MỤC LỤC
I. Quê hương của Trũ Trỏm 2
II. Lễ hội Trũ Trỏm 4
1. Người phát loa 7
2. Người cầm biển 7
3. Người cầm đàn tranh 8
4. Người đi cày 8
5. Những người đi cấy: (Khoảng 3, 4 người) 8
6. Người đi câu 8
7. Người thợ mộc và người thợ xẻ 9
8. Người đánh lờ 9
9. Người kéo sợi 10
10. Người đi bán xuân 10
11. Một thầy đồ và năm học trũ 10
III. Một số vấn đề rút ra qua nghiên cứu lễ hội Trũ Trỏm 11
IV. Những kiến nghị đề xuất 12
14 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2351 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đồ án Lễ hội Trò Trám tại làng cổ Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đại học quốc gia Hà Nội
Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn
Khoa lịch sử
---------------
Báo cáo khoa học
Lễ hội Trò Trám tại làng cổ Tứ Xã huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Lễ Hội Trò Trám
I. Quê hương của Trò Trám
Nền văn hóa truyền thống Việt Nam được hình thành trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp, cuộc sống của người Việt Nam gắn bó mật thiết với xóm làng quê hương. Trong mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại các di tích lịch sử văn hóa như đền miếu, đình chùa... và các lễ hội dân gian gắn với nó là một bộ phận di sản văn hóa vật thể, phi vật thể do nhân dân lao động sáng tạo ra nhằm làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, động viên khuyến khích cộng đồng trong lao động sản xuất, cầu mong mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi xóm làng sung túc. Lễ hội dân gian là một trong những đặc trưng của văn hoá Việt, nó mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng dân gian Việt Nam và một nền nông nghiệp cổ truyền. Lễ hội dân gian thường gắn với sinh hoạt mang tính cộng đồng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, lễ hội thường được diễn ra vào dịp đầu năm với mong muốn về một năm lao động sản xuất gặp nhiều may mắn thuận lợi, mùa màng tươi tốt và giống nòi sinh sôi nảy nở. Ngày nay những lễ hội dân gian này vẫn được lưu dữ và bảo tồn những nét văn hoá đặc trưng. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều lễ hội trên khắp đất nước Việt Nam mà mỗi vùng mỗi miền lại có những cái hay cái đẹp riêng gắn với đặc trưng truyền thống văn hoá, lịch sử, địa lý… Ở đây tôi xin đề cập đến lễ hội Trò Trám, một lễ hội lớn của cư dân làng cổ Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Có thể nói đây là lễ hội đặc trưng cho một nền nông nghiệp cổ truyền gắn với tín ngưỡng phồn thực, nó là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự cố kết trong cộng đồng cư dân của làng từ xưa đến nay. Đề tài nghiên cứu về lễ hội Trò Trám làng Tứ Xã được đặt ra trong tình hình thực tiễn hiện nay chưa có một công trình khoa học nào đưa ra một cách có hệ thống để nghiên cứu toàn diện đầy đủ về một di sản văn hóa phi vật thể từ thời đại Hùng Vương dựng nước. Nếu không đầu tư nghiên cứu thì trong vòng thời gian không xa những chứng cứ lịch sử văn hóa truyền thống sẽ bị mai một, làm cho cơ hội giữ vững và phát huy những bản sắc văn hóa dân gian của làng xã cổ truyền Việt Nam bị mất đi.
