Tri thức tộc người của người Hoa thể hiện trong cả hai mối quan hệ: con người -
con người (trong buôn bán), con người - thiên nhiên (nông nghiệp, ngư nghiệp). Trong
mối quan hệ con người - con người, người Hoa coi trọng nhất là uy tín, coi uy tín như
“vật bảo chứng” trong các cuộc giao dịch làm ăn. Uy tín không chỉ thể hiện trong chất
lượng hàng hóa, dịch vụ mà còn được coi như "nguồn vốn" trong sản xuất, kinh doanh.
Cũng trong mối quan hệ này, người Hoa có óc kinh doanh nhạy bén, họ chú ý quan sát
hành vi của người tiêu dùng từ những chi tiết nhỏ nhặt đến những thứ cao sang nhất để
chinh phục được lòng tin của khách hàng. Một căn tính độc đáo giúp người Hoa thành
công là sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro, mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi mặt hàng kinh
doanh. Tinh tế trong việc giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người là hệ giá
trị quý báu giúp người Hoa thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Đối với mối quan hệ
giữa con người với thiên nhiên ở ĐBSCL, người Hoa phát hiện những đặc điểm của tự
nhiên trong các hoạt động trồng trọt, khai thác thủy sản, đưa những tri thức ấy trở thành
sở hữu bí truyền nghề nghiệp của gia đình, dòng tộc và vận dụng trong sản xuất.
13 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 277 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tri thức tộc người về hoạt động kinh tế của người hoa ở đồng bằng sông Cửu Long, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(45)-2020
3
TRI THỨC TỘC NGƯỜI VỀ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ
CỦA NGƯỜI HOA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngô Văn Lệ (1), Trần Hạnh Minh Phương(2)
(1)Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (VNU-HCM),
(2) Trường Đại học Thủ Dầu Một
Ngày nhận bài 02/01/2020; Ngày gửi phản biện 06/01/2020; Chấp nhận đăng 24/03/2020
Liên hệ email: phuongthm@tdu.edu.vn
https://doi.org/10.37550/tdmu.VJS/2020.02.018
Tóm tắt
Người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu dân cư nhưng
hoạt động kinh tế luôn vượt trội. Nghiên cứu này xem xét cách thức người Hoa ở đây đã
vận dụng tri thức và kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế như thế nào. Dựa vào tư liệu
thành văn và kết quả nghiên cứu thực nghiệm vận dụng phương pháp lịch đại và đồng
đại, bài viết này phân tích căn tính tộc người của người Hoa đồng bằng sông Cửu Long
dưới chiều kích kinh tế. Kết quả cho thấy, tri thức tộc người của người Hoa bao gồm chữ
tín, óc kinh doanh nhạy bén, am tường kỹ thuật trồng trọt và đánh bắt thủy sản, bí quyết
gia truyền trong sản xuất thực phẩm, là nhân tố quyết định sự thành công trong hoạt
động kinh tế. Kết quả nghiên cứu cung cấp bài học kinh nghiệm thành công của một tộc
người thiểu số và gợi mở chính sách phát triển kinh tế cho các tộc người thiểu số dựa vào
tri thức tộc người.
Từ khóa: buôn bán, kinh doanh, người Hoa, sản xuất, tri thức tộc người
Abstract
ETHNIC KNOWLEDGE ON ECONOMIC ACTIVITIES OF THE HOA IN
MEKONG DELTA
The Hoa in the Mekong Delta account for a small proportion of the population
structure but economic activities are always superior. This study examines how the Hoa
have utilized their ethnic knowledge in economic activity. Having based on written
resources and experimental researches applied both longitudinal research and cross-
sectional one, this study aims to describe the Hoa’s ethnic identity in an economic
dimension. The findings have showed that the Hoa’s ethnic knowledge including trust and
business acumen; high technique in cultivation, fishing and food production’s heirloom
confidentiality are the decisive factors for the Hoa’s success in economic activities.. The
study result brings lessons about the success of an ethnic community and suggests economic
development policies for ethnic minorities based on their own ethnic knowledge.
https://doi.org/10.37550/tdmu.VJS/2020.02.18
4
1. Đặt vấn đề
Ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trải qua hơn ba thế kỷ, từ một cộng đồng
Hoa kiều đầu tiên tại Hà Tiên năm 1680 (Vương Hồng Sển, 1999) đến năm 2009 người
Hoa có mặt ở tất cả các tỉnh thành, trong đó cư trú đông nhất tại tỉnh Sóc Trăng (64.910
người), kế đến là Kiên Giang (29.850), Bạc Liêu (20.082), Cần Thơ (14.199) và Trà Vinh
(7.690) (BCĐ, 2010). Trong hoạt động kinh tế, theo thời gian, từ những người buôn bán lẻ,
người làm thuê, người Hoa trở thành những người có thế lực trong các lĩnh vực kinh doanh
như phân phối lúa gạo trong nước và xuất khẩu, kinh doanh tiền tệ, xăng dầu, ngành giao
thông vận tải, dịch vụ ăn uống, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, một số mặt hàng nông
sản. Người Hoa chủ động xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, xã hội của riêng cộng đồng để
bảo tồn văn hóa truyền thống và khuếch trương sức mạnh của cộng đồng. Tất cả những điều
này tạo nên sự khác biệt của cộng đồng người Hoa so với những tộc người thiểu số còn lại
ở Việt Nam. Phần lớn người Hoa không khó khăn về kinh tế (100 hộ gia đình trong mẫu
khảo sát nghiên cứu trường hợp người Hoa ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, Cần Thơ
không có hộ nghèo) (Trần Hạnh Minh Phương, 2017), sống hội nhập vào cộng đồng dân
tộc Việt Nam nhưng không đánh mất văn hóa tộc người. Điều đặc biệt này thôi thúc cho
một nghiên cứu nhằm trả lời câu hỏi: Tại sao kinh tế của người Hoa phát triển hơn so với
các tộc người thiểu số khác, căn tính tộc người có vai trò gì trong sự phát triển kinh tế. Nói
cách khác tri thức tộc người về hoạt động kinh tế của họ là gì? Với cách tiếp cận vai trò của
tri thức tộc người đối với sự phát triển cộng đồng, bài viết này sẽ nhận diện tri thức tộc
người về hoạt động kinh tế của người Hoa và phân tích những tri thức ấy trong kinh doanh,
trồng trọt, đánh bắt thủy sản, sản xuất thực phẩm.
