Nghiên cứu tôn giáo - Trai đàn chẩn tế Triều Nguyễn

Lập trai đàn tế độ thể hiện rõ bản chất từ bi hỷ xả của Phật giáo, mang cả ý nghĩa cho việc điều hòa âm dương: “Quan binh vây đánh cô thành đã lâu, thời gian đó người bỏ mình không ít, nay nhân kỳ rửa giáp nên lập thêm bài vị các tướng sĩ trận vong trong cuộc tiễu bình đạo Phiên An tại các đàn thủy lục và các đàn ở bến sông, tiếp tục cử hành bạt độ cho được hưởng phước nơi cõi u minh, cũng thể hiện tấm lòng thương xót của hoàng thượng”. Các địa phương nơi có nhiều tử thi chôn vùi do chiến trận, hoặc do bão lụt, hay do dịch bệnh, nên trai đàn được lập cốt “cho khí dương hòa lan khắp, khí âm uất tiêu tan, để cùng đến chỗ yên vui, hưởng khúc thanh bình”21, cũng là để thể hiện lòng thương nhớ khôn nguôi đối với người trong cõi u minh.

pdf12 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 635 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nghiên cứu tôn giáo - Trai đàn chẩn tế Triều Nguyễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
54 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 NGUYỄN HỮU SỬ* TRAI ĐÀN CHẨN TẾ TRIỀU NGUYỄN Tóm tắt: Triều Nguyễn (1802 - 1945) mặc dù lấy Nho giáo làm phương thức quản lý quốc gia, nhưng cũng rất tôn sùng Phật giáo. Hằng năm, triều đình tổ chức hàng loạt trai đàn với quy mô lớn nhỏ khác nhau, trong đó Trai đàn chẩn tế, còn gọi là Thủy lục pháp hội, Thủy lục đạo tràng là một trong những nghi lễ long trọng nhất của Phật giáo. Nghi lễ này mang đậm màu sắc Mật tông, cũng là nghi lễ mang tính tương tác lớn với nghi lễ của Đạo giáo. Khảo sát trai đàn được tổ chức dưới triều Nguyễn góp phần làm rõ vấn đề nghi lễ Phật giáo đóng vai trò gì đối với việc trị lý quốc gia, tác động tới đời sống xã hội trong quá khứ là một điều không thể thiếu. Từ khóa: Trai đàn chẩn tế, Thủy lục pháp hội, Thủy lục đạo tràng, triều Nguyễn, Phật giáo, Mật tông, Đạo giáo. 1. Đặt vấn đề Triều Nguyễn (1802 - 1945) được xây dựng theo mô hình và quy chuẩn của một nhà nước lấy Nho giáo làm rường cột, nhưng vẫn rất sùng kính Phật giáo. Nhà nước không những đứng ra xây dựng lại chùa chiền, nhất là những ngôi chùa gắn liền với sự nghiệp của dòng họ mình, đặt một số ngôi chùa thuộc hàng quốc tự, thiết lập Tăng chế, đặt ra Tăng cang trụ trì các ngôi chùa này. Dưới triều Gia Long, chức Tăng cang chỉ được đặt cho vị trụ trì chùa Thiên Mụ. Các vua kế tiếp lập thêm nhiều quốc tự, cử thêm Tăng cang phụ trách các ngôi chùa đó. Chức vị này ban đầu do vua cắt cử, về sau do Bộ Lễ đứng ra tổ chức sát hạch và cấp sắc chỉ. Hằng năm, triều đình còn tổ chức các đàn tràng cúng lễ với quy mô lớn, tế lễ dài ngày, đặc biệt là việc tổ chức Trai đàn chẩn tế. 2. Nguồn gốc Trai đàn chẩn tế Trai đàn chẩn tế, còn gọi là Thủy lục pháp hội, Thủy lục đạo tràng là một trong những nghi lễ long trọng nhất của Phật giáo. Nghi lễ này mang * NCV., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nguyễn Hữu Sử. Trai đàn chấn tế triều Nguyễn. 55 55 đậm màu sắc Mật tông. Đây cũng là một nghi lễ đáng chú ý, gắn liền với việc thờ cúng trong dân chúng. Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc gần đây như Lưu Lê Minh, Y Phú1 cho rằng, Thủy lục pháp hội là sản phẩm kết hợp giữa Minh đạo vô già đại trai (冥 道 無 遮 大 齋) của Mật tông và Lục đạo từ sám (六 道 慈 懺) của Lương Vũ Đế (464 - 549). Nhưng theo Phật tổ thống ký (佛 祖 統 紀), quyển 33, Lương Vũ Đế được thần tăng báo mộng, lại được Bảo Trí khuyến khích mà tìm đọc Đại Tạng Kinh (大 藏 經), thiết lập nên Thủy lục pháp hội ở chùa Kim Sơn vào năm Thiên Giám thứ tư (505). Thời Bắc Chu và thời nhà Tùy, nghi lễ này không còn được sử dụng. Tới năm Hàm Hanh (670 - 673), nhà sư Thần Anh tìm được bản Thủy lục nghi văn (水 陸 儀 文) của Lương Vũ Đế, theo đó thiếp lập trai đàn, nên nghi lễ này dần lại được lưu hành rộng rãi. Tới thời Bắc Tống, Dương Ngạc tuyển ba quyển Thủy lục nghi (水 陸 儀), Tô Thức tuyển Thủy lục tán (水 陸 贊) 16 quyển, còn gọi là My sơn thủy lục (眉 山 水 陸). Tới thời Nam Tống, Trí Bàn lại tuyển thành nghi quỹ sáu cuốn, với 26 trục tranh (dùng treo trong trai đàn). Các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Thủy lục pháp hội rất thịnh hành. Cuối thời nhà Minh, Chu Hoằng chỉnh sửa lại Thủy lục nghi văn (水 陸 儀 文) của Trí Bàn trở thành Thủy lục tu trai nghi quỹ (水 陸 修 齋 儀 軌). Thời nhà Thanh, nghi quỹ này tiếp tục được chỉnh sửa và trở thành bản mẫu cho việc tổ chức Thủy lục trai đàn hiện nay2. Thủy lục trai đàn được phân thành nội đàn và ngoại đàn, lấy nội đàn làm chủ (chủ pháp, chính biểu, phó biểu), treo tranh Phật Tỳ Lô Giá Na, Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, bày hương, hoa, đèn, trà, quả làm đồ cúng. Ngoại đàn có Lương Hoàng Sám (24 người), Hoa Nghiêm (hai người), Pháp Hoa, Chư Kinh, Tịnh Độ (ba đàn, mỗi đàn bảy người), Thí thực (số người do chủ đàn điều phối). Toàn bộ pháp sự thông thường là bảy ngày. Về trình tự, ngày đầu tiên sái tịnh, kết giới, dựng phan. Sau đó lần lượt là thỉnh thánh (thỉnh thượng đường), phụng dục, cúng thượng đường, thỉnh xá, thỉnh hạ đường, phụng dục, quy y, cúng hạ đường, thân chúc, tới ngày thứ bảy thì phổ cúng ở thượng đường, hạ đường sau đó là tống thánh. Thí thực đàn từ ngày đầu tiên bắt đầu phóng diệm khẩu, tới đêm ngày thứ sáu thì nội đàn Thủy lục pháp sư và các đàn khác tăng chúng cùng phóng ngũ phương diệm khẩu. 56 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 56 3. Tổ chức trai đàn triều Nguyễn Năm 1299, vua Trần Nhân Tông ban khoa giáo nhà Phật, trong đó có bộ Pháp sự đạo tràng công văn cách thức (法 事 道 場 公 文 格 式) cho kinh thành và các lộ trong nước. Sách này hiện không còn, nên không thể khảo cứu được việc sử dụng khoa giáo có nghi thức Thủy lục hay không. Tới năm Đồng Khánh thứ nhất (1885), sau khi Bộ Lễ phúc tra lục các văn thư bộ tịch hiện còn, trong đó có tập Trai đàn sự lệ (齋 壇 事 例) ghi từ năm Tự Đức thứ nhất đến năm Tự Đức thứ 15. Theo chúng tôi, những ghi chép hiện còn về Thủy lục ở Việt Nam xuất hiện đầu tiên trong Thủy lục chư khoa (水 陸 諸 科) Nguyên phái Trúc Lâm (Tuệ Đăng Chân Nguyên Yên Tử) soạn. Sách hiện còn bốn bản in, một bản viết 3. lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; gồm các khoa cúng như: thỉnh Phật, nghinh sư, chiêu hồn, tiếp vong linh, tẩy uế, tạo lỗi, sám hối, v.v Trong lời tựa của sách, Tăng thống Thanh Như cho biết, Thiền sư Chuyết Chuyết dựng đàn tụng trì chú ở Thăng Long, sau đó “sai đệ tử pháp danh là Minh Huyễn quay trở về Bắc (Trung Quốc) đem các khoa nghi mang tới, Tổ tiếp tục nhuận sắc mà thành”4 nghi quỹ, sau đó in ấn truyền bá rộng rãi. 3.1. Mục đích tổ chức trai đàn Việc tổ chức trai đàn dưới triều Nguyễn chủ yếu do những nguyên nhân sau đây: - Trai đàn chúc thọ hoàng đế. Việc tổ chức trai đàn nhằm chúc thọ hoàng đế được chính quyền trung ương chú trọng, chính quyền địa phương quan tâm. Vào năm Minh Mạng thứ 21, năm Thiệu Trị thứ sáu, năm Tự Đức thứ 22, triều đình đứng ra tổ chức trai đàn chúc thọ hoàng đế với quy mô rộng rãi trong toàn quốc và kéo dài ngày (thường là 21 ngày). Chính quyền nhiều địa phương, chẳng hạn lý dịch hương hào hai phường ấp Tráng Tiệp và Thuận Trạch, tỉnh Quảng Bình tình nguyện thiết trai đàn khai kinh chúc thọ nhà vua tại chùa Cảnh Tiên và chùa Hoằng Phước năm Tự Đức thứ 32. - Trai đàn truy tiến hoàng đế. Khi vua Minh Mạng vừa lên ngôi, Công chúa Ngọc Tú xin làm lễ truy tiến vua Gia Long: “Đặt đàn chay lớn ở chùa Thiên Mụ. Thái trưởng công chúa Ngọc Tú thường nói xin làm đàn trai để truy tiến tiên đế... vua cho là phải. Sai Tôn Thất Dịch cùng vệ úy Trần Đăng Long đến trước cửa chùa Thiên Mụ, dựng nhà tranh, sắm đồ Nguyễn Hữu Sử. Trai đàn chấn tế triều Nguyễn. 