I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH:
1. Sự cần thiết của việc lựa chọn xây dựng mô hình phát triển bền vững:
2. Đặc điểm tình hình chung của tỉnh Sơn La:
3. Tài nguyên đất đai:
Tổng diện tích tự nhiên toàn
4. Tài nguyên nước:
5. Tài nguyên rừng:
6. Tài nguyên khoáng sản:
7. Tiềm năng về du lịch:
8. Cảnh quan môi trường:
9. Tài nguyên nhân văn:
10. Những thách thức về môi trường đặt ra với tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội:
II. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 TỈNH SƠN LA:
1. Công tác tổ chức, chuẩn bị nhân sự:
2. Kết quả thực hiện trong khuôn khổ dự án như sau:
2.1. Triển khai nhận thức:
2.2. Xây dựng văn bản chương trình nghị sự 21 địa phương:
2.3. Xây dựng 2 mô hình thí điểm phát triển bền vững tại cộng đồng:
* Mô hình Bản Hìn - xã Chiềng An - Thị xã Sơn La:
* Mô hình Bản Liềng - xã Mường Bằng - Huyện Mai Sơn:
III. KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG:
1. Về khó khăn:
2. Về thuận lợi:
IV. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
Qua thực tế triển khai xây dựng dự án thí điểm tỉnh Sơn La nhận thấy:
V. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NHỮNG NĂM TIẾP THEO:
VI. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ:
20 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 1964 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề Mô hình thí điểm xây dựng và phát triển bền vững tỉnh Sơn La, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ KẾ HOẠCH & ĐẦU TƯ TỈNH SƠN LA
BAN ĐIỀU HÀNH CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 TỈNH SƠN LA
--------------------
Tham gia viết chuyên đề sách
" phát triển bền vững vùng dân
tộc thiểu số và miền núi Việt Nam"
CHUYÊN ĐỀ
Mô hình thí điểm xây dựng về phát triển bền vững
tỉnh Sơn La
Sơn La, tháng 11 năm 2006
CHUYÊN ĐỀ
Mô hình xây dựng thí điểm về phát triển bền vững
(chương trình nghị sự 21) tỉnh Sơn La.
I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH:
1. Sự cần thiết của việc lựa chọn xây dựng mô hình phát triển bền vững:
Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vì vậy đã được các quốc gia trên thế giới đồng thuận xây dựng thành chương trình Nghị sự cho từng thời kỳ phát triển của lịch sử. Năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janerio (Braxin) đã thông qua tuyên bố Rio de Janerio về môi trường và phát triển bao gồm 27 nguyên tắc cơ bản và chương trình Nghị sự 21 về các giải pháp phát triển bền vững chung cho toàn thế giới trong thế kỷ 21. Từ năm 1992 đến nay đã có 113 nước trên thế giới xây dựng và thực hiện chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững cấp quốc gia và 6.416 chương trình nghị sự 21 cấp địa phương.
Phát triển bền vững đã trở thành đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Ngay từ năm 1991 Chính phủ đã ban hành " kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000" tạo tiền đề cho quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Quan điểm phát triển bền vững đã được khẳng định trong Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó nhấn mạnh: " bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Quan điểm phát triển bền vững đã được tái khẳng định trong các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam và trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là: "phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường" và " phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữ môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học".
Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững như Nghị quyết của đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra và thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững, ngày 17/8/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg phê duyệt “Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững ở Việt Nam” (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Đây là một chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện và phối hợp hành động nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21. Định hướng chiến lược phát triển bền vững cũng nêu lên những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, đề xuất những chủ trương, chính sách, công cụ pháp lý và những lĩnh vực hoạt động ưu tiên để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Định hướng chiến lược này không thay thế các chiến lược, kế hoạch mà là căn cứ để cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010, Chiến lược Bảo vệ môi trường đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, xây dựng kế hoạch 5 năm 2006-2010, cũng như xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương, nhằm kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước.
Để triển khai thực hiện, ngày 09 tháng 03 năm 2005 Bộ KH&ĐT ban hành thông tư số: 01 / 2005 /TT-BKH: Triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam. Trong đó, nêu rõ yêu cầu, hướng dẫn nội dung xây dựng chương trình phát triển bền vững cấp địa phương (LA21) của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhìn lại, trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội vừa qua của tỉnh Sơn La vẫn dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên là chủ yếu như khai thác tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, song với trình độ công nghệ sản xuất còn thấp còn lạc hậu, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng không bền vững, năng suất lao động thấp, cộng với tỷ lệ tăng dân số cao, dẫn đến tỷ lệ hộ đói nghèo cao, các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế hiện còn bất cập, các loại tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để, cơ sở hạ tầng còn thấp kém đang là những vấn đề nổi cộm bức xúc. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, rừng, nước bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Trong các quy hoạch tổng thể của tỉnh, ngành và các huyện thị, cũng như các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm trong thời gian qua 3 mặt của sự phát triển, gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường chưa thực sự được kết hợp, lồng ghép chặt chẽ với nhau.
Vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển bền vững - chương trình nghị sự 21 của tỉnh là rất cần thiết, nhằm định hướng phát triển bền vững cho tỉnh trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế - xã hội - bảo vệ môi trường sinh thái trong một thời gian tương đối dài - đến năm 2020 và vạch ra những việc cần thực hiện của những năm trước mắt cũng như lâu dài, phù hợp với tiến trình chung của cả nước, tiến trình xây dựng Nhà máy thuỷ điện Sơn La, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội - bảo vệ môi trường bền vững cho Sơn La và cho cả nước.
2. Đặc điểm tình hình chung của tỉnh Sơn La:
Sơn La là một tỉnh ở vùng núi phía Tây Bắc, có diện tích tự nhiên: 1.412.500 ha, chiếm 4,27% tổng diện tích cả nước đứng thứ 3 trong số 64 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phía Bắc giáp các tỉnh Yên Bái, Lào Cai; phía Đông giáp các tỉnh Phú Thọ, Hoà Bình; phía Tây giáp tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá và nước CHDCND Lào. Có chung đường biên giới Việt - Lào dài 250 km. Tỉnh Sơn La nằm trên trục quốc lộ 6 Hà Nội - Sơn La - Điện Biên, cách Hà Nội 320 km. Có chiều dài giáp ranh với các tỉnh bạn là 628 km. Độ cao trung bình 600 - 700 m so với mặt biển, địa hình chia cắt sâu và mạnh, 97% diện tích tự nhiên thuộc lưu vực sông Đà, sông Mã. Có hai cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản địa hình tương đối bằng phẳng.
