Nghiên cứu đánh giá mối tương quan giữa
chiều rộng của răng cửa giữa hàm trên với một
số số đo vùng mặt bằng cách chụp ảnh định
chuẩn khuôn mặt và răng trên 100 đối tượng
sinh viên. Các ảnh chụp được đưa vào máy vi
tính và dùng phần mềm AutoCAD để đo đạc bởi
một người duy nhất. Quá trình nghiên cứu giúp
chúng tôi đưa ra một số kết luận sau:
Các kích thước răng - mặt
Trung bình chiều rộng răng cửa giữa hàm
trên 8,49 ± 0,41 mm. Trung bình giá trị này có sự
khác biệt giữa nam (8,60 ± 0,48 mm) và nữ (8,41 ±
0,34 mm) có ý nghĩa (p < 0,05).
Trung bình khoảng cách hai góc mắt trong là
35,97 ± 2,14 mm. Trung bình kích thước này có
sự khác biệt giữa nam (36,74 ± 2,21 mm ) và nữ
(35,4 ± 1,93 mm) có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).
Trung bình khoảng cách hai cánh mũi 40,31 ±
2,46 mm. Trung bình khoảng cách này ở nam
(42,11 ± 1,65 mm) lớn hơn nữ (39,01 ± 2,12 mm)
có ý nghĩa thống kê (p < 0,001).
8 trang |
Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 490 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tương quan chiều rộng răng cửa giữa hàm trên và một số số đo vùng mặt, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 2 * 2014 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 77
TƯƠNG QUAN CHIỀU RỘNG RĂNG CỬA GIỮA HÀM TRÊN
VÀ MỘT SỐ SỐ ĐO VÙNG MẶT
Nguyễn Văn Quan*, Lê Hồ Phương Trang**
TÓM TẮT
Mục tiêu: Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mối tương quan giữa chiều rộng răng cửa giữa hàm
trên và một số số đo vùng mặt.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Đây là nghiên cứu cắt ngang mô tả với cỡ mẫu 100 sinh viên Đại
Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh (42 nam, 58 nữ) đáp ứng tiêu chí chọn mẫu. Nghiên cứu được tiến hành
bằng cách chụp ảnh định chuẩn khuôn mặt và khối răng trước trên. Các phép đo đạc chiều rộng răng cửa giữa
hàm trên, khoảng cách hai cánh mũi, khoảng cách hai góc mắt trong được thực hiện qua ảnh bằng phần mềm
AutoCAD. Đánh giá tương quan kích thước giữa các số đo của răng cửa giữa hàm trên và khuôn mặt bằng các
phép kiểm thích hợp trong phần mềm Stata 12.
Kết quả: Kết quả nghiên cứu cho thấy trung bình chiều rộng răng cửa giữa hàm trên là 8,49 ± 0,41 mm,
khoảng cách hai góc mắt trong là 35,97 ± 2,14 mm, khoảng cách giữa hai cánh mũi là 40,31 ± 2,14 mm. Các kích
thước này có sự khác biệt giữa nam và nữ (p < 0,05). Chiều rộng răng cửa giữa hàm trên có tương quan yếu với
khoảng cách hai góc mắt trong và khoảng cách hai cánh mũi với hệ số tương quan lần lượt là 0,221 và 0,198 (p <
0,05).
Kết luận: Nghiên cứu tìm thấy tương quan yếu giữa các kích thước răng - mặt nên chỉ có thể dùng khoảng
cách giữa hai góc mắt trong, khoảng cách hai cánh mũi để dự đoán sơ khởi chiều rộng răng cửa giữa hàm trên
trong phục hình toàn hàm với tỷ lệ sinh trắc học lần lượt là 0,24 và 0,21.
Từ khóa: Chiều rộng răng cửa giữa hàm trên, khoảng cách hai góc mắt trong, khoảng cách hai cánh mũi.
ABSTRACT
THE RELATIONSHIP BETWEEN THE WIDTH OF MAXILLARY CENTRAL INCISOR
AND FACIAL MEASUREMENTS
Nguyen Van Quan, Le Ho Phuong Trang
* Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Vol. 18 - Supplement of No 2 - 2014: 77 - 84
Objective: The aim of this study was to determine the possible relationship between the width of maxillary
central incisor and facial measurements.
Materials and method: A cross-sectional study design was used with a sample size of one hundred dental
students at the University of Medicine and Pharmacy at Ho Chi Minh City (42 males, 58 females) between 18
and 26 years of age; free from facial and dental deformities. Standardized portraits and anterior tooth photographs
of all students were made. The maxillary central incisor width, inner canthal distanceand interalar width were
measured using AutoCAD version 2008. Pearson coefficients were used to determine the possible correlation
between these measurements.
Results: The mean maxillary central incisor width was 8.49 ± 0.41 mm. The mean inner canthal distance
was 35.97 ± 2.14 mm; interalar width 40.31 ± 2.14 mm. There was a statistically significant difference of these
* Học viên Cao học 2011-2013- Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TP.HCM
** Bộ Môn Phục Hình, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại học Y Dược TP.HCM
Tác giả liên lạc: Ths Nguyễn Văn Quan ĐT: 0983841016 Email: nguyenvanquandds@gmail.com
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 2 * 2014
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 78
measurements between male and female (p < 0.05). A weak positive correlation existed between maxillary central
incisor width and facial measurements (r < 0.3).
