc giao kết hợp đông mua bán hàng hóa. 3.1. Đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Đề nghị giao kết hợp đồng nói chung có bản chất là hành vi pháp lí đơn phương của một chủ thể.Từ quy định của Điều 390 Bộ luật dân sự, có thể định nghĩa đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa và chịu sự ràng buộc về để nghi này của bên đề nghị đối với bên đã xác định cụ thể. Đề nghị hợp đồng mua bán có thể do bên bán hoặc bên mua thực hiện. Hình thức của đề nghị có thể được thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc kết hợp giữa các hình thức này (Điều 24 Luật thương mại 2005). Đề nghị được gửi đến một hay nhiều chủ thể xác định. Hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường được bên đề nghị ấn định. Nếu bên đề nghị không ấn định thời điểm có hiệu lực thì đề nghị giao kết có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó. Đó là thời điểm: Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên đề nghị; Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị; bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng qua các phương thức khác. Như vậy, trong ví dụ trên thì đề nghị giao kết hợp đồng của công ty A có hiệu lực kể từ khi mà ông B nhận được đề nghị đó,tức là ngày 9/10/2009. Bên đề nghị phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình. Trong thời hạn đề nghị hợp đồng có hiệu lực, nếu bên được đề nghị thông báo chấp nhận vô điều kiện đề nghị hợp đồng thì hợp đồng mua bán hàng hóa hình thành và ràng buộc các bên. Nếu các bên không thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng thì phải chịu các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi hoặc rút lại đề nghị trong trường hợp: Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị; hay điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh. Đề nghị giao kết chấm dứt khi bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận; hết thời hạn trả lời chấp nhận;thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực; thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;theo thỏa thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời. 3.2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng mua bán là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được xác định khác nhau trong các trường hợp sau: Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó. Trong thời hạn đề nghị có hiệu lực đó,nếu bên được đề nghị thông báo chấp nhận vô điều kiện thì hợp đồng được hình thành và ràng buộc các bên. Như vậy,ở ví dụ trên thì ông B chấp nhận đề nghị đó là vô điều kiện vào ngày 20/10/2009 và hợp đồng được hình thành.Tuy nhiên, nếu bên trả lời chấp nhận đề nghị nhưng sự chấp nhận đó là có điều kiện thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới.Theo khoản 2 Điều 404 Bộ luật dân sự thì hợp đồng cũng xem như được giao kết khi hết hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng. Còn nếu bên đề nghị nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới.Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lí do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lí do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả qua điện thoại hoặc các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận về thời hạn trả lời. Bên đề nghị có thể rút lại thông báo chấp thuận giao kết hợp đồng nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận. 3.3. Thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Về nguyên tắc chung hợp đồng mua bán được giao kết vào thời điểm các bên đạt được sự thỏa thuận. Căn cứ theo Điều 404 Bộ luật dân sự thì về thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa được xác định như sau: - Đối với hợp đồng giao kết trực tiếp bằng văn bản thì thời điểm giao kết là thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản. - Đối với hợp đồng giao kết gián tiếp bằng văn bản (thông qua các tài liệu giao dịch) thì hợp đồng được giao kết khi bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận. Như vậy, trong ví dụ trên thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết(theo Điều 405 Bộ luật Dân sự),là ngày 21/10/2009,thời điểm mà công ty A nhận được sự trả lời chấp nhận từ ông B. - Đối với hợp đồng giao kết bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm các bên thỏa thuận được nội dung của hợp đồng. Thông thường thì hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm giao kết, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, thời điểm giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa không trùng với thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Theo quy định hiện hành, hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác 4. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mua bán hàng hóa. Thứ nhất, về chủ thể thì các chủ thể tham gia hợp đồng mua bán phải có năng lực chủ thể để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và có đăng kí kinh d oanh. Trong trường hợp mua bán hàng hóa có điều kiện kinh doanh thì phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thứ hai, về đại diện thì đại diện của các bên trong giao kết hợp đồng mua bán phải đúng thẩm quyền, có thể đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Theo Điều 145 Bộ luật dân sự, thì người không có quyền đại diện giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán, sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với bên hợp đồng được đại diện, trừ trường hợp được người hợp pháp của bên được đại diện chấp thuận. Thứ ba, về mục đích và nội dung của hợp đồng thì không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Hàng hóa là đối tượng của hợp đồng không thuộc diện bị cấm kinh doanh. Thứ tư, hợp đồng mua bán được giao kết đảm bảo các nguyên tắc của hợp đồng theo quy định của pháp luật. Theo Điều 389 Bộ luật dân sự, việc giao kết hợp đồng phải tuân theo nguyên tắc: tự do giao kết nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội ; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng. Thứ năm, về hình thức của hợp đồng phải phù hợp với quy định của pháp luật. Theo Điều 24 Luật thương mại 2005 thì hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác định bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó. 5. Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. 5.1. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. Những thoả thuận trong hợp đồng có hiệu lực sẽ có giá trị ràng buộc các bên. Các bên phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận theo đúng hợp đồng. Để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thì pháp luật quy định những nguyên tắc bắt buộc các chủ thể phải tuân theo trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đó là: Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thỏa thuận khác. Thực hiện một cách trung thực, theo tình thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, đảm bảo tin cậy lẫn nhau; Không được xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. 5.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Quyền và nghĩa vụ của các bên được xác định bởi hợp đồng giữa các bên và quy định của pháp luật. Quyền của bên này cũng chính là nghĩa vụ đối với bên kia. Vì thế, trong mục này chúng ta sẽ chỉ phân tích những nghĩa vụ cơ bản của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa. 5.2.1. Nghĩa vụ của bên bán. Giao hàng là nghĩa vụ cơ bản nhất của bên bán trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo quy định của Luật thương mại 2005 thì bên bán sẽ có những nghĩa vụ như sau: Giao hàng đúng đối tượng và chất lượng. Bên bán phải thực hiện giao hàng đúng đúng đối tượng và chất lượng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật. Trường hợp không thể xác định được theo hợp đồng thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Theo Điều 39 Luật thương mại 2005 , nếu hàng hóa thuộc một trong những trường hợp được quy định tại điều này thì hàng hóa đó được coi là không phù hợp với hợp đồng. Khi hàng hóa giao không phù hợp với hợp đồng, bên mua có quyền từ chối nhận hàng. Như vậy, trách nhiệm đối với hàng hóa không phù hợp với hợp đồng (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) sẽ được xác định theo Điều 40 Luật thương mại 2005. Trong trường hợp giao thiếu hàng, giao hàng không phù hợp với hợp đồng sẽ được khắc phục nếu thuộc trường hợp được quy định tại Điều 41 Luật thương mại 2005. Giao chứng từ kèm theo hàng hóa (Điều 42 Luật thương mại 2005).Việc giao hàng có thể thông qua người thứ ba(ví dụ thông qua người làm dịch vụ logistic…).Các bên có thể thỏa thuận về vấn đề rủi ro đối với hàng hóa khi giao hàng qua người thứ ba.Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì người bán được coi là đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sau khi giao hàng cho người thứ ba theo các điều kiện giao hàng do hai bên thỏa thuận. Giao hàng đúng thời hạn (Điều 37 Luật thương mại 2005). Giao hàng đúng địa điểm (Khoản 2 Điều 35 Luật thương mại 2005). Kiểm tra hàng hóa trước khi giao hàng (Điều 44 Luật thương mại 2005). Đảm bảo quyền sở hữu đối với hàng hóa mua bán. (Điều 45, Điều 46 Luật thương mại 2005). Chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua: Theo Điều 62 Luật thương mại 2005 thì trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, quyền sở hữu hàng hóa có thể được chuyển giao ở những thời điểm khác nhau, tùy thuộc tính chất của việc chuyển giao hàng hóa và phương thức mua bán. Rủi ro đối với hàng hóa. Trong thực tiễn mua bán hàng hóa, có thể xảy ra những sự kiện khách quan làm mất mát, hư hỏng hàng hóa (bị trộm cắp, bị hư hỏng do thiên tai…). Đối với những trường hợp này thì về nguyên tắc việc xác định rủi ro đối với hàng hóa trước hết cần căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì căn cứ từ Điều 57 đến Điều 61 Luật thương mại 2005 để áp dụng. Nghĩa vụ bảo hành hàng hóa được quy định tại Điều 49 Luật thương mại 2005. Tuy nhiên, luật thương mại chưa quy định cụ thể về vấn đề này (ví dụ như quyền yêu cầu bảo hành, phương thức thực hiện nghĩa vụ bảo hành…). Như vậy, nếu các bên không có thỏa thuận thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự (Điều 446 – Điều 448). 