57 57 vật. Đến nay bèn dựng đồ chay tam thất. Thái trưởng công chúa làm chủ đàn chay, các tước công, hầu lần lượt đến dâng hương”5. Các vua Thiệu Trị, Tự Đức đều tổ chức trai đàn truy tiến nhân những dịp lễ tường (tiểu tường, đại tường). - Trai đàn bạt độ tướng sĩ trận vong, dân chúng bị chết do thiên tai dịch họa. Trai đàn nhân việc bình định Bắc Kỳ, bạt độ tướng sĩ trận vong được tổ chức tương đối nhiều vào những năm Minh Mạng thứ sáu, thứ 16, thứ 18, thứ 21; những năm Thiệu Trị thứ nhất, thứ hai, thứ tư, thứ bảy. Ngoài những trường hợp nêu trên, trai đàn còn được tổ chức với mục đích khác như khánh thành chùa Diệu Đế năm Thiệu Trị thứ tư, đúc đại hồng chung chùa Diệu Đế năm Thiệu Trị thứ sáu. Trai đàn cầu mưa do Vương Hữu Quang, tuần phủ Bình Định, hộ lý tổng đốc Bình Phú tổ chức những năm Tự Đức thứ sáu và thứ bảy. 3.2. Thiết lập, chuẩn bị trai đàn Để thiết lập đàn tràng quy mô lớn thì công tác chuẩn bị diễn ra từ rất sớm, thậm chí trước khi tổ chức vài tháng. Một trong những công việc đầu tiên là tuyển sư tăng tham gia trai đàn. Công việc này diễn ra không chỉ ở kinh đô Huế, mà còn ở những địa phương khác như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Định. “Ngày 24 tháng 5, Trấn thủ Quảng Ngãi Nguyễn Văn Soạn dâng sớ tâu rằng đã sức gọi Hòa thượng Huệ Quang và 36 tăng chúng lên đường về kinh dự trai đàn chùa Thiên Mụ”6. “Ngày 27 tháng 5, công truyền thôi tại hạt Quảng Nam là Phước Lâm hòa thượng cùng tăng chúng 20 người... cho hòa thượng cùng tăng chúng đi đường thủy... về kinh hầu trai đàn”7. Khi được các địa phương đệ trình danh sách người tham dự vào việc thiết lập đàn tràng, nhà vua là người cuối cùng phê chuẩn và sửa chữa danh sách này. Sự việc này được ghi lại khá chi tiết vào năm Minh Mạng thứ hai như sau: “Gia Định 66 tên: Hòa thượng 1 (châu cải 6), đại sư 19 (châu cải 4), tăng chúng 41 (châu cải: 26), tùy tùng 5 (châu cải 2); Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi 142 tên: Hòa thượng 2 (châu cải 5), đại sư 15 (châu cải 3), tăng chúng 99 (châu cải 2), tùy tùng và tiểu 26 (châu cải 1); Quảng Nam 26 tên: Hòa thượng 1, đại sư 1, tăng chúng 18, tiểu 6; Quảng trị 32 tên: Đại sư 7, tăng chúng 23, tiểu 2; Quảng Bình 31 tên: Hòa thượng 1, tăng chúng 35, tùy tùng 17. Thiên Mụ, Quảng Đức 211 tên: Hòa thượng 1, đại sư 30, tăng chúng 175, tiểu 5. Thiên Mụ 57 tên: Hòa thượng 1 (châu cải 10), đại sư 10 (châu cải 5), tăng chúng 45 (châu 58 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 58 cải 3), tiểu 1 (châu điểm); Quảng Đức 154 tên: Đại sư 20 (châu cải 3), tăng chúng 130 (châu cải 2), tiểu 4 (châu cải 1). Cộng chung tất cả là 419 tên (châu cải 1.014): Hòa thượng 4 tên, đại sư 64 tên, tăng chúng 315 tên, tùy tùng và tiểu 36 tên”8. 