LỜI MỞ ĐẦU
Trong cuộc sống, nhiều người do những nguyên nhân khác qua chủ quan lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, cần sự giúp đỡ của người khác. Trong những trường hợp như vậy, việc xác định ai là người có trách nhiệm trợ giúp luôn là vấn đề có ý nghĩa. Để củng cố sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, chế định cấp dưỡng trong Luật hôn nhân gia đình ( HN-GĐ) góp phần quan trọng vào việc giải quyết vấn đề này. Trong Luật HN-GĐ năm 2000 lần đầu tiên các quan hệ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình được điều chỉnh tương đối toàn diện và các quy phạm điều chỉnh quan hệ cấp dưỡng được quy định thành một chương độc lập.
MỤC LỤC
Trang
I. Những vấn đề lí luận về cấp dưỡng 1
1. Khái niệm cấp dưỡng . 1
2. Ý nghĩa của chế định cấp dưỡng . 1
II. Chế định cấp dưỡng trong Luật HN-GD năm 2000 2
1. Những quy định chung về cấp dưỡng trong Luật HN-GD Việt Nam năm 2000 2
1.1 Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng 2
1.2. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng . 4
1.3. Mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện cấp dưỡng 5
a. Mức cấp dưỡng 5
b. Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng . 5
1.4. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 6
1.5 Đảm bảo thực hiện cấp dưỡng 6
2. Cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình 7
2.1. Cấp dưỡng của cha mẹ đối với con 7
2.2. Cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ . 10
2.3. Cấp dưỡng giữa anh, chị, em 11
2.4. Cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu . 13
2.5. Cấp dưỡng giữa vợ và chồng . 14
III. Hoàn thiện chế độ cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 . 15
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO . 18
19 trang |
Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2322 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Chế độ cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân và gia đình, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Trang
I. Những vấn đề lí luận về cấp dưỡng 1
1. Khái niệm cấp dưỡng 1
2. Ý nghĩa của chế định cấp dưỡng 1
II. Chế định cấp dưỡng trong Luật HN-GD năm 2000 2
1. Những quy định chung về cấp dưỡng trong Luật HN-GD Việt Nam năm 2000 2
1.1 Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng 2
1.2. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng 4
1.3. Mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện cấp dưỡng 5
a. Mức cấp dưỡng 5
b. Phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 5
1.4. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 6
1.5 Đảm bảo thực hiện cấp dưỡng 6
2. Cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình 7
2.1. Cấp dưỡng của cha mẹ đối với con 7
2.2. Cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ 10
2.3. Cấp dưỡng giữa anh, chị, em 11
2.4. Cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu 13
2.5. Cấp dưỡng giữa vợ và chồng 14
III. Hoàn thiện chế độ cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 15
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 18
LỜI MỞ ĐẦU
Trong cuộc sống, nhiều người do những nguyên nhân khác qua chủ quan lâm vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu, cần sự giúp đỡ của người khác. Trong những trường hợp như vậy, việc xác định ai là người có trách nhiệm trợ giúp luôn là vấn đề có ý nghĩa. Để củng cố sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội, chế định cấp dưỡng trong Luật hôn nhân gia đình ( HN-GĐ) góp phần quan trọng vào việc giải quyết vấn đề này. Trong Luật HN-GĐ năm 2000 lần đầu tiên các quan hệ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình được điều chỉnh tương đối toàn diện và các quy phạm điều chỉnh quan hệ cấp dưỡng được quy định thành một chương độc lập.
I. Những vấn đề lí luận về cấp dưỡng
1. Khái niệm cấp dưỡng
Luật HN-GĐ Việt Nam năm 2000 đã quy định cấp dương như sau:“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thông hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó chưa thành niên, là người đã thành mà không có khả năng lao động và không có tàu sản để tự nuôi mình, là nhười gặp khó khăn túng thiếu theo quy định của luật này”( Điều 8)
Cấp dưỡng là một thuật ngữ pháp lí được sử dụng trong pháp luật hôn nhân gia đình để thể hiện mối quan hệ ràng buộc về quyên và nghĩa vụ giữa những người không chung sống với nhau nhưng đang có hoặc đã có quan hệ gia đình trong việc đảm bảo cuộc sống cho những người chưa thành niên, những người đã thành niên nhưng trong tình trạng mất hoặc bị suy giảm sút khả năng lao động, không có thu nhấp hoặc không có tài sản hoặc tuy có nhưng không dủ để đảm bảo cuộc sống của mình. Cấp dưỡng còn là biện pháp chế tài đối với người có hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Cấp dưỡng là hình thức biểu hiện bên ngoài của một nghĩa vụ pháp lí, nội dung của nó bao gồm: Quyền cấp dưỡng, nghĩa vụ cấp dưỡng, chủ thể của quan hệ cấp dưỡng và khách thể của quan hệ cấp dưỡng.
