ĐẶT VẤN ĐỀ
Đất nước chúng ta đang tiến hành hội nhập kinh tế, văn hóa, điều này mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực nhưng cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong đó có hiện tượng nam, nữ quan hệ tình dục trước hôn nhân hay tình trạng “ sống thử” dẫn đến trường hợp những đứa trẻ sinh ra lại không biết cha, mẹ mình là ai mà chính cha, mẹ lại chối từ hoặc vì lý do nào đó thất lạc con mình thì việc để đứa trẻ tìm lại được cha, mẹ là rất khó khăn. Theo thuyết tự nhiên mỗi con người sinh ra đều có cha và có mẹ nên quyền có cha, mẹ là một quyền không thể chối bỏ của con người, phù hợp với quy luật của tự nhiên, đạo đức, xã hội. Để bảo vệ cho quyền thiêng liêng ấy Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đã dành hẳn chương VII để quy định về vấn đề này. Tuy vậy, thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vấn đề phải tranh cãi và cần có sự nghiên cứu cụ thể hơn. Trong phạm vi bài chúng em sẽ đi tìm hiểu vấn đề “ Xác định cha, mẹ, con theo thủ tục hành chính, lí luận và thực tiễn”.
13 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2072 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Xác định cha, mẹ con theo thủ tục hành chính, những vấn đề lý luận và thực tiễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ
Đất nước chúng ta đang tiến hành hội nhập kinh tế, văn hóa, điều này mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực nhưng cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong đó có hiện tượng nam, nữ quan hệ tình dục trước hôn nhân hay tình trạng “ sống thử” dẫn đến trường hợp những đứa trẻ sinh ra lại không biết cha, mẹ mình là ai mà chính cha, mẹ lại chối từ hoặc vì lý do nào đó thất lạc con mình thì việc để đứa trẻ tìm lại được cha, mẹ là rất khó khăn. Theo thuyết tự nhiên mỗi con người sinh ra đều có cha và có mẹ nên quyền có cha, mẹ là một quyền không thể chối bỏ của con người, phù hợp với quy luật của tự nhiên, đạo đức, xã hội. Để bảo vệ cho quyền thiêng liêng ấy Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đã dành hẳn chương VII để quy định về vấn đề này. Tuy vậy, thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vấn đề phải tranh cãi và cần có sự nghiên cứu cụ thể hơn. Trong phạm vi bài chúng em sẽ đi tìm hiểu vấn đề “ Xác định cha, mẹ, con theo thủ tục hành chính, lí luận và thực tiễn”.
NỘI DUNG CHI TIẾT
I. Khái quát chung về nguyên tắc xác định cha, mẹ, con trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
1. Khái niệm xác định cha, mẹ, con
Dưới góc độ sinh học - xã hội: Xác định cha, mẹ, con là dựa trên cơ sở huyết thống, nó được hiểu là việc nghiên cứu, tìm kiếm, nhận diện mối quan hệ huyết thống giữa hai thế hệ kế tiếp nhau thông qua sự kiện sinh đẻ.
Dưới góc độ luật học việc xác định cha, mẹ, con trong từ điển Luật học lại đưa ra khái niệm “ xác định cha, mẹ cho con” là: “ định rõ một người là cha hoặc một người là mẹ cho con trên cơ sở các quy định của pháp luật”.
Dưới góc độ pháp lý thì xác định cha, mẹ, con là một chế định pháp lý bao gồm các quy phạm pháp luật quy định về căn cứ pháp lý, thủ tục và nghĩa vụ theo luật định.
Như vậy đứng trên nhiều góc độ ta có thể có nhiều cách hiểu về khái niệm xác định cha, mẹ, con
2. Ý nghĩa của chế định xác định cha, mẹ, con
Xác định cha, mẹ, con đảm bảo cho đứa trẻ sinh ra bị bỏ rơi, là trẻ mồ côi... được chăm sóc tốt nhất, đảm bảo cho chúng có một gia đình thực sự giúp chúng hoàn thiện nhân cách, trí lực và thể lực. Nó xóa bỏ tư tưởng kỳ thị không bình đẳng giữa con sinh trong giá thú và ngoài giá thú.