Conclusion: Within the limits of this study, the results suggested that inner canthal distance, interalar
width can be respectively used as a preliminary guide for determining the width of the maxillary central incisor
during the initial selection of artificial teeth in the absence of pre-extraction records with biometric ratios of 0.24
and 0.21.
Key words: Maxillary central incisor width, inner canthal distance, interalar width.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Một trong những yếu tố cần thiết đối với
phục hình toàn hàm là đem lại một hàm răng hài
hòa cả về chức năng, thẩm mỹ và tự nhiên cho
bệnh nhân. Mặc dù bệnh nhân toàn hàm thường
là người lớn tuổi nhưng nhu cầu thẩm mỹ vẫn là
một đòi hỏi rất phổ biến. Vì thế, khi thực hiện
những tiêu chuẩn thẩm mỹ và mang lại cho
bệnh nhân một nụ cười đẹp, lựa chọn răng trước
trong sắp xếp răng là một vấn đề rất quan trọng,
đặc biệt là răng cửa giữa hàm trên(2).
Nhiều nghiên cứu tập trung sự chú ý vào
răng cửa giữa hàm trên vì sự nổi trội của nó về
kích thước, vị trí và hình dạng trong bộ răng tự
nhiên cũng như ảnh hưởng của nó trong sự thể
hiện vùng mặt(18). Các yếu tố này phải hài hòa
với những cấu trúc xung quanh miệng và vùng
mặt. Trong đó, chiều rộng của răng thường được
xem là yếu tố quan trọng hơn chiều dài khi chọn
lựa răng giả(2). Vì thế, các nghiên cứu về mối
tương quan kích thước theo chiều ngang của
răng cửa giữa hàm trên và một số kích thước
ngang của khuôn mặt như khoảng cách giữa hai
góc mắt trong, khoảng cách giữa hai cánh mũi
được thực hiện trên nhiều quốc gia như của Al
Wazzan(2); Abdullah(1) trên người Ả Rập Saudi;
Sulun(20) trên người Thổ Nhĩ Kỳ; George và cộng
sự(6) trên người Ấn Độ; Ellakwa và cộng sự(4) trên
người Úc.
Tuy có sự khác nhau về công thức hoặc tham
số dùng để dự đoán kích thước răng cửa giữa
hàm trên nhưng các tác giả đã đưa ra được
những giá trị riêng cho mỗi quốc gia và chủng
tộc. Kết quả nghiên cứu của Al Wazzan(2) ghi
nhận có thể dùng khoảng cách hai góc mắt trong
để dự đoán sơ khởi chiều rộng các răng trước
trên và chiều rộng răng cửa giữa hàm trên với tỷ
lệ 1: 0,267. Nghiên cứu của Abdullah(1), George
và cộng sự(6) cho thấy khoảng cách hai góc mắt
trong (ICD) và giá trị này khi liên hệ với tỷ lệ
vàng bằng công thức (ICD×0,618)/2 có thể dùng
để dự đoán chiều rộng của răng cửa giữa hàm
trên.
Bên cạnh đó, tác giả Sulun(20) lại cho rằng có
thể sử dụng tỷ số giữa chiều rộng hai cánh mũi
và chiều rộng chân mũi (IAW/WRN) để dự đoán
tỷ số giữa chiều rộng răng cửa giữa hàm trên và
chiều rộng răng cửa bên hàm trên (CIW/LIW).
Nghiên cứu của Ellakwa và cộng sự(8) trên cộng
đồng người Úc ghi nhận có thể dùng khoảng
cách hai cánh mũi để dự đoán chiều rộng răng
cửa giữa hàm trên.
Nhìn chung, các tác giả ghi nhận khoảng
cách hai góc mắt trong, khoảng cách hai cánh
mũi có thể dùng để dự đoán chiều rộng răng cửa
giữa hàm trên một cách đáng tin cậy.
Tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được
nghiên cứu cụ thể. Các sách giáo khoa chuyên về
Phục Hình Răng thường dùng khoảng cách giữa
hai cánh mũi để chọn lựa răng cửa giữa hàm
trên về kích thước(21); mặc dù các kích thước, tỷ lệ
này khác nhau ở các chủng tộc(15). Từ những vấn
đề còn tồn tại, chúng tôi tiến hành nghiên cứu
này nhằm xác định tương quan kích thước của
răng cửa giữa hàm trên với một số số đo vùng
mặt của người Việt Nam với hy vọng góp thêm
tư liệu cho công việc chọn răng trong phục hình
toàn hàm và trong thực hành Răng Hàm Mặt.
Vì những lý do trên, nghiên cứu này được
thực hiện với những mục tiêu sau:
1. Xác định kích thước ngang răng cửa giữa
hàm trên.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 2 * 2014 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 79
2. Xác định một số kích thước ngang khuôn
mặt (khoảng cách hai góc mắt trong, khoảng
cách hai cánh mũi).
