Thông qua việc phân tích thực trạng tính
đến năm 2019 và tìm hiểu tranh chấp thực
tiễn giữa nhà đầu tư đến từ Canada và Chính
phủ Ecuador, bài viết đưa tới kết luận rằng
tình trạng vi phạm các nghĩa vụ đối xử và
bảo hộ đầu tư vẫn đang khá phổ biến trong
các tranh chấp ISDS trên thế giới. Những
điều khoản có mức độ vi phạm cao nhất
là FET và các hành vi tước quyền bất hợp
pháp. Các điều khoản còn lại có mức độ vi
phạm thấp hơn nhưng đều có xu hướng làm
gia tăng nguy cơ rủi ro pháp lý của chính
phủ nhận đầu tư. Báo cáo của UNCTAD
(2020) cho thấy nguyên đơn trong các vụ
tranh chấp ISDS chủ yếu là các nhà đầu tư
tới từ nền kinh tế đã phát triển, trong khi bị
đơn lại thường là chính phủ các quốc gia
đang phát triển. Ngay cả trong trường hợp
nhận được phán quyết có lợi thì chính phủ
nhận đầu tư vẫn phải gánh chịu một số thiệt
hại tài chính nhất định, và thiệt hại sẽ gia
tăng đáng kể nếu các vi phạm được phát
hiện. Với xu hướng những liên kết kinh tế
song phương và đa phương ngày càng gia
tăng, các quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang
phát triển, nên thận trọng hơn trong vấn đề
cam kết và thực thi cam kết của mình trong
các IIA để hạn chế những rủi ro pháp lý và
tài chính không mong muốn.
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu
trường hợp để minh họa về một số tình
huống vi phạm điều khoản về tiêu chuẩn
đối xử và bảo hộ trong IIA thông qua vụ
tranh chấp thực tế giữa tập đoàn khai thác
Copper Mesa và Cộng hòa Ecuador. Vụ
tranh chấp tuy tương đối điển hình, minh
họa được những vi phạm thường xuyên
gặp phải nhất, nhưng chưa thể bao trùm và
đại diện cho tất cả tình huống vi phạm có
thể xảy ra trong thực tế, mà mới chỉ cung
cấp hình dung ban đầu về mối liên hệ giữa
tranh chấp ISDS và các điều khoản bảo hộ
trong IIA. Từ hạn chế nêu trên, tác giả hy
vọng những nghiên cứu tiếp theo có thể
theo hướng tổng hợp được các tranh chấp
thực tế đại diện cho từng nhóm vi phạm
hoặc giới hạn phạm vi nghiên cứu cho một
khu vực địa lý hay nhóm quốc gia cụ thể
11 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 346 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vi phạm các điều khoản tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ của IIA trong tranh chấp ISDS giữa chính phủ nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài - Trường hợp Ecuador, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
59
© Học viện Ngân hàng
ISSN 1859 - 011X
Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
Số 224+225- Tháng 1&2. 2021
Vi phạm các điều khoản tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ của
IIA trong tranh chấp ISDS giữa chính phủ nhận đầu tư
với nhà đầu tư nước ngoài - trường hợp Ecuador
Lê Hà Trang
Học viện Ngân hàng
Ngày nhận: 07/11/2020
Ngày nhận bản sửa: 05/12/2020
Ngày duyệt đăng: 21/12/2020
Các tranh chấp đầu tư quốc tế giữa quốc gia nhận đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài
đang ngày càng lan rộng, có tính chất phức tạp và được quan tâm đặc biệt trong
những năm gần đây. Lý do phổ biến dẫn tới những tranh chấp này đến từ việc vi
phạm những điều khoản về tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ mà quốc gia đã ký kết trong
Hiệp định Đầu tư quốc tế (International Investment Agreement- IIA). Bài viết này
tập trung làm rõ mối liên hệ trong những tranh chấp ISDS (Investor-State Dispute
Settlement) giữa chủ đầu tư nước ngoài và quốc gia nhận đầu tư với các điều khoản
này. Thông qua phương pháp tổng hợp và phân tích, bài viết cung cấp bức tranh
về thực trạng vi phạm các điều khoản về tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ IIA trong các
tranh chấp giữa chính phủ nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài trên thế giới hiện
nay. Ngoài ra, bài viết đi sâu phân tích một tranh chấp cụ thể trong thực tế nhằm
The breaches of IIA standards of treatment and protection provisions in Investor-State dispute
settlement- Case study in Ecuador
Abstract: International Investor-State disputes have become widespread, complicated and of particular
concern in recent years. The most common reason for these disputes comes from the breaches of
standards of treatment and protection provisions that the country has signed in the international
investment agreements (IIA). This article focuses on clarifying the relationship between Investor-State
dispute settlement (ISDS) and these provisions in IIA until 2019. Through the synthesis and analysis
method, the article provides an overview of the current situation of breaching IIA standards of treatment
and protection provisions in foreign investor-state disputes in the world today. Moreover, the article
also uses a case study method to analyze a practical dispute to illustrate in more detail about these
breaches. The article concludes that the most violated IIA provisions are fair and equitable treatment
(FET) and expropriation. Host countries should be cautious about commitment and enforcement in
their IIAs to minimize legal and financial exposures.
Keywords: IIA provisions, ISDS dispute, foreign investor, international investment
Trang Ha Le
Email: tranglh@hvnh.edu.vn
Banking Academy of Vietnam
Vi phạm các điều khoản tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ của IIA trong tranh chấp ISDS giữa
chính phủ nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài - trường hợp Ecuador
60 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 224+225- Tháng 1&2. 2021
minh họa chi tiết hơn về hiện tượng vi phạm này. Từ đó rút ra những điều khoản
IIA có mức độ vi phạm cao nhất là “đối xử công bằng và thỏa đáng” (FET) và tước
quyền bất hợp pháp. Các quốc gia nhận đầu tư nên thận trọng trong vấn đề cam kết
và thực thi cam kết của mình trong IIA để hạn chế những rủi ro pháp lý và tài chính
không mong muốn.