Khi nghiên cứu về lễ hội này tôi muốn được tìm hiểu rõ hơn về cái hay cái độc đáo của phần lễ hội và những mong muốn khát vọng của dân làng được gửi gắm trong lễ hội này. Ngay từ tên gọi của nó đã gợi cho mỗi chúng ta những liên tưởng rất khác nhau về nguồn gốc và nội dung của lễ hội. Tại sao lại gọi là Trò Trám? Tại sao hai tiếng Trò Trám lại tương ứng với tên gọi của miếu Trò và điếm Trám?. Không ai dám khẳng định một cách chắc chắn về nguồn gốc của tên gọi này, theo các cụ già của xóm Kiến Thiết đã nêu lên một phỏng đoán rằng: Nơi đây từ rất xa xưa đã có một rừng cây trong đó có nhiều cây trám mà chữ Hán gọi là “Cảm lãm”. Xung quanh và nhất là phía trước (mặt phía Đông và phía Nam) là một khoảng đồng trũng rộng rất thuận tiện cho công việc làm ruộng, kiếm cá vì vậy đây là nơi đất tốt cho những người dân Lạc - Việt cổ xưa đến cư trú. Cũng vì vậy những người đến ở đây được gọi là “phường Trám”. Phường Trám được phiên âm từ tiếng chữ Hán “Cổ Lãm” mà ra. Qua một thời gian dài, cùng với sự tiến hoá chung, phường Trám đã phát triển lên, dân cư ngày càng đông đúc và đến khi được chia thành những xóm nhỏ thì bộ phận có điếm trám và miếu Trò được mang tên là xóm Trám. Cách mạng tháng Tám thắng lợi xóm Trám được mang tên là xóm Quang Trung, rồi Kiến Thiết. Phần chữ Hán có thay đổi nhưng phần tiếng mẹ đẻ thì vẫn giữ nguyên “xóm Trám”. Trước khi thành lập phường Trám, vẫn theo lời các cụ kể lại dân ta còn ở khu đông trong, tức là các xứ Đông Gò Gạch, Lò Ngói, Thủ Quân, Đồng Đậu… Nghe lời chiêu mộ của ông Ngô Quang Điện (một người Hoa kiều) một số bà con về đây trước, còn một số vẫn ở trong đó. Ông Ngô Quang Điện cùng với những người về trước ở thành xóm và hàng năm đã tổ chức hội Trò để khuyến khích lao động, phần thì để thu hút thêm người về đây cho ngày một thêm đông. Trò Trám ra đời chính là vì mục đích đó. Còn hai tiếng Trò Trám tương ứng với cái tên điếm Trám và miếu trò thì các cụ nói: Điều đó là lẽ tất nhiên vì điếm Trám và miếu Trò chính là nơi sân khấu của Trò Trám. Ngày nay cả miếu Trò và điếm Trám đã được nhân dân quyên tiền xây dựng mới rất đẹp và lưu giữ được những nét kiến trúc cổ truyền của cha ông. Xưa, điếm Trám là một cái quán làm ở giữa phường Trám, hằng ngày đây là nơi tập trung các cụ già và các trẻ em như một kiểu câu lạc bộ ngày nay. Còn miếu Trò làm ở ngoài rìa, giữa miếu có ban thờ, vào những ngày cầu hoặc dịp lễ tết dân trong phường thường mang lễ vật đến để cầu may. Nhưng thực tế cả hai nơi đều chỉ là một dạng “sân khấu của Trò Trám”. Vì cả hai nơi đều không có bài vị riêng, không thờ một vị thần nào. Mà cũng không có thần tích hay thần phả gì. Cả quá trình tiến hành lễ hội Trò Trám, miếu Trò là nơi diễn ra xướng, miếu Trò là sân khấu chính của Trò Trám.
Việc nghiên cứu lễ hội Trò Trám sẽ giúp chúng ta có những hiểu biết sâu rộng về những lễ hội dân gian của Việt Nam, đồng thời cũng hiểu biết thêm về những nét văn hóa truyền thống của cư dân làng cổ Tứ Xã, mà hiện nay còn tồn tại một số những dấu tích lịch sử của cộng đồng cư dân buổi đầu thời dựng nước như: Cổng làng có niên đại hàng ngàn năm và một số chứng cứ khảo cổ học của di tích Gò Mun. Để từ đó giáo dục tuyên truyền cho thế hệ trẻ những nét đẹp văn hoá của dân tộc.
II. Lễ hội Trò Trám
Đề tài nghiên cứu nhằm mục tiêu ghi lại một cách có căn cứ khoa học về quá trình hình thành, nội dung và trình tự nghi lễ, hoạt động của hội Trám giúp cho việc duy trì giữ vững bản sắc văn hóa của làng cổ Tứ xã trong không gian các hoạt động lễ hội rất phong phú của vùng đất tổ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung. Trò Trám là một tác phẩm dân gian, hằng năm diễn xuớng theo một hình thức ca kịch rất phôi thai, rất đại chúng. Không kể phần cúng tế và ăn uống lễ hội đã tiến hành qua ba bước sau đây: Thứ nhất là “Lấy giờ”, thứ hai là “Rước bông lúa”, thứ ba là “Ra trò tứ dân”.
