Đánh giá tác động của pháp luật về mức phí và sử dụng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp đối với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Thông số ô nhiễm tính phí Thông số ô nhiễm tính phí theo pháp luật hiện hành gồm 6 chất gây ô nhiễm không phù hợp với điều kiện về nguồn lực và phương tiện thu phí của các địa phương đã tạo nên những áp lực cho các địa phương trong việc thẩm định phí và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kê khai phí không trung thực, gây thất thu cho ngân sách. Hơn nữa, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2009 cho thấy không phải ngành công nghiệp nào cũng phát sinh đủ 6 chất gây ô nhiễm, đặc biệt là đối với 4 kim loại nặng Hg, Pb, As và Cd. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu có trong nước thải của các ngành công nghiệp là COD và TSS. Trên cơ sở đó, tác giả kiến nghị chỉ nên áp dụng thu phí BVMT đối với 02 chỉ tiêu ô nhiễm là COD, TSS. Nếu ngành công nghiệp nào phát sinh thêm chất gây ô nhiễm là kim loại nặng thì thu thêm phí với 01 kim loại nặng có nồng độ cao nhất trong nước thải. Quy định này có thể phản ánh tương đối chính xác hiện trạng môi trường của các ngành công nghiệp Việt Nam và giúp cơ quan quản lý tại địa phương tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc thẩm định phí.

pdf5 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 22/01/2022 | Lượt xem: 183 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đánh giá tác động của pháp luật về mức phí và sử dụng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp đối với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HOÏC VIEÄN TÖ PHAÙP 66 ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA PHÁP LUẬT VỀ MỨC PHÍ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC THẢI CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI MỤC TIÊU GIẢM THIỂU Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG Lê Thị Thu Hằng1 Tóm tắt: Tác động của pháp luật về phí bảo vệ môi trường thể hiện qua hai khía cạnh quan trọng đó là: i) mức phí cơ sở sản xuất phải trả có đủ để tạo ra khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm không; ii) hiệu quả của việc sử dụng phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Bài viết sẽ đánh giá khả năng tác động của pháp luật Việt Nam về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên hai khía cạnh này. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về phí BVMT đối với nước thải công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ khóa: Nước thải công nghiệp, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, tính phí, sử dụng phí bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhận bài: 16/03/2018; Hoàn thành biên tập: 21/03/2018; Duyệt đăng: 02/04/2018 Abstract: According to the theoretical basis of taxation and environmental protection fees, the impact to minimize pollution of environmental protection fees will be expressed in two important aspects: i) fees to be paid by the producers is sufficient enough to create incentives to reduce pollution; ii) the effectiveness of using environmental protection fees to minimize water pollution. The paper will assess the impact of Vietnamese environmental protection fees for industrial wastewater on these two aspects. On that basis, the paper proposes a number of solutions to improve legislation on environmental protection fees for industrial wastewaterin order to improve the effectiveness of environmental pollution reduction. Keywords: water, environmental protection fee for industrial wastewater, charge schedule, using environmental protection fees, environmental pollution reduction. Date of receipt: 16/03/2018; Date of revision: 21/03/2018; Date of approval: 02/04/2018 1. Đặt vấn đề Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam từ đầu năm 2004 với sự điều chỉnh của Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/06/2003 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải. Trong quá trình triển khai thực hiện việc thu phí, Chính phủ đã có những điều chỉnh nhất định trong chính sách pháp luật về phí BVMT đối với nước thải cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội. Ngày 29/03/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 67/2003/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/07/2013. Tiếp tục điều chỉnh về phí BVMT đối với nước thải, ngày 16/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 thay thế Nghị định số 25/2013/NĐ-CP. Nhìn chung, pháp luật về phí BVMT đối với nước thải đã mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác quản lý và BVMT, đó là: i) hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải; ii) tạo nguồn thu cho hoạt động BVMT. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, pháp luật về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến hiệu quả và hiệu lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước thải công nghiệp. Bài viết sẽ đánh giá tác động của pháp luật về phí BVMT nước thải công nghiệp đối với việc hạn chế ô nhiễm môi trường nước thải công nghiệp và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả BVMT nước thải công nghiệp của phí BVMT. 2. Đánh giá tác động của pháp luật về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đối với việc giảm thiểu ô nhiễm nước thải công nghiệp 2.1. Pháp luật về mức phí bảo vệ môi trường và khả năng tạo sự khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước thải công nghiệp 1 Thạc sỹ, Khoa luật- Đại học Kinh tế Đà Nẵng Soá 2/2018 - Naêm thöù Möôøi Ba 67 Khả năng tạo khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước của phí BVMT nước thải công nghiệp sẽ đạt được nếu mức phí mà cơ sở sản xuất phải trả cao hơn so với chi phí xử lý ô nhiễm cận biên của doanh nghiệp tại thời điểm xem xét. Về lý thuyết, cơ sở sản xuất sẽ tự xử lý ô nhiễm tới mức mà chi phí xử lý ô nhiễm cận biên bằng với mức phí phải trả. Ở giai đoạn đầu thu phí theo Nghị định số 67/2003/NĐ-CP, Việt Nam chỉ thu phí một nấc cho tất cả các cơ sở sản xuất không phân biệt lưu lượng xả thải và mức phí đối với các chất gây ô nhiễm COD và TSS rất thấp, dao động từ 100- 400 đồng/kg. Với phương thức tính phí một nấc và mức phí đối với các chất gây ô nhiễm thấp, các cơ sở sản xuất chỉ phải trả một mức phí trung bình rất thấp, khoảng 200đồng/m3 nước sử dụng cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong khi đó, chi phí để xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản ở mức tối thiểu là 3000 đồng/m3 nước thải và có trường hợp chi phí xử lý có thể lên tới 10.000đồng/m3. Theo phản ánh của các địa phương, trong thời gian thực hiện thu phí BVMT theo Nghị định số 67/2003/NĐ-CP, doanh nghiệp sẵn sàng trả phí BVMT thay cho việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Điều này cho thấy, mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường của phí BVMT đối với nước thải không đạt được như mong muốn. Bên cạnh đó, phương thức tính phí một nấc dựa trên lưu lượng nước thải và nồng độ chất gây ô nhiễm được áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất đã khiến cho mức phí doanh nghiệp thực nộp thấp hơn mức phí phải nộp. Việc xác định lưu lượng nước thải và nồng độ chất gây ô nhiễm của doanh nghiệp thông qua lấy mẫu quan trắc nên khi các đơn vị tiến hành lấy mẫu quan trắc, nhiều doanh nghiệp không hợp tác, cố tình giảm bớt công xuất sản xuất, pha loãng nồng độ chất gây ô nhiễm làm sai lệch số liệu quan trắc với mục đích giảm thiểu số phí BVMT nước thải công nghiệp phải nộp. Qua phân tích pháp luật cho thấy mức phí BVMT doanh nghiệp phải trả rất thấp và phương thức thu phí không phù hợp nên sự tác động Nghị định số 67/2003/NĐ-CP đối với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường không đạt được mục tiêu đã đặt ra. Trước thực trạng đó, phương thức tính phí và mức phí đã được điều chỉnh 2 lần bởi Nghị định số 25/2013/NĐ-CP và Nghị định số 154/2016/NĐ- CP. Theo quy định của Nghị định số 154/2016/NĐ- CP, phương thức tính phí BVMT hai nấc gồm phí cố định và phí biến đổi. Đối với doanh nghiệp xả thải dưới 20m3/ngày đêm chỉ phải nộp phí cố định 1.500.000 đồng/năm. Doanh nghiệp xả thải từ 20m3/ngày đêm ngoài việc nộp phí cố định còn phải nộp phí biến đổi tùy vào lưu lượng và nồng độ xả thải. So với Nghị định số 67/2003/NĐ- CP, mức phí đối với COD và TSS đã tăng từ 6 đến 10 lần, mức phí BVMT trung bình mà doanh nghiệp phải trả tăng lên nhiều lần. Đối với cơ sở sản xuất có lưu lượng xả thải dưới 20m3/ngày đêm thì mức phí trung bình cơ sở sản xuất phải trả thấp nhất là khoảng 23.000 đồng/m3, cao nhất dao động khoảng 130.000- 150.000đồng/m3. Đối với cơ sở có lưu lượng nước thải từ 20m3/ngày đêm, ngoài phí cố định tối thiểu phải trả là 20.800 đồng/m3, cơ sở sản xuất phải trả thêm phí biến đổi tùy theo lưu lượng nước thải, thành phần và nồng độ chất gây ô nhiễm. Mức phí biến đổi trung bình các cơ sở sản xuất phải nộp có thể lên đến hàng trăm ngàn đồng/m3. Tuy nhiên, chi phí xử lý ô nhiễm đối với 01 m3 nước thải công nghiệp trong giai đoạn hiện nay đã tăng lên