Trong điều kiện thế giới hiện nay nói chung và điều kiện nước ta hiện nay nói riêng, khi mà các giá trị về vật chất của con người ngày càng được thoả mãn đầy đủ hơn thì chúng ta ngày có xu hướng quan tâm đến các giá trị của cá nhân, một trong những giá trị mà con người hướng tới chính là “quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết”. Xung quanh đề tài này còn khá nhiều vấn đề thú vị và quan trọng. Dưới đây là phần tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến quyền hiến xác và bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
Dàn ý:
A. Đặt vấn đề.
B. Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
I. Giới thiệu về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết .
II. Quyền hiến xác,bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết trong hệ thống các quyền nhân thân.
III. Sự cần thiết ghi nhận và bảo vệ quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết bằng pháp luật.
IV. Pháp luật một số nước trên thế giới về hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết
V. Pháp luật Việt Nam về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
VI. Nguyên tắc ghi nhận, thực hiện và bảo vệ quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
VII. Một số vấn đề thực tế khi thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
C. Kết luận
21 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1937 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến quyền hiến xác và bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Dàn ý:
Đặt vấn đề.
Quyền hiến xác , bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
Giới thiệu về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết .
Quyền hiến xác,bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết trong hệ thống các quyền nhân thân.
Sự cần thiết ghi nhận và bảo vệ quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết bằng pháp luật.
Pháp luật một số nước trên thế giới về hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết
Pháp luật Việt Nam về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
Nguyên tắc ghi nhận , thực hiện và bảo vệ quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
Một số vấn đề thực tế khi thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
Kết luận
Bài làm :
Đặt vấn đề.
Trong điều kiện thế giới hiện nay nói chung và điều kiện nước ta hiện nay nói riêng, khi mà các giá trị về vật chất của con người ngày càng được thoả mãn đầy đủ hơn thì chúng ta ngày có xu hướng quan tâm đến các giá trị của cá nhân, một trong những giá trị mà con người hướng tới chính là “quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết”. Xung quanh đề tài này còn khá nhiều vấn đề thú vị và quan trọng. Dưới đây là phần tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến quyền hiến xác và bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
Quyền hiến xác , bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
Giới thiệu về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết .
Cùng với sự phát triển của xã hội,. Xã hội càng phát triển, các quan hệ xã hội càng đa dạng, phức tạp, nhu cầu của con người cũng ngày một tăng lên cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt là nhu cầu về tinh thần. Chính vì vậy, các quyền con người, quyền của cá nhân trong đó có quyền nhân thân ngày càng được tôn trọng và bảo vệ bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, được ghi nhận ngày càng nhiều hơn trong pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế. Pháp luật xét về tính giai cấp luôn bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, tuy nhiên xét đến cùng vẫn là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng do đó luôn phải chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng. Đáp ứng những yêu cầu khách quan những mong muốn của các cá nhân trong xã hội, pháp luật hiện đại ngày càng ghi nhận và bảo vệ rộng rãi các quyền nhân thân của cá nhân, trong đó có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết. Quyền hiến xác , bộ phận cơ thể người sau khi chết là quyền của cá nhân , nhằm hiến xác, bộ phận cơ thể mình nhằm mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học. Đây là quyền nhân thân rất cần thiết trong xã hội ngày nay, do đó đã được pháp luật nhiều nước trên thế giới ghi nhận, và pháp luật Việt Nam cũng không ngoại lệ. : Nói đến “quyền” là nói đến sự tự do ý chí lựa chọn hành động của chủ thể trong khuôn khổ pháp luật. Rõ ràng, mỗi cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền tự quyết định đối với thân thể của mình, không ai có quyền can thiệp hay ngăn cản. Khi một cá nhân đã có nguyện vọng hiến bộ phận cơ thể của mình để chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học, thì những người khác, kể cả những người thân thích, ruột thịt cũng không được cản trở. Thông thường, việc hiến bộ phận cơ thể không chỉ là một quyết định khó khăn đối với người hiến mà còn có thể tác động lớn về mặt tinh thần đối với gia đình, với những người thân thích của người đó, bởi không ai muốn bản thân mình và những người thân yêu của mình có một cơ thể không toàn vẹn. Vì vậy, việc ghi nhận “quyền” hiến bộ phận cơ thể chính là một bảo đảm cho sự tự do ý chí lựa chọn hành động của các cá nhân trong lĩnh vực đặc thù và hết sức nhạy cảm này. Tuy nhiên, dù cho mỗi cá nhân có quyền tự quyết định, tự định đoạt đối với thân thể của mình, nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật. Pháp luật đa số các nước không cho phép mua bán bộ phận cơ thể người như là một loại tài sản, bởi nếu cân nhắc giữa việc đảm bảo tự do ý chí của mỗi cá nhân với bảo vệ trật tự công cộng và đạo đức xã hội thì rõ ràng phải ưu tiên cái thứ hai.
Quyền hiến xác,bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết trong hệ thống các quyền nhân thân.
Với tư cách là một quyền nhân thân, quyền hiến bộ phận cơ thể mang những đặc điểm chung của quyền nhân thân, đó là:
Thứ nhất, Quyền nhân thân luôn gắn với một cá nhân xác định, không được phép chuyển giao cho người khác. Quyền nhân thân thuộc về cá nhân cụ thể từ khi người đó được sinh ra hoặc theo những căn cứ khác do pháp luật quy định. Những quyền nhân thân này ứng với mỗi cá nhân, sẽ cho phép cá nhân khẳng định họ, là chính họ mà không phải ai khác, họ là một chủ thể độc lập trước cộng đồng. Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết là một quyên luôn gắn với cá nhân xác định, không được phép chuyển giao cho người khác. Chỉ có cá nhân đó mới có quyền hiến xác và bộ phận cơ thể của chính mình sau khi chết mà không phải người, tổ chức đoàn thể nào khác.