3. Đánh giá tương quan kích thước ngang
răng cửa giữa hàm trên và một số kích thước
ngang khuôn mặt.
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN
CỨU
Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu cắt ngang mô tả
Đối tượng nghiên cứu
100 sinh viên Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ
Chí Minh đáp ứng tiêu chí chọn mẫu (42 nam, 58
nữ).
Tiêu chí chọn mẫu
Các đối tượng nghiên cứu có cha mẹ là
người Việt Nam, dân tộc Kinh, không có pha
trộn chủng tộc 2 đời gần nhất. Chỉ số khối cơ thể
(BMI) trong giới hạn bình thường (từ 18,5 đến
24,99). Khớp cắn Angle hạng I răng 6. Có đầy đủ
răng vĩnh viễn trên cung răng tương đối cân
xứng. Các răng trước trên ngay ngắn, đúng vị trí,
không sâu, di lệch hoặc mòn nặng. Không có
phục hình hoặc miếng trám trên răng cửa giữa
hàm trên. Không chỉnh hình răng. Không có
bệnh nha chu hoặc viêm nướu nặng. Không có
tật xấu về răng miệng. Mặt cân xứng. Không có
dị dạng mặt bẩm sinh, bệnh về mắt, tiền sử chấn
thương hay phẫu thuật mặt.
Phương tiện nghiên cứu
Máy ảnh kỹ thuật số Canon, loại DSLR, hiệu
EOS 550D, có độ phân giải 18.0 Megapixel, ống
kính macro Canon EF 100 USM. Máy tính phần
mềm đo đạc AutoCAD 2008.
Phương pháp nghiên cứu
Chụp ảnh khuôn mặt
Chụp ảnh khuôn mặt nhìn thẳng của đối
tượng ở tư thế nghỉ sinh lý theo các tiêu chuẩn
chuẩn hóa sau: Đối tượng ngồi trên ghế, mắt
nhìn thẳng theo đường ngang, thả lỏng cơ mặt
miệng, thư giãn hàm dưới và hai môi chạm nhẹ.
Mặt phẳng Frankfort của đối tượng song song
với mặt phẳng ngang. Máy ảnh kỹ thuật số với
tiêu cự 100 mm được cố định trên giá đỡ. Điểm
lấy nét ở tâm ống kính trùng với điểm điểm định
vị phía mũi. Khoảng cách từ ống kính đến đối
tượng là 150 cm.
Chụp ảnh khối răng trước trên
Tư thế chụp ảnh giống chụp khuôn mặt có
thêm dụng cụ banh môi má để có thể thấy rõ các
răng trước. Điều chỉnh sao cho mặt phẳng nhai
song song với mặt phẳng nằm ngang. Khoảng
cách từ máy ảnh đến đối tượng là 40cm, điểm
ngắm lấy nét là tiếp điểm của hai răng cửa giữa
hàm trên.
Phương pháp đo đạc
Đo đạc các số đo vùng mặt: Đo các số đo gián
tiếp qua ảnh.
Xác định các điểm chuẩn bằng phần mềm
AutoCAD. AL: điểm về phía bên nhất của cánh
mũi. EN: Điểm nằm ở phía trong của rãnh mi
mắt. Dùng phần mềm AutoCAD đo đạc (Hình
1): Khoảng cách giữa 2 cánh mũi: khoảng cách
AL-AL. Khoảng cách giữa 2 góc mắt trong:
khoảng cách EN-EN.
Hình 1: Xác định các số đo vùng mặt. (AL-AL:
Khoảng cách hai điểm bên nhất của cánh mũi (AL).
EN-EN: Khoảng cách hai điểm phía trong của rãnh
mi mắt (EN).)
Đo chiều rộng răng cửa giữa hàm trên: Đo gián
tiếp qua ảnh
Dùng phần mềm AutoCAD đo khoảng cách
giữa hai tiếp tuyến đi qua hai điểm bên nhất của
răng cửa giữa hàm trên bên phải (CIW) (Hình 2).
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 2 * 2014
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 80
Hình 2: Xác định chiều rộng răng cửa giữa hàm trên
Hệ số tương quan ICC thể hiện mối tương
quan giữa các thông số của 2 lần đo do cùng một
người đo trên một mẫu lấy ra ngẫu nhiên 20 đối
tượng (chiếm 20% mẫu) luôn ở mức r > 0,90.
Như vậy, các phép đo có độ tin cậy cao; đảm bảo
được tính tin cậy của số liệu.
Xử lý số liệu
Dữ liệu được xử lý và phân tích bằng phần
mềm Stata 12. Tính trung bình, độ lệch chuẩn các
giá trị đo đạc. Dùng kiểm định t cho hai mẫu độc
lập để so sánh các giá trị đo đạc giữa nam và nữ.
Dùng hệ số tương quan Pearson để đánh giá
tương quan giữa kích thước ngang răng cửa giữa
trên và số đo các kích thước ngang vùng mặt.
Lập tỷ lệ sinh trắc học thể hiện tương quan răng
- mặt (nếu tương quan có ý nghĩa). Tất cả các
phép kiểm trên đều được sử dụng với độ tin cậy
95%.
