Đề án Giải pháp nhằm bảo tồn và khai thác có hiệu quả khu phố cổ trong các tour du lịch ở thủ đô

Phố cổ Hà nội với các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể hội tụ trong nó, là nguồn tài nguyên quí giá cho việc phát triển du lịch của thủ đô. Mặc dù phố cổ theo đúng nghĩa của nó đã bị thực dân Pháp và chiến tranh phá huỷ, cái còn lại hôm nay là những di sản của phố cũ, nhưng chúng vẫn giữ được cơ cấu không gian của khu dân cư lâu đời gắn liền với kinh thành Thăng long. Cái thu hút đến phố cổ hôm nay không chỉ là những đặc trưng kết trúc đô thị của một nền kinh tế nông nghiệp sông Hồng mà còn bởi hệ thống các nghành nghề thủ công truyền thống đã phát triển đến một trình độ cao trong khu vực,bởi lối sống sinh hoạt văn hoá ẩm thực phố cổ có một ý nghĩa và vị thế rất lớn đối với việc phát triển du lịch văn hoá của thủ đô.Tuy nhiên hiện nay nguồn tài nguyên này đang trong tình trạng bị phá huỷ nghiêm trọng do không có kinh phí tu bổ và do cơ chế quản lý xây dựng còn kém hiệu quả.Bên cạnh những ngôi nhà lụp xụp do không được cải tạo, lại bị tàn phá bởi mưa nắng và thời gian là những ngôi nhà mới được xây dựng lại tuỳ tiện không có qui hoạch đã gây ra sự thiếu mỹ quan cho khu phố. Việc đưa ra giải pháp đúng đắn khả thi cho trong công việc giải toả dân cư cải tạo lại cơ sở hạ tầng hiện nay là một vấn đề cấp thiết.Nó ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch phố cổ trong hiện tại và tương lai.Không những thế các cơ quan quản lý du lịch cũng cần có những giải pháp để có thể nâng cao chất lượng du lịch, tạo sự phong phú cho các tour, khai thác một cách triệt để những giá trị du lịch trong khu vực theo hướng phát triển bền vững nhằm hoàn thành mục tiêu và định hướng mà đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII đề ra: “ Đẩy mạnh phát triển du lịch, tập trung có chọn lọc một số điểm, khu và tuyến du lịch trọng điểm, giàu bản sắc dân tộc, có sức cạnh tranh cao, nâng cao chất lượng nguồn lực và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng hiện đại trên cơ sở phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài vươn lên để vượt qua khó khăn và thách thức, tận dụng cơ hội và lợi thế so sánh đưa du lịch Hà nội từ nay đến năm 2005 “ trở thành nghành quan trọng trong cơ cấu kinh tế thủ đô”. Và đến năm 2010 “ trở thành nghành kinh tế mũi nhọn” theo tinh thần nghị quyết đại hội lần IX của Đảng”.

doc28 trang | Chia sẻ: aloso | Lượt xem: 1619 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề án Giải pháp nhằm bảo tồn và khai thác có hiệu quả khu phố cổ trong các tour du lịch ở thủ đô, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu Toàn cầu hoá hiện nay đang là một xu thế tất yếu đối với sự phát triển của nhân loại trên nhiều lĩnh vực. Nó đã góp phần tạo cơ hội cho việc giao lưu văn hoá giữa các nước trên thế giới. ở Việt Nam vấn đề này đã góp phần không nhỏ trong quan hệ hợp tác với các quốc gia khác, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế, song mặt khác nó lại đặt ra những thách thức cho việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc. Phố cổ Hà Nội là một trong những địa điểm bị xu hướng “tân thời hoá”,ưa chuộng đồ ngoại làm cho biến dạng. Hiện nay trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt người dân phá bỏ nhà cũ xây dựng những ngôi nhà mới theo phong cách, kiến trúc hiện đại, bên cạnh đó những ngôi nhà cũ vài trăm tuổi chưa bị phá bỏ thì ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng này đang làm Hà Nội dần mất đi một di sản văn hoá đáng tự hào, ngành du lịch mất đi một nguồn tài nguyên văn hoá trong việc phát triển du lịch văn hoá của thủ đô. Chính vì thế vấn đề cải tạo, bảo vệ và tôn tạo khu di tích này hiện nay đang là vấn đề đáng quan tâm của chính quyền địa phương và thành phố. Là một sinh viên kinh tế sau này sẽ làm việc trong lĩnh vực du lịch, vấn đề bảo tồn phố cổ đã thu hút sự quan tâm của em. Trong bài viết này em xin phân tích phố cổ ở khía cạnh giá trị văn hoá của nó đối với việc phát triển du lịch và vấn đề khai thác những giá trị đó vào các tour du lịch của thủ đô trong hiện tại và tương lai. Em xin chân thành cảm ơn Thạc sĩ Ngô Đức Anh đã hướng dẫn và giúp đỡ em hoàn thành đề án này. I. Phố cổ Hà Nội và nét hấp dẫn của phố cổ đối với du khách 1. Vài nét về phố cổ Hà Nội: Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị mà đây còn là trung tâm văn hoá của nước Việt Nam. Hà Nội là nơi hội tụ những tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, với một bề dày lịch sử gần 1000 năm đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Lịch sử ngàn năm Quốc Đô - Thăng Long – Hà Nội bắt đầu từ đời Lý Công Uẩn (1010) khi ông quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long (Hà Nội). Nhận thấy đây là một địa thế “ở giữa khu vực trời và đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi” nên ông đã cho xây dựng đô thị Thăng Long với cấu trúc “tam trùng thành quách” (trong thành ngoài thị). Trải qua chiều dài thời gian trong di sản đô thị Hà Nội , toà thành cổ hầu như đã tan biến và chỉ còn hiện diện bởi những công trình kiến trúc đơn lẻ. Song nó lại được đặc trưng bởi một cơ cấu đô thị hết sức đặc thù - đó là khu phố cổ hay còn gọi là khu vực 36 phố phường. Trước đây dưới triều đại Lý, Trần, Hậu Lê đây là trung tâm thương mại của Thăng Long, là phần thị trong kiến trúc xã hội “tam trùng thành quách”. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội năm 1886, chúng đã phá huỷ gần như toàn bộ hệ thống các di tích văn hoá, kiến trúc truyền thống nằm xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm để lấy chỗ xây dựng khu phố Tây. Song song với việc hoàn thiện khu vực trung tâm hồ Hoàn Kiếm, người Pháp đã tiến hành chỉnh sửa trong khu vực “36 phố phường” của Hà Nội. Nhưng do ảnh hưởng của phương thức xây dựng mới vẫn còn ở mức độ hạn chế, người Hà Nội vẫn tiếp tục phương thức xây dựng Việt Nam truyền thống trong sửa chữa và xây dựng mới những ngôi nhà của mình. Đó là những ngôi nhà kết cấu gỗ là chủ yếu, mái lợp ngói ta, chiều rộng nhà hẹp và phát triển sâu vào phía trong lô đất bằng những lớp nhà kế tiếp những lớp sân trong. Chính vì vậy, nhìn chung khu phố này vẫn mang nét truyền thống quen thuộc bên cạnh “khu phố Tây” đang hình thành với những đường nét qui hoạch và kiến trúc được du nhập từ châu âu. Sau này hai khu vực này được gọi là “khu phố cổ” và “khu phố cũ” làm nên niềm tự hào của cả Hà Nội mà không phải bất cứ thành phố nào ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác có nổi. Hai thuật ngữ này mới chỉ ra đời từ năm 1995, là một qui ước để tiện cho việc nghiên cứu và tìm giải pháp bảo vệ. Thành phố Hà Nội tạm thời qui định “khu phố cổ” là khu phố có hình tam giác (nhưng kỳ thực là hình thang), hai cạnh ngang là phố Hàng Đậu và dãy phố Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ – Hàng Thùng. Hai cạnh dọc là phố Trần Nhật Duật và dãy phố Hàng Cót – Hàng Gà - Hàng Điếu – Hàng Da. Còn “khu phố cũ” gồm ba khu vực: khu nhượng địa, khu thành cũ và khu nam Hồ Gươm. Khu nhượng địa hình chữ nhật, hai cạnh dài là đường Bạch Đằng và phố Lê Thánh Tông – Trần Thánh Tông, hai cạnh ngang là đoạn đầu phố Tràng Tiền và phố Nguyễn Huy Tự. ở đây gồm những công trinh kiến trúc kiểu “chính thống”, mái lợp ngói đá đen, mặt bằng có hành lang chạy bốn xung quanh, nhà cuốn hình cung. Khu thành cũ gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú. Các biệt thự ở đây thường theo kiến trúc miền Bắc nước Pháp, mái dốc, các chi tiết trang trí ở cửa sổ, ở nóc diêm dúa, tỉ mỉ. Khu nam Hồ Gươm là một hình chữ nhật mà hai cạnh dài là Tràng Thi – Tràng Tiền và Trần Hưng Đạo, hai cạnh ngang là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Khu vực này được xây dựng đồng thời với khu vực thành cũ song qui trình, qui hoạch có chậm hơn vì phải giải toả nhiều làng xóm. ở khu vực này đa số cũng là biệt thự nhưng mái không dốc, nhiều cửa theo kiến trúc Nam Pháp. Hai khu vực này đã tạo nên một công trình kiến trúc đô thị mang phong cách á - âu, được xây dựng thích nghi với môi trường truyền thống và thiên nhiên của Hà Nội mà người xưa gửi lại cho chúng ta và truyền cho đời sau. 2. Nét hấp dẫn của phố cổ đối với du khách: Hà Nội – 36 phố phường là một di sản văn hoá của dân tộc. Nó có giá trị rất lớn trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Các di tích lịch sử văn hoá trong khu phố cổ đã làm cho sản phẩm du lịch đặc trưng 3H của Hà Nội là: Hà Nội lịch sử (history), Hà Nội anh hùng (heroism), Hà Nội mến khách (hospitality) càng thêm hấp dẫn. Điểm thu hút đầu tiên của khu phố này mang đến cho khách du lịch không chỉ giá trị văn hoá vật thể mà còn có cả giá trị văn hoá phi vật thể bao gồm trong nó. 2.1. Giá trị văn hoá vật thể. Giá trị văn hó vật thể được thể hiện ở công trình kiến trúc độc đáo trong khu phố. Trước khi thực dân Pháp xâm lược các ngôi nhà trong khu phố đều có chung một dáng dấp đó là những ngôi nhà ống. Nhà như một cái ống bề ngang hẹp, chiều dài sâu có khi thông ra một ngõ khác, phố khác. Bố cục cũng tương tự nhau: gian ngoài là chỗ bán hàng hoặc làm hàng. Tiếp đó là một khoảng sân lộ thiên để lấy ánh sáng, người dân thường gọi là “giếng trời” – là nơi giao hoà giữa đất và trời, là một nét văn hoá trong triết lý âm – dương của người Hà Nội xưa. Gian nhà trong mới là nơi ăn ở và nối vào đó là khu phụ. Đa số là nhà một tầng lợp bằng những viên ngói cong hình “mũi hài”, được sắp xếp khéo léo vừa chống nắng, che mưa vừa tạo hình “vảy rồng” rất hấp dẫn. Đây là kiểu nhà dân dụng và phổ biến của người dân Thăng Long xưa. Nhà vừa là xưởng sản xuất thủ công vừa là cửa hàng và là nơi sinh hoạt của gia đình. Các ngôi nhà xây sát cạnh nhau thể hiện văn hoá cộng đồng, làng xã của người Việt Nam. Cái hấp dẫn du khách của khu phố cổ chính là ở chỗ này, ở cái tổng thể do người xưa đã sắp xếp thành một cơ thể đầy sống động, khăng khít, gắn bó kề tựa nhau mà tồn tại, sinh sôi… Quang cảnh một góc phố Hàng Bạc năm 1883 trước khi thực dân Pháp tiến hành tu sửa Khi thực dân Pháp tiến hành chỉnh sửa lại khu phố, các ngôi nhà được xây lại kiên cố nhưng vẫn theo kiến trúc cổ. Các ngôi nhà vẫn được xây dựng theo hình ống với bề rộng rất hẹp quay mặt ra phố, từ 3-5 m, chiều sâu vài chục mét, chiều cao thường là tầng rưỡi đôi khi là hai tầng. Tuy hình thức trang trí bên ngoài theo lối kiến trúc châu âu có làm biến dạng khu phố nơi ít, nơi nhiều, song bóng dáng của thời xưa (dù chỉ là của thế kỷ 19) vẫn còn lưu lại ở dăm căn nhà này, ở vài đoạn phố kia và đặc biệt là ở cái không gian văn hoá vẫn đậm đà hương vị cổ. Dưới đây là một góc kiến trúc phố Hàng Đào vào năm 1926. Khách du lịch đến khu phố cổ cũng nhận thấy được cơ cấu kiến trúc đô thị Thăng Long xưa qua những dãy phố hẹp, chi chít dọc ngang liên kết với nhau theo kiểu bàn cờ. Chính tỉ lệ không gian kiến trúc phù hợp với tỉ lệ kích thước đường phố, với con người và các hoạt động đa dạng của con người ở những thời kỳ chưa có phương tiện cơ giới đã tạo nên sự thu hút và quan tâm của khách du lịch. Họ không chỉ nhìn ngắm những dấu tích lịch sử mà muốn tìm hiểu sâu về kiến trúc tổng thể mà cha ông ta đã bố trí không chỉ để sống, sinh hoạt mà còn để phòng vệ trước các cuộc chiến tranh. Cơ cấu phố cổ như mộ bức tường thành vững chắc bao bọc, che chở cho phần “đô” nằm bên trong. Bên cạnh đó trong khu phố cổ còn rất nhiều công trình đền, chùa, miếu… nằm rải rác trong nhiều đường phố cổ kính, sang trọng thể hiện một khía cạnh trong tâm hồn Hà Nội xưa luôn tìm cách hoà đồng với một thế giới tâm linh. Các di tích đình, đền là sản phẩm sáng tạo độc đáo, thiêng liêng của mỗi làng quê, là sự kết tinh, tồn đọng văn hoá làng xã Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Theo thống kê trên phạm vi 100ha của khu phố cổ đã từng có 100 di tích là nơi thờ tự của các phường cũ, nơi thờ tổ nghề, Thành Hoàng Hà Nội. Hiện nay chỉ còn lại 54 ngôi đình, 6 chùa, 22 đền, 3 miếu. Trong đó có một số di tích được xếp hạng như đền Bạch Mã, đình Thanh Hà, chùa Cầu Đông… rất thu hút được du khách tới thăm, tìm hiểu những chứng tích đô thị của một nước châu á gốc nông nghiệp dẫu đã ra phường phố nhưng vẫn giữ những tín ngưỡng tôn giáo (mà chủ yếu là đạo phật). Các ngôi chùa, đền ở đây được xây dựng theo lối kiến trúc rất đặc trưng của Việt Nam. Các mái đền, chùa đều được uốn cong và chạm trổ hình đầu rồng rất cầu kỳ. Các chi tiết trang trí từ hình dáng bên ngoài như mái chùa, cổng chùa… cho đến những chi tiết bên trong