Sơn La là một tỉnh vừa nằm sâu trong nội địa, vừa là tỉnh có đường biên giới quốc gia với nước bạn Lào, nằm án ngữ phía Tây bắc của Thủ đô Hà Nội, vì vậy vừa có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Cùng với các tỉnh Hoà Bình và Lai Châu, Sơn La là mái nhà xanh của đồng bằng Bắc Bộ, với diện tích gần một triệu ha đất rừng đã và đang có vai trò to lớn về môi sinh, phòng hộ đầu nguồn sông Đà, điều tiết nguồn nước cho công trình thuỷ điện Hoà Bình (hiện tại) và cho công trình thuỷ điện Sơn La (trong tương lai).
Tỉnh Sơn La gồm 1 thị xã và 10 huyện, với 201 xã, phường, thị trấn, Thị xã Sơn La là trung tâm tỉnh lỵ. Dân số trung bình toàn Tỉnh Sơn La năm 2005 có: 992.700 người, mật độ bình quân 70 người/km2, trong đó nam là 499.800 người (chiếm 50,18%), nữ 492.900 người (chiếm 49,82%). Dân số khu vực thành thị chiếm 12%; dân số khu vực nông thôn chiếm 88% tổng số dân toàn tỉnh. Tốc độ tăng dân số tự nhiên năm 2005 thực hiện là 1,69%. Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2000 – 2005 ở mức 1,85%.
3. Tài nguyên đất đai:
Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1.412.500 ha, trong đó đất đang được sử dụng 784.304 ha (năm 2004) chiếm 55,8% đất tự nhiên của tỉnh, so với cả nước tỉ lệ này là 97%. Diện tích đất sử dụng sẽ có thay đổi khi thủy điện Sơn La hoàn thành vào năm 2012. Theo tính toán Sơn La có 3 huyện bị ngập, tổng diện tích bị ngập khoảng 13.730 ha, trong đó có 6.321 ha đất nông nghiệp (bình quân mỗi hộ mất khoảng 0,65 ha đất nông nghiệp, trong đó ruộng nước 0,13 ha), đất rừng 2.451 ha, đất chưa sử dụng 7.214 ha… Bên cạnh đó, sẽ xuất hiện các vùng bán ngập với diện tích hàng trăm ha, có thể tận dụng diện tích này để trồng trọt vào mùa chưa bị ngập.
Là một tỉnh vùng cao, quỹ đất nông nghiệp hạn chế, đặc biệt ruộng nước bình quân đầu người chỉ có 0,017 ha/người (cả nước là 0,05 ha/người).
Quỹ đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản của Sơn La 1.670 ha, đã đưa vào sử dụng 1.476 ha, chưa kể hồ thuỷ điện Hoà Bình. Nếu công trình thủy điện Sơn La hoàn thành, sẽ có thêm 13.700 ha mặt nước hồ. Khi đó toàn tỉnh sẽ có khoảng 25.000 ha ao, hồ và hồ sông Đà là tiền đề để Sơn La phát triển mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản.
4. Tài nguyên nước:
Sơn La có hệ thống sông suối khá dầy nhưng phần lớn mặt nước thấp hơn mặt đất canh tác. Sông suối ở Sơn La có độ dốc lớn, trắc diện hẹp nên tiềm năng thuỷ điện khá lớn. Hầu hết mọi nơi trong tỉnh đều có điều kiện làm thuỷ điện cực nhỏ, ngoài 96 điểm xây dựng được thuỷ điện vừa và nhỏ với tổng công suất 134 MW còn có công trình thuỷ điện Suối Sập 11,8 MW, thuỷ điện Nậm Chiến công suất 210 MW, thuỷ điện Huổi Quảng công suất 540 MW và đặc biệt là công trình thuỷ điện Sơn La với công suất 2.400 MW đang được khởi công xây dựng.
5. Tài nguyên rừng:
Sơn La là một trong những tỉnh có diện tích rừng và đất có khả năng phát triển lâm nghiệp khá lớn (chiếm 73% diện tích tự nhiên), đến năm 2005 diện tích rừng của Sơn La chỉ còn 590.310 ha, trong đó rừng tự nhiên 461.000 ha, rừng trồng 129.310 ha. Độ che phủ của rừng đạt 42% (so với toàn quốc là 40%)
Sơn La có 4 khu rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên: Xuân Nha (Mộc Châu) 27.084 ha; Sốp Cộp 18.709 ha; Copi A (Thuận Châu) 19.354 ha; Tà Xùa (Bắc Yên) 17.650 ha.
Khi có thuỷ điện Sơn La sẽ có 1 phần rừng và đất rừng bị ngập, theo tính toán có khoảng 2.451 ha rừng sẽ bị ngập, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ.
6. Tài nguyên khoáng sản:
Sơn La có nhiều loại khoáng sản khác nhau: than, đá vôi và đá sét, ni ken - đồng, vàng, bột tan (gần 150 điểm), song chủ yếu là mỏ nhỏ, phân bố rải rác trên khắp địa bàn tỉnh, trữ lượng không lớn và điều kiện khai thác không thuận lợi.
7. Tiềm năng về du lịch:
Sơn La có điều kiện phát triển du lịch thuận lợi do có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú, các mỏ suối nước khoáng nóng, vùng hồ Sông Đà, các di tích lịch sử cách mạng như Nhà tù Sơn La, cây đa bản Hẹo, Văn bia Quế lâm ngự chế... Có thể kết hợp với các tỉnh bạn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch văn hoá… Sắp tới trên địa bàn tỉnh Sơn La có hồ thuỷ điện Sơn La, cùng với 4 vườn quốc gia (Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha-Mộc Châu, Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp, Khu bảo tồn thiên nhiên Co Mạ-Thuận Châu, Tà Xùa - Bắc Yên), còn có 4 hang động được xếp hạng, 4 mỏ nước nóng, có nhiều bản làng văn hoá dân tộc, có các lễ hội dân tộc như: lễ hội mùa xuân dân tộc Mông huyện Mộc Châu; Hội Then dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Yên Châu; Lễ hội cầu mùa dân tộc Khơ Mú huyện Yên Châu; Lễ Mởi dân tộc Mường huyện Phù Yên…đều có thể khai thác để phục vụ du lịch.
8. Cảnh quan môi trường:
Tỉnh Sơn La có cảnh quan môi trường đa dạng và phong phú. Tuy nhiên trong những thập niên trở lại đây cảnh quan môi trường cục bộ từng nơi đã bị phá vỡ thế cân bằng, nhiều khu vực rừng bị tàn phá kiệt quệ, để đáp ứng nhu cầu về cuộc sống của một số đồng bào vùng cao, vì vậy vấn đề môi trường sinh thái bức súc nhất hiện nay của tỉnh là thảm thực vật che phủ còn thấp, diện tích đất trống đồi núi trọc chiếm khoảng 45 - 50% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, ngoài ra hiện tượng sói mòn, rửa trôi vẫn xảy ra trầm trọng, đã phần nào làm giảm độ phì nhiêu của tài nguyên đất sản xuất, đồng thời gây sạt lở, lũ lụt ở các vùng thấp.