Từ khóa: điều khoản IIA, tranh chấp ISDS, nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư quốc tế.
1. Đặt vấn đề
Các tranh chấp đầu tư quốc tế đang ngày
càng lan rộng, có tính chất phức tạp và được
quan tâm đặc biệt trong những năm gần đây.
Trên thực tế, mâu thuẫn giữa nhà đầu tư và
chính phủ sở tại thường phát sinh do việc vi
phạm những cam kết đối xử và bảo hộ trong
Hiệp định Đầu tư Quốc tế (International
Investment Agreement - IIA). Cơ chế giải
quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài
và quốc gia nhận đầu tư (Investor - State
Dispute Settlement - ISDS) đã ra đời như
một giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy mạnh hoạt
động đầu tư, bảo vệ quyền lợi của các nhà
đầu tư nước ngoài, đồng thời hạn chế căng
thẳng ngoại giao, leo thang xung đột ở cấp
quốc gia. Trong bối cảnh các mối quan hệ
kinh tế quốc tế ngày càng đa dạng và đan
xen lẫn nhau, nhiều nghiên cứu trên thế giới
đã quan tâm đến vấn đề vi phạm những tiêu
chuẩn đối xử và bảo hộ đầu tư trong các
tranh chấp theo cơ chế ISDS (sau đây gọi tắt
là tranh chấp ISDS).
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào các
liên kết kinh tế khu vực và thế giới, đồng
nghĩa với những mối lo ngại về rủi ro pháp
lý trong tranh chấp đầu tư quốc tế ngày càng
gia tăng. Thông qua phương pháp tổng hợp,
phân tích số liệu và nghiên cứu trường hợp,
mục tiêu của bài viết này nhằm: (1) nghiên
cứu tổng quan về mối liên hệ giữa những
tranh chấp ISDS và các các điều khoản về
tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ trong IIA; (2)
liên hệ thực trạng tranh chấp ISDS trên thế
giới; và (3) phân tích một tranh chấp ISDS
trong thực tế để làm rõ tình trạng vi phạm
các tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ đầu tư.
2. Mối liên hệ giữa tranh chấp ISDS và
các điều khoản về tiêu chuẩn đối xử và
bảo hộ trong IIA
2.1. Sơ lược về ISDS
Hiệp định Đầu tư Quốc tế (IIA) là một loại
thoả thuận giữa các quốc gia đề cập đến
nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư quốc tế
và điều chỉnh hoạt động đầu tư quốc tế (Vũ
Chí Lộc, 2012). IIA thường được áp dụng
đối với hoạt động đầu tư trên lãnh thổ của
một quốc gia do các nhà đầu tư của quốc
gia khác tiến hành, thường nhằm mục đích
bảo hộ, thúc đẩy và tự do hóa các khoản
đầu tư đó. Các nhóm điều khoản chính
trong IIA bao gồm: các định nghĩa và phạm
vi áp dụng, các tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ,
và điều khoản về giải quyết tranh chấp.
ISDS là một điều khoản trong IIA trao cho
nhà đầu tư nước ngoài quyền khởi kiện giải
quyết tranh chấp đối với chính phủ nhận đầu
tư theo luật quốc tế và bằng trọng tài quốc
tế. ISDS bắt đầu xuất hiện trong các IIA vào
cuối những năm 1960 (lần đầu tiên trong
Hiệp định giữa Chad - Italy năm 1969), tuy
nhiên phải đến những năm 1990, nội dung
của điều khoản này mới được chuẩn hóa
và dần được áp dụng rộng rãi (UNCATD,
2014; Nguyễn Thị Anh Thơ, 2019).
Trong giai đoạn trước 1990, khi ISDS chưa
LÊ HÀ TRANG
61Số 224+225- Tháng 1&2. 2021- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
được áp dụng phổ biến, nhà đầu tư nước
ngoài có hai con đường để theo đuổi nếu
xảy ra tranh chấp với chính phủ nước nhận
đầu tư. Một là, giải quyết tranh chấp tại toà
án hay cơ quan có thẩm quyền của nước
tiếp nhận đầu tư. Cơ chế giải quyết tranh
chấp như vậy thường bị đánh giá là thiếu
khách quan, đưa tới nhiều phán quyết có
lợi cho nước sở tại và làm nảy sinh thêm
nhiều bất đồng giữa hai bên tranh chấp,
do không được phân xử bằng một cơ quan
tư pháp hoàn toàn độc lập với chính phủ
nhận đầu tư và hệ thống pháp luật của nước
tiếp nhận đầu tư có thể chưa đủ hoàn thiện
(Nguyễn Thị Anh Thơ, 2019). Thứ hai, nếu
hình thức giải quyết tại tòa án nước nhận
đầu tư không hiệu quả, hy vọng còn lại của
nhà đầu tư nước ngoài là thuyết phục chính
phủ nước mình tán thành khiếu kiện (tức
là thực hiện hình thức bảo vệ ngoại giao).
Tuy nhiên, cách thức này chỉ có thể được áp
dụng cho những nhà đầu tư có vị thế và ảnh
hưởng lớn đối với chính phủ quê nhà, các
nhà đầu tư nhỏ với các vụ tranh chấp quy
mô nhỏ và trung bình rất khó tìm được sự
ủng hộ ở cấp độ quốc gia. Thêm vào đó, các
tập đoàn đa quốc gia với nhiều công ty con
có quốc tịch pháp lý khác nhau thì việc xác
định chính xác quốc tịch của nhà đầu tư vì
mục đích thiết lập quyền bảo vệ ngoại giao
lại càng trở nên phức tạp (UNCATD, 2014).