Thứ hai, Quyền nhân thân không xác định được bằng tiền. Giá trị nhân thân và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá. Về cơ bản, chủ thể của quyền nhân thân chỉ được hưởng lợi ích tinh thần mà không được hưởng lợi ích vật chất. Bên cạnh đó, có những trường hợp đặc biệt, quyền nhân thân mang lại lợi ích vật chất cho chủ thể quyền. Như vậy, một trong những tiêu chí phân loại quyền nhân thân là dựa vào yếu tố tài sản, theo đó, có thể chia quyền nhân thân làm 2 loại: quyền nhân thân gắn với tài sản và quyền nhân thân không gắn với tài sản. Theo cách phân loại này, quyền hiến bộ phận cơ thể thuộc nhóm quyền nhân thân không gắn với tài sản.
Thứ ba, quyền nhân thân được xác lập không phải dựa trên các sự kiện pháp lý mà chúng được xác lập trực tiếp trên cơ sở những quy định của pháp luật
Thứ tư, quyền nhân thân là một loại quyền tuyệt đối. Người có quyền này đối kháng với một phạm vi không xác định các chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng giá trị nhân thân được bảo vệ. Luật dân sự ghi nhận những giá trị nhân thân được coi là quyền nhân thân và quy định các biên pháp bảo vệ quyền đó, ở đây là quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
Bên cạnh các đặc điểm chung của quyền nhân thân, quyền hiến bộ phận cơ thể còn có đặc điểm riêng biệt, đó là: mục đích chủ yếu của việc thực hiện quyền này không phải đem lại lợi ích cho chủ thể quyền như đại đa số các quyền nhân thân khác, mà nhằm đem lại lợi ích cho người khác, lợi ích cho toàn xã hội. Lợi ích mà chủ thể quyền đạt được chủ yếu là lợi ích tinh thần, là niềm vui khi cứu sống được người khác đang mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt khi người bệnh lại là người thân thích, ruột thịt của mình; hoặc niềm vui khi thấy mình cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Lợi ích vật chất có thể có nhưng không phải là chính yếu. Lợi ích của chủ thể quyền thực sự rất khiêm tốn so với lợi ích to lớn mà xã hội nhận được từ việc người đó thực hiện quyền của mình. Đặc trưng này chỉ có ở 2 quyền nhân thân đặc thù: quyền hiến bộ phận cơ thể và quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết.
Quyền hiến bộ phận cơ thể và quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết thực ra không khác nhau về bản chất, đều là quyền thể hiện ý chí tự nguyện hiến tặng bộ phận cơ thể mình vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học. Để thực hiện quyền này, trong cả hai trường hợp, cá nhân đều phải thể hiện ý chí tự nguyện hiến tặng khi người đó còn sống và còn minh mẫn, sáng suốt. Còn việc lấy bộ phận của người hiến được thực hiện khi người đó còn sống hay đã chết tuỳ theo trước tiên là ý nguyện của người hiến, ngoài ra còn căn cứ vào đặc điểm của bộ phận cơ thể được hiến. Khi lấy đi một bộ phận cơ thể, tuỳ thuộc vào chức năng của từng bộ phận mà nó sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người hiến ở các mức độ khác nhau: có thể là ảnh hưởng không lớn (ví dụ: thận, gan), nhưng có thể ảnh hưởng quyết định đến sự sinh tồn của cá nhân (ví dụ: tim). Vì vậy, quyền hiến bộ phận cơ thể không phải lúc nào cũng thực hiện được khi người hiến còn sống.
Sự cần thiết ghi nhận và bảo vệ quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết bằng pháp luật.
Cách đây vài chục năm, việc hiến xác, bộ phận cơ thể người đã trở nên phổ biến trên thế giới. Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, sử dụng xác, bộ phận cá nhân người sau khi chết vì mục đích nhân đạo cứu người, chữa bệnh cho nhân dân, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đa số các nước trên thế giới đều có đạo luật riêng về hiến xác, bộ phận cơ thể người như Pháp, Mỹ, Canađa, Úc, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan …
Ở Pháp việc ghép thận lấy từ thận tử thi được thực hiện từ năm 1952, việc ghép tim và ghép gan lấy từ tử thi cũng đã triển khai từ năm 1967, 1968.
Hiện nay, các quy định pháp luật về hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết đã được triển khai ở nhiều nước. . Số bệnh nhân được ghép mô, bộ phận cơ thể người ngày một nhiều và số các bệnh viện được tổ chức tiến hành ghép ở các nước này đã tăng lên nhanh chóng.
Một trong những nguyên nguyên nhân giúp cho việc tiến hành ghép mô, bộ phận cơ thể người thành công ở một số nước trên thế giới là phải có các quy định pháp luật cho phép tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người chết não nhằm góp phần thúc đẩy việc phát triển chương trình quốc gia về ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Ở Việt nam, theo số liệu thống kê, nhu cầu được hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta là rất lớn và ngày càng gia tăng. Cụ thể là,cả nước có khoảng 5.000 – 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận. Tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có gần 1.500 người được chỉ định ghép gan nhưng không có nguồn cho nên số bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Ước tính, do không có nguồn của người cho thận, cho gan, ở Việt Nam đã có hơn 200 người phải sang Trung Quốc và một số nước khác để ghép thận, ghép gan.
Không chỉ là ghép thận, ghép gan, số bệnh nhân cần phải ghép giác mạc cũng ngày càng tăng. Đến nay có khoảng hơn 5.000 người bệnh đang chờ được ghép giác mạc. Riêng tại Viện Mắt Trung ương, mỗi năm nhu cầu ghép giác mạc từ 500 ca/năm trở lên. Từ năm 1985 đến nay, Viện mới chỉ ghép được 1.500 ca, riêng năm 2004 ghép được 103 ca, năm 2005 ghép được 150 ca. Số giác mạc được dùng để ghép chủ yếu lấy từ nguồn viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (khoảng 50-100 giác mạc/năm), số còn lại được lấy từ bệnh nhân bị bỏ nhãn cầu do chấn thương và các nguyên nhân khác mà giác mạc có đủ tiêu chuẩn sử dụng.
