Quan niệm về nạn nhân, bảo vệ nạn nhân của tội phạm trong qui định của pháp luật Việt Nam

Việc giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự Bộ luật Tố tụng hình sự qui định về giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Theo đó, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Đây là nguyên tắc chung giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Thực tiễn cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng thường giải quyết các vấn đề dân sự gắn liền với việc chứng minh tội phạm, nhưng việc giải quyết này còn nhiều bất cập, chưa thống nhất. Qui định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của những người tham gia tố tụng.

pdf6 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 18/01/2022 | Lượt xem: 144 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Quan niệm về nạn nhân, bảo vệ nạn nhân của tội phạm trong qui định của pháp luật Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đỗ Cảnh Thìn, Nguyễn Thị Thiên Trinh / Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân 03(40) (2020) 74-79 74 Quan niệm về nạn nhân, bảo vệ nạn nhân của tội phạm trong qui định của pháp luật Việt Nam Concepts of victim and protection of crime victim under Vietnamese law Đỗ Cảnh Thìna,b*, Nguyễn Thị Thiên Trinha,b Canh Thin Doa,b*, Thien Trinh Nguyen Thia,b aKhoa Luật, Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam bViện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Cao, Trường Ðại học Duy Tân, Ðà Nẵng, Việt Nam aFaculty of Law, Duy Tan University, Da Nang, 550000 Vietnam bInstitute of Research and Development, Duy Tan University, Da Nang, 550000, Vietnam (Ngày nhận bài: 13/01/2020, ngày phản biện xong: 19/6/2020, ngày chấp nhận đăng: 27/6/2020) Tóm tắt Nghiên cứu yếu tố nạn nhân của tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng pháp luật cũng như trực tiếp áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về vấn đề này còn chưa được quan tâm nhiều ở nước ta. Bài viết dưới đây xin đề cập những nhận thức chung về nạn nhân và bảo vệ nạn nhân của tội phạm trong qui định của pháp luật Việt Nam, qua đó góp phần làm sáng tỏ thêm về nhận thức và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thực thi pháp luật ở nước ta theo tinh thần cải cách tư pháp. Từ khóa: Nạn nhân; bảo vệ nạn nhân của tội phạm. Abstract Victimology research plays a very important role in both law making and law enforcement. However, victimology research in Vietnam is till poor. This paper will introduce the basic concepts of victim and protection of crime victim under Vietnamese law, at the same time make it clearer on victim theories and help improve the law making and law enforcement under the justice reform in Vietnam. Keywords: Victim, protection of crime victim. 1. Một số nhận thức chung về nạn nhân của tội phạm Nạn nhân của tội phạm đã được đặt ra trong pháp luật hình sự từ rất sớm. Thời Trung cổ, pháp luật của nhà cầm quyền đặt ra để trừng phạt người phạm tội như là một sự trả thù đối với người phạm tội vì đã gây ra thiệt hại về tính mạng, sự đau đớn về thể xác, tinh thần hay thiệt hại về tài sản cho nạn nhân. Các nhà nghiên cứu về nạn nhân học đã coi thời kỳ Trung cổ là “thời vàng son của nạn nhân”. Đó là thời kỳ xã hội áp dụng “hệ thống tư pháp của nạn nhân” (victim justice system) [1]. Khi thời Trung cổ kết thúc, do có sự thay đổi nhiều mặt về kinh tế, xã hội nên hệ thống tư pháp của nạn nhân thu hẹp dần và thay vào đó là hệ thống tư pháp hình 03(40) (2020) 74-79 *Corresponding Author: Do Canh Thin; Faculty of Law, Duy Tan University, Da Nang, 550000 Vietnam; Institute of Research and Development, Duy Tan University, Da Nang, 550000, Vietnam. Email: docanhthin.tccs@gmail.com Đỗ Cảnh Thìn, Nguyễn Thị Thiên Trinh / Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân 03(40) (2020) 74-79 75 sự. Tuy nhiên, trong thực tế giữa tội phạm và nạn nhân của tội phạm luôn song hành và trong không ít trường hợp nạn nhân lại đóng vai trò quan trọng trong cơ chế làm phát sinh tội phạm. Và, câu hỏi luôn được đặt ra là: Vì sao một người lại trở thành nạn nhân của tội phạm? Cũng vì vậy, nạn nhân học (khoa học nghiên cứu về nạn nhân) trở thành một nội dung nghiên cứu của Tội phạm học trên thế giới. Để hiểu sâu hơn về nạn nhân của tội phạm, chúng ta cần nghiên cứu về khái niệm của nó. Theo Từ điển tiếng Việt: Nạn nhân (d). Người bị nạn hoặc người phải chịu hậu quả của một tai họa xã hội hay một chế độ bất công[2] Theo Đại Từ điển