Khóa luận Nghiên cứu một số yếu tố tâm lý- xã hội có liên quan đến rối loạn phân ly ở trẻ em

MỤC LỤC PHẦN THỨ NHẤT: MỞ ĐẦU 2 1. Lý do chọn đề tài: 2 2. Mục đích nghiên cứu: 3 3. Nhiệm vụ nghiên cứu: 3 4. Đối tượng nghiên cứu: 3 5. Khách thể nghiên cứu: 4 6. Phương pháp nghiên cứu: 4 6. 1. Nghiên cứu lý luận: 4 6. 2. Phương pháp quan sát: 4 6.3. Phương pháp phỏng vấn lâm sàng: 4 6.4. Phương pháp nghiên cứu trường hợp: 5 6.5. Trắc nghiệm đo lường tâm lý: 5 7. Giả thuyết nghiên cứu: 6 PHẦN THỨ HAI: NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 7 CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN 7 1.1. Sơ lược về lịch sử nghiên cứu: 7 1.2. Khái niệm RLPL: 8 1.2.1. Định nghĩa: 8 1.2.2. Một số đặc điểm chung: 10 1.3. Nguyên nhân và cơ chế của RLPL: 11 1.3.1. Nguyên nhân: 11 1.3.2. Cơ chế: 13 1.4. Các biểu hiện lâm sàng của RLPL: 15 1.4.2. Chẩn đoán theo ICD – 10: 20 1.4.3. Theo DSM – IV: [13] [32] [33] 23 1.5. Các biểu hiện RLPL ở trẻ em: [15] [21] 29 1.5.1. Các cơn RLPL: 29 1.5.2. Chứng RLPL chuyển hoán: 30 1.5.3. Rối loạn giác quan và cảm giác: 30 1.5.4.Rối loạn ngôn ngữ: 30 1.6. Đặc điểm phát triển tâm lý trẻ em: [12] [18] [19] [24] [30] 31 1.7. Trị liệu tâm lý cho trẻ RLPL: [2] [14] [23] 34 CHƯƠNG II: CƠ SỞ THỰC TIỄN 40 2.1. Tổ chức nghiên cứu: 40 2.1.1. Tiến trình thực hiện đề tài: 40 2.1.2. Lựa chọn khách thể nghiên cứu: 40 2.1.3. Phương pháp tiến hành nghiên cứu: 41 2.2. Kết quả nghiên cứu: 44 2.3. Một vài nhận định, đánh giá về các ca bệnh RLPL được khám và điều trị tại khoa Tâm bệnh - viện Nhi Trung ương: 88 2.3.1. Về đối tượng nghiên cứu: 88 2.3.2. Về đặc điểm lâm sàng: 90 PHẦN THỨ BA: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 91 3.1. Kết luận: 91 3.2. Kiến nghị: 92 TÀI LIỆU THAM KHẢO 94 LỜI CẢM ƠN 97

doc100 trang | Chia sẻ: maiphuongtl | Lượt xem: 2031 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Khóa luận Nghiên cứu một số yếu tố tâm lý- xã hội có liên quan đến rối loạn phân ly ở trẻ em, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
lo mẹ sinh em bé sẽ không còn thương mình nữa, sợ em sẽ chiếm mất tình yêu của cha mẹ dành cho trẻ. Khi mang thai mẹ trẻ rất mệt mỏi, không còn dành nhiều thời gian cho trẻ, mẹ trẻ tâm sự “từ khi có thai chị thấy mình ít quan tâm hơn đến nó, mà dạo này nó lại hay bị bệnh, hết viêm phổi, giờ lại bị bệnh này nữa, chị thương nó lắm”. Những suy nghĩ ấy của mẹ trẻ không phải không đúng nhưng có lẽ việc chị chiều chuộng con quá mức ngay từ nhỏ đã khiến trẻ luôn nghĩ rằng không ai có thể lấy đi vị trí số một của trẻ trong mắt mọi người. Đến khi mẹ mang thai em bé, trẻ cảm nhận được rằng mình sẽ phải chia sẻ mẹ mình, phải chia sẻ tình thương yêu của cả gia đình đối với trẻ cho một người nữa, trẻ thấy hụt hẫng và ấm ức. Trẻ nói “cháu chẳng muốn mẹ sinh em bé đâu, có em bé mẹ sẽ không còn thương cháu nữa, cháu buồn lắm”. Khi viết ba điều ước và ba điều lo sợ, bản thân trẻ đã bộc lộ rõ cho chúng tôi thấy được sự mong muốn tình thương của cha mẹ như thế nào và cả nỗi lo sợ bị tước đi cái đặc quyền mà trẻ được hưởng bấy lâu nay. Trong trắc nghiệm vẽ tranh, trẻ cũng chỉ vẽ gia đình trẻ với ba người: bố, mẹ và trẻ chứ không có sự hiện diện của người em sắp sinh. Trẻ chưa được chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận em bé sẽ là một thành viên nữa của gia đình. Những hụt hẫng và ấm ức trong trẻ không thể giải toả và nó đã chuyển thành RLPL. Liệu đây có phải là một nguyên nhân làm phát sinh những triệu chứng bệnh của trẻ hay không? Trước thời điểm trẻ vào viện Nhi điều trị chứng RLPL, trẻ đã có một tuần điều trị viêm phổi tại bệnh viện Xanh – pôn. Sau khi điều trị về trẻ có những biểu hiện tê tay chân, có cơn co giật, tức ngực, khó thở. Với một số trẻ được quan tâm, bảo bọc quá mức, sau những điều trị những tổn thương thực thể, trẻ rất dễ có những vấn đề về tâm lý, nhất là trẻ đã điều trị viêm phổi, có liên quan đến đường hô hấp, trẻ nghĩ có thể mình chưa khỏi hẳn bệnh, nên tự ám thị mình là khó thở, tức ngực. Theo trẻ thì “sau khi bị viêm phổi, về nhà một thời gian cháu vẫn thấy khó thở lắm, nhiều khi còn thấy đau nhói ở ngực”. Phải chăng đây cũng là một nguyên nhân nữa khiến cho trẻ có những biểu hiện của các triệu chứng RLPL? Những vấn đề của trẻ vô cùng phức tạp, trẻ hãy là một cô bé đang học cấp I, vẫn còn ở cái độ tuổi còn ham chơi hơn ham học, vẫn còn nhõng nhẽo, làm nũng cha mẹ. Tuy nhiên tất cả những gì xảy ra với trẻ trong thời gian vừa qua là một chấn thương tâm lý cấp tính, nó làm cho trẻ không đủ sức chống chọi với sang chấn đó. Sự lo hãi và những tình cảm nảy sinh từ đó có thể bị dồn nén, rồi bộc phát thành những triệu chứng bệnh của trẻ. Như vậy nỗi lo hãi và RLPL có một mối quan hệ gắn kết với nhau. Tình huống lo hãi kéo dài dẫn đến nảy sinh các rối loạn tâm lý và sự cân bằng tinh thần, nhất là đối với một đứa trẻ mới có 9 tuổi. Nếu không có sự nhìn nhận đúng đắn về những căn nguyên gây bệnh cho trẻ để có những phương pháp điều trị phù hợp thì rất có thể những sang chấn đó sẽ tái phát và kéo dài. 2.2.3.4. Trị liệu tâm lý: Việc trị liệu tâm lý cho trẻ chủ yếu là cho trẻ chơi, tập cho trẻ những bài tập thư giãn cơ bản. Quan trọng là các cán bộ tâm lý của khoa đã nói chuyện và chơi cùng trẻ để dần dần tác động đến nhận thức của trẻ, cho trẻ hiểu rằng có thêm một người em nữa sẽ càng vui nhà, và dù có thêm em bé thì tình thương yêu của bố mẹ dành cho trẻ cũng không hề mất đi. Cho trẻ biết bệnh của trẻ không liên quan đến bệnh viêm phổi và bệnh của trẻ hoàn toàn có thể khỏi được nhưng trẻ cần phải chịu khó luyện tập thư giãn và uống thuốc đều (thuốc thực chất là thuốc bổ). Trẻ hợp tác trong suốt quá trình trị liệu nên kết quả trị liệu rất tốt. Đối với bố mẹ trẻ thì các cán bộ tâm lý có một buổi tư vấn, giúp bố mẹ trẻ hiểu được nguyên nhân dẫn đến bệnh RLPL của trẻ, để bố mẹ trẻ nhìn nhận lại cách giáo dục con của họ trong suốt thời gian vừa qua. Giúp bố mẹ trẻ hiểu được tâm lý của những đứa trẻ được chiều chuộng quá mức và từ đó cùng bố mẹ trẻ xây dựng một kế hoạch giúp đỡ trẻ khi trẻ ra viện. Sau những buổi trị liệu tâm lý, cả trẻ và gia đình đều cảm thấy thoải mái. Sau 5 ngày điều trị các triệu chứng bệnh của trẻ được loại bỏ, trẻ không còn kêu đau tức ngực, khó thở nữa. Bố mẹ của trẻ thì hiểu được là hiện tại mình cần phải ứng xử như thế nào trong thời gian tới để tránh cho bệnh của trẻ lại tái phát. 2.2.4. HỒ SƠ TÂM LÝ 4: 2.2.4.1. Tư liệu bệnh án: * Phần hành chính: - Họ và tên: Nguyễn Văn T. - Ngày sinh: 13/11/1995. - Giới tính: Nam. - Dân tộc: Kinh. - Văn hoá: lớp 5. - Địa chỉ: Diễn Hồng – Diễn Châu – Nghệ An. - Thời gian vào viện: 