Cơ chế ISDS ra đời cung cấp thêm một lựa
chọn giải quyết tranh chấp mới cho nhà đầu
tư nước ngoài với một số ưu điểm chính sau
đây: Thứ nhất, cơ chế này đảm bảo những
khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài đối với
nước tiếp nhận đầu tư được xét xử tại tòa
án có trình độ và trung lập; Thứ hai, ISDS
giúp phi chính trị hóa tranh chấp thông qua
việc mâu thuẫn được giải quyết bằng con
đường pháp lý mà không cần sự can thiệp
từ phía Chính phủ của nhà đầu tư. Ngoài
ra, thủ tục ISDS có thể nhanh hơn thủ tục
tại tòa án địa phương tại một số quốc gia
(UNCTAD, 2017). Tuy nhiên, cơ chế ISDS
làm dấy lên một số nghi ngại về các rủi ro
pháp lý và tài chính mà quốc gia nhận đầu
tư phải đối mặt. Bên cạnh đó, ISDS cũng
có thể trao cho các nhà đầu tư nước ngoài
những đặc quyền lớn hơn so với các nhà
đầu tư trong nước, tạo ra các điều kiện cạnh
tranh không bình đẳng.
Mặt khác, giải quyết tranh chấp theo
phương thức trọng tài quốc tế cũng có một
số nhược điểm như chi phí đắt đỏ và có xu
hướng nâng cao vị thế thương lượng của
nhà đầu tư nước ngoài (UNCTAD, 2017).
2.2. Các điều khoản về tiêu chuẩn đối xử
và bảo hộ trong IIA và mối liên hệ với
tranh chấp ISDS
Các điều khoản mang tính bảo hộ và tự do
hóa đầu tư trong IIA thường là căn cứ để
nhà đầu tư khởi kiện chính phủ nhận đầu
tư theo cơ chế ISDS khi có mâu thuẫn
phát sinh. Theo Diễn đàn Thương mại và
Phát triển Liên Hiệp quốc (United Nations
Conference on Trade and Development-
UNCTAD), tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ
trong IIA bao gồm 13 điều khoản (Bảng 1).
Bài viết sẽ tập trung phân tích 8 điều khoản
được đánh giá là cơ bản và thường xuyên
trở thành căn cứ cho các tranh chấp ISDS.
(1) Đối xử quốc gia (NT): Nghĩa vụ NT
yêu cầu quốc gia nhận đầu tư đối xử với nhà
đầu tư/ khoản đầu tư nước ngoài không kém
thuận lợi hơn so với nhà đầu tư/ khoản đầu
tư trong nước. Mục tiêu của điều khoản này
là đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng
giữa các nhà đầu tư nước ngoài và trong
nước bằng cách ngăn chặn sự phân biệt đối
xử trên cơ sở quốc tịch của nhà đầu tư.
(2) Đối xử tối huệ quốc (MFN): Nghĩa vụ
MFN yêu cầu quốc gia nhận đầu tư đối xử
với nhà đầu tư/ khoản đầu tư nước ngoài
không kém thuận lợi hơn so với nhà đầu tư/
khoản đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào.
Vi phạm các điều khoản tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ của IIA trong tranh chấp ISDS giữa
chính phủ nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài - trường hợp Ecuador
62 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 224+225- Tháng 1&2. 2021
Mục tiêu của điều khoản này là đảm bảo
mức độ cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà
đầu tư nước ngoài bằng cách ngăn chặn sự
phân biệt đối xử trên cơ sở quốc tịch của
nhà đầu tư.
(3) Đối xử công bằng và thỏa đáng (FET):
Nghĩa vụ FET là một tiêu chuẩn tuyệt đối,
yêu cầu quốc gia nhận đầu tư đảm bảo một
tiêu chuẩn đối xử tối thiểu nhất định, không
yêu cầu so sánh với sự đối xử dành cho nhà
đầu tư trong nước hoặc của nước thứ ba. Nội
dung cũng như cách diễn giải của nghĩa vụ
này có thể khác nhau và phụ thuộc vào công
thức được các Bên thông qua khi ký kết IIA,
ví dụ như tuân thủ theo luật/ tập quán quốc
tế; cụ thể hóa các hình thức vi phạm; hoặc
không đưa ra tiêu chuẩn rõ ràng nào.
(4) Bảo vệ và bảo hộ đầy đủ (FPS): Nghĩa
vụ FPS đòi hỏi quốc gia nhận đầu tư phải
thi hành tất cả các biện pháp thích hợp để
bảo vệ các khoản đầu tư nước ngoài khỏi các
hành vi bất lợi từ phía cơ quan Nhà nước và
các bên tư nhân. Tương tự FET, FPS cũng là
một tiêu chuẩn tuyệt đối và không yêu cầu
so sánh với mức độ bảo hộ dành cho nhà đầu
tư trong nước hoặc của nước thứ ba.
(5) Tước quyền sở hữu: Điều khoản này
quy định các hình thức tước quyền sở hữu
nằm trong phạm vi bảo hộ của hiệp định.
Chính phủ sở tại có thể tước đoạt quyền sở
hữu khoản đầu tư nước ngoài dưới hai hình
thức: tước đoạt trực tiếp và tước đoạt gián
tiếp. Tước đoạt trực tiếp liên quan đến việc
chuyển đổi quyền sở hữu bắt buộc hoặc
trưng thu hoàn toàn các giá trị tài sản của
nhà đầu tư. Tước đoạt gián tiếp liên quan
đến các biện pháp mà Chính phủ sở tại sử
dụng có hiệu lực tương đương với việc
tước đoạt trực tiếp. Tước đoạt gián tiếp làm
giảm giá trị tài sản hoặc làm cho quyền sở
hữu tài sản trở nên vô dụng, mặc dù nhà
đầu tư vẫn giữ quyền sở hữu tài sản.