3.3. Dựng đàn tràng và diễn tập trước khi mở trai đàn Mọi việc thiết lập trai đàn đều phải thương nghị cùng Bộ Lễ và Bộ Công. Đàn tràng chủ yếu đặt trong khuôn viên ngôi chùa, nhưng không bị bó hẹp bởi kiến trúc, mà thường được mở rộng ra ngoài chánh điện, cất thêm nhà rạp, lập thêm các đàn khác nhau để cúng lễ. Năm Thiệu Trị thứ bảy, trước Đại Hùng điện cất một nhà rạp, trong rạp tả hữu có bốn án thờ chia ra trần thiết từ phó vệ úy trở lên. Nhà bên tả bên hữu có 10 án thờ chia ra trần thiết từ chánh quản cơ cho đến binh đinh, cộng là 14 án. “Từ khi Nam kỳ Đà Nẵng xảy ra có việc đến nay, số binh dân dũng trận vong bệnh chết trong các đạo Bắc Nam khá nhiều, nên đề nghị đặt thêm hai án. Nếu chỉ cất một nhà rạp lớn cho 16 án này thì quá chật, vì trong rạp đã thiết các án thờ Phật chỉ còn dư hai bên tả hữu đủ thiết 2 án mà thôi”9. Năm Tự Đức thứ 23, “xin cất thêm trước nhà rạp một tòa nữa để tiện chia ra thiết 4 án cho quan viên, bên tả bên hữu 2 dãy, mỗi dãy thiết 5 án cho biền binh, cuối dãy bên tả thiết một lầu chuông, cuối dãy bên hữu thiết một lầu trống. Chính giữa nhà rạp ngoài hàng rào phía Nam dựng một tràng phan lớn, phía trước lập một thủ phan lầu. Trước nhà rạp hai bên tả hữu đều dựng bảo tràng phan. Chung quanh trai đàn dựng hàng rào thưa, tiền hậu tả hữu đều thiết cổng để tiện ra vào”10. Thiết trai đàn phúng kinh chúc thọ ba thất tại chùa Diệu Đế: “Đề nghị xin cất thêm nơi sân trước Đại Giác điện một tòa nhà tạm (3 gian 2 chái để thiết án thờ), mặt sau 2 tòa nhà tạm bên tả và bên hữu (mỗi tòa 5 gian 2 chái, tòa bên tả để tăng chúng ở, tòa bên hữu để sửa soạn các mâm cúng và cầu lầu, trụ phướn... xin lượng phái 2 quản vệ, 4 suất đội, 200 lính)... (năm ngoái nguyên có làm lầu tạm, sau khi xong việc dỡ đem về để tại xưởng hữu quân)... (Chốt) làm 3 tòa nhà tạm, 2 sở đàn, lầu, trụ phướn, trụ đèn”11. Công việc diễn tập trước khi tổ chức trai đàn tương đối hiếm, chỉ thấy xuất hiện một lần sau lễ đăng quang của vua Thiệu Trị. Cụ thể, vua Thiệu Trị xuống chiếu lập một đàn tế cho tất cả thần kỳ trong danh sách thờ tự cùng với các danh sơn, đại xuyên ở địa phương như các chùa Tam Thai, Từ Tâm, Ứng Chơn ở núi ngũ hành, các động Hoa Nghiêm, Vân Tàng cùng các thần kỳ ở núi thuộc hạt Quảng Nam. “Các chư tăng, chúng cùng Nguyễn Hữu Sử. Trai đàn chấn tế triều Nguyễn. 59 59 mở trai đàn ở chùa Thiên Mụ, cùng với thuộc phủ hạt Thừa Thiên gồm 83 người cùng đến để diễn tập trước. Chiếu cấp cho mỗi tên một quan tiền, một vuông gạo để chi dùng, chờ đến ngày trai đàn họp cùng các tên khác sẽ ứng biện chiếu số chi cấp”12. Trai đàn có lúc còn được đích thân vua ban thơ ngự chế, dùng son chép một trang, dùng mực chép năm trang, bảng chữ son dán vào cổng (sau đổi cổng thành đặt ở Trung điện) còn năm bản chữ mực thì đem chia đến các nơi thủy lục bến bãi có thiết bàn thờ tướng sĩ để hóa. Chuẩn bị giấy vàng, giấy bạc, giấy minh y, giấy tiền, các thứ giấy ngũ sắc, hương, đồ trang điểm; cơm nước khoản đãi ở trai đàn các chùa, sắm sửa muối, rau, cơm chay, chiếu cấp cho binh dân tháp tùng. Họ hàng tướng sĩ trận vong nếu có đến trai đàn chiêm bái cũng phải sắm sửa cơm chay trà nước khoản đãi đầy đủ. Còn vợ con các binh dân khác thì bảy ngày cấp cho mỗi người một bách. Ngoài công việc sắp xếp, Viện Hàn lâm còn đứng ra viết sớ văn để đọc tụng trong lễ nghi trai đàn, phụng “kiểm khoa điệp của chư tăng như các loại chữ minh dương, nếu chữ nào không có căn cứ chính xác trong kinh điển đều cải chính lại”13. 