Luật tục Raglai về hôn nhân và gia đình

Kết luận Luật tục Raglai được hình thành từ nhu cầu quản lý xã hội và được cộng đồng thừa nhận, thực hiện một cách tự giác. Qua một thời gian dài áp dụng, được sàng lọc và kiểm nghiệm tính hợp lý trong thực tiễn, nó đã trở thành truyền thống, trở thành những chuẩn mực mang tính phong tục. Luật tục có thể coi là tri thức của tộc người với những quy định cấm đoán, khích lệ hay xử phạt, được mọi người thừa nhận và mọi cá nhân, gia đình, dòng họ phải tuân theo. Trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định, luật tục là nền tảng của pháp luật nhà nước, và người ta sợ sự trừng phạt của luật tục hơn là sự trừng phạt từ pháp luật. Luật tục đã góp phần quan trọng xây dựng một xã hội Raglai đoàn kết, tương trợ nhau trong sản xuất và trong đời sống, một xã hội giàu tính nhân văn.

pdf8 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 21/01/2022 | Lượt xem: 211 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Luật tục Raglai về hôn nhân và gia đình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
81 Luật tục Raglai về hôn nhân và gia đình Nguyễn Ngọc Thanh 1 1 Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Email: thanhvdth@gmail.com Nhận ngày 20 tháng 5 năm 2019. Chấp nhận đăng ngày 31 tháng 5 năm 2019. Tóm tắt: Luật tục Raglai bao quát hầu hết các vấn đề trong cuộc sống hôn nhân và gia đình của cộng đồng nên có sức sống mãnh liệt trong đời sống tộc người. Đó là những điều khoản được thông qua bằng “lời nói vần” và được cộng đồng nghiêm chỉnh thực hiện. Luật tục góp phần vào điều chỉnh các mối quan hệ xã hội giữ gìn trật tự, an toàn trong cuộc sống và bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong gia đình, cộng đồng. Ngày nay, luật tục không điều chỉnh hoàn toàn đời sống cá nhân và cộng đồng như trong xã hội truyền thống nhưng nó vẫn tồn tại với sức sống lâu bền, chi phối đời sống của đồng bào Raglai. Từ khóa: Dân tộc Raglai, hôn nhân và gia đình, luật tục. Phân loại ngành: Dân tộc học Abstract: Raglai ethnic people’s customary law covers most of the issues in the marriage and family life of the community, so it has a strong vitality in their life. The law includes terms in “rhyming words” and is strictly implemented by the community. It contributes to the adjustment of social relations to maintain order and safety in life and protect the rights of family and community members. Today, customary law no longer completely regulates the personal and community life as in the traditional society, but it still exists with enduring vitality, strongly impacting the life of Raglai people. Keywords: Raglai ethnic group, marriage and family, customary law. Subject classification: Ethnology 1. Mở đầu Luật tục là một hiện tượng xuất hiện từ lâu đời, có tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống vật chất, tinh thần của con người trong cộng đồng xã hội của các tộc người. Có nhiều cách gọi về luật tục (như: luật không thành văn, luật dân gian, luật bản địa, luật nguyên thủy) [3, tr.38]. Trong tiếng Việt, các thuật ngữ “tập tục”, “lệ Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2019 82 làng”, “hương ước”, và những năm gần đây là “hương ước mới”, “quy ước làng văn hóa”, “quy ước nông thôn mới” cũng có thể coi là hợp phần của luật tục. Luật tục là một hệ thống các quy tắc xử sự mang tính dân gian, quy định về mối quan hệ ứng xử của con người đối với môi trường tự nhiên và con người với con người trong cộng đồng, thể hiện ý chí của toàn thể cộng đồng, được thực hiện một cách tự giác, theo thói quen, nhưng vẫn có tính cưỡng chế và bắt buộc đối với những ai không tuân theo [5, tr.30]. Luật tục có thể mang những tên gọi khác nhau nhưng vẫn đảm