Triết học - Tìm hiểu các định nghĩa khác nhau về tâm linh

Tóm lại, tâm linh hiểu theo nghĩa khái quát nhất có hai lớp nghĩa, hai tầng cơ bản liên quan với nhau: 1/ tâm linh là bí ẩn vũ trụ và bí ẩn tâm trí não người; 2/ tâm linh là sự thiêng hóa chúng ở mức độ nào đó. Nghĩa thứ nhất có tính tự nhiên, khách quan, làm tiền đề; còn nghĩa thứ hai là tính chủ quan, là mặt tâm lý văn hóa xã hội. Thiêng hóa là nghĩa đen/ nghĩa hẹp, nghĩa trực tiếp của khái niệm tâm linh. Tâm linh, dù nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, thực chất là một loại năng lực kép (khách quan và chủ quan): năng lực huyền diệu và năng lực thiêng hóa năng lực huyền diệu ấy ở mức nào đó, như là hệ quả của nó. Các hiện tượng tâm linh là biểu hiện cụ thể của năng lực ấy. Năng lực thiêng hóa là một năng lực phái sinh của năng lực gốc (huyền diệu, bí ẩn, siêu việt ). Từ đó chúng ta có các khái niệm và lĩnh vực nghiên cứu cụ thể như năng lực tâm linh, bản chất tâm linh, đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh, ý thức tâm linh, quá trình tâm linh, phương pháp tâm linh. Chúng trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn

pdf12 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 804 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Triết học - Tìm hiểu các định nghĩa khác nhau về tâm linh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
32 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 HỒ BÁ THÂM* TÌM HIỂU CÁC ĐỊNH NGHĨA KHÁC NHAU VỀ TÂM LINH Tóm tắt: Tâm linh là lĩnh vực phức tạp, cần tiếp tục nghiên cứu ở nhiều góc độ. Cho đến nay, ý kiến về vấn đề này rất khác nhau. Bài viết tìm hiểu các định nghĩa khác nhau về tâm linh, từ đó đưa ra định nghĩa tâm linh theo nghĩa rộng, nghĩa hẹp và nghĩa chung với mong muốn có sự nhất quán trong tiếp cận đời sống tâm linh ở nước ta hiện nay. Từ khóa: Định nghĩa tâm linh, đời sống tâm linh, sự linh thiêng, thế giới bên kia. 1. Những cách hiểu khác nhau về thuật ngữ “tâm linh” Cho đến nay, thuật ngữ tâm linh có nhiều cách hiểu khác nhau vào loại bậc nhất. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về tâm linh: hoặc thiên về lĩnh vực tôn giáo, hoặc thiên về sự giao tiếp với cõi âm, hoặc thiên về lĩnh vực bí ẩn siêu việt, hoặc tất cả các lĩnh vực nêu trên. Các cách tiếp cận này liên quan với nhau như thế nào? Theo Nguyễn Đăng Duy1: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo”. Trần Thị Mai Nhân cho rằng, tâm linh “thường được hiểu như đời sống tinh thần đầy bí ẩn của con người, đối lập với ý thức kiểu lý tính thuần túy. Nó bao gồm cái phi lý tính, cái tiềm thức, vô thức, bản năng thiên phú có thể nhấn mạnh phần trực cảm, linh giác, những khả năng bí ẩn”2. Trả lời câu hỏi thế nào là tâm linh, Lại Nguyên Ân giải thích: Vốn từ tiếng Việt từ xưa (được ghi trong các từ điển của A. de Rhodes năm 1561, của P. de Béhaine năm 1772, của J. L. Taberd năm 1838) có “hồn”, “tâm”, “linh hồn”, nhưng không có “tâm linh”. Đến nửa đầu thế kỷ XX, mới thấy một số nhà soạn từ điển ghi từ “tâm linh”, nhưng nội hàm lại mang nhiều khác biệt. Đào Duy Anh (Hán - Việt từ điển, năm 1932) định nghĩa tâm linh/ 心 靈 là “cái trí tuệ tự có trong lòng người”, và đối chiếu nó với một từ tiếng Pháp tương đương là “intelligence” mà ngày nay * TS., Thành phố Hồ Chí Minh. Hồ Bá Thâm. Tìm hiểu các định nghĩa 33 được hiểu là trí tuệ, trí năng. Thiều Chửu (Hán -Việt tự điển, năm 1942) không ghi từ “tâm linh” nhưng có một sự xác định rất hay là “thần” 神 và “linh” 靈 như cặp đối lập âm dương: tinh anh của khí dương là “thần”, tinh anh của khí âm là “linh”. Tuy nhiên, những xác định ngày càng tiệm cận đối tượng nêu trên đã dừng lại. Từ năm 1945 đến giữa những năm 1980, không thấy thuật ngữ tâm linh trong thao tác ngôn từ của giới nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam. Từ giữa những năm 1980 trở đi, người ta nói đến tâm linh nhiều hơn, nhưng xác định hàm nghĩa lại thường cách biệt nhau. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, bản in năm 2006, xác định “tâm linh” trong hai nét nghĩa: “1/ tâm hồn, tinh thần; 2/ khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm”. Định nghĩa này, nhất là ở nét nghĩa thứ hai, rõ ràng quá hẹp, lại có dấu ấn của định hướng ý thức hệ trong lĩnh vực từ vựng học, tức là ảnh hưởng nhiều từ tập quán nghiên cứu trước năm 1990. Hiện tại có lẽ khó tìm ra một định nghĩa thỏa đáng về tâm linh. Theo tôi, nguyên nhân then chốt của điều này là sự thừa nhận hay phủ nhận lĩnh vực được gọi là đời sống tâm linh. Nói sát nghĩa hơn, điều này phụ thuộc vào việc các chủ thể tin rằng có linh hồn vẫn còn sau khi người ta đã chết? Có tồn tại thế giới bên kia? Chỉ với niềm tin ấy, người ta mới thừa nhận ý nghĩa của những hành vi giao tiếp với thế giới siêu thực bí ẩn, tức là đời sống tâm linh. Niềm tin vào một thế giới siêu thực tồn tại song song với thế giới hiện thực luôn có không chỉ ở những tộc người kém phát triển trước đây, mà còn ở ngay cả những cộng đồng người văn minh trong xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp hiện nay. Thế giới siêu thực ấy dường như chứa đựng lý tưởng cho những người hướng về nó, dường như cung cấp sự phán xét tiềm năng và xứng đáng với sự mong đợi của họ. Như vậy, người nghiên cứu, dù tin hay không tin vào linh hồn và thế giới bên kia, vẫn được/ bị chứng kiến đời sống tâm linh của những cộng đồng xung quanh như một thực tại khách quan cần phải tìm hiểu. Quan điểm duy vật triệt để tin rằng, chỉ những người đang sống mới có đời sống trí tuệ, tư duy, tâm hồn; rằng con người chết đi thì mọi thứ đó đều mất hết; rằng không hề có thế giới bên kia và không thể giao tiếp với thế giới tồn tại trong niềm tin ấy. Có lẽ, thứ duy vật luận nhất quán ấy là cái cớ khiến thuật ngữ tâm linh không có trong bảng từ vựng thông dụng một thời gian khá dài. 34 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 Trái với trạng thái ấy, con người thực tiễn vốn chiếm số đông thường sống với trạng thái nhị nguyên, thỏa hiệp với cả hai tâm thế đối cực: vừa thừa nhận những xác định duy vật như trên, vừa ít nhiều tin vào cõi thiêng và theo tập quán, ít ra cũng thực hành nghi thức thờ cúng ông bà cha mẹ, dù có hay chỉ ngờ ngợ hoặc không thật tin linh hồn những thế hệ quá cố vẫn tồn tại đâu đó ở thế giới bên kia. Do vậy, dù sao đời sống tâm linh cũng là một phương diện có thật của đời sống con người. Tâm linh nên được hiểu là khu vực siêu việt, siêu thực trong đời sống tinh thần con người, bên cạnh khu vực trí tuệ, tâm hồn vốn được xem là những hoạt động bình thường. Nhu cầu của đời sống tâm linh khiến người ta tạo ra những cơ sở thờ tự và hệ thống nghi thức, lễ thức để có thể thực hiện nhu cầu ấy. Cốt lõi của đời sống tâm linh là sự giao tiếp với cõi thiêng, với đối tượng thiêng. Sự giao tiếp có thể là ảo dưới con mắt của kẻ đứng ngoài, nhưng là thực ở chủ thể đang thực hành (Lại Nguyên Ân)3. Có lẽ hai ý nhấn mạnh trên đây, ý trước (khu vực siêu thực) là định nghĩa là khái quát nhất về tâm linh; ý sau (giao tiếp với cõi thiêng) là nghĩa đen của định nghĩa tâm linh. Nhưng cái thần bí/ cái thiêng có nguồn gốc từ cái gì? Tôn giáo đã thiêng hóa một trong những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ và con người. Cho nên, người ta khám phá ra sự thật, tồn tại siêu việt, bí ẩn thường hằng của vũ trụ và nhân sinh. Như thế, có tâm linh mang hình thức tôn giáo và có tâm linh ngoài lĩnh vực đó. Ý sau mới là vấn đề chính của thế giới ngày nay. Theo Roberto Assagioli: “Nếu có một từ nào bị lầm lẫn, khó hiểu, và hiểu sai nhiếu nhất, thì đó lá từ tâm linh []. Người ta thường lầm lẫn tâm linh và trí tuệ, một sự lầm lẫn dễ xảy ra hơn trong tiếng Pháp với từ esprit và trong tiếng Đức với từ geisi. Những từ này được dùng trong những thứ tiếng ấy để chỉ hai hiện thực khác nhau. Hơn