3.4. Nghi lễ trong trai đàn Kinh điển Phật giáo đọc tụng trong trai đàn chủ yếu là Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa, Lăng Nghiêm, Lăng Già, Kim Hoa, Khổng Tước Minh Vương, Kim Cương Chân Sớ, Dược Sư, v.v... Năm Tự Đức thứ 32, khi được hỏi trai đàn mở ra thì “Tụng kinh gì? Cần thiết việc gì? Mấy bộ? Mỗi bộ mấy quyển?”, các Tăng cang tấu trình lên rằng: “Đa phần khai kinh từ nhất thất (7 ngày) tới tam thất (21 ngày) đều tụng Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa một bộ gồm 7 quyển (nếu muốn sinh con trai thì sinh được con trai phúc đức, muốn cầu con gái thì sinh được con gái đoan chính), Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân một bộ 7 quyển, Kinh Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương một bộ 3 quyển (đều nhằm việc cầu chúc trường thọ mắt sáng), Kinh Dược Sư một bộ 1 quyển (tiêu tai diên thọ), Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm một bộ 81 quyển (cầu muôn sự như ý). Năm bộ này tụng hết thì nối tiếp tục bộ khác”14. Trai đàn bên cầu Bạch Hổ năm Tự Đức thứ 23 nhằm cầu siêu cho các quan binh dân dũng từ năm Tự Đức thứ nhất đến năm Tự Đức thứ 23 đã tử trận hay vì bệnh hi sinh. Việc tổ chức hương đèn hay quy trình được ghi lại một cách chi tiết như sau: 60 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 60 “Ngày 16: Giờ Thìn: Lễ dựng cột phướn (lễ dùng 5 mâm cúng hạng nhì và các thứ vàng bạc hương đèn trầm trà trầu rượu dưới cũng vậy phụng cúng thần giữ phướn). Giờ ấy dự cáo Lễ khởi cổ (lễ dùng 3 bộ áo mũ phụng cáo các thần đương cảnh, phóng 3 tiếng súng lớn và 3 ngàn tiếng pháo phượng vĩ). Giờ Tỵ: Lễ thượng phướn (1 trụ dùng 30 thước vải vàng, 2 trụ dùng vải xanh vàng mỗi trụ 20 thước), giờ ấy cung đề các thần vị chư linh (không có lễ phẩm). Giờ Ngọ: Lễ khai kinh (cúng 15 mâm cơm chay, 3 mâm hạng nhất cúng tại bàn Tam thế, 12 mâm hạng nhì chia cúng tả hữu Thập điện, Giám đàn, Mục Liên, Địa Tạng, Hộ pháp, thần giữ phướn cùng các thứ vàng bạc hương đèn trầm trà, phóng 3 tiếng súng lớn và 3 ngàn tiếng pháo phượng vĩ). Giờ Mùi: An các linh vị lên án thờ (nơi rạp lớn tả hữu 6 án, mỗi án 3 mâm cơm chay hạng nhất, nơi 2 dãy tả hữu 10 án, mỗi án 3 mâm cơm chay hạng nhì cùng các thứ vàng bạc áo kinh giấy tiền hương đèn trầm trà trầu rượu). Giờ Thân: Tụng kinh (các án thờ đều lên hương đèn trầm trà, các lễ tụng kinh sau cũng vậy). Giờ Dậu: Tiến linh (lễ phẩm y như Lễ An linh), giờ ấy cúng thí thực cô hồn (3 mâm cơm chay hạng nhì, 3 mâm quả phẩm và các thức vàng bạc áo kinh giấy tiền, giấy ngũ sắc, cháo trắng, gạo, muối, đường, chả bánh, hương, đèn, trầm, trà, trầu, rượu. Các lễ cũng thí thực sau này cũng vậy). Giờ Tuất tụng kinh. Ngày 17: Các giờ Tý, Dần, Thìn, Thân, Tuất đều tụng kinh. Giờ Ngọ: Thượng cúng (lễ phẩm y như 2 lễ Khai kinh và An linh, phóng 3 tiếng súng lớn). Hai giờ Mão, Dậu: Tiến linh (lễ phẩm y như Lễ An linh. Giờ Dậu: Thí thực cô hồn. Ngày 18: Các giờ Tý, Dần, Thìn, Thân, Tuất đều tụng kinh (lễ phẩm y như lễ ngày 17, sau này cũng vậy). Giờ Ngọ thượng cúng, Mão, Dậu 2 giờ tiến linh. Giờ Dậu: thí thực cô hồn. Ngày 19: Giờ Tý tụng kinh. Giờ Dần thượng cúng Hoàn kinh (lễ phẩm y như Khai kinh). Giờ Mão tiến linh (lễ phẩm y như Lễ An linh). Giờ Thìn ban hiến tế (lễ phẩm sẽ liệu như Lễ An linh), ban hiến tế (lễ phẩm sẽ liệu định và trình sau). Giờ Ngọ tụng kinh, đốt vàng mã (phóng 3 tiếng súng lớn và đốt 3 nghìn tiếng pháo phượng vĩ”15. Vương công, thứ dân cũng tổ chức trai đàn hoặc tham gia vào nghi lễ này. Mỗi lần trai đàn được tổ chức đều có mặt các quan lại công hầu. Chẳng hạn, lần Công chúa Ngọc Tú đứng ra tổ chức truy tiến vua Gia Long, các công hầu đều lần lượt đến dâng hương. Nguyễn Hữu Sử. Trai đàn chấn tế triều Nguyễn. 