2. Ý nghĩa của chế định cấp dưỡng
Cấp dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, tư tưởng của mỗi cá nhân cũng như trong quan hệ hôn nhân. Chế định cấp dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố chức năng của gia đình. Gia đình trong thời kì đổi mới ở nước ta có sự đan xen giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Các chức năng cơ bản của gia đình vẫn là tái sản xuất ra con người, tái sản xuất ra sức lao động thông qua việc nuôi dưỡng chăm sóc các thành viên trong gia đình. Chế định cấp dưỡng trong luật HN-GD đã góp phần củng cố chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng người chưa thành niên người cao tuổi, người không có khả năng lao động trong gia đình, là cơ sở pháp lí cần thiết để đảm bảo cho con cái được nuôi dạy tốt trong cả những hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ li hôn, li thân hoặc người mẹ sinh con ngoài giá thú…Chế định cấp dưỡng đã có đóng góp đáng kể vào việc củng cố chức năng xã hội cơ bản của gia đình, giúp cho gia đình hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà xã hội và tự nhiên giao cho mà không một thiết chế xá hội nào có thể thay thế được.
Chế định cấp dưỡng góp phần củng cố mối quan hệ giũa các thành viên trong gia đình. Chế định cấp dưỡng góp phần tăng cường sự gắn bố giữa các thành viên trong gia đình, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự….với quan điểm dành những gì đẹp nhất cho trẻ em, tạo điều kiện cho người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích và người tàn tất được hòa nhập cùng cộng đồng. Nhờ đó quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng được củng cố và gắn bó bền chặt. Ngoài ra, các chế định về cấp dưỡng còn là cơ sở pháp lí nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình trong một cộng đồng trách nhiệm. Khi mà các giá trị đạo đức bị thay đổi thì các quy phạm pháp luậtt sẽ là dây xích gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau, làm thức tỉnh ở họ ý thức trách nhiệm mà trước hết là trách nhiệm đối với những người có quan hệ gia đình.
Chế định cấp dưỡng có ý nghĩa trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống của mọi thành viên trong xã hội. Các quy định trong chế định cấp dưỡng có sự đan xen với các quy tắc đạo đức, phong tục tập quán, truyền thống gia đình. Các quy định đó thấm sâu vào tư tưởng của người Việt Nam và nhanh chóng trở thành xử sự chung của đông đảo người dân Việt Nam. Qua đó giáo dục tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, sự đùm bọc sẻ chia khi gặp khó khăn, hoạn nạn không chỉ những người có quan hệ gia đình mà phát triển rộng ra toàn xã hội. Chế định cấp dưỡng đã góp phần tôn vinh các giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam, thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật Việt Nam.
II. Chế định cấp dưỡng trong Luật HN-GD năm 2000.
1. Những quy định chung về cấp dưỡng trong Luật HN-GD Việt Nam năm 2000.
1.1 Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Để xác lập quan hệ cấp dưỡng, hay cụ thể hơn là phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cần phải có những căn cứ nhất định, đó là:
- Giữa các chủ thể của quan hệ cấp dưỡng phải có quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng hoặc đã từng có quan hệ hôn nhân.
+ Về quan hệ huyết thống: Luật HN-GĐ quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha me và con, giũa anh chị em với nhau và giữa ông bà với cháu. Để xác định mối quan hệ huyết thống phải bắt đầu từ việc xác định quan hệ giữa cha, me và con phát sịnh trên sự kiện sinh đẻ. Từ quan hệ cha, me và con mà suy ra quan hệ giữa ông bà và cháu, giữa anh chị em với nhau…
+ Về quan hệ nuôi dưỡng (nuôi con nuôi): Việc nuôi con nuôi làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con, giữa người nhận nuôi con nuôi (cha mẹ nuôi) và người được nhận làm con nuôi (con nuôi). Theo Luật HN-GĐ năm 2000 thì việc nhận nuôi con nuôi phải tuân thủ các điều kiện của việc nuôi con nuôi và phải đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cha mẹ nuôi và con nuôi có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau khi không sống chung hoặc một bên trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng. Sự kiện nuôi con nuôi chỉ làm phát sinh quan hệ phát luật giữa cha me nuôi và con nuôi chứ không làm phát sinh quan hệ pháp luật giữa người con nuôi với các thành viên khác trong giá đình của cha, mẹ nuôi. Do đó không có quan hệ ông bà và cháu nuôi hoặc chị em nuôi
+ Về quan hệ hôn nhân: Luật HN-GĐ năm 2000 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi li hôn (Điều 60). Đây là nghĩa vụ phát sinh giữa những người đã từng có quan hệ hôn nhân. Do vậy, chỉ những người tồn tại hôn nhân hợp pháp thì khi li hôn mới có quyều và nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau theo quy định của pháp luật.
- Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người túng thiếu khó khăn. Cấp dưỡng nhằm đảm bảo cuộc sống với mức tối thiểu của người được cấp dưỡng.
- Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng không sống chung với nhau. Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng vì những hoàn cảnh nhất định không thể trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người kia, do đó người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp tiền hoặc những tài sản nhất định (như lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men…) để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, bảo đảm sự sống còn của người đó.
- Người cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ có thể thực ủhiện được khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng kinh tế đủ để đảm bảo cuộc sống chính mình. Ngĩa vụ cấp dưỡng phỉa căn cứ vào khả năng, thu nhập thực tế của ngườu có nghĩa vụ cấp dưỡng.
1.2. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng.