nữa, từ esprit còn được dùng theo nghĩa psyché (tâm thần), mang tính tâm lý”4. Roberto Assagioli nhấn mạnh, thuật ngữ tâm linh (esprit) là “tính hiện thực tối cao dưới dạng siêu việt, tức tuyệt đối của nó, không có giới hạn hay quy định cụ thể nào. Như vậy, tâm linh tự nó vượt qua một giới hạn thời gian hay không gian, mọi liên hệ với vật chất. Theo bản chất của nó, tâm linh là vĩnh hằng, vô hạn, tự do, phổ biến. Tính hiện thực cao nhất và Hồ Bá Thâm. Tìm hiểu các định nghĩa 35 tuyệt đối ấy không thể nào biết được về mặt trí tuệ, vì nó vượt qua trí tuệ của con người, nhưng nó lại có thể được nêu lên thành những định đề về mặt lý trí, được phát triển về mặt trực giác và, ở một mức độ nào đó, được thể nghiệm về mặt thần bí”5. Ở đây, theo tác giả, khái niệm tâm linh có hai phương diện: cái trực giác và cái thần bí/ thiêng liêng. Đức Huy và Đồng Công Hữu lại đưa ra một định nghĩa ngắn gọn và chung chung về tâm linh như sau: “Tâm linh là phần sáng trong tâm, phần để hiểu biết sự vật”6. Nếu tâm linh là “phần để hiểu biết sự vật”, tức là năng lực phản ánh, nhận thức sự vật thì chưa rõ. “Tâm linh là phần sáng trong tâm” thì đúng hơn. Điều đáng chú ý là hai tác giả trên không đề cập tới khía cạnh tôn giáo. Thực ra, tâm linh là một loại năng lực cảm nhận, thăng hoa, đặc biệt để thấu hiểu chiều sâu bản ngã và sức mạnh tiềm ẩn con người với tư cách là tiểu vũ trụ. 2. Các cách hiểu tâm linh theo nghĩa hẹp Phạm Ngọc Quang cho rằng: “Tâm linh không phải là vấn đề mới, nhưng do nhiều nguyên nhân, vấn đề này chưa được đầu tư nghiên cứu đúng mức. Do vậy, quan niệm về nó còn có những ý kiến rất khác nhau. Sự chưa tường minh trong nhận thức lý luận về tâm linh dẫn tới những cách đối xử rất khác nhau đối với nó. Thực tế trong những năm qua cho thấy, hầu hết chúng ta rơi vào hoặc là hữu khuynh, hoặc tả khuynh khi giải quyết vấn đề tâm linh. Để góp phần khắc phục hai cực đoan sai lầm đó, cần có sự đầu tư nghiên cứu công phu hơn, nghiêm túc hơn đối với vấn đề này”7. Từ đó, tác giả khảo sát khái niệm tâm linh và đưa ra cách hiểu của mình. Nhưng cách hiểu tâm linh của tác giả, theo chúng tôi, vẫn chưa đủ và có chỗ chưa ổn. Dưới đây là một số khái niệm hoặc quan niệm của các nhà nghiên cứu cùng lời bình của Phạm Quang Ngọc. Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, tâm linh là khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm8. Trong định nghĩa này, có hai điểm cần bàn: Một là, tâm linh không chỉ là khả năng tự mình biết trước biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, mà còn là khả năng biết trước biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với người khác. Hai là, tâm linh có hai khả năng khiến người ta biết trước biến cố nào đó có thể xảy ra: a/ Hoàn toàn có cơ sở thực tế, có thể kiểm chứng đ- ược chứng tỏ sẽ có biến cố xảy ra (thí dụ, xăng để gần nơi nấu ăn nhất định sẽ sinh cháy nhà, gây tai nạn chết người); b/ Được sự mách bảo bởi lực lượng vô hình nào đó, bởi một tâm thức hết sức mơ hồ, trừu tượng 36 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 không có cơ sở thực tế nào mà người đó vẫn biết trước có sự cố nào đó sẽ xảy ra. Phạm Ngọc Quang cho rằng, chỉ trường hợp thứ hai mới gọi là tâm linh, mới thuộc về hiện tượng tâm linh9. Lê Minh cho rằng: “Con người sở dĩ trở thành con người, một phần căn bản là do nó có đời sống tâm linh, nghĩa là tuân theo những giá trị bắt nguồn từ cái thiêng liêng, cái bí ẩn”10. Tương tự, Vũ Tự Lập viết: “Thế giới tâm linh là thế giới của cái thiêng liêng, mà ở đó chỉ có cái gì cao cả, l- ương thiện và đẹp đẽ mới có thể vươn tới. Cả cộng đồng tôn thờ và cố kết nhau lại trên cơ sở của cái thiêng liêng đó”11. Từ đó, Phạm Ngọc Quang quan niệm, cái thiêng là cơ sở cố kết cộng đồng có nhiều loại khác nhau, ít nhất có hai loại cơ bản: cái thiêng mang tính trần tục (như Tổ quốc, quê h- ương, làng xã,) và cái thiêng mang tính siêu nhiên (như Jesus Christ, Thích Ca Mâu Ni, Mohammet,...). Việc xếp cả hai loại đó vào thế giới tâm linh là không hợp lý. Trong trường hợp thứ hai, xem thế giới tâm linh là thế giới của lực lượng siêu nhiên sẽ làm nhòa ranh giới giữa tâm linh và tôn giáo12. Gần với quan niệm của Vũ Tự Lập, Nguyễn Đăng Duy cho rằng: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo. Cái thiêng liêng cao cả, niềm tin thiêng liêng ấy được đọng lại ở những biểu tượng, hình ảnh, ý niệm”13. Như vậy, trong cuộc sống đời thường, cái thiêng liêng cao cả có thể là những con người, sự vật hiện thực (quê hương, đất nước, người có công với nước). Trong đời sống tôn giáo, cái thiêng liêng cao cả là những yếu tố siêu nhiên (thần linh, Thượng Đế, Chúa Trời). Trong trường hợp thứ nhất, theo chúng tôi, không thể xem đó là tâm linh. Trong trường hợp thứ hai, đồng nhất tâm linh với niềm tin tôn giáo. Theo Nguyễn Hoàng Phương, tâm linh là lễ nghi ma thuật của các tộc người nguyên thủy; là bói toán, tiên tri thời cổ đại; là tôn giáo, thần học thời trung đại; là ngoại cảm, sự hài hòa của vũ trụ, một phần là biểu hiện của trí tuệ đại vũ trụ thời hiện đại. Từ đó, ông dự báo: “Các hiện tượng tâm linh sẽ trở thành khoa học thống soái của các thế kỷ sau, cũng như khoa học vật lý là đế vương của thế kỷ này”14. Trong quan niệm này, đặc biệt là ý kiến về tâm linh thời hiện đại, tác giả định nghĩa tâm linh bằng cách quy nó về một số khái niệm mà bản thân các khái niệm đó cũng chưa rõ như ngoại cảm15, sự hài hòa của vũ trụ, biểu hiện của trí tuệ đại vũ trụ. Vẫn theo Phạm Ngọc Quang16, những năm gần đây, sách báo dùng chữ tâm linh để chỉ những hiện tượng như chị Hằng, cô Phương, anh Hồ Bá Thâm. Tìm hiểu các định nghĩa 37 Liên tìm mộ, tìm người đã khuất hoặc còn sống; biết được những gì đã diễn ra trước, trong và sau khi chết của con người cụ thể. Liên quan tới sự hiểu biết của người có khả năng đặc biệt, Phạm Ngọc Quang cho rằng, có hai khả năng xảy ra: Một là, nhờ có khả năng đặc biệt, tự bản thân ng- ười đó biết được một số sự kiện đã, đang và sẽ xảy ra, mặc dù họ không trực tiếp trải nghiệm, không trực tiếp chịu sự tác động, không chứng kiến các sự kiện đó. Hai là, nhờ sự mách bảo của người đã khuất (vong) đối với người có khả năng đặc biệt kia. Chỉ một số người có khả năng đặc biệt, thường xuất hiện sau biến cố đặc biệt, mới nghe được tiếng nói của vong, mới nhìn thấy vong, mới tiếp xúc được với vong. Làm theo những chỉ dẫn của vong, con người có thể đạt những kết quả nhất định. Theo tôi, ở nội dung thứ hai, Phạm Ngọc Quang đã khu biệt tâm linh quá hẹp và còn đầy nghi vấn “về sự mách bảo của người đã khuất (vong) đối với người có khả năng đặc biệt kia”, chưa kể là bỏ lĩnh vực tôn giáo, hoặc hiện tượng linh thiêng trong đời thường ra khỏi tâm linh là không hợp lý, nhất là khi xét tâm linh theo nghĩa rộng. Từ hai khả năng nêu trên, Phạm Ngọc Quang kết luận: Tâm linh là khái niệm dùng để chỉ niềm tin vào khả năng tồn tại của vong (người sau khi chết) với khả năng nhận thức của vong, tin vào khả năng đặc biệt của con người có thể tiếp xúc với vong, nhờ vậy, có thể giúp con người đang sống biết được những thông tin về một số vấn đề đã, đang và sẽ diễn ra, từ đó, con người nhận thức và hoạt động có hiệu quả cao hơn. Theo tôi, vong nếu có ở một mức độ nào đó (chỉ là năng lượng thông tin tàn dư) cũng không có khả năng mách bảo con người như vậy để “con người nhận thức và hoạt động có hiệu quả cao hơn”17. Gần đây, ngay cả khả năng tiếp xúc với vong cũng bị nghi ngờ và làm giả kiểu bói toán, đồng cốt, hoặc là dạng tưởng thức. Quan niệm trên đây của Phạm Ngọc Quang rất dễ gây ra nhận thức rằng, tâm linh chỉ còn là lĩnh vực cõi âm, có thừa nhận có linh hồn mới có tâm linh. Phải chăng như thế sẽ đi vào ngõ cụt?! 3. Các cách hiểu tâm linh theo nghĩa rộng Theo Hà Yên, tâm linh là thế giới bên kia (thế giới của linh hồn sau cái chết). Định nghĩa