Trước nhu cầu cấp bách trên, ngay từ năm 1992, Nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, cán bộ nên cho đến nay, Việt Nam đã có 10 bệnh viện có đủ khả năng và điều kiện ghép thận và đã tiến hành thí điểm việc ghép thận, gan. Tính đến 20/03/2006, các bệnh viện trên đã ghép thành công được 161 ca, trong đó có 158 ca ghép thận và 04 ca ghép gan. Tất cả các ca ghép này đều lấy thận, gan của người sống là cha, mẹ, anh, chị, em trong gia đình, cùng huyết thống, có các chỉ số sinh học tương đương, chưa có trường hợp nào lấy bộ phận cơ thể người hiến sau khi chết. Những thành tựu trên đã tạo nên những thành tích nổi bật của hệ thống khám, chữa bệnh, mang lại uy tín và niềm tự hào cho ngành y tế, phù hợp với xu thế hội nhập, giải quyết nhu cầu điều trị tại chỗ của nhân dân và giảm tốn kém cho người ghép phải ra nước ngoài điều trị.
Mặt khác, nhu cầu về giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên xác chết rất lớn. Vào những thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ trước, cứ 6 – 7 sinh viên có 1 xác chết để học tập, nghiên cứu giải phẫu, nhưng đến nay, cả khoá trên dưới 400 sinh viên mới chỉ có 1 xác chết, thậm chí phải dùng lại nhiều lần do không có xác (theo báo cáo của Trường Đại học y Hà Nội, cả Trường hiện có 22 xác chết; Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh có 173 xác chết).
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có thể thực hiện được khoảng 1.000 ca ghép thận, 80 – 100 ca ghép gan, 20 – 30 ca ghép tim và 10-15 ca ghép phổi, 2.000 ca ghép giác mạc, chúng ta phải cần nhiều mô, bộ phận cơ thể người hiến mang tính chất tự nguyện, nếu chỉ chờ vào nguồn hiến bộ phận cơ thể người của người thân là không thể đủ. Do đó, việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người hiến tự nguyện ngoài huyết thống và đặc biệt là ở người hiến sau khi chết là vô cùng cấp thiết.
Về mặt pháp lý, mặc dù việc hiến xác và bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết đã được một số quy định trong một số văn bản pháp luật. Tuy nhiên, các quy định này chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa đầy đủ nên khó thực hiện trong thực tiễn. Để tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, đa số các nước trên thế giới đều có đạo luật riêng về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người như Canađa, Úc, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan …Đạo luật riêng về hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết có thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong việc cho – nhận bộ phận cơ thể người, hỗ trợ, định hướng cho phép ngành y tế phát huy tối đa các thành tựu của mình chữa bệnh phục vụ nhân dân; đảm bảo an toàn nghề nghiệp cho đội ngũ bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy, ghép bộ phận cơ thể; bảo vệ người bệnh và đảm bảo quyền lợi của người hiến tặng vì sự phát triển của khoa học và sự tiến bộ chung của loài người.
Pháp luật một số nước trên thế giới về hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết
Để tạo hành lang pháp lý cho giải phẫu học thế giới phát triển, để cứu chữa người bệnh vượt qua hiểm nghèo, tái sinh sự sống của mình qua việc được cấy, ghép một mô, bộ phận cơ thể của người nào đó đã bị chết hiến tặng thì không chỉ pháp luật các quốc gia mà pháp luật quốc tế cũng ghi nhận về vấn đề này từ rất sớm. Trong khuôn khổ pháp luật quốc tế đầu tiên có thể kể đến Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, văn hoá và xã hội, viết tắt tiếng Anh là CESCR, và Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị, viết tắt tiếng Anh là CCPR, được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua 16/12/1966 và có hiệu lực từ ngày 23/3/1976. Việt Nam gia nhập 2 Công ước này ngày 24/9/1982. Còn trong khuôn khổ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông qua Nghị quyết về việc phát triển các hoạt động cấy ghép năm 2004. Thậm chí tổ chức UNNESCO đã thành lập một cơ quan trực tiếp liên quan đến lĩnh vực này là Ủy ban quốc tế về Đạo đức y sinh. Cơ quan này cũng đã công bố Tuyên bố toàn cầu về đạo đức sinh học và quyền con người.
Trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu có Công ước về bảo vệ quyền con người và nhân phẩm con người trong việc ứng dụng các tiến bộ y học và sinh học ngày 4 tháng 4 năm 1997 (gọi tắt là Công ước OVIEDO). Công ước này đã đưa ra nguyên tắc cơ bản như: bắt buộc phải có sự đồng ý của đương sự; quyền được thông tin đối với cả người hiến và người nhận. Ngoài ra trong nguồn luật của Liên minh châu Âu có thể chỉ ra Chỉ thị 2004/23 về thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn áp dụng đối với các hoạt động hiến, lấy, kiểm soát, xử lý, bảo quản, lưu trữ phân phối mô và tế bào người…
Qua các Công ước quốc tế và khu vực có thể thấy hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết có vai trò đặc biệt quan trọng và được coi là quyền con người và để đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra hiệu quả, quốc tế đã có những quy định mang tính nguyên tắc về vấn đề này làm tiêu chuẩn và là nguồn quan trọng cho các quốc gia trong quá trình nghiên cứu xây dựng pháp luật nước mình về hiến xác, bộ phận cơ thể người.