bảo mang hai yếu tố luật nước và lệ làng, trong đó lệ làng dù được khai thác đến mức tối đa và được trình bày hết sức cụ thể, chi tiết vẫn phải phục tùng luật nước [4, tr.66]. Luật tục Raglai có từ lâu đời, được thể hiện dưới dạng “lời nói có vần”2 nên dễ đọc, dễ nhớ. Tất cả được xếp chung vào một hệ thống mang tính giáo dục từ thấp lên cao gồm từ “thành ngữ, tục ngữ” đến những “sự vụ, sự việc”, phong tục tập quán, những điều “kiêng to, cữ lớn” [2, tr.394]. Đây đều là các quy phạm xã hội có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, thiết lập nên toàn bộ giá trị, nền tảng cho các phán xét cả về đạo đức, luân lý lẫn pháp luật, từ đó quy định và chi phối mạnh mẽ các phong tục, tập quán ở địa phương. Nó góp phần đắc lực vào sự ổn định trật tự xã hội và bảo vệ quyền lợi của các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng buôn làng. Trong cuốn Luật tục Chăm và Luật tục Raglai, phần luật tục Raglai gồm 5 chương, riêng chương “Nội dung luật tục truyền thống Raglai” có 18 mục, 209 điều, được trình bày phần lớn là “lời nói có vần”. Trong đó có sự phân định rõ ràng về các nhóm hành vi vi phạm [9, tr.465]. Chiếm dung lượng nhiều nhất trong luật tục truyền thống là 61 điều thuộc lĩnh vực hôn nhân, quan hệ gia đình, quan hệ vợ chồng. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của gia tộc, gia đình mẫu hệ trong cộng đồng Raglai [9, tr.465]. Một điểm quan trọng trong luật tục là các hình phạt luôn sát đúng với từng mức độ sai phạm. Tuy rất nghiêm khắc, nhưng chế tài xử phạt không quá nặng, mục đích để người vi phạm có khả năng chấp hành. Luật tục Raglai3 có 5 đặc tính cơ bản: (1) Tính giáo dục; (2) Tính dân chủ; (3) Tính hòa giải; (4) Tính nhân đạo; (5) Tính tâm linh [3, tr.411-421], [1, tr.69]. Bài viết này tìm hiểu Luật tục về hôn nhân và gia đình ở dân tộc Raglai và việc vận dụng luật tục đó vào thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình ở người Raglai. 2. Luật tục Raglai về hôn nhân Ở người Raglai, trai gái có quyền tự do yêu đương, tìm hiểu và quyết định kết hôn. Trong trường hợp trai gái không còn ưng nhau thì vẫn có thể dừng việc cưới hỏi, dù đã làm lễ dạm hỏi trao vòng. Việc “đứt gánh giữa đường” như vậy không được ủng hộ, nhưng cũng không vì thế mà bắt ép cưới xin nếu đôi trai gái không còn tình nguyện. Trong tình huống này, hai bên tổ chức trả của. Nếu do chàng trai chủ động thì phải đền lại toàn bộ lễ vật ban đầu đã đưa để cúng ma nhà cô gái, nếu cô gái bỏ chàng trai phải đền gấp đôi lễ vật để cúng ma nhà chàng trai và phải mổ heo, gà, rượu tạ lỗi hai bên mối lái, gia đình [1, tr.101]. Đối với tội loạn luân, Luật tục Raglai xếp loạn luân thuộc loại kiêng to cữ lớn, người Raglai quan niệm, đây là nguồn gốc Nguyễn Ngọc Thanh 83 làm cho thần mặt trời, mặt trăng, thần sấm, thần sét, thần mưa, thần bão... nổi giận làm cho lụt lội nước biển dâng tràn. Luật tục quy định tội này có hai mức độ khác nhau. Một là, loạn luân trực hệ (anh em ruột thịt), đại loạn luân. Cặp hôn nhân nào vi phạm phải chịu hình phạt chui vào chuồng heo, ăn cám trong máng, bò đi như heo và lo lễ vật trâu trắng, heo, gà để thực hiện bốn nghi lễ: cúng chịu phạt với tổ tiên, cúng làm lành vị tổ sanh và tổ tiên ông bà, cúng tạ ơn tổ sanh và những người đứng ra lập đàn cúng tế; lập đàn xin tạ tội, tẩy rửa ô uế trước thần linh. Sau hình phạt, hai bên không được tiếp tục quan hệ vợ chồng với nhau, còn lén lút quan hệ với nhau, thì làng tổ chức xử phạt lần hai với hình phạt nặng hơn. Nếu tiếp tục vi phạm sẽ chịu hình phạt cao nhất là đuổi vào rừng, cắt đứt mọi quan hệ với làng và người trong làng. Ai gặp gỡ hoặc giúp đỡ sẽ bị xử phạt rất nặng. Hai là, loạn luân trong dòng họ xa có mức độ thấp hơn. Tội này được xét xử