9. Tài nguyên nhân văn:
Dân số trung bình toàn Tỉnh Sơn La năm 2005 có: 992.700 người, mật độ bình quân 70 người/km2, trong đó nam là 499.800 người (chiếm 50,18%), nữ 492.900 người (chiếm 49,82%). Dân số khu vực thành thị chiếm 12%; dân số khu vực nông thôn chiếm 88% tổng số dân toàn tỉnh. Tốc độ tăng dân số tự nhiên năm 2005 thực hiện là 1,69%. Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2000 – 2005 ở mức 1,85%.
Toàn tỉnh có 12 Dân tộc anh em, trong đó dân tộc Thái chiếm có dân số lớn nhất, chiếm gần 55% dân số toàn tỉnh. Các dân tộc có dân số đông tiếp theo là dân tộc Kinh 18%, dân tộc Mông 12%, dân tộc Mường 8,4%, dân tộc Dao 1,82%, dân tộc Khơ mú 1,89%...
Một vấn đề quan trọng khác là phải di dân khỏi lòng hồ thuỷ điện. Quy hoạch tổng thể di dân tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 196/2004/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2004. Theo Quy hoạch này thì số hộ trên địa bàn Sơn La cần phải di chuyển cho xây dựng thủy điện Sơn La là 12.479 hộ. Bên cạnh đó, các thủy điện Nậm Chiến, Huổi Quảng,... có công suất khá lớn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng đòi hỏi việc di dân, tái định cư. Đây thực sự là một công việc đồ sộ đối với Tỉnh từ nay đến 2010.
10. Những thách thức về môi trường đặt ra với tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội:
Hiện tại và tương lai có hàng loạt các vấn đề đặt ra đối với tỉnh trong thời kỳ xây dựng CNH - HĐH đó là các vấn đề về điều kiện tự nhiên, về môi trường sinh thái, cơ sở hạ tầng thấp kém và các vấn đề văn hoá, xã hội…
* Về điều kiện tự nhiên:
- Do địa hình đồi núi cao và chia cắt mạnh, gây trở ngại cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
- Diện tích đồi núi có độ dốc cao chiếm tỷ trọng lớn, vì vậy tỷ lệ sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp thấp.
- Khí hậu chia 2 mùa rõ rệt, mùa mưa phân dải không đều ở các vùng cũng đã làm ảnh hưởng đến điều kiện cân bằng nguồn nước và dễ gây ra lũ ống và gây xói mòn đất, mùa khô hanh kiệt dễ gây cháy rừng, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt …
* Về môi trường:
Rừng tự nhiên bị cạn kiệt, độ che phủ còn thấp, tài nguyên rừng của Sơn La không phải là thế mạnh mà đây là một gánh nặng cho việc phục hồi lại vốn rừng và các hệ sinh thái đã suy thoái. Qua các hoạt động của con người tác động vào môi trường đã làm cho quá trình sa mạc hoá, xói mòn, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm nước và không khí, thay đổi môi trường sống… ngày càng diễn ra nhiều hơn. Bên cạnh đó quá trình đô thị hoá đang diễn ra với tốc độ quá nhanh, đã và đang gây tổn hại đến môi trường sinh thái, dẫn đến phá vỡ thế cân bằng nền sinh thái nhằm phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.
* Về cơ sở hạ tầng:
Các hạn chế về CSHT như: Giao thông, cơ sở y tế, thông tin liên lạc, điện nước, trường học… Đây còn là khó khăn lớn, vì mức đầu tư cho CSHT ở tỉnh Sơn La còn cao so với các nơi khác, số người được sử dụng ít, hiệu quả không cao, mặt khác do thu nhập bình quân của người dân còn thấp nên việc huy động nguồn vốn từ nhân dân cho các công trình phúc lợi còn nhiều hạn chế.
* Về phát triển dân số:
Hiện tại về tốc độ tăng dân số tự nhiên vẫn còn cao nhất là các đồng bào vùng cao và dân tộc thiểu số, đây cũng là vấn đề gây nên áp lực lớn cho việc giải quyết đời sống, những vấn đề xã hội, việc bảo vệ tài nguyên môi trường tự nhiên. Đặc biệt khi xây dựng công trình thuỷ điện Sơn la làm cho dân số cơ học tăng lên việc sắp xếp dân tái định cư cũng gây biến đổi về phân bố dân cư, tác động tổng thể này mang tính toàn diện đến các thành phần môi trường trong vùng.
* Về văn hoá - giáo dục:
Sơn La có 12 dân tộc anh em trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều ở các dân tộc, sự đa dạng về dân tộc cũng đã dẫn tới sự đa dạng về văn hoá, về tập quán dân tộc vì vậy cũng gây nên sự trở ngại cho việc nâng cao nhận thức cộng đồng như ( tiếng nói, chữ viết, phát triển duy trì bản sắc văn hoá dân tộc…) Nhiều phong tục tập quán ở một số dân tộc còn lạc hậu, đặc biệt là phong tục sản xuất thuần nông du canh du cư chưa được xoá bỏ.
* Về dân trí:
Ngoài những trở ngại trên, trở ngại về dân trí thấp là một sức ỳ lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Nó dẫn đến sự hiểu biết về điều kiện tự nhiên, yếu tố môi trường… dẫn đến các hậu quả gây nên không lường trước được.
* Nguồn lực:
Nguồn lực và kinh phí để thực hiện còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc đáp ứng các yêu cầu mà trong kế hoạch đã đề ra, các hoạt động ưu tiên, các mô hình trình diễn khó thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra.
