Vai trò của hương ước trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề

Thứ ba, để hương ước được thực hiện một cách hiệu quả nhất cần gắn hương ước với các tổ chức hiệp hội làng nghề. Kiến nghị này được đưa ra trên cơ sở bất cứ một bộ quy tắc xử sự nào để có thể đi vào thực tiễn đời sống cần phải được một chủ thể đứng ra chủ trì thực hiện. Trong trường hợp hương ước của các làng nghề thì chủ thể thích hợp nhất phải là một tổ chức tập hợp được những người có lợi ích liên quan đến nhau và có khả năng tập hợp được ý kiến sâu rộng của các cá nhân, tổ chức tham gia vào hương ước. Ở đây có thể là thành lập nên tổ chức hiệp hội làng nghề, hay thành lập các hợp tác xã làng nghề để tăng cường tính thống nhất, tính tổ chức cho các làng nghề, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả hơn các quy định của hương ước, hướng đến việc bảo vệ môi trường.

pdf7 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 19/01/2022 | Lượt xem: 167 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vai trò của hương ước trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Email: tranvonhuylaw@gmail.com Vai trò của hương ước trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề Role of the convention in the implementation of environmental protection legislation in craft villages Dương Đức Chính, Trần Võ Như Ý*, Phạm Thị Thanh Tâm Duong Duc Chinh, Tran Vo Nhu Y, Pham Thi Thanh Tam Khoa Luật, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam School of law, Duy Tan University, Da Nang, Viet Nam (Ngày nhận bài: 03/01/2020, ngày phản biện xong: 07/02/2020, ngày chấp nhận đăng: 20/02/2020) Tóm tắt Bài báo này chỉ tập trung phân tích về vai trò của hương ước trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam, từ đó đưa ra các nhận xét, đánh giá và những kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của hương ước trong việc bảo vệ môi trường làng nghề. Từ khóa: Hương ước, pháp luật bảo vệ môi trường, làng nghề. Abstract This paper only focuses on analyzing the role of the convention in the implementation of environmental protection legislation in craft villages in Viet Nam. Thus, comments, assessments and recommendations are offered to enhance the role of the convention in protecting the craft village environment. Keywords: The convention, environmental protection legislation, craft villages. TRƯỜNG ĐẠI HỌC DUY TÂN DTU Journal of Science and Technology 07(38) (2020) ......... 1. Đặt vấn đề Làng nghề là một trong những nét đặc trưng văn hóa ở vùng nông thôn Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và đem lại nguồn kinh tế cho người dân. Có thể nói rằng, làng nghề là nơi lưu giữ, kế thừa và truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp của từng địa phương. Cùng với đó, làng nghề còn đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế; thúc đẩy các ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Tuy nhiên, sự phát triển của nhiều làng nghề hiện nay lại gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Làng nghề với công nghệ thô sơ, lạc hậu là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các cơ sở làng nghề và khu vực dân cư xung quanh. Mức độ gây ô nhiễm tại rất nhiều làng nghề được xếp vào danh mục những cơ sở cần phải xử lý ô nhiễm triệt để. Những tác động này là nguồn đe dọa cực kì nguy hiểm đến sự phát triển bền vững của các làng nghề cũng như sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh khu vực đó [9]. Để khắc phục ô nhiễm và đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường, nhà nước đã không ngừng đầu tư chi phí, xây dựng cơ sở hạ tầng với mục tiêu nâng cao chất 94 lượng của các biện pháp thực hiện pháp luật. Tuy nhiên nếu như chỉ sử dụng duy nhất một công cụ mang tính quyền lực nhà nước thì vấn đề bảo vệ môi trường dường như vẫn chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là tại những khu vực đặc thù như làng nghề. Trước thực trạng đó, đòi hỏi cần phải có thêm một công cụ vừa mang tính “cưỡng chế” nhưng lại phải vừa có tính mềm dẻo và cũng đồng thời tăng cường tính tự quản cho chính những cư dân sinh sống tại địa bàn. Từ đặc điểm của văn hóa làng xã Việt Nam và những đặc trưng cơ bản của làng nghề, nhóm tác giả nhận ra rằng hương ước là công cụ hiệu quả và hỗ trợ đắc lực cho pháp luật trong việc bảo vệ môi trường. Hương ước với vai trò là một