tùy theo từng đối tượng, nhưng cũng phải lập đàn để cầu cúng xin tạ tội với thần linh [1, tr.141]. Người Raglai coi việc cưới xin là mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong cuộc đời mỗi người. Vì vậy, luật tục hôn nhân có rất nhiều quy định về các khâu tổ chức đám cưới. Trước lễ cưới, đôi trai gái không được phép đi quá giới hạn. Nếu phạm phải những điều cấm kỵ, không còn “trai trắng gái lành” là xúc phạm đến “Ông chúa coi giữ sự trong trắng, Bà chúa coi giữ sự trinh bạch” (đây cũng là thần linh trông coi gìn giữ sự sinh tồn và phát triển giống bắp giống lúa). Bởi thế, giữ gìn sự trắng trong, trinh bạch trước hôn nhân được coi là điều thiêng liêng. Nếu đã quan hệ tình dục trước hôn nhân mà còn giấu giếm, không khai báo trung thực với mọi người xung quanh để làm lễ cưới phạt thì tội càng thêm nặng, vì đó là hành vi vô đạo, coi thường ông bà tổ tiên, coi thường các đấng linh thiêng ngự trị khắp trần thế. Nếu đã làm lễ cưới phạt, cô dâu chú rể phải chấp nhận nội dung quy định trong lễ cưới, đặc biệt là không được để mẹ đội khăn lên đầu cho, không có được sự chúc phúc của gia đình, dòng họ, không có sự chia vui của bạn bè và xóm làng. Đó là sự trừng phạt lớn nhất nên rất ít cặp hôn nhân nào dám phạm phải [10, tr.81]. 3. Luật tục Raglai về gia đình Đối với quan hệ gia đình, luật tục nêu các quy định trong việc sinh đẻ, nuôi con, trách nhiệm của cha mẹ, trách nhiệm của người phụ nữ, người chồng, trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi nấng, dưỡng dục con cái... Bên cạnh các điều luật khẳng định vai trò của cha mẹ đối với con cái thì còn nhiều điều luật quy định về chuẩn mực, hành vi ứng xử của con cái đối với ông bà, cha mẹ. Những tội danh như: con cháu hỗn láo với ông bà, cha mẹ; con bỏ rơi cha mẹ không chăm sóc; con không vâng lời cha mẹ... đều bị xử phạt nghiêm khắc. Điều đó đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quan hệ ứng xử trong gia đình cũng như trong cộng đồng người Raglai. Trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái cũng được quy định rõ ràng. Khi con cái gây tội vạ với làng nước, cha mẹ cũng bị liên đới theo. Tuy vậy, Luật tục Raglai không khuyến khích việc cha mẹ đối xử hà khắc, nặng lời chửi mắng hay đánh đập thậm tệ khi con mắc lỗi. Luật tục quy định con cháu phải lễ phép với người bề trên và phải luôn nhớ (hướng Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2019 84 đến) đến họ cho trọn đạo làm con. Con cháu dù bất cứ lý do gì cũng không được bỏ mặc, mà phải thương yêu, dưỡng nuôi ông bà, cha mẹ. Trường hợp con cái bỏ cha mẹ đi chỗ khác ở thì cha mẹ phải đi tìm con về, nếu con không về thì cha mẹ có quyền báo cho cộng đồng để huy động người đưa con về. Khi đứa con được mang về thì cha mẹ được phép đánh mắng, nếu người con hứa không đi nữa thì sẽ tha thứ. Con cái có ngôn từ xúc phạm ông bà, cha mẹ thì phải cúng lại cho họ một con gà. Con cháu không chăm sóc ông bà, cha mẹ thì bị bắt phạt hai con heo, một con tạ lỗi cho ông bà, một con tạ lỗi với dân làng, đồng thời phải lo ché rượu, quần áo mới để làm lễ tạ tội với ông bà. Trường hợp người đó không chịu thì già làng đứng ra xét xử. Người đó sẽ không được thừa kế tài sản của ông bà, cha mẹ để lại. Luật tục có quy định rõ hình thức xử phạt đối với con rể có hành vi bất kính với cha mẹ vợ hoặc những người họ hàng bên đó. Con rể mà đánh cha mẹ vợ thì tội nặng hơn là đánh cha mẹ đẻ. Trường hợp này anh ta chịu phạt vạ. Lễ vật phạt vạ gồm heo và gà. Nếu phạt vạ xong mà vẫn tái diễn thì bố mẹ vợ có quyền đuổi con rể ra khỏi nhà. Về quan hệ vợ chồng, người Raglai có quan niệm: con trai con gái xây dựng gia đình không đơn thuần là hạnh phúc lứa đôi, gia đình yên ấm mà còn là nghĩa vụ duy trì, phát