* Vấn đề tái định cư thuỷ điện Sơn La, cơ hội và thách thức:
Việc điều chỉnh quy hoạch tiếp nhận dân TĐC thuỷ điện Sơn La với tỉnh Sơn La là một cơ hội nhưng đó cũng là một thách thức lớn với những tác động về kinh tế - xã hội cũng như sự thay đổi và ảnh hưởng không nhỏ của môi trường sinh thái. Có thể nêu ở đây một số các hoạt động và một số tác động lên hệ thống tài nguyên của việc TĐC như sau:
Công tác tái định cư của thuỷ điện Sơn La là một nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh trong kế hoạch phát triển kinh tế- Xã hội giai đoạn 2006- 2010 và đó là cơ hội để tỉnh quy hoạch sắp xếp lại dân cư, tổ chức lại cơ cấu sản xuất… tuy nhiên ngoài những nhiệm vụ thiết yếu thì việc bố trí sử dụng các nguồn tài nguyên đó là một vấn đề không nhỏ để có thể đáp ứng được những điều kiện sống đảm bảo và tốt hơn nơi ở cũ. Nếu vấn đề bố trí nguồn tài nguyên không hợp lý, hài hoà giữa dân TĐC và dân sở tại, đồng thời với việc nâng cao chất lượng sống của nhân dân trong tỉnh sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khai thác nguồn tài nguyên sẵn có là điều tất yếu xảy ra dẫn tới việc các nguồn tài nguyên, đất, nước và môi trường cảnh quan bị ảnh hưởng, diện tích đất bị thu hẹp, xáo trộn các tổ chức xã hội…
II. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ 21 TỈNH SƠN LA:
1. Công tác tổ chức, chuẩn bị nhân sự:
Thực hiện quyết định 153/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn số : 01/TT-BKH ngày 9/3/2005 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Được sự quan tâm giúp đỡ của dự án VIE/01/021 - văn phòng PTBV -Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã chọn tỉnh Sơn La là 1 trong 6 tỉnh làm dự án thí điểm chương trình Nghị sự 21 địa phương. Sau khi có chủ trương tỉnh đã triển khai thành lập Ban chỉ đạo chương trình Nghị sự 21 của tỉnh gồm 21 thành viên của các sở, ban ngành, đoàn thể và chủ tịch UBND của 11 huyện, thị xã, đồng thời thành lập Ban điều hành dự án (văn phòng giúp việc cho Ban chỉ đạo) thường trực là sở Kế hoạch & Đầu tư trực tiếp điều phối dự án do đồng chí giám đốc sở trực tiếp làm trưởng Ban điều hành dự án (trong đó: bộ máy giúp việc văn phòng gồm có 1 kế toán, 1 phó ban điều hành và 3 thành viên giúp việc đều là kiêm nhiệm).
2. Kết quả thực hiện trong khuôn khổ dự án như sau:
2.1. Triển khai nhận thức:
Sự nghiệp phát triển bền vững bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Chỉ có thể đạt được sự phát triển bền vững khi phát huy nội lực của toàn dân thông qua phát huy quyền làm chủ, chủ động sáng tạo của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức xã hội, các tầng lớp dân cư, cũng như sự tự giác và ý thức của mọi người dân.
Về bản chất chương trình nghị sự của tỉnh là một kế hoạch hành động do chính quyền, các ngành, các đoàn thể, nhân dân trong tỉnh cùng đồng thuận xây dựng nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội - môi trường của tỉnh một cách hài hoà và bền vững, tập trung giải quyết những vấn đề trọng điểm trong chiến lược phát triển của tỉnh, đồng thời nhằm đạt được những mục tiêu chương trình nghị sự 21 của quốc gia. Thông qua hội thảo và các thông tin đại chúng về PTBV để nâng cao nhận thức cho các đối tượng khác nhau: những nhà lãnh đạo, nhà quản lý, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong xã hội đều có thể tham gia xây dựng hành động để thực hiện chiến lược PTBV của tỉnh.
Sau khi thành lập Ban chỉ đạo, ban điều hành chương trình Nghị sự 21 của tỉnh, tỉnh Sơn La đã tập trung cho công tác tuyên truyền tập huấn về PTBV, phối hợp cùng các ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã tổ chức hội thảo tập huấn để nâng cao nhận thức.
Tỉnh Sơn La đã có nhiều hình thức huy động sự tham gia rộng rãi của các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tầng lớp dân cư vào việc thực hiện phát triển bền vững:
- Đầu tháng 4/2005 đã tổ chức hội thảo khởi động dự án xây dựng chương trình Nghị sự 21 của cấp tỉnh và quy trình xây dựng dự án cho cán bộ lãnh đạo các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, các thành viên trong Ban chỉ đạo dự án, chủ tịch UBND 11 huyện, thị xã thời gian là 2 ngày; đồng thời Ban điều hành dự án tổ chức tập huấn về chức năng, nhiệm vụ, quản lý điều hành dự án cho các thành viên trong Ban điều hành, chuyên viên của 1 số ban, ngành đoàn thể có liên quan và 11 huyện thị để hướng dẫn triển khai dự án xây dựng chương trình phát triển bền vững (nghị sự 21 của tỉnh).
- Ban điều hành chương trình nghị sự 21 của tỉnh đã phối hợp với 11 huyện, thị xã và đoàn thanh niên 2 sở (Kế hoạch & Đầu tư - Tài nguyên & Môi trường) tổ chức thành công 13 lớp hội thảo tập huấn khởi động về chương trình Nghị sự 21 cho lãnh đạo các Ban, ngành, các tổ chức đoàn thể ở cấp ngành, huyện để nâng cao vai trò nhận thức hiểu biết về phát triển bền vững trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường ở địa phương đồng thời đã tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, bản, như ở Bản Liềng xã Mường Bằng – huyện Mai Sơn và Bản Hìn, Bản Bó xã Chiềng An – Thị xã Sơn La, 3 bản là dân tộc Thái và Mông do Hội liên hiệp Phụ nữ và Đoàn thanh niên tuyên truyền, tổng số gần 2.000 người tham gia.
- Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên đề “ chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam gắn với chiến lược quy hoạch kế hoạch phát triển bền vững của tỉnh Sơn La, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường để tuyên truyền đến tận bà con thôn bản (qua làn sóng phát thanh và truyền hình) ở các đài truyền hình và đài phát thanh của tỉnh và 11 huyện, thị, các trung tâm xã, trung tâm cụm xã, bản ở các cơ sở địa phương trong vòng 4 -5 tháng mỗi tháng phát 2 -3 lần tập trung vào tháng 8 - tháng 11 năm 2005.
- Phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên triển khai mô hình "tháng thanh niên tình nguyện mùa hè xanh" nhằm tuyên truyền vận động bà con dân tộc Mông (bản Mô Cổng) của huyện Thuận Châu làm thí điểm về bảo vệ môi trường, vệ sinh bản làng, hướng dẫn nhân dân làm nhà xí hợp vệ sinh, chăn thả gia súc đúng nơi quy định và xây dựng hương ước bản làng về thực hiện PTBV.
- Phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai mô hình thí điểm "phụ nữ tham gia tuyên truyền vận động làm mô hình thí điểm PTBV về bảo vệ môi trường tại cộng đồng, nâng cao dinh dưỡng cho gia đình…" của 2 bản rừng tre dân tộc Mông huyện Bắc Yên và bản Cang xã Chiềng Cang huyện Sông Mã.
- Tiếp tục đề xuất đổi mới các cơ chế, chính sách nhằm phát huy hơn nữa tính sáng tạo và tinh thần làm chủ của nhân dân trong việc quản lý xã hội và cộng đồng, nâng cao sự nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc xem xét đánh giá tác động môi trường bằng cách thể chế hoá các vai trò tham gia của quần chúng và có biện pháp cưỡng chế thực hiện (như xây dựng nội quy, quy ước, hương ước bản làng). Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, cộng đồng dân cư... đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường trên từng địa bàn dân cư, tăng cường trách nhiệm và năng lực cho các tổ chức, đoàn thể... để phát huy hiệu quả vai trò này.