5.2.2. Nghĩa vụ của bên mua. - Nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền là nghĩa vụ cơ bản của bên mua, tương xứng với nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên bán. Tuy nhiên, việc nhận hàng trên thực tế không đồng nghãi với việc người mua đã chấp nhận về hàng hóa được giao (Khoản 5 Điều 44 Luật thương mại 2005). - Nghĩa vụ thanh toán là nghĩa vụ quan trọng nhất của bên mua trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên mua phải thực hiện đúng những nội dung do thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì luật thương mại đã dự liệu những vấn đề sau đây: Địa điểm thanh toán (Điều 54 Luật thương mại 2005); Thời hạn thanh toán (Điều 50 Luật thương mại 2005); Xác định giá (Điều 52 Luật thương mại 2005); Chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán (Điều 305 Luật thương mại 2005); Ngừng thanh toán (Điều 51 Luật thương mại 2005). 6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. 6.1.Khái niệm. Khi một hợp đồng mua bán hàng hóa được xác lập có hiệu lực pháp luật, các bên có nghĩa vụ phải thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận. Việc vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán (không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ) sẽ dẫn đến bên vi phạm phải chịu những chế tài do pháp luật quy định hay nói cách khác là bên vi phạm sẽ phải có trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. 6.2. Căn cứ áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. Theo quy định hiện hành, các hình thức chế tài được áp dụng đối với vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa được áp sựng khi có các căn cứ sau: Có hành vi vi phạm hợp đồng: Đây là căn cứ pháp lí để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Biểu hiện cụ thể của vi phạm hợp đồng mua bán là việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng. Có thiệt hại vật chất thực tế xảy ra: Đây là căn cứ bắt buộc phải có khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại. Thiệt hại thực tế là những thiệt hại có thể tính được thành tiền mà bên bị vi phạm phải gánh chịu (hàng hóa mất mát, hư hỏng, chi phí ngăn chặn, hạn chế thiệt hại…). Có mỗi quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại thực tế: Có nghĩa là bên có hành vi vi phạm hợp đồng chỉ phải bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm hợp đồng. Trên thực tế, một hành vi vi phạm hợp đồng có thể gây ra nhiều khoản thiệt hại và một khoản thiệt hại cũng có thể được sinh ra do nhiều hành vi vi phạm. Chính vì thế, việc xác định chính xác mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại thực tế cần dựa vào những chứng cứ xác thực và hợp pháp. Có lỗi của bên vi phạm: Đây là căn cứ bắt buộc phải có để áp dụng đối với các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Trách nhiệm hợp đồng được áp dụng theo nguyên tắc lỗi suy đoán, theo đó mọi hành vi không thực hiện hay thực hiện không đúng hợp đồng đều bị suy đoán là có lỗi. 6.3. Các hình thức trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. - Buộc thực hiện đúng hợp đồng là hình thức chế tài, theo đó bênvi phạm nghĩa vụ hợp đồng mua bán phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên vi phạm (Điều 297 Luật thương mại 2005) - Phạt hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải trả cho bên bị vi phạm khoản tiền nhất định do pháp luật quy định hoặc do các bên thỏa thuận trên cơ sở pháp luật. (Điều 300, Điều 301 Luật thương mại 2005). - Bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng mua bán (Điều 302, 303, 307 Luật thương mại 2005). - Tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng (Điều 308 đến Điều 315 Luật thương mại 2005). 6.4. Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán hàng hóa không phải chịu các hình thức chế tài. Các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa có quyền thỏa thuận về giới hạn trách nhiệm và miễn trách nhiệm hợp đồng trong những trường hợp cụ thể do các bên dự liệu khi giao kết hợp đồng. Ngoài ra, việc miễn trách nhiệm hợp đồng còn áp dụng theo các trường hợp khác do pháp luật quy định (Điều 294 Luật thương mại 2005). 