Kết luận
Nghiên cứu này của chúng tôi nằm trong nỗ lực chung của cộng đồng
nghiên cứu trong nước cũng như của các cơ quan hoạch định chính sách
trong việc xây dựng bộ chỉ số đo lường NLĐMST của doanh nghiệp Việt
Nam. Trước đó đã có nhiều nghiên cứu cố gắng đưa ra các cách tiếp cận
riêng để đo lường mức độ ĐMST của các doanh nghiệp Việt Nam. Ở trong
nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng cách tiếp cận về đo lường ĐMST dựa
trên khung khổ OSLO Manual 2005 và Chuỗi giá trị ĐMST. Bộ tiêu chí
được xây dựng theo hướng phù hợp với các DNNVV của Việt Nam. Cụ
thể, các bảng câu hỏi được thiết kế tương đối ngắn gọn và dễ hiểu để doanh
nghiệp thực hiện. Việc tính toán, tổng hợp kết quả tương đối đơn giản,
nhanh chóng để giúp cho các cơ quan quản lý hoặc doanh nghiệp có những
đánh giá nhanh về NLĐMST của ngành hoặc của chính doanh nghiệp mình.
Chúng tôi kiểm định các thước đo của mình trong việc trực tiếp đo lường
NLĐMST trong 3 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam: dệt may, chế
biến thực phẩm và thiết bị điện-điện tử. Kết quả khảo sát thử cho thấy các
cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có thể sử dụng bảng khảo sát và hệ
thống tính điểm chúng tôi đề xuất để đánh giá nhanh NLĐMST của doanh
nghiệp và của ngành. Chúng tôi cũng khuyến nghị, dựa trên quá trình khảo
sát và phỏng vấn, Bảng khảo sát không nhất thiết phải đưa vào các câu hỏi
định lượng. Việc tính điểm cũng không cần thiết phải gán trọng số khác
nhau cho các cấu phần vì kết quả đánh giá sẽ không có sai lệch nhiều giữa
các phương án gán trọng số. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng nên có một số
điều chỉnh nhỏ về ngôn từ trong Bảng khảo sát hiện tại (chủ yếu dùng cho
các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến) khi áp dụng cho các doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ./.
18 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 374 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nhanh năng lực đổi mới sáng tạo cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
20
XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ NHANH NĂNG LỰC
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CHO KHU VỰC DOANH NGHIỆP NHỎ
VÀ VỪA: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ GỢI Ý CHO VIỆT NAM1
Đinh Tuấn Minh2, Cao Thu Anh, Đặng Thu Giang
Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ
Tóm tắt:
Mục tiêu của nghiên cứu này là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nhanh năng lực đổi mới
sáng tạo (NLĐMST) cho khu vực DNNVV Việt Nam. Để đạt mục tiêu này, trước hết
nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu tổng quan tài liệu về khái niệm (ĐMST) và NLĐMST
của doanh nghiệp và cách thức xây dựng các tiêu chí đánh giá NLĐMST của doanh
nghiệp. Bộ tiêu chí này được sử dụng để đánh giá thử NLĐMST tại 121 DNNVV của ba
ngành dệt may, chế biến thực phẩm và thiết bị điện-điện tử của Việt Nam. Dựa trên quá
trình cũng như kết quả đánh giá thử, nghiên cứu này cho rằng các cơ quan nhà nước và
doanh nghiệp có thể sử dụng bảng khảo sát và hệ thống tính điểm chúng tôi đề xuất để
đánh giá nhanh NLĐMST của doanh nghiệp và của ngành. Chúng tôi cũng khuyến nghị,
Bảng khảo sát không nhất thiết phải đưa vào các câu hỏi định lượng. Việc tính điểm
cũng không cần thiết phải gán trọng số khác nhau cho các cấu phần. Ngoài ra, chúng tôi
cho rằng nên có một số điều chỉnh nhỏ về ngôn từ trong Bảng khảo sát hiện tại (chủ yếu
dùng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến) khi áp dụng cho các doanh nghiệp
cung cấp dịch vụ.
Từ khóa: Năng lực đổi mới sáng tạo; Bộ tiêu chí đánh giá; Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mã số: 19010702
1. Mở đầu
Đổi mới sáng tạo từ lâu được coi như là một yếu tố quan trọng giúp doanh
nghiệp có thể tồn tại, cạnh tranh và thành công. Hầu hết các nghiên cứu
thực nghiệm và điều tra doanh nghiệp cho thấy ĐMST dẫn đến sự ra đời
của các sản phẩm, dịch vụ mới có chất lượng tốt hơn và giá thành giảm thấp
hơn (Gamal, 2011). Nhưng để tiến hành được các hoạt động ĐMST, doanh
nghiệp cần có NLĐMST (Lawson và Samson, 2001).
Việc đo lường NLĐMST của doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Trước hết,
các kết quả đo lường sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn rõ ràng hơn về năng
1 Nghiên cứu này là một phần kết quả của Nhiệm vụ khoa học cấp bộ “Nghiên cứu đề xuất định hướng chính sách
hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” thuộc Chương trình: 4198,
Mã số: 02-4198-2017 do nhóm tác giả thực hiện.
2 Liên hệ tác giả: dinhtuanminh.maastricht@gmail.com
21
lực hiện tại của mình, xác định thế mạnh và các điểm yếu cần phải tập trung
đầu tư để tối ưu hóa hiệu quả của hoạt động ĐMST. Các doanh nghiệp cũng
sẽ có cơ sở để so sánh năng lực của mình với các doanh nghiệp khác trong
cùng ngành hoặc trong so sánh quốc tế để có chiến lược phù hợp. Việc đo
lường này cũng sẽ cung cấp các đầu vào quan trọng cho quá trình hoạch
định chính sách, có thể giúp trả lời các câu hỏi như đâu là động lực để doanh
nghiệp ĐMST và các doanh nghiệp này đang gặp những khó khăn gì trong
ĐMST, nhằm thiết kế được các chính sách hỗ trợ hay can thiệp hiệu quả
nhất để nâng cao NLĐMST của ngành hay của cả khu vực doanh nghiệp nói
chung. Các kết quả đo lường NLĐMST sẽ tạo nên bộ cơ sở dữ liệu phong
phú phục vụ cho việc nghiên cứu, đồng thời, việc đánh giá và xếp hạng cũng
giúp nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và của cộng đồng về tầm
quan trọng của ĐMST, các thành tố góp phần tạo nên NLĐMST của doanh
nghiệp, cũng như góp phần thúc đẩy văn hóa ĐMST nói chung. Đó là lý do
vì sao nhiều nước trên thế giới đã thực hiện các cuộc điều tra định kỳ để
đánh giá NLĐMST của các DN nói chung, mà trong đó phần lớn là các
DNNVV. Tiêu biểu là Khảo sát ĐMST cộng đồng chung châu Âu, Chỉ số
ĐMST NESTA của Anh, 1-InnoCERT của Malaysia, InnoBiz của Hàn
Quốc, IMP3rove của Ủy ban châu Âu dành riêng cho các DNNVV,...
Tại Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa có một khảo sát quy mô, thường
xuyên nào về NLĐMST cho các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói
riêng. Một số khảo sát của Tổng cục Thống kê hoặc Viện Quản lý Kinh tế
Trung ương và các đối tác (2013) thường không chuyên sâu vào hoạt động
ĐMST3. Các khảo sát thường chỉ tập trung vào hoạt động đầu tư R&D tại
các doanh nghiệp, trong khi theo như kết quả của các khảo sát này, có tới
hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam không có hoạt động R&D nào. Điều này
là dễ hiểu vì đa phần các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ. Hoạt
động ĐMST đối với DN quy mô nhỏ phần nhiều là các ĐMST mang tính
mới đối với bản thân DN hoặc với thị trường của DN. Các doanh nghiệp
nhỏ thường quan tâm đến ĐMST nhỏ thay vì là các ĐMST lớn, đòi hỏi
nhiều chi phí R&D.