bộ quy tắc xử sự chung do chính cộng đồng dân cư tự xây dựng nên. Hương ước tác động đến nhiều mặt của làng nghề, trong đó có hoạt động thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường. Với đặc điểm là đề cao tính tự quản cùng khả năng linh hoạt trong sử dụng, hương ước đã đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam [3; 7]. Tuy nhiên, trong công tác kiểm soát ô nhiễm tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay, hương ước chưa thật sự được áp dụng phổ biến, còn cần nhiều định hướng để phù hợp với thực trạng của từng làng nghề và các quy định của pháp luật. Phạm vi bài viết sẽ tập trung phân tích về đặc trưng cơ bản của làng nghề để cho thấy sự cần thiết của hương ước trong thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sử dụng và đưa hương ước đi vào thực tiễn công tác thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề. 2. Những đặc trưng cơ bản của làng nghề ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường Thời gian qua, nhờ những chính sách khôi phục và phát triển của nhà nước mà số lượng các làng nghề ở Việt Nam đã gia tăng một cách đáng kể. Sự trở lại và vực dậy mạnh mẽ của các làng nghề đã trực tiếp giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động trong làng, góp phần xóa đói giảm nghèo và thay đổi kết cấu hạ tầng nông thôn tại nhiều địa phương. Với những sản phẩm tỉ mỉ, công phu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, làng nghề không những đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch đến với các địa phương mà còn góp phần tăng nguồn thu cho địa phương từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lao động tham gia sản xuất trong làng nghề chủ yếu là thành viên gia đình hoặc người dân trong làng nên đa phần là có trình độ học vấn thấp, sản xuất theo kinh nghiệm qua các đời truyền lại. Họ chủ yếu sử dụng các phương pháp sản xuất thô sơ lạc hậu, sự tiếp cận và áp dụng công nghệ sản xuất mới còn rất hạn chế và còn thiếu nhận thức trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường. Các chủ cơ sở sản xuất đều mong muốn tiếp tục duy trì ngành nghề sản xuất truyền thống của địa phương, tuy nhiên với nguồn vốn và nguồn thu nhập không cao kèm theo trình độ lao động còn hạn chế như hiện nay thì việc phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường tại các làng nghề thật sự là một vấn đề khó khăn. Đơn cử như vào năm 2003, môi trường tại các cơ sở làng nghề đúc đồng ở phường Đúc, tỉnh Thừa Thiên Huế rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Với giá thành rẻ và duy trì sự cháy lâu nên cao su được các cơ sở này chọn làm chất đốt lò nung, dẫn đến một lượng lớn khí độc phát tán vào tự nhiên. Sau gần 17 năm thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ- TTg ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, đến nay các cơ sở này đã phần nào hạn chế được việc sử dụng cao su làm chất đốt, nhưng qua điều tra xã hội cho thấy 75% lượng chất thải trong sản xuất vẫn không được thu gom xử lí [6; 48]. Hầu hết đều đổ xỉ tro và đất sét nung hết giá trị sử dụng ra ven phần đường đi hoặc lấp đầy các ao tù nước đọng. Chất thải kim loại dưới dạng lỏng từ quá trình nung đồng cũng được xả trực tiếp vào 95 nguồn nước tạo thành hiện tượng váng đồng lênh láng mà không hề qua khâu xử lí nào. Tình trạng này không chỉ diễn ra với riêng phường Đúc, mà tại nhiều địa phương có làng nghề khác cũng gặp phải tình trạng tương tự. Đặc trưng tiếp theo là của các làng nghề hiện nay chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư, sử dụng chính quỹ đất ở làm nơi sản xuất hoặc nằm rải rác ven các con sông nên ô nhiễm môi trường tại làng nghề rất khó kiểm soát cũng như quy hoạch đầu tư hệ thống xử lí. Điển hình như làng nghề gạch ngói Hương Toàn, Hương Trà ở tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là làng nghề nằm dọc con sông Bồ. Ngoài một cơ sở sản xuất gạch ở cổng làng thì còn có ba cơ sở sản xuất gạch truyền thống nằm rải rác trong làng. Khí bụi từ các cơ sở này không chỉ làm bầu không khí ở đây mịt mù vào giờ cao điểm sản xuất mà còn ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sản phẩm của hoa màu và hệ hô hấp của người dân nơi đây. Thế nhưng việc quy hoạch để di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư và đầu tư hệ thống xử lí khói bụi là vô cùng khó khăn. Vì quỹ đất và nguồn vốn hạn