23/04/2006. - Lý do vào viện: đau ngực, đau bụng, đau lưng, có cơn co giật toàn thân. - Chẩn đoán sau khi vào viện: rối loạn phân ly. Qua nghiên cứu bệnh án và qua tiếp xúc hỏi chuyện bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân, chúng tôi được biết hiện trẻ đang học lớp 5, sống cùng với mẹ. Trước ngày trẻ bị bệnh, trẻ đã hay kêu đau đầu, đau lưng. Ngày 13/04/2006, trẻ đi học về kêu đau ngực, khó thở và sau đó là trẻ có những cơn co giật toàn thân. Gia đình đưa trẻ lên bệnh viện huyện khám, bác sĩ cho là trẻ bị thiếu canxi trong máu. Về nhà trẻ vẫn tiếp tục có những cơn co giật, mẹ trẻ rất lo lắng nên cho trẻ lên bệnh viện tỉnh. Trẻ điều trị ở bệnh viện tỉnh 3 ngày, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân thực thể, trẻ cũng không đỡ nên đã cho trẻ chuyển lên viện Nhi Trung ương để khám và điều trị. Trẻ được phòng khám của viện Nhi đưa vào khoa Tâm bệnh. Ngày 23/04/2006, trẻ được đưa vào khoa Tâm bệnh – viện Nhi Trung ương với các triệu chứng: đau đầu, đau lưng, đau ngực, khó thở, co giật toàn thân. Các bác sĩ và cán bộ tâm lý của khoa chẩn đoán trẻ bị rối loạn phân ly. * Quá trình bị bệnh: Trẻ sinh đủ tháng, nặng 3,5 kg. Trong quá trình mang thai mẹ khoẻ mạnh, không có bệnh tật gì.Trẻ phát triển tâm vận động bình thường như những trẻ khác. Ba tuổi trẻ bị ngã va đập đầu để lại sẹo. Vì là con út nên trẻ được mọi người trong nhà chiều, không phải làm việc gì. Trong nhà bố là người trẻ yêu quý nhất. Cách đây 7 tháng bố trẻ mất vì ung thư phổi, trẻ trở nên khác hẳn: ít nói, lầm lì, khó bảo, và có các biểu hiện kêu đau cơ thể như: đau đầu, đau lưng, đau ngực, khó thở. Khi ngủ trẻ thường nằm mơ thấy bố và rất hay nói mơ như “Bố về đưa con đi à”, “Đưa con đi rồi sau đó đưa mẹ đi”. Các biểu hiện đau cơ thể của trẻ càng ngày càng tăng, trẻ thường xuyên kêu đau nhức khắp người. Đến ngày 13/04 vừa đi học về trẻ kêu khó thở, đau ngực, không thở được và bắt đầu có cơn co giật toàn thân. Mẹ và anh trai trẻ đưa trẻ lên bệnh viện huyện rồi bệnh viện tỉnh nhưng bệnh trẻ không đỡ mà còn có chiều hướng tăng lên. Bác sĩ bệnh viện tỉnh quyết định cho chuyển trẻ lên viện Nhi Trung ương để khám. Phòng khám viện Nhi cho trẻ vào khoa Tâm bệnh để khám và điều trị. Khi được đưa vào khoa Tâm bệnh – viện Nhi Trung ương, trẻ biểu hiện các triệu chứng sau: - Đau đầu, đau lưng. - Tức ngực, khó thở, hoa mắt. - Co giật toàn thân, chân tay run. - Khí sắc giảm, cảm xúc lo lắng. - Cơ thể mệt mỏi, khó ngủ. * Hoàn cảnh gia đình hiện tại: Qua tiếp xúc và hỏi chuyện trẻ, chúng tôi được biết hiện trẻ đang sống cùng mẹ, bố trẻ mất được 7 tháng vì ung thư phổi. Trẻ là con thứ ba trong số 3 người con. Hai anh trai của trẻ hơn trẻ rất nhiều tuổi: anh cả năm nay 28 tuổi, anh thứ hai năm nay 25 tuổi. Hai anh đã đi làm và lập gia đình, ra ở riêng cạnh nhà mẹ đẻ. Mẹ của trẻ làm ruộng, trồng rau, nuôi lợn. Ngoài ra mẹ còn được các anh hỗ trợ phần nào vì hai anh đều đi làm và cũng có khả năng kinh tế. Kinh tế gia đình trẻ cũng đủ ăn. 2.2.4.2. Hỏi chuyện lâm sàng: * Tiếp xúc ban đầu: Chúng tôi gặp trẻ lần đầu tiên khi trẻ vừa vào viện, lúc đó trẻ vẫn còn có cơn co giật, các cán bộ tâm lý đang trị liệu cho trẻ. Ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi có được là trẻ rất gầy, trông dáng như con gái, ăn mặc lôi thôi. Chúng tôi rất khó tiếp xúc với trẻ vì trong 2 ngày đầu tiên hầu như lúc nào trẻ cũng có cơn co giật, chân tay run. Vì thế chúng tôi chỉ hỏi chuyện được mẹ của trẻ. Mẹ trẻ là một người phụ nữ cao, gầy, dễ xúc động, mỗi lần nhìn thấy con co giật là cô lại khóc. Sang ngày thứ 3 trẻ mới tỉnh táo hơn, các cơn co giật ít đi, lúc đó chúng tôi mới có điều kiện tiếp xúc với trẻ. Trẻ khá e dè khi nói chuyện với chúng tôi, phải mất thêm một ngày nữa trẻ mới quen với chúng tôi và hợp tác với chúng tôi trong quá trình nói chuyện. Trẻ đã tâm sự với chúng tôi về gia đình, đặc biệt về bố, về chuyện học tập ở trường, chuyện bạn bè, thầy cô. Đặc biệt là trẻ nặn đất rất giỏi, chỉ trong khoảng 10 – 15 phút là trẻ đã nặn xong những hình rất ngộ nghĩnh, dễ thương. * Hỏi chuyện lâm sàng: - Các yếu tố tâm lý – xã hội có liên quan đến RLPL ở bệnh nhân Nguyễn Văn T: + Mối quan hệ giữa bệnh nhân với gia đình: a) Quan hệ với bố: Ngay từ nhỏ, trẻ đã có sự gắn bó khăng khít với bố, bố trẻ rất thương yêu và chăm sóc trẻ rất chu đáo, nhiều khi bố làm hết phần chăm trẻ của mẹ. Trẻ là con út, lại nhỏ tuổi nhất nên bố không bao giờ bắt trẻ làm gì cả, mọi việc bố và các anh làm hết hộ trẻ, trẻ chỉ phải học và thỉnh thoảng sang nhà anh chơi trông cháu giúp anh. Từ bé trẻ luôn được bố đưa đi cùng mỗi khi bố đi chơi hay thăm họ hàng. Đến tuổi đi học thì bố là người đưa trẻ đến trường buổi đầu tiên, rồi cùng trẻ học tập, giúp đỡ động viên trẻ trong suốt quá trình học tập của trẻ. Theo trẻ thì “bố em thường xuyên theo em, giúp đỡ em trong việc học, nhờ có bố nên kết quả học tập của em cao lắm”. Trẻ cho chúng tôi biết trẻ nặn đất giỏi là do bố dạy trẻ. Nên mỗi khi nặn đất là trẻ rất nhớ bố. Từ khi trẻ biết bố mình bị ốm, trẻ rất buồn, lo lắng nhiều. Ngày bố mất trẻ đang học ở trường không được gặp mặt bố lần cuối, về nhà trẻ trở nên ít nói, không khóc, chỉ ngồi một chỗ. Từ đó tính tình trẻ thay đổi hẳn: lầm lì, thu mình, né tránh hoà đồng cùng mọi người. Trước đây trẻ học tập, làm việc rất tập trung nhưng từ khi bố mất trẻ không làm được việc gì, mất tập trung trong mọi việc, cả học tập và sinh hoạt. Có lẽ cú sốc về tinh thần này đã tác động đến tâm lý của trẻ quá lớn khiến trẻ khả năng làm việc của trẻ giảm sút, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. b) Quan hệ với mẹ: Vì trẻ gắn bó và cũng được bố chăm sóc nhiều nên mẹ của trẻ cũng ít phải quan tâm đến trẻ. Mẹ đi làm suốt ngày nên cũng có ít thời gian để ý đến trẻ, nhưng mẹ cũng vẫn cố gắng để ý đến sinh hoạt và học tập của trẻ. Mẹ trẻ khá nghiêm khắc trong việc dạy con, vẫn giao những công việc nhà để trẻ làm giúp bố mẹ khi bố mẹ đi làm như: nấu cơm, rửa bát, quét nhà, cho lợn ăn, tưới rau. Tuy giữa trẻ và mẹ sự gắn bó không được như bố nhưng trẻ cũng rất thương mẹ, vì “mẹ em suốt ngày vất vả lo cho gia đình. Từ khi bố ốm rồi mất tất cả công việc gia đình mẹ gánh hết”. Từ ngày bố ốm trẻ cũng biết đỡ đần mẹ trong công việc nhà, giúp đỡ mẹ để mẹ có thời gian chăm bố. Đến khi bố mất, mẹ là chỗ dựa duy nhất về cả tinh thần và vật chất, trẻ gắn bó với mẹ nhiều hơn, hay ôm ấp mẹ, và cũng rất lo sợ mẹ bị ốm, sẽ không còn ai ở với trẻ nữa. c) Quan hệ với anh em: Hai anh trai của trẻ hơn trẻ khá nhiều tuổi, anh cả hơn trẻ 17 tuổi, anh thứ hai hơn trẻ 14 tuổi. Vì thế hai anh rất thương em và nhường nhịn em trong mọi