Hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Vậy, nếu cha, mẹ không yêu cầu thì cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu không? Trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình quy cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích cho họ trong nhiều trường hợp. Thiết nghĩ trường hợp này không nằm ngoài nguyên tắc đó. Bên cạnh đó, theo Điều 52 Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng viên, người phiên dịch, người làm chứng cũng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Đối với văn bản thỏa thuận chia tài sản chung không được công chứng thì việc tuyên bố văn bản thỏa thuận này là vô hiệu có áp dụng như đối với văn bản thỏa thuận được công chứng không? Xét về bản chất thì văn bản thỏa thuận chia tài sản chung đã thuộc trường hợp vô hiệu. Trên nguyên tắc, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Thỏa thuận chia tài sản chung cũng là một giao dịch dân sự nên Tòa án cũng có quyền tuyên bố văn bản thỏa thuận này là vô hiệu. Những người mà việc chia tài sản chung đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung đó là vô hiệu. Ngoài ra, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là giao dịch dân sự nên phải tuân thủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015. Do đó, nếu bên muốn thay đổi nội dung văn bản thỏa thuận chia tài sản có căn cứ cho rằng mình không hoàn toàn tự nguyện do bị cưỡng ép, bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch này là vô hiệu.

pdf8 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 19/01/2022 | Lượt xem: 349 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tạp chí Khoa học Viện Đại học Mở Hà Nội 55 (05/2019) 19-26 19 HIỆU LỰC CỦA VĂN BẢN THỎA THUẬN CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG TRONG THỜI KỲ HÔN NHÂN THE VALIDITY OF THE COMMON PROPERTY AGREEMENT OF WIFE AND HUSBAND IN THE MARRIAGE PERIOD Ngô Thị Hường*‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡‡ Nguyễn Thị Hạnh**§§§§§§§§§§§§§§§§§§§ Ngày tòa soạn nhận được bài báo: 5/11/2018 Ngày nhận kết quả phản biện đánh giá: 6/5/2019 Ngày bài báo được duyệt đăng: 24/5/2019 Tóm tắt: Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản chung của vợ chồng nhưng làm thay đổi nguyên tắc xác định tài sản chung, tài sản riêng. Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng khi tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp việc chia tài sản chung bị vô hiệu theo quy định của pháp luật. Từ khóa: tài sản chung, văn bản thỏa thuận, hiệu lực, giao dịch dân sự, thời kỳ hôn nhân Abstract: The division of the marital property owned by both spouses does not end the common property regime but changing the principle to determine common property and separate property. The written agreement to divide the common property of the husband and wife when complying with the effective conditions of a civil transaction is enforceable, unless the division of the common property is invalidated according to the provisions of law. Keywords: common property, agreement, validity, civil transaction, mariage period 1. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân Pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành quy định trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng có quyền chia tài sản chung (trừ trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu theo quy định của pháp luật). Theo đó, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, nếu * Trường Đại học Luật Hà Nội ** Trường Đại học Mở Hà Nội không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là xuất phát từ thực tế các quan hệ dân sự, kinh tế, xã hội, hôn nhân và gia đình. Một mặt để đảm bảo các quyền của vợ, chồng, mặt khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong quan hệ tài sản với vợ chồng. 20 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (sau đây gọi là chia tài sản chung) dẫn đến thay đổi nguyên tắc xác định tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Theo Điều 40 khoản 1 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì kể từ thời điểm chia tài sản chung có hiệu lực, tài sản chia cho ai thuộc sở hữu riêng của người đó. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác thuộc sở hữu riêng của mỗi người, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng phát sinh sau thời điểm chia tài sản chung vẫn là tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng chỉ chia một phần tài sản chung thì phần tài sản chung còn lại không chia và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó vẫn thuộc khối tài sản chung của vợ chồng. Như vậy, bản chất pháp lý của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là xác định một tài sản nào đó đang là tài sản chung của vợ chồng trở thành tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân chỉ áp dụng đối với trường hợp vợ chồng theo chế độ tài sản Luật định. Trong thời kỳ hôn nhân, vì lý do nào đó mà vợ chồng muốn tài sản chung thành tài sản riêng thì phải thông qua một sự kiện pháp lý đó là chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng nhưng làm thay đổi nguyên tắc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng được quy định tại Điều 33 và Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Không chỉ những tài sản đã được chia cho vợ hoặc chồng là tài sản riêng của họ mà hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ những tài sản riêng khác của vợ, chồng cũng thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng (trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác). Thực tế có nhiều trường hợp sau khi chia tài sản chung, vợ hoặc chồng hoặc cả vợ và chồng muốn chia lại tài sản. Vấn đề đặt ra là vợ chồng có thể được chia lại tài sản đã chia không? Giải quyết vấn đề này đối với trường hợp Tòa án chia tài sản chung mà bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật dường như không phức tạp. Khi bản án đã có hiệu lực pháp luật thì các bên phải có nghĩa vụ thi hành (theo Điều 4 Luật Thi hành án dân sự năm 2014). Do vậy, vợ chồng không thể yêu cầu Tòa án chia lại tài sản. Đối với trường hợp vợ chồng vợ chồng thỏa thuận chia tài sản thì vấn đề phức tạp hơn. Để làm rõ vấn đề này cần phải làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. 2. Điều kiện và thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân 2.1. Điều kiện có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thực chất là giao dịch dân sự, do đó điều kiện có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải tuân theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, vợ chồng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, việc chia tài sản chung phải là ý chí tự nguyện của cả vợ và chồng, việc chia tài sản chung không trái pháp luật và đạo đức xã hội và văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải tuân theo quy định về hình thức của giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung trong Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion 21 thời kỳ hôn nhân phải lập văn bản. Văn bản phải được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp tài sản được chia là bất động sản, là tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì văn bản thỏa thuận chia tài sản chung phải được công chứng. Nội dung của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân phải ghi rõ phần tài sản được chia cho mỗi bên vợ hoặc chồng, phần tài sản còn lại không chia (trong trường hợp vợ chồng chia một phần tài sản chung). Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung còn có thể bao gồm cả việc xác định là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ, chồng đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung (theo khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Như vậy, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải được công chứng nếu tài sản được chia là bất động sản, là tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu. Đối với các trường hợp khác thì văn bản thỏa thuận chia tài sản chung không bắt buộc phải công chứng. Do đó, nếu vợ chồng yêu cầu thì văn bản được công chứng. Trong trường hợp vợ chồng không yêu cầu thì văn bản chỉ cần có chữ ký của vợ chồng là đã có hiệu lực. 2.2. Thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân Thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định như sau: - Đối với văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà không có công chứng thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản thỏa thuận. Trường hợp trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung được tính từ ngày lập văn bản (Điều 39 khoản 1 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). - Đối với văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà có công chứng thì việc xác định thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng có thể chia làm hai trường hợp. (1) Tài sản được chia là bất động sản hoặc là tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm văn bản thỏa thuận được công chứng (Điều 39 khoản 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). (2) Đối với trường hợp tài sản được chia không phải là bất động sản hoặc tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng được xác định giống trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản không có công chứng. 3. Giá trị thi hành của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân Hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung là giá trị thi hành của văn bản thỏa thuận. Việc xác định hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung rất có ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề vợ chồng có quyền thỏa thuận lại hay có quyền yêu cầu Tòa án chia lại tài sản chung sau khi đã có văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung. Về hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung cần chia là hai loại: Văn bản thỏa thuận không có công chứng và văn bản thỏa thuận có công chứng. 