Bước thứ nhất - Lấy giờ: Theo lời kể của một số cụ phường Trám dân xóm đã cử sẵn một ông cụ cao tuổi và trong sạch (không bị tang trong gia đình) của xóm Trám hoặc ông Từ của miếu Trò. Khoảng gần nửa đêm ngày 11 sang ngày 12 tháng giêng âm lịch các vị trên dẫn một số thanh niên (từ 5 đến 6 người trở lên) đang có mặt ở điếm Trám mang trống chiêng ra miếu Trò để “Lấy giờ”. Về ý nghĩa của việc lấy giờ thì còn có nhiều ý kiến khác nhau, có người thì cho rằng đó là một mốc thời gian báo hiệu cho toàn dân trong Phường biết từ đâu vào ngày hội lớn. Người thì cho rằng một buổi lễ hoàn toàn theo tín ngưỡng “Sinh thực khí”. Khi mọi người ra đến miếu Trò thì cụ già trên vào thắp hương khấn bái, theo các cụ vị thần được khấn là “Hậu thể, thổ thị, chi thần” nội dung cầu chúc cho dân Phường được yên thịnh. Khấn xong mọi người vào cúng, rồi mọi người ngồi đợi giờ, nghĩa là ngồi nghe gà gáy (vì trước đây không có đồng hồ). Hễ nghe gà ở quanh xóm bắt đầu vỗ cánh đợt thứ nhất thì các cụ cho đó là giờ Tý (đúng nửa đêm) là chấm hết thời gian của ngày 11 mà đã chuyển sang ngày 12. Liền đó cụ già cùng mọi người đứng dậy chiêng trống sẵn sàng, cụ già dẫn đầu, nam nữ thanh niên mang chiêng trống theo sau, vừa chạy vừa khua chiêng gõ trống xung quanh miếu ba vòng, hình như để xua hết tà ma quỷ quái. Khi đã chạy hết vòng cuối thì mọi người chạy trở về điếm Trám hát ghẹo, hát ví ở buổi ra Trò hôm sau. Nội dung của buổi “Lấy Giờ” còn được bổ xung nhiều chi tiết khác nữa: Trên bàn thờ miếu Trò có dấu kín một cài dùi bằng gỗ hình dương vật và một mu rùa cũng bằng gỗ hình âm hộ, tất cả đều sơn son để trong hòm kín khoá rất cẩn thận chỉ được mở ra mỗi năm một lần vào buổi “lấy giờ” này. Khi cụ già lấy được giờ thì khăn áo chỉnh tề, đứng trước ban thờ miếu Trò mà “xướng” lên để nam nữ thanh niên hành lễ. Cách hành lễ: Một bên là nam cầm cái dùi gỗ hình dương vật, một bên là nữ cầm cái mu rùa bằng gỗ hình âm hộ, nghe rứt câu xướng của cụ già “Linh tinh tình phộc” thì hai bên xích lại gần nhau chạm cái rùi vào cái mu rùa ba lần để lấy khước. Việc làm này với ý nghĩa cầu chúc cho sự phát triển mạnh mẽ về nòi giống cũng như về đời sống.