tiếng Việt, nạn nhân là một danh từ, được định nghĩa: “1. Người bị tai nạn; 2. Người, tổ chức gánh chịu hậu quả từ bên ngoài đưa đến” [3]. Như vậy, có thể hiểu nạn nhân là những cá nhân, tổ chức, nhóm người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần hoặc tài sản. Nạn nhân của tội phạm là những cá nhân, tổ chức, nhóm người bị thiệt hại do hành vi của tội phạm gây ra. Nạn nhân của tội phạm trong luật hình sự được quy định trong các trường hợp: nạn nhân là yếu tố định tội, nạn nhân là yếu tố định khung, nạn nhân là yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt đối với tội phạm. Trong vụ án hình sự, cùng với người phạm tội, nạn nhân là người liên quan trực tiếp nên có điều kiện biết rất rõ, nhiều tình tiết xảy ra của vụ án nên có vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn khởi tố vụ án đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. 2. Bảo vệ nạn nhân của tội phạm trong qui định của pháp luật Việt Nam Nhà nước đặt ra pháp luật để quản lý xã hội và bảo vệ con người, trong đó có nạn nhân của tội phạm. Nạn nhân của tội phạm rất rộng, trong đó có thể hiểu bao trùm gồm tất cả những khách thể được pháp luật hình sự nhà nước bảo vệ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đề cập một nội dung: nạn nhân của tội phạm dưới góc độ là bị hại. Bị hại là người bị thiệt hại về thể chất và tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Theo đó, bị hại – nạn nhân của tội phạm là một con người cụ thể, bị hành vi phạm tội gây thiệt hại về thể chất (tính mạng, sức khỏe), tinh thần (danh dự, nhân phẩm) hoặc tài sản. Pháp luật bảo vệ nạn nhân của tội phạm được: (a) Qui định trong Hiến pháp Hiến pháp - một đạo luật quan trọng nhất, đạo luật gốc của một quốc gia, bảo vệ con người, bảo vệ quyền con người là một trong các điều mà hiến pháp của bất cứ một quốc gia nào cũng hướng đến. Tại Việt Nam, Hiến pháp đầu tiên (1946) đã quy định rõ những quyền cơ bản của công dân, trong đó có các quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 5); quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã có riêng một chương (Chương 2) qui định về Quyền con người [4]. Đây là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình lập pháp và hoàn thiện pháp luật của nhà nước Việt Nam trong bảo vệ con người, trong đó có nạn nhân của tội phạm. (b) Quy định trong các luật và bộ luật Trên cơ sở Hiến pháp, các luật, bộ luật (đặc biệt là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự) được ban hành nhằm cụ thể hóa Hiến pháp với những nhiệm vụ cụ thể được thể hiện thông qua các điều luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. - Bộ luật Hình sự: Luật hình sự được xem là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam và là một ngành luật giữ vị trí quan trọng, là công cụ sắc bén, hữu hiệu để đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội, trong đó có nhiệm vụ rất quan trọng là bảo vệ công dân không trở thành nạn nhân của tội phạm. Đỗ Cảnh Thìn, Nguyễn Thị Thiên Trinh / Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân 03(40) (2020) 74-79 76 Bộ luật Hình sự (1985, 1999, 2009, 2015) của Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện các qui định liên quan đến yếu tố nạn nhân của tội phạm cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập pháp (yếu tố định tội, yếu tố định khung và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ - như đã đề cập ở trên). Những yếu tố này được thể hiện trong luật Hình sự ở việc xác định các tiêu chí chỉ ra những căn cứ mà từ đó yếu tố nạn nhân làm cho hành vi phạm tội có ý nghĩa về chất, cần phải qui định thành một tội danh cụ thể, riêng biệt hoặc có ý nghĩa về lượng, được qui định bởi các tình tiết định khung hay tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Về nguyên tắc, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, có nghĩa là mọi sự vi phạm pháp luật dù xâm phạm đến quyền và lợi ích của ai cũng phải xử lý như nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tùy thuộc vào từng thời điểm, yếu tố nạn nhân của tội phạm chỉ ra mức độ nguy hiểm khác nhau của hành vi phạm tội. Điều này, giúp cho việc xác định đầy đủ các trường hợp nạn nhân của tội phạm có ý nghĩa làm cho tội phạm có sự thay đổi về chất (định tội) hoặc về lượng (định khung, tăng nặng, giảm nhẹ) kể cả việc bỏ hoặc bổ sung thêm nạn nhân nào đó trong Bộ luật Hình sự. Yếu tố nạn nhân được chú ý trong việc qui định hình phạt trong những trường hợp có liên quan đến nạn nhân ở