Triết học - Thờ cúng quan công trong các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ

Đạo Cao Đài do một số trí thức Nam Bộ như Ngô Văn Chiêu, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung,. sáng lập năm 1926 trên cơ sở kết hợp tôn giáo truyền thống và tri thức khoa học Phương Tây. Tôn giáo này lấy Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục nhất làm tông chỉ. Theo giải thích của đạo Cao Đài, Tam giáo quy nguyên là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo trở về với nền tôn giáo chân truyền lúc đầu; Ngũ chi phục nhất là Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo được hợp nhất dưới sự quy thống của Thượng Đế. Đạo Cao Đài chủ trương vạn vật vạn linh đều phải tiến hóa lên những quả vị cao hơn trong quá trình tiến hóa chung của vũ trụ. Vì dung nạp rộng rãi giáo lý của nhiều tôn giáo, nên hầu hết các phương diện của đạo Cao Đài thể hiện rõ tính chất dung hợp. Tôn giáo này cho rằng, Quan Công là một trong Tam Trấn Uy Nghiêm, cùng với Thái Bạch Kim Tinh và Bồ tát Quán Thế Âm đại diện cho các vị tổ của Tam giáo là Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử hộ trì cho nền đạo trong lần phổ độ thứ ba. Theo Phạm Công Tắc, một trong những người sáng lập đạo Cao Đài, thánh vị của Quan Công không phải do Thượng Đế ban phong, mà là do muôn loài tôn xưng và phong tặng.

pdf15 trang | Chia sẻ: huyhoang44 | Lượt xem: 853 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Triết học - Thờ cúng quan công trong các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
120 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 NGUYỄN THANH PHONG* THỜ CÚNG QUAN CÔNG TRONG CÁC TÔN GIÁO NỘI SINH Ở NAM BỘ Tóm tắt: Các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ thời cận hiện đại như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, đã tiếp thu hình thức thờ cúng Quan Công ở những mức độ khác nhau. Các tôn giáo này đều xem Quan Công là vị thần phù hộ cho nhân dân. Bài viết tập trung làm rõ những biểu hiện và đặc điểm của thờ cúng Quan Công trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đạo Cao Đài, bước đầu so sánh với thờ cúng Quan Công của người Hoa từ Trung Quốc đưa sang thời kỳ đầu, từ đó chỉ ra những điểm đặc sắc trong thờ cúng Quan Công của các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ. Từ khóa: Tôn giáo nội sinh, thờ cúng Quan Công, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài. 1. Đặt vấn đề Quan Công (Quan Vũ, Quan Vân Trường, Quan Thánh Đế Quân) là một trong những vị thần có sự ảnh hưởng rộng rãi nhất trong tôn giáo của người Hoa trên thế giới. Cùng với bước chân di cư của người Hoa ra hải ngoại, thờ cúng Quan Công được truyền bá đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, dung hợp với các tôn giáo bản địa tạo nên nhiều biến thể của loại hình thờ cúng này. Mặc dù vậy, thờ cúng Quan Công ở các địa phương, các thời đại và các tôn giáo có những quy luật hình thành và phát triển khá tương đồng. Điều này do bản chất của loại hình thờ cúng Quan Công quyết định. Quan Công là một nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Thái độ trung thành đối với nhà vua, nghĩa khí trong giao tiếp với mọi người, dũng mãnh khi đối mặt với kẻ thù khiến cho ông được nhiều người kính phục và ca ngợi. Ông trở thành biểu tượng của trung quân, nghĩa dũng trong con mắt của quần chúng. Thành tích trừ gian diệt ác, góp sức xây dựng quốc gia, xả thân báo đền ơn vua của Quan Công càng khiến nhân * ThS., Trường Đại học An Giang. Nguyễn Thanh Phong. Thờ cúng Quan Công... 121 dân kính ngưỡng ông. Vì những phẩm chất và công lao đó, hình tượng của Quan Công được các bậc đế vương Trung Hoa đời sau lợi dụng và ca ngợi như là một mẫu mực của bề tôi, dễ dàng được các tôn giáo tôn xưng như một biểu tượng làm người. Từ đó, ông được thần thánh hóa, luôn chiếm giữ một trong những vị trí quan trọng trong hệ thống thần linh các tôn giáo ở Trung Hoa. Phẩm chất trung nghĩa của Quan Công phù hợp với nhu cầu củng cố quyền lực của các bậc đế vương, lại phù hợp với mục đích khôi phục luân lý đạo đức vua tôi, nên ông được các bậc đế vương Trung Hoa đề cao và sắc phong. Cuối thời Hán, Tào Tháo cảm phục khí phách nghĩa dũng của Quan Công, nên cho xây dựng miếu thờ ông ngay tại quê hương mình. Trước thời Tùy Đường, Quan Công chỉ được thờ phụng trong phạm vi thành Kinh Châu với tư cách một mãnh tướng tử nạn, được dân chúng xếp ngang hàng với cô hồn dã quỷ. Từ thời Tùy Đường trở về sau, thờ cúng Quan Công được truyền bá rộng rãi hơn, dân chúng tự giác cúng tế, xem ông là võ thần luôn phù hộ diệt trừ ma quỷ quấy nhiễu. Đến thời nhà Tống, với mục đích tăng cường sức mạnh của chế độ phong kiến tập quyền trung ương, đẩy mạnh chấn hưng Nho giáo, phẩm chất trung nghĩa của Quan Công được những người nắm giữ quyền lực ca