Trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa Đà Nẵng,
bên cạnh việc phục hồi, khôi phục lại những tín ngưỡng
truyền thống, xây dựng, tôn tạo lại các cơ sở thờ tự tín
ngưỡng, là sự mai một, biến mất của một số tín ngưỡng tại
một số nơi trước đây vốn là làng chài ven biển Đà Nẵng như
Mỹ Khê, Mỹ Thị, Tân Lưu. Do đó, bảo tồn và phát huy giá
trị tín ngưỡng của cư dân ven biển Đà Nẵng là vấn đề quan
trọng, mang tính cấp thiết trong bối cảnh hiện đại ngày nay.
Bảo tồn tín ngưỡng truyền thống của cư dân ven biển Đà
Nẵng không thể tách rời với việc phát huy các giá trị của tín
ngưỡng. Bảo tồn là cái gốc, là cơ sở để phục vụ cho phát huy
và ngược lại, phát huy giúp cho bảo tồn di sản được tốt hơn,
vững bền hơn. Di sản văn hóa nếu chỉ bảo tồn, đóng khung
mà không đem ra sử dụng thì không phát huy được giá trị ẩn
chứa bên trong. Phát huy sẽ tạo ra hướng tiếp nhận, ảnh
hưởng mới làm cho các giá trị văn hóa không những không
bị lãng quên mà còn được củng cố và lan rộng. Và chỉ khi
các giá trị của di sản văn hóa được khai thác, phát huy thì
mới có cơ sở, có điều kiện vật chất để bảo tồn chúng.
Nói cách khác, bảo tồn và phát huy những giá trị tín
ngưỡng, văn hóa của cư dân ven biển Đà Nẵng không đơn
giản là gìn giữ được những giá trị văn hóa biển đảo mà
quan trọng hơn chính là khơi dậy tình yêu biển đảo đối với
cộng đồng, để những di sản tinh thần, vật chất đã gắn liền
với người dân Đà Nẵng luôn song hành với đời sống của
họ, tiếp thêm cho họ động lực vươn khơi, bám biển; góp
phần xây dựng và phát triển một thành phố biển nói riêng
5 trang |
Chia sẻ: huongthu9 | Lượt xem: 637 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bảo tồn tín ngưỡng cư dân ven biển Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
46 Lê Thị Thu Hiền
BẢO TỒN TÍN NGƯỠNG CƯ DÂN VEN BIỂN ĐÀ NẴNG TRONG
QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA
PRESERVING THE BELIEFS OF DA NANG COASTAL RESIDENTS IN
THE PROCESS OF URBANIZATION
Lê Thị Thu Hiền
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; lethuhiendn@gmail.com
Tóm tắt - Đô thị hóa là quá trình tất yếu trong tiến trình thực hiện công
nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước ở Việt Nam. Là một trong những
địa phương có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh nhất trong cả
nước, diện mạo thành phố Đà Nẵng đang không ngừng đổi mới, kéo
theo sự chuyển biến của các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có
tín ngưỡng cư dân ven biển, được biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác
nhau. Bài viết này tập trung vào công tác bảo tồn tín ngưỡng của cư
dân ven biển Đà Nẵng, bao gồm cả những mặt đạt được và những tồn
tại, hạn chế. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm giữ gìn, phát
huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của cư dân ven biển
trong quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng hiện nay.
Abstract - Urbanization is the inevitable process of the
implementation of industrialization - modernization of the country in
Vietnam. As one of the local with the most rapid and powerful
urbanization speed in the country, Danang’s appearance is constantly
renewed, leading to the transformation of the traditional cultural values,
including belief of coastal residents which is expressed in many
different aspects. This article focuses on preserving the beliefs of
Danang coastal residents, including all of the gains and existing
drawbacks. Thereby the author proposes some measures for
preserving and promoting the values of culture and beliefs of coastal
residents in the process of urbanization in Danang nowadays.
Từ khóa - Bảo tồn; Đà Nẵng; cư dân ven biển; đô thị hóa; tín
ngưỡng.
Key words - Preserve; Danang; coastal residents; urbanization;
belief.
1. Đặt vấn đề
Kể từ Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16 tháng 10 năm
2003 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố
Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước”, đến nay Đà Nẵng đã trở thành một trong những địa
phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại
hoá; giữ vai trò là trung tâm công nghiệp - thương mại - du
lịch - dịch vụ và là thành phố cảng biển của khu vực miền
Trung. Theo đó là sự biến đổi trên mọi lĩnh vực của thành
phố, trong đó có văn hóa, tín ngưỡng của cư dân ven biển Đà
Nẵng ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực, đòi hỏi phải có
sự quan tâm, can thiệp kịp thời của các cấp chính quyền
nhằm lưu giữ, bảo tồn theo hướng phát triển bền vững.
Trên thực tế, trong khoảng 5 năm trở lại đây, công tác
bảo tồn và phát huy văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền của cư
dân ven biển Đà Nẵng ngày càng được chính quyền thành
phố cũng như người dân quan tâm, chung tay góp sức. Song
cùng với những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát
huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng cư dân ven biển Đà Nẵng
vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, cần thiết phải có
các giải pháp để khắc phục.