7. Một số nhận xét và phương hướng hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mUA bán hàng hóa trong thương mại. Thứ nhất,về đối tượng của hợp đồng, cần mở rộng khái niệm hàng hóa được quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật thương mại. Sự hạn hẹp trong định nghĩa về “hàng hóa” của Luật thương mại đã tạo ra sự bất tương thích giữa pháp luật thương mại Việt Nam và pháp luật thương mại Quốc tế, ngay cả với hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ mà chúng ta đã kí kết năm 2000. Chúng ta cần mở rộng khái niệm hàng hóa sang cả lĩnh vực hàng hóa vô hình như cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu trí tuệ…Có như vậy, mới tạo những điều kiện thuận lợi khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Thứ hai, đối với vấn đề nội dung của hợp đồng. Hiện nay, Luật thương mại 2005 không quy định các điều khoản bắt buộc đối với một hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại, các bên được toàn quyền thỏa thuận về vấn đề này. Tuy nhiên, pháp luật nên quy định điều khoản đối tượng là điều khoản bắt buộc đối với hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại. Quy định như vậy sẽ tạo ra cơ sở pháp lý chắc chắn cho quá trình thực hiện hợp đồng cũng như quá trình giải quyết tranh chấp. Nếu điều khoản này chỉ được thỏa thuận một cách sơ sài, không rõ ràng thì có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu hoặc tạo ra nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện. Thứ ba, về hình thức của hợp đồng thì theo em Luật thương mại nên cho phép chủ thể được giao kết hợp đồng dưới mọi hình thức, không chỉ hạn chế trong ba hình thức như quy định hiện nay. Các bên có thể sử dụng mọi cách thức hợp pháp để chứng minh sự tồn tại của hợp đồng, kể cả việc sử dụng lời khai của nhân chứng. Như vậy, có thể mở rộng quyền tự do trong giao kết hợp đồng của các chủ thể. Mặt khác, cũng nên quy định cụ thể trong trường hợp nào thì hợp đồng mau bán hàng hóa phải được lập thành văn bản. Thứ tư, Luật thương mại không nên quy định quá nhiều nội dung chủ yếu của một hợp đồng mua bán hàng hóa. Hầu hết các nước hiện nay đều không quy định phương thức thanh toán, địa điểm và thời gian giao hàng là điều khoản chủ yếu của hợp đồng. Như vậy, sẽ tạo sự linh hoạt cho các chủ thể tham gia hoạt động mua bán hàng hóa khi thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng. Thứ năm, đối với việc đề nghị giao kết hợp đồng. Hiện nay, Bộ luật dân sự 2005 chưa quy định cụ thể trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng không ghi thời hạn trả lời đề nghị. Vì vậy, có thể sẽ tạo ra nhiều vấn đề bất hợp lý nếu sau một khoảng thời gian dài bên được đề nghị mới trả lời chấp nhận đề nghị mà lúc đó bên đề nghị đã không còn có ý định giao kết hợp đồng. Để giải quyết vấn đề này, Bộ luật dân sự cần quy định một thời hạn trả lời hợp lý. Như vậy, sẽ đảm bảo được quyền lợi của cả hai bên trong việc giao kết hợp đồng nói chung cũng như hợp đồng mua bán hàng hóa nói riêng. Thứ sáu, đối với vấn đề trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa thì Luật thương mại 2005 có thể bổ sung thêm quy định điều chỉnh trường hợp vi phạm hợp đồng trước khi thực hiện hợp đồng. Với vấn đề này, pháp luật Australia có quy định: Nếu một bên trong quan hệ hợp đồng không chứng minh được rằng bên kia không chuẩn bị và cũng không có khả năng thực hiện hợp đồng vào ngày thực hiện hợp đồng thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại. Bên chấm dứt hợp đồng đồng thời phải chứng minh được nếu hợp đồng vẫn được thực hiện thì họ hoàn toàn có khả năng thực hiện hợp đồng một cách bình thường. Luật thương mại Việt Nam có thể vận dụng quy định này để hoàn thiện trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. Thứ bảy, đối với vấn đề mua bán hàng hóa thông qua phương tiện điện tử. Nhà nước ta đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật điều chỉnh các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, việc giao dịch thông qua các phương tiện điện tử có đặc điểm là dễ bị rò rỉ thông tin cũng như khó kiểm soát được tính chính xác của thông tin được trao đổi. Chính vì vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bên trong việc bảo mật thông tin cũng như trong việc đảm bảo độ chính xác của thông tin. KẾT LUẬN Việc hoàn thiện các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa trong pháp luật thương mại là một quá trịnh lâu dài. Trên đây là phân tích của em về những vấn đề pháp lý đối với hợp đồng mua bán hàng hóa. Qua đó, có thể góp phần hướng tới việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại (tập 2), Nguyễn Viết Tý (chủ biên), Nxb. CAND, Hà Nội, 2006. Bùi Ngọc Cường (Chủ biên), Giáo trình luật thương mại (tập 2), Nxb. Giáo dục, 2008. Văn bản quy phạm pháp luật : Bộ luật dân sự năm 2005. Luật thương mại năm 2005.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docth432417ng m7841i.doc