Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những
nước có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất
thế giới với trên 50 triệu người dùng Internet
[13], do đó dung lượng nội dung do người dùng
tạo ra có tái sử dụng các tác phẩm được bảo hộ
cũng rất lớn. Trong tương lai không xa, Việt
Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ xung đột giữa
quyền tự do ngôn luận của người dùng Internet
và quyền tác giả đối với các tác phẩm được bảo
hộ. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa dự
liệu trường hợp này và không có quy định ngoại
lệ của quyền tác giả đối với nội dung do người
dùng Internet tạo ra trên cơ sở tái sử dụng tác
phẩm có bản quyền.
Như vậy, Việt Nam cần nhận thức rõ về sự
xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn
luận, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm các quốc
gia đi trước để xây dựng và hoàn thiện pháp luật
quyền tác giả phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã
hội đang biến đổi nhanh chóng, chẳng hạn, nghiên
cứu bổ sung các trường hợp sử dụng hợp lý tác
phẩm như hành vi chế lại tác phẩm của người
khác nhằm mục đích hài hước, hoặc hành vi
người dùng tự sáng tạo và chia sẻ nội dung trên
Internet dựa trên tác phẩm của người khác mà
không nhằm mục đích thương mại.
11 trang |
Chia sẻ: hachi492 | Lượt xem: 226 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 4 (2019) 59-69
59
Review Article
The Conflict Between Copyright and Freedom of Speech
Nguyen Bich Thao1,*, Pham Ho Nam2
1VNU School of Law, 144 Xuan Thuy, Cau Giay, Hanoi, Vietnam
2 Institute for Social Development Studies, The Garden, Me Tri, Nam Tu Liem, Hanoi, Vietnam
Received 15 June 2019
Revised 25 July 2019; Accepted 19 September 2019
Abstract: Copyright, on one hand, promotes freedom of speech, and on the other hand, restricts or
hinders free speech. To ensure the harmony and balance between copyright and freedom of speech
for the development of a democratic society in which products of creativity are respected, there
must be legal mechanisms to address the conflict between copyright and freedom of speech. This
Article analyzes the nature and origin of the conflict between copyright and freedom of speech and
explores current legal solutions in some countries to resolve this conflict, thus lays out some
suggestions for Vietnamese law.
Keywords: Copyright, intellectual property right, freedom of speech, freedom of expression.
________
Corresponding author.
E-mail address: nguyenbichthao29@gmail.com
https://doi.org/10.25073/2588-1167/vnuls.4263
VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 4 (2019) 59-69
60
Xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận
Nguyễn Bích Thảo1,*, Phạm Hồ Nam2
1Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
2Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nhận ngày 15 tháng 6 năm 2019
Chỉnh sửa ngày 25 tháng 7 năm 2019; Chấp nhận đăng ngày 19 tháng 9 năm 2019
Tóm tắt: Quyền tác giả một mặt thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, mặt khác lại hạn chế, cản trở
việc thực hiện quyền này. Để bảo đảm sự hài hòa, cân bằng giữa quyền tác giả và quyền tự do
ngôn luận, góp phần vào sự phát triển của một xã hội dân chủ và tôn trọng các thành quả sáng tạo,
cần có cơ chế pháp lý để giải quyết sự xung đột giữa hai quyền. Bài viết phân tích, lý giải bản
chất, căn nguyên của sự xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận và các giải pháp
pháp lý hiện hành ở các quốc gia để khắc phục sự xung đột nói trên, từ đó đưa ra một số gợi mở
cho pháp luật Việt Nam.
Từ khóa: Quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt
1. Khát quát về quyền tác giả và quyền tự do
ngôn luận
1.1 Quyền tác giả*
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân
đối với các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực
văn học, nghệ thuật, khoa học (các “tác phẩm”).
Quyền được pháp luật bảo hộ các lợi ích tinh
thần và vật chất phát sinh từ tác phẩm văn học,
nghệ thuật, khoa học lần đầu tiên được ghi nhận
ở Anh với sự ra đời của đạo luật bản quyền năm
1709. Quyền này cũng đã được thể hiện trong
các văn kiện quốc tế về quyền con người như
________
* Tác giả liên hệ.
Địa chỉ email: nguyenbichthao29@gmail.com
https://doi.org/10.25073/2588-1167/vnuls.4263
Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm
1948 (Điều 27.2) và Công ước quốc tế về các
quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 (Điều
15.1.c).
Quyền tác giả bao gồm các quyền nhân thân
(quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên
thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên
thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố,
sử dụng; quyền công bố hoặc cho phép người
khác công bố tác phẩm; quyền bảo vệ sự toàn
vẹn của tác phẩm) và các quyền tài sản (quyền
làm bản sao tác phẩm, quyền làm tác phẩm phái
sinh, quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc
bản sao tác phẩm, quyền biểu diễn tác phẩm
trước công chúng, quyền truyền đạt tác phẩm
đến công chúng, quyền cho thuê bản gốc hoặc
bản sao tác phẩm). Quyền nhân thân nhìn chung
chỉ thuộc về tác giả là người trực tiếp sáng tạo
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
61
ra tác phẩm, không thể chuyển giao cho người
khác. Quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm
có thể chuyển giao cho người khác, và thuộc về
chủ sở hữu quyền tác giả. Trường hợp tác giả sử
dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất - kỹ
thuật của mình để sáng tạo ra tác phẩm thì tác
giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả và có
cả các quyền nhân thân và các quyền tài sản.
Trường hợp tác giả sáng tạo ra tác phẩm trên cơ
sở được người khác giao nhiệm vụ hoặc giao kết
hợp đồng thì tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ
hoặc giao kết hợp đồng với tác giả là chủ sở hữu
quyền tác giả và nắm giữ quyền công bố tác
phẩm cũng như các quyền tài sản, trừ trường hợp
các bên có thỏa thuận khác.
1.2 Quyền tự do ngôn luận
Quyền tự do ngôn luận là một quyền cơ bản
của con người, được ghi nhận trong các văn
kiện quốc tế về nhân quyền cũng như trong hiến
pháp của các quốc gia. Điều 19 Công ước quốc
tế về các quyền dân sự và chính trị quy định:
“Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền
này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và
truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân
biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng
miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức
nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông
tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.
Theo định nghĩa này, có thể thấy rằng quyền tự
do ngôn luận chính là quyền tự do biểu đạt.