61 61 Thiết lập trai đàn ở chùa Diệu Đế, trừ tuân lệ chọn cử chức quan trong dòng tôn thất sang hầu bái ra, cứ mỗi ngày cúng ngọ Phật “xin phái thêm 1 hoàng thân, 1 hoàng đệ mặc triều phục áo mũ thường xuyên (mỗi ngày 2 người luân phiên, giáp vòng thì trở lại từ đầu), 1 người ở Đại Từ điện, 1 người ở Đạo Nguyên các để niêm hương quỳ sớ, đem ba việc chí thành mật đảo may sớm được ứng nghiệm. Ngõ hầu tỏ bày tấm lòng thành cầu chúc của bọn thần mà phần nào cũng an ủi được ý niệm của tôn thân”16. Cùng lúc ấy, các hoàng thân, hoàng tử Phủ Tôn Nhân tâu xin được mở thêm một thất nữa để tiếp tục tỏ lòng thành cầu đảo chúc thọ cho vua. Nhưng lần này, vua Tự Đức đã xuống chỉ rằng, việc cầu đảo đã đủ, không cho thiết lập thêm đàn tràng nữa. Năm Thiệu Trị thứ sáu, sau khi tổ chức xong trai đàn, Tăng cang chùa Thiên Mụ là Nguyễn Văn Thường, Tăng cang chùa Giác Hoàng là Nguyễn Tâm Đoan, Tăng cang chùa Diệu Đế là Nguyễn Văn Chơn xin tiếp tục tụng kinh chúc hỗ thêm một thất nữa tại chùa Diệu Đế sau Lễ Vạn Thọ. Những năm đặc biệt, chẳng hạn như tổ chức thánh thọ lục tuần vào năm Tự Đức thứ 22, sư tăng tình nguyện mở trai đàn chúc thánh thọ một ngày đêm tại chùa Diệu Đế và một đàn chẩn tế để an ủi lòng cần bộc: “Hằng năm, gặp tiết Thánh thọ, các chùa quan đều có lãnh tiền quan để sắm sửa cơm chay tụng kinh chúc thọ (chùa Linh Mụ 40 quan, chùa Giác Hoàng 13 quan 5 bách 10 văn, chùa Diệu Đế 32 quan 9 bách, chùa Long Quang 15 quan, quán Linh Hựu 20 quan, chùa Thánh Duyên 20 quan), vì vậy năm nay tình nguyện xuất tiền để chi”17. Vua phê rằng, xét lượng cấp thêm tiền cho làm khá hơn bình thường, không cản trở cũng không cho xuất của riêng ra làm; cấp tiền các chùa quan chước lượng cấp thêm các khoản, giao các Tăng cang trụ trì nhận lĩnh sắm sửa trai phẩm đến ngày làm lễ tụng kinh chúc thọ tại bản tự. Nghi lễ phải đặc biệt hơn thường niên để tỏ hết lòng thành. Chùa nào nguyên cấp bao nhiêu nay nên cấp thêm bao nhiêu yêu cầu lập phiếu18. 4. Ý nghĩa của Trai đàn chẩn tế 4.1. Siêu âm, độ dương, tưởng nhớ công lao người đã khuất Việc tổ chức trai đàn chẩn tế ban đầu được sử dụng với ý nghĩa siêu độ cho vong linh người đã khuất, nhất là vong linh người vô danh hay người không còn ai chăm lo hương hỏa. Vua quan tổ chức trai đàn nhằm nhớ ơn cha mẹ, tổ tiên, binh lính. Chư tăng tổ chức trai đàn với mục đích báo “tứ trọng ân”, tế “tam đồ khổ”. Vua Minh Mạng từng nói: 62 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 62 “Nhà Phật dùng thần đạo để dạy đời, đạo Khổng Tử chỉ dạy luân thường là món dùng hằng ngày, song tóm lại chung quy đều dạy người ta làm điều thiện mà thôi. Kể ra người ta sinh ra ở trong vòng trời đất, nên làm điều thiện, nên tránh điều ác. Đối với đạo Phật dạy người ta bằng thuyết họa phúc, báo ứng, ta không nên nhất khái cho là dị đoan. Một việc khuyên người ta làm điều thiện của nhà Phật, dẫu thánh nhân sống lại, cũng không thể đổi bỏ đi được”19. Tổ chức trai đàn là lấy điển lễ làm việc báo đền công ơn người đã khuất: “Trẫm noi theo chí người trước, thương xót tôn trọng người có công khó nhọc trước. Phàm người vất vả làm việc, chết vì việc nhà vua, rất là đau thương cần được đãi ngộ xứng đáng (...). Ngày xưa lúc mới xây dựng sự nghiệp, nhờ hoàng khảo ta lấy danh nghĩa đánh dẹp, phàm các tướng sĩ chết trận, không ai là không hết lòng thương đến, gia ân ban tế, thực là ơn nhà vua chu đáo không thể nói hết. Trẫm từ lúc mới nối ngôi, dựa theo đạo thuần hậu hoặc có người bỏ mình vì giáo mác, ngược trở lên lúc mở nước đến giờ, chăm việc nhà vua, hết lòng tiết nghĩa, tuy trước sau không giống nhau, nhưng đều đáng thương xót”20. 