- Thông qua các ngành, các tổ chức đoàn thể, các cộng đồng dân cư, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển bền vững: như những hình thức giáo dục cộng đồng về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong gia đình, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng mô hình kinh tế hộ bền vững, vệ sinh môi trường làng bản...đặc biệt là phong trào do Tỉnh đoàn thanh niên phát động. Các cuộc thi tìm hiểu, phong trào thanh niên tình nguyện mùa hè xanh tham gia phát triển bền vững đang được tỉnh tiếp tục phát huy và nhân rộng, đã tổ chức thành công buổi lễ ra quân " tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường" trong toàn tỉnh có trên 2000 đoàn viên thanh niên và nhân dân hưởng ứng tham gia tình nguyện được Uỷ ban quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường; Trung ương đoàn đến dự và đánh giá cao.
- Phát động phong trào quần chúng trong từng nhóm xã hội trên địa bàn toàn tỉnh với các nội dung về phát triển bền vững. Tiếp tục phát triển các phong trào quần chúng và hoạt động của các tổ chức xã hội, các cộng đồng dân cư nhằm tạo thêm công ăn việc làm, giúp nhau kinh nghiệm làm ăn, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn vệ sinh môi trường sống, bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường tại địa phương và nâng cao ý thức của nhân dân về các vấn đề phát triển bền vững ở các lĩnh vực.
2.2. Xây dựng văn bản chương trình nghị sự 21 địa phương:
Phục vụ cho xây dựng chiến lược phát triển bền vững chương trình Nghị sự 21 tỉnh Sơn La đến năm 2020, gồm 4 phần: kinh tế – xã hội – tài nguyên môi trường và các nội dung khác (trong đó có xây dựng: bộ chỉ tiêu đánh giá và báo cáo tổng hợp chung), xây dựng các chuyên đề về đánh giá hiện trạng và xây dựng quan điểm phát triển các phương án quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực và đưa ra hội thảo lấy ý kiến tham gia của các ngành và các huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua Hội đồng thẩm định cấp tỉnh, để đưa vào Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XII của tỉnh; đến ngày 7/3/2006 bản chiến lược phát triển bền vững của tỉnh Sơn La đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số: 675/QĐ-UBND.
* Nội dung cơ bản của chương trình Nghị sự 21 Sơn La:
(1)- Đánh giá thực trạng của Sơn La: rút ra những điểm mạnh, những điểm yếu kém, tồn tại về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường, trên cơ sở đó đối chiếu với yêu cầu của mục tiêu phát triển bền vững đã nêu trong định hướng chiến lược phát triển bền vững của cả nước.
(2) - Quan điểm, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững của Sơn La.
(3) - Xác định hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững của tỉnh, xác định những lĩnh vực chủ yếu cần ưu tiên nhằm phát triển bền vững ở Sơn La: về thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, thực hiện quá trình “công nghiệp hoá sạch”, phát triển công nghiệp và nông thôn bền vững, phát triển bền vững các vùng (vùng kinh tế quốc lộ 6, vùng kinh tế dọc Sông Đà, vùng cao và biên giới); đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm mức tăng dân số tự nhiên và giải quyết việc làm, đẩy mạnh công tác di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La gắn với điều chỉnh sắp xếp dân cư trên địa bàn toàn tỉnh với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các khu đô thị mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng các dân tộc, về lĩnh vực sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường ( chống rửa trôi, xói mòn, sử dụng hiệu quả bền vững canh tác trên đất dốc, tăng cường bảo vệ và phát triển vốn rừng đặc biệt là vùng rừng phòng hộ cho hồ thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Sơn La, tăng cường quản lý chất thải rắn và độc hại...).
(4) - Dự báo nguồn và khả năng huy động các nguồn lực phát triển và Một số chương trình dự án trọng điểm của tỉnh.
(5) - Xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện phát triển bền vững.
(6)- Xây dựng hệ thống điều hành, giám sát, báo cáo.
(7)- Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội... Nông dân, phụ nữ, thanh thiếu niên, các nhà khoa học và quản lý Nhà nước, các nhà Doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội... thảo luận, quyết định và thực hiện các kế hoạch hành động.
(8)- Xúc tiến thu hút các nguồn lực hỗ trợ các tổ chức quốc tế để phát triển bền vững.
Trong quá trình xây dựng chiến lược PTBV, tỉnh đã đánh giá thực trạng và xác định các lĩnh vực ưu tiên cho PTBV thông qua các chuyên đề bao gồm 23 chuyên đề cụ thể:
+ Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng các chuyên đề: Ngăn chặn suy thoái đất, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản, Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường khu tái định cư công trình thuỷ điện Sơn La, bộ tiêu chuẩn đánh giá PTBV, các phiếu thăm dò chỉ tiêu về phát triển bền vững.
+ Sở Nông nghiệp & PTNT: Thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường vùng lòng hồ và khu vực công trình thuỷ điện Sơn La, giảm thiểu thảm hoạ tự nhiên.
+ Sở Khoa học công nghệ: Quản lý chất thải rắn và độc hại, giảm ô nhiễm môi trường không khí.
+ Sở Kế hoạch & Đầu tư: Duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phát triển bền vững các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, di dân tái định cư, Báo cáo tổng hợp chung...
+ Sở Xây dựng: Phát triển đô thị sáng xanh sạch đẹp.
+ Sở Công nghiệp: Thực hiện công nghiệp hoá sạch.
+ UBDS - gia đình trẻ em: Giảm mức tăng dân số.
+ Sở Lao động - TBXH: Tạo công ăn việc làm.
+ Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh: Công bằng xã hội.
+ Chi cục phát triển lâm nghiệp: Bảo vệ và phát triển rừng.
+ Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT: Bảo vệ nước và sử dụng nước bền vững.
2.3. Xây dựng 2 mô hình thí điểm phát triển bền vững tại cộng đồng:
* Mô hình Bản Hìn - xã Chiềng An - Thị xã Sơn La:
Nội dung thực hiện mô hình:
- Xây dựng dự án phát triển bền vững của bản: đánh giá hiện trạng về phát triển kinh tế - xã hội và tài nguyên môi trường tại bản, thuận lợi, khó khăn khi thực hiện phát triển bền vững, từ đó nêu ra mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện PTBV, các lĩnh vực ưu tiên, cách thức tổ chức thực hiện.
- Nâng cao nhận thức cho người dân trong bản hiểu về PTBV và từ đó cộng đồng dân cư trong bản cùng đồng thuận xây dựng hương ước bản làng thực hiện phát triển bền vững.
