Tiếp cận sinh thái học phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Trà Vinh

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển chung của tỉnh Trà Vinh và ĐBSCL theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm và đầu tư liên quan đến tài nguyên sinh học, sinh thái và môi trường như sau: • Nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi liên quan đến sản xuất giống thủy sản. • Phát triển các công nghệ nuôi trồng thân thiện với môi trường. • Thử nghiệm các đối tượng nuôi mới có khả năng thích ứng với biến đổi độ mặn, biến đổi môi trường theo mùa, thích hợp để nhân rộng ra toàn vùng phía Đông của ĐBSCL. • Tăng cường khai thác các hoạt chất, phát triển sinh khối các đối tượng có ứng dụng trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp, nhằm cung cấp sản phẩm, nguyên liệu cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. • Điều tra đánh giá nguồn lợi vùng ven biển, đánh giá khả năng cho phép khai thác bền vững theo đối tượng. • Đánh giá vai trò, duy trì, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản ở một số khu vực có điều kiện thuận lợi. • Đánh giá sức tải môi trường của một số hệ sinh thái ven biển điển hình

pdf5 trang | Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 252 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiếp cận sinh thái học phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 80 TIẾP CẬN SINH THÁI HỌC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ BIỂN TỈNH TRÀ VINH ECOLOGICAL APPROACH TO SUSTAINABLE DEVELOPMENT FOR MARINE ECONOMY OF TRA VINH PROVINCE TS. Nguyễn Văn Tú1 Tóm tắt: Phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường đang là xu thế tất yếu và được quan tâm đặc biệt trong thời gian gần đây. Trà Vinh hiện có bảy hệ sinh thái biển đặc thù với nguồn tài nguyên sinh học và thủy sản khá phong phú. Địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số mô hình nuôi trồng thủy sản đa đối tượng đáp ứng tiêu chí bền vững và có khả năng sử dụng hiệu quả tài nguyên đất ngập nước. Để phát huy được thế mạnh hiện có, tỉnh Trà Vinh cần đầu tư phát triển các nhóm giải pháp khai thác, sử dụng tài nguyên sinh học, sinh thái và môi trường một cách bền vững, hợp lí và có tính thích ứng cao với biển đổi khí hậu, nước biển dâng. Từ khóa: kinh tế biển, phát triển bền vững, sinh thái học, tỉnh Trà Vinh Abstract: Economic development under the scope of sustainability and environment friendliness are the development trends recently. Tra Vinh Province currently has seven typical marine ecosystems with quite abundant biological and fishery resources. The province has also established some of the integrated multi-trophic aquaculture models (IMTA) that meet the criteria of sustainability and ability to effectively use wetland resources. To promote the existing strengths, Tra Vinh Province needs to invest and develop groups of solutions for exploiting, using biological, ecological and environmental resources in sustainable, rational way, highly adaptable to climate change and sea-level rise. Keywords: ecology, marine economy, sustainable development, Tra Vinh Province 1. MỞ ĐẦU Tỉnh Trà Vinh nằm ở hạ lưu của sông Mê Kông, có địa hình thấp, địa giới hành chính được phân cắt tự nhiên bằng các chi lưu của sông Mê Kông. Với hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, vị trí sát biển Đông, Trà Vinh được xác định là tỉnh có tiềm năng to lớn trong việc phát triển kinh tế biển. Trong quy hoạch vùng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh Trà Vinh cùng với hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau được xác định là ba tỉnh nằm trọn trong tiểu vùng ven biển. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế 1 Viện Sinh học Nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam DOI: 10.35382/18594816.1.4.2020.406 Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 81 biển, trong đó có các hoạt động giao thông thủy, cảng biển, nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản [1]. Trong xu thế phát triển chung, hướng phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường và sinh thái đang được quan tâm đặc biệt. Quan điểm này đã được đề cập rõ trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển [2]. Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Trà Vinh đến 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định Trà Vinh tập trung vào các lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, du lịch biển, các khu kinh tế, đô thị ven biển và công nghiệp năng lượng gắn với kinh tế hàng hải; đưa Trà Vinh trở thành một tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của ĐBSCL và có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu; tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh [3]. Vùng ven biển được xem là một trong những vùng địa lí đặc thù với sự thuận lợi trong phát triển kinh tế nhưng cũng là vùng có nhiều thách thức trong bảo vệ tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học [4] - [5]. Vùng này gồm rất nhiều hệ sinh thái tự nhiên xen lẫn các hệ sinh thái nhân tạo được hình thành trong quá trình khai phá và phát triển kinh tế. Hiểu biết thấu đáo và vận dụng thông