Xác định cha, mẹ cho con là cơ sở để xác định mối quan hê mẹ - con, cha – con, từ đó phát sinh các quyền và nghĩa vụ về nhân thân, tài sản trong quan hệ mẹ - con, cha – con. Đây cũng là căn cứ pháp lý để Tòa án giải quyết các tranh chấp về việc xác định cha, mẹ và con trong thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cha, mẹ và con.
II. Xác định cha, mẹ, con theo thủ tục hành chính
Theo luật định, thủ tục khai nhận quan hệ cha, mẹ và con bao gồm thủ tục hành chính và thủ tục tư pháp. Trong phạm vi đề bài nên chúng tôi xin đi sâu phân tích thủ tục hành chính của việc xác định cha mẹ cho con.
1. Căn cứ xác định cha, mẹ , con theo thủ tục hành chính
a. Xác định cha mẹ con trong giá thú
Con trong giá thú, là con mà cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật (cha mẹ của người con đó có đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, hoặc có quan hệ vợ chồng được pháp luật công nhận). Trên thực tế cho thấy, ngày nay, nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu trước khi kết hôn. Do đó, nhiều trường hợp nam nữ đã có quan hệ tình dục trước hôn nhân, người phụ nữ thụ thai trước khi kết hôn. Điều 64 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định:
“Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng.”
Theo khoản 1 điều 63 và khoản 2 điều 21 nghị định 70/2001/NĐ-CP thì con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật (trong trường hợp người vợ chưa kết hôn với người khác), thì được xác định là con chung của hai người. Tức là người chồng của mẹ đứa trẻ đã chết hoặc đã ly hôn sẽ được suy đoán là cha của đứa trẻ đó. Con sinh ra trong thời kỳ hôn hân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung trong giá thú của hai vợ chồng.
Theo tinh thần của điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình 2000, thực tế cho thấy, có những tình huống quan hệ hôn nhân chấm dứt trước pháp luật, người vợ, trong thời gian 300 ngày đã kết hôn với người khác, nếu sau này người vợ sinh con thì con đó được xác định là “con chung của vợ chồng sau” (theo nguyên tắc suy đoán).
Cũng theo nguyên tắc suy đoán này, pháp luật coi sự có mặt của người chồng khi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ do vợ mình sinh ra tại cơ quan hộ tịch là sự mặc nhiên công nhận đứa trẻ đó là “con chung của hai vợ chồng”.
Đặc biệt, đối với trường hợp xác định cha, mẹ con khi con sinh ra theo phương pháp khoa học sẽ được áp dụng theo nghị định số 12/2003/NĐ-CP của chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học
b. Xác định cha mẹ cho con ngoài giá thú
Con ngoài giá thú là con mà cha mẹ không phải là vợ chồng trước pháp luật hoặc tuy cha mẹ ăn ở, chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng. Bao gồm:
- Mẹ không có chồng mà có con
- Mẹ có chồng nhưng ngoại tình và có con với người khác
- Hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, trong thời gian chung sống, hai người có con chung, nhưng cha mẹ không có đăng ký kết hôn (kể cả vợ chồng đã ly hôn và phán quyết ly hôn của toà án có hiệu lực pháp lực, sau đó họ tái hợp, sống chung nhưng không đăng ký kết hôn theo thủ tục luật định. Nếu người mẹ sinh con trong trường hợp này là con chung ngoài giá thú)
1. Thủ tục đăng ký khai sinh
Việc xác định cha, mẹ cho con theo thủ tục hành chính thường là do người cha, người mẹ hoặc cả hai bên đều tự nguyện nhận con; dù cho quan hệ hôn nhân của cha mẹ là hợp pháp hay không hợp pháp thì thông qua thủ tục đăng kí khai sinh cho con tại cơ quan hộ tịch để xác thực về mặt pháp lý quan hệ cha mẹ và con. Ở đây có thể thấy Nhà nước ta không quy định bắt buộc cha, mẹ phải là những người có hôn nhân hợp pháp để bảo vệ quyền của đứa trẻ khi sinh ra.
Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ được quy định tại điều 13 định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005:
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã), nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.
2. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.
3. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
Thời hạn đi khai sinh và trách nhiệm khai sinh
Theo Điều 14 Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005:
Điều 14. Thời hạn đi khai sinh và trách nhiệm khai sinh
“Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.”