chuyện, luôn dành cho em những thứ tốt nhất. Trẻ cũng rất quý hai anh, khi hai anh lập gia đình, có con, trẻ thường sang nhà hai anh chơi trông nhà và giúp hai anh trông cháu để hai anh đi làm. Nói chung mối quan hệ của ba anh em khá hoà thuận. d) Quan hệ với họ hàng: Vì trẻ sống ở vùng nông thôn nên thường là họ hàng sống gần nhau, trẻ cũng hay sang nhà chơi cùng các anh em họ. Vì trẻ hiền lành, ngoan ngoãn, học giỏi nên mọi người cũng rất quý trẻ. + Mối quan hệ của bệnh nhân với thầy cô, bạn bè: Từ khi đi học trẻ luôn là học sinh giỏi, là một cậu học trò ngoan, biết vâng lời thầy cô nên trẻ được các thầy cô trong lớp cũng như trên trường biết và quý mến, luôn dành thiện cảm cho trẻ. Năm học nào trẻ cũng được cử đi thi học sinh giỏi huyện. Đối với bạn bè thì trẻ cư xử rất đúng mực, không mấy khi cãi nhau với bạn bè, thường giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn trong học tập. Trẻ biết nhường nhịn bạn bè, biết bênh vực trẻ bé hơn mình. Vì thế mà bạn bè trong lớp cũng như trẻ hàng xóm rất quý và thích chơi với trẻ - Kết quả một số trắc nghiệm tâm lý: a) Trắc nghiệm CBCL: Những ngày đầu tiên chúng tôi mới chỉ tiếp xúc được với mẹ của trẻ, phải đến ngày thứ 5 trẻ mới đủ tỉnh táo để làm trắc nghiệm, vì lúc đó các cơn co giật của trẻ mới đỡ. -> Bộ câu hỏi giành cho cha mẹ: mẹ của trẻ hợp tác với chúng tôi trong suốt quá trình làm trắc nghiệm, kết quả điểm trắc nghiệm là 67, có rối loạn cảm xúc hành vi. Trong 112 âu hỏi mẹ trẻ đánh dấu đến 18 câu là hoàn toàn đúng đối với trẻ, những câu mẹ trẻ trả lời thường tập trung vào là sự phàn nàn về đau cơ thể, thu mình, lo âu- trầm cảm, rối loạn chú ý của trẻ như: “bồn chồn, dễ xúc động, căng thẳng”, “quá lo âu, sợ hãi”, “đau nhức cơ thể”, “ít cởi mở, giữa kín mọi chuyện trong lòng”, “rên rỉ than khóc”, “không tập trung”, “thích ở một mình”. -> Bộ câu hỏi cho trẻ tự ghi: trẻ chịu khó làm trắc nghiệm dù còn mệt, kết quả là 70 điểm, có rối loạn cảm xúc hành vi. Trẻ cũng tập trung nhiều vào những câu trả lời về các vấn đề đau cơ thể, lo âu – trầm cảm, thu mình, các rối loạn khác trong thời gian gần đây “đau đầu”, “sợ hãi, bồn chồn”, “hoa mắt”, trở ngại về nói”, “cơn hoảng sợ ban đêm”,.... Kết quả làm trắc nghiệm CBCL giữa mẹ trẻ và trẻ hầu như trùng khớp về câu trả lời, không có sự khác biệt nhiều lắm. b) Trắc nghiệm trầm cảm Beck và trắc nghiệm lo âu Zung: Trẻ làm được một nửa trắc nghiệm thì kêu đau đầu, mệt, hoa mắt, và không làm nữa. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng động viên trẻ nhưng trẻ nhất định không làm tiếp nên trắc nghiệm bị bỏ dở. Những ngày sau chúng tôi lại không có điều kiện để cho trẻ làm nốt trắc nghiệm. c) Trắc nghiệm vẽ tranh: Tranh vẽ của trẻ đơn giản, không có nhiều chi tiết, trẻ sử dụng nhiều màu đen, xám, ít khi sử dụng màu sáng. Trẻ vẽ một bức tranh bố đang ngồi chơi cùng trẻ, dạy trẻ nặn đất. Khi chúng tôi hỏi trẻ về màu sắc trẻ sử dụng, trẻ đã giải thích rằng “bố mất rồi nên cuộc sống ảm đạm toàn màu đen”. Còn bức tranh có lẽ đó là trẻ muốn thể hiện sự thương nhớ bố, vì trong suốt quá trình hỏi chuyện đề tài mà trẻ nhắc đến nhiều nhất là bố mình. d) Ba điều trẻ mơ ước và ba điều trẻ lo sợ: -> Ba điều trẻ mơ ước: + Nhanh chóng khỏi bệnh. + Được sống với mẹ. + Sớm ra viện để về nhà. -> Ba điều trẻ lo sợ: + Lo bệnh của mình không chạy chữa được. + Lo cho mẹ. + Lo cho mẹ có điều gì không hay. 2.2.4.3. Phân tích, lý giải nguyên nhân dẫn đến RLPL ở trẻ: Đây là một trường hợp điển hình của một ca RLPL, trẻ đã chịu một cú sốc tinh thần quá lớn, trẻ không thể chống chọi lại với nó. Người mà trẻ yêu thương, quý trọng nhất lại ra đi, để lại cho trẻ một mất mát quá lớn, nhất là đối với một đứa trẻ có một xu hướng tính cách yếu như trẻ. Bố là chỗ dựa tinh thần cho trẻ trong suốt tuổi thơ ấu, rồi đến khi đi học, bố cũng là nguồn động viên lớn nhất của trẻ. Không phải ai cũng có thể chịu đựng được một sang chấn tâm lý mạnh như vậy. Phải chăng đây là nguyên nhân lớn nhất dẫn trẻ đến RLPL? Phần lớn thời gian nói chuyện với chúng tôi trẻ đều nhắc đến bố, cả những khi trẻ có cơn phân ly, trẻ cũng nhắc đến bố. Mẹ trẻ kể cho chúng tôi biết từ khi bố mất tính khí của trẻ cũng thay đổi, từ một cậu bé hoạt bát, nhanh nhẹn trẻ trở nên ù lì, chậm chạp, không thích giao tiếp, chỉ thích ở một mình. Trước đây khi bố còn sống, trẻ không bao giờ gây gổ, bắt nạt ai, nhưng hiện tại thì trẻ rất hay gây sự và trở nên khó hoà nhập với trẻ khác. Khả năng làm việc của trẻ cũng giảm sút, trẻ làm việc mệt mỏi, uể oải, khó tập trung làm được một việc gì. Ngày bố mất trẻ không khóc cũng không biểu lộ cảm xúc gì. Ba tháng sau, trẻ mới bắt đầu nhắc đến bố, khóc suốt đêm đòi gặp bố, sau đó kêu đau ngực, nói là bố đè lên ngực, đau cả bụng và lưng. Từ đó, ngày nào trẻ cũng nhắc đến bố, mơ nhiều đến bố, nói mơ như “bố đi nhé rồi bố về đưa con đi cùng”, “tạm biệt bố, con chờ bố về đấy”. Trẻ luôn miệng đòi đi gặp bố. Trẻ đã gặp phải một sang chấn tâm lý quá mạnh, nó là một stress cấp tính, và đến một thời gian trẻ đã “ngấm sang chấn” thì nó bùng phát thành bệnh. Những triệu chứng của trẻ là rất điển hình, và xuất hiện rầm rộ với cường độ mạnh, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến trẻ có cơn co giật phân ly, trẻ tuy co giật nhưng vẫn ý thức được, biết tìm chỗ để ngã ra. Giọng nói của trẻ cũng khác trước, trẻ nói ngọng rất nhiều và phát âm khó. Mỗi khi có cơn phân ly là trẻ lại kêu là hoa mắt, không nhìn thấy gì cả. Và đặc biệt là trẻ chỉ có cơn khi có rất nhiều người, mà phải là có sự có mặt của mẹ trẻ. Thời gian trước mẹ trẻ ít quan tâm đến trẻ, mọi việc chăm sóc trẻ là do bố đảm nhận, khi bố ốm thì mẹ lại dành thời gian cho bố nhiều hơn, cũng không có thời gian để để ý đến trẻ. Chỉ đến khi bố mất và trẻ bắt đầu khởi phát bệnh thì mẹ mới để ý, quan tâm, chăm sóc đến trẻ nhiều hơn trước. Hiện tại thì mẹ không rời trẻ lấy một bước, trẻ đi đâu là mẹ đi tìm ngay, chỉ sợ trẻ có vấn đề gì. Đứa trẻ cảm nhận mọi việc xung quanh nó diễn ra như thế nào rất tốt, nó hiểu rằng bây giờ nó là trung tâm của mẹ nó, nó cần có mẹ, và nó cũng sợ rằng mẹ sẽ không còn nữa, nó sẽ chẳng còn ai để quan tâm, săn sóc. Theo trẻ thì “em sợ mẹ sẽ lại bỏ em đi giống bố lắm, em không muốn mẹ đi đâu. Từ khi bố mất mẹ mới quan tâm đến em nhiều hơn”. Những điều chúng tôi phân tích ở đây có lẽ cũng trùng khớp với những gì trẻ ghi lại trong ba điều lo sợ “lo mẹ có điều gì không hay”. Chúng tôi được chứng kiến trẻ ôm ghì lấy mẹ, không rời mẹ như sợ mẹ sẽ biến mất ngay lập tức. Liệu đây có phải là một nguyên nhân nữa để cho những triệu chứng bệnh của trẻ xuất hiện? Trẻ cần một sự chú ý, quan tâm săn