2. Tổng quan tài liệu và phương pháp nghiên cứu
Người Hoa ở Việt Nam là cộng đồng có sức mạnh về kinh tế và nền văn hóa, đã
được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Chỉ riêng mục lục tra cứu của Thư viện
Khoa học xã hội vùng Nam Bộ có 1021 nhan đề nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam
trên tất cả các lĩnh vực: lịch sử di dân và định cư, hoạt động kinh tế, đời sống văn hóa,
xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo và nghi lễ, vấn đề giáo dục, tổ chức xã hội, quan hệ dòng
họ, quan hệ hôn nhân và phong trào đấu tranh cách mạng, chính sách của nhà nước Việt
Nam đối với người Hoa qua các thời kỳ.
Riêng về người Hoa ở ĐBSCL, một số nghiên cứu đã phân tích và lý giải nguyên
nhân thành công trong lĩnh vực kinh tế. Đào Trinh Nhất (1924) cho rằng, người Hoa rất
giỏi làm ăn nên những năm đầu thế kỷ XX, tại Nam Bộ họ nắm độc quyền một số ngành
nghề: buôn bán lúa gạo, vận chuyển, chế biến thực phẩm. Tsai Maw Kuey (1968) nhận
định người Hoa có thế mạnh trong các nghề làm giấy, đóng thuyền, nghề sản xuất sơn
ta, kỹ nghệ làm guốc gỗ, nghề mộc, sản xuất than củi, lấy nhựa cây, làm nhà gỗ, công
nghệ dệt tơ, chế tạo các vật dụng bằng nhôm, gò sửa phụ tùng máy móc, sản xuất xà
phòng vì đó là những ngành nghề truyền thống của họ từ Trung Quốc. Khi lý giải vì sao
người Hoa làm chủ ngành kinh doanh lúa gạo, Trần Thị Bích Ngọc (1991) cho rằng do
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(45)-2020
5
người Hoa rành tâm lý nông dân, khéo léo mềm mỏng nên hầu như toàn bộ lúa gạo
được đưa về các vựa ở Chợ Lớn để xuất khẩu đều phải qua trung gian của người Hoa,
các lái buôn người Hoa tỏa ra khắp nơi, mua cả lúa non (ứng tiền trước cho chủ ruộng).
Họ cũng giữ một vị trí quan trọng trong khâu xay xát lúa gạo. Nguyễn Văn Huy (1993)
mô tả trong hai năm (1955-1956), trên toàn quốc 52% xí nghiệp thương mại, kỹ nghệ và
tiểu thủ công nghiệp nằm trong tay người Hoa vì họ có truyền thống tương thân tương
trợ cao, biết cách sử dụng đồng tiền, phát triển mạnh tại những nơi không có cạnh tranh.
Khác với những cách tiếp cận trên, Tong Chee Kiong, Yong Pit Kee (2014) cho rằng
quan hệ kinh doanh của người Hoa có xu hướng liên cá nhân hóa cao độ dựa trên lòng
tin cá nhân vào sự kiểm soát cá nhân đối với doanh nghiệp. Đây là cội rễ của sự thành
công trong kinh doanh nơi người Hoa (Bùi Thế Cường dịch, 2014).
Những nghiên cứu trên đặt mối quan tâm nhiều đến lĩnh vực kinh doanh của
người Hoa mà chưa xem xét tổng thể tất cả các hoạt động kinh tế. Mỗi tác giả chỉ nhấn
mạnh một thế mạnh cụ thể như “giỏi làm ăn”, “là nghề truyền thống của họ”, “rành tâm
lý nông dân, khéo léo mềm mỏng”, “truyền thống tương thân tương trợ cao, biết cách sử
dụng đồng tiền, phát triển mạnh tại những nơi không có cạnh tranh” và “xu hướng liên
cá nhân hóa cao độ dựa trên lòng tin cá nhân vào sự kiểm soát cá nhân đối với doanh
nghiệp”. Kế thừa các tài liệu nghiên cứu trước, bài viết này sẽ trình bày hoạt động kinh
tế của người Hoa dưới góc độ tri thức tộc người - mối liên kết giữa căn tính tộc người -
những tiềm ẩn bên trong với thế lực kinh tế của họ - cái nổi ra bên ngoài.
Nghiên cứu này tiếp cận theo hướng liên ngành dưới chiều kích lịch đại (sử học) và
đồng đại (nhân học). Phương pháp nghiên cứu lịch sử nhận diện quá trình di cư và định
cư, phát triển của cộng đồng người Hoa ở ĐBSCL cùng với bối cảnh kinh tế, xã hội của
các hoạt động kinh doanh, trồng trọt, đánh bắt thủy sản, sản xuất thực phẩm như là nguồn
gốc để họ sáng tạo và tích lũy tri thức tộc người. Để nhận diện, phân tích và lý giải được
hệ thống tri thức tộc người trong hoạt động kinh tế cần dành thời gian thiết lập được mối
quan hệ thân thiết với cộng đồng để được họ cho phép quan sát những cuộc trao đổi mua
bán, cùng đi rẫy với họ để quan sát cách họ trồng tiêu, trồng hành, trồng khóm. Đối với
nghề chế biến thực phẩm, người Hoa không cho phép người lạ vào khu vực sản xuất nên
phải thu thập dữ liệu bằng phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm để giải thích những thông tin
chưa hiểu rõ khi quan sát; phương pháp phỏng vấn cá nhân phi cấu trúc được áp dụng để
tạo nên bầu không khí thoải mái, thân thiện, thực hiện những cuộc trò chuyện thân tình để
người dân dễ dàng bộc bạch những thông tin về nghề nghiệp hơn.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Người Hoa sở hữu một “hệ giá trị” cần và đủ cho công việc kinh doanh
Đào Trinh Nhất (1924) cho biết, trong 19.505 người Hoa định cư ở Nam Kỳ (năm
1922) có 90% người làm nghề buôn bán và nắm độc quyền một số ngành nghề: buôn
bán lúa gạo, vận chuyển, chế biến thực phẩm. Người Hoa “đi đến đâu lập chợ đến đó”,
https://doi.org/10.37550/tdmu.VJS/2020.02.18
6
không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều có thể thấy Chinatown (phố người Hoa) lớn
mạnh và giàu có vì họ có kinh nghiệm, thế ứng xử, bí quyết làm ăn. Triết lý kinh doanh
của người Hoa là phải biết giữ chữ tín. Chữ tín là bí quyết thành công của người Hoa
(Nguyễn Văn Huy, 1993). Những nhà kinh doanh người Hoa đều khởi nghiệp bằng chữ
tín. Họ tâm niệm có uy tín thì có tất cả và ngược lại mất uy tín thì mất tất cả. Cũng nhờ
chữ “tín” mà thủ tục giao dịch trong buôn bán của người Hoa rất đơn giản chỉ cần giao
kèo miệng hay tờ giấy viết tay nhưng rất ít tranh chấp, kiện cáo nhau ra tòa. Chữ tín được
đặt lên hàng đầu trong công việc làm ăn buôn bán “khách hàng là thượng đế”, đó là một
trong những phương châm của người Hoa. Hàng hóa của người Hoa buôn bán hay sản
xuất phần nhiều là đảm bảo uy tín và chất lượng. Chữ tín là cơ sở để duy trì và củng cố
mối quan hệ buôn bán giữa nhà sản xuất và người phân phối, giữa người bán sỉ và bán lẻ
thường với lối bán gối đầu như những mắt xích liền lạc với nhau. Về giá cả, người Hoa
cũng luôn giữ uy tín. Chủ hàng chịu giá bán cho ai rồi thì không thay đổi, dù giá cả biến
động mạnh thế nào cũng bán hàng theo giá đã thỏa thuận.