4.2. Tiêu tai, diên thọ, chúng sinh bình đẳng Lập trai đàn tế độ thể hiện rõ bản chất từ bi hỷ xả của Phật giáo, mang cả ý nghĩa cho việc điều hòa âm dương: “Quan binh vây đánh cô thành đã lâu, thời gian đó người bỏ mình không ít, nay nhân kỳ rửa giáp nên lập thêm bài vị các tướng sĩ trận vong trong cuộc tiễu bình đạo Phiên An tại các đàn thủy lục và các đàn ở bến sông, tiếp tục cử hành bạt độ cho được hưởng phước nơi cõi u minh, cũng thể hiện tấm lòng thương xót của hoàng thượng”. Các địa phương nơi có nhiều tử thi chôn vùi do chiến trận, hoặc do bão lụt, hay do dịch bệnh, nên trai đàn được lập cốt “cho khí dương hòa lan khắp, khí âm uất tiêu tan, để cùng đến chỗ yên vui, hưởng khúc thanh bình”21, cũng là để thể hiện lòng thương nhớ khôn nguôi đối với người trong cõi u minh. Việc tổ chức trai đàn để cầu mưa được chỉ rõ là việc mà chính quyền địa phương phải gánh trách nhiệm, phải thành kính trai giới để mong mưa xuống, được nhiều thóc tốt cho nhân dân no ấm. Năm Minh Mạng thứ sáu, nhà vua xuống lệnh, tới kỳ hạn đảo vũ, cấm việc xử hình, cấm giết thịt nơi chợ búa. Nếu trai đàn đủ 21 ngày, thì ba ngày “mùng 1, mùng 8 và 15 tháng 7 đều cấm việc xử hình án và giết thịt sinh vật ra bán chợ”22 nhằm giảm bớt sự giết chóc, hạn chế sự tổn thương sinh linh. Nguyễn Hữu Sử. Trai đàn chấn tế triều Nguyễn. 63 63 Năm Thiệu Trị thứ tư, xét thấy nhiều người dân các địa phương từ Nghệ An vào Nam bị chết do dịch bệnh và do đi đường biển, nhà vua cho lập đàn bạt độ để rộng duyên lành: “Truyền sau Lễ Vu Lan, mở đạo tràng tụng kinh bạt độ ở chùa Diệu Đế một thất để úy lạo các hương hồn và làm rõ đường nhân hậu”23. Năm Thiệu Trị thứ sáu, sau khi đại hồng chung chùa Diệu Đế được đúc xong, nhà vua đã mở trai đàn một thất tại ngôi chùa này “nhằm bạt độ tôn thân xa gần quá vãng”. Ngày khai kinh, nhà vua tự thân xa giá đến ban rượu: “Ân trạch không đâu chẳng thấm nhuần. Đã rộng duyên lành còn rõ đạo nhân hậu. Khi trai đàn hoàn mãn lại gia ân cho làm thêm một đàn tế úy lạo hương linh để tỏ lòng trọng nghĩa đôn hậu”24. Năm Tự Đức thứ 31, nhân dịp chúc thọ, nhà vua xuống dụ: “Chúc thọ một người không bằng cứu oan muôn người, Phật giáo hư vô mù mịt, có cảm cách hay không, không bởi đâu mà biết được, trẫm từ trước đến nay cũng không tin, chỉ hết lòng ta, mong cho trung hồn được siêu bạt để giúp nước được trị yên lâu dài, mới sai làm đàn bạt độ ở chùa Linh Mụ, hội cả các sư ở chùa công phủ Thừa Thiên, lấy ngày Trung nguyên khai kinh, tế chung cả các tướng sĩ chết trận ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ từ năm thứ nhất đến nay”25. 5. Kết luận Trong 143 năm cầm quyền, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức ít nhất 33 lần trai đàn chẩn tế nhằm chúc thọ hoàng đế, truy tiến hoàng đế, bạt độ tướng sĩ trận vong, cầu mưa, v.v Điều này cho thấy, nhà Nguyễn sử dụng Nho giáo làm phương thức quản lý quốc gia, nhưng vẫn sử dụng các tôn giáo khác, đặc biệt là Phật giáo để trấn an tinh thần, an ủi thân nhân những gia đình có người bị nạn do chiến trận, bệnh dịch. Trai đàn là phương tiện thiện xảo để “âm dương lưỡng lợi”. Người sống được bình tâm với những gì đã làm với người quá cố. Người chết cũng nhờ công đức đó mà thoát khỏi cảnh đau khổ. Song hành với sự thay đổi thời gian, ý nghĩa của việc lập trai đàn cũng có những biến chuyển, từ diệt tội, độ vong cho người quá cố dần chuyển thành hình thức cầu phúc, trừ tai, diên thọ, trấn trạch, định tâm, v.v Tuy nhiên, xét tới cùng, việc truy tiến vong linh, tiêu tai bạt độ vẫn là ý nghĩa cơ bản của trai đàn./. 64 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014 64 CHÚ THÍCH: 1 Tham khảo thêm: Lưu Lê Minh (2010), Nghiên cứu tín ngưỡng Mật tông dân gian Trung Quốc cổ đại (中 國 古 代 民 間 密 宗 信 仰 研 究), Ba Thục thư xã:189. 2 Tham khảo thêm: Tông Giám, Thích môn chính thống (釋 門 正 統); Hy Trọng, Lịch triều thích thị thông giám (歷 朝 釋 氏 通 鑑); Trí Bàn, Phật tổ thống kỷ (佛 祖 統 紀), Nguyệt Giang Ấn thiền sư ngữ lục: Triều đình Kim Sơn tự kiến thủy lục hội phổ thuyết (月 江 印 禪 師 語 錄: 朝 廷 金 山 寺 建 水 陸 會 普 說). 