Ở các nước châu Âu , các quy định pháp luật về hiến xác,bộ phận cơ thể người đã được triển khai sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phẫu thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người phát triển một cách mạnh mẽ vào những thập kỷ gần đây như ở: Vương quốc Anh năm 1961, Đan Mạch, Italia năm 1967, Na-uy năm 1973, Thuỵ Điển năm 1975; Hy Lạp năm 1983. Tại các nước Châu Á, từ năm 1959 đến nay, nhiều nước như Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Philippine, Singapore, Malaysia, Indonesia đã có các quy định của pháp luật về chết não và cho phép tiến hành lấy các mô, bộ phận cơ thể người ở tử thi để ghép .Nhìn chung pháp luật các nước trên thế giới tập trung quy định về: các nguyên tắc ;điều kiện ;các quy định về cơ chế đồng ý trong việc hiến xác, bộ phận cơ thể người; thẩm quyền, trình tự, thủ tục hiến xác, bộ phận cơ thể; trung tâm điều phối cấy ghép quốc gia và ngân hàng mô,… cũng như các quyền, lợi ích người hiến được hưởng khi tham gia hiến cứu chữa người bệnh. Pháp luật các nước bên cạnh quy định những nguyên tắc chung được cả thế giới thừa nhận về vấn đề này thì tùy theo thực tế, truyền thống, văn hóa đất nước cũng có quy định những nguyên tắc riêng.
Ở Pháp, trong các đạo luật về đạo đức y sinh quy định việc hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người phải tôn trọng các nguyên tắc như: tôn trọng cơ thể người; nguyên tắc phải có sự đồng ý của đương sự (Điều L.1211-2 Bộ luật Y tế cộng đồng Cộng hòa Pháp); nguyên tắc an toàn về y tế và cẩn trọng (Điều L.1211-6/7 Bộ luật Y tế cộng đồng Cộng hòa Pháp). Nguyên tắc này nhằm tránh những rủi ro có thể xảy ra với người hiến và người nhận trong quá trình hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; nguyên tắc phân phối sản phẩm ghép và thủ tục đăng ký vào danh sách chờ ghép; nguyên tắc vô danh tức là người hiến không được biết danh tính của người nhận và ngược lại. Pháp luật Cộng hòa Pháp còn quy định rất chặt chẽ về vấn đề độ tuổi, đối với trường hợp hiến khi còn sống thì người chưa thành niên không được hiến mô, bộ phận cơ thể khi còn sống. Ở Pháp để đảm bảo cho hoạt động hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể được tiến hành chuyên nghiệp, hiệu quả, nước này đã thành lập Trung tâm cấy, ghép quốc gia từ rất sớm, năm 2005 Trung tâm này được đổi tên thành Cơ quan y sinh quốc gia. Pháp luật của Pháp cũng cho phép một số các bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định được phép tiến hành mổ tử thi và lấy các bộ phận cơ thể người nhằm mục đích điều trị, đồng thời quy định việc xác định chết não phải được 2 thầy thuốc xác nhận.
Tại Tuynidi, Đạo luật số 91-22 về lấy, ghép bộ phận cơ thể người được ban hành ngày 25 tháng 3 năm 1991 quy định về điều kiện hiến khi còn sống và hiến sau khi chết. Đối với trường hợp người hiến khi còn sống phải là người thành niên có đầy đủ khả năng nhận thức và năng lực hành vi. Còn việc lấy xác, bộ phận cơ thể người chết để phục vụ mục đích chữa bệnh có thể được thực hiện với điều kiện người đó khi còn sống không từ chối cho bộ phận cơ thể người, đồng thời không có sự phản đối từ phía gia đình của người đó sau khi người đó chết. Pháp luật Tuynidi cũng quy định một cơ quan độc lập quản lý tập trung hoạt động hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể gần giống với mô hình của Pháp, đó là Trung tâm quốc gia về phát triển ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là CNPTO). Cơ quan này độc lập với Bộ Y tế và có cơ cấu tổ chức gần giống với Cơ quan y sinh Cộng hòa Pháp. Bên cạnh đó, để phục vụ cho hoạt động hiến, lấy, ghép mô được hiệu quả , Tuynidi cũng thành lập một ngân hàng mô quốc gia trực thuộc CNPT.
Ở Ma rốc Đạo luật về hiến lấy ghép bộ phận cơ thể người và hiến mô số 16-98, năm 1998 quy định nếu người hiến là người còn sống thì phải là người thành niên và phải thể hiện sự tự nguyện của mình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ở quốc gia này, không có cơ quan độc lập ở cấp độ quốc gia có trách nhiệm quản lý hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người mà nhiệm vụ này do Bộ Y tế nước này trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, nước này có một Hội đồng tư vấn về ghép bộ phận cơ thể người, mặc dù vậy thực tế Hội đồng này vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó để đảm bảo nguồn mô dự trữ cho việc cấy, ghép mô, pháp luật Ma rốc có quy định về việc thành lập các Ngân hàng mô, nhưng cho đến năm 2006 nước này mới chỉ tập trung vào đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế và các ca ghép giác mạc chủ yếu lấy nguồn từ việc nhập khẩu ở nước ngoài.
Pháp, Tynidi, cũng như Ma rốc đều quy định hiến xác, bộ phận cơ thể người chỉ được thực hiện trong một số mục đích nhất định như hiến vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học, do các cơ sở được cấp phép đảm nhiệm. ủng hộ hệ thống này vào năm 2004.
Trong các bộ luật các nước đã ban hành đều nằm ở một trong hai hệ thống: hệ thống suy đoán đồng ý (presumed consent system hay opting-out system). Và hệ thống chủ động đồng ý (express consent system hay opting-in system). Ở các nước theo hệ thống suy đoán đồng ý như: Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Bồ Đào Nha, Áo, hoặc Bỉ, pháp luật coi những người không thể hiện quan điểm đối lập với việc hiến mô, bộ phận cơ thể khi họ còn sống nghĩa là họ sẵn sàng hiến mô, bộ phận cơ thể của họ khi chết. Hệ thống này dựa vào giá trị rằng các cá nhân sẵn sàng hiến mô, bộ phận cơ thể của họ. Còn ở những nước quy định theo hệ thống chủ đồng ý như Anh, Mỹ, Newzealand, Đức, Hà Lan… trái lại chỉ những bệnh nhân trước khi chết thể hiện nguyện vọng muốn hiến thì mới được coi là người hiến. Cả hai mô hình của đồng ý, suy đoán và chủ động đều dựa trên nguyên lý “sự mong muốn của người chết là cở sở quyết định và nó phải được tôn trọng”. Thực tế ở Tây Ban Nha cho thấy cơ chế suy đoán sự đồng ý mang lại hiệu quả thi gom mô, bộ phận cơ thể cao hơn cơ chế chủ động đồng ý.
Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy hiện nay có một số quốc gia có thiên hướng theo cơ chế suy đoán đồng ý ngày càng tăng. Có thể kể ra một ví dụ như Ở Vương quốc Anh, Hội Y học nước này trong những năm gần đây đã kêu gọi sự điều chỉnh pháp luật Anh từ chủ động đồng ý sang cơ chế suy đoán sự đồng ý (British Medical Asociation, 2003). Thậm chí ở những nước có hệ thống y tế kém phát triển cũng có sự ủng hộ đối với cơ chế suy đoán đồng ý như Mexico. Một bản dự thảo luật đã được trình vào năm 2000 với mục đích chấp nhận hệ thống suy đoán đồng ý và các nhà lập pháp Achentina bỏ phiếu .
V. Pháp luật Việt Nam về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
1. Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 và văn bản hướng dẫn
Từ những năm đầu của thập kỷ 50, những ca ghép mô, bộ phận cơ thể người đầu tiên ở nước ta, đặc biệt đầu những năm 70, việc ghép gan và tim đã được thực hiện trên lợn do Giáo sư Tôn Thất Tùng và một số bác sĩ khác tiến hành. Tuy nhiên, thời kỳ này chưa có một băn bản pháp lý nào của Nhà nước quy định về điều kiện hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người. Đến cuối thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 những ca lấy, ghép thử nghiệm thận, gan đã cho những kết quả đáng mừng. Để tạo hành lang pháp lý cho việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể có hiệu quả, năm 1989 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (Luật BVSKND) được Quốc hội thông qua. Để chủ động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong Luật quy định rất nhiều vấn đề về phòng ngừa bệnh, khám chữa bệnh, điều dưỡng và phục hồi chức năng… trong đó lần đầu tiên có quy định về điều kiện hiến xác, bộ phận cơ thể người: “1, Thầy thuốc chỉ tiến hành lấy mô hoặc bộ phận của cơ thể người sống hay người chết dùng vào mục đích y tế sau khi đã được sự đồng ý của người cho, của thân nhân người chết hoặc người chết có di chúc để lại. 2, Việc ghép mô hoặc một bộ phận cho cơ thể người bệnh phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc thân nhân hay người giám hộ của người bệnh chưa thành niên…” .
Luật này không trực tiếp quy định về quyền và điều kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể mà chỉ quy định trong những trường hợp nào “thầy thuốc” (ở đây mà cụ thể là cơ sở y tế có thẩm quyền) được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống hoặc sau khi chết. Và từ những quy định ở khoản 1 Điều 30, chúng ta có thể thấy Luật quy định về điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết cần một trong hai điều kiện sau: thứ nhất, phải có sự sự đồng ý của thân nhân người chết, trong trường hợp người chết không có di chúc để lại; thứ hai, trường hợp người chết có di chúc để lại (khoản 2 Điều 30 BVSKND. Bên cạnh đó, Luật này cũng có quy định về điều kiện của việc ghép mô, bộ phận cơ thể (tức là điều kiện với người nhận mô, bộ phận cơ thể để chữa bệnh) là phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc người giám hộ của người bệnh chưa thành niên (khoản 2, Điều 30).
Tuy nhiên, ở đây, Luật mới chỉ quy định rất chung về điều kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể nói chung cũng như điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết nói riêng. Khoản 2 Điều 30 chủ yếu nhấn mạnh đến tính tự nguyện của người hiến hoặc gia đình họ trong việc hiến mô, bộ phận cơ thể (tức là chỉ quy định điều kiện về ý chí) mà không có một quy định nào điều kiện về độ tuổi, về sức khoẻ đối với người hiến, về năng lực nhận thức của họ… Khoản 2 Điều 30 của Luật BVSKND chỉ là một quy định mang tính chất kỹ thuật để giúp các cơ sở y tế tiến hành việc lấy ghép mô, bộ phận cơ thể được thuận lợi hơn trong một số trường hợp cần thiết như đã nêu ở trên. Mặt khác, chúng ta cũng thấy quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người thời kỳ này chưa được thừa nhận nên chưa thể có được một quy định đầy đủ về điều kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết.
Để đảm bảo những quy định về lấy, ghép đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể trong Điều 30 Luật BVSKND đi vào thực tiễn cuộc sống thì vấn đề này đã được cụ thể hóa trong Nghị định ban hành kèm theo Điều lệ Khám chữa bệnh và phục hồi chức năng số 23-HĐBT ngày 24/1/1991 tại Điều 10:Về lấy và ghép mô bộ phận cơ thể người .Trong Điều lệ này đã có những quy định cụ thể hơn về cơ sở y tế khi tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể sau khi chết (khoản 1 Điều 10), ngoài hai trường hợp Luật đã quy định là trường hợp người chết có di chúc để lại và trường hợp không có di chúc, nhưng được thân nhân người chết đồng ý thì Điều lệ này có quy định cụ thể hơn, trong trường hợp người chết không có di chúc để lại thì thân nhân người chết có quyền đồng ý hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết, nhưng phải thể hiện bằng văn bản (khoản 2 Điều 10). Mặt khác, Điều lệ cũng quy định cơ sở y tế có thẩm quyền cũng được sử dụng xác, bộ phận cơ thể người chết vô thừa nhận để phục vụ cho mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học mà thực tế trong những năm vừa qua là việc sử dụng mô (giác mạc, kết mạc) để chữa trị cho người bệnh; sử dụng bộ phận cơ thể, xác tử thi vô thừa nhận phục vụ cho việc giảng dạy tại các Trường y. Tuy nhiên, cả Luật BVSKND cũng như Điều lệ Khám chữa bệnh và phục hồi chức năng đều chưa có quy định cụ thể về điều kiện đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết như: chưa quy định về vấn đề hiến xác, quy định về độ tuổi với người hiến để lại di chúc ,Điều kiện về sức khoẻ, điều kiện về năng lực nhận thức hay có bắt buộc cần phải có sự đồng ý của gia đình trong trường hợp người hiến để lại di chúc sau khi chết, nếu cần có sự đồng ý của gia đình thì sự đồng ý này chỉ cần đồng ý bằng lời nói hay phải bằng văn bản, trong trường hợp người hiến xác, bộ phận cơ thể cho giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học thì trình tự thủ tục thế nào… Do đó, thực tế các cơ sở y tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nhận mô, bộ phận cơ thể người đối với trường hợp người hiến sau khi chết. Mặt khác, các văn bản trên cũng mới chỉ quy định về việc hiến mô, bộ phận cơ thể sau khi chết nhằm mục đích chữa bệnh, chứ chưa có một quy định nào về hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác sau khi chết nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, nên vấn đề này thực tế xảy ra các cơ sở y tế rất khó giải quyết.