sóc của mọi người, nhất là của người mẹ, bây giờ mẹ là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho trẻ vượt qua cú sốc tâm lý này. Vì thế mà mẹ trẻ rất lo lắng và sợ hãi về bệnh tật của trẻ “cô rất lo cho nó, nếu nó có mệnh hệ nào thì cô không sống nổi”. Tâm lý của người mẹ đã bộc lộ ra đó là việc lo sợ cho bệnh tật của con và đứa trẻ nhận thấy được, từ khi bị bệnh trẻ luôn được mẹ chiều chuộng, muốn gì được nấy, và gần như trẻ có được “lợi lộc thứ phát” từ việc bị bệnh. Cũng có thể đây là một nguyên nhân nữa cho việc trẻ bị bệnh? Mẹ của trẻ khá nghiêm khắc trong việc dạy con, không giống như bố trẻ chiều trẻ không bắt trẻ làm gì cả, mẹ vẫn ghi rõ các công việc trẻ cần phải làm trong ngày, đi làm về mẹ kiểm tra xem trẻ làm có tốt không. Đối với một trẻ trai thì việc làm những công việc vặt trong nhà là điều mà trẻ rất ghét “em không thích quét nhà, nấu cơm đâu, bố toàn giúp em làm những việc đó”. Chính vì vậy mà khi bị bệnh trẻ không phải làm gì, mẹ đã làm tất cả, ngay cả việc rót nước uống thuốc chúng tôi cũng thấy mẹ trẻ đi lấy cho trẻ. Có thể cách giáo dục con của cha mẹ trẻ đã không thống nhất với nhau, người thì quá nuông chiều, người thì nghiêm khắc đã dẫn đến việc có một sự so sánh ngầm trong đứa trẻ, và chỉ chờ có những yếu tố ảnh hưởng (một sang chấn tâm lý) tác động đến là tất cả những gì ẩn ngầm trong trẻ được tích tụ lâu nay bùng phát thành bệnh. 2.2.4.4. Trị liệu tâm lý: Trong thời gian một tuần điều trị tại khoa trẻ được các bác sĩ cho uống thuốc theo đơn (chủ yếu là thuốc bổ), và trẻ được trị liệu tâm lý tại khoa. Phương pháp trị liệu chủ yếu cho trẻ là dùng liệu pháp tâm lý ám thị để cắt cơn, liệu pháp này rất có tác dụng đối với T. Trẻ hiểu được lời nói của cán bộ tâm lý khoa và tự mình cắt được cơn. Liệu pháp hành vi – nhận thức cũng được các cán bộ tâm lý kho Tâm bệnh sử dụng để trị liệu cho trẻ, để trẻ nhận thấy rõ vấn đề mà trẻ đang gặp phải và giúp cho trẻ đương đầu, thích nghi với những yếu tố ảnh hưởng đó. Ngoài ra các cán bộ tâm lý còn sử dụng liệu pháp khen thưởng: nếu ngày hôm đó trẻ tự kiểm soát được cơn của mình, hạn chế cơn thì sẽ được cho chơi đất nặn. Kết quả trị liệu khá tốt, trẻ nhận thức rõ vấn đề, dần kiểm soát được cơn và cuối cùng thì trẻ đã loại bỏ được hoàn toàn các triệu chứng bệnh. Đối với mẹ của trẻ thì các cán bộ tâm lý khoa giải thích cho mẹ của trẻ về những nguyên nhân gây bệnh cho trẻ, đưa ra những phác đồ điều trị hợp lý, giúp cho mẹ của trẻ có cái nhìn đúng về căn bệnh của trẻ, giảm sự lo lắng để tránh sự ám thị lên trẻ, dễ dẫn đến tái phát cơn phân ly. Thay đổi nhận thức của mẹ trẻ về cách giáo dục con, cung cấp các kiến thức về tâm lý lứa tuổi, để mẹ của trẻ có được cách ứng xử phù hợp đối với trẻ. Sau quá trình trị liệu mẹ của trẻ đã xác định được vấn đề của trẻ là gì và biết bản thân mình cần phải làm gì cho con. 2.2.5. HỒ SƠ TÂM LÝ 5: 2.2.5.1. Tư liệu bệnh án: * Phần hành chính: - Họ và tên: Nguyễn Thanh T. - Ngày sinh: 02/12/1992. - Giới: Nữ. - Dân tộc: Kinh. - Văn hoá: lớp 8. - Địa chỉ: Thịnh Liệt – Thanh Trì - Hà Nội. - Thời gian vào viện: 12/03/2006. - Lý do vào viện: khó thở, cơn co giật toàn thân. - Chẩn đoán sau khi vào viện: rối loạn phân ly. Qua nghiên cứu hồ sơ bệnh án và qua tiếp xúc hỏi chuyện trẻ cũng như người nhà của trẻ (mẹ trẻ), chúng tôi được biết hiện trẻ đang học lớp 8 trường THCS Thịnh Liệt. Tháng 03/2006 trẻ mổ ruột thừa, sau khi mổ ruột thừa sức khoẻ của trẻ yếu hơn, hay có cơn khó thở. Ngày 10/03/2006, trẻ lên cơn khó thở, ngất xỉu, gia đình đưa trẻ vào bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu thở ôxy. Hai ngày sau, ngày 12/03 cơn khó thở của trẻ lại tái phát và kèm theo có cơn co giật toàn thân. Gia đình vô cùng lo lắng, nhất là mẹ của trẻ. Gia đình đã xin chuyển viện và đưa trẻ đến viện Nhi Trung ương để khám. Trẻ được đưa vào khoa Tâm bệnh, tại đây trẻ được khám và kết luận là bị RLPL. * Quá trình bị bệnh: Trẻ sinh đủ tháng, nặng 2,9 kg. Từ bé trẻ đã bị suy dinh dưỡng, chậm lớn hơn so với trẻ cùng tuổi. Mãi đến hơn một tuổi trẻ mới biết đi. Năm 12 tuổi xuất hiện triệu chứng co cứng chân tya, rúm người lại sau khi bị mẹ đấnh. Từ đó đến nay hay xuất hiện các cơn như thế sau mỗi lần sợ hãi. Đầu tháng 3/2006, trẻ bị viêm ruột thừa phải mổ. Sau mổ một tuần trẻ đi học, rơi vào kỳ thi giữa kỳ, trẻ mệt mỏi, sức khoẻ yếu đi ở những tiết cuối. Trẻ hay chóng mặt, buồn nôn. Ngày 10/03/2006, trẻ bị tức ngực, khó thở, ngất xỉu ngay tại cầu thang của trường học, gia đình đã đưa trẻ đi cấp cứu tại bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ cho thở oxy và chẩn đoán trẻ bị thiếu canxi. Đến ngày 12/03/2006, cơn tức ngực khó thở lại xuất hiện, lần này kèm theo cả cơn co giật toàn thân. Sự việc làm cho gia đình trẻ vô cùng lo lắng, bố mẹ trẻ quyết định đưa trẻ đi khám ở viện Nhi Trung ương. Trẻ được đưa vào khoa Tâm bệnh – viện Nhi trung ương để khám. Trẻ được chẩn đoán là rôi loạn phân ly. Khi vào khoa trẻ biểu hiện những triệu chứng sau: - Khó thở, tức ngực. - Buồn nôn, chóng mặt. - Mệt mỏi, căng thẳng. - Run tay, co giật toàn thân. * Hoàn cảnh gia đình hiện tại: Qua tiếp xúc và hỏi chuyện trẻ, chúng tôi được biết hiện trẻ sống cùng bố mẹ, anh trai và chị dâu. Trẻ là con út trong gia đình, trên trẻ là một anh trai hơn trẻ 14 tuổi, anh trai mới lập gia đình. Bố trẻ đã về hưu nhưng vẫn đi làm thêm ở một nhà máy, mẹ trẻ đã về hưu ở nhà nội trợ. Kinh tế gia đình trẻ đủ ăn. 2.2.5.2. Hỏi chuyện lâm sàng: * Tiếp xúc ban đầu: Chúng tôi không có điều kiện được gặp trẻ khi trẻ điều trị nội trú tại khoa Tâm bệnh. Chúng tôi tiếp xúc với trẻ sau khi trẻ ra viện. Tuy đã ra viện nhưng mỗi tuần một lần trẻ vẫn đến khoa trị liệu tâm lý (có bố hoặc mẹ đi cùng). Trong một lần trẻ đi trị liệu chúng tôi đã gặp trẻ, đó là ngày 06/04/2006. Từ thời gian đó thứ 5 nào chúng tôi cũng gặp trẻ. Giữa trẻ và chúng tôi đã có 4 buổi làm việc. Ấn tượng đầu tiên khi gặp trẻ là một cô bé gái đang trong tuổi dậy thì, ăn mặc chưng diện, người gầy gò, nhỏ bé hơn so với tuổi, dễ gần nhưng hung tính. Nếu có ai động chạm đến trẻ là trẻ rất dễ nổi khùng. Ngay lập tức trẻ đã rất cởi mở với chúng tôi, nói chuyện khá thoải mái, trẻ rất thích nói về chủ đề mốt thời trang, nhưng lại hơi khó khăn khi nói về vấn đề bệnh của trẻ. Tuy nhiên trẻ cũng rất thích nói chuyện với chúng tôi, và chúng tôi đã cố gắng xâu chuỗi, liên kết các sự kiện của trẻ thông qua lời kể của trẻ và bố mẹ trẻ trong những lần trẻ đến trị liệu tại khoa. * Hỏi chuyện lâm sàng: - Các yếu tố tâm lý - xã hội có liên quan đến RLPL ở bệnh nhân Nguyễn Thanh T: + Mối quan hệ giữa bệnh nhân với gia đình: a) Quan hệ với bố: Trẻ sinh ra theo đúng mong muốn của bố trẻ. Con đầu là con trai nên bố trẻ rất mong có cô con gái cho có nếp có tẻ, nhất là anh trai trẻ 14 tuổi mới sinh trẻ. Ngay từ nhỏ, trẻ đã được cả nhà cưng chiều, trẻ không phải làm bất cứ công việc nào trong gia đình. Trẻ rất hay đòi hỏi và muốn gì được nấy, bố trẻ luôn đáp ứng yêu cầu của trẻ,vì theo bố thì “có mỗi cô con gái, không chiều nó thì chiều ai”. Trẻ cũng rất yêu thương bố. Hiện nay bố đang bị bệnh vì triệu chứng khó thở, vì thế trẻ càng thương bố nhiều hơn, lúc nào cũng lo lắng cho tình trạng bệnh của bố. Tuy nhiên bố trẻ lại kỳ vọng quá cao vào trẻ, bố hy vọng trẻ sẽ học giỏi nhất lớp, lớn lên thi vào các trường đại học danh tiếng trong khi sức học của trẻ chỉ ở mức khá. Vì vậy mà đây cũng là một áp lực đối với trẻ, trẻ yêu quý bố, thích được chơi và nói chuyện với bố nhưng mỗi lần bố nhắc đến học hành là trẻ lại lẩn tránh. Do vậy mà mối quan hệ giữa trẻ và bố thỉnh thoảng cũng có khoảng cách. b) Quan hệ với mẹ: Từ nhỏ trẻ cũng được mẹ chiều chuộng, quan tâm chăm sóc hết mực. Mẹ thường thả lỏng cho trẻ muốn làm gì thì làm, ít khi để ý đến những việc trẻ làm. Nhưng từ khi trẻ chơi với bạn hư, ăn diện theo mốt thì mẹ trở nên khắc nghiệt đối với trẻ, cấm đoán trẻ, kiểm soát trẻ rất chặt. Từ đó giữa hai mẹ con nảy sinh mâu thuẫn, mẹ thì cho là một đứa trẻ hư, hỗn láo, không biết nghe lời người lớn. Còn trẻ thì trẻ rất khó chịu với mẹ, cho rằng mẹ quá nghiêm khắc, mẹ không hiểu gì về trẻ. Chính mâu thuẫn này đã làm cho hai mẹ con tách xa nhau, trẻ không còn muốn nói chuyện với mẹ, hay cãi lại mẹ. Nhưng từ khi trẻ bị bệnh thì mẹ lại trở nên nuông chiều trẻ, quan tâm và chăm sóc cho trẻ rất chu đáo, để cho trẻ tiếp tục muốn gì được nấy. c) Quan hệ với anh trai và chị dâu: Từ nhỏ trẻ với anh trai đã không hợp nhau (theo lời kể của mẹ trẻ), anh trai và trẻ hay cãi nhau tuy hai anh em hơn kém nhau tới 14 tuổi. Nhưng càng lớn thì anh càng thương em hơn. Trẻ cũng hiểu hơn và cũng bớt tranh giành với anh. Nhất là từ khi cưới vợ, có chị dâu, trẻ và chị dâu quý nhau nên hai chị em thường cùng nhau đi chơi. d) Quan hệ với ông bà nội ngoại: Bố mẹ trẻ có mâu thuẫn với ông bà nội và các bác bên nội, vì thế trẻ ít có dịp được sang ông bà chơi, bởi vậy mà trẻ cũng ít có sự gắn bó với gia đình bên nội. Ngược lại thì trẻ hay sang chơi với ông bà ngoại, ông bà rất quý trẻ. Mọi người bên ngoại đều có ảnh hưởng tích cực tới trẻ vì hai bác bên ngoại đều làm bác sĩ. Trẻ thường chơi với một chị con bác, hai chị em rất quý nhau. + Mối quan hệ giữa trẻ với bạn bè, thầy cô: Ngày học cấp I trẻ học khá và ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô. Từ khi lên cấp II, trẻ bắt đầu chơi với nhóm bạn xấu hay đánh nhau, bỏ học, cãi cô giáo. Mẹ của trẻ đã phải chuyển trường cho trẻ để tách trẻ khỏi đám bạn cũ, nhưng trẻ vẫn tiếp tục chơi với bạn hư, tiếp tục đánh nhau, không chịu học, hay bỏ học đi chơi dẫn đến việc lực học của trẻ giảm sút. Vì thế mà các thầy cô giáo rất khó chịu và chán nản đối với trẻ, các thầy cô ít quan tâm hơn đối với trẻ, cho rằng trẻ không thể khuyên bảo được nữa. Bạn bè trong lớp trẻ thì có người ghét, có người sợ, không ai dám chơi với trẻ, vì các bạn đều sợ trẻ sẽ đem phiền toái đến cho mọi người. Trẻ chỉ có những người bạn duy nhất là những trẻ hay đánh nhau, bỏ học mà trẻ đang chơi. - Kết quả một số trắc nghiệm tâm lý: a) Trắc nghiệm CBCL: Trắc nghiệm được chúng tôi tiến hành trên cả trẻ và mẹ của trẻ. Hai mẹ con khá hợp tác với chúng tôi trong suốt quá trình làm trắc ngiệm: -> Bộ câu hỏi giành cho cha mẹ: điểm trắc nghiệm là 97 điểm, có rối loạn hành vi cảm xúc. Chúng tôi nhận thấy mẹ của trẻ tập trung câu trả lời nhiều nhất vào khu vực hành vi công kích “cãi nhau”, “bắt nạt người khác”, “đòi được chú ý”, “không nghe lời thầy cô”, “đánh nhau”, “bướng”, “hay thay đổi cảm xúc”. Tiếp theo là khu vực phàn nàn về các triệu chứng cơ thể như “đau nhức cơ thể”, “buồn nôn”, “hoa mắt, chóng mặt”. Mẹ của trẻ cũng tập trung vào khu vực lo âu – trầm cảm, thu mình, các vấn đề xã hội: “không được yêu quý”, “căng thẳng, lo lắng”, “không được mến”. -> Bộ câu hỏi cho trẻ tự ghi: điểm trắc nghiệm là 85 điểm, có rối loạn hành vi cảm xúc. Trẻ thường tập trung câu trả lời vào các khu vực lo âu – trầm cảm, các vấn đề xã hội, phàn nàn đau cơ thể, hành vi công kích, rối loạn chú ý như “đau nhức cơ thể”, “cô đơn”, “lo lắng, căng thẳng”, “bồn chồn, hoảng sợ”, “không được mến”, “không vâng lời’. b) Trắc nghiệm trầm cảm Beck: Trẻ cũng hợp tác với cúng tôi khi làm trắc nghiệm Beck, kết quả là trẻ được 23 điểm, mức độ trầm cảm nặng. Chúng tôi nhận thấy mỗi câu trả lời của trẻ hầu hết đều ở mức 1 – 3 điểm, chỉ có 4 câu ở mức 0 điểm. Trẻ tập trung vào các câu nói về cảm xúc, cảm giác, về suy nghĩ “tôi cảm thấy u sầu hoặc buồn”, “tôi thấy nản lòng về tương lai”, “khi nghĩ về quá khứ tôi thấy quá khứ của mình là một chuỗi thất bại”, “tôi thấy thất vọng về mình”, “tôi dễ mệt mỏi hơn trước”, “tôi ăn không thấy ngon hơn trước”. c) Trắc nghiệm lo âu Zung: Điểm trắc nghiệm là 39 điểm, ở ranh giới của lo âu bệnh lý. Các câu trả lời của trẻ tập trung nhiều vào phần “đôi khi” với các câu “tôi cảm thấy nóng nẩy và lo hơn thường lệ”, “tay và chân tôi lắc lư và run lên”, “tôi cảm thấy yếu và dễ mệt mỏi”, “tôi đang khó chịu và có cơn hoa mắt chóng mặt”, “tôi có cơn ngất và cảm thấy gần như thế”, “tôi đang khó chịu vì đau dạ dày và đầy bụng”. d) Trắc nghiệm vẽ tranh: Trẻ vẽ khá đẹp, bức tranh có màu sắc tươi sáng, trẻ phối màu rất đẹp. Bức tranh có một bố cục gọn gàng. Tranh của trẻ vẽ chủ đề gia đình: một con đường, cạnh đó có một đầm sen, có rất nhiều cây cối, và có một ngôi nhà với 4 người. Trẻ giải thích bức tranh cho chúng tôi, con đường đó là con đường dẫn vào nhà trẻ, còn đầm sen là của nơi trẻ đang sống. Trẻ vẽ bố, mẹ, anh trai và trẻ. Khi tôi hỏi “thế chị dâu của em đâu”, trẻ ngập ngừng một lúc và nói “chị đi làm”. e) Ba điều ước và ba điều lo sợ: -> Ba điều trẻ mơ ước: + Mong bố khoẻ lại, không phải thở bằng máy nữa. + Muốn bố không bị đau đớn khi cơn khó thở của bố đến. + Sớm được đi học và mẹ sẽ không còn lo lắng về bố và trẻ nữa. -> Ba điều trẻ lo sợ: + Sẽ không bao giờ nhìn thấy bố nữa. + Bố sẽ không thể chữa khỏi bệnh. + Trẻ sẽ bị khó thở và trẻ sẽ phải vào viện lần nữa. 2.2.5.3. Phân tích, lý giải những nguyên nhân dẫn đến RLPL ở trẻ: Nguyễn Thanh T. là một trong những trường hợp điển hình cho các triệu chứng của RLPL. Các triệu chứng của trẻ rất rõ rệt: đau ngực, khó thở, có cơn ngất xỉu, có cơn co giật. Nghiên cứu các yếu tố tâm lý – xã hội dẫn đến RLPL ở trẻ đã cho chúng tôi một cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề của trẻ. Phải nói là ngay từ khi sinh ra bố mẹ trẻ đã có tư tưởng chiều chuộng trẻ, vì thế trẻ được nuông chiều từ bé, nên rất hay đòi hỏi, trẻ muốn gì là phải có cái đấy, nếu không trẻ sẽ làm ầm ĩ lên. Vì là con gái duy nhất nên cả nhà dồn hết yêu thương cho trẻ, trẻ nhận ra mình trở thành một người quan trọng, ai cũng phải quan tâm tới trẻ. Trẻ là một đứa trẻ bướng bỉnh, thích chưng diện, để ý chăm chút bề ngoài, thích được mọi người chú ý đến mình. Chính do sự cưng chiều đó mà dẫn trẻ đến việc lên học cấp II, trẻ giao du và chơi với bạn xấu, lúc đó thì mẹ trẻ từ việc nuông chiều chuyển sang nghiêm khắc, khắt khe với trẻ, kiểm soát chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt học tập của trẻ. Trẻ cảm thấy rất bức bối, khó chịu. Từ một đứa trẻ tự do, bây giờ chịu sự giám sát của mẹ, trẻ cảm thấy ấm ức, trẻ thường xuyên cãi lại mẹ, chống đối mẹ. Mâu thuẫn giữa hai mẹ con ngày càng gay gắt. Mẹ cho là trẻ hỗn láo, còn trẻ thì cho rằng mẹ không hiểu gì về trẻ, mẹ quá khắt khe với trẻ, mẹ chỉ biết áp đặt mà không tìm hiểu xem trẻ đang nghĩ gì, đang muốn gì “mẹ em không thể hiểu được em, mẹ không bao giờ để ý đến suy nghĩ của em mà chỉ biết áp đặt thôi. Em thấy buồn lắm”. Xung đột giữa hai mẹ con trẻ liệu có phải là nguyên nhân làm xuất hiện những triệu chứng bệnh của trẻ? Cách cư xử của mẹ trẻ là không thống nhất, đi ngược lại với tâm lý lứa tuổi dẫn đến những xung đột giữa hai mẹ con và cả những xung đột trong bản thân trẻ. Những ấm ức, xung đột dồn ấy nén lại và đến khi gặp những điều kiện thuận lợi thì phát sinh. Một yếu tố thuận lợi nữa có ảnh hưởng đến việc làm xuất hiện RLPL, đó là khi mắc một bệnh cơ thể, mà ở đây trẻ mới mổ viêm ruột thừa. Có những lý giải cho vấn đề này như sau: đôi khi do mắc một bệnh cơ thể, hệ thần kinh bị suy yếu có thể làm xuất hiện RLPL ngay cả trên một người có xu hướng tính cách mạnh. Qua tiếp xúc chúng tôi nhận thấy trẻ là một người khá mạnh mẽ, ngang bướng, bạo dạn nhưng từ sau khi mổ ruột thừa trẻ luôn “cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, thu mình lại” (theo lời kể của mẹ). Tuy trẻ được cả gia đình quan tâm, chiều chuộng, nhưng bố của trẻ lại rất kỳ vọng vào trẻ, bố luôn đặt niềm hi vọng của mình vào trẻ – cô con gái duy nhất. Bố trẻ luôn mong ước con mình học thật giỏi, về sau thi đỗ đại học y giống các bác bên nhà ngoại, làm đến chức này, chức kia. Sự kỳ vọng quá mức của bố trẻ vào trẻ mà không hề xem xét khả năng thực sự của trẻ đã tạo nên sang chấn tâm lý đối với trẻ. Trẻ yêu quý bố, thích được chơi với bố nhưng trẻ lại rất sợ mỗi khi bố nhắc đến chuyện học hành “em sợ nhất là mỗi khi bố nói đến chuyện học của em, em thấy áp lực đối với mình quá nặng nề”. Sự kỳ vọng của bố vào trẻ đã gây nên một áp lực tâm lý cho trẻ, và đây là một nhân tố thúc đẩy RLPL ở trẻ. Đối với những đứa trẻ bị RLPL thì cần phải tách chúng ra khỏi “đám khán giả” của chúng. Nếu chúng ta quá lo lắng đến những triệu chứng bệnh của trẻ chỉ càng khiến cho bệnh của trẻ nặng hơn. Bố mẹ T. là một trường hợp điển hình, mỗi khi trẻ có cơn là cả nhà lại sợ hãi, nhất là mẹ của trẻ. Cả gia đình cùng quan tâm và lo lắng quá mức cho trẻ, để ý đến từng biểu hiện nhỏ của trẻ. Mỗi khi trẻ có cơn là cả gia đình lại căng thẳng. Trẻ hiểu rằng khi bị bệnh là lúc cả nhà quan tâm đến trẻ nhiều nhất, được sự săn sóc từ phía gia đình nhiều nhất. Vậy đây có phải là một nguyên nhân nữa khiến cho việc xuất hiện các triệu chứng RLPL nhiều hơn. Trong gia đình người mà trẻ thương nhất là bố, trẻ rất lo cho bệnh hen phế quản, khó thở của bố. Trẻ cũng có cơn khó thở giống bố nên mỗi lần trẻ bị khó thở cả nhà lại đưa trẻ vào bệnh viện thở oxy vì ai cũng nghĩ đây là bệnh có tổn thương thực thể. Ai cũng sợ trẻ sẽ bị bệnh giống bố. Việc bố là người có tác động đến trẻ nhiều nhất, rồi trẻ lại chịu những tác động ám thị từ bên ngoài, điều này đã gây bất lợi không nhỏ cho trẻ, trẻ cũng nghĩ rằng mình đang bị giống bệnh của bố, trẻ tự ám thị cơn của mình. Trẻ rất lo lắng cho bệnh tật của bố, trẻ nghĩ rằng bố bị như vậy là do trẻ. Điều này đúng với những gì trẻ viết trong 3 điều lo sợ và qua những gì trẻ tâm sự với chúng tôi: “em không muốn bố bị bệnh như vậy đâu. Em sợ mình bị bệnh giống bố lắm, em khó thở thế này chắc là do em bị di truyền từ bố”. Tính ám thị và tự ám thị ở trẻ là rất cao, trẻ cho rằng bệnh tật của bố đang truyền lại cho trẻ, trẻ sẽ phải nằm viện và thở oxy suốt ngày. Quan niệm của gia đình trẻ về bệnh của trẻ rất khác nhau, không có sự thống nhất. Bố thì nghĩ bệnh của trẻ rất nặng, khó chữa khỏi được. Mẹ thì hiểu được bệnh của trẻ là do căn nguyên tâm lý, nhưng những lúc trẻ có cơn thì lại lo lắng, luống cuống và sợ hãi. Chính do sự mất bình tĩnh của mẹ cộng với sự lo lắng thái quá của bố đã làm cho bệnh của trẻ thường tái phát. Nếu không có được sự xử trí kịp thời, bình tĩnh thì vô tình người mẹ đã làm tăng cơn của trẻ và sẽ rất khó cho quá trình trị liệu cho trẻ. Và nếu không nhận thức đúng về tình trạng bệnh của trẻ, không có cách ứng xử thích hợp khi trẻ có cơn phân ly thì các sang chấn đó tiếp tục kéo dài, và đó sẽ là nhân tố thúc đẩy quá trình phát sinh bệnh của trẻ. 2.2.5.4. Trị liệu tâm lý: Các cán bộ tâm lý khoa Tâm bệnh đã sử dụng liệu pháp tâm lý ám thị để cắt cơn. Cho trẻ tập thư giãn hàng ngày để giảm triệu chứng cơ thể. Nói chuyện với trẻ để trẻ bộc lộ những vướng mắc trong suy nghĩ, tình cảm của bản thân. Yêu cầu trẻ một tuần đến khoa Tâm bệnh một lần để củng cố. Trẻ và gia đình rất hợp tác trong suốt quá trình trị liệu. Đối với bố mẹ trẻ thì nói chuyện với mẹ trẻ để mẹ trẻ hiểu được cách ứng xử của mẹ với trẻ. Mẹ cần phải hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi để từ đó điều chỉnh cách ứng xử sao cho phù hợp với trẻ. Gia đình phải nhận thấy các triệu chứng của trẻ là cơ năng để biết cách xử trí. Xác định cho bố mẹ trẻ thấy được khả năng của trẻ để gia đình đặt ra kỳ vọng về học tập của trẻ sao cho phù hợp. Sau thời gian điều trị nội trú lẫn ngoại trú, các triệu chứng của trẻ giảm dần, sau thì hết hẳn. Trẻ đi học bình thường, đã ít khuyết điểm hơn. Trẻ đã biết cố gắng ăn uống để bồi bổ cơ thể. Không khí gia đình trẻ bớt căng thẳng, không còn quan trọng hoá tình trạng của trẻ. 2.3. Một vài nhận định, đánh giá về các ca bệnh RLPL được khám và điều trị tại khoa Tâm bệnh - viện Nhi Trung ương: 2.3.1. Về đối tượng nghiên cứu: - Trong nghiên cứu của chúng tôi thì độ tuổi lớn nhất là 14 tuổi, nhỏ nhất là 9 tuổi. Chúng tôi nhận thấy lứa tuổi 12 – 15 (giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì) chiếm tỉ lệ cao hơn so với lứa tuổi 8 – 11 tuổi (giai đoạn tiểu học): có 12 trẻ thì có 2/12 trẻ ở độ tuổi 8 – 11 tuổi, còn 10/12 trẻ ở độ tuổi từ 12 – 15 tuổi. Kết qủ này cũng phù hợp với các nghiên cứu trước đây như của Quách Thuý Minh và cs thì độ tuổi trung bình là 11 tuổi, Pehlivanturk có độ tuổi trung bình là 13 tuổi [17]. - Bệnh nhân nữ mắc RLPL cao hơn nam, tỷ lệ là 8 trẻ gái/4 trẻ trai = 2/1. Tuy nhiên tỉ lệ giữa hai giới còn phụ thuộc vào lứa tuổi: nhóm tuổi 8 – 11 tuổi tỉ lệ nam nữ tương đương nhau = 1/1, còn nhóm tuổi 12 – 15 tuổi thì tỉ lệ nữ cao hơn nam, cụ thể là trong nghiên cứu của chúng tôi nhóm tuổi 12 – 15 có 3etrer trai nhưng có đến 7 trẻ gái. Có lẽ nguyên nhân của sự khác biệt này là do ở lứa tuổi tiền dậy thì, nhân cách của đứa trẻ mới bắt đầu hình thành, chưa có sự khác biệt nhiều giữa hai giới trong khi ở lứa tuổi dậy thì đã có sựkhác biệt trong nhân cách giữa trẻ nam và trẻ nữ. - Số bệnh nhân chúng tôi gặp đa số là người Kinh, chỉ có một trẻ là người dân tộc Tày, và hầu hết bệnh nhân đều sống ở nông thôn, chỉ có 2/12 trẻ sống ở thành thị. - Trong nghiên cứu này, chúng tôi gặp chủ yếu là học sinh khá giỏi, chỉ có 2/12 trẻ có học lực trung bình và kém. Qua kết quả trên có thể thấy ở những học sinh khá giỏi, áp lực học tập cũng như sự kỳ vọng của cha mẹ đối với trẻ lớn hơn những trẻ khác, là các yếu tố sang chấn dễ gây RLPL. - Qua nghiên cứu chúng tôi thấy hầu như trẻ bị RLPL đều là con út hay con một trong gia đình, có đến 9/12 trẻ là con út và con một, 1/12 trẻ là con thứ, 2/12 trẻ là con cả. RLPL thường xảy ra ở con út hay con một vì trẻ thường được nuông chiều, bao bọc quá mức nên hay có xu hướng tính cách yếu. - Các trẻ bị RLPL hầu hết kinh tế gia đình là ở mức trung bình, chỉ có 1/ 12 trẻ là gia đình khá giả. Theo chúng tôi điều kiện kinh tế khó khăn cũng là một nhân tố làm nảy sinh RLPL. - Có một tỷ lệ lớn trẻ bị RLPL được cha mẹ nuông chiều, bảo bọc quá mức, là điều kiện để trẻ phát triển nhân cách yếu, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, kém thích nghi, thích mình luôn là trung tâm chú ý của mọi người trong gia đình. - Xu hướng tính cách cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến RLPL. Một xu hướng tính cách tiền bệnh lý đối với RLPL là: xu hướng tính cách yếu, loại hình thần kinh nghệ sĩ. Đối với trẻ em nét tính cách nhi hoá, thích được mọi người quan tâm chú ý là một yếu tố tiền bệnh lý. - Trong nghiên cứu này có 2/12 trẻ đã điều trị trên 2 lần RLPL, còn 10/12 trẻ được điều trị lần đầu. - SCTL được coi là một yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đối với trẻ và nó là một trong ba tiêu chuẩn để chẩn đoán RLPL. Các loại hình SCTL đứng hàng đầu là các vấn đề về gia đình như người trong gia đình bị mất, bố mẹ đánh mắng ngược đãi hay quá kỳ vọng ở con cái. Tiếp đó là trường học, bạn bè như bị trêu chọc. Các vấn đề về bản thân trẻ cũng rất quan trọng như bị bệnh nội tiết, nghi ngờ mắc bệnh nặng như bệnh tim. 2.3.2. Về đặc điểm lâm sàng: - Tính chất khởi phát bệnh của trẻ thường là đột ngột ngay sau sang chấn hay sau một thời gian “ngấm sang chấn”. Các triệu chứng khởi phát đầu tiên là đau đầu, khó thở, tức ngực, co giật, ngất xỉu. - Các triệu chứng chúng tôi gặp trong nghiên cứu này rất đa dạng, chủ yếu là các biểu hiện triệu chứng cơ thể. Trong đó các biểu hiện hay gặp đó là đau đầu, đau lưng, đau ngực, khó thở, co giật, tê tay chân, có trường hợp bị rối loạn phát âm. - Các triệu chứng lâm sàng thường phối hợp 2 – 3 triệu chứng với nhau như: co giật + run tay, co giật + ngất, cảm giác khó thở + ngất, co giật + đau đầu. Những sự phối hợp triệu chứng trên đã tạo nên bệnh cảnh phức tạp, rất dễ để các bác sĩ lâm sàng chẩn đoán nhầm thành bệnh cơ thể. - Theo nghiên cứu của chúng tôi thì thể co giật phân ly là biểu hiện cơn phân ly. Cơn co giật thường kéo dài, có khi đến vài chục phút. Tuy cơn co giật kéo dài nhưng bệnh nhân vẫn ý thức nhận biết được xung quanh, vẫn biết có người thân ở bên cạnh - Các bệnh cơ thể là một yếu tố thuận lợi làm phát sinh RLPL. Đôi khi do mắc một bệnh cơ thể, hệ thần kinh bị suy yếu có thể làm xuất hiện RLPL, kể cả trên người có nhân cách mạnh: có 1/ 12 trường hợp trong nghiên cứu này có bệnh cơ thể, đó là bệnh nhân mới mổ ruột thừa được hơn 1 tuần. PHẦN THỨ BA: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 3.1. Kết luận: Qua nghiên cứu thực tế trên 12 trẻ bị RLPL và qua các hồ sơ lưu của trẻ đã từng điều trị RLPL tại khoa Tâm bệnh – viện Nhi Trung ương, chúng tôi rút ra một số kết luận sau: + Triệu chứng lâm sàng của RLPL ở trẻ em hầu hết khởi phát sau những sang chấn tâm lý trường diễn hoặc cấp tính. Các triệu chứng đầu tiên là đau đầu, đau ngực, cơn co giật (tay hoặc toàn thân). Biểu hiện RLPL thường phối hợp 2, 3 triệu chứng với nhau như co giật + run tay chân. + Triệu chứng lâm sàng đa dạng, chủ yếu là co giật, rối loạn phát âm, đau bụng, đau đầu. Các triệu chứng liệt, câm, mù, điếc phân ly... ít gặp ở trẻ em. Rối loạn tâm thần chủ yếu là rối loạn cảm xúc và thường phối hợp với các biểu hiện cơ thể. + Xu hướng tính cách yếu, loại hình thần kinh nghệ sĩ, nét tính cách nhi hoá, xu hướng tính cách hướng ngoại chiếm tỉ lệ cao trong những trẻ bị RLPL. + Các xét nghiệm đều không tìm thấy tổn thương thực thể. Các trắc nghiệm tâm lý cho thấy các bệnh nhân có lo âu, trầm cảm, có biểu hiện rối loạn cảm xúc hành vi. Trong số 12 ca bệnh có 7 ca có rối loạn cảm xúc hành vi. + Trong 12 ca bệnh thì tuổi thấp nhất là 9 và cao nhất là 14. Tỉ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, tỉ lệ nam/nữ = 4 trẻ trai/ 8 trẻ gái = 1/2. + RLPL ở trẻ em ngày càng phát triển và duy trì do ảnh hưởng bởi cách giáo dục, nuôi dưỡng và tâm lý của cha mẹ: chiều chuộng, lo lắng bảo vệ quá mức, hay ngược lại quá nghiêm khắc, đòi hỏi cao đối với trẻ, ít quan tâm, ngược đãi. + Sự kém thích nghi của trẻ đối với môi trường xung quanh, cùng với sự kém thích nghi với môi trường xã hội trong những năm đến trường của trẻ. + Yếu tố làm phát triển và phát sinh RLPL ở trẻ em hầu hết đều là do các yếu tố tâm lý – xã hội gây stress, trong đó liên quan đến những stress kéo dài, stress cấp tính. Yếu tố sang chấn tâm lý gặp ở trẻ em chủ yếu xuất phát từ gia đình và nhà trường và có liên quan chặt chẽ đến RLPL ở trẻ em. + Áp dụng liệu pháp tâm lý ám thị, liệu pháp hành vi – nhận thức, liệu pháp thư giãn cho kết quả cao trong điều trị RLPL ở trẻ em. Đối với cha mẹ thì liệu pháp gia đình là có hiệu quả nhất. Tuy nhiên để thực sự đạt được kết quả trị liệu như mong muốn thì cần có sự hợp tác tham gia đồng thời và tích cực của cả trẻ em và gia đình. 3.2. Kiến nghị: + Với việc ngày càng xuất hiện nhiều