Trong giấy khai sinh của đứa trẻ, ủy ban nhân dân cơ sở ghi rõ họ tên của hai vợ chồng trong giấy chứng nhận kết hôn là cha, mẹ của đứa trẻ; hoặc ghi rõ họ tên của người mẹ sinh con ngoài giá thú, hay họ tên của người đàn ông được khai là cha của đứa trẻ ngoài giá thú đó. Theo luật định, đương nhiên coi là cha, mẹ của đứa trẻ, nếu người chồng của mẹ đứa trẻ hay người đàn ông được coi là cha của đứa trẻ đó đã có mặt tại ủy ban nhân dân cơ sở đăng ký khai sinh cho đứa trẻ đó.
Trong trường hợp mới kết hôn mà người vợ đã sinh con, cán bộ hộ tịch khi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ đó không được gạn hỏi, truy bức xem đứa trẻ đó là con ai? Có phải con chung của vợ chồng không? Có thể có trường hợp người mẹ sinh con ngoài giá thú không muốn ( hay không biết) khai rõ họ, tên người cha của đứa trẻ thì phần khai về người cha trong giấy khai sinh của đứa trẻ được gạch chéo hay bỏ trống.
Thủ tục đăng ký khai sinh
Điều 15 Nghị định số 158/2005 NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005 quy định:
1. Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấv chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn).
Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi trẻ em sinh ra cấp; nếu trẻ em sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
2. Sau khi kiểm tra các giấy tờ hợp lệ, cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh.
3. Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.”
Các giấy tờ cá nhân xuất trình khi đăng ký hộ tịch
Khi đăng ký hộ tịch, nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cán bộ Tư pháp hộ tịch) hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp) hoặc cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp không biết rõ về nhân thân hoặc nơi cư trú của đương sự, thì yêu cầu xuất trình các giấy tờ sau đây để kiểm tra: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch để xác định về cá nhân người đó, Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước); Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam) để làm căn cứ xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo quy định của Nghị định này ( Điều 9 Nghị định 158/2005).
Về đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, Điều 16 Nghị định số 158/2005 NĐ-CP ngày 27/12/2005 quy định:
1. Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.
Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người phát hiện. Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi lập biên bản, một bảo giao cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh.
3. Khi đăng ký khai sinh cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; nếu không có cơ sở để xác định ngày sinh và nơi sinh, thì ngày phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày sinh; nơi sinh là địa phương nơi lập biên bản; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi". Trong trường hợp có người nhận trẻ làm con nuôi, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch căn cứ vào quyết định công nhận việc nuôi con nuôi để ghi tên cha, mẹ nuôi vào phần ghi về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con nuôi; trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "cha, mẹ nuôi"; nội dung ghi chú này phải được giữ bí mật, chỉ những người có thẩm quyền mới được tìm hiểu.
4. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì việc lập biên bản và thông báo tìm cha, mẹ đẻ của trẻ em cũng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 01 tháng 01 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ "trẻ bị bỏ rơi”.
2. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
Việc nhận cha, mẹ, con được quy định rõ trong Điều 65 Luật hôn nhân gia đình
Chúng ta cần quan tâm đến : Điều kiện đăng ký việc nhận cha, mẹ, con
Theo Điều 32 Nghị định 158/2005 :Việc nhận cha, mẹ, con được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.
Người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự cũng được làm thủ tục nhận cha, mẹ, trong trường hợp cha, mẹ đã chết; nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện và không có tranh chấp.
Thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con trong trường hợp này là:
Đầu tiên, người nhận cha, mẹ, con phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Kèm theo Tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có)
Thứ hai, trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Thứ ba, khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên (điểu 34 Nghị định 158/2005).
Thẩm quyền đăng ký việc nhận cha, mẹ, con là Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện việc đăng ký việc cha, mẹ, con.(điều 33 nghị định 158/2005)
Ngoài ra, Nghị định 158 còn quy định về vấn đề bổ sung cải chính sổ đăng ký tại Điều 35:
“Bổ sung, cải chính Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con:
1. Căn cứ vào Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho người con ghi bổ sung phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con, nếu phần khai về cha, mẹ trước đây để trống.
Trong trường hợp Sổ đăng ký khai sinh đã chuyển lưu 1 quyển tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), thì Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để ghi tiếpviệc bổ sung.