Cách buôn bán của hầu hết người Hoa đều chung khuôn mẫu, họ bán từ cái nhỏ
nhưng lúc nào họ cũng giữ cái uy tín, có nhiều khi lỗ do lúc đầu họ bán rất rẻ. Mặc dù,
lúc đầu vốn họ không có nhiều nhưng họ bán rẻ là một, chất lượng là hai, phục vụ là ba,
họ rất quan trọng cái chữ tín họ bán một thời gian thì họ thăm dò, tìm hiểu ý kiến của
khách hàng, góp ý họ cái gì họ về mới bắt đầu sửa. Họ bán được một thời gian họ mới
theo dõi có phát triển hay không, nếu phát triển thì họ mới đầu tư làm chứ không đầu tư
ồ ạt. Đối với người Hoa chúng tôi muốn làm giàu phải từ từ, cái giàu bền bỉ, lâu dài
(Trần Hạnh Minh Phương, 2016).
Một đức tính khác phổ biến nơi người Hoa là họ không nề hà mất cứ việc gì, sang
hay hèn, miễn có thể kiếm được tiền một cách chân chính họ đều có thể làm bởi phần
lớn người Hoa “() rời quê hương nghèo khổ với hy vọng tìm những vùng đất mới để
xây dựng một đời sống khá hơný thức được thân phận hèn mọn của mình, những
người này sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể làm được để sinh sống: tạp dịch, bồi bàn,
mua ve chai, cày thuê, cuốc mướn, nội dịch, khuân váctheo thời gian những người
này, sau khi vượt lên những khó khăn ban đầu, đều dấn thân vào nghề kinh doanh và
cho con cái ăn học thành tài để có một chỗ đứng danh dự nơi đất khách quê người”
(Nguyễn Văn Huy, 1993).
Đa số người Hoa ở ĐBSCL bắt đầu sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng nhưng do
tính cần cù, nhẫn nại, siêng năng cộng với sự tương trợ của đồng hương, dòng họ, nên
họ tích lũy được nhiều vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và thành lập được nhiều
tiệm buôn lớn có thuê mướn nhân công và trở nên giàu có. Các hộ gia đình người Hoa
rất nhạy bén với nhu cầu hàng tiêu dùng của thị trường. Nguyên tắc “cha truyền con
nối” và “tiệm mẹ đẻ tiệm con” là quy luật phát triển bền vững của kinh tế hộ gia đình
nơi mà người đàn ông đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu nghề truyền thống của
gia đình, dòng họ để tiếp tục củng cố thương hiệu của cha ông để lại. Sự tương trợ về
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(45)-2020
7
vốn, về kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh, sự thông tin nhu cầu và giá cả trên thị
trường, sự bảo lãnh trong giao dịch thương mại, sự ủy nhiệm làm đại lý, sự bảo vệ cho
nhau trong cạnh tranh thị trường đã làm cho kinh tế hộ gia đình người Hoa luôn luôn
phát triển một cách sinh động, vượt qua mọi ngăn trở trong thực tế.
Trước năm 1975, bang trưởng đóng vai trò điều hòa thị trường, giữa những người
Hoa không bao giờ làm hại nhau. Nếu một thị trường do nhóm Hoa này độc chiếm, nhóm
Hoa kia tìm sang thị trường khác, không gây sự hiềm khích trong cộng đồng với nhau.
Phan Thị Yến Tuyết (2007) cho biết, đến cuối thế kỷ XIX, tại cảng Hà Tiên “nhà buôn
nhóm Phước Kiến cung cấp hàng mỹ nghệ như liễn, tranh thêu, đồ sứ cao cấp. Nhà buôn
nhóm Quảng Đông, Hẹ cung cấp thuốc bắc, đá Vân Nam để chạm trổ, nhà buôn nhóm
Triều Châu cung cấp các mặt hàng nông sản phẩm ở dạng khô như nấm khô, quả khô,
gốm gia dụng. Nhà buôn Hải Nam cung cấp nông sản, heo con, đặc biệt là heo Hải Nam”
(Phan Thị Yến Tuyết, 2007).
Sự chiều chuộng khách hàng và cách ấn định giá cả của người Hoa là cả một nghệ
thuật không ai không hài lòng về giá cả và sự tiếp đãi của họ. Người sản xuất, bán sỉ,
bán lẻ đôi khi còn tặng cho khách hàng quen thuộc những món quà nhỏ, trị giá không
cao nhưng người mua rất hài lòng vì có cảm tưởng được ưu đãi và tôn trọng.
Biết rõ việc kinh doanh lúa gạo có thể mang đến một nguồn lợi kết xù, người Hoa
đã có chiến lược nắm giữ ngành kinh tế mũi nhọn này. Suốt thời kỳ Pháp thuộc đến trước
1975, người Hoa độc quyền trong ngành lúa gạo từ khâu thu mua lúa trong nông dân đến
việc xay xát, phân phối gạo ngoài thị trường. Họ có cơ sở thu mua và xay xát ở các tỉnh
Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và trung tâm phân phối gạo tại Sài Gòn – Chợ
Lớn. Người Hoa có bí quyết ràng buộc khiến nông dân phải bán lúa cho họ bằng cách
“cho nông dân vay tiền trước để làm mùa rồi độc quyền thu mua toàn bộ lúa và nông sản
sau đó” (Nguyễn Văn Huy, 1993). Tại Bến Tre có chành lúa đồ sộ của ông Phan Ký là
người Hoa Quảng Đông – công ty Nam Thái là “một tổ chức kinh doanh lúa gạo lớn nhất
ở Bến Tre, vừa là đại lý cho các hãng buôn tạp hóa ở Chợ Lớn” (Phạm Thị Huệ, 2016).