ngợi, ban sắc phong và lệnh cho các nơi dựng miếu thờ tự. Vì vậy, vị trí của Quan Công trong đời sống tâm linh của quần chúng không ngừng được nâng cao. Danh xưng Quan Thánh Đế Quân mà triều đình sắc phong đưa Quan Công lên vị trí ngang hàng với bậc đế vương và hai vị tiên sư của Nho giáo là Khổng Tử và Mạnh Tử. Ngoài Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo ở Trung Hoa cũng tiếp thu sâu sắc hình thức thờ cúng Quan Công. Từ đó, Quan Công được hai tôn giáo này ca ngợi trong vai trò khuyến thiện trừng ác. Thời kỳ Minh Thanh, các tôn giáo liên tiếp nổi lên như nấm sau mưa trong dân chúng, kết hợp với phong khí dung hợp Tam giáo cửu lưu đưa Quan Công lên vị trí thần linh cao quý thực hiện chức năng quan trọng là bảo vệ đất nước, phù trợ ngôi vua và vỗ an muôn dân1. Các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ nước ta thời cận hiện đại hình thành trong hoàn cảnh thế cuộc đầy biến động, vận dụng nghi thức hành đạo mang màu sắc truyền thống như cầu cơ, sấm vĩ, tiên tri, bái sám, thần thông, mật luyện; tiếp thu và dung hòa giáo lý và thần linh phong phú của Tam giáo; sử dụng bùa chú để trị bệnh, chiêm bói cát hung, thuật tướng số để vỗ an lòng dân,... đã thu hút được sự quan tâm và gia nhập của nhiều 122 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 tầng lớp dân chúng trong xã hội. Các tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, đã xây dựng mạt thế luận như Long Hoa tam hội, Tam kỳ mạt kiếp, đề cao chuẩn mực hành đạo như giáo hóa đạo đức, ăn chay mến vật, tu luyện thân tâm, nên nhanh chóng được giới bình dân hoan nghênh đón nhận. Thờ cúng Quan Công biểu hiện rõ trong các tôn giáo nội sinh kể trên. Điều này phản ánh khá toàn diện sự tôn sùng ngưỡng vọng của cư dân Nam Bộ đối với vị thần này. 2. Thờ cúng Quan Công trong đời sống tôn giáo Việt Nam 2.1. Quá trình truyền bá hình thức thờ cúng Quan Công vào Việt Nam Do núi sông liền kề, nên trải qua các đời Tần, Hán, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, di dân Trung Quốc theo hai đường thủy bộ vào Việt Nam2. Đến vùng đất mới, đại bộ phận di dân Trung Quốc gồm dân tị nạn, thương nhân,... đều có thể điều hòa các thử thách phát sinh để dung hợp vào xã hội bản địa. Ngoài việc gặp phải trở ngại khó tránh khỏi về ngôn ngữ và chủng tộc, những nét văn hóa tôn giáo và kỹ thuật sản xuất của di dân Trung Quốc, ở một mức độ nào đó, nhận được sự tiếp thu và hoan nghênh của dân bản địa3. Thờ cúng Quan Công theo di dân Trung Quốc truyền đến Việt Nam. Quan Công dần chiếm một địa vị nhất định trong đời sống tâm linh của quần chúng nước ta. Thế nhưng, không giống với các hình thức thờ cúng Ma Tổ và thần Tài, thờ cúng Quan Công từ trước thời Minh Thanh đã tồn tại ở Việt Nam4. Do đó, hình ảnh Quan Công trước và sau thời Minh Thanh trong lòng quần chúng nước ta có sự khác biệt rất lớn về phạm vi lưu truyền, đối tượng thờ phụng, phương thức thờ cúng, v.v Trước thời Minh Thanh, lãnh thổ Việt Nam bao gồm vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, thờ cúng Quan Công được truyền sang, vì vậy cũng giới hạn trong khu vực này. Vương quốc Champa và vương quốc Phù Nam ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ chủ yếu tiếp thu ảnh hưởng của Bà La Môn giáo và Phật giáo Nam truyền. Thời kỳ này, thờ cúng Quan Công ở Việt Nam về đại thể tương đồng với hình thức thờ cúng này giai đoạn trước thời Minh Thanh. Vì tiếp nhận kinh điển bằng chữ Hán từ Trung Quốc truyền sang, nên Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam tôn xưng Quan Công là Hộ Pháp Già Lam. Chùa chiền các nơi đa phần đặt tượng thờ Quan Công, xem ông như các vị hộ pháp có trong Phật giáo như: Vi Đà Tôn Thiên, Long Thần, v.v Từ thời Tống về sau, Đạo giáo ở Trung Quốc dung nạp thêm Quan Công vào hệ thống thần linh và tôn xưng là Nguyễn Thanh Phong. Thờ cúng Quan Công... 123 Hộ Pháp Thiên Thần, thậm chí còn phong thần hiệu Tam Giới Phục Ma Đại Đế. Quan Công thi triển đủ thứ phép thuật theo nghi thức thần bí của Đạo giáo như bùa chú, bói toán, cầu đảo nên càng lưu truyền rộng rãi trong dân chúng. Ngoài ra, Đạo giáo còn còn mượn danh Quan Công để tuyên truyền một loạt kinh sách khuyến thiện như Quan Công giác thế chân kinh, Văn Đế hiếu kinh, Quan Thánh Đế Quân giới dâm kinh, Quan Thánh Đế Minh thánh kinh, Giới sĩ tử văn, Tam giới phục ma Quan Thánh Đế Quân trung hiếu tiết nghĩa chân kinh Đa số kinh sách này mượn danh thần đạo thiết giáo, lấy việc giáo hóa luân lý phong kiến làm tông chỉ, khuyến dụ mọi người hành thiện trừ ác. Có thể nói, thờ cúng Quan Công trong Tam giáo ở Trung Quốc đều truyền đến Miền Bắc nước ta, dân chúng các nơi lập miếu thờ phụng vị thần này. Sau thời Minh Thanh, trải qua hơn 300 năm liên tục di cư, đoàn thể người Hoa sinh sống ở nhiều địa bàn khác nhau trên lãnh thổ nước ta. Trong đó, nơi