Theo quy định tại Điều 61 Luật HN-GĐ năm 2000 thì nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Người được cấp dưỡng đã là thành niên hoặc có khả năng lao động
- Người được cấp dưỡng có thu nhập hoặc tài sản để tự nuôi mình
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi
- Người được cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng
- Người được cấp dưỡng hoặc người có nghĩa vụ cấp dưỡng chết
- Bên được cấp dưỡng sau khi li hôn đã kết hôn với người khác
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Trong từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của các bên, trên cơ sở bảo vệ quyền và nghĩa vụ chính đáng của người được cấp dưỡng và người có nghĩa vụ cấp dưỡng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng.
* Thủ tục chấm dứt cấp dưỡng: Trong các trường hợp 3,4,5,6, nghĩa vụ cấp dưỡng có thể chấm dứt một cách đương nhiên. Trong các trường hợp còn lại, sẽ rất khó nếu các bên chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo thỏa thuận mặc nhiên rồi sau đó một thời gian, người có quyền được cấp dưỡng lại yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trở lại, thậm chí, cấp dưỡng cả cho thời gian giữa ngày thỏa thuận mặc nhiên và ngày yêu cầu cấp dưỡng lại. Nói chung, thực tiễn giao dịch thừa nhận khái niệm cấp dưỡng không liên tục: nếu đến hạn cấp dưỡng mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ và người được cấp dưỡng không yêu cầu mà cũng không nêu lý do, thì có thể coi như người được cấp dưỡng không có nhu cầu; đến hạn kế tiếp, người được cấp dưỡng có yêu cầu, thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải đáp ứng, nhưng người được cấp dưỡng chỉ có quyền đòi phần cấp dưỡng tương ứng với kỳ hạn đó chứ không thể đòi cả phần cấp dưỡng của kỳ hạn trước đó (mà mình đã không đòi).
Nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi chấm dứt, vẫn có thể được xác lập lại một khi lại có một bên lâm vào cảnh túng thiếu và bên kia có khả năng. Nhưng quy tắc này không áp dụng cho trường hợp người được cấp dưỡng là vợ hoặc chồng đã ly hôn và đã kết hôn với người khác.
1.3. Mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện cấp dưỡng.
a. Mức cấp dưỡng.
Theo quy định tại Điều 53 Luật HN-GĐ năm 2000, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận dựa căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Lí do chính đáng để yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng có thể là người cấp dưỡng (hoặc người được cấp dưỡng) lâm vào tình trạng khó khăn hơn do bị bệnh tật, tai nại, không có việc làm hoặc các thu nhập hợp pháp khác.
b. Phương thức thực hiện cấp dưỡng.
Theo quy định tại Điều 54 Luật HN-GĐ năm 2000 quy định: “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần”. Như vậy, phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện rất linh hoạt, mềm dẻo. Điều đó tạo điều kiện cho các bên dễ dàng thỏa thuận lựa chọn cách thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh cụ thể của mình. Thông thường nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện theo định kỳ. Khoản 1 Điều 18 Nghị định 70/2001/NĐ-CP quy định: “Người có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận về phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản. Nghĩa vụ cấp dưỡng được ưu tiên thực hiện theo phương thức định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm hoặc hàng năm”.
Trong trường hợp đặc biệt, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế và người được cấp dưỡng cũng đồng ý, thì nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được thực hiện một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
1.4. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Theo quy định tại Điều 55 Luật HN-GĐ năm 2000 và Điều 162 Bộ Luật tố tụng dân sự, những người sau đây có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ đó:
- Người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu buộc người không tụ nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
- Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
- Cơ quan tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hoặc Viện kiểm sát yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó: Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ.
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền đề nghị Viện kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ rất rộng. Điều đó nhằm đảm bảo lợi ích của người được cấp dưỡng, đặc biệt là người già và trẻ em, vì thông thường những chủ thể này rất ít khi tự mình yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
1.5. Đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Nhà nước ta đã xây dựng một hành lang pháp lý cần thiết để đảm bảo cho nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện. Chế định cấp dưỡng trong hệ thống pháp luật hiện hành đã tạo ra một cơ chế pháp lí cần thiết hướng hành vi ứng xử cho mỗi thành viên trong gia đình và xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và là cơ sở pháp lý để giải quyết khi có yêu cầu về cấp dưỡng. Theo quy định của pháp luật, khi có người thuộc diện được cấp dưỡng thì những người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo thứ tự hàng cấp dưỡng mà pháp luật đã quy định phải cấp dưỡng cho họ trên cơ sở sự tự nguyện. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ thì sẽ bị Tòa án buộc thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 55 Luật HN-GĐ và khoản 1 Điều 20 Nghị định số 70/2001/NĐ - CP.