2. Công tác bảo tồn tín ngưỡng truyền thống của cư dân
ven biển Đà Nẵng hiện nay
2.1. Những kết quả đạt được
Sau khi bị xếp hạng gần áp chót, 61/63 tỉnh thành về
mức độ đầu tư cho ngành văn hóa và xếp thứ 39 về lĩnh vực
phát triển văn hoá trong các tỉnh, thành trên cả nước [8],
chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có những quyết sách
thay đổi khá mạnh mẽ. Bên cạnh việc tăng cường ngân sách
đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thành phố đã ban hành nhiều
chủ trương, chính sách, cũng như có nhiều hoạt động thiết
thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tín
ngưỡng truyền thống, bao hàm cả tín ngưỡng cư dân ven
biển Đà Nẵng. Những nỗ lực của chính quyền và người dân
thành phố đã mang lại các kết quả nhất định.
Một là, trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách,
chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Đảng và
Nhà nước, chính quyền các cấp ở thành phố Đà Nẵng đã
ban hành một số văn bản có nội dung đề cập đến công tác
bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống thành phố Đà Nẵng.
Trong đó có văn hóa, tín ngưỡng biển như: Văn kiện Đại
hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX và XXI [2],
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Ngũ
Hành Sơn đến năm 2020 [4], Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội quận Sơn Trà đến năm 2020 [9]... Dù chưa
có chính sách bảo tồn cụ thể và đi vào trực tiếp lĩnh vực tín
ngưỡng cư dân ven biển, tuy nhiên, những chủ trương,
chính sách liên quan đến văn hóa truyền thống Đà Nẵng
cũng góp phần vào việc giữ gìn, lưu truyền những giá trị
tín ngưỡng của cộng đồng dân cư ven biển nơi đây.
Hai là, trong khoảng 5 năm trở lại đây, chính quyền
thành phố Đà Nẵng và chính quyền các cấp đã có nhiều động
thái tích cực hơn. Một số đề án bảo tồn văn hóa, trong đó có
văn hóa biển đã được xây dựng và triển khai, như: Đề án
“Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà
Nẵng, giai đoạn 2013 - 2015”, Đề án “Bảo tồn và phát huy
giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2016 -
2020” [6], Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ
thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 - 2020”
[5], Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi
vật thể Lễ hội Cầu ngư thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 -
2020” [7], Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng
biển quận Sơn Trà đến năm 2010 và những năm tiếp theo”
[1], Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn
hóa trên địa bàn quận Liên Chiểu giai đoạn 2015 - 2020”
[3] Nhờ vậy, những di tích tín ngưỡng quan trọng ở các
làng ven biển Đà Nẵng như đình làng, lăng Ông được thành
phố và quận đầu tư kinh phí xây dựng lại hoặc sửa chữa, tu
bổ, gia cố. Góp phần phục hồi, củng cố một số sinh hoạt văn
ISSN 1859-1531 - TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG, SỐ 8(129).2018 47
hóa dân gian của cư dân ven biển như các trò chơi dân gian,
các diễn xướng dân gian thông qua việc nâng cấp quy mô lễ
hội Cầu ngư, tổ chức hội thi hát dân ca miền biển...
Ba là, công tác bảo tồn tín ngưỡng cư dân ven biển đã có
sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là dân cư sở tại. Họ là
những người tự nguyện hằng ngày đứng ra trông nom, bảo
vệ di tích tín ngưỡng; họ là những người tổ chức và thực
hành nghi thức truyền thống trong các buổi lễ; họ đồng thời
cũng là những người đóng góp kinh phí chủ yếu để sửa chữa,
trùng tu, tái thiết các cơ sở thờ tự tín ngưỡng cũng như mua
sắm đồ lễ để cúng kiếng, hội lễ. Tiếng nói của họ cũng có
khả năng gây áp lực lên quyết định của chính quyền trong
những trường hợp tín ngưỡng cộng đồng có nguy cơ bị xâm
hại. Nói cách khác, dân cư sở tại chính là lực lượng mấu chốt
quyết định sự tồn tại hay tiêu vong của tín ngưỡng trước
những tác động của chính trị hay đời sống kinh tế - xã hội
trong tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ tại Đà Nẵng.
Bốn là, dựa vào sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, một
số di tích tín ngưỡng cộng đồng ở làng ven biển Đà Nẵng đã
được tu sửa, tôn tạo hoặc xây mới nhằm đáp ứng nhu cầu tâm
linh của người dân, thu hút khách du lịch tham quan. Năm
2017, quận Sơn Trà đã đầu tư trùng tu, tôn tạo, sửa chữa lại
đình làng An Hải (phường An Hải Tây) với tổng kinh phí hơn
600 triệu đồng. Còn ở phường Phước Mỹ, đình làng Mỹ Khê
đã được gia cố và phục hồi các hạng mục xuống cấp, gồm mái
đình, cột kèo, quét vôi tường, lát gạch nền, phục hồi các họa
tiết hoa văn, tổng kinh phí gần 2,1 tỷ đồng. Cũng trong năm
này, quận Liên Chiểu đã tiến hành trùng tu lăng ông Kim Liên
(phường Hoà Hiệp Bắc) với kinh phí 1,2 tỷ đồng và quận
Thanh Khê đã tu bổ, phục hồi di tích đình làng Thanh Khê từ
kinh phí trên 2 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách của thành phố.