minh, khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên sẽ là động lực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế, giúp cân bằng lợi ích tài nguyên môi trường và nhu cầu của phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế biển bền vững tỉnh Trà Vinh là vấn đề cấp thiết đặt ra, nhằm xác định được hướng đi đúng đắn và hợp lí đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và là xu thế phát triển chung của ĐBSCL. Với góc nhìn tổng thể về hệ sinh thái, việc quản lí khai thác sử dụng hợp lí tài nguyên là vấn đề cốt lõi hướng tới sự phát triển bền vững. 2. TIỀM NĂNG ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ SINH THÁI BIỂN Hệ sinh thái biển và ven biển Trà Vinh được phân chia các nhóm chính trên cơ sở các đặc điểm sinh thái tự nhiên gồm: hệ sinh thái biển khơi, hệ sinh thái biển ven bờ, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái bãi bồi, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái kênh rạch, và hệ sinh thái ao nuôi thủy sản. Hệ sinh thái biển khơi của Trà Vinh có diện tích khoảng 80 km2 với môi trường biển khơi khá thuần nhất, vùng biển có độ sâu trong khoảng 15 đến 40 mét nước, có nền đáy cát và cát bùn là vùng ít chịu tác động bởi mùa nước của hệ thống sông Mê Kông. Các hệ sinh thái biển ven bờ, hệ sinh thái cửa sông và hệ sinh thái bãi bồi hằng năm có sự tác động lớn bởi phù sa của hệ thống sông Mê Kông, vùng biển ven bờ khá nông với nền đáy chủ yếu là bùn và cát bùn hằng năm có sự xáo trộn và bổ sung trầm tích từ thượng nguồn thông qua hai con sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Hệ sinh thái rừng ngập mặn được hình thành từ trên 21 loài cây ngập mặn khác nhau, với nhiều quần thể ưu thế như bần chua, được đôi, mắm, trang, sú, vẹt có vai trò sinh thái quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển và các quá trình sinh thái bãi bồi ven biển Duyên Hải, Cầu Ngang và Châu Thành. Hệ sinh thái ao nuôi thủy sản có tính đặc thù cao theo đối tượng, khu vực thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải còn duy trì được nhiều hệ sinh thái ao nuôi tôm quảng Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 82 canh có tính bền vững và thân thiện với môi trường [5]. Ngoài ra, các hệ sinh thái thủy vực khác cũng có những tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế thủy sản, du lịch và dịch vụ. Tài nguyên đa dạng sinh học ven biển tỉnh Trà Vinh với hơn 300 loài thủy sản đã được xác định, gồm khoảng 150 loài cá, 65 loài động vật thân mềm và hơn 60 loài giáp xác lớn, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế [6]. Ngoài ra, nhiều nhóm sinh vật có khả năng phát triển tốt ở vùng biển Trà Vinh như thực vật phiêu sinh, động vật phiêu sinh, một số loài tảo, vi sinh vật có ích... Các loài sinh vật này có tiềm năng khai thác sinh khối phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, thực phẩm và các ứng dụng trong y học. Một số loài có thể kể đến như Skeletonema costatum, Chaetoceros spp., Navicula spp., Nitzschia spp., Rotifera sp, Gracilaria sp., Ulva sp.. Nhóm Giáp xác lớn (Malacostraca) và Nhuyễn thể (Mollusca) đã và đang là hai nhóm thủy sản có nguồn lợi tự nhiên quan trọng ở tỉnh Trà Vinh. Nguồn lợi tôm tự nhiên được khai thác từ hai bãi tôm có diện tích và nguồn lợi lớn gồm bãi tôm cửa Định An diện tích khoảng 20.000 ha và bãi tôm Bắc Cung Hầu với trữ lượng ước tính khoảng 65 – 250 kg/ha [6]. Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Trà Vinh, nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên với các bãi nghêu nằm trên địa bàn của các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, diện tích nuôi 603 ha được vận hành bởi sáu hợp tác xã và ba tổ hợp tác với tổng sản lượng năm 2019 là 2.145 tấn (2019). Một số đối tượng như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, hàu, sò huyết, vọp... được nuôi với các mô hình nuôi khác nhau cho hiệu quả kinh tế khá tích cực. Các hệ sinh thái ven biển khác cũng có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái kênh rạch và hệ sinh thái ao nuôi thủy sản. Với điều kiện sinh thái thuận lợi và nguồn tài nguyên sinh vật có tiềm năng lớn, vùng ven biển Trà Vinh có thể thích hợp để phát triển kinh tế biển theo hướng khai thác hợp lí tài nguyên, nuôi trồng thủy sản và khai thác các dịch vụ hệ sinh thái khác như: dịch vụ cung cấp, dịch vụ điều tiết, dịch vụ văn hóa và dịch vụ hỗ trợ. Để phát huy được giá trị của tài nguyên sinh thái biển, tỉnh Trà Vinh cần có các chính sách quản lí và khai thác phù hợp theo các vùng sinh thái, đối tượng có tiềm năng kinh tế trong bối cảnh định hướng phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. 