- Tính chỉ số khối cơ thể (BMI) theo công
thức:
BMI=W/H2
Trong đó: W: Khối lượng cơ thể, tính bằng
kilogram. H: Chiều cao cơ thể, tính bằng mét.
KẾT QUẢ
Về kích thước răng và một số số đo vùng
mặt
Xét trên toàn bộ mẫu
Kết quả nghiên cứu cho thấy các đặc điểm
chiều rộng răng cửa giữa hàm trên và khoảng
cách hai góc mắt trong, khoảng cách hai cánh
mũi đều tuân theo quy luật phân phối chuẩn.
Trung bình chiều rộng răng cửa giữa hàm trên
có giá trị 8,49 ± 0,41 mm. Trong khi đó, trung
bình khoảng cách hai góc mắt trong và khoảng
cách hai cánh mũi lần lượt là 35,97 ± 2,14 mm và
40,31 ± 2,46 mm (Bảng 1).
Bảng 1: Chiều rộng răng cửa giữa trên (CIW),
khoảng cách hai góc mắt trong (EN-EN) và khoảng
cách hai cánh mũi (AL-AL) trên toàn bộ mẫu
Các kích
thước răng –
mặt
n Trung bình
(mm)
Độ lệch
chuẩn
95% KTC
CIW 100 8,49 0,41 8,41 – 8,57
EN-EN 100 35,97 2,14 35,54 –
36,39
AL-AL 100 40,31 2,46 39,82 –
40,80
Xét theo giới tính
Trung bình chiều rộng răng cửa giữa hàm
trên ở nam là 8,60 ± 0,48 mm và ở nữ là 8,41 ±
0,34 mm. Khoảng cách hai cánh mũi ở nam và
nữ là 42,11 ± 1,65 mm và 39,01 ± 2,12 mm. Phép
kiểm t cho thấy trung bình các kích thước này ở
nam đều lớn hơn nữ, sự khác biệt này có ý nghĩa
thống kê (p < 0,05, kiểm định t với phương sai
không đồng nhất). Trong khi đó, trung bình
khoảng cách hai góc mắt trong ở nam là 36,74 ±
2,21 mm so với ở nữ là 35,41 ± 1,93 mm. Kiểm
định t với phương sai đồng nhất cho thấy có sự
khác biệt giữa nam và nữ có ý nghĩa thống kê (p
< 0,01) (Bảng 2).
Bảng 2: Chiều rộng răng cửa giữa trên và khoảng
cách hai góc mắt trong, khoảng cách hai cánh mũi theo
giới tính
Các kích thước
răng - mặt
Giới n
Trung bình
(mm)
Độ lệch
chuẩn
p
CIW
Nam 42 8,60 0,48
0,034**
Nữ 58 8,41 0,34
EN-EN
Nam 42 36,74 2,21
0,002*
Nữ 58 35,41 1,93
AL-AL
Nam 42 42,11 1,65
<0,001**
Nữ 58 39,01 2,12
* Kiểm định t với phương sai đồng nhất. ** Kiểm định t với
phương sai không đồng nhất
Tương quan giữa các kích thước răng - mặt
Xét trên toàn bộ mẫu
Xét mối tương quan giữa chiều rộng răng
cửa giữa hàm trên với khoảng cách hai góc mắt
trong và khoảng cách hai cánh mũi. Kết quả
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 2 * 2014 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 81
phân tích hồi quy đơn biến cho thấy chiều rộng
răng cửa giữa hàm trên có mối tương quan yếu
với khoảng cách hai góc mắt trong và khoảng
cách giữa hai cánh mũi với hệ số tương quan
Pearson lần lượt là 0,221 và 0,198 (p < 0,05) (Bảng
3).
Bảng 3: Tương quan giữa chiều rộng răng cửa giữa
trên với khoảng cách hai góc mắt trong, khoảng cách
hai cánh mũi
Tương quan giữa các kích
thước răng - mặt
Hệ số tương
quan Pearson
p
CIW / EN-EN 0,221 0,027
CIW / AL-AL 0,198 0,049
Bảng 4 thể hiện tỷ lệ sinh trắc học giữa các
kích thước răng - mặt. Theo kết quả này, chiều
rộng răng cửa giữa hàm trên được xác định bằng
khoảng cách hai góc mắt trong nhân với 0,24
hoặc khoảng cách hai cánh mũi nhân với 0,21.
Bảng 4: Tỷ lệ sinh trắc học giữa chiều rộng răng cửa
giữa hàm trên và khoảng cách hai góc mắt trong,
khoảng cách hai cánh mũi
CIW / EN-EN CIW / AL-AL
R R
n Trung
bình
Độ lệch
chuẩn
n Trung
bình
Độ lệch
chuẩn
Nam 42 0,24 0,017 42 0,21 0,014
Nữ 58 0,24 0,015 58 0,21 0,014
Tổng 100 0,24 0,016 100 0,21 0,015
BÀN LUẬN
Chiều rộng răng cửa giữa hàm trên
Theo kết quả nghiên cứu, trung bình chiều
rộng răng cửa giữa hàm trên là 8,49 ± 0,41mm.
