Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc – sự thực thi nghĩa vụ quốc tế trong bối cảnh hội nhập

Hiến pháp 2013, phần chế định bảo vệ Tổ quốc, đã có sự ghi nhận một nội dung quan trọng, nhấn mạnh trách nhiệm thực thi nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước và QĐND Việt Nam. Quy định tại Điều 65 Hiến pháp 2013 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đưa các lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia HĐGGHB của LHQ, đồng thời thể hiện sự đổi mới về tư duy quốc phòng và chủ trương đối ngoại, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước. Qua đó cũng nhấn mạnh quan điểm và lập trường của nhà nước Việt Nam trong việc coi hòa bình và an ninh quốc tế là cần thiết, tất yếu cho sự phát triển ổn định và bình đẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Để vấn đề này được thực hiện một cách chính thức và có hiệu quả, các cơ quan lập pháp và chính phủ cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này, đồng thời quân đội và các cơ quan chức năng khác của nhà nước cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và chuẩn bị về mọi mặt để có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đối ngoại quan trọng này. Cụ thể, Việt Nam cần rà soát những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan như Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời sớm thông qua Pháp lệnh về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động này nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam và thể hiện sự thực thi một cách nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế của nước CHXHCN Việt Nam

pdf7 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 320 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc – sự thực thi nghĩa vụ quốc tế trong bối cảnh hội nhập, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
AGU International Journal of Sciences – 2020, Vol. 24 (1), 40 – 46 40 VIỆT NAM THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH TRONG KHUÔN KHỔ LIÊN HỢP QUỐC – SỰ THỰC THI NGHĨA VỤ QUỐC TẾ TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP Trần Thăng Long1 1Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh Thông tin chung: Ngày nhận bài: 10/05/2019 Ngày nhận kết quả bình duyệt: 03/07/2019 Ngày chấp nhận đăng: 02/2020 Title: Vietnam’s participation in peacekeeping operations within the united nations - the implementation of international obligations in the context of integration Keywords: Peacekeeping, United Nations, armed’s force, international obligation, Constitution 2013 Từ khóa: Gìn giữ hòa bình, Liên Hợp quốc, lực lượng vũ trang, nghĩa vụ quốc tế, Hiến pháp 2013 ABSTRACT Article 65 of the Constitution of 2013 specifies the responsibility of Vietnam’s armed forces in the performance of international obligations. This provision serves as an important and necessary legal basis for Vietnam to “contribute to the protection of peace in the region and the world” (Article 64). On that basis, the People's Army in particular and other Vietnamese forces have good opportunity to participate more deeply in peaceful external military activities, peacekeeping within the United Nations. The paper explores legal and practical aspects of the UN mission, which assesses the need and significance of this issue for Vietnam in general and the implementation of international obligations under Article 65 regarding the defend of Homeland in the Constitution 2013. TÓM TẮT Điều 65 Hiến pháp năm 2013 đề cập đến trách nhiệm của lực lượng vũ trang nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để Việt Nam “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” (Điều 64). Trên cơ sở đó, quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng và các lực lượng khác của Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động quân sự đối ngoại hòa bình, mà cụ thể là vào các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên Hợp quốc. Bài viết tìm hiểu những khía cạnh pháp lý và thực tiễn của hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, qua đó đánh giá sự cần thiết và ý nghĩa của vấn đề này đối với Việt Nam nói chung và việc thực thi nghĩa vụ quốc tế tại Điều 65, Chế định bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp 2013. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Bên cạnh những bổ sung đối với Điều 70 Hiến pháp 1992, Điều 65 Hiến pháp năm 2013 có một nội dung khá mới và quan trọng đề cập đến trách nhiệm của lực lượng vũ trang nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế, theo đó “lực lượng vũ trang nhân dân cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng và cần thiết để Việt Nam “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” (Điều 64). Trên cơ sở đó, quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam nói riêng và các lực lượng AGU International Journal of Sciences – 2020, Vol. 24 (1), 40 – 46 41 khác của Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động quân sự đối ngoại hòa bình, mà cụ thể là vào các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên Hợp quốc (HĐGGHB của LHQ). Trên thực tế, nhiều nước đã ban hành luật hoặc văn bản pháp luật chuyên ngành trong đó quy định về việc tham gia HĐGGHB của LHQ của lực lượng vũ trang nước này như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc... Để thực hiện nhiệm vụ cao cả nói trên, ngày 27/5/2014, hai sĩ quan QĐND Việt Nam lần đầu tiên đã nhận nhiệm vụ lên đường làm nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan (Nguyễn Hồng Pha, 2014). Sự kiện quan trọng này đã đánh dấu sự tham gia chính thức HĐGGHB của LHQ của Việt Nam, thể hiện cam kết chính trị của nhà nước và QĐND Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Từ 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 19 lượt cán bộ, sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Mới đây nhất, ngày 05/01/2018, Tổ Công tác liên ngành về Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc đã được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng và ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Vũ Hùng & Nguyễn Hòa, 2018). Bài viết tìm hiểu những khía cạnh pháp lý và thực tiễn của HĐGGHB của LHQ, qua đó đánh giá sự cần thiết và ý nghĩa của vấn đề này đối với Việt Nam nói chung và việc thực thi nghĩa vụ quốc tế tại Điều 65, Chế định bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp 2013. 2. KHÁI QUÁT VỀ GÌN GIỮ HÒA BÌNH LIÊN HỢP QUỐC VÀ LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH LIÊN HỢP QUỐC Gìn giữ hòa bình được LHQ xác định là “một cách giúp đỡ những nước bị tàn phá do xung đột để tạo ra các điều kiện cho hoà bình” (European Parliament, 2008). Đây là nghĩa vụ và hoạt động bình thường của một quốc gia thành viên LHQ và phù hợp với Hiến chương LHQ. Hoạt động gìn giữ hòa bình bao gồm nhiều hoạt động khác nhau từ việc gửi các đơn vị quân đội gìn giữ hòa bình theo dõi và giám sát tiến trình hòa bình trong những vùng hậu xung đột đến việc giúp đỡ những cựu chiến sĩ trong việc thực hiện những thỏa thuận hoà bình mà họ đã ký. Các sự trợ giúp gìn giữ hòa bình như vậy có nhiều dạng, gồm phương pháp xây dựng lòng tin, thỏa thuận về việc chia sẻ quyền lực, hỗ trợ bầu cử, củng cố luật pháp, và việc phát triển kinh tế - xã hội (United Nations, 2008). Hoạt động gìn giữ hòa bình đầu tiên của Liên Hợp quốc đã diễn ra vào năm 1948 trong cuộc chiến ở Trung Đông. Kể từ đó đến nay, hoạt động này của LHQ được thực thi trên cơ sở một số nguyên tắc cơ bản đó là phải được sự đồng ý của các bên có liên quan; tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Theo Hiến chương LHQ, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ có quyền hạn và trách nhiệm trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Cơ quan này được phép sử dụng các hoạt động tập thể để đạt được mục tiêu trên. Hiến chương LHQ cũng nhấn mạnh rằng, khi làm những nghĩa vụ do trách nhiệm này đặt ra, thì HĐBA sẽ hành động với tư cách thay mặt cho các thành viên của LHQ (Điều 24 khoản 1 Hiến chương LHQ). Hiện nay, quan điểm được thừa nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế đó là HĐBAcó quyền trong hoạt động gìn giữ hòa bình và toàn bộ các HĐGGHB của LHQ phải được cho phép bởi Hội đồng Bảo an. Điều đáng lưu ý rằng hoạt động gìn giữ hòa bình được thiết lập và thực thi bởi chính LHQ bởi những binh sĩ từ các quốc gia thành viên phục vụ dưới mệnh lệnh chỉ huy của LHQ. Đồng thời, khi tham gia hoạt động này, những lính gìn giữ hòa bình vẫn thuộc về các đơn vị quân đội riêng của mỗi nước, điều này cũng đảm bảo không tạo thành một hình thức “quân đội của LHQ” độc lập, đúng theo tinh thần và bản chất của luật quốc tế hiện đại. Mặc dù vậy, LHQ không phải là tổ chức duy nhất có quyền và nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, một vài tổ chức hợp pháp cũng có quyền làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Những lực lượng gìn giữ hòa bình không phải của LHQ bao gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Kosovo và Lực AGU International Journal of Sciences – 2020, Vol. 24 (1), 40 – 46 42 lượng Quan sát Đa quốc gia thực hiện nhiệm vụ trên Bán đảo Sinai. Theo Chương VII của Hiến chương LHQ, HĐGGHB của LHQ được thực hiện theo cơ chế sau: Trước hết, khi một hiệp ước hòa bình đã được đàm phán và thông qua nhằm giải quyết xung đột vũ trang, các bên tham gia có thể yêu cầu LHQ đưa một lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát việc thực thi kế hoạch hòa bình nêu ra trong hiệp ước hòa bình này. Việc này được thực hiện bởi một nhóm hoạt động dưới sự điều khiển của LHQ và đệ trình lên Hội đồng Bảo an. Sau đó, nếu HĐBA phê duyệt nhiệm vụ thì Ban Hoạt động gìn giữ hoà bình bắt đầu lập kế hoạch cho những hoạt động cụ thể tiếp theo, trong đó có việc kêu gọi việc đóng góp từ phía các quốc gia thành viên. Quy mô và quân số của lực lượng phải được sự đồng ý của chính phủ các quốc gia trong các vùng xung đột. Các luật lệ cam kết phải được triển khai và được sự chấp thuận của các bên và cả Hội đồng Bảo an. Các bên tham gia và HĐBA sẽ quy định những vấn đề cụ thể như sự ủy nhiệm đặc biệt, mục đích cũng như phạm vi của nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình, chẳng hạn như thời điểm tham gia, có sử dụng vũ trang hay không, những nơi có thể sẽ có lực lượng của nước chủ nhà (Bộ Ngoại giao, 2014). Khi tất cả các thỏa thuận đã đạt được, các lực lượng theo yêu cầu sẽ được tập hợp, và sau khi được sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an, lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được triển khai tới các vùng (United Nations, 2008). Việc tham gia vào hoạt động này của các nước là khá đa dạng, các nước phát triển thường đóng góp chủ yếu về mặt thiết bị nhưng không gửi quân đội tham gia các hoạt động của lực lượng này, trong khi đó, các nước đang phát triển ở Nam Mỹ và châu Phi lại chủ yếu đóng góp nhân sự cho các hoạt động gìn giữ hòa bình. Nhìn chung, các nước có thể gửi quân đội hoặc cảnh sát tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, hoặc cũng có thể gửi các nhân viên dân sự như bác sĩ, kỹ sư hoặc quan sát viên quân sự tham gia trong khuôn khổ hoạt động gìn giữ hòa bình. Theo thống kê của LHQ, tính đến ngày 31/10/2013, có khoảng 118.000 người tham gia vào 16 hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ trên toàn thế giới, trong đó đã có 119 nước trên thế giới đóng góp người cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Kể từ năm 1948 cho đến nay, LHQ đã triển khai 71 chiến dịch gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới và hiện tại đang tiến hành 15 hoạt động, với sự đóng góp nhân viên từ 124 quốc gia và tổng số 89,800 người. (United Nations Factsheets, 2018) 3. VẤN ĐỀ THAM GIA LỰC LƯỢNG GÌN GIỮ HÒA BÌNH LIÊN HỢP QUỐC CỦA VIỆT NAM Việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với lực lượng vũ trang cũng như quan điểm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới không phải là vấn đề mới mà đã được nêu trong Cương lĩnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 2011 cũng như các văn kiện của Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên mà quan điểm về việc thực thi nghĩa vụ quốc tế đã được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp, đạo luật cơ bản của nhà nước. Quy định về vấn đề này trong Hiến pháp đã khẳng định về mặt pháp lý mối quan hệ mật thiết giữa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc với đường lối đối ngoại trong điều kiện hội nhập hiện nay. Vấn đề này đã được nêu ra trong Báo cáo Chính trị của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI, trong đó xác định “Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011). Thực thi chính sách ngoại giao đa phương, với phương châm là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn AGU International Journal of Sciences – 2020, Vol. 24 (1), 40 – 46 43 cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc. Do đó, việc tham gia HĐGGHB của LHQ chính là việc thực hiện chủ trương đối ngoại trong vấn đề bảo vệ Tổ quốc và phù hợp với cơ sở pháp lý nêu ra tại Điều 65 Hiến pháp 2013. Việc chuẩn bị tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ của QĐND Việt Nam là một quá trình có sự chuẩn bị công phu và có lộ trình cụ thể. Vào tháng 