Trên thực tế, việc xác định một hành vi tước
quyền trực tiếp rất đơn giản nhưng việc xác
định hiện tượng tước đoạt gián tiếp thường
khó khăn và phức tạp hơn do trong nhiều
trường hợp, khó có thể phân biệt giữa tước
quyền gián tiếp và những biện pháp điều
Bảng 1. Các tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ trong IIA
STT Standards of Treatment and Protection Các tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ
1 National Treatment (NT) Đối xử quốc gia
2 Most- Favoured- Nation Treatment (MFN) Đối xử tối huệ quốc
3 Fair and Equitable Treatment (FET) Đối xử công bằng và thỏa đáng
4 Full Protection and Security (FPS) Bảo vệ và bảo hộ đầy đủ
5 Expropriation Tước quyền sở hữu
6 Compensation for Losses Due to Armed Conflict or Civil Strife
Bồi thường thiệt hại do xung đột vũ trang
hoặc xung đột dân sự
7 Freedom of Transfers Tự do chuyển tiền
8 Transparency Tính minh bạch
9 Performance Requirements (PR) Yêu cầu về hoạt động
10 Umbrella Clause Điều khoản bao trùm
11 Entry and Sojourn Thâm nhập và thành lập
12 Nationality of Senior Management Quốc tịch của quản lý cấp cao
13 Subrogation Thế quyền
Nguồn: APEC & UNCTAD (2012)
LÊ HÀ TRANG
63Số 224+225- Tháng 1&2. 2021- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
chỉnh hợp pháp không yêu cầu bồi thường.
Do đó, các IIA sử dụng các phương thức
khác nhau để diễn giải về hình thức tước
đoạt gián tiếp.
Cam kết chống lại việc tước quyền mà
không có bồi thường được coi là một bảo
đảm thiết yếu cho các nhà đầu tư nước
ngoài, vì vậy số lượng lớn IIA hiện nay bao
gồm một điều liên quan đến Tước quyền sở
hữu (Hình 1).
(6) Tự do chuyển tiền: Điều khoản “Tự do
chuyển tiền” yêu cầu chính phủ sở tại cho
phép nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn và
lợi nhuận vào và ra khỏi lãnh thổ quốc gia.
Điều khoản này có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì
việc chuyển tiền và lợi nhuận kịp thời là
một yếu tố quan trọng tác tộng đến hiệu quả
của dự án đầu tư. Ngược lại, dưới góc độ
của nước tiếp nhận đầu tư, tự do hóa hoàn
toàn các dòng tiền, đặc biệt là các dòng vốn
ra, có thể gây ra các bất ổn và rủi ro đối với
thị trường tài chính nội địa. Vì vậy, điều
khoản “Tự do chuyển tiền” đôi khi vẫn đưa
vào một số ngoại lệ linh hoạt để hỗ trợ khả
năng điều hành chính sách tiền tệ và tài
chính của nước sở tại.
(7) Yêu cầu về hoạt động (PR): PR là các
yêu cầu do nước sở tại áp đặt lên các nhà
đầu tư để theo đuổi các mục tiêu chính sách
kinh tế nhất định, ví dụ: yêu cầu về tỷ lệ
nội địa hóa, yêu cầu về chuyển giao công
nghệ, yêu cầu về thuê hoặc đào tạo nhân
công Những yêu cầu này làm hạn chế
các lựa chọn kinh tế và quyền quản lý của
chủ đầu tư nước ngoài, và do đó có thể ảnh
hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh.
Điều khoản hạn chế PR trong IIA buộc
chính phủ nhận đầu tư phải tuân theo các
quy tắc trong việc sử dụng PR với mục tiêu
cho phép các khoản đầu tư được tiến hành
một cách hiệu quả nhất về kinh tế.
Thông thường, điều khoản PR có thể tham
chiếu theo những nghĩa vụ được ghi trong
Hiệp định Tổ chức Thương mại Thế giới
(WTO) về Các biện pháp đầu tư liên quan
đến thương mại (Agreement on Trade -
Related Investment Measures - TRIMs),
hoặc đưa ra một danh sách các PR bị cấm
vượt ra ngoài các quy tắc TRIMs.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia, đặc biệt là
các quốc gia đang phát triển, khi thu hút đầu
tư trực tiếp nước ngoài đều đặt ra những mục
tiêu kinh tế nhất định, như thúc đẩy chuyển
Hình 1. Tần suất xuất hiện của các điều khoản liên quan đến tiêu chuẩn đối
xử và bảo hộ trong IIA
(*) Trong tổng số 2.576 IIA được rà soát
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ IIA Navigator, truy cập ngày 21/10/2020
Vi phạm các điều khoản tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ của IIA trong tranh chấp ISDS giữa
chính phủ nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài - trường hợp Ecuador
64 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 224+225- Tháng 1&2. 2021
giao công nghệ, cải thiện các khu vực sản
xuất trong nước và giải quyết nguồn lực lao
động; nên chính phủ sở tại thường không
sẵn sàng đưa ra những điều khoản hạn chế
PR một cách rõ ràng. Trong tổng số 2.576
IIA được rà soát tính đến hết năm 2019, PR
vẫn là một trong những điều khoản có tần
suất xuất hiện ít nhất so với các điều khoản
bảo hộ truyền thống (Hình 1).