này chẳng những tự phủ định mình, coi mình đang sống không có đời sống tâm linh, nghĩa là một đời sống vô cảm, mà còn phủ một màn sương u minh vào cái phần thanh khiết nhất của phẩm chất 38 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 làm người, phẩm chất làm nên sức mạnh và động lực tinh thần của một cá thể, một cộng đồng dân tộc nói riêng và của nhân loại nói chung18. Theo Đỗ Kiên Cường: “Tại nước ta, thuật ngữ tâm linh đang được dùng theo các nghĩa sau: 1/ Tinh thần, trí tuệ (thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là mind); 2/ Tín ngưỡng (thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là spiritism hoặc spiritualism); 3/ Các hiện tượng dị thường, như ngoại cảm hoặc sức mạnh tâm trí trên vật chất, như nhìn cong thìa chẳng hạn (thuật ngữ tiếng Anh tương ứng là psychic phenomena). Cần nhấn mạnh rằng, trong ba nghĩa nói trên, nghĩa đầu tiên ít được dùng, còn hai nghĩa sau được dùng khá phổ biến”19. Đây là cách hiểu tâm linh theo nghĩa rộng, là định nghĩa loại hình lĩnh vực. Ba nghĩa tâm linh trên gắn với hai lĩnh vực: tôn giáo và ngoài tôn giáo (1 và 3). Nghĩa thứ nhất trong quan điểm của Đỗ Kiên Cường về tâm linh chưa rõ, chưa chuẩn xác, quá chung chung, đồng nghĩa với tinh thần con người nói chung, cho nên ít được dùng. Cũng theo Đỗ Kiên Cường, thuật ngữ tâm linh trong lĩnh vực dị thường học được chia thành ba nhóm chính: ngoại cảm, viễn di tâm học (psychokinesis) và liên lạc với người chết. Theo tâm linh luận, giới đồng cốt có thể liên lạc với cõi âm20. Đó là cách hiểu tâm linh theo nghĩa rộng và gồm nhiều nội dung. Còn Phạm Ngọc Quang chỉ quy tâm linh vào liên quan tới cõi âm, một hiện tượng có niềm tin vào: 1/ sự tồn tại của vong, 2/ vong có khả năng nhận thức, mách bảo, giúp người sống biết thông tin đang và sẽ diễn ra giúp được con người hoạt động có hiệu quả hơn, 3/ con người (một số) có khả năng tiếp xúc với vong là quá hạn hẹp, dễ bế tắc, dù nó là quan trọng như thế nào. Tâm linh thường được hiểu rất khác nhau, nhưng ở Việt Nam, nhất là khi diễn tả nó hằng ngày, nhiều người thường theo nghĩa hẹp quy vào linh hồn và thần thánh (tức lĩnh vực tôn giáo). Thực ra, nó có cả hai phương diện cơ bản khác nhau, nhưng lại liên quan với nhau: một là, linh hồn hoặc thần thánh; hai là, năng lực bí ẩn của vũ trụ hay của con người. Nội dung và bản chất của tâm linh theo nghĩa hẹp, nghĩa đen là thiêng hóa cái huyền bí thế giới vật chất - con người ở mức độ nào đó và niềm tin về cái thiêng liêng siêu nhiên đó. Theo đó, tâm linh là thiêng hóa cái huyền diệu chưa biết. Cái huyền diệu, siêu thức, siêu việt là hiện thực, chiều sâu của tâm linh. Hồ Bá Thâm. Tìm hiểu các định nghĩa 39 Một số người nhìn nhận từ gốc gác vấn đề thì thấy, tâm linh là toàn bộ ý thức chiều sâu và chiều cao (tiềm thức, vô thức, siêu thức, cả cấp độ tình yêu, mơ ước, niềm tin, lý tưởng gắn với cái hữu thức trong sự chuyển hóa của chúng). Theo đó, bản chất đời sống tâm linh theo nghĩa rộng là đời sống tinh thần hướng đến thiện lành, siêu việt và linh thiêng. Hơn nữa, cần phân biệt bản chất của tâm linh và ý thức tâm linh với biểu hiện của nó, các hình thức tồn tại của nó, tạo nên các hiện tượng tâm linh. Theo tôi, “tâm” là vật chất vô hình, là động lực ở chiều sâu thúc đẩy thế giới vật chất và toàn bộ cơ thể, hoạt động của con người. Còn “linh” là linh diệu, linh cảm, linh nghiệm, linh ứng và linh thiêng. Cái linh diệu hay siêu việt và cái linh thiêng xuất phát từ tự nhiên và con người, nhưng khi giải thích nó, có khi bị đẩy tới thành cái siêu nhiên, thậm chí thiêng hóa nó/ tôn giáo hóa nó. Như vậy, nói ngắn gọn, nghĩa đen, ý thức tâm linh là thiêng hóa cái linh diệu của tâm vũ trụ21 và tâm con người. Còn theo nghĩa rộng, tâm linh là cái bí ẩn, linh diệu và linh thiêng; nói cách khác là cái linh thiêng và cái siêu việt. Tâm linh khó cảm nhận, đo lường, vượt qua lẽ thông thường, khác với hiện tượng đời thường ai cũng hiểu biết được, cảm nhận được, đo lường được, nhưng không hoàn toàn tách biệt, mà nó biến hóa trong đời thường. 