Với những thông tin còn chưa đầy đủ về NLĐMST của doanh nghiệp Việt
Nam, chúng tôi nhận thấy cần phải xây dựng một khung khổ và hệ tiêu chí
đánh giá mới, chắt lọc từ các phương pháp đã được phát triển và áp dụng
3 Trong năm 2017, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, đã tiến hành cuộc điều tra thử nghiệm để hoàn thiện công
tác thống kê ĐMST trong các doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2014-2016. Theo công bố tại Hội thảo “Kết
quả thống kê ĐMST trong doanh nghiệp và đề xuất hoàn thiện công tác thống kê ĐMST ở Việt Nam” ngày
28/8/2018, cuộc điều tra này đã tiến hành khảo sát tại 7.641 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo,
trong đó, có 1.892 doanh nghiệp lớn (chiếm 67,84% tổng số doanh nghiệp lớn), 820 doanh nghiệp vừa (chiếm
90,01%) và 4.929 doanh nghiệp nhỏ (chiến 26,25%). Tuy nhiên, cho tới thời điểm chúng tôi viết bài báo này, kết
quả chính thức của cuộc khảo sát vẫn chưa được công bố. Vì lẽ đó, chúng tôi chưa thể có bình luận hoặc trích dẫn
chính thức về cuộc điều tra này.
22
trên thế giới, để đo lường NLĐMST của các doanh nghiệp của Việt Nam.
Riêng với các DNNVV, do số lượng nhiều và liên tục thay đổi, việc xây
dựng một bộ tiêu chí để đánh giá nhanh NLĐMST là rất cần thiết để thường
xuyên đánh giá, bên cạnh một bộ tiêu chí đầy đủ, chuyên sâu về NLĐMST.
Vì vậy, mục đích của bài viết này là nghiên cứu tổng quan về cách thức xây
dựng các tiêu chí đánh giá NLĐMST của doanh nghiệp đã được thực hiện ở
trong và ngoài nước. Từ đó, đề xuất xây dựng bộ tiêu chí đánh giá nhanh
NLĐMST cho khu vực DNNVV. Để đạt được mục tiêu này, trong phần
tiếp theo nghiên cứu sẽ phân tích khái niệm ĐMST và NLĐMST của doanh
nghiệp. Tiếp đến, nghiên cứu sẽ xem xét các phương pháp và công cụ đo
lường ĐMST đã được sử dụng trên thế giới. Cuối cùng nghiên cứu sẽ đề
xuất bộ tiêu chí để đánh giá sơ bộ NLĐMST cho các DNNVV của Việt
Nam. Bộ tiêu chí này sẽ được sử dụng để đánh giá thử NLĐMST 121
DNNVV tại ba ngành dệt may, chế biến thực phẩm và thiết bị điện-điện tử
của Việt Nam.
2. Tổng quan lý thuyết
2.1. Khái niệm đổi mới sáng tạo và năng lực đổi mới sáng tạo
Theo Schumpeter (1934), ĐMST là một quá trình mà chủ doanh nghiệp đưa
các kết hợp mới ra thị trường. Đó có thể là việc đưa ra sản phẩm mới, áp
dụng phương pháp sản xuất mới hoặc cách thức bán hàng mới, mở ra một
thị trường mới, sử dụng một nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào mới, hay
hình thành một cấu trúc thị trường mới.
Các định nghĩa về ĐMST sau này về cơ bản kế thừa các ý tưởng chính ở
trên của Schumpeter, nhưng có những điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu
của từng nghiên cứu cụ thể. Trong các nghiên cứu ứng dụng hiện nay, phiên
bản khái niệm về ĐMST được dùng phổ biến nhất là của OECD/Eurostat
(1992, 1997, 2005), được đưa ra trong Cuốn sổ tay Oslo (Oslo Manual) về
việc thu thập và diễn giải các dữ liệu đổi mới công nghệ để phục vụ cho
mục đích đo lường các hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST. Theo
Oslo Manual (2005), ĐMST là quá trình đưa vào áp dụng một sản phẩm
hoặc quy trình mới, một phương pháp tiếp thị mới, hoặc một phương pháp
tổ chức mới hoặc cải thiện đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các tổ chức này cũng cho rằng, yêu cầu tối thiểu cho việc xác định ĐMST
sản phẩm, quy trình, tiếp thị hay tổ chức là hoạt động đó phải là mới hoặc
được cải thiện đáng kể. Dựa trên khái niệm này, các tổ chức này phân loại
ĐMST tại cấp doanh nghiệp thành 4 loại: (i) ĐMST sản phẩm; (ii) ĐMST
quy trình; (iii) ĐMST marketing; và (iv) ĐMST tổ chức.
Năng lực ĐMST của doanh nghiệp được định nghĩa là khả năng tổ chức các
nguồn lực để thực hiện được một số hoạt động ĐMST nhất định nào đó
23
(Neely et al, 2001), hoặc chi tiết hơn, đó là khả năng biến đổi liên tục tri
thức và ý tưởng thành các sản phẩm mới, qui trình sản xuất mới, mở ra các
thị trường mới, cách thức tổ chức mới để giúp doanh nghiệp và các thành
viên của nó hưởng lợi (Lawson và Samson, 2001).
Để thể hiện được khái niệm trên dưới dạng các hoạt động có thể đo lường
được, ở bước cơ bản nhất, chúng ta có thể nhìn NLĐMST như là một tập
hợp các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp (Romijn và Albaladajo, 2000). Cụ
thể, năng lực ĐMST của doanh nghiệp được hình thành từ nhiều nguồn bên
trong và bên ngoài doanh nghiệp. Các nguồn bên trong bao gồm: nền tảng
kiến thức của người chủ hoặc quản lý doanh nghiệp, các kỹ năng của đội
ngũ nhân viên và nỗ lực đầu tư cho R&D. Các nguồn bên ngoài bao gồm
tần suất quan hệ với bên ngoài, độ sâu của các mối quan hệ với bên ngoài,
mức độ nhận được hỗ trợ từ bên ngoài.
Bước tiếp theo, chúng ta nhìn NLĐMST theo quá trình ĐMST. Có nhiều
cách nhìn quá trình ĐMST khác nhau. Theo cách nhìn truyền thống, chúng
ta có thể xem quá trình ĐMST bao gồm các công đoạn như phát minh, phát
triển, khai thác. Một cách nhìn khác đó là theo chuỗi giá trị ĐMST
(innovation value chain) như Hansen and Birkinshaw (2007) đề xuất. Theo
các tác giả này, một chuỗi giá trị ĐMST bao gồm ba giai đoạn: tạo ra ý
tưởng, chuyển đổi ý tưởng ra kết quả và lan tỏa ý tưởng.
Ở mức độ sâu hơn nữa, chúng ta cần phải cân nhắc đến cả yếu tố bối cảnh
hoặc bầu không khí hình thành NLĐMST (Nilsson và cộng sự, 2012). Bầu
không khí ĐMST (innovation climate) là một tập hợp các yếu tố mang tính
thể chế như các giá trị chung, mức độ tự do sáng tạo, chế độ động viên
khuyến khích, thái độ mạo hiểm,... Bầu không khí sáng tạo được xem như
là một phần của NLĐMST vì nó chính là điều kiện để giúp cho ĐMST có
khả năng xảy ra cao hơn.