nhiều lần, mức báo giá từ các đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý nước thải dao động từ 2 đến 3 triệu đồng/m3 tùy theo công suất. Do đó, thực trạng doanh nghiệp có xu hướng sẵn sàng trả phí hơn là đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn và chưa có ý thức sử dụng tiết kiệm nước. Ngoài ra, quy định tính phí đối với 6 chất gây ô nhiễm (COD, TSS, Hg, Pb, As và Cd) không phù hợp với điều kiện về nguồn lực và phương tiện thu phí của các địa phương nên đa số các địa phương không thực hiện đầy đủ việc thẩm định đối với các chất gây ô nhiễm sau khi doanh nghiệp tự kê khai phí. Chi phí thẩm định đối với các chất gây ô nhiễm rất cao, có trường hợp phí thẩm định còn cao hơn số phí thu được từ cơ sở sản xuất nên dẫn đến tình trạng nhiều địa phương chỉ tiến hành lấy mẫu phân tích thông số ô nhiễm theo xác suất. Việc chỉ tiến hành lấy mẫu phân tích thông số ô nhiễm theo xác suất dẫn đến tình trạng hoạt động thu và nộp phí ở các địa phương HOÏC VIEÄN TÖ PHAÙP 68 chủ yếu vẫn dựa vào việc tự kê khai phí của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp đã cố tình kê khai không trung thực để giảm thiểu chi phí sản xuất. Để có thể đánh giá một phần tác động của phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo quy định Nghị định số 154/2016/NĐ-CP, tác giả đã tiến hành khảo sát 49 cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng. Về cơ sở hạ tầng xử lý nước thải công nghiệp, 38/49 cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm khai có hệ thống xử lý nước thải nhưng ở một số cơ sở sản xuất các thiết bị xử lý nước thải hết sức thô sơ như chỉ có bể lắng, lọc cặn; 11/49 cơ sở sản xuất còn lại khai không lắp đặt hệ thống xử lý nước thải vì họ là những cơ sở sản xuất nhỏ, lưu lượng nước thải ít (khoảng hoặc ít hơn 1m3/ngày đêm) nên việc lắp đặt hệ thống xử lý nước thải không cần thiết, làm tăng chi phí sản xuất của cơ sở sản xuất. Về việc thay đổi công nghệ sản xuất nhằm giảm lượng phát thải ra môi trường, có 19/49 cơ sở sản xuất trả lời có thay đổi một phần công nghệ sau khi nộp phí và 30/49 cơ sở sản xuất trả lời không có bất kỳ thay đổi công nghệ nào vì họ đã nộp phí, cơ quan thu phí có trách nhiệm xử lý ô nhiễm bằng chính số phí BVMT họ đã nộp. Qua các phân tích và khảo sát cho thấy mức phí thấp, thông số ô nhiễm tính phí phức tạp đã hạn chế khả năng tạo khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm môi trường của pháp luật về phí BVMT. 2.2. Pháp luật về sử dụng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường và mục tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường từ nước thải công nghiệp Ngoài mức phí, việc sử dụng nguồn thu từ phí nước thải cũng tác động không nhỏ đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường của phí BVMT đối với nước thải công nghiệp. Giai đoạn đầu thu phí theo Nghị định số 67/2003/NĐ-CP, pháp luật quy định về việc sử dụng nguồn thu từ phí BVMT còn khá chung chung, chưa thực sự gắn với hoạt động hạn chế ô nhiễm môi trường nước nên đã làm hạn chế khả năng tác động giảm thiểu ô nhiễm của pháp luật về phí BVMT nước thải công nghiệp. Nghị định số 25/2013/NĐ-CP và Nghị định số 154/2016/NĐ-CP đã điều chỉnh quy định sử dụng nguồn thu từ phí BVMT. Việc xác định cách sử dụng nguồn thu từ phí BVMT nước thải công nghiệp đã được quy định gắn liền với các hoạt động BVMT nước thải công nghiệp. Theo Nghị định số 154/2016/NĐ-CP, nguồn thu từ phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được chia làm 2 phần: i) Để lại 25% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường thu được để trang trải chi phí cho hoạt động thu phí, trang trải chi phí đo đạc, đánh giá, lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải và kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp; ii) phần còn lại 75%trên tổng số phí BVMT đối với nước thải công nghiệp thu được nộp vào ngân sách địa phương để sử dụng cho công tác BVMT, bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ BVMT của địa phương để sử dụng cho việc phòng ngừa, hạn chế, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải và tổ chức thực hiện các giải pháp, phương án công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải. Mặc dù mục đích sử dụng nguồn thu từ phí BVMT nước thải công nghiệp đã quy định một phần được bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ BVMT của địa phương nhưng hệ thống pháp luật lại thiếu vắng quy định về việc thành lập và hoạt động của Quỹ BVMT địa phương, dẫn đến việc thành lập Quỹ BVMT ở nhiều địa phương rất chậm trễ. Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, tính đến tháng 11 năm 2016 cả nước mới chỉ có 42 Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương. Việc chưa thành lập Quỹ BVMT địa phương đồng nghĩa là tiền phí BVMT đối với nước thải công nghiệp thu được tại nhiều địa phương đã và đang “nằm trong két sắt” của ngân sách địa phương trong thời gian khá dài và không biết sử dụng vào việc gì, khiến cho việc sử dụng nguồn thu từ phí BVMT không hiệu quả, mục tiêu hạn chế ô nhiễm nước không đạt được như mong muốn. 3. Giải pháp nâng cao hiệu quả và hiệu lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước của phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp Dựa trên kết quả khảo sát thực tế và phân tích đánh giá tác động của pháp luật về phí BVMT đối với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về phí BVMT nhằm giúp hệ thống pháp luật về phí BVMT thực sự phát huy tác động tích cực và đạt được mục tiêu quản lý môi trường đã đề ra là Soá 2/2018 - Naêm thöù Möôøi Ba 69 hạn chế ô nhiễm môi trường nước, khuyến khích sử dụng tiết kiệm nước và tạo nguồn thu cho công tác BVMT. Các giải pháp đề xuất tập trung vào các đặc điểm thiết kế căn bản của pháp luật về phí BVMT gồm mức phí, thông số ô nhiễm tính phí, sử dụng nguồn thu từ phí. 3.1. Mức thu phí Mức thu phí cần được điều chỉnh tăng lên so với mức hiện hành và nên có một lộ trình cho việc tăng phí dự kiến cho khoảng thời gian từ 03 đến 05 năm tiếp theo. Theo quy định của Nghị định số 154/2016/NĐ- CP, mức chênh lệch giữa số phí BVMT trung bình cơ sở sản xuất phải nộp đối với 01m3 nước thải công nghiệp và chi phí bình quân để xử lý 01m3 nước thải công nghiệp đạt chuẩn là rất cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tăng ngay mức phí BVMT lên ngang bằng với chi phí bình quân để xử lý 01m3 nước thải công nghiệp đạt chuẩn là không thể thực hiện được vì hiện nay đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Việt Nam có qui mô vừa và nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu và năng lực tài chính hạn hẹp. Việc tăng phí đột ngột sẽ ảnh hưởng mạnh đến chi phí sản xuất của cơ sở sản xuất và chắc chắn sẽ bị các cơ sở sản xuất phản đối. Theo kết quả điều tra tại các doanh nghiệp cho thấy, mức phí hiện hành đối với COD và TSS có thể điều chỉnh tăng thêm 1,5 đến 2 lần. Cụ thể mức thu đối với COD có thể tăng lên và dao động ở mức từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, mức thu đối với TSS có thể dao động từ 3.600 - 4.800 đồng/kg. Mức phí cần điều chỉnh tăng cho các năm tiếp theo trên cơ sở áp dụng hệ thống tự điều chỉnh mức phí hằng năm theo chỉ số giá tiêu dùng. Pháp luật về phí BVMT cũng cần được điều chỉnh theo hướng giao quyền cho các địa phương (cấp tỉnh) trong việc quy định mức phí BVMT phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường của từng địa phương. 3.2. Thông số ô nhiễm tính phí Thông số ô nhiễm tính phí theo pháp luật hiện hành gồm 6 chất gây ô nhiễm không phù hợp với điều kiện về nguồn lực và phương tiện thu phí của các địa phương đã tạo nên những áp lực cho các địa phương trong việc thẩm định phí và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kê khai phí không trung thực, gây thất thu cho ngân sách. Hơn nữa, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2009 cho thấy không phải ngành công nghiệp nào cũng phát sinh đủ 6 chất gây ô nhiễm, đặc biệt là đối với 4 kim loại nặng Hg, Pb, As và Cd. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu có trong nước thải của các ngành công nghiệp là COD và TSS. Trên cơ sở đó, tác giả kiến nghị chỉ nên áp dụng thu phí BVMT đối với 02 chỉ tiêu ô nhiễm là COD, TSS. Nếu ngành công nghiệp nào phát sinh thêm chất gây ô nhiễm là kim loại nặng thì thu thêm phí với 01 kim loại nặng có nồng độ cao nhất trong nước thải. Quy định này có thể phản ánh tương đối chính xác hiện trạng môi trường của các ngành công nghiệp Việt Nam và giúp cơ quan quản lý tại địa phương tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc thẩm định phí. 3.3. Phương thức sử dụng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đối với Quỹ bảo vệ môi trường địa phương Để phần phí bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ BVMT của địa phương được sử dụng hiệu quả cần quy định rõ phương thức sử dụng nguồn thu từ phí BVMT đối với Quỹ BVMT địa phương. Tuy nhiên, trước hết cần phải quy định việc thành lập Quỹ BVMT ở các địa phương là bắt buộc nhằm tránh tình trạng tiền phí BVMT thu về không được sử dụng trong