(8) Điều khoản bao trùm: Điều khoản
này yêu cầu Chính phủ sở tại tuân thủ mọi
nghĩa vụ/ cam kết đã thừa nhận đối với các
khoản đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ quốc
gia (ví dụ: hợp đồng đầu tư). Tùy thuộc
vào cách diễn giải, Điều khoản bao trùm có
thể cung cấp phạm vi bảo hộ rộng hơn cho
các nhà đầu tư, ngoài các quy tắc và tiêu
chuẩn đối xử đã được quy định cụ thể trong
hiệp định. Các hợp đồng và cam kết khác
được thực hiện giữa quốc gia nhận đầu tư
và nhà đầu tư nước ngoài sẽ nằm trong sự
điều chỉnh điều khoản này. Do sự tồn tại
của Điều khoản bao trùm, một cam kết dù
không được cụ thể hóa trong IIA nhưng có
xuất hiện trong hợp đồng đầu tư, vẫn có thể
trở thành căn cứ cho một tranh chấp ISDS.
3. Thực trạng vi phạm các điều khoản
tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ của IIA
trong các tranh chấp ISDS trên thế giới
Theo Cơ sở dữ liệu Trung tâm chính sách đầu
tư UNCTAD (truy cập ngày 21/10/2020),
thế giới hiện có 3.291 IIA đã được ký kết
(2.902 hiệp định đầu tư song phương -
Bilateral Investment Treaties BIT và 389
hiệp định có điều khoản đầu tư - Treaties
with Investment Provisions TIP), trong đó
2.662 hiệp định đã đi vào hiệu lực. Số lượng
IIA lớn cũng thể hiện sự hợp tác tự do hóa
ngày càng lớn trong hoạt động đầu tư quốc
tế, nhưng mặt khác cũng tạo điều kiện cho
các mâu thuẫn dễ nảy sinh giữa chính phủ và
nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng có xu hướng
sử dụng nhiều hơn quyền kiện chính phủ ra
trọng tài quốc tế. Tính đến hết năm 2019, có
1.023 vụ tranh chấp ISDS, trong đó 343 vụ
vẫn đang tiếp diễn. Giai đoạn 2015 - 2018,
các tranh chấp ISDS có xu hướng lan rộng
với trung bình 80 vụ kiện mỗi năm, nhưng
số vụ kiện lại có dấu hiệu giảm mạnh vào
năm 2019 với 55 vụ kiện mới khởi xướng
(Hình 2). Theo UNCTAD (2020), vì một
số vụ kiện có thể được giữ bí mật, số lượng
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ IDS Navigator, truy cập ngày 21/10/2020
Hình 2. Số lượng ISDS phát sinh giai đoạn 2000- 2019 trên thế giới
LÊ HÀ TRANG
65Số 224+225- Tháng 1&2. 2021- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
tranh chấp thực tế được đệ trình trong năm
2019 và các năm trước có thể sẽ cao hơn.
Cho đến nay (tính từ thời điểm ra đời ISDS),
120 quốc gia và vùng kinh tế đã xuất hiện ít
nhất một vụ kiện ISDS.
Quốc tịch của nguyên đơn trong các khiếu
kiện ISDS chủ yếu đến từ Châu Âu và Bắc
Mỹ (Hình 3) do đây cũng là hai khu vực có
nhiều nhà đầu tư ra nước ngoài nhất. Trong
khi đó, hầu hết các quốc gia tại những
khu vực còn lại như Châu Á, Châu Phi,
Mỹ Latinh và Caribe đều là những bị đơn
thường xuyên của các cáo buộc ISDS.
Trong năm 2019, phần lớn các trường hợp
khởi kiện mới (80%) được đưa ra nhằm vào
các nước đang phát triển và các nền kinh
tế đang chuyển đổi. Bên khởi xướng các vụ
kiện chủ yếu xuất phát từ các nhà đầu tư đến
Hình 3. Số lượng ISDS phân chia theo quốc tịch của nguyên đơn và bị đơn,
tính đến năm 2019
Nguồn: Tổng hợp từ IDS Navigator, truy cập ngày 21/10/2020
IDS Navigator thống kê tất cả các vụ kiện ISDS từ khi cơ chế này ra đời
Hình 4. Các vi phạm tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ trong tranh chấp ISDS,
tính đến năm 2019
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ IDS Navigator, truy cập ngày 21/10/2020
IDS Navigator thống kê tất cả các vụ kiện ISDS từ khi cơ chế này ra đời
Vi phạm các điều khoản tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ của IIA trong tranh chấp ISDS giữa
chính phủ nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài - trường hợp Ecuador
66 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 224+225- Tháng 1&2. 2021
từ các nước phát triển (chiếm khoảng 70%
trong số 55 trường hợp đã được thống kê bởi
UNCTAD vào năm 2019. Số lượng vụ kiện
nhiều nhất đến từ các nhà đầu tư của Anh và
Hoa Kỳ, với bảy vụ kiện đến từ mỗi quốc
gia trong năm 2019 (UNCTAD, 2020).
Về thực trạng vi phạm các tiêu chuẩn đối
xử và bảo hộ, FET là một điều khoản phổ
biến trong hầu hết các IIA. Do tính mơ hồ
và phạm vi áp dụng rộng mà FET cũng
chính là điều khoản thường xuyên có mặt
nhất trong trong các cáo buộc ISDS trên thế
giới, với 499 tranh chấp lấy căn cứ từ vi
phạm điều khoản này (Hình 4). Ngoài FET,
các điều khoản liên quan đến tước quyền sở
hữu và FPS cũng có tần suất xuất hiện đáng
kể trong các tranh chấp đầu tư quốc tế. Các
điều khoản NT, MFN, PR và tự do chuyển
tiền cho dù cũng trở thành căn cứ cho nhiều
cáo buộc vi phạm IIA nhưng thực tế ít khi
những vi phạm này thực sự được tìm thấy.