4. Nghĩa chung của định nghĩa về tâm linh Theo tôi, vấn đề cần tiếp tục làm rõ là khái niệm tâm linh có nội hàm chung như thế nào? Người ta có thể đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về tâm linh. Khái niệm văn hóa là vậy, khái niệm tâm linh cũng gần như thế. Tổng kết các nghiên cứu, chúng ta thấy có ba loại định nghĩa tâm linh: định nghĩa loại hình lĩnh vực, định nghĩa các đặc trưng, định nghĩa khái quát chung nhất. Dù từ điển có đưa ra mục từ tâm linh, nhưng do góc độ nghiên cứu khác nhau, các nhà nghiên cứu vẫn đưa ra định nghĩa mới khác. Như vậy, ngay cả một định nghĩa tâm linh được đưa vào từ điển thì vẫn không cấm người nghiên cứu đưa ra định nghĩa khác về vấn đề này, cho dù có thể phải chuẩn hóa khái niệm mới hay thay đổi góc nhìn. Bởi vì, nhận thức về tâm linh đang tiếp diễn, nên chưa có hay khó có kết luận cuối cùng về vấn đề này. Vấn đề đặt ra ở đây là, liệu có thể tìm một định nghĩa khái quát nhất cho tất cả các hiện tượng tâm linh. Theo Roberto Assagioli: “Tâm linh là 40 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 thiêng liêng, cao cả và siêu việt”22. Cái siêu việt là cái vượt ra khỏi bình thường, chẳng hạn giác quan thứ sáu là giác quan siêu việt, sự lóe sáng của vô thức hay siêu thức tràn vào hữu thức là siêu việt. Cái siêu việt là cái bí ẩn. Giải thích năng lực siêu việt có khi bằng cách quy cho năng lực linh hồn, thần thánh là một cách thiêng hóa, nhưng không hẳn khi nào cũng là tôn giáo hóa. Câu nói có thờ có thiêng, trước hết vì có thiêng mới có thờ, nghĩa là không thiêng thì chẳng thờ. Cả hai hàm nghĩa của định nghĩa tâm linh, theo nghĩa rộng cũng gắn với hai lĩnh vực tôn giáo và ngoài tôn giáo có liên quan gì với nhau? Theo nghĩa rộng nhất, “tâm linh là yếu tố siêu việt, ưu việt, thường hằng, tự do, nội tâm, sáng tạo, hài hòa và tổng hợp ở trong tất cả những gì biểu hiện ra về mặt cá nhân cũng như tập thể”23. Tâm linh ở đây được hiểu như kết quả của sự hợp trội, đột sinh, thăng hoa, siêu việt, cao cả của tinh thần. Về cốt lõi, tâm linh nên được hiểu là khu vực siêu việt, siêu thực trong đời sống tinh thần chiều sâu của con người, bên cạnh khu vực trí tuệ, tâm hồn vốn được xem là những hoạt động bình thường, trần tục của nó. Về nghĩa đen, tâm linh là sự giao tiếp với cõi thiêng, với cái thiêng. Như vậy, tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong đời thường, cũng là niềm tin thiêng liêng trong đời sống tôn giáo. Song về gốc gác, nền tảng tâm linh là sự bí ẩn, năng lực bí ẩn của vũ trụ và ý thức con người mà sự thiêng hóa chỉ một phần phái sinh của nó mà thôi. Thực ra, các hiện tượng tâm linh đều bắt nguồn từ/ và cũng là sức mạnh bí ẩn (tâm diệu) chưa biết, hay chưa biết hết trong thế giới vật chất, nhất là vật chất vô hình như năng lực phản ánh, nhất là năng lực trực giác, thông tin, các dạng năng lượng (trường thông tin gần như cảm giác, ý thức) và hoạt động não người (giấc mơ, giác quan thứ sáu, vô thức, siêu thức,) liên quan tới hữu thức, hoặc những hiện tượng khó hiểu trong vũ trụ và đời sống. Từ đó, khi chưa biết, sự sợ hãi dễ bị thiêng hóa ở mức độ có thể (thần thánh hóa, tôn giáo hóa như cơ bút, viết theo Cõi Trên,). Như vậy, tâm linh là sức mạnh bí ẩn của vũ trụ, của não người, ở ý thức chiều sâu, chiều cao và cả sự thiêng hóa sức mạnh ấy ở những mức độ và phương diện nào đó. Tâm linh như vậy có cả hai nội dung cơ bản là tâm diệu/ siệu việt và linh thiêng. Thiêng hóa là quy các hiện tượng khó hiểu, siêu việt, thần bí vào sức mạnh/ năng lực hư ảo như thần thánh, linh hồn, ma quỷ và tin vào nó, cao Hồ Bá Thâm. Tìm hiểu các định nghĩa 41 cả hóa nó. Nhưng đồng thời, các hiện tượng siêu việt ấy vẫn tồn tại độc lập với các hiện tượng thiêng hóa. Nên nói tâm linh là bí ẩn và thiêng hóa