2.2. Các phương pháp đo lường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh
nghiệp
2.2.1 Các khung khổ lý thuyết về đo lường năng lực đổi mới sáng tạo của
doanh nghiệp
Các khung lý thuyết về đo lường NLĐMST hiện đại đều xem xét ĐMST ở
rất nhiều chiều và nhiều công đoạn trong quá trình ĐMST, thay vì chỉ đơn
thuần đo lường các đầu vào hay đầu ra của ĐMST của doanh nghiệp. Mô
hình kim cương, được đề xuất bởi Tidd, Bessant, và Pavit (2005), đo lường
năm chiều của NLĐMST, bao gồm chiến lược, quy trình, tổ chức, các mối
liên kết và học hỏi. Mô hình kim cương chủ yếu tập trung vào năng lực nội
tại của chính doanh nghiệp, mà không tính đến bối cảnh hay môi trường
trong đó doanh nghiệp hoạt động. Mô hình này giúp đưa ra những đánh giá
24
khá toàn diện về cơ cấu tổ chức và văn hóa của doanh nghiệp trong việc thúc
đẩy việc học hỏi và lan tỏa tri thức, trong việc quản lý và vận hành quy trình
phát triển sản phẩm, trong việc lập chiến lược, kế hoạch, thực thi các ĐMST
và đánh giá ĐMST; và trong việc tạo ra một văn hóa khuyến khích ĐMST
trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, mô hình này chưa đề cập đến năng lực của
doanh nghiệp trong việc thương mại hóa các sản phẩm ĐMST của mình.
Khung khổ của OSLO Manual, được xây dựng bởi OECD và Hội đồng
châu Âu (European Commission), cung cấp một phân loại rất rõ ràng các
hình thức ĐMST, bao gồm 4 loại (ĐMST sản phẩm/dịch vụ, ĐMST quy
trình, ĐMST tổ chức và ĐMST marketing) của doanh nghiệp để đưa ra
cách tiếp cận đo lường phù hợp. Phiên bản mới nhất của OSLO Manual đã
bổ sung thêm ĐMST ở lĩnh vực dịch vụ, điều mà các phiên bản trước và
các cách thức đo lường ĐMST trước đó chưa tính đến. Cách tiếp cận này
cho phép đo lường các đầu vào của ĐMST, các mối liên kết và vai trò của
việc lan tỏa, tác động của ĐMST (ví dụ tác động đến sản lượng, năng suất,
việc làm ở cả cấp quốc gia và trong các ngành cụ thể hoặc khu vực cụ thể),
các động lực và trở ngại của hoạt động ĐMST và các yếu tố về phía cầu.
Khung khổ này tạo điều kiện cho việc đo lường NLĐMST ở cấp độ quốc
gia và cho phép việc đối chiếu so sánh ở cấp độ quốc tế. Các kết quả của
phương pháp này rất hữu ích cho việc hoạch định chính sách (từ các thông
tin về yếu tố nào thúc đẩy doanh nghiệp ĐMST hay các trở ngại đối với
ĐMST mà doanh nghiệp gặp phải).
Mô hình hình phễu, do trường Học viện Công nghệ Massachuset (MIT)
phát triển vào năm 2005, và mô hình chuỗi giá trị ĐMST, được đề xuất bởi
Hansen và Birkinshaw (2007), có thể áp dụng hiệu quả hơn đối với các
doanh nghiệp có quy trình ĐMST tuyến tính hơn là các quy trình ĐMST
phức tạp và với các phản hồi trong quy trình đó. Thông thường, quy trình
tuyến tính giúp cho doanh nghiệp có thể quản lý được ĐMST sử dụng một
hệ thống giống như “cửa ra vào”, sàng lọc ý tưởng nào đủ tốt hoặc không
đủ tốt để đưa đến các giai đoạn tiếp theo của quy trình. Điều này có thể
giúp đảm bảo an toàn cho tổ chức, nhưng đôi khi lại mất thời gian, và phù
hợp với các ĐMST theo kiểu cải biến hơn là các ĐMST có tính chất đột
phá. Điểm yếu của các mô hình này là chưa tính đến các yếu tố bên ngoài
tác động đến NLĐMST của doanh nghiệp như là thể chế, cơ sở hạ tầng, nhu
cầu của thị trường, mức độ cạnh tranh của ngành mà doanh nghiệp đang
hoạt động, các chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ và các chính sách hỗ trợ
ĐMST của chính phủ.
2.2.2 Thực tiễn đo lường NLĐMST doanh nghiệp tại một số quốc gia trên
thế giới
Ø Khảo sát ĐMST của Cộng đồng chung châu Âu
25
Khảo sát ĐMST của Cộng đồng chung châu Âu (Community Innovation
Survey - CIS) được thiết kế dựa trên khung khổ của OSLO Manual, được
thực hiện lần đầu tiên vào năm 1992. Kể từ năm 2008, khảo sát này được
thực hiện định kỳ hai năm một lần ở các nước thành viên Liên minh châu
Âu (EU). Điều tra này được thực hiện ở cấp độ doanh nghiệp. CIS định
nghĩa một doanh nghiệp là doanh nghiệp ĐMST nếu như doanh nghiệp đó
có ít nhất một sản phẩm hoặc quy trình mới đối với chính doanh nghiệp đó
(Arundel, 2007). Việc thu thập số liệu CIS là tự nguyện cho các nước thành
viên, do vậy, số lượng các nước tham gia vào mỗi vòng điều tra có thể khác
nhau. Các số liệu này có thể được truy cập từ trang web thống kê của Liên
minh châu Âu (Eurostat, 2017).
Cuộc điều tra này khảo sát nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động ĐMST
như là các sản phẩm/dịch vụ mới hoặc được cải tiến đáng kể; và việc áp
dụng các quy trình, logistics hay phương thức phân phối mới hoặc đã được
cải thiện. Điều tra cũng cung cấp thông tin về đặc điểm của hoạt động
ĐMST ở cấp độ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu hơn về
quy trình ĐMST và tác động của ĐMST đến nền kinh tế. Các câu hỏi của
điều tra cung cấp một tập hợp các chỉ số về các nội dung, các hoạt động
ĐMST (sản phẩm, quy trình, tổ chức,), chi tiêu cho ĐMST, tác động của
ĐMST, tài trợ của chính phủ, hợp tác trong ĐMST, các nguồn thông tin cho
ĐMST, các yếu tố cản trở và thúc đẩy hoạt động ĐMST, lý do thực hiện
ĐMST và các phương pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Ø Chỉ số ĐMST NESTA
NESTA là Quỹ tài trợ quốc gia về khoa học và nghệ thuật của Anh với mục
đích thúc đẩy năng lực ĐMST của quốc gia này. Quỹ hướng đến hỗ trợ cho
các công ty trong giai đoạn mới thành lập, cung cấp cho họ thông tin về các
chính sách liên quan đến ĐMST và khuyến khích họ xây dựng văn hóa thúc
đẩy ĐMST trong doanh nghiệp. Chỉ số ĐMST của NESTA được xây dựng
từ năm 2008, nhằm mục đích xác định một loạt các chỉ số phản ánh năng
lực ĐMST ở mỗi ngành và giúp so sánh năng lực ĐMST giữa các ngành
nhằm xác định các ưu tiên chính sách và chiến lược.