triển cộng đồng dân tộc. Do đó, luật tục nêu ra nhiều chi tiết cụ thể về cuộc sống vợ chồng trong gia đình mẫu hệ về sau. Đa phần đó là sự phê phán các hành vi lố lăng, không giữ được sự chung thủy, tình yêu trọn vẹn giữa vợ và chồng. Trường hợp chồng bỏ vợ đi biệt tích lâu năm, gia đình nhà chồng và ông mai khi xưa phải đứng ra nhận trách nhiệm trước bên thông gia. Trường hợp vợ chồng ngoại tình, tục gọi là “bắt vợ nhau”, cả hai kẻ ngoại tình đều phải bị phạt, nhưng với mức độ khác nhau. Những người đã có vợ có chồng mà ngoại tình với nhau thì không chỉ có tội với vợ/chồng chính thức của mình mà còn bị coi là xúc phạm đến tổ tiên ông bà, xúc phạm đến thần linh. Sau khi xử việc, bên cạnh khoản đền bù vật chất, việc cúng tế tẩy rửa không chỉ phải làm một lần mà còn phải làm nhiều lần, kéo dài vài ba năm. Trường hợp đàn ông có vợ mà ngoại tình với gái chưa chồng, vì cô gái được xem là “gái lành”, nhẹ dạ mà bị “đàn ông hư thân mất nết” dụ dỗ, lừa gạt, nên không phải chịu phạt trước gia đình và dân làng. Người đàn ông lăng nhăng phải chịu phạt một mặt Mã la, heo 3-6 gang tay, ché rượu tạ tội cho cô gái và gia đình cô gái, trên danh nghĩa là đền bù sự mất mát trinh tiết cho cô gái (hayar valơu), lại chịu phạt heo, gà cho cả gia đình vợ. Đồng thời phải hứa cắt đứt quan hệ, không đi lại với cô gái nữa, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị làng phạt gấp đôi, gấp ba. Người Raglai rất trân trọng đức tính thật thà, cho nên người nào ghen tuông mà nói dối, vu khống vợ mình (với) chồng người, vợ người (với) chồng mình... thì phải chịu phạt. Sau cuộc xử việc với sự có mặt của mẹ cha, cậu, chú, mối lái hai bên (để biện hộ phân xử), người vu khống sẽ phải nộp ché rượu cần, heo, gà để cúng cho người bị vu khống, tạ tội và nói lời cam đoan. Luật tục hoàn toàn không ủng hộ bạo lực giữa vợ và chồng. Chuyện vợ đánh chồng là rất hãn hữu cho nên không có quy định xử lý cụ thể, nhưng trường hợp ngược lại thì có. Người chồng vì ghen tuông, hay vì một nguyên nhân nào đó mà làm hại vợ, làm vợ bị thương thì phải tìm thầy, tìm thuốc về chữa cho vợ lành, đồng thời phải tạ lỗi cha Nguyễn Ngọc Thanh 85 mẹ, ông bà nhà vợ. Còn nếu chủ ý cài bẫy để vợ bị thương hay chết thì bắt buộc phải đền mạng. Đây là một đặc điểm trọng yếu cho thấy luật tục mang tính chất bảo vệ người phụ nữ, bảo vệ chế độ mẫu hệ. 4. Vận dụng Luật tục Raglai vào thực hiện Luật hôn nhân và gia đình Luật tục Raglai tồn tại dưới dạng lời nói có vần, điệu, giàu hình ảnh, cụ thể, sinh động, đa phần là truyền miệng, làm cho người ta có thể hình dung và nhận thức bằng trực giác. Điều này khác hẳn với ngôn ngữ pháp luật là những văn bản được khái quát hóa cao, ngắn gọn, chính xác. Mặt khác, luật tục được hình thành do nhu cầu quản lý xã hội cộng đồng, tính chất của hoạt động quản lý tuy còn khá đơn giản nhưng lại tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của các thành viên trong cộng đồng. Trong điều kiện các quan hệ hôn nhân ngày càng trở nên phức tạp, thì những phong tục tập quán tốt đẹp và các quy định tiến bộ của luật tục đang phát huy vai trò tích cực. Ngược lại, Luật hôn nhân và gia đình cũng có sự tác động trở lại luật tục một cách mạnh mẽ. Nhờ có luật, các quy định tiến bộ trong luật tục được củng cố và phát huy, các quy định lỗi thời như hôn nhân nối nòi, đánh đuổi người vi phạm luật tục ra khỏi làng, con đã thành niên vi phạm luật tục nhưng bắt cha mẹ bồi thường... đã từng bước được xóa bỏ. Các tội hiếp dâm, trộm cắp, tranh chấp về đất đai, thừa kế, bồi thường thiệt hại trước đây do chủ làng và các đầu khôn người già xử lý theo luật tục thì nay đã được đưa đến Tòa án nhân dân để giải quyết. Đặc biệt, nhiều quy định tiến bộ của Luật tục Raglai được phản