Cùng với các biện pháp cưỡng chế là buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, Nhà nước ta còn ban hành các quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Điều 107 Luật HN-GĐ năm 2000 quy định: “Người nào…không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng…thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Điều 12 Nghị quyết số 87/2001/NĐ-CP ngày 21-11-2001 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đên 100.000 đòng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vọ và chồng sau khi li hôn, anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu thoe quy định của pháp luật. 2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cha mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi li hôn theo quy định của pháp luật”
Điều 152 Bộ luật hình sự năm 1999 còn quy định chế tài hình sự cho hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lí hành chings thì bị phạt cảnh cáo, cỉa tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
2. Cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình.
2.1. Cấp dưỡng của cha mẹ đối với con.
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con phát sinh trên cơ sở cha mẹ có “nghĩa vụ cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con” (Điều 36). Khi cha mẹ vì những lí do nhất định mà không trực tiếp nuôi dưỡng con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con là một bước phát triển so với Luật HN-GĐ năm 1986. Trong Điều 45 Luật NH-GĐ năm 1986 mới chỉ mới chỉ quy định “ đóng góp phí tổn nuôi dưỡng” nhưng chưa được gọi là nghĩa vụ cấp dưỡng như trong Luật HN-GĐ năm 2000.
Trong thực tế, việc cha mẹ cấp dưỡng cho con có thể xảy ra trong hai trường hợp là khi hôn nhân đang tồn tại và khi cha, mẹ li hôn.
* Cha mẹ cấp dưỡng cho con khi hôn nhân đang tồn tại: Khi hôn nhân đang tồn tại, mà cha mẹ không có điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng con (do đi công tác xa, do phải chấp hành án phạt tù, do bệnh tật phải điều trị lâu dài…), con được giao cho người khác trông nom, chăm sóc thì cha mẹ có ngh vụ cấp dưỡng cho con.
Trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo quy định tại Điều 41 Luật HN-GĐ thì không được thực hiện quyền chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, quản lí tài sản của con nhưng vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng ( khoản 3 Điều 43 Luật HN-GĐ năm 2000)
* Cha, mẹ cấp dưỡng cho con khi li hôn: Khi li hôn cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Điều 56 Luật HN-GĐ quy định: “ Khi li hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”. Điều 92 Luật HN-GĐ quy định: “ Sau khi li hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất sức năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Ngườu không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”.
Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha mẹ li hôn được đặt ra khi đáp ứng đủ hai điều kiện sau đây:
Thứ nhất, bên được cấp dưỡng (con) phải là người chưa thành niên hoặc đã thành niên thì thuộc diện bị tàn tật, bị mất năng lực hành vi, không có khả năng lao động. Đối tượng được cha mẹ cấp dưỡng bao gồm tất cả các con chưa thành niên, hoặc con đã thành niên nhưng bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình. Khi cha, mẹ li hôn thì con đã thành thai trong thời kì hôn nhân và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt mà còn sống cũng được cấp dưỡng.
Thứ hai, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Về mức cấp dưỡng cho con do cha mẹ thỏa thuận. Theo Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP thì: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng, học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quy định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lí”.
Về phương thức cấp dưỡng nuôi con do các bên thỏa thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm. Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng”.
Khi điều kiện thay đổi, hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 93, thì các bên có thể thỏa thuận thay đổi về người cấp dưỡng, mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng nuôi con trên cở xở vì lợi ích của con.
Thực tế giải quyết việc li hôn tại các địa phương trong cả nước cho thấy Tòa án đã vận dụng tốt các quy định về việc cha, mẹ cấp dưỡng cho con khi li hôn. Thông qua công tác hòa giải, Tòa án đã giải thích cho vợ chồng hiểu rõ về nghĩa vụ của mỗi bên đối với con chung nếu li hôn. Dưới sự giúp đỡ của Tòa án, trong phần lớn các vụ li hôn vợ chồng đã thỏa thuận về việc nuôi con và cấp dưỡng cho con một cách thỏa đáng.
Bên cạnh đó việc vận dụng các quy định về cấp dưỡng cho con khi li hôn vẫn còn những hạn chế:
- Thực tế còn nhiều trường hợp Tòa án công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về việc một bên trực tiếp nuôi con và bên không trực tiếp nuôi con không phải cấp dưỡng cho con. Thực chất đây là thỏa thuận trái pháp luật nhưng vẫn được nhiều cặp vợ chồng thực hiện vì xuất phát từ nguyện vọng muốn được nuôi con nên một bên đã thỏa thuận với bên kia là chấp nhận cho họ nuôi con thì họ sẽ không yêu cầu cấp dưỡng cho con. Có bản án quyết định giao con cho một bên nuôi và tuyên bố bên kia không có nghĩa vụ cấp dưỡng mà không đưa ra một lí do nào.
- Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con thuộc diện cần được cấp dưỡng trong trường hợp li hôn do một bên mất tích hoặc vắng mặt chưa thực sự thỏa đáng. Khi giải quyết li hôn, tòa án chỉ quyết định giao con cho bên trực tiếp cho bên ở nhà trực tiếp nuôi mà không mà không quyết định bên kia phải cấp dưỡng. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của con không được đảm bảo. Để bảo vệ quyền lợi của con cần phải có biện pháp thích hợp đói với tình huống này.