như hương án, cột gỗ… đều rất tinh xảo, khéo léo, có giá trị nghệ thuật cao. Trong chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật đáng giá: Chùa Cầu Đông còn lưu giữ bốn tấm bia có các niên đại 1624, 1639, 1711, 1816. Đặc biệt là bia 1624 có tên là Đông Môn tự ký do nhà sư Nguyễn Văn Hiệp dựng, kể lại việc chính ông mua thêm đất mở rộng khuôn viên và xây dựng mở mang chùa. Ngoài ra trong chùa còn có một quả chuông đúc năm 1800 còn nguyên niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8. Còn ở đền Bạch Mã có di vật quý là pho tượng thần Long Đỗ bằng đồng, tương truyền có từ thế kỷ 18. ở các đình chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng phật rất đẹp và có giá trị. Như vậy phố cổ không chỉ mang những nét kiến trúc chung đặc trưng của xã hội nông nghiệp Việt Nam mà nó còn có những nét riêng biệt của khu đô thị Thăng Long làm nên sức hấp dẫn và thu hút của khu phố. 2.2. Giá trị văn hoá phi vật thể Khi đến phố cổ khách du lịch đều cảm thấy thú vị và tò mò trước hàng loạt dãy phố bắt đầu bằng từ “Hàng”: Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Bài, Hàng Bông, Hàng Đào… Nhìn ở góc độ văn hoá, đây là sự hiện diện của một nền văn minh nông nghiệp châu thổ sông Hồng mà Hà Nội là tâm điểm. Khu vực 36 phố phường chính là nơi giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá, là nơi tập trung tất cả các sản vật có tiếng của miền núi, miền đồng bằng và miền biển. Nhưng nét đặc biệt là mỗi phố “Hàng” đều buôn bán một loại tương ứng với tên phố như: Hàng Đào bán lụa, Hàng Trống bán trống… Các sản phẩm được buôn bán và trao đổi đều là những đồ dùng thiết yếu có quan hệ mật thiết với sản xuất lúa nước, sản phẩm nông nghiệp và nghề sông nước như: muối, khoai, cuốc, bừa, bồ, cót… Có thể nói khu vực này hội tụ hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước. Những người thợ thủ công đã đưa ngành nghề của quê hương mình lên Hà Nội làm ăn. ở chốn kẻ chợ xầm uất này sự cạnh tranh đọ sức đua tài diễn ra rất mạnh mẽ, phải nghề tinh tài cao mới trụ nổi và phát triển được. Vì vậy những cái còn lại và phát triển là những cái tiêu biểu, tinh hoa của các vùng trong nước. Để giúp nhau trong sản xuất và buôn bán cũng như trong việc giữ gìn nghề tổ những người thợ thủ công liên kết với nhau tạo ra những phường hội - đó là những phố “Hàng” mà chúng ta thấy ngày nay. Mỗi phố “Hàng” có tính đặc thù và tính chuyên biệt cao. Một khách nước ngoài khi đến thăm phố cổ đã rất ngạc nhiên viết: “Mỗi loại hàng hoá đều có một phố riêng. ở phố Bát Sứ – tất cả đều xanh. Tiếp đến phố Bát Đàn – tất cả đều đỏ. Rồi đến phố Hàng Đồng lấp lánh kim vàng chói. Phố Hàng Thêu và phố Hàng Tranh màu sắc tươi vui rực rỡ”. Điều này thoạt nhìn có vẻ vô lý về phương diện thương mại, nhưng nó lại là cách tổ chức có lợi cho người bán. Họ có điều kiện tương trợ giúp đỡ nhau trong việc định giá, giữ giá, vay mượn hàng, giới thiệu khách hàng cho nhau… Đây là một biểu hiện cụ thể của tính cộng đồng của người Việt Nam “Buôn có bạn, bán có phường”. Môi trường sống này đã đi vào văn hoá và để lại dấu ấn không phai mờ về một khía cạnh đắc sắc của nền văn hoá nông nghiệp điển hình ở phương Đông. Ngày nay các sản phẩm được bán ở các phố đã thay đổi phong phú và nhiều loại hơn, không chỉ đơn thuần là một mặt hàng như trước đây. Chính những sản phẩm thủ công truyền thống đã giúp cho sự phát triển của hệ thống các cửa hàng bán đồ lưu niệm, tạo ra một khu vực shopping lý tưởng cho du khách đến thăm và mua đồ lưu niệm. Phố cổ cần còn có nhiều món ăn truyền thống như: Chả cá lã vọng là món ăn đặc biệt của phố Chả Cá. Nó ra đời ở cuối thế kỷ 19, do một gia đình họ Đoàn ở số nhà 14 phố này nghĩ ra cách chế biến. Món ăn này dần dần được người Hà Nội ưa thích, trở nên nổi tiếng đến nỗi tranh đoạt được cả tên gọi cổ truyền của dãy phố. ở phố Hàng Than thì nỗi tiếng với món bánh cốm được chế biến từ nếp non. Đây nguyên là thứ bánh cưới, thay cho cánh thiếp báo hỷ đánh dấu những ngày vui của các cặp vợ chồng mới. Ngoài ra phố cổ còn nhiều món ăn đặc trưng khác, nó không chỉ thể hiện ở sự tinh diệu trong nghệ thuật ẩm thực Hà Nội, mà nó còn thể hiện nét văn hoá ăn uống của chốn kinh kỳ xưa. Điều đó không chỉ thúc đẩy động cơ đi du lịch tìm hiểu nghiên cứu mà nó còn thu hút các đối tượng khác muốn thưởng thức hương vị món ăn xưa của người Việt Nam. Phố cổ là nơi buôn bán sầm uất nhất, là nơi qui tụ người dân ở khắp miền tổ quốc nên các lễ hội dân gian trong khu phố cũng rất phong phú. Đó là những nghi thức, lễ tiết nông nghiệp thờ nước, thờ lúa cùng các sản phẩm của cây lúa điển hình như “lễ tế xuân ngựu”, với tục “ đả xuân ngưu” ở phường Đông Hà xưa được trải dài trên phố Hàng Chiếu đến tận Hàng Gai bây giờ. Lễ hội thể hiện khía cạnh tâm linh của người Hà Nội xưa muốn tìm kiếm một năng lượng vô hình mà họ tin tưởng, thể hiện lòng kính trọng của họ với Thành Hoàng, tổ nghề… Nói tóm lại khu phố cổ chủ yếu “cổ” ở cái qui hoạch thời xưa của nó khách du lịch vẫn có thể thấy nó “cổ” ở những phố ngắn, những con đường hẹp đan xen nhau như một bàn cờ. Và nó vẫn giữ nét đặc biệt của 36 phố phường từ xưa là một khu vực buôn bán sầm uất nhất thủ đô, là nơi hội tụ nhiều ngành nghề thủ công truyền thống, là nơi du khách có thể thưởng thức những món ăn độc đáo. Các giá trị của phố cổ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch nghiên cứu tìm hiểu, du lịch theo chuyên đề cho những người có nhu cầu tìm hiểu về quá trình phát triển của Thăng Long – Hà Nội qua các thời đại. II. Hiện trạng của phố cổ Hà Nội 1. Hiện trạng xây dựng và tu tạo phố cổ: a. Hiện trạng xây dựng: Như chúng ta đã biết các ngôi nhà được xây dựng trong khu phố cổ từ thế kỷ 19 hoặc trước đó đều có chung một kiến trúc là nhà hình ống. Không gian kiến trúc này gần như thống nhất, do đó không khí vẫn lưu thông, ngôi nhà vẫn thở. Tiếc rằng đến nay cơ cấu cư dân một nhà ống + một gia đình hầu như không còn nữa. Trước làn sóng di cư ra đô thị ngày càng tăng đã làm cho dân số Hà Nội tăng lên đáng kể mà tập trung nhiều nhất ở khu phố cổ. Theo thống kê hiện nay trong khu phố cổ có khoảng 15270 hộ gia đình sinh sống với dân số thực tế thường trú là 66191 người trên diện tích đất ở là 326750 m2. Điều này đã dẫn đến tình