Bộ chỉ số ĐMST của NESTA được xây dựng dựa trên mô hình chuỗi giá trị
ĐMST của Hansen và Birkinshaw (2007), với cách tiếp cận đầu cuối (end-
to-end) của quá trình ĐMST, từ lúc doanh nghiệp đầu tư cho tri thức cho
đến ĐMST và cuối cùng là tạo ra giá trị. Theo cách tiếp cận này, các hoạt
động ĐMST được xem như là một quá trình liên tục gồm ba pha với đầu tư
cho tri thức, thực hiện ĐMST và tạo giá trị (thương mại hóa các ĐMST).
NESTA xây dựng 16 chỉ số ĐMST cấp doanh nghiệp. Năm (05) trong số
các chỉ số này liên quan đến việc tiếp cận tri thức; 6 chỉ số liên quan đến
việc tạo ra các ĐMST; 5 chỉ số liên quan đến hoạt động thương mại hóa. Ở
26
một số trường hợp, các chỉ số được định nghĩa hoàn toàn mang tính chất đa
ngành - tức là cùng một chỉ số có thể áp dụng cho nhiều ngành khác nhau.
Một số chỉ số chỉ áp dụng cho từng ngành cụ thể.
Ø Radar ĐMST
Radar ĐMST là một công cụ được phát triển bởi Trường Quản lý Kellogg
School, gồm các nhà nghiên cứu Mohan Sawhney, Robert C. Wolcott và
Inigo Arroniz (Gamal, 2011).
Công cụ này đã được kiểm chứng và được áp dụng cho 40 công ty ở Mỹ.
Công cụ này đưa ra một cái nhìn toàn diện về ĐMST và kết quả cho thấy
các doanh nghiệp đưa ĐMST vào mô hình kinh doanh có kết quả tốt hơn so
với các doanh nghiệp chỉ tập trung vào ĐMST đối với sản phẩm hoặc quy
trình.
Radar đưa ra bốn khía cạnh đóng vai trò như là mỏ neo của hoạt động kinh
doanh:
- Cung cấp thứ mà công ty tạo ra (Cái gì - WHAT);
- Các khách hàng mà công ty phục vụ (Ai - WHO);
- Quá trình sử dụng (như thế nào - HOW);
- Điểm hiện diện mà hãng sử dụng để đưa các sản phẩm của mình ra thị
trường (Ở đâu - WHERE).
Trải rộng ở cả 4 khía cạnh này, các doanh nghiệp có thể đổi mới hoạt động
của họ nhiều hơn so với việc chỉ tập trung vào ĐMST công nghệ hoặc sản
phẩm: một doanh nghiệp thực tế có thể tiến hành ĐMST ở 12 chiều cạnh
khác nhau. Radar ĐMST sẽ giúp mở rộng phạm vi ĐMST của doanh
nghiệp, và cho thấy rằng “ĐMST là tạo ra các giá trị mới, chứ không phải
là tạo ra các sản phẩm mới”.
Ø 1-InnoCeRT
1-InnoCERT là một chương trình hướng đến thúc đẩy hoạt động ĐMST của
doanh nghiệp ở Malaysia. Chương trình này đánh giá bốn khía cạnh cơ bản:
Khả năng ĐMST, Khả năng thương mại hóa, Khả năng quản lý ĐMST và
Kết quả ĐMST. Chương trình cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp
ĐMST thông qua một giấy chứng nhận quy trình tuân thủ và khả năng
doanh nghiệp có thể tuân thủ theo những tiêu chuẩn về ĐMST nhất định.
Việc cấp giấy chứng nhận được thực hiện dựa trên hệ thống tự đánh giá
ĐMST trực tuyến và được chứng thực thông qua hoạt động kiểm toán thực
tế tại hiện trường. 1-InnoCERT mở rộng với tất cả các doanh nghiệp (SMEs
và các doanh nghiệp quy mô lớn) trong 8 ngành bao gồm: chế tạo, dịch vụ,
công nghệ sinh học, thiết kế, công nghệ thông tin và truyền thông/phần
27
mềm, nông nghiệp, môi trường, công nghệ xanh (năng lượng tái tạo) và
xây dựng.
Ø InnoBiz
Hàn Quốc thực hiện hệ thống chứng nhận ĐMST công nghệ từ năm 2001
để hỗ trợ các DNNVV thực hiện ĐMST. Việc đánh giá dựa trên “Sổ tay
Oslo” do OECD xây dựng. Quá trình đánh giá gồm 2 giai đoạn: tự đánh giá
trực tuyến và đánh giá tại hiện trường.
Tự đánh giá trực tuyến (đánh giá sơ bộ ban đầu)
Việc đánh giá này bao gồm 4 lĩnh vực (năng lực ĐMST công nghệ, năng
lực thương mại hóa công nghệ, năng lực quản lý ĐMST công nghệ, và
thành tựu ĐMST) với khoảng 60 câu hỏi.
Điểm cao nhất là 1.000 điểm. Và doanh nghiệp cần đạt từ 650 điểm trở lên
để được lựa chọn đánh giá tại giai đoạn tiếp.
Đánh giá tại hiện trường của quỹ đảm bảo công nghệ
- Đánh giá hệ thống ĐMST công nghệ (điểm cao nhất: 1.000 điểm): từ 700
điểm trở lên để được lọt vào vòng Đánh giá trình độ công nghệ.
Áp dụng các chỉ số đánh giá tại thời điểm tự đánh giá (đánh giá sơ bộ ban
đầu) và đánh giá bởi các chuyên gia đặc biệt của Quỹ Công nghệ Kibo.
- Đánh giá trình độ công nghệ chuyên sâu (hệ thống điểm 10): hạng B hoặc
cao hơn để được quỹ cấp tài trợ
Việc đánh giá trình độ công chuyên sâu sẽ gồm có 4 nội dung (năng lực kĩ
thuật của người quản lý, khả năng đứng vững của công nghệ, khả năng
marketing, mức độ lâu dài và có lợi nhuận của ngành kinh doanh) và
khoảng 44 hạng mục.
Đánh giá trình độ công nghệ chuyên sâu gồm 10 cấp độ: AAA, AA, A,
BBB, BB, B, CCC, CC, C, và D.
Ø IMP3rove - Europe Innova
Dự án IMP3rove được Ủy ban châu Âu lập ra từ năm 2006 nhằm mục
đích thúc đẩy ĐMST của các DNNVV ở châu Âu với tác động bền vững.
Dự án này bắt đầu với việc phân tích các cách thức quản lý ĐMST và các
công cụ tự đánh giá tốt nhất ở châu Âu. Việc đánh giá được thực hiện một
cách hệ thống ở tất cả các chiều cạnh của “Ngôi nhà ĐMST của A.T
Kearrney”. Nó đo lường các yếu tố chính cần thiết cho sự thành công của
ĐMST, bao gồm chiến lược ĐMST, tổ chức và văn hóa, và quản lý vòng
đời (bao gồm quản lý ý tưởng, phát triển sản phẩm, quá trình ra mắt sản
phẩm, và cải tiến liên tục).
28
IMP3rove áp dụng cách tiếp cận toàn diện để đánh giá quản lý ĐMST như
là một nhân tố chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh. IMP3rove tích hợp việc
đánh giá trực tuyến, đưa ra tiêu chuẩn, các dịch vụ tư vấn và cải tiến liên
tục quản lý ĐMST của các DNNVV. Bước đầu tiên là thực hiện các đánh
giá IMP3rove trực tuyến, với các kết quả được báo cáo chi tiết về kết quả
đánh giá của doanh nghiệp ở mỗi chiều của quản lý ĐMST, so sánh với các
doanh nghiệp đang có kết quả tốt nhất và so với mức trung bình của các
doanh nghiệp trong bộ dữ liệu. Các báo cáo này sẽ được nghiên cứu kĩ
lưỡng bởi các nhà tư vấn để chuẩn bị cho các hội thảo tư vấn, nhằm xây
dựng một lộ trình cho việc nâng cao hiệu quả quản trị ĐMST của doanh
nghiệp. Các lộ trình này phải đưa ra được các mục tiêu và cách thức cụ thể
để thực hiện. Việc thực hiện của doanh nghiệp sẽ được theo dõi chặt chẽ,
cùng với các đánh giá tác động trong ngắn hạn (ngay sau khi đưa ra dịch vụ
tư vấn) và trong dài hạn hơn (sau một năm). Quy trình này sẽ được lặp lại
sau một năm nhằm đảm bảo sự cải thiện liên tục trong hệ thống quản trị
ĐMST của doanh nghiệp.