Quyền tự do ngôn luận cho phép cá nhân được
tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin
tức, ý kiến để phục vụ cho nhu cầu của mình,
được biểu đạt, thể hiện và trình bày những ý
tưởng, quan điểm và chính kiến của mình mà
không có bất cứ sự can thiệp, tước bỏ hay hạn
chế một cách tùy tiện và trái luật. Công ước trên
còn quy định quyền tự do ngôn luận có thể phải
chịu một số hạn chế nhất định, nhưng những
hạn chế này phải được quy định trong luật và là
cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của
người khác, hoặc để bảo vệ an ninh quốc gia,
trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng hoặc đạo
đức xã hội.
Khái niệm tự do ngôn luận có thể được tìm
thấy trong các văn kiện chính trị-pháp lý quốc
tế từ rất sớm trong lịch sử nhân loại. Bộ luật về
quyền (Bill of Rights) của Vương quốc Anh
ngay từ năm 1680 đã quy định quyền hiến định
về tự do ngôn luận [1]. Điều 11 Tuyên ngôn
Dân quyền và Nhân quyền của Pháp năm 1789
cũng khẳng định quyền tự do trình bày ý tưởng,
quan điểm là một trong những quyền quý giá
nhất của con người [2].
Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt cũng
được ghi nhận trong Công ước châu Âu về nhân
quyền (Điều 10) và Hiến chương về các quyền
cơ bản của Liên minh châu Âu. Theo các văn
kiện này, quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do
giữ ý kiến và tiếp nhận, truyền đạt thông tin, ý
kiến mà không bị can thiệp bởi cơ quan công
quyền và bất kể biên giới. Công ước châu Âu
về nhân quyền quy định thêm rằng việc thực
hiện quyền tự do biểu đạt có thể bị hạn chế theo
quy định của luật và khi cần thiết trong một xã
hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, toàn
vẹn lãnh thổ hoặc an toàn công cộng, hoặc để
phòng ngừa sự hỗn loạn hay tội phạm, nhằm
bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức, bảo vệ uy tín
hoặc quyền của người khác, nhằm ngăn chặn
việc tiết lộ thông tin bí mật, hoặc nhằm duy trì
quyền hạn và sự vô tư của cơ quan tư pháp.
Hiến pháp hầu hết các nước trên thế giới
đều ghi nhận quyền tự do ngôn luận. Một trong
những quốc gia bảo hộ quyền này một cách
mạnh mẽ nhất là Hoa Kỳ. Tu chính án thứ nhất
của Hiến pháp Hoa Kỳ khẳng định tuyệt đối
rằng Quốc hội không được ban hành bất cứ luật
nào hạn chế quyền tự do ngôn luận hoặc tự do
báo chí [3]. Hiến pháp các nước châu Âu ghi
nhận quyền tự do ngôn luận nhưng vẫn quy
định các trường hợp hạn chế quyền này. Chẳng
hạn, theo Luật cơ bản của Đức, quyền tự do
biểu đạt có thể bị hạn chế theo các quy định của
luật chung, các quy định về bảo vệ trẻ em và
bảo vệ danh dự, nhân phẩm cá nhân [4].
2. Sự thống nhất và xung đột giữa quyền tác
giả và quyền tự do ngôn luận
Quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận có
mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự tương tác
giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận
diễn ra theo hai chiều: một mặt, quyền tác giả
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
62
thống nhất với quyền tự do ngôn luận ở mục
tiêu thúc đẩy sự tự do biểu đạt, khuyến khích
hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa
học; mặt khác, quyền tác giả lại cản trở việc
thực hiện quyền tự do ngôn luận.
2.1. Quyền tác giả thống nhất với quyền tự do
ngôn luận ở mục tiêu thúc đẩy sự tự do biểu
đạt, khuyến khích hoạt động sáng tạo văn học,
nghệ thuật, khoa học
Việc ghi nhận và bảo vệ quyền tự do ngôn
luận xuất phát từ tầm quan trọng rất lớn của
ngôn luận tự do đối với việc duy trì và bảo đảm
nền dân chủ. Nhờ có tự do ngôn luận, công dân
có thể được tiếp cận các thông tin và quan điểm
đa chiều về chính trị, kinh tế, xã hội, từ đó có
thể tham gia một cách thực chất vào hoạt động
của nhà nước. Tuy nhiên, tự do ngôn luận
không chỉ giới hạn ở lĩnh vực chính trị, kinh tế,
xã hội, mà còn bao hàm tự do biểu đạt và sáng
tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giải trí.
Ở khía cạnh này, bảo vệ quyền tự do ngôn luận
và quyền tác giả có mục tiêu chung là đều thúc
đẩy sự sáng tạo và phổ biến tri thức. Một cơ chế
cho phép sự truyền đạt, phổ biến gần như không
hạn chế các sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa
học, cho phép mọi người tự do bàn luận hoặc
chia sẻ thông tin về các tác phẩm đó, sẽ khuyến
khích việc không ngừng tạo ra các tác phẩm
mới. Quyền tự do ngôn luận giúp mọi người có
thể tiếp cận thông tin, tri thức, chia sẻ và truyền
đạt chúng cho những người khác – đây là yếu tố
hết sức cần thiết để mỗi cá nhân tự hoàn thiện
bản thân. Việc có thể tự do chia sẻ quan điểm
với những người khác, thuyết phục họ, khai mở
tri thức mới cho họ không chỉ đem lại niềm vui
cho người khác, mà còn khiến chính người chia
sẻ tri thức nâng tầm hiểu biết của bản thân,
hoàn thiện nhân cách của chính mình thông qua
sự giao tiếp, đối thoại, trao đổi cởi mở, không
ngừng tiếp nhận thông tin tương tác, đa chiều.
Điều đó làm cho xã hội văn minh, tiến bộ hơn,
dân chủ hơn.