trạng có nhiều gia đình, thậm chí cả chục gia đình trú ngụ trong một ngôi nhà ống, làm cho điều kiện sinh sống trở nên không chấp nhận được. Nhất là hệ thống nước và vệ sinh được xây dựng ở những thế kỷ trước với tư cách sinh hoạt thô sơ đã không còn phù hợp. Cùng với sự tàn phá của thời gian, mưa nắng, mối mọt đã làm cho các ngôi nhà xuống cấp trầm trọng. Khu vực phố cổ trở thành nơi ô nhiễm nặng nhất, cư dân phải sống trong những căn nhà thiếu ánh sáng và không khí, tối tăm và ngột ngạt. Ta có thể thấy rõ điều đấy qua bức tranh về quang cảnh phố Hàng Buồm hiện nay. Do đòi hỏi của sinh hoạt người dân đã phá nhà cũ xây nhà mới. Tuy Đảng và nhà nước có chủ trương và chính sách đúng đắn và quan tâm đến việc bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hoá, nhưng trong quá trình đô thị hiện nay, do yếu tố tự phát, tính tổ chức và tính pháp luật trong hoạt động đô thị yếu nên các ngôi nhà được xây dựng không có qui hoạch. Nơi đây đã mọc lên nhiều nhà 3-4 tầng, cửa sắt khép kín, các mặt tiền ốp đá rửa… pha tạp các kiểu dáng kiến trúc du nhập từ Nhật, Pháp, Mỹ… đã phá vỡ cơ cấu kiến trúc cổ của khu phố. Thực trạng xây dựng ở một góc phố Hàng Ngang hiện nay Các ngôi đình, chùa tuy không bị phá nhưng lại bị các nhà dân xung quanh lấn chiếm, che khuất. Như cả hai đầu đao mái đền Bạch Mã đã được xếp hạng cũng phải đâm vào một cửa sổ một quán ăn sát nách nhà. Có thể nói nếu không qui hoạch thì một khối lượng lớn các di tích lịch sử, văn hoá trong khu phố cổ sẽ bị chìm lấp, bị xâm phạm nghiêm trọng. Đồng thời vì những nhu cầu mưu sinh của con người sẽ có nhiều di tích bị phá vỡ cảnh quan, thậm chí bị khai thác một cách tuỳ tiện. Điều đáng lo ngại ở đây là quá trình “cao ốc hoá”, “bê tông hoá” vốn đã và sẽ còn lan tràn hầu hết các ngõ phố trong khu vực 36 phố phường, đặt Hà Nội trước nguy cơ mất đi một niềm tự hào, nghành du lịch mất đi một điểm đến hấp dẫn. Mà Hà Nội vốn hấp dẫn được du khách bởi giá trị lịch sử ngàn năm văn hiến, bởi vì sự khác biệt của khu phố cổ với các đô thị hiện đại của các quốc gia khác. b. Công tác qui hoạch, bảo tồn của nhà nước đối với khu phố cổ và tiến độ thực hiện của công tác qui hoạch : Trước nguy cơ quá trình đô thị hoá đang dần làm vẻ đẹp riêng của phố phường xưa biến mất, lặn hụp hoà vào chỗ nào cũng như chỗ nào thì việc quan tâm và làm cho khu phố cổ giữ được sắc thái riêng của nó là cần thiết. Bởi khu phố cổ là một trong những hình ảnh của Hà Nội xưa làm ăn, sinh sống, mà tình thần Hà Nội nghìn đời liên quan tới con người Hà Nội bây giờ, chứ không phải chỉ về mặt di tích và du lịch. Nói như thế không có nghĩa là ca ngợi sự bảo thủ, níu kéo sự tồn tại dài lâu những nhà xưa, lối cũ mà điều quan trọng là làm sao tạo ra cho được sự hài hoà giữa phát triển đô thị với cái vốn có của truyền thống, mối tương quan giữa bảo tồn các di sản văn hoá và phát triển đô thị. Cần phải nhận thức rõ bảo tồn và phát triển là hai nhiệm vụ luôn đi liền nhau. “Bảo tồn” chứ không phải là “bảo vệ”. Bảo tồn là “giữ không để cho mất đi”, còn bảo vệ là “giữ không để cho xâm phạm”. Bảo tồn không có nghĩa là ôm khư khư lấy vốn cổ, không cho nó thay đổi, trái lại phải luôn làm cho nó lớn mạnh hơn, bổ sung cho nó những yếu tố mới, tức là phát triển nó. Để thực hiện điều đó, được sự hổ trợ của trung ương, Hà Nội xây dựng một chương trình tổng thể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong chương trình phát triển tổng thể đó, kế hoạch từ nay đến năm 2010 Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình bảo tồn, tôn tạo phát triển khu phố cổ. Chương trình phân thành 2 khu vực: + Khu vực bảo vệ và tôn tạo cấp 1 diện tích 19 ha, giới hạn bởi phố Hàng Chiếu (phía Bắc) – Hàng Bạc (phía Nam) – Trần Nhật Duật (phía Đông) – Hàng Đường – Hàng Ngang (phía Tây). + Khu bảo vệ tôn tạo cấp 2 là những phần còn lại với diện tích là 81 ha. Khu phố cổ sẽ hình thành các trung tâm thương mại, khu dân cư và các công trình văn hoá truyền thống. Trong đó khu trung tâm thương mại gồm 3 cụm: chợ Đồng Xuân, Hàng Da, Hàng Bè, hai trục phố thương mại kết hợp nhà ở là Hàng Ngang – Hàng Đào – Hàng Đường - Đồng Xuân và Lương Văn Can – Hàng Cân – Chả Cá - Hàng Lược. Khu dân cư gồm 3 cụm dân cư gắn kết với 3 cụm chợ, qui mô mỗi cụm khoảng 20000 dân. Chương trình đã thu hút được nhiều dự án tham gia. Một trong số đó là dự án Asia Rehab do Tolouse, Hà Nội và Bruxelles trình đã đi vào từ tháng 2 – 2000. Dự án này thực hiện dựa trên mục tiêu: + Gìn giữ đặc trưng văn hoá, di sản vật thể và phi vật thể của phố cổ Hà Nội + Tiếp tục thực hiện việc tôn tạo phố cổ Hà Nội + Thu hút sự tham gia của người dân vào việc tôn tạo phố cổ Hà Nội + Trao đổi kinh nghiệm bảo tồn di sản ở Việt Nam và các nước khác Nhiệm vụ của dự án là: + Giữ gìn nghệ truyền thống trong phố cổ, nâng giá trị hiểu biết nghề truyền thống, duy trì các hoạt động kinh tế của các nghề này + Lập kế hoạch bảo tồn và tôn tạo trọng điểm đối với một số ngôi đình theo bản kiến trúc thực hiện trên 3D. + Triển khai tôn tạo quy mô rộng các công trình nhằm nâng cao giá trị khu phố cổ. Việc thực hiện kế hoạch tu tạo sẽ triển khai từ các phố trọng điểm với một số lượng lớn các công trình. + Một số nhiệm vụ khác nhằm đảm bảo đời sống của nhân dân trong khu phố và kêu gọi sự tham gia của người dân vào kế hoạch bảo tồn cả về mặt tài chính và ý thức. Dự án này đã thu được một số kết quả khả quan như: + Đã hoàn thành việc tu bổ hai ngôi nhà: 38 Hàng Đào và 87 Mã Mây + Nâng cấp tuyến phố dọc Hàng Buồm đến chợ Đồng Xuân làm phố đi bộ phục vụ cho khách tham quan theo đặc thù đường đi bộ qua phố cổ. + Việc tôn tạo đã lựa chọn khu thí điểm là ô phố Hàng Bè – Hàng Bạc - Đinh Liệt – Cầu Gỗ đã và đang tiến hành thực hiện. Ngoài ra còn có một dự án khác về kế hoạch di chuyển dân cư trong khu phố cổ sang Gia Lâm để trả lại sự thông thoáng cho khu phố. Song song với việc thực hiện dự án, chính quyền nhà nước cũng đề ra những biện pháp chế tài chặt chẽ đối với việc xâm hại di tích lịch sử phố cổ. Nâng cao cơ chế quản lý với vấn đề xây dựng để tránh khu vực 36 phố phường rơi vào trường hợp “phần cổ” bị lấn át, chèn ép bởi những công trình hiện đại mới xây dựng trong một tương quan tỉ lệ không tương xứng, không gian và công trình kiến trúc mất hẳn bản sắc truyền thống dân tộc như đã xảy ra ở các đô thị hiện đại ở một số nước phát triển ở châu á và châu âu. Nhưng cũng không vì “cái cổ” mà loại bỏ “cái mới”, làm “cái cổ” bị cách ly một cách cứng nhắc với “cái mới”. Các hoạt động tôn tạo này và tiến độ thực hiện của nó đã và đang là một trong những nhân tố quan trong của việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và bản sắc văn hoá độc đáo của người Hà Nội nói riêng. 