hẹp nên cho đến nay việc các cơ sở sản xuất vẫn còn nằm trong khu dân cư, dẫn đến tình trạng ô nhiễm bụi là không thể tránh khỏi và rất khó khắc phục [4]. Xét dưới góc độ pháp lý, có thể thấy rằng, các làng nghề thường được tổ chức dưới mô hình hộ kinh doanh, bởi lẽ: (1) Làng nghề thường tập trung ở vùng nông thôn; (2) Gắn liền với các hộ gia đình và chủ hộ vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động chính; (3) Quy mô sản xuất nhỏ và ít vốn; lao động mang tính thủ công và truyền thống; (4) Phương thức quản lý hạn chế và chủ yếu là bằng kinh nghiệm. Chính những đặc trưng khác biệt trên mà hoạt động thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề không dễ dàng như đối với các chủ thể khác trong pháp luật bảo vệ môi trường. Các biện pháp thực hiện pháp luật phổ biến như xử phạt hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; biện pháp giáo dục; biện pháp chính sách trên thực tế không đem lại hiệu quả cao và bộc lộ nhiều hạn chế về tính thực tiễn, tính mềm dẻo trong áp dụng pháp luật và bị chi phối quá nhiều về mặt kinh phí. Từ những lý do trên, cần phải có một biện pháp phù hợp hơn để có thể vừa dung hòa được những yêu cầu mà làng nghề đặt ra vừa đảm bảo được việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường có hiệu quả. Hương ước được xem như là công cụ có thể đảm bảo được phần nào các yêu cầu trên. 3. Ảnh hưởng của hương ước đến việc thực hiện pháp luật bảo về môi trường tại các làng nghề Hương ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra, để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân, nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, hay thường được hiểu một cách nôm na, dân dã là lệ làng. Đây chính là “văn bản pháp lý” đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, là một hệ thống tục lệ tồn tại song song, không những không đối lập với hệ thống pháp luật mà trong một số trường hợp còn được xem là một nguồn của pháp luật quốc gia [2; 28]. Hương ước được coi là một công cụ quan trọng góp phần quản lý xã hội trong phạm vi thôn, làng Việt Nam từ nhiều thế kỷ qua [1]. Cùng với pháp luật, hương ước góp phần duy trì an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội; gìn giữ và phát huy giá trị thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá; củng cố các giá trị và kỹ thuật tay nghề; nuôi dưỡng, vun đắp ý thức cộng đồng. Đặc biệt, hương ước góp phần rất lớn trong hoạt động thực hiện pháp luật và bảo vệ môi trường tại các làng nghề, bởi lẽ: Thứ nhất, hương ước là sự thống nhất ý chí của đại đa số người dân trong làng.Dự thảo 96 hương ước, quy ước phải được nhân dân trên địa bàn thảo luận, được hội nghị cử tri hoặc hội nghị đại biểu hộ gia đình ở làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư thông qua và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt trước khi thi hành. Chính vì vậy, hương ước, quy ước có nội dung không trái với các quy định của pháp luật hiện hành, không chứa đựng các quy định xử phạt nặng nề, các khoản phí và lệ phí có thể gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân . Vì vậy, tuy không có cơ chế xử phạt bằng chế tài như việc không tuân thủ các quy định của pháp luật, hương ước vẫn được đảm bảo thực hiện bằng các quy định thưởng, phạt cụ thể thông qua sự giám sát lẫn nhau giữa cộng đồng dân cư mà không cần đến một cơ quan quản lý nào. Những quy định đó là sự kết hợp hài hòa giữa phong tục, tập quán tốt đẹp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, phù hợp với pháp luật, được xây dựng một cách dân chủ, công khai, mang tính đồng thuận cao nên người dân sẽ tự giác chấp hành. Thứ hai, khác với các quy phạm pháp luật khô khan, phức tạp, khó nhớ thì hương ước với lối hành văn bình dị, dân gian nên các quy định của hương ước đi vào đời sống một cách rất tự nhiên, khiến người dân trong làng dễ nhớ, dễ thực hiện. Từ đó, các quy định này dần thấm sâu vào tiềm thức của người dân mà ít cần đến các phương tiện tuyên truyền, phổ biến ồn ào, tốn kém. Hương ước biến những quy định khuôn khổ cứng nhắc, các quy tắc có tính nghiêm khắc của luật pháp trở nên uyển chuyển, linh động phù hợp với đặc điểm riêng của từng làng nghề cũng như trình độ của đại đa số người dân nơi đây. Thứ ba, hương ước làm hài hòa được những đặc trưng của làng nghề tại từng địa phương khác nhau với các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì thực tế đã chứng minh, pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề dù cụ thể đến mấy cũng không thể bao quát được tất cả các yêu cầu đặt ra vì mỗi làng nghề có các đặc điểm riêng của mình. Hương ước với tư cách là quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra và được uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt trước khi thi hành sẽ vừa đảm bảo được tinh thần của pháp luật bảo vệ môi trường, vừa phù hợp với đặc điểm từng làng nghề, làm hài hòa giữa lợi ích của người dân và việc bảo vệ môi trường. Thứ tư, hương ước là yếu tố góp phần tạo nên các nguồn tài chính phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường tại địa phương. Việc xây dựng hương ước là một bước tiến lớn trong việc quy tất cả các cở sở về một đầu mối quản lý chung. Trên cơ sở quy định của hương ước, các làng nghề sẽ tự xây dựng cho mình một “cơ quan đầu não” hoặc có thể cùng nhau thành lập hợp tác xã để quản lý và cùng nhau định hướng phát triển trong việc tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, từ đó góp phần nâng cao doanh thu. Nguồn lợi từ nguồn thu nhập này sẽ được trích tạo nguồn vốn tái đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường, giảm sự thụ động từ việc trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, hương ước thúc đẩy việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của từng hộ sản xuất với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Các nghĩa vụ đóng góp này sẽ mang tính linh hoạt, phù hợp đối với đặc thù của từng cơ sở sản xuất, để từ đó tạo nên sự đồng thuận cao của người dân trên cơ sở tự nguyện. Đây là hướng đi mang tính xã hội hóa quan trọng mà các làng nghề, các cấp chính quyền địa phương nên lưu ý khi xây dựng các bản hương ước cho làng mình. 4. Một số ý kiến và đề xuất 4.1. Một số ý kiến Việc xây dựng, thực hiện nội dung của hương ước trong mỗi làng nghề là truyền thống đạo lý của dân tộc ta đã có từ bao đời nay. Với những vai trò của hương ước như đã phân tích trên, có thể rút ra một số nhận xét như sau: Một là, hiện nay nhà nước ta đã và đang ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nêu rõ nội dung pháp luật bảo vệ môi trường 97 làng nghề, trách nhiệm, quyền hạn của các bên liên quan trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Song công tác thực hiện và quản lý môi trường làng nghề vẫn đang còn nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau. Các làng nghề hiện nay trên địa bàn tỉnh tuy rất đa dạng về quy mô sản xuất, loại hình sản xuất với những đặc thù riêng. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng đối với vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề theo đặc thù của mỗi loại hình sản xuất, mà phần lớn các văn bản hướng dẫn hiện hành đều quy định chung cho tất cả các loại hình sản xuất kinh doanh [8]. Do đó, để áp dụng vào làng nghề nhiều khi không phù hợp hoặc khó áp dụng. Việc xây dựng hương ước trên cơ sở là sự bàn bạc, thảo luận, góp ý của đại diện các hộ gia đình trong làng nghề và sự phê duyệt của cấp chính quyền đã phần nào khắc phục được những điểm thiếu sót hoặc chưa phù hợp của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Nội dung của hương ước vừa gắn bó mật thiết với hiện trạng môi trường làng nghề ở địa phương vừa phù hợp với các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Có lẽ vì lí do đó nên hương ước đang được xem như một công cụ hữu hiệu giúp người dân địa phương thực hiện pháp luật một cách dễ dàng hơn từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần vào công tác giáo dục truyền thông, ý thức cho người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng giải quyết các vấn nạn ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở địa phương, tiến tới xây dựng một môi trường làng nghề trong lành và an toàn theo đúng nghĩa của nó. Hai là, với đặc thù của quá trình xây dựng hương ước là sự tham gia của người dân địa phương nên nội dung cũng như lối hành văn của hương ước sẽ được trình bày một cách khá cụ thể và gần gũi nhất với quá trình sản xuất, kinh doanh ở làng nghề. Do đó, hương ước được đánh giá là một phương tiện hữu hiệu để chuyển tải các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề vào thực tế một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Điều này là một yếu tố quan trọng góp phần đưa các quy phạm