Từ khi thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập hạt Cần Thơ (1876), nơi đây trở
thành trung tâm thương mại của miền Tây, nối kết từ Hậu Giang sang Tiền Giang đến
Sài Gòn – Chợ Lớn. Xung quanh chợ Cần Thơ, Cái Răng có nhiều chợ vệ tinh như
Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Tại chợ Cái Răng (Cần Thơ)
người Hoa đã lập ra chành lúa, “dự trữ lúa lúc đông ken giá rẻ, rồi chờ giá cao mới bán.
Mỗi chành lúa chứa vài chục ngàn bao, có khi đến cả trăm ngàn bao (loại bao 100kg)”
(Phạm Thị Huệ, 2016). Quá trình hình thành và phát triển của các chành lúa cho thấy
phương kế làm ăn hiệu quả của người Hoa, lý giải vì sao lĩnh vực nào họ kinh doanh
cũng nổi trội, có thế lực, chi phối thị trường. Chẳng hạn, chành lúa Lâm Chi Phát ban
đầu làm bằng sườn gỗ, lợp lá. Về sau, thay dần mái tole, xây tường bao. Thời kỳ phát
triển nhất, chành lúa này có hệ thống kho, ghe tàu và đội ngũ lái lúa có mặt khắp nơi thu
mua gom về cho Lâm Chí Phát.
https://doi.org/10.37550/tdmu.VJS/2020.02.18
8
Điều quan trọng là bên cạnh các chành lúa, các chủ chành đều xây dựng nhà máy để
chế biến gạo và chở về Sài Gòn xuất khẩu. “Việc làm ăn của các ông chủ chành lúa khá bài
bản: Ai có ghe lớn (50 giạ trở lên) thì được chành kêu đi mua lúa, ứng tiền trước tính theo
trọng lượng của ghe, sau đó chở về chành bán lại theo giá thị trường. Nhờ cách làm ăn này
mà vùng Cái Răng phát đạt nghề hàng xáo () với hàng trăm ghe, tạo thành những cánh
tay nối dài đắc lực của các chành, đến tận xóm ấp xa xôi” (Phạm Thị Huệ, 2016). Tại Kiên
Giang (trước năm 1973) có thể kể một số vựa lúa và nhà máy xay lúa của người Hoa
như: Vạn Phát, Đại Mậu, Tân Phát, Vĩnh Đại Hưng, Nam Mậu, Tân Hưng (người Hoa
Triều Châu), Vạn Thông Nguyên, Vĩnh Phát, Định Phát (người Hoa Hải Nam) (Đoàn
Nô, 2004). Người Hoa hoàn toàn chi phối thị trường lúa gạo, thu mua lúa từ nông dân,
xay xát và xuất khẩu gạo thành phẩm (Nguyễn Phan Quang, 2006). Không chỉ chiếm
lĩnh thị trường trong nước, người Hoa còn khuếch trương công việc kinh doanh sang
các nước Đông Nam Á. Giữa thế kỷ XIX, Cảng Rạch Giá – Hà Tiên nhộn nhịp, tấp nập
vì tàu buồm của người Hoa Hải Nam ra vào cảng Rạch Giá nhiều khi có đến 20 chiếc
trong ngày (Phan Thị Yến Tuyết, 2007). Những năm sau đổi mới, người Hoa ở ĐBSCL
có những công ty kinh doanh phát đạt như xí nghiệp hợp doanh và tư doanh UNIMEX
(liên doanh xuất nhập khẩu) Tiền Giang hợp tác với các công ty dệt Đài Loan như Chou
Yi Industrial, Vietai International Co. Hiện nay, tại khu vực chợ Cái Răng ở Cần Thơ,
những doanh nghiệp làm ăn lớn đều thuộc về người Hoa (Lê Văn Dũng, 2018).
Người Hoa sở hữu “hệ giá trị” cần và đủ cho công việc kinh doanh như: lấy chữ
tín làm đầu, không ngại khó khổ cần kiệm tích tiểu thành đại, chấp nhận rủi ro để tạo
bước ngoặc mới trong sự nghiệp kinh doanh, củng cố mạng lưới buôn bán thân tộc,
đồng hương, đồng tộc đồng thời phân chia thị trường kinh doanh để tránh sự cạnh tranh
làm suy yếu nhau; bảo vệ bí mật nghề nghiệp, nắm bắt nhu cầu thị trường, chiều chuộng
mọi khách hàng dù sang hay hèn, kinh doanh một cách có chiến lược.
3.2. Sẵn sàng tiếp thu và tích lũy kỹ thuật trồng trọt
Sản xuất nông nghiệp không phải là thế mạnh của người Hoa nói chung nhưng đối
với các nhóm Phương ngữ cư trú ở vùng nông thôn, sống bằng nghề nông họ cũng từng
bước tích lũy kinh nghiệm từ thực tế sản xuất hay học hỏi kinh nghiệm của người Việt,
người Khmer. Sau nhiều thế hệ những kinh nghiệm ấy được kết tinh thành vốn tri thức
của họ. Nhóm người Hoa Triều Châu có kinh nghiệm trong việc phân loại các chất đất:
đất cát, đất sỏi dùng để trồng mía, đậu; đất cát pha thịt ở các sườn đồi thấp trồng hoa
màu, đất đỏ ở các sườn đồi dốc và cao hơn thích hợp để trồng tiêu, còn những vùng đất
trũng và tương đối bằng phẳng được dùng để trồng lúa và tận dụng để luân canh các loại
hoa màu khác. Ở xã Bình An (Kiên Lương), đất đai và thời tiết chỉ thích hợp trồng lúa
một vụ, nên người Hoa Triều Châu chọn các giống lúa Minh Hải, Chim Rớt, Nàng
Hương, Hàm Châu, IR 504, OM 1723. Trong canh tác lúa, người Hoa đã tích lũy được
nhiều kinh nghiệm dự đoán thời tiết, kỹ thuật xác định độ chua và độ mặn của nước để
thay chua rửa mặn hoặc chờ tháo nước mưa từ các con sông ở ĐBSCL đổ về trước khi
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(45)-2020
9
xuống giống lúa. Trước đây chưa có phân bón hóa học, người Hoa biết lấy đất trong núi
đá vôi để bón cho ruộng lúa, loại đất này rất tốt cho sự sinh trưởng của cây lúa, đến hai
ba năm sau người ta mới phải bón một đợt nữa.
Ngoài trồng lúa, người Hoa Hải Nam ở xã Bình An, huyện Kiên Lương còn giỏi
kỹ thuật trồng tiêu. Theo Phan Thị Yến Tuyết (2007), đầu thế kỷ XX, ở Rạch Giá đã có
những vườn tiêu diện tích lớn của người Hoa Hải Nam như vườn tiêu của ông Lâm Thọ
Viễn, Lâm Du chuyên xuất khẩu tiêu đi các nước Đông Nam Á. Xác định cây tiêu là
kinh tế hàng hóa, người Hoa chăm sóc cây tiêu rất chu đáo, không ngừng tìm tòi, cải
tiến, nâng cao kỹ thuật, nhất là kinh nghiệm chọn đất thích hợp cho cây tiêu. Nhờ vậy,
việc trồng tiêu đã giúp nhiều hộ giàu lên nhanh chóng (Ngô Văn Lệ và cộng sự, 2007).