- Hỗ trợ cho 5 hộ đợt 1 (do người dân trong bản bình bầu) vay vốn không tính lãi suất trong vòng 2 năm hoàn trả vốn cho Ban quản lý luôn chuyển tiếp cho các hộ khác vay làm mô hình kinh tế hộ gia đình (như nuôi nhím, hươu, gia súc bò, trâu, gia cầm, trồng băng cây xanh, xây dựng mô hình canh tác trên đất dốc, cây ăn quả, trồng rừng...).
Kết quả đạt được sau gần 1 năm thực hiện mô hình:
- Nâng cao nhận thức cho người dân thôn bản hiểu được về phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống kinh tế ổn định về xã hội, bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phòng chống tai tệ nạn xã hội...
- Tự người dân thôn bản xây dựng hương ước bản làng và cùng đồng thuận tham gia thực hiện về phát triển kinh tế hộ gia đình, phòng chống các tai tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên...
- 5 hộ gia đình đợt 1 vay tiền hỗ trợ để phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình đã thực hiện theo đúng như cam kết và bước đầu đã có thu nhập nâng cao đời sống gia đình và đây chính là mô hình thực hiện phát triển kinh tế hộ gia đình để nhân ra diện rộng trong thời gian tới.
* Mô hình Bản Liềng - xã Mường Bằng - Huyện Mai Sơn:
Nội dung thực hiện mô hình:
- Xây dựng dự án phát triển bền vững của bản: đánh giá hiện trạng về phát triển kinh tế - xã hội và tài nguyên môi trường tại bản, thuận lợi, khó khăn khi thực hiện phát triển bền vững, từ đó nêu ra mục tiêu, kế hoạch và giải pháp thực hiện PTBV, các lĩnh vực ưu tiên, cách thức tổ chức thực hiện.
- Nâng cao nhận thức cho người dân trong bản hiểu về PTBV và từ đó cộng đồng dân cư trong bản cùng đồng thuận xây dựng hương ước bản làng thực hiện phát triển bền vững.
- Tập huấn về mô hình nuôi cá ruộng, sản xuất canh tác trên đất dốc...
- Hỗ trợ 12 hộ đợt 1 vay vốn không tính lãi suất trong vòng 2 năm (bản tự bình chọn) để phát triển kinh tế hộ gia đình (mô hình nuôi cá ruộng) dưới sự giám sát của Ban quản lý vốn và thực hiện như trong hợp đồng.
Kết quả đạt được sau gần 1 năm thực hiện mô hình:
- Nâng cao nhận thức cho người dân thôn bản hiểu được về phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống kinh tế ổn định về xã hội, bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phòng chống tai tệ nạn xã hội...
- Tự người dân thôn bản xây dựng hương ước bản làng và cùng đồng thuận tham gia thực hiện về phát triển kinh tế hộ gia đình, phòng chống các tai tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường tài nguyên thiên nhiên...
- 12 hộ thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá ruộng đến tháng 5/2006 mỗi hộ gia đình đã thu hoạch trên 1.800 kg cá thịt (cứ 6 tháng thu được 1 vụ cá) với tổng giá trị khoảng: 54.000.000 đồng.
Mặt khác mô hình nuôi cá ruộng không ảnh hưởng đến năng suất lúa, không phải phun thuốc trừ sâu.
* Tóm lại: Qua 1 năm thực hiện mô hình thí điểm tại 2 bản: Bản Liềng và Bản Hìn với các nội dung thực hiện mô hình như trên đã được bà con thôn bản phấn khởi đón nhận và nghiêm túc thực hiện theo hương ước bản làng đã đề ra, bước đầu thực hiện tuy con nhiều bỡ ngỡ nhưng mô hình đã mang lại kết quả cao như:
- Nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển kinh tế - xã hội gắn với PTBV, mô hình nuôi cá ruộng, nuôi nhím, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, canh tác sản xuất nông nghiệp trên đất dốc, trồng băng cây xanh, cây ăn quả... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, giảm các tai tệ nạn xã hội, xây dựng bản làng xanh sạch đẹp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên góp phần xây dựng bản văn hoá phát triển toàn diện.
* Ngoài ra tỉnh Sơn La cũng đã và đang thực hiện mô hình PTBV do các dự án khác tài trợ:
(1)- Mô hình dự án phát triển nông thôn tổng thể bền vững (do dự án AAV tài trợ xây dựng)
- Địa điểm xây dựng: 6 xã (Chiềng Kheo, Tà Hộc, Mường Chanh, Mường Bon, Chiềng Lương, Chiềng Mai) huyện Mai Sơn, Sơn La.
- Mục tiêu thực hiện dự án:
+ Nâng cao năng lực cho người dân để họ tự chủ xoá đói giảm nghèo.
+ Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và chính quyền trong quản lý các chương trình phát triển.
+ Phát triển của các tổ chức xã hội của cộng đồng tham gia tích cực vào công tác xói đói giảm nghèo.
- Các hoạt động của dự án: phát triển tổ chức, vệ sinh môi trường, hỗ trợ phát triển xã hội, hỗ trợ phát triển kinh tế:
+ Hỗ trợ về phát triển kinh tế bao gồm: chương trình nông nghiệp, chương trình thuỷ lợi, tín dụng nhỏ...
+ Hỗ trợ về phát triển xã hội: Chương trình giáo dục, y tế, truyền thông...
+ Hỗ trợ vệ sinh môi trường nông thôn: chương trình nước an toàn, hội dùng nước, chống sói mòn đất, sử dụng đất dốc, vệ sinh môi trường sống của bản.
+ Hỗ trợ nâng cao năng lực và phát triển tổ chức: đào tạo tập huấn, phát triển các nhóm sở thích, thông tin tuyên truyền.
* Các tiến hành, các nguyên tắc triển khai của dự án:
- Xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động.
- Lập kế hoạch từ cộng đồng.
- Nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia của người dân thông qua tập huấn đào tạo.
- Nâng cao năng lực cho các đối tác và phối hợp thực hiện các kế hoạch hành động đã xây dựng.
- Làm cùng với dân, không làm thay dân.
- Nâng cao tính minh bạch và chia sẻ trong cộng đồng và các đối tác tham gia.
* Kết quả đạt được khi thực hiện dự án:
- Về kinh tế: Năng suất cây trồng tăng, sản lượng lúa sau 10 năm dự án hoạt động đã tăng lên rõ rệt. 7 ngân hàng xã tự vững, có 43,75% hộ gia đình là thành viên của ngân hàng xã, có 33,31% số hộ đang vay vốn từ ngân hàng xã, dư nợ 3,176 tỷ đồng. Tiết kiệm quay vòng 9 tỷ đồng Việt Nam.
- Về xã hội: khống chế bệnh sốt rét, 398 cán bộ y tế bản được đào tạo, 10 tủ thuốc bản, đào tạo 27 bà đỡ bản, tỷ lệ nghèo đói trong các xã giảm đáng kể, tỷ lệ hộ đói đã giảm từ 25% (1995) xuống 10,3% năm 2003, tủ sách dùng chung: 5.437 cuốn.