pháp luật bảo vệ môi trường đến gần hơn với cuộc sống của người dân ở các làng nghề. Đơn cử như một làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ở Thái Bình đã xây dựng một hương ước với đầy đủ nội dung từ nguyên tắc giữ bí truyền cho đến nguyên tắc sản xuất, kinh doanh để bảo vệ môi trường địa phương theo một lối văn giản dị, gắn bó với cuộc sống của người dân từ đời này sang đời khác, góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cũng như ý thức cho con em trong vấn đề bảo vệ môi trường, giải quyết tốt vấn nạn ô nhiễm môi trường tại địa phương. Hơn thế nữa, với sự tham gia đóng góp ý kiến của cộng đồng dân cư vào việc xây dựng hương ước thì sẽ phát huy và mở rộng thêm tính chất dân chủ ở cơ sở. Đây là điểm vượt trội của hương ước so với các văn bản quy phạm pháp luật khi mà ý kiến của người dân, của cộng đồng được lắng nghe và ghi nhận một cách trực tiếp và chính xác nhất, từ đó sẽ tạo tiền đề cho việc nghiêm túc và tự giác thực hiện các quy định trong hương ước của từng cá nhân nói riêng và của cả cộng đồng dân cư nói chung. Ba là, nội dung của hương ước được đảm bảo thực hiện trên cơ chế giám sát từ cộng đồng, cụ thể là các hộ gia đình, các cá nhân tự giám sát lẫn nhau. Bởi khi cùng sống trong một môi trường, một địa phương nhất định thì bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào trong quá trình sản xuất, kinh doanh ở làng nghề đều ít nhiều tác động xấu đến môi trường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ gia đình xung quanh. Nên với cơ chế tự giám sát trong các quy định của hương ước sẽ giúp mỗi người tự ý thức và phát triển ý thức bảo vệ môi trường làng nghề. Đặc biệt, tùy thuộc vào đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương mà nội dung trong cơ chế giám sát của hương ước có những nét đặc trưng riêng. Nó vửa có chế tài xử phạt tương xứng vừa có những quy định ưu tiên, khen 98 thưởng nhất định. Cho nên, hương ước được đánh giá là công cụ pháp lý hữu hiệu vừa để giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề, vừa để giải quyết các trường hợp vi phạm quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bốn là, khi hương ước được xây dựng trên cơ sở các quy định của pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, sẽ làm phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống của cộng đồng dân cư. Đồng thời là biện pháp tối ưu cho việc thực hiện các chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề do nhà nước đề ra nhằm đảm bảo mọi chủ trương, yêu cầu về bảo vệ môi trường làng nghề đều được thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả nhất. Bên cạnh những ưu điểm mà hương ước đem lại trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề thì vẫn còn đó những hạn chế nhất định làm cho công cụ pháp lý này không thực sự phát huy hết vai trò của nó. Cụ thể, hiện nay tại các làng nghề, hương ước chưa thực sự được đầu tư xây dựng đúng mức. Không ít những bản hương ước đưa ra các điều khoản không đúng với tinh thần của pháp luật, can thiệp quá sâu vào đời sống cá nhân của người dân. Một số nơi xây dựng hương ước còn mang hình thức rập khuôn, chưa thực hiện theo đúng quy định (hình thức của hương ước, quy ước được thỏa thuận bằng miệng; chưa phát huy dân chủ, huy động người dân vào quá trình xây dựng, góp ý kiến); còn coi việc xây dựng hương ước, quy ước để hoàn thành tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng. Hơn thế nữa, quy trình thông qua, phê duyệt hương hước còn phức tạp. Để một bản hương ước được đi vào sử dụng thì sau khi hương ước được lập và thông qua, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã cùng chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã sẽ xem xét nội dung của bản hương ước nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề, thuần phong, mỹ tục; sau đó trao đổi, thống nhất ý kiến với chủ tịch hội đồng nhân dân xấp xã trước khi trình chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện phê duyệt. Thực tế này đã đi ngược lại bản chất của hương ước là sự thỏa thuận, thống nhất ý kiến của người dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chỉ là xem xét sự phù hợp với các đạo đức xã hội và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề. Do đó, thủ tục công nhận và phê duyệt của cơ quan nhà nước là quá rườm rà và tốn nhiều thời gian. 4.2 Một số đề xuất Từ những