Người Hoa Triều Châu ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu có kỹ thuật trồng hành tím.
Những kinh nghiệm nổi bật của người Hoa Vĩnh Châu khi trồng hành là: làm đất (đất
trồng hành càng tơi xốp càng tốt), chọn thời điểm xuống giống (khi thời tiết bắt đầu hơi se
lạnh khoảng cuối tháng 11), lên liếp để xuống giống (liếp đất cao từ 15 - 20 cm, rộng từ
70 - 80 cm, vừa đủ xòe vòi nước của thùng khi tưới, đảm bảo được nguồn nước cung cấp
cho cây hành), phủ rơm để cây hành phát triển tốt (đập lúa bằng tay để những sợi rơm
không bị dập), lượng nước và thời gian tưới nước phù hợp (khi cây còn nhỏ tưới đều đặn
ngày hai lần sáng và chiều, khi cây được 45 ngày tuổi người ta không còn tưới nước buổi
chiều, để cây tập trung tăng trưởng phần củ)... Củ hành của người Hoa ở Vĩnh Hải đạt
chất lượng cao, hành không chỉ được tiêu thụ thị trường trong nước mà còn xuất sang
các nước Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ.
Người Hoa Triều Châu định cư ở cù lao Tắc Cậu (Kiên Giang) từ những năm 30
của thế kỷ XX đến nay vẫn sống chủ yếu bằng nghề trồng thơm xen canh với dừa, cau.
Bà L.N.H. kể “ban đầu họ chỉ trồng hoa màu, thu nhập rất bấp bênh. Đến năm 1940,
một người ở đây mang giống khóm từ miệt Cạnh Đền Vĩnh Thuận về trồng thử, thấy
thích hợp, người ra bắt đầu trồng nhiều hơn. Cho đến những năm 1950, cây khóm được
trồng phổ biến ở vùng này. Khóm ở cù lao Tắc Cậu có vị ngọt thanh dịu nhờ sự kết hợp
của chất đất phù sa với chất mặn và chất phèn ít nơi nào có được. Sự sáng tạo của người
Hoa Triều Châu ở Tắc Cậu không dừng lại ở đó, họ bắt đầu mở rộng loại cây trồng xen
canh, tạo nên một mô hình canh tác đặc sắc với ba tầng sinh thái: khóm-cau-dừa. Trong
quá trình sản xuất, người dân thường tận dụng hai bên bờ liếp trồng xen thêm dừa hoặc
cau để tăng thêm thu nhập. Dần dần cha ông chúng tôi đã chọn lọc được ba loại cây có thể
trồng xen canh với nhau rất phù hợp là dừa, cau và khóm” (Trần Hạnh Minh Phương,
2017).
Những năm 1950 -1960, khóm vùng này đã bắt đầu có thương hiệu là Khóm Tắc
Cậu. Thập niên 1980, khóm Tắc Cậu có diện tích trồng trên 1.600 ha. Từ sau 1990, do
thị trường khóm xuất khẩu ở Liên Xô và Đông u không còn, diện tích trồng khóm
giảm dần. Năm 2013, khóm Tắc Cậu đã được cấp chứng nhận thương hiệu tập thể. Khi
được hỏi tại sao chọn ba loại cây: dừa, cau và khóm xen canh với nhau, một người Hoa
https://doi.org/10.37550/tdmu.VJS/2020.02.18
10
giải thích “cái hay của mô hình này là mỗi loại cây có nhu cầu ánh sáng, dinh dưỡng
khác nhau, không cạnh tranh nhau. Khi chăm sóc, bón phân cho khóm nhưng cả ba loại
cây đều được hưởng nguồn dinh dưỡng. Nhờ xen canh nên nguồn thu nhập cũng ổn
định hơn, nếu loại nào đó bị mất giá thì cũng còn loại khác bù lại, không bị thua lỗ”
(Trần Hạnh Minh Phương, 2016) nhờ đó cuộc sống của họ tương đối ổn định.
3.3.Giàu tri thức và kinh nghiệm nơi ngư trường
Người Hoa Hải Nam không chỉ giàu kinh nghiệm với nghề trồng tiêu họ còn giỏi
về ngư nghiệp là hành trang họ mang theo từ cố quốc. Khi đến lập nghiệp tại Bình An
họ vẫn tiếp tục sống bằng nghề đi biển (các xóm chài Ba Trại, bãi Khóe Lá, bãi Bà
Lượu), lưu giữ và thực hành những tri thức nghề biển và làm các ngư cụ truyền thống
thích hợp để ứng dụng ở vùng biển Bình An. Theo Phan Thị Yến Tuyết (2007), người
Hoa Hải Nam đầu tiên họ Lâm đem ngư cụ câu kiều tới Bình An vào khoảng cuối thế
kỷ XIX. Đây là giàn câu lớn, chỉ những ngư hộ khá giả có vốn và tàu lớn mới có thể
dùng loại ngư cụ này. Giàn câu kiều với cấu trúc hệ thống lưỡi câu móc dày đặc khiến
con cá to đến đâu chỉ cần bị móc một hoặc hai lưỡi câu thì ba bốn lưỡi câu móc bên
cạnh sẽ móc thêm vào mình cá, cá càng vùng vẫy sẽ càng bị móc tiếp hết lưỡi câu này
đến lưỡi câu khác vô phương thoát khỏi. Loại ngư cụ này có đặc điểm là không bắt cá
nhỏ, chỉ bắt cá to, do đó không ảnh hưởng tận diệt nguồn cá. Để có giàn câu này phải
tiêu tốn nhiều công sức và tiền bạc nên ngư dân Bình An ngày nay không còn sử dụng
loại ngư cụ này nữa nhưng dù sao đã có một thời nó được sử dụng phổ biến, là nét độc
đáo của một phương thức sinh kế nơi người Hoa Hải Nam.