Trong các vụ kiện đã có kết luận chính thức,
36,50% phán quyết có lợi cho quốc gia nhận
đầu tư và 29,38% phán quyết có lợi cho nhà
đầu tư, hầu hết số còn lại là các phán quyết
hủy bỏ tranh chấp hoặc hòa giải (Hình 5).
Trong trường hợp thua kiện thì thiệt hại
cho chính phủ sở tại thường rất nặng nề.
Theo UNCTAD (2018), trong các phán
quyết ủng hộ nhà đầu
tư, quốc gia nhận đầu
tư thường phải bồi
thường trung bình là
504 triệu USD cho
một vụ kiện ISDS. Ba
vụ kiện liên quan đến
công ty Yukos (do
Hulley Enterprises,
Veteran Petroleum
và Yukos Universal
khởi kiện Liên bang
Nga vào năm 2005)
có tổng mức bồi
thường cao nhất lịch
sử lên đến 50 tỷ USD (UNCTAD, 2018,
tr.95). Cho dù tỷ lệ phán quyết nghiêng về
phía quốc gia sở tại nhiều hơn nhưng ngay
cả trong trường hợp thắng kiện, chính phủ
bị đơn thường gặp khó khăn trong việc đòi
những khoản chi trả phí pháp lý từ bên thua
kiện. Nếu nhà đầu tư nước ngoài từ chối
hoặc không tự nguyện thanh toán, các quốc
gia sở tại sẽ mất thêm chi phí và nguồn lực
để giải quyết các bất đồng. Ngoài ra một số
vụ kiện thực tế cho thấy, ngay cả khi một
quốc gia bị đơn nhận được phán quyết có lợi
trong các vụ kiện thì vẫn có thể phải trả các
chi phí cho trọng tài.
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã là bị
đơn trong 8 vụ kiện ISDS, trong đó 3 vụ
được xử có lợi cho Việt Nam, một vụ với
phán quyết có lợi cho nhà đầu tư, một vụ
được giải quyết thông qua hòa giải, một vụ
đã bị hủy bỏ và 2 vụ vẫn đang tiếp diễn
(IDS Navigator truy cập ngày 21/10/2020).
4. Phân tích trường hợp tranh chấp
ISDS giữa Tập đoàn khai thác Copper
Mesa và Cộng hòa Ecuador năm 2011
Bài viết lựa chọn phân tích vụ tranh chấp
ISDS thực tế giữa tập đoàn khai thác
Copper Mesa và Cộng hòa Ecuador để tìm
Hình 5.
Các phán quyết trong tranh chấp ISDS tính đến năm 2019
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ IDS Navigator, truy cập ngày 21/10/2020
IDS Navigator thống kê tất cả các vụ kiện ISDS từ khi cơ chế này ra đời
LÊ HÀ TRANG
67Số 224+225- Tháng 1&2. 2021- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
hiểu về tình trạng vi phạm các tiêu chuẩn
đối xử và bảo hộ đầu tư hiện nay.
4.1. Tóm tắt các sự kiện chính
Năm 2005, Copper Mesa, một Tập đoàn
khai thác của Canada đã mua lại quyền
khai thác mỏ đồng tại Junín, và thông qua
công ty con tại Ecuador mua lại hai khu
mỏ lân cận là Chaucha và Telimbela. Kể
từ đó, Copper Mesa đã thực hiện một loạt
các khoản chi liên quan đến dự án khai thác
như: tiến hành một báo cáo địa chất, mua
một vùng đất lân cận và diện tích đất bề
mặt tại và xung quanh các khu vực mỏ,
chuẩn bị và đệ trình một nghiên cứu về tác
động môi trường cho giai đoạn thăm dò,
thuê một đội ngũ nhân viên của Ecuador và
cam kết cung cấp nguồn lực cho các dịch
vụ xã hội và phát triển cộng đồng.
Vào tháng 4 năm 2008, Hội đồng lập hiến
của Ecuador đã thông qua Pháp lệnh Khai
khoáng, tuyên bố rằng các khoáng sản được
khai thác phải phù hợp với lợi ích quốc gia
và cấp quyền cho việc chấm dứt quyền khai
thác mà không cần bồi thường kinh tế đối
với những khu vực mỏ không đáp ứng yêu
cầu của Pháp lệnh.
Tháng 10/2008, căn cứ theo Pháp lệnh
Khai khoáng 2008, Bộ trưởng Bộ Khai
khoáng Ecuador đã ra Nghị quyết chấm dứt
các quyền khai thác mỏ tại Junín mà không
cần bồi thường kinh tế, với lý do Copper
Mesa đã không tiến hành quy trình trưng
cầu dân ý tại địa phương về các tác động
của việc khai thác tới môi trường. Copper
Mesa đã làm đơn kháng cáo về quyết định
trên nhưng không được chấp nhận với lập
luận rằng việc tước quyền sử dụng đất tại
Junín là một vấn đề hợp pháp thuộc phạm
vi chính sách công.
Tháng 1 năm 2009, Ecuador tiếp tục ban
hành Luật Khai khoáng mới, trong đó quy
định rằng các khu vực khai thác và các dự án
khai thác mà Nhà nước Ecuador đã tiến hành
nghiên cứu/ thăm dò địa chất, và nghiên cứu
khả thi/tiền khả thi sẽ phải trả lại cho Nhà
nước. Ngày 19/6/2009, cả ba dự án Junín,
Chaucha và Telimbela của Copper Mesa
đều được xác định là những dự án mà Nhà
nước Ecuador đã tiến hành điều tra địa chất.