Mục tiêu bao trùm của hệ thống bảo hộ
quyền tác giả là tạo động lực về lợi ích để
khuyến khích hoạt động sáng tạo. Bản chất của
việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nói
chung và quyền tác giả nói riêng là Nhà nước
ghi nhận độc quyền của các nhà sáng tạo đối
với các thành quả trí tuệ của họ trong một thời
gian hạn định, nghĩa là họ có quyền ngăn cấm
người khác sao chép, sử dụng, khai thác thành
quả sáng tạo của mình mà không xin phép, và
Nhà nước bảo vệ khi có hành vi xâm phạm độc
quyền đó theo các cơ chế khác nhau. Độc quyền
này là sự “trao thưởng” của toàn xã hội thông
qua đại diện là Nhà nước cho công sức, vốn đầu
tư các chủ thể quyền SHTT đã bỏ ra để nghiên
cứu, sáng tạo. Tuy nhiên, độc quyền đó không
tồn tại vĩnh viễn. Sau khi hết thời hạn bảo hộ
quyền SHTT - tức là một khoảng thời gian đủ
để chủ thể quyền SHTT có thể độc quyền khai
thác lợi ích vật chất từ thành quả sáng tạo của
mình để bù đắp xứng đáng vốn, công sức bỏ ra,
công chúng có quyền tự do tiếp cận, sử dụng
các thành quả sáng tạo đã có để tiếp tục cải tiến,
nâng cấp, sáng tạo ra các đối tượng mới, nhờ đó
không ngừng thúc đẩy sự phát triển của khoa
học công nghệ và văn học, nghệ thuật, nâng cao
chất lượng cuộc sống của con người, đem lại lợi
ích cho toàn xã hội. Án lệ nổi tiếng của Tòa án
tối cao Hoa Kỳ Harper & Row Publishers, Inc.
v. Nation Enterprises (1985) đã phân tích sâu
sắc mối quan hệ giữa quyền tác giả và quyền tự
do ngôn luận, trong đó khẳng định quyền tác
giả chính là “động lực của tự do biểu đạt”, và
“quyền tác giả cung cấp động lực về kinh tế cho
việc sáng tạo và phổ biến các ý tưởng” [5; 559].
Đặc trưng của các tài sản trí tuệ là tính chất
vô hình, dễ lan truyền, dễ phổ biến; tại cùng
một thời điểm, nhiều chủ thể có thể khai thác,
sử dụng tài sản trí tuệ đó mà không làm hao
mòn giá trị tài sản, không loại trừ việc khai
thác, sử dụng của các chủ thể khác. Điều này
hoàn toàn khác với tính chất “loại trừ” của tài
sản hữu hình (chỉ một hoặc một số chủ thể hữu
hạn có thể sử dụng tài sản tại cùng một thời
điểm). Đặc tính vô hình của tài sản trí tuệ khiến
cho việc xâm phạm quyền SHTT diễn ra rất dễ
dàng, tràn lan, phổ biến, nhất là với sự hỗ trợ
của các công nghệ hiện đại. Nếu như không có
một hệ thống bảo hộ quyền SHTT, các chủ thể
sáng tạo sẽ dần dần nản lòng, mất đi động lực
sáng tạo trước tình trạng “đứa con tinh thần”
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
63
của họ dễ dàng bị người khác sao chép, sử dụng
miễn phí, thậm chí xuyên tạc, bóp méo, mà bản
thân họ không hề nhận được lợi ích tinh thần,
vật chất nào từ chính thành quả lao động trí tuệ
của mình. Hệ quả là xã hội sẽ không bao giờ
được thụ hưởng lợi ích từ những tiến bộ khoa
học công nghệ và sáng tạo văn học nghệ thuật.
Như vậy, hệ thống bảo hộ quyền tác giả và
quyền tự do ngôn luận đều hướng đến mục tiêu
khuyến khích hoạt động sáng tạo và phổ biến
thông tin, ý tưởng và sự biểu đạt, nhằm nâng
cao đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội [6;
845]. Cho đến giữa thế kỷ XX, quyền tác giả và
quyền tự do ngôn luận vẫn được coi là cùng tồn
tại một cách cân bằng, hài hòa. Để khuyến
khích các tác giả sáng tạo và phổ biến các tác
phẩm (sự biểu đạt) mang tính nguyên gốc của
họ, pháp luật quyền tác giả công nhận họ có
một tập hợp các độc quyền về tài sản đối với tác
phẩm, nhưng để tạo điều kiện cho công chúng
tiếp cận tri thức, thành quả sáng tạo và kế thừa,
phát triển các thành quả đó để tạo ra các tác
phẩm mới, pháp luật quyền tác giả cũng đặt ra
giới hạn nhất định đối với các độc quyền nói
trên. Trong gần 300 năm kể từ khi đạo luật bản
quyền đầu tiên được ban hành, pháp luật quyền
tác giả đã đóng vai trò thúc đẩy sự sáng tạo và
phổ biến tri thức nhân loại – một vai trò rất phù
hợp với mục tiêu của quyền tự do ngôn luận.
Các độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả bị
hạn chế về phạm vi và thời hạn bảo hộ, tạo điều
kiện cho công chúng có đủ không gian để tiếp
cận, bình luận, trao đổi và sáng tạo xung quanh
các tác phẩm được bảo hộ.
2.2. Quyền tác giả hạn chế quyền tự do ngôn luận
Vấn đề xung đột giữa quyền tác giả và
quyền tự do ngôn luận chỉ mới được đặt ra và
thảo luận từ thập niên 1970, bắt đầu với bài báo
nổi tiếng của giáo sư Melville Nimmer đăng
trên tạp chí luật UCLA Law Review. Mặc dù hệ
thống bảo hộ quyền tác giả ra đời trên cơ sở cân
bằng lợi ích của các nhà sáng tạo và lợi ích của
toàn xã hội và nó là động cơ thúc đẩy tự do biểu
đạt, nhưng trong không ít trường hợp, quyền tác
giả lại hạn chế, cản trở quyền tự do ngôn luận.
Để biểu đạt ý tưởng của mình một cách hiệu
quả, mọi người thường phải sử dụng hoặc dựa
vào sự biểu đạt (tác phẩm) của người khác đang
còn thời hạn bảo hộ quyền tác giả. Pháp luật
quyền tác giả không cho phép thực hiện điều đó
nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu
quyền tác giả. Tuy nhiên, quá trình xin phép
này không dễ dàng, nhiều khi rất phức tạp,
phiền hà, tốn kém, chẳng hạn như không thể
tìm thấy được chủ sở hữu quyền tác giả là ai,
đang ở đâu, hoặc dù tìm được nhưng chủ sở
hữu quyền tác giả từ chối cấp phép, hay yêu cầu
trả một cái giá quá cao để được phép sử dụng
tác phẩm của họ [7; 417]. Phạm vi của quyền
tác giả là rất rộng: không chỉ chống lại sự sao
chép nguyên vẹn, mà còn chống lại việc tạo ra
các tác phẩm phái sinh như dịch, phóng tác, cải
biên, chuyển thể Sáng tạo ra một tác phẩm,
bao gồm cả tác phẩm phái sinh, cũng chính là
một hình thức biểu đạt của con người. Do vậy,
quyền tác giả có thể dẫn đến tình trạng “kiểm
duyệt tư nhân”, nghĩa là các tổ chức, cá nhân là
chủ sở hữu quyền tác giả có khả năng quyết
định việc người khác được phép hay không
được phép sáng tạo ra tác phẩm nào và có
quyền ngăn chặn việc phát tán, phổ biến các tác
phẩm mới [7; 431].