các tội danh khác nhau được công bằng, thống nhất, hợp lý trong Bộ luật Hình sự. Mặc dù Bộ luật Hình sự qui định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội nhưng những qui định đó cũng chính là để bảo vệ công dân không trở thành nạn nhân của tội phạm và khi một người thực hiện tội phạm thì hình phạt dành cho họ cũng chính là vì họ đã xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân và họ phải chịu những hình phạt tương xứng về hành vi đó. Để thực hiện được điều này, Bộ luật Hình sự đã có điều luật qui định các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân là tội phạm và phải chịu hình phạt. Những quy định này được qui định ở hầu hết các chương nhưng tập trung ở các chương: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người (chương XII); Các quyền xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân (chương XIII); Các tội xâm phạm chế độ sở hữu (chương XIV); Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (chương XV) Trong một số điều luật cụ thể ở các chương khác của Bộ luật Hình sự đã qui định hành vi của người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nạn nhân đến một mức độ nào đó là tội phạm hoặc tình tiết định khung, tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt. Cùng với việc qui định tội danh và hình phạt, Bộ luật Hình sự còn qui định các biện pháp tư pháp liên quan đến bảo vệ nạn nhân của tội phạm. Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung, sửa đổi năm 2017) qui định trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại, buộc công khai xin lỗi người bị hại [5]. Đây là biện pháp tư pháp, mặc dù không phải là hình phạt nhưng nó có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho hình phạt hiệu quả và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân. Ngoài việc phải bồi thường những thiệt hại về vật chất, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại về những tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu. Gây thiệt hại về tinh thần là xâm phạm danh dự, nhân phẩm của công dân, làm mất uy tín của họ như vu khống, làm nhục nạn nhân nhưng chưa ở mức độ nghiêm trọng. Trong trường hợp cụ thể hành vi gây thiệt hại về tinh thần có thể họ vẫn phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo qui định của Bộ luật Dân sự năm 2015 (trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự). Tòa án có thể buộc người bị áp dụng biện pháp tư pháp này công khai xin lỗi người bị hại nếu có sự đồng ý của người bị hại trên cơ sở tự nguyện. - Bộ luật Tố tụng hình sự: Để đấu tranh, phòng ngừa và chống tội phạm có hiệu quả, Nhà nước không chỉ qui định hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm và phải chịu hình Đỗ Cảnh Thìn, Nguyễn Thị Thiên Trinh / Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân 03(40) (2020) 74-79 77 phạt mà còn phải có các biện pháp đảm bảo các qui định đó được thi hành nghiêm chỉnh trong thực tế. Bộ luật Tố tụng hình sự được ban hành là nhằm bảo đảm cho các qui định đó được thực thi đúng đắn - đó cũng là nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó có các nạn nhân của tội phạm. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có nhiều điều luật cụ thể ghi nhận và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại - với vị trí là nạn nhân của tội phạm. Chúng ta có thể nghiên cứu pháp luật bảo vệ người bị hại dưới một số góc độ sau đây: + Qui định quyền của người bị hại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 qui định người bị hại (hoặc người đại diện hợp pháp của họ) có quyền [6]: Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án; Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng... ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự còn qui định nhiều quyền khác của người bị hại theo qui định của pháp luật khi tham gia tố tụng. + Trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng Một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự là tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng; kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi các biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa. Quy định này không chỉ nhằm tôn trọng bảo vệ các quyền cơ bản của công dân đối với tội phạm, những người tham gia tố tụng mà còn cả với nạn nhân của tội phạm. Bộ luật Tố tụng hình sự qui định về bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân: “Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo qui định của pháp luật”; qui định bảo đảm quyền bình đẳng trước tòa án: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó”. Những vụ án về các tội phạm được qui định tại một số điều của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Trong trường hợp người đã Đỗ Cảnh Thìn, Nguyễn Thị Thiên Trinh / Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân 03(40) (2020) 74-79 78 yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã rút yêu cầu, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án. Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức. Khi người tham gia tố tụng có yêu cầu về những vấn đề liên quan đến vụ án thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu của họ và báo cho họ biết kết quả. Trong trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát phải trả lại và nêu rõ lý do. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết của cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu nại theo qui định. Việc triệu tập, lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo qui định tại Bộ luật TTHS. Nếu người làm chứng hay người bị hại là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm của việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc giải thích phải được ghi vào trong biên bản. Việc nhận dạng phải có người chứng kiến và phải được lập biên bản theo qui định. Điều tra viên tiến hành xem xét thân thể người bị hại để phát hiện trên người họ dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Việc xem xét thân thể phải do người cùng giới tiến hành, có người cùng giới chứng kiến. Không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc sức khỏe của người bị xem xét thân thể + Việc giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự Bộ luật Tố tụng hình sự qui định về giải quyết các vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Theo đó, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Đây là nguyên tắc chung giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Thực tiễn cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng thường giải quyết các vấn đề dân sự gắn liền với việc chứng minh tội phạm, nhưng việc giải quyết này còn nhiều bất cập, chưa thống nhất. Qui định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự được nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của những người tham gia tố tụng. + Bồi thường cho người bị oan Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng phải bồi thường cho người bị thiệt hại; người đã gây ra thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo qui định của pháp luật. Bộ luật Tố tụng hình sự qui định bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan. Theo đó, người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi. Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo qui định của pháp luật. Theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì người bị oan có quyền được phục hồi danh dự; được bồi thường tổn thất về tinh thần, bồi thường thiệt hại vật chất, trong trường hợp người bị oan chết; được bồi thường thiệt hại vật chất trong trường hợp bị tổn thất về sức khỏe; được trả lại Đỗ Cảnh Thìn, Nguyễn Thị Thiên Trinh / Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Duy Tân 03(40) (2020) 74-79 79 tài sản và bồi thường trong trường hợp tài sản bị xâm hại; được bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất. Như vậy, có thể thấy trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta, yếu tố nạn nhân và bảo vệ nạn nhân của tội phạm ngày càng được quan tâm, được Hiến pháp, pháp luật và các bộ luật điều chỉnh bảo đảm tinh thần cải cách tư pháp, sự mở rộng khái niệm về an ninh con người và văn minh pháp lý quốc tế. Vì vậy, cần phải nâng cao nhận thức cũng như quán triệt trong thực thi pháp luật về yếu tố nạn nhân, bảo vệ nạn nhân của tội phạm để các quy định về vấn đề này qua các văn bản pháp luật trên thực sự được phát huy hiệu quả. Tài liệu tham khảo [1] Nguyễn Minh Đức, Nạn nhân học - những vấn đề lý luận và thực tiễn. Học viện Cảnh sát nhân dân, 2014. [2] Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988. [3] Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa, Thông tin, Hà Nội, 1999. [4] Hiến pháp năm 2013, Nxb Công an nhân dân, 2015. [5] Bộ luật Hình sự năm 2009, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội 2010. [6] Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb Công an nhân dân, 2017.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfquan_niem_ve_nan_nhan_bao_ve_nan_nhan_cua_toi_pham_trong_qui.pdf
Tài liệu liên quan