Và theo Luật Khai khoáng mới, các dự án
khai thác này sẽ phải trả lại cho Nhà nước.
Tháng 01/2011, Copper Mesa đã bắt đầu
các thủ tục tố tụng trọng tài chống lại
Chính phủ Ecuador theo Quy tắc Trọng tài
UNCITRAL 1976 theo Điều XIII của Hiệp
định đầu tư song phương (BIT) Canada-
Ecuador (1996).
4.2. Các vi phạm tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ
Copper Mesa cáo buộc rằng hành vi của
Chính phủ Ecuador đã vi phạm một số điều
khoản bảo hộ nhà đầu tư đã được cam kết
trong Canada - Ecuador BIT (1996). Hội
đồng trọng tài quốc tế đồng ý với hầu hết
các cáo buộc này. Cụ thể:
Về việc tước quyền bất hợp pháp, Copper
Mesa cho rằng Chính phủ Ecuador đã trực
tiếp tước quyền khai thác Junín cũng như
gián tiếp tước quyền sở hữu của tập đoàn
đối với hai khu vực khai thác còn lại là
Chaucha và Telimbela bằng cách tiết lộ tên
của hai khu vực này trong danh sách những
dự án mà Nhà nước đã tiến hành điều tra địa
chất. Từ mùa thu năm 2008, Copper Mesa
tuyên bố rằng họ đã theo đuổi việc bán lại
hai khu mỏ này nhưng mỗi lần thử đều thất
bại do những rủi ro xung quanh quyền phát
triển các dự án khai thác của mình.
Hội đồng trọng tài quyết định rằng các
Nghị quyết chấm dứt quyền khai thác mỏ
không chỉ là các biện pháp điều chỉnh
thông thường, được ban hành và thực thi
theo cách tùy tiện và không có quy trình
đúng hạn, không có bất kỳ sự đánh giá kịp
thời nào của cơ quan tư pháp hoặc cơ quan
Vi phạm các điều khoản tiêu chuẩn đối xử và bảo hộ của IIA trong tranh chấp ISDS giữa
chính phủ nhận đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài - trường hợp Ecuador
68 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng- Số 224+225- Tháng 1&2. 2021
độc lập khác tại Ecuador, do đó việc tước
quyền khai thác mỏ mà không có bất kỳ
khoản bồi thường và thủ tục tố tụng nào
đối với việc chiếm đoạt đó, là một hành vi
tước quyền bất hợp pháp, đồng thời cũng
vi phạm tiêu chuẩn FET. Tuy nhiên, cáo
buộc liên quan đến hai khu vực khai thác
còn lại là Chaucha và Telimbela bị bác bỏ
do Copper Mesa không phải là chủ sở hữu
trực tiếp của hai mỏ này và không có đủ
bằng chứng cho thấy sự tác động Luật Khai
khoáng 2009 tới giá trị của hai khu mỏ.
Về tiêu chuẩn FET, Copper Mesa cho rằng
các khoản đầu tư của mình đã không được
đối xử công bằng và thỏa đáng theo các
nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Cụ thể,
không có căn cứ pháp lý nào để Chính phủ
Ecuador tước quyền của Copper Mesa dựa
trên lý do thiếu quy trình trưng cầu dân ý tại
địa phương, khi mà bản thân Chính phủ cũng
phải chịu một phần trách nhiệm về những
thiếu sót này. Ngoài ra, Chính phủ Ecuador
còn từ chối tất cả các kháng cáo sau đó từ
Copper Mesa liên quan đến cả ba khu mỏ.
Về tiêu chuẩn FPS, Chính phủ Ecuador bị
cáo buộc đã không thi hành các biện pháp
cần thiết để đảm bảo an toàn cho các nhân
viên Copper Mesa từ các cuộc biểu tình
của người dân địa phương trong giai đoạn
2005- 2007, thêm vào đó còn đình chỉ mọi
hoạt động của họ tại khu vực Junín.
Hội đồng trọng tài phán quyết rằng Chính
phủ Ecuador đã vi phạm các tiêu chuẩn
FET và FPS vào tháng 9/2007. Vào thời
điểm đó, thay vì hỗ trợ Copper Mesa hoàn
thành các tham vấn và các yêu cầu khác
trong nghiên cứu về tác động môi trường
cho giai đoạn thăm dò, Chính phủ Ecuador
lại sử dụng các lực lượng pháp lý để phong
tỏa khu vực khai thác.
Về tiêu chuẩn NT, Copper Mesa cho rằng
ENAMI (Empresa Nacional Minera del
Ecuador), một công ty khai thác thuộc sở
hữu nhà nước, đã được Chính phủ Ecuador
đối xử thuận lợi hơn. Cụ thể, ENAMI đã
được cấp quyền ưu tiên đối với các dự án
khai thác theo Điều 20 trong phần Quy
định chung của Luật Khai khoáng 2009 mà
không có lý do cụ thể nào. Tuy nhiên, dựa
trên bằng chứng hiện có, Hội đồng trọng
tài không tìm thấy vi phạm rõ ràng do Quy
định chung về Luật Khai khoáng năm 2009
thiết lập các quyền ưu đãi của ENAMI chỉ
được ban hành vào ngày 04/11/2009. Thêm
vào đó, các quyền ưu đãi của ENAMI, dựa
trên vị thế là một công ty khai thác quốc gia
thuộc sở hữu nhà nước chứ không phải do
mang quốc tịch Ecuador.
Cuối cùng, tổng số tiền bồi thường Chính
phủ Ecuador phải trả cho Copper Mesa
theo phán quyết trọng tài là 19,40 triệu
USD. Hai bên sẽ chịu chi phí trọng tài như
nhau (Amir & Truque, 2016). Tóm tắt toàn
bộ tranh chấp được trình bày trong Bảng 2.