Sống bằng nghề đánh bắt xa bờ người Hoa Hải Nam tích lũy nhiều kinh nghiệm
định hướng đi biển, đánh bắt, chế tác ngư cụ, dự báo thời tiết được lưu truyền từ thế này
sang thế hệ khác, giúp họ có thể vượt qua được những trở ngại, khó khăn nơi biển cả, bắt
được nhiều tôm cá, và có thể bảo toàn được tính mệnh. Ngư dân xã Bình An nói chung,
người Hoa nói riêng có cách định hướng khi đi biển theo kinh nghiệm dân gian “Đi ra
trông sao, đi vào trông rú (núi)”, tức để xác định được phương hướng ra khơi đánh cá, họ
thường dựa vào sao Nam Tào và sao Bắc Đẩu. Dựa vào các ngôi sao để xác định phương
hướng mang tính kinh nghiệm dân gian nhưng rất chính xác, bởi những ngôi sao thường
mọc vào những giờ nhất định và ở một hướng cố định. Đối với những đêm không sao ngư
dân dựa vào hướng gió và các dòng chảy. Mỗi năm, ngư dân chia bốn mùa đánh bắt hải
sản dựa theo hướng gió: mùa chướng (từ tháng 1 -3 ÂL), mùa yên (tháng 3-5 ÂL), mùa
nam (tháng 6-9 ÂL) và mùa Bắc (tháng 9-12 L). Vào mùa chướng, mùa nam, mùa bắc
hướng gió rất rõ, nên ngư dân dễ dàng xác định phương hướng.
Sẵn sàng đương đầu với những khó khăn trên biển khơi để đánh bắt được nhiều
hải sản đó là mục tiêu của ngư dân người Hoa Hải Nam. Trải qua nhiều năm sống với
nghề đi biển, họ đã đúc kết những kinh nghiệm rất quý báu, trong đó quan trọng nhất là
kinh nghiệm chọn thời điểm đi đánh bắt nhất chạng vạng, nhì rạng đông. Hừng đông và
chạng vạng là khi thời tiết mát mẻ, tôm cá thường lên tầng trên để kiếm ăn nên đánh bắt
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(45)-2020
11
được nhiều hơn. Nên ngư dân Bình An thường đi đánh bắt vào buổi chiều mát. Họ thả
lưới đánh bắt cho đến lúc rạng sáng rồi đưa tàu về đất liền để bán tôm cá hoặc bán tại
chỗ cho những người đi ghe thu mua hải sản trên biển. Sự trải nghiệm với nghề cũng
cho ngư dân những kinh nghiệm quý báu trong việc đoán biết loài tôm, cá, mực,
ghẹthường có nhiều vào mùa nào, sống ở chỗ nào nhiều nhất. Theo ngư dân người
Hoa “mùa chướng là mùa có năng suất đánh bắt cao nhất, đặc biệt là đánh bắt tôm, kế
đó là mùa nam đánh bắt được nhiều ghẹ và chem chép và ghẹ trong mùa này cũng cho
chất lượng thịt ngon nhất” (Lê Nguyễn Minh Tấn, 2007).
Ngư dân Bình An còn có nhiều kinh nghiệm về nơi sống của các loài tôm cá như:
tôm, tép thường sống theo cồn (những chỗ hơi nhô cao dưới nước và không có bùn),
tôm tít, ghẹ sống ở chỗ trũng, có bùn, chem chép sống ở những nơi cạn, cá nhồng
thường sống ở những gành đá. Cá nhồng không thể dùng lưới đánh bắt, mà chỉ có thể
dùng câu để bắt chúng. Cá mập tịnh, cá dao, cá kiếm thường chỉ đi đơn lẻ, muốn bắt
phải dùng một lưới riêng. Một số ngư dân còn đoán biết cá voi hay cá mập khi nhìn thấy
vòi nước phun lên (vòi nước thẳng đó là cá voi, vòi nước xéo (lệch) về một bên là cá
mập dữ, có thể gây nguy hiểm cần phải tránh xa). Có ngư dân còn nhìn sao để đoán mùa
cá bội thu hoặc ít cá.
Một tri thức dân gian khác không kém phần quan trọng đối với ngư dân nói chung
và ngư dân người Hoa nói riêng là kinh nghiệm dự báo thời tiết. Thời tiết không chỉ có
liên quan đến việc đánh bắt cá, mà còn liên quan đến sinh mạng của họ. Trước khi ra
khơi, bao giờ họ cũng quan sát thiên nhiên xung quanh để phát hiện những dấu hiệu bất
thường. Chẳng hạn, khi trời sắp có bão sẽ có những hiện tượng như trời đang êm, biển
lặng mà có sóng lượn hơi lớn hay vào ban đêm nhìn xuống nước thấy có những tia sáng
phụt lên, ngư dân gọi là những chớp nước, nên ngư dân có câu chớp nước không mưa
trước thì bão sau. Bên cạnh đó, những điều bất thường liên quan đến tôm, cá cũng là
những dấu hiệu báo bão. Tôm, cá có thể nhận biết được những tín hiệu của bão. Khi đi
câu, nếu cá ăn nhiều một cách bất thường. giật không kịp là những “điềm báo” không
tốt. Vì khi sắp có bão, đáy biển sẽ có động trước, các loài tôm cá sẽ chạy lên tầng nước
trên. Trong những trường hợp đó, họ phải nhanh chóng thu lưới để tìm chỗ ẩn nấp vì
chắc chắn sẽ có bão. Nếu bão càng lớn thì những lượn sóng bất thường và sự di chuyển
của tôm cá càng lớn và càng đông đúc.
Ngày nay, người Hoa không còn đi biển bằng thuyền buồm như thế hệ cha anh mà
đã có những con thuyền được trang bị những thiết bị hiện đại để xác định phương
hướng, định vị nơi có những đàn cá di chuyển, những thiết bị để biết tin tức về bão. Tuy
nhiên, những thiết bị này chưa thay thế được tất cả những tri thức dân gian mà họ đã
tích lũy qua nhiều đời. Những ngư dân trẻ vẫn được những người có kinh nghiệm chỉ
dạy cho cách xác định hướng gió, dòng chảy, cách nhìn núi để đoán phương hướng,
những nơi nào có nhiều tôm cá, những dấu hiệu có bão. Những thiết bị hiện đại có thể
giúp họ giải quyết nhiều vấn đề nhưng trong trường hợp thiết bị hư thì ngư dân phải dựa
https://doi.org/10.37550/tdmu.VJS/2020.02.18
12
vào những kinh nghiệm của nghề biển để hoàn thành chuyến đánh bắt. Biển cả là nơi bí
hiểm, luôn có thể có những biến cố bất ngờ mà những thiết bị hiện đại không thể nào
kiểm soát hết được. Cho nên, thói quen quan sát biển, quan sát hiện tượng thiên nhiên
dường như đã trở thành một điều không thể thiếu được của ngư dân khi đánh bắt xa bờ”
(Lê Nguyễn Minh Tấn, 2007)
3.4. Phong phú bí quyết gia truyền trong sản xuất thực phẩm
Trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, người Hoa đã tích lũy các công thức pha chế
sao cho sản phẩm của họ có khẩu vị đặc biệt không lẫn với sản phẩm của cơ sở sản xuất
khác, chinh phục được cả những khách hàng khó tính. Để bảo vệ tính độc quyền này
người Hoa tuyệt đối bảo vệ bí mật nghề nghiệp nên người Hoa thường không muốn cho
con gái kết hôn với người khác tộc người vì không muốn con của mình truyền nghề gia
truyền cho người ngoại tộc. Việc sản xuất của họ diễn ra sau tấm vách ngăn phòng
khách với khu nhà xưởng. Trên vách treo tấm bảng kẻ đậm hàng chữ “không phận sự
cấm vào”.