Kết quả này tương đồng với ghi nhận của một số
nghiên cứu trên người Việt như Hoàng Tử
Hùng(9), Văn Hồng Phượng(24). Kích thước này
xấp xỉ với kết quả của Tsukiyama(22) trên người
Nhật (8,63 ± 0,56 mm) và Al Wazzan(2) (8,48 ±
0,55 mm) trên người Ả Rập Saudi, lớn hơn so với
thông số của Kassab(12) ghi nhận trên người Iraq
(8,11 mm) nhưng lại nhỏ hơn so với ghi nhận ở
một số nước Tây Á, châu Âu và Nam Mỹ như
Nam Ấn (George(6)), Iran (Mahdavizdi(14)), Thổ
Nhĩ Kỳ (Sulun(20)) và Thụy Sĩ (Tsukiyama(22)),
Brazil (Goncalves(8)). Sự khác biệt này phần lớn
được các tác giả cho rằng do sự khác nhau về
chủng tộc và cỡ mẫu nghiên cứu. Về vấn đề này,
Lavelle cho rằng các kích thước gần xa của răng
người da đen lớn hơn người da trắng và người
da vàng ở vị trí trung gian (dẫn theo
Pamecha(16)).
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tìm thấy
trung bình chiều rộng răng cửa giữa hàm trên ở nam
lớn hơn ở nữ có ý nghĩa thống kê (8,60 ± 0,48 mm so
với 8,41 ± 0,34 mm, p < 0,05). Ghi nhận này tương
đồng với một số nghiên cứu trên thế giới như Al
Wazzan(2), George(6) và Abdullah(1) nhưng lại
khác với kết quả nghiên cứu của Văn Hồng
Phượng(24). Điều này có thể được lý giải do cỡ
mẫu và đặc tính nhóm nghiên cứu khác nhau.
Tuy nhiên, phần lớn các tác giả đều ghi nhận
trung bình chiều rộng răng cửa giữa hàm trên ở
nam lớn hơn nữ.
Khoảng cách hai góc mắt trong
Bên cạnh khoảng cách hai góc mắt ngoài,
khoảng cách hai góc mắt trong là một thông số
quan trọng giúp đánh giá một vài hội chứng
bệnh hệ thống và những bất thường sọ mặt, số
đo này cũng được dùng trong phẫu thuật tạo
hình hai góc mắt xa nhau sau chấn thương(3,5).
Giá trị này còn được sử dụng trong phẫu thuật
tạo hình vùng mặt và trong chỉnh hình răng mặt.
Một số nghiên cứu gần đây như Al Wazzan và
cộng sự(2), Abdullah và cộng sự(1) và George(6) cho
rằng khoảng cách này là một thông số đáng tin
cậy để xác định chiều rộng các răng trước nói
chung và răng cửa giữa hàm trên nói riêng trong
phục hình toàn hàm.
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi,
khoảng cách hai góc mắt trong có giá trị trung
bình là 35,97 ± 2,14 mm. Giá trị này tương đương
với một số nghiên cứu của Nguyễn Thái Phượng
và cộng sự(15), lớn hơn một chút so với nghiên
cứu của Isa và cộng sự(11) trên người Mã Lai và
người Trung Quốc sống ở Malaysia, Ellakwa và
cộng sự(4) trên người Úc, Lucas và cộng sự(13),
Gomes và cộng sự(7) ở người Brazil. Tuy nhiên,
giá trị này cao hơn đáng kể so với một số dân tộc
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 2 * 2014
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 82
khác như nghiên cứu của Kassab và cộng sự(12)
trên người Iraq, George và cộng sự(6) trên người
Ấn Độ, Al Wazzan và cộng sự(2), Abdullah và
cộng sự(1) trên người Ả Rập Saudi, nhưng lại
thấp hơn ghi nhận trên người Nam Phi của
Charles và cộng sự(3).
Khi xét sự liên quan giữa khoảng cách hai
góc mắt trong với giới tính, chúng tôi ghi nhận
trung bình số đo này ở nam (36,74 ± 2,21mm) lớn
hơn ở nữ (35,41 ± 1,93mm). Sự khác biệt này có ý
nghĩa thống kê (p < 0,01). Kết quả này tương
đồng với một số ghi nhận của Abdulla và cộng
sự(1), Charles và cộng sự(3). Tuy nhiên, một số
nghiên cứu khác không tìm thấy sự khác biệt
khoảng cách này theo giới tính như Al Wazzan
và cộng sự(2), Gomes và cộng sự(7), Lucas và cộng
sự(13). Sự khác biệt giữa các nghiên cứu có thể
được lý giải do sự khác nhau về đặc điểm chủng
tộc. Ngoài ra, các nghiên cứu được thực hiện với
cỡ mẫu khác nhau và độ tuổi cũng khác nhau có
thể tạo nên sự khác biệt này.