3. QUẢN LÍ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGUỒN LỢI VEN BIỂN Phát triển kinh tế biển Trà Vinh trên cơ sở khai thác hợp lí tài nguyên, nuôi trồng các đối tượng có giá trị kinh tế cao theo hướng bền vững, ứng dụng các công nghệ, mô hình thân thiện với môi trường là vấn đề cốt yếu để đáp ứng với các xu thế phát triển kinh tế xanh như mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đã đặt ra. Trong hơn 10 năm qua, nhiều chương trình/dự án trong nước và quốc tế đầu tư nghiên cứu nhằm duy trì, phát triển, gia tăng tính chống chịu biến đổi khí hậu của các hệ sinh thái ven biển ở Trà Vinh. Tiêu biểu là Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF-IUCN), Chương trình Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn ĐBSCL nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (ICMP), Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại tỉnh Trà Vinh (AMD). Hiện nay, các thách thức mang tính toàn cầu về bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên biển đang còn hiện hữu như các vấn đề ô nhiễm môi trường biển, suy thoái hệ sinh thái biển, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan... đã và đang gia tăng áp lực lên các Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 83 quốc gia, vùng lãnh thổ ven biển, nhất là vùng có các hoạt động kinh tế biển và lượng dân số đông như khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam [7]. Tiếp cận sinh thái học trong việc nghiên cứu quy hoạch các vùng kinh tế, ngành nghề sản xuất, đối tượng sản xuất, mô hình sản xuất đã và đang là hướng đi thích hợp và cần thiết trong bối cảnh phát triển kinh tế phải đảm bảo được bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và tính bền vững của hệ sinh thái. ĐBSCL nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng sẽ chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn [8]. Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có các mô hình phát triển kinh tế thích hợp nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh kinh tế biển và các vùng đất ngập nước ven biển. Trong bối cảnh chung về phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biển đối khí hậu, ngoài vấn đề khai thác thủy sản tự nhiên, việc đẩy mạnh nghiên cứu các đối tượng thủy sản nuôi mới, công nghệ, hình thức nuôi phù hợp đáp ứng cả yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng biến đổi khí hậu là vấn đề cần được lưu tâm nghiên cứu và triển khai. Trong các mô hình nuôi có tính bền vững hiện nay, các mô hình nuôi thủy sản tự nhiên như nuôi hàu, nuôi vọp, nuôi cua, một số mô hình nuôi quảng canh tôm, mô hình nuôi đa đối tượng như tôm – cua, cua – cá hay tôm – cua cá, tôm – rong biển, cua – rong biển đã và được ứng dụng rộng rãi, và là xu thế sản xuất chung của ngành thủy sản thế giới. Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế tốt, nhưng vẫn còn các vấn đề môi trường cần giải quyết. Các công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi trồng các đối tượng có khả năng thích ứng với độ muối rộng rất có triển vọng phát triển trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng ở tỉnh Trà Vinh và ĐBSCL. Xu thế tiếp cận quản lí tổng hợp, với phương thức quản lí kết hợp gồm tài nguyên, chính sách, hệ sinh thái và các hoạt động kinh tế khác cũng đang được các tổ chức quốc tế như FAO, UN, IUCN, OECD, CBD, World Bank quan tâm thúc đẩy nhằm phát triển các vùng kinh tế ven biển. Quy hoạch, quản trị không gian biển hợp lí và hiệu quả hứa hẹn sẽ có đóng góp cho sự phát triển vùng ven biển tỉnh Trà Vinh nói riêng và ĐBSCL nói chung. 4. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển chung của tỉnh Trà Vinh và ĐBSCL theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, một số vấn đề cần tiếp tục được quan tâm và đầu tư liên quan đến tài nguyên sinh học, sinh thái và môi trường như sau: • Nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi liên quan đến sản xuất giống thủy sản. • Phát triển các công nghệ nuôi trồng thân thiện với môi trường. • Thử nghiệm các đối tượng nuôi mới có khả năng thích ứng với biến đổi độ mặn, biến đổi môi trường theo mùa, thích hợp để nhân rộng ra toàn vùng phía Đông của ĐBSCL. • Tăng cường khai thác các hoạt chất, phát triển sinh khối các đối tượng có ứng dụng trong sản xuất thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp, nhằm cung cấp sản phẩm, nguyên liệu cho thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” 84 • Điều tra đánh giá nguồn lợi vùng ven biển, đánh giá khả năng cho phép khai thác bền vững theo đối tượng. • Đánh giá vai trò, duy trì, phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản ở một số khu vực có điều kiện thuận lợi. • Đánh giá sức tải môi trường của một số hệ sinh thái ven biển điển hình. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Quyết định 68/QĐ-TTg ngày 15/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. [2] Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. [3] Quyết định 1443/QĐ-TTg ngày 31/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. [4] FAO. 1998. Integrated Coastal Area Management and Agriculture, Forestry and Fisheries. FAO guidelines. [5] MFF-IUCN 2014 Chương trình rừng ngập mặn cho tương lai. https://www.iucn.org/regions/asia/our-work/regional-projects/mangroves-future-mff [Truy cập ngày 25/12/2019]. [6] Quyết định 1513/QĐ-TTg 05/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Định An. [7] Bùi Nhật Quang. Một số vấn đề về biển và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam. Số 12, 2018. [8] Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2016. Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. Nhà Xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftiep_can_sinh_thai_hoc_phat_trien_ben_vung_kinh_te_bien_tinh.pdf
Tài liệu liên quan