Như vậy, quyền tác giả vừa là động lực của
tự do biểu đạt nhưng đồng thời cũng chính là
một trở ngại đối với tự do biểu đạt. Quyền tác
giả tạo ra động lực về kinh tế để các tác giả
sáng tác (biểu đạt ý tưởng của mình), nhưng
cũng chính quyền tác giả ngăn cản mọi người
truyền đạt thông điệp của họ một cách hiệu quả.
Trong khi quyền tự do ngôn luận đảm bảo cho
sự phổ biến thông tin ở mức rộng nhất có thể từ
các nguồn đa dạng và trái chiều, quyền tác giả
lại hạn chế sự phổ biến, truyền bá thông tin đó
trong nhiều lĩnh vực, từ hoạt động đưa tin tức
báo chí, bình luận chính trị, phê bình văn hóa,
biểu đạt nghệ thuật, nghiên cứu lịch sử, đến
sáng tạo trong giải trí.
Trong những thập kỷ gần đây, xung đột
giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận đã
trở nên ngày càng gay gắt hơn do sự mở rộng
của quyền tác giả và sự phát triển của công
nghệ số.
Thứ nhất: Sự mở rộng của quyền tác giả
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
64
Xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do
ngôn luận ngày càng thể hiện rõ rệt hơn với sự
mở rộng không ngừng của quyền tác giả. Theo
thời gian, nội dung quyền tác giả được bổ sung
thêm các độc quyền mới, phạm vi kiểm soát của
chủ sở hữu quyền tác giả đối với các hành vi sử
dụng tác phẩm ngày càng lớn với thời hạn dài
hơn. Ngành công nghiệp bản quyền liên tục vận
động hành lang mạnh mẽ để tăng quyền năng
cho các chủ sở hữu quyền tác giả. Ban đầu,
quyền tác giả chỉ là độc quyền sao chép và phân
phối bản sao tác phẩm, sau đó được mở rộng và
bao gồm cả quyền làm tác phẩm phái sinh,
quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng,
quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng
v.v Thời hạn bảo hộ quyền tác giả hiện nay
được kéo dài hơn so với thời hạn quy định trong
đạo luật bản quyền đầu tiên năm 1709. Nhiều
biện pháp bảo vệ quyền tác giả trong môi
trường kỹ thuật số đã được bổ sung để thực thi
quyền tác giả một cách hữu hiệu hơn. Pháp luật
quy định xử lý không chỉ các hành vi xâm phạm
quyền tác giả trực tiếp mà cả các hành vi gián
tiếp xâm phạm quyền tác giả như sản xuất, phân
phối, nhập khẩu các thiết bị mà biết rõ là được
sử dụng để thực hiện hành vi xâm phạm quyền
tác giả. Ngoài ra, các chủ sở hữu quyền tác giả
ngày nay còn sử dụng công cụ hợp đồng để mở
rộng hơn nữa các quyền của mình. Một nền văn
hóa “xin phép” (clearance culture) đã hình
thành và thống trị trong các ngành công nghiệp
nội dung, trong đó các chủ sở hữu quyền tác giả
(chứ không phải tác giả) thường xuyên đòi hỏi
những người sáng tạo sau phải xin phép để sử
dụng một phần tác phẩm của họ, kể cả trong
những trường hợp không bị coi là xâm phạm [8;
17]. Khi quyền tác giả không ngừng mở rộng,
dường như sứ mệnh là động lực của tự do biểu
đạt của nó đã không còn nguyên nghĩa. Cán cân
lợi ích giữa chủ sở hữu quyền tác giả và công
chúng đang có phần nghiêng về phía lợi ích các
chủ sở hữu. Quyền tác giả đang có xu hướng
được coi là một độc quyền về tài sản hơn là một
công cụ bảo đảm và thúc đẩy tự do biểu đạt [9;
328].
Thứ hai: Sự phát triển của công nghệ số
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số hiện
nay, nhiều hoạt động hàng ngày của con người,
từ việc thu thập, tìm kiếm thông tin, giao tiếp
với người khác, tham gia các diễn đàn thảo luận
công cộng, đến hoạt động giải trí, nghệ thuật,
đều được chuyển đổi từ môi trường thực sang
môi trường số, do vậy khả năng các hoạt động
này bị ảnh hưởng bởi pháp luật quyền tác giả
càng gia tăng. Những tiến bộ công nghệ số làm
thay đổi hoàn toàn cách thức con người có thể
tiếp cận các tác phẩm có bản quyền. Con người
hiện đại chỉ với một chiếc máy tính xách tay
hoặc điện thoại thông minh là có thể tiếp cận và
thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật
tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Tiến bộ công
nghệ cũng khiến cho người dùng Internet có thể
dễ dàng khởi tạo và chia sẻ nội dung do họ tạo
ra, và các nội dung này thường dựa trên các tác
phẩm đã có, vì vậy nguy cơ người dùng Internet
xâm phạm quyền tác giả là rất cao. Có thể nói,
vấn đề tự do biểu đạt trên Internet trở nên cấp
thiết hơn khi hoạt động của người dùng Internet
hiện nay chuyển trọng tâm từ việc tải xuống
hoặc chia sẻ các tác phẩm sang việc sử dụng
các tư liệu có bản quyền đã có sẵn để tạo lập
nội dung của người dùng (user-generated
content), đây là một hình thức quan trọng để
mọi người đều có thể biểu đạt và chia sẻ quan
điểm, ý tưởng của mình một cách rộng rãi và dễ
dàng, đồng thời tiếp nhận sự biểu đạt của người
khác. Do đó, nhu cầu vay mượn, sử dụng tác
phẩm của người khác trong hoạt động sáng tạo
ngày càng lớn hơn. Hàng triệu người trên thế
giới có thể dễ dàng cắt, dán, kết hợp các bản ghi
âm, phim, ảnh để tạo ra các tác phẩm mới và
phán tán chúng trên toàn cầu. Sự vay mượn
sáng tạo đó đã tạo ra các loại hình nghệ thuật
hoàn toàn mới như remix (phối lại), sampling
(lấy một phần, hoặc một mẫu, của một bản ghi
âm và tái sử dụng nó như một công cụ hoặc một
bản ghi âm trong một bài hát hoặc đoạn khác
nhau), mashup (pha trộn), machinima (tạo rap
phim hoạt hình bằng phần mềm trò chơi trực
tuyến) v.v[7; 429]. Các nghệ sĩ trong lĩnh vực
này coi quyền tác giả như một hàng rào phi lý
và không đáng có đối với sự tự do biểu đạt của
họ.