Khoảng cách hai cánh mũi
Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy
khoảng cách hai cánh mũi có giá trị trung bình là
40,31 ± 2,46 mm. Kích thước này xấp xỉ với thông
số của nghiên cứu Nguyễn Thái Phượng(15) và
lớn hơn một chút khi so sánh với một số nghiên
cứu trên thế giới như Isa(11) trên người Mã Lai,
Ellakwa(4) trên người Úc nhưng lớn hơn khá
nhiều so với vài chủng tộc khác như người Iraq
(Kassab(12)), người Pakistan (Qamar(17)), người da
trắng ở Mỹ (Smith(19), Hoffman(10)), người Thổ
Nhĩ Kỳ (Sulun(20)). Tuy nhiên, kết quả này lại hơi
nhỏ hơn ghi nhận trên người da đen ở Brazil
(Varjao(23)) và người Brazil (Gomes(7)). Điều này
được Farkas(5) cho rằng tính di truyền là nguyên
nhân chính làm cho thông số này ở người Bắc
Mỹ, người da trắng và người da trắng châu Âu
tương đồng và thay đổi ở các dân tộc khác nhau.
Mặt khác, Farkas thấy rằng mũi của các dân tộc
xứ nóng và ẩm như châu Á và châu Phi thì rộng
hơn mũi của người xứ lạnh ở cả 2 giới. Kết quả
nghiên cứu của chúng tôi một lần nữa cho thấy
khoảng cách hai cánh mũi ở người Việt phù hợp
với luận điểm này.
Trong nghiên cứu này, trung bình khoảng
cách hai cánh mũi ở nam lớn hơn nữ có ý nghĩa
thống kê. Trung bình số đo này ở nam ghi nhận
được là 42,11 ± 1,65 mm, và ở nữ là 39,01 ± 2,12
mm (p < 0,001). Kết quả này cũng tương đồng
với kết quả của Nguyễn Thái Phượng(15). Khi ghi
nhận sự liên quan giữa khoảng cách hai cánh
mũi với giới tính, đa phần các nghiên cứu trên
thế giới cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa giữa
nam và nữ, ngoại trừ nghiên cứu của Qamar(17)
không tìm thấy sự khác biệt trên người Pakistan.
Như vậy, kết quả nghiên cứu này khẳng định
mạnh mẽ một lần nữa sự liên quan đến giới tính
của số đo này.
Tương quan các kích thước răng - mặt
Trong phục hình toàn hàm, chọn răng trước
hàm trên thường rất quan trọng, đặc biệt là răng
cửa giữa hàm trên. Sách giáo khoa khuyên chọn
chiều rộng răng cửa giữa hàm trên theo Lee
bằng ¼ chiều ngang hai cánh mũi(21). Gần đây,
nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy một vài
thông số nhân trắc vùng mặt có mối tương quan
với chiều rộng các răng cửa giữa hàm trên như:
khoảng cách giữa hai đồng tử, khoảng cách giữa
hai góc mắt trong, khoảng cách giữa hai gò má,
khoảng cách giữa hai cánh mũi, chiều rộng nhân
trung hay khoảng cách giữa hai khóe mépTuy
nhiên trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ chọn
khoảng cách giữa hai góc mắt trong và khoảng
cách giữa hai cánh mũi để xét mối tương quan
với chiều rộng răng cửa hàm trên vì các kích
thước này ổn định theo thời gian. Theo Epker và
Fish, khoảng cách hai góc mắt trong được thiết
lập khoảng 6-8 tuổi và không thay đổi nhiều sau
tuổi này (dẫn theo George(6)). Trong khi từ thời
kỳ phôi thai, mũi đã là một hướng dẫn cần thiết
nhất để quy định kích cỡ của các răng cửa hàm
trên(20).
Một số nghiên cứu gần đây cũng cho thấy có
mối tương quan giữa hai số đo này với chiều
rộng răng cửa giữa hàm trên ở một số chủng tộc.
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 2 * 2014 Nghiên cứu Y học
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 83
Nghiên cứu của George(6) trên người Nam Ấn và
nghiên cứu của Abdullah(1) trên người Ả Rập
Saudi cho thấy có thể dùng khoảng cách hai góc
mắt trong để dự đoán chiều rộng răng cửa giữa
hàm trên theo công thức CIW= ICD × 0,618/2 với
hệ số tương quan lần lượt là 0,95 và 0,94. Tuy
nhiên, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho
thấy hai kích thước này có mối tương quan yếu
với hệ số tương quan là r = 0,221 (p < 0,05). Kết
quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Al
Wazzan(2) trên người Ả Rập Saudi với hệ số
tương quan là 0,209 (p < 0,001). Nghiên cứu của
chúng tôi cũng không tìm thấy mối tương quan
giữa các kích thước này theo giới tính (p> 0,05).
Tỷ lệ sinh trắc học được thiết lập giữa chiều rộng
răng cửa giữa hàm trên và khoảng cách hai góc
mắt trong theo nghiên cứu của chúng tôi là 0,24
trong khi của Al Wazzan(2) là 0,267.
Về khoảng cách hai cánh mũi và chiều rộng
răng cửa giữa hàm trên, kết quả tìm thấy có mối
tương quan yếu với hệ số tương quan là 0,198 (p
< 0,05) Kết quả này tương đồng với ghi nhận của
Ellakwa(4) trên người Úc với hệ số tương quan là
0,21 (p < 0,05). Tỷ lệ sinh trắc giữa chiều rộng
răng cửa giữa hàm trên và khoảng cách hai cánh
mũi trong nghiên cứu của chúng tôi là 0,21.