- Vấn đề cấp dưỡng cho con đã thành niên nhưng đang học tập ở các trường phổ thông, đại học, trung cấp chuyên nghiệp, trung học hoặc dạy nghề chưa được Tòa án quan tâm. Luật HN-GĐ quy định khi li hôn, cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng tàn tật mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không xó tài sản để tự nuôi mình. Người đã thành niên không chỉ là người tàn tật người mất năng lực hành vi dân sự mà còn bao gồm người có sức khỏe nhưng phải dành toàn bộ thời gian cho việc học tập nên không thể tham gia lao động để có thu nhập nuôi sống bản thân. Thực tế thì chưa có bản án nào quyết định việc cấp dưỡng cho con đã thành niên đang học tập trong các trường.
- Qua thực tế tại một số địa phương có thể nhận định rằng trường hợp cha mẹ cấp dưỡng cho con khi trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng con chưa được tòa án giải quyết. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng khi người có nghĩa vụ trốn tránh thực hiện việc nuôi dưỡng người thân thích chưa được hiểu đúng. Thực tế đã có không ít trường hợp vợ hoặc chồng có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc nuôi con, không đóng góp thu nhập của mình vào khối tài sản chung của vợ chồng khi nuôi con nhưng khi bên kia yêu cầu tòa án buộc họ phải cấp dưỡng thì tòa án lại cho rằng không có quy định về việc cấp dưỡng cho con khi vợ chồng không li hôn, do đó tòa án không thụ lí và giải quyết các yêu cầu cấp dưỡng đó.
2.2. Cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ.
Luật HN-GĐ năm 1959 và năm 1986 đều chưa quy định rõ nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ. Luật HN-GĐ năm 2000 đã quy định một cách cụ thể về nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ tại Điều 57: “Con không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình)
Việc cấp dưỡng của con đối vơi cha, mẹ chỉ đặt ra khi đủ hai điều kiện sau:
+Thứ nhất, con đã thành niên và không sống chung với cha mẹ. Việc cấp dưỡng không đặt ra đối với mọi người con mà chỉ những người con đã thành niên. Nếu người con chưa thành niên thì dù có tài sản riêng, có thu nhập cao (chẳng hạn đứa con này là một lập trình viên hoặc một diễn viên nổi tiếng…) thì người con này cũng không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Hơn nữa nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ đặt ra đối với người con không sống chung với cha mẹ. Nếu như người con đã là thành niên và đang sống chung với cha mẹ thì vấn đề thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng không được đặt ra.
+ Thứ hai, cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân. Không có khả năng lao động được hiểu là cha mẹ do những nguyên nhân như già yếu, ốm đau, bệnh tật…nên không đủ sức khỏe để làm việc có thu nhập nuôi sống bản thân. Không có tài sản để tự nuôi sống bản thân được hiểu là cha mẹ hoàn toàn không có một chút tài sản nào hoặc có nhưng đó là những vật dụng thiết yếu không thể bán đi để lấy tiền sinh sống được như đồ thờ cúng, quần áo thiết yếu…
Thực tế tại các tòa án cho thấy, án kiện về nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ không nhiều. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là các nguyên nhân tích cực. Theo quy định của pháp luật con chỉ phải cấp dưỡng cho cha mẹ khi cha mẹ không có đủ khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Điều 57), trong khi người Việt Nam thường hay lo xa, khi có thu nhập thì dành dụm một số tiền để “ dưỡng già” nên phần lớn cha mẹ khi già đều có tài sản để tự nuôi mình, do đó nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ không có điều kiện phát sinh.
Bên cạnh những nguyên nhân tích cực còn có những nguyên nhân tiêu cực. Thực tế vẫn có những trường hợp con không nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho cha mẹ khi cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình nhưng vụ việc không được đưa ra tòa án giải quyết vì những lí do khác nhau. Thứ nhất là các cơ quan đoàn thể ở địa phương chưa vận dụng triệt để các quy định của Luật HN-GĐ về nghĩa vụ nuôi dưỡng và cấp dưỡng của con đối với cha mẹ. Khi có hành vi vi phạm thì biện pháp được áp dụng là giáo dục vận động mà chưa có biện pháp chế tài đối với người vi phạm. Thứ hai do ý thức pháp luật của một số bộ phận dân cư chưa cao dẫn đến để việc tình cảm lấn át. Nhiều trường hợp cha mẹ già yếu không được con chăm sóc phụng dưỡng nhưng không yêu cầu các con cấp dưỡng và tự ái hoặc vì tâm lí ngại “ vạch áo cho người xem lưng”…
2.3. Cấp dưỡng giữa anh, chị, em.
Điều 58 Luật HN-GĐ quy định: “1. Trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không còn khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không chung sống với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 2. Em đã thành niên không chung sống với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.”. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật HN-GĐ năm 1959 và năm 1986.
Khoản 1 Điều 58 đã xác định rõ nghĩa vụ cấp dưỡng của anh, chị đối em trong hoàn cảnh đặc biệt. Nghĩa vụ này phát sinh khi thõa mãn đồng thời các điều kiện sau đây:
+ Thứ nhất, người được cấp dưỡng là người chưa thành niên và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân hoặc là người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi mình.
+ Thứ hai, điều kiện đới với cha mẹ người được cấp dưỡng: Cha mẹ không còn hoặc cha mẹ còn nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con.
Như vậy pháp luật đã khẳng định nghĩa vụ cấp dưỡng người chưa thành niên và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trước hết thuộc về cha mẹ. Chỉ trong trường hợp cha mẹ không còn hoặc cha mẹ còn nhưng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình thì nghĩa vụ đó mới thuộc về các anh chị trong gia đình.