- Về vệ sinh môi trường: có 43 giếng nước có nước an toàn cho người dân các bản, tiết kiệm nguồn nước do có sự quản lý nguồn lợi dựa trên cộng đồng (hội dùng nước), các bản giảm dần tập quán chăn nuôi thả giông, bớt ô nhiễm do chăn nuôi, các câu lạc bộ IPM hoạt động tốt, nông nghiệp sạch và chống ô nhiễm đất, nước.
- Nâng cao năng lực: có 7 cán bộ tỉnh, huyện được đào tạo, 398 cán bộ y tế được đào tạo, 7 thanh tra y tế được đào tạo.
* Kết quả đạt được lợi ích lâu dài, bền vững: người dân làm chủ khi nhận thức rõ những vấn đề về xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội và vệ sinh môi trường là của cộng đồng phải tự giải quyết; các nhóm xã hội được lập ra tự chủ hoạt động tốt huy động được sự tham gia của người dân; tạo ra được sự đồng thuận giữa người dân, chính quyền các nhóm xã hội trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng.
(2) - Mô hình hệ sinh thái nhân văn bền vững lưu vực sông Đà:
( Do Trung tâm tư vấn ẩn sinh và động vật quý hiếm Việt Nam - Trường Đại học sư phạm Hà Nội; chủ dự án Giáo sư tiến sĩ Trần Hồng Việt thực hiện).
- Mục đich nghiên cứu của dự án: nghiên cứu các điều kiện tự nhiên, xã hội vùng lưu vực sông Đà theo các đai độ cao sinh thái cảnh quan làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng các mô hình hệ sinh thái nhân văn phát triển bền vững ở các vùng cảnh quan của từng đai và nhân ra toàn vành đai, góp phần vừa xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, vừa khôi phục lại các hệ sinh thái tự nhiên đã bị tàn phá, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền vững của toàn vùng.
- Nội dung của mô hình:
+ Điều tra điều kiện tự nhiên, xã hội, lập bản đồ sinh thái cảnh quan vùng sông Đà, sông Mã được triển khai trên toàn tỉnh Sơn la.
+ Xây dựng mô hình trình diễn hệ sinh thái nhân văn phát triển bền vững tại xã Mường Do huyện Phù Yên Sơn La
- Kết quả đạt được:
+ Đã thực hiện khảo sát và lập bản đồ sinh thái cảnh quan tại 8 huyện Mộc Châu, Yên Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Mường La, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên đã lập được 46 báo cáo riêng và 8 báo cáo tổng kết về: khu hệ thực vật, khu hệ cá, khu hệ lưỡng cư, khu hệ bò sát, khu hệ chim, khu hệ thú các huyện và toàn tỉnh; đặc diểm dân sinh kinh tế, khí hậu, thuỷ văn các huyện và toàn tỉnh.
+ Xây dựng được bản đồ sinh thái cảnh quan tỉnh Sơn La có giá trị nghiên cứu khoa học và áp dụng thực tiễn.
+ Cải tạo hệ sinh thái nông lâm nghiệp trên 300 ha với tổng giá trị 325 triệu đồng xây dựng nương bậc thang ( trồng cây cốt khí, băng cây xanh...).
+ Bảo vệ và trồng rừng kinh tế, phòng hộ đầu nguồn, trong đó: trồng dặm 300 ha cây keo lai và bảo vệ 400 ha rừng đầu nguồn với tổng giá trị 320 triệu đồng.
+ Thử nghiệm mô hình phát triển nông nghiệp ( thâm canh lúa nước, chăn nuôi, trồng rau màu) với tổng giá trị 903 triệu đồng cho 139 hộ tham gia của 3 bản: Tường Do, bản Do 1, bản Do 2 xã Mường Do huyện Phù Yên, mô hình chăn nuôi: nuôi lợn, dê, thỏ, vịt có hiệu quả kinh tế cao.
+ Thử nghiệm 2 ha vườn đồi rừng nông lâm kết hợp.
+ Xây dựng xưởng chế biến mi ni nghiền thức ăn gia súc với giá trị 200 triệu đồng.
Đánh giá bước đầu dự án đã thu được kết quả tốt về khâu chuyển giao kỹ thuật cho dân, nâng cao nhận thức sản xuất phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường phát triển bền vững ở vùng nông thôn miền núi như ở Mường Do huyện Phù Yên cẩn được tiếp tục triển khai nhận ra diện rộng tăng thu nhập nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác.
* Tác động ảnh hưởng của thực hiện chương trình Nghị sự 21 tới cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống của đồng bào dân tộc chưa thoát khỏi nền kinh tế tự cung, tự cấp. Bước đầu đã có ít nhiều ảnh hưởng đến nhận thức về phát triển bền vững đối với đòng bào vùng dân tộc qua những đợt tuyên truyền trên báo, đài, phát thanh truyền hình và những mô hình thí điểm đã được xây dựng và đang phát triển nhân ra diện rộng.
Những hoạt động ưu tiên để phát triển bền vững:
- Giải quyết những vấn đề bức xúc về đời sống xã hội và sản xuất: định canh định cư, xây dựng địa bàn sản xuất (nương định canh, nương bậc thang), đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở; thực hiện chuyển hướng mạnh sang sản xuất hàng hoá, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững kết hợp với trồng cây đặc sản, dược liệu dưới tán rừng.
- Đẩy nhanh xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ kinh tế, đời sống.
- Tăng cường công tác khuyến nông và hỗ trợ vốn để mở rộng nhanh và tiến tới 100% diện tích đất canh tác được áp dụng quy trình canh tác bền vững trên đất dốc.
- Đầu tư nâng cấp các cửa khẩu Pa Háng, Chiềng Khương, xây dựng mới cửa khẩu Lạnh Bánh, Nà Cài; phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ, chủ động hướng tới hành lang kinh tế Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanma - Trung Quốc; ưu tiên tập trung các nguồn lực của các chương trình dự án, quốc gia, địa phương để xoá đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách với các vùng khác trong tỉnh.
III. KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG:
1. Về khó khăn:
- Chương trình Nghị sự 21 mới đang ở bước xây dựng thí điểm, vì vậy nhận thức của các tầng lớp dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội còn nhiều bất cập và chưa đồng thuận. Việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành còn hạn chế chưa được rộng khắp.
- Các chỉ tiêu và các văn bản hướng dẫn về PTBV quốc gia còn chưa được đồng bộ nên gây không ít khó khăn về xây dựng chiến lược PTBV ở các cấp địa phương.
- Nguồn lực còn hạn chế, ảnh hưởng tới việc đáp ứng các yêu cầu mà trong kế hoạch đã đề ra, các hoạt động ưu tiên, các mô hình trình diễn khó thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra.