3.1. Văn bản thỏa thuận không công chứng Đối với văn bản thỏa thuận chia tài sản chung mà không thuộc trường hợp pháp luật quy định phải công chứng, tức là tài sản chia không phải là bất động sản hoặc tài sản 22 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion phải đăng ký quyền sở hữu nên vợ chồng không công chứng văn bản thỏa thuận thì văn bản này có hiệu lực từ thời điểm hai bên vợ chồng cùng ký vào văn bản. Do vậy, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung có hiệu lực thi hành đối với vợ chồng. Khi văn bản đã có hiệu lực, vợ chồng phải thực hiện các nội dung đã thỏa thuận được ghi trong văn bản. Trường hợp trong quá trình thực hiện nội dung thỏa thuận hoặc sau khi các bên đã thực hiện xong các nội dung thỏa thuận mà vợ chồng thấy rằng thỏa thuận trước đây không hợp lý, cần phải thỏa thuận lại thì vợ chồng có thể thỏa thuận lại. Pháp luật không hạn chế, ngăn cản sự thỏa thuận của vợ chồng. Bởi lẽ, thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân sẽ làm thay đổi quyền sở hữu tài sản của vợ chồng. Quyền sở hữu tài sản là đối tượng điều chỉnh của pháp luật dân sự nên tuân theo các nguyên tắc của cơ bản của pháp luật dân sự. Một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng quyền tự do, tự nguyện và thỏa thuận của các bên (Điều 3 khoản 2 Bộ luật dân sự năm 2015). Tuy nhiên, nếu chỉ vợ hoặc chồng cho rằng nội dung thỏa thuận chia tài sản chung trước đây là không hợp lý mà muốn chia lại thì bên vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết hay không? Theo quy định tại Điều 39 khoản 1 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung, nếu vợ chồng không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Cụm từ “không thỏa thuận được” có thể được hiểu như sau: - Thứ nhất, vợ chồng cùng muốn chia tài sản mà sau khi bàn bạc họ không thống nhất được với nhau về xác định phần tài sản chia cho mỗi bên thì họ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Ví dụ: Vợ chồng thống nhất với nhau là chia 2 tỷ đồng là một phần tài sản trong khối tài sản chung của vợ chồng, nhưng họ không thỏa thuận được rằng mỗi bên được chia bao nhiêu. Vì vậy một hoặc cả hai bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết (tức là Tòa án chia tài sản). Do đó, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết chỉ đặt ra khi vợ chồng cùng đồng ý chia tài sản nhưng chưa từng đi đến một thỏa thuận nào về việc phân chia tài sản ra sao. - Thứ hai, trường hợp chỉ có một bên muốn chia tài sản chung, bên kia không đồng ý chia. Ví dụ: Vợ muốn chia tài sản chung của vợ chồng để vợ có vốn kinh doanh nhưng chồng không đồng ý. Trong trường hợp này thì bên muốn chia tài sản chung (người vợ) có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. - Thứ ba, vợ chồng đã thỏa thuận chia tài sản chung nhưng sau đó một bên cho rằng thỏa thuận đó đã gây thiệt hại cho họ nên yêu cầu Tòa án giải quyết. Chúng tôi cho rằng cụm từ “không thỏa thuận được” hiểu theo nghĩa thứ ba này là không có cơ sở pháp lý. Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng là một giao dịch dân sự. Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung dù không được công chứng nhưng vẫn là một chứng thư pháp lý. Theo quy định tại Điều 116 và Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 thì khi giao dịch tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì sẽ làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Trong trường hợp này, văn bản thỏa thuận dù không được công chứng nhưng đã đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực của gia dịch dân sự nên có giá trị thi hành. Do vậy, nếu vợ chồng đã thỏa thuận chia tài sản chung nhưng sau đó một bên muốn chia lại thì họ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. 3.2. Văn bản thỏa thuận đã được công chứng Theo quy định tại Điều 38 khoản 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì văn bản thỏa thuận chia tài sản chung được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra là văn bản thỏa thuận chia tài sản chung đã được Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion 23 công chứng có hiệu lực như thế nào đối với vợ chồng? Theo quy định tại Điều 5 khoản 2 Luật Công chứng năm 2014 thì văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng và có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Do đó, nếu sau khi văn bản đã được công chứng mà vợ chồng muốn thay đổi nội dung thỏa thuận, tức là muốn chia lại tài sản thì xảy ra hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất: Vợ chồng cùng thống nhất với nhau về việc sửa đổi văn bản thỏa thuận chia tài sản chung và thỏa thuận được với nhau về phân chia lại tài sản thì họ có quyền yêu cầu sửa đổi văn bản thỏa thuận trước đó tại tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng văn bản thuận thuận đó theo quy định tại Điều 51 Luật Công chứng năm 20141.