bệnh do căn nguyên tâm lý, trong đó có RLPL, đòi hỏi xã hội cần quan tâm hơn nữa tới những căn bệnh này. Đặc biệt đối với trẻ em thì chúng ta càng cần phải chú ý đến nhiều hơn nữa, vì việc trẻ mắc các bệnh rối nhiễu tâm lý sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của trẻ. + Có chương trình giáo dục thích hợp trong thông tin đại chúng về sự phát triểm tâm sinh lý lứa tuổi đến gia đình, nhà trường, cơ quan đoàn thể làm công tác trẻ em, từ đó giúp họ phát hiện sớm những rối nhiễu tâm lý ở trẻ. + Cần tổ chức các phòng tư vấn tâm lý gia đình từ cấp phường xã, hướng dẫn cha mẹ phương pháp giáo dục con, giúp đỡ cha mẹ giải đáp những băn khoăn khi con cái họ gặp vấn đề. + Tổ chức giáo dục, tuyên truyền phòng bệnh cho gia đình và cho cả trẻ em, vì trẻ em là đối tượng mà nhân cách còn đang hình thành, gia đình và nhà trường cần rèn luyện nhân cách cho trẻ như có lý tưởng, chịu đựng được gian khổ, biết kiềm chế bản thân, giáo dục tình đoàn kết thân ái. + Các địa phương, đoàn thể, trường học phải có các hoạt động vui chơi, có các trò chơi để lôi kéo các em tham gia vào các hoạt động, tạo sự chủ động, tự tin trong sinh hoạt và giao tiếp với mọi người xung quanh. + Việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho trẻ phải được chú ý từ rất sớm, đặc biệt cần phải chú ý đến cách ứng xử tâm lý của cha mẹ trong quan hệ gia đình như quá nghiêm khắc, quá nuông chiều, quá thờ ơ với con chỉ đến khi con bị bệnh mới quan tâm tới con. Nên hạn chế các mâu thuẫn, xung đột, các stress mãn tính, stress cấp tính trong gia đình của trẻ, đồng thời phải tránh cho trẻ phải đối phó với những sang chấn tâm lý mạnh từ trường học, môi trường xã hội khiến các em căng thẳng, lo âu, sợ hãi. + RLPL có những biểu hiện giống bệnh thực thể vì vậy các nhà tâm lý cũng như các nhà chuyên môn phải nắm được các đặc điểm lâm sàng để có được hướng điều trị phù hợp. + RLPL liên quan nhiều đến các yếu tố về mặt tâm lý, lứa tuổi, xu hướng tính cách nên vì thế các bậc cha mẹ và các nhà chuyên môn cần có những xử lý phù hợp cho từng trẻ, nắm vững tâm lý lứa tuổi để có thể hạn chế tối đa những rối loạn này. + Khi trẻ có RLPL gia đình cần phải bình tĩnh xử lý tránh sự tái phát của cơn. + Chúng ta phải đào tạo nhiều hơn nữa những cử nhân, thạc sĩ tâm lý chuyên về lâm sàng trẻ em, cần phải đào tạo kép cho cả y, bác sĩ nắm được các phương pháp tâm lý, các phương pháp trị liệu nhằm giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi bệnh tật, tránh tái phát bệnh, hoà nhập lại với cuộc sống một cách tốt hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG VIỆT: Bài giảng tâm thần học, Các rối loạn liên quan đến stress, Bộ môn tâm thần – Trường ĐH Y Thái Nguyên, 1999. Võ Văn Bản, Thực hành điều trị tâm lý, Nhà xuất bản Y học Hà Nội, 2002. H.N.Barte, Nguyễn Việt, Bệnh học tâm thần thực hành, Nhà xuất bản Y học. Paul Bennet, Tâm lý học dị thường và lâm sàng. Sidney Bloch & Bruce S.Singh, Cơ sở của lâm sàng tâm thần học, Nhà xuất bản Y học. David Stafford – Clark, Freud đã thực sự nói gì, Nhà xuất bản thế giới, 1998. Nguyễn Đăng Dung, Bệnh tâm căn Hysteria. Nguyễn Văn Đồng, Tâm lý học phát triển, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 2004. Jo. Godefroid, Những con đường của tâm lý học (tập 3), Tủ sách N- T, 1998. Phạm Minh Hạc, Lê Khanh, Trần Trọng Thuỷ, Tâm lý học tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 1988. B.R.Hergenhahn, Nhập môn lịch sử tâm lý học, Nhà xuất bản Thống kê. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thăng, Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia. Học viện Quân y 103, Bệnh học tâm thần. Nguyễn Công Khanh, Tâm lý học trị liệu, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia, 2000. Đặng Phương Kiệt, Nguyễn Khắc Viện, Tâm lý học và đời sống, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1994. Patricia H.Miler, Các thuyết về tâm lý học phát triển, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin. Quách Thuý Minh & cộng sự, Tìm hiểu các rối loạn tâm lý ở 79 bệnh nhân tại khoa Tâm bệnh – Viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em 1991 – 1993, Kỷ yếu công trình Nhi khoa. Vũ Thị Nho, Tâm lý học phát triển, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội. Nghiên cứu khoa học, Tâm lý tuổi hoa, Đại học Y tế cộng đồng. Nguyễn Sinh Phúc, Tâm bệnh học người lớn, Học viện quân y 103. Tạp chí “Bác sĩ gia đình”, tháng 5/2005. Tóm tắt hệ thống phân loại bệnh quốc tế ICD và hệ thống phân loại bệnh của Hiệp hội tâm thần Hoa Kỳ DSM. Trung tâm nghiên cứu trẻ em, Tâm bệnh lý trẻ em, Nhà xuất bản Thế Giới, 1995. Hoàng Cẩm Tú, Tập bài giảng “Phát triển tâm vận động trẻ em”. Nguyễn Quang Uẩn, Tâm lý học đại cương, Nhà xuất bản ĐHQGHN. Nguyễn Việt, Tâm thần học, Nhà xuất bản Y học, 1994. Nguyễn Khắc Viện, Từ điển tâm lý học, Nhà xuất bản Thế Giới, 1995. WHO, Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi, Tổ chức Y tế Thế Giới, Nhà xuất bản Y học, 1992. Trần Đình Xiêm, Tâm thần học, Đại học Y dược TPHCM. Trần Thị Kim Xuyến, Gia đình và những vấn đề của gia đình hiện đại, Nhà xuất bản Thống kê. TIẾNG ANH: Achenbach T.M, Manual for the child Behaviour check list, University Vermont Department of Psychiatry, 1991. DSM – IV T.M (1996), Diagnostic Criteria American Psychiatrc Association Washington DC. Kaplan and Sadock ’s (1998), Anxiety Disorders, Synopsis of Psychiatry. Behavioral sciences/ Clinical. Psychiatry – Eighth adition. Robert A.Baron, Psychology. Robert B.Taylor, Family Medicine, Principles and Practice. TIẾNG PHÁP: 36. Jean Ménéchal, Introduction à la psychothologie. LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn Ban chủ nhiệm khoa Tâm lý học đã tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình học tập lý thuyết cũng như thực hành tại khoa. Tôi cũng xin cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của tập thể giáo sư - bác sĩ khoa Tâm bệnh – Viện Nhi Trung ương trong quá trình tôi thực hiện đề tài khoá luận tại khoa. Đặc biệt tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thuý – cán bộ tâm lý khoa Tâm bệnh – Viện Nhi Trung ương là người đã trực tiếp hướng dẫn tận tình cho tôi trong quá trình học tập và hoàn thành khoá luận tốt nghiệp này. Tôi xin cảm ơn toàn bộ cha mẹ và các cháu đã hợp tác cùng tôi khi thực hiện đề tài khoá luận. Cuối cùng tôi xin cảm ơn: Gia đình, bạn bè, những người xung quanh đã giúp đỡ, động viên tôi về mọi mặt trong thời gian học tập cũng như làm khoá luận tốt nghiệp Hà nội ngày 1 tháng 5 năm 2006 Sinh viên Đỗ Thị Minh Phương MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTLH (15).doc
Tài liệu liên quan