2. Bộ luật Dân sự năm 2005
Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể được thừa nhận là cơ sở cũng như căn cứ để các nhà làm luật quy định một cách cụ thể và chặt chẽ về các điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người, trong đó có các điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết. Mặt khác, việc quy định chặt chẽ, cụ thể các điều kiện hiến mô, bộ phận cơ thể người sẽ giúp mọi người thực hiện tốt hơn quyền được hiến của mình.
Hiến xác cho y học, giải phẫu tử thi, hiến tặng các bộ phận cơ thể để cứu người, quyền "được chết" là một nội dung rất mới và táo bạo được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân 2005.
Điều 34 của Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) quy định:
“Cá nhân có quyền hiến bộ phận cơ thể của mình hoặc hiến xác sau khi chết vì mục đích chữa bệnh hoặc nghiên cứu khoa học.
Việc hiến và sử dụng xác ,bộ phận cơ thể người chết được thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, Bộ luật dân sự chỉ nêu các quyền hiến xác, bộ phận cơ thể một cách chung nhất, cần thiết phải đưa vào điều chỉnh trong dự thảo luật để quy định trình tự, thủ tục cụ thể đối với các quyền này. Hơn nữa, quy định tại Điều 34 của BLDS 2005 về cá nhân được hiến trước khi có Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác 2006, thì còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Có cách hiểu cho rằng, cá nhân ở đây có thể là bất kỳ ai không phân biệt họ bao nhiêu tuổi, miễn là họ không bị nhược điểm về thể chất, tâm thần và tự nguyện, quan điểm khác lại cho rằng cá nhân hiến bộ phận cơ thể ở đây phải là người đã thành niên – mới có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Sở dĩ có các cách hiểu khác nhau như vậy bởi vì trong Bộ luật chưa quy định điều kiện cụ thể với cá nhân ở đây là gì về độ tuổi, về năng nhận thức, về sức khoẻ… Như vậy, chúng ta thấy Bộ luật quy định cũng rất chung chung về việc cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể khi còn sống hoặc sau khi chết mà không quy định cụ thể về độ tuổi, sức khoẻ đối với người hiến.
3. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác năm 2006.
Ngay sau khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006. Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 21 ngày 12/1/2007 về việc Triển khai thi hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác với mục đích xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết và phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung của Luật đến tất cả các tầng lớp nhân dân cũng như đối với đội ngũ cán bộ ngành y tế. Đồng thời, tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhằm hướng dẫn thi hành đến mọi đối tượng. Theo đó, Nghị định quy định về tổ chức, điều kiện thành lập và hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người. Các đối tượng áp dụng sẽ là các tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến tổ chức, thành lập và hoạt động của ngân hàng mô và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại Việt Nam. Như vậy, với việc ban hành các văn bản hướng dẫn cùng với 4 chương và 30 điều của Dự thảo Nghị định đã quy định rõ về một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Tại Chương III - Hiến, lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết và hiến, lấy xác , Luật bao gồm 3 mục, 12 điều . Trong đó có một số nội dung quan trọng được quy định: Thủ tục đăng ký hiến xác, hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; Thủ tục thay đổi, hủy bỏ đơn đăng ký ; Điều kiện lấy xác, mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; Điều kiện cũng như trách nhiệm của cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến trong việc lấy bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, lấy xác; Tôn vinh người hiến bộ phận cơ thể ở người sau khi chết, hiến xác; Mục đích và điều kiện , thủ tục và thẩm quyền xác định chết não;Tiêu chuẩn lâm sàng và tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não và quy định về tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não.
Như vậy, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác 2006 đã được quy định chi tiết cụ thể, rõ ràng hơn về các vấn đề quan trọng, đặc biệt là điều kiện độ tuổi, sức khỏe người hiến, điều kiện và trình tự đăng ký, trình tự hủy bỏ việc hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết, nhờ đó giúp mọi người dân nhận thức rõ hơn về quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người sau khi chết của cá nhân.