Mặt khác, có những di tích được tu bổ lại dựa trên nguồn kinh
phí của quận và người dân, như di tích lịch sử đình làng Mân
Quang thuộc phường Thọ Quang được tôn tạo, sửa chữa các
bộ phận bị xuống cấp trong năm 2017 với tổng kinh phí là 120
triệu đồng, trong đó, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ quận Sơn
Trà đóng góp 40 triệu đồng, UBND quận hỗ trợ 80 triệu đồng.
Đầu tư xây mới hoàn toàn một số cơ sở thờ tự như Nhà thờ
tiền hiền làng An Hải và lăng Thoại Ngọc Hầu vào năm 2009
với kinh phí gần 7 tỷ đồng. Năm 2018, Sở Văn hóa và Thể
thao thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà truyền thống
Nghề cá làng An Hải Tây với tổng mức đầu tư được phê duyệt
gần 3 tỷ đồng từ ngân sách của thành phố.
Hình 1. Đình làng Thanh Khê
Quy hoạch đô thị với việc hình thành nên hệ thống đường
sá dọc ngang, thông thoáng, vô hình chung đã đưa một số cơ
sở thờ tự ra các trục đường chính và phần nào tạo điều kiện
cho người dân cũng như du khách tiếp cận với tín ngưỡng,
lễ hội của cư dân ven biển được dễ dàng hơn.
Năm là, sinh hoạt tín ngưỡng vẫn tiếp tục được duy trì
và một số lễ hội có sự đầu tư nên quy mô lớn hơn. Từ chủ
trương phát triển Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế
biển, Nhà nước và chính quyền đã có sự đầu tư cho ngư
nghiệp và ngư dân, nâng cao đời sống kinh tế, nhờ đó ngư
dân có kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động tín ngưỡng của
làng. Quan trọng hơn, người dân vẫn luôn giữ ý thức về sự
hiện hữu của một cộng đồng làng biển trước kia và luôn
ghi nhớ công ơn những người đã có công tạo dựng, phát
triển cộng đồng đó thông qua việc thờ phụng tín ngưỡn.g.
Vì vậy, trông nom, giữ gìn tín ngưỡng cộng đồng, thực hiện
cúng bái thường xuyên là nghĩa vụ và là trách nhiệm của
mỗi người dân làng biển Đà Nẵng.
Sáu là, một số giá trị của tín ngưỡng, văn hóa biển bước
đầu được đưa vào khai thác, phục vụ cho phát triển du lịch của
thành phố. Một trong những mũi nhọn của kinh tế Đà Nẵng
trong thời gian gần đây là đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ,
du lịch biển. Và trong sự phát triển vượt bậc của du lịch biển
Đà Nẵng, có sự đóng góp không nhỏ của các sản phẩm du lịch
được xây dựng từ các giá trị văn hóa biển, trong đó có tín
ngưỡng, lễ hội của cư dân ven biển. Ví như Chương trình du
lịch “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè” do Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch Đà Nẵng (hiện nay là Sở Du lịch Đà Nẵng) tổ chức,
bắt đầu vào năm 2010 và được tổ chức thường niên tại các
điểm du lịch nổi tiếng trong thành phố, chủ yếu tại các bãi
biển. Qua 8 năm tổ chức, ngành du lịch thành phố đã ngày
càng chú ý đến việc khai thác các yếu tố trong văn hóa lao
động sản xuất, văn hóa sinh hoạt hàng ngày của cư dân ven
biển Đà Nẵng. Đặc biệt, năm 2017, một chương trình mới
được đưa vào “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè”, đó là chương
trình Ngày hội miền biển đã tái hiện những hoạt động của ngư
dân Đà Nẵng với các hoạt động hấp dẫn như thi ngoáy thúng,
kéo co, đan lưới, gánh cá tiếp sức cùng với các trò chơi trên
bãi biển (Lấp đầy biển Đông, Chèo thuyền tránh biển, Khiêu
vũ cùng tiếng sóng, Lặn tìm ngọc trai).