Bước thứ hai - Rước bông lúa: Theo lệ một ông già tuổi tác đã cao, đông đúc con cháu có trai có gái, có danh vọng chức sắc, được năm trong sạch (không có tang) thì được bầu làm ông Từ (hoặc chủ tế). Từ vụ gặt mùa năm trước, ông Từ phải lựa chọn và cất giữ cẩn thận một khóm lúa tốt bông dài hột mẩy (giữ còn nguyên hột), đến gần tết Nguyên Đán lựa chọn thêm một ngọn mía (Tượng trưng cho bông lúa thần), cả hai thứ đều được cắm vào một cái bình. Các cụ bô lão thường kể rất nhiều trận bão lụt làm hại mùa màng và cả tính mệnh của con người, cho nên cầu mong được mùa lúa tốt và cả phường khang thịnh là điều thiết tha nhất của nhân dân. Buổi sáng, khoảng 8 – 9 giờ ngày 12 tháng giêng âm lịch, dân Phường Trám tổ chức lễ rước bông lúa, cuộc rước bắt đầu từ điếm Trám sau khi ở đây đã tế đôn, tế cáo để cầu thần đất (thổ kì, thổ địa) ban phúc. Từ chiều hôm trước nồi hương của miếu Trám đã được rước về điếm Trám để tế lễ, sáng hôm sau thì tế đôn. Đám rước bông lúa riễu qua các cánh đồng thôn xóm, đi theo con đường bờ hồ, gò vườn cũ, bờ đầm về miếu Trò. Trong khi rước thì ông Từ đội mũ chủ tế bằng giấy bọc the có thêu chỉ vàng, chỉ bạc và mặc áo xanh, hai tay ông Từ trịnh trọng ôm cái bình cắm bông lúa thần, trên đầu có một lọng xanh che mưa nắng phía trước có cờ, trống (loại trống nhỏ có chuôi dùng cho người chỉ huy đám rước), đoàn bát âm của huyện (đội âm nhạc chuyên môn để dành cho việc cúng tế) đằng sau là các cụ già và dân chúng, trên đường đi nhịp nhàng từng bước, thỉnh thoảng nổi lên từng hồi reo bày tỏ niềm vui của bà con dân Phường sau một vụ thu hoạch mùa màng thắng lợi. Rước về đến miếu Trò, một tràng pháo nổ đón mừng, ông Từ lập tức đặt bông lúa lên bàn thờ rồi nổi hiệu trống chầu gọi trò (tức là khai mạc cho buổi hội diễn lao động). Nổi lên 3 hồi 9 tiếng trống, kèm theo những tiếng chuông ngân vang ròn rã.
Bước thứ 3 – Ra Trò tứ dân: Bây giờ mới có sự chuyển biến lớn trong sinh hoạt dân phường cũng như cả làng “kẻ Gáp” nếu trong đám rước bông lúa còn thiếu sót ai, nhất là lứa tuổi trẻ, thì hết thảy ai đó phải ra xem bằng được:
Bà ẵm cháu, mẹ bồng con,
Chẳng xem “Trò Trám” cũng buồn cả năm.
Và…
Cô nào mà chẳng được xem
Thì oan, thì ức, thì thèm cả năm.
Cả phường Trám chia làm hai mảnh (giáp) mảnh trên và mảnh dưới, tức là ngõ thượng và ngõ hạ, cả hai mảnh đầu làm trò nhưng trách nhiệm chính cho mỗi năm là mảnh “đang cai’…Mảnh đang cai cử ra một số thanh niên, trung niên, trung lão thực sự là dân của phường Trám, bất kì là nam hay nữ (những năm gần đây chỉ có nam không có nữ, nếu nam đóng vai nữ thì phải hoá trang) cùng bất kì ngành giới nào (nhưng thực tế thì chưa hề thấy có mặt tổng lý, kỳ hào tham gia trò trám), cũng không có giới hạn ở một ngôi thứ xôi thịt nào, chỉ cần lưu ý một chút về mặt tài nghệ, năng khiếu (tuy chỉ nhẹ nhàng thôi), vì vậy hằng năm số người ra trò hình như chuyên nghiệp, thỉnh thoảng mới gặp 1, 2 đào kép mới. Vì vậy ai đã từng đóng vai trò nào ở các năm trước, thì các năm sau lại đóng vai trò ấy, chẳng những họ làm quen với nghệ thuật cũ mà họ cũng thường chăm chú học thuộc lòng các bài vở của vai họ, chăm chú suy nghĩ sáng tạo những lời nói, những câu hát cho hay hơn, mới hơn, sự thay đổi vai trò là bất đắc dĩ. Những người ra trò đã được tập hợp ở nhà ông Từ từ trước đó một ngày để tập dượt và chuẩn bị chu đáo cho ngày hội. Nghe thấy hiệu lệnh của ông Từ, tức thời bắt đầu mở màn của các diễn viên lên sân khấu, màn đẩy chỉ là chiếc cánh cổng. Sân khấu đấy là đường ngõ từ nhà ông Từ qua sân điếm Trám ra đến sân miếu Trò, chủ yếu là ở sân miếu Trò, một dạng sân khấu ngoài trời. Cách thao diễn và các câu hát của các vai trò:
1. Người phát loa
Đứng giữa sân (sân nhà ông Từ, sân điếm Trám cũng như sân miếu Trò), anh vung loa dõng dạc: Ôi loa loa loa… mời hàng sứ dân ra để ta làm trò “ôi loa loa mời quan viên phường ta ra trò”, từ khi vai người cày được mệnh danh là vua Thuấn thì tiếng loa cũng được gọi thêm ôi loa loa loa…mời hàng sứ dân cho ông Thuấn đi cày…miệng thớt to tay vung loa khắp bốn phía, loa chỉ là một cái dùng để đơm cá (đan bằng tre) ngoài có dán giấy đỏ bao quanh cho nên tiếng phát ra không lấy gì làm âm vang lắm, nhưng được người nọ chuyền sang tai người kia rất nhanh chỉ trong phút chốc số người dự xem tăng lên vùn vụt. Từ đây đến cuối trò vai này cứ làm việc như vậy mỗi lần anh đưa loa lên miệng và vung loa mấy vòng là trật tự im lặng được trở lại rất tự nhiên.
2. Người cầm biển
Biển này làm bằng phên cót nhỏ có dán giấy đỏ viết chữ hán “Tứ Dân Chi Nghiệp” nghĩa là bốn nghề nghiệp sống của người dân: Dạy học, làm ruộng, làm thợ, đi buôn để giới thiệu đề tài của Trò Trám.
Vai trò muốn nói gì, hát gì hoặc im lặng tuỳ ý, nếu thiếu người thì biển này chỉ cắm ở sân điếm Trám, sân miếu Trò hoặc ở đầu xóm.
3. Người cầm đàn tranh
Đàn tranh chỉ là một cái mẹt lớn buộc vào một cái cối xay lúa, mẹt làm bầu đàn, giằng cối xay làm thân đàn buộc một sợi chạc (dây buộc trâu bò) làm dây đàn, trên đầu cái giằng cối xay buộc bốn cái đũa, đeo lủng lẳng giả làm trục dây đàn. Người cầm đàn thỉnh thoảng làm động tác gẩy đàn và miệng kêu lên: “Phưng! Phưng! Phưng…”
4. Người đi cày
Tay phải cầm chiếc cày thật nhưng đã tháo lưỡi cày bỏ đi để biểu diễn được dễ dàng đồng thời phòng tránh tai nạn, tay trái cầm chiếc roi tre, đi trước là một con trâu (con trâu này do 2 người đóng, người trước đóng phần đầu, người sau đóng phần đuôi, đầu trâu thì hoá trang bằng chiếc bu gà. Nói chung người cày và con trâu đều làm những động tác cày đất không ca hát gì cả thể hiện đức tính lao động cần cù vừa giản dị vừa nghiêm túc hầu như không mang tính hài hước nào.
5. Những người đi cấy: (Khoảng 3, 4 người)
Mỗi người đều có gánh: Một gánh mạ hoặc lúa con, trên dọc đường biểu diễn mọi người chỉ làm động tác gánh và hát đối đáp với bất kì một vai trò nào trên sân khấu:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy con trông nhiều bề
Trông cho giữ chọn lời thề
Vợ đây chồng đấy đi về có nhau.
Khi ra đến sân điếm Trám và nhất là khi đến miếu Trò thì mọi người biểu diễn công việc cấy lúa nhổ mạ.
6. Người đi câu
Tay cầm cần câu bằng cây sào tre dài độ 2 trượng (8 mét) có buộc dây thừng cũng dài như thế đầu dây buộc một con cá bằng rơm có dán giấy vẽ mắt, vẽ móng, vẽ vây…ở bên sườn có đeo một cái dỏ bên trong có con cá, con ếch bằng nan tre tết lại. Người này làm động tác buông câu nhử mồi và giật cá, thường thường anh ta cứ nhằm vào những cô gái đứng xem ngoài mà buông câu. Nói chung các vai nữ co kéo và hát đối đáp với người đi câu cũng rất tuỳ tiện như với mọi vai khác nhưng cũng có khi hát lại bằng mấy câu sau:
Người ta câu riếc câu rô
Anh câu con tép cuối hồ chẳng xong
Người ta câu bể câu sông
Anh câu luẩn quẩn cánh đồng phường ta
Bao giờ sum họp một nhà
Con chày con chắm có ta với mình.