- Chưa có một hệ thống tổ chức chuyên trách về phát triển bền vững từ Trung ương đến địa phương cấp tỉnh, huyện và chưa có cán bộ, biên chế chuyên trách theo dõi về vấn đề này. xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp dân cư... từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện.
2. Về thuận lợi:
- Trong quá trình xây dựng chiến lược PTBV, quá trình xây dựng thuỷ điện Sơn La cùng với sự quan tâm chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương là điều kiện thuận lợi, cơ hội to lớn cho tỉnh Sơn La đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội một cách toàn diện, thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực.
- Xây dựng chiến lược PTBV của tỉnh được lồng ghép và cùng xây dựng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2020 của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9/3/2006, chiến lược PTBV được thông qua HĐND, đưa vào Nghị quyết đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ 12 được đông đảo các tầng lớp dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội đồng tình ủng hộ cùng xây dựng chiến lược PTBV của tỉnh.
- Việc lồng ghép hài hoà các mục tiêu PTBV và các mục tiêu kế hoạch của tỉnh sẽ tạo ra khả năng cao hơn việc thực hiện các mục tiêu phát triển theo hướng hiệu quả bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
Sự ổn định về chính trị, xã hội là cơ sở vững chắc và là nhân tố thuận lợi cho phát triển bền vững về kinh tế- xã hội - môi trường của tỉnh.
IV. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
Qua thực tế triển khai xây dựng dự án thí điểm tỉnh Sơn La nhận thấy:
1. Về nhận thức: nâng cao vai trò nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân ở các tầng lớp xã hội đây là vấn đề toàn cầu của Quốc tế, của các nước và đến các địa phương phải có ý thức, từ đó phải quan tâm đồng bộ cả 3 vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững.
Từ đó tỉnh Sơn La coi trọng vấn đề nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội đến từng người dân như: mở các lớp tuyên truyền tập huấn cho các cán bộ và nhân dân, mở các lớp đào tạo cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước, tuyên truyền rộng khắp qua thông tin đại chúng báo, đài, truyền hình, truyền thanh, Intenel...
2. Xây dựng bản chiến lược phát triển bền vững rất kịp thời từ đó đưa các chỉ tiêu lồng ghép vào phát triển kinh tế - xã hội hàng năm 5 năm của tỉnh và đưa ra các hoạt động cụ thể cho các cấp, các ngành thực hiện.
3. Phải xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật hoàn thiện như các văn bản về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, phát triển dân số và môi trường ô nhiễm...
4. Phải xây dựng các mô hình thí điểm để nhân ra diện rộng phải phù hợp với đặc tính tập quán, trình độ nhận thức của đồng bào các dân tộc miền núi, ở các lĩnh vực như: nông lâm nghiệp, công nghiệp - đô thị theo vùng miền nông thôn, thành thị, miền xuôi, miền núi.
5. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (sản xuất nông nghiệp công nghệ sạch) sử lý các chất thải công nghiệp, đô thị, nông thôn, bệnh viện...bảo vệ các môi trường sống đối với Sơn La quan tâm đến bảo vệ rừng, nước, đất đai và tài nguyên khoáng sản không tái tạo được.
6. Đẩy mạnh hợp tác tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế về phát triển bền vững tại địa phương.
7. Cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm học tập của các tỉnh bạn; địa phương khác cũng như sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành TW, các tổ chức quốc tế thì chiến lược phát triển bền vững mới đạt được các mục tiêu đề ra.
8. Những kinh nghiệm có thể vận dụng
- Đối với cấp tỉnh, việc xây dựng bản định hướng chiến lược phát triển bền vững và được thông qua là một thành công. Nó có thể làm cơ sở cho các tỉnh khác tham khảo nhất là vè quy trình xây dựng.
- Những kinh nghiệm của tỉnh của tỉnh có thể tạo điều kiện cho các tỉnh khác rút ngắn thời gian chuẩn bị và đi đúng trọng tâm hơn.
- Các bộ, ngành TW có thể xem xét và ban hành một hệ thống các bộ chỉ tiêu chính thống cho các tỉnh, thành phố, những nơi chưa xây dựng định hướng chiến lược phát triển bền vững có thể áp dụng ngay từ đầu.
V. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NHỮNG NĂM TIẾP THEO:
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình Nghị sự 21 của tỉnh. Trong thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
- Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể và tầng lớp nhân dân về phát triển bền vững, các nội dung chương trình nghị sự 21 của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện chương trình.
- Trên cơ sở các chương trình, dự án đã được phê duyệt, lựa chọn các chương trình dự án trọng điểm, gắn kết các vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường để ưu tiên tổ chức triển khai trong năm 2007.
- Các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể căn cứ quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Chính phủ và Quyết định số: 675/QĐ-UBND ngày 7/3/2006 của UBND tỉnh, xây dựng kế hoạch phát triển bền vững của ngành, địa phương mình. Tiếp tục thể chế hoá các văn bản chính sách, tạo hành lang, cơ sở pháp lý, hướng dẫn thực hiện phát triển bền vững của tỉnh và bổ sung giải pháp cụ thể của tỉnh khi nhà nước gia nhập WTO (những cạnh tranh, thách thức...) trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh đến năm 2020.
- Lồng ghép các mục tiêu của phát triển bền vững với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương: gắn kết về kinh tế - văn hoá - xã hội và môi trường. Huy động, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả chương trình.
- Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực thực hiện chương trình. Đồng thời quan tâm phối hợp để thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án của Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: dự án chống sa mạc hoá, chương trình dân số gia đình, trẻ em, Dự án thuỷ sản (pha II), dự án canh tác bền vững trên đất dốc...
- Tập trung triển khai xây dựng các dự án, chương trình, phân loại và xếp hạng các dự án ưu tiên gắn với phát triển bền vững, nhân rộng các mô hình thí điểm phát triển bền vững, các nhóm xã hội (Hội phụ nữ, Đoàn thanh thiếu niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh...) tham gia PTBV trên địa bàn toàn tỉnh.
VI. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ:
Để thực hiện tốt chiến lược PTBV chương trình Nghị sự 21 tỉnh Sơn La theo quyết định số 153 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sơn La đề nghị TW có hướng dẫn thực hiện về cơ chế hoạt động và tổ chức biên chế chuyên trách với lĩnh vực phát triển bền vững cho các địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành TW tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt như: hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, tạo nguồn kinh phí và xây dựng các quỹ cho công tác hoạt động văn phòng phát triển bền vững của tỉnh trước mắt cũng như các năm tiếp theo và tổ chức các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm ở các tỉnh bạn và nước ngoài để tăng cường năng lực cho cán bộ điều hành dự án của địa phương.
Trên đây là nội dung triển khai thực hiện dự án thí điểm xây dựng chương trình Nghị sự 21 của tỉnh Sơn La.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bai viet UBDT Chuyen de.doc