quần tụ nhiều người Hoa nhất là khu vực Nam Bộ, bao gồm Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho do Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch dẫn đầu, vùng đất Hà Tiên do gia tộc họ Mạc chuyển sang. Hiện tượng này có thể quy về mấy nguyên nhân cơ bản sau: Một là, vị trí của Nam Bộ cách Trung Quốc khá xa, đủ để tránh được sự truy kích của triều nhà Thanh, quá trình tị nạn nhờ đó được an toàn. Hai là, lực lượng chấp chính ở Việt Nam đương thời là các chúa Nguyễn chủ trương sử dụng di dân làm một trong những lực lượng tiên phong mở mang vùng đất mới, đương nhiên sự nghiệp đó có sự góp sức của cư dân bản địa. Ba là, khu vực Nam Bộ yên ổn, sản vật phong phú, đồng bằng phì nhiêu, cửa biển nối tiếp, thuận lợi cho trồng trọt cày cấy và thông thương với nước ngoài. Lúc mới đặt chân đến vùng đất mới, di dân Trung Quốc đã mang những thiết chế xã hội và văn hóa tôn giáo quen thuộc trước đây của mình để xây dựng cuộc sống, đặc biệt là thờ cúng tổ tiên và thần linh truyền thống như Ma Tổ, Ngọc Hoàng, Quan Đế, Bảo Sinh, Tề Thiên Đại Thánh, Phúc Đức Chính Thần, Bắc Đế, Thiên Hậu, Quảng Trạch Tôn Vương, Thần Tài, Thổ Địa, Táo Quân Người Hoa tiếp tục phát huy những chức năng xã hội như cứu tế người có hoàn cảnh khó khăn vốn có truyền thống trong các tôn giáo trước đây. Sự truyền bá hình thức thờ cúng Quan Công ở Việt Nam liên quan mật thiết đến vai trò các hội kín phản Thanh phục Minh bị triều đình nhà Thanh truy kích. Thiên Địa Hội, Quân Cờ Đỏ, Thái Bình Thiên Quốc 124 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 đều phụng thờ Quan Công. Nguyên nhân của hiện tương này do: 1/ Quan Công có nhiều phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà các nhóm người này ngưỡng mộ: trung, dũng, lễ, nghĩa, tín, trực, liêm, chính. 2/ Ba tôn giáo lớn ở Châu Á là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đều xem Quan Công là vị thần đáng sùng kính: Nho giáo tôn xưng ông làm Văn Hoành Thánh Đế, Đạo giáo tôn xưng ông là Hiệp Thiên Đại Đế, còn Phật giáo tôn xưng ông là Hộ Pháp Già Lam, nên việc dùng hình ảnh Quan Công sẽ giúp quy tụ được nhiều anh hùng nghĩa sĩ hơn. 3/ Quan Công còn phù hộ giới kinh doanh, vì ông từng buôn bán đậu phụ và vải vóc mưu sinh, hơn nữa ông có phẩm chất tín nghĩa mà giới thương nghiệp cần có, luôn hộ mạng cho các thương thuyền làm ăn xa nay đây mai đó. 4/ Quan Công vinh dự được các hoàng đế Trung Quốc gia phong nhiều tước vị: Trung Huệ Công, Nghĩa Dũng, Tráng Mâu Nghĩa Dũng Võ An Vương, Anh Tế Vương, Trung Nghĩa Chi Thần, Hiển Linh Anh Dũng Võ An Anh Tề Vương, Hán Tiền Tướng Quân Thọ Đình Hầu, Tam Giới Phục Ma Đại Đế, Thần Uy Chấn Viễn Thiên Tôn, Quan Thánh Đế Quân, Trung Nghĩa Thần Võ Quan Thánh Đại Đế, Hiệp Thiên Phục Ma Đại Đế, v.v Mô phỏng tôn chỉ hành sự của các hội kín Trung Quốc, các nhân sĩ yêu nước Việt Nam cũng thành lập nhiều hội kín để hưởng ứng lời hiệu triệu của phong trào Cần Vương đánh đuổi thực dân Pháp. Ở thời điểm đó, ý thức hệ mà họ lựa chọn không ngoài ý thức hệ phong kiến, cụ thể là tư tưởng Tam giáo. Trong đó, phẩm chất nghĩa dũng của Quan Công phù hợp nhất đối với nhu cầu tinh thần của nghĩa quân. Cho nên, thờ cúng Quan Công được đề cao sẽ dễ dàng quần tụ, cố kết được các nhân sĩ yêu nước có chung lý tưởng. Trong quá trình truyền bá loại hình thờ cúng Quan Công, các sáng tác văn học và biểu diễn nghệ thuật giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Các nhân sĩ Trung Quốc đã mang đến Việt Nam nhiều tác phẩm văn học thời Minh Thanh, trong đó bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đã góp phần rất lớn trong việc mở rộng ảnh hưởng của thờ cúng Quan Công. Trong hoàn cảnh đời sống cực khổ, những câu chuyện trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa là một hình thức giải trí hiếm hoi của người Nam Bộ. Hình tượng Quan Công theo đó thâm nhập vào tâm tưởng của người dân, cộng với sự phổ biến của thờ cúng Quan Công của người Hoa, khiến cho người dân bản địa từ chỗ có thiện cảm tiến tới ngưỡng mộ, sùng bái Quan Công. Ngoài ra, nghệ thuật hát bội của di dân Trung Quốc Nguyễn Thanh Phong. Thờ cúng Quan Công... 125 cũng được người bản địa tiếp thu. Nhiều cốt truyện ca ngợi tài đức Quan Công được phổ biến, khiến cho mức độ lan truyền hình tượng vị thần này càng thêm mạnh mẽ. 2.2. Biểu hiện thờ cúng Quan Công trong đời sống tôn giáo Việt Nam Di cư đến Nam Bộ, người Hoa xây dựng nhiều miếu thờ Quan Công vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa thể hiện sự hoài niệm quê hương và ý thức bảo tồn truyền thống văn hóa tổ tiên. Nhà riêng của người Hoa thường thờ Quan Công chung với các vị thần khác như Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thiên Hậu, v.v Trong chùa của người Hoa, Quan Công được thờ phụng với vai trò là Hộ Pháp Già Lam. Đương nhiên, thờ cúng Quan Công không tồn tại độc lập, mà luôn kết hợp chặt chẽ với Tam giáo, thờ cúng vật linh và tổ tiên của người Nam Bộ. Về mặt tư tưởng, thờ cúng Quan Công không thoát ly khỏi quan niệm linh hồn bất tử, nhân quả báo ứng, phù thiện trừ ác, luân hồi chuyển thế của tôn giáo truyền thống. Thờ cúng Quan Công dựa vào nền tảng tư tưởng vững chắc nêu trên để phát huy hết tác dụng, khiến cho hầu hết tín đồ các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ đều tin tưởng sâu sắc rằng, đây là vị thần cố hữu trong tôn giáo họ, chứ không phải là vị thần mới được dung nạp. Nhiều người Việt Nam tin rằng, Quan Công là vị thần bảo mạng của đàn ông, giống như Cửu Thiên Huyền Nữ là vị thần bảo mạng của đàn bà. Trong dân gian lưu truyền khá nhiều câu chuyện kỳ lạ liên quan đến việc Quan Công bảo mạng cho đàn ông. Chẳng hạn chuyện một người đàn ông nào đó vào quán uống rượu ăn thịt chó, sau khi uống say đi về bị thần bảo mạng Quan Công thờ trong nhà trừng phạt, làm cho toàn bộ thức ăn bị ói ra, phát bệnh nhiều ngày không dậy nổi. Hay chuyện một người kia đi ăn trộm tài sản nhà người khác, về đến nơi thì nhà mình bị hỏa hoạn thành tro, chỉ còn sót lại hình ảnh Quan Công được thờ trong nhà, v.v Những câu chuyện này rõ ràng mang mục đích khuyến thiện trừng ác, tuyên dương cho chức năng của Quan Công, đồng thời chứng minh hình tượng vị thần này phổ biến rộng rãi trong đời sống tôn giáo của nhân dân. Về sau, có người còn cho rằng, hình ảnh Quan Công cầm thanh long đao, qua năm ải chém sáu tướng, là một ẩn dụ trong việc hàng phục tâm phàm trong tu hành theo Phật giáo Thiền tông. Thanh long đao tượng trưng cho cây dao trí tuệ của người tu Thiền, năm cửa ải tượng trưng cho năm giác quan của cơ thể, sáu tướng tượng trưng cho lục tặc. Theo cách 126 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 giải thích đó, người tu Thiền phải biết lấy sức mạnh của trí tuệ làm vũ khí sắc bén để cắt đứt mọi chướng ngại do năm giác quan vật chất của cơ thể con người mang lại, nhờ đó tiêu trừ lục dục (tiền tài, danh vọng, lợi lộc, sắc tình, ăn uống, ngủ nghỉ) của bản thân5. Các hội kín mưu đồ phản Thanh phục Minh dưới thời nhà Thanh ở Trung Quốc và dư ba của chúng truyền đến các nước lân cận, trong đó có Việt Nam, đa phần ngưỡng mộ Quan Công, xem đó là nghi thức thờ cúng thường nhật của cộng đồng mình. Chẳng hạn, tổ chức Thiên Địa Hội tiếp nhận sâu sắc tinh thần thượng võ và đề cao thái độ xem trọng tình nghĩa huynh đệ của Quan Công. Nghi thức nhập hội này gồm hai hồi lễ bái, hồi đầu bốn lạy, hồi sau cũng bốn lạy. Lạy thứ ba trong hồi đầu có nghĩa là lạy kết nghĩa huynh đệ đào viên, lạy thứ ba trong hồi sau có ý nghĩa là lạy tôn thờ Quan Công6. Trong giới hảo hán ở Nam Bộ thời kỳ đầu, đức hạnh của Quan Công được xem là chuẩn mực giá trị đối với họ. Trong các hội kín, tinh thần Quan Công là khuôn mẫu để đánh giá quan hệ đối đãi giữa anh em kết nghĩa. Nhiều gia đình từng thờ cúng Quan Công, đến giai đoạn này, càng được ca ngợi rộng rãi, thần vị được sắp đặt ở vị trí cao, thậm chí còn uy nghiêm thần bí hơn cả ông bà tổ tiên và các nhân vật Phật giáo7. Hình tượng Quan Công ở các đền miếu Nam Bộ được tạo tác bằng nhiều chất liệu khác nhau như thạch cao, bê tông cốt thép, gốm sứ; hay hình vẽ trên giấy, hình lồng kính. Bên cạnh ngai thờ Quan Công luôn có hai hàng binh khí trang trí càng tôn thêm khí thế uy nghiêm của hình tượng. Quan Công có khuôn mặt đỏ tượng trưng cho lòng dũng cảm kiên nghị, râu dài năm chòm tượng trưng cho sự kiêu hùng và giữ trọn ngũ thường, thân mặc triều phục tượng trưng cho thân phận cao quý. Đứng hầu hai bên tượng Quan Công có nghĩa tử Quan Bình tay cầm ấn thọ đình hầu và tùy tướng Châu Xương tay cầm thanh long đao. Quan Công trở thành biểu tượng tinh thần gửi gắm nguyện vọng của một bộ phận cư dân Nam Bộ. Sùng bái Quan Công là sùng bái những phẩm chất làm người vô cùng cần thiết như nhân nghĩa, trung tín, kiên định, v.v Những phẩm chất này không những đáp ứng nhu cầu cuộc sống của di dân Bắc Trung Bộ, mà còn phù hợp với khí phách anh hùng tráng chí, ôm mộng diệt giặc trừ gian, cứu giang sơn xã tắc trong cảnh đời loạn lạc. Vì vậy, các nhân sĩ yêu nước đương thời muốn quần tụ anh hùng nghĩa sĩ các nơi đấu tranh chống Pháp đều dựa vào các thần tượng Nguyễn Thanh Phong. Thờ cúng Quan Công... 127 tôn giáo để thực hiện mục đích của mình. Thế nhưng, hình tượng các vị thần khác trong Phật giáo và Đạo giáo không mấy phù hợp với mục đích đuổi giặc cứu nước, chỉ có hình tượng mang tinh thần nhập thế mạnh mẽ như Quan Công mới thật sự phù hợp. Hơn nữa, đối với tầng lớp bình dân, học vấn tương đối thấp, những triết lý yêu nước trừu tượng khó đáp ứng thỏa đáng những ngờ vực tâm lý trong họ. Cho nên, hình ảnh thần linh quen thuộc như Quan Công dễ dàng thuyết phục mọi người ở mọi điều. 2.3. Một vài đặc điểm thờ cúng Quan Công ở Việt Nam Thứ nhất, thờ cúng Quan Công là loại hình thờ cúng ngoại lai, truyền đến nước ta vào khoảng thời Tùy Đường, được người Việt đón nhận. Trước thời Minh Thanh, thờ cúng Quan Công chủ yếu ảnh hưởng đến Miền Bắc nước ta. Từ khi chúa Nguyễn thực hiện công cuộc Nam tiến, thờ cúng Quan Công mang đặc trưng Miền Bắc cũng theo chân các di dân khẩn hoang truyền đến Miền Nam. Thời cuối Minh đầu Thanh, liên tiếp các nhân sĩ cựu triều Trung Quốc đến Việt Nam tị nạn mang theo hình thức thờ cúng Quan Công kiểu mới truyền đến Nam Bộ, được người dân nước ta tiếp thu, dung hợp với các tôn giáo nội sinh tạo nên một kiểu thờ cúng vị thần này mang nét đặc sắc bản địa. Thứ hai, Quan Công không chỉ là thần linh trong phạm vi gia đình, mà còn là thần linh mang đặc trưng cộng đồng của người Việt. Vì vậy, Quan Công được thờ chung với các vị thần linh bản địa. Trong một số chùa cổ ở Nam Bộ, hình ảnh Quan Công trên chính điện giữ vai trò là Bồ Tát Già Lam hộ trì Tam bảo. Người Việt tiếp nhận, thờ tự trang nghiêm thể hiện sự kính ngưỡng đối với phẩm cách của Quan Công, đồng thời tin tưởng thần sẽ phù hộ cho sự bình an của mọi người, thậm chí là thần bảo mạng cho đàn ông trong gia đình. Thứ ba, hình ảnh Quan Công trong bối cảnh xã hội Việt Nam không còn là vị tướng thời nhà Hán của mười mấy thế kỷ về trước, mà là biểu tượng cho phẩm chất trung nghĩa trong cảnh nước mất nhà tan. Ông là điểm tựa tinh thần, là nơi gửi gắm nguyện vọng trong sự nghiệp chống thực dân xâm lược của người Việt Nam thời kỳ đầu. Vì vậy, có thể nói, thờ cúng Quan Công được Việt Nam hóa, chuyển tải được đặc trưng tính cách và bản sắc văn hóa của người Việt Nam. 3. Thờ cúng Quan Công trong một số tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ 3.1. Thờ cúng Quan Công trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa 128 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được thành lập năm 1867 tại huyện An Phú, tỉnh An Giang. Người khai đạo là Ngô Lợi (còn gọi là Ngô Viện, Cao Văn Do, Đức Bổn Sư, 1831 - 1890); sinh tại tỉnh Bến Tre, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi tham gia phong trào chống Pháp. Sau đó, ông bị truy kích phải bỏ chạy về vùng Thất Sơn, tỉnh An Giang. Ở đây, ông vừa dùng bùa trị bệnh cho dân, vừa truyền giáo và thu nạp tín đồ. Ngoài ra, ông còn tập hợp nhân sĩ các nơi cùng khai hoang lập ấp, xây dựng chùa miếu, thành lập căn cứ chống Pháp. Không lâu sau, nhân sĩ các nơi về đây tụ nghĩa, vừa tu hành theo giáo thuyết mới, vừa kháng chiến giành độc lập tự chủ. Quân Pháp nhiều lần tấn công vào đây, bắt nhiều người đối kháng, Ngô Lợi thất thế chạy sang Campuchia lánh nạn. Sau đó, ông trở về Thất Sơn và viên tịch tại đây. Vì không có người trực tiếp kế thừa phong trào, một số cao đồ rời khỏi Thất Sơn đi các nơi truyền giáo, một bộ phận khác định cư lại để hoạt động tôn giáo. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có mặt ở khắp Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khu vực tập hợp nhiều tín đồ nhất là thị trấn Ba Chúc, tỉnh An Giang ngày nay. Tên gọi Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho thấy, tôn chỉ hành đạo của tôn giáo này là thực hành tứ đại trọng ân (ân tổ tiên cha mẹ, ân quốc vương thủy thổ, ân Tam bảo, ân đồng bào nhân loại) và hoàn thành đạo hiếu nghĩa (giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tổ tiên cha mẹ; phải lập công danh sự nghiệp để xây dựng cuộc sống cho bản thân, gia đình và thế hệ mai sau; phải phụng dưỡng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ già yếu ốm đau; phải làm cho cha mẹ vui lòng; mọi hoạt động giao tế của con người đều phải lấy nghĩa làm trọng)8. Vì đề cao luân lý Nho giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã lựa chọn Quan Công làm vị thần chủ đạo để thu phục lòng người và quần tụ anh hùng nghĩa sĩ các nơi về đầu quân cứu nước9. Đặc điểm này gần giống như các tôn giáo nhằm phản Thanh phục Minh của Trung Quốc. Nhấn mạnh tinh thần nhập thế, Tứ Ân Hiếu Nghĩa yêu cầu tín đồ trong cuộc sống hằng ngày phải tuân theo Thập nhị lệ sự: nhất kính thiên địa, nhị lễ thần minh, tam phụng tổ tiên, tứ hiếu song thân, ngũ thủ vương pháp, lục trọng sư trưởng, thất ái huynh đệ, bát tín bằng hữu, cửu mục tông tộc, thập hòa hương lân, thập nhất biệt phu phụ, thập nhị giáo tử tôn10. Những giáo huấn này có tác dụng điều chỉnh hành vi làm người, thực chất là sự cụ thể hóa và bổ sung đạo đức Nho giáo, cũng là nền tảng để học Phật tu nhân của tín đồ. Nguyễn Thanh Phong. Thờ cúng Quan Công... 129 Giáo lý Tứ Ân Hiếu Nghĩa dung hợp tư tưởng Tam giáo, trong đó quan niệm tu nhân chủ yếu dựa theo tư tưởng Nho giáo, quan niệm học Phật dựa trên sự kết hợp của ba thành tố tư tưởng Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông của Phật giáo, sử dụng phép luyện nội đan và các loại bùa chú pháp thuật thần bí của Đạo giáo. Điều đó khiến cho giáo lý của Tứ Ân Hiếu Nghĩa khá phức tạp, phản ánh rõ rệt sự dung hợp giữa các loại hình thờ cúng truyền thống và hai khuynh hướng tôn giáo nhập thế và xuất thế. Kinh điển của Tứ Ân Hiếu Nghĩa có 36 quyển, chia làm hai bộ là Pháp bửu trường sanh (24 quyển) và Kinh siêu độ (12 quyển), cùng với 5 quyển Giáo luật và Giáo lễ. Bộ Pháp bửu trường sanh do Ngô Lợi và Phật Lò viết 19 quyển, ngoài ra lấy từ kinh Phật giáo 5 quyển; nội dung phong phú, gồm: Bà La Ni kinh, Linh Sơn hội thượng kinh, Phổ độ kinh, Siêu thăng kinh, Thiên địa kim cang kinh, Âm chất kinh, Hoàn sanh kinh, Hoàn hồn kinh, Phổ độ Bàn Đào kinh, Siêu thăng Bàn Đào kinh, Thiên địa kinh, Phật thuyết tiêu tai kinh, Ngũ Hồ bát nhã kinh, Ngũ Nhạc bát nhã kinh, Ngũ Công bát nhã kinh, Tam giáo hợp luận kinh Trong số đó, một bộ kinh liên quan đến thờ cúng Quan Công là Đào viên kinh. Bộ kinh này tiếp thu từ kinh văn Trung Quốc, chủ yếu được sử dụng ở chùa miếu hay nhà riêng của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa trong nghi thức cầu siêu hay cầu an11. Chùa miếu của Tứ Ân Hiếu Nghĩa phụng thờ nhiều vị thần, bao gồm các vị thần có sẵn trong Tam giáo, cùng với khá nhiều vị thần mới lạ của tôn giáo này, trong đó vị thần phổ biến nhất và quen thuộc nhất vẫn là Quan Công. Việc thờ cúng thần linh tại gia của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa dựa theo giáo luật của tôn giáo này: ngoài sân có hai bàn thờ Thiên La và Thiên Đế, trước cửa nhà có bàn thờ Thổ Trạch Long Thần, trong nhà có bàn thờ Hội Đồng Thượng Phật, Đức Bổn Sư, Tam Giáo Hỏa Lầu, Cửu Phẩm Liên Hoa, Cửu Huyền Thất Tổ, v.v Trong đó, bàn thờ Hội Đồng Thượng Phật được đặt chính giữa gian nhà, lấy hình ảnh Quan Công làm đại diện, sau lưng ông có Quan Bình và Châu Xương đứng hầu, phía trên có hai chữ lớn Chính Khí. Hình thức thờ cúng này một mặt góp phần hun đúc tinh thần xả thân vì nghĩa của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, mặt khác để đánh lừa mật thám của thực dân Pháp. Tóm lại, Quan Công là vị thần quan trọng nhất trong hệ thống thần linh của Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Khí khái trung dũng của Quan Công phù hợp 130 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 với nhu cầu kháng Pháp thời kỳ đầu của người khai sáng Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Thần lực uy dũng của Quan Công phù hộ cho nghĩa quân khi đối mặt với gian nguy, ít nhất là về mặt tinh thần. Ngoài ra, với Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Quan Công còn được xem là vị thần cứu độ trong Long Hoa tam hội, là nơi ký thác nguyện vọng cứu đời của tín đồ tôn giáo này. 3.2. Thờ cúng Quan Công trong đạo Cao Đài Đạo Cao Đài do một số trí thức Nam Bộ như Ngô Văn Chiêu, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung,... sáng lập năm 1926 trên cơ sở kết hợp tôn giáo truyền thống và tri thức khoa học Phương Tây. Tôn giáo này lấy Tam giáo quy nguyên, Ngũ chi phục nhất làm tông chỉ. Theo giải thích của đạo Cao Đài, Tam giáo quy nguyên là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo trở về với nền tôn giáo chân truyền lúc đầu; Ngũ chi phục nhất là Nhân đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo được hợp nhất dưới sự quy thống của Thượng Đế. Đạo Cao Đài chủ trương vạn vật vạn linh đều phải tiến hóa lên những quả vị cao hơn trong quá trình tiến hóa chung của vũ trụ. Vì dung nạp rộng rãi giáo lý của nhiều tôn giáo, nên hầu hết các phương diện của đạo Cao Đài thể hiện rõ tính chất dung hợp. Tôn giáo này cho rằng, Quan Công là một trong Tam Trấn Uy Nghiêm, cùng với Thái Bạch Kim Tinh và Bồ tát Quán Thế Âm đại diện cho các vị tổ của Tam giáo là Phật Thích Ca, Lão Tử, Khổng Tử hộ trì cho nền đạo trong lần phổ độ thứ ba. Theo Phạm Công Tắc, một trong những người sáng lập đạo Cao Đài, thánh vị của Quan Công không phải do Thượng Đế ban phong, mà là do muôn loài tôn xưng và phong tặng. Tín đồ đạo Cao Đài tin tưởng Quan Công sẽ tái sinh để xây dựng thánh đạo, dựng nên thời kỳ Nho tông chuyển thế. Theo đó, Nho giáo được tái lập trước, sau đó đến Đạo giáo và Phật giáo, cuối cùng còn lại một tôn giáo duy nhất mà thôi. Vì vậy, Quan Công trong đạo Cao Đài thường xuất hiện với hình ảnh đang cầm Kinh Xuân Thu với ý nghĩa tiễu trừ tà mị nhiễu loạn chính đạo, giống như Khổng Tử dùng bộ kinh này để khu trừ loạn thần tặc tử. Năm 1938, trong bài thuyết pháp tại thánh thất Tây Ninh, Phạm Công Tắc đã giải về nguyên linh của Quan Công như sau: “Ngươn linh của Ngài là Xích Long Tinh. Buổi nọ dân Bắc Hớn phạm Thiên điều, bị Ngọc Hư Cung phạt, hạn không cho mưa, đặng cho dân ấy phải đói. Dân làng biết mà cầu nguyện nơi Ngài cứu nạn. Ngài cũng thừa biết dân ấy bị Nguyễn Thanh Phong. Thờ cúng Quan Công... 131 Thiên điều hành pháp, nhưng vì lòng ái tuất thương sanh, không nỡ để dân chết đói, nên Ngài làm mưa. Ngọc Hư Cung bắt tội, sai Ngũ Lôi tru diệt. Ngài chạy trốn vào một cái chùa, nhờ ông thầy chùa lấy chuông úp lại. Vị sư căn dặn bổn đạo trong chùa đừng ai giở chuông cho đến ngày nào Ngài hết nạn. Chư Đạo trong chùa tọc mạch dở chuông ra xem coi vật gì. Thành thử Ngài phải chịu đầu kiếp, kiếp ấy là Hạng Võ. Kiếp cuối cùng là Quan Công, sau khi chết đến khổ tu dưới cửa chùa của sư Phổ Tịnh, về sau hiển thánh trừ ma diệt quỷ phổ độ sanh linh, không bị luân hồi chuyển kiếp nữa, từ đó đem quyền uy thần linh ra hành đạo, được vạn linh tôn làm Phật, hiệu là Cái Thiên Cổ Phật”12. Có thể thấy, đạo Cao Đài đã tiếp thu hình ảnh Quan Công trong thời kỳ Tam quốc ở Trung Quốc, đồng thời tiếp thu quan điểm của các tôn giáo thời Minh Thanh. Thời kỳ đầu, khi cử hành lễ cúng, các thánh thất Cao Đài thường thông qua nghi thức cầu cơ của Đạo giáo để kết nối với các đấng thần linh. Quan Công nhiều lần giáng cơ bút thuyết pháp giảng đạo, trong đó những lần đề cập đến thân thế của mình. Nội dung bộ Tam ngươn giác thế chân kinh ghi lại lời giáng bút giảng thuyết của Quan Công như sau: “Ta chẳng phải kẻ tham sống sợ chết, chẳng tham phú quý vinh hoa mà xem nhẹ đạo vua tôi, mất đi lời hứa hẹn, cho nên khi ta quy vị, thiên đình đã ban ơn cho ta thoát khỏi luân hồi chuyển thế”13. Ngoài ra, qua giáng bút, Quan Công còn ban tặng tín đồ Cao Đài nhiều bài thơ như: “Cái thế công danh thế quý oai, Thiên tào kim phụng lệnh Cao Đài, Cổ kim độ chúng lao hà nại, Phật thánh đạo tông tạo thế lai”14. Hay: “Quan minh huệ nhẫn chiếu càn khôn, Thánh đức lưu tâm bảo quốc tồn, Đế việt sơn hà chung hạnh đạt, Quân tranh thế giới đạo khai môn”15. Hoặc: “Quan thành tái hiệp hớn triều phong, Thánh đức mạc vong hám thế trần, 132 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 Đế thất nhất tâm trung khí dõng, Quân y xích diện hảo vinh phong”16. Có thể thấy, nội dung của các bài thơ nói về lòng trung nghĩa của Quan Công, cùng với trọng trách của vị thần này trong việc chấn hưng thế đạo theo mệnh lệnh Thượng Đế. Các giáo chức đạo Cao Đài còn cho rằng, tôn giáo này thờ phụng Quan Thánh Đế Quân không phải là thờ cúng một danh tướng nhà Hán, mà là một vị tinh quân trên trời có trách nhiệm tái thiết đạo thánh cho loài người, thi hành trọng trách mà Thượng Đế ký thác. Quan Công trong quan niệm của đạo Cao Đài là vị thần thừa lĩnh mệnh lệnh gánh vác trọng trách của Thượng Đế đến với thế gian. Về vai trò ở phương diện hữu vi, trong thời phổ độ thứ ba, ông sẽ đầu thai chuyển kiếp làm người phàm, đem hết sức mình diệt trừ tà ma quỷ quái, bảo vệ đạo chân truyền của Đấng Chí Tôn, đồng thời dìu dắt mọi người theo tinh thần Xuân thu cải ác tòng thiện, tái thiết đạo thánh thời Nho tông chuyển thế. Về vai trò ở phương diện vô vi, ông đắc thành Phật đạo ở cõi trời Hư Vô, cũng là vị đế quân của thiên giới, đảm nhiệm việc dẫn dắt chân linh mọi người trở về với Thượng Đế, giữ vai trò của một Hiệp Thiên Đại Đế17. Quan niệm này của đạo Cao Đài đề cao vai trò cứu thế của Quan Công, khác biệt với tinh thần nhập thế cải tạo xã hội của Quan Công trong đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. 4. Kết luận Thờ cúng Quan Công ở Việt Nam được tiếp thu và cải biên từ loại hình thờ cúng này của Trung Quốc qua các đời truyền sang. Thời kỳ đầu, thờ cúng Quan Công chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực Miền Bắc. Từ thời Minh Thanh trở về sau, thờ cúng Quan Công chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực Miền Nam. Vai trò của Quan Công thời kỳ đầu là bảo vệ đất nước, phù trợ nhà vua và vỗ an muôn dân. Vai trò của Quan Công thời kỳ sau, ngoài những nhiệm vụ nêu trên, ông còn đảm trách nhiệm vụ chấn hưng Nho giáo và cứu thế. Tinh thần Quan Công đã trợ lực rất lớn cho nhiều nhân sĩ trong công cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước. Trong niềm tin của dân chúng, ông còn là vị thần bổn mạng độ trì trong cơn hoạn nạn. Thờ cúng Quan Công vì thế không chỉ là hình thức thờ cúng của người Hoa nữa, mà còn được dung nạp sâu rộng vào các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ./. Nguyễn Thanh Phong. Thờ cúng Quan Công... 133 CHÚ THÍCH: 1 Xem: Trương Hiểu Phấn (2006), “Nghiên cứu nguyên nhân hình thành tín ngưỡng Quan Công” (tiếng Trung), Nghiên cứu Đạo giáo, số 4: 30-36. 2 Xem: Đàm Dực (2009), “Nghiên cứu xã hội người Hoa ở Việt Nam đương đại” (tiếng Trung), Thế giới Dân tộc, số 2: 57. 3 Xem: Trần Tu Hòa (1957), Quan hệ hữu hảo và giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Trung (tiếng Trung), Nxb. Thanh niên Trung Quốc, Bắc Kinh. 4 Nguyễn Ngọc Thơ, Tín ngưỡng Thiên Hậu ở Nam Bộ Việt Nam, 5 Lê Anh Dũng (1995), Giải mã truyện Tây du ký, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội; 121 - 134. 6 Xem: Sơn Nam (1992), Cá tính người Miền Nam, Nxb. Văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh: 109. 7 Xem: Sơn Nam (1992), Người Sài Gòn, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh: 100. 8 Xem: Đặng Văn Tuấn (2011), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và ảnh hưởng của nó đối với tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Nam Bộ hiện nay, Luận văn Thạc sĩ, Thành phố Hồ Chí Minh: 25 - 28. 9 Theo Trần Hồng Liên, phong trào đấu tranh chống Pháp của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Ngô Lợi lãnh đạo có thể quy tụ đông đảo cư dân Nam Bộ tập hợp dưới ngọn cờ tôn giáo để khởi nghĩa giành lấy độc lập. Tín đồ tôn giáo này mặc dù tu hành theo đạo vô vi, chủ trương không thờ cúng hình tượng thần linh, cũng không xem trọng hình thức, nhưng chùa miếu lại tôn thờ hình tượng Quan Công. Phẩm chất cương nghị, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì chính nghĩa của Quan Công đã trở thành ngọn cờ tiên phong tập hợp quần chúng đấu tranh chống quân xâm lược. Xem: Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 10 Đặng Văn Tuấn (2011), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và ảnh hưởng của nó đối với tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Nam Bộ hiện nay, tlđd: 31 - 34. 11 Đặng Văn Tuấn (2011), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và ảnh hưởng của nó đối với tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Nam Bộ hiện nay, tlđd: 36 - 38. 12 13 Tam ngươn giác thế chân kinh, 1953: 37. 14 Giáng cơ bút tại đàn Minh Thiện, tỉnh Mỹ Tho năm 1931. 15 Giáng cơ bút tại đàn Minh Thiện, tỉnh Mỹ Tho năm 1928. 16 Giáng cơ bút tại đàn Minh Thiện, tỉnh Mỹ Tho năm 1926. 17 TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Lê Anh Dũng (1995), Quan Thánh xưa nay, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 2. Lê Anh Dũng (1995), Giải mã truyện Tây du ký, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 3. Đặng Văn Tuấn (2011), Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa và ảnh hưởng của nó đối với tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Nam Bộ hiện nay, Luận văn Thạc sĩ, Thành phố Hồ Chí Minh. 4. Đàm Dực (2009), “Nghiên cứu xã hội người Hoa Việt Nam đương đại” (tiếng Trung), Dân tộc Thế giới, số 2. 5. Hứa Văn Đường (2005), “Đạo Cao Đài của Việt Nam: Bàn về một tôn giáo hỗn dung” (tiếng Trung), trong Hội thảo về khu vực Đông Nam Á, Nam Đầu, Đài Loan. 134 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 11 - 2014 6. Hứa Văn Đường (2008), “Vấn đề tham dự chính trị của các tôn giáo Việt Nam cận đại: lấy đạo Cao Đài và đạo Hòa Hảo làm trung tâm” (tiếng Trung), Đài Loan Đông Nam Á học san, số 1. 7. Trần Tu Hòa (1957), Quan hệ hữu hảo và giao lưu văn hóa của nhân dân hai nước Trung Việt (tiếng Trung), Nxb. Thanh niên Trung Quốc, Bắc Kinh. 8. Nguyễn Ngọc Thơ, Tín ngưỡng Thiên Hậu ở Nam Bộ Việt Nam, 9. Sơn Nam (1992), Cá tính người Miền Nam, Nxb. Văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh. 10. Sơn Nam (1992), Người Sài Gòn, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 11. Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ Việt Nam từ thế kỷ XVII đến 1975, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 12. Chung Vân Oanh (2010), “Luận bàn về sách lược chú giải kinh điển ‘Tam giáo dung hợp’ trong các giáo phái dân gian cuối Thanh đầu Trung Hoa Dân Quốc” (tiếng Trung), Nghiên cứu Tôn giáo Đài Loan, số 2. 13. Chung Vân Oanh, Nguyễn Thanh Phong (2010), “Góc nhìn bên ngoài về ‘Tam giáo dung hợp’ và ‘Tam kỳ phổ độ’: tư tưởng giáo lý của đạo Cao Đài Việt Nam” (tiếng Trung), Thế giới Tôn giáo học san, số 16. 14. Trương Hiểu Phấn (2006), “Tìm hiểu nguyên nhân hình thành của tín ngưỡng Quan Công” (tiếng Trung), Nghiên cứu Đạo giáo, số 4. 15. Nguyễn Thùy Vân (2009), “Khái quát tín ngưỡng dân gian Trung Quốc”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4. Abstract THE CULT OF QUAN CÔNG (YUNCHANG) IN THE ENDOGENOUS RELIGION IN COCHINCHINE The endogenous religions in Cochinchine in the modern period, such as Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hòa Hảo Buddhism, etc. have absorbed the cult of Quan Công in some extent. These religions considered Quan Công as a divine who blessed people. This article clarifies characteristics of the cult of Quan Công in Tứ Ân Hiếu Nghĩa and Cao Đài. Then, it compares the cult of Quan Công of Chinese at the early time in order to indicate the specific characteristics of the cult of Quan Công in the endogenous religions in Cochinchine. Keywords: Cult of Quan Công, endogenous religions, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftho_cung_quan_cong_trong_cac_ton_giao_noi_sinh_o_nam_bo_4767.pdf
Tài liệu liên quan