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
65
3. Giải pháp pháp lý hiện nay ở các quốc gia
nhằm khắc phục xung đột giữa quyền tác giả
và quyền tự do ngôn luận và những bất cập
Pháp luật các nước trên thế giới hiện nay sử
dụng hai công cụ chủ yếu để giải quyết xung
đột giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn
luận: một là, pháp luật khẳng định nguyên tắc
chỉ bảo hộ sự thể hiện mang tính sáng tạo chứ
không bảo hộ ý tưởng (the idea-expression
dichotomy) và hai là, pháp luật quy định các
trường hợp sử dụng công bằng, hợp lý tác phẩm
của người khác mà không bị coi là xâm phạm
quyền tác giả (fair use) [6; 844]. Các công cụ
này đặt ra những giới hạn đối với quyền tác giả
nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa quyền tác giả
với quyền tự do ngôn luận. Gần đây, Canada đi
tiên phong trong việc đưa ra quy định mới về
giới hạn quyền tác giả áp dụng riêng đối với nội
dung do người dùng Internet khởi tạo, nhằm
thích ứng với những biến đổi của xã hội thông
tin trong kỷ nguyên số.
3.1. Pháp luật quyền tác giả chỉ bảo hộ sự thể
hiện mang tính sáng tạo (hình thức) chứ không
bảo hộ ý tưởng (nội dung)
Nhìn tổng thể, quyền tác giả và quyền tự do
ngôn luận có thể “chung sống hòa hợp” với
nhau bởi pháp luật quyền tác giả chỉ bảo hộ “sự
thể hiện” (expression), chứ không bảo hộ “ý
tưởng” (idea), quy trình, các nguyên lý khái
quát, trừu tượng, hay thông tin chứa đựng trong
tác phẩm. Pháp luật công nhận và bảo đảm các
quyền của tác giả đối với tác phẩm, nhưng
khuyến khích những người khác tự do sử dụng,
kế thừa và phát triển những ý tưởng và thông
tin được truyền tải trong tác phẩm đã được bảo
hộ, cũng như truyền tải ý tưởng của riêng họ,
với điều kiện họ “thể hiện” ý tưởng hay thông
tin đó theo một cách thức khác, với hình thức
biểu đạt khác, sử dụng ngôn từ hoặc hình ảnh
khác. Về lý thuyết, cùng một ý tưởng sẽ luôn
luôn có nhiều hình thức thể hiện và truyền tải
nó khác nhau, phụ thuộc vào sự sáng tạo của tác
giả. Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng ý tưởng
trong một tác phẩm được bảo hộ, nên về lý
thuyết, sẽ không có sự xung đột nào giữa việc
bảo hộ quyền tác giả với thực hiện quyền tự do
ngôn luận. Nguyên tắc chỉ bảo hộ hình thức thể
hiện, không bảo hộ nội dung ý tưởng góp phần
hạn chế khả năng xảy ra tình trạng kiểm duyệt
tư nhân trong lĩnh vực sáng tạo [9; 320].
Tuy nhiên, sự phân biệt giữa ý tưởng và
hình thức thể hiện như trên có những điểm bất
cập cả về mặt lý luận và thực tiễn:
Thứ nhất, nó đi ngược lại nguyên tắc cơ bản
của tự do ngôn luận là người phát ngôn không
chỉ có quyền tự quyết định nội dung, chủ đề
ngôn luận của mình, mà còn phải được tự quyết
định hình thức thể hiện của phát ngôn đó.
Thứ hai, ranh giới giữa ý tưởng và hình
thức thể hiện không phải lúc nào cũng có thể
xác định rõ ràng, nó được các thẩm phán đánh
giá theo từng vụ việc cụ thể. Ranh giới đó nhiều
khi rất mơ hồ [10; 61]. Mặc dù pháp luật quyền
tác giả khuyến khích hoạt động sáng tạo về hình
thức thể hiện dựa trên các ý tưởng có sẵn,
nhưng khi ranh giới giữa ý tưởng và hình thức
thể hiện không được minh định, các tác giả sau
luôn phải đối mặt với nguy cơ bị coi là xâm
phạm quyền tác giả, gây ra hiệu ứng tiêu cực
đối với hoạt động sáng tạo và quyền tự do biểu
đạt của họ. Quyền tác giả hiện nay có phạm vi
rất rộng; chủ sở hữu quyền tác giả nắm giữ cả
độc quyền sao chép một phần hoặc toàn bộ tác
phẩm và độc quyền làm tác phẩm phái sinh dựa
trên tác phẩm của họ. Các tác giả sau thường
thay đổi hình thức thể hiện của tác phẩm mà họ
vay mượn để tạo ra tác phẩm mới (tác phẩm
phái sinh), và đôi khi tác phẩm mới bị cáo buộc
xâm phạm quyền tác giả phản ánh một mức độ
sáng tạo đáng kể của tác giả sau. Trong trường
hợp đó, liệu có thể xác định được rõ ràng tác
giả sau đã sao chép “hình thức thể hiện” được
bảo hộ quyền tác giả hay chỉ sử dụng “ý
tưởng”, “tình tiết, sự kiện” là những yếu tố
không được bảo hộ? Hơn nữa, trong một số
trường hợp, sự phân biệt giữa ý tưởng và hình
thức thể hiện thậm chí không tồn tại bởi vì có
sự “hợp nhất” (merger) giữa ý tưởng và sự thể
hiện ý tưởng [10; 77].
Thứ ba, trong nhiều trường hợp, phát ngôn
sẽ kém hẳn tính thuyết phục, biểu cảm, xác
thực, dễ hiểu hay đáng tin cậy nếu người phát
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
66
ngôn không thể sao chép nguyên văn hình thức
thể hiện của người khác. Trong những hoàn
cảnh đó, pháp luật cần phải ghi nhận rằng việc
sao chép là cần thiết để có thể truyền tải có hiệu
quả thông điệp của người đưa ra phát ngôn.
Việc trích dẫn nguyên văn từ sách, báo, thơ,
phim ảnh nhằm minh họa và phê bình là hành
vi sao chép rất phổ biến và nó làm tăng đáng kể
hiệu quả truyền đạt thông tin, nhưng không phải
lúc nào cũng được coi là hành vi sử dụng công
bằng, hợp lý theo pháp luật về quyền tác giả.