********************Tuy nhiên, nếu tài sản được chia là nhà ở, quyền sử dụng đất mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đã được sang tên cho người được chia tài sản đó căn cứ vào văn bản thỏa thuận thì văn bản thỏa thuận đó không thể được sửa đổi, tức là công chứng viên không thể công chứng văn bản thỏa thuận lại về chia những tài sản này. Trường hợp thứ hai: Chỉ một bên vợ hoặc chồng muốn thay đổi nội dung thỏa thuận về chia tài sản chung, bên kia không đồng ý thay đổi thì bên muốn thay đổi không có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng sửa đổi văn bản thỏa thuận đã 1 Điều 51. Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch 1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó. 2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. được công chứng trước đó và cũng không có quyền yêu cầu Tòa án chia lại những tài sản mà vợ chồng đã thỏa thuận chia (căn cứ Điều 5 và Điều 51 Luật Công chứng năm 2014). Như vậy, sau khi văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đã được công chứng, vợ chồng phải thực hiện những nội dung đã thỏa thuận. Trong trường hợp một bên không thực hiện đúng nội dung đã thỏa thuận thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án căn cứ vào văn bản thỏa thuận chia tài sản chung để buộc người không thực hiện những cam kết phải thực hiện (Điều 5 khoản 3 Luật Công chứng năm 2014). Tòa án không có quyền thay đổi lại những nội dung đã được ghi trong văn bản thỏa thuận. 3.3. Chấm dứt hiệu lực của văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân Như đã phân tích, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân làm thay đổi nguyên tắc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Do vậy, có thể sau một thời gian chia tài sản, vợ chồng muốn chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định vợ chồng có thể thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Theo Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình thì vợ chồng thỏa thuận bằng văn bản chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Trong trường hợp Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. 3. Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này. 24 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion văn bản thỏa thuận chia tài sản chung đã được công chứng thì văn bản thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản cũng phải công chứng. Đối với trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung không công chứng thì văn bản thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung có thể được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng. Khi vợ chồng đã thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng theo Điều 33 và Điểu 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Vấn đề đặt ra là vợ chồng không thỏa thuận mà chỉ một bên muốn chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung thì họ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết không? Có ý kiến cho rằng, khi chia tài sản chung, nếu một bên yêu cầu thì Tòa án có quyền chia tài sản chung thì khi một bên muốn chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung họ cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Chúng tôi cho rằng ý kiến này không phù hợp với Điều 41 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Như vậy, chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung chỉ xảy ra khi vợ chồng có thỏa thuận. 3.4. Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vô hiệu Theo Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc chia tài sản chung bị vô hiệu trong hai trường hợp. Thứ nhất là việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Thứ hai là việc chia tài sản nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại, thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản, trả nợ cho cá nhân, tổ chức, nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước hoặc các nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, trong trường hợp vợ chồng lập văn bản thỏa thuận chia tài sản chung mà thuộc một trong các trường hợp trên thì văn bản thỏa thuận chia tài sản chung đó bị vô hiệu. Pháp luật quy định các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu là nhằm bảo vệ gia đình; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên khác trong gia đình; bảo vệ quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Nhà nước mà vợ chồng có nghĩa vụ về tài sản. Câu hỏi đặt ra là ai có quyền yêu cầu và cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung là vô hiệu? Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành không quy định ai có quyền yêu cầu và cơ quan nào có thẩm quyền tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vô hiệu. Theo Điều 398 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2014 và Điều 52 Luật Công chứng năm 2014 thì quy định công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Như vậy, có thể thấy rằng Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung là vô hiệu đối với văn bản thỏa thuận chia tài sản chung được công chứng. Về người có quyền yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vô hiệu: Căn cứ Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có thể hiểu rằng người nào mà việc chia tài sản chung của vợ chồng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố việc chia tài sản đó là vô hiệu. Từ đó có thể suy ra rằng người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vô hiệu gồm: (1) các thành viên gia đình (những người mà việc chia tài sản chung đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ; (2) người Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion 25 có quyền về tài sản mà vợ chồng đã chia tài sản chung để trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ về tài sản đối với họ (người có quyền, lợi ích liên quan). Đối với trường hợp mà thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự (theo khoản 1 Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình) thì cha mẹ là người đại diện nên cha mẹ có quyền yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung vô hiệu. Tuy nhiên, nếu cha mẹ của người con này lại chính là cặp vợ chồng đã thỏa thuận chia tài sản chung thì khả năng họ yêu cầu là không xảy ra vì không ai lại yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận của chính mình bị vô hiệu. Chỉ có một trường hợp mà cha hoặc mẹ của người con yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng vô hiệu đó là khi cha hoặc mẹ của người con này không phải là một bên trong cặp vợ chồng đó. Vậy, nếu cha, mẹ không yêu cầu thì cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu không? Trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình quy cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích cho họ trong nhiều trường hợp. Thiết nghĩ trường hợp này không nằm ngoài nguyên tắc đó. Bên cạnh đó, theo Điều 52 Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng viên, người phiên dịch, người làm chứng cũng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Đối với văn bản thỏa thuận chia tài sản chung không được công chứng thì việc tuyên bố văn bản thỏa thuận này là vô hiệu có áp dụng như đối với văn bản thỏa thuận được công chứng không? Xét về bản chất thì văn bản thỏa thuận chia tài sản chung đã thuộc trường hợp vô hiệu. Trên nguyên tắc, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Thỏa thuận chia tài sản chung cũng là một giao dịch dân sự nên Tòa án cũng có quyền tuyên bố văn bản thỏa thuận này là vô hiệu. Những người mà việc chia tài sản chung đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung đó là vô hiệu. Ngoài ra, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là giao dịch dân sự nên phải tuân thủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015. Do đó, nếu bên muốn thay đổi nội dung văn bản thỏa thuận chia tài sản có căn cứ cho rằng mình không hoàn toàn tự nguyện do bị cưỡng ép, bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch này là vô hiệu. 4. Kết luận Pháp luật hôn nhân và gia đình quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không chỉ nhằm đảm bảo các quyền của vợ, chồng mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba trong quan hệ tài sản với vợ chồng. Thực tế các quan hệ dân sự, kinh tế, xã hội, hôn nhân và gia đình ở Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy quy định này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng (dù không công chứng hay được công chứng theo quy định của pháp luật) thì đều có giá trị thi hành và là cơ sở pháp lý xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Tài liệu tham khảo: 1. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 2. Bộ luật Dân sự năm 2015 3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2014 4. Luật Thi hành án dân sự năm 2012 5. Luật Công chứng năm 2014 6. Nguyễn Văn Cừ, "Chế độ tài sản của vợ 26 Nghiên cứu trao đổi ● Research-Exchange of opinion chồng theo Luật HNGĐ Việt Nam", Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2005; 7. Bộ môn luật HNGĐ, “Cơ sở lý luận và thực tiễn của những điểm mới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014” Đề tài khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2015. Địa chỉ tác giả: Trường Đại học Luật Hà Nội Email: thihuongngo1964@gmail.com

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfhieu_luc_cua_van_ban_thoa_thuan_chia_tai_san_chung_cua_vo_ch.pdf
Tài liệu liên quan