ánh khá rõ nét trong Luật hôn nhân và gia đình. Luật đã đề cập đến các hành vi phải nghiêm cấm để bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình như vi phạm chế độ một vợ một chồng; kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; cưỡng ép kết hôn/ly hôn, lừa dối kết hôn/ly hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác (hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ); kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể (điều 5, chương I, Luật hôn nhân và gia đình 2014) [7]; ngược đãi, hành hạ, xúc phạm ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị em và các thành viên khác trong gia đình; xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội (điều 4, chương I và điều 34 chương IV, Luật hôn nhân và gia đình 2000) [6]... Luật khuyến khích thực hiện các quyền và nghĩa vụ: hôn nhân tự nguyện, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; các thành viên gia đình tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau (điều 2, chương I, Luật hôn nhân và gia đình 2014); vợ chồng thương yêu, chung thủy, tôn trọng nhau (điều 19, chương III, Luật hôn nhân và gia đình 2014); cha mẹ chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ (điều 69, chương V, Luật hôn nhân và gia đình 2014); cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên (điều 74, chương V, Luật hôn nhân và gia đình 2014); con có Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2019 86 bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình (điều 70, chương V, Luật hôn nhân và gia đình 2014); con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, khuyết tật (điều 71, chương V, Luật hôn nhân và gia đình 2014); cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại (điều 104, chương VI, Luật hôn nhân và gia đình 2014); anh, chị, em thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ (điều 105, chương VI, Luật hôn nhân và gia đình 2014); cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau, có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con (điều 106, chương VI, Luật hôn nhân và gia đình 2014) [7]... Có thể nói, so với các lĩnh vực pháp luật khác, Luật hôn nhân và gia đình và lĩnh vực hôn nhân trong Luật tục Raglai có mối quan hệ khá gần gũi. Các quy định trong chương các trọng tội của Luật tục Raglai có sự tương đồng với các quy định của phần “bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình” trong Luật Hôn nhân và Gia đình (và cả phần “các tội phạm” trong Luật Hình sự) của Nhà nước. Đồng thời, luật ghi nhận hầu hết những điểm tinh hoa nhất của Luật tục Raglai trong quan hệ hôn nhân và quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, đề cao sự đoàn kết gắn bó của các thế hệ cùng chung sống, làm việc, tương trợ nhau, chịu trách nhiệm về hành vi của nhau [9, tr.497]. Bên cạnh những ưu điểm trên, Luật tục Raglai còn một số hạn chế. So với Luật hôn nhân và gia đình nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung (vốn đề cao quan hệ bình đẳng ngang nhau giữa các cá nhân), các quy định về hôn nhân trong Luật tục Raglai bảo vệ chế độ hôn nhân theo chế độ mẫu hệ, quan hệ trong gia đình do đó là quan hệ một chiều, đề cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Theo quan niệm của người Raglai, vai trò quyết định trong gia đình thuộc về người vợ, người chị gái hoặc người phụ nữ lớn tuổi nhất. Đàn ông không có quyền từ chối đi ở rể (nếu nhà gái yêu cầu), và quyền để lại thừa kế cho mẹ đẻ hay những người trong dòng tộc của mình thì bị hạn chế. Tuy họ có thể đề xuất ly hôn trong một số trường hợp, song, nhìn chung xã hội bộc lộ sự thiên vị cho người vợ hơn khi xử lý các vấn đề phát sinh trong ly hôn và hậu ly hôn. Có những điều trong luật tục