Bảng 2. Tóm tắt tranh chấp ISDS giữa Tập đoàn khai thác Copper Mesa và
Cộng hòa Ecuador
Thông tin chính Copper Mesa v. Ecuador (2011)
IIA được sử dụng làm căn cứ khởi
kiện
Canada - Ecuador BIT (1996)
Các điều khoản bị cáo buộc vi phạm FET, FPS, NT, Tước quyền trực tiếp, Tước quyền gián tiếp
Các điều khoản tìm thấy vi phạm FET, FPS, Tước quyền trực tiếp, Tước quyền gián tiếp
Số tiền yêu cầu bồi thường 69,70 triệu USD
Số tiền bồi thường theo phán quyết
trọng tài 19,40 triệu USD
Nguồn: IDS Navigator
LÊ HÀ TRANG
69Số 224+225- Tháng 1&2. 2021- Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng
5. Kết luận
Thông qua việc phân tích thực trạng tính
đến năm 2019 và tìm hiểu tranh chấp thực
tiễn giữa nhà đầu tư đến từ Canada và Chính
phủ Ecuador, bài viết đưa tới kết luận rằng
tình trạng vi phạm các nghĩa vụ đối xử và
bảo hộ đầu tư vẫn đang khá phổ biến trong
các tranh chấp ISDS trên thế giới. Những
điều khoản có mức độ vi phạm cao nhất
là FET và các hành vi tước quyền bất hợp
pháp. Các điều khoản còn lại có mức độ vi
phạm thấp hơn nhưng đều có xu hướng làm
gia tăng nguy cơ rủi ro pháp lý của chính
phủ nhận đầu tư. Báo cáo của UNCTAD
(2020) cho thấy nguyên đơn trong các vụ
tranh chấp ISDS chủ yếu là các nhà đầu tư
tới từ nền kinh tế đã phát triển, trong khi bị
đơn lại thường là chính phủ các quốc gia
đang phát triển. Ngay cả trong trường hợp
nhận được phán quyết có lợi thì chính phủ
nhận đầu tư vẫn phải gánh chịu một số thiệt
hại tài chính nhất định, và thiệt hại sẽ gia
tăng đáng kể nếu các vi phạm được phát
hiện. Với xu hướng những liên kết kinh tế
song phương và đa phương ngày càng gia
tăng, các quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang
phát triển, nên thận trọng hơn trong vấn đề
cam kết và thực thi cam kết của mình trong
các IIA để hạn chế những rủi ro pháp lý và
tài chính không mong muốn.
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu
trường hợp để minh họa về một số tình
huống vi phạm điều khoản về tiêu chuẩn
đối xử và bảo hộ trong IIA thông qua vụ
tranh chấp thực tế giữa tập đoàn khai thác
Copper Mesa và Cộng hòa Ecuador. Vụ
tranh chấp tuy tương đối điển hình, minh
họa được những vi phạm thường xuyên
gặp phải nhất, nhưng chưa thể bao trùm và
đại diện cho tất cả tình huống vi phạm có
thể xảy ra trong thực tế, mà mới chỉ cung
cấp hình dung ban đầu về mối liên hệ giữa
tranh chấp ISDS và các điều khoản bảo hộ
trong IIA. Từ hạn chế nêu trên, tác giả hy
vọng những nghiên cứu tiếp theo có thể
theo hướng tổng hợp được các tranh chấp
thực tế đại diện cho từng nhóm vi phạm
hoặc giới hạn phạm vi nghiên cứu cho một
khu vực địa lý hay nhóm quốc gia cụ thể ■
Tài liệu tham khảo
Amir, I.M. & Truque, D.R. (2016), Copper Mesa Mining Corporation Canada v The Republic of Ecuador - PCA Case
2012-02- Award- Redacted- 15 March 2016, truy cập ngày 21/10/2020 từ https://www.transnational-dispute-
management.com/legal-and-regulatory-detail.asp?key=17123
APEC & UNCTAD (2012). International Investment Agreements Negotiators Handbook: APEC/UNCTAD MODULES
(IIA Handbook). Singapore: APEC Secretariat.
Mobil Investments Inc. and Murphy Oil Corporation v. Government of Canada (2017), truy cập ngày 21/10/2020 từ
https://www.international.gc.ca/trade-agreements-accords-commerciaux/topics-domaines/disp-diff/mobil.aspx?lang=eng
Nguyễn Thị Anh Thơ (2019),” Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ
mới mà Việt Nam là thành viên”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 21 (397), 18-31.
UNCTAD (2014), Investor-State Dispute Settlement, Series on Issues in International Investment Agreements II. New
York & Geneva: United Nations.
UNCTAD (2017), Improving Investment Dispute Settlement: Unctad Policy Tools. New York & Geneva: United
Nations.
UNCTAD (2018), World Investment Report 2018: Investment and New Industrial Policies, New York & Geneva: United
Nations.
UNCTAD (2019), World Investment Report 2019: Special Economic Zones, New York & Geneva: United Nations.
UNCTAD (2020), World Investment Report 2020: International Production Beyond The Pandemic, New York &
Geneva: United Nations.
UNCTAD, IIA Navigator truy cập ngày 21/10/2020 từ https://investmentpolicy.unctad.org/international-investment-
agreements
UNCTAD, IDS Navigator truy cập ngày 21/10/2020 từ https://investmentpolicy.unctad.org/investment-dispute-
settlement
Vũ Chí Lộc (2012), Giáo trình đầu tư quốc tế, Hà Nội: NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- vi_pham_cac_dieu_khoan_tieu_chuan_doi_xu_va_bao_ho_cua_iia_t.pdf