Trong khi đó, Lee cho rằng chiều rộng răng cửa
giữa hàm trên dự đoán (FCIW) bằng ¼ khoảng
cách hai cánh mũi (AL-AL) nghĩa là tỷ lệ sinh
trắc học theo Lee là 0,25 (dẫn theo Trần Thiên
Lộc(21)). Kiểm chứng của chúng tôi cho kết quả
trung bình chiều rộng răng cửa giữa hàm trên
dự đoán (FCIW) theo Lee là 10,08 ± 0,62 mm lớn
hơn nhiều so với trung bình chiều rộng răng cửa
giữa hàm trên thật (CIW) là 8,49 ± 0,41 mm. Sự
khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p <0,001)
(Bảng 5). Như vậy, kết quả này cho thấy nếu áp
dụng nguyên lý của sách giáo khoa theo Lee để dự
đoán chiều rộng răng cửa giữa hàm trên bằng ¼
khoảng cách hai cánh mũi có thể không phù hợp với
phần lớn dân số người Việt, vì trung bình khoảng
cách hai cánh mũi của người Việt Nam lớn hơn nhiều
so với người da trắng(5), nhưng trung bình chiều rộng
răng cửa giữa của người Việt lại nhỏ hơn giá trị của
người da trắng.
Bảng 5: So sánh trung bình chiều rộng răng cửa giữa
hàm trên dự đoán (FCIW) theo Lee và trung bình
chiều rộng răng cửa giữa hàm trên thật (CIW)
Các kích thước Trung bình ± Độ lệch
chuẩn (mm)
p
CIW 8,49 ± 0,41
< 0,001
FCIW 10,08 ± 0,62
Kiểm định t bắt cặp
KẾT LUẬN
Nghiên cứu đánh giá mối tương quan giữa
chiều rộng của răng cửa giữa hàm trên với một
số số đo vùng mặt bằng cách chụp ảnh định
chuẩn khuôn mặt và răng trên 100 đối tượng
sinh viên. Các ảnh chụp được đưa vào máy vi
tính và dùng phần mềm AutoCAD để đo đạc bởi
một người duy nhất. Quá trình nghiên cứu giúp
chúng tôi đưa ra một số kết luận sau:
Các kích thước răng - mặt
Trung bình chiều rộng răng cửa giữa hàm
trên 8,49 ± 0,41 mm. Trung bình giá trị này có sự
khác biệt giữa nam (8,60 ± 0,48 mm) và nữ (8,41 ±
0,34 mm) có ý nghĩa (p < 0,05).
Trung bình khoảng cách hai góc mắt trong là
35,97 ± 2,14 mm. Trung bình kích thước này có
sự khác biệt giữa nam (36,74 ± 2,21 mm ) và nữ
(35,4 ± 1,93 mm) có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).
Trung bình khoảng cách hai cánh mũi 40,31 ±
2,46 mm. Trung bình khoảng cách này ở nam
(42,11 ± 1,65 mm) lớn hơn nữ (39,01 ± 2,12 mm)
có ý nghĩa thống kê (p < 0,001).
Tương quan kích thước răng - mặt
Chiều rộng răng cửa giữa hàm trên và
khoảng cách hai góc mắt trong có tương quan
yếu (r = 0,221; p < 0,05). Tỷ lệ sinh trắc học giữa
hai số đo này là 0,24.
Chiều rộng răng cửa giữa hàm trên và
khoảng cách hai cánh mũi có tương quan yếu (r
= 0,198; p < 0,05). Tỷ lệ sinh trắc học giữa hai kích
thước này là 0,21. Không tìm thấy mối tương
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Tập 18 * Phụ bản của Số 2 * 2014
Chuyên Đề Răng Hàm Mặt 84
quan giữa hai kích thước này ở từng nhóm đối
tượng nam và nữ (p > 0,05).
Kết quả nghiên cứu cho thấy chiều rộng răng
cửa giữa hàm trên có mối tương quan với
khoảng cách hai góc mắt trong và khoảng cách
hai cánh mũi. Tuy nhiên, mối tương quan giữa các
kích thước này yếu nên chỉ có thể dùng như những
dự đoán sơ khởi trong chọn lựa chiều rộng răng cửa
giữa hàm trên. Trong đó, chiều rộng răng cửa
giữa hàm trên được tính theo công thức: CIW =
0,24 × ICD hay CIW = 0,21× IAW.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Abdullah M.A. (2002). Inner canthal distance and geometric
progression as a predictor of maxillary central incisor width. J
Prosthet Dent, 88 (1): 16-20.
2. Al Wazzan K.A. (2001). The relationship between intercanthal
dimension and the widths of maxillary anterior teeth. J
Prosthet Dent, 86(6): 608-612.
3. Charles O.A., Hakeem F.B., Nervey D.W., Mildred B.A. (2008).
Normal outer and inner canthal measurements of the Ijaws of
Southern Nigeria. European journal of Scientific Research,
22(2): 163-67.