2.2.3. Thảo luận về các phương pháp đo lường năng lực đổi mới sáng tạo
Bảng 1 dưới đây tổng hợp lại các mô hình và công cụ đo lường NLĐMST
của doanh nghiệp, các mối quan tâm chính của mỗi mô hình và những lưu ý
cho việc áp dụng các mô hình này. Mô hình kim cương là khung khổ để xây
dựng IMP3rove của châu Âu nhằm đánh giá quản lý ĐMST của doanh
nghiệp. Bộ chỉ số ĐMST NESTA dựa trên mô hình chuỗi giá trị ĐMST.
Các công cụ như 1-InnoCERT, InnoBiz hay CIS của châu Âu dựa trên
khung khổ được đưa ra trong OSLO Manual. Mỗi bộ công cụ tập trung vào
những yếu tố cốt lõi khác nhau của quá trình ĐMST và có những thế mạnh
riêng. Mỗi doanh nghiệp, tổ chức đánh giá, hoặc chương trình quốc gia có
thể cân nhắc và tích hợp những cấu phần khác nhau của các mô hình và
công cụ đã đề cập để phục vụ cho mục đích của mình.
Bảng 1: So sánh các phương pháp đo lường NLĐMST của doanh nghiệp
Mô hình
đo lường
Ví dụ về các
công cụ
Trọng tâm Các chiều kích Ghi chú
Mô hình
Kim
cương
IMP3rove Quá trình
ĐMST
Các yếu tố
kích hoạt
Các mối liên
kết
Chiến lược, quy
trình, tổ chức,
các mối liên kết
và học hỏi.
Đầy đủ khi quá trình
ĐMST còn trong giai
đoạn mới bắt đầu.
Phương pháp này nhấn
mạnh các chiều chính
của quá trình ĐMST
cũng như các yếu tố thể
chế cho phép ĐMST.
Mô hình Tập trung
vào ĐMST
Tư duy chiến
lược, quản lý
Mô hình đầy đủ khi có
một quy trình ĐMST
29
Mô hình
đo lường
Ví dụ về các
công cụ
Trọng tâm Các chiều kích Ghi chú
phễu công nghệ hoặc
sản phẩm
Quy trình
R&D như là
hoạt động cốt
lõi
danh mục và
các thước đo,
nghiên cứu, đưa
ý tưởng, tìm
hiểu khách
hàng, đưa ra
mục tiêu, phát
triển ĐMST,
phát triển thị
trường, và bán
hàng.
thích hợp trong tổ chức.
Chuỗi
giá trị
ĐMST
NESTA Quản lý ý
tưởng
Kết quả đầu
ra
Tạo ra ý tưởng,
chuyển hóa ý
tưởng, lan tỏa
Thu thập tri
thức, xây dựng
các ĐMST và
thương mại hóa
các ĐMST.
Nhấn mạnh việc đánh
giá đầu ra của quá trình
ĐMST.
Hướng
dẫn
OSLO
InnoCERT
InnoBiz
Khảo sát
ĐMST của
Cộng đồng
chung châu
Âu
ĐMST
Các mối liên
kết
Đầu ra trong
một thời gian
nào đó
ĐMST, các mối
liên kết, nhu
cầu, cơ sở hạ
tầng và khung
khổ thể chế, và
chính sách
ĐMST.
Rất hữu ích khi xem xét
ở cấp độ quốc gia;
thuận tiện cho việc so
sánh quốc tế.
Radar
ĐMST
Kết quả đầu
ra của ĐMST
Các sản
phẩm/dịch vụ;
khách hàng,
quy trình,
marketing.
Không đảm bảo tính
bền vững của quá trình
ĐMST.
Nguồn: Tổng hợp bởi nhóm tác giả
3. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sơ bộ năng lực đổi mới sáng tạo cho
khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Đã có một số phương pháp đo lường NLĐMST được áp dụng ở Việt Nam
như bộ công cụ i2METRIC (Quan Hoang Vuong và cộng sự, 2014) hay bộ
tiêu chí khảo sát phục vụ nghiên cứu thực nghiệm của Phùng Xuân Nhạ và
Lê Quân (2013). Tuy nhiên, các phương pháp này đều thiếu một khung lý
thuyết làm cơ sở cho việc xây dựng các bộ chỉ tiêu đánh giá, do vậy, hệ
thống các tiêu chí đưa ra chưa thực sự thuyết phục. Một số công trình
nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ
cũng đã động chạm đến khía cạnh ĐMST (Nguyễn Việt Hòa, 2008; Nguyễn
30
Việt Hòa, 2011; Trần Ngọc Ca, Nguyễn Võ Hưng, 2012); cũng như
NLĐMST (Bạch Tân Sinh, 2010) ở cấp độ doanh nghiệp. Nhưng những
nghiên cứu này hoặc chỉ mới đề cập đến một số khía cạnh của ĐMST hoặc
chưa hệ thống hóa được cơ sở lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn tại
các quốc gia cho việc xây dựng các tiêu chí4.
Để có cách tiếp cận toàn diện hơn đối với NLĐMST, trước hết chúng tôi áp
dụng khung lý thuyết được trình bày trong Oslo Manual 2005 về ĐMST.
Theo đó, ĐMST ở đây được hiểu là các hoạt động tạo ra giá trị mới cho
doanh nghiệp. Các đối tượng của ĐMST được quan tâm xem xét bao gồm:
ĐMST đối với sản phẩm/dịch vụ; ĐMST đối với quy trình; ĐMST đối với
hoạt động Marketing; và ĐMST đối với tổ chức.
Tuy nhiên, khung khổ của OSLO Manual 2005 quan tâm nhiều đến đầu ra
của ĐMST và các mối liên kết của doanh nghiệp với bên ngoài (thể chế và
cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp khác, khu vực đào tạo và hệ thống nghiên
cứu công, và nhu cầu của thị trường). Để đánh giá NLĐMST của doanh
nghiệp, chúng ta quan tâm cả đến cấp độ vi mô đối với các quy trình ĐMST
bên trong doanh nghiệp, từ khâu tìm kiếm tri thức, tạo ra các ĐMST đến
khai thác các ĐMST. Tất cả đều phản ánh năng lực ĐMST của doanh
nghiệp. Các mô hình lí thuyết khác mà chúng tôi đã đề cập ở trên (Mô hình
kim cương, mô hình hình phễu, mô hình chuỗi giá trị ĐMST) đều quan tâm
đến nhiều khía cạnh hơn của năng lực ĐMST chứ không chỉ nhấn mạnh vào
đầu ra và các mối liên kết của doanh nghiệp với bên ngoài. Tuy thế, mô
hình hình phễu phân ra quá chi tiết các quy trình của ĐMST mà đối với các
doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, và các doanh nghiệp chưa có quy trình
ĐMST một cách chuyên nghiệp sẽ rất khó có thể phân ra được chi tiết các
khâu như vậy. Mô hình chuỗi giá trị ĐMST tỏ ra phù hợp hơn đối với
DNNVV khi chỉ phân loại 3 giai đoạn chính: (i) tạo ý tưởng; (ii) chuyển đổi
ý tưởng; và (iii) lan tỏa ý tưởng (thương mại hóa ĐMST).