+ Thứ ba,điều kiện đối với người có nghĩa vụ cấp dưỡng: là người đã thành niên và không chung sống với người em.
Khoản 2 Điều 58 Luật NH-GĐ năm 2000 đã quy định rõ nghĩa vụ cấp dưỡng của em đối với anh, chị của mình. Theo đó, người em có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với anh chị của mình khi đầy đủ các điều kiện sau:
+ Thứ nhất: người được cấp dưỡng là người đã thành niện không có khả năng lao động và không có tài sản để tụ nuôi sống mình.
+ Thứ hai: người có nghũa vụ cấp dưỡng phải là người đã thành niên và không sống chung với anh, chị.
Trong trường hợp em đã thành niên mà thuộc diện được cấp dưỡng từ người khác (do người em không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình) thì đương nhiên nghĩa vụ cấp dưỡng của ngườ em không tồn tại đối với các anh, chị của mình.
Thực tế các vụ kiện về cấp dưỡng giữa anh chị em được giải quyết ở tòa rất ít. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nghĩa vụ này được thực hiện dựa trên sự tự nguyện và thỏa thuận của các bên. Khi có anh chị em cần được cấp dưỡng thì những người khác tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình với tình cảm gắn bó, chia sẻ, đùm bọc. Hơn nữa, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em với nhau đứng sau nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha mẹ và con, giữa vợ chồng nên tình huống xảy ra nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh chị em không nhiều.
2.4. Cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu.
Điều 59 cuả Luật HN-GĐ năm 2000 điều chỉnh quan hệ cáp dưỡng giữa ông bà và cháu. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật HN-GĐ năm 1986:“1. Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định tạo Điều 58 của Luật này. 2. Cháu đã thành niên không sỗng chung với ooing bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao đọng, không có tài sản để tự nuôi sống mình và không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này”
Khoản 1 Điều 59 Luật HN-GĐ năm 2000 đã quy định rõ nghĩa vụ cấp dưỡng của ông bà đối với cháu. Theo đó, nghĩa vụ cấp dưỡng của ông bà đối với cháu chỉ phát sinh khi có những điều kiện nhất định. Cụ thể, người cháu chỉ có thể được cấp dưỡng từ phái ông bà nếu thỏa mãn đồng thời ba điều kiện sau đây:
+ Thứ nhất, người cháu phải là người chưa thành niên (tức là chưa đủ 18 tuổi) hoặc đã là thành niên nhưng không có khảnăng lao động. Như vậy, đối với những người đã thành niên có khả năng lao động thì dù có túng thiếu thì cũng không phải là đối tượng mà pháp luật chấp nhận được hưởng cấp dưỡng thừ ông bà.
+ Thứ hai, người cháu phải không có tài sản để tự nuôi mình. Điều này có nghĩa là nếu như người cháu chưa thành niện hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động nhưng có tài sản để tự nuôi mình, thì người này không được hưởng sự cấp dưỡng từ phái ông bà của mình.
+ Thứ ba, phải là đối tượng không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 58 Luật HN-GĐ năm 2000.
Khoản 2 Điều 59 Luật HN-GĐ năm 2000 đã quy định rõ nghĩa vụ cấp dưỡng của cháu đối với ông bà. Theo đó, nghĩa vụ cấp dưỡng của cháu đối với ông bà đặt ra khi đủ các điều kiện:
+Thứ nhất, người cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng đã thành niên và không sống chung với ông bà
+Thứ hai, ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi sống mình và không có người khác cấp dưỡng (không còn con hoặc còn nhưng con không có khả năng lao động, không có tài sản để thực hiện ngĩa vụ cấp dưỡng).
Thực tế việc giải quyết yêu cầu cấp dưỡng giữa ông bà và cháu tại tòa án rất hiếm. Qua thực tế tại một số tòa án huyện, thị xã, thành phố tại một số địa phương cho thấy chưa có trường hợp cấp dưỡng giữa ông bà và cháu. Hiện tượng này là do những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nguyên nhân thứ nhất là do phong trào vận động người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích nên phần lớn các cụ vẫn có những hoạt động kinh tế phù hợp với sức khỏe và khả năng của mình. Vì vậy các cụ vẫn có thu nhập để nuôi sống bản thân. Đồng thời trong số người cao tuổi thì một phần là có thu nhập thường xuyên như trợ cấp hưu trí, trợ cấp mất sức lao động… Số không có trợ cấp thường xuyên thì luôn có ý thức khi còn trẻ giành dụm một số tiền để dưỡng già nên dù không có khả năng lao đọng nhưng vẫn có tài sản để đảm bảo cuộc sống. Do đó số người cao tuổi cần con cháu cấp dưỡng không nhiều. Nguyên nhân thứ hai là hầu hết các trường hợp khi ông bà hoặc cháu cần nuôi dưỡng hay trợ cấp thì người có nghĩa vụ tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình. Nguyên nhân thứ ba có thể là do một số người nghĩ rằng đó chỉ là nghĩa vụ đạo đức chứ không phải là nghĩa vụ pháp lí nên khi nghĩa vụ này không được thực hiện tự nguyện thì họ không yêu cần tòa án bảo vệ quyền của mình.