VI. Nguyên tắc ghi nhận , thực hiện và bảo vệ quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết.
1. Nguyên tắc “phi thương mại”
Nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong ghi nhận, thực hiện và bảo vệ quyền hiến bộ phận cơ thể là nguyên tắc “phi thương mại”, tức là việc hiến bộ phận cơ thể chỉ nhằm mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, không nhằm mục đích lợi nhuận. Mục đích của hiến bộ phận cơ thể luôn luôn phải được đặt ra như một sự kiểm soát đặc biệt của pháp luật đối với vấn đề có tính chất xã hội nhạy cảm này. Nguy cơ các bộ phận cơ thể người trở thành hàng hoá giao dịch trên thị trường đang hiện hữu ngày càng rõ nét. Pháp luật một số nước thừa nhận việc mua bán bộ phận cơ thể người, nhưng quan điểm của Việt Nam là không chấp nhận thương mại hoá các bộ phận cơ thể người. Nguyên tắc “phi thương mại” xuất phát từ đối tượng đặc biệt của quyền hiến bộ phận cơ thể là “bộ phận cơ thể người”, đây là những bộ phận tạo nên một con người hoàn chỉnh, gắn liền với sự tồn tại và phát triển bình thường của con người, không thể là vật đem ra mua bán, trao đổi. Hơn nữa, hiến tặng bộ phận cơ thể là nghĩa cử vô cùng cao đẹp – ban tặng niềm hy vọng vào sự hồi sinh, vào cuộc sống mới cho người khác. Điều quan trọng hơn, một khi hoạt động “bán” bộ phận cơ thể được thừa nhận sẽ dẫn đến tình trạng hết sức nguy hiểm – những khoản lợi nhuận từ hoạt động mua bán này có thể làm cho những kẻ chuyên kinh doanh bộ phận cơ thể người sẵn sàng ép buộc, làm tổn thương người khác, thậm chí giết người để lấy bộ phận cơ thể họ (nguy cơ này càng lớn đối với những người có chỉ số sinh học hiếm gặp). Như thế, quyền hiến bộ phận cơ thể không những không được đảm bảo mà quyền con người còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng (quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ, thân thể bị xâm phạm, an toàn xã hội không thể kiểm soát được).
Vì những lý do nêu trên, pháp luật khi ghi nhận quyền hiến bộ phận cơ thể phải định ra một giới hạn, đó chính là giới hạn về mục đích của việc hiến bộ phận cơ thể. Ngay cả khi một người vì quá túng thiếu muốn bán một bộ phận cơ thể của mình, pháp luật cũng không cho phép, giao dịch đó sẽ là giao dịch vô hiệu tuyệt đối do vi phạm điều cấm của pháp luật, đồng thời giao dịch đó cũng trái với đạo đức xã hội.
Thực hiện tốt nguyên tắc “phi thương mại” nói trên cũng là một biện pháp đảm bảo sự bình đẳng về quyền nhận bộ phận cơ thể người, bởi nếu cho phép mua bán, sử dụng bộ phận cơ thể người nhằm mục đích lợi nhuận tức là đã không tạo cơ hội chữa bệnh bình đẳng giữa bệnh nhân giàu và bệnh nhân nghèo, những người nghèo sẽ hiếm có cơ hội được ghép mô, bộ phận cơ thể người để chữa trị bệnh. Và nếu như vậy, pháp luật về hiến-nhận bộ phận cơ thể người đã không làm tròn được vai trò của nó.
2. Nguyên tắc hiến bộ phận cơ thể vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học
Nguyên tắc này có mối quan hệ chặt chẽ với nguyên tắc “phi thương mại”, và thực chất là sự cụ thể hoá nguyên tắc đó. Việc hiến bộ phận cơ thể không nhằm mục đích lợi nhuận, nhưng nhằm vào mục đích cụ thể . Đó phải là mục đích chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, trong đó mục đích chữa bệnh là quan trọng, chủ yếu nhất vì nhu cầu lấy bộ phận cơ thể để chữa bệnh cứu người là rất lớn, rất cấp bách.Cần đặt ra nguyên tắc này bởi con người là giá trị cao quý nhất, là trung tâm của mọi chính sách, pháp luật, tất cả là vì con người và cho con người, trong đó, quyền sống là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, là cơ sở để thực hiện các quyền con người khác. Một trong số các biện pháp bảo đảm quyền sống cho con người chính là tạo điều kiện cả về mặt kỹ thuật, cả về mặt pháp lý để y học có thể cứu sống được ngày càng nhiều bệnh nhân hiểm nghèo. Vì vậy, mục đích chữa bệnh của việc hiến bộ phận cơ thể người cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, hiến bộ phận cơ thể còn nhằm mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học để ngày càng tìm ra các phương thức chữa bệnh hiệu quả hơn, và suy cho cùng cũng là vì con người.
3. Nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện của người hiến bộ phận cơ thể
Hiến bộ phận cơ thể là quyền của mỗi cá nhân, không phải là nghĩa vụ, không ai có quyền ép buộc hoặc cản trở người hiến thực hiện quyền này. “Tự nguyện” được hiểu là phải có sự thống nhất giữa ý chí bên trong của cá nhân và sự bày tỏ ý chí ra bên ngoài. Vì vậy, muốn chứng tỏ người hiến bộ phận cơ thể hoàn toàn tự nguyện, người đó phải bày tỏ ý chí của mình cho mọi người xung quanh được biết. Do ý nghĩa và tính chất quan trọng của việc hiến bộ phận cơ thể, ý chí của người hiến phải được thể hiện một cách rõ ràng bằng văn bản, chứ không chỉ bằng lời nói như một số giao dịch dân sự thông thường.
Để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, người hiến bộ phận cơ thể không những phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà còn phải là người minh mẫn, sáng suốt vào thời điểm thể hiện ý chí hiến bộ phận cơ thể của mình cho người khác mà mục đích hiến đã được xác định rõ ràng.
VII. Một số vấn đề thực tế khi thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết tại Việt Nam
Ở Việt Nam, quyền hiến bộ phận cơ thể và quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết mới được ghi nhận trong luật tuy nhiên việc đưa luật vào cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. Quan niệm Á Đông còn nặng về việc "cái chết toàn thây", coi trọng sự toàn vẹn của thi hài người quá cố cho nên việc giải phẫu tử thi với nhiều người, nhiều gia đình là điều cấm kỵ. Họ thường rất e ngại khi quyết định hiến bộ phận cơ thể cho người khác, trừ khi đó là người thân thích, ruột thịt của mình. Ngay cả khi bản thân người đó đồng ý hiến bộ phận cơ thể thì những người thân trong gia đình cũng phản đối và tìm cách ngăn cản. Ông Nguyễn Văn Huy, trưởng bộ môn giải phẫu học ĐH Y Hà Nội cho biết: “Nếu như gia đình họ không đồng ý thì chúng tôi cũng không thể nhận xác được. Chúng tôi không thể theo dõi thường xuyên tất cả các trường hợp gửi đơn và cũng không biết được khi nào họ qua đời. ý nguyện của đương sự phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình họ. Một khi gia đình không báo thì chúng tôi cũng không thể nào biết. Chúng tôi không thể giành giật thi thể người chết với chính những người thân của họ”.