Một trong những loại thực phẩm khô trở thành món ăn phổ biến được ưa thích ở
ĐBSCL từ xưa đến này là lạp xưởng vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng trở thành
loại thực phẩm không thể thiếu được trong các tiệm tạp hóa nên đây cũng là nghề gia
truyền của người Hoa. Theo ông Ngô H.T (sinh năm 1954, phường 6, thành phố Trà
Vinh) mặt hàng này dễ bán, thu lãi nhanh. Ông kể gia đình ông đã sống bằng nghề làm
lạp xưởng từ đời ông nội của ông (cuối thế kỷ XIX). Ban đầu ông nội ông đi làm công
cho chủ, sau tích lũy được ít vốn ra làm riêng. Khi ông nội ông qua đời, nghề này được
truyền lại cho ba ông thì nhãn hiệu lạp xưởng Xuân Ký của gia đình ông không chỉ có
tiếng trong vùng mà còn được khách hàng ở Sài Gòn ưa chuộng. Ba ông mở rộng cơ sở
sản xuất, thuê thêm nhân công để sản xuất đủ hàng bán lẻ tại địa phương và giao mối
cho các chủ tiệm ở Sài Gòn. Ông Ngô H.T chia sẻ kinh nghiệm việc chọn thịt – khâu
quan trọng quyết định chất lượng của lạp xưởng không lấy thịt dai, sườn tạp, chỉ lấy thịt
đùi nên giá lạp xưởng của tiệm tui hơn cao hơn những chỗ khác. Người ta hay phân bì
giá, nói sao chị dưới bán rẻ hơn tui nói là tùy theo, có ai đi mua đồ tốt mà lại bán rẻ
hơn, không bao giờ mình mua mắc là mình phải bán mắc. Theo ông làm lạp xưởng
không khó miễn chịu khó học hỏi và cải tiến. Sau nhiều năm trong nghề chỉ nhìn miếng
thịt heo ông đã biết con heo lúc còn sống bao nhiêu ký để quyết định có mua thịt đó hay
không (heo nuôi quá tháng thịt không ngon, lạp xưởng cũng không ngon). Ông còn tự
mình kiểm tra “thịt tốt hay thịt xấu”. Tiệm của ông chỉ mướn thợ làm những khâu mang
tính thủ công, riêng việc pha chế ông tự làm vừa để giữ nghề, vừa đảm bảo hương vị
không bị thay đổi để giữ vững thương hiệu vì vậy ông vẫn duy trì được phần lớn những
mối lấy hàng từ thời ba ông tại Trà Vinh, thành phố Hồ Chí Minh (những chủ sạp ở chợ
Thiếc, chợ Kim Biên). Mối quan hệ làm ăn này được củng cố bằng chữ tín hơn 40 năm.
Khi họ cần hàng chỉ cần điện thoại, ông gửi hàng theo xe, sau đó họ chuyển tiền về. Mối
quan hệ này cả hai bên cùng có lợi, ông bán được nhiều hàng và những bạn hàng không
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(45)-2020
13
có vốn vẫn lấy được hàng để bán, bán hết trả lại vốn, theo kiểu gối đầu (Trần Hạnh
Minh Phương, 2016).
Người Hoa Triều Châu ở Cầu Kè, Vĩnh Hải (Sóc Trăng) có nghề làm xái pấu (củ
cải trắng muối). Đó là nghề gia truyền dòng họ Vương mang từ Sua Tháo (Sơn Đầu,
còn gọi Sán Đầu, Triều Châu) sang Việt Nam. “Xái pấu” được sản xuất ở đây có màu
vàng đẹp mắt, lấp lánh những tinh thể muối trắng tinh, cầm không dính tay, có mùi
thơm đặc trưng. Người Hoa ở Sóc Trăng có món đặc sản mè láo. Bánh cực xốp, giòn
tan và thơm, lớp mạch nha bao phủ bên ngoài ngon ngọt cùng hương thơm của mè sẽ
làm bạn thích thú hơn khi ăn. Nghề làm bánh tiêu, giò cháo quẩy là nghề độc quyền của
người Hoa với các bí quyết trộn ủ bột sao cho khi chiên, bánh tiêu, giò cháo quẩy nở
phồng to vàng rộm. Người Hoa cũng giấu kín bí quyết phối trộn bột làm bánh bao, bánh
trung thu, bánh in, há cảo Món hủ tiếu của người Hoa có nước lèo ngọt vị xương heo
hầm mục khác biệt nước lèo do người Việt nấu. Họ có bí quyết dùng phụ liệu cho nước
lèo có vị ngọt đậm, ai nhờ chỉ cách cũng khôn khéo chối từ. Ngoài ra, người Hoa còn
độc quyền các nghề chế biến da heo phồng, đậu phộng chiên, nước tương, tương chao,
mì sợi, bánh pía, mè láo, lạp xưởng, hột vịt muối Nhân công trong các xưởng chế
biến mỗi người được chủ phân công lo một khâu. Chủ doanh nghiệp người Hoa đích
thân sơ chế các nguyên liệu hảo hạng, điều hành quy trình chế biến chính, quyết định
chất lượng sản phẩm. Nhiều người cũng bắt chước làm nhưng không thể nào sánh bằng
sản phẩm độc quyền. Các chủ doanh nghiệp người Hoa chỉ truyền bí quyết nghề nghiệp
cho con trai để giữ độc quyền. Nhà người Hoa nào sinh toàn con gái thì nghề nghiệp
thất truyền vì phụ nữ người Hoa lập gia đình rồi theo nghề của bên nhà chồng. Không
phụ nữ nào mang nghề gia truyền truyền lại cho bên nhà chồng.
4. Kết luận
Tri thức tộc người của người Hoa thể hiện trong cả hai mối quan hệ: con người -
con người (trong buôn bán), con người - thiên nhiên (nông nghiệp, ngư nghiệp). Trong
mối quan hệ con người - con người, người Hoa coi trọng nhất là uy tín, coi uy tín như
“vật bảo chứng” trong các cuộc giao dịch làm ăn. Uy tín không chỉ thể hiện trong chất
lượng hàng hóa, dịch vụ mà còn được coi như "nguồn vốn" trong sản xuất, kinh doanh.