Hơn thế nữa, để thực hiện quyền tự do ngôn
luận một cách hiệu quả, thuyết phục, trích dẫn
một đoạn nhiều khi là chưa đủ, mà phải là sao
chép một phần đáng kể tác phẩm (sự thể hiện)
của người khác [10; 79]. Trong những trường
hợp này, người phát ngôn sao chép lại tác phẩm
của người khác đang được bảo hộ quyền tác giả
nhằm làm rõ ý tưởng hay tính cách của tác giả
gốc, truyền đạt chính xác hơn suy nghĩ của tác
giả gốc. Có thể tranh luận rằng người phát ngôn
hoàn toàn có thể mô tả lại nội dung tác phẩm đó
bằng ngôn ngữ thể hiện của chính mình; tuy
nhiên, điều đó sẽ khiến cho phát ngôn của
người này kém hiệu quả và giảm độ tin cậy đi
rất nhiều đối với những người tiếp nhận phát
ngôn đó. Như vậy, sự phân tách giữa ý tưởng và
hình thức thể hiện trong pháp luật về quyền tác
giả không đủ để bảo đảm quyền tự do ngôn
luận.
3.2. Các trường hợp sử dụng công bằng, hợp lý
tác phẩm
Được xây dựng trên nền tảng nguyên tắc
cân bằng lợi ích giữa các chủ thể sáng tạo và
công chúng, luật bản quyền của bất kỳ quốc gia
nào cũng đặt ra những giới hạn đối với quyền
tác giả, đó là các trường hợp công chúng được
phép sử dụng tác phẩm của người khác một
cách công bằng, hợp lý (fair use/fair dealing) dù
không xin phép, không trả thù lao cho chủ sở
hữu quyền tác giả nhưng không bị coi là xâm
phạm quyền tác giả. Phạm vi, mức độ và nội
dung của giới hạn này trong pháp luật mỗi nước
là khác nhau. Giới hạn quyền tác giả có thể
được quy định trong luật dưới nhiều hình thức:
một điều khoản “mở”, không liệt kê các trường
hợp mà chỉ đưa ra các tiêu chí để đánh giá một
hành vi có phải là sử dụng hợp lý hay không (ví
dụ điều khoản về “fair use” trong luật bản
quyền Hoa Kỳ và “fair dealing” ở các nước
khác thuộc truyền thống thông luật - common
law), hoặc một điều khoản “đóng”, liệt kê chi
tiết các trường hợp được coi là sử dụng hợp lý
(ví dụ luật bản quyền các nước châu Âu lục địa,
Trung Quốc, Việt Nam), hoặc kết hợp cả hai
hình thức “đóng” và “mở”, tức là đưa ra một
danh sách liệt kê nhưng vẫn mở ra các trường
hợp khác có khả năng được coi là sử dụng công
bằng, hợp lý.
Ở Hoa Kỳ, sử dụng công bằng, hợp lý được
coi là “chiếc van an toàn” thứ hai rất quan trọng
để bảo đảm sự hài hòa, cân bằng giữa quyền tác
giả và quyền tự do ngôn luận. Các giới hạn
quyền tác giả được thể hiện trong quy định mở
về “fair use”, cho phép tòa án có thể áp dụng
các giới hạn này một cách linh hoạt, thích ứng
với các tình huống mới xảy ra trong thực tiễn.
Fair use là một học thuyết được phát triển từ án
lệ của tòa án Hoa Kỳ và sau đó được pháp điển
hóa vào Điều 107 Đạo luật bản quyền Hoa Kỳ.
Điều khoản này cho phép việc sử dụng các tác
phẩm có bản quyền mà không phải xin phép
trong một số trường hợp nhất định được nêu ví
dụ cụ thể ở Điều 107 như phê bình, bình luận,
học thuật, nghiên cứu, đưa tin thời sự hay giảng
dạy, tuy nhiên đây chỉ là ví dụ về các trường
hợp sử dụng hợp lý chứ không phải một danh
sách đóng. Để đánh giá một hành vi sử dụng tác
phẩm của người khác có phải là “fair use” hay
không, luật đưa ra một phép thử gồm bốn tiêu
chí:
Thứ nhất, mục đích và tính chất của việc sử
dụng: mục đích thương mại hay phi thương
mại, có thuộc trường hợp “phê bình, bình luận,
học thuật, nghiên cứu, đưa tin thời sự hay giảng
dạy” hay không, mức độ “sáng tạo”
(transformative) của việc sử dụng (có biến đổi
so với tác phẩm được sử dụng hay là sao chép y
hệt). Nếu tác phẩm phái sinh sử dụng các yếu tố
được bảo hộ trong tác phẩm gốc theo một cách
mới mẻ, sáng tạo và khác biệt thì có nhiều khả
năng được coi là “fair use” hơn.
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
67
Thứ hai, tính chất của tác phẩm được bảo
hộ. Một số loại hình tác phẩm có mức độ sáng
tạo cao hơn, do đó cần được bảo hộ ở mức cao
hơn so với các tác phẩm khác, ví dụ: tác phẩm
điện ảnh được bảo hộ ở mức rất cao, tác phẩm
văn học hư cấu có mức độ sáng tạo lớn hơn so
với tác phẩm phi hư cấu. Đối với các tác phẩm
có mức độ sáng tạo cao, khó để chứng minh
việc sử dụng là “hợp lý” hơn.
Thứ ba, số lượng và thực chất của phần
được sử dụng, trong mối quan hệ với toàn bộ
tác phẩm.
Thứ tư, tác động của việc sử dụng lên thị
trường tiềm năng hoặc giá trị của tác phẩm
được bảo hộ.
Việc đánh giá “fair use” phụ thuộc vào các
tình tiết cụ thể của từng trường hợp, trên cơ sở
phân tích bốn tiêu chí (yếu tố) kể trên. Mặc dù
cách quy định và áp dụng như vậy dẫn đến tính
không chắc chắn về kết quả đánh giá, nhưng lại
rất linh hoạt, không cứng nhắc, với mục tiêu
vừa bảo vệ quyền tác giả một cách hữu hiệu
vừa bảo đảm quyền tự do sáng tạo của công
chúng.
Tuy nhiên, sử dụng công cụ “fair use” để
cân bằng giữa quyền tác giả và quyền tự do
ngôn luận cũng có bất cập tương tự như công cụ
phân biệt giữa ý tưởng và hình thức thể hiện đã
phân tích ở trên, đó là tính chất không chắc
chắn, không rõ ràng, không nhất quán. Fair use
được tòa án đánh giá qua từng vụ án cụ thể, với
những tình tiết cụ thể trong từng trường hợp, và
do đó khó có thể dự đoán trước kết quả giải
quyết của tòa án [8; 20]. Trong những thập kỷ
gần đây, việc viện dẫn fair use để bảo vệ quyền
tự do ngôn luận tại tòa án Hoa Kỳ hầu hết đều
không thành công.