5-2013, trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 12 tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố việc Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng như công binh, quân y, quan sát viên quân sự. Tiếp đó, vào ngày 27/9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp tại Đại Hội đồng LHQ đã tuyên bố “Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ”. Đây là tuyên bố quan trọng thể hiện quan điểm chính thức của lãnh đạo nhà nước Việt Nam đối với sự sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế về an ninh quốc phòng. Để hiện thực hóa quan điểm đó, những bước đi của Việt Nam đã được tiến hành. Bộ Quốc phòng đã xây dựng Đề án tổng thể việc Việt Nam tham gia HĐGGHB của LHQ và trên cơ sở đề án này Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Peacekeeping Centre) đã được thành lập vào ngày 04/12/2013 bằng Quyết định số 4792/QĐ-BQP và chính thức ra mắt ngày 27/5 năm 2014 tại Hà Nội. Đây là Trung tâm trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam có nhiệm vụ "nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia HĐGGHB của LHQ của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. (Hoàng Thùy, 2014). Trước đó, từ năm 2005, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương và xúc tiến thực hiện những bước đi đầu tiên cho công tác này, bao gồm nghiên cứu về việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, cử các đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo của Bộ Quốc phòng, Công an, Lao động, Tài chính làm việc với Cục Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, đi thăm, khảo sát thực tế Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Haiiti, Nam Sudan. Bên cạnh đó, kể từ năm 2013, Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn công tác tới các nước, trong đó có Campuchia, Nhật Bản, Nepal, Đức, Pháp... để nghiên cứu, học tập mô hình, cơ chế, kinh nghiệm chuẩn bị và triển khai lực lượng. Về mặt pháp lý, trên cơ sở Điều 65 Hiến pháp 2013, Quốc hội nước CH XHCN Việt Nam đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Dự thảo nhấn mạnh mục đích của việc Việt Nam tham gia HĐGGHB của LHQ nhằm để thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới (Điều 3 Dự thảo Nghị quyết). Tại Điều 4 khoản 1 của Dự thảo đã nêu rõ việc tham gia HĐGGHB của LHQ phải phù hợp lợi ích của nhà nước Việt Nam, phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam, Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam chỉ tham gia hoạt động này khi có Nghị quyết của HĐBA Liên hợp quốc. Đồng thời Việt Nam chỉ tham gia hoạt động này tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên tham chiến, được sự chấp thuận của các bên liên quan, sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế và khu vực. Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 4 Dự thảo cũng xác định rõ lực lượng Việt Nam khi tham gia các hoạt động này sẽ không bao gồm việc tham gia các hoạt động cưỡng chế, tác chiến. Cụ thể, Việt Nam sẽ chủ yếu tham gia các hoạt động mang tính nhân đạo, công tác hỗ trợ như hậu cần, quân y, rà phá bom mìn, quan sát viên quân sự, sỹ quan liên lạc, giám sát bầu cử, tham mưu (Bộ Ngoại giao, 2014). Tiếp theo đó, Dự thảo Pháp lệnh về tham gia HĐGGHB của LHQ đã được xây dựng. Dự thảo Pháp lệnh lần thứ nhất năm 2013 đã khẳng định lại những quy định mang tính nguyên tắc trong Dự thảo của Quốc hội. Cụ thể, việc tham gia HĐGGHB của LHQ nhằm đề cao chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ của Việt Nam, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp các nguyên tắc cơ bản của luật pháp AGU International Journal of Sciences – 2020, Vol. 24 (1), 40 – 46 44 quốc tế và Hiến chương LHQ. Đồng thời khẳng định Việt Nam không tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình có nhiệm vụ cưỡng chế theo chương VII Hiến chương LHQ (Điều 4). Ngoài ra, điều kiện tham gia các HĐGGHB của LHQ là phải được LHQ cho phép thông qua Nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Phái bộ được triển khai trên cơ sở thỏa thuận hòa bình, có sự nhất trí của các bên liên quan. Phái bộ có sứ mệnh rõ ràng, bảo đảm tính trung lập (Điều 5). Những người được chọn tham gia lực lượng tham gia HĐGGHB của LHQ phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cần thiết, có tính kỷ luật cao, biết tiếng Anh hoặc tiếng địa phương... (Điều 6). Lực lượng này cần nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại, các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, các