Cũng trong mối quan hệ này, người Hoa có óc kinh doanh nhạy bén, họ chú ý quan sát
hành vi của người tiêu dùng từ những chi tiết nhỏ nhặt đến những thứ cao sang nhất để
chinh phục được lòng tin của khách hàng. Một căn tính độc đáo giúp người Hoa thành
công là sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro, mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi mặt hàng kinh
doanh. Tinh tế trong việc giải quyết mối quan hệ giữa con người với con người là hệ giá
trị quý báu giúp người Hoa thành công trong lĩnh vực kinh doanh. Đối với mối quan hệ
giữa con người với thiên nhiên ở ĐBSCL, người Hoa phát hiện những đặc điểm của tự
nhiên trong các hoạt động trồng trọt, khai thác thủy sản, đưa những tri thức ấy trở thành
sở hữu bí truyền nghề nghiệp của gia đình, dòng tộc và vận dụng trong sản xuất. Ngày
https://doi.org/10.37550/tdmu.VJS/2020.02.18
14
nay, môi trường tự nhiên, xã hội đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ họ mới đến định cư,
tri thức tộc người cũng ít nhiều thay đổi để phù hợp nhưng những bí quyết trong lĩnh
vực kinh doanh vẫn còn nguyên giá trị. Dù ở trong môi trường và hoàn cảnh nào, người
Hoa vẫn luôn vượt trội trong sản xuất kinh doanh nhờ tri thức tộc người về hoạt động
kinh tế.
Bài viết thực hiện trong khuôn khuổn đề tài "Tri thức tộc người về hoạt động kinh tế
ở ĐBSCL" do GS.TS. Ngô Văn Lệ chủ nhiệm, được tài trợ bởi Đại học Quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ đề tài mã số B2018-18b-02.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Amer Rames (2002). Nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam các khuynh hướng, vấn đề và
thách thức. Phan Huy Lê (2002). Các nhà Việt Nam học nước ngoài viết về Việt Nam (61-
77). Hà Nội: NXB Thế Giới.
[2] Ban Chỉ đạo điều tra dân số và nhà ở Trung ương - BCĐ (2010). Tổng điều tra dân số và
nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội: Cục thống kê.
[3] Công ty HAKIA (2016). Retrieved from
[4] Đào Trinh Nhất (1924). Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ. Hà Nội: Nhà in
Thụy Ký.
[5] Đoàn Nô (2004). Người Hoa ở Kiên Giang. Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc.
[6] Lê Nguyễn Minh Tấn (2007). Tri thức dân gian nghề biển của ngư dân xã Bình An, huyện
Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (2007). Biến đổi
kinh tế, văn hóa, xã hội ở cộng đồng đa dân tộc (Việt, Khmer, Hoa) tại xã Bình An, huyện
Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Thành phố Hồ Chí Minh: Bản đánh máy.
[7] Lê Văn Dũng (2018). Phát huy người có uy tín trong cộng đồng người Hoa tại Sóc Trăng.
Retrieved from Đại đoàn kết:
[8] Ngô Thị Phương Lan (2007). Đặc điểm hoạt động kinh tế của cư dân xã Bình An, huyện
Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (2007). Biến đổi
kinh tế, văn hóa, xã hội ở cộng đồng đa tộc người (Việt, Khmer, Hoa) tại xã Bình An, huyện
Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Thành phố Hồ Chí Minh: Bản đánh máy.
[9] Ngô Văn Lệ, Huỳnh Ngọc Thu, Ngô Phương Lan. (2016). Tri thức bản địa của các tộc
người thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội Việt Nam. Hà Nội: NXB
Chính trị Quốc gia.
[10] Nguyễn Phan Quang (2006). Một số công trình sử học. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB
Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
[11] Nguyễn Văn Huy (1993). Người Hoa tại Việt Nam. Paris.
[12] Phạm Thị Huệ (2016). Một số trung tâm buôn bán lúa gạo ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc. Tạp
chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ. Số 44. file:///C:/Users/DIEP/Downloads/12-
XHNV-PHAM%20THI%20HUE(100-105)%20(1).pdf
[13] Phan Thị Yến Tuyết (2007). Đặc điểm cộng đồng người Hoa Hải Nam tại xã Bình An,
huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đại học Quốc gia thành phố Hồ chí Minh (2007).
Biến đổi kinh tế, văn hóa, xã hội ở cộng đồng đa dân tộc (Việt, Khmer, Hoa) tại xã Bình
An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Thành phố Hồ Chí Minh: Bản đánh máy
Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một Số 2(45)-2020
15
[14] Tong Chee Kiong, Yong Pit Kee (Bùi Thế Cường dịch, 2014). Guanxi, Xinnyong và mạng
lưới kinh doanh của người Hoa. Tạp chí Khoa học xã hội. Số 3 (187).
[15] Trần Hạnh Minh Phương (2017). Dân số và di cư-di dân tại cộng đồng người Hoa và tác
động đối với phát triển bền vững vùng (nghiên cứu trường hợp tại phường Lê Bình – thành
phố Cần Thơ). Báo cáo chuyên đề. Lê Thanh Sang (Chủ nhiệm, 2017). Vấn đề dân số và di
dân trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước.
Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ -
KHCN/14-19. Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ.
[16] Trần Hạnh Minh Phương (2016). Cộng đồng người Hoa ở vùng Tây Nam Bộ (Cần Thơ,
Sóc Trăng, Kiên Giang) trong mối quan hệ với người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh và
quê gốc ở Trung Quốc. Báo cáo chuyên đề. Võ Công Nguyện (chủ nhiệm, 2016). Nghiên
cứu tổng thể vấn đề dân tộc đối với việc phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Đề tài khoa
học công nghệ cấp Nhà nước. Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền
vững vùng Tây Nam Bộ - KHXH/14-19. Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ.
[17] Trần Hạnh Minh Phương (2020). Tri thức tộc người của người Hoa ở đồng bằng Sông Cửu
Long về hoạt động kinh tế. Báo cáo chuyên đề. Ngô Văn Lệ (chủ nhiệm, 2020). Tri thức
tộc người về hoạt động kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long. Đề tài khoa học công nghệ.
Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
[18] Trần Thị Bích Ngọc (1991). Vai trò của người Pháp và người Hoa trong việc xuất khẩu lúa
gạo ở Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 9.
[19] Tsai Maw Key (1968). Người Hoa ở Miền Nam Việt Nam. Paris.
[20] Vương Hồng Sển (1999). Tự vị tiếng nói Miền Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Trẻ.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tri_thuc_toc_nguoi_ve_hoat_dong_kinh_te_cua_nguoi_hoa_o_dong.pdf