sự bí ẩn nào đó thì cái sau mới là tôn giáo. Còn cái trước, nhiều mặt khác của nó không thuộc tôn giáo. Hơn nữa, thiêng hóa là tính chất, còn tôn giáo là loại hình, tuy lĩnh vực này ẩn chứa rõ nhất tính chất thiêng hóa bên trong, song không hoàn toàn là một24. Ngay cả thờ hồn thiêng sông núi dù trừu tượng nhưng cũng đưa về các hình ảnh ông tổ, nhân thần cụ thể. Nói tôn giáo là nói lĩnh vực cụ thể, chủ yếu của hình thức thiêng hóa. Do vậy, nói tâm linh là nói về hai lớp nghĩa: sự bí ẩn (huyền diệu) và sự thiêng hóa nó ở mức độ nào đấy, chứ không phải chỉ là thiêng hóa toàn bộ. Một gốc (cái bí ẩn, siêu việt) hai cành (cái siêu việt và cái linh thiêng). Cái siêu việt hay cái linh thiêng đều là cao cả. Nhưng năng lực siêu thức, huyền diệu (ngoài tôn giáo) mới là yếu tố chính, nội hàm chính của quan niệm về tâm linh trong thế giới hiện đại, khác với quan niệm ngày xưa (tâm linh là tôn giáo). Một định nghĩa chung về tâm linh không thay thế các định nghĩa khác về vấn đề này như đã nói. Tóm lại, tâm linh hiểu theo nghĩa khái quát nhất có hai lớp nghĩa, hai tầng cơ bản liên quan với nhau: 1/ tâm linh là bí ẩn vũ trụ và bí ẩn tâm trí não người; 2/ tâm linh là sự thiêng hóa chúng ở mức độ nào đó. Nghĩa thứ nhất có tính tự nhiên, khách quan, làm tiền đề; còn nghĩa thứ hai là tính chủ quan, là mặt tâm lý văn hóa xã hội. Thiêng hóa là nghĩa đen/ nghĩa hẹp, nghĩa trực tiếp của khái niệm tâm linh. Tâm linh, dù nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, thực chất là một loại năng lực kép (khách quan và chủ quan): năng lực huyền diệu và năng lực thiêng hóa năng lực huyền diệu ấy ở mức nào đó, như là hệ quả của nó. Các hiện tượng tâm linh là biểu hiện cụ thể của năng lực ấy. Năng lực thiêng hóa là một năng lực phái sinh của năng lực gốc (huyền diệu, bí ẩn, siêu việt). Từ đó chúng ta có các khái niệm và lĩnh vực nghiên cứu cụ thể như năng lực tâm linh, bản chất tâm linh, đời sống tâm linh, văn hóa tâm linh, ý thức tâm linh, quá trình tâm linh, phương pháp tâm linh. Chúng trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn./. CHÚ THÍCH: 1 Nguyễn Đăng Duy (2009), Văn hóa tâm linh, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 2 “Vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới”, Sông Hương, số 224, tháng 10/2007, 42 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 3 Đôi điều chung quanh quan niệm về sân khấu tâm linh, 4 Roberto Assagioli (Huyền Giang dịch, 1997), Sự phát triển siêu cá nhân (Transpersonal Development), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 295. 5 Roberto Assagioli (Huyền Giang dịch, 1997), Sự phát triển siêu cá nhân, sđd: 295 - 296. 6 Đức Huy, Đồng Công Hữu (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh: 898. 7 Phạm Ngọc Quang (2008), “Góp phần tìm hiểu khái niệm tâm linh, mối quan hệ của nó với khái niệm phản ánh”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5: 6. 8 Hoàng Phê chủ biên (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Trung tâm Từ điển, Hà Nội: 865. 9 Phạm Ngọc Quang (2008), “Góp phần tìm hiểu khái niệm tâm linh, mối quan hệ của nó với khái niệm phản ánh”, bđd: 7. 10 Lê Minh chủ biên (1994), Văn hóa gia đình Việt Nam và sự phát triển, Nxb. Lao động, Hà Nội: 36. 11 Vũ Tự Lập chủ biên (1994), Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Hồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 10. 12 Phạm Ngọc Quang (2008), “Góp phần tìm hiểu khái niệm tâm linh, mối quan hệ của nó với khái niệm phản ánh”, bđd: 7. 13 Nguyễn Đăng Duy (1996), Văn hóa tâm linh, Nxb. Hà Nội: 14. 14 Nguyễn Hoàng Phương (1995), Tích hợp đa văn hóa Đông - Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội: 727. 