2. Hiện trạng khai thác phố cổ trong các tour du lich: Với bề dày lịch sử và phát triển gần 1000 năm, với tài ngưyên tự nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng, qui tụ nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, gìn giữ được trong mình những sản văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị, Hà Nội từ nhiều năm nay đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách bốn phương, được UNESCO công nhận là thành phố hoà bình của thế giới và đượctạp chí “Travel and Leisure” (một tạp chí có uy tín của Hoa Kỳ chuyên phân tích chất lượng du lịch) đánh giá là thành phố du lịch tốt thứ 2 châu á và thứ 13 trên thế giới. Nếu lấy mốc so sánh từ năm 1990, có thể thấy rằng lượng khách quốc tế và khách nội địa đến Hà Nội có tốc độ tăng định gốc rất cao, trong đó khác quốc tế tăng 3619 %, khách nội địa tăng 2500 %. Tốc độ phát triển đấy đã cho thấy rằng các công ty du lịch Hà Nội đã biết khai thác tài nguyên du lịch sẵn có của thủ đô làm cho sản phẩm du lịch 3H ngày càng hấp dẫn, thu hút được nhiều khách du lịch. Trong các chương trình city tour mà các công ty lũ hành xây dựng có một điểm thăm quan ít khi bị bỏ qua đó là khu phố cổ và khu phố cũ. Chính quyền thành phố rất quan tâm đến sự phát triển du lịch của khu vực này bằng những phố đi bộ phục vụ cho du khách tham quan phố cổ. Khu phố này kéo dài từ Hàng Buồm đến chợ Đồng Xuân được tổ chức vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Điều này đã tạo được sức hấp dẫn lớn đối với du khách nước ngoài vì họ có thể tìm hiểu khu phố một cách thoải mái mà không phải lo ngại về vấn đề giao thông. Các công ty lữ hành đã khai thác cơ cấu kiến trúc đặc biệt của khu phố với nhưng con phố dài hẹp, nhà hình ống đan xen nhau… đặc trưng cho đời sống sinh hoạt của nhân dân Thăng Long trước đây vào các chương trình du lịch theo chuyên đề phục vụ cho những du khách có nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu sự phát triển xã hội Việt Nam qua các thời đại. Rất nhiều các công trình kiến trúc cổ đã được tu sửa như: ngôi nhà 38 Hàng Đào và 87 Mã Mây, cùng với những di tích được xếp hạng như: đình Đồng Lạc, đền Bạch Mã, chùa Cầu Đông…được đưa vào hoạt động đón du khách tới tham quan. Bên cạnh đó hệ thống dịch vụ phục vụ cho khách du lịch như cửa hàng ẩm thực và các cửa hàng bán đồ lưu niệm cũng rất phát triển. Nhất là ở dãy phố Hàng Bạc là địa điểm nổi tiếng với nhiều cửa hàng ăn, các hiệu càfê phục vụ cho du khách muốn thưởng thức những món ăn truyền thống của Thăng Long xưa, hay thư giản thưởng thức hương vị cổ của khu phố. Còn trên dãy phố Hàng Bông, Hàng Gai lại là địa điểm thuận tiện nhất cho những khách mua hàng có ít thời gian. Du khách có thể thoải mái lựa chọn những bức tranh sơn mài, đồ thêu ren, những mảnh vải lụa và những đồ thủ công mỹ nghệ khác với giá cả từ 1 – 1000 $. Những món quà lưu niệm như mũ hoặc áo phông có in sẵn những biểu tượng du lịch của Việt Nam được bán ở Hàng Bông cũng đã thu hút được rất nhiều du khách . Còn ở Hàng Quạt, Hàng Thiếc lại phát triển những cửa hàng lưu niệm bán quần áo truyền thống của người Việt Nam đầy màu sắc, trang phục nam giới, áo the khăn đóng được treo trong các cửa hiệu với giá không quá 5 đô la Mỹ. Là một trong những nơi tập trung nhiều ngành thủ công nhất nên ngoài việc tận dụng các sản phẩm thủ công để phát triển các cửa hàng bán đồ lưu niệm ngành du lịch Hà Nội còn tổ chức các chuyến tham quan đến tận xưởng nghề giúp cho du khách tận mắt chứng kiến và tìm hiểu những ngành nghề này. Ví dụ đến ngôi nhà số 5 Hàng Trống, bạn sẽ được tìm hiểu về kĩ thuật làm trống thủ công của những người thợ. Tuy nhiên các tour du lịch ở phố cổ chưa khai thác được tất cả những lợi thế vốn có của khu phố. Đây là khu vực có nhiều lễ hội đặc trưng cho nền văn hoá nông nghiệp sông Hồng như lễ thờ thần nước, thờ thần lúa, các lễ hội ở đình, miếu thờ Thành Hoàng và tổ nghề… nhưng chúng chưa được khai thác và nhìn nhận đúng mức, thiếu việc tổ chức đưa các trò chơi truyền thống mang bản sắc văn hoá dân tộc cũng như các lễ hội vào các tour du lịch. Điều này xuất phát từ việc các công ty du lịch chưa xác định được lợi thế cạnh tranh của khu vực đối với các địa phương khác là chất lượng du lịch, tài nguyên du lịch hay là giá cả. Do đó đã gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng và tìm giải pháp khai thác sản phẩm khu phố cổ. Không những thế các công ty du lịch trong khu phố chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ, số lượng lớn trong khi nguồn khách lại không ổn định, hệ thống quản lý ngành yếu, dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt và tranh giành khách. Mối liên hệ giữa các nhà cung cấp sản phẩm du lịch với các công ty này thiếu sự gắn bó và chưa được các nhà cung cấp sản phẩm nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức. Nhất là các cửa hàng bán đồ lưu niệm, tuy số lượng nhiều những sản phẩm lại không phong phú, đa dạng và chưa có những sản phẩm độc đáo tạo nét đặc trưng của Hà Nội. Hay chỉ đơn giản ở vấn đề vận chuyển khách cũng xảy ra nhiều bất cập. Việc vận chuyển bằng ô tô không thích hợp với việc tham quan khu phố, do vậy các công ty du lịch sử dụng phương tiện vận chuyển là xích lô. Điều này đã được khách du lịch(nhất là khách du lịch nước ngoài) ưa thích,nhưng dịch vụ này lại chưa được phát triển mạnh mẽ. Xung quanh khu vực tình trạng ô nhiễm môi trường đã làm mất đi mỹ quan của khu phố. Muốn phát triển được du lịch các cơ quan chức năng cần có biện pháp nâng cấp hệ thống nước thải, vấn đề vệ sinh trong khu vực. Tình trạng chèo kéo khách, ăn xin… quanh hồ Hoàn Kiếm và phố cổ không những làm mất đi nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Hà Nội mà nó còn gây ra cho du khách sự khó chịu. Các công tác quảng cáo phải