2.5. Cấp dưỡng giữa vợ và chồng.
Vấn đề cấp dưỡng giữa vợ và chồng đã được quy định trong Luật HN-GĐ năm 1959 (Điều 30) và Luật HN-GĐ năm 1986 (Điều 43). Luật HN-GĐ năm 2000 đã kế thừa và phát triển vấn đề cấp dưỡng giữa vợ và chồng so với hai bộ Luật trên. Thể hiện ở chỗ: khoản cấp dưỡng và thời gian cấp dưỡng hoàn toàn do bên cấp dưỡng quyết định tùy theo khả năng kinh tế của mình, chứ không cần phải có sự thỏa thuận của người được cấp dưỡng như trước đây: “ Khi ly hôn, nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.”(Điều 60)
Quan hệ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn là loại quan hệ có điều kiện. Tức là chỉ trong những trường hợp nhất định, nghĩa vụ cấp dưỡng mới phát sinh. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng chỉ phát sinh khi có các điều kiện sau:
+ Thứ nhất, bên được cấp dưỡng có khó khăn túng thiếu; chưa kết hôn với người khác. Trong trường hợp người được cấp dưỡng kết hôn với người khác sẽ là một trong những căn cứ chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng.
+ Thứ hai, bên được cấp dưỡng phải có yêu cầu. Như vậy, nếu vợ chồng sau khi ly hôn rơi vào hoàn cảnh túng thiếu, khó khăn mà không có yêu cầu, tức là không bày tỏ nguyện vọng yêu cầu bên kia cấp dưỡng thì nghĩa vụ cấp dưỡng không được phát sinh.
Có thể thấy, khác với những trường hợp cấp dưỡng khác, việc cấp dướng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn mang tình mềm dẻo và ít cưỡng chế hơn. Điều này thể hiện ở việc không quy định về việc xác định phương thức và mức cấp dưỡng, mà để cho người cấp dưỡng tự quyết định tùy thực khả năng của mình.
Thực tế xét xử tại các tòa án cho thấy số vụ li hôn trong đó vợ chồng phải cấp dưỡng cho nhau là rất ít. Thực tế trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất là do tự ái, sĩ diện mà người có khó khăn túng thiếu không yêu cầu người kia cấp dưỡng. Thứ hai là do liên quan đến việc nuôi con. Thực tế cho thấy do điều kiện sức khỏe, do đặc điểm giới tính, do tính chất việc làm…nên thông thường người vợ là người gặp khó khăn túng thiếu khi li hôn. Nhưng cũng trên thực tế, khi vợ chồng li hôn mà có con chung chưa thành niên hoặc đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì chủ yếu là người vợ mong muốn được nuôi con. Nếu người vợ có mong muốn được nuôi con mà lại đưa ra yêu cầu cấp dưỡng và chứng minh tình trạng khó khăn của mình thì họ sợ nguyện vọng đó không được tòa án chấp nhận. Vì vậy, dù khó khăn túng thiếu họ vẫn không đưa ra yêu cầu bên cấp dưỡng. Thứ ba là do thu nhập bình quân tính trên đầu người hiện nay còn thấp nên khi vợ chồng li hôn có thể cả hai bên cùng khó khăn hoặc bên kia lại không có khả năng cấp dưỡng, vì vậy vấp đề cấp dưỡng giũa họ không thể phát sinh. Thứ tư, là do bên yêu cầu được cấp dưỡng thực sự khó khăn túng thiếu nhưng sự khó khăn túng thiếu đó không có lí do chính đáng nên tào án đã bác yêu cầu của họ .
III. Hoàn thiện chế độ cấp dưỡng trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Hiện nay, một số quy định về cấp dưỡng trong luật hôn nhân gia đình chưa cụ thể còn khiếm khuyết hoặc không còn phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội cũng như chưa đòng bộ với các ngành luật khác đã gây khó khăn trong quá trình thi hành , áp dụng và ảnh hưởng đến hiệu quả điều chỉnh của chế định cấp dưỡng. Để khắc phục tình trạng này, cần phải sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:
Thứ nhất, quy định vợ chồng có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau để tạo cơ sở pháp lí cho nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng trong thời kì hôn nhân. Luật HN-GĐ năm 2000 chỉ quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi li hôn mà không quy định nghĩa vụ cấp dưỡng trong thời kì hôn nhân
Thứ hai, cần quy định nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn theo nguyên tắc riêng. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi li hôn có đặc thù riêng là phát sinh giữa những người đã từng có quan hệ gia đình với nhau. Đây là một loại nghĩa vụ về tài sản giữa vợ và chồng nhưng chỉ phát sinh khi đã được Tào án ra quyết định hoặc công nhận li hôn. Do co đặc thù riêng nên nghĩa vụ này phải được xử sự theo nguyên tắc riêng mà không thể theo các nguyên tắc chung về cấp dưỡng giữa những người đang có quan hệ gia đình với nhau.
Thứ ba, sửa khoản 6 Điều 61 Luật HN-GĐ năm 2000. Khoản 6 Điều 61 Luật HN-GĐ năm 2000 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi người được cấp dưỡng khi li hôn kết hôn với người khác. Có thể thấy khoản 6 Điều 61 chỉ áp dụng đối với trường hợp cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi li hôn. Xét về mặt lí luận và thực tiễn có thể khẳng định rằng các trường hợp cấp dưỡng cho người chưa thành niên hoặc người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì nếu người được cấp dưỡng kêt hôn thì nghĩa vụ cấp dưỡng cũng cần được chấm dứt.
Thứ tư, cần quy định thứ tự trong quan hệ cấp dưỡng. Luật HN-GĐ năm 2000 quy định hàng cấp dưỡng, đó là: Cấp dưỡng giữa cha mẹ và con là hàng thứ nhất, cấp dưỡng giữa anh chị em là hàng thứ hai, cấp dưỡng giữa ông bà và cháu là hàng thứ ba. Riêng trong quan hệ cấp dưỡng giữa vợ và chồng là chưa có cơ sở để xác định hàng cấp dưỡng. Tuy nhiên, việc quy định hàng cấp dưỡng như vậy vẫn chưa đủ cơ sở pháp lí để giải quyết những tình huống xảy ra trong thực tế khi có nhiều người cùng tham gia vào quan hệ cấp dưỡng với tư cách là người có quyền được cấp dưỡng hoặc người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ năm, cần quy định thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định thời điểm người có nghã vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu cấp dưỡng trên cơ sở tự nguyện thì thời điển đó dường như không quan trọng nhưng đối với trường hợp Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng thì thời điểm này có ý nghĩa thực tế rất lớn. Việc xác định rõ thời điểm cấp dưỡng không những đảm bảo chất lượng xét xử của Tòa án mà còn đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng cũng như người có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ sáu, cần mở rộng phạm vi nghĩa vụ cấp dưỡng đến quan hệ giữa cô, dì, chú, bác, cậu ruột với cháu. Trong quan hệ cấp dưỡng diện những người có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau mới dừng lại trong phạm vi hẹp, gồm cha mẹ và con, anh chị em, ông bà và cháu. Xét bản chất quan hệ cấp dưỡng có mối liên hệ trực tiếp đến vấn đề bảo đảm sự sinh tồn của người được cấp dưỡng, bảo vệ quyền con người và vì con người, do đó trong quan hệ cấp dưỡng, diện những người có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau phải mở rộng hơn thì việc chăm sóc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên hoặc người đã thành niên nhưng không có khả năng lao đông mới thực sự được đảm bảo. Hơn nữa việc mở rộng quan hệ cấp dưỡng đến những người có quan hệ là cô, dì, chú, bác, cậu ruột với cháu là hoàn toàn phù hợp với quan niệm về mức độ thân thích cũng như thực tế về qun hệ gắn bó của người Việt Nam.
Thứ bảy, cần hướng dẫn cụ thể thế nào là “ không sống chung” và “ trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng”. Trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định thể nào là “ không sống chung” và thế nào là “ trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng” nên việc thi hành và áp dụng quy định này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và nhiều khi dẫn đến hiếu không đúng luật.
Thứ tám, cần hướng dẫn cụ thể thế nào là người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động
Tóm lại, hế định cấp dưỡng đã thực sự phát huy vai trò bỏa vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người có quyền. Nhờ đó quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người cao tuổi, người không có khả năng lao động…được đảm bảo góp phần xây dựng xã hội lành mạnh ổn định và văn minh, giảm đối tượng xã hội cần được nhà nước bảo trợ. Luật HN-GĐ năm 2000 tuy đã có những quy định cụ thể và đầy đủ hơn trước về vấn đề cấp dưỡng, nhưng vẫn chưa tạo được cơ sở pháp lí đầy đủ đáp ứng được yêu cầu của thực trạng đã và đang xảy. Do đó, cần phải có sự đàu tư nghiên cứu một cách tổng hợp giữa thực tiễn và pháp luật để có các quy phạm hướng dẫn thực hiện luật đồng bộ phù hợp với thực tế, nhằm thiện hơn nữa chế định cấp dưỡng.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Nguyễn Ngọc Điện, bình luận khoa học Luật hôn nhân gia đình, tập 1, NXB. Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh, 2002
Nguyễn Văn Cừ và Ngô Thị Hường, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về luật hôn nhân và gia đình năm 2000, NXB chính tri quốc gia, Hà Nội,2002.
Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Huế, giáo trình luật hôn nhân và gia đình Việt Nam , NXB công an nhân dân, Hà Nội, 2003
Nguyễn Thị Mai Hương, bình luận khoa học Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000, NXB chính trị quốc gia. Hà Nội, 2003.
Luật hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000
Nghị định Chính phủ số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 quy định chi tiết thi hành luật hôn nhân gia đình năm 2000.
Ngô Thị Hường, Chế định cấp dưỡng trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam-Kí kuaan và thực tiễn, Luận văn tiến sĩ luật học, Trường Đại hoc Luật Hà Nội.
Nguyễn Thị Minh Phương, Thực tiễn giải quyết các tranh chấp về cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Tài liệu từ internet:
+
+
+
+
+
+
+
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bai tap luat 260.doc