Vì thế, Bộ tiêu chí đánh giá nhanh NLĐMST của DNNVV của Việt Nam
được chúng tôi đề xuất xây dựng cần dựa trên cả khung khổ của OSLO
Manual 2005 lẫn mô hình chuỗi giá trị ĐMST để phản ánh cả khía cạnh đầu
ra, mối quan hệ với bên ngoài, và quy trình bên trong về hoạt động ĐMST
tại doanh nghiệp.
4 Chúng tôi cũng lưu ý, theo công bố tại Hội thảo “Kết quả thống kê ĐMST trong doanh nghiệp và đề xuất hoàn
thiện công tác thống kê ĐMST ở Việt Nam” ngày 28/8/2018, trong năm 2017, Cục Thông tin Khoa học và Công
nghệ Quốc gia đã tiến hành Cuộc điều tra thử nghiệm về ĐMST trong các doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn
2014-2016. Cuộc điều tra tập trung vào 4 nhóm tiêu chí cơ bản: (i) hoạt động ĐMST của doanh nghiệp; (ii) các
điều kiện cơ bản cần thiết cho ĐMST; (iii) tác động tích cực của ĐMST đối với sản xuất kinh doanh của doanh
nghiệp và (iv) nguyên nhân cản trở hoạt động ĐMST của doanh nghiệp. Tuy nhiên, như lưu ý ở Chú thích 3, cho
tới thời điểm chúng tôi viết bài báo này, kết quả chính thức của cuộc khảo sát vẫn chưa được công bố. Vì lẽ đó,
chúng tôi chưa thể có bình luận hoặc trích dẫn chính thức về cuộc điều tra này.
31
3.1. Các cấu phần của NLĐMST
Tổng hợp từ hai mô hình trên và các ứng dụng cụ thể tại các quốc gia,
chúng tôi đưa ra khung khổ về NLĐMST cho DNNVV của Việt Nam bao
gồm 4 cấu phần chính.
(1) Năng lực quản lý ĐMST (S), bao gồm:
- Các yếu tố hỗ trợ việc tạo ra ý tưởng (văn hóa của doanh nghiệp khuyến
khích việc tạo ra các ý tưởng mới, văn hóa hợp tác chia sẻ kiến thức
trong nội bộ doanh nghiệp, văn hóa coi trọng các ý tưởng đến từ bên
ngoài, khả năng đưa ra các ý tưởng mới từ nội bộ, khả năng tìm kiếm các
ý tưởng mới từ bên ngoài);
- Các yếu tố hỗ trợ việc phát triển ý tưởng (quy trình chọn lọc ý tưởng để
phát triển, thái độ với rủi ro, khả năng hoàn thành dự án ĐMST đúng kế
hoạch, mức độ hào hứng của đội ngũ quản lý với các dự án ĐMST);
- Các yếu tố hỗ trợ việc lan tỏa ý tưởng (khả năng nhanh chóng đưa
ĐMST ra thị trường trước các đối thủ cạnh tranh, khả năng đưa các kết
quả ĐMST đến các kênh phân phối).
(2) Năng lực học hỏi và đầu tư cho ĐMST (I), bao gồm:
- Năng lực học hỏi từ bên ngoài (mức độ nhận được tri thức từ các nhà
cung ứng, khách hàng, các trường đại học, viện nghiên cứu, từ các cơ
quan chính phủ, từ các hiệp hội ngành nghề, từ các triển lãm, hội chợ);
- Năng lực học hỏi nội bộ (mức độ trao đổi tri thức trong nội bộ doanh
nghiệp, đào tạo cho nhân viên);
- Đầu tư cho hoạt động R&D (mức độ đầu tư cho R&D, mua máy móc,
thiết bị mới);
- Nỗ lực ĐMST (thể hiện qua các dự án ĐMST đã triển khai, đã bị dừng
hoặc từ bỏ, trì hoãn).
(3) Kết quả ĐMST (O), bao gồm:
- Kết quả ĐMST sản phẩm;
- Kết quả ĐMST quy trình;
- Kết quả ĐMST tổ chức;
- Kết quả ĐMST marketing.
(4) Năng lực thương mại hóa kết quả ĐMST (M), bao gồm:
- Đầu tư cho việc giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường (mức độ đầu tư
cho việc giới thiệu sản phẩm mới ra thị trường);
- Tác động đến kết quả kinh doanh từ các kết quả ĐMST (tác động đến doanh
thu, thị phần, quan hệ với khách hàng, mức độ hài lòng của khách hàng).
32
3.2. Tính điểm năng lực đổi mới sáng tạo
Ø 1. Tính điểm của các nhóm thành phần NLĐMST của DN:
S = ∑S(i); I = ∑I(i); O = ∑O(i); M = ∑M(i)
Trong đó: i là thứ tự các tiêu chí trong Bộ tiêu chí;
S(i) là số điểm của tiêu chí thứ i trong nhóm S;
I(i) là số điểm của tiêu chí thứ i trong nhóm I;
O(i) là số điểm của tiêu chí thứ i trong nhóm O;
M(i) là số điểm của tiêu chí thứ i trong nhóm M.
Ø 2. Tính tổng số điểm các nhóm thành phần NLĐMST của DN:
= S + I + O + M
Ví dụ: Sau khi đánh giá một doanh nghiệp có kết quả như sau: nhóm năng
lực quản lý hoạt động ĐMST được 25 điểm; nhóm đầu tư phát triển năng
lực ĐMST được 12 điểm; nhóm kết quả ĐMST được 13 điểm và nhóm tổ
chức thương mại hóa được 15 điểm. Ta có:
- Tổng số điểm các thành phần ĐMST của DN là:
= 25 + 12 +13 + 15 = 65 điểm
Sau khi tính điểm cho mỗi doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tổng hợp để đưa ra
mức điểm trung bình (hoặc trung vị) của các doanh nghiệp. Để đánh giá
NLĐMST của mỗi ngành và đưa ra so sánh, chúng tôi sẽ tiến hành so sánh
theo từng khía cạnh của NLĐMST và năng lực tổng hợp. Điểm của mỗi
chiều cạnh của một ngành được tính là điểm trung bình (hoặc trung vị) của
tất cả các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Cộng một cách cơ học điểm
của từng chiều cạnh của mỗi ngành, chúng tôi sẽ được điểm chung cho
NLĐMST của từng ngành (điểm thấp nhất là 0, cao nhất là 100).
3.3. Đánh giá thử năng lực đổi mới sáng tạo của một số doanh nghiệp
nhỏ và vừa của Việt Nam
3.3.1. Kết quả đánh giá thử
Bộ tiêu chí đánh giá NLĐMST trên đã được chúng tôi dùng để đánh giá cho
121 DNNVV Việt Nam ở 3 ngành công nghiệp: chế biến thực phẩm (42
doanh nghiệp), thiết bị điện-điện tử (21 doanh nghiệp), và dệt may (48 doanh
nghiệp). Đây là các doanh nghiệp chúng tôi nhận được phản hồi sau khi gửi
Phiếu khảo sát một cách ngẫu nhiên tới 950 doanh nghiệp trong cả nước.
Cần lưu ý rằng, do số lượng phiếu khảo sát thu được tương đối thấp
(khoảng 10% số phiếu gửi đi), dẫn đến sự hạn chế về tính chính xác của kết
33
quả phân tích và đánh giá cho điểm, nên kết quả phân tích ở đây chỉ nhằm
mục đích hoàn thiện phương pháp cũng như bộ tiêu chí, thay vì rút ra các
hàm ý về NLĐMST cho ba ngành trên cũng như toàn bộ khu vực DNNVV
của Việt Nam.