quy định của LHQ, các nguyên tắc hoạt động trên thực địa. Hoàn thành nhiệm vụ được giao và tuân theo sự chỉ huy của người đứng đầu lực lượng Việt Nam tham gia tại mỗi Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, Trưởng Phái bộ và Tư lệnh lực lượng Phái bộ. Có trách nhiệm tuân thủ các khái niệm tác chiến chung và tôn trọng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nước sở tại (Điều 7). Trong quá trình tham gia hoạt động này các lực lượng của Việt Nam chỉ sử dụng vũ lực ở mức tối thiểu trong trường hợp không còn biện pháp nào khác và vì mục đích tự vệ (Điều 8), có thể khẳng định rằng các lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động này không phải là lực lượng tham chiến; do đó không tham gia nhiệm vụ cưỡng chế và các hoạt động tác chiến quân sự. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, các lực lượng của Việt Nam có tinh thần hợp tác với lực lượng các nước trong cùng Phái bộ; không được tiết lộ bí mật quốc gia, không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nước sở tại... (Điều 9 Dự thảo Pháp lệnh). 4. SỰ CẦN THIẾT VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC VIỆT NAM THAM GIA HĐGGHB CỦA LHQ Việc tham gia vào HĐGGHB của LHQ của Việt Nam là sự thể hiện rõ ràng và cụ thể trách nhiệm là quốc gia thành viên trong việc đóng góp vào một lĩnh vực mà Việt Nam rất coi trọng đó là gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Việc tham gia hoạt động này xuất phát từ việc các nước, đặc biệt là các nước độc lập dân tộc, đang phát triển, cũng như sự đánh giá cao của các cơ quan của LHQ mong muốn Việt Nam tham gia vì trên cơ sở hiểu rõ chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam là yêu chuộng, bảo vệ hòa bình, coi trọng độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia; sự tin tưởng của LHQ vào năng lực của lực lượng vũ trang Việt Nam. Đây cũng là sự thể hiện trên thực tế quyết tâm chính trị của Nhà nước Việt Nam trong việc tham gia HĐGGHB của LHQ mà các nhà lãnh đạo Việt Nam trên những diễn đàn quốc tế đã tuyên bố trong thời gian qua. Ngoài ra, đây là sự tiếp nối của sự tham gia sâu rộng và thực chất của Việt Nam vào các vấn đề quốc tế. Việc tham gia HĐGGHB của LHQ có những ý nghĩa hết sức to lớn. Thứ nhất, đây là sự thể hiện trên thực tế quan điểm của Nhà nước về thực thi nghĩa vụ quốc tế trong chế định bảo vệ Tổ quốc được quy định tại Điều 65 Hiến pháp 2013. Đây là cơ sở pháp lý để QĐND và CAND Việt Nam triển khai các công việc tham gia một số hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu hộ, cứu nạn nhân đạo, qua đó “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới (Khoản 2, Điều 64). Việc Việt Nam tham gia hoạt động này góp phần khẳng định đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ của Đảng và Nhà nước. Điều này đã phản ánh rõ nét sự đổi mới quan trọng về tư duy trong quá trình hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và QĐND Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam nhằm đáp ứng các mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó đã góp phần thực hiện chủ trương đối ngoại của Đại hội Đảng XI về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, trong đó có hội nhập quốc tế về quốc phòng. Trong điều kiện cho phép, Việt Nam có thể tham gia một số hoạt động gìn giữ AGU International Journal of Sciences – 2020, Vol. 24 (1), 40 – 46 45 hòa bình, cứu hộ, cứu nạn mang tính nhân đạo với mục đích góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, củng cố, phát triển mối tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị vì lợi ích chung; tuy nhiên Việt Nam sẽ không tham gia, không can thiệp vào các công việc nội bộ của các nước khác. Thứ hai, việc tham gia HĐGGHB của LHQ sẽ góp phần nâng cao uy tín, vị thế và tiếng nói của nhà nước Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Việt Nam đã thể hiện mình là một quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế tham gia đóng góp cho nỗ lực gìn giữ hòa bình thế giới bằng hành động cụ thể. Bên cạnh việc tham gia hội nhập sâu rộng hơn vào các hoạt động hợp tác quốc phòng thông thường với lực lượng vũ trang, quân đội các nước, đây cũng có thể được xem là một hình thức đối ngoại quốc phòng mới; qua đó góp phần tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước ở nhiều khu vực trên thế giới. Mỗi cán bộ chiến sĩ Việt Nam khi tham gia các