Cùng với chương trình “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè”
đang dần mang dấu ấn riêng của thành phố nơi “cuối sông đầu
biển”, một giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc khác của cộng đồng
dân biển Đà Nẵng cũng được chính quyền các quận ven biển
như Thanh Khê, Sơn Trà phát huy bằng hình thức gắn với phát
triển du lịch, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương. Đó chính
là lễ hội Cầu ngư. Lễ hội Cầu ngư lần đầu tiên được nâng lên
quy mô cấp quận vào năm 2007 tại quận Thanh Khê và năm
2016 tại quận Sơn Trà, luân phiên nhau giữa các làng ven biển
từ 3 - 5 ngày (ở quận Thanh Khê là làng Thanh Khê Tây, làng
Thanh Khê Đông và làng Xuân Hà; ở quận Sơn Trà là làng
Tân Thái và làng Nam Thọ). Vì được thêm sự hỗ trợ kinh phí
từ quận và nguồn thu từ xã hội hóa, phần hội trong lễ hội Cầu
ngư được tổ chức lớn hơn với nhiều trò chơi (ở quận Thanh
Khê thi bóng đá bãi biển, thi kéo co, ngoáy thúng, thi làm gỏi
cá, hát bài chòi, đẩy gậy, đan lưới, vật tay; ở quận Sơn Trà thi
kéo co dưới nước, bóng chuyền bãi biển, gánh cá, đan lưới,
lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, đá bóng) và các sinh hoạt văn
hóa nghệ thuật (như hát bài chòi, hát bội, hát hò khoan). Các
quận cũng bố trí một số gian hàng giới thiệu và bán các sản
phẩm hải sản do ngư dân địa phương làm ra như cá khô, nước
mắm, mực khô, tôm khô, ruốc Lễ hội Cầu ngư quận Thanh
Khê và Sơn Trà đã góp phần khôi phục một số trò chơi, diễn
xướng dân gian miền biển Đà Nẵng đang có nguy cơ bị mai
48 Lê Thị Thu Hiền
một, giữ gìn bản sắc dân tộc của địa phương.
Dù chưa đạt được hiệu quả tốt nhất, song văn hóa, tín
ngưỡng cư dân ven biển đã góp phần tạo điểm nhấn, dấu
ấn cho những sự kiện du lịch nổi tiếng của thành phố như
“Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè” hay Lễ hội Cầu ngư quận
Thanh Khê, quận Sơn Trà.
Hình 2. Hát bả trạo trong Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê
2.2. Những mặt tồn tại, hạn chế
Sự nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng
trong những năm gần đây đối với việc bảo tồn và phát huy giá
trị văn hóa, tín ngưỡng cư dân ven biển là đáng ghi nhận, trân
trọng. Tuy nhiên, mới chỉ là những kết quả khả quan ban đầu,
trên thực tế vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
Một là, nội dung các nghị quyết Đại hội Đảng của thành
phố và các quận ven biển Đà Nẵng cho thấy, bảo tồn và
phát triển văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa, tín
ngưỡng cư dân ven biển hầu như ít được đặt ra trong nội
dung các kỳ Đại hội và đưa vào nghị quyết. Nếu có thì cũng
rất sơ lược, khái quát, không cụ thể. Ngay cả chủ trương,
chính sách của các Sở ban ngành có liên quan như Sở Văn
hóa - Thể thao Đà Nẵng, Sở Du lịch Đà Nẵng, Trung tâm
Bảo tồn Di tích Văn hóa Đà Nẵng cũng chưa quan tâm
nhiều đến lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng của
cư dân ven biển Đà Nẵng. Thiếu sự định hướng rõ ràng, cụ
thể từ phía chính quyền địa phương các cấp đã dẫn đến sự
lúng túng, chậm trễ trong quá trình triển khai, thực hiện và
giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác bảo tồn
tín ngưỡng, lễ hội của cư dân ven biển Đà Nẵng.
Hai là, chính quyền thành phố đã chú ý đến việc hỗ trợ
ngư dân, khuyến khích người dân bám biển nhưng chưa hiệu
quả. Hiện nay, cơ cấu tàu thuyền khai thác của thành phố
chủ yếu là tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ dễ làm cạn
kiệt nguồn tài nguyên, mất cân bằng hệ sinh thái thủy sinh.
Hệ thống bến, cảng cá, cơ sở hạ tầng nghề cá, dịch vụ hậu
cần còn khiêm tốn. Dịch vụ hậu cần trực tiếp trên biển mới
triển khai bước đầu, chưa xây dựng được đội tàu hậu cần
chuyên phục vụ cho các tàu khai thác ở vùng biển xa. Việc
ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong đánh bắt
hải sản còn hạn chế; máy móc, thiết bị phục vụ khai thác,
bảo quản sản phẩm còn lạc hậu nên chất lượng sản phẩm
không ổn định và không đồng đều. Phần lớn ngư dân là lao
động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề nên thiếu các kiến
thức về khai thác xa bờ, không ít tàu cá khi hoạt động đánh
bắt trên biển không tuân thủ các quy định của pháp luật. Thu
nhập của lao động nghề biển thấp, bấp bênh do phụ thuộc rất
lớn vào mùa vụ và thời tiết, môi trường lao động biển khắc
nghiệt, thường xuyên phải xa gia đình dẫn đến xu hướng lao
động biển chuyển sang làm các nghề phổ thông trên bờ.