2. Trong trường hợp phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của người con đã ghi tên người khác, không phải là cha, mẹ đẻ, thì đương sự phải làm thủ tục cải chính theo quy định tại Mục 7 Chương này”.
III. Thực tiễn áp dụng xác định cha, mẹ cho con
Thực tiễn áp dụng
Việc xác định cha, mẹ, con theo thủ tục hành chính đã là cơ sở pháp lý quan trọng giải quyết rất nhiều vụ việc và đã mang lại những hiệu quả nhất định, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người dân, đặc biệt là của trẻ em.
Tuy vậy thì việc xác định mối quan hệ này trên thực tế cũng rất phức tạp vì thực tế các vụ việc xảy ra rất phong phú, pháp luật chưa thể dự liệu trước được.
Thực tế hiện nay, do các bên cha, mẹ lo sợ việc nhận cha, mẹ, con ngoài giá thú sẽ có ảnh hưởng đến uy tín, danh dự , tiền bạc nên việc tự nguyện nhận con là rất ít mà chủ yếu là việc đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú. Có những trường hợp mà cha, mẹ sau khi đã kết hôn hợp pháp với nhau mới đi đến UBND cấp xã để xin đăng ký nhận cha, mẹ, con. Có những trường hợp sinh con trước thời kỳ hôn nhân sau đó cha, mẹ mới kết hôn, UBND buộc phải thông qua thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con nhưng cũng cố UBND cho phép khai sinh cho đứa trẻ luôn không cần qua thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con và bổ sung phần họ tên cha còn thiếu vào giấy khai sinh của người con.
Với trường hợp người con đã thành niên làm thủ tục nhận cha, mẹ, con trong trường hợp cha hoặc mẹ đã chết mà có sự phải đối của người mẹ hoặc người cha còn sống hoặc những người thuộc thuộc diện, hàng thừa kế của người chết thì UBND thường lúng túng khi giải quyết trường hợp này. Đây là một vướng mắc trong thực tế, liệu có nên coi đây là việc tranh chấp không? Nếu coi là tranh chấp thì trường hợp này thẩm quyền giải quyết lại là của Tòa án, nếu như không coi đây là tranh chấp thì UBND sẽ giải quyết thế nào? Chấp nhận cho người con được nhận cha, mẹ vì thực tế pháp luật cho phép hay không chấp nhận vì lý do có người phản đối? Vấn đề này nên xem xét cần làm rõ xem trong trường hợp này UBND có thẩm quyền giải quyết xác định cha, mẹ, con không? sẽ giải quyết thế nào?
Một thực tế liên quan đến việc tự nguyện nhận con nhưng khi một người trong hai người vợ hoặc chồng ngoại tình mà sinh con, họ thường muốn giấu diếm về họ tên thật của mình trong giấy chứng sinh của đứa trẻ. Nhưng vì lí do nào đó mà đứa trẻ lại bị bỏ rơi hoặc lạc mất cha, mẹ thì cơ sở đầu tiên xác định lại cha, mẹ cho đứa trẻ là giấy khai sinh. Nếu cha, mẹ lại khai sai thông tin về họ thì sau này muốn nhận lại con thì việc tự nguyện nhận con là rất khó, lúc đó người cha, mẹ sẽ khó chứng minh mình là cha, mẹ thực sự của đứa trẻ.
Quy định của pháp luật về thẩm quyền xác nhận cha, mẹ, con theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã được quy định rõ ràng . Nhưng chính từ quy định đã rõ này nảy sinh một vấn đề mới vô cùng phức tạp trong xã hội. Do việc quy định khá mở cho việc xác định cha, mẹ cho con với ý nghĩa bảo vệ quyền lợi đứa trẻ lại có thể sẽ xảy ra hàng loạt các trường hợp thay đổi quan hệ huyết thống: từ mối quan hệ cha mẹ con có thể thành quan hệ anh, chị em hoặc trở thành người dưng nước lã.