quảng bá về hình ảnh của khu phố kém hiệu quả, chưa có nét đặc trưng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân thấy được giá trị của các di tích lịch sử nơi đây với đời sống của họ cũng như đối với sự phát triển của du lịch còn kém.Nhờ đó đã dẫn đến tình trạng người dân phá nhà cũ xây nhà mới một cách vô tổ chức để mở rộng không gian bán hàng phục vụ khách mà không biết rằng điều thu hút khách du lịch chính là sự hài hoà trong tổng thể kiến trúc cổ đấy. 3. Đánh giá hiện trạng bảo tồn phố cổ và việc khai thác du lịch trong các tour du lịch hiện nay và trong tương lai: Trong những năm qua, việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá của phố cổ đã được chính quyền địa phương quan tâm xúc tiến. Nhiều di tích lịch sử văn hoá đã và đang được tu sửa tôn tạo như số nhà 38 Hàng Đào, 87 Mã Mây … Cùng nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đang được phục hồi. Tuy nhiên trong công tác quản lý còn thiếu sự liên kết phối hợp giữa các ngành với nhau và giữa nhà nước với nhân dân. Nhà nước chưa có một cơ chế quản lý hiệu quả việc bảo tồn và phát triển “phố cổ”. Các qui định, qui chế về việc bảo vệ và chống xâm phạm di tích còn yếu, chưa chặt chẽ, nên trên thực tế các di tích đang từng ngày, từng giờ bị phá đi một cách hợp pháp tức là được cấp phép hoặc không được cấp phép thì người dân vẫn cứ làm mà chẳng thấy nhà quản lý nói gì. Vì đây là nhà của họ, việc phá hay sửa là quyền của họ. Công tác tu bổ diễn ra chậm, những nhà chưa được tu bổ thì lụp xụp, những nhà xây dựng mới thì không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng mất mỹ quan trong khu phố. Điều này được thấy rất rõ ở khu phố Hàng Buồm. Hầu hết ở đây là những ngôi nhà mới được xây dựng lại, các nhà cổ không nhiều. Việc di chuyển bớt dân cư trong khu vực sang Gia Lâm để tạo độ thoáng cho khu phố gặp rất nhiều khó khăn.Vì theo điều tra 37,6% số hộ muốn giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi gì về nơi ở, 39,2% số hộ muốn giữ nguyên những cần sửa chữa cải tạo thêm tại chỗ, 8,2% số hộ muốn giữ nguyên và mở thêm diện tích nơi khác, chỉ có 6,7% số hộ muốn rời khỏi khu vực phố cổ. Việc nâng cấp hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, vấn đề xây dựng nhà vệ sinh công cộng cho du khách và người dân đang là vấn đề gây nhiều tranh luận và chưa được giải quyết. Cùng với những tồn tại trong công tác bảo tồn phố cổ là những khó khăn đối với ngành du lịch. Việc bảo tồn di tích có liên quan chặt chẽ đến vấn đề phát triển và thu hút khách du lịch. Phổ cổ có nhiều giá trị lịch sử – văn hoá nhưng trình trạng hiện nay của nó đã làm hạn chế sự hấp dẫn của các chương trình du lịch Nếu như chương trình tu tạo phố cổ thành công, trả lại bộ mặt và những nét văn hoá riêng của nó thì trong tương lai các giá trị văn hoá này không chỉ thu hút khách du lịch với mục đích tham quan nghiên cứu, mà còn thu hút đa số khách đi du lịch với mục đích khác, ở các lĩnh vực khác và từ nơi khác đến (như khách du lịch công vụ – rất phổ biến ở Hà Nội). Theo định hướng phát triển du lịch Hà Nội, thì đến năm 2010 du lịchHà Nội dựa trên nguyên tắc kết hợp không gian kinh tế – xã hội và lợi thế so sánh của Hà Nội với các lãnh thổ phụ cận của toàn vùng làm căn cứ để xác định việc xây dựng khai thác và sử dụng những sản phẩm du lịch của Hà Nội. Trên nguyên tắc đó thì các sản phẩm đặc thù của phố cổ như kiến trúc, lễ hội, văn hoá, nghề thủ công truyền thống … sẽ được khai thác hợp lý theo hướng phát triển bền vững. Cùng với sản phẩm du lịch thì các dịch vụ bổ trợ như lưu trú, vận chuyển, shopping … cũng sẽ phát triển cả về số lượng và chất lượng nhằm thoả mãn tốt nhất nhu cầu của khách du lịch.Nhất là với sự ra đời của sở du lịch Hà nội sẽ giúp cho việc định hướng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty du lịch trong tương lai. Bên cạnh tốc độ phát triển của hệ thống Internet công tác quảng cáo các sản phẩm du lịch mới, độc đáo về phố cổ của các công ty đến khách du lịch sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn, giúp du khách có thể lựa chọn được chương trình du lịch phù hợp. III. Giải pháp nhằm bảo tồn và khai thác có hiệu quả khu phố cổ trong các tour du lịch ở thủ đô 1. Giải pháp về quản lý nhà nước. Khi nghiên cứu và tìm hiểu về phố cổ Hà Nội ta thấy giữa nó và phố cổ Hội An có những nét tương đồng giống nhau. Tuy nhiên phố cổ Hội An bị lãng quên trong một thời gian dài, đến khi người ta nhận ra giá trị của nó và tiến hành bảo tồn thì hầu như nó vẫn còn nguyên vẹn, nên công tác này tiến hành không mấy khó khăn. Còn với phố cổ Hà Nội lại trải qua nhiều biến cố như chiến tranh tàn phá, sự du nhập của văn hoá phương Tây… làm cho biến dạng không giữ được hình dáng ban đầu. Chính vì thế công tác quản lý và qui hoạch khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Các giải pháp quản lý và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử khu phố cổ Hà Nội phải được dựa trên cơ sở đảm bảo các mục tiêu: giữ gìn và phát huy các giá trị di sản của di tích, giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Hà Nội trở thành khu vực di tích đô thị phát triển bền vững. Muốn vậy chính quyền nhà nước và uỷ ban bảo tồn di tích cần phải: Tổng kiểm kê các ngôi nhà trong khu phố cổ nhằm xác định những đặc điểm kiến trúc, xác định niên đại, mức độ bảo tồn và giá trị về các mặt của chúng. Trên cơ sở đó tiến hành phân loại các ngôi nhà nhằm vạch ra được hướng xử lý về bảo tồn và tôn tạo: + Ngôi nhà nào quả thật đã xây từ vài trăm năm hoặc là di tích lịch sử thì ra lệnh bắt buộc giữ nguyên lại để làm lưu niệm của một thời. Tiến hành kiểm tra trình trạng kỹ thuật của ngôi nhà như kết cấu chịu lực, bộ mái, tình trạng cấp thoát nước, vệ sinh để có kế hoạch bảo tồn hoặc tu bổ hợp lý. Đồng thời phải có chính sách thoả đáng đối với cư dân trong ngôi nhà ấy như đền bù bằng tiền, cung cấp một chỗ ở mới cho người dân… + Những ngôi nhà nào xét ra chẳng “cổ” hoặc “cũ” gì cho lắm như các ngôi nhà được xây dựng từ thế kỷ 19 đã qua cũ nát không có kiến trúc đặc trưng hoặc những ngôi nhà cổ đã bị đập phá, sửa sang gần hết làm cho biến dạnh thì cho phép cải tạo, để cư dân được sống trong môi trường vệ sinh hơn, tiện nghi hơn. Mô tả bằng các phương tiện có