thể hiện khoảng “vênh” hay xung đột trực tiếp với luật của Nhà nước. Cụ thể, người Raglai không cấm người chồng lấy hai vợ trong trường hợp vợ đầu không sinh được con, không cấm chồng ly hôn khi người vợ đang mang thai hoặc nuôi con sơ sinh. Thay vì cho phép người có quan hệ huyết thống từ 3 đời trở lên lấy nhau, một số nơi chỉ cho phép khi đủ 7 đời trở lên, hoặc khi hai người khác họ hoặc chi họ. Trường hợp cha mẹ đều qua đời mà không để lại di nguyện, tài sản cha mẹ làm ra (và tài sản cha mẹ kế thừa từ ông bà) không được chia đều cho các con mà thường trao cho con gái cả hoặc con gái út mà không trao cho con trai trong nhà. Do đó, việc áp dụng quy định của Luật hôn nhân và gia đình, Luật Thừa kế, Luật Đất đai khi giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực hôn nhân gia đình nhiều khi vấp phải sự phản ứng của cộng đồng Raglai [9, tr.498]. Phương thức xử việc theo cách truyền thống cũng có điểm chưa tiến bộ. Trước Nguyễn Ngọc Thanh 87 đây, các vụ xử kiện chủ yếu theo hình thức họp dân làng tuyên bố tội trạng của người vi phạm bằng cách đọc những đoạn thi ca truyền khẩu và tuyên phạt đền bằng hiện vật. Hoạt động này tuy nhanh gọn nhưng không có bất cứ một cơ quan nào giám sát, người phạm tội không có quyền khiếu nại, không có quyền được kêu oan trong trường hợp bị xét xử oan. Nhìn từ góc độ khác, có nhiều phong tục tập quán tiến bộ được quy định trong luật tục đã được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, nhưng chưa nghiêm khắc, chưa triệt để, xuất phát từ việc thiếu chế tài thích hợp, hoặc hạn chế từ chính bản thân phương thức thực hiện luật. Chẳng hạn: tội loạn luân trong Luật tục Raglai, bị xử lý bằng những hình phạt hết sức nặng nề, cho nên trong xã hội truyền thống gần như không có ai phạm tội này. Song, tội loạn luân được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ được coi như một điều cấm chứ không có chế tài xử lý riêng mang tính răn đe. Tội này hầu như chỉ bị phạt hành chính, hoặc được tính như một tình tiết tăng nặng cho một tội khác được quy định trong Luật Hình sự (giao cấu với trẻ em có yếu tố loạn luân, cố tình lây truyền bệnh truyền nhiễm bằng quan hệ tình dục có yếu tố loạn luân, ngoại tình có yếu tố loạn luân) [9, tr.499]. Các tội ngược đãi, bạo hành trong gia đình, các cơ quan pháp luật chỉ vận dụng được luật khi người bị hại có đơn yêu cầu và họ xác minh được người bị hại đã chịu tổn hại về thể chất hoặc tinh thần, còn không thì không có căn cứ để xét xử. Trong khi đó, đối với người Raglai, cha mẹ thường không đưa đơn tố cáo con cái ngược đãi mình mà trưởng thôn, buôn tự biết việc xảy ra trong cụm dân cư để áp dụng luật tục. Như vậy, việc xử lý bằng Luật tục Raglai trong trường hợp này sẽ nhanh chóng và triệt để hơn pháp luật. Vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân, pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ có quy định xử lý tội quan hệ tình dục trước tuổi quy định gắn với hành vi giao cấu với trẻ em (thường là nam trên tuổi vị thành niên quan hệ với nữ tuổi vị thành niên), chứ hoàn toàn không có chế tài xử lý hành vi quan hệ tình dục tự nguyện giữa nam và nữ vị thành niên như quy định về đám cưới tẩy rửa trong Luật tục Raglai. Nan giải nhất là pháp luật chỉ xử lý được các vấn đề phát sinh trong quan hệ gia đình khi hôn nhân giữa vợ và chồng được thừa nhận trên luật định, tức là phải có giấy đăng ký kết hôn. Những trường hợp không có giấy đăng ký kết hôn mà tổ chức đám cưới hay chung sống như vợ chồng thì không thể giải quyết vấn đề bằng pháp luật được. Không như luật tục vốn xác định quan hệ vợ chồng bằng đám cưới (đám cưới chính thức hay cưới phạt đều được), pháp luật xác định mối quan hệ này bằng chứng nhân đăng ký kết hôn có