Ví dụ 1: Giấy khai sinh của L đã ghi rõ tên của người cha là anh M, người mẹ là chị C. Nhưng D mới là cha của L vì thế chị C, anh M, anh D đã có thỏa thuận tự nguyện và không có tranh chấp về việc D mới thực sự là cha của L. Họ làm đơn ra ủy ban nhân dân xã X làm thủ tục nhận cha, mẹ con.Mục đích là cho L ra nước ngoài du học. Như vậy chỉ cần làm đơn trình ủy ban nhân dân cấp xã theo mục 6 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Căn cứ vào sự tự nguyện và thỏa thuận, không có tranh chấp, Ủy ban nhân dân sẽ ra quyết định xác nhận D là cha của bé L. Việc sửa lại giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh theo thủ tục cải chính được quy định tại mục 7 Nghị địnhsố158/2005/NĐ-CP. Cũng theo các quy định này, hoàn toàn có thể có việc sau khi đã xác nhận D là cha của bé L, có thể tiếp tục có thỏa thuận giữa những người liên quan là không phải D là cha của bé L, mà G mới là cha của bé L. Nếu có sự thỏa thuận tự nguyện, không có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân hoàn có cơ sở để lại xác định G là cha của bé L.
Việc quy định này khiến cho việc xác định cha, mẹ cho con trong thực tế lại rất rối. Ví dụ 2: Giấy khai sinh của T đã ghi rõ tên của cha là P, tên người mẹ là Q. Sau đó có yêu cầu của M muốn xác định mình mới là mẹ của T. Điều đáng nói là theo mối quan hệ hiện tại thì M là chị gái của T, là con của ông P và bà Q. Nói cách khác, M và T là hai chị em cùng bố, cùng mẹ. Lý do mà M dùng làm cơ sở cho yêu cầu xác định T là con mình là do M sinh con khi mới 15 tuổi. Để tránh dị nghị của làng xóm, M đã nhờ bố mẹ khai sinh cho con mình. Theo M, phải chính là M mới là mẹ của T, còn P và Q là ông bà ngoại của T. Ông P và bà Q cũng thừa nhận những điều mà con gái M của mình đề nghị là đúng và cũng có yêu cầu xác định T là con của M. T cũng công nhận mình là con gái của M và đề nghị xác nhận M là mẹ của mình.
Việc xin nhận cha, mẹ, con diễn ra ở thời điểm bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống, việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp nên căn cứ khoản 1 Điều 32, Điều 33 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, đây là thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hai ví dụ trên cho thấy nhìn ở góc độ cải cách hành chính thì dường như đây là một bước tiến mới làm đơn giản thủ tục hành chính về việc xác định lại cha, mẹ cho con. Nhưng theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thay đổi quan hệ huyết thống trở nên quá dễ dàng, quá đơn giản. .
Thực tế này cho thấy trong Nghị định 158/2005 còn nhiều điểm chưa hợp lý, theo ví dụ trên thì những quy định của Nghị định này có khả năng tạo ra sự thay đổi mối quan hệ huyết thống, mối quan hệ gia đình. Chỉ cần con người thỏa thuận với nhau là các mối quan hệ cha mẹ, con cái, ông bà mang tính huyết thống được xác lập. Đây là việc làm trái tự nhiên. Mối quan hệ cha mẹ và con (đẻ) là mối quan hệ tự nhiên, do tự nhiên tạo ra, không phải là ý chí của con người theo cách thức này. Con người chỉ có thể tạo ra quan hệ nuôi dưỡng (nhận nuôi con nuôi), không thể tạo ra mối quan hệ huyết thống chỉ bằng sự thỏa thuận, không có tranh chấp. Để xác định mối quan hệ tự nhiên, yếu tố cần và đủ là phải có căn cứ về tính huyết thống. Còn sự thừa nhận của các bên chỉ là yếu tố tham khảo chứ không có tính quyết định trong việc xác nhận cha, mẹ, con, nhất là đối với trường hợp xác định lại cha, mẹ.