7. Người thợ mộc và người thợ xẻ
Người thợ mộc gánh trên vai một chiếc bàn đục (vật thật) một chiếc rìu và lưỡi rìu bằng giấy và một chiếc bào, vai này làm động tác gánh dụng cụ đi đường xa thỉnh thoảng rao lên: “Ai muốn làm nhà làm cửa có tôi là người thợ mộc đây!...”Khi có một vai nữ đến cầm tay hát ghẹo thì câu chuyện mới thật đậm đà.
Anh đi làm thợ nơi nao
Để em gánh đục gánh bào đi cho
Anh đi làm thợ trên trò
Cậy em gánh đục đến cho tận nhà
Còn người thợ xẻ thỉnh thoảng biểu diễn xẻ gỗ với người thợ mộc hai anh này đối đáp vừa để gây cười vừa có tác dụng dẹp đám vì cái cưa xẻ của anh là một chiếc giằng cối xay hai người cầm 2 đầu đưa đi kéo lại ngang tầm cổ người xem làm ai cũng phải tránh xa:
Cò cưa kí cưa
Anh đóng thuyền ván anh đưa cô nàng về…
8. Người đánh lờ
Trên vai mỗi bên gánh 3 cái lờ (lờ thật đan bằng tre) mỗi cái lờ có để mấy con bấc đèn dầu dọc, anh chống một gậy tre (hoá trang như một ông già) ngất nghểu vừa đi vừa hát thỉnh thoảng ngã vờ vào mấy cô gái đi xem. Lời hát vui, dí dỏm có ý châm biếm cái bệnh lười trong lao động hoặc ca ngợi tinh thần hăng say trong lao động:
Ai ơi chớ bảo tôi già
Tôi còn gánh mỗi bên ba cái lờ
Lờ này chẳng phải lờ không
Có ba con bấc nằm trong cái lờ.
9. Người kéo sợi
Vai đeo một cái bị cói trong đựng một số con cúi tay cầm chiếc giằng vải (dụng cụ để sợi) làm động tác cuốn sợi vào giẳng vải, vai này cũng hát ghẹo nam nữ đối đáp, co kéo với nhau như bất cứ vai nào, nhưng đặc biệt có một bài hát tự châm biếm về thói hư tật xấu của mình (thỉnh thoảng hát lên 4 hoặc 6 câu chứ không phải hát cả bài cùng một lúc).
10. Người đi bán xuân
Vai này mặc quần áo ngắn, đầu trần, chân không, có thắt dây lưng, tay cầm một cái biển bằng một cái mẹt nhỏ, dán mảnh giấy vàng hình vuông viết hai chữ “Mãi xuân” miệng rao: “Ai mua xuân nào!...”. Hoặc hát:
Mua xuân kẻo hết xuân đi
Nay lần mai lữa còn gì là xuân.
Những năm gần sau này, người ta đã thay vai này từ nam sang nữ, bằng hai cô và đổi tên là cô gái buôn xuân, mỗi cô gánh trên vai cái bồ nhỏ, rổ, thúng mẹt, bên trong không có hàng hóa gì. Cả hai cô nắm tay nhau cùng hát:
Em là con gái phường ta
Em đi buôn bán chợ xa chợ gần
Em đi đã chín đôi chân
Đi hết ngõ điếm đến sân làm trò
Kể từ đấu cám xâu cua
Ai thiếu em bán ai thừa em buôn.