4. Ellakwa A., McNamara K., Sandhu J., James K., Arora A.,
Klineberg I., et al. (2011). Quantifying the selection of
maxillary anterior teeth using intraoral and extraoral
anatomical landmarks. J Contemp Dent Pract, 12(6): 414-21.
5. Farkas L.G., Katic M.J., Forrest C.R., Alt K.W., Bagic I.,
Baltadjiev G., et al. (2005). International anthropometric study
of facial morphology in various ethnic groups/races. J
Craniofac Surg, 16(4): 615-46.
6. George S., Bhat V. (2010). Inner canthal distance and golden
proportion as predictors of maxillary central incisor width in
south Indian population. Indian J Dent Res, 21(4): 491-5.
7. Gomes V.L., Goncalves L.C., do Prado C.J., Junior I.L., de
Lima Lucas B. (2006). Correlation between facial
measurements and the mesiodistal width of the maxillary
anterior teeth. J Esthet Restor Dent, 18(4): 196-205.
8. Goncalves L.C., Gomes V.L., De Lima Lucas B., Monteiro S.B.
(2009). Correlation between the individual and the combined
width of the six maxillary anterior teeth. J Esthet Restor Dent,
21(3): 182-91.
9. Hoàng Tử Hùng (1993). Đặc điểm hình thái nhân học bộ răng
người Việt. Luận án Tiến sĩ Y học, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại
học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh.
10. Hoffman W., Jr., Bomberg T.J., Hatch R.A. (1986). Interalar
width as a guide in denture tooth selection. J Prosthet Dent,
55(2): 219-21.
11. Isa Z.M., Tawfiq O.F., Noor N.M., Shamsudheen M.I., Rijal
O.M. (2010). Regression methods to investigate the
relationship between facial measurements and widths of the
maxillary anterior teeth. J Prosthet Dent, 103(3): 182-8.
12. Kassab N.H. (2005). The selection of maxillary anterior teeth
width in relation to facial measurements at different types of
face form. Al-Rafidain Dental Journal, 5(1): 15-22.
13. Lucas B.L., Bernardino-Junior R., Goncalves L.C., Gomes V.L.
(2009). Distance between the medialis angles of the eyes as an
anatomical parameter for tooth selection. J Oral Rehabil,
36(11): 840-7.
14. MahdaviIzadi Z., AzangooKhiavi H., Dadpour Y. (2010).
Relationship between the Mesiodistal Width of Maxillary
Central Incisor and Interpupillary Distance. J Mash Dent Sch,
34(1): 1-6.
15. Nguyễn Thái Phượng (2011). Tương quan giữa kích thước
ngang khối răng trước trên với một số số đo vùng mặt. Luận
văn Thạc sĩ Y Học, Khoa Răng Hàm Mặt, Đại Học Y Dược Tp.
Hồ Chí Minh.
16. Pamecha S., Dayakara H.R. (2012). Comparative
measurement of mesiodistal width of six anterior maxillary
and mandibular teeth in rajasthan population. J Indian
Prosthodont Soc, 12(2): 81-6.
17. Qamar K., Hussain M.W., Naeem S. (2012). The role of the
interalar width in the anterior teeth selection. Pakistan Oral
and Dental Journal, 32(3): 569-73.
18. Sellen P.N., Jagger D.C., Harrison A. (1999). Methods used to
select artificial anterior teeth for the edentulous patient: a
historical overview. Int J Prosthodont, 12(1): 51-8.
19. Smith B.J. (1975). The value of the nose width as an esthetic
guide in prosthodontics. J Prosthet Dent, 34(5): 562-73.
20. Sulun T., Ergin U., Tuncer N. (2005). The nose shape as a
predictor of maxillary central and lateral incisor width.
Quintessence Int, 36(8): 603-7.
21. Trần Thiên Lộc, Lê Hồ Phương Trang, Nguyễn Thị Cẩm Bình,
Nguyễn Hiếu Hạnh (2005). Phục Hình Răng tháo lắp toàn
hàm. Nhà Xuất Bản Y Học, TP.HCM, pp.125-34.
22. Tsukiyama T., Marcushamer E., Griffin T.J., Arguello E.,
Magne P., Gallucci G.O. (2012). Comparison of the anatomic
crown width/length ratios of unworn and worn maxillary
teeth in Asian and white subjects. J Prosthet Dent, 107(1): 11-6.
23. Varjao F.M., Nogueira S.S. (2006). Nasal width as a guide for
the selection of maxillary complete denture anterior teeth in
four racial groups. J Prosthodont, 15(6): 353-8.
24. Văn Hồng Phượng (2008). Xác lập tỉ lệ thẩm mỹ ở răng trước
người Việt. Tiểu Luận tốt nghiệp Bác sĩ Răng Hàm Mặt 2008,
Khoa Răng Hàm Mặt Đại Học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh.
Ngày nhận bài báo: 09/01/2014
Ngày phản biện nhận xét bài báo: 08/02/2014
Ngày bài báo được đăng: 20/03/2014
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tuong_quan_chieu_rong_rang_cua_giua_ham_tren_va_mot_so_so_do.pdf