15 Theo Đỗ Kiên Cường, quan niệm chính thức trong lĩnh vực dị thường học, ngoại cảm ESP (Extra-Sensory Perception) là sự cảm nhận không dùng năm giác quan quen thuộc. Nói cách khác, đó là giác quan thứ sáu. Ngoại cảm được chia thành bốn phạm trù: thần giao cách cảm, thấu thị/ thấu thính, tiên tri và hậu tri. Thần giao cách cảm (telepathy) là khả năng đọc ý nghĩ của người khác. Thấu thị/ thấu thính (clairvoyance hoặc clairaudience) là khả năng nhìn xuyên tường hoặc nghe được âm thanh mà tai không nghe được. Tiên tri (precognition) là khả năng thấy một sự việc trước khi nó xảy ra. Còn hậu tri (retrocognition) là khả năng giải đoán quá khứ, chẳng hạn biết kiếp trước một người nào đó. 16 Phạm Ngọc Quang (2008), “Góp phần tìm hiểu khái niệm tâm linh, mối quan hệ của nó với khái niệm phản ánh”, bđd: 8. 17 Theo tôi, không có linh hồn như một thực thể sống, suy nghĩ mách bảo như não người sống. 18 Tâm linh lẫn lộn và thảm họa, 19 Đỗ Kiên Cường, Tất cả ngoại cảm tìm mộ đều là lừa đảo, 20 Đỗ Kiên Cường, Tất cả ngoại cảm tìm mộ đều là lừa đảo, bđd. 21 Tâm vũ trụ là vật chất vi tế, vật chất vô hình. 22 Siêu việt là mức độ vượt quá bình thường, nên có khái niệm tài năng siêu việt, xem: Đức Huy, Đồng Công Hữu (2007), Từ điển tiếng Việt, sđd: 862. Siêu việt là một năng lực khác năng lực duy lý, khác tâm lý thông thường, xem: Roberto Assagioli (Huyền Giang dịch, 1997), Sự phát triển siêu cá nhân, sđd: 7, 8, 20. 23 Roberto Assagioli (Huyền Giang dịch, 1997), Sự phát triển siêu cá nhân, sđd: 296. Hồ Bá Thâm. Tìm hiểu các định nghĩa 43 24 Tôn giáo là hình thức tôn thờ cụ thể (linh hồn, sức mạnh siêu nhiên, các vị thần thánh). Nhưng có hiện tượng giác quan thứ sáu, khả năng thấu thị, tiên tri, hậu tri, giao tiếp ngoài năm giác quan (một thời hiểu là duy tâm, vì cho rằng do sức mạnh thần thánh mách bảo, nay được hiểu là một sức mạnh tự nhiên của não bộ mà có, tuy vẫn có nguồn gốc sâu xa từ bản chất vũ trụ vật chất). Thực tế không ai, hay chưa thấy ai tôn thờ về giác quan thứ sáu, năng lực siêu phàm này, như một hình thức tôn giáo (có thần thánh hay hình tượng cụ thể). Do vậy, thiêng hóa, xét về bản chất, bao quát rộng hơn lĩnh vực tôn giáo, nhưng xét về biểu hiện thì hẹp hơn nhiều nên không hoàn toàn là một. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Đăng Duy (2009), Văn hóa tâm linh, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 2. Đức Huy, Đồng Công Hữu (2007), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 3. Vũ Tự Lập chủ biên (1994), Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Hồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 4. Lê Minh chủ biên (1994), Văn hóa gia đình Việt Nam và sự phát triển, Nxb. Lao động, Hà Nội. 5. Hoàng Phê chủ biên (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Trung tâm Từ điển, Hà Nội. 6. Nguyễn Hoàng Phương (1995), Tích hợp đa văn hóa Đông - Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 7. Phạm Ngọc Quang (2008), “Góp phần tìm hiểu khái niệm tâm linh, mối quan hệ của nó với khái niệm phản ánh”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5. 8. Roberto Assagioli (Huyền Giang dịch, 1997), Sự phát triển siêu cá nhân (Transpersonal Development), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 9. Tâm linh lẫn lộn và thảm họa, 10. Đôi điều chung quanh quan niệm về sân khấu tâm linh, 11. “Vấn đề tâm linh trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới”, Sông Hương, số 224, tháng 10/2007, 12. Đỗ Kiên Cường, Tất cả ngoại cảm tìm mộ đều là lừa đảo, Abstract MAKING A STUDY OF SPIRITUALITY DEFINITIONS Spirituality is a complex domain that needs to study in many aspects. There are many points of views on it. This article mentions many spirituality definitions. Basing on these definitions, it shows definitions in broad, strict, common sense. This study leads to a consistency in researching spiritual life in Vietnam at present. Keywords: Spirituality definition, spiritual life, sacred, afterlife.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftim_hieu_cac_dinh_nghia_khac_nhau_ve_tam_linh_9973.pdf
Tài liệu liên quan