Bên cạnh sự bấp bênh của nghề biển, sự phát triển du
lịch biển đã tạo cơ hội việc làm cho dân ven biển sang lĩnh
vực dịch vụ du lịch, chưa kể quy hoạch lại cơ sở hạ tầng
ven biển, sự hình thành các khu du lịch ven biển đã di
dời một số lượng lớn ngư dân đến nơi khác sinh sống và
buộc phải bỏ nghề biển, như làng Nam Ô, Mỹ Khê, Tân
Lưu. Một khi dân biển - chủ thể của tín ngưỡng suy giảm
thì tất yếu sẽ kéo theo sự suy yếu của các hình thái tín
ngưỡng cộng đồng ở các làng ven biển Đà Nẵng, đồng thời
đưa đến những khó khăn trong vấn đề duy trì thờ cúng, huy
động kinh phí sửa chữa,
Ba là, đầu tư cho văn hóa của thành phố Đà Nẵng tuy
có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa tương
xứng với phát triển kinh tế. Dù ngân sách đầu tư cho văn
hóa có tăng những chưa cao, chủ yếu tập trung xây dựng
các thiết chế văn hóa mang tính hiện đại, chưa đầu tư mạnh
và đầu tư thường niên cho văn hóa, tín ngưỡng truyền
thống, đặc biệt là văn hóa, tín ngưỡng biển. Mặt khác,
chính quyền các cấp và sở ban ngành còn chậm trễ trong
khâu xét duyệt kinh phí đầu tư sửa chữa di tích tín ngưỡng
đã xuống cấp ở các làng biển. Công tác kiểm kê, kiểm tra
hiện trạng di tích tín ngưỡng tại các làng không được tiến
hành thường xuyên theo định kỳ. Việc tư liệu hóa, số hóa,
ghi âm, quay phim các giá trị văn hóa phi vật thể của cư
dân ven biển Đà Nẵng, trong đó có tín ngưỡng, chưa được
thực hiện đầy đủ để lưu giữ.
Bốn là, trong công tác quy hoạch kinh tế - xã hội - văn
hóa những năm qua của thành phố cũng như các quận ven
biển, chính quyền vẫn chưa chú ý đến việc bảo tồn không
gian làng biển cổ - không gian thực hành văn hóa tín
ngưỡng cổ truyền của cư dân ven biển. Vì vậy, hầu hết các
làng biển xưa ở Đà Nẵng như làng Nam Ô, Mỹ Khê, Mỹ
Thị, Tân Lưu... đều đã và đang đứng trước nguy cơ bị biến
mất, mà trước mắt là sự biến mất về không gian cư trú,
không gian sinh hoạt, tiếp đó sẽ là không gian sản xuất và
các hình thái văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Nói cách
khác, thành phố chưa coi văn hóa biển truyền thống và kinh
nghiệm đi biển được truyền đời của ngư dân Đà Nẵng là di
sản cần được lưu giữ và phát huy trong chính môi trường
đã sản sinh, gìn giữ và trao truyền nó.
Năm là, thành phố chưa khai thác có hiệu quả các yếu tố,
giá trị văn hóa, tín ngưỡng biển vào phát triển du lịch. Đà
Nẵng là thành phố biển, có thế mạnh về du lịch biển, song du
lịch biển Đà Nẵng phát triển trong thời gian qua chủ yếu dựa
vào các nguồn tài nguyên tự nhiên hơn là tài nguyên nhân văn,
văn hóa. Các sản phẩm du lịch biển mới chỉ dừng lại ở mức
độ đáp ứng nhu cầu thăm quan, ngắm cảnh, chứ chưa xây
dựng thành các chuỗi sản phẩm trải nghiệm, khám phá, chưa
có những tour mang tính khám phá văn hóa biển, đảo như
khám phá lễ hội cầu ngư, các trò diễn xướng dân gian... Mới
khai thác các trò chơi dân gian của miền biển chứ chưa hình
thành các tour tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của cư dân ven
biển Đà Nẵng, như phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, lao
động sản xuất... Những loại hình như du lịch cộng đồng,
homestay chưa phát triển ở các làng ven biển Đà Nẵng.
ISSN 1859-1531 - TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG, SỐ 8(129).2018 49
3. Đề xuất một số giải pháp
Từ những hạn chế, tồn tại nói trên cho thấy cần có
những định hướng, giải pháp kịp thời, thiết thực để trước
hết là bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng
biển truyền thống của cha ông bao đời nay, và sau nữa là
khai thác hiệu quả, hợp lý những giá trị văn hóa đó, nhằm
biến nó thành nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của thành
phố Đà Nẵng trong hiện tại và ở tương lai.
- Thứ nhất, ngư dân là chủ thể của tín ngưỡng, văn hóa
biển đảo, do đó, cách bảo tồn hiệu quả nhất phải do chính
chủ nhân của văn hóa, tín ngưỡng này thực hiện và duy trì
thường xuyên trong cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng
ngày gắn với môi trường biển. Song sự bấp bênh trong cuộc
sống mưu sinh nơi “biển giả” cùng với đô thị hóa ngày một
mạnh mẽ ở Đà Nẵng khiến số lượng ngư dân có chiều
hướng suy giảm. Tín ngưỡng cư dân ven biển Đà Nẵng sẽ
mai một nếu không có bộ phận ngư dân - chủ nhân gốc và
chính của tín ngưỡng ven biển, do đó, cần tạo điều kiện để
ngư dân có thể tiếp tục bám biển, đảm bảo cuộc sống mưu
sinh của mình. Muốn vậy, trước hết người dân phải khắc
phục, từ bỏ tâm lý “sợ biển”, “quay lưng với biển”, ứng xử
với biển theo hướng tích cực trên cơ sở tiềm năng và nguồn
lợi của biển được khai thác một cách an toàn và hiệu quả,
nghề đi biển được bảo trợ và tôn vinh. Nhà nước và chính
quyền thành phố Đà Nẵng cần phải tiếp tục nâng cao đời
sống cho cư dân biển đảo bằng tăng cường các chính sách
hỗ trợ vùng miền, đa dạng hóa sản phẩm từ biển, nhất là
thế mạnh của du lịch biển đảo, tạo mọi điều kiện tốt nhất
để ngư dân có thể đánh bắt xa bờ thể hiện quyết tâm bảo vệ
lãnh thổ dựa trên việc bám biển của ngư dân. Chỉ khi nào
giữ được nghề thì văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân mới có
nền tảng và môi trường thực hành để tồn tại và phát triển.
- Thứ hai, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng cần
đầu tư mạnh cho văn hóa, tín ngưỡng địa phương, đặc biệt là
văn hóa, tín ngưỡng cư dân ven biển. Những sản phẩm du lịch
văn hóa nổi tiếng của Đà Nẵng hôm nay như lễ hội bắn pháo
hoa quốc tế, lễ hội đường phố,... được xây dựng từ những yếu
tố văn hóa hiện đại hơn là truyền thống văn hóa bản địa.
Những sản phẩm đó có thể dễ dàng bị bắt chước, nhanh nhàm
chán và điều đó sẽ khiến kinh tế du lịch thành phố không phát
triển bền vững, một khi không có những sản phẩm đặc trưng
riêng có của vùng đất. Và muốn hình thành cái riêng đó chỉ có
thể sử dụng chất liệu là “văn hóa truyền thống”, “bản sắc văn
hóa” đã được kết tinh hàng trăm năm của vùng đất Đà Nẵng.
Do đó, đầu tư “mạnh tay” cho văn hóa, tín ngưỡng là không
chỉ là việc làm cần thiết mà còn rất cấp thiết, làm nền tảng
vững chắc cho phát triển kinh tế biển Đà Nẵng.
Tuy nhiên, ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, cần huy
động nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau trong việc bảo tồn văn
hóa, tín ngưỡng từ phía người dân, cơ quan, doanh nghiệp
và tư nhân ở cả trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy,
những nơi tín ngưỡng cộng đồng truyền thống được bảo
tồn tương đối tốt hiện nay như Thanh Khê, Tân Thái là do
có nguồn kinh phí từ nhiều nguồn tài trợ khác nhau.
- Thứ ba, tư liệu hóa các giá trị văn hóa, tín ngưỡng cư
dân ven biển Đà Nẵng. Sở Văn hóa - Thể thao thành phố
Đà Nẵng cần phối hợp với các ban ngành có liên quan tổ
chức đợt khảo sát quy mô lớn, điều tra, sưu tầm và thống
kê các di sản tín ngưỡng, văn hóa cư dân ven biển nhằm
nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống
của từng loại di sản văn hóa, tín ngưỡng trong cộng đồng,
trên cơ sở đó, mới có thể đề xuất phương án bảo tồn, phát
huy một cách hiệu quả. Tư liệu hóa không chỉ bằng hình
thức văn bản mà còn bằng phương pháp quay phim, ghi
âm, chụp ảnh, in đĩa, quản lý bằng công nghệ thông tin. Ví
như ở phương diện tín ngưỡng, đối với diễn trình các nghi
lễ, lễ hội nên được thực hiện bằng cách nghiên cứu, viết đề
cương, kịch bản, quay phim, chụp ảnh, dựng thành phim
để lưu trữ. Sau đó, tiến hành hệ thống hóa các tư liệu và
xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về tín ngưỡng cư dân ven
biển nói riêng, di sản văn hóa biển của thành phố nói chung.
Mặt khác, ưu tiên đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa
học cấp thành phố về văn hóa, tín ngưỡng cư dân ven biển
và tạo điều kiện xuất bản thành sách, xem đó như là một
hình thức/thông qua đó quảng bá văn hóa truyền thống của
vùng đất Đà thành. Quan trọng hơn, kết quả nghiên cứu của
các công trình, đề tài khoa học sẽ tạo cơ sở lý luận và thực
tiễn, cùng nhiều giải pháp thiết thực, hữu ích cho công tác
phục dựng và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng cư dân
ven biển Đà Nẵng.
Tuy nhiên, bảo lưu tín ngưỡng dưới hình thức tư liệu
hay đưa vào bảo tàng cũng chỉ là phần xác, cái hồn của tín
ngưỡng chỉ thể hiện khi có sự tham gia của con người và
không tách rời khỏi môi trường thực hành truyền thống của
nó, nên cách lưu giữ tốt nhất vẫn là thông qua việc người
dân thực hành thường xuyên những nghi lễ cộng đồng
trong cuộc sống hàng ngày.
- Thứ tư, bảo tồn trong các bảo tàng, tiến tới xây dựng
riêng một bảo tàng văn hóa biển ở Đà Nẵng - biến nó trở
thành một điểm du lịch.