Luật vẫn chưa đề cập đến vấn đề hiến bộ phận cơ thể, hiến xác của tử tù nhằm phục vụ cho chữa bệnh và nghiên cứu khoa học nên rất khó khăn cho các cơ sở y tế có thể nhận xác trong trường hợp người có án tử hình muốn hiến xác của họ cho y học. Vừa qua, ngày 25/10/2007, tử tù Nguyễn Phước Đỉnh, ngụ tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã gửi đơn lên Toà án nhân dân tối cao xin được hiến xác cho y học sau khi thi hành án tử hình. Điều này thực sự đã làm Toà án nhân dân tối cao bối rối trong việc đưa ra quyết định là có đồng ý hay không đồng ý cho tử tù được hiến xác. Trong khi đó, theo Chỉ thị số 138/KC1 năm 1974 của Bộ Nội vụ thì xác tử tội phải chôn ở pháp trường, thân nhân không được đem về an táng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không có quy định nào về việc cho phép thân nhân nhận lại xác; đến nay, Chỉ thị trên vẫn còn hiệu lực và cản trở quyền được hiến xác của tử tù. Vì vậy, việc Toà án nhân dân tối cao bối rối là đương nhiên.
Vệc hiến tặng các bộ phận cơ thể cũng có thể dẫn đến việc buôn bán các bộ phận người. Luật đề cập đến các hành vi bị pháp luật cấm trong lĩnh vực này như: cấm mua, bán, lấy trộm mô, tạng; cấm sử dụng mô, tạng vì mục đích thương mại… Tuy nhiên, Luật lại chưa đưa ra chế tài áp dụng khi vi phạm một trong những hành vi trên. Trong khi đó, Bộ luật Hình sự cũng chưa có điều khoản nào điều chỉnh về loại tội phạm này. Đây là một khó khăn cho quá trình áp dụng và ngăn chặn những loại tội phạm đó trên thực tế. Hơn nữa, Luật cấm việc sử dụng bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Điều đó là hợp lý. Tuy nhiên, nếu trên thực tế người bán và người mua ngầm thoả thuận là bán cho nhau bộ phận cơ thể, nhưng lại biểu hiện là tự nguyện hiến thì sẽ kiểm soát như thế nào?. Nếu thiếu năng lực quản lý, kiểm soát,không thực hiện tốt sẽ gây phản ứng xã hội không tốt, ảnh hưởng trở lại đến chính quyền hiến của cá nhân, làm mất ý nghĩa tốt đẹp của quyền hiến.
Tại Điều 17, Điều 25 của Luật nêu rất cụ thể về quyền lợi cũng như tôn vinh những người hiến mô, bộ phận cơ thể người hoặc hiến xác sau khi chết. Tuy nhiên, Luật lại không có điều nào tôn vinh về mặt tinh thần cho gia đình người hiến xác, hiến bộ phận cơ thể sau khi chết, và đây là một thiếu sót của Luật. Vì thực tế, để lấy được xác, bộ phận cơ thể của người chết cũng phải có sự ủng hộ rất lớn của gia đình họ. Hơn nữa, trong trường hợp người chết không có đơn tự nguyện hiến nhưng gia đình họ đồng ý hiến bằng văn bản thì vẫn đựợc lấy, trường hợp đó lại càng cần phải tôn vinh. Ngoài ra, khi một người bị mất đi, nỗi đau sẽ thuộc về những người còn sống.
Ngoài ra, trên thực tế, những người dân muốn thực hiện quyền hiến xác, bộ phận cơ thể cũng gặp khó khăn khi đăng ký tại cá bệnh viện. Thực tế, đặc biệt ở những bệnh viện không ở thành phố lớn, nhân viên bệnh viện còn rất bối rối khi có bệnh nhân đăng ký. Trên Webtretho, khi Nikita24480 (tức Bùi Kim Oanh) hỏi về việc đi đến đâu để hiến tạng, các thành viên khác cũng bắt đầu băn khoăn với câu hỏi: Chẳng lẽ một người muốn hiến thì sẽ phải chạy lòng vòng qua các bệnh viện? Qua Bệnh viện Mắt đăng ký cho giác mạc, rồi vòng đến Bệnh viện Việt Đức cho gan, qua Bệnh viện Bạch Mai cho thận? "Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Nhi TW chủ trì thành lập Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận trên cơ thể người nhưng hiện tại chúng tôi chưa dám nhận", TS, bác sĩ Trần Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp nói. "Quy mô một bệnh viện khó mà làm được việc này. Việc phân bổ tạng giữa các bệnh viện là ngang hàng. Chúng tôi không thể bảo Bệnh viện Việt Đức chi tạng cho bệnh nhân ở Bệnh viện chúng tôi, hay Bệnh viện Bạch Mai được! Việc này, phải Bộ Y tế trực tiếp đảm nhận. Bộ Y tế nói thì mới có sức nặng. Bệnh viện nào cũng muốn ưu tiên cho bệnh nhân của mình trước, đó là điều đương nhiên".
Kết luận
Càng ngày cùng với sự phát triển của xã hội và các quyền con người, pháp luật hiện đại ngày càng ghi nhận và bảo vệ rộng rãi các quyền nhân thân của cá nhân, trong đó có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể người của cá nhân sau khi chết một cách chi tiết, cụ thể hơn. Qua đó, giúp người dân, lực lượng cán bộ công nhân viên Nhà nước, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, viên chức ngành y tế nắm bắt tốt những nội dung chính của luật, góp phần nhận thức và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn, đơn vị, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội. Đồng thời, nâng cao tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật nhằm tạo sự chuyển biến trong ý thức của mọi tầng lớp nhân dân, tiến tới trở thành một nét văn hóa của người dân Việt Nam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Camp249ng v7899i s7921 phamp225t tri7875n c7911a xamp227 h7897i.doc