Theo quy định tại Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000: “Con sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kì đó là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng”.Khi người phụ nữ có hôn nhân hợp pháp, việc xác định quan hệ cha mẹ và con được thể hiện trong nguyên tắc suy đoán pháp lí. Theo nguyên tắc suy đoán pháp lí này, người chồng đương nhiên được xác định là cha của đứa trẻ đó và được thực hiện quyền làm cha của mình. việc xác định lại quan hệ cha, mẹ, con, tại Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000 cũng quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được toà án xác định”. Trong thực tiễn, khi người vợ sinh con, người chồng đã làm giấy khai sinh cho đứa trẻ, lấy họ tên mình là họ tên cha của đứa trẻ. Thậm chí, đứa trẻ đó về mặt sinh học không phải là con của người chồng nhưng về nguyên tắc trước tiên người chồng vẫn được xác định là cha, sự im lặng của người chồng được coi là sự mặc nhiên thừa nhận mối quan hệ cha con. Pháp luật không can thiệp sâu vào mối quan hệ này. Miễn rằng đứa trẻ được sống trong bầu không khí yêu thương và thông cảm, có cha, mẹ và người mẹ được chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn với chồng mình.
Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, sau khi người vợ sinh con người chồng đã không thừa nhận đứa trẻ là con của mình do nghi ngờ sự chung thủy của người vợ và họ đã yêu cầu xác định lại quan hệ cha con. Trong trường hợp này, người yêu cầu phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh không có mối quan hệ cha con. Người vợ không có nghĩa vụ này. Nếu người chồng không xuất trình được chứng cứ chứng minh thì pháp luật vẫn mặc nhiên thừa nhận người chồng là cha của đứa trẻ.
Nếu người mẹ, không thừa nhận đứa trẻ là con của mình thì người mẹ cũng phải cung cấp chứng cứ để chứng minh. Vì trên thực tế có nhiều trường hợp do vô ý hoặc cố ý dẫn đến việc nhiều đứa trẻ bị lẫn lộn hoặc bị đánh tráo… Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản pháp luật có liên quan không có một hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này. Điều đó cũng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể vì họ không thể chứng minh được. Như vậy có thể nói ở một khía cạnh nào đó người vợ hoặc chồng phải mặc nhiên thừa nhận quan hệ cha, mẹ với đứa trẻ không phải là con mình. Thực tế là việc chứng minh đứa trẻ là con mình là rất khó, không phải ai cũng có khả năng giám định gen để xác định đưa trẻ đó.
2. Hoàn thiện hơn những quy định của Luật hôn nhân và gia đình về việc xác định cha, mẹ cho con theo thủ tục hành chính.
Thứ nhất để giải quyết việc quy định của Nghị định 158/2005 về việc quy định mở về việc xác định cha, mẹ cho con theo thủ tục hành chính. Điều này cho thấy để cải cách thủ tục hành chính, cần một cái nhìn thấu đáo, toàn diện hơn của nhà soạn thảo luật. Không thể vì tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong cuộc sống mà đưa ra những quy định trái với tự nhiên, tạo ra một kẽ hở lớn về mặt pháp luật, đem đến một hậu quả khó lường cho xã hội như đã phân tích quy định về thẩm quyền xác nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền sẽ có những điều chỉnh vấn đề này khi chỉnh sửa Nghị định về đăng ký và quản lý hộ tịch. Chúng em cho rằng dù với mục tiêu cải cách hành chính nhưng cải cách vấn đề gì, đến đâu và như thế nào lại rất cần được nghiên cứu nghiêm túc dưới góc độ khoa học. Với những lý do đó, chúng em cho rằng, cần quy định cho tòa án có thẩm quyền xác định cha cho con đối với trường hợp cụ thể nêu trên chứ không chỉ là Uỷ ban nhân dân.
Thứ hai, Luật cần quy định rõ hơn về thẩm quyền xác định cha, mẹ,con theo thủ tục hành chính. Hiện nay Luật hôn nhân gia đình năm 2000 mới chỉ quy định chung chung về quyền nhận cha, mẹ, con mà chưa phân rõ thẩm quyền của loại việc này.
Thứ ba, cần tập huấn cán bộ tư pháp hộ tịch của UBND xã về vấn đề xác định cha, mẹ, con để giúp họ có cái nhìn đúng đắn, khách quan về việc này.
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Qua việc tìm hiểu chế định xác định cha, mẹ, con theo thủ tục hành chính ta thấy đây là một vấn đề còn khá nhiều vướng mắc trong thực tế. Mặc dù Luật hôn nhân gia đình đã dự liệu nhiều tình huống xảy ra nhưng vẫn cần phải có thêm những quy định rõ ràng hơn trong thời gian tới để giải quyết những tồn tại.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- xac dinh cha me con theo TTHC sf.doc