thể các ngôi nhà điển hình theo hệ phân loại, đặc biệt cần vẽ ghi chi tiết các ngôi nhà có giá trị đặc biệt. Cũng cần ghi lại chân dung các mặt phố, để có thể đưa ra một bản kiến trúc thiết kế sát với kết cấu phố cổ xưa và phù hợp với hiện tại cho việc trùng tu bảo tồn di tích. Tiến hành điều tra nhân khẩu học và xã hội học trên cơ sở những biểu mẫu để có kế hoạch di dân hợp lý, đảm bảo và cải thiện được điều kiện sống, làm ăn theo nhu cầu và nguyện vọng người dân. Thực thi luật di sản văn hoá trong cuộc sống, tạo sức mạnh hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc sưu tập, bảo tồn, phát huy di sản văn hoá, bằng cách tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị di sản. Đồng thời phải có một hệ thống các biện pháp chế tài chặt chẽ đối với việc xâm hại di tích lịch sử phố cổ Hà Nội như phạt tài chính đối những hành động xâm lấn làm ảnh hưởng đến cảnh quang, phạt tù với hành động ăn trộm cổ vật… 2. Nhóm giải pháp về tu tạo và bảo tồn Giá trị văn hoá - lịch sử của khu phố cổ là sức mạnh nội sinh tiềm tàng thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch văn hoá trong khu vực. Chính vì vậy các chính sách của nhà nước trong việc tu tạo, bảo tồn khu phố cổ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của du lịch. Để khác hiệu quả nguồn tài nguyên này, địa phương và chính quyền nhà nước cần: Việc hiệu chỉnh các ngôi nhà mới xây phải theo dáng dấp các ngôi nhà cũ, bảo tồn kiến trúc cổ của khu phố theo từng điểm hoặc theo từng đoạn phố, giữ số tầng ở mức 2 – 3 tầng … Giúp cho việc giữ gìn chân dung các dãy phố trên những nét chính. Trả lại cho khu phố cổ những chức năng cũ như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, bán hàng, làm phong phú các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của người Việt Nam bằng cách đầu tư vốn, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất đồ thủ công truyền thống như tranh Hàng Trống, làm trống, đúc đồng… Có chế độ khuyến khích thích hợp qua việc miễn giảm thuế doanh nghiệp…. Điều này sẽ là yếu tố quan trọng trong việc tạo ra sự hấp dẫn của khu vực shopping Mở rộng vỉa hè, thu hẹp đường đi giúp tạo không gian công cộng cho các hoạt động sinh hoạt trong khu phố cổ như những hàng quà rong, những quán nước … giúp cho việc khôi phục nét hấp dẫn đặc biệt trong văn hoá của người Hà Nội xưa trong các tour du lịch chuyên đề. Như vậy cần có biện pháp hạn chế các xe ô tô, xe máy, vào khu phố cổ. Mở rộng các dãy phố đi bộ trong khu phố cổ để tạo không gian cổ xưa… Để có thể thực hiện những kế hoạch bảo tồn trên, ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước cần phải thu hút vốn đầu tư của nước ngoài thông qua các dự án bảo tồn. Tuyên truyền cho người dân hiểu những giá trị văn hoá, lịch sử của khu phố đối với đời sống tinh thần và kinh tế của họ. Từ sự hiểu họ sẽ thấy được cái cần thiết trong việc bảo tồn khu phố từ đó thu hút được sự đóng góp, ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trong thành phố nhất là các ngành kinh doanh dựa trên những giá trị vốn có của phố cổ. 3. Giải pháp khai thác có hiệu quả giá trị văn hoá, kiến trúc phố cổ trong các tour du lịch. Nhóm giải pháp về quảng bá hình ảnh: Trước hết các công ty du lịch cần xác định được hình ảnh đặc trưng hấp dẫn của khu phố cổ. Từ đó sử dụng nó như một biểu tượng cho việc quảng bá hình ảnh của phố cổ. Cùng với tổng cục du lịch, ban chỉ đạo phát triển du lịch Hà Nội, sở du lịch Hà Nội phải là cơ quan chủ chốt, thực hiện công tác quả bá cho du lịch Hà Nội nói chung và phố cổ nói riêng, góp phần tạo lập quan hệ, khơi nguồn khách. Bởi vì hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở Việt Nam chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ lẻ không có đủ nguồn lực để đặt các trụ sỏ thông tin du lịch ở nước ngoài. Vì vậy cần có sự tham gia của cơ quan nhà nước. Trong nước thì tạo điều kiện mở rộng các quầy cung cấp thông tin du lịch không chỉ ở sân bay, khu vực quanh Hồ Gươm mà còn cần đặt quầy cung cấp thông tin này ở các khu vực khác trong Hà Nội, cũng như các vùng phát triển du lịch. Gắn liền công tác tuyên truyền quảng bá du lịch với sự kiến lớn xảy ra trong thành phố như : sắp tới Hà Nội sẽ kỷ niêm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để quảng cáo hình ảnh của doanh nghiệp, quảng cáo các chương trình du lịch mới với du khách trong nước cũng như du khách nước ngoài. Cần đầu tư và chú trọng quảng cáo thông tin về nét đẹp hấp dẫn về cảnh quan du lịch phố cổ với bạn bè trên thế giới thông qua các ấn phẩm và hệ thống thông tin đại chúng mà đặc biệt là hệ thống Internet vì hiện nay hệ thống này đang phát triển mạnh mẽ. Trong nội dung quảng cáo cần đưa những nét độc đáo, khác biệt của khu phố cổ với các vùng khác như kiến trúc, văn hoá, ẩm thực… với các dịch vụ bổ sung cùng những mức giá và chất lượng phù hợp để thoả mãn các nhu cầu khác nhau của khách du lịch. Các ấn phẩm này nên quảng cáo bằng nhiều thứ tiếng, ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến thì chúng ta cũng nên quảng cáo cả bằng tiếng Trung, tiếng Pháp… Phát triển hình thức quảng cáo thông qua các khách sạn, nhà nghỉ vì phần lớn khác du lịch nước ngoài đến Hà Nội với mục đích vì công vụ kết hợp với tham quan du lịch. Hình thức này vừa tiết kiệm được chi phí quảng cáo vừa tạo lập được các mối quan hệ với các nhà cung ứng dịch vụ lưu trú. Nhóm giải pháp về khai thác xây dựng các tour du lịch trên giá trị của khu phố cổ: Xây dựng các chương trình du lịch theo chuyên đề với mục đích nghiên cứu tìm hiểu về kiến trúc phố cổ, văn hoá ẩm thực, nghề thủ công truyền thống… của Việt Nam. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên trong các tour du lịch này có kiến thức chuyên sâu về phố cổ nhằm giúp du khách hiểu được giá trị văn hoá của nó, tạo nên sự hấp dẫn của chuyến đi bằng cách mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho hướng dẫn viên qua các trung tâm, cơ sở đào tạo du lịch như trường đại học, các trường trung cấp du lịch trên địa bàn Hà Nội. Tổ chức các trò chơi truyền thống tạo điều kiện cho du khách tham gia trong các chuyến du lịch lễ hội như đánh cờ ở phố Mã Mây, cho du khách tham gia làm các sản phẩm thủ công như vẽ tranh, làm trống… Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, độc đáo tận dụng thuận lợi của phố cổ (là khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội, có các tài nguyên du lịch phong phú không chỉ ở kiến trúc mà còn ở lễ hội, ẩm thực, văn hoá…), nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, tính giá hợp lý để cạnh tranh với sản phẩm của các khu vực khác và các nước khác trong khu vực Nhóm giải pháp khác: Phát triển hệ thống dịch vụ vận chuyển du khách (nhấtlà vận chuyển bằng xích lô) để nâng cao chất lượng phục vụ. Để thực hiện điều này thì nhà nước trực tiếp đứng ra thành lập doanh nghiệp vận chuyển, hoặc khuyến khích các cá nhân tổ chức thực hiện thông qua việc đầu tư vốn, cho vay vốn. Bên cạnh việc thành lập các doanh nghiệp này, cần có chính sách liên kết ngành giữa công ty lữ hành với công ty vận chuyển để tạo ra sự phát triển vững chắc, cung cấp sản phẩm với chật lượng tốt cho du khách làm tăng doanh thu của cả 2 bên. Có biện pháp tích cực để dẹp bỏ nạn ăn xin, móc túi, cướp giật … góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo một môi trường văn hoá lành mạnh, an toàn đối với du khách đến thăm. Cơ quan chính quyền thành phố cần thành lập một đội bảo vệ xử lý các vụ việc này. Đưa ra hình thức xử phạt thích đáng từ phạt tài chính với tội danh nhẹ, đến phát tù với những tội nặng hơn. Nâng cao năng lực quản lý của tổng cục du lịch và nhất là sở du lịch Hà Nội để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các công ty, đại lý du lịch như đưa ra các quy định, luật định trong việc thành lập doanh nghiệp, trong việc cạnh tranh (như đưa ra mức giá trần, giá sàn…). Tập trung nỗ lực marketting, xây dựng hình ảnh của phố cổ trên cả 3 thị trường mục tiêu: Thị trường khách có khả năng thanh toán cao, trung bình và thấp thông qua các chương trình du lịch, với những mức giá khác nhau tương ứng với dịch vụ bổ sung khác nhau phù hợp với thị trường khác. Đặt thùng rác công cộng, cảnh cáo nhắc nhở với hành vi xả rác bừa bãi. Phát triển phong trào sinh viên tình nguyện trong việc giữ gìn thành phố xanh sạch đẹp. Kết luận Phố cổ Hà nội với các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể hội tụ trong nó, là nguồn tài nguyên quí giá cho việc phát triển du lịch của thủ đô. Mặc dù phố cổ theo đúng nghĩa của nó đã bị thực dân Pháp và chiến tranh phá huỷ, cái còn lại hôm nay là những di sản của phố cũ, nhưng chúng vẫn giữ được cơ cấu không gian của khu dân cư lâu đời gắn liền với kinh thành Thăng long. Cái thu hút đến phố cổ hôm nay không chỉ là những đặc trưng kết trúc đô thị của một nền kinh tế nông nghiệp sông Hồng mà còn bởi hệ thống các nghành nghề thủ công truyền thống đã phát triển đến một trình độ cao trong khu vực,bởi lối sống sinh hoạt văn hoá ẩm thực phố cổ có một ý nghĩa và vị thế rất lớn đối với việc phát triển du lịch văn hoá của thủ đô.Tuy nhiên hiện nay nguồn tài nguyên này đang trong tình trạng bị phá huỷ nghiêm trọng do không có kinh phí tu bổ và do cơ chế quản lý xây dựng còn kém hiệu quả.Bên cạnh những ngôi nhà lụp xụp do không được cải tạo, lại bị tàn phá bởi mưa nắng và thời gian là những ngôi nhà mới được xây dựng lại tuỳ tiện không có qui hoạch đã gây ra sự thiếu mỹ quan cho khu phố. Việc đưa ra giải pháp đúng đắn khả thi cho trong công việc giải toả dân cư cải tạo lại cơ sở hạ tầng… hiện nay là một vấn đề cấp thiết.Nó ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch phố cổ trong hiện tại và tương lai.Không những thế các cơ quan quản lý du lịch cũng cần có những giải pháp để có thể nâng cao chất lượng du lịch, tạo sự phong phú cho các tour, khai thác một cách triệt để những giá trị du lịch trong khu vực theo hướng phát triển bền vững nhằm hoàn thành mục tiêu và định hướng mà đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII đề ra: “ Đẩy mạnh phát triển du lịch, tập trung có chọn lọc một số điểm, khu và tuyến du lịch trọng điểm, giàu bản sắc dân tộc, có sức cạnh tranh cao, nâng cao chất lượng nguồn lực và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng hiện đại trên cơ sở phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài vươn lên để vượt qua khó khăn và thách thức, tận dụng cơ hội và lợi thế so sánh đưa du lịch Hà nội từ nay đến năm 2005 “ trở thành nghành quan trọng trong cơ cấu kinh tế thủ đô”. Và đến năm 2010 “ trở thành nghành kinh tế mũi nhọn” theo tinh thần nghị quyết đại hội lần IX của Đảng”. Danh mục tài liệu tham khảo Sách Lê Như Hoa: Quản lý văn hoá đô thị trong điều kiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước – Viện văn hoá và nhà xuất bản văn hoá thông tin Hà Nội 2000 TS Lưu Minh Trí và ban chỉ đạo quốc gia kỉ niệm 1000 năm Thang Long Hà Nội: tìm trong di sản văn hoá Việt Nam, Thăng Long – Hà Nội NXB Văn hoá thông tin. TS Nguyễn Văn Mạnh: Những cơ hội và biện pháp chủ yếu để phát triển kinh doanh du lịch lữ hành ở Hà Nội giai đoạn 2001 – 2010, Đại học kinh tế quốc dân – Hà Nội tháng 10 – 2000 Hoàng Đạo Tính: Di sản văn hoá bảo tồn và trùng tu – NXB Văn hoá thông tin Hà Nội 2002 Nguyễn Vinh Phúc: Hà Nội qua những năm tháng – NXB TG – Hà Nội 2000 TS Đỗ Minh Thúy: Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thành tựu và kinh nghiệm – Viên văn hoá và NXB Văn hoá thông tin Hà Nội 2004 Giáo sư tiến sỹ Trần Văn Bính: Văn hoá Thăng Long Hà Nội hội tụ và toả sáng , NXB Chính trị quốc gia 2003 Tô Hoài: Hà Nội và Hà Nội , NXB Hà Nội 1996 Tạp chí báo Lê Huy: Đôi điều suy nghĩ về giữ gìn, tôn tạo phố cổ Hà Nội – Tạp chí Thăng Long Hà Nội số 25 năm 2004 TS Nguyễn Quang Lâm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thủ đô - Du lịch Việt Nam số 2 năm 2005 TS Nguyễn Văn Mạnh: Tính hấp dẫn của nơi đến du lịch Tạp chí du lịch Việt Nam Giáo sư tiến sỹ Nguyễn Văn Đính – Nguyễn Văn Mạnh: Ngành du lịch Hà Nội trong những năm đổi mới – tính chất du lịch Việt Nam. TS Nguyễn Quang Lâm – Giám đốc sở du lịch Hà Nội: Du lịch thủ đô trong thời kỳ đất nước đổi mới – Du lịch Việt Nam số 10 năm 2004 Đức Nguyễn: Di tích lịch sử khu phố cổ Hà Nội – Tính chất du lịch Việt Nam số 10 năm 2004 Việt Hường: Phố “hàng” Hà Nội, tính chất Hà Nội ngày nay Thế Hùng: Đến năm 2010 người …. Internet: Mục lục Trang

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc35717.doc
Tài liệu liên quan