3 AC. 340, in năm Cảnh Thịnh thứ năm (1797), 122 trang, khổ 30cm x 19cm; VHt. 19, chùa Vĩnh Phúc in năm Thành Thái thứ sáu (1894), 150 trang, khổ 31cm x 20cm); VHt. 12, 106 trang, khổ 30cm x 18cm, cùng một lần in với VHt. 19; Paris. SA. PD. 2348, in tại chùa Hồng Phúc, 288 trang; AC. 92, 106 trang, khổ 30cm x 18cm. 4 使 門 人 法 名 明 幻 返 回 北 國 覓 取 諸 科 馳 來 祖 德 潤 色. 5 Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam thực lục chính biên, Nxb. Khoa học, Hà Nội: 112 - 113. 6 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, Nxb. Văn hóa Thông tin: 27. 7 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 31. 8 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 34. 9 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 351. 10 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 351. 11 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 457. 12 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 93. 13 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 57. 14 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 471. 15 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 356. 16 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 494. 17 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 341. 18 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 343. 19 Quốc sử quán triều Nguyễn (1966), Đại Nam thực lục chính biên, tập 17, Nxb. Khoa học, Hà Nội: 54. 20 Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, Huế: 466. Nguyễn Hữu Sử. Trai đàn chấn tế triều Nguyễn. 65 65 21 Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, sđd: 471. 22 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 59. 23 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 125. 24 Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, sđd: 197. 25 Quốc sử quán triều Nguyễn (1966), Đại Nam thực lục chính biên, tập 34, Nxb. Khoa học, Hà Nội: 134 - 135. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lý Kim Hoa (2002), Châu bản triều Nguyễn: tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945, Nxb. Văn hóa Thông tin. 2. Lưu Lê Minh (2010), Nghiên cứu tín ngưỡng Mật tông dân gian Trung Quốc cổ đại (中 國 古 代 民 間 密 宗 信 仰 研 究), Ba Thục thư xã. 3. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 4. Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam thực lục chính biên, Nxb. Khoa học, Hà Nội. 5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1966), Đại Nam thực lục chính biên, tập 17, Nxb. Khoa học, Hà Nội. 6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1966), Đại Nam thực lục chính biên, tập 34, Nxb. Khoa học, Hà Nội. Abstract TRAI ĐÀN CHẨN TẾ IN NGUYỄN DYNASTY Although Nguyễn Dynasty (1802 - 1945) took the Confucianism as a mode of management of the nation but it also revered the Buddhism. Every year, the imperial court organized a series of Mandala (Trai đàn) in small or large scales included Trai đàn chẩn tế or Thủy lục pháp hội or Thủy lục đạo tràng (Mandala or Service) that was one of the most solemn rite of the Buddhism. This rite was a feature of the Tantrism and it also was an interactive rite with the rite of the Taoism. A research on the Mandala under Nguyễn Dynasty that help to clarify the role of the Buddhism’s rite in national management and its effects to social life in the past. Key words: Trai đàn chẩn tế, Thủy lục pháp hội, Thủy lục đạo tràng, Nguyễn Dynasty, Buddhism, Tantrism, Taoism.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf25308_84821_1_pb_9254.pdf