Không riêng gì Đà Nẵng, hiện tại ở Việt Nam chưa có
một bảo tàng nào liên quan đến nghề đi biển hay truyền
thống văn hóa biển của người Việt. Nếu chỉ lưu giữ truyền
thống văn hóa, tín ngưỡng biển ở trong ký ức của cộng
đồng các cư dân duyên hải thì theo thời gian, những ký ức
đó sẽ bị mài mòn mà biến mất hoặc không còn nguyên
vẹn/biến thể, do đó phải bảo tồn chúng trong các bảo tàng
quy mô và hiện đại do nhà nước đầu tư và thông qua các
chính sách phát triển văn hóa do nhà nước chủ trương.
Tại Đà Nẵng hiện có 4 bảo tàng, gồm Bảo tàng Đà
Nẵng, Bảo tàng điêu khắc Chăm, Bảo tàng Hồ Chí Minh
chi nhánh quân khu 5, và Bảo tàng Đồng Đình. Không khó
để nhận thấy, văn hóa cư dân ven biển lưu giữ trong các
bảo tàng ở Đà Nẵng chủ yếu mới dừng ở văn hóa vật thể.
Đối với các văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng, các bảo
tàng nên có các đầu đĩa chiếu phim ở gian trưng bày văn
hóa biển đảo như các đoạn phóng sự, hoặc các bộ phim liên
quan hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng ngư
dân Đà Nẵng để phục vụ tối đa hơn cho nhu cầu tìm hiểu
của khách về văn hóa, tín ngưỡng vùng biển địa phương.
Tại các bảo tàng, bên cạnh những hoạt động giáo dục và
chương trình công chúng mang tính giáo dục cao có liên
quan đến vấn đề biển đảo quê hương đã được tổ chức như:
Hoạt động “hướng về nguồn”; các buổi sinh hoạt chuyên đề,
sinh hoạt câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Hướng về
biển đảo Việt Nam”; các buổi nói chuyện về chủ quyền biển
đảo cho giới trẻ thành phố; triển lãm tư liệu về Hoàng Sa,
50 Lê Thị Thu Hiền
Trường Sa; có thể mở rộng thêm các buổi nói chuyện chuyên
đề hay tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa, tín ngưỡng
biển; tổ chức triển lãm tranh ảnh về cuộc sống lao động, sinh
hoạt văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân Đà Nẵng
- Thứ năm, với 3260km đường bờ biển, Việt Nam có
nhiều tiềm năng và thực tế đang nỗ lực xây dựng “thương
hiệu” du lịch biển. Nhận thức được giá trị của biển nên Đà
Nẵng đã đầu tư phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch
biển đảo mới như du lịch lặn biển, khám phá các hệ sinh thái
biển, thưởng thức các trò giải trí gắn liền với biển như mô tô
nước, tàu lượn, dù lượn, lướt sóng, thuyền buồm... để thu hút
du khách đến và giữ chân du khách lâu hơn. Tuy nhiên, xu
thế du lịch của du khách hiện nay không chỉ là đi để khám
phá những vùng đất mới, mà còn là để thưởng thức ẩm thực,
tham quan chiêm bái lễ hội, khám phá đời sống của cư dân
và tự thân trải nghiệm trong không gian cư trú, không gian
văn hóa, không gian tâm linh của cộng đồng dân cư ở điểm
đến, và trong không gian văn hóa biển, không gian tâm linh
biển đặc trưng của Đà Nẵng, tín ngưỡng cư dân ven biển là
một thành tố quan trọng không thể thiếu. Do vậy, ngoài mục
tiêu văn hóa, cần phục hồi và khai thác các giá trị văn hóa
biển đặc sắc để phục vụ du lịch và quảng bá, phát huy giá trị
văn hóa biển đảo như: ẩm thực biển; tín ngưỡng thờ cá Voi
với lễ hội cầu Ngư; các loại hình văn nghệ dân gian miền
biển như hát bội, hát bài chòi hay loại hình diễn xướng dân
gian từng là nét đặc sắc, hấp dẫn trong lễ hội Cầu ngư nay
đã vắng bóng, đó là hát bả trạo; phục dựng thí điểm không
gian sinh hoạt, văn hóa thường nhật của làng chài xưa...
Muốn phát triển du lịch biển đảo một cách bền vững và
hiệu quả thì cần phải chú trọng đến vai trò của cộng đồng cư
dân ven biển, đặc biệt là ngư dân. Cần quan tâm hơn nữa việc
nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo;
bảo tồn các di sản văn hóa và giá trị văn hóa biển đảo; trang
bị cho họ những kiến thức pháp lý quốc gia và quốc tế liên
quan đến chủ quyền biển đảo; nâng cao năng lực tham gia hoạt
động du lịch biển đảo của người dân, và quan trọng nhất là hỗ
trợ sinh kế cho cư dân, khuyến khích người dân tham gia vào
hoạt động du lịch biển đảo; chia sẻ lợi ích thu được từ hoạt
động du lịch biển đảo cho cộng đồng một cách minh bạch,
công bằng để người dân trở thành một trong những “trụ cột”
chính để phát triển du lịch biển đảo bền vững.