khi nhu cầu về nguồn vốn sử dụng cho hoạt động BVMT đang là nhu cầu cấp thiết của mọi địa phương khi mà ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách của toàn xã hội. Pháp luật điều chỉnh về phương thức sử dụng nguồn thu từ phí BVMT nước thải công nghiệp đối với Quỹ BVMT địa phương nên theo hướng: i) thống nhất chức năng của Quỹ BVMT địa phương là hỗ trợ tài chính, cho vay lãi suất ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư bảo vệ môi trường tại địa phương; ii) các Quỹ BVMT địa phương ngay trong Điều lệ phải xác định rõ các mục tiêu và tiêu chí lựa chọn đối tượng cho vay, minh bạch hóa quy trình cho vay; đơn giản hóa hồ sơ vay vốn giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn; iii) hằng năm các Quỹ BVMT địa phương phải xây dựng chương trình và kế hoạch sử dụng nguồn thu từ phí BVMT phù hợp với điều kiện của địa phương và phù hợp chương trình, kế hoạch BVMT của quốc gia. HOÏC VIEÄN TÖ PHAÙP 70 4. Kết luận Phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được thực hiện tại Việt Nam trong gần 15 năm qua và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc điều chỉnh hành vi của chủ thể xả thải theo hướng có lợi cho môi trường. Tuy nhiên để hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường thực sự đạt được mục tiêu đặt ra, cần phải xây dựng hệ thông pháp luật phí BVMT chặt chẽ. Đặc biệt phải xây dựng một mức phí BVMT nước thải công nghiệp thực sự hợp lí đủ khả năng tạo khuyến khích doanh nghiệp tự xử lý ô nhiễm nước thải công nghiệp đạt chuẩn. Hệ thống pháp luật phí BVMT chặt chẽ, các yếu tố tác động trực tiếp đến khả năng tạo khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm của phí BVMT nước thải được đảm bảo thì phí BVMT nước thải công nghiệp sẽ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu trong công tác quản lý và BVMT theo định hướng phát triển bền vững ở nước ta./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2003), Nghị định số 67/2003 NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, ban hành ngày 13/06/2003. 2. Chính phủ (2013), Nghị định số 25/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, ban hành ngày 29/03/2013. 3. Chính phủ (2016), Nghị định 155/2016/ NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ban hành ngày 18/11/2016. 4. Chính phủ (2016). Nghị định số 154/2016/ NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, ban hành ngày 16/11/2016. Thứ hai, nâng cao năng lực của chủ thể thực thi pháp luật Một là, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nội dung thông tin trong hoạt động báo chí cần tuân thủ việc áp dụng các tình tiết tăng nặng và các tình tiết giảm nhẹ được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cụ thể, đối với những vi phạm có tình tiết tăng nặng hay tình tiết giảm nhẹ thì chủ thể có thẩm quyền xử phạt cần ghi rõ các tình tiết này trong quyết định xử phạt để từ đó quyết định mức tiền phạt cho phù hợp theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc ghi nhận chính xác các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một nội dung thể hiện tính hợp pháp của quyết định. Hai là, chủ thể có thẩm quyền cần áp dụng nghiêm minh, đúng pháp luật các chế tài xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến nội dung thông tin trong hoạt động báo chí. Cụ thể, việc xử phạt cần tuân thủ đúng, đủ các hình thức xử phạt được quy định đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong Nghị định số 159/2013/NĐ-CP. Đối với những vi phạm liên quan đến nội dung thông tin trong hoạt động báo chí mà Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định phải đồng thời áp dụng hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung thì người có thẩm quyền phải áp dụng cả hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Nếu người có thẩm quyền chỉ áp dụng thức hình thức xử phạt chính mà không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là không thực hiện đúng quy định pháp luật. Đồng thời, cần thiết lập thanh tra, kiểm tra công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này nhằm phát hiện các sai phạm của người có thẩm quyền xử phạt để xử lý nghiêm minh. Điều này sẽ loại trừ việc áp dụng chế tài xử phạt một cách tùy tiện của người có thẩm quyền xử phạt./. XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ NỘI DUNG THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Tiếp theo trang 60)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfdanh_gia_tac_dong_cua_phap_luat_ve_muc_phi_va_su_dung_nguon.pdf
Tài liệu liên quan