Như vậy, ngoại lệ “fair use” và nguyên tắc
phân biệt giữa ý tưởng và hình thức thể hiện
đều có những bất cập và không thực hiện được
đầy đủ vai trò bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa
quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận, tự do
biểu đạt.
3.3. Viện dẫn luật nhân quyền để cân bằng giữa
quyền tác giả và quyền tự do biểu đạt
Khác với pháp luật Hoa Kỳ và các nước
common law nói chung, pháp luật quyền tác giả
của các nước châu Âu lục địa liệt kê cụ thể các
trường hợp sử dụng tác phẩm hợp lý mà không
bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Việc vay
mượn từ tác phẩm đang được bảo hộ chỉ được
phép trong một số trường hợp rất hạn chế như
trích dẫn, chế lại (parody), hoặc trường hợp “sử
dụng miễn phí” (free use) theo luật của Đức [7;
432]. Tuy nhiên, các quy định này thường
không đủ để bảo đảm cho việc thực hiện quyền
tự do biểu đạt, tự do sáng tạo. Ví dụ, ngoại lệ về
trích dẫn chỉ áp dụng đối với tác phẩm viết,
không áp dụng đối với hình ảnh.
Ngoại lệ về làm tác phẩm chế lại (parody)
cũng có những hạn chế. Tòa án công lý châu
Âu trong án lệ Deckmyn năm 2014 đã đưa ra
các đặc điểm cơ bản của parody là (1) gợi liên
tưởng đến một tác phẩm đã có nhưng thể hiện
khác đi một cách dễ dàng nhận biết và (2) tạo
nên một sự biểu đạt mang tính hài hước hoặc
châm biếm. Tuy nhiên, Tòa án công lý châu Âu
khẳng định rằng quy định về parody của Liên
minh châu Âu cần được giải thích một cách
chặt chẽ [7; 433]. Một số quốc gia châu Âu,
chẳng hạn như Đức, không có quy định riêng về
parody nhưng đưa ra khái niệm “sử dụng miễn
phí một tác phẩm”, trong đó parody cũng có thể
được cho phép nếu thỏa mãn các điều kiện luật
định về “sử dụng miễn phí”. Tòa án Đức khẳng
định rằng ngoại lệ về “sử dụng miễn phí” trong
luật Đức cần được tòa án giải thích theo tinh
thần của luật EU, đặc biệt là theo phán quyết
của Tòa án công lý châu Âu trong vụ Deckmyn.
“Sử dụng miễn phí” được quy định tại Điều 24
Luật bản quyền của Đức, cho phép tác giả được
khai thác miễn phí một tác phẩm được tạo ra
trên cơ sở một tác phẩm khác, với điều kiện các
đặc điểm mang tính chất cá thể hóa của tác
phẩm gốc không còn trong tác phẩm phái sinh.
Tuy nhiên, điều khoản này thường được giải
thích theo nghĩa rất hẹp trong lĩnh vực học thuật
cũng như trong thực tiễn xét xử và hiếm khi tòa
án chấp nhận rằng việc tái sử dụng các tài liệu
có bản quyền thuộc trường hợp “sử dụng miễn
phí” [7; 433].
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
68
Do đó, thẩm phán các nước châu Âu thường
phải dựa vào các cơ chế pháp lý khác bên ngoài
pháp luật quyền tác giả như luật nhân quyền để
giải quyết xung đột giữa quyền tác giả và quyền
tự do ngôn luận, tự do biểu đạt. Trong nhiều
trường hợp, một số tòa án ở châu Âu đã áp
dụng trực tiếp quy định về quyền cơ bản
(fundamental right) để bảo vệ quyền tự do biểu
đạt theo Điều 10 Công ước châu Âu về quyền
con người, cho phép việc tái sử dụng một cách
sáng tạo tác phẩm đang được bảo hộ [7; 441].
Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào
quyền tự do sáng tạo và biểu đạt cũng thắng thế
so với quyền tác giả tại tòa án. Các học giả châu
Âu gần đây đã có những cuộc tranh luận sôi nổi
về việc giảm bớt tính cứng nhắc, tăng tính mở
và linh hoạt cho điều khoản quy định giới hạn
quyền tác giả, hoặc thậm chí đưa vào một
trường hợp giới hạn cụ thể dành riêng cho “nội
dung do người dùng Internet khởi tạo”.
3.4. Quy định giới hạn quyền tác giả dành riêng
cho nội dung do người dùng Internet khởi tạo
(user-generated content)
Để đảm bảo sự hài hòa giữa quyền tác giả
và quyền tự do ngôn luận trong kỷ nguyên số,
pháp luật Canada gần đây đã bổ sung một ngoại
lệ của quyền tác giả dành riêng đối với nội dung
do người dùng Internet khởi tạo trên cơ sở tái
sử dụng tư liệu có bản quyền của người khác.
Theo Điều 29.21 (Nội dung do người dùng khởi
tạo không mang tính thương mại) của Luật bản
quyền Canada, một cá nhân có thể sử dụng một
tác phẩm đã được công bố để tạo ra một tác
phẩm mới và sử dụng tác phẩm mới hoặc cho
phép một bên trung gian phổ biến tác phẩm mới
mà không bị coi là xâm phạm quyền tác giả
[11]. Để được áp dụng ngoại lệ này, người dùng
phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau đây:
(1) việc sử dụng tác phẩm mới hoặc cho phép
bên trung gian phổ biến tác phẩm mới phải
hoàn toàn nhằm mục đích phi thương mại; (2),
người dùng phải nêu rõ xuất xứ tác phẩm mà
mình đã dựa vào đó để tạo ra tác phẩm mới, nếu
có thể; (3) người dùng có căn cứ hợp lý để tin
rằng tác phẩm mà mình dựa vào đó để sáng tạo
không xâm phạm quyền tác giả của người khác,
và (4) việc sử dụng tác phẩm mới hoặc cho
phép phổ biến tác phẩm mới không gây ảnh
hưởng tiêu cực đáng kể về tài chính đối với việc
khai thác hoặc tiềm năng khai thác tác phẩm
gốc, hoặc đối với thị trường hiện hữu hay tiềm
năng của tác phẩm gốc.