hoạt động trên sẽ đóng vai trò như một “đại sứ hòa bình” nhằm tuyên truyền thể hiện truyền thống tốt đẹp yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Điều quan trọng hơn là cũng từ việc tham gia HĐGGHB của LHQ sẽ làm cho thế giới hiểu rõ chính sách quốc phòng của Việt Nam là mang tính chất hòa bình, tự vệ, góp phần tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Chính điều này sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc và tạo điều kiện thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Thứ ba, việc tham gia HĐGGHB của LHQ sẽ đánh dấu bước trưởng thành mới về trình độ, năng lực của QĐND Việt Nam trong hợp tác quốc tế. Qua việc tham gia hoạt động này, các đơn vị lực lượng vũ trang của Việt nam có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm kỹ năng tác chiến, triển khai hoạt động và thực thi nhiệm vụ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, đối phó với các tình huống phức tạp qua đó có thể tiếp tục đảm nhiệm các nhiệm vụ phức tạp, khó khăn hơn tại các điểm nóng trên thế giới. Cũng qua việc tham gia này, quân đội Việt Nam có cơ hội tranh thủ hỗ trợ của quốc tế cho công tác đào tạo, đầu tư, hiện đại hóa một số cơ sở vật chất, trang thiết bị 5. KẾT LUẬN Hiến pháp 2013, phần chế định bảo vệ Tổ quốc, đã có sự ghi nhận một nội dung quan trọng, nhấn mạnh trách nhiệm thực thi nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước và QĐND Việt Nam. Quy định tại Điều 65 Hiến pháp 2013 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đưa các lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia HĐGGHB của LHQ, đồng thời thể hiện sự đổi mới về tư duy quốc phòng và chủ trương đối ngoại, hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước. Qua đó cũng nhấn mạnh quan điểm và lập trường của nhà nước Việt Nam trong việc coi hòa bình và an ninh quốc tế là cần thiết, tất yếu cho sự phát triển ổn định và bình đẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Để vấn đề này được thực hiện một cách chính thức và có hiệu quả, các cơ quan lập pháp và chính phủ cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này, đồng thời quân đội và các cơ quan chức năng khác của nhà nước cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và chuẩn bị về mọi mặt để có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đối ngoại quan trọng này. Cụ thể, Việt Nam cần rà soát những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan như Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời sớm thông qua Pháp lệnh về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc làm cơ sở cho việc thực hiện các hoạt động này nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam và thể hiện sự thực thi một cách nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế của nước CHXHCN Việt Nam. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Ngoại giao. (2014). Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo nghị quyết về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. AGU International Journal of Sciences – 2020, Vol. 24 (1), 40 – 46 46 Bộ Ngoại giao. (2014). Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Truy cập từ: nam/nr040810155556/ns140321220318/fe140 321111330/download. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam. European Parliament. (2008). Policy department external policy: the protection of civilians during peacekeeping operations. Truy cập từ: s/etudes/join/2008/388942/EXPO- DEVE_ET(2008)388942_EN.pdf. Hoàng Thùy. (2014). Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam được thành lập. VNExpress. Truy cập từ: su/trung-tam-gin-giu-hoa-binh-viet-nam-duoc- thanh-lap-2996223.html. Nguyễn Hồng Pha. (2014). Hai sỹ quan Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Dân Trí. Truy cập từ : gioi/hai-sy-quan-viet-nam-len-duong-lam- nhiem-vu-gin-giu-hoa-binh-890829.htm. United Nations Peacekeeping Factsheets. (2018). Retrieved from https://peacekeeping.un.org/en/data. United Nations. (2008). United Nations peacekeeping operations: principles and guidelines. Retrieved from s/capstone_eng.pdf. Vũ Hùng & Nguyễn Hòa. (2018). Bước tiến dài của lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Quân đội Nhân dân. Truy cập từ: dung-quan-doi/buoc-tien-dai-cua-luc-luong- gin-giu-hoa-binh-viet-nam-528280.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfviet_nam_tham_gia_cac_hoat_dong_gin_giu_hoa_binh_trong_khuon.pdf
Tài liệu liên quan