11. Một thầy đồ và năm học trò
Vai thầy được mệnh danh là Đậu Yên Sơn ( theo sách Tam Tự Kinh thì ông này có năm con đều học giỏi thi đỗ làm nên). Thầy đồ một tay cầm bút lông làm bằng chổi rơm (loại nhỏ thường dùng để quét phản), một tay cầm roi mây. Các cậu học trò đều cầm sách bằng giấy bản và bút lông như kiểu bút của thầy đồ nhưng nhỏ hơn. Thầy trò vừa đi vừa học, thầy thét to: “học đi, học đi chứ!”, tay thì vun vút chiếc roi mây trên đầu học trò hoặc cả những người xem. Học trò lần lượt đem sách đến hỏi thầy: “chữ gì đây ạ?”, “Nghĩa là gì ạ?” khi đó thì thầy vớ lấy sách nheo mắt nhìn rồi thét bảo học trò:
Trượng phu chi cốt cách, nghĩa do tồn
Quân tử tuy bần, lễ nghi trường tại.
Học trò hỏi: Nghĩa là gì ạ?
Thầy trả lời:
Chữ trên là trên chữ dưới
Chữ dưới là dưới chữ trên
Chữ giữa là nửa chung quanh
Chữ quanh là vành chữ giữa.
Học trò lại hỏi: Chữ gì đây ạ?
Thầy trả lời: Chữ Vương, chữ Bần.
Học trò lại hỏi: Chữ gì đây ạ?
Thầy trả lời:
Thay trời trị nước chữ “Vương” là vua
Con mẹ bắt cua chữ “Bần” là khó.
Thông qua một lớp học trên sân khấu cả thầy trò đã tự châm biếm cái đạo Nho già cỗi, lỗi thời của Khổng – Mạnh, đồng thời cũng đả kích rất mạnh mẽ vào cái trật tự lễ nghi phong kiến.
Có thể nói ở Trò Trám không có trò đề cao tài chí và tinh thần thượng võ... Mà chỉ có những trò (và những lời ca) vui nhộn thậm chí rất tục mang tính hài hước mua vui rất gần gũi với sinh hoạt đời thường (bởi vậy những trò này còn gọi là trò “nhây nhả”). Tựu trung tất cả đều nhằm mục đích gây cười, chính vì vậy mà có câu “Cuộc đời vất vả sớm hôm, đi xem Trò Trám đủ ôm miệng cười”.
III. Một số vấn đề rút ra qua nghiên cứu lễ hội Trò Trám
Đây là lễ hội dân gian lưu truyền trong nhân dân từ thời đại Hùng Vương nên sự tồn tại chủ yếu là các dấu tích sinh hoạt cùng với những truyền thuyết và các nghi lễ được truyền miệng từ đời này qua đời khác, vì thế mà quá trình nghiên cứu cần có sự liên kết với tính hệ thống cùng các hoạt động lễ hội khác trên vùng đất tổ như lễ hội Phết Hiền Quan (Tam Nông), lễ hội rước voi Đào Xá (Thanh Thủy), hội làng Hùng Lô (Việt Trì)... tạo nên một không gian lễ hội rộng lớn được phát triển bắt đầu từ thời đại Hùng Vương.
Hoạt động lễ hội như một bảo tàng sống về văn hóa đặc thù của dân tộc đã được lưu truyền kế thừa và ngày càng phong phú qua nhiều thế kỉ, vì thế việc nghiên cứu để dựng lại hoàn chỉnh và duy trì quản lý hoạt động trong quá trình phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi cần phải có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu bảo tồn mới phát huy được hiệu quả văn hóa xã hội cũng như hiệu quả về kinh tế thông qua chương trình du lịch “Về miền lễ hội” mà các địa phương đang thực hiện.
IV. Những kiến nghị đề xuất
Thông qua nghiên cứu đề tài “Lễ hội Trò Trám” có thể đề xuất một số kiến nghị với Đảng và nhà nước sau đây:
- Đề nghị Nhà nước có kế hoạch đầu tư nghiên cứu hoàn chỉnh toàn bộ các hoạt động văn hóa lễ hội dân gian thuộc văn hóa truyền thống vùng đất tổ theo các giai đoạn lịch sử nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm rõ thêm những di sản văn hóa phi vật thể của thời đại các vua Hùng cùng thời được phát huy trong các làng xã Việt Nam, đây là tài liệu lịch sử có giá trị về mặt giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam.
- Kết hợp văn hóa dân gian với các hoạt động lễ hội khác trong thời kì đổi mới tại khu vực trung tâm Bắc Bộ tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn độc đáo của Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và vùng lân cận.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- BC2365.doc