Bảng 2 tổng hợp kết quả đánh giá NLĐMST của các doanh nghiệp trong
mẫu khảo sát tại mỗi ngành. Điểm số trong mỗi chiều cạnh của NLĐMST
tại mỗi ngành được tính bằng cách chia trung bình NLĐMST tại mỗi chiều
cạnh của các doanh nghiệp khảo sát trong ngành.
Về tổng thể, NLĐMST của các ngành đều ở mức trung bình. Tuy nhiên,
ngành chế biến thực phẩm có NLĐMST cao nhất, đạt 60,92/100 điểm, còn
ngành thiết bị điện-điện tử có NLĐMST thấp nhất, đạt 44,75/100 điểm. Về
các điểm thành phần, duy nhất chỉ có Năng lực quản lý hoạt động ĐMST
trong ngành chế biến thực phẩm đạt mức cao và kết quả ĐMST trong ngành
điện-điện tử đạt mức thấp, còn lại đều ở mức trung bình.
Kết quả trên phản ánh phần nào thực tế phát triển của ba ngành này tại Việt
Nam trong những năm vừa qua. Các doanh nghiệp nội địa trong ngành chế
biến thực phẩm và dệt may đã có nhiều bứt phá, không chỉ đáp ứng tốt nhu
cầu tiêu thụ trong nước mà còn đóng góp nhiều cho xuất khẩu. Trong khi
đó, ngành thiết bị điện-điện tử đều bị thống lĩnh bởi các doanh nghiệp FDI
và hàng nhập khẩu. Các DNNVV trong ngành này gặp khó khăn trong việc
thâm nhập được vào trong chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp FDI.
So sánh các cấu phần, năng lực quản lý hoạt động ĐMST của các doanh
nghiệp trong tất cả các ngành đều tốt hơn các năng lực khác. Cả ba ngành
đều đạt mức cao hoặc gần ngưỡng cao. Điều này cho thấy, các DNNVV đều
có ý thức và mong muốn ĐMST. Trong khi đó, năng lực tạo ra kết quả
ĐMST thấp nhất trong các năng lực. Kết quả này phản ánh việc tạo ra những
kết quả ĐMST cụ thể là khó khăn đối với các DNNVV. Một trong những
khó khăn mà các doanh nghiệp phản ánh là thiếu vốn đầu tư cho ĐMST.
Bảng 2: So sánh NLĐMST của các doanh nghiệp trong các ngành chế
biến thực phẩm, dệt may và thiết bị điện-điện tử
Điểm
tối đa
Chế biến
thực phẩm
Dệt
may
Thiết bị
điện-điện tử
Khoảng điểm
Số DN khảo sát 42 48 21
Năng lực quản lý
hoạt động ĐMST
30 20,38 17,78 18,73 Cao: >20
Trung bình: 10-20
Thấp: <10
Năng lực học hỏi
và đầu tư cho
ĐMST
20 11,98 10,23 9,44 Cao: >13,3
Trung bình: 6,7-13,3
Thấp: <6,7
34
Điểm
tối đa
Chế biến
thực phẩm
Dệt
may
Thiết bị
điện-điện tử
Khoảng điểm
Năng lực tạo ra
kết quả ĐMST
20 11,01 11,25 5,95 Cao: >13,3
Trung bình: 6,7-13,3
Thấp: <6,7
Năng lực thương
mại hóa các kết
quả ĐMST
30 17,54 15,81 10,62 Cao: >20
Trung bình: 10-20
Thấp: <10
Năng lực ĐMST
tổng hợp
100 60,92 55,06 44,75 Cao: >66,6
Trung bình: 33,4-66,6
Thấp: <33,4
Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát
3.3.2. Nhận xét về phương pháp đánh giá và các tiêu chí đo lường
Trong quá trình tiến hành khảo sát và phân tích dữ liệu để đánh giá
NLĐMST của các DNNVV trong ba ngành chế biến thực phẩm, dệt may,
và thiết bị điện-điện tử, chúng tôi thấy rằng:
Thứ nhất, xét về tổng thể, đa số các doanh nghiệp không gặp khó khăn
trong việc trả lời các câu hỏi dưới dạng định tính. Chỉ có khoảng 10% số
doanh nghiệp không hoàn thành được bảng hỏi. Khi đi gặp doanh nghiệp để
phỏng vấn sâu, các doanh nghiệp đều cho biết có thể hoàn thành được bảng
hỏi.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp gặp khó khăn khi trả lời câu hỏi liên quan
đến ĐMST đối với sản phẩm dịch vụ. Các doanh nghiệp có xu hướng nhầm
lẫn giữa gói sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng
với các dịch vụ chăm sóc khách hàng (thuộc về hoạt động marketing, bán
hàng của doanh nghiệp). Để giúp doanh nghiệp tránh nhầm lẫn, chúng tôi
cho rằng trong bảng hỏi chỉ nên tập trung vào sản phẩm chính của doanh
nghiệp. Nếu đó là doanh nghiệp sản xuất, chỉ nên đưa ra câu hỏi về sản
phẩm hàng hóa, còn đối với doanh nghiệp dịch vụ thì chỉ đưa ra câu hỏi về
gói sản phẩm dịch vụ.
Thứ hai, điểm số tính toán trong các doanh nghiệp phản ánh tương đối
chính xác NLĐMST tại các doanh nghiệp mà chúng tôi tiến hành phỏng
vấn sâu. Rất nhiều các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và
dệt may đều phản ánh họ học hỏi được rất nhiều từ các đối tác nước ngoài.
Trong khi chỉ có số ít doanh nghiệp điện tử có cơ hội này. Các chủ doanh
nghiệp khi phỏng vấn đều hào hứng với việc ĐMST nhưng cũng phản ánh
các kết quả thực sự thì không có nhiều. Việc đầu tư cho triển khai các hoạt
động ĐMST đều gặp khó khăn về vốn. Đa số doanh nghiệp thường chú
trọng đến cải tiến về mặt tổ chức (tìm kiếm các đối tác để hợp tác phát triển
hoặc mô hình quản lý để cắt giảm chi phí). Các cải tiến về sản phẩm và
marketing thường chậm thay đổi.
35
Thứ ba, việc tổng hợp dữ liệu và tính toán điểm số từ bảng khảo sát rất dễ
dàng. Với việc xây dựng các hệ số cho từng cấu phần, chỉ cần nhập các số
liệu từ phiếu hỏi là chúng ta đã có được kết quả đánh giá sơ bộ về
NLĐMST của doanh nghiệp theo từng cấu phần và cho toàn bộ các doanh
nghiệp trong ngành. Việc tính toán dễ dàng sẽ giúp cho các cơ quan lập
chính sách hoặc chuẩn đoán NLĐMST của doanh nghiệp có thể nhanh
chóng sàng lọc các doanh nghiệp cần xem xét hoặc hỗ trợ.
Thứ tư, việc xác định trọng số cho các cấu phần có vẻ như là không quá
quan trọng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã gán trọng số điểm cao hơn
cho Năng lực quản lý hoạt động ĐMST (30 điểm) và Năng lực thương mại
hóa các kết quả ĐMST (30 điểm) so với Năng lực học hỏi và đầu tư cho
ĐMST (20 điểm) và Năng lực tạo ra kết quả ĐMST (20 điểm). Tuy nhiên,
trong tính toán mô phỏng, khi gán các trọng số ngang bằng cũng như đảo
ngược cho các cấu phần thì điểm trung bình chung và từng cầu phần
NLĐMST của các ngành cho các kết quả so sánh tương đối không thay đổi.