đóng dấu đỏ của chính quyền cấp xã (điều này còn xa lạ với đồng bào ở nhiều khu vực vùng sâu vùng xa). Sự lúng túng, thiếu kiên quyết đối với các trường hợp kể trên là một thực tế đã và đang diễn ra ở tộc người Raglai nói riêng và vùng dân tộc thiểu số nói chung. Vì vậy, cần phải có sự nghiên cứu, điều chỉnh lại hệ thống pháp luật từ các cơ quan Trung ương trong thời gian tới. 5. Kết luận Luật tục Raglai được hình thành từ nhu cầu quản lý xã hội và được cộng đồng thừa nhận, thực hiện một cách tự giác. Qua một Khoa học xã hội Việt Nam, số 7 - 2019 88 thời gian dài áp dụng, được sàng lọc và kiểm nghiệm tính hợp lý trong thực tiễn, nó đã trở thành truyền thống, trở thành những chuẩn mực mang tính phong tục. Luật tục có thể coi là tri thức của tộc người với những quy định cấm đoán, khích lệ hay xử phạt, được mọi người thừa nhận và mọi cá nhân, gia đình, dòng họ phải tuân theo. Trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định, luật tục là nền tảng của pháp luật nhà nước, và người ta sợ sự trừng phạt của luật tục hơn là sự trừng phạt từ pháp luật. Luật tục đã góp phần quan trọng xây dựng một xã hội Raglai đoàn kết, tương trợ nhau trong sản xuất và trong đời sống, một xã hội giàu tính nhân văn. Chú thích (2) Xem lời nói vần từ trang 509 đến trang 684 trong cuốn Luật tục Chăm và Luật tục Raglai [3]. (3) “Nội dung Luật tục truyền thống Raglai” được sắp thành 1 chương, 18 mục, với 209 điều, cụ thể như sau: 69 điều về những quy định chung về tổ chức xét xử, thành phần xét xử, phương thức xét xử sự vụ, sự việc từ nhẹ đến nặng; 3 điều về quyền sở hữu đất đai, rừng núi không ai được xâm phạm đến; 6 điều về bảo vệ môi trường, nguồn nước, thú rừng; 10 điều về bảo vệ rừng, bảo vệ đất; 11 điều về bảo vệ của cải, tài sản; 4 điều về tội trộm cắp, lừa gạt, chiếm đoạt tài sản; 8 điều về quản lý, bảo vệ trâu bò, gia súc; 21 điều về hôn nhân, cưới xin và nhiệm vụ đối với gia đình; 4 điều tội về tình dục, 6 điều về tội loạn luân; 11 điều về quan hệ giữa cha mẹ và con cái, 19 điều về quan hệ vợ chồng; 4 điều về lời ăn tiếng nói; 12 điều về hành vi chung trong xã hội; 22 điều về những tội nặng. Tài liệu tham khảo [1] Nguyễn Hữu Bài, Trần Kiêm Hoàng, Lê Văn Hoa, Trần Vũ, Chamaliaq Riya Tiẻnq (2014), Văn hóa dân gian Raglai ở Khánh Hòa, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh. [2] Phan Đăng Nhật (Chủ biên) (2003), Luật tục Chăm và Luật tục Raglai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. [3] Phan Đăng Nhật (2007), “Luật tục - một giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1. [4] Nguyễn Quang Ngọc (2003), “Nguyên tắc xây dựng và các thời điểm xuất hiện hương ước”, Đào Trí Úc (Chủ biên), Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [5] Hoàng Văn Quynh (2018), Luật tục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam (Qua luật tục của các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc và Tây Nguyên), Luận án Tiến sĩ, Học viện khoa học xã hội, Hà Nội. [6] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2000), Luật Hôn nhân và Gia đình. [7] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Hôn nhân và Gia đình. [8] Lê Hồng Sơn (2003), “Mối quan hệ giữa hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và pháp luật của Nhà nước”, Đào Trí Úc (Chủ biên), Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. [9] Nguyễn Ngọc Thanh (Chủ biên) (2018), Hôn nhân và gia đình của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [10] Nguyễn Ngọc Thanh, Nguyễn Linh Hương (2016), “Luật tục Raglai về Hôn nhân”, Tạp chí Văn hóa học, số 3. ................................

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluat_tuc_raglai_ve_hon_nhan_va_gia_dinh.pdf
Tài liệu liên quan