4. Một số gợi mở cho Việt Nam
Nếu như xung đột giữa quyền tác giả và
quyền tự do ngôn luận đang là vấn đề nổi cộm
và khơi gợi những tranh luận học thuật sôi nổi ở
các nước phát triển, thì ở Việt Nam, vấn đề này
chưa thực sự được quan tâm, một phần là do
hiệu quả thực thi quyền SHTT nói chung và
thực thi quyền tác giả nói riêng còn hạn chế, vì
vậy quyền tác giả chưa đủ mạnh để có thể gây
hạn chế, cản trở đối với quyền tự do ngôn luận,
tự do biểu đạt ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối
cảnh nước ta đang tăng cường bảo hộ và thực
thi quyền SHTT, nhằm thực hiện các cam kết
quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là các cam kết
mạnh mẽ về SHTT trong các hiệp định thương
mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn
diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
(CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên
minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), khả năng
xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do
ngôn luận, tự do biểu đạt sẽ ngày càng lớn,
trước tiên là trong lĩnh vực giải trí, nghệ thuật.
Một ví dụ cho thấy vấn đề xung đột giữa
quyền tác giả và quyền tự do ngôn luận đã phát
sinh ở Việt Nam là trường hợp nhạc chế (đặt lời
mới cho bài hát). Một nơi ca khúc “chế” chiếm
tỷ lệ cao là chương trình Gặp nhau cuối năm
trên truyền hình đêm giao thừa, một món ăn
tinh thần quen thuộc của người Việt Nam mỗi
dịp Tết Nguyên đán. Một số ca khúc “nhạc chế”
trong Gặp nhau cuối năm do các Táo Quân
trình bày được khán giả rất yêu thích và chia sẻ
rất rộng rãi, thậm chí trên mạng còn có clip
tổng hợp các ca khúc “nhạc chế” hay nhất của
Táo Quân và được nhiều người quan tâm theo
dõi. Việc sử dụng các bài nhạc chế rõ ràng đã
nâng cao hiệu quả của chương trình lên rất
nhiều trong việc truyền tải thông điệp phê phán
N.B. Thao, P.H. Nam / VNU Journal of Science: Legal Studies, Vol. 35, No. 3 (2019) 59-69
69
các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Theo pháp
luật Việt Nam hiện hành, trường hợp này không
được coi là sử dụng hợp lý tác phẩm. Trong khi
đó, pháp luật Mỹ, Canada và nhiều nước châu
Âu như Anh, Pháp, Đức quy định “nhại lại, chế
lại tác phẩm của người khác nhằm mục đích gây
cười” (parody) có thể được coi là một trường hợp
“sử dụng hợp lý” (fair use), một ngoại lệ của
quyền tác giả, nếu thỏa mãn các tiêu chí khác do
luật quy định như việc nhại lại, chế lại nhằm mục
đích hài hước; có sự biến đổi mang tính chất sáng
tạo so với tác phẩm gốc; không ảnh hưởng đến
các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả
chủ sở hữu quyền tác giả [12].
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những
nước có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất
thế giới với trên 50 triệu người dùng Internet
[13], do đó dung lượng nội dung do người dùng
tạo ra có tái sử dụng các tác phẩm được bảo hộ
cũng rất lớn. Trong tương lai không xa, Việt
Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ xung đột giữa
quyền tự do ngôn luận của người dùng Internet
và quyền tác giả đối với các tác phẩm được bảo
hộ. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa dự
liệu trường hợp này và không có quy định ngoại
lệ của quyền tác giả đối với nội dung do người
dùng Internet tạo ra trên cơ sở tái sử dụng tác
phẩm có bản quyền.
Như vậy, Việt Nam cần nhận thức rõ về sự
xung đột giữa quyền tác giả và quyền tự do ngôn
luận, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm các quốc
gia đi trước để xây dựng và hoàn thiện pháp luật
quyền tác giả phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã
hội đang biến đổi nhanh chóng, chẳng hạn, nghiên
cứu bổ sung các trường hợp sử dụng hợp lý tác
phẩm như hành vi chế lại tác phẩm của người
khác nhằm mục đích hài hước, hoặc hành vi
người dùng tự sáng tạo và chia sẻ nội dung trên
Internet dựa trên tác phẩm của người khác mà
không nhằm mục đích thương mại.
Lời cảm ơn
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát
triển khoa học và công nghệ Quốc gia trong đề tài
mã số 505.01-2017.02.
Tài liệu tham khảo
[1] English Bill of Rights 1689,
https://avalon.law.yale.edu/17th_century/england.asp
[2] Declaration of Human and Civic Rights of 26
August 1789, Article 11, https://www.conseil-
constitutionnel.fr/sites/default/files/as/root/bank_
mm/anglais/cst2.pdf.
[3] U.S. Constitution, Amendment I,
https://www.law.cornell.edu/constitution/first_am
endment
[4] Basic Law for the Federal Republic of Germany,
Article 5.2, https://www.btg-
bestellservice.de/pdf/80201000.pdf
[5] Harper & Row Publishers, Inc. v. Nation
Enterprises, 471 U.S. 539 (1985).
[6] Joseph P. Bauer, Copyright and the First Amendment:
Comrades, Combatants, or Uneasy Allies?, 67
Washington & Lee Law Review 831 (2010).
[7] Christophe Geiger, Freedom of Artistic Creativity
and Copyright Law: A Compatible Combination?,
8 UC Irvine Law Review 413 (2018).
[8] Neil Weinstock Netanel, Copyright’s Paradox,
Oxford University Press (2008).
[9] Pamela Samuelson, Copyright and Freedom of
Expression in Historical Perspective, 10 Journal
of Intellectual Property Law 319 (2003).
[10] Yin Harn Lee, Copyright and Freedom of
Expression: A Literature Review, May 2015,
https://www.create.ac.uk/publications/copyright-
and-freedom-of-expression-a-literature-review/
[11] Canada Copyright Act, Article 29.21, https://laws-
lois.justice.gc.ca/eng/acts/C-42/page-
9.html#docCont
[12] Intellectual Property Office (2013), The
Treatment of Parodies under Copyright Law in
Seven Jurisdictions: A comparative Review of the
Underlying Principles,
https://assets.publishing.service.gov.uk/governme
nt/uploads/system/uploads/attachment_data/file/3
09902/ipresearch-parody-report2-150313.pdf.
[13] https://dantri.com.vn/suc-manh-so/viet-nam-la-
mot-trong-nhung-nuoc-co-toc-do-phat-trien-
internet-nhanh-nhat-the-gioi-
20181204153607948.htm
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- xung_dot_giua_quyen_tac_gia_va_quyen_tu_do_ngon_luan.pdf