phân tích ở trên, có thể thấy, hương ước hoàn toàn có đủ khả năng để đi cùng và bổ sung, hỗ trợ cho việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, vì nhiều lí do khác nhau, hương ước vẫn chưa được sử dụng một cách phổ biến. Vì vậy, để phát huy được một cách toàn diện nhất vai trò của hương ước, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị sau: Thứ nhất, xây dựng một lộ trình để soạn thảo hương ước của làng nghề theo bốn giai đoạn bao gồm: (1) Tập huấn về pháp luật với những chủ cơ sở sản xuất - những nhân tố chính trong việc xây dựng hương ước sau này; (2) Tiến hành vận động, họp công khai để tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư sinh sống xung quanh khu vực làng nghề; (3) Tham vấn ý kiến của các cơ quan nhà nước cấp địa phương; (4) Điều chỉnh bổ sung nội dung hương ước trên cơ sở tham vấn ý kiến của các cấp chính quyền. Thứ hai, xác định rõ vai trò cũng như ranh giới giữa chính quyền địa phương với cộng đồng dân cư tại làng nghề trong việc xây dựng cũng như thực hiện hương ước tránh tình trạng nhà nước can thiệp quá sâu vào quá trình xây dựng hương ước. Các cấp chính quyền địa phương chỉ nên đóng vai trò tham vấn để hoàn thiện nội dung của hương ước và đảm bảo tính đúng pháp luật và đạo đức xã hội của hương ước. Để phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của hương ước với hoạt động tự quản cộng đồng, nâng cao hiệu quả quản lý xã hội tại cơ sở, 99 uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai thực hiện các nội dung theo tinh thần văn bản số 1215/BTP-PBGDPL ngày 15 tháng 4 năm 2016 về việc tăng cường quản lý về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước. Thứ ba, để hương ước được thực hiện một cách hiệu quả nhất cần gắn hương ước với các tổ chức hiệp hội làng nghề. Kiến nghị này được đưa ra trên cơ sở bất cứ một bộ quy tắc xử sự nào để có thể đi vào thực tiễn đời sống cần phải được một chủ thể đứng ra chủ trì thực hiện. Trong trường hợp hương ước của các làng nghề thì chủ thể thích hợp nhất phải là một tổ chức tập hợp được những người có lợi ích liên quan đến nhau và có khả năng tập hợp được ý kiến sâu rộng của các cá nhân, tổ chức tham gia vào hương ước. Ở đây có thể là thành lập nên tổ chức hiệp hội làng nghề, hay thành lập các hợp tác xã làng nghề để tăng cường tính thống nhất, tính tổ chức cho các làng nghề, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả hơn các quy định của hương ước, hướng đến việc bảo vệ môi trường. Tài liệu tham khảo [1] Đặng Bá Hiến (2013), Hơn 600 năm trước đã có hương ước bảo vệ môi trường, www.laodong.com. vn/Tin-Tuc/Hon-600-nam-truoc-da-co-huong-uoc- bao-ve-moi-truong/45157 (25/12/2019). [2] Đinh Khắc Thuần (2006), Tục lệ cổ truyền làng xã Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội. [3] Hoàng Minh Đạo (2008), Xây dựng hương ước bảo vệ môi trường cấp thôn bản, tài liệu hội thảo “Đề xuất cơ chế chính sách nhân rộng các mô hình dịch vụ môi trường và các mô hình bảo vệ môi trường tiên tiến trong cộng đồng”. [4] Thanh Hải (2019), Bảo vệ môi trường tại các làng nghề, làng nghề truyền thống: Hướng tới các giải pháp bền vững, https://www.baoquangbinh.vn/kinh- te/201909/bao-ve-moi-truong-tai-cac-lang-nghe- lang-nghe-truyen-thong-huong-toi-cac-giai-phap- ben-vung-2170192/ (28/12/2019). [5] Thanh Hoài (2013), Làng nghề phải có Hương ước quy định về bảo vệ môi trường, vn/Chinh-sach-moi/Lang-nghe-phai-co-Huong- uoc-quy-dinh-ve-bao-ve-moi-truong/165739.vgp (22/12/2019). [6] Phạm Thị Thanh Tâm (2016), Thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đề tài nghiên cứu khoa học. [7] Phan Văn Lợi (2012), Thực trạng quản lý và bảo vệ môi trường dựa trên văn hoá cộng đồng ở một số làng nghề ven sông Cà Lồ, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học xã hội và nhân văn 28 (2012), 93-103. [8] Nguyễn Tâm (2019), Các nguyên tắc trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong giai đoạn hiện nay, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu- trao-doi.aspx?ItemID=2487 (22/12/2019). [9] Vũ Văn Đạt (2017), Hệ luỵ từ ô nhiễm môi trường làng nghề, https://dantocmiennui.vn/moi-truong-va- ve-sinh-thuc-pham/he-luy-tu-o-nhiem-moi-truong- lang-nghe/141268.html (28/12/2019).

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfvai_tro_cua_huong_uoc_trong_viec_thuc_hien_phap_luat_bao_ve.pdf
Tài liệu liên quan