- Thứ sáu, những chuyển biến ban đầu ở phương diện
niềm tin và thực hành tín ngưỡng truyền thống của cư dân
ven biển Đà Nẵng trong quá trình đô thị hóa thành phố cũng
đặt ra vấn đề chính quyền địa phương cần có định hướng
và hành động cụ thể trong việc nâng cao nhận thức của
người dân về giá trị, ý nghĩa của tín ngưỡng cộng đồng bản
địa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng cổ truyền
của cư dân ven biển Đà Nẵng hiện nay. Kết hợp với Ban
khánh tiết các làng, chính quyền địa phương cần phát động
những cuộc thi tìm hiểu về văn hóa tín ngưỡng của địa
phương; tuyên truyền qua loa đài; hỗ trợ kinh phí tổ chức
lễ hội để mở rộng quy mô, đa dạng hóa phần hội nhằm tăng
tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia. Công tác bảo tồn
và phát huy văn hóa tín ngưỡng cư dân ven biển Đà Nẵng
chỉ thực sự hiệu quả khi có sự chung tay, góp sức của cả
cộng đồng và người dân phải ý thức được mình chính là
chủ thể của tín ngưỡng chứ không phải ai khác.
4. Kết luận
Trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa Đà Nẵng,
bên cạnh việc phục hồi, khôi phục lại những tín ngưỡng
truyền thống, xây dựng, tôn tạo lại các cơ sở thờ tự tín
ngưỡng, là sự mai một, biến mất của một số tín ngưỡng tại
một số nơi trước đây vốn là làng chài ven biển Đà Nẵng như
Mỹ Khê, Mỹ Thị, Tân Lưu... Do đó, bảo tồn và phát huy giá
trị tín ngưỡng của cư dân ven biển Đà Nẵng là vấn đề quan
trọng, mang tính cấp thiết trong bối cảnh hiện đại ngày nay.
Bảo tồn tín ngưỡng truyền thống của cư dân ven biển Đà
Nẵng không thể tách rời với việc phát huy các giá trị của tín
ngưỡng. Bảo tồn là cái gốc, là cơ sở để phục vụ cho phát huy
và ngược lại, phát huy giúp cho bảo tồn di sản được tốt hơn,
vững bền hơn. Di sản văn hóa nếu chỉ bảo tồn, đóng khung
mà không đem ra sử dụng thì không phát huy được giá trị ẩn
chứa bên trong. Phát huy sẽ tạo ra hướng tiếp nhận, ảnh
hưởng mới làm cho các giá trị văn hóa không những không
bị lãng quên mà còn được củng cố và lan rộng. Và chỉ khi
các giá trị của di sản văn hóa được khai thác, phát huy thì
mới có cơ sở, có điều kiện vật chất để bảo tồn chúng.
Nói cách khác, bảo tồn và phát huy những giá trị tín
ngưỡng, văn hóa của cư dân ven biển Đà Nẵng không đơn
giản là gìn giữ được những giá trị văn hóa biển đảo mà
quan trọng hơn chính là khơi dậy tình yêu biển đảo đối với
cộng đồng, để những di sản tinh thần, vật chất đã gắn liền
với người dân Đà Nẵng luôn song hành với đời sống của
họ, tiếp thêm cho họ động lực vươn khơi, bám biển; góp
phần xây dựng và phát triển một thành phố biển nói riêng,
một quốc gia hướng biển hùng cường và giàu mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Chấp hành Đảng bộ quận Sơn Trà (2005), Nghị quyết số 06-
NQ-QU về Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển quận Sơn
Trà đến năm 2010 và những năm tiếp theo.
[2] Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (2015), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XXI Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, Lưu hành nội bộ, Đà Nẵng.
[3] UBND quận Liên Chiểu (2016), Quyết định số 1996/QĐ-UBND phê
duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên
địa bàn quận Liên Chiểu giai đoạn 2015 - 2020.
[4] UBND TP. Đà Nẵng (2009), Quyết định số 7410/QĐ-UBND của
UBND TP. Đà Nẵng ngày 26 tháng 09 năm 2009 phê duyệt Quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Ngũ Hành Sơn đến năm 2020.
[5] UBND TP. Đà Nẵng (2015), Kế hoạch số 4809/KH-UBND ngày 23-
6-2015 về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi
tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2015 - 2020.
[6] UBND TP. Đà Nẵng (2016), Quyết định số 4623/QĐ-UBND ngày
12/07/2016 của UBND Thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Đề án
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng, giai
đoạn 2016 - 2020.
[7] https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=7717&_c=10,
UBND TP. Đà Nẵng (2016), Kế hoạch số 6144/KH-UBND về việc
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cầu ngư
thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 - 2020.
[8] https://thanhnien.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/dau-tu-cho-
van-hoa-da-nang-3533.html, Diệu Hiền (2014), Đầu tư cho văn hóa
Đà Nẵng, truy cập ngày 27/12/2017.
[9]
ong_tin_quy_hoach/quy_hoach_quan_huyen/son_tra?p_pers_id=&p
_folder_id=6034128&p_main_news_id=6224506&p_year_sel=,
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Sơn Trà đến năm
2020, truy cập ngày 27/12/2017.
(BBT nhận bài: 01/8/2018, hoàn tất thủ tục phản biện: 26/8/2018)
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bao_ton_tin_nguong_cu_dan_ven_bien_da_nang_trong_qua_trinh_d.pdf