Vì thế, chúng tôi cho rằng vì mục đích đánh giá nhanh, để cho đơn giản,
chúng ta nên áp dụng trọng số ngang bằng cho các cấu phần.
Thứ năm, có khá nhiều doanh nghiệp không trả lời một số câu hỏi định
lượng chúng tôi đưa vào trong bảng hỏi (số lượng ĐMST, số lượng dự án
ĐMST bị từ bỏ). Điều này cho thấy, người trả lời có xu hướng ngại trả lời
các câu hỏi có tính định lượng. Vì thế, chúng tôi cho rằng với mục tiêu
đánh giá nhanh về NLĐMST của các DNNVV thì có lẽ không cần thiết
phải đưa các câu hỏi định lượng vào trong bảng khảo sát.
4. Kết luận
Nghiên cứu này của chúng tôi nằm trong nỗ lực chung của cộng đồng
nghiên cứu trong nước cũng như của các cơ quan hoạch định chính sách
trong việc xây dựng bộ chỉ số đo lường NLĐMST của doanh nghiệp Việt
Nam. Trước đó đã có nhiều nghiên cứu cố gắng đưa ra các cách tiếp cận
riêng để đo lường mức độ ĐMST của các doanh nghiệp Việt Nam. Ở trong
nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng cách tiếp cận về đo lường ĐMST dựa
trên khung khổ OSLO Manual 2005 và Chuỗi giá trị ĐMST. Bộ tiêu chí
được xây dựng theo hướng phù hợp với các DNNVV của Việt Nam. Cụ
thể, các bảng câu hỏi được thiết kế tương đối ngắn gọn và dễ hiểu để doanh
nghiệp thực hiện. Việc tính toán, tổng hợp kết quả tương đối đơn giản,
nhanh chóng để giúp cho các cơ quan quản lý hoặc doanh nghiệp có những
đánh giá nhanh về NLĐMST của ngành hoặc của chính doanh nghiệp mình.
Chúng tôi kiểm định các thước đo của mình trong việc trực tiếp đo lường
NLĐMST trong 3 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam: dệt may, chế
biến thực phẩm và thiết bị điện-điện tử. Kết quả khảo sát thử cho thấy các
36
cơ quan nhà nước và doanh nghiệp có thể sử dụng bảng khảo sát và hệ
thống tính điểm chúng tôi đề xuất để đánh giá nhanh NLĐMST của doanh
nghiệp và của ngành. Chúng tôi cũng khuyến nghị, dựa trên quá trình khảo
sát và phỏng vấn, Bảng khảo sát không nhất thiết phải đưa vào các câu hỏi
định lượng. Việc tính điểm cũng không cần thiết phải gán trọng số khác
nhau cho các cấu phần vì kết quả đánh giá sẽ không có sai lệch nhiều giữa
các phương án gán trọng số. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng nên có một số
điều chỉnh nhỏ về ngôn từ trong Bảng khảo sát hiện tại (chủ yếu dùng cho
các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến) khi áp dụng cho các doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
1. Viện Quản lý Kinh tế Trung ương và các đối tác, 2014. Năng lực cạnh tranh và công
nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam: Kết quả điều tra năm 2013”. Hà Nội, Nxb
Tài chính.
2. Nguyễn Việt Hòa, 2008. Nghiên cứu thực trạng hoạt động đổi mới ở doanh nghiệp
công nghiệp (trường hợp doanh nghiệp công nghiệp khu vực nhà nước). Đề tài cơ sở
Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN.
3. Bạch Tân Sinh, 2010. Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chỉ số đổi mới và đánh giá thử
năng lực đổi mới của doanh nghiệp ở hai ngành lựa chọn (chế tạo cơ khí và chế biến
thực phẩm). Đề tài cấp Bộ, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN.
4. Nguyễn Việt Hòa, 2011. Nghiên cứu phân tích và đánh giá chính sách đổi mới công
nghệ cho doanh nghiệp ngành công nghiệp (Nghiên cứu doanh nghiệp ở 03 ngành
công nghiệp phần mềm, dệt may và chế biến thực phẩm). Báo cáo tổng hợp đề tài cấp
Bộ, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Hà Nội.
5. Trần Ngọc Ca, Nguyễn Võ Hưng, 2012. Hướng tới một hệ thống đổi mới trong lĩnh
vực nông nghiệp - trường hợp ba sản phẩm ở Việt Nam: rau quả, chè và tôm. Hà Nội,
Nxb Khoa học và kỹ thuật.
6. Phùng Xuân Nhạ, Lê Quân, 2013. Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, ĐH
Quốc gia Hà Nội.
Tiếng Anh
7. OECD, 1997. Science, technology and industry: scoreboard of indicators 1997, Paris:
OECD.
8. OECD, 2005. OSLO Manual: Guidelines for collecting and interpreting innovation
data.
9. OECD and Eurostat, 2005. Oslo Manual: Guidelines for collecting and interpreting
innovation data, Third edition, OECD Publishing, Paris.
10. J. Schumpeter, 1934. The theory of economic development, Harvard University Press.
37
11. A.Neely, R.Filippini, C.Forza, A.Vinelli, J.Hii, 2001. “A framework for analysing
business performance, firm innovation and related contextual factors: perceptions of
managers and policy makers in two European regions”, Integrated Manufacturing
Systems, 12 (2): 114-124.
12. Lawson, B. và D. Samson, 2001. “Developing innovation capability in organisations:
a dynamic capabilities approach”, International Journal of Innovation Management,
5 (3): 377-400.
13. H.Romijin, M.Albaladejo, 2002. “Determinants of innovation capability in small
electronics and software firms in southeast England”, Research Policy, Vol. 31, pp.
1053-1067.
14. Tidd, Bessant, Pavit, 2005. Managing Innovation: Integrating Technological, Market
and Organizational Change, 3rd Edition.
15. Hansen, M. and Birkinshaw, J. M., 2007. “The innovation value chain”, Harvard
Business Review, vol. 85 (6).
16. Arundel, A., 2007. “Innovation survey indicators: What impact on innovation
policy?”, Science, technology, and innovation indicators in a changing world:
Responding to a policy needs, OECD.
17. Gamal, D., 2011. “How to measure organization innovativeness? An overview of
innovation measurement frameworks and innovation audit/management tools”,
Technology Innovation and Entrepreneurship Center, truy cập ngày 10/7/2017 tại
<
>.
18. Nilsson,S., J. Wallin, A. Benaim, M.C. Annosi và R.B. Svensson, 2012. “Re-thinking
innovation measurement to manage innovation-related dichotomies in practice”,
CINet Conference, Rome, Italy.
19. Vuong Quan Hoang, Nancy K. Napier, Vu Kim Hanh, Nguyen Manh Cuong, Tran
Tri Dung, 2014. “Measuring Corporate Innovation Capacity: Experience and
Implications from i2Metrix Implementation in Vietnam”, ASEAN Journal of
Management & Innovation, Jan.-May 2014.
20. European Commission, 2017b. “European innovation scoreboard 2017”, truy cập
ngày 23/012018 tại <https://www.rvo.nl/sites/default/files/2017/06/European_
Innovation_Scoreboard_2017.pdf.>
21. Eurostat, 2017. “Innovation statistics”, truy cập ngày 20/01/2018 tại
<
Largest_market_and